Mỹ Nhân Tóm Lược Truyện - Trần A Kiều
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
185


Mỹ Nhân Tóm Lược Truyện


Trần A Kiều


97. Trần A Kiều

Trường Môn sự ,
Chuẩn nghĩ giai kỳ hựu ngộ.
Nga mi tằng hữu nhân đố.
Thiên kim túng mãi Tương Như phú,
Mạch mạch thử tình thuỳ tố?
(Mô ngư nhi – Tần Khí Bật)

Dịch:

Truyện Trường Môn thuở nọ,
Dịp may e chừng đã lỡ.
Mày ngài thêm vướng nợ.
Ngàn vàng mua lấy phú Tương Như,
Tình cảnh ấy cùng ai bày tỏ ?

Trần A Kiều (hay Trần Kiều) là con gái của Quán Đào công chúa và Đường Ấp hầu Trần Ngọ. Trong Sử ký và Hán thư đều công nhận tên này của nàng. Nàng là Hoàng hậu thứ nhất của Hán Vũ Đế, vị hoàng đế thứ 7 của nhà Tây Hán.

Trần Kiều được xem như vị Hoàng hậu có thân thế tôn quý nhất trong lịch sử Trung Quốc khi có ông ngoại là hoàng đế, cậu là hoàng đế và phu quân cũng là hoàng đế. Từ nhỏ, Trần A Kiều đã được bà ngoại là Đậu Thái hậu và cậu là Hán Cảnh Đế hết mực thương yêu. Trong 4000 năm lịch sử cũng không có phi tần hoàng thất nào có thân thế hiển hách như nàng.

Thời Hán Cảnh Đê cai trị, Quán Đào công chúa được phong Trưởng công chúa, do có mẹ ruột là Đậu Thái hậu và là chị ruột của Hoàng đế, Quán Đào công chúa thường tự do ra vào cung cấm.

Năm 155 TCN, sau khi phế truất Bạc hoàng hậu, Hán Cảnh Đế lại sủng ái Lật Cơ và lập con trai Lật cơ là Lưu Vinh làm Thái tử. Tuy có con làm thái tử song Lật cơ không được lập làm Hoàng hậu, ngôi hậu vào thời điểm đó bỏ trống. Quán Đào công chúa muốn giúp con gái mình làm Hoàng hậu tương lai, nên muốn gả bà cho Lưu Vinh, nhưng Lật Cơ không đồng ý do không thích tác phong của Quán Đào công chúa. Việc này khiến Quán Đào công chúa vô cùng giận dữ.

Ngay lúc đó, Quán Đào công chúa lại kết thân với mỹ nhân Vương Chí và Vương mỹ nhân đồng ý cho con trai mình là Lưu Triệt thành hôn với Trần Kiều. Về thế thứ trong hoàng thất thì bà là chị họ của Lưu Triệt. Vào thời điểm đó, Lưu Triệt mới được 6 tuổi. Nhưng tuổi tác của A Kiều đến nay vẫn không ai biết được bà nhỏ tuổi hay lớn tuổi hơn Lưu Triệt. Các nhà sử học sau này đều dựa theo tích Quán Đào muốn gả A Kiều cho Lưu Vinh -lúc này đã 18 mà phán đoán có thể A Kiều lớn tuổi hơn Lưu Triệt. Theo pháp lệnh được quy định từ thời Hán Huệ Đế, con gái trên 15 tuổi mới được lấy chồng, nhưng có thể lúc đó bà vẫn chưa tới 15 tuổi vì Hiếu Chiêu Hoàng hậu, cháu ngoại đại thần Hoắc Quang, cũng lấy Hán Chiêu Đế khi mới 6 tuổi.

Trần Kiều có thể nói là người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất tới sự nghiệp của Hán Vũ đế. Nhà sử gia Ban Cố trong “Hán thư” chỉ rõ, Hán Vũ đế Lưu Triệt năm lên ba tuổi đã được phong là Giao Đông vương. Một lần, ông được mẹ nuôi, tức Quán Đào công chúa, ôm vào lòng rồi hỏi:

_ Con có muốn lấy vợ không?

_ Có!- Lưu Triệt đáp lại.

