Một Nắm Lúa Mạch - ....
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
172


Một Nắm Lúa Mạch


....



1

Trên tàu trở về Baydon Heath, thanh tra Neele bỏ không điền ô chữ trên tờ Thời báo nữa. Không thể tập trung được đầu óc, ông chuyển sang đọc tin tức: động đất ở Nhật Bản, tìm thấy mỏ uraniom ở Tanganyika, phát hiện một xác chết trên bãi biển Southampton; công nhân cảng đình công… Chẳng có gì đáng chú ý, ông lại chúi đầu vào ô chữ.

Lúc xuống tàu, ông đã quyết. Vừa đặt chân tới Yewtree Lodge, ông cho gọi trung sĩ Hay:

– Bà cô vẫn còn đây chứ?

– Cô Marple ấy ạ? Vẫn còn.

– Tôi muốn gặp.

– Thưa, vâng.

Mấy phút sau, cô Marple vào gặp thanh tra trong phòng sách. Má cô đỏ ửng, cô có vẻ hụt hơi.

– Ông thanh tra, ông muốn gặp tôi? Chắc ông đợi tôi hơi lâu… Vì trung sĩ Hay tìm tôi không thấy. Tôi đang ở dưới bếp, nói chuyện với bà Grump. Tôi khen bánh của bà ngon. Chiếc bánh bà làm tối qua thật tuyệt. Ấy, phải nói cái người ta thích rồi mới lân la nói chuyện khác được. Tất nhiên, với ông, khó làm hơn. Ông là cứ phải đi ngay vào vấn đề mình muốn. Còn bà già như tôi thì khác! Tôi có thì giờ… và để tranh thủ một bà nấu bếp, thì không gì bằng là khen bà làm bánh giỏi. Mà bánh của bà ngon thật chứ!

– Tôi đoán cô muốn bà Grump nói về Gladys Martin?

– Tất nhiên.

– Bà ấy có nói được gì đáng chú ý không?

– Có. Không phải nói về cái chết của nó, mà về những gì nó nói ít lâu nay. Thật thà mà nói, tôi có cảm tưởng đã thấy sáng ra trong chuyện này. Ông có đồng ý không?

– Có và không – Neele đáp.

Trung sĩ Hay đã rút lui. Neele hài lòng, vì không muốn anh ta nghe những gì ông sắp nói.

– Cô Marple, tôi muốn nói chuyện thật nghiêm chỉnh.

– Tôi nghe.

– Cô và tôi mỗi người đại diện cho một cách nhìn khác nhau. Ở Sở, tôi đã nghe nói nhiều về cô, ở đó người ta rất biết cô…

Cô Marple nghiêm nét mặt :

– Không hiểu tại sao, nhưng đúng là tôi hay bị dính vào các vụ hình sự, nhiều khi chẳng liên quan đến tôi.

– Người ta đánh giá cô rất cao.

– Ô, ngài Henri Chihering ở đó là bạn thân lâu năm của tôi…

– Tóm lại, cô và tôi có cách nhìn khác nhau, một đằng là lôgich thông thường, một đằng là…

Cô Marple khẽ nghiêng đầu:

– Ông nói gì, tôi chưa hiểu.

– Xin được giải thích. Có một cách lôgich, bình thường, để nhìn vấn đề. Vụ án thứ nhất có lợi cho ai, cho một người nào cụ thể. Vụ thứ hai cũng có lợi cho người ấy.

Còn vụ thứ ba, có thể nói chỉ là vụ giết người nhằm “giữ an toàn”.

– Nhưng theo ông, vụ thứ ba là vụ nào?

Trong đôi mắt trong trẻo của bà cô, Neele thấy có một ánh tinh quái.

– Tôi cũng đang tự hỏi. Hôm nọ, nói chuyện với Cục trưởng, tôi bỗng cảm giác có cái gì không “khớp”. Đúng rồi. Tôi nghĩ đến cái bài đồng dao ấy: hoàng thượng ở trong kho, hoàng hậu ở nhà, và cô hầu phơi áo…

– Thứ tự trong bài là như vậy, nhưng thực tế có vẻ Gladys bị giết trước bà Fortescue, chứ không phải sau. Ông có nghĩ vậy không?

– Tôi cho điều ấy là chắc chắn. Xác Gladys tìm thấy muộn, ngay lúc đó khó xác định chết vào lúc nào, nhưng bây giờ có thể khẳng định là vào khoảng năm giờ. Nếu không…

Cô Marple tiếp luôn câu nói:

– Nếu không, cô ấy đã bưng khay thứ hai vào phòng sách.

– Đúng. Cô đã bưng khay thứ nhất. Cô bưng khay thứ hai, nhưng gần đến phòng sách, thì có chuyện gì xảy ra. Cô đã nhìn thấy hoặc nghe thấy cái gì. Nhưng là cái gì? Có thể là Dubois từ trên gác hai đi xuống, sau khi đã vào lục lọi phòng bà Fortescue. Có thể là Gerald Wright, vị hôn phu của Elaine, đi vào bằng cửa ngách. Mà cũng có thể là một người nào khác! Dù là ai, cái người đó đã khiến cô đi ra vườn. Cô ấy đặt khay xuống và đi theo hắn. Vậy là chỉ vài phút sau cô ta chết…

Cô Marple nói cũng hình dung các sự việc đúng như ông thanh tra, và nói thêm:

– Rõ ràng không như trong bài hát, cô không đang “phơi quần áo ngoài vườn”. Năm giờ chiều, không ai đem quần áo ra phơi, mà nếu ra cất quần áo vào, tất cô phải mặc thêm áo khoác, vì thời lạnh. Thực ra, hung thủ cố tình bố trí, nhất là về cái mắc áo cắm vào mũi, để có sự phù hợp tương đối giữa bài hát và sự thật.

– Chính ở chỗ này, tôi chưa hoàn toàn đồng ý với cô. Cái bài đồng dao ấy, nó vớ vẩn, tôi không sực nổi!

– Nhưng chính ông đã nói, mọi việc rất “khớp”?

Neele lắc đầu:

– “Khớp” nhưng không theo thứ tự. Theo bài hát, cô hầu là người chết sau cùng. Vậy mà, cô ấy lại chết trước. Bà Adèle Fortescue thở hơi cuối cùng vào khoảng, xem nào… giữa năm giờ hăm nhăm và sáu giờ kém năm. Lúc đó, Gladys đã chết.

– Vì vậy ta không cần gò vào bài hát.

Neele nhún vai :

– Có lẽ tôi đang chẻ sợi tóc làm tư. Ba người chết phù hợp với ba nhân vật của bài hát, và ta không nên đòi hỏi hơn. Cách nhìn của cô như thế chứ gì. Bây giờ tôi nói cách nhìn của tôi! Tôi không quan tâm đến chim sáo, lúa mạch và tất tần tật thứ khác, mà chỉ xét đến các sự việc, đến lý trí thông thường và những động cơ thông thường của tội phạm. Trước hết, tôi đặt câu hỏi: Rex Fortescue chết đi thì có lợi cho ai. Đáp: có lợi cho nhiều người, nhất là cho ông con cả Percival. Nhưng ông này lại vắng mặt ở Yewtree Lodge hôm xảy ra án mạng. Ông ta không thể bỏ thuốc độc và thức ăn thức uống của bố.

– Ý kiến này về sau ông đã nghĩ lại?

– Phải. Chất tắc-xin có trên bề mặt hộp mứt, và ông Fortescue đã dùng thứ mứt này. Hộp mứt ấy sau đó đã vứt đi, thay vào trong tủ là một hộp y hệt nhưng đã được hớt đi một số lượng đúng với số lượng ở hộp trước đã dùng. Đã tìm thấy cái hộp vứt đi và tôi đã cho đem đi phân tích. Rõ ràng là có chất tắc-xin.

Thanh tra ngừng một lát, rồi tiếp:

– Việc làm ăn của ông Rex Fortescue ngày càng tồi tệ. Nếu theo đúng những điều khoản trong di chúc của chồng, bà Adèle Fortescue sẽ nhận được của công ty mười vạn livrơ, thì tôi nghĩ sự phá sản là không thể tránh khỏi. Nếu bà Adèle sống sót được một tháng sau chồng, nhất định phải trả bà số tiền ấy. Còn công ty có phá sản hay không, số phận nó ra sao, bà không cần quan tâm. Nhưng bà lại chết ngay sau chồng, vậy người được lợi lớn nhất là Percival Fortescue. Thế là ta lại trở về với anh chàng này. Nhưng, cứ cho là anh ta đã cho thuốc độc vào mứt, thì không thể nào anh ta lại đầu độc bà mẹ kế và giết cô hầu Gladys được. Theo cô thư ký, chiều hôm đó, anh ta ở lì trong văn phòng mãi đến năm giờ chiều, và ta biết là đến bảy giờ mới về tới Yewtree Lodge.

– Thành ra vấn đề trở nên rắc rối, phải không?

– Rõ ràng, giả thuyết đó không đứng vững!

Giọng chua chát của thanh tra chứng tỏ ông vô cùng tiếc rẻ. Ông tiếp:

– Nhìn từ khía cạnh nào, cũng đưa đến mỗi một thủ phạm: đó là Percival Fortescue. Nhưng anh ta không thể là hung thủ! Tôi biết, còn nhiều khả năng khác, nhiều người khác cũng có động cơ.

– Ý ông muốn nói ông Dubois và chàng Gerald Wright? – Cô Marple nói – Họ cũng ở trong diện tình nghi. Cái chết có lợi cho ai, là ta phải nghi người đó. Người điều tra không được tin vào một ai.

Neele bất giác mỉm cười, khi nghe nguyên tắc đó thốt ra từ miệng một bà cô mảnh mai và hiền lành.

– Bao giờ cũng đặt ra những giả thuyết xấu nhất?

– Phải rồi! – Cô Marple nói – Tôi, là tôi làm thế. Và đáng buồn là hầu hết những trường hợp tôi cảnh giác với tất cả mọi người, lại tỏ ra là đúng!

– Vậy ta hãy giả tưởng những cái tồi tệ hơn – Neele nói – Dubois có thể là thủ phạm, Gerald Wright cũng vậy, anh này lại có Elaine Fortescue làm tay trong, trộn thuốc độc vào mứt. Bà Jennifer, vợ Percival, cũng trong diện tình nghi. Song trong số nhưng người ấy không có ai điên cả… và cái bài đồng dao ấy không có gì liên quan. Nhưng cô, cô lại cho là phải tính đến cái bài hát trẻ con ấy! Nếu cô nghĩ đúng, thì ta phải tìm hung thủ ở chỗ khác, và người đó không ai khác là bà vợ của MacKengie, bị bệnh tâm thần và đang sống ở một trại an dưỡng từ nhiều năm nay. Tất nhiên bà không thể tự tay hành động. Con trai bà, Donald, chết ở Dunkerque. Còn lại cô con gái Ruby. Nếu giả thuyết của cô đúng, nếu có một mối liên quan giữa ba vụ án với câu chuyện về cái mỏ Chim sáo, thì ắt Ruby MacKengie phải đang ở trong nhà này. Mà chỉ có một người có thể là Ruby Mackengie…

– Tôi sợ là ông hơi võ đoán – cô Marple nói.

Thanh tra Neele coi như không nghe thấy câu ấy đứng dậy và đi ra.

2

Mary Dove đang ở trong phòng khách nhỏ áp với phòng ngủ của cô, một buồng nhỏ bày biện sơ sài nhưng được chủ nhân sắp xếp trở thành ấm cúng. Cô đang soát lại sổ sách thì có tiếng gõ cửa. Cô ngẩng đầu, nói to:

– Cứ vào!

Thấy thanh tra Neele xuất hiện, cô không hề tỏ ý ngạc nhiên. Cô chỉ chiếc ghế, mời ông ngồi, và nói:

– Ông đợi tôi một chút, được không? Có vẻ như ông hàng cá lầm lẫn các con số. Để tôi kiểm tra lại, xong ngay thôi.

Neele ngồi chờ. Ông nhìn cô, thầm khen cô rất bình tĩnh, tự chủ. Ông ngắm kỹ khuôn mặt, hy vọng tìm thấy nét gì giống với mặt bà lão mà ông đã tới thăm ở nhà an dưỡng Pinewood. Nước da có lẽ giống, nhưng nét mặt khác hẳn.

Mary Dove đặt bút, quay về phía Neele:

– Thôi để sau làm nốt – Cô nói – Nào bây giờ ông cần gì tôi?

Neele nói rành rẽ:

– Cô Dove, chắc cô hiểu là vụ việc tôi đang điều tra có một số khía cạnh khá lạ lùng.

– Thật ạ?

– Trước hết, là nắm hạt lúa mạch trong túi áo ông Fortescue.

– Vâng. Quả điều đó lạ thật, tôi không giải thích nổi.

– Thế rồi, có những con sáo, bốn con đặt trên bàn ông Fortescue, rồi lại những con kẹp trong thỏi patê. Cô biết chứ?

– Có. Hồi đó tôi đã làm ở đây. Những trò đùa lố bịch, vô bổ ấy…

– Vô bổ, không hẳn đâu. Cô biết gì về khu mỏ Chim sáo?

– Lần đầu tiên tôi nghe nói đến nó.

– Cô nói tên cô là Mary Dove. Có phải là tên thật không?

Mary Dove nhướn đôi lông mày, và Neele có cảm giác mặt cô sầm xuống.

– Ông hỏi lạ! Chả lẽ ông cho tôi không phải là Mary Dove?

– Đúng vậy! Tôi nghĩ rằng tên cô là Ruby MacKengie.

Cô nhìn ông một lát, không nói gì. Vẻ mặt không thể hiện ngạc nhiên hay bất bình. Cuối cùng cô hỏi, giọng bình thường:

– Ông muốn tôi nói gì bây giờ?

– Cô hãy trả lời! Có phải tên cô là Ruby Mackengie?

– Tôi đã nói tên tôi là Mary Dove.

– Cô chứng minh được không?

– Ông muốn xem giấy khai sinh của tôi ?

– Điều ấy không quan trọng. Cô có thể lấy giấy khai sinh của một người tên Mary Dove, là bạn cô… hoặc một người đã chết!

– Nói thế thì vô cùng…

Neele lại nói:

– Tôi đưa cô đến nhà an dưỡng Pinewood, người ta sẽ nhận ra cô.

– Nhà an dưỡng Pinewood là cái gì?

– Tưởng cô biết chứ.

– Tôi không biết!

– Và cô chối, nhất định không nhận là Ruby MacKengie?

– Tôi không chối gì hết, thưa ông thanh tra. Tôi tưởng ông thừa hiểu chính ông phải chứng minh rằng tôi là Ruby MacKengie, một cái tên tôi chưa nghe thấy bao giờ.

Đôi mắt trong và đẹp nhìn thẳng vào mắt thanh tra, vẻ thách thức, cô kết luận:

– Là như vậy đấy. Tôi là Mary Dove. Nếu được ông hãy chứng minh tôi là Ruby MacKengie!

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN