Ma hốc củi | Đọc truyện ngắn hay tại webtruyenfree

Ma hốc củi

Thể loại : KINH DỊ | TRUYỆN MA
Tác giả :
Lượt xem : 503

Quãng thời gian lịch sử mà nhân loại đã trải qua, kéo dài vô số năm tháng. Cũng kèm theo đó là sự xuất hiện những tích chuyện hết sức ly kỳ mà mỗi một vùng đất đều tự tô vẽ thêm về sự huyền ảo của nó.

Rừng rú có lắm ma cỏ, người xuôi có những con ma chết oan uổng đội mồ sống lại để tìm kẻ ác đã reo rắc tội lỗi cho họ. Đi đâu cũng đều gặp những chuyện mang sắc màu đầy yếu tố tâm linh nên xuất hiện lắm kẻ sinh ra cái tục truyền miệng về những điều trong cõi huyền ảo.

Trong những câu chuyện được truyền miệng ấy, lại có thực có hư không biết rõ sao mà tả. Nhưng nếu nó đã tồn tại thì ắt hẳn là phải có nguyên nhân, hoặc chí ít ra thì kẻ đã bịa đặt ra những thứ ấy để thêm mắm thêm muối vào cho ly kỳ cũng phải nghe từ tai của một kẻ khác.

***

Kể đến đồng bằng thì có giống loài ma nước, ma da, ma thần vòng, ma gọi hồn... Mà vùng cao thì cũng có lắm loại ma rừng như ma cà rồng, ma thác đuối, ma hốc củi... Những loài ma này đều mang trong mình những đặc tính khác nhau, nhưng chung quy ra thì cái giống loài ma quỷ nếu đã còn trên nhân thế ắt hẳn đa phần sẽ quấy quả người sống theo cách của chúng. Quấy quả ở đây có thể hiểu theo nghĩa tốt, hoặc theo nghĩa xấu. Nghĩa tốt là dù chúng có chủ tâm hại người, nhưng sau cùng lại muốn thúc đẩy con người ta đi đến cái thiện để sửa đổi bản thân. Nghĩa xấu là chúng táng tận dùng thứ năng lực huyền bí để ám ảnh, để giết hại, hoặc chỉ là một thứ thói quen khi lúc chúng còn sống thường hay làm vậy, vô tình gây nên sự khó chịu cho người khác.

Nơi vùng cao tồn tại một loài ma quỷ thường xuyên gây nên sự khó chịu cho dân bản xứ. Chúng không có ác ý, nhưng đôi khi sự đùa nghịch một cách thái quá của chúng đã gây nên những tội ác đáng trách.

...

Bà Chắn dốc gánh củi địu lên lưng, rồi bàn chân bà nhanh thoăn thoắt đi theo lối đường mòn ở ven dốc đồi, chạy hì hục xuống dưới chân đồi để kịp về nhà trước khi trời tối.

Bà Chắn năm nay đã ngoài năm mươi tuổi, vốn cũng đã nên nghỉ ngơi ở nhà với độ tuổi này. Bởi vì bà đã có con, có cháu. Con bà cũng ba mươi mấy tuổi đầu rồi, cháu bà thì cũng đã ngấp nghé sắp lớn cao bằng ngọn cỏ lau.

Nhưng bà không nghỉ ngơi, là bởi vì nhà bà nghèo. Con trai bà lấy vợ đã lâu mà chỉ sinh được đứa cháu gái, không có cháu trai khỏe mạnh để đi rừng thay bà. Con trai bà tên A Sinh, là một người đẹp trai khỏe mạnh trong bản.

A Sinh từ khi lấy vợ thì chẳng mấy khi ở nhà mà toàn xuống núi để đi làm thuê. Nhưng cũng chính vì A Sinh đi làm thuê, nên cuộc sống của gia đình bà mới không bị thiếu đói, không giống như hầu hết các hộ trong bản, chỉ quanh năm mùa rẫy nên không đủ ăn.

Sắc trời dần ngả sang màu vàng óng, rồi chuyển mỡ gà, lại đến đỏ au. Đấy chính là ánh hoàng hôn theo cách mặt trời lặn ở vùng này.

Ở đây người ta có tục thường tối kị không hay về muộn, đặc biệt là trời vào đêm thì họ sẽ không bao giờ băng qua rừng, lội qua suối. Họ cho rằng nếu họ làm như vậy là phải tội với thần rừng, sẽ bị ma rừng theo đuổi, phá hại.

Khi đêm xuống, nếu chưa kịp về bản, thì tốt nhất là nên tìm một cái chòi canh rẫy nào gần đấy, chui vào đó đốt lửa ngủ tạm. Nếu trốn trong chòi canh rẫy và có ánh lửa, lũ ma rừng sẽ không biết rốt cuộc trong chiếc chòi đó có bao nhiều người, vì vậy mà không dám giở trò trêu chọc.

Khi bà Chắn ở trên đỉnh đồi, cạnh mép rừng tre thì trời đã đổ mỡ gà. Và giờ đây khi bà xuống đến lưng chừng đồi, thì sắc mặt trời đã chuyển sang đỏ au. Vậy có nghĩa là đêm nay bà không còn kịp về nhà nữa. Vì từ lưng chừng đồi cho tới bản, đi cũng phải mất hơn một tiếng đồng hồ, có về kiểu gì cũng dính phải trời đêm.

Bà Chắn suy nghĩ hồi lâu, bèn gác bó củi để tạm qua một chỗ, rồi bắt đầu đảo mắt nhìn quanh tìm rẫy. Khu vực này đã là ở rất xa bản Cọ, vốn rất ít người sẽ tới đây để canh tác. Thế nhưng không hẳn là không có người làm nương ở đây. Qua sắc sáng nhá nhem của trời chiều muộn, bà Chắn có thể dễ dàng nom thấy cách đấy không xa, giữa một đám cây bụi um tùm có một cái chòi canh nương cũ kĩ. Cái chòi ấy ẩn nấp sau đám cây dại, rất khó mà nhìn thấy. Nhưng đối với một người đi rừng tinh tường như bà Chắn thì không khó để nhận ra nơi đó có một cái chòi.

Cái chòi cao độ đầu người, sàn cách mặt đất chỉ độ bảy mươi xen ti mét. Độ cao như thế chỉ để người canh nương tránh những loại dã thú nhỏ.

Bà Chắn không ngần ngại đi thẳng về phía ấy, dùng dao phát tạm đám cây bụi cho lộ ra một lối đường đi quang đãng. Cái chòi cũ kĩ dần lộ ra trước mắt bà. Gỗ chòi đã chuyển màu đen, trong chòi sực nức lên mùi nấm mốc rất khó chịu.

Cái chòi này hẳn là một cái chòi canh nương vào mùa, mà trước đây người chủ của nó đã dựng tạm lên. Chỉ có điều nhìn tình cảnh này thì bãi nương này đã bị bỏ hoang đến mấy mùa rẫy, bằng không đám cỏ dại cũng chẳng thể mọc tốt được đến như thế.

Giữa khu rừng vắng, lại có một căn chòi nghiễm nhiên đứng sừng sững, khiến cho người ta có cảm giác hơi u tịch. Cái màu đỏ au của bầu trời với cái sắc tối đen của không gian khiến người ta nhìn vào mà chỉ như muốn ngộp thở bởi những khung cảnh quá đỗi bí bách.

Bà Chắn mau lẹ mở cánh cửa gỗ, rồi chui tọt vào trong chòi. Lại đem mồi lửa ra nhóm tạm vài thanh củi. Gánh củi này vừa đủ để gia đình bà Chắn sống qua cái lạnh trong vòng một tuần. Vốn ra thì chỉ đi một hôm là có đủ củi, mà vẫn về kịp. Nhưng hôm nay cũng bởi vì bà Chắn vướng bận một chuyện nên thành ra mới về muộn như thế.

Chuyện là hồi chiều bà đi ngang qua con suối gần rừng nứa, bà phát hiện có một con nai đang bị mắc kẹt ở một cái khe đá dưới suối. Nó vùng vẫy cố thoát hồi lâu mà không được nên đã thấm mệt và nằm gục xuống mặt nước. Bà Chắn khi đi qua chỗ ấy thấy con nai bị mắc kẹt thì mừng lắm. Bà vụng về trèo ra chỗ khe đá nơi con nai bị mắc kẹt, tính lấy dây rừng buộc vào cổ nó. Rồi gỡ cho chân nó khỏi mắc kẹt. Lại đem nó về nhà thì cũng được một bữa thịt thơm ngon, còn có thể bán được chút tiền nữa.

Nhưng con nai đó quả thật là khôn lanh, ban đầu nó giả vờ ngoan ngoãn nằm im để bà Chắn gỡ cái chân bị mắc kẹt của nó ra khỏi khe đá. Rồi ngay sau đó, chỉ chờ khi thoát được cái chân ra là nó đã vùng lên lồng lộn chạy như bay. Bà Chắn cũng đã có tuổi, vốn sức khỏe cũng đã có phần giảm sút. Thế nhưng không chỉ vì lý do ấy mà bà làm vuột mất con nai. Mà lý do bà làm vuột mất con nai ấy là bởi vì quá đỗi bất ngờ trước hành động của nó. Nó vụt khỏi tay bà khiến cho bà ngã chới theo, đầu đập xuống mặt đá, máu chảy be bét. Cũng còn đỡ là trong cái rủi còn có cái may. Bà bị đập đầu vào đá nhưng không bị thương nặng, chỉ bị xước sát nhẹ sơ sơ.

Vì vừa vụt mất con nai đang tiến ngẩn tiếc ngơ nên bà Chắn cứ ngồi yên một chỗ như mất hồn một lúc lâu. Sau đó lại còn phải tốn thời gian đi tìm mớ lá nhai vụn đắp lên vết thương ở trán để cầm máu. Thành ra một buổi đi rừng lần này khiến bà Chắn bị lỡ mất giờ về sớm.

Giờ này ngồi trong căn chòi, bà chắn đem bã lá nhai vụn gỡ xuống để xem xét. Máu trên trán bà đã rịt hẳn không còn chảy nữa, nhưng vẫn còn rất đau. Bà Chắn ngồi tựa vào mép chòi làu bàu đi làu bàu lại trách cứ mình dại dột. Đáng lẽ ra bà phải nên cẩn trọng buộc một đầu dây vào một nơi chắc chắn, rồi mới gỡ cái chân bị mắc kẹt cho con nai.

Nghĩ đi nghĩ lại thì mọi sự dại dột cũng đã qua rồi, bà Chắn chỉ có thể ngồi đó than vãn mà thôi.

Bà Chắn rút từ đáy gánh gủi ra vài thanh củi nhỏ, chất thành đống cho ngay ngắn rồi cho mồi lửa đốt lên. Đêm tối ở nơi vắng vẻ, lại không chuẩn bị thêm đồ ăn để sẵn. Bà Chắn chỉ có thể ngồi ôm cái bụng đói đang sôi réo lên sùng sục, cố nhắm chặt mắt lại để ngủ. Mong sao giấc ngủ có thể xua tan đi được cái đói, cái lạnh.

Đêm vắng, tiếng động loẹt quẹt bên ngoài căn chòi cứ vang lên đều đều. Rồi dân dần chợt xuất hiện âm thanh như tiếng bước chân người tiến đến gần căn chòi. Nhưng những bước chân ấy lại chỉ dám lởn vởn ở bên ngoài chứ không dám tiến thêm. Tiếng thì thầm bàn tán xôn xao vang lên đều đặn như của người nói chuyện với nhau. Bà Chắn nghe thấy hết, nhưng vẫn giả vờ nằm im không hề phát ra một tiếng động, chỉ cố nhét thêm củi vào đám than để lửa cháy đượm thật to.

Một lúc sau, cái tiếng động thì thào ban nãy mới dần biến mất, tiếng bước chân cũng nhỏ hẳn và xa dần. Bà Chắn đoán rằng đó là lũ ma rừng, chúng đi tuần đêm và chỉ chờ có người nào lạc lõng là sẽ bắt mất hồn, đem hồn về xào huyệt của chúng ở trong núi để giết hại.

Lũ ma rừng ấy thường rất ác độc, chúng hành động tàn bạo và vi phạm những luân thường đạo lý của tự nhiên. Chúng là những kẻ chết oan uổng, những kẻ có tính cách lập dị vô tình chết, hoặc đôi khi cũng chỉ là những tay thợ săn chết bởi lũ lợn lòi hiện hồn lởn vởn xung quanh để dọa dẫm người.

Lũ ma rừng thường đi thành bầy thành lũ, chúng gặp kẻ bơ vơ thì sẽ dụ giỗ cho vào thác đá, cho tự u mê mà đập đầu vào đá chết đi để người sống nhập bọn với chúng. Còn khi gặp nhiều người đi cùng nhau, thì chúng không dám tiến lại gần. Vì khi ấy người ta có thể cảnh giác cho nhau, một kẻ u mê thì có thể sẽ được một kẻ khác cảnh tỉnh. Lũ ma rừng thường chỉ là những loại ma vất vưởng nên không có nhiều năng lực để có thể đem nhiều người cùng dụ giỗ. Vì lý do ấy, khi gặp một nhóm người đông ở lại rừng, chúng sẽ chỉ đi nhìn qua rồi bỏ đi. Giống như một cục xương khó gặm mà vẫn muốn nhìn ngắm một lần cho thỏa.

Lần này, chúng đi ngang qua căn chòi và có cảm giác là có người sống. Nhưng lại không rõ trong chòi có bao nhiêu người. Ánh lửa phát ra mạnh nên mắt của loài ma rừng bị lóa. Thế nên vì không đoán biết được, vừa rồi bọn chúng cũng chỉ dám lượn lờ một chốc quanh căn chòi rồi bỏ đi ngay.

Bà Chắn nghĩ lại, thường ngày bà vẫn hay đem những chuyện này kể lại cho đứa cháu gái nhỏ nghe. Nhưng bà cũng chỉ muốn dọa nạt nó, chứ đời bà chưa bao giờ gặp phải chuyện ấy. Vậy mà đêm nay chính tai bà đã nghe thấy lũ ma rừng bàn tán với nhau, lại còn ở trong chính cái tình cảnh mà lúc nào cũng có thể bị chúng bức hại.

Bà Chắn cố nhắm mắt lại, mong sao trời đêm có thể mau chóng trôi qua để bà còn có thể về nhà. Thi thoảng, ở bên ngoài căn chòi, lũ ma rừng lại có lượn lờ quay lại, nhưng cũng một chốc rồi lại bỏ đi ngay. Những khi ấy, bà Chắn phải nhanh trí dụi củi cho lửa cháy thật to để dọa cho chúng sợ, rồi mới dám ngủ tiếp.

Đến sáng, bà Chắn vẫn đang trong tình trạng mơ mơ màng màng. Khi tia nắng mai đầu tiên chiếu rọi xuống, là bà Chắn đã ngồi dây và thu lượm lại hết chỗ củi còn thừa lại đêm qua để đem về nhà. Chỉ qua một đêm thôi mà số lượng củi bà Chắn đốt mất đã kha khá. Bà đang nghĩ ngợi xem mình có nên quay lại rừng nứa một lần nữa để lấy thêm củi. Nhưng khi bà bước ra khỏi căn chòi, bước xuống mặt đất thì bà đã nom thấy có một gánh củi sẵn ở đó dựa sát vào mép chòi.

Bà Chắn reo lên:

- May mắn cho tôi rồi!

Bà không nghĩ ngợi liền đem bó củi đó hợp với bó củi của mình, tạo thành một bó lớn. Bà địu gánh củi trên lưng rồi phăm phăm bước theo lối đường mòn ở sườn đồi về bản.

Dẫu vậy, bà Chắn chẳng biết rằng, ngay từ cái lúc ấy, bà đã vô tình đem về nhà một thứ sinh vật huyền bí, một loài ma rừng ám ảnh gia đình bà trong suốt một thời gian dài.

...

Bóng dáng bà Chắn lẩn khuất ở đầu con đường mòn tiến vào bản Cọ. Một cái thân người nhỏ thó chạy nhanh thoăn thoắt từ trong một căn nhà gỗ, chạy về phía bà Chắn reo lên nói:

- A bà về, bà có bắt được con chim nào cho cháu không? Con chim rừng?

Thân người ấy chính là đứa cháu gái của bà Chắn, nó tên A Nụ. A Nụ nhiều lần cứ nhắc đi nhắc lại với bà Chắn, dặn bà đi rừng là nếu bắt được chim rừng ngủ gật thì phải đem về cho nó. Nó lần nào cũng vậy, chỉ cần bà Chắn đi về từ đầu bản là nó sẽ đem chuyện này ra để hỏi trước tiên. A Nụ thích mấy con chim cu gáy, mấy con sáo đá...

Bà Chắn mỉm cười, xoa đầu A Nụ rồi nói:

- Bà không bắt được con chim rừng nào cháu à, nhưng sâu nứa thì chắc có.

Bà Chắn nói xong thì liền trỏ vào một đám nứa còn non xanh, lẫn trong đám củi khô mà bà mang về. Ở trong đám nứa non xanh ấy, thường hay có một loài sâu trắng rất lành, có thể ăn được. Sâu trắng vừa bổ vừa ngậy nên ai cũng thích.

A Nụ đang buồn rầu vì bà Chắn nói không bắt được chim ngủ gật, mà nghe đến sâu nứa thì liền tươi tỉnh ngay. Nó reo lên:

- Thích quá, lần nào bà đi rừng về cháu cũng được ăn sâu nứa. Sâu nứa rừng bản cọ mình là tuyệt nhất!

Đứa trẻ tung hô liền hồi, bà Chắn cũng gật gù rồi lật đật chui vào nhà đặt gánh củi xuống đất. Rồi lọc ra những cây nứa xanh non mơn mởn. Bắt đầu chẻ nứa tách đốt nứa để tìm sâu. Những con sâu nứa trắng ngà, trốn trong hốc nứa, ngọ nguậy qua lại liên hồi. Chúng chỉ ăn nứa nên cũng có một mùi thơm rất đặc trưng. A Nụ chẳng chờ chế biến, mà vừa thấy một con sâu nứa được bóc tách ra từ tay bà Chắn là đã bỏ tót con sâu đó vào trong miệng, mắt lim dim như đang hưởng thụ một thứ cao lương mỹ vị nào đó vậy.

Đang trong lúc tách nứa lấy sâu cho A Nụ ăn, thì từ phía cánh cổng tre ngoài vườn, có tiếng huyên náo rộn quanh. Tiếng chó sủa râm ran nhiễu loạn như đang tức tối một điều gì đó cứ vang đều. Một cái dáng người cứ hao hao cao gầy dần xuất hiện, đi đứng loạng choạng, tay cầm cái tẩu thuốc đang không ngừng rít nhả ra khói trắng.

Người đó chính là A Sầu, là con rể của bà Chắn. Cả nhà A Sầu đã mất vì trận bệnh dịch, chỉ còn mỗi hắn còn sống. Nên sau khi lấy vợ thì hắn không ở nhà, mà cũng chuyển đến nhà vợ ở luôn.

Vợ A Sầu là Mủa Lý, cũng là con gái bà Chắn, là em gái A Sinh. Mủa Lý đảm người mà A Sầu ngày trước cũng nổi tiếng là người săn giỏi. Cả hai người vốn là một đôi tình lữ rất đẹp mà nhiều người đều ngưỡng mộ trong bản. Chỉ là sau này, A Sầu đi xa nhiều nên bị dụ dỗ vào thuốc phiện. Từ một người khỏe mạnh đầy sức vóc, A Sầu giờ này chỉ còn lại cái vóc người khô cong không còn sức sống.

A Sầu lúc nào cũng cầm chặt khư khư cái tẩu thuốc. Hắn giờ không đi trồng lúa nữa, mà chỉ trồng thuốc phiện để hút. Thi thoảng thì lên rẫy để trích lấy nhựa đem bán xong lại về. Tiền bán nhựa cây thuốc phiện, A Sầu để vào bài bạc với bọn lêu lổng trong bản hết.

Thế nhưng mặc dù A Sầu không bao giờ chăm lo đến gia đình, không làm nương làm rẫy cùng vợ, mà chỉ chăm chăm tối ngày hút thuốc phiện bài bạc. Hắn cũng không bao giờ lấy từ nhà một xu, cho dù là thứ đồ thứ đạc gì của nhà vợ hắn vẫn để nguyên vẹn, đủ thấy hắn vẫn còn nhân tính. Ngay cả cái đồng bạc trắng là lễ bà Chắn tặng hắn khi hắn về nhà vợ ở rể, vốn là của hắn, mà hắn bài bạc cũng không dám lấy đến.

Thấy A Sầu chếnh choáng bước về nhà, bà Chắn lập tức thúc giục A Nụ vào nhà lấy giúp hắn chút nước cho hắn uống. Giờ này Mủa Lý không có ở nhà, và đã lên nương, phải đến tối mới về.

A Nụ chạy ra đưa cho A Sầu cái gáo nước lạnh. A Sầu uống ực một hơi hết sạch, rồi lại chui vào trong nhà nằm lên giường ngủ say như chết.

Bà Chắn tách hết đám nứa non xong, lại đem củi xếp gần khoanh bếp. Rồi nhanh chóng đi làm những việc lặt vặt trong nhà, trưa đến thì nấu cơm cho A Nụ ăn.

Tối đến, khi trời mới nhá nhem mỡ gà là đã thấy cái bóng dáng Mủa Lý thoăn thoắt xuất hiện ở đầu bản.

Độ đâu năm phút sau, cả A Sinh cũng xuất hiện, sau lưng anh là vợ của mình. Vợ A Sinh là Mủa Tình, là người cùng bản Cọ. Mấy năm trước vì để cưới Mủa Tình, A Sinh đã phải bán con lợn duy nhất trong nhà để thách cưới mới lấy được Mủa Tình.

Mủa Tình đảm đang tháo vát lắm, lại hay buôn ở chợ huyện nên cũng có nhiều tiền. Mà A Sinh cũng đi làm thuê ở huyện, thành ra trong bản thì gia đình A Sinh là gia đình có nề nếp và tính ra là có của nhất.

Thấy bố mẹ và cô về, A Nụ vui lắm. Tối ấy cứ tíu tít như con chim họa mi nói suốt đêm. A Sinh nhìn con thì chỉ cười và xoa đầu, nhớ lại hồi bé A Sinh cũng ngây thơ như vậy. Nhưng lớn rồi thì có nhiều chuyện phải suy nghĩ, cũng không còn được hồn nhiên như con trẻ nữa.

Thấy A Sầu vẫn đang ngủ, A Sinh không tiện đánh thức hắn ta dậy. Cả nhà chỉ ăn cơm cho nhanh xong rồi đóng cửa cài then đi ngủ sớm.

Hôm nay đã bắt đầu vào mùa xuân, ngày mai trong bản sẽ tổ chức rất nhiều trò chơi vui để chào đón mùa xuân. Chính vì lý do ấy nên Mủa Tình và A Sinh mới đồng thời về nhà vào lúc này.

Khi đến giữa buổi đêm, những người trong nhà đều đã ngủ say hết thì A Sầu chợt tỉnh lại. Hắn bỗng khát nước, khát một cách ghê gớm và cảm thấy rất đói.

Biết hắn thường hay thức dậy vào lúc khuya, nên Mủa Lý đã để phần sẵn cơm nắm cho hắn ở dưới bếp. A Sầu theo thói quen lại chạy xuống bếp để ăn cơm, gã vừa uống nước vừa ăn cơm mà nhai nhóm nhém rất đắc ý.

Ăn xong, cơn thèm thuốc của hắn chợt ập đến. A Sầu nghĩ ngay đến cái tẩu hút thuốc của mình. Hắn mon men tới gần cái giường lúc trước hắn nằm, cái giường trơ trọi chẳng có một thứ gì mà chỉ có duy nhất một cái gối. A Sầu mò ở dưới gối cố tìm cái tẩu thuốc, nhưng lạ thay là hắn tìm mãi tìm mãi mà chẳng thấy cái tẩu thuốc của hắn đâu cả. Cái tẩu thuốc của hắn đã đi đâu mất rồi? Hắn tự hỏi mình như vậy.

A Sầu cố tìm đi tìm lại thêm một lần nữa. Sau cùng gã cũng chẳng tìm được, cơn thèm thuốc lại ập đến khiến A Sầu mụ mị, hắn gào rú kêu lên:

- Trời ơi, nó lấy mất cái tẩu của tôi rồi!

Tiếng A Sầu vang thất thanh giữa đêm, kêu gào thảm thiết cứ như ai đang đánh đập gã, miệng gã thì cứ trào ra thứ nước rãi mà không sao ngừng lại được.

Tiếng kêu gào rú của gã, dường như ngay lập tức đánh động khiến cho A Sinh, Mủa Tình, Mủa Lý đồng loạt thức dậy. Bà Chắn cũng cố dụi mắt nghển cổ lên nhìn xem có chuyện gì xảy ra.

A Sinh đi xuống giường, mở to mắt cho tỉnh táo, đi đến trước mặt A Sầu mà gặng hỏi:

- A Sầu, mày làm sao thế?

A Sầu khóc hết nước mắt rãi bày nói:

- Nó lấy mất cái tẩu của tôi rồi, cái tẩu tôi mất hai mùa nương trồng thuốc phiện thì mới mua được, giờ cũng đã mất rồi, quân ác độc.

A Sầu vừa nói vừa gào lên, còn gào thẳng vào mặt A Sinh cứ như khẳng định A Sinh chính là kẻ đã trộm mất cái tẩu thuốc của mình.

A Sinh hơi tỏ vẻ tức giận nhưng vẫn bình tĩnh nói:

- Mày im mồm đi, chắc nó chỉ ở quanh đây thôi. Mày tìm kĩ đi rồi sẽ thấy!

A Sầu lắc đầu nói:

- Không tìm thấy đâu, không tìm thấy đâu. Nhất định là con Mủa Lý nó muốn tôi bỏ thuốc phiện nên đốt mất cái tẩu của tôi rồi!

A Sầu nói xong liền vùng vằng đứng dậy, xông thẳng vào trong nhà túm lấy áo Mủa Lý rồi quát lên:

- Cô nói đi, có phải là cô đã đốt mất cái tẩu của tôi rồi hay không?

Mủa Lý hoảng sợ xua tay nước mắt rơi đầy mặt không nói được câu nào, cũng không biết trả lời sao cho vừa lòng A Sầu. Đang trong lúc A Sầu quát nạt tra hỏi vợ như thế, thì chợt một tiếng thét thất thanh khác kêu lên:

- Trời ơi, tiền của tôi!

A Sinh nghe ra đó chính là tiếng của Mủa Tình, liền chạy vào trong nhà đến nơi Mủa Tình nằm. Thì thấy nét mặt cho đang thảng thốt, vẻ mặt xám ngắt. Một tay cô sờ dưới gối, tay còn lại loạng choạng như đang muốn tìm thứ gì đó khắp nơi.

A Sinh vội vàng hỏi:

- Mủa Tình, tiền làm sao rồi?

Mủa Tình lúc này cũng rơi nước mắt nói:

- Hơn mười triệu em để dưới gối, để sang xuân nhà mình mua xe máy, giờ cũng mất rồi!

A Sinh khi này mặt cắt không còn giọt máu, nét mặt sa sầm quay sang nhìn A Sầu gào lên:

- Mày im ngay đi, tao cũng bị mất tiền đây. Cái tẩu thuốc của mày có bằng mười triệu của tao không?

Thế nhưng A Sầu vẫn không dừng lại, vẫn cứ tra hỏi Mủa Lý không dứt. Mủa Tình khóc nức nở, một lát sau vẻ mặt chợt chuyển oán độc nói với A Sinh:


- Thôi rồi, nhất định là thằng A Sầu nó lấy tiền, nó đem đi đánh bạc hết. Nó giả vờ làm mất cái tẩu thuốc để mình không nghi ngờ gì đấy thôi.

A Sinh nghe Mủa Tình nói như thế thì cũng cảm thấy có lý, anh liền đi tới gần A Sầu, xốc cổ áo hắn lên và quát:

- Tiền của tao đâu?

A Sầu sức yếu như con mèo hen, bắt nạt Mủa Lý thì còn được. Chứ còn như A Sinh làm việc nặng cả ngày lại cơ bắp cuồn cuộn thế kia thì gã không sao chống nổi. Bởi thế cho nên khi nãy gã nghi là có người trong nhà lấy cái tẩu của gã, nhưng cũng chẳng dám động nói đến là A Sinh, là Mủa Tình, mà chỉ dám động đến vợ gã là Mủa Lý mà thôi.

A Sầu khúm núm run giọng nói:

- Tiền nào, tôi nào có biết anh chị có tiền nào. Sao lại hỏi tôi? Tôi cũng đang chết giở vì bị mất cái tẩu thuốc đây!

A Sinh vung một cú đấm như trời giáng vào mặt A Sầu, rồi ném gã xuống đất nói:

- Lời của con nghiện mà cũng đáng tin hay sao? Nhất định là mày đã lấy trộm, rồi còn giả vờ làm mất tẩu. Giờ thì có đem tiền ra đây không, hay là chơi bạc hết rồi?

A Sầu suýt xoa thanh minh nói:

- Tôi vừa mới dậy, mà đêm nay anh chị mới về. Dù có biết là anh chị có tiền tôi cũng chẳng kịp tiêu, đời nào mà lấy trộm.

A Sinh khẳng định ngay:

- Thế thì nhất định là tiền vẫn còn ở trong nhà này rồi, mọi người tìm đi!

A Sinh nói xong liền hối thúc người nhà, lại đích thân xắn tay áo đi tìm khắp nhà. Mà đặc biệt là lại tìm kĩ chỗ mà A Sầu nằm, A Sinh khẳng định là chỉ có A Sầu lấy bọc tiền mà Mủa Tình giấu dưới gối. Mà tiền có hay để ở đâu thì chỉ có người trong nhà biết, A Sầu chính là kẻ đáng nghi nhất.

Mọi người hì hục lật tung khắp nhà lên, nhưng tìm mãi tìm mãi mà chẳng thấy gì cả. Mủa Tình thì từ lâu đã rũ hết cả người không còn thiết tha gì nữa. Mười triệu đó là số tiền cô tích góp cả năm trời để chờ đến dịp xuân này về bản, có thể sắm được xe máy cho chồng đi cho đỡ khổ, vậy mà giờ cũng mất.

A Sầu vì bị A Sinh quát nạt, nên trong chốc lát gã cũng quên ngay cái chuyện liên quan đến tẩu thuốc. Giờ này gã chỉ sợ A Sinh mà không tìm ra tiền, mọi chuyện sẽ trở thành như thế nào?

A Sinh sau cùng không tìm thấy tiền thật, anh quay sang lại túm lấy cổ A Sầu mà gào lên:

- Mày nói đi, mày giấu tiền của tao ở đâu?

A Sinh mặc dù quát A Sầu, nhưng chính anh cũng phải rơi nước mắt. Số tiền ấy là Mủa Tình vất vả tích góp cho anh mua xe máy đi làm, giờ đã không cánh mà bay. A Sinh không thể nghĩ được là có ai khác trong căn nhà này có thể lấy được tiền ngoài A Sầu, chỉ có A Sầu nghiện ngập, A Sầu bài bạc thì mới lầy tiền của A Sinh mà thôi.

A Sầu khóc hết nước mắt nói:

- Tôi trước nay dẫu có bài bạc, có thuốc phiện. Nhưng tiền của nhà tôi không động đến một đồng. Tiền đánh bạc là từ tôi trích nhựa thuốc phiện đem bán, thuốc phiện cũng là do tôi trồng. Tôi lấy tiền của anh làm gì?

Nói xong, A Sầu tay còn run run lôi ra từ trong áo ngực một đồng bạc trắng rồi thanh minh:

- Đây này, đồng bạc trắng mẹ cho tôi kể từ khi tôi về ở rể vẫn còn nguyên đây này, cũng đâu có mất vào bài bạc!

Nhưng A Sinh không tin, A Sinh không phải là một người thông mình, mà chỉ hành động theo cảm tính. Anh quát lên:

- Đủ rồi, nuôi mày trong nhà quả là một tai họa. Mày cút đi, từ giờ nhà họ Sùng không còn A Sầu. A Sầu cũng không còn là ma của nhà họ Sùng khi chết đi nữa!

Nói xong, Anh Sinh túm cổ ném A Sầu ra ngoài rồi đuổi đi không dứt. A Sầu loạng choạng chạy ở đầu đường không dám quay lại, miệng hắn vẫn liên tục chối cãi rằng không phải gã lấy tiền của nhà.

Bà Chắn thấy A Sinh tức giận như vậy thì cũng không tiện chen vào, chỉ chờ để ngày mai khi A Sinh nguôi giận rồi mới từ từ khuyên bảo.

Còn Mủa Lý thì ra đứng ở bậc thềm cửa, nhìn ra ngoài đường mòn, nhìn theo bóng A Sầu biến mất vào màn đêm mà cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ.

Bà Chắn lại đến gần vỗ về Mủa Lý:

- Đợi mai thằng Sinh nó nguôi giận, rồi con đi tìm chồng con về. Chắc nó lại bài bạc một vài hôm thôi, không sao đâu!

Mủa Lý rơm rớm nước mắt nói:

- Nhưng anh ấy đi giữa trời đêm thế này, con sợ anh ấy bị con ma rừng bắt mất!

Bà Chắn cười, vuốt tóc Mủa Lý nói:

- Mạng A Sầu lớn lắm, nhiều đêm toàn nửa khuya nó mới về mà đâu có bị ma rừng bắt, ma rừng kiêng nó rồi.

Kể ra thì bà Chắn cũng quả thật lo sợ A Sầu sẽ bị giống như những lời mà Mủa Lý nói, nhưng bà vẫn phải viện ra lý do để giúp cô bình tĩnh. Vì dù sao Mủa Lý có lo lắng cũng chẳng còn ích gì. A Sầu đã bị A Sinh đuổi ra khỏi nhà rồi.

A Sinh khi này cũng bớt giận, hòa hoãn ngồi xuống cạnh Mủa Tình hỏi:

- Thế tiền nhập hàng mới có còn đủ để bán không?

Mùa Tình gật đầu buồn rầu nói:

- Đủ bán, nhưng cũng hơi khó khăn.

A Sinh vỗ vỗ vai vợ rồi trấn an cô:

- Anh còn ít tiền vẫn chưa bị mất, nếu cố gắng làm mấy tháng nữa thì chắc vẫn mua được xe máy thôi. Nói xong, A Sinh lại rút ra một ít tiền độ khoảng vài triệu đưa cho Mủa Tình. Mủa Tình ngỡ ngàng nhận lấy, cũng dần dần cảm thấy vui vẻ vì ít ra cô vẫn chưa mất tất cả.

Mủa Tình cầm tiền rồi, lần này không dám để dưới gối nữa, mà cất hẳn vào trong người, lại để chỗ kín đáo để giữ tiền.

Mọi người trong nhà một lúc sau cũng dần tự động về giường của mình và ngủ tiếp. Riêng A Nụ thì vì còn bé nên ngủ say như chết, không biết những việc vừa mới trải qua.

Sớm hôm sau, mọi người thức dậy rất sớm để làm bánh dày đen. Loại bánh thơm ngon mà chỉ mỗi dịp xuân về thì A Sinh mới cất công đem giã cơm cho chuyễn mà thành. Loại bánh này làm rất kì công, phải làm mất cả ngày thì mới được bốn chiếc bánh.

Đến tối, thì mọi người ăn qua loa xong, nói chuyện một chút. Bà Chắn vừa đem bốn cái bánh dày đen đặt lên ban thờ tổ tiên vừa khấn vái. Còn A Nụ thì đang ngơ ngác ngồi dưới, liếm mép chờ đến giờ hương tàn là có thể được ăn bánh dày đen.

Khi này A Sinh ngồi ngay ngắn, đem một bọc tiền ra đặt trước mặt bà Chắn khẩn khoản nói:

- Đây là tiền công mùa này của con, cũng chỉ có vài trăm lẻ. Mẹ cầm lấy mua thóc mua gạo nuôi A Nụ lúc chúng con vắng nhà.

Bà Chắn xua tay nói:

- Thôi bọn con vừa mới mất tiền, bọn con cứ giữ lấy để mà làm vốn. Mẹ vẫn còn tiền từ mùa trước, các con không phải đưa đâu.

A Sinh cười, lại giở bọc tiền ra. Trong đó toàn là tờ mười nghìn, hai mươi nghìn. A Sinh chia ra làm đôi rồi lại nói tiếp:

- Vậy mẹ cầm lấy một nửa cho vợ chồng con vui.

A Sinh lại chìa bọc tiền đến trước mặt bà Chắn.

Đến lúc này bà Chắn không từ chối được đành phải cầm bọc tiền cất đi. Số tiền hơn trăm nghìn này không tính là nhiều, nhưng cũng đủ để mua gạo cho bà và A Nụ ăn suốt một mùa rẫy. Còn về thức ăn thì kiếm rau rừng, thú rừng mà bổ sung... Thi thoảng bà Chắn cũng có thể bắt được con dúi to, cũng đủ để hai bà cháu cải thiện. Thịt dúi không nấu hết trong canh thì có thể làm được thịt khô, cũng có thể ăn dè đến cả tháng trời.

Nhìn bà Chắn cầm tiền, A Sinh hạnh phúc không nói lên lời. Bếp lửa vẫn cứ lách tách kêu lên, mọi người trong nhà lại tiếp tục lên giường đi ngủ. Đêm nay sẽ là một đêm dài và mọi người trong nhà sẽ còn gặp phải nhiều điều tai ương đáng sợ.

Nửa đêm, trong gian bếp có tiếng động lạch cạch của xoong nồi, tiếng kêu tuy chỉ rất nhỏ thôi. Nhưng đối với một người thính tai như bà Chắn, không chuyện gì có thể thoát được trong căn nhà này.

Bà nhổm dậy, nhìn thấy Mủa Tình, A Sinh, A Nụ vẫn còn đang ngủ say. Mủa Lý cũng đang thiêm thiếp trên giường, mọi người trong nhà đều có mặt đủ cả. Vậy là ai đang ở dưới bếp gây ra những tiếng động kia? Không lẽ là A Sầu? A Sầu đã về rồi sao?

Bà Chắn nghĩ vậy, liền lập tức đi xuống bếp, cẩn trọng cố không phát ra tiếng động để nhìn xem là ai, là thứ gì đã gây ra thứ tiếng động mà bà nghe thấy.

Khi bà đi đến gian bếp, cái tiếng động sột soạt vẫn không ngừng vang lên, đều đặn dai dẳng, như một con chuột đang tỉ mẩn gặm nhấm một thứ gì đó.

Bà Chắn bước đến gần, càng đến gần thêm nữa cái cửa bếp. Tiếng âm thanh khi nãy còn nhỏ giờ này đã vang rõ mồn một.

Bà Chắn không chờ thêm nữa, đã trực tiếp quát to:

- Ai đấy?

Rồi xông thẳng vào trong gian bếp. Nhưng mà vào đến nơi, thì và chỉ còn thấy xoong nồi đang vương vãi đầy đất, hộc gạo cũng đã vơi quá nửa mà chẳng thấy bóng dáng một ai.

Khi này A Sinh từ trên nhà tỉnh giấc vì tiếng quát của bà Chắn, liền chạy xuống gian bếp. Nhìn thấy bà Chắn đứng chết lặng ở đó, A Sinh hỏi:

- Mẹ làm sao thế?

Bà Chắn cố gắng dụi mắt như không tin, gian bếp kín như thế thì cái người ngồi trong đó chạy đi đâu được. Bà níu lấy tay A Sinh rồi kể lể:

- Rõ ràng khi nãy mẹ còn nghe thấy tiếng động ở dưới này, như có người còn đang ăn vụng ở dưới bếp cơ mà, nhưng mà đến khi mẹ quát lên chạy vào thì không thấy có ai cả.

A Sinh nhìn quanh một lượt, thấy đồ trong bếp vương vãi thì liền khẳng định ngay:

- Thôi đúng rồi, là A Sầu về nhà rồi, chính nó làm ra chuyện này chứ không phải ai khác. Cái mâm bát rơi vãi kia, cũng là số thức ăn và cơm mà Mủa Lý thường chuẩn bị cho nó. Thằng này không tha được rồi, từ giờ cứ thấy mặt là con sẽ đánh nó ngay...

Nhưng bà Chắn gạt đi, bà nói:

- Mẹ nghĩ không phải là A Sầu đâu, vì A Sầu gầy gò ăn yếu lắm. Con nhìn xem đi, bát thức ăn nó ăn sạch bay, cơm cũng chẳng còn một hột. Mà hộc gạo cũng vơi đi quá nửa, người nào mà lại còn có thể ăn khỏe được như thế?

A Sinh nhất quyết nói:

- Thì nó trốn con cả ngày nên đâm ra đói mới ăn nhiều như thế, lại sợ con đánh nên nó tính lấy trộm nửa số gạo nhà mình đem lên rẫy để nấu ăn đấy thôi. Để mai con nói Mủa Lý lên rẫy tìm nó xác mình chuyện này là rõ ngay.

Bà Chắn gật đầu tạm cho là thật, bởi lẽ thì chỉ có sự suy đoán ấy của A Sinh mới hợp tình và hợp lý mà thôi. Chứ một người nào có thể ăn được nhiều đến như thế.

A Sinh quay lên nhà, lại vô ý liếc qua cái ban thờ một cái thì liền sửng sốt phát hiện, bốn chiếc bánh dày đen đã không cánh mà bay. A Sinh tức lắm, nghĩ nay chuyện này chỉ có thể là do A Sầu làm ra mà thôi. Nhưng thôi cũng chỉ là bốn chiếc bánh dày, A Sinh đành cố nén giận. Ngày mai A Nụ thức giấc không thấy bánh dày hẳn là sẽ khóc toáng lên cho mà xem.

Mà khi này Mủa Tình cũng chợt thức giấc vì tiếng động nói chuyện của A Sinh với bà Chắn. Theo thói quen cô lại sờ đến cái bọc tiền giấu trong người. Đang trong lúc nửa mơ nửa tỉnh, Mủa Tình cứ sờ mãi sờ mãi mà không thấy bọc tiền đâu. Cô lập tức phát hoảng bừng tỉnh hẳn, cũng quên hẳn cơn buồn ngủ. Toát mồ hôi sờ nắn khắp người. A Sinh vừa bước vào đã thấy Mủa Tình có hành động lạ như vậy thì liền hỏi:

- Mủa Tình, em sao thế?

Mủa Tình lại khóc hết nước mắt nói:

- Trời ơi cái số tiền cuối cùng của vợ chồng mình, tiền hôm qua anh đưa em, nó cũng không cánh mà bay rồi mình ơi!

Tiếng Mủa Tình kêu gào, đánh động cả Mủa Lý thức dậy, nhưng cô không dám ngồi dậy vì ngại. Vì không muốn đối diện với chị dâu, sợ chị dâu lại nhắc đến chồng mình.

Bà Chắn cũng vừa từ ngoài nhà bước vào, nghe thấy chuyện này thì liền hối thúc lại Mủa Tình nói:

- Con thử gắng tìm kĩ lại xem, làm sao mà lại mất được?

Mủa Tình thanh minh:

- Con đã cố giấu vào chỗ kín, vậy mà lần này vẫn mất được, tìm không thấy mẹ ơi!

A Sinh mặt đỏ bừng bừng, anh tức giận quay đầu đi ra khỏi nhà, chạy xuống gian bếp đốt đuốc.

Bà Chắn hoảng sợ liền hỏi:

- A Sinh, mày đi đâu?

A Sinh trả lời:

- Con lên rẫy, con phải tìm A Sầu, trước khi nó dùng hết số tiền đó của con nướng vào canh bạc. Con phải đánh chết nó, nó không còn mang tính người nữa rồi.

A Sinh nói xong phăm phăm bước đi. Bà Chắn cố gào nói theo:

- Trời đang đêm như thế này, mày không sợ ma rừng nó bắt à? Quay lại ngay cho mẹ...

Có tiếng A Sinh vang văng vẳng đáp lại ở cuối đường:

- Thằng A Sầu nó đi đêm được, không nhẽ con lại không đi đêm được. Mẹ đừng lo...

Rồi từ đó tiếng A Sinh im bặt hẳn, ánh đuốc cũng mờ dần ở cuối đường. Bà Chắn ngồi thụp xuống nghĩ ngợi, trong lòng lo ngay ngáy. Mủa Tình cũng bồn chồn không yên, cứ đi qua đi lại. Khi vừa nãy chính cô cũng tức giận, mà giờ này lại lo lắng cho A Sinh nhiều hơn. Bởi vì tiền thì còn có thể kiếm lại được, nhưng nếu người bị ma rừng bắt đi thì sẽ không bao giờ còn quay lại nữa. Mủa Tình hối hận không thôi, đáng lẽ ra lúc ấy chỉ cần cô nói một câu trấn an chồng. Thì A Sinh cũng không vì tức giận mà đâm đầu vào chỗ nguy hiểm như thế...

...

A Sinh chạy phăm phăm trong đêm, thi thoảng bên đường mòn leo đồi, có vài cái bóng đen lẩn khuất, có tiếng thì thào bàn tán không dứt. Có có những cái bóng đen đang tiến dần về phía A Sinh. Nhưng A Sinh không sợ, A Sin biết đó là lũ ma rừng, chúng nhìn thấy anh đi nghênh ngang đi vào rừng để lên rẫy nên mới muốn bắt anh.

A Sinh mặt đằng đằng sát khí, bước chân gõ xuống đất nặng như thép đá. Lâu dần khiến cho những cái bóng đen lẩn khuất trong những lùm cây sợ hãi không dám lại gần. Vì chúng biết tâm trí A Sinh kiên định, lại còn gan dạ nên không dám làm gì. Hơn nữa ánh đuốc quá chói, lại càng làm chúng lóa mắt không dám làm gì A Sinh.

A Sinh cứ đi như thế cho đến khi thoát khỏi bìa rừng, đi đến tầng rẫy đầu tiên. Tầng rẫy đầu tiên là của A Phì, là con trưởng bản, phải đến tầng rẫy tiếp theo mới là tầng rẫy mà A Sầu trồng thuốc phiện.

Đi ngang qua rẫy của A Phì, A Sinh thấy trong chòi canh rẫy có ánh sáng, thì liền tiến tới gần, gõ cửa hỏi han:

- A Phì, A Phì mở cửa đi!

Có tiếng của A Phì đáp lại làu bàu, lại có tiếng của Mủa Xuân vợ A Phì rên rỉ không ngớt. A Phì đáp:

- Đứa nào thế? Ma rừng à? Tao ở với vợ tao nên chúng mày không bắt được tao đâu, chúng mày cút đi!

A Sinh nói:

- Tôi là A Sinh đây, mở cửa ra cho tôi hỏi chuyện!

A Phì đáp lại:

- Con ma rừng này sao ngu thế, thằng A Sinh nó đi làm ở dưới huyện mấy năm nay, mày tính lừa tao như lợn thế à?

A Sinh hết sức kiên nhẫn nói:

- A Phì, tôi là A Sinh thật đây. Bây giờ là mùa xuân rồi, tôi về đón tết anh nhớ chứ!

A Sinh còn kiên nhẫn kể những kỉ niệm hồi bé để cho A Phì tin tưởng là thật. À Phì sau đó mới mở cửa chòi ra, ném cái chăn đắp che kín người Mủa Xuân. Trên người gã chỉ mặc một cái quần đùi. Gã thò đầu ra khỏi cái chòi rồi nhìn A Sinh với vẻ ngạc nhiên hỏi:

- A Sinh, là anh thật à? Anh đi giữa rừng vào ban đêm như thế mà không sợ ma rừng bắt mất sao?

A Sinh lắc đầu trả lời:

- Tôi không sợ!

Rồi lại hỏi:

- A Phì, đêm nay anh có nhìn thấy A Sầu không?

A Phì ngẫm nghĩ một lúc, gãi đầu gãi tai cố nhớ lại nói:

- Không, tôi không có gặp. Cả ngày nay không thấy A Sầu đi qua đây, nhưng hồi chiều tôi thấy ở nương của nó có bốc lên khói dữ dội lắm, khói trắng xóa hết cả ra. Hình như nó đốt nương rồi...

A Sinh mở to mắt đầy kinh ngạc hỏi:

- Đốt thuốc phiện ư? Tại sao A Sầu lại làm thế?

A Phì lắc đầu trả lời nói:

- Tôi không biết!

A Sinh lại hỏi:

- Vậy tối qua trên chiếu bạc, anh có gặp A Sầu không?

A Phì cũng là một con nghiện cờ bạc, hắn còn nghiện hơn cả A Sầu. Hầu như trong bản có tổ chức bài bạc gì là đều có mặt hắn, nhưng hắn chơi thì thường xuyên thắng nên giàu có. Còn A Sầu thì chơi thường xuyên thua nên nghèo kiết xác.

A Phì trả lời ngay:

- Tối hôm qua thì không có, nhưng tối hôm kia thì A Sầu có chơi. Nó bán được mấy trăm nghìn tiền thuốc phiện ấy, nhưng tối ấy cũng mất sạch, chắc phải lâu lâu nữa mới dám quay lại.

A Sinh lẩm nhẩm:

- Tối hôm kia à? Lại còn mấy trăm nghìn tiền thuốc phiện.

A Sinh nghĩ lại, tối qua thì vợ chồng anh mới mất tiền, nên không thể nói số tiền mà A Sầu tiêu vào chiếu bạc là của vợ chồng anh được. Mà nếu A Sầu lấy được tiền rồi, tại sao không đi chơi bạc vào tối hôm qua. Hay là vợ chồng anh đã hiểu lầm cho A Sầu thật. A Sầu không lấy tiền, vậy thì ai lấy?

A Sinh lại hỏi:

- Vậy chứ tối nay trên chiếu bạc cũng không có A Sầu hay sao?

A Phì quả quyết nói:

- Tôi đã nói với anh rồi, rằng hôm nay tôi không gặp A Sầu. Tối nay tôi cũng vừa mới từ chiếu bạc về, còn chưa qua rẫy A Sầu mua ít thuốc phiện đây. Nhưng tình hình này chắc nó đốt nương thuốc phiện rồi, sau này khó mà mua nổi thuốc phiện của nó.

Dừng lại một chút, A Phì lại nheo mắt hỏi A Sinh:

- Mà nhà anh làm cái gì, lại khiến thằng A Sầu thay đổi được nhanh thế? Nó tính đốt nương thuốc phiện, thì chắc là định cai nghiện, định bỏ bài bạc đây!

A Sinh đầu óc khi này hỗn loạn, một nửa vẫn một mực nghi ngờ A Sầu lấy cắp tiền. Một nửa lại cảm thấy A Sầu đốt nương thuốc phiện là để chứng minh hắn trong sạch.

A Sinh gật đầu chào hỏi A Phì một tiếng, rồi lại tiếp tục xông thẳng về phía tầng rẫy thứ hai, nơi mà trước đây A Sầu thường hay trồng thuốc phiện.

Dọc đường đi, lũ ma rừng lại nháo nhác khi thấy A Sinh đi qua. A Sinh vẫn can đảm bước tiếp cho đến khi đi vào tầng rẫy thứ hai. Đến nơi thì một khung cảnh hoang tàn lập tức đập vào mắt anh. Toàn bộ cây thuốc phiện đều đã cháy hết, chỉ còn lại mỗi trơ gốc. Tro tàn thuốc phiện bay khắp nơi. Nhiều con thú nhỏ đều ngất gục ở quanh rẫy vì say hơi thuốc phiện. Cái chòi canh rẫy của A Sầu tối đen không ánh đèn, chứng tỏ là A Sầu chẳng có ở đây nữa rồi.

A Sinh bước tiếp về phía căn chòi, mở cửa chòi ra tìm kĩ xem ở đây có thứ đồ gì mà A Sầu đã ăn trộm không. Nhưng không có. Cả căn chòi trống huơ trống hoác. Có mỗi cái gối để A Sầu canh rẫy nằm trơ trọi ở đó.

Không tìm được A Sầu, A Sinh đành quay trở về nhà. Về đến nơi thì mọi người trong nhà cũng đều đã ngủ say. A Sinh tính nằm xuống giường ngủ thiếp đi. Nhưng cứ nghĩ đến những việc mà A Sầu đã làm khiến anh càng thắc mắc không sao ngủ nổi. Tại sao A Sầu lại đốt nương thuốc phiện, tại sao A Sầu không có ở chiếu bạc và tại sao trong chòi canh rẫy của A Sầu không hề có gạo. Lẽ nào số gạo và số thức ăn đó đúng như bà Chắn nói, là nó không phải do A Sầu ăn mất.

Đang suy nghĩ miên man như thế, thì ở gian bếp lại có tiếng động loạch quạch vang lên rồi ngừng bặt. A Sinh nằm im, cố nín thở nghe xem tiếng động ấy có tiếp tục phát ra hay không. Nhưng không tiếng động ấy không tiếp tục phát ra nữa.

Một lúc sau, khi A Sinh đang chuẩn bị thiêm thiếp ngủ đi, thì lại nghe thấy tiếng sột soạt. Tiếng thanh chốt cửa bằng gỗ bị cậy ra. A Sinh nhẫn nại, miệng mím chắt, hai hàm răng anh nghiến lại, đôi mắt sắc lạnh chờ đợi. Và giờ đây rất có thể là thủ phạm đã xuất hiện.

Đúng như anh nghĩ, cái cửa gỗ của căn nhà mở bung ra, kẽo kẹt một cách khẽ khàng. Một đôi mắt to đỏ như máu, sáng như sao từ bên ngoài dõi vào trong nhà. Một thứ sinh vật đen nhẻm không rõ hình thù, gầy gò, dáng như người. Nhưng lại đi bằng bốn chi đang bò dưới đất. Nó tỉ mẩn nhanh thoăn thoắt đi tới gần từng người mò mẫm, sờ soạng tìm kiếm thứ đồ có giá trị. Miệng nó cười đầy vẻ thích thú. Vì trong đêm tối nên A Sinh không thể nhìn rõ được khuôn mặt của nó, mà chỉ nhìn rõ nhất đôi mắt sáng như sao của nó mà thôi.

Thứ sinh vật có hình thù kì lạ, mò mẫm từng người trong nhà, rồi lần lượt đến lượt A Sinh. Nó thò vào người anh, sờ soạng khắp người một cách nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng đến mức gần như A Sinh đã chủ động cảm nhận, mà cũng không cảm nhận được cảm giác gì. Đến khi này thì A Sinh mới sực hiểu, thì ra là anh đã trách nhầm A Sầu, rằng không phải A Sầu lấy mất đồ đạc, cũng như không phải A Sầu lấy mất nửa hũ gạo. Mà là do chính thứ sinh vật này gây ra, nó chính là một con ma rừng chứ không sai.

Nhưng tại sao ma rừng lại có thể lọt vào bản được? Trong bản có một vị thầy mo, đã làm phép trấn trụ quanh bản, lũ ma rừng không thể nào tiến vào phạm vi người sống được. Vậy tại sao con ma này lại có thể.

A Sinh cố nén lại sự hiếu kỳ, chờ đợi con ma lần sờ từng người trong nhà, rồi lẻn ra ngoài chạy đi. A Sinh rón rén bám theo cố gắng không phát ra tiếng động. Đi theo con ma rừng, anh thấy nó chạy xuống dưới bếp, đến gần đống củi khô thì liền lóe sáng một cái sau đó biến mất.

A Sinh cố gắng trấn tĩnh, không đem chuyện này đánh động mọi người, mà chỉ quay lại giường để đi ngủ.

Sáng hôm sau khi mọi người thức dậy. Mủa Tình thấy A Sinh đã nằm cạnh mình thì vui lắm, cả đêm hôm qua cô cứ lo ngay ngáy sợ A Sinh bị ma rừng bắt mất, nhưng giờ A Sinh đã về rồi.

Khi A Sinh thức dậy, anh tập hợp tất cả mọi người trong nhà lại và giải thích:

- Có thể là chúng ta đã nghi ngờ nhầm cho A Sầu rồi, A Sầu không lấy tiền của chúng ta.

Mủa Tình liền hỏi:

- Nếu không phải là A Sầu thì là ai được?

A Sinh trả lời:

- Là một con ma rừng, đêm qua, chính mắt anh đã nhìn thấy nó!

Bà Chắn lắc đầu quả quyết nói:

- Không thể nào, ma rừng làm sao có thể xuất hiện trong bản được, nó bị phép của mo giữ bên ngoài rồi.

A Sinh vẫn khẳng định, anh nói:

- Nó chính là con ma rừng, con ma rừng ấy là lấy cắp hết thứ đồ có giá trị của chúng ta, muốn chúng ta nghi ngờ lẫn nhau để hại lẫn nhau, mục đích của nó thật ác độc. Đêm nay nếu mọi người cùng thức, thì ắt hẳn là sẽ thấy nó.

Nói xong, A Sinh hối thúc mọi người chuẩn bị, chờ đến đêm cùng theo dõi và chứng thực lời anh nói là thật.

Tối đến, bốn người trong nhà đều thức trừ A Nụ. Bọn họ nằm trên giường, giả vờ ngủ để chờ xem thứ sinh vật như lời A Sinh nói có xuất hiện thật sự hay không. Và đúng như lời A Sinh nói, đến chừng nửa đêm, cái thân người đen nhẻm và đôi mắt sáng như sao của con ma rừng lại xuất hiện. Có cậy cửa và len lẻn đi vào trong nhà, lần sờ mọi ngóc ngách qua loa, rồi lại sờ mó tất cả những người trong nhà để tìm kiếm thứ đồ có giá trị.

Đến lượt bà Chắn, con ma rừng không ngừng tay sờ soạng. Bà Chắn biết trước được, cũng không nhịn được tri hô lên:

- Bắt lấy con ma rừng!

Con ma rừng kinh sợ khi thấy bà hô lên như vậy, nhanh thoăn thoắt nó quay đầu bỏ chạy ra ngoài cửa. Cái tóc nó xõa dài như tóc con cái, khuôn mặt xanh xao như người ốm bệnh, có vẻ mặt của người trẻ con. Đêm nay trời sáng trăng rõ, trong cái ánh sáng nhá nhem ấy, bà Chắn kinh sợ kêu lên:

- Trời ơi Mủa Giàng, con tôi!

Cái tên Mủa Giàng lọt vào tai A Sinh khiến anh càng khiếp sợ hơn. Vì Mủa Giàng chính là người chị gái của A Sinh. Năm A Sinh tám tuổi, Mủa Giàng mười hai tuổi vào rừng lấy củi, từ đó đã mất tích. Gia đình bà Chắn tìm mãi mà không thấy thân xác Mủa Giàng ở đâu. Thì ra Mủa Giàng đã chết và hóa thành ma rừng, quả là đáng thương tâm.

Bà Chắn khóc lóc dữ dội, Anh Sinh cũng buồn đến não người. Anh cố nhắm mắt lại, chờ đến sáng hôm sau liền đem mọi chuyện bàn tính với bà Chắn nói:

- Con tính mời mo về trừ con ma rừng!

Bà Chắn gạt ngay và nói:

- Không được, đó là chị của mày, mày tính hại chị mày chết hay sao?

A Sinh kiên quyết nói:

- Mẹ à, chị Mủa Giàng đã chết rồi, giờ chị ấy là con ma rừng, phải trừ chị ấy thì nhà này mới sống yên ổn được.

Bà Chắn nhất quyết không đồng ý.

Còn A Sinh thì vẫn quả quyết làm mọi việc theo ý mình, anh lập tức qua nhà thầy mo một chuyến, báo với ông ta tin tức nhà mình có ma rừng xuất hiện. Vị thầy mo này tên A Lì, đã gần tám mươi tuổi rất già nua. Vốn A Lì cũng ít đi lại, nhưng cứ nghe thấy ma rừng thì liền xông xáo lắm.

Thấy A Sinh dẫn lão A Lì về nhà, bà Chắn không nói lời nào mà còn bỏ luôn cả cơm. A Sinh thở dài biết không hợp ý mẹ, nhưng vẫn kiên quyết làm theo.

Lão A Lì bắt A Sinh phải làm thịt một con gà, để lão làm lễ cúng ma, hỏi ma xem là con ma rừng nào đang ở trong nhà này để tìm cách loại bỏ.

Lễ vừa mới làm, máu tiết con gà phun lên trời. Hương cháy rất đượm khói, lão A Lì lầm rầm khấn bái được một lúc thì liền trợn mắt nói:

- Thôi tao biết rồi, tao biết trong nhà mày có con ma gì rồi!

A Sinh vội vã hỏi ngay:

- Là con ma gì thưa thầy?

Lão A Lì trỏ tay xuống cái bát cơm cúng trịnh trọng nói:

- Nó là con ma hốc củi, loài ma này hiếm lắm!

Mủa Tình không hiểu ma hốc củi là ma gì, liền hỏi ngay:

- Xin mo kể cho chúng tôi nghe về nguồn gốc của con ma hốc củi này đi ạ?

Lão A Lì gật đầu và bắt đầu kể lại. Lão kể rằng ma hốc củi là một loài ma chết do bị ma rừng lôi kéo, chúng còn quyến luyến dương thế mà yếu quá nên không biết làm cách nào đành phải trốn tạm vào lõi củi khô để cho âm khi không bị bay đi mất, rồi từ đó từ từ tu luyện. Loài ma hốc củi tính ra trong các loài ma rừng thì không độc ác, nhưng chúng lại thường hay có cái sở thích đùa thái quá là lấy cắp đồ trong nhà của người bị hại. Thường thì những thứ đồ này sau một vài ngày là chúng sẽ trả lại. Chúng chỉ trêu đùa một cách vô thức, nhưng lại vô tình làm cho nội bộ gia đình người bị hại nghi ngờ lẫn nhau, gây chia rẽ.

Lão A Lì kể xong thì A Sinh liền lập tức hiểu được ngay, thì ra không phải trước nay chỉ có một mình gia đình A Sinh gặp phải chuyện này, mà còn rất nhiều người bị con ma này hại như vậy.

Khi này có giọng bà Chắn đột nhiên xuất hiện, bà nói:

- Nhưng tôi đã nhìn thấy mặt con ma hốc củi, nó chính là đứa con gái đầu lòng của tôi, nó là Mủa Giàng. Nó chết nhiều năm nay mà không tìm thấy xác, mo có thể gọi nó lên hỏi nó giúp tôi xác nó ở đâu được hay không?

Lão A Lì nói ngay:

- Xác con ma hốc củi, ở ngay chỗ có củi mà người ta vô tình đem về. Bà nhặt củi khô ở đâu thì cứ quay lại đó mà tìm.

Bà Chắn nước mắt giàn giụa nói:

- Nhưng củi khô tôi nhặt khắp rừng, thì biết đằng nào mà tìm bây giờ.

Lão A Lì nói ngay:

- Bà nhặt củi ở đâu có xuất hiện sự bất bình thường nhất thì là ở đó có ma hốc củi. Ví dụ như một gánh củi tự nhiên xuất hiện chẳng hạn, chắc chắn là do con ma hốc củi cố ý sắp xếp để cho người ta tưởng bở mà mang nó về nhà.

Bà Chắn nghe đến đây, đôi mắt liền sáng như sao nói ngay:

- Thôi đúng rồi, cái bó củi ấy, là hôm ấy tôi lấy ở ngay cạnh cái chòi hoang.

A Sinh hỏi ngay:

- Chòi hoang nào hả mẹ?

Bà Chắn nói:

- Chính là cái chòi hoang mà hôm mẹ đi rừng về muộn, phải nghỉ tạm qua đêm để tránh ma rừng. Chính cái chòi hoang bỏ nhiều mùa rẫy ấy, khi mẹ bước vào thì chẳng hề có bó củi nào ở cửa, mà sáng ra thì lại có bó củi ở đó chờ sẵn. Nhất định là chỗ đó rồi...

Lão À Lì gật gù nói ngay:

- Vậy thì đúng rồi, con ma hốc chủi ở chỗ đó đấy! Giờ mọi người mà đến cái chòi ấy đào đất lên, không những vừa tìm được xác của Mủa Giàng, mà còn tìm được cả đồ đạc đã mất nữa.

A Sinh gật đầu cảm ơn lão A Lì liên tục, lão A Lì lại nói tiếp:

- Còn về con ma hốc củi, tạm thời để cho nói không nghịch phá, thì phải đốt hết sạch những que củi đã mang về đi. Mọi người nghe tôi dặn, sau này nếu có đem nhầm phải củi có chứa ma hốc củi, mà thấy mất đồ đạc. Thì chỉ cần chờ vài ngày cho chúng trả lại đồ, sau đó đem hết củi trong nhà đốt đi là sẽ đuổi được chúng.

Lão A Lì nói xong thì liền đứng dậy ra về. A Sinh nghe lời lão A Lì, hôm sau cùng với bà Chắn quay lại chỗ căn chòi hoang ngay gần rừng nứa. Đến khi đào lên thì quả nhiên thấy một bộ xương người ở dưới đó, trong tay nó còn nắm chặt cái bọc tiền của Mủa Tình, cả túi gạo không sót thứ nào. Có cả những mớ thức ăn đã thối giữa cũng vẫn ở đó. Tất cả những thứ bị mất không sót một thứ nào đều đã tìm về được.

Mà đồ đã tìm về được rồi, ma hốc củi cũng đã trừ được, Mủa Giàng cũng được chôn cất thờ cúng tử tế. Nhưng A Sầu đã đi rồi, hắn đi không còn trở lại nữa. Hẳn là A Sầu phải uất ức lắm, tức lắm vì bị nghi ngờ. Chỉ vì cái tiếng là gã nghiện ngập mà cái gì cũng đều đổ lên đầu gã, đều nói là gã làm. Chính vì cái tiếng ấy mà A Sầu mới đốt nương thuốc phiện, mới bỏ bài bạc, mới bỏ đi. Chắc A Sầu khóc nhiều lắm.

Nhưng không chỉ A Sầu khóc, mà Mủa Lý cũng khóc. Cô khóc vì cảm thấy oan ức thay cho chồng, khóc vì nhớ chồng. A Sinh thì mỗi lần bắt gặp Mủa Lý khóc lại tránh mặt, vì xấu hổ, vì ngại ngùng với em gái. Mủa Tình cũng không còn mặt mũi nào nhìn em chồng, vì chính cô đã trực tiếp gán ghép tội danh cho A Sầu.

Một mùa rẫy nữa lại qua đi, người nhà cứ ngỡ là A Sầu sẽ chẳng bao giờ quay về nữa. Rằng A Sầu hận A Sinh lắm nên đã bỏ đi hẳn rồi. Nhìn lại đồng bạc trắng A Sầu để lại, mà chiều nào Mủa Lý cũng khóc thương. Lại nhìn cả cái tẩu thuốc của A Sầu, cũng được tìm thấy ở dưới mồ của Mủa Giàng. Chính cái tẩu thuốc này cũng bị ma hốc củi giấu đi, nó quả là một con ma xấu tính. Nhưng sự xấu tính của nó lại vô tình làm thay đổi một người, vô tình khiến người ta trưởng thành.

A Sầu đã trở về, hắn đã trở về sau một mùa rẫy. Người hắn giờ đã to béo hơn, nhìn cũng có sức sống hơn vì đã cai thuốc phiện. A Sầu đem một bóc tiền tới trả cho A Sinh nói:

- Tôi mang cái tiếng ăn trộm nên tôi ức lắm, tôi bỏ đi cũng chỉ là để kiếm ra tiền lương thiện để trả cho anh chị, để trả cho bớt cái tiếng xấu của tôi. Tôi nghiện ngập, nhưng tôi còn nhân cách...

A Sầu nói với vẻ không biểu tình, và vẫn còn giận chuyện năm xưa. A Sinh áy náy cầm bọc tiền dúi lại tay A Sầu nói:

- Anh xin lỗi chú, là anh chị đã hiểu nhầm. Chú cứ giữ lấy số tiền này để hai vợ chồng làm ăn. Tiền của anh chị đều đã tìm lại được.

A Sinh lại hỗi Mủa Lý kể cho A Sầu mọi chuyện. A Sầu hiểu ra liền không còn trách A Sinh nữa.

Từ đó A Sâu thay đổi hẳn, về với Mủa Lý được hai năm thì vợ chồng A Sầu có con, lại có được món tiền lớn trong thời gian A Sầu gắng sức đi làm kiếm tiền trả A Sinh, nên hai vợ chồng họ liền tách ra ở riêng.

Câu chuyện này một phần nào cho thấy, ma quỷ không phải lúc nào cũng làm điều tốt. Nhưng không có nghĩa chúng không làm điều tốt là sẽ có hại. Mà chỉ là một cách tự nhiên ban cho ta sự thay đổi đi tới chân thiện mỹ, cũng như ông trời cho chúng ta một con đường để thay đổi số phận của mình vậy.

Ngạ Quỷ
Chưa có ai yêu thích truyện này!


 BÌNH LUẬN TỪ FACEBOOK