Công chúa chỉ vào đám đông hơn trăm người đứng cạnh gợi ý tiếp:

_ Muốn người nào?

Lưu Triệt đều nguầy nguậy lắc đầu, tỏ ý không ưng. Quản Đào công chúa lại chỉ tay về phía con gái mình, tức Trần A Kiều, rồi hỏi:

_ Ta gả A Kiều làm vợ cho con được chăng?

Lưu Triệt nhoẻn cười đáp:

_ Được ạ! Nếu lấy được A Kiều làm vợ, con sẽ cho đúc nhà vàng để cho nàng ở.

Chính câu nói này về sau đã trở thành điển cố nổi tiếng của Trung Quốc Kim ốc tàng Kiều (nhà vàng cất người đẹp). Sau này khi lên ngôi, Lưu Triệt cũng thực hiện đúng lời hứa của mình biến điện Tiêu Phong trở thành tòa kim ốc cho A Kiều.

Sau khi gả nàng cho Lưu Triệt, Quán Đào công chúa ra sức giúp Lưu Triệt đoạt ngôi thái tử, cuối cùng đã thành công. Năm 151 TCN, Hán Cảnh Đế phế Lưu Vinh, phong Vương Chí và Lưu Triệt làm Hoàng hậu và Thái tử, do đó Trần Kiều trở thành Thái tử phi.

Năm 140 TCN, Hán Cảnh Đế qua đời, Lưu Triệt lên làm vua, tức Hán Vũ Đế. Vũ Đế phong cho bà làm Hoàng hậu.

Tình cảm giữa hai người mặn nồng trong buổi sơ khai. Hán Vũ đế thường lui tới cung của A Kiều mỗi buổi tan triều, cùng nàng hưởng những ngày quấn quýt yêu thương. Nhưng về sau, Hán Vũ đế dần nhạt phai tình cảm dành cho hoàng hậu. Tuy nhiên trải qua nhiều năm mà Trần hoàng hậu vẫn không hạ sinh được hoàng tử. Bấy giờ có Thái úy Vũ An hầu đoán rằng Hán Vũ Đế sẽ phong có con mà ngôi vua về sau sẽ thuộc về Hoài Nam vương.

Thấy Trần Hoàng hậu không sinh được con, Hán Vũ Đế chuyển sang sủng ái nhiều phụ nữ khác, trong đó có Vệ Tử Phu. Năm 139 TCN, Vệ Tử Phu được vào cung làm Phu nhân và lần lượt hạ sinh ba người con. Từ đó Hán Vũ Đế hết mực sủng ái Vệ Tử Phu, bỏ rơi Trần hoàng hậu. Trần hoàng hậu muốn sinh hạ cho vua 1 đứa con trai, nhằm hàn gắn lại tình cảm đã sứt mẻ bấy lâu nay, để tìm được phương thuốc đó, bà bỏ bao công sức tìm kiếm đến tốn cả 900 vạn lượng bạc mà không tìm ra được.

Sau khi Vệ Tử Phu đắc sủng, một bà Hoàng hậu hay đố kỵ như Trần Hoàng hậu đương nhiên không bao giờ có thể để yên, liên tục kiếm chuyện, khiến hậu cung lúc nào cũng ồn ã vì những chuyện mâu thuẫn, cãi vã.

Điều này khiến Vũ Đế Lưu Triệt cảm thấy vô cùng phiền phức và bực bội. Ngoài những cuộc cãi vã vì ghen tuông, rất nhiều lần, Trần Hoàng hậu còn ngấm ngầm hãm hại Vệ Tử Phu, tuy nhiên, đều bị Vệ phu nhân may mắn phát hiện. Khi Vệ Tử Phu đem mọi chuyện nói lại với Vũ Đế, Vũ Đế vô cùng tức giận, định phế truất Trần Hoàng hậu, tuy nhiên, nghĩ rằng trưởng công chúa Quán Đào có công trong việc đưa mình lên ngôi, vì vậy đành phải nguôi giận, không xử lý Trần A Kiều. Song, cũng kể từ đó, đối với Vũ Đế, Trần Hoàng hậu gần như không còn tồn tại. Mang tiếng là bà chủ hậu cung, thế nhưng, cung điện của Trần Hoàng hậu lúc nào cũng lạnh lẽo, không bao giờ được Vũ Đế đoái hoài tới.

Ít lâu sau đó, sau khi biết tin Vệ Tử Phu có thai, vừa đố kỵ, ghen ghét, vừa oán hận, lo lắng, lại không biết làm cách nào để thay đổi tình thế, Trần A Kiều đã tìm đến các yêu thuật của phù thủy. Một nữ phù thủy tên là Sở Phục nói với Trần A Kiều rằng bàbg ta có phép thuật khiến Hoàng đế có thể “hồi tâm chuyển ý” quay lại yêu Trần Hoàng hậu như xưa, tuy nhiên, để thực hiện được phép thuật ấy, ngày đêm phải làm lễ tế đồng thời kết hợp với việc dùng thuốc theo đúng thang mà nàng ta yêu cầu. Ngoài phép thuật giúp Vũ Đế “hồi tâm chuyển ý”, Trần A Kiều còn yêu cầu Sở Phục dùng bùa chú nguyền rủa Vệ phu nhân và các phi tần khác.

Chẳng hiểu phép thuật của nữ phù thủy công hiệu đến đâu nhưng Vũ Đế chưa kịp hồi tâm chuyển ý và Vệ phu nhân cùng các phi tần khác chưa bị nguyền rủa thì Trần A Kiều đã bị “trúng bùa” của Sở Phục. Do sống cô quạnh một mình trong chốn hậu cung lạnh lẽo, nay lại suốt ngày gần gũi với một mình Sở Phục, lâu dần, Trần A Kiều lại nảy sinh tình cảm với nữ phù thủy này. Theo sử sách ghi chép, Trần A Kiều cho nữ phù thủy mặc quần áo của nam giới, sống cùng nhau trong chốn tịch cung chẳng khác gì vợ chồng.

Tới năm Nguyên Đạo thứ năm, tức năm 130 trước Công nguyên, chuyện giữa Trần A Kiều và nữ phù thủy Sở Phục bại lộ. Lần này thì Vũ Đế không còn nể nang bất cứ điều gì nữa, ra lệnh cho tên quan tàn ác nhất trong triều đình lúc bấy giờ là Trương Thang điều tra, xét xử vụ án. Vụ án vào tay như được dịp để thể hiện uy quyền, Trương Thang cho bắt một lúc hơn 300 người. Cuối cùng, nữ phù thủy Sở Phục bị xử tử hình còn Trần Hoàng hậu bị phế và giam vào cung Trường Môn.

Trần Hoàng hậu bị trị tội, nguyên nhân đương nhiên là vì dám dùng yêu thuật hãm hại Hoàng đế và các phi tần. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu có lẽ là vì thân là Hoàng hậu, ngồi ở ngôi mẫu nghi thiên hạ mà lại “dâm loạn với phụ nữ như đàn ông”. Nói cách khác, Vũ Đế quyết định phế truất Trần A Kiều là vì mối tình đồng tính của bà ta thực sự khiến vị Hoàng đế này cảm thấy “mất mặt”.

Sau khi vụ án với nữ phù thủy vỡ lở, trưởng công chúa Quán Đào, mẹ của Trần Hoàng hậu đã tới gặp Vũ Đế để tạ lỗi. Vũ Đế nói với trưởng công chúa Quán Đào rằng: “Hành động của hoàng hậu làm tổn hại tới sự tôn nghiêm của triều đình và hoàng tộc, không thể không phế truất”. Tuy nhiên, Hán Vũ Đế một lần nữa cũng hứa rằng, dù bị phế truất, nhưng Trần Hoàng hậu vẫn sẽ được cung phụng như trước, cung Trường Môn sẽ không có gì khác với cung Hoàng hậu trước đây.

Biết rằng Hán Vũ Đế vẫn có lòng thương xót đối với mình, Trần A Kiều sau khi đã bị chuyển về cung Trường Môn, để cứu vãn tình cảm mà Vũ Đế dành cho mình đã dùng vàng bạc rất hậu hĩnh để nhờ một nhà thơ nổi tiếng đương thời là Tư Mã Tương Như viết bài “Trường Môn phú” gửi cho Hán Vũ Đế. Điều đáng tiếc là bài phú nổi tiếng và được lưu truyền thiên cổ của nhà thơ họ Tư Mã chỉ khiến Hán Vũ Đế tán thưởng tài năng của ông ta chứ không thể giúp Trần Hoàng hậu lấy lại được tình cảm của vị Hoàng đế Hán triều.

Phù hà nhất giai nhân hề, bộ tiêu dao dĩ tự ngu.
Hồn du dật nhi bất phản hề, hình khô cảo nhi độc cư.
Ngôn ngã triêu vãng nhi mộ lai hề, ẩm thực lạc nhi vong nhân.
Tâm khiểm di nhi bất tỉnh cố hề, giao đắc ý nhi tương thân.

Y dư chí chi mạn ngu hề, hoài trinh xác chi hoàn tâm.
Nguyện tứ vấn nhi tự tiến hề, đắc thượng quân chi ngọc âm .
Phụng hư ngôn nhi vọng thành hề, kỳ Thành Nam chi ly cung .
Tu bạc cụ nhi tự thiết hề, quân tằng bất khẳng hồ hạnh lâm .
Khuếch độc tiềm nhi chuyên tinh hề, thiên phiêu phiêu nhi tật phong .
Đăng lan đài nhi dao vọng hề, thần hoảng hoảng nhi ngoại dâm .
Phù vân uất nhi tứ tái hề, thiên yểu yểu nhi trú âm.
Lôi ân ân nhi hưởng khởi hề, thanh tượng quân chi xa âm.
Phiêu phong hồi nhi khởi khuê hề, cử duy ác chi xiêm xiêm .
Quế thụ giao nhi tương phân hề, phương khốc liệt chi ngân ngân .
Khổng tước tập nhi tương tồn hề, huyền viên khiếu nhi trường ngâm.
Phí thuý hiếp dực nhi lai tuỵ hề, loan phụng tường nhi bắc nam.

Tâm bằng y nhi bất thư hề, tà khí tráng nhi công trung.
Hạ lan đài nhi chu lãm hề, bộ thung dung ư thâm cung.
Chính điện khối dĩ tạo thiên hề, uất tịnh khởi nhi khung sùng.
Gian tỷ ỷ ư đông sương hề, quan phù mỹ mỹ nhi vô cùng.
Tễ ngọc hộ dĩ hám kim phô hề, thanh tăng hoành nhi tự chung âm.

Khắc mộc lan dĩ vi suy hề, sức văn hạnh dĩ vi lương.
La phong nhung chi du thụ hề, ly lâu ngô nhi tương sanh.
Thi khôi mộc chi bạc lô hề, uỷ sâm si dĩ khang lương.
Thì phảng phất dĩ vật loại hề, tượng Tích Thạch chi tương tương.
Ngũ sắc huyễn dĩ tương diệu hề, lạn diệu diệu nhi thành quang.
Trí thác thạch chi linh bích hề, tượng đại mội chi văn chương.
Trương la ỷ chi mạn duy hề, thuỳ Sở tổ chi liên cương.

Phủ trụ my dĩ thung dung hề, lãm Khúc Đài chi ương ương.
Bạch hạc khiếu dĩ ai hiệu hề, cô thư trĩ ư khô dương.
Nhật hoàng hôn nhi vọng tuyệt hề, trướng độc thác ư không đường.
Huyền minh nguyệt dĩ tự chiếu hề, tồ thanh dạ ư động phòng.
Viện nhã cầm dĩ biến điệu hề, tấu sầu tứ chi bất khả trường.
Án lưu chuỷ dĩ khước chuyển hề, thanh ấu diểu nhi phục dương.
Quán lịch lãm kỳ trung tháo hề, ý khảng khái nhi tự ngang.
Tả hữu bi nhi thuỳ lệ hề, thế lưu ly nhi tòng hoành.
Thư tức ấp nhi tăng hy hề, sỉ lý khởi nhi bàng hoàng.
Du trường duệ dĩ tự ế hề, sổ tích nhật chi khiên ương.
Vô diện mục chi khả hiển hề, toại đồi tứ nhi tựu sàng.
Đoàn phân nhược dĩ vi chẩm hề, tịch thuyên lan nhi thần hương.

Hốt tẩm mị nhi mộng tưởng hề, phách nhược quân chi tại bàng.
Dịch ngụ giác nhi vô kiến hề, hồn vương vương nhược hữu vong.
Chúng kê minh nhi sầu dư hề, khởi thị nguyệt chi tinh quang.
Quan chúng tinh chi hàng liệt hề, Tất, Mão xuất ư đông phương.
Vọng trung đình chi ái ái hề, nhược quý thu chi giáng sương.
Dạ mạn mạn kỳ nhược tuế hề, hoài uất uất kỳ bất khả tái canh.
Đạm yển kiển nhi đãi thự hề, hoang đình đình nhi phục minh.
Thiếp nhân thiết tự bi hề, cứu niên tuế nhi bất cảm vong.

Dịch:
Có một nàng giai nhân chừ, bồi hồi đi lại mãi thôi.
Hồn vảng vất mà không về chừ, vóc hình khô héo đơn côi.
Từng hứa sớm đi mà tối lại chừ, vui yến tiệc mà quên nhau.
Lòng đoạn tuyệt mà chẳng đoái hoài chừ, cùng ai hợp ý tâm đầu.

Thiếp nhớ nhung mà âu sầu chừ, vẫn giữ một mối thành tâm.
Chờ chiếu cố mà tiếp kiến chừ, được lời ngọc mà chịu vâng.
Nghe tiếng hư mà tưởng thực chừ, ở ly cung tại Thành Nam.
Bữa đạm bạc mà tự soạn chừ, nhưng người từng chẳng muốn giá lâm.
Chỉ một mình mà trầm tư chừ, trời nổi gió mà ầm ầm.
Lên đài lan mà trông xa chừ, chỉ thất vọng mà bần thần.
Mây bốn phía mà che khuất chừ, trời âm u mà xa xăm.
Nghe sấm dậy mà râm ran chừ, ngỡ tiếng người ra thăm.
Nơi khuê phòng mà gió lộng chừ, thổi màn lay động bâng khuâng.
Cành quế đan mà rối rít chừ, hương nồng đượm mà toả lan.
Công tụ hội mà ôn tồn chừ, vượn đen hót mà dài ngân.
Phí thuý chấp cánh mà họp bầy chừ, phượng loan lượn bắc rồi nam.

Tâm sầu muộn mà không nguôi chừ, tà khí thổi mà lạnh lùng.
Xuống đài lan mà nhìn quanh chừ, bồi hồi dạo chốn thâm cung.
Chính điện cao chọc tới trời chừ, thảy nguy ngất trong không trung.
Dừng chân đứng dưới mái đông chừ, nhìn tinh vi lộng lẫy khôn cùng.
Đẩy cửa ngọc lay động khuyên vàng chừ, tiếng vang vang vọng tựa chuông rung.

Trạm khắc mộc lan làm rui chừ, trang trí văn hạnh làm rường.
Vô số cột được bài trí chừ, xếp đan xen mà linh lung.
Lấy gỗ quý mà làm đầu chừ, dựng rải rác trong phòng không.
Có thể lấy gì so sánh chừ, núi Tích Thạch sừng sững giương.
Năm sắc cùng nhau tương chiếu chừ, ánh toả xán lạn huy hoàng.
Xếp đá hoa trên nền gạch chừ, tựa mai rùa vẽ hoa văn.
Treo lụa bạch làm màn che chừ, rủ tơ Sở làm dây chăng.

Nâng then cửa bước ung dung chừ, ngắm Khúc Đài sao mênh mông.
Hạc trắng kêu nghe thảm thiết chừ, chim lẻ trên cành mỏi trông.
Trời hoàng hôn lòng đứt tuyệt chừ, một mình buồn bã phòng không.
Trăng cao soi bóng lẻ loi chừ, đêm thanh tàn chốn thâm cung.
Lấy đàn biến tấu nhã khúc chừ, giải nỗi sầu mà lại chẳng xong.
Chuyển theo âm chuỷ lưu loát chừ, tiếng nhẹ nhàng mà du dương.
Suốt khúc đàn tỏ tâm tình chừ, bao ý mạnh mẽ trào dâng.
Chung quanh buồn rơi lệ chừ, nước mắt chảy ướt dọc ngang.
Nén lòng lại thêm nghẹn ngào chừ, xỏ giày đứng dậy bàng hoàng.
Nâng tay áo mà che mặt chừ, hối lỗi xưa để tai ương.
Mặt mũi nào mà xuất hiện chừ, lòng tủi thẹn lại lên giường.
Vò cỏ thơm mà làm gối chừ, đệm trải lan mà ngát hương.

Vừa thành giấc mà mộng tưởng chừ, phách tới bên cạnh quân vương.
Hoảng sợ tỉnh mà không thấy chừ, hồn như mất gì kinh hoàng.
Nghe gà gáy mà sầu bi chừ, dậy ngước nhìn trăng sáng trong.
Xem các sao la liệt xếp chừ, Tất, Mão ló tại phương đông.
Ngóng trong sân ảm đạm chừ, tựa tiết thu phủ dày sương.
Đêm đằng đẵng như năm dài chừ, nhớ bứt rứt mà chẳng thể nguôi lòng.
Hết đi rồi đứng đợi sáng chừ, bình minh dần toả bừng bừng.
Thần thiếp trộm buồn tủi chừ, đến già chẳng dám quên quân vương.

Câu chuyện đồng tính của A Kiều là câu chuyện đồng tính đầu tiên trong lịch sử chốn hậu cung của Trung Quốc. Nhưng chúng ta cũng cần phải nói rằng nguyên nhân dẫn đến câu chuyện này chính là sự ghẻ lạnh của đấng quân vương. Hoa thơm cỏ lạ luôn có sức hút đối với họ, cũng chính vì vậy mà họ đã bỏ quên người đã đầu ấp tay kề với mình ngay từ khi còn nhỏ. Và ghen là bản tính vốn có của những nàng Hoàng hậu. Đó là điều đương nhiên. Song ở mỗi người, cách ghen của họ lại khác nhau. Có những vị Hoàng hậu nhờ vào ghen lại được đắc sủng trở lại. Nhưng cũng có những người vì ghen mà càng bị ghét bỏ. A Kiều là một điển hình cho trường hợp vì ghen mà bị ghét bỏ. Vì quá yêu Lưu Triệt rồi cả vì căm hận Vệ Tử Phu nên nàng đã phạm phải vào đại kỵ thời bấy giờ đó là sử dụng yêu thuật. Nàng đã bị ghét bỏ, phòng không gối lạnh, giờ xuất hiện một con người, dù Sở Phục là nữ nhân nhưng đã phần nào khiến A Kiều cảm nhận được ấm áp của con người, cảm nhận được vẫn có người nói chuyện, để ý đến mình. Lâu dần nảy sinh tình cảm là một điều hoàn toàn bình thường. Và khi tình cảm không thể khống chế được nữa, nó đã trở thành một mối tình đồng tính. Hán Vũ Đế cảm thấy mất mặt nhưng chúng ta lại cảm thấy xót xa nhiều hơn.

Sau khi phế Trần Hoàng hậu, Vũ Đế lập Vệ Tử Phu lên thay làm Hoàng hậu và ít khi gặp lại bà.

Theo sự tích, Trần hậu vừa bị thất sủng, vừa bị giam giữ, lòng buồn tê tái, khóc than suốt ngày và nhớ lại những ngày hạnh phúc cùng Vũ Đế.

Năm 116 TCN, Quán Đào Công chúa, người mẹ có ảnh hưởng lớn đối với Trần hoàng hậu qua đời. Sau cái chết của mẹ bà, nhà họ Trần cũng suy sụp theo. Ngay khi đang để tang Quán Đào, hai người con trai của bà là Đường Ấp hầu Trần Tu và Long Lự hầu Trần Kiểu do tranh giành tài sản dẫn đến phạm pháp nên đều bị tước bỏ chức vị. Trần Tu sợ hãi bèn tự sát, tước vị bị phế.

Sau không rõ Trần Hoàng hậu mất năm nào và thọ bao nhiêu tuổi. Từ khi vào cung làm vợ Lưu Triệt năm 151 TCN đến khi bị phế (130 TCN), bà tại vị chừng hơn 20 năm. Thi hài bà được an táng ở huyện Bá Lăng, ở phía đông nam 30 dặm của thành Trường An.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN