Con Tim Của Quỷ | Đọc truyện ngắn hay tại webtruyenfree

Con Tim Của Quỷ

Thể loại : KINH DỊ | TRUYỆN KINH DỊ | TRUYỆN MA
Lượt xem : 357

Trước khi đi ngủ Lan Thanh còn dặn kỹ em gái mình:

– Em nhớ đóng cửa sổ, gài chặt chốt bên trong và đừng mở ra lúc ban đêm đấy nhé!

Lan Ngọc cười chế nhạo chị mình:

– Chị trở thành bà cụ tám mươi lúc nào vậy! Sao không cho người lấy dây xích khóa luôn phòng em lại, để em không thoát ra ngoài được cho chắc ăn!

Lan Thanh lườm em:

– Lo cho an toàn của cô mà cô còn nói giọng đó hả! Em biết không, ở vùng này ban đêm hay có những loại chim lạ hay bay vào phòng nếu mình không đóng cửa. Mà những loại chim như vậy em không nghe người ta nói sao, nó chính là… oan hồn từ cõi âm hiện về đó.

Lan Ngọc vốn dĩ bướng bỉnh, cô phá lên cười:

– Em gái chị đang ế chồng, không cho em đón anh chàng đi lang thang nào đó về làm em rể chị sao!

Lan Thanh phát lên vai em mình một cái rõ đau:

– Đồ ăn nói bậy bạ! Thôi, ngủ đi con khỉ. Nhớ đó!

Lan Ngọc làm sao ngủ sớm được, mà lúc này mới có hơn tám giờ. Cô bắt đầu cảm thấy thì giờ qua khá chậm và khoảng trống trước mắt là cả một đêm dài. Ai bảo dành mấy ngày nghỉ ngắn ngủi để về đây, thay vì đi ra biển hay lên Đà Lạt chơi cho thỏa thích. Chỉ vì nhớ bà chị ruột lấy chồng đã hơn một năm rồi, về vùng sông nước đèo heo hút gió này, nên Lan Ngọc quyết định về thăm. Dẫu biết rằng sẽ là chuỗi ngày buồn và tù túng… nhưng kệ, biết đâu sẽ có được những phút giây thú vị khác mà cô sinh viên mới ra trường như Lan Ngọc đang cần nếm trải…

– Ngủ sớm đi Ngọc ơi!

Tiếng của Lan Thanh vọng từ bên phòng riêng sang, Lan Ngọc không đáp, lẳng lặng nằm xuống chong đèn đọc sách. Cái thú đọc sách đêm đã thành một chất gây nghiện đối với Lan Ngọc. Bởi vậy về đây chuyến này, ngoài quần áo, Lan Ngọc còn mang theo cả một nửa va li sách mới. Cô quyết trong một tuần ở lại sẽ nuốt trọn mớ sách kia. Còn hơn là nằm ngáp dài…

Đêm của vùng quê này thật tĩnh lặng. Chỉ thỉnh thoảng mới có vài tiếng kêu của con chim gì đó mà Ngọc nghe như “bắt cô trói cột”, nghe xong Ngọc cười một mình vừa nghĩ “thảo nào bà chị yêu quý cứ sợ bị nó “bắt cô trói cột”!

Nằm khá lâu quyển sách đã vơi đi gần một phần tư, chợt Lan Ngọc nghe như có tiếng ai thở ngay bên cửa sổ! Lúc đầu cô còn do dự, bởi nghĩ mình nghe lầm, nhưng đến lần thứ hai lại nghe, thì Ngọc không thể nào nằm yên. Cô nhảy xuống giường, ghé sát mắt vào khe cửa nhìn ra. Bên ngoài có trăng, nên mắt thường Lan Ngọc cũng có thể nhìn thấy có một đứa trẻ còn chập chững đang loay hoay bước như xoay vòng ở đám cỏ non phía ngoài.

Điều đó khiến Lan Ngọc không thể nào rời mắt. Cô nghĩ chắc chắn là đứa bé đi với ai đó. Nhưng cố nhìn mãi mà vẫn không thấy ai khác. Mà đứa bé thì hình như đang khóc thét vì sợ hay sao đó…

Dẫu có vô tâm đến mấy thì trước hình ảnh đó Lan Ngọc cũng phải động lòng, nói gì cô là người thương trẻ con. Nghĩ mình nên gọi chị Lan Thanh, nhưng rồi lại sợ cái bà chị nhát gan, cụ non kia lại sợ và bàn ra, nên Ngọc quyết định lẻn ra ngoài bằng cửa trước. Cô vòng qua chỗ cửa sổ thì vừa lúc thấy đứa bé cắm đầu chạy về hướng cuối vườn cây ăn trái. Lan Ngọc đuổi theo.

Nhờ có ánh trăng mười sáu, nên Lan Ngọc có thể bước đi một cách dễ dàng, dù đây là lần đầu tiên cô đi sâu vào khu vườn cây rậm rạp này. Đứa bé vừa chạy vừa khóc, Lan Ngọc định lên tiếng gọi, nhưng lại sợ nó hoảng rồi vấp té, nên cô chỉ cố chạy cho nhanh hơn để bắt kịp. Nhưng ngoài dự đoán của Lan Ngọc, đứa bé xem ra chưa quá ba tuổi, vậy mà chạy rất nhanh, có lúc nó bỏ xa Lan Ngọc đến hơn hai chục mét.

Trước mặt cách đứa bé không xa có một cái mương lớn, Lan Ngọc vừa nhác thấy đã phải kêu lên:

– Coi chừng té!

Cô lao tới nhanh, bởi đứa bé chừng như chẳng để ý gì, cứ cắm đầu chạy thẳng, có nguy cơ lọt xuống mương! Và nó lọt thật!

Lan Ngọc vừa trờ tới thì cũng vừa lúc cả thân thể bé nhỏ của đứa bé lọt ùm xuống nước! Sợ thất thần, Ngọc chỉ kịp kêu lên một tiếng:

– Trời ơi, cứu!

Rồi cô cũng lao theo. Đến khi tiếp nước rồi, mới nhớ ra mình không biết lội, Lan Ngọc hốt hoảng, chới với, bởi cái mương khá sâu, gần ngập đầu cô. Trong cơn chới với, bỗng như có một cánh tay của ai đó với xuống kéo Ngọc lên. Cô vừa sợ vừa mệt, đã hầu như ngất đi.

Lan Ngọc không còn biết gì nữa và điều đó thật đáng tiếc. Bởi nếu còn tỉnh táo thì cô đã chứng kiến một chuyện mà cô không làm sao tin được. Người vừa kéo cô lên khỏi mương chính là… đứa bé chập chững lúc nãy! Nó có té xuống mương thật, nhưng vừa lúc Lan Ngọc lao theo thì chính nó đã nhảy vọt lên, rồi vươn tay kéo Lan Ngọc đang chới với. Trông nó lúc ấy không có chút gì là một đứa trẻ lên ba!

Đứng nhìn Lan Ngọc một lát, nó lặng lẽ bước đi, dáng điệu chẳng khác một người trưởng thành. Cách trước mặt nó vài chục mét là một khu nghĩa địa với vài chục nấm mộ vừa mộ xây kiên cố vừa mộ đá. Đứa bé không tỏ chút gì là sợ sệt, nó đi thẳng vào nghĩa trang và chỉ thoáng qua là mất hút…

Lan Ngọc vừa bừng tỉnh, cô nhớ lại chuyện mình té mương, nhìn lại bộ đồ vẫn còn ướt, Lan Ngọc tự hỏi:

– Sao mình không chết?

Chợt nhớ tới đứa bé, cô quýnh lên, nghĩ chắc là nó đã chết! Lan Ngọc tự trách mình, phải chi lúc nãy đừng nhảy theo nó, cứ tri hô lên, chắc chắn trong nhà anh chị mình sẽ nghe và họ chạy ra thì may ra còn kịp.

– Phải dì út không?

Tiếng của anh Thông, chồng chị Lan Thanh. Ngọc mừng quá, kêu lên:

– Em đây anh Thông ơi! Anh tới đây ngay đi.

Thông chạy tới, có cả Lan Thanh nữa. Họ hoảng hốt khi thấy Lan Ngọc trong tình trạng đó. Lan Thanh lên tiếng hỏi liền:

– Em đi đâu ngoài này vậy? Tại sao quần áo lại…

Lan Ngọc rối rít:

– Anh Thông nhảy xuống mương vớt giùm đứa bé lên đi! Nó… nó…

Lan Thanh cẩn thận hỏi lại:

– Đứa bé nào? Sao nó lại ở dưới mương?

Lan Ngọc không đáp, đẩy đại Thông xuống, khiến cho anh chàng té gọn xuống nước. Lan Ngọc nói to:

– Đứa bé mới bị té xuống đó, anh vớt nó lên may ra còn kịp.

Thông bơi lội giỏi, nhưng sau hơn mười phút mò tìm vẫn chẳng thấy gì. Anh lắc đầu nói:

– Làm gì có đứa bé nào ở đây?

Lan Ngọc quả quyết:

– Nó mới cùng té với em đây mà!

Tất nhiên cuộc mò tìm tiếp theo sau đó chẳng có kết quả gì. Thông mệt bở hơi tại, còn Lan Ngọc thì vẫn cả quyết:

– Nếu anh mò không được đứa bé thì suốt đêm nay em ở đây, không về!

Lan Thanh biết tánh em, cô nói với chồng:

– Anh ráng tìm xa xa một chút xem thế nào. Mà cũng lạ, mương nước không chảy, vậy té xuống thì đi đâu?

Cô hỏi lại em gái:

– Em nói rõ cho chị nghe coi, chuyện đầu đuôi ra sao?

Lan Ngọc thuật lại, nghe xong Lan Thanh trách em:

– Chị đã dặn rồi, tại sao em còn mở cửa sổ, rồi lại mở cửa đi ra ngoài nữa, lỡ có chuyện gì thì sao!

Cô giải thích việc có mặt của vợ chồng mình:

– Chị đang ngủ thì nghe có tiếng la thất thanh của em. Lúc chị chạy qua thì thấy cửa phòng mở toang, em không có trong đó, khiến chị hoảng quá, chạy đại ra vườn thì may gặp em ở đây.

Lan Ngọc ngạc nhiên:

– Em có la thất thanh bao giờ đâu? Em còn sợ làm chị giật mình nữa mà…

Lan Thanh quay sang hỏi Thông:

– Anh nói cho nó nghe, có phải anh cũng nghe nữa phải không?

Thông quả quyết:

– Tôi nghe tiếng của dì nên nghĩ là có chuyện nguy hiểm xảy ra, nên chưa kịp mặc quần áo đàng hoàng, đã chạy liền qua phòng. Chị Thanh của dì cũng chạy theo và lúc đó vẫn còn nghe dì tiếp tục la như bị ai đó bóp họng!

Lan Ngọc biết có cãi cũng vô ích, nên cô đích thân nhảy xuống mương lần nữa. Lần này cô có thận trọng hơn, nên nhảy xuống đúng chỗ cạn, nước chỉ ngập quá thắt lưng một chút. Nhưng Lan Thanh cũng hốt hoảng:

– Không được, nó không biết lội! Anh Thông…

Không đợi Thông có phản ứng. Lan Thanh đã tức tốc nhảy theo em mình. Ba người họ quậy nát cả một đoạn mương, cho đến khi bỗng Thông reo lên:

– Có bộ quần áo của con nít!

Anh đưa lên một bộ đồ, vừa nhìn thấy Lan Ngọc đã la lên:

– Của đứa bé!

Rõ ràng, lúc nhìn nó chạy, cô đã thấy nó mặc đúng bộ đồ này. Lan Ngọc mếu máo:

– Vậy là không cứu được nó rồi. Cũng tại em…

Cô khóc nức nở, vừa lúc Thông lại đưa lên một vật khác:

– Còn cái này nữa!

Vật mà Thông vừa đưa khỏi mặt nước đã khiến cho Lan Thanh kêu thét lên đầu tiên:

– Trời ơi, cánh tay!

Đúng là một cánh tay còn nguyên, lại là một cánh tay… trẻ con! Lan Ngọc kinh hãi:

– Trời ơi!

Cô chỉ kêu được mấy tiếng đó rồi chìm nghỉm xuống mặt nước. Lan Thanh thét lên:

– Lan Ngọc!

Hai vợ chồng tức tốc đưa cô em gái lên bờ. Lan Ngọc đã ngất đi, toàn thân lạnh như băng…

Bệnh tình tưởng không có gì, vậy mà Lan Ngọc đã phải nằm mê man suốt hai ngày. Lúc tỉnh lại điều cô hỏi đầu tiên là về đứa bé:

– Đã tìm được nó chưa?

Lan Thanh phải trấn an em:

– Em cứ yên tâm nằm nghỉ, dưỡng bệnh. Anh Thông và mọi người đã tát sạch nước ở mương rồi mà vẫn chẳng thấy gì khác. Có thể cánh tay kia là của ai đó chứ không phải của nó. Vả lại cánh tay ấy chỉ vớt lên mặt nước khoảng mấy phút sau thì đã chẳng còn nguyên nữa, nó thành một khúc xương khô!

Lan Ngọc vẫn lẩm nhẩm:

– Phải tìm cho được nó, tội nghiệp quá…

Thông đi tận chợ thị xã rước về một bác sĩ quen, để khám bệnh cho Lan Ngọc. Sau khi chẩn mạch ông bảo:

– Cô nhà chỉ bị hạ huyết áp, có lẽ do bị kích động chuyện gì đó. Giờ thì ổn rồi.

Khi vị bác sĩ này đi rồi thì ở nhà bên cạnh có một người bước sang nói với Lan Thanh:

– Tôi nhìn sắc diện cô này không như ông bác sĩ nói đâu. Năm ngoái đứa cháu gái của tui ở xa tới chơi đây cũng bị giống như vậy, nửa đêm nó chạy ra vườn rồi cũng bị té xuống ao, sau đó thì ngả bệnh luôn, mê man cả mấy tháng trời. Cho đến nay thì trở thành như người mất trí! Theo tui thì cô cậu nên đưa cô ấy qua bên kia cồn, có ông thầy hay lắm, chuyên chữa trị loại bệnh này. Chữa sớm đi, đừng để như đứa em tui mà khổ…

Lan Thanh định không nghe, nhưng nhìn sắc diện em gái cứ mỗi lúc mỗi xấu đi, tuy đã tỉnh, nhưng vẫn nằm thiêm thiếp, không đi đứng bình thường được. Cuối cùng cô phải đồng ý. Người hàng xóm tình nguyện đi cùng, cả vợ chồng Lan Thanh đều cùng đi. Lan Ngọc tuy biết mình được chuyển xuống ghe, nhưng cô chẳng tỏ thái độ ưng thuận hay phản đối.

Từ chỗ nhà Lan Thanh qua tới cồn mất hơn một giờ đi ghe. Trời tối, sông lớn lặng yên không chút sóng. Thím Sáu, người hàng xóm, mừng rỡ nói:

– Bữa nay hên đó, chớ mọi bữa sóng gió nhiều, muốn qua cồn phải đợi cả nửa buổi. Hy vọng ta qua sớm sẽ có thầy Tư ở nhà, để khỏi phải chờ đợi nhiều khi mất cả ngày.

Chiếc ghe do đứa cháu chồng của Lan Thanh chèo khá vững vàng và lướt đi nhanh hơn nhờ gió thuận chiều. Tuy nhiên khi ra tới giữa sông lớn thì bỗng Thông đang đứng ở mũi ghe kêu lên:

– Có sóng lớn kìa!

Từ phía trước mặt cách đó không xa đang có một cuộn sóng bất thường dâng lên khá cao, rồi tiếp theo là một đợt gió mạnh thổi thốc tới. Hợi, anh chàng chèo ghe đầy kinh nghiệm cũng phải kêu lên:

– Ngồi xuống hết, bám chặt mui ghe!

Lời anh ta vừa dứt thì đột nhiên chiếc ghe lồng lên, run lắc dữ dội, rồi mọi người chao đảo, cảm giác như bị hất tung lên! Có lẽ phải mất hơn nửa phút sau thì mới có người nào đó gọi lớn, vang vang giữa dòng sông:

– Mọi người cố bám vào ghe hay bất cứ vật gì đang trôi nổi!

