Nghệ Thuật Bài Trí Của Người Nhật
Chương 3: Dọn Dẹp Bằng Cách Phân Loại
Dọn dẹp theo thứ tự
Tuân theo thứ tự đúng trong việc phân loại
Cánh cửa mở ra sau tiếng “cách”, và người phụ nữ bên trong nhìn ra có vẻ lo âu. “Xin chào”. Các khách hàng của tôi hầu như luôn có chút căng thẳng vào lần đầu tiên tôi tới thăm nhà họ. Sự căng thẳng này không còn bắt nguồn từ sự e dè nữa mà từ nhu cầu cố gắng đối mặt với một thử thách quan trọng.
“Cô có nghĩ là nhà tôi có thể thực sự dọn dẹp ngăn nắp được không? Ở đây thậm chí chẳng còn chỗ nào để cô đặt chân nữa.”
“Tôi không biết làm sao để có thể thực sự dọn dẹp triệt để chỉ trong một thời gian ngắn như thế.”
“Cô nói là không một khách hàng nào của cô từng phải chịu cảnh trở lại trạng thái cũ. Nhưng liệu tôi có phải là người đầu tiên không?”
Hầu hết họ đều hết sức kích động, nhưng tôi biết chắc rằng tất cả bọn họ sẽ ổn cả thôi. Ngay cả những người bản chất là lười nhác hoặc bừa bộn, thậm chí những người kế thừa sự nhếch nhác của nhiều thế hệ trước hoặc những người cực kì bận rộn, tất cả đều có thể học dọn dẹp đúng cách nếu họ sử dụng Phương pháp KonMari.
Hãy để tôi chia sẻ một bí mật. Hãy khiến việc dọn dẹp nhà cửa gọn gàng trở thành một thú vui! Quá trình xử lí những cảm xúc về đồ đạc mà bạn sở hữu, xác định những thứ nào đã hoàn thành mục đích của chúng, thể hiện thái độ của bạn và từ bỏ chúng thực sự là một quá trình để kiểm tra cái tôi nội tại trong bạn, một nghi lễ để chuyển sang một cuộc sống mới. Thước đo cho sự đánh giá chính là trực giác của bạn về sự hấp dẫn của vật sở hữu, và do đó không cần tới những lí thuyết phức tạp hoặc các số liệu. Tất cả những gì bạn cần làm là tuân theo thứ tự đúng. Vì vậy, hãy trang bị cho mình thật nhiều túi rác và sẵn sàng cho một quá trình lí thú.
Hãy bắt đầu với trang phục, sau đó tới sách vở, tài liệu, đồ tạp loại và cuối cùng là những thứ có giá trị về tinh thần. Nếu giảm bớt các vật sở hữu theo thứ tự này, công việc của bạn sẽ tiến triển hết sức dễ dàng. Bằng cách bắt đầu với những vật dụng dễ đánh giá và để những thứ khó đánh giá nhất sau cùng, bạn có thể dần dần cải thiện các kĩ năng ra quyết định của mình, vì thế đến khi kết thúc, mọi chuyện dường như trở nên đơn giản.
Đối với nhóm đầu tiên – trang phục, tôi khuyên bạn nên phân chia thành các nhóm nhỏ để công việc hiệu quả hơn:
– Phần trên (áo sơ mi, áo len dài tay, v.v.)
– Phần dưới (quần dài, váy, v.v.)
– Quần áo nên treo trên giá (áo khoác, áo măng tô, com lê, v.v.)
– Tất
– Đồ lót
– Túi xách, v.v.
– Đồ phụ trợ (khăn quàng, thắt lưng, mũ nón, v.v.)
– Quần áo cho dịp đặc biệt (đồ bơi, đồng phục, v.v.)
– Giày dép
Và, đúng vậy, tôi cũng coi túi xách và giày dép là trang phục.
Tại sao đây lại là thứ tự tối ưu? Thực sự tôi không biết chắc tại sao lại thế, nhưng dựa trên kinh nghiệm mà tôi có được sau nửa cuộc đời dành cho việc dọn dẹp, tôi có thể nói với bạn chắc chắn một điều là nó hiệu quả! Hãy tin tôi. Nếu bạn tuân theo thứ tự này, bạn sẽ đẩy nhanh được tiến độ và nhanh chóng đạt được những kết quả đáng kinh ngạc. Hơn nữa, vì bạn sẽ chỉ giữ lại những gì mà bạn thực sự yêu thích, cho nên năng lượng và niềm vui của bạn sẽ gia tăng. Cơ thể bạn có thể mệt mỏi, nhưng cảm giác tuyệt vời khi rũ bỏ được những thứ không cần thiết sẽ khiến bạn thấy khó mà dừng việc dọn dẹp được.
Tuy nhiên, điều quan trọng là quyết định nên giữ lại thứ gì. Thứ gì sẽ mang lại cho bạn niềm vui nếu bạn giữ chúng lại như một phần trong cuộc sống của mình? Hãy cầm chúng lên như thể bạn đang xem xét những món đồ mà bạn yêu mến trong gian trưng bày ở cửa hàng ưa thích của bạn. Ngay khi bạn đã nắm được những nguyên tắc cơ bản, hãy xếp tất cả các trang phục lại thành một đống, dùng tay lấy chúng ra từng chiếc một và tự thầm hỏi: “Thứ này có mang lại niềm vui?” Và như thế lễ hội dọn dẹp của bạn bắt đầu.
Bước đầu tiên là kiểm tra tất cả các tủ quần áo, tủ đồ và ngăn kéo trong nhà, tiếp đó gom tất cả các trang phục của bạn vào một chỗ. Đừng bỏ sót một chiếc tủ hay ngăn kéo nào. Hãy đảm bảo rằng bạn đã gom tới trang phục cuối cùng. Khi các khách hàng của tôi nghĩ là họ đã xong, tôi luôn hỏi họ câu hỏi này: “Bạn có chắc là không còn trang phục nào sót lại trong nhà đấy chứ?” Rồi tôi nói thêm: “Nếu có trang phục nào mà sau này bạn tìm thấy. Thì chúng sẽ tự động nằm vào đống đồ bỏ đi.” Tôi cho họ biết là tôi nói hoàn toàn nghiêm túc. Tôi không có ý định cho họ giữ lại bất cứ thứ gì được tìm thấy sau khi việc phân loại đã hoàn thành. Câu trả lời của họ luôn là: “Ồ, chờ đã nhé. Tôi nghĩ có thể còn thứ gì đó trong tủ quần áo của chồng tôi”, hoặc “À! Có lẽ tôi còn treo thứ gì đó ở hành lang”, tiếp sau đó là lần sục sạo cuối cùng trong nhà và một vài thứ nữa lại được thêm vào đống trang phục.
Nguyên lí cơ bản này nghe hơi giống với hệ thống rút tiền tự động ra khỏi tài khoản để thanh toán hóa đơn tại ngân hàng, nhưng khi các khách hàng của tôi biết có một thời hạn cụ thể, họ sẽ lục tìm trí nhớ một lần nữa bởi họ không muốn mất trang phục nào đó mà chưa có cơ hội để quyết định xử lí thế nào với chúng. Tôi hiếm khi phải thật sự thực hiện đe dọa của mình, nếu ai đó không nhớ được một thứ gì vào thời điểm này thì chứng tỏ nó không đem lại niềm vui, và do đó tôi sẽ không khoan nhượng. Ngoại lệ duy nhất là những trang phục đang ở nơi giặt ủi.
Khi tất cả trang phục đã được gom lại, thì riêng đống trang phục thân trên đã luôn cao tới tận gối rồi. Thuật ngữ “trang phục thân trên” bao gồm quần áo dùng theo mùa từ áo phông, coóc-xê cho tới áo len dệt kim. Số lượng trung bình cho đống trang phục đầu tiên này là vào khoảng 160 chiếc. Đương đầu với chướng ngại đầu tiên này trong quá trình dọn dẹp, phần lớn mọi người đều bị choáng ngợp trước số lượng lớn quần áo mà họ sở hữu. Vào lúc này, tôi thường nói: “Hãy bắt đầu với những trang phục đã qua mùa sử dụng.” Tôi có lí do chính đáng để lựa chọn trang phục đã qua mùa sử dụng cho lần thử sức đầu tiên của họ trong “lễ hội dọn dẹp” này. Đó là nhóm dễ phân loại nhất để đánh thức trực giác về cảm nhận của họ.
Nếu bắt đầu với quần áo vẫn đang sử dụng, các khách hàng của tôi có thể sẽ nghĩ: “Nó không gợi niềm vui nhưng tôi chỉ vừa mới mặc nó ngày hôm qua”, hoặc “Nếu tôi không còn bộ quần áo nào để mặc, vậy thì tôi biết phải làm sao?” Điều này khiến họ thấy càng khó đưa ra một quyết định khách quan. Bởi quần áo đã qua mùa sử dụng không cần dùng đến ngay lập tức cho nên sẽ dễ dàng hơn nhiều trong việc áp dụng các tiêu chuẩn đơn giản để đánh giá xem chúng có mang lại cho bạn niềm vui hay không. Tôi gợi ý bạn nên đặt câu hỏi này khi phân loại quần áo đã qua mùa sử dụng: “Tôi có còn muốn trông thấy trang phục này vào mùa tới hay không?” Hoặc, nói lại lần nữa: “Tôi có muốn mặc lại nó ngay khi nhiệt độ đột nhiên thay đổi hay không?”
“Tôi có muốn thấy nó nữa không? Ờ, không hẳn…” Nếu đó chính điều bạn cảm thấy thì hãy quẳng nó đi. Và nếu bạn đã mặc nó quá nhiều trong mùa trước, đừng quên bày tỏ sự cảm kích của bạn. Có thể bạn lo sợ rằng mình sẽ không còn quần áo mặc nếu sử dụng tiêu chuẩn đánh giá này. Đừng lo lắng. Có thể bạn đã bỏ đi rất nhiều trang phục, nhưng miễn là bạn đang chọn giữ lại những chiếc quần áo khiến bạn hài lòng, thì bạn sẽ có đủ số lượng mà bạn cần.
Ngay khi bạn đã thành thạo kĩ năng lựa chọn thứ mà mình yêu thích, bạn có thể chuyển sang xử lí các nhóm nhỏ thuộc nhóm trang phục đúng mùa. Những điểm quan trọng nhất cần ghi nhớ: hãy đảm bảo là bạn đã gom hết mọi trang phục trong nhà và xem xét từng chiếc một.
Việc vứt bỏ thứ gì đó khi nó vẫn hoàn toàn có thể sử dụng được dường như là một sự lãng phí, đặc biệt nếu như chính bạn là người đã mua nó. Trong những trường hợp như thế, các khách hàng của tôi thường hỏi tôi là họ có thể giữ lại những trang phục mà họ sẽ không bao giờ mặc khi đi ra ngoài nữa và sử dụng chúng như quần áo mặc trong nhà được không. Nếu tôi nói “được” thì chồng quần áo mặc trong nhà sẽ không ngừng lớn lên mà không làm giảm bớt chút nào tổng số quần áo của họ.
Nói như vậy là vì tôi phải thừa nhận rằng chính tôi từng có lúc làm điều tương tự với những chiếc quần áo mà tôi biết là mình sẽ không bao giờ mặc chúng khi đi ra ngoài nữa. Áo len đan đã sờn, áo choàng và váy cũ không còn phù hợp hoặc là tôi không bao giờ mặc chúng nữa – trước đây tôi cũng thói quen giáng cấp những dạng quần áo như vậy thành “đồ mặc ở nhà” thay vì bỏ chúng đi. Thế nhưng mười lần thì có đến chín lần tôi không bao giờ mặc lại chúng nữa.
Tôi sớm phát hiện ra rằng nhiều khách hàng của mình cũng có những bộ sưu tập “quần áo mặc ở nhà” nằm im trong tủ. Khi hỏi tại sao lại không mặc chúng, câu trả lời là: “Tôi không thấy thoải mái khi mặc chúng”, hoặc “Có vẻ phí phạm nếu mặc nó ở nhà trong khi nó là đồ để mặc khi đi ra ngoài”, hoặc “Tôi không thích nó”, v.v.. Nói cách khác, rốt cuộc thì những thứ quần áo vô dụng này không thực sự là đồ mặc trong nhà. Giáng cấp thành đồ mặc trong nhà chỉ là sự trì hoãn đối với việc phải loại bỏ những quần áo không mang lại niềm vui. Có những cửa hiệu chuyên bán đồ mặc trong nhà, và mẫu mã, chất liệu cũng như đường may đều nhằm đáp ứng cho sự thoải mái. Tất nhiên, đồ mặc trong nhà là một loại hoàn toàn khác so với loại quần áo chúng ta mặc ra đường. Những chiếc áo phông chất vải cotton chắc chắn là loại trang phục phổ biến nhất được tái sử dụng trong nhóm đồ mặc ở nhà.
Đối với tôi, có vẻ không đúng nếu như chúng ta giữ lại ở trong nhà những trang phục không còn khiến mình thoải mái nữa. Khoảng thời gian ở nhà luôn là một phần quý giá của cuộc sống. Giá trị đó không nên thay đổi chỉ bởi không ai thấy chúng ta đang làm gì. Do đó, bắt đầu từ ngày hôm nay, hãy từ bỏ thói quen giáng cấp trang phục không còn thích nữa thành đồ mặc ở nhà. Sự lãng phí thực sự không phải là ở chỗ từ bỏ những trang phục ta không thích, mà là mặc chúng cho dù ta đang cố gắng tạo ra một không gian cho lối sống lí tưởng của mình. Chính vì không ai ở đó để có thể thấy bạn làm gì nên bạn càng cần phải có ý thức hơn về việc củng cố hình ảnh bản thân bằng cách mặc những trang phục mà mình yêu thích.
Điều tương tự cũng đúng với những bộ pyjama. Nếu bạn là phụ nữ, hãy mặc thứ gì đó nữ tính hoặc thanh lịch như quần áo ngủ. Điều tệ nhất mà bạn có thể làm đó là mặc một bộ đồ thể thao nhếch nhác. Thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp những người ăn mặc như vậy vào bất kì lúc nào, kể cả khi thức dậy hay vẫn còn đang ngủ. Nếu đồ thể thao là trang phục hàng ngày của bạn thì cuối cùng trông bạn như thể lệ thuộc vào chúng, chứ không hề hấp dẫn chút nào. Thứ bạn mặc trong nhà sẽ tác động đến hình ảnh bản thân của bạn.
Sau khi kết thúc quá trình lựa chọn, các khách hàng của tôi luôn giữ lại chỉ khoảng 1/3 hoặc 1/4 số lượng quần áo ban đầu. Khi quần áo mà họ muốn giữ lại vẫn chồng thành đống giữa sàn nhà, đã đến lúc thu dọn chúng. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu bước tiếp theo, hãy để tôi kể các bạn nghe một câu chuyện.
Tôi từng có một khách hàng gặp phải vấn đề mà ngay cả tôi cũng không hiểu nổi. Tuổi khoảng ngũ tuần và ở nhà nội trợ, bà ấy nói với tôi trong suốt cuộc phỏng vấn ban đầu rằng tủ quần áo trong nhà của bà không đủ để cất giữ hết tất cả số quần áo. Tuy nhiên, rõ ràng là bà ấy có riêng hai tủ quần áo, hơn nữa chúng còn lớn gấp rưỡi tủ bình thường và thêm một chiếc khung treo với ba giá treo chật quần áo.
Quá kinh ngạc, tôi ước lượng sơ bộ là bà ấy phải có đến hơn 2.000 chiếc quần áo trong tủ. Và chỉ khi tới thăm nhà bà ấy, tôi mới hiểu. Tôi không thể tin vào mắt mình khi mở chiếc tủ tường đựng quần áo. Nó giống như thể đống mắc áo ken dày ở nhà của thợ giặt. Những chiếc mắc treo khít nhau không chỉ có áo choàng và váy mà còn cả áo phông, áo len, túi, thậm chí là cả đồ lót.
Khách hàng của tôi lập tức giải thích cụ thể về bộ sưu tập mắc treo quần áo của mình. “Loại mắc áo này được thiết kế dành riêng cho hàng dệt kim giúp quần áo không bị tuột ra. Và chúng được làm thủ công. Tôi mua chúng ở Đức đấy.” Sau 5 phút giải thích, bà ấy nhìn tôi, cười vui vẻ và nói: “Quần áo sẽ không bị nhàu nếu được treo lên. Và như thế chúng cũng sẽ bền hơn, phải không?” Tiếp tục hỏi chuyện, tôi còn phát hiện ra là bà ấy không gấp bất cứ thứ quần áo nào.
Có hai phương pháp cất giữ quần áo: thứ nhất mắc chúng vào mắc áo rồi treo lên giá và thứ hai là gấp chúng lại rồi cất trong ngăn kéo. Tôi có thể hiểu lí do tại sao người ta có thể bị hấp dẫn với việc treo quần áo. Dường như việc này mất ít công sức hơn. Tuy nhiên, tôi hết sức khuyến nghị rằng bạn nên gấp quần áo nhiều hơn. Nhưng việc gấp quần áo và cất chúng vào ngăn kéo sẽ mất công sức. Lồng chúng vào mắc áo rồi treo vào tủ sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nếu đó là điều bạn đang nghĩ, thì chứng tỏ bạn chưa biết đến tác dụng thực sự của việc gấp quần áo.
Xét ở khía cạnh tiết kiệm không gian, treo quần áo không thể so sánh với gấp quần áo được. Mặc dù còn tùy thuộc vào độ dày của quần áo, nhưng bạn có thể cất được từ 20 cho tới 40 chiếc quần áo được gấp trong cùng một không gian cần có để treo 10 chiếc quần áo. Khách hàng mà tôi đã nói ở trên chỉ có nhiều quần áo hơn mức trung bình một chút thôi. Nếu gấp quần áo, bà ấy có lẽ đã không gặp phải vấn đề về không gian cất giữ. Bằng cách gấp quần áo thôi, bạn có thể giải quyết được hầu hết mọi vấn đề liên quan tới việc cất giữ.
Thế nhưng đó không phải là tác dụng duy nhất của việc gấp quần áo. Lợi ích thực sự ở chỗ bạn phải xử lí bằng tay với từng chiếc quần áo một. Khi bạn đưa tay mình lên bề mặt vải, bạn đã truyền năng lượng của mình vào nó. Trong tiếng Nhật, từ “chữa lành” là “te-ate”, nghĩa đen là “chạm tay vào”. Thuật ngữ này bắt nguồn từ sự phát triển của y học hiện đại khi người ta tin rằng việc đặt tay lên vết thương sẽ thúc đẩy việc chữa lành. Chúng ta biết rằng sự tiếp xúc dịu dàng của cha mẹ, chẳng hạn việc cầm tay, xoa đầu và ôm ấp đứa trẻ, có tác dụng làm trẻ nhỏ cảm thấy an bình. Tương tự, một thông điệp êm ái và rõ ràng bằng bàn tay con người cũng làm cho các cơ khớp giãn ra hơn nhiều so với sự đấm bóp liên hồi của một cái máy. Năng lượng truyền từ tay người khác qua da thịt của chúng ta dường như có tác dụng chữa trị cả thể chất lẫn tâm hồn.
Điều tương tự cũng đúng đối với quần áo. Khi cầm quần áo trong tay và gấp chúng gọn gàng, thì chúng ta, đang truyền năng lượng, điều này có tác dụng tích cực tới quần áo của chúng ta. Gấp đúng cách sẽ khiến vải căng ra và loại bỏ nếp nhăn, giúp chất liệu vải bền chặt và dẻo dai hơn. Quần áo được gấp gọn gàng có sức đàn hồi và tươi mới mà người ta có thể nhận thấy ngay lập tức, khác hẳn so với những thứ quần áo bị lèn bừa bãi trong ngăn kéo. Việc gấp không phải chỉ là khiến quần áo được xếp vừa chặt trong ngăn kéo. Nó là một hành động chăm sóc, một biểu hiện của tình yêu và sự cảm kích vì quần áo đã giúp bạn tạo ra phong cách sống cho mình. Do đó, khi gấp quần áo, chúng ta cần đặt con tim mình vào từng hành động, cảm ơn quần áo vì chúng đã che chở cho cơ thể của chúng ta.
Ngoài ra, gấp quần áo sau khi chúng được giặt và phơi khô là dịp để chúng ta thực sự chú ý tới mọi chi tiết của chúng. Ví dụ, chúng ta có thể phát hiện ra những chỗ vải bị sờn hoặc nhận thấy một chiếc quần hay áo nào đó đang trở nên cũ mòn. Việc gấp thực sự là một hình thức đối thoại với tủ quần áo của chúng ta. Trang phục truyền thống của Nhật – kimono và yukata – luôn được gấp thành hình chữ nhật để có thể vừa khít trong những chiếc ngăn kéo được thiết kế riêng cho từng cỡ. Tôi không nghĩ là có bất kì nền văn hóa nào khác trên thế giới này mà những vật dụng dùng để cất giữ và trang phục lại vừa khít với nhau đến thế. Người Nhật nhanh chóng hiểu được cảm giác thư thái có được từ việc gấp quần áo, cứ như thể họ đã được lập trình từ trong gen di truyền để thực hiện công việc này vậy.
Quần áo giặt xong thì cần được cất đi, nhưng đây là lúc nhiều người gặp vướng mắc nhất. Gấp quần áo dường như là việc tốn công sức, đặc biệt khi quần áo thể nào cũng được họ mặc lại ngay sau đó. Nhiều người không muốn bị phiền phức nên chẳng bao lâu sau họ có cả một đống quần áo trên sàn nhà. Họ sa vào một thói quen hàng ngày đó là lấy thứ gì đó ra khỏi đống quần áo dưới sàn để mặc trong khi đống quần áo ấy cứ ngày một lớn thêm, cuối cùng tràn ra chiếm lấy không gian còn lại trong phòng.
Nếu đây là tình trạng của bạn thì cũng đừng lo lắng. Không một khách hàng nào của tôi biết gấp quần áo đúng cách trước khi tham dự các lớp học của tôi. Trên thực tế, chỉ có rất ít người tuyên bố rằng phương châm của họ là không bao giờ gấp quần áo. Tôi từng mở những chiếc tủ lèn chặt quần áo như thể chúng vừa được đóng gói hút chân không và tôi cũng từng chứng kiến những chiếc ngăn kéo chứa đầy quần áo bị cuộn xoắn lại như sợi mì. Bạn sẽ nghĩ rằng các khách hàng của tôi chưa bao giờ biết đến từ “gấp” trong đời. Nhưng khi kết thúc khóa học của tôi, tất cả họ, không trừ một ai, đều nói với tôi là “gấp quần áo thật vui!”
Một trong các khách hàng của tôi, một cô gái tuổi độ đôi mươi, ghét việc gấp quần áo đến mức mẹ cô phải làm thay việc này cho cô. Tuy nhiên, sau khóa học của tôi, cô ấy trở nên yêu thích việc gấp quần áo và thậm chí còn dạy lại cho mẹ về cách gấp sao cho đúng. Ngay khi làm chủ được kĩ năng này, bạn sẽ thực sự thích làm công việc này hàng ngày và sẽ thấy nó là một kĩ năng có ích đối với phần còn lại của cuộc đời. Trên thực tế, đi hết đời người mà không biết cách gấp quần áo là một thiệt thòi to lớn.
Bước đầu tiên là bạn hãy hình dung bên trong ngăn kéo sẽ trông như thế nào sau khi bạn hoàn thành việc gấp quần áo. Mục đích là sắp xếp quần áo sao cho chỉ cần liếc qua là bạn có thể thấy mọi thứ, giống như bạn có thể thấy gáy của cách cuốn sách trên giá vậy. Điều quan trọng trong việc cất giữ đồ vật đó là dựng thẳng chúng lên thay vì để chúng nằm bẹt ra. Vài người bắt chước các trưng bày trong cửa hàng, gấp từng chiếc quần áo thành một khối vuông rồi xếp chiếc nọ chồng lên trên chiếc kia. Đây là cách thức tuyệt vời để bày bán tạm thời trong các cửa hàng, nhưng không phải là điều mà chúng ta hướng tới để làm tại nhà, bởi vì khi ở nhà mối quan hệ của chúng ta với quần áo là trong suốt một thời gian dài.
Để cất giữ bằng cách dựng thẳng quần áo, thì chúng cần phải được tạo thành hình khối chắc chắn, có nghĩa là phải gấp nhiều hơn. Vài người tin rằng càng gấp nhiều thì quần áo càng dễ nhàu, nhưng điều đó không đúng. Số lần gấp một chiếc quần hay một chiếc áo không đồng nghĩa với số lực ép gây ra tình trạng nhàu. Thậm chí những chiếc quần áo được gấp nhẹ nhàng vẫn sẽ bị nhàu nếu chúng bị cất thành một đống bởi vì sức nặng của những chiếc quần áo khác dồn ép lên chúng. Hãy nghĩ về sự khác biệt giữa việc gấp một mảnh giấy so với việc gấp 100 mảnh giấy trong một lần. Khó có thể tạo ra nếp nhăn khi gập cả đống giấy chỉ một lần.
Ngay khi hình dung ra bên trong các ngăn kéo đựng sẽ như thế nào, bạn có thể bắt tay vào việc gấp quần áo. Mục đích là gấp từng chiếc quần áo một thành hình chữ nhật đơn giản, mềm mại. Trước tiên cầm chiều dài của quần áo gập vào chính giữa, sau đó gấp phần ống lại thành hình chữ nhật. Tiếp đó, cầm một đầu của hình chữ nhật và gập nó lại với đầu kia. Sau đó gập tiếp làm đôi hoặc làm ba. Số lần gập nên được điều chỉnh sao cho quần áo được gập khi dựng lên vừa bằng với chiều cao của ngăn kéo. Đó chính là nguyên tắc cơ bản. Nếu bạn thấy kết quả cuối cùng đã đúng về hình dạng nhưng quá lỏng và mềm để có thể dựng lên, đó là dấu hiệu cho thấy cách gấp của bạn không phù hợp với loại quần áo đó. Mỗi chiếc quần hay áo đều có đặc tính thỏa mãn riêng biệt – đó chính là cách gấp phù hợp nhất với nó. Cách gấp thay đổi tùy thuộc vào loại chất liệu và kích cỡ của quần áo, và do đó bạn sẽ cần điều chỉnh cách gấp của mình cho đến khi thấy nó phù hợp. Điều này không khó. Bằng cách điều chỉnh chiều cao khi gấp sao cho nó có thể dựng thẳng lên được, bạn sẽ dễ dàng đáp ứng được đặc tính thỏa mãn của quần áo.
Việc gấp thậm chí còn suôn sẻ hơn nếu bạn gấp chặt tay những thứ chất liệu mỏng và mềm, khiến nó thành hình chữ nhật cao và hẹp, và phức tạp hơn đối với những chất liệu dày bằng lông. Trong trường hợp một đầu của trang phục lại dày hơn đầu còn lại, thì khi gấp bạn nên nắm giữ đầu mỏng hơn. Không có cách nào phù hợp hơn là tìm ra đặc tính thỏa mãn của thứ quần áo đó. Mỗi trang phục sẽ giữ được hình dạng của nó khi dựng lên và cảm thấy thoải mái khi được cầm trong tay bạn. Nó giống như một sự khám phá bất ngờ – hóa ra bạn muốn được gấp lại theo cách này! – một giây phút đặc biệt khi tâm trí của bạn và trang phục đó được kết nối. Tôi thích nhìn ngắm gương mặt các khách hàng của tôi rạng ngời lên vào giây phút đó.
Cảm giác thật tuyệt vời khi mở tủ quần áo và thấy những trang phục mà mình yêu thích được sắp xếp gọn gàng. Thế nhưng những chiếc tủ của các khách hàng của tôi lại thường lộn xộn đến mức phải dũng cảm lắm để mở chúng ra và, ngay khi mở ra, thật khó có thể tìm được bất kì thứ gì trong đó.
Có thể có hai nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên đơn giản chỉ là tủ quần áo đã quá đầy. Một trong các khách hàng của tôi đã lèn quần áo vào tủ nhiều đến mức phải mất ba phút cô ấy mới có thể lấy ra được một chiếc quần áo bất kì. Các mắc áo treo dày và khít vào nhau tới mức sau nhiều lần vừa co kéo vừa càu nhàu thì cuối cùng cô ấy cũng lôi bật được chiếc áo đó ra, cứ như thể bánh mì bật ra khỏi lò nướng bánh bằng điện vậy. Tôi có thể nhận ra lí do tại sao cô ấy không còn dùng đến chiếc tủ quần áo đó suốt nhiều năm. Đây là một ví dụ tiêu biểu, nhưng sự thực là hầu hết mọi người đều cất giữ quần áo quá mức cần thiết trong tủ của họ. Đây cũng là lí do khiến tôi khuyên các bạn nên gấp bất cứ thứ quần áo nào nếu có thể. Tất nhiên, có vài loại trang phục nên treo lên mắc áo thì tốt hơn. Những trang phục đó bao gồm áo choàng, áo khoác, com lê, váy ngắn và váy dài. Tiêu chuẩn của tôi là: hãy treo bất cứ thứ quần áo nào mà trông chúng sẽ hạnh phúc hơn khi chúng được treo, chẳng hạn những quần áo làm bằng chất liệu mềm sẽ phất phơ trong gió hoặc quần áo được thiết kế cầu kì, tránh cho chúng không bị gập lại.
Một nguyên nhân nữa khiến tủ quần áo lộn xộn đó là thiếu kiến thức. Nhiều người đơn giản chỉ là không biết cách sắp xếp quần áo treo trên mắc. Nguyên tắc cơ bản nhất là hãy treo những quần áo cùng loại cạnh nhau, tạo khoảng cách giữa loại áo choàng, loại com lê, v.v.. Quần áo, cũng như con người vậy, có thể thư giãn dễ chịu hơn khi được trong cùng một nhóm những thứ tương tự nhau và do đó việc sắp xếp quần áo bằng cách phân loại có thể giúp chúng dễ chịu và cảm thấy an toàn hơn. Bạn hoàn toàn có thể biến đổi tủ quần áo của mình chỉ bằng cách áp dụng nguyên tắc này.
Tất nhiên, nhiều người sẽ khăng khăng rằng dù họ đã sắp xếp quần áo theo chủng loại thì chẳng bao lâu sau tủ quần áo vẫn cứ lộn xộn như cũ. Vậy nên hãy để tôi giới thiệu cho bạn một bí quyết để duy trì sự gọn gàng cho tủ quần áo mà bạn đã mất nhiều công sức để sắp xếp. Hãy sắp xếp quần áo “hướng lên phía bên phải”. Bạn hãy dành thời gian vẽ một mũi tên hướng lên phía bên phải, sau đó nối tiếp một mũi tên nữa hướng lên phía bên phải. Bạn có thể vẽ lên giấy hoặc chỉ lần theo hướng chúng chỉ trong không trung. Bạn có nhận thấy khi vẽ một mũi tên hướng lên phía bên phải, bạn có cảm giác nhẹ nhàng hơn không? Những đường kẻ hướng lên phía bên phải sẽ khiến người ta cảm thấy thoải mái. Bằng cách sử dụng nguyên tắc này khi sắp xếp tủ quần áo của mình, bạn có thể khiến quần áo trong tủ nhìn thú vị hơn.
Để làm vậy, hãy treo những trang phục nặng ở bên trái và những trang phục nhẹ ở bên phải. Trang phục nặng bao gồm quần áo dài, quần áo may bằng chất liệu nặng và quần áo tối màu. Khi bạn dịch chuyển hướng sang phía bên phải của không gian treo đồ, độ dài của trang phục trở nên ngắn đi, chất liệu may nhẹ hơn và màu sắc trở nên sáng hơn. Khi xếp theo loại, áo choàng sẽ ở xa phía bên trái, sau đó là áo, áo vét, quần dài, váy và áo khoác. Đây là trật tự cơ bản, nhưng tùy thuộc vào những xu hướng trang phục trong tủ quần áo của bạn, những thứ được coi là “nặng” trong mỗi chủng loại sẽ khác nhau. Hãy cố gắng tạo ra sự cân bằng sao cho quần áo dốc lên phía bên phải. Ngoài ra, hãy sắp xếp quần áo trong từng chủng loại từ nặng tới nhẹ. Khi bạn đứng trước một tủ quần áo được sắp xếp sao cho trang phục hướng lên phía bên phải, bạn sẽ cảm thấy tim đập nhanh hơn và các tế bào trong cơ thể reo lên đầy năng lượng. Thứ năng lượng này cũng sẽ được truyền sang quần áo của bạn. Sau đó khi khép tủ lại, bạn cũng sẽ thấy căn phòng của mình tươi mới hơn. Ngay khi trải nghiệm được điều này, bạn sẽ không bao giờ đánh mất thói quen sắp xếp quần áo theo chủng loại nữa.
Vài người có thể thắc mắc rằng liệu việc chú ý tới những chi tiết như vậy có thể tạo ra được sự thay đổi đến mức đó hay không, nhưng tại sao bạn lại lãng phí thời gian để nghi ngờ nếu như việc tích hợp sự kì diệu thú vị này vào tất cả các không gian cất giữ có thể giúp bạn giữ gìn phòng ốc của mình gọn gàng? Bạn chỉ cần mất 10 phút để sắp xếp lại tủ quần áo bằng cách phân loại, vì thế hãy tin tôi và thử xem sao. Nhưng đừng quên rằng bạn phải giảm bớt số quần áo trong tủ tới mức chỉ còn những trang phục mà bạn thực sự yêu thích.
Bạn đã bao giờ trải qua chuyện nghĩ rằng mình đang làm một điều tốt nhưng sau đó lại nhận ra là việc đó làm tổn thương người khác hay chưa? Khi đó bạn hoàn toàn thờ ơ, không biết về cảm xúc của người khác. Điều này cũng tương tự với cách mà nhiều người trong chúng ta đối xử với những chiếc bít tất của mình.
Tôi đã tới thăm nhà một khách hàng nữ tuổi ngũ tuần. Như mọi khi, chúng tôi bắt đầu trước tiên với quần áo của bà ấy. Chúng tôi dọn dẹp tủ quần áo một cách êm thấm, xử lí xong số đồ lót và sẵn sàng bắt tay vào sắp xếp lại bít tất. Nhưng khi bà ấy kéo ngăn kéo đựng bít tất ra, tôi đã choáng váng. Nó đầy ứ bít tất bị cuộn lại như những củ khoai tây vậy. Bà ấy đã lộn tất ngắn lại để làm thành những cục tròn và buộc chặt tất dài ở chính giữa. Tôi không nói lên lời. Mặc chiếc tạp dề trắng diêm dúa, bà ấy mỉm cười với tôi và nói: “Bằng cách này tôi sẽ dễ dàng lấy ra thứ mình cần, và cũng khá đơn giản nếu muốn bỏ chúng đi, có phải không?” Mặc dù thường gặp phải thái độ này ở khách hàng, nhưng chưa bao giờ tôi thấy hết kinh ngạc. Đừng bao giờ buộc tất cũng như đồ nịt lại với nhau. Đừng bao giờ lộn bít tất thành từng cục.
Tôi chỉ những cục bít tất. “Hãy nhìn kĩ chúng. Đây là lúc nên để chúng nghỉ ngơi. Bạn có thực sự nghĩ là chúng có thể nghỉ ngơi trong tình trạng đó được không?”
Về cơ bản, vào ngày nghỉ, tất ngắn và tất dài sẽ được cất trong ngăn kéo. Chúng phải chịu đựng sự va đập hung bạo trong cả ngày làm việc, mắc kẹt giữa bàn chân và giày của bạn, chịu đựng áp lực và sự chà xát để bảo vệ đôi chân quý giá của bạn. Khi ở trong ngăn kéo chính là dịp duy nhất để chúng nghỉ ngơi. Nhưng nếu bị cuộn lại hoặc buộc chặt, chúng sẽ luôn trong trạng thái căng thẳng, thớ sợi và dây chun của chúng bị kéo căng. Chúng lăn qua và va vào chiếc tất khác mỗi lần ngăn kéo mở ra và đóng lại. Bất kì chiếc tất không may nào bị dồn vào cuối ngăn kéo thường sẽ bị lãng quên lâu tới mức dây chun của chúng sẽ bị kéo dãn tới mức không thể đàn hồi được nữa. Khi chủ nhân cuối cùng phát hiện và lấy chúng ra thì đã quá muộn và chỉ còn nước bỏ chúng vào thùng rác. Liệu có cách đối xử nào tồi tệ hơn như thế được không?
Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách gập tất dài của bạn. Nếu bạn đang buộc chúng lại, hãy bắt đầu bằng cách gỡ chúng ra! Hãy đặt phần mũi của chiếc tất này lên trên phần mũi của chiếc tất kia và gập lại ở chính giữa chiều dài của chúng. Sau đó gập chúng lại làm ba, đảm bảo rằng phần mũi tất nằm bên trong chứ không phải bên ngoài, và phần cạp tất nhô ra một chút ở phía trên. Cuối cùng, cuộn tất lại về phía phần cạp tất. Khi hoàn thành, nếu phần cạp nằm ở bên ngoài thì tức là bạn đã làm đúng. Hãy gập tất dài trên đầu gối theo cách tương tự. Với những chất liệu dày hơn, chẳng hạn tất mùa đông, sẽ dễ dàng hơn để cuộn lại nếu bạn gập chúng làm đôi thay vì gập làm ba. Mấu chốt là tất nên được cuộn chắc lại như thể bạn cuộn sushi vậy.
Khi bạn cất tất dài vào ngăn kéo, hãy sắp xếp chúng sát cạnh nhau để có thể thấy các cuộn tất dễ dàng. Nếu bạn cất chúng trong những ngăn kéo nhựa, tôi khuyên bạn trước tiên nên đặt chúng vào một chiếc hộp bằng bìa cứng, để chúng không bị tuột và bung ra, sau đó mới đặt chiếc hộp vào trong ngăn kéo. Một chiếc hộp đựng giày có kích cỡ hoàn hảo để làm ngăn chứa tất dài. Phương pháp này là một giải pháp lưỡng tiện. Nó cho phép bạn chỉ liếc qua là biết mình có bao nhiêu đôi tất dài, tránh cho tất bị hư hỏng, giữ cho chúng mềm mại và không bị nhàu nát. Và nó cũng giúp những đôi tất của bạn hạnh phúc hơn.
Gập tất ngắn còn dễ dàng hơn. Nếu bạn đang gập tất từ dưới lên, hãy bắt đầu bằng việc giở chúng ra. Đặt chiếc tất này lên trên chiếc tất kia và tuân theo những nguyên tắc tương tự như việc gấp quần áo. Đối với tất ngắn chỉ che bàn chân, gập lại làm đôi là được; đối với tất che mắt cá chân, gập làm ba; với tất che đến đầu gối và cao trên đầu gối, gập lại làm bốn cho tới sáu lần. Bạn có thể điều chỉnh số lần gập để vừa bằng chiều cao của ngăn kéo. Thật dễ dàng phải không. Để đạt được mục đích tạo ra một hình chữ nhật đơn giản, việc gập chính là chìa khóa. Bạn sẽ phải kinh ngạc vì chỉ cần đến một không gian nhỏ bé đến vậy, so với “những ngày đựng những củ khoai tây”, và bạn sẽ nhận thấy những đôi tất của mình thở phào khoan khoái vì không bị buộc lại nữa.
Khi thấy những học sinh xỏ những đôi tất mà phần cổ tất đã bị giãn ra, thực sự là tôi rất muốn nói với họ cách gập tất làm sao cho đúng.
Ở Nhật Bản tháng Sáu là mùa mưa. Theo truyền thống, đây cũng là tháng của koromogae, khi người ta chuyển sang mặc trang phục mùa hè. Trước đó mấy tuần là khoảng thời gian dọn dẹp, đóng gói cất đồ mùa đông và lấy đồ mùa hè ra. Mỗi khi tới thời điểm này trong năm, tôi lại nhớ mình cũng từng làm những việc tương tự. Tuy nhiên, tôi đã không còn thấy phiền phức vì phải cất đồ đã qua mùa sử dụng nữa. Phong tục koromogae có nguồn gốc từ Trung Quốc và du nhập vào Nhật Bản dưới hình thức phong tục của triều đình trong thời kì Heian (794-1185). Chỉ tới cuối thế kỉ 19, khi công nhân và học sinh bắt đầu mặc đồng phục thì phong tục này mới xâm nhập vào các doanh nghiệp và học đường. Các công ty và trường học chính thức chuyển sang đồng phục mùa hè vào đầu tháng Sáu và trở lại trang phục mùa đông vào đầu tháng Mười. Nói cách khác, qui định này chỉ được áp dụng trong các tổ chức, và việc áp dụng mở rộng ra nhà dân thường là không thực sự cần thiết.
Thế nhưng, giống như mọi người Nhật khác, tôi cũng từng tin rằng mình phải cất quần áo đi và giở quần áo ra hai lần một năm vào tháng Sáu và tháng Mười. Tôi mất nguyên hai tháng này chỉ để bận bịu với việc lấy hết ra rồi lại xếp đầy quần áo vào các tủ và ngăn kéo. Thành thực mà nói, tôi thấy phong tục này thật phiền toái. Nếu tôi muốn mặc một chiếc váy được cất trong một chiếc hộp để ở giá phía trên của tủ đồ, thật sự rất phiền phức để lấy nó xuống và moi nó ra khỏi hộp. Thay vào đó, tôi sẽ từ bỏ ý định đó và mặc một thứ quần áo khác. Có những năm khi mà tới tháng Bảy rồi tôi vẫn chưa thể dỡ hết đồ mùa hè ra, tôi nhận ra một điều là trong khoảng thời gian đó tôi đã mua những quần áo tương tự với những quần áo mà mình đã có. Và thường là khi tôi lấy được hết quần áo mùa hè ra thì thời tiết đột nhiên lại trở lạnh mất rồi.
Phong tục cất giữ trang phục theo mùa đã trở nên lỗi thời. Với sự du nhập của máy điều hòa nhiệt độ và hệ thống sưởi trung tâm, nhà ở của chúng ta ít còn chịu ảnh hưởng của thời tiết bên ngoài nữa. Giờ đây không phải là hiếm khi chứng kiến người ta mặc áo phông trong nhà ngay giữa mùa đông. Vì vậy, đã đến lúc từ bỏ phong tục này và giữ cho tất cả quần áo của chúng ta luôn sẵn sàng được sử dụng quanh năm cho dù đang là mùa nào đi nữa.
Các khách hàng của tôi thích cách tiếp cận này, đặc biệt là vì bất kể lúc nào họ cũng có thể nắm được chính xác là mình đang có những quần áo gì. Không cần đến bất kì kĩ thuật khó khăn nào. Tất cả những gì bạn cần làm là sắp xếp quần áo trên cơ sở giả định rằng mình sẽ không cất trang phục đã qua mùa sử dụng nữa. Khi cất quần áo vào ngăn kéo, hãy phân chia sơ bộ chúng thành “chất liệu vải” và “chất liệu len”. Cần tránh phân loại theo mùa – mùa hè, mùa đông, mùa xuân và mùa thu – hoặc theo trạng thái hoạt động, chẳng hạn trang phục làm việc và trang phục nghỉ ngơi, vì quá mơ hồ. Nếu không gian cất giữ của khách hàng hạn chế, tôi cho phép họ cất giữ những trang phục đã qua mùa sử dụng nhưng chỉ là những thứ quần áo nhỏ và đặc thù thôi, ví dụ như đồ bơi và mũ tránh nắng cho mùa hè, và khăn quàng, găng tay và mũ ấm cho mùa đông. Nếu chúng không phải là những vật nhỏ, thì những chiếc áo khoác mùa đông có thể được cất trong tủ quần áo trong suốt mùa hè.
Đối với những người vẫn không có đủ không gian, hãy để tôi chia sẻ thêm vài mẹo nữa để cất giữ quần áo đã qua mùa sử dụng. Nhiều người cất trang phục đã qua mùa sử dụng trong những chiếc hộp nhựa có nắp. Tuy nhiên, những chiếc hộp này là thứ dụng cụ cất giữ ít hiệu quả nhất. Khi đặt trong tủ, chắc chắn là sẽ có thứ gì đó được đặt lên trên chiếc hộp và việc lấy hộp rồi mở nó ra sẽ khiến bạn mất nhiều công sức. Rốt cuộc, người ta dễ dàng quên mất chiếc hộp thậm chí ngay cả khi mùa sử dụng đã gần kết thúc. Nếu sắp tới bạn định mua những dụng cụ cất giữ, tôi khuyên bạn nên mua một chiếc tủ ngăn kéo. Hãy cẩn thận và đừng chôn quần áo của mình trong tủ đồ kể cả khi chúng đã qua mùa sử dụng. Những trang phục bị cất đi suốt nửa năm trời sẽ trông tiều tụy, cứ như thể chúng bị ngộp thở vậy. Thay vì thế, hãy để cho một chút ánh sáng và không khí thỉnh thoảng lùa vào. Hãy cho chúng biết là bạn vẫn quan tâm và mong chờ được mặc chúng vào mùa tới. Cách “giao tiếp” này giúp quần áo của bạn luôn rung cảm và giữ cho mối quan hệ của bạn với chúng sống động lâu dài.
Khi bạn sắp xếp và cất xong quần áo, đã tới lúc để dọn dẹp sách vở. Sách vở là một trong những thứ khiến người ta cảm thấy hết sức khó vứt bỏ. Nhiều người nói sách là thứ duy nhất mà họ không thể xa lìa bất kể họ có phải là người đam mê sách hay không, nhưng vấn đề thực sự chính là cách mà họ từ bỏ chúng.
Một trong những khách hàng của tôi, một phụ nữ độ tuổi ba mươi làm việc cho một hãng tư vấn nước ngoài, là người yêu thích sách. Cô ấy không chỉ đọc sách về kinh doanh mà còn đọc rất nhiều tiểu thuyết và sách có minh họa. Trên thực tế, phòng của cô tràn ngập sách. Ngoài ba giá sách lớn cao chạm trần, cô ấy còn có khoảng 20 chồng sách cao ngang thắt lưng đang để tạm trên sàn. Khi bước quanh phòng, tôi phải bước né sang một bên và lách người để không va vào chúng.
Tôi đã nói với cô ấy điều vẫn nói với tất cả các khách hàng của mình. “Xin hãy bắt đầu bằng cách bỏ tất cả sách ra khỏi giá và đặt toàn bộ sách lên sàn nhà.”
Cô ấy trợn tròn mắt. “Tất cả ư? Nhiều ghê gớm đấy.”
“Đúng, tôi biết thế. Nhưng hãy bỏ tất cả sách lên sàn.”
“Nhưng…” Cô ấy do dự trong chốc lát như thể đang tìm từ diễn đạt trước khi tiếp tục nói. “Không phải để chúng trên giá và tôi có thể thấy được tên sách thì sẽ dễ dàng lựa chọn hơn sao?”
Sách thường được xếp thành từng hàng trên giá để có thể nhìn thấy tên sách, vì thế điều này có vẻ thuận tiện cho việc loại bỏ những cuốn bạn không muốn được nữa. Không chỉ có thế, mà sách còn nặng nề. Lấy tất cả sách ra khỏi giá chỉ để rồi lại cất chúng vào dường như là một việc làm lãng phí công sức… Dẫu vậy, đừng bỏ qua bước này. Hãy lấy tất cả sách ra khỏi giá. Bạn không thể đánh giá một cuốn sách có thực sự đáng chú ý hay không khi nó vẫn còn nằm trên giá. Giống như quần áo hay bất kì vật sở hữu nào khác, những cuốn sách bị bỏ trên giá không được động đến suốt một thời gian dài sẽ rơi vào tình trạng im lìm bất động. Hoặc tôi có thể nói rằng chúng trở nên “vô hình”. Mặc dù ngay trong tầm mắt nhưng người ta vẫn không nhìn thấy chúng, giống như một chú châu chấu đứng yên giữa đồng cỏ, hòa mình với môi trường xung quanh.
Nếu bạn tự hỏi “Thứ này có mang lại niềm vui không?” khi nhìn vào những đồ vật trên giá hoặc trong ngăn kéo, thì câu hỏi này không có nhiều ý nghĩa với bạn. Để có thể thực sự quyết định được nên giữ hoặc bỏ đi thứ gì, bạn phải khiến những đồ vật của mình thoát khỏi tình trạng bất động. Thậm chí những chồng sách đã để sẵn trên sàn rồi cũng sẽ dễ được xử lí hơn nếu bạn di chuyển chúng vẫn trên sàn nhưng là sang một chỗ khác hoặc sắp xếp lại chúng. Giống như việc chúng ta khẽ rung lắc nhẹ để đánh thức ai đó dậy, chúng ta có thể kích thích những vật sở hữu của mình bằng cách di chuyển chúng, phơi chúng ra không khí trong lành và khiến chúng “tỉnh giấc”.
Trong khi giúp đỡ các khách hàng của mình dọn dẹp nhà cửa hoặc văn phòng làm việc, tôi thường đứng trước đống sách họ để trên sàn và vỗ tay, hoặc đập nhẹ lên bìa của các cuốn sách. Mặc dù đầu tiên bao giờ các khách hàng cũng nhìn tôi với vẻ kì lạ, thế nhưng sau đó họ không tránh khỏi ngạc nhiên vì họ có thể lựa chọn sách nhanh chóng và chính xác đến mức nào. Họ có thể thấy chính xác những cuốn sách mình cần và những cuốn không cần. Khó khăn hơn nhiều nếu lựa chọn sách mà vẫn để chúng trên giá, điều này có nghĩa rồi có lúc bạn sẽ phải lặp lại công việc này. Nếu có quá nhiều sách trên sàn cần phải sắp xếp cùng một lúc, tôi sẽ đề nghị khách hàng của mình chia chúng ra thành bốn nhóm lớn:
– Chung chung (sách đọc để giải trí)
– Thực hành (sách tham khảo, sách dạy nấu ăn, v.v.)
– Hình ảnh (các tập tranh ảnh, v.v.)
– Tạp chí
Khi đã xếp sách thành đống trên sàn, hãy dùng tay lấy ra từng cuốn một và quyết định xem bạn muốn giữ hoặc bỏ đi cuốn nào. Tất nhiên tiêu chí là hãy xem cuốn sách có mang lại cho bạn cảm giác thư thái khi chạm vào nó hay không. Nhớ nhé, tôi đã nói là khi bạn chạm vào nó. Đừng đọc nó. Việc đọc sẽ che mờ lí trí phán xét của bạn. Thay vì hỏi bản thân xem mình cảm thấy gì, bạn sẽ bắt đầu hỏi xem liệu mình có cần cuốn sách này hay không. Hãy hình dung ra một giá sách chỉ toàn những cuốn sách mà bạn yêu thích. Hình ảnh đó không tuyệt diệu sao? Đối với những người yêu thích sách, liệu còn có niềm hạnh phúc nào hơn thế?
Những lí do phổ biến nhất để không vứt một cuốn sách đi là “Tôi sẽ đọc nó” hoặc “Có thể tôi muốn đọc lại nó”. Hãy dành chốc lát để tính số sách mà bạn yêu thích, những cuốn mà bạn thực sự đã đọc hơn một lần. Có tất cả bao nhiêu cuốn? Với vài người con số này có thể là 5 cuốn trong khi một vài độc giả cá biệt có thể nhiều tới 100 cuốn. Tuy nhiên, những người đọc lại nhiều sách thường làm việc trong những ngành nghề chuyên biệt, chẳng hạn học giả và tác giả. Bạn sẽ thấy rất hiếm những người bình thường như tôi lại đọc quá nhiều sách. Hãy đối mặt với thực tế đó. Cuối cùng, bạn sẽ đọc lại chỉ vài cuốn trong số sách của mình. Giống như với quần áo, chúng ta cần dừng lại và nghĩ xem những cuốn sách đang phục vụ cho mục đích gì.
Mục đích thực sự của sách là để đọc, để truyền tải thông tin tới độc giả. Ý nghĩa nằm ở chỗ sách chứa đựng thông tin. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng nằm trên giá sách. Bạn đọc sách để trải nghiệm việc đọc. Những cuốn sách mà bạn đọc cũng được trải nghiệm và nội dung của chúng giờ đây đã nằm trong bạn, thậm chí cả khi bạn không nhớ. Vì vậy khi quyết định nên giữ cuốn sách nào, đừng nghĩ đến chuyện liệu mình có đọc lại nó hay không hoặc liệu mình có làm chủ những thông tin bên trong nó hay không. Thay vào đó, hãy cầm từng cuốn sách trong tay và quyết định xem nó có khiến mình cảm thấy rung động hay không. Chỉ giữ lại những cuốn sách khiến bạn cảm thấy vui vẻ mỗi khi nhìn thấy chúng trên giá, đó là những cuốn sách mà bạn thực sự yêu thích. Và nhớ là cả cuốn sách này nữa nhé. Nếu bạn không cảm thấy vui khi cầm cuốn sách nào đó trong tay, tôi thấy thà bạn quẳng nó đi còn hơn.
Còn những cuốn sách mà bạn mới đọc nhưng vẫn chưa đọc xong? Hoặc những cuốn sách vừa mua nhưng chưa đọc? Có nên làm điều tương tự như với những cuốn sách mà bạn dự định lúc nào đó sẽ đọc không? Mạng Internet khiến việc mua sách trở nên dễ dàng nhưng hệ quả là, mọi người ngày càng có nhiều cuốn sách mua về không đọc hơn trước đây. Tình trạng người ta mua một cuốn sách rồi không lâu sau lại mua một cuốn nữa khi vẫn chưa đọc cuốn sách trước đó không phải là hiếm. Sách chưa đọc cứ tích lũy dần lên. Vấn đề đối với những cuốn sách mà chúng ta dự định đến lúc nào đó sẽ đọc là chúng ta sẽ khó từ bỏ chúng hơn nhiều so với những cuốn sách đã đọc xong.
Tôi nhớ có lần giảng cho một chủ tịch công ty về cách dọn dẹp văn phòng của ông ta. Các giá sách của ông ta đầy những tựa sách phức tạp mà bạn có thể mong chờ một chủ tịch công ty sẽ đọc chúng, chẳng hạn những cuốn kinh điển của các tác giả như Drucker và Carnegie, cũng như các tác giả sách bán chạy gần đây. Cứ như thể tôi đang đi lạc vào một hiệu sách. Khi thấy bộ sưu tập sách của ông, tôi có cảm giác nôn nao. Hiển nhiên là khi bắt đầu phân loại, ông ta đặt hết cuốn này đến cuốn khác vào chồng “giữ lại”, và tuyên bố rằng ông ta vẫn chưa đọc chúng. Đến khi phân loại xong, ông ta chỉ bỏ đi 50 cuốn và chỉ làm sứt mẻ chút ít bộ sưu tập ban đầu. Khi tôi hỏi tại sao lại giữ những cuốn sách đó, ông ấy đưa ra một câu trả lời đã trở thành kinh điển trong danh sách các câu trả lời thường gặp nhất của tôi: “Bởi lúc nào đó tôi sẽ muốn đọc nó”. Từ kinh nghiệm cá nhân, ngay lúc này tôi sợ phải nói với bạn rằng: “lúc nào đó” sẽ không bao giờ xảy ra.
Nếu bạn có bỏ lỡ cơ hội đọc một cuốn sách đặc biệt, thậm chí đó là cuốn sách mà bạn được khuyên đọc hoặc là cuốn sách mà lâu nay bạn dự định sẽ đọc, vậy thì đây là dịp để bạn bỏ nó đi. Có thể bạn đã muốn đọc cuốn sách đó khi mua nó, nhưng nếu cho đến giờ bạn vẫn chưa đọc, vậy thì mục đích của cuốn sách là dạy cho bạn rằng bạn không cần đến nó nữa. Không cần phải đọc cho xong cả cuốn sách khi bạn mới chỉ đọc nửa chừng, bởi khi đó mục đích của chúng sẽ là đọc nửa chừng. Vì thế, hãy từ bỏ tất cả những cuốn sách chưa đọc. Tốt hơn là hãy chỉ đọc cuốn sách thực sự cần cho bạn ngay lúc này thay vì một cuốn sách mà bạn để nó phủ bụi suốt nhiều năm.
Những người có những bộ sưu tập sách lớn hầu như luôn là những người học siêng năng. Do đó không có gì lạ khi thấy nhiều sách tham khảo và sách hướng dẫn nghiên cứu trên giá sách của các khách hàng của tôi. Các sách tham khảo và hướng dẫn này thường đa dạng vô cùng, trải rộng từ kế toán, triết học và vi tính cho tới trị bệnh bằng xạ hương và hội họa. Đôi khi tôi kinh ngạc với những chuyên môn mà các khách hàng của tôi quan tâm. Nhiều người trong số họ còn giữ lại tất cả sách giáo khoa từ thời còn đi học phổ thông và những cuốn sách bài tập làm văn.
Vậy nên, nếu giống như nhiều khách hàng của tôi, bạn có bất kì cuốn sách nào rơi vào nhóm sách nói trên, tôi khuyên bạn nên ngừng việc khăng khăng là đến ngày nào đó bạn sẽ sử dụng chúng và từ bỏ chúng ngay ngày hôm nay. Tại sao ư? Bởi có rất ít khả năng là bạn sẽ đọc chúng. Đối với tất cả các khách hàng của tôi, chưa tới 15% số người sẽ dùng những cuốn sách này. Khi phải giải thích tại sao cứ bỏ sách ở đó mà không đọc, câu trả lời của họ đều là họ dự định sẽ đọc vào “một ngày nào đó”. “Tôi muốn tìm hiểu cuốn sách này vào một ngày đó.” “Tôi sẽ nghiên cứu nó khi có thêm chút ít thời gian”, “Tôi nghĩ nó sẽ giúp tôi thành thạo tiếng Anh”, “Tôi muốn học về kế toán bởi tôi đang làm công việc quản lí”. Nếu cho đến lúc này bạn vẫn chưa làm như dự định, vậy thì hãy vứt bỏ quyển sách đó đi. Chỉ bằng cách đó, bạn mới có thể kiểm tra được xem mình đam mê đến mức nào đối với chủ đề đó. Nếu cảm giác của bạn vẫn không thay đổi sau khi đã bỏ cuốn sách đi, thì có nghĩa bạn vẫn ổn mà không cần tới nó. Nếu sau khi đã ném đi mà bạn vẫn khao khát muốn có lại nó, tức là bạn sẽ sẵn sàng mua một bản sách khác, và lần này bạn sẽ đọc và nghiên cứu nó.
Bây giờ bất kì lúc nào tôi cũng giữ cho mình chừng 30 cuốn sách, nhưng trước đây tôi từng thấy vô cùng khó vứt bỏ sách đi bởi vì tôi yêu chúng. Lần đầu tiên tôi phân loại thư viện của mình bằng phương pháp đánh giá xem chúng có mang lại niềm vui cho mình hay không, tôi đã bỏ đi được khoảng 100 cuốn khỏi giá sách. Mặc dù đây không phải là con số quá lớn so với mức trung bình nhưng tôi cảm thấy vẫn có thể giảm bớt thêm nữa. Một ngày kia, tôi quyết định xem xét kĩ hơn những cuốn sách mà mình đang có. Tôi bắt đầu với những cuốn sách mà tôi coi là không thể bỏ đi. Trong trường hợp của tôi, đầu tiên trong danh sách này là cuốn Alice ở xứ sở diệu kì, đây là cuốn sách tôi đọc lại nhiều lần kể từ thời tiểu học. Những cuốn sách tương tự, nằm trong danh sách những cuốn sách yêu thích nhất của mỗi cá nhân, có thể xác định được khá đơn giản. Tiếp theo, tôi xem những cuốn sách mang lại cảm giác thoải mái nhưng không thuộc danh sách được yêu thích nhất. Khi thời gian trôi qua, danh sách các cuốn thuộc nhóm này sẽ thay đổi, nhưng đây là những cuốn sách mà tôi chắc chắn muốn giữ lại ngay bây giờ. Vào thời điểm đó, một trong những cuốn thuộc nhóm này là Nghệ thuật từ bỏ – cuốn sách đầu tiên đã mở mắt cho tôi về việc dọn dẹp, mặc dù lâu nay tôi không còn giữ nó nữa. Những cuốn sách mang đến sự thoải mái nhất định cũng đáng để giữ lại.
Quyết định khó khăn nhất là đối với những cuốn sách đem lại cho bạn sự thoải mái vừa phải – chúng có những từ ngữ và câu văn làm rung động trái tim bạn, và bạn có thể muốn đọc lại lần nữa. Đó là những cuốn sách khó bỏ đi nhất. Mặc dù không cảm thấy áp lực khi phải từ bỏ chúng, tôi không thể không nhận thấy thực tế là chúng chỉ mang lại cho tôi cảm giác thoải mái vừa phải. Tôi bắt đầu tìm kiếm một phương thức để bỏ chúng đi mà không tiếc nuối và cuối cùng cũng tìm được điều mà tôi gọi là “phương pháp giảm trừ số lượng”. Thừa nhận rằng mình thực sự chỉ muốn giữ những thông tin hoặc từ ngữ cụ thể mà cuốn sách chứa đựng, tôi quyết định là nếu chỉ giữ lại những gì cần thiết thì tôi có thể vứt bỏ phần còn lại đi.
Ý tưởng của tôi là sao chép những câu mà mình thích vào trong một cuốn sổ. Qua thời gian, tôi cho là như vậy, cuốn sổ này sẽ trở thành tuyển tập những lời hay ý đẹp ưa thích của cá nhân tôi. Thật vui khi đọc nó vào một lúc nào đó trong tương lai và lần theo con đường mà những sở thích cá nhân đã từng dẫn dắt mình. Vô cùng phấn khích, tôi lôi ra một cuốn sổ mà mình thích và bắt đầu thực hiện kế hoạch. Tôi bắt đầu gạch chân những chỗ tôi muốn sao chép. Sau đó tôi viết tên sách vào sổ và bắt đầu chép lại. Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu, tôi nhận ra quá trình này ngốn quá nhiều công sức. Và nếu như có lúc nào đó tôi sẽ đọc những lời lẽ này trong tương lai, vậy thì chữ viết của tôi cần phải rõ ràng, sắc nét. Ước lượng sơ bộ, để sao chép 10 trích dẫn trong một cuốn sách thôi cũng sẽ mất ít nhất nửa tiếng đồng hồ. Chỉ nghĩ về việc sao chép trích dẫn trong 40 cuốn sách thôi đã đủ khiến tôi hoa mày chóng mặt rồi.
Kế hoạch tiếp theo của tôi là sử dụng máy in. Tôi sẽ sao chụp những mục mà tôi muốn giữ, cắt chúng ra và dán vào sổ. Tôi nghĩ là cách làm này sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn nhiều. Nhưng khi thử bắt tay vào làm, tôi thấy nó còn mất nhiều công sức hơn. Cuối cùng tôi quyết định xé lấy những trang yêu thích ra khỏi sách. Việc dán những trang này vào sổ cũng là một việc khó nhọc, vì vậy thay vào đó tôi giản tiện quá trình bằng cách nhét chúng vào một chiếc kẹp hồ sơ. Việc làm này chỉ mất 5 phút cho mỗi cuốn sách và tôi đã xoay xở để bỏ đi 40 cuốn đồng thời giữ được những nội dung mà tôi thích. Khi đó tôi cực kì hài lòng với thành quả của mình. Hai năm sau ngày triển khai “phương pháp giảm trừ số lượng”, tôi đột ngột nhận ra một điều. Tôi chưa từng đọc lại một lần kể từ khi tạo ra chiếc kẹp hồ sơ đó. Tất cả những nỗ lực lúc trước chỉ là để làm dịu đi lương tâm của tôi mà thôi.
Gần đây, tôi nhận thấy việc sở hữu ít cuốn sách thực sự giúp tôi tiếp thu tốt hơn những gì mình đọc. Tôi nhận ra những thông tin thiết yếu dễ dàng hơn. Nhiều khách hàng của tôi, đặc biệt là những người đã bỏ đi một số lượng sách và tài liệu đáng kể, cũng nhận thấy điều này. Đối với sách, đúng lúc nghĩa là tất cả. Giây phút lần đầu tiên bạn gặp một cuốn sách đặc biệt cũng chính là thời điểm phù hợp để đọc nó. Để tránh bỏ lỡ giây phút này, tôi khuyên bạn nên giữ số lượng sách ít thôi.
Ngay khi bạn sắp xếp xong sách vở, hãy chuyển sang giấy tờ. Ví dụ, giá thư từ treo trên tường đựng đầy phong bì; những tờ thông báo của nhà trường dán trên tủ lạnh; thư mời dự ngày hội trường chưa trả lời để cạnh chiếc điện thoại bàn; những tờ báo xếp lớp trên bàn suốt mấy ngày qua. Có một số nơi trong nhà, giấy tờ có xu hướng chất chồng lên như những đống tuyết vậy.
Mặc dù người ta thường quan niệm là giấy tờ ở nhà ít hơn nhiều so với ở nơi làm việc, nhưng thực tế không phải vậy. Nhìn chung số lượng giấy tờ tối thiểu mà các khách hàng bỏ đi là hai túi rác cỡ 45 lít. Số lượng tối đa lên tới 15 túi. Rất nhiều lần tôi còn thấy máy cắt giấy của khách hàng bị kẹt. Cực kì khó khăn để có thể quản lí được một số lượng lớn giấy tờ như vậy, thế nhưng thi thoảng tôi cũng gặp được một vài khách hàng có được những kĩ năng sắp xếp giấy tờ tài liệu khiến tôi phải kinh ngạc. Khi tôi hỏi: “Bạn quản lí giấy tờ của mình như thế nào?”, họ đưa ra những giải thích cực kì cặn kẽ.
“Giấy tờ liên quan tới lũ trẻ sẽ để trong kẹp tài liệu này. Kẹp tài liệu kia là công thức nấu ăn của tôi. Các bài cắt ra từ tạp chí để ở đây, còn tài liệu hướng dẫn sử dụng thiết bị điện cho vào trong hộp này…”. Họ đã phân loại giấy tờ của mình hết sức chi tiết đến mức đôi lúc tâm trí tôi lơ đễnh trong khi họ trình bày những lập luận của mình. Tôi phải thừa nhận là tôi ghét việc sắp xếp giấy tờ! Tôi không bao giờ sử dụng các kẹp hồ sơ hoặc viết nhãn tài liệu. Hệ thống sắp xếp tài liệu này có lẽ hữu hiệu hơn bộ dụng cụ lưu trữ giấy tờ ở nơi làm việc vốn có nhiều người sử dụng tài liệu chung, nhưng thực ra thì hoàn toàn không cần đến một hệ thống sắp xếp giấy tờ chi tiết đến như vậy ở nhà.
Nguyên tắc cơ bản của tôi trong việc phân loại giấy tờ là vứt hết chúng đi. Các khách hàng của tôi đã choáng váng khi nghe tôi nói thế, nhưng quả thực chẳng có gì phiền phức hơn giấy tờ cả. Rốt cuộc, chúng sẽ chẳng bao giờ mang lại niềm vui, cho dù bạn có giữ gìn chúng cẩn thận thế nào chăng nữa. Vì lí do này, tôi khuyên bạn nên vứt đi bất cứ thứ gì không thuộc vào một trong ba nhóm sau: hiện đang sử dụng, cần sử dụng trong thời gian giới hạn và phải giữ lại vô kì hạn.
Nhân đây, tôi phải nói rằng thuật ngữ “giấy tờ” không bao hàm những giấy tờ có giá trị về tinh thần như những bức thư tình ngày xưa hoặc nhật kí. Cố gắng phân loại những giấy tờ này chỉ khiến tiến độ của bạn giảm sút rõ rệt mà thôi. Trước hết hãy giới hạn ở việc phân loại giấy tờ không mang lại cho bạn một chút rung động nào và hoàn thành công việc này thật chớp nhoáng. Thư từ của bạn bè và người yêu có thể để lại đến khi bạn xử lí những thứ liên quan tới cảm xúc.
Khi bạn đã xử lí xong toàn bộ số giấy tờ không gợi cho bạn bất kì cảm xúc vui vẻ nào, bạn sẽ làm gì với những giấy tờ mà bạn quyết định giữ lại? Phương pháp cất giữ giấy tờ của tôi cực kì đơn giản. Tôi phân chia chúng thành hai nhóm: giấy tờ cần lưu giữ và giấy tờ cần xử lí. Mặc dù chính sách của tôi là vứt bỏ tất cả giấy tờ đi, nhưng đây là hai nhóm giấy tờ tôi thấy không thể bỏ đi được. Những bức thư cần trả lời, những đơn từ cần đệ trình, một tờ báo sắp đọc – hãy tạo một góc riêng cho những giấy tờ cần được xử lí đó. Hãy chắc chắn rằng bạn giữ tất cả các giấy tờ dạng này cùng một chỗ. Đừng bao giờ để chúng rải rác khắp nơi trong nhà. Tôi khuyên bạn nên dùng một vật chứa có dạng thẳng đứng để giấy tờ cất trong đó có thể dựng thẳng lên và bố trí một nơi dành riêng cho nó. Tất cả các giấy tờ cần được chú ý có thể đặt ở trong đó mà không bị phân tán.
Đối với giấy tờ cần được lưu giữ, tôi chia nhỏ chúng theo tần suất sử dụng. Cách làm của tôi cũng không hề phức tạp. Tôi sắp xếp chúng thành nhóm ít sử dụng và nhóm thường xuyên sử dụng. Nhóm ít sử dụng bao gồm hợp đồng bảo hiểm, giấy tờ bảo hành và giấy tờ nhà đất. Thật không may, bạn buộc phải giữ những giấy tờ này bất kể thực tế là chúng không mang lại niềm vui cụ thể nào. Vì bạn hầu như không bao giờ cần xử lí những giấy tờ thuộc nhóm này, bạn không phải mất quá nhiều sức lực để cất giữ chúng. Tôi khuyên bạn nên để tất cả chúng vào trong một chiếc cặp hồ sơ nhựa thông thường và không cần phải lo nghĩ về việc phân loại chúng thêm nữa.
Nhóm kia bao gồm những giấy tờ mà bạn sẽ lấy ra và sử dụng thường xuyên hơn, chẳng hạn các bản đề cương hội thảo hoặc các bài báo cắt ra. Những giấy tờ này sẽ trở nên vô nghĩa trừ phi chúng được cất giữ sao cho có thể dễ dàng tiếp cận, do đó tôi khuyên bạn nên cất chúng vào trong một chiếc cặp hồ sơ nhựa có nhiều ngăn. Mặc dù những giấy tờ kiểu này không thực sự cần thiết nhưng chúng có xu hướng ngày một nhiều lên. Giảm bớt số lượng của nhóm giấy tờ này là chìa khóa cho việc sắp xếp giấy tờ của bạn.
Chỉ nên sắp xếp giấy tờ thành ba nhóm: cần được chú ý, nên lưu giữ (các giấy tờ hợp đồng) và nên lưu giữ (các giấy tờ khác). Mấu chốt là cần giữ tất cả giấy tờ thuộc một nhóm ở trong cùng một vật chứa và cố gắng hạn chế phân chia nhỏ chúng ra thêm nữa. Nói cách khác, bạn chỉ cần ba vật chứa hoặc ba chiếc cặp đựng giấy tờ. Đừng quên giữ cho chiếc hộp “cần chú ý” ở trạng thái rỗng. Nếu vẫn còn giấy tờ trong đó, điều này có nghĩa là bạn đang có những việc chưa hoàn thành đang cần sự chú ý của bạn. Mặc dù tôi chưa bao giờ cố gắng xoay xở để làm trống triệt để chiếc hộp “cần chú ý”, nhưng đây chính là mục tiêu cần hướng tới.
Phương châm căn bản của tôi là vứt bỏ hết giấy tờ đi, nhưng sẽ luôn có vài thứ giấy tờ gì đó khó có thể vứt bỏ. Ở đây chúng ta hãy cùng xem xét cách xử lí những giấy tờ này.
Những người thích nghiên cứu có thể hay tham gia các hội thảo hoặc khóa học chẳng hạn liệu pháp điều trị bằng xạ hương, tư duy lôgic hoặc marketing. Một xu hướng gần đây ở Nhật Bản là tận dụng thời gian sáng sớm để tham gia các hội thảo buổi sáng. Nội dung và khung thời gian mở rộng, cho phép người ta có nhiều cơ hội lựa chọn. Đối với những người tham dự, những tài liệu được phát na ná như một chứng nhận danh dự, và do đó họ khó lòng mà vứt bỏ chúng. Nhưng khi tôi tới thăm nhà của những học viên nhiệt thành này, tôi thấy những tài liệu như thế chiếm quá nhiều không gian, khiến phòng của họ trở nên bức bí.
Một trong các khách hàng của tôi là một phụ nữ tuổi độ ba mươi làm việc cho một công ty quảng cáo. Khi tôi bước vào phòng cô ấy, tôi cảm thấy như mình đang ở trong một văn phòng làm việc. Tôi nhìn thấy hàng chồng tài liệu được in tiêu đề cẩn thận. Cô ấy nói với tôi: “Đó là tất cả các tài liệu của những hội thảo mà tôi tham gia”. Tự nhận là một người say mê các hội thảo, cô ấy đã lưu giữ tài liệu của mọi hội thảo mà cô ấy từng tham dự.
Người ta thường quả quyết: “Một lúc nào đó tôi sẽ nghiên cứu lại những tài liệu này”, nhưng hầu hết họ không bao giờ làm vậy. Hơn thế, phần lớn trong số họ luôn có những tài liệu của các cuộc hội thảo khác nhau về cùng một chủ đề hoặc một chủ đề tương tự. Tại sao vậy? Bởi vì họ không nhớ được gì từ những điều đã học ở các cuộc hội thảo. Tôi không có ý chỉ trích mà chỉ muốn chỉ ra lí do tại sao lại không đáng để giữ lại những tài liệu của các hội thảo trước đây. Nếu nội dung đã học không được áp dụng vào thực tế thì những khóa học như vậy thật là vô bổ. Giá trị của việc tham gia một khóa học hoặc một chứng chỉ bắt đầu từ khi chúng ta tham dự, và chìa khóa để phát huy toàn bộ giá trị của khóa học chính là ở chỗ áp dụng những điều đã học vào thực tế ngay khi khóa học kết thúc. Tại sao người ta lại trả học phí đắt đỏ cho những khóa học như vậy khi họ có thể đọc được cùng một nội dung đó trong một cuốn sách hoặc ở một nơi khác? Bởi họ muốn cảm nhận được niềm đam mê của giáo viên và trải nghiệm môi trường học tập đó. Do đó, tài liệu thực sự chính là bản thân buổi hội thảo hoặc sự kiện, và người ta cần phải trải nghiệm nó một cách thực sự sống động.
Khi bạn tham gia một khóa học, hãy kiên quyết vứt bỏ mọi tài liệu được phân phát. Nếu bạn tiếc nuối khi vứt bỏ chúng, sau đó lại tham gia một hội thảo tương tự, vậy thì lần này hãy áp dụng những gì đã học. Tưởng là nghịch lí, nhưng tôi tin rằng chính vì chúng ta còn bám víu lấy những tài liệu như vậy nên chúng ta mới thất bại trong việc áp dụng những điều mình đã học vào thực tiễn. Bộ sưu tập các tài liệu hội thảo lớn nhất mà tôi biết lên đến 190 tài liệu. Chẳng cần phải nói, tôi đã bảo khách hàng đó vứt bỏ đến tài liệu cuối cùng.
Một thứ nữa cần phải vứt bỏ đó là tất cả các bản sao kê tài khoản thẻ tín dụng. Mục đích của chúng là gì? Với hầu hết mọi người, chúng đơn giản là một thứ công cụ để kiểm tra xem họ đã dành dụm được bao nhiêu tiền trong một tháng cụ thể nào đó. Vì vậy, khi đã kiểm tra nội dung để khẳng định là nó chính xác và lưu lại con số vào sổ ghi của gia đình, bản sao kê đã hoàn thành sứ mệnh và bạn nên vứt nó đi. Hãy tin tôi. Bạn không cần phải cảm thấy bứt rứt về chuyện này.
Liệu bạn có nghĩ rằng đến một lúc nào đó mình sẽ thực sự cần đến những bản sao kê tài khoản? Liệu có ngày nào đó bạn có thể cần đến chúng cho một phiên tòa để chứng minh đã rút ra khỏi tài khoản bao nhiêu tiền? Chuyện đó chẳng bao giờ xảy ra nên bạn không cần tích trữ những bản sao kê này suốt đời. Điều tương tự cũng đúng với những thông báo rút tiền khỏi tài khoản để chi trả chi phí sinh hoạt thường ngày. Hãy cương quyết và nắm lấy cơ hội để vứt bỏ chúng.
Trong số các khách hàng của tôi, có một cặp vợ chồng từng trải qua quãng thời gian vô cùng khó khăn để có thể vứt bỏ tài liệu của họ. Cả hai đều là luật sư. Họ cứ liên tục hỏi: “Nhỡ tài liệu này lại cần đến ở tòa án thì sao?” Ban đầu, họ chỉ đạt được chút ít tiến triển, nhưng cuối cùng, thậm chí họ có thể bỏ đi hầu hết những giấy tờ của mình mà không gặp phải bất kì vấn đề nào. Nếu họ làm được thì bạn cũng có thể làm được.
Cũng như vô tuyến hay máy ảnh kĩ thuật số, tất cả các thiết bị điện đều có giấy bảo hành. Đây là loại giấy tờ có mặt ở bất kì ngôi nhà nào, và là thứ được hầu hết mọi người cất giữ cẩn thận. Tuy nhiên, phương pháp sắp xếp chúng thường không đúng cách.
Nhìn chung, người ta thường cất giữ giấy tờ bảo hành trong những chiếc cặp nhựa hoặc các túi hồ sơ nhiều ngăn. Sức hấp dẫn của những túi hồ sơ này ở chỗ giấy tờ có thể được cất trong những ngăn riêng biệt. Tuy nhiên, vấn đề lại chính là chỗ đó. Vì giấy tờ được chia cách rõ ràng nên người ta có thể dễ dàng bỏ qua nhiều thứ. Phần lớn mọi người cất giữ không chỉ giấy bảo hành còn cả sổ tay hướng dẫn sử dụng trong cùng một ngăn. Trước hết, hãy bắt đầu bằng việc vứt bỏ những sổ tay hướng dẫn. Hãy nhìn chúng xem. Bạn đã bao giờ sử dụng chúng chưa? Nói chung, chỉ có một vài sổ hướng dẫn mà chúng ta thực sự cần đọc, chẳng hạn sổ hướng dẫn sử dụng máy vi tính hoặc máy ảnh kĩ thuật số, và những sổ hướng dẫn này dày tới mức khó có thể nhét vừa vào túi hồ sơ. Vì thế, về căn bản, bạn có thể thoải mái vứt bỏ bất kì sổ hướng dẫn sử dụng nào đựng trong túi đựng giấy bảo hành.
Cho tới bây giờ, tất cả các khách hàng của tôi đều đã vứt bỏ hầu hết các sổ tay hướng dẫn sử dụng của họ, bao gồm sổ tay hướng dẫn cách dùng máy vi tính và máy ảnh, và không ai trong số họ gặp phải bất kì vấn đề nào. Nếu có gặp vấn đề gì, họ luôn có thể tự sửa chữa bằng cách mày mò, và có thể tìm được giải pháp cho bất cứ thứ gì mà mình không thể tự tìm ra bằng cách vào Internet hoặc hỏi nơi bán thiết bị. Vì thế tôi cam đoan rằng bạn có thể vứt chúng đi mà không phải băn khoăn gì.
Trở lại với giấy tờ bảo hành. Phương pháp sắp xếp mà tôi gợi ý là hãy đặt tất cả chúng vào trong một chiếc cặp nhựa mà không cần phải phân chia chúng thành từng nhóm. Rút cuộc giấy bảo hành chỉ có thể dùng đến một lần trong năm. Việc sắp xếp và phân loại kĩ càng những giấy tờ này là không cần thiết vì nhiều khả năng là ít khi cần dùng đến chúng. Hơn nữa, nếu bạn đã xếp chúng vào trong cặp hồ sơ nhiều ngăn thì bạn sẽ phải lật giở từng trang để tìm đúng giấy bảo hành mình cần. Trong trường hợp đó, một cách dễ dàng là cất giữ tất cả trong cùng một túi hồ sơ, khi cần thì lấy hết ra và tìm đúng thứ mình cần.
Nếu phân loại quá chi tiết, điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ ít có cơ hội hơn để xem từng giấy bảo hành. Trước khi bạn nhận ra điều này, có thể giấy bảo hành đã hết hạn. Nếu bạn phải xem xét kĩ càng tất cả khi chỉ cần tìm một tờ giấy bảo hành nào đó thôi thì đây lại là cơ hội tuyệt vời để kiểm tra ngày hết hạn của các giấy bảo hành khác. Với phương pháp này, bạn sẽ không bị phiền toái vì phải thận trọng kiểm tra mọi giấy tờ bảo hành trong cặp hồ sơ chỉ để biết ngày hết hạn bảo hành, và thường là bạn không phải mua những chiếc cặp nhựa để cất giấy tờ bảo hành bởi vì gần như nhà nào cũng có ít nhất một chiếc. Cuối cùng, phương pháp này chỉ chiếm 1/10 diện tích so với những phương pháp thông thường khác.
Ở Nhật Bản có phong tục gửi thiệp chúc mừng tới mọi người nhân dịp Năm Mới (nhiều chiếc thiệp còn in xổ số ở bên dưới). Điều này có nghĩa mỗi chiếc thiệp sẽ hoàn thành sứ mệnh của nó vào thời khắc người nhận đọc xong lời chúc mừng trên thiệp. Sau khi kiểm tra xem những con số trên thiệp có trúng giải xổ số nào không, bạn có thể bỏ chúng đi với sự trân trọng vì chúng đã truyền tải tới bạn sự quan tâm của người gửi. Nếu bạn giữ lại những tấm thiệp để xác minh địa chỉ gửi đi cho năm tiếp theo, vậy thì chỉ giữ chúng trong vòng một năm. Hãy vứt bỏ bất kì tấm thiệp nào đã hai hoặc ba năm tuổi, ngoại trừ những tấm thiệp mang lại niềm vui cho tâm hồn bạn.
Sổ séc đã qua sử dụng là những thứ đã được dùng xong rồi. Bạn sẽ không xem lại chúng nữa, và dù có xem lại thì cũng không làm tăng thêm số tiền của bạn trong ngân hàng, vì thế hãy vứt bỏ chúng.
Mục đích của phiếu thanh toán tiền lương là thông báo cho bạn biết số tiền lương bạn được trả tháng này. Ngay khi bạn xem xong nội dung, nó không còn hữu ích nữa.
Tôi mở một chiếc ngăn kéo trong nhà của một khách hàng và phát hiện ra một chiếc hộp nhỏ kì lạ, chỉ chờ được mở ra, giống như một cuốn sách hứa hẹn một câu chuyện hấp dẫn. Nhưng với tôi, nó chẳng có chút gì thú vị cả. Tôi biết rõ mình sẽ tìm thấy thứ gì bên trong. Những đồng xu lẻ, kẹp tóc, tẩy, cúc áo dự phòng, các bộ phận của đồng hồ đeo tay, pin mới hoặc đã hỏng, thuốc chưa dùng đến, bùa may mắn và móc chìa khóa. Danh sách này vẫn còn tiếp tục. Tôi biết thừa câu trả lời của họ nếu như tôi hỏi tại sao những thứ đó lại ở trong hộp: “Vốn là như thế mà”.
Có nhiều thứ trong nhà được đối xử theo cùng một cách. Chúng ta đặt để, cất giữ và tích trữ chúng theo kiểu “vốn là như thế”, mà không suy nghĩ gì nhiều. Tôi gọi nhóm này là komono, trong tiếng Nhật, thuật ngữ này được định nghĩa khá đa dạng: “những vật nhỏ; những vật tạp loại; phụ kiện; đồ linh tinh hoặc dụng cụ nhỏ; các bộ phận hoặc linh kiện; người tầm thường; trẻ nhỏ”. Chẳng lạ gì khi người ta lại không biết phải làm gì với những thứ thuộc một nhóm mơ hồ như vậy. Do đó, đã đến lúc nói lời từ biệt với cách tiếp cận “vốn là như thế”. Những vật kể trên trợ giúp hữu ích cho cuộc sống của chúng ta và do đó, chúng cũng xứng đáng được đánh giá từng thứ một và phân loại cẩn thận.
Không giống như quần áo hoặc sách vở, nhóm này bao gồm một loạt các vật đa dạng và vì thế, ý nghĩ cố gắng phân loại và sắp xếp chúng có thể khiến bạn nản chí. Tuy nhiên, nếu bạn xử lí chúng theo đúng thứ tự, nhiệm vụ này hóa ra lại khá đơn giản. Thứ tự cơ bản để phân loại komono như sau:
(Nếu bạn có nhiều thứ liên quan tới một sở thích cụ thể, chẳng hạn dụng cụ trượt tuyết, thì hãy coi chúng như một nhóm riêng.)
Tôi khuyến nghị bạn nên theo thứ tự này bởi sẽ dễ dàng hơn cho bạn nếu bắt đầu từ những thứ có tính cá nhân nhiều hơn và dễ xác định nội dung. Nếu bạn sống một mình, bạn thực sự không cần lo ngại về thứ tự này miễn là bạn sắp xếp gọn ghẽ từng nhóm một. Nhiều người sống với những thứ không cần thiết xung quanh, nhưng họ để mặc vì “vốn là như thế”. Tôi muốn bạn hãy xử lí ngay đống komono của mình, và chỉ giữ lại, tôi nhấn mạnh là chỉ giữ lại, những thứ mang lại cho bạn niềm vui.
Đồ dùng một lần – những thứ giữ lại chỉ vì “vốn là như thế”.
Có một số lượng đáng kinh ngạc những thứ có thể xác định nhanh chóng mà thậm chí không cần phải hỏi: “Thứ này có mang lại niềm vui không?” Ở trên tôi đã chỉ ra cách từ bỏ những thứ mà bạn thấy là khó có thể bỏ đi được. Khi dọn dẹp nhà cửa, một điều quan trọng không kém là nhận thấy những thứ mà bạn cất giữ “chẳng vì một lí do cụ thể nào cả”. Đa số mọi người không nhận thức được những thứ đồ linh tinh chiếm diện tích trong nhà họ đến mức nào.
Một chiếc đĩa là quà cưới của ai đó tặng cho bạn vẫn nằm nguyên trong hộp đựng trên nóc của chiếc tủ đựng bát đĩa. Một chiếc móc chìa khóa là quà kỉ niệm của một người bạn giờ đây nằm trong ngăn kéo. Hay một hộp nhang trầm là quà sinh nhật của đồng nghiệp tặng cho bạn. Tất cả những thứ trên có điểm chung là gì? Chúng đều là quà tặng. Một ai đó quan trọng với bạn đã dành thời gian quý báu để chọn mua chúng tặng bạn. Chúng thể hiện cho tình yêu và sự trân trọng. Bạn không thể vứt bỏ chúng đi, phải không?
Nhưng chúng ta hãy xem xét chúng kĩ càng hơn. Phần lớn những quà tặng này vẫn chưa được mở ra hoặc chưa một lần sử dụng. Hãy thừa nhận thực tế này. Đơn giản vì chúng không hợp với thị hiếu của bạn. Mục đích thực sự của một món quà là để được nhận. Quà tặng không đơn thuần là “những đồ vật” mà là một công cụ để truyền tải những cảm xúc của ai đó. Khi nhìn từ quan điểm này, bạn sẽ không cần phải cảm thấy có lỗi vì vứt bỏ một món quà đi. Nó đã mang lại cho bạn niềm vui từ lúc mới nhận được rồi. Tất nhiên, sẽ là lí tưởng nếu bạn có thể sử dụng nó một cách vui thích. Nhưng chắc chắn là người đã tặng nó cho bạn không muốn bạn phải miễn cưỡng sử dụng nó, hoặc để dành nó mà không sử dụng, chỉ để khỏi thấy có lỗi. Khi bạn bỏ quà tặng đi, bạn làm thế cũng là vì người trao tặng mà thôi.
Những chiếc hộp đựng nhiều đến mức đáng ngạc nhiên. Vì thế hãy vứt bỏ hộp đựng đồ điện ngay khi bạn mở nó ra. Bạn không cần sổ tay hướng dẫn sử dụng hoặc đĩa CD kèm theo. Bạn sẽ tìm ra những ứng dụng mình cần thông qua quá trình sử dụng. Tất cả khách hàng của tôi đã vứt bỏ những thứ như vậy và không ai trong số họ từng thấy bất tiện khi thiếu chúng. Nếu bạn gặp phải vấn đề nào đó, bạn luôn có thể tìm được sự giúp đỡ ở cửa hàng mà bạn đã mua thiết bị đó. Sẽ nhanh chóng hơn nhiều khi hỏi một chuyên gia thay vì cố gắng tự mình tìm ra câu trả lời trong sổ tay hướng dẫn sử dụng.
Nếu bạn thấy một sợi dây và tự hỏi nó dùng cho việc quái nào thế nhỉ, thì nhiều khả năng là bạn sẽ không bao giờ dùng đến nó. Những sợi dây huyền bí sẽ luôn là như thế – một sự huyền bí. Liệu bạn có lo rằng có thể một lúc nào đó bạn sẽ cần dùng đến nó khi một thứ gì đó bị gãy? Đừng lo về chuyện đó. Tôi đã chứng kiến vô số gia đình có những dây rợ tương tự nhưng một mớ dây như thế chỉ khiến bạn cảm thấy khó tìm ra sợi dây phù hợp. Rốt cuộc, mua một sợi dây mới là cách nhanh chóng hơn nhiều. Chỉ giữ lại những sợi dây mà bạn có thể xác định mục đích rõ ràng và bỏ tất cả số dây còn lại. Bộ sưu tập dây rợ của bạn chắc chắn không hơn gì ngoài mấy sợi dây của những máy móc đã hỏng mà bạn đã bỏ đi từ lâu rồi.
Bạn sẽ không bao giờ dùng đến cúc dự phòng. Trong hầu hết các trường hợp, khi một chiếc cúc bung ra, đó là dấu hiệu cho thấy chiếc áo sơ mi hay áo khoác nào đó đã cũ sờn và đã tới điểm cuối vòng đời của nó. Đối với những chiếc áo choàng và áo vét bạn muốn giữ lại lâu dài, tôi khuyên bạn nên đơm cúc dự phòng vào lớp vải lót ngay khi mới mua chúng. Đối với những quần áo khác, nếu bạn mất một chiếc cúc và thực sự muốn thay cúc mới, bạn luôn có được điều mình cần bằng cách tới một cửa hiệu may vá. Từ thực tiễn công việc của mình, tôi đi đến kết luận là khi một chiếc cúc rơi ra, người ta thường không buồn đơm chiếc cúc mới cho dù họ có cúc dự phòng. Thay vào đó, hoặc là họ tiếp tục mặc trang phục thiếu cúc đó hoặc cất nó đâu đó trong tủ quần áo. Nếu thực tế là dù thế nào bạn cũng sẽ không dùng đến cúc dự phòng, vậy thì cũng chẳng sao nếu bạn vứt chúng đi.
Một vài người giữ lại những chiếc hộp đựng thiết bị điện bởi họ nghĩ như thế có thể được giá hơn khi bán lại những thiết bị này. Tuy nhiên, việc này chỉ khiến bạn lãng phí thời gian. Nếu xem xét chi phí mà bạn bỏ ra thì sẽ thấy việc biến không gian của bạn thành nơi cất giữ những chiếc hộp rỗng sẽ khiến bạn phí tổn nhiều hơn cả số tiền mà bạn có thể kiếm được từ việc bán một thiết bị còn nguyên hộp. Bạn cũng không cần giữ chúng vì lí do vận chuyển. Bạn có thể lo lắng về việc phải tìm những chiếc hộp phù hợp khi phải vận chuyển đồ đạc. Thế nhưng thật buồn cười nếu để một chiếc hộp tẻ ngắt chiếm dụng không gian trong nhà bạn chỉ vì bạn