Mỹ Nhân Tóm Lược Truyện - Lã Tu + Các Phi Tử Khác Của Hán Cao Tổ
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
161


Mỹ Nhân Tóm Lược Truyện


Lã Tu + Các Phi Tử Khác Của Hán Cao Tổ


71. Lã Tu

Lã Tu (?- 180 TCN) nàng là con gái của Lã Công, em gái của Hán Cao Tổ Hoàng hậu Lã Trĩ. Sau nàng được phong làm Lâm Quang hầu.

Chị của nàng, Lã Trĩ khi còn trẻ đã kết hôn với Hán Cao Tổ Lưu Bang, vua đầu tiên của nhà Hán lúc Lưu Bang còn làm Đình trưởng, còn thời trẻ của Lã Tu chưa thấy thư tịch nào đề cập đến. Mãi sang năm 202 TCN khi Lưu Bang làm hoàng đế đã gả nàng cho đại tướng Phàm Khoái và phong Khoái làm Vũ Dương Vũ hầu. Không rõ lúc xuất giá nàng bao nhiêu tuổi nhưng có thể đoán được là chưa tới 40, do chị nàng Lã Trĩ (sinh trước vào năm 240 TCN) khi đó mới 39 tuổi. Nàng sinh cho Phàn Khoái một người con là Phàm Khang.

Tháng 2 năm 195 TCN, Cao Tổ cử Phàm Khoái đem quân đánh kẻ phản loạn là Lư Quán, nhưng do có người gièm pha nên vua lại sai Trần Bình và Chu Bột đến xử tử Phàn Khoái nhưng Trần Bình chỉ cách chức và đem về kinh chứ không giết. Cùng lúc Cao Tổ mất, Huệ Đế (người gọi Lã Tu là bác gái) lên ngôi, quyền hành rơi vào tay Lã Trĩ. Lã Trĩ nể tình Lã Tu nên tha cho Phàn Khoái.

Năm 187 TCN, Huệ Đế mất, Lã Thái hậu lâm triều xưng chế và bắt đầu phong vương cho những người họ Lã để cho họ Lã nắm quyền. Thái hậu cũng phong cho Lã Tu làm Lâm Quang hầu.

Năm 180 TCN, Lã Thái hậu qua đời, Tề Ai vương (cháu nội Cao Tổ) ở phía đông khởi binh đánh họ Lã. Trong khi ở triều đình, Trần Bình và Chu Bột hưởng ứng, sai người nói với Triệu vương Lã Lộc hãy bỏ ấn tướng quốc về nước Triệu thì quân Tề sẽ lui. Lã Tu biết được, trách Lã Lộc:

_ Mày làm tướng mà bỏ quân lính thì họ Lữ này sẽ không biết ở vào đâu!

Rồi đem tất cả châu ngọc, đồ quý báu vãi trong phòng, nói:

_ Ta không còn hơi đâu mà giữ của cho người khác.

Nhưng rốt cục Lã Lộc vẫn trao tướng ấn lại, cuối cùng bị giết chết. Trần Bình và Chu Bột ra sức thanh toán gia tộc họ Lã, bản thân Lã Tu bị đánh tới chết, còn con nàng là Phàm Khang do là cháu ngoại họ Lã nên cũng bị giết. Sau nhà Hán tìm con người thiếp của Phàm Khoái lên làm Vũ Dương hầu.

Trong phim “Thần thoại” bản truyền hình năm 2010, em gái của Lã Trĩ tên là Lã Tố (Tố Tố). Cả hai chị em đều thầm đem lòng yêu Dịch Tiểu Xuyên (Mông Nghị sau này). Vì Tiểu Xuyên cùng Lưu Bang rời khỏi Lã gia đến Hàm Dương nên Tố Tố đã lén trốn nhà bỏ đi theo chàng. Để tránh gặp rắc rối từ cô nương tưởng chừng như yếu ớt nhưng bền chí này, Tiểu Xuyên nửa đêm đã bỏ trốn và chẳng may bị bệnh dịch.

Sáng hôm sau Lã Tố cùng nhóm đinh phu do Lưu Bang dẫn đi đã lên đường tiếp tục hành trình và họ tình cờ nhìn thấy Tiểu Xuyên nằm bất tỉnh. Trong khi mọi người đều khẳng định Tiểu Xuyên nhất định sẽ chết, Lã Tố lại kiên trì chăm sóc chàng. Vì ra ngoài tìm đồ ăn nên nàng tình cờ gặp được người cùng thời đại với Tiểu Xuyên là Cao Yếu (chính là Triệu Cao sau này). Cao Yếu đã kéo thần y đến cứu chữa cho Tiểu Xuyên. Khi Tiểu Xuyên khỏe lại, Tố Tố đã nhiễm bệnh. Vì thuốc của thần y đem không đủ, chỉ có thể chữa một người nên chẳng bao lâu sau khi phát bệnh, nàng đã qua đời. Trước khi hỏa táng nàng, Tiểu Xuyên đã lồng vào tay nàng một chiếc nhẫn cỏ, chiếc nhẫn trước đó chàng đã làm để cầu hôn nàng.

72. Bạc Cơ

Bạc Cơ là một phi tần của Hán Cao Tổ Lưu Bang, sinh mẫu của Hán Văn Đế Lưu Hằng. Trước Lưu Bang, nàng là một thiếp thất của Ngụy vương Báo.

Cha của Bạc thị là người đất Ngô huyện, quận Cối Kê, mẹ là Ngụy Ổn. Khi Trần Thắng khởi nghĩa chống nhà Tần, các chư hầu tự lập để hưởng ứng, trong đó có nước Ngụy. Bạc thị được mẹ đưa vào cung hầu hạ Ngụy Báo, từ đó được gọi là Bạc Cơ. Trong số thê thiếp của Ngụy Báo, Bạc Cơ xinh đẹp nhất nên nhanh chóng trở thành ái thiếp của ông.

Sau, Ngụy Báo chết, Bạc cơ được Hán vương Lưu Bang đưa về hậu cung, lập làm Phu nhân, hết mực sủng ái. Về sau khi Hán vương xưng Hoàng đế, tức Hán Cao Tổ, Bạc cơ ở lại Tràng An cùng Hán Cao Tổ.

Bạc Cơ nhập hậu cung, không lâu sau sinh ra người con trai tên Lưu Hằng. Tính tình nàng hiền lành yên phận, chuyên tâm chăm sóc con nên ít bị Lã hậu – hoàng hậu của Hán Cao Tổ đố kị. Khi Lưu Hằng được 8 tuổi, Hán Cao Tổ phong làm Đại vương (Vương nước Đại)

Năm 195 TCN, Hán Cao Tổ qua đời, anh khác mẹ của Lưu Hằng là thái tử Lưu Doanh lên ngôi, tức là Hán Huệ Đế. Quyền hành nằm trong tay Lã thái hậu. Khi Cao Tổ hoàng đế còn sống, ông đặc biệt sủng ái Thích phu nhân nên Lã thái hậu căm hận mẹ con Thích phu nhân và Triệu vương Lưu Như Ý. Bạc cơ vì muốn né tránh những mâu thuẫn nên cầu xin Lã thái hậu cho đi nước Đại với con, vốn là đất phong của Lưu hằng. Lã thái hậu thấy Bạc cơ chưa từng làm mất lòng mình nên bằng lòng cho Bạc cơ đi. Lúc này nước Đại còn rất hoang sơ, nhưng Lưu Hằng vẫn trị vì tốt, còn Bạc Cơ thành Đại thái hậu (Thái hậu nước Đại).

Năm 194 TCN, Thích phu nhân bị Lã thái hậu ra lệnh giết rất tàn bạo. Sau đó Lã thái hậu còn bức hại nhiều hoàng tử con của Cao Tổ như Lưu Như Ý, Lưu Hiển, Lưu Khôi. Sắp đặt người trong họ Lã, phong Vương cho họ. Việc làm của Lã thái hậu được xem là chuyên quyền, nhưng không ai dám phản đối.