Người vừa lên tiếng là Hợi, anh chàng chèo ghe. Anh ta sau đó kéo được trước nhất là Lan Thanh, rồi một người nữa có lẽ bị thương nên đang chới với. Đó là Thông. Chỉ còn thiếu mình Lan Ngọc.

Lan Thanh định thần lại, cô gào lên:

– Hãy cứu em tôi, nó không biết lội!

Có vài chiếc ghe khác đi gần đó cũng chạy lại tiếp sức. Họ bảo:

– Đây là cơn lốc bất thường. Thỉnh thoảng cũng xảy ra, nhưng mùa này thì rất hiếm.

Họ cùng nhau kéo hết những người bên ghe chìm lên. Lan Thanh năn nỉ họ:

– Làm ơn cứu em gái tôi, nó không biết lội mà. Nó chết mất…

Cô như người mất trí, cứ nhảy dựng trên ghe, khiến cho mấy người kia phải cảnh báo:

– Cô làm quá ghe chìm lần nữa thì nguy lắm đó. Được rồi, để chúng tôi tìm cho.

Họ chia nhau đi tìm khắp mặt sông rộng lớn. Ngót nửa giờ sau vẫn không thấy tăm hơi gì của Lan Ngọc. Thông chết điếng trong lòng, nhưng chưa vội thông báo cho vợ mình biết. Lan Thanh sau một hồi gào thét đã mệt nên nằm bẹp trên sàn ghe. Lúc ngẩng lên cô hỏi lớn:

– Tìm được chưa?

Chẳng nghe ai trả lời, cô quay sang nắm chân chồng hỏi bằng giọng thất thần:

– Con… con Lan Ngọc… sao rồi?

Thấy Thông im lặng, Lan Thanh như thân cây đổ, cô ngã sóng soài và ngất đi!

Cuối cùng đoàn ghe cũng giải tán. Hợi chèo ghe trở về, vừa lắc đầu than:

– Chèo ghe gần chục năm nay, chưa bao giờ tui gặp cơn sóng gió lạ như vầy!

Lan Thanh được xoa dầu, sơ cứu, tuy chưa tỉnh, nhưng cũng không đến nỗi nguy hiểm, Thím Sáu bảo:

– Cũng tại tui, nếu tui không gợi ý đi tìm thầy thì đâu đến nỗi nào…

Mọi người lặng thinh, tuy không ai nỡ trách phiền thím, nhưng nỗi đau lòng đang khiến họ như bất động, chẳng muốn nói gì thêm.

Ghe trở về nhanh hơn lượt đi. Gần nửa giờ sau đã cặp bến. Thông ngạc nhiên khi thấy trên nhà mình có đông người tụ tập, vào ra bất thường. Anh nhảy ngay lên bờ, chạy thẳng vào nhà xem. Trước sự kinh ngạc của Thông, ở bộ ván giữa nhà, Lan Ngọc đang nằm đó!

– Lan Ngọc! Phải Lan Ngọc không?

Một người hàng xóm nói:

– Cách đây gần một giờ, tôi đang ngồi rửa chén dưới bến, bỗng nhìn thấy một người bám vào cây chuối, trôi lềnh bềnh. Tôi tri hô mọi người xuống vớt lên thì mới hay là cô út!

Thông vừa chạy tới thì một người nói:

– Cổ chỉ còn mê thôi, chớ đã thở rồi.

Như được chết đi sống lại, Thông tức tốc chạy ra bến báo tin. Lúc ấy người ta đã khiêng Lan Thanh vô gần tới nhà. Bỗng nhiên Lan Thanh bật dậy, hỏi lớn:

– Em tôi đâu rồi?

Thông quên cả mắc cỡ, vội bế xốc vợ chạy bay vào nhà. Vừa đặt Lan Thanh xuống thì cô đã ôm ngang người em gái:

– Lan Ngọc ơi!

Lan Ngọc từ từ mở mắt ra. Hai chị em ôm chầm lấy nhau, khóc òa lên.

Không ai hiểu tại sao Lan Ngọc ôm được cái bè chuối, mà lại tự trôi về đúng bến nhà?

Trong lúc mọi người còn bàn tán trong nhà, thì ngoài sân có người la lên:

– Cánh tay của ai ở đây?

Mọi người chạy ra xem. Cô Hai Thắng, người đã nhìn thấy Lan Ngọc trôi sông đầu tiên, lên tiếng:

– Chỗ này hồi nãy tụi nó đặt cây chuối mà cô út ôm đây mà, sao bây giờ lại có cánh tay còn tươi của ai đây?

Mấy người nữa cũng xác nhận:

– Chính tui hồi nãy đặt cây chuối tươi ở đó, định sau này mình cúng vái cám ơn nó đã cứu mạng cô út em cô Lan Thanh đây. Sao bây giờ…

Đến khi Thông bước ra, vừa trông thấy cánh tay anh đã nói liền:

– Chính cánh tay này…

Anh muốn nói đó chính là cánh tay mà anh vớt được dưới mương lúc nửa đêm. Nhưng lời anh chưa dứt thì đã nghe từ phía sau tiếng của Lan Ngọc:

– Đừng làm gì cánh tay ấy!

Cô đã tỉnh hẳn, đang cùng với chị mình chạy ra chỗ mọi người. Và thật bất ngờ, Lan Ngọc chụp lấy cánh tay tái xanh, ôm hẳn vào lòng như đang âu yếm một vật cưng!

Nhìn em mình như thế Lan Thanh sững sờ, nhưng có lẽ lúc ấy nghĩ em mình còn yếu, cô không muốn Lan Ngọc bị xúc động mạnh, nên chỉ im lặng đứng nhìn…

Rồi trước sự kinh ngạc của mọi người, Lan Ngọc ôm cánh tay đi thẳng vào nhà. Vài người hiểu chuyện bàn với nhau:

– Có lẽ cô ấy cám ơn vật đã cứu mình. Xem ra cô còn chưa tỉnh lắm, vậy cứ để cho cô ấy như thế, sau đó mình đem chôn cánh tay cũng không muộn. Nghe có lý nên mọi người ai về nhà nấy.

Thông bàn nhỏ với vợ:

– Chờ dì ấy ngủ, anh sẽ đem cánh tay ra nghĩa địa chôn đàng hoàng. Đúng đó là ân nhân cứu mạng cho dì út!

Vợ Chồng Sáu Thạnh ở gần khu nghĩa địa, nên lâu dần họ không còn có cảm giác e ngại gì mỗi khi vào ra nơi đó. Thậm chí có những lúc vào nửa đêm mà thím Sáu còn một mình đi ra đó soi ếch thay cho chồng, những khi Sáu Thạnh bệnh hoạn hay say xỉn. Còn nói gì Sáu Thạnh, ông ta hầu như quen thuộc nghĩa địa như sân vườn nhà mình. Có lần chú nhậu say rồi nằm ngủ ngay trong gò mả ngoài đó. Có ai tỏ ra lo ngại thì chú luôn cười nói:

– Nghĩa địa là nơi yên bình nhất. Nơi của những người nằm đó mà hầu như không sân si, thù hận ai. Vậy giữa nghĩa địa và khu xóm của người sống, nơi nào đáng yêu hơn!

Vậy mà đêm nay lần đầu tiên cả hai ông bà phát sợ! Số là, lúc họ từ dưới nhà đi lên thì phát hiện ở giữa phòng khách có một xác người nằm đó!

Thím Sáu nhanh miệng hỏi lớn:

– Ai vậy ông?

Sáu Thạnh bình tĩnh soi đèn nhìn kỹ rồi kêu lên:

– Một đứa bé!

Nhìn kỹ hơn nữa, bỗng thím Sáu hốt hoảng:

– Nó không còn tay ông ơi!

Thì ra đó là xác của một đứa bé bị mất hai cánh tay. Tuy có hốt hoảng lúc đầu, nhưng sau khi trấn tĩnh lại, vợ chồng Sáu Thạnh bàn nhau:

– Dẫu sao thì sự thể đã như vầy rồi, mình phải có trách nhiệm. Trước tiên, bà cứ ở nhà trông chừng cái xác, để tôi chạy đi báo động cho bà con biết, kẻo họ nghi ngờ.

Mọi việc tính toán của họ đều bằng tấm lòng chân thật, nhưng hậu quả lại là việc chẳng lành! Khi nhiều người tụ tập lại đông, trong số đó có một người hốt hoảng kêu lên:

– Chuyện chẳng lành rồi! Đây là xác của cậu út, con nhà Hội Đồng Thì ở xã An Thới. Từ sáng tới giờ người ta đi tìm kiếm khắp nơi, không ngờ nó lại ở đây! Mà cũng lạ, vợ chồng Sáu Thạnh từ nào giờ thấy hiền lành, không ngờ lại…

Người đang nói vốn là tay đi mua heo dạo, tên hắn ta là Tư Hưng, mồm miệng rất độc địa, nên cả xóm đều không ưa. Nên nay tuy nghe hắn tỏ ý nghi ngờ như vậy, nhưng mọi người ai cũng nghĩ, vợ chồng nhà này chưa bao giờ làm chuyện gì tai tiếng.

Thấy mọi người không chú ý lời nói của mình, Tư Hưng liền quay nhanh đi. Một người thấy vậy nói:

– Anh ta đi báo làng đó!

Sáu Thạnh chất phác, nghĩ đơn giản, mình vô can, nên chẳng việc gì phải lo. Sau đó với sự tiếp tay của nhiều người nữa, họ khiêng cái xác lên giường ở giữa nhà, chuẩn bị làm thủ tục mai táng. Thím Sáu nói:

– Dẫu là ai thì đứa bé này cũng không thể để thế này được. Ta cứ liệm xong rồi đi báo cha mẹ chúng cũng không muộn.

Khoảng nửa giờ sau thì chuyện rắc rối tới. Một đám làng lính đi cùng với cả nhà Hội Đồng Thì, họ rần rần kéo vào nhà Sáu Thạnh. Vừa nhát thấy xác con mình, lão Hội đồng quát như sấm:

– Gông cổ đứa nào giết hại con tao lại!

Ba bốn tên lính bảo an đi theo lão ta chỉ chờ làm nhiệm vụ, hình như được chỉ điểm của Tư Hưng, đã nhào tới chụp tay vợ chồng chủ nhà, trói lại ngay. Sáu Thạnh phản ứng dữ dội:

– Mấy người đừng có hồ đồ! Muốn biết đầu đuôi ra sao thì phải hỏi chòm xóm đã chớ!

Mụ Hội đồng vốn xưa nay hung dữ có tiếng, mụ ta la bài hãi:

– Chòm xóm của lũ giết người thì cũng một giuộc mà thôi, còng đầu hết cho tao!

Mụ òa lên khóc rất dữ, nhưng trong giọng khóc như có cái gì đó không thật. Riêng lão Hội đồng thì không một giọt nước mắt, cứ hùng hổ ra lệnh:

– Tụi bây áp giải nó về nhà việc, kêu Hương quản Hận tới tra xét tụi nó cho tao!

Vợ chồng Sáu Thạnh bị lôi đi, mặc cho sự phản đối của nhiều người. Khi họ ra tới cửa thì có tên Đội xếp la lên:

– Còn xác của cậu út thì sao?

Bà Hội đồng ra lệnh:

– Cứ để đó, lát nữa Hương quản Hận tới làm biên bản.

Nhà vợ chồng Sáu Thạnh vốn chỉ có hai người, nay họ bị bắt đi thì không còn một ai. Giữa nhà họ cái xác nằm im đó, trông quá ghê! Bỗng một tên thủ hạ thân tín của nhà Hội đồng ra lệnh:

– Truyền lệnh của ông Hội đồng, lấy khóa khóa hết cửa trước sau lại, chờ người ta lập ăng-kết!

Dường như họ đã chuẩn bị đâu đó cả rồi, nên sau câu nói ấy tức thời các cửa đều bị khóa chặt.

Khoảng vài giờ sau thì Hương quản Hận dẫn theo khoảng chục lính tới, chúng mang theo cán để khiêng xác. Và dù chúng ra lệnh không ai được đến gần trong lúc chúng mở khóa, nhưng bà con chòm xóm cũng bất tuân, họ bu đông nghẹt, tràn vào tận cửa để xem.

Không làm gì được, nên Hương quản Hận đành phải ra lệnh cho đám lính cứ tiến hành công việc. Vừa mở cửa xong, hai tên xông vào trước và đồng loạt thét lên:

– Trời ơi!

Hương quản Hận bước vào theo và cũng trợn trừng mắt nhìn chỗ xác chết:

– Trời!

Họ kêu trời vừa dứt thì mồ hôi lạnh toát ra, người run lên bần bật. Nhất là Hương quản Hận, anh ta líu cả lưỡi:

– Sao… sao lại thế này?

Trước mắt anh ta không phải xác của đứa bé, mà là xác của một người đàn ông với khuôn mặt bầm tím, đầy máu me, tuy nhiên hắn vẫn nhận ra. Hắn muốn vãi ra trong quần.

– Sao… sao lại là… nó?

Hương quản Hận chỉ nói được có bấy nhiêu rồi thì ngã quỵ xuống. Cả hai tên thủ hạ cũng vậy. Việc diễn ra ngay trước mắt của nhiều người, nên họ la lên:

– Hội đồng Thì vu oan cho người nghèo, bắt oan người lương thiện!

Dẫu lạnh người trước sự việc trước mắt, nhưng vài người vẫn tràn vô nhà để nhìn cho rõ. Trong số này có một người nhận ra xác chết:

– Đây là thằng Năm Nhơn, người làm công cho nhà Hội đồng Thì mà.

Một người khác còn nói thêm:

– Nó chuyên chèo ghe, đi xách va-li cho cô tiểu thơ nhà Hội đồng đó!

Họ nhìn khắp nhà như để tìm kiếm xem xác đứa bé ở đâu. Một người nói:

– Họ khóa cửa lại thì cái xác đứa nhỏ làm sao biến đi đâu được. Mà cái xác thằng Nhơn này chỉ xuất hiện sau khi họ khóa cửa, như vậy chính họ là thủ phạm, chớ vu cho vợ chồng Sáu Thạnh nỗi gì! Mình phải lên nhà làng trình báo vụ này mới được!

Trong lúc họ kéo đi thì đám Hương quản Hận và lính của hắn vẫn còn nằm đó…

Mãi đến xế chiều mới có người của xã kéo tới. Họ không dám đụng vô xác chết, mà phải đợi khi Hương quản Hận tỉnh lại, họ bắt anh ta phải cùng với mấy tên thủ hạ khiêng xác ấy ra nghĩa địa gần đó chôn. Thấy họ định chôn trần cái xác, những người chung quanh thương cảm nên hùn tiền lại, mua được một chiếc quan tài để liệm xác cẩn thận.

Họ mai táng xác xong thì có người đưa ý kiến:

– Tui biết nhà của cha mẹ thằng Năm Nhơn này, để tui qua báo cho họ hay.

Nhưng đi đến tối trở về, người ấy thất vọng nói:

– Chẳng biết sao cả nhà họ đều biến mất cả! Nghe nói cách đây hai ngày họ cũng bị đám Hội đồng Thì tới bắt đi…

Ai cũng thắc mắc, nhưng có người biết chút ít chuyện liên quan nên nói riêng cho nhau nghe:

– Nghe nói giữa thằng Năm Nhơn với cô tiểu thơ nhà Hội đồng có chuyện gì đó… rồi chẳng hiểu sao lại xảy ra cớ sự này?

Mãi nửa khuya hôm đó vợ chồng Sáu Thạnh mới được thả về…

Vừa về họ đã nghe mấy người hàng xóm sang kể chuyện xảy ra chiều nay. Họ chẳng hiểu gì cả, hỏi lại nhưng mấy người kia chỉ thuật lại chuyện thiếu đầu thiếu đuôi, nghe càng thêm rối. Họ chỉ biết là xác chết đã được đem chôn…

Mệt quá, do cả ngày bị hành hạ tinh thần, nên vừa nằm xuống thì thím Sáu đã ngủ ngay. Sáu Thạnh ngồi vấn thuốc hút mà đầu óc để đâu đâu. Người lão nông này vốn chất phác, thật thà, nên chiều nay xảy ra chuyện ông đã hoang mang, suy nghĩ lung tung. Điều thứ nhất, ông không hiểu sao lại có chuyện cái xác đứa bé nằm trong nhà mình, mà lại là xác của đứa con út nhà Hội đồng Thì nữa? Rồi chuyện đó chưa xong thì giữa đêm nay họ lại thả cho về cũng chẳng giải thích tại sao. Mãi khi về nhà mới nghe tin một cái xác nữa trong nhà mình! Xác này thay xác kia, vậy là sao?

Sáu Thạnh ngồi hút hết hai điếu thuốc rồi mà vẫn nghĩ chưa ra. Chú định vấn điếu thuốc thứ ba thì chợt nghe có tiếng rên từ đâu vọng lại. Lúc đầu chú tưởng con gì kêu, đến khi nghe rõ hơn thì chú giật mình: Tiếng rên phát ra từ nghĩa địa sau nhà!

Hay là cái xác chết? Chú định gọi vợ dậy, nhưng sợ bà mệt, nên một mình chú xách cây đèn soi ếch đi ra hướng mấy gò mả. Càng tiến gần thì tiếng rên càng rõ hơn, lại đúng hướng cái mả mới.

Không chút sợ hãi, Sáu Thạnh vừa bước vừa lẩm bẩm:

– Ma cỏ bộ hết người nhát rồi sao lại nhát Sáu Thạnh này? Tao cũng là ma đây, ma đói!

Chú không tiện nói ra hết ý. Mà thật ra chú cũng không tin chuyện ma quỷ, cho nên dặn xong chú bước đi ngay. Dưới ánh trăng, bóng của Lan Ngọc một mình ngồi đó.

Chừng như thỉnh thoảng tận trong nhà Sáu Thạnh vẫn còn nghe những tiếng khóc, tiếng rên. Lúc nãy chú quên không hỏi tiếng rên là của ai? Thím Sáu sau một giấc ngủ say, khi thức dậy thấy chồng còn ngồi hút thuốc, thím ngạc nhiên hỏi:

– Bộ ông không ngủ sao?

Chú muốn nói ra chuyện mình vừa gặp ngoài nghĩa địa, nhưng lo vợ sẽ bị dao động tinh thần, nên chờ đến sáng chú vẫn không nói gì…

Vợ chồng thím đều không hay chuyện cho đến sáng Lan Ngọc vẫn còn ngồi trước ngôi mộ mới…

Hội đồng Thì bàn riêng với vợ:

– Mình phải gởi con Ái Loan lên Sài Gòn ngay thôi, ở nhà tui thấy không ổn.

Bà Hội đồng cũng lo:

– Mấy hôm nay tui cũng lo lo cho con Ái Loan. Chẳng hiểu sao nó cứ gào khóc đòi chết hoài. Chẳng lẽ nó thương thằng kia thiệt hay sao?

Ông Hội đồng gạt ngang:

– Thương gì thứ đó! Mà nó cũng thừa hiểu là thằng ấy đã…

Những tiếng gào thét vọng ra từ trong, bà Hội đồng lắc đầu thở dài:

– Nếu biết trước như vầy tui đã không để chuyện ấy xảy ra. Mà ông có nghe chuyện thằng Hương quản kể về vụ thằng Nhơn?

– Có nghe và tui đã chửi cho nó một trận. Thứ gì làm ăn cẩu thả, sao lại có chuyện xác thằng ấy lọt vô nhà đó?

Giọng bà Hội đồng chùng xuống:

– Tui nghĩ chắc là…

Bà không dám nói hết, nhưng ông hiểu. Điều đó ông đã nghĩ đến trước vợ, tuy nhiên sự sợ hãi đã khiến ông lảng tránh:

– Không đời nào. Chắc là có tụi nào đó nó muốn gây sự với mình, nên canh chỗ thằng Hương quản giấu xác rồi chúng lấy mang tới đó. Tui lo là lo chuyện thằng con út của mình. Sao mình nhìn thấy rõ ràng nó bị thằng Năm Nhơn bóp cổ chết rồi liệng xuống sông, sao lại nằm ở nhà thằng Sáu Thạnh?

Giọng bà vợ càng run hơn:

– Tui nghi quá…

– Sao bữa đó không cho đem xác nó về để nhờ thầy yểm và chôn cất nó. Dẫu sao nó cũng….

– Tui thấy nó bị nạn nên không nói, chớ cỡ như con rơi con rớt đó chết một chục đứa tui cũng không tiếc!

Cuộc đấu khẩu của đôi vợ chồng giàu có này thường không bao giờ chấm dứt sớm, nhưng hôm nay thì chỉ tới đó đã phải ngưng ngang. Bởi có tiếng kêu thất thanh của Hương quản Hận bên ngoài:

– Nguy rồi! Nguy rồi ông Hội đồng ơi!

Hắn ta chạy vô vừa tới cửa thì ngã quỵ, người đầy máu me, giọng hắn thều thào:

– Nó… nó…

Nói được bấy nhiêu đó rồi hắn ngoẹo đầu sang bên, mắt trợn trừng. Hội đồng Thì kinh hãi:

– Sao vậy Hương quản Hận? Mày bị gì vậy?

Những câu hỏi dồn dập của ông ta chỉ vô ích, bởi lúc ấy Hương quản Hận đâu còn nghe thấy gì nữa. Cũng may, khi ấy thì vợ hắn ta chạy ào vô, mặt mày xanh tái, hoảng loạn:

– Ông bà Hội đồng ơi cứu chồng con!

Bà Hội đồng hỏi liền:

– Chuyện gì vậy?

Chị ta chỉ tay ra phía sau, giọng đứt quãng:

– Nó… nó giết… nó giết…

Có lẽ quá sợ hãi, nên chị ta cũng nói không xong, phải đợi đến lúc đứa con gái lớn của Hương quản Hận chạy vào theo, cô ta bình tĩnh hơn, nói rõ:

– Ba con và hai anh lính tuần vừa ra khỏi nhà làng thì gặp ngay… Năm Nhơn!

Hội Đồng Thì vừa nghe nói tới đó đã hoảng hốt:

– Năm Nhơn sao? Nó… nó…

– Năm Nhơn đón đường ba con! Lúc ấy con và má con vừa đi chợ về ngang qua đó, nhìn thấy rõ ràng. Năm Nhơn người đầy máu me, nhưng dữ dằn, hung tợn lắm, anh ta gầm thét trước mặt ba con. Hai anh lính tuần đi theo ba vội nhảy tới định ngăn chận ảnh thì… đều bị anh bóp cổ chết tại chỗ! Sau đó đến phiên ba con cũng bị Năm Nhơn bóp cổ và lôi xềnh xệch xuống bờ sông gần đó. Con thấy ba con giẫy giụa, cố kêu la nhưng không làm sao tới cứu được vì lúc ấy hai con mắt của Năm Nhơn sáng rực lên như hai ngọn đèn pha, miệng anh ta đỏ như có máu trong đó. Anh ta muốn nhấn ba con xuống sông. Ba con chỉ còn nước chờ chết thì cũng may có cô… cô Ái Loan xuất hiện. Cô Ái Loan lên tiếng van xin Năm Nhơn tha mạng cho ba con, cổ nói đừng lấy oán báo oán tội lắm…

Những lời kể của con gái Hương quản Hận khiến bà Hội đồng hoảng lên:

– Con Ái Loan! Nó đâu?

Bà chạy vào trong một lát chạy ra hớt hãi:

– Không xong rồi, con Ái Loan không có trong đó!

– Thì con nói rồi, nhờ chỉ mà ba con mới thoát về đây được. Chị Ái Loan ở ngoài sân nhà làng.

Vợ chồng Hội đồng Thì tức tốc chạy ra đó. Họ không thấy con gái mình đâu. Chỉ thấy một đám đông người đang tụ tập, bàn tán chuyện vừa xảy ra. Một người vừa thấy vợ chồng Hội đồng đã sợ hãi kể lại:

– Thằng Năm Nhơn thề với mọi người là nó sẽ trả thù… ông Hội đồng và Hương quản Hận! Nó nói chỉ bởi hai người mà nó chết, xác bị dìm dưới sông lớn!

Nếu thường khi mà nói câu đó thì lập tức người nọ sẽ bị gông cổ lại và nhừ đòn, nhưng lúc này Hội đồng Thì chỉ thừ người ra, mặt tái mét. Bà Hội đồng quay sang chồng, nói thật khẽ:

– Nó… nó thành ma thật rồi ông ơi!

Người kia còn nói:

– Sau khi buông cho Hương quản Hận chạy thoát thì thằng Năm Nhơn lôi cô Ái Loan đi rồi.

Bà Hội đồng chỉ kịp kêu lên:

– Trời ơi!

Hội đồng Thì như kẻ mất hồn, mãi một lúc sau mới bước xuống bờ sông vừa lẩm bẩm:

– Chuyện ấy tới rồi…

Chẳng hiểu chồng nói gì, nhưng thấy ông đi thẳng xuống sông thì bà Hội đồng hốt hoảng:

– Giữ… giữ ổng lại! Coi chừng…

Nhờ lời kêu thất thanh đó mà Hội đồng Thì không lọt xuống sông, bởi lúc ấy ông ta như không còn biết gì hết, cứ bước như người đi tự sát!

Từ lúc bị giữ lại, Hội đồng Thì đúng là chỉ còn là cái xác biết thở, chớ hồn phách hầu như chẳng còn nữa. Lão ta cứ giương cặp mắt lờ đờ nhìn vợ và mọi người chung quanh rồi im lặng…

Đưa lão ta về nhà rồi mà lão vẫn nghĩ mình còn ở sân nhà làng, nên cứ vùng dậy đòi đi xuống sông. Sợ hãi quá, bà Hội đồng phải ra lệnh cho tôi tớ trong nhà đi ra hết, bà khóa trái cửa lại, nhốt ông trong đó, chờ đi rước thầy về.

Bà Hội đồng rối lên, nên thay vì sai người đi rước ông thầy Tư bên cồn, bà lại đích thân ngồi ghe đi. Lúc ra tới nửa sông rồi thì mới chợt lo, bởi bà không biết lội, lại sợ sông nước. Tuy nhiên, đã lỡ rồi nên bà dặn con hầu đi theo:

– Mày đưa cái thùng đậy kín nắp cho tao. Cột nó vô eo ếch tao đây, để khi có chuyện gì tao còn có chỗ mà bám.

Con Hai Mến vốn đứa lanh lợi, nó nói liền:

– Con lội giỏi, có gì bà ôm chặt con là yên.

Bỗng người chèo ghe phá lên cười lớn:

– Nghe con nhỏ nói chuyện ngu kìa! Ghe chìm mà mày biểu như vậy khác nào mày cùng với bà Hội về bên kia thế giới một lượt!

Nãy giờ không để ý người chèo ghe, nên khi nghe anh ta lên tiếng, bà Hội đồng mới nhìn lại và hỏi:

– Nó là đứa nào vậy?

Hai Mến mau mắn:

– Dạ, ảnh là Sáu Khá, chuyên vác lúa cho bà, bà không nhớ ảnh sao?

Bà Hội đồng chưa kịp đáp thì chợt một tràng cười nữa vang lên. Lúc ấy người chèo ghe giở chiếc nón lá trên đầu ra. Vừa nhìn thấy thì bà Hội đồng và cả Hai Mến đều kêu thét lên một lượt:

– Trời ơi, Năm Nhơn!

Giọng Năm Nhơn vang lên lồng lộng giữa dòng sông đầy gió:

– Cũng tại khúc sông này vợ chồng bà Hội đồng sai thằng Hương quản Hận và hai tên thủ hạ dìm tôi xuống nước cho đến chết. Chắc bà còn nhớ đêm hôm đó chớ?

Bà Hội đồng run như cầy sấy, giọng bà gần như không thoát ra khỏi miệng:

– Tôi… tôi… xin hãy… tha…

Chiếc ghe đột ngột dừng lại giữa dòng, khiến bà Hội đồng tưởng mình sắp bị trả thù đến nơi, thét lên:

– Đừng giết!

Đột nhiên có một giọng nói vang lên từ mũi ghe, mà vừa nghe bà Hội đồng đã bàng hoàng:

– Má bình tĩnh! Nếu giết má thì anh Năm Nhơn đâu đưa má ra tận đây làm gì.

– Ái Loan!

Từ từ bò vô khoang trong, Ái Loan ôm chầm lấy mẹ:

– Má! Con không muốn má chết!

Bà Hội đồng vẫn còn run:

– Nhưng… thằng Năm Nhơn, nó… nó…

– Năm Nhơn này cũng biết đạo lý, sao lại giết mẹ vợ!

Ái Loan nghiêm giọng:

– Anh Nhơn nói thiệt đó. Ảnh không làm gì má chịu nghe ảnh, nói trước mặt ảnh một tiếng… chấp nhận cho ảnh làm rể nhà mình!

Bà Hội quên hoàn cảnh thực tại, giọng bà chanh chua:

– Hứ! Làm gì cái thứ đỉa mà đòi đeo chân hạc!

Năm Nhơn cười gằn:

– Đeo chân thì không được, chỉ đeo cổ thôi!

Ái Loan khóc rưng rức:

– Má còn nói vậy thì anh Năm ảnh nổi cơn thì một chục đứa như con cũng không ngăn được! Má nhớ điều này, con gái má giờ đâu còn trinh tiết gì nữa, thân lại mang bầu với người khác. Anh Nhơn chịu lấy con là chỉ vì thương con, muốn cứu danh dự cho con, chớ sướng ích gì!

Lời nói của con gái làm cho bà Hội đồng sượng sùng, bà nói gần không thành lời:

– Chuyện đó… chuyện đó đáng lẽ con phải giữ chớ…

Ái Loan lắc đầu:

– Còn giữ gì nữa, khi chỉ vì muốn ém nhẹm chuyện con có chửa hoang với thằng Còm Thuần mà ba má đã nỡ gán tội cho anh Nhơn, nói ảnh hãm hiếp con rồi bắt ảnh đem tra tấn, bắt ký giấy nhận tội rồi còn giết ảnh để phi tang nữa. Ba má làm chuyện đó thì có ác không, có đáng bị ảnh trả thù không?

Bà Hội đồng không ngờ con gái cưng của mình lại có giọng điệu như vậy. Bà không tin đó là sự thật, nên hỏi lại:

– Có phải con đã bị ma nhập hay quỷ ám mà trở giọng như vầy, Ái Loan? Con nên nhớ là mục đích của ba má chỉ muốn cứu con qua khỏi tai nạn, rồi còn tính tới tương lai nữa. Má sẽ gởi con đi Pháp, ở bên đó luôn lấy chồng Tây cũng được!

Trả lời bà, Ái Loan chuyển nhanh ra sau lại, ngồi ngay dưới chân Năm Nhơn. Giọng cô cương quyết:

– Con chỉ lấy người này thôi! Bây giờ con mới hiểu ra, tình yêu nó ở ngay bên cạnh mình, chớ không phải đâu xa. Con đỉa nó đeo chân hạc, nhưng con hạc cũng phải sợ con đỉa chớ má! Con không sợ anh Nhơn, mà con thương ảnh.

Có một chiếc xuồng nhỏ từ đâu trôi tới, cặp sát vào ghe, đó là xuồng không có ai trên đó. Ái Loan nói như ra lệnh:

– Má và Hai Mến xuống xuồng và về nhà đi.

Bà Hội còn đang lưỡng lự thì chợt nhìn đôi mắt sáng quắc của Nhơn bà quíu cả tay chân, vội kéo con Mến đi:

– Mày dìu tao xuống!

Hai Mến cũng sợ thất thần, cứ mong thoát nạn cho nhanh, nên nó gần như cõng bà chủ xuống chiếc xuồng nhỏ, rồi chèo bằng tất cả sức bình sinh, ra càng xa càng tốt. Chỉ một lát sau là không còn thấy bóng dáng chiếc ghe nữa. Lúc này bà Hội đồng mới bật khóc. Thấy vậy con Mến an ủi:

– Cô Hai đã nói như vậy rồi bà còn lo gì nữa. Mà con thấy Năm Nhơn cũng đâu có tệ gì, chỉ có cái là nghèo thôi. Nhưng nghèo thì đã có ông bà đây…

Nó nói chưa dứt lời đã nhận ngay một cái tát nảy đom đóm! Bà Hội không quên cái tánh ác của mình:

– Mày không thấy con gái tao còn trong tay thằng ác quỷ đó sao! Nó bị quỷ ám chớ yêu thương gì thằng ấy! Lần… này về tao sẽ cào nhà, cào mả thằng ấy cho tiêu đời luôn!

Lời bà ta nói vừa dứt thì chợt chiếc ghe tròng trành như sắp chìm, Hai Mến sợ chủ rơi xuống nước nên vịn chặt bà, bỗng nó thấy hai mắt bà Hội đồng trợn trừng, miếng trào máu tươi đỏ lòm!

– Kìa, bà! Bà sao vậy?

Cô ta khó khăn lắm mới một tay giữ bà chủ khỏi té, một tay đẩy mái chèo, cố đưa chiếc ghe vô bờ. Đúng ra thì Hai Mến không tài nào chèo được tới, nếu không nhờ có sức đẩy vô hình nào đó. Khi đã tới bến, Hai Mến chỉ còn sức để gọi mấy tiếng lên nhà:

– Đưa… bà lên!

Không ngờ chuyện nhà của Hội đồng Thì lại lâm vào cảnh rối rắm như thế! Hết ông bị nửa tỉnh nửa mê, rồi tới bà Hội đồng cũng bị y như vậy.

Buổi chiều Hai Mến đưa bà Hội đồng về nhà thì cũng là lúc ông Hội đồng lên cơn la hét dữ dội mà chẳng ai biết tại sao. Khi bà vợ được đưa từ dưới xuồng lên thì khi vừa đặt xuống nằm cạnh, ông Hội đồng đã nhảy dựng lên, thét lớn một tiếng:

– Con quỷ cái!

Rồi từ đó lại rơi vào hôn mê sâu luôn…

Hai ông bà nằm trong phòng riêng suốt ba ngày không tỉnh dậy cũng không ăn uống gì. Tôi tớ trong nhà lo sợ cuống cuồng, chạy đi tìm những người thân của họ tới. Nhưng mấy người đó sau khi tới nơi, nhìn thấy cảnh ấy đều lắc đầu ngao ngán, có người còn ngại khó nên bỏ ra về.

Các thầy thuốc Tây y được rước từ thị xã về cũng đành bó tay. Họ đề nghị đưa ngay đi Sài Gòn chữa trị, theo họ thì đây là một chứng bệnh lạ, họ không dám điều trị.

Đến sáng sớm ngày thứ tư thì có một người con gái từ ngoài đi thẳng vào nhà trước sự ngạc nhiên của mấy người canh bệnh. Họ vừa định hỏi thì có Hai Mến ở đó, nhận ra khách, nên ngạc nhiên hỏi:

– Chị Lan Ngọc, chị đi đâu đây?

Lan Ngọc không chào hỏi ai, đi thẳng vào giường bệnh của vợ chồng Hội đồng Thì. Cô nhìn qua rồi nói:

– Chậm nửa ngày nữa thì cả hai đều hết cứu!

Trước sự kinh ngạc của mọi người, Lan Ngọc lấy trong túi ra hai lá xanh mà thoạt nhìn nhiều người đã nhận ngay ra đó là lá bồ đề. Cô đặt lên trán mỗi người một lá, rồi bảo Hai Mến:

– Hãy đóng chặt cửa phòng lại, đừng cho bất cứ ai vào. Ai có gõ cửa, có bắt buộc cũng nhất định không cho. Nếu chị làm trái lại thì ông bà Hội đồng sẽ không toàn mạng! Đây là ý của anh Năm Nhơn. Anh ấy muốn cứu họ. Chị nghe tôi dặn chưa?

Hai Mến đã có gặp qua Lan Ngọc một lần khi cô mới về đây và còn gặp lại lần nữa khi cô bị té sông, lúc đó thấy Lan Ngọc hiền lành, thùy mị… khác với bây giờ, nhìn cô như một vị tướng chỉ huy! Nhưng vì tính chất nghiêm trọng, nên Hai Mến phải gật đầu:

– Tui sẽ làm theo. Nhưng cô vừa nói, tại sao Năm Nhơn lại muốn cứu họ? Năm Nhơn không phải đã thành quỷ rồi sao?

Lan Ngọc xua tay tỏ ý không muốn nói. Cô lại đưa một ra một cái bọc vải, dặn Hai Mến:

– Nếu có ai muốn xông đại vào phòng mà chị không cản được, thì đưa vật này ra trước mặt họ, ắt sẽ đuổi được họ đi!

Hai Mến cầm lấy với bao thắc mắc nhưng không dám hỏi. Bởi cô nhớ những lời nói của bà Hội đồng lúc ở dưới xuồng, chỉ vì đụng chạm đến Năm Nhơn mà bị như vậy…

Thoắt cái Lan Ngọc đã đi ra tới ngoài cổng. Lúc ấy có muốn gọi lại cũng chẳng được, nên Hai Mến đành ngồi đó với cái bọc vải trong tay. Cô thấy bọc nặng nặng nhưng chẳng biết là vật gì bên trong. Muốn xem mà chẳng dám…

Bỗng mọi người nghe có tiếng gọi lớn ngoài cửa sổ:

– Hội đồng Thì, mau ra đây. Còn bao nhiêu nợ nần hãy ra mà trả hết đi!

Hai Mến hết hồn, nhớ lời Lan Ngọc dặn, cô ta nín thinh và ra dấu cho mọi người cũng im lặng theo. Vài phút sau thì tiếng gọi im bặt.

Chưa hoàn hồn thì mọi người ngồi ngay cửa phòng nghe có hơi gió lướt qua, rồi có mùi tanh tưởi khó chịu phả vào mũi, đồng thời như có ai xô mạnh vào cửa đã khóa. Sức xô đẩy mạnh đến nỗi cánh cửa kiên cố mà cũng lung lay như sắp bật tung ra! Hai Mến sợ quá định kêu lên cầu cứu, nhưng chợt nhìn lại cái bọc vải trong tay và lời dặn của Lan Ngọc lúc nãy, cô vội cầm bọc vải ấy đưa đại lên trước mặt!

Lạ thường thay, tiếng xô đẩy chấm dứt ngay. Cùng lúc ấy có vài tiếng thét đau đớn vang lên, rồi thì tiếng bước chân chạy như bị đuổi!

Không khí im lặng trở lại ngay tức khắc. Lúc ấy Hai Mến hồn vía còn chưa bình thường, cô ta run tay, để rơi bọc vải xuống sàn nhà, lớp vải bung ra, lộ nguyên trái tim còn đỏ máu nằm trong đó!

Chưa ai kêu lên được tiếng nào thì từ ngoài cửa Ái Loan bước nhanh vào, reo lên:

– Thành công rồi! Cứu được rồi!

Mọi người quay lại mừng rỡ:

– Cô Hai! Cô về kịp lúc lắm!

Ái Loan nghiêm giọng:

– Tôi về từ nãy giờ nhưng chưa dám vô, bởi biết lũ người kia thế nào cũng kéo tới, phải tránh chạm mặt họ.

Cô vừa nói vừa ngồi xuống nhẹ tay đặt quả tim lại trong miếng vải bọc, gói cẩn thận, vừa nói:

– Đây là trái tim của Năm Nhơn! Anh ấy đã phải dùng chính con tim của mình để đuổi những oan hồn kia đi. Nhờ vậy nên ba má tôi mới được cứu.

Cô chạy ngay vào phòng, cũng vừa lúc ông bà Hội đồng tỉnh lại. Họ ngơ ngác hỏi:

– Tui còn sống hay đã chầu diêm vương rồi?

Ái Loan lên tiếng:

– Ba má không phải lo nữa. Lúc nãy những oan hồn vốn là nạn nhân của ba má trước đây, họ kéo tới đòi trả thù, nếu anh Năm Nhơn không hy sinh trái tim của mình thì ba má không thể thoát chết dưới bàn tay ma của họ.

Bà Hội đồng không tin con mình còn sống, bà chụp lấy tay, nắn tới nắn lui mấy lượt, khiến cho Ái Loan phải lên tiếng xác nhận:

– Con đây mà, chớ phải ma quỷ gì đâu!

Nhớ chuyện dưới ghe ở sông cái, bà ngập ngừng hỏi:

– Nó… tha cho con rồi sao?

Ái Loan chỉ tay ra cửa:

– Anh cùng về với con kìa.

Bà Hội đồng vừa nghe tới đó đã kinh hoàng, nhảy xuống khỏi giường:

– Đừng! Đừng để nó vô đây! Ba mày thấy nó là ông chết liền!

Nhưng thật bất ngờ, ông Hội đồng bỗng bật dậy, lên tiếng:

– Trong cơn mê vừa rồi tôi đã gặp nó. Đúng là nó không hại tôi, chớ nếu muốn thì nó đã giết cả tôi với bà rồi!

Ông nhìn con gái, có hơi thẹn:

– Ba hiểu ra rồi, chính vì ích kỷ, tham lam, nên ba suýt nữa đã hại đời con. Cũng may là khi thằng Năm chết thì con đã tỉnh ngộ. Chớ nếu không…

Ái Loan thú thật:

– Lúc anh Năm Nhơn mới chết, anh đã điên cuồng định tìm giết cả nhà mình. Đầu tiên là thằng út, nó xui nên gặp anh Nhơn lúc ảnh còn hận thù chất ngất, nên bị ảnh giết. Sau đó ảnh tìm con. Gặp con dọc đường, trong lúc con đang ôm bụng bầu định nhảy xuống giếng, Chẳng hiểu sao lúc ấy anh Nhơn lại nhìn con với cặp mắt hiền lành, khác với sát khí khi ảnh hại thằng út! Sau đó chính ảnh đã thú nhận là không thể giết con, bởi con không có tội. Con năn nỉ ảnh đừng hại ba má, lúc đầu ảnh chưa chịu nghe, nhưng đến khi có sự xuất hiện của cô gái tên Lan Ngọc thì mọi việc đổi khác, ảnh đồng ý tha cho nhà mình! Chớ nếu không thì hôm nay xác ba má và con đã nằm dưới đất rồi!

Bà Hội đồng ngạc nhiên khi nghe con mình nhắc tới Lan Ngọc nào đó:

– Lan Ngọc là ai, sao dính tới chuyện này?

Hai Mến nãy giờ ngồi nghe chuyện, vội xen vô:

– Lan Ngọc là em vợ Ba Thông, người bên xóm Dừa. Chính cô ấy lúc nãy đã đem trái tim của Năm Nhơn qua đây để cứu hai ông bà đó!

Ái Loan giải thích thêm:

– Đó là người hoàn toàn xa lạ với nhà mình, con cũng chưa gặp lần nào. Cả anh Nhơn cũng không biết cô ấy…

Ông Hội đồng hỏi:

– Như vậy sao nó chen vô chuyện của mình?

– Không phải vô cớ đâu. Nhà mà cô ấy ngụ ở gần chỗ cái xác anh Nhơn trôi tấp vào, nên đêm đó trong hồn phách của anh Nhơn đang dật dờ không nơi nương tựa thì tình cờ gặp cô Lan Ngọc đó. Tâm trạng chung của những oan hồn mới chết, hễ gặp ai quan tâm tới mình thì muốn được người đó cứu hoặc đem người đó theo mình. Đêm hôm đó anh Nhơn đã dùng hồn thằng út lôi kéo Lan Ngọc ra nghĩa địa vắng tính thực hiện ý đồ, nhưng khi thấy cô Ngọc có lòng nhân đạo, dám nhảy xuống cứu đứa bé té mương, trong khi cô ấy không hề biết lội, do vậy anh Nhơn đã động lòng thiện, thay vì bắt cô ấy theo, anh ấy lại kết bạn với cô và thề là sẽ không hại nữa! Chính cô Lan Ngọc đó, chớ không phải mình con làm cho Năm Nhơn hướng thiện, từ quỷ dữ biến thành oan hồn hiền lành. Những tên thủ hạ của Hương quả Hận chết là do quá sợ, đứng tim mà chết, chớ không phải Năm Nhơn giết. Không tin thì từ nay ba má sống chung với ảnh rồi sẽ thấy.

Bà Hội đồng hốt hoảng:

– Sao sống chung với ma được!

Ái Loan nhẹ giọng:

– Vậy mà má sẽ thấy.

Cô đứng lên đi thẳng lên lầu, lát sau trở xuống bảo:

– Anh Nhơn sẽ ở phòng của con. Từ nay không ai được bước vào đó nếu con không cho phép. Hồn ma không ác, không hại ai chỉ khi nào không ai phạm tới họ. Con tin mọi người hiểu…

Cả nhà im lặng. Họ hồi hộp lắm, nhưng chẳng ai dám hé răng. Ái Loan phải trấn an:

– Anh Nhơn không có thân xác, chỉ có phần hồn, nên chẳng ai có thể gặp được ảnh nếu ảnh không muốn. Mà hồn ma thì chỉ hiện ra khi ai đó làm điều không phải với họ thôi. Còn ngoài ra họ không hiện hữu, đừng sợ.

Có lẽ do sợ bị trừng phạt, cho nên sau đó chẳng một ai nói ra chuyện hồn Năm Nhơn về sống chung nhà Hội đồng Thì. Đặc biệt là Hai Mến, cô ta tỏ ra biết điều, ngoan ngoãn vô cùng. Đích thân cô ngày ngày ba bữa làm cơm, bưng lên cúng ở bàn thờ đặt trong phòng của cô chủ.

Mến cũng chứng kiến sự đổi thay đến ngạc nhiên của Ái Loan. Từ một cô tiểu thơ con nhà giàu đỏng đảnh, khó ưa, nay trở thành một cô chủ dịu dàng, dễ gần.

Gần một năm sau thì Ái Loan sinh con. Biết chắc đó là giọt máu vô thừa nhận, tác phẩm của mối tình vụng trộm giữa Loan và Còm Thuần, nhưng từ khi cô sinh ra thì hầu như chỉ để con trong phòng, mẹ con hủ hỉ cùng nhau. Thỉnh thoảng chính Hai Mến còn nghe những lời vỗ về, nựng nịu con của… một người đàn ông. Giọng của Năm Nhơn! Anh ta đã chấp nhận đứa trẻ ấy như là con mình!

Ngày đầy tháng con, trong số ít khách tới nhà có cả Lan Ngọc. Cô nhận làm mẹ đỡ đầu và hứa sẽ thường xuyên về thăm.

Vợ chồng Hội đồng Thì cũng thay đổi hẳn tánh biết sống có nghĩa tình hơn, hiền lành hơn. Cho đến hôm gia nhân không còn thấy họ xuất hiện trong nhà nữa. Hai Mến biết chuyện, bảo với những người thân cận:

– Ông bà ấy tu tâm dưỡng tánh, muốn lấy lòng nhơn để trả phần nào việc ác ngày trước, nên đã về một vùng quê xa xôi, cất một cái am và ở cùng nhau, tu tâm cho đến cuối đời…

Ái Loan một mình cai quản cái cơ ngơi đồ sộ của cha mẹ một cách trơn tru, tốt đẹp đến người ngoài phải ngạc nhiên. Cô dùng hầu hết tiền bạc kiếm được để làm việc thiện và từ đó ăn chay trường, không sát sinh.

Từ là một ngôi nhà mà người chung quanh mỗi khi đi ngang qua đều không dám nhìn, nay lại là nơi bà con thường lui tới thăm viếng. Đó còn là một địa chỉ mà ai có túng thiếu đều ghé qua nhờ cậy và được đáp ứng vô điều kiện. Không ai hỏi han về hồn ma Năm Nhơn nữa, nhưng trong lòng họ lúc nào cũng nhớ tới anh. Họ hiểu chỉ có anh mới cảm hóa được những con người như nhà Hội đồng Thì…

Người Khăn Trắng
Chưa có ai yêu thích truyện này!


 BÌNH LUẬN TỪ FACEBOOK