Mỹ Nhân Tóm Lược Truyện
Lỗ Nguyên Công Chúa +Trương Yên
Công chúa Lỗ Nguyên (?- 187 TCN) là con gái trưởng của Hán Cao Tổ Lưu Bang và hoàng hậu Lã Trĩ. Không rõ nàng sinh năm nào và tên thật là gì. Theo sử sách ghi lại, nàng là con gái lớn của Lã Trĩ và là chị của Lưu Doanh.
Theo các nhà sử gia, Trung Quốc phong kiến có cách gọi “hoàng đế” đầu tiên từ khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi, nhưng vẫn chưa có cách gọi “công chúa”, mà vị công chúa đầu tiên chính là Lỗ Nguyên đời Hán. Tính từ Lỗ Nguyên đến vị công chúa cuối cùng là Vinh Thọ Cố Luân đời Thanh, Trung Quốc có tất thảy 887 công chúa.
Năm 205 TCN, diễn ra trận Bành Thành. Quân Hán bị Sở vương Hạng Vũ đánh tan tành. Lưu Bang thua to, bỏ chạy, gia quyến bị thất lạc. Trên đường tìm cha, Lưu Bang gặp chị em Lưu Doanh.
Thủ hạ thân tín là Hạ Hầu Anh đưa chị em Lưu Doanh lên xe ngồi cùng Lưu Bang. Quân Sở đuổi gấp phía sau. Lưu Bang sợ nhiều người ngồi thì xe nặng sẽ đi chậm không thoát được, nên đẩy cả hai con xuống. Hạ Hầu Anh đang đánh xe, vội nhảy xuống dắt hai chị em lên xe đi tiếp.
Đi được một đoạn, Lưu Bang lại sợ bị quân Sở bắt, cuống cuồng đẩy con xuống lần nữa. Theo Sử ký, việc đó lặp lại 3 lần. Hạ Hầu Anh nhẫn nại cả 3 lần dừng ngựa, xuống kéo hai chị em lên xe, và van xin Lưu Bang không bỏ con, Lưu Bang mới thôi việc đó. Cuối cùng cha con Lưu Bang cũng thoát được sự truy đuổi của quân Sở.
Công chúa được gả cho Triệu Vương Trương Ngao sinh được con gái là Trương Yên. Trương Yên sau được gả cho cậu mình là Hán Huệ Đế Lưu Doanh làm hoàng hậu, theo ý muốn của thái hậu Lã Trĩ.
Năm 198 TCN, Trương Ngao bị truất ngôi Triệu vương, giáng làm Tuyên Bình hầu.
Nàng mất năm 187 TCN, sau em trai Huệ Đế 1 năm, không rõ bao nhiêu tuổi. Cả hai chị em nàng đều không giống người mẹ họ Lã đảm đương mọi việc trong triều – cứng rắn, vô tình. Ba năm sau (184 TCN) Tuyên Bình hầu Trương Ngao chồng nàng mất, người con là Trương Yển được phong làm Lỗ vương, sau được tặng tên thụy là Lỗ Nguyên vương. Chính vì lẽ đó, nàng được gọi theo thuỵ hiệu là công chúa Lỗ Nguyên.
Trong “Sử ký chính nghĩa” có đề cập đến mộ của công chúa Lỗ Nguyên hiện an táng tại phía tây bắc huyện Hàm Dương.
Theo sử sách ghi lại, nàng là con gái đầu của Lã Trĩ – người được xác định sinh năm 241 TCN; Hán Huệ Đế em nàng được xác định sinh khoảng năm 210 TCN. Con gái nàng là Trương Yên gả làm vợ của Huệ Đế, như vậy nàng hơn Huệ Đế khá nhiều tuổi.
Trương Ngao chồng nàng cùng cha là Trương Nhĩ theo nhà Hán từ năm 206 TCN, có thể xác định nàng lấy Trương Ngao từ thời điểm này, khi chưa tới 20 tuổi; Trương Yên được gả cho cậu Lưu Doanh (16 tuổi) khi mới khoảng hơn 10 tuổi.
81. Trương Yên
Ở điện Tiêu Phòng, là mẫu nghi của cả thiên hạ, lại “có con” thế nhưng cho đến lúc chết nàng vẫn là một thiếu nữ còn trinh. Trương Yên là vị Hoàng hậu duy nhất vẫn còn trinh trong lịch sử Trung Quốc. Câu chuyện hoang đường này rốt cuộc là như thế nào?
Trương Yên là con gái của Triệu vương Trương Ngao và công chúa Lỗ Nguyên, tức là cháu ngoại của Hán Cao Tổ và Lã hậu. Xét về quan hệ huyết thống, Trương Yên chính là cháu gọi Hán Huệ Đế là cậu ruột. Tính từ khi ông nội bà là Trương Nhĩ bỏ Hạng Vũ về theo Lưu Bang và kết làm thông gia với Lưu Bang năm 205 TCN, lúc đó Trương Yên chỉ khoảng hơn 10 tuổi. Theo dã sử, bà có tên tự là Vu Anh, và tiểu tựlà Thục Quân.
Chuyện kể năm 194 TCN, Hán Cao Tổ Lưu Bang – cha của Lưu Doanh qua đời. Ở tuổi 16, Lưu Doanh đã được đưa lên ngôi hoàng đế. Tuy nhiên, Lưu Doanh chẳng khác gì một ông vua bù nhìn bởi mọi quyền thế và việc điều hành triều đình đều nằm trong tay mẹ ông là hoàng hậu Lã Trĩ.
Với mục đích giám sát và khống chế cậu con trai đang ngày một khôn lớn, Thái hậu Lã Trĩ đã lên kế hoạch tìm kiếm một ứng cử viên thích hợp cho ngôi vị hoàng hậu. Sau một quá trình thăm dò khắp nơi, cuối cùng Lã Trĩ đã quyết định chọn Trương Yên để lấy làm vợ cho con trai mình. Điều trớ trêu Trương Yên lúc ấy mới 10 tuổi, chính là cháu gọi Lưu Doanh bằng cậu.
Bất chấp quan hệ huyết thống, Lã Trĩ đã nhắm đến dung nhan xinh đẹp của Trương Yên. Hơn thế nữa, dù còn ít tuổi nhưng Trương Yên đã được mẹ mình là Lỗ Nguyên công chúa dạy dỗ rất chu đáo, biết lễ nghĩa. Bởi thế, nàng cũng được lòng Lã Trĩ. Bản thân Lưu Doanh rất quý mến cô cháu gái của mình. Tuy nhiên hoàng đế không hề đồng tình với quyết định của mẹ. Ông khó có thể chấp nhận việc lấy chính cháu gái về làm vợ. Sự lựa chọn của Lã Trĩ tiếp tục vấp phải sự phản đối của bố mẹ Trương Yên là Lỗ Nguyên Công chúa và Trương Ngao.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả, Lã Trĩ vẫn gây sức ép đối với tất cả những người liên quan dưới quyền mình để cuộc hôn nhân được diễn ra đúng như ý bà sắp đặt. Và chính cuộc hôn nhân oái oăm này đã đẩy cuộc đời nàng chìm trong khổ đau và cô độc từ khi lên ngôi hoàng hậu cho đến phút lìa đời. Vào khoảng năm 192 TCN, đám cưới của Hán Huệ Đế Lưu Doanh và Trương Yên diễn ra linh đình trong thành Trường An. Cũng từ đây, cuộc đời của Lưu Doanh như bước sang một trang mới. Một phần vì bất mãn với cuộc hôn nhân ép buộc của mẹ, phần khác vì quá ghê rợn trước đòn ghen tàn độc của Thái hậu Lã Trĩ đối với sủng phi của cha mình là Thích phu nhân, Lưu Doanh đâm chán nản, xa rời việc triều chính. Từ một người có chí hướng, Hán Huệ Đế chìm đắm trong tửu sắc, ngày đêm uống rượu, chơi bời,phó mặc mọi việc lớn nhỏ cho Thái hậu quyết định.
Ngay từ đầu khi bước vào cuộc hôn nhân không có sự đồng thuận của đôi bên, cuộc đời của hoàng hậu Trương Yên đã chẳng khác nào bắt đầu một trang bi kịch. Thêm vào đó, khi người chồng càng ngày càng tỏ ra bất lực, chán nản và sa đà vào tửu sắc, bỏ bê mình thì người phụ nữ này lại càng phải chịu thêm cảnh cô đơn, tủi nhục.
Hai năm sau khi kết hôn, Trương Yên bước vào tuổi 14 xinh đẹp và ra dáng một thiếu nữ thực sự. Lúc này, Thái hậu Lã Trĩ mới để ý đến cuộc hôn nhân của con trai mình. Bà bèn sai người giám sát hai vợ chồng Trương Yên, ép hoàng đế phải ngủ chung giường với hoàng hậu để sớm có hoàng tử kế tục cho triều đại nhà Tây Hán,âm mưu sâu xa là để thâu tóm quyền lực trong tay mình.
Tuy nhiên, vì đã quá oán hận và ghê sợ trước những việc làm của Thái hậu nên dù bịép buộc, Lưu Doanh vẫn nhất quyết không ngủ cùng Trương Yên. Vậy là sau vài năm kết hôn, Trương Yên vẫn chẳng khác nào gái chưa chồng.
Mục đích có cháu nối dõi vẫn chưa thành hiện thực, trong khi Hán Huệ Đế mải ăn chơi nên cơ thể ngày một tàn tạ. Quá lo lắng, Thái hậu tiếp tục gây sức ép đến vợ chồng Trương Yên. Bà gọi cả hoàng đế và hoàng hậu lên ra lệnh: nếu hoàng hậu không có con thì bà sẽ ra tay giết hết những phi tần mà hoàng đế sủng hạnh.
Nhưng không vì thế mà ý nguyện của Thái hậu sớm được thực hiện. Hán Huệ Đế tiếp tục say sưa bên các cung tần mỹ nữ, đồng nghĩa với đó là hoàng hậu Trương Yên tiếp tục bị ghẻ lạnh. Cuộc hôn nhân của hoàng hậu cứ thế trôi qua trong buồn tủi, cô đơn đến cùng cực.
Một thời gian sau, một phi tần của Hán Huệ Đế mang thai. Lợi dụng vụ việc này, Thái hậu Lã Trĩ truyền tin rằng Trương Yên đã mang thai rồi sinh con, bà bí mật ra lệnh giết chết người phi tần kia để chôn giấu sự thật. Trước những âm mưu cuồng bạo của Thái hậu, cả Hán Huệ Đế và Trương Yên đành để mặc cho bà sắp đặt mọi việc.
Như vậy, suốt một thời gian dài kể từ khi bước chân lên ngôi hoàng hậu, dù sống giữa chốn hậu cung nhung lụa nhưng người con gái xinh đẹp Trương Yên đã phải trải qua cuộc sống tăm tối của sự cô đơn, không ai yêu thương, không người chăm sóc. Đến người để nàng sẻ chia, tâm sự cũng chẳng có lấy một ai.
Biết chuyện của con gái, mẹ nàng đau như đứt từng khúc ruột. Mẹ nàng thường xoa đầu con mà xót xa thốt lên rằng:
_ Con xinh đẹp như vậy mà sao cả đời vẫn là trinh nữ?
Để an ủi con, mẹ Trương Yên còn nói nàng chính là tiên trên trời giáng xuống trần gian nên ông trời mới để nàng không vướng bụi trần. Cứ thế, nhiều lần vào thăm con, hai mẹ con Trương Yên lại ôm nhau khóc nức nở.
Cuộc hôn nhân của Trương Yên kéo dài đến năm 188 TCN, vì sức khỏe sa sút, Lưu Doanh đã qua đời. Lúc đó, Trương Yên mới 14 tuổi nhưng vì có con trai là thái tử nên nàng đã được phong làm thái hậu. Nàng trở thành một trong những vị Hoàng thái hậu trẻ nhất của nhà Hán. Chức tước như vậy nhưng nàng không hề có thực quyền gì vì bị bà ngoại của mình thao túng.
Hán Tiền Thiếu đế lớn lên, nghe nói mẹ mình bị Lã thái hậu giết, còn mình không phải là con của hoàng hậu Trương Yên, bèn nói ra miệng ý định trả thù. Vì vậy Lã thái hậu bèn giết Thiếu Đế, lập một người con khác của Huệ đế là Thường Sơn vương Lưu Nghĩa làm vua (Hán Hậu Thiếu đế), tiếp tục cầm quyền chính. Năm 180 TCN, Lữ thái hậu qua đời. Các đại thần Trần Bình, Chu Bột làm chính biến lật đổ họ Lã, khôi phục lại ngôi vua cho họ Lưu, lập con thứ của Lưu Bang là Lưu Hằng làm vua, tức là Hán Văn Đế. Trương Yên bị dời sang Bắc cung.
Năm 163 TCN, Trương Yên qua đời lúc khoảng 40 tuổi.
Người ta kể, khi tắm rửa, thay quần áo cho Trương Yên, các cung nữ mới phát hiện ra nàng vẫn còn là một trinh nữ. Thông tin này nhanh chóng lan ra ngoài khiến thiên hạ không ai không thương xót. Nhiều nơi đã lập miếu thờ tôn vinh người phụ nữ sống cả cuộc đời bất hạnh bên người chồng ghẻ lạnh, để rồi khi lìa đời vẫn là một thiếu nữ trinh nguyên.
Lý Mỹ nhân, nàng là một trong số các phi tần được Hán Huệ Đế sủng ái và bị Lã hậu giết chết.
Châu Thái nữ, nàng được cho là mẹ ruột của Hán Tiền Thiếu đế. Sau khi vừa hạ sinh xong Lưu Cung (Tiền Thiếu đế), nàng bị Lã hậu bức tử chết.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!