Thiên Ân nhìn ra phía cửa phòng bệnh. Sau cánh cửa ấy là lối đi vào dành cho những người thăm bệnh. Ở nơi này, ngày cũng như đêm, chỉ có ánh sáng của đèn điện, không thể nhìn thấy ánh mặt trời. Mỗi ngày, nhìn dòng người vội vã đi qua trước cửa, cô biết được đã 5h, 11h30, hay 17h. Nếu không có dòng người vào thăm bệnh, có lẽ Thiên Ân cũng không còn ý niệm về thời gian. Nơi đây, với một số người, cũng là nơi thời gian dừng lại mãi mãi.
***
Cô nghĩ về những ngày dài đăng đẳng mình vừa trải qua. 24 tuổi, cô dường như có tất cả những gì mà người ta ao ước: sức khỏe, công việc, tuổi xuân. Rồi một biến cố lớn xảy đến với cô cũng như gia đình cô – cô bị nhiễm trùng máu không rõ nguyên nhân. Cô sốt cao sắp chạm ngưỡng 42 độ nhưng không cách gì hạ sốt được. Cô bắt đầu có những ảo giác, lúc đầu nó mơ hồ, thỉnh thoảng xuất hiện. Về sau, nó hiện lên rõ dần, rõ dần, khiến cô không còn phân biệt được là tỉnh hay mơ. Cô thấy mình bị đưa vào một bệnh viện trá hình. Họ muốn mổ lấy nội tạng của cô. Người ta tiêm cho cô một liều thuốc ngủ cực mạnh. Cô vùng thét, giãy giụa rồi ngất lịm đi. Tỉnh dậy, cô thấy mình ở trong một căn phòng tối chật hẹp và ẩm ướt. Cảm giác đau buốt khắp người, không còn chút sức lực. Cô thảng thốt gọi mẹ, nhất định mẹ sẽ tìm thấy cô. Cô chờ đợi từng ngày, từng ngày...
Thiên Ân đã rơi vào trạng thái hôn mê sâu như thế. Cô đâu biết những ngày tháng cô hôn mê là khoảng thời gian những người yêu thương cô phải trải qua những gì đau đớn nhất. Nghe con gái gọi hai tiếng "Mẹ ơi!" trong cơn mê, bố cô đau thắt ruột gan, khóc không thành tiếng. Ngày cô nôn ra một chậu máu tươi, bác sĩ lắc đầu, bảo người nhà chuẩn bị tinh thần để đưa cô về, mẹ cô khóc hết nước mắt, chỉ còn biết trông chờ vào một phép màu. Ai cũng xót thương khi cô còn quá trẻ...Nhưng cuộc sống luôn chứa đựng những điều kì diệu. Cô bất ngờ tỉnh lại, hay nói khác hơn là trở về từ cõi chết. Và những ngày tháng đó trở thành mảng hồi ức mà cô trân quý nhất, cho dù đó chính là khoảng thời gian mà cô không bao giờ có thể nhớ lại được, chỉ có thể mường tượng ra qua lời kể của người thân.
***
Nhân Trí vào phòng 2A, thay thuốc cho bà cụ bị tai biến nằm giường bên cạnh Thiên Ân, rồi quay sang cô, đưa tay sờ lên trán cô. Thiên Ân mở mắt, bắt gặp ánh mắt anh đang nhìn mình đăm đắm, cô ngại ngùng nhìn tránh sang chỗ khác. Từ lúc cô tỉnh và dần nhận thức được, cô bắt đầu chú ý đến anh. Cách anh xem nhiệt độ của cô không giống những người khác. Hằng ngày, cứ cách vài tiếng lại có mấy cô cậu sinh viên thực tập của trường Đại học Y dược đến cặp nhiệt kế cho cô. Riêng anh, cứ phải đưa tay sờ trán cô trước khi dùng nhiệt kế. Cô thầm tự hỏi, có phải những người điều dưỡng đều như thế, hay anh đang luyện đôi tay của mình thành một "nhiệt kế sống"?
Mỗi lần đi ngang qua phòng 2A, Nhân Trí lại nhìn các bình dịch xem truyền sắp hết chưa, rồi lại nhìn xuống gương mặt thanh tú, lúc nào cũng đưa mắt nhìn ra cửa. Và khi bắt gặp ánh mắt anh, vừa như vô tình, lại như cố ý, Thiên Ân lại bẽn lẽn nhìn sang nơi khác. Cô nhìn xuống thấp hơn, nhìn đôi dép tổ ong của anh, nó màu trắng, khác với những diều dưỡng khác, họ mang dép màu xanh.
Đêm hôm ấy, chiếc monitor của bệnh nhân cùng phòng với cô đột nhiên có những chỉ số khác thường. Các bác sĩ, điều dưỡng nhanh chóng tập trung bên cạnh giường bệnh của bà cụ.
- Cho một liều digoxin 500mcg – Bác sĩ trưởng khoa nói như ra lệnh. Ông bình tĩnh quan sát diễn biến của bệnh nhân.
- Bác Tài thay bác Hương ấn tim cho bệnh nhân đi, cô ấy có vẻ mệt rồi!
Mấy phút sau...
- Không ổn rồi, bệnh nhân có dấu hiệu ngừng thở.
- Dùng máy kích tim.
- Bệnh nhân có hiện tượng tràn máu mũi.
- Tiếp tục.
...
- Bác sĩ! Bệnh nhân đã ngưng thở.
- Tiếp tục hô hấp, không được dừng lại.
Một quãng thời gian chết chóc im lặng kéo dài tưởng chừng như vô tận. Vị bác sĩ đầm đìa mồ hôi, buông thỏng hai tay, bất lực:
- Báo cho người nhà bệnh nhân đi.
Thiên Ân nãy giờ nhìn đội ngũ y bác sĩ làm hết trách nhiệm của mình, lòng đầy cảm kích. Nhìn dòng máu trên mũi bà cụ đã chảy xuống khóe môi, tim cô thắt lại. giọt nước trong veo từ mắt này chảy xuống mắt kia tạo thành dòng, làm ướt cả tóc cô.
Cả đêm hôm ấy, cô không sao chợp mắt được. Cô nghĩ về ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết. Nếu ai đã từng đến "tham quan" nơi này, có lẽ lúc được trở về sẽ chẳng còn ý nghĩ muốn "hơn thua với đời".
Đi ngang qua cô, Nhân Trí khẽ nói:
- Em ngủ đi.
Thiên Ân nhắm mắt, nhưng được một lúc, cô lại mở mắt ra, nhìn căn phòng một màu trắng toát, thấp thoáng những "thiên thần áo xanh" đang canh giữ giấc ngủ cho bệnh nhân. Một bóng áo xanh tiến lại gần cô, nói nhẹ nhàng nhưng dứt khoát:
- Ngủ đi. Đừng nhìn nữa.
Cô nhắm mắt vờ ngủ, bởi cô không muốn bị anh nhắc thêm lần thứ ba. Cô lén nhìn bóng anh đi dọc theo dãy giường bệnh khu A, cần mẫn thay thuốc cho bệnh nhân. Một lúc sau, anh trở về phòng, đổi ca. Chiếc đồng hồ to ở trên tường lặng lẽ chỉ 2h sáng.
***
Bác sĩ thông báo, ngày mai Thiên Ân sẽ được rời khoa Hồi sức tích cực, đưa về phòng ICU (phòng chăm sóc đặc biệt) của khoa Bệnh nhiệt đới. Về đó, mặc dù vẫn phải cách ly chăm sóc, nhưng người nhà được ra vào thường xuyên, có thể ở lại cùng cô. Về đó, cũng có nghĩa là cô sắp được ra viện. Cả ngày hôm đó, trông cô phấn chấn hẳn. Nhìn vẻ mặt hào hứng của cô, Nhân Trí mỉm cười, mường tượng nhớ lại gương mặt bầu bỉnh đáng yêu của cô bé năm nào mỗi lần khoe với anh điểm 10.
Nhân Trí nhìn cô, lấy hết can đảm khẽ gọi:
- Ân Ân...
Cô ngẩn người một lúc, rồi đưa mắt nhìn anh, đầy vẻ ngạc nhiên. Anh vừa gọi cô là gì? Ân Ân? Cái tên này, cô cảm thấy có chút quen thuộc. Trong kí ức xa xăm, đã từng có ai đó gọi cô như thế, nhưng cô không thể nhớ ra được.
Nhìn vẻ ngơ ngác của Thiên Ân, anh biết là cô không nhận ra anh. Đã mười lăm năm trôi qua, có thể bây giờ nhìn anh khác đi nhiều, cũng có thể trong thời gian hôn mê, một phần kí ức nào đó của cô đã bị lãng quên. Anh tự an ủi mình như thế. Ngay từ lúc nhìn thấy cô, anh đã có cảm giác quen thuộc. Anh lấy bệnh án của cô, đọc đi đọc lại tên cô đến mấy lần, nhưng anh vẫn không dám chắc chắn. Chỉ đến khi chiếc chăn mỏng đắp lên người cô bị kéo chùng xuống do cô giãy dụa trong cơn mê, anh vô tình nhìn thấy nốt ruồi bé như hạt đỗ trên ngực cô, anh mới dám khẳng định. Ân Ân của anh có một nốt ruồi như thế. Khi cô tỉnh lại, có thể ngồi dậy được, anh đã bảo cô hộ lý mặc cho cô chiếc áo bệnh nhân, chỉ vì không muốn có thêm ai nhìn thấy nốt ruồi đặc biệt đó. Anh còn nhớ, hôm ấy, cô gượng cười, khoe với anh: "Ở đây em là người đặc biệt nhất, chỉ vì mỗi mình em được mặc áo". Lúc đó, anh rất muốn nói với cô rằng: "Em không chỉ là người đặc biệt nhất ở đây, mà còn là người đặc biệt nhất trong lòng anh nữa, có biết không, Ân Ân?".
Anh đặt vào tay cô con chim phượng hoàng nhỏ được tết bằng lá dừa:
- Tặng em nè. Chúc em sớm được ra viện. Mong sẽ được gặp lại em ở đâu đó trong cuộc đời này, chứ không phải ở đây.
Anh nói vậy, nhưng biết chắc là sẽ sớm gặp lại cô, bởi số phận đã cho anh được gặp lại cô lần nữa, anh nhất định sẽ không để cô rời xa anh dễ dàng.
Cô mỉm cười, cảm ơn anh và nói:
- Chúc anh người mãi như tên – nhân ái và trí tuệ, cống hiến hết mình với tinh thần "lương y như từ mẫu", ngày càng cứu giúp được nhiều người.
Anh mỉm cười với suy nghĩ của cô. Ân Ân của anh, bao nhiêu tuổi rồi, vẫn ngây thơ và trong sáng như thế.
Thiên Ân mải mê ngắm con chim phượng hoàng, trong lòng dấy lên một niềm xúc động mơ hồ nhưng rất mãnh liệt. Một cảm giác vừa như quen thuộc, lại vừa như xa xăm. Cô chập chờn giữa tỉnh và mê, rồi lạc giấc mơ những ngày thơ ấu...
***
Trời mưa to không lo ướt áo
Trời mưa nhỏ đội giỏ mà che.
Nhìn mấy đứa bạn lấy cặp che đầu chạy về dưới mưa, vừa chạy vừa hát, lòng Ân cũng thấy bấn loạn. Cứ thế dầm mưa mà về, thế nào cũng bị mẹ mắng. Nhưng chờ cho trời tạnh thì biết đến bao giờ. Bất chợt anh Trí kéo tay Ân:
- Ân Ân, về nhanh thôi! Mưa nhỏ mà.
Ân chạy theo anh Trí. Ừ thì mưa nhỏ, nhưng đoạn đường từ trường về nhà cũng phải đi qua mấy ngõ xóm, đặc biệt là phải đi qua ngôi miếu hoang bên sông nằm ngay giữa làng. Từ khi đủ tuổi để biết, để nhớ, Ân đã được nghe người dân trong xóm kể lại rằng, ngôi miếu ấy trước kia là nhà của một bà góa. Bà sống một mình, không con cái, không người thân. Lúc bà chết cũng chẳng ai hay. Một buổi sáng, khi người ta thấy bà không còn ra đường đón mua xôi bánh như mọi hôm, nghĩ rằng bà ốm, có người ghé vào nhà xem thì phát hiện ra bà đã chết từ bao giờ. Kiến lửa bò lúc nhúc quanh người bà, ai nhìn thấy cũng sởn gai ốc. Đám ma bà xong, nghe đâu người cháu của bà ở nước ngoài về, xây cho bà một cái miếu, thế chỗ cho ngôi nhà rách nát. Nhưng kì lạ thay, cứ đến đêm trăng tròn, người ta lại thấy một con rắn hổ mang to quấn mình chễm chệ trước cửa miếu. Từ đó, người lớn dặn trẻ con không ai được lại gần ngôi miếu hoang ấy. Trong trí tưởng tượng ngây thơ non nớt của cô bé Thiên Ân, đó là một nơi âm u quỷ mị.
Anh Trí ở cạnh nhà Ân. Cậu học trên Ân hai lớp nhưng có vẻ trưởng thành hơn tuổi nên mẹ Ân thường nhờ cậu đưa em đi học, trông chừng em giúp cô. Lần đầu tiên đi học cùng cậu, khi ngang qua ngôi miếu đó, Thiên Ân nắm chặt tay áo cậu, mặt gần như sắp khóc đến nơi. Trí dỗ dành em: "Ân Ân, đừng sợ!". Về sau, mỗi lần đi ngang qua ngôi miếu ấy, Trí đều nắm chặt lấy tay Ân. Suốt ba năm học, mỗi ngày đều như thế. Thiên Ân cảm kích cậu vô cùng, nên chuyện gì cũng nghe theo lời cậu, kể cả việc dầm mưa, dù biết chắc sẽ bị mẹ mắng. Hai anh em nắm tay nhau chạy dưới làn mưa lất phất. Dòng sông Bồ như chìm hẳn trong làn mưa trắng xóa. Ngôi làng bên kia sông mờ không thấy bóng.
Tối hôm ấy, Thiên Ân bị sốt, trán nóng ran. Mẹ chườm khăn cho Ân, ánh mắt vừa lo vừa giận. Nhìn thấy mẹ như vậy, Ân bỗng nhiên đâm ra giận Anh Trí, chỉ tại anh kéo Ân đi dưới trời mưa... Hôm sau Ân phải nghỉ học, lòng cô cảm thấy đầy nỗi ấm ức. Nhưng chiều đến, khi anh Trí sang, bảo Ân mở sách anh bày toán cho để không bị chậm bài so với các bạn, bao giận dỗi trong lòng cô bé phút chốc tan biến.
Anh Trí không chỉ học giỏi mà còn rất khéo tay. Ngày mưa, anh hay làm những cối xay nước từ lá dứa, đặt theo dòng nước chảy. Ân thích mê những cối xay nước bé xinh màu xanh xanh của anh. Nó quay đều như chong chóng, và có thể bắn nước lên, thật là kì diệu. Những chiều cả gió, thể nào anh Trí cũng kéo Ân ra đê, cho cô bé thử nghiệm chiếc diều mới làm xong. Cánh diều đơn sơ hình thoi được làm từ giấy báo cũ, ba sợi đuôi dài mảnh mai nhưng nó lại đặc biệt bay cao, bay rất cao. Ân vô cùng khâm phục anh. Nhìn theo dáng anh mải mê chạy trên triền đê, Ân ngẩn ngơ tự hỏi, phải chăng anh cũng từng là một hoàng tử, bước ra từ một miền cổ tích xa xăm nào đó, đến với thế giới của cô?
Có lẽ những năm tháng tuổi thơ của cô và anh sẽ mãi êm đềm như thế, nếu như cô không theo bố mẹ chuyển nhà lên thành phố. Cô còn nhớ, hôm chia tay, anh tặng cô một con chim phượng hoàng nhỏ tết từ lá dừa non, khẽ nói: "Đừng quên anh nhé! Sau này anh cũng sẽ lên thành phố học, chúng ta sẽ lại gặp nhau." Ân nước mắt lưng tròng, không thốt ra nổi một câu, chỉ biết gật đầu. Cô ngồi lên xe, nhìn bóng cậu nhỏ dần, nhỏ dần, mờ dần, mờ dần rồi cuối cùng mất hút sau hàng tre xanh.
***
Nghe tiếng bước chân quen thuộc, Thiên Ân mở mắt, nhìn xuống gấu quần xanh xanh, đôi dép tổ ong trăng trắng. Cô đã nhận ra anh. Ngẩng đầu lên nhìn anh, cô bồi hồi xúc động, đôi mắt ngân ngấn nước, muốn nói nhưng không thành lời. Anh mỉm cười nhìn cô, chợt nhớ về một đôi mắt ướt quen thân ngày nào.
- Em cố gắng ăn uống, bồi bổ cho chóng khỏe. Giữ gìn sức khỏe nhé!
Cô cuối cùng cũng bật ra được hai tiếng "Anh Trí!" rồi bắt đầu thút thít khóc. Anh vỗ vai cô:
- Nín đi, không người ta lại tưởng anh bắt nạt em đấy!
- Anh biết phòng em chuyển xuống chứ? Anh mà không đến thăm em, em nhất định sẽ lên lại đây đấy!
- Em đừng có lên đây nữa, anh sợ...Anh nhất định sẽ xuống thăm em mà. Ân Ân ngoan, nghỉ ngơi đi, anh còn lo cho 7 bệnh nhân nữa, không ở lại với em lâu được.
Thiên Ân nhìn theo dáng anh thoăn thoắt qua từng giường bệnh. Cô cảm thấy thật may mắn bởi mảng hồi ức đẹp ấy, chẳng thể vì một trận hôn mê sâu mà lãng quên. Mà cho dù có quên, cô biết anh vẫn sẽ cùng cô dệt nên nhiều hồi ức khác, rạng rỡ hơn, tươi mới hơn!