Tháng 8, năm 180 TCN, Lã thái hậu qua đời. Trong số những người con còn sống của Hán Cao Tổ thì Lưu Hằng lớn tuổi nhất nên các đại thần tìm cách đến nước Đại để mời Lưu Hằng về Tràng An. Sau khi bẩm báo Bạc thái hậu, Lưu Hằng nhận lời trở về cùng mẹ.

Năm đó, Lưu Hằng lên ngôi hoàng đế, tức Hán Văn Đế, Bạc cơ được tôn làm Hoàng thái hậu. Phong anh trai của Thái hậu là Bạc Chiêu làm Chỉ hầu, truy tôn phụ thân của Thái hậu làm Linh Văn hầu, mẹ Ngụy Ổn làm Linh Văn phu nhân. Bạc thái hậu tìm cách gả người con gái trong gia tộc của mình cho con trai của Hán Văn Đế là Thái tử Lưu Khải, phong làm Thái tử phi.

Năm 157 TCN, Thái tử Lưu Khải lên ngôi, sử gọi Hán Cảnh Đế, mẫu thân Đậu Hoàng hậu được tôn làm Hoàng thái hậu, tổ mẫu Bạc thị được tôn thành Thái hoàng thái hậu, cháu gái nàng là Bạc thị được phong Hoàng hậu, tức Bạc Hoàng hậu.

Năm 155 TCN, Bạc Thái hoàng thái hậu qua đời, không rõ bao nhiêu tuổi. Đương thời Bạc cơ không được táng cùng lăng mộ với Hán Cao Tổ và Lã hậu là Trường Lăng mà chỉ táng ở phía Nam Bá Lăng, lăng mộ của con trai nàng là Hán Văn Đế. Gọi là Nam lăng, hay còn gọi là Bạc lăng.

Năm 156 TCN, Hán Cảnh Đế gặp và sủng ái Vương Chí, lập làm Mỹ nhân, rất sủng ái cô ta. Bạc hoàng hậu không sinh được con, lại không còn chỗ dựa từ Bạc thái hậu nên bị phế năm 151 TCN và qua đời năm 147 TCN. Sau đó, Vương Chí sắc phong thành Hoàng hậu.

Năm 56, vào đời cháu của Hán Văn Đế Lưu Hằng là Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú, Bạc phu nhân được tôn làm Cao hoàng hậu, được hợp táng cùng Hán Cao Tổ, còn Lã hậu thì phần mộ bị dời ra khỏi Trường lăng.

73. Tân Truy

Năm 202 TCN có một nữ nhân tên Tân Truy người vùng Hồ Nam. Khi ấy nàng 16 tuổi, có sắc đẹp tuyệt trần được gả cho Giang Hạ Vương Phủ. Trong ngày hôn lễ, khi bị đại quân Hàn Tín tấn công phá thành, vương thất của Giang Hạ quyết không đầu hàng nhưng chỉ có Tân Truy dám mở cửa thành chất vấn Hàn Tín về hành động này. Vẻ đẹp cũng như tính tình của Tân Truy khiến Hàn Tín đem lòng yêu mến người nữ tù binh này. Tân Truy là một mỹ nhân có sắc đẹp tuyệt trần, nhưng không hề yếu đuối mà bản lĩnh và đầy cá tính khiến cho không một nam nhân nào có thể cưỡng lại được.

Hoàng đế Lưu Bang khi thấy Tân Truy đã say đắm và tìm mọi cách chiếm đoạt nàng từ tay Hàn Tín. Vậy là mâu thuẫn trong triều Hán bắt đầu nảy sinh, Lưu Bang tìm cách diệt các vị tướng có công dựng nước vì sợ họ làm phản, trong đó có Hàn Tín, đồng thời đoạt lấy mỹ nhân Tân Truy.

Giở lại lịch sử Trung Quốc vào cuối những năm Hán Sở tranh hùng, đại tướng của Lưu Bang là Hàn Tín đã giúp Lưu Bang chiếm hàng chục thành trì của nước Sở, chỉ còn lại thành trì cuối cùng là Chỉ Thành. Ngày Hàn Tín tấn công thành chính là ngày thành hôn của công tử nước Sở là Đan Tử và nàng Tân Truy xinh đẹp. Giang Hạ Vương- người cai trị tòa thành thà chết không đầu hàng, ngay trong phút giây đầy bi kịch đó, Tân Truy đã dũng cảm một mình ra ngoài thành, chất vất Hàn Tín về cuộc chiến phi nghĩa này, tuy không ngăn nổi đại quân của Hàn Tín, nhưng ít ra Hàn Tín cũng phải ra lệnh không cho quân lính tàn sát trong thành như họ vẫn làm với các thành trì khác.

Từ đó số phận của nàng Tân Truy xinh đẹp tuyệt trần bước vào khúc quanh mới. Được Hàn Tín đem lòng yêu mến và nàng cũng cảm phục và chấp nhận tình cảm của Hàn Tín, song đáng tiếc Hàn Tín là một người nhiều mưu mô mà lại nhu nhược không quyết đoán, vì muốn giữ được địa vị của mình, Hàn Tín đã dâng nàng cho Lưu Bang, Tân Truy trở thành Lệ Phi của Lưu Bang. Sắc đẹp của nàng đã khiến Lưu Bang say đắm, nhưng lại khiến nàng bị hoàng hậu Lã Trĩ ghen tuông, tỵ nạnh, hãm hại. Trong cung, Tân Truy sa vào xoáy của những cuộc tranh chấp quyền lực giữa các phe phái trong cung. Trong hoàn cảnh đó, Tân Truy luôn thể hiện là một người phụ nữ trung hậu, sẵn sàng hy sinh quyền lực của bản thân mình vì sự ổn định của nước nhà.

Sau thời gian ở với Lưu Bang, Tân Truy đã trốn khỏi cung trong khi mang thai. Bị ghen ghét xúc xiểm, nàng đành phải ra khỏi cung, lấy một người dân thường. Sau khi Lưu Bang chết, Lã Hậu phế bỏ Thái tử Lưu Thắng để xây dựng thế lực họ Lã. Các quan trong triều đã liên kết với nhau để tiêu diệt họ Lã, lập Lưu Hằng lên ngôi, hiệu là Hán Văn Đế. Một lần nữa Tân Truy phải đứng trước sự lựa chọn đầy đau khổ. Để giữ vững giang sơn xã tắc cho triều Hán, bất đắc dĩ nàng phải lựa chọn cái chết cho mình, để con trai mình có thể ngồi vững vàng trên ngôi báu cai trị vương triều. Tân Truy qua đời lúc trên 50 tuổi và được Hán Văn Đế cho an táng với nghi lễ cao nhất. Chính vì vậy, tuy xác bà không được đưa vào lăng tẩm, nhưng vẫn được hậu táng với nghi thức của một hoàng hậu.

74. Thích Cơ

Thích Cơ là phi tần của của Hán Cao Tổ nhà Tây Hán – người sáng lập ra nhà Hán, phi thiếp rất được yêu quý của Hán Cao Tổ. Nàng là mẹ của Triệu vương Lưu Như Ý. Sau khi Cao Tổ băng hà, bị Lã hậu ra tay tàn sát rất độc ác.

Thích Cơ xuất thân từ Tần Mạt, Định Đào (huyện Định Đào, tỉnh Sơn Đông). Giỏi ca vũ, nhảy điệu Kiều tụ chiết miêu đầy sắc xảo, dung mạo diễm lệ, trong số các phi tần của Hán Cao Tổ nàng được ân sủng lớn nhất.

Những người thiếp của Cao Tổ sinh cho vua nhiều con trai, nhưng trong đó con trai của Thích phu nhân là Lưu Như Ý từ nhỏ đã thông minh dĩnh ngộ, được Cao Tổ yêu hơn cả. Cao Tổ thường nói rằng Như Ý giống mình.

Việc nàng được vua yêu khiến nảy sinh lòng ghen ghét của Lã hậu, mẹ của Thái tử Lưu Doanh.

Thái tử Lưu Doanh nhân đức nhưng thiếu hẳn sự cứng rắn và quyết đoán nên Hán Cao Tổ có ý cho Lưu Như Ý thay. Thêm sự lôi kéo của Thích phu nhân nên Cao Tổ càng có ý quyết định, dự định sẽ cùng hiệu triệu quần thần nghị luận.

Lã hậu lo lắng, bèn sai em là Lã Trạch đến nài nỉ nhờ Trương Lương đang làm thiếu phó giúp Lưu Doanh. Nhờ Trương Lương giúp, Lưu Doanh mời được 4 hiền sĩ trong thiên hạ là Đông Viên Công, Giác Lý tiên sinh, Ỷ Lý tiên sinh, Hạ Thạch Công mà trước đó chính Cao Tổ hoàng đế không sao mời nổi.

Năm 195 TCN, sau khi đánh phá quân Anh Bố về, Cao Tổ hoàng đế ốm càng nặng, muốn thay thái tử.

Đến khi ăn tiệc, thái tử Lưu Doanh rót rượu đứng chầu. Bốn người theo thái tử tuổi đều ngoài tám mươi, mày râu bạc phơ, áo mũ rất đẹp. Cao Tổ lấy làm lạ hỏi. Bốn người tiến đến thưa, kể họ tên. Cao Tổ hoàng đế kinh ngạc, hỏi ra mới biết là các hiền sĩ mà bấy lâu mình mời không được.

Bốn người nói với Cao Tổ:

_ Bệ hạ khinh kẻ sĩ, hay mắng người, bọn thần nghĩa khí không chịu nhục, cho nên sợ mà trốn tránh. Nay trộm nghe thái tử là người nhân đức hiếu thảo, cung kính, thương yêu kẻ sĩ, trong thiên hạ không ai không vươn cổ muốn vì thái tử mà chết, vì vậy chúng tôi đến đây.

Cao Tổ nói:

_ Phiền các ông nhờ giúp đỡ thái tử cho trót.

Bốn người chúc thọ xong, đứng dậy đi ra. Cao Tổ cho gọi Thích phu nhân vào, chỉ bốn người kia bảo rằng:

_ Ta muốn đổi nó, nhưng bốn người kia đã giúp nó. Lông cánh nó đã thành, khó mà lay chuyển được. Lã hậu là chủ của ngươi rồi đấy!

Thích phu nhân buồn khóc, không biết làm sao. Cao Tổ nói:

_ Nàng hãy múa lối Sở, cho ta xem! Ta sẽ hát lối Sở cho nàng nghe.

Thích phu nhân tuân lệnh, liền đứng múa theo điệu nước Sở. Cao Tổ liền hát hoạ. Hát rằng:

Chim hồng hộc bay cao,
Một cất cánh ngàn dặm.
Lông cánh đã đầy đủ,
Bốn bể bay xa thẳm.
Bốn bể bay xa thẳm.
Bây giờ biết làm sao?
Tên dây tuy có đó,
Biết đặt ở nơi nào?

Cao Tổ hát mấy lần, Thích phu nhân biết ý không đưa Như Ý lên thay Doanh nữa, vừa múa vừa nức nở chảy nước mắt. Cao Tổ đứng dậy, quay đi, bãi tiệc rượu.

Lưu Doanh giữ được ngôi thái tử không bị truất. Cao Tổ phong cho Như Ý làm Triệu vương, cử tướng Chu Xương làm tướng quốc giúp đỡ.

Năm 195 TCN, Hán Cao Tổ băng hà, thái tử Lưu Doanh lên nối ngôi, tức là Hán Huệ Đế. Tuy Huệ Đế làm vua nhưng việc điều hành triều đình do Lã thái hậu quyết định, Huệ đế thực chất không có quyền hành.

Lã thái hậu sai giam Thích phu nhân ở cung Vĩnh Hạng và gọi Như Ý đến. Huệ Đế thương em, biết mẹ giận, nên thân hành đón Như Ý ở Bá Thượng, rồi luôn luôn kèm lúc Như Ý đi đứng, ăn uống. Lã thái hậu muốn giết Như Ý nhưng không có dịp nào.

Sứ giả của Lã thái hậu triệu tập, tướng quốc Chu Xương cự tuyệt không nghe lệnh. Lã thái hậu cả giận, bèn sai người gọi Chu Xương về. Chu Xương về đến Trường An, thái hậu lại sai người mời Triệu vương lần nữa. Triệu vương đành phải ra đi. Chưa đến kinh đô thì Huệ Đế vốn là người nhân từ, biết Thái hậu giận, nên thân hành đón Như Ý ở Bá Thượng, rồi cùng vào cung, luôn luôn kèm Triệu vương, lúc Như Ý đi đứng, ăn uống, Huệ Đế đều ở bên cạnh, thái hậu muốn giết Như Ý nhưng không có dịp nào.

Tháng 12, năm 194 TCN, Hán Huệ đế buổi sớm ra đi săn bắn. Như Ý còn nhỏ, không thể dậy sớm. Thái hậu nghe tin Như Ý ở một mình, bèn sai người mang thuốc độc đến cho Như Ý uống. Lúc mờ sáng, Huệ Đế trở về thì Như Ý đã chết.

Lã thái hậu giết Như Ý và giam nàng vẫn chưa thoả lòng. Sau khi Như Ý chết, Lã thái hậu mới ra tay trả thù nàng. Bà sai người chặt chân tay Thích phu nhân, rồi móc mắt, đốt tai, cho nàng uống thuốc thành câm. Sau đó Lã hậu sai để nàng ở trong nhà tiêu, gọi đó là Nhân trư (Người lợn).

Sau mấy hôm, Thái hậu cho gọi Huệ Đế vào để xem “Nhân trư”. Huệ Đế thấy, ngạc nhiên bèn hỏi là ai. Khi biết đó là Thích phu nhân, Huệ Đế liền khóc rống lên. Huệ Đế đau lòng quá, mắc bệnh, trong hơn một năm không dậy được. Hành động giết hại nàng của Lã hậu bị chính Huệ Đế coi là vô nhân tính. Vua con sai người nói với Thái hậu:

_ Việc đó không phải là việc con người làm! Tôi là con của thái hậu, không thể nào trị thiên hạ được!

Thích phu nhân qua đời. Huệ Đế bất lực trước sự độc ác của mẹ, không có cách nào ngăn cản được, vì thế ngày đêm uống rượu chơi bời dâm dật, không nghe chính sự, cho nên mắc bệnh và không lâu sau thì chết yểu khi mới 22 tuổi.

Trong phim “Mỹ nhân tâm kế”, Bạc thái hậu (Bạc Cơ) trước khi qua đời có nói rằng:

_ Trong cuộc đời Cao Tổ Hoàng đế có ba nữ nhân rất quan trọng. Một là Lã Trĩ, bà ta nắm trong tay quyền lực vô hạn trên đời này. Một người là Ai gia có được kết cục hạnh phúc. Nhưng đối với một nữ nhân mà nói, quan trọng nhất là tình yêu của nam nhân. Thế nên tuy Thích Phu nhân bị chặt mất cả hai tay, tuy bà ta trở thành nhân trư, bọn ta vẫn ngưỡng mộ bà ta. Ngưỡng mộ bà ta đã từng yêu, đã từng có tất cả mọi thứ viên mãn.

Tình sử của Thích Phu nhân và Lưu Bang không được lưu truyền nhiều trong dân gian. Song qua những gì Bạc Cơ nói, chúng ta có thể nhìn thấy được, phía sau những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực, vẫn có chỗ cho tình yêu. Chỉ tiếc là tình yêu chốn hoàng cung quả thực rất mong manh, nhất là khi vị quân vương là người dễ xao động trước cái đẹp nếu không muốn nói là háo sắc như Lưu Bang.

75. Tào Phu nhân. Nàng là mẹ Tề Vương Phì – ban đầu là tình nhân của Hán Cao Tổ.

76. Triệu Phu nhân. Nàng là mẹ của Hoài Nam vương Trường.

77. Đường Phu nhân. Nàng là nữ thi nhân thời Hán sơ- đầu nhà Hán), tác giả của tác phẩm An thế phòng trung ca.

78. Phó Phu nhân

79. Thạch Mỹ nhân

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN