Nàng Cám - Chương 4: Bữa thịt cá.
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
86


Nàng Cám


Chương 4: Bữa thịt cá.


“Ngươi giãy cái gì? Hả? Ngươi mà giãy nữa, ta liền đem người làm cá bảy món!”

Người vẫn cứ há mồm mắng chửi, cá vẫn cứ phồng mang trợn má giãy đành đạch.

Một người một cá, ầm ầm ĩ ĩ.

Đúng thật là!!! Làm gì có ông Bụt nào chứ!

Tối hôm trước, Cám hi sinh giấc ngủ ngàn vàng lẻn ra giếng gọi khan cả cổ mà con mắm nào ngoi lên đâu.

Nàng lẻn ra sau giếng, cầm đuôi con cá sắp thoi thóp lên.

Đúng là thảm quá thảm: vây cá rách bươm, lả tả như tấm giẻ rách, con cá ốm tong ốm teo ra sức phản kháng trong vô vọng.

“Yên tâm yên tâm, ta sẽ cho mi ăn ba ngày một bữa…”

Cá dùng hết sức bình sinh để giãy.

“Được rồi được rồi, là ba bữa một ngày, được chưa…”. Nói rồi, Cám thô bạo quăng con cá đáng thương xuống giếng.

Nàng bưng chén cơm thiu lên ngân nga:

“Bống bống, bang bang

Lên ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta,

Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.”.

Lại một hồi nàng gào khản cả giọng cũng chẳng có ma nào chịu chui lên chơi với nàng.

Chẳng nhẽ cá chết rồi?

“Hu hu… ta… ta còn chưa ăn ngươi, sao ngươi lại chết?”

Sau đó, nàng mới biết con cá đó chưa hề chết, mà là một con cá háo sắc.

Tại sao ư? Tại sao thấy Tấm là nó ngoi lên làm nũng, gặp nàng thì một cái vây của nó cũng chẳng có cơ hội thấy được.

Càng nghĩ nàng càng tủi thân, càng tủi thân lại càng muốn ăn tươi nuốt sống con cá.

Tấm vốn hiền lành, lương thiện, nàng thấy con cá ốm yếu trong giếng, không hề bắt nó, ngược lại ngày ngày nàng ăn ít đi, lén đem một phần cơm đó nuôi cá, xem nó như bạn ngày ngày tâm sự.

Tất nhiên câu “thần chú” kia không hề xuất hiện.

Cám lén lút theo dõi, chờ con cá mà nàng chẳng biết tên kia béo lên, sẽ thịt nó theo đúng nguyên tác.

Thời gian thấm thoắt trôi qua, Cám kiên trì trước mặt dì ghẻ phối hợp diễn kịch bắt nạt Tấm, tối tối nàng lại cầm ba cây nhang vái trời vái đất, cầu cho ông trời thương tiếc nàng, đừng bắt nàng ngâm mắm!

* * *

Bấm bấm đốt ngón tay, cuối cùng thì ngày này cũng tới.

Cá chiên xù ơi, hãy đợi ta!!!

Thế rồi, có ai đó hí ha hí hửng leo lên cây cạnh cái giếng.

“Chậc chậc, béo quá béo quá… “

Nàng vừa nhìn Tấm cho cá ăn vừa không ngừng cảm thán…

Nhưng người ta thường bảo nhau đừng vui mừng quá sớm…

… Cám ôm chặt cây ngáp ngắn ngáp dài rồi mới yên tâm ngủ, trải nghiệm kinh hoàng trong quá khứ làm nàng nhớ đến già…

Chỉ vì Tấm cho cá ăn xong thì cái miệng của nàng cứ nói không ngừng nghỉ, hại Cám lại một phen hoa mắt chóng mặt, thần kinh không ngừng kêu gào.

* * *

Cảm giác không trọng lực quấn lấy người nàng, kèm theo đó là cảm giác choáng váng khi bị mất hết không khí.

Nàng trợn tròn mắt nhìn cái tên áo lam đang xách cổ nàng kia. Chớp mắt một cái, nàng đã bị hắn quăng đi như ném rác, khóe miệng hắn còn nhếch lên nụ cười quỷ dị.

Xong đời nàng.

“Tùm”

Lại chớp mắt một cái, nàng đang lơ lơ lửng lửng ở dưới nước.

Chớp mắt cái nữa, con cá béo béo tròn tròn ủn a ủn ỉn bơi đến trước mặt nàng.

Một cá một người, mặt đối mặt.

Không gian yên tĩnh đến đáng sợ.

*Chớp mắt*.

*Chớp mắt* tập hai.

Con cá béo tròn nhìn là phát thèm ấy đột nhiên biến thành con cá mặt quỷ khổng lồ, há cái miệng to rộng đầy máu, từng chiếc từng chiếc răng nhọn sáng lóe lên, hòng nuốt chửng Cám.

“Á Á Á Á… ” “Ba mẹ ơi… cứu con với… cứu với…”.

Cám la hét trong vô vọng, bấy giờ nàng mới thấu hiểu nỗi sợ hãi sắp bị ăn thịt của con cá béo tròn nhà nàng.

Thực tế, là nàng đang gào thét trong cơn mơ.

Ở một cánh đồng gần đó, cái cảnh thảm thương đáng xấu hổ của Cám đập vào mắt một người.

Người đó một thân áo nâu dân dã, nước da bánh mật, gương mặt chất phác thuần hậu.

Y khẽ nhíu mày nhìn Cám. Dân làng nói, Cám phát điên rồi.

“Đáng đời ả ta!” – Y hừ lạnh, quay lưng không thèm nhìn nữa.

* * *

Sau một hồi hò hét làm lũ chim chóc sâu bọ côn trùng náo loạn cả lên, cuối cùng Cám cũng chịu tỉnh với hai hàng nước mắt, cổ họng khát khô, khản đặc như bà già.

Nàng Tấm đã rời cái giếng tự hồi nào. Thay vào đó là mụ dì ghẻ đứng dưới đất, la hét ầm ĩ.

Nàng suýt chút nữa thì ngã lộn nhào đập đầu xuống đất. Tạ trời, là mơ, là mơ…

Cám điều chỉnh lại tâm trạng, khó khăn trèo xuống, kể lể sự tình với “mẹ” nàng. Sắc mặt mụ từ kinh hoảng lập tức chuyển sang tức giận, nhanh đến nỗi Cám sẵn sàng đề cử mụ cho giải thưởng “Nữ phản diện xuất sắc nhất”. Nàng không khỏi tặc lưỡi tiếc nuối.

Sự việc sau đó ai cũng biết, Tấm nghe lời mụ dì ghẻ, dắt trâu đi chăn xa lắc xa lơ, chỉ khác một chi tiết nhỏ, hành trang của nàng còn có một chiếc nón, một bọc cơm được gói vụng về bằng lá chuối héo.

Chuyện là Cám ta trong lòng cứ áy náy không thôi, nàng trộm chiếc nón trong nhà, lại lút vét nồi, được một bát cơm nguội thì “cẩn thận” gói lại. Trước khi đi, Tấm bị nàng lôi ra sau nhà, dúi vào tay cái nón. Nàng Cám nào đó còn ăn một miếng cơm nhỏ để chứng minh sự “trong sạch” của mình trước khi đưa nốt bọc cơm dị dạng kia. Sau đó lại dùng dáng điệu kì quái lẻn đi.

* * *

Cám đứng bên cạnh mụ dì ghẻ, toát mồ hôi lạnh nhìn mụ tay không tóm con cá dưới giếng, lại hung hăng vặt nó như bẻ cổ gà. Nàng nuốt nước miếng vì sợ, lùi một, hai, ba bước rồi xoay mông chạy mất dạng.

Thật là, không nỡ nhìn mà!

Lại nói đến món cá kia, phải gọi là rất rất thảm, cá không ra cá, thịt nát xương tan, nhìn chẳng khác cục than là mấy. Cũng phải, mẹ con nàng nào biết nấu ăn, ba bữa đều do Tấm đảm đương, món ăn tuy không mấy phong phú nhưng cũng rất vừa ăn.

Cám nghĩ đến những nhân vật nữ xuyên không, không phải thần y thì cũng có tài bếp núc, kinh doanh buôn bán,… lại tự thấy bản thân nàng quả là quá vô dụng!

Mụ dì ghẻ ba phần xấu hổ, bảy phần bực bội buông đũa vào buồng trong. Cám vội vội vàng vàng mở to mắt tìm xương cá trong mớ thịt lẫn lộn kia, rồi tốt bụng chôn xương ở góc giường giúp Tấm.

Nói toẹt ra thì nàng tò mò đống xương kia làm sao “biến” thành quần áo, giày dép đây?

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN