Ngày Anh Đến
Phần 11
Thầy Đăng nhìn tôi, hai mắt thầy long sòng sọc như muốn giết chết tôi. Mẹ Hoa thì vội vã nói:
– Đi bệnh viện, đưa nó đi bệnh viện đã, gọi xe cứu thương mau lên.
Tiếng chị Hạnh khóc lóc thảm thương, tiếng thầy Đăng mắng chửi, tiếng còi xe cứu thương, những âm thanh hỗn loạn vang vọng.
Tôi không biết mình đến bệnh viện bằng cách nào, tất cả mọi người đều đứng bên ngoài lo lắng, hoảng sợ chờ đợi. Chị Hạnh được đưa vào phòng cấp cứu trên chiếc giường sắt lạnh lẽo. Lúc này tôi không còn nghĩ được gì, chỉ cầu mong đứa bé trong bụng chị Hạnh không sao.
Chị Hạnh được đưa vào phòng một lúc thì anh Khang cũng đến. Gương mặt anh lo lắng tột độ đứng ngồi không yên. Khi cánh cửa phòng cấp cứu mở ra anh liền lao đến hỏi:
– Vợ con tôi sao rồi?
Người bác sĩ trẻ măng tháo khẩu trang đáp:
– Vợ anh thì không sao nhưng đứa bé thì không cứu được. Giờ chúng tôi phải đưa cô ấy sang phòng thủ thuật để làm thủ thuật không thì sẽ ảnh hưởng đến cô ấy.
Anh Khang nghe xong như khuỵ xuống vội vã chạy vào phòng, tôi cũng không đứng vững. Thầy Đăng lao đến tát bốp một phát vào mặt tôi khiến tôi loạng choạng ngã vật ra đất. Thầy rít lên:
– Mày… tao còn tưởng mày hiền lành thục đức sao mày lại đi hại chị dâu mày? Cả nhà cả cửa mong mãi mới có một đứa cháu sao mày lại hại nó?
Tôi bị đánh cố gắng mở miệng ra giải thích nhưng thầy hoàn toàn không tin tôi. Thầy còn định lao vào đánh tôi tiếp ngay giữa hành lang bệnh viện. Thế nhưng mẹ Hoa đã túm lấy thầy gào lên:
– Ông điên hả, sao ông lại đánh nó? Có gì về nhà nói, sao lại đánh nó ở đây? Còn ra cái thể thống gì không?
– Giờ này bà còn cần thể thống với thể diện sao?
– Đây là bệnh viện, con Hạnh còn cấp cứu trong kia, ông làm ầm ĩ lên được cái gì? Chuyện còn chưa đâu với đâu, chưa rõ ngọn ngành ra sao cơ mà.
– Chính con Hạnh nói con Ngân nó đẩy con Hạnh, còn cái gì nữa mà bà còn bênh?
Bác sĩ thấy thầy mẹ cãi nhau liền ra cản, cuối cùng thầy Đăng mới thôi ngồi phịch xuống ghế. Tôi đứng một góc, cảm giác tủi nhục lạc lõng hai tay bấu chặt vào nhau, má nóng rát vì cái tát của thầy Đăng. Chị Hạnh làm thủ thuật xong thì được đưa về phòng thường. Tôi không dám vào thăm chị chỉ dám đứng bên ngoài. Chị Hạnh không khóc nữa nhưng chị nằm lặng yên trên giường, đôi môi tái nhợt. Anh Khang mua cháo cho chị chị cũng không ăn, dỗ dành cỡ nào chị cũng không mở miệng cuối cùng chị hất tung bát cháo xuống đất. Bát sứ vỡ tan tành, từng hạt cháo rơi xuống nền nhà, chị gào lên:
– Trả con cho tôi, trả đứa bé lại cho tôi. Anh gọi con Ngân vào đây, tôi phải giết nó, tôi phải giết nó.
Anh Khang mặc kệ ôm chị vào lòng, chị giãy giụa đẩy anh ra, điên cuồng ném hết tất cả mọi thứ đi. Mẹ Hoa thấy vậy quay giục mọi người đi về để chị Hạnh được nghỉ ngơi, để tâm lý chị ổn định lại. Từng tiếng mắng chửi của chị Hạnh khiến tôi đau như xé lòng.
Tôi không biết vì sao chị Hạnh ngã, đến giờ vẫn không hiểu cũng không biết vì sao chị Hạnh lại đổ cho tôi. Thế nhưng tôi không tin chị Hạnh tự đi hại con mình, đứa bé này chị đã mong chờ bốn năm, không thể có bất cứ lý do gì để chị hại nó. Huống hồ thầy Đăng đã nói chị sinh con trai hay con gái thầy đều chuyển luôn 10% cổ phần cho đứa bé dưới sự giám hộ của chị. Vì tài sản tôi tin là càng không, bởi sinh đứa bé ra chẳng phải chị càng có lợi về tài sản sao? Nhìn chị đau đớn như vậy tôi càng không tin chị lại đi hại đứa con máu mủ của chị. Vậy vì sao chị lại ngã? Tôi nhắm nghiền mắt nghĩ lại, chỉ nhớ lúc ngã nhìn lên tôi đã thấy vú Quý và mẹ Hoa trên hiên. Nếu không phải chị Hạnh tự hại mình thì có khi nào có người đẩy chị thật không? Nếu có người đẩy chị thì là ai chứ? Là vú Quý hay mẹ Hoa? Tôi chợt nhớ đến lời bàn tán của người làm, khi nghe tin chị Hạnh có thai mẹ Hoa rất hờ hững. Thế nhưng nghĩ đến đây đầu tôi lại cảm thấy mông lung, có linh cảm rất lạ mà tôi không lý giải nổi. Tôi không nghĩ nổi nữa mà cũng không thể nghĩ bởi tôi thấy vẻ mặt căm phẫn của thầy Đăng dành cho mình. Tôi hiểu về nhà tôi sẽ khó sống với thầy. Khi xe về đến nhà vừa bước xuống sân thầy Đăng đã nói:
– Con Ngân, đi lên nhà lớn.
Tôi biết mình chẳng còn con đường nào khác, không thể trốn chạy, chỉ có thể đối mặt. Vừa lên đến nhà còn chưa kịp hỏi thầy Đăng đã rút chiếc roi da quất mạnh lên lưng tôi rít lên:
– Vì sao mày lại hại con Hạnh?
Chiếc roi da quất xuống người như vụn vỡ toàn bộ xương cốt. Tôi quỳ hai chân xuống đáp lại:
– Thầy, con không hại chị Hạnh, con không làm gì cả.
Nhưng thầy Đăng cơ bản đã không nghe, thầy quất liên tiếp vào người tôi. Mẹ Hoa túm lấy roi da nói:
– Ông dừng tay lại…
Thầy Đăng ban nãy ở viện có bác sĩ nên thầy phải cố gắng kìm lại, giờ về thầy đã không còn nể nang gì nữa rút lại roi da từ tay mẹ Hoa quát:
– Bà ra ngoài, nếu không tôi đánh cả bà đấy.
Mẹ Hoa nhìn thầy Đăng ngước đôi mắt đỏ ngầu cười nhạt:
– Ông đánh đi, ông đánh cả tôi luôn đi.
Không ngờ thầy Đăng không kiêng dè gì, quất còn mạnh tay hơn. Mẹ Hoa và tôi bị vụt vào lưng, vào vai, đau đến tê liệt. Tôi nhìn mẹ Hoa, mẹ cắn chặt răng, đưa tay lên lưng tôi đỡ cho tôi, tay mẹ bị quất rớm máu. Tôi nhìn lớp máu nhỏ trên đôi tay trắng ngần của mẹ lồng ngực như không thở nổi. Tôi bỗng không chịu được, tôi bỗng cảm thấy đau, không phải vì nỗi đau thể xác mà vì thấy có lỗi với mẹ Hoa, vì tôi đã nghi ngờ mẹ, vì đã từng nghĩ xấu cho mẹ, tôi thấy trong lòng day dứt xen lẫn cả đau thương, chưa bao giờ tôi lại cảm thấy có lỗi với mẹ như vậy, nghĩ lại lúc vì mẹ đánh mà tôi giận dỗi tôi cảm thấy tim nhói lên. Tôi đẩy mẹ Hoa ra, lấy toàn bộ thân người ôm lấy mẹ, cả người mẹ run lên nhưng vẫn cố đẩy tôi nói:
– Đồ ngu này, buông ra, buông ra nếu không ông ta sẽ đánh chết con đấy.
Thế nhưng tôi không buông ôm chặt mẹ, mẹ giãy giụa giọng lạc đi:
– Buông ra, con này sao lại ngu thế, buông ra không mày chết chắc đấy con ơi.
Thầy Đăng dường như không nghe, quất mạnh roi da xuống người tôi. Bên ngoài chợt có tiếng xe, tôi không nhìn rõ nhưng thấy tiếng bước chân quen thuộc, tiếng Thành nói lớn:
– Thầy dừng tay lại cho con.
Thầy Đăng thấy Thành, cơn thịnh nộ của thầy Đăng càng dâng trào. Thành lao vào chưa kịp giữ roi da đã bị thầy Đăng quất túi bụi, vừa quất vừa nói:
– Mày cút ra ngoài nếu không tao đánh chết mày luôn đấy. Thằng Tài, Ninh lôi cậu và bà ra để ông xử mợ hai.
Tôi và mẹ Hoa kinh hoàng chưa kịp phản ứng đã bị Thành ôm chặt, tấm lưng anh đỡ toàn bộ những phát roi. Thầy Đăng thấy vậy gầm lên cầm roi vụt, anh Tài anh Ninh nghe theo mệnh lệnh của thầy Đăng không cho Thành kháng cự, tôi và mẹ Hoa bị đánh năm sáu roi đã đau như gãy xương mà thầy đánh Thành liên tiếp. Mặc cho mẹ Hoa gào thét, giãy giụa, mặc cho tôi van xin thầy vẫn không dừng tay. Thầy đánh đến mức chiếc áo trắng của Thành loang lổ vệt đỏ vẫn tiếp tục đánh. Từng tiếng vun vút lên lưng Thành. Tôi không còn chịu được đẩy Thành ra lao lên túm lấy chiếc roi da, mẹ Hoa cũng lao đến giữ tay thầy Đăng giọng lạc đi:
– Ông buông ra, nếu không đừng trách tôi.
Thầy Đăng nhìn mẹ Hoa trợn tròn mắt hỏi:
– Bà định làm gì?
Mẹ Hoa lao đến túm lấy cái dao trên bàn, đặt ngay vào yết hầu rồi gào lên:
– Nếu ông còn không buông, tôi sẽ chết trước mặt ông, tôi sẽ đi theo con Hiền, tôi sẽ để ông được toại nguyện.
Thầy Đăng sững sờ nhìn mẹ Hoa, môi hơi giật giật nói:
– Bà… giờ đến ngay cả việc dạy con cái bà cũng không cho tôi được dạy sao?
– Dạy? Ông dạy chúng nó hay giết chúng nó?
– Nó hại con Hạnh thành ra như thế? Đánh cho chừa sau bỏ cái thói ác ôn đi.
– Tôi không tin nó hại con Hạnh, nó không có lý do gì để hại con Hạnh cả
– Vì tài sản chứ vì gì, thấy tôi nói cho cháu 10% tài sản nên nó ghen tị mới hại chứ gì?
Mẹ Hoa cười nhạt:
– Ông nghĩ ai cũng mê tài sản sao? Ông nghĩ ai cũng thèm tài sản giống mấy con chó tình nhân của ông sao? Ông dừng lại, dừng lại ngay cho tôi.
Thầy Đăng câm bặt, tôi đến đỡ Thành, lưng rớm máu như vậy mà gương mặt anh không hề thay đổi, vẫn bình thản như thể anh đã quen với việc này, anh khẽ nắm chặt tay tôi. Thầy Đăng cuối cùng cũng buông roi quay sang tôi hỏi:
– Mày nói đi, rốt cuộc vì sao lại hại con Hạnh?
Tôi nhìn thầy Đăng đáp lại:
– Con không hại chị Hạnh, con nói rồi con không hại chị ấy.
Tôi vừa dứt lời đột nhiên vú Quý lao đến vả mạnh vào mặt tôi rít lên:
– Mày không hại thì sao nó ngã? Sao nó sẩy thai?
Tôi nhìn vú Quý, không tin nổi, trong một giây cơn thịnh nộ của tôi trào lên, tôi buông tay Thành đứng bật dậy đưa tay lấy hết sức vả mạnh vào mặt mụ ta rồi thét lớn hơn:
– Bà đánh tôi? Bà lấy quyền gì mà đánh tôi?
Vú Quý bị tôi đánh khoé mồm chợt rỉ máu. Bà ta không tin nổi đưa mắt nhìn thầy Đăng. Tôi lại tát thêm một cái nữa rít lên:
– Bà là người làm, cấp bậc còn dưới tôi, bà lấy tư cách gì mà đánh tôi? Thầy Đăng, mẹ Hoa là thầy mẹ chứ bà là cái con cóc khô gì mà dám đánh tôi? À, hay bà có tật giật mình? Hay chính bà là người đẩy chị Hạnh? Lúc tôi ngã nhìn lên chẳng phải thấy bà đứng ở hiên đầu tiên sao?
Mẹ Hoa nhìn tôi, thầy Đăng nhìn tôi, cả Thành cũng nhìn tôi như không tin được còn mụ vú thì ôm mặt sững sờ nhìn tôi. Tôi bình thường không muốn gây thù chuốc oán với ai nhưng nhìn tấm lưng rớm máu của Thành máu điên của tôi đã lên rồi giờ còn thêm cái tát của mụ Vú. Cái ngã hôm nay của chị Hạnh tôi đã nghĩ mãi, nếu không phải chị cố tình ngã thì thật sự có người đẩy, ban đầu tôi nghĩ là mẹ Hoa hoặc mụ vú, nhưng ngay khoảnh khắc mẹ Hoa bảo vệ tôi, ngay khoảnh khắc mụ vú tát tôi tôi khẳng định chắc chắn. Nếu không phải chị Hạnh tự ngã thì mụ vú chính là người đẩy. Vú Quý nhìn tôi lắp bắp:
– Mợ… mợ đừng có ngậm máu phun người. Mợ đẩy mợ Hạnh rồi đổ cho tôi hòng thoát tội
Tôi lập tức đáp:
– Tôi cũng nói bà đẩy chị Hạnh rồi đổ cho tôi hòng thoát tội đấy.
– Nhưng mợ Hạnh khẳng định mợ đẩy.
– Vì mắt chị Hạnh ở đằng trước chứ không phải đằng sau nên chị ấy làm sao nhìn được ai đẩy? Còn trong nhà này, có con mắt nào thấy chính tay tôi đẩy chị Hạnh không? Nếu bà bảo bà nhìn thấy tôi cũng khẳng định tôi nhìn thấy bà đẩy chị Hạnh này.
Mụ vú á khẩu, đám người làm im lặng. Thích chơi bài lầy với bà bà cũng chơi lại, thầy Đăng bắt đầu hạ giọng nhưng vẫn nói:
– Mày có gì chứng minh mày vô tội không?
– Con không có gì để chứng minh, nhưng con chắc thầy cũng không có gì chứng minh con có tội đúng không? Mà chị Hạnh thì không thể nhìn được ai đẩy chị ấy, chị ấy chỉ dựa vào linh cảm chứ đâu có cái gì chứng minh.
Mụ vú lại lên tiếng nhìn tôi bóng gió:
– Nhà này không có camera nên mới là sơ hở cho mấy người làm việc xấu thoát tội đấy, giờ không có minh chứng gì nhưng người làm trời nhìn, mợ tự về mà suy ngẫm đi.
Tôi nghe xong liền bật cười:
– Vú nói đúng, hồi tôi mới về cứ thắc mắc mãi sao nhà giàu thế này biệt phủ lớn thế này mà lại không có camera. Đến hôm mười sáu vừa rồi, đúng lúc tám giờ tối tôi mới biết hoá ra không có camera là vì sợ mấy việc xấu bị phát hiện, dễ bề lén lút làm này làm kia đấy mà.
Nghe đến hôm mười sáu cả vú Quý và thầy Đăng chợt tái xanh mặt. Thầy Đăng lắp bắp không nói nên lời, có lẽ thầy không ngờ người đêm ấy chứng kiến cảnh loã lồ của thầy và vú Quý lại là tôi. Mẹ Hoa với Thành không hiểu tôi nói gì, sắc mặt hờ hững. Tôi sợ mẹ Hoa đau lòng nên nói nhỏ vào tai vú Quý:
– Nhưng mà giờ thời hiện đại, không lắp camera thì cũng có điện thoại thông minh, mấy chuyện xấu ấy chụp điện thoại còn nét hơn camera.
Khỏi phải nói, bà vú run run liếc ngang liếc dọc. Ngay từ ban đầu về tôi chưa bao giờ đụng chạm đến mụ vú. Dù tôi thấy mụ ta là người làm mà ăn chơi trác táng tôi vẫn nguỵ biện mụ ta tốt là được. Ngay cả khi tôi thấy mụ ta lên giường với thầy Đăng, dù tôi rất ghét kẻ thứ ba nhưng tôi cũng chưa lật tẩy. Nhưng giờ tôi dần dần nghiệm ra, đằng sau cái vẻ giả nhân giả nghĩa kia là cả một bầu trời độc địa. Thầy Đăng thì chau mày nhìn tôi. Lúc nãy lẽ ra tôi cũng định nếu không thanh minh được thì lấy chuyện này ra để thầy Đăng khỏi đánh chết tôi. Ai ngờ thầy Đăng là kiểu người chưa gì đã đụng tay đụng chân, chưa hỏi han gì đã đánh tôi, nếu không phải Thành với mẹ Hoa đỡ cho tôi giờ có khi tôi bị đánh đến lú lẫn không nhớ mà thanh minh. Vú Quý liếc thầy Đăng, thầy Đăng lại liếc mẹ Hoa rồi quay sang tôi nói:
– Thôi được rồi, đánh thế đủ răn đe rồi, cũng chưa có gì chứng minh mợ hai có tội, nhưng chỉ cần ông tìm được bằng chứng ông nhất định sẽ không tha. Nể tình thầy mợ hai với ông là bạn ông không truy cứu nữa.
Tôi nghe xong khoé môi hơi cong lên. Quào. Thầy sợ cái xấu của thầy phát hiện ra thầy lấy cha tôi ra để lấp liếm. Thầy nể tình cái con khỉ gì mà đánh tôi thành ra như vậy. Trước kia nghe người ta nói thầy Đăng là người hào phóng lắm, đối đãi với bạn bè tốt ai ngờ trong nhà lại là người gia trưởng. Cha tôi tuy không được khen là hào phóng nhưng đối với vợ con lại nhất mực yêu thương. Thế mới nhìn đàn ông đừng nhìn cách người đó đối xử với thiên hạ, hãy nhìn cách người đó đối xử với vợ con. Ngày hôm nay tôi chấm thầy Đăng 1 điểm, cha tôi 10 điểm, riêng Thành hôm hay tôi tặng hẳn anh điểm 11.
Thấy mọi việc cũng xong xuôi đám người làm tản ra. Mẹ Hoa ném con dao bịch xuống dưới cắm thẳng lên quả táo, Thành thì kéo tay tôi về nhà. Dưới ánh nắng chiều tà chiếc áo Thành mặc càng trở nên loang lổ. Khi về đến nhà tôi thấy cái Trúc đang đi đi lại lại, thấy tôi với Thành nó vội vã lao đến hỏi:
– Cậu mợ không sao chứ? Trời ơi em lo muốn rụng tim ra ngoài, em cứ sợ cậu về không kịp là mợ chết chắc rồi á, lúc đầu gọi cậu mãi không được em còn định bắt xe đi tìm ấy.
Tôi nhìn cái Trúc cầm điện thoại mới đoán ra nó là người gọi Thành về, tự dưng nhớ lại hôm mẹ Hoa đánh tôi vì sao Thành về nhanh thế giờ mới dần nghĩ có khi nào cái Trúc mỗi khi tôi có chuyện là nó báo cho Thành không? Thành nhìn cái Trúc đáp:
– Không sao, mày đi nấu cơm đi.
Tôi nhìn cái Trúc có phần cảm kích, chợt sực nhớ đến cái lọ trị sẹo của chị Hạnh liền hỏi:
– Lọ thuốc trị sẹo của mợ Hạnh trước còn không Trúc?
Cái Trúc hơi lúng túng đáp:
– Em dùng hết rồi.
– Dùng hết rồi á? Lọ to thế mà?
Thành thấy vậy quay sang tôi nói:
– Thôi nó dùng hết rồi thì thôi, muốn bôi sẹo bảo nó lên chỗ mẹ lấy thuốc bên nước ngoài về mà bôi.
Thật ra không phải tôi tiếc với cái Trúc, mà tiện tôi hỏi, cái lọ thuốc trị sẹo chị Hạnh cho to mà nó dùng nhanh tôi cũng thấy hơi lạ. Mà thấy Thành nói vậy tôi cũng đành thôi giục cái Trúc lên xin mẹ Hoa ít thuốc để tôi bôi cho Thành.
Lúc về cái Trúc mang mấy lọ thuốc liền, cả thuốc sát khuẩn lẫn thuốc bôi. Đợi cái Trúc đi xuống bếp tôi khẽ kéo Thành ngồi xuống ghế, lấy tay cởi áo sơ mi cho anh khẽ nói:
– Anh ngồi xuống đây tôi bôi thuốc cho.
Tôi bị thầy Đăng đánh có mấy cái còn đau tê tái, lúc cởi áo ra thấy lưng Thành đầy những vệt máu li ti. Tự dưng tôi thấy mũi mình cay cay. Tôi nhìn anh hỏi:
– Anh thừa đánh được lại anh Ninh anh Tài, sao lúc ấy anh không đánh rồi phản kháng lại thầy mà để thầy đánh cho như này?
Thành không nhìn tôi, anh đáp:
– Lúc đó tôi mà đánh nhau với anh Ninh anh Tài thì cái thời gian ấy thầy quất chết cô luôn rồi đấy.
– Thế nên anh chịu đau để bảo vệ tôi hả?
Thành không trả lời, tôi lại thấy ấm ức, vừa ấm ức vừa xót thương. Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy thương người chồng đầu ấp tay gối của mình nhiều như vậy. Tấm lưng anh to lớn, nhớ lại hồi nãy anh ôm trọn tôi và mẹ, một mình chịu đựng trận đòn roi của thầy tôi lại thấy mắt mình ngân ngấn nước. Tuy không khóc nhưng tôi đau lòng, tôi vừa chấm bông lên vai anh vừa hỏi:
– Đau không?
– Cô nghĩ có đau không? Hỏi thừa
– Anh cũng ngốc thật, biết đau mà còn đỡ cho tôi, sao phải đỡ cho tôi làm gì chứ?
Thành hơi ngước lên nhìn tôi, ánh mắt anh thâm trầm nhưng bình thản, trong ánh mắt ấy dường như chất chứa rất nhiều cảm xúc. Một lát sau anh khẽ đáp:
– Vì em là vợ tôi.
Tự dưng nghe đến đây tôi cảm thấy nghẹn ngào, không nói được câu nào. Thành thay đổi cả cách xưng hô, một từ em đầy ngọt ngào, tôi lại thấy trong tim nhói lên. Thành thấy tôi không nói thì giục:
– Làm nhanh lên rồi tôi bôi thuốc cho.
Thực ra tôi cũng bị đánh, nhưng không rỉ máu như Thành, chỉ có mấy vết hằn nhưng anh nói vậy tôi cũng không từ chối. Bôi thuốc xong cho Thành tôi cũng tự giác cởi áo để anh bôi, ngón tay thành mềm, ấm chạm lên mấy vết thương, ngay khoảnh khắc anh bôi thuốc cho tôi tôi cũng hiểu hoá ra vợ chồng không đơn thuần chung chăn gối, mà còn là sướng khổ hoạn nạn có nhau. Cuối cùng tôi cũng hiểu hai chữ kết hôn thiêng liêng thế nào!
Cả ngày hôm ấy, mẹ Hoa và thầy Đăng vào viện còn mụ vú đi đâu tôi không biết. Xảy ra chuyện thế này thầy Đăng cũng ngại với bên thông gia, mẹ Hoa sợ thầy Đăng nói linh tinh nên đi cùng thầy còn an ủi chị Hạnh. Bác sĩ nói sức khoẻ của chị Hạnh rất yếu nên phải nằm viện ít nhất một tuần, ở viện có anh Khang và mẹ chị Hạnh chăm sóc nên tôi cũng thấy yên tâm hơn. Nghĩ đến mẹ Hoa, tôi tin chắc mẹ Hoa là người tốt, người xấu chỉ có con mụ vú giả nhân giả nghĩa kia mà thôi. Chỉ có điều cứ nghĩ đến thái độ của mẹ Hoa với anh Khang, thái độ hờ hững của mẹ với cái tin chị Hạnh có thai tôi lại thấy là lạ. Nếu như con dâu có cháu, lẽ ra mẹ phải vui mới đúng chứ? Tôi cứ có cảm giác kì quái trong mối quan hệ giữa mẹ Hoa và anh Khang, cảm giác mẹ đối xử với anh hoàn toàn không giống như con ruột mình. Lần trước thì là mẹ ngăn cản không cho thầy Đăng chuyển cổ phần cho ai đó, mà trong nhà này chỉ duy nhất có anh Khang làm ở công ty, tôi càng cảm thấy có gì bất thường. Nhưng tôi không dám đoán linh tinh, càng chưa dám khẳng định gì, chỉ thấy việc hôm nay mẹ bảo vệ tôi, việc ở vườn hoa mẹ gạt phăng suy nghĩ của thầy khi cho rằng tôi là sao chổi, tôi dần dần thấy mông lung, không biết linh cảm của mình, phán đoán của mình là sai hay đúng. Còn cả chuyện mà mẹ đánh tôi vì trinh tiết, tôi càng nghĩ càng thấy uẩn khúc khó lý giải.
Ba giờ chiều Thành cũng vào thăm chị Hạnh, cả Duy cũng từ thành phố về nên hai anh em rủ nhau đi, tuy anh còn bị thương nhưng anh em trong nhà không có mặt thì cũng khó. Nghĩ đến chị Hạnh tôi lại nghĩ đến cả chiếc vòng tì hưu. Lẽ ra hôm nay tôi muốn lấy chút tóc của chị đi làm xét nghiệm ADN, tôi muốn khẳng định quan hệ của chị và tôi. Ngay lúc bác Quỳnh nhắc đến ba chữ Đồng Thái Minh tôi đã muốn tìm chị luôn. Chỉ đáng tiếc còn chưa kịp thì xảy ra chuyện không mong. Tôi không dám vào thăm chị Hạnh, tôi sợ chị còn kích động, tạm thời chị cũng sẽ không tin và không nghe ai nói gì cả thế nên tôi đành gác lại chuyện này sau.
Cái Trúc vẫn còn hí hoáy dưới bếp, tôi ở trên nhà không có gì xuống bếp trò chuyện với nó. Nó đang dọn dẹp, thấy tôi liền hỏi:
– Mợ sao mợ không ở trên ấy xuống đây làm gì? Mợ đói chưa em nấu cơm cho mợ? Cậu với cậu Duy với ông bà bảo về muộn nên tiện đâu ăn đó.
Trưa nay xảy ra chuyện nên ăn cơm muộn tôi không đói nên lắc đầu rồi hỏi cái Trúc:
– Trúc, ở nhà em thấy mẹ Hoa là người thế nào?
Cái Trúc nghe tôi nhắc đến mẹ Hoa hai mắt sáng rực đáp:
– Bà tốt lắm á mợ. Tuy bà hai mắng mỏ vậy thôi nhưng bà tốt bụng, mợ mới về không biết nên nếu bà có mắng mợ đừng để bụng làm gì. Nhà này bà là tốt nhất luôn đó mợ. Mợ biết không, hồi bé em bị bỏ rơi, bà nhặt em về nuôi chăm em từ tấm bé tới giờ. Em không có cha mẹ thân thích gì, bà với cậu Thành, cậu Duy là người tốt với em nhất, thương em nhất, hồi bé em bị ghẻ cậu Thành với cậu Duy còn lên rừng hái thuốc về cho em, còn có cô Hiền nữa… mà cô Hiền mất rồi.
Tôi nghe cái Trúc nói thì hỏi lại:
– Cô Hiền là ai?
– Là con út của ông bà, mà cô đoản mệnh, trước cậu Thành đi hái thuốc, cô đi theo mà cậu Thành không biết. Sau cô trượt chân ngã xuống vách núi mất, ông thì cho rằng đó là lỗi của cậu không trông cô cẩn thận nên cô mất, còn cậu Thành luôn dằn vặt cái chết của cô Hiền nên là cậu mới đâm ra cục cằn thô lỗ vậy.
Nghe đến đây lòng tôi bỗng chùng xuống, nghĩ lại chưa thấy cái Trúc nhắc đến Khang liền hỏi:
– Vậy còn anh cả Khang?
Nhắc đến anh Khang, cái Trúc hơi đỏ mặt lúng túng đáp:
– Cậu Khang cũng… cũng tốt.
Tôi thấy nó như vậy không hỏi nữa, đột nhiên lại nhìn thấy đống hoa bụp giấm trên chạn, đống hoa này của mụ vú cho tôi, hoa không bị cắt ra mà để nguyên cả búp phơi héo đi, tôi nhìn cái Trúc hỏi:
– Sao hoa này để lâu như vậy em vẫn chưa đem ra nấu?
Thật ra tôi hỏi vậy không phải để giục cái Trúc đem đi nấu. Giờ tôi biết bộ mặt thật của vú Quý nấu tôi cũng không uống. Cái Trúc nhìn tôi thật thà đáp:
– Mợ. Thật ra là em không nấu. Mợ chắc không biết cậu Thành tính rất cẩn thận, từ lúc em đi theo cậu cậu đã dặn những đồ người khác cho thì cất đi chứ không ăn. Lúc lấy mợ về cậu với bà lại gọi em lên nhà dặn em lại y như thế, thế nên hoa bụp giấm này em không muốn nấu, vả lại em cứ nhớ mang máng vú Quý hình như có uống hoa bụp giấm bao giờ đâu nên em… em chưa dám nấu.
Tôi hơi khựng lại bảo sao hôm chị Hạnh mang thuốc sang, nó nhất định phải đợi chị Hạnh uống rồi mới đi, bảo sao hoa bụp giấm để đây cả tháng rồi nó không hề nấu. Trong giây lát bỗng cầm lấy hoa bụp giấm ngửi ngửi. Bên ngoài không có gì bất thường, tôi lại xe lớp bên trong, vừa xé ra chợt thấy từng lớp bụi bay xuống, một mùi hương nhè nhẹ toả ra giống như mùi cây cỏ. Cái Trúc cũng kinh ngạc xé búp hoa bụp giấm khác, từng lớp bụi lại rơi xuống. Tôi nhìn nó khẽ hỏi:
– Em biết gần đây có chỗ nào có thầy bán thuốc đông y không?
Cái Trúc đáp:
– Thầy lang Cao ngay cuối làng thôi.
– Đưa mợ đi.
– Vâng, vậy em lấy xe máy chở mợ nhé.
Tôi gật đầu, trước khi đi tôi khoá chặt toàn bộ cửa, cầm chìa khoá rồi mới đi. Cái Trúc lái xe đưa tôi đến nhà thầy lang Cao, tôi đưa túi hoa bụp giấm cho thầy lang rồi hỏi mấy thứ chất bột trong ấy là gì. Thầy lang sau một hồi ngửi vội nói:
– Trời ơi, là bột hồng hoa trộn lẫn lưu huỳnh.
Tôi nghe xong điếng người, lưu huỳnh hại thế nào tôi học hoá biết cả rồi, còn bột hồng hoa thì tôi chưa rõ. Tôi hỏi thầy lang:
– Hồng hoa này có tác dụng gì vậy ạ?
– Hồng hoa bình thường nếu uống ít thôi thì tốt, nhưng uống nhiều là có hại, còn trộn lẫn với lưu huỳnh, ai có thai mà uống cái này thì chỉ có sẩy thai thôi, một cái đống hoa này mà uống vào thì có mà chết dần chết mòn.
Tôi nhìn cái Trúc, suýt chút nữa quỳ xuống cảm ơn nó, cái mạng này là nhờ sự cẩn thận của nó, hoá ra giờ tôi mới biết ở trong cái nhà này trước tiên là phải cẩn thận trước, xung quanh đầy cạm bẫy. Giờ tôi có thể khẳng định rồi, khẳng định con mụ vú đích thực là con ác quỷ dạ xoa, ác hơn cả thú, chơi bài nhét thuốc vào đây thì tôi chịu rồi.
Tôi và cái Trúc không về luôn mà đi vào chợ đến sẩm tối mới về. Lúc vừa về đến sân tôi thấy thầy Đăng, mẹ Hoa đang ngồi ở hiên. Tay tôi vẫn cầm túi hoa bụp giấm, mụ vú không biết từ đâu xuất hiện thấy túi hoa bụp giấm trên tay mặt mụ vú tự dưng tái xanh. Thế nhưng mụ ta rất nhanh giả lả nói:
– Mợ hai đi đâu về mà lén lén lút lút thế?
Tôi nhìn mụ ta cười nhạt đáp:
– Tôi đang đi công khai lén lút ở chỗ nào?
– Thì tối rồi mợ không ở nhà còn đi đâu? Tay mợ cầm cái gì kia?
– Cái gì? Hoa bụp giấm vú cho tôi chứ cái gì? Cái túi này vú cho quên rồi à?
Mụ vú nghe tôi nói chợt lu loa lên:
– Trời ơi mợ nói cái gì vậy? Tôi uống hoa này vào bị dị ứng nên có bao giờ có hoa bụp giấm đâu mà mợ bảo tôi cho mợ? Người nhà người ở nhiều người cũng biết tôi không bao giờ uống bụp giấm mà mợ nói gì hay vậy?
– Rõ ràng là của vú…
– Mợ hỏi ông, hỏi bà, hỏi bác Tuất, cái Cúc, thằng Ninh xem có đúng tôi dị ứng hoa bụp giấm không mà đổ vấy cho tôi?
Thầy Đăng trong hiên nói ra:
– Phải rồi, vú Quý dị ứng hoa bụp giấm lấy đâu ra mà cho, riết rồi chị toàn nói chuyện tầm bậy, chuyện hôm nay chị còn chưa suy ngẫm à mà còn đi đâu?
Mụ Vú không những xảo quyệt mà con thâm độc đến hãi hùng. Tôi từng ngây thơ cho rằng mụ ta có ý tốt cho tôi đống hoa này, không ngờ mụ ta tính cả rồi. Nhỡ không may bị phát hiện ra mụ ta cũng có đường lùi, nếu tôi càng cãi cố mụ ta càng dễ bề đổi trắng thay đen đưa tôi vào tròng. Thấy tôi câm bặt không thốt lên lời mụ ta lao đến túm lấy túi hoa gào lên:
– Hay đống hoa này có gì, hay mợ định dùng nó để hại người nên đổ cho tôi, sao mợ ác ôn thế hả mợ?
Tôi cũng không vừa lao đến cướp lại ôm chặt đáp lại:
– Vú bị điên à? Trả lại đây cho tôi.
Thầy Đăng đang ngồi trên sập cũng lao ra, mụ vú liền chỉ đống hoa trên tay tôi nói:
– Mợ đưa cho ông xem trong đống hoa này có gì hại người không mà mợ lén lút rồi còn đổ vạ đây là hoa của tôi.
Tôi ôm chặt hoa gằn giọng:
– Tôi không đưa? Vú dựa vào đâu mà nói tôi hại người? Vú dựa vào đâu bắt tôi đưa hoa? Tôi không đưa.
Mụ vú được thể càng nói lớn:
– Mợ sợ gì mà không đưa? Hay đống hoa ấy thật sự có vấn đề gì?
– Đây là thanh danh của tôi, vú không có quyền đổ oan cho tôi. Không ai có quyền cả, vú lấy gì mà bắt tôi đưa ra, vú là cái gì mà bắt tôi đưa ra?
– Tôi thấy mợ nếu trong sạch thì mợ cứ việc bỏ ra chứ sao phải giấu giếm.
– Tôi trong sạch hay không tôi tự biết. Vú tránh ra tôi còn về.
Mụ vú nhìn thầy Đăng đôi mắt long lanh tỏ vẻ đáng thương:
– Ông là chủ nhà này, ông đừng để mợ hại thêm người khác.
Tôi càng giữ chặt túi hoa gào lên:
– Vú im đi, vú liên tục vấy bẩn thanh dạ của tôi, nếu tôi không hại người, nếu hoa này không có vấn đề gì thì vú làm thế nào để rửa oan khuất cho tôi chứ? Tôi không hại ai.
Mụ vú liền đáp:
– Thì mợ cứ đưa hoa cho ông kiểm tra, nếu mợ trong sạch thì tôi quỳ ở từ đường bảy ngày sám hối với mợ, mợ thích xử sao thì xử.
– Nếu tôi trong sạch, nếu hoa này chả có gì vú có dám làm như lời vú nói không? Vú có dám để tôi xử không?
– Tôi dám chứ sao không, tôi nói được tôi làm được, mợ khỏi lo tôi nuốt lời, mợ đưa hoa cho ông đi.
Thầy Đăng nhìn tôi quát:
– Vú Quý dám nói như vậy sao chị lại không dám đưa hoa cho tôi kiểm tra? Mang lên đây? Hay chị sợ gì? Con Trúc, mày lấy lên đây cho ông.
Cái Trúc run rẩy lấy túi hoa từ tay tôi rồi đưa cho thầy Đăng, còn con mụ vú thì nhìn tôi khoé môi hơi nhếch lên đầy đắc ý.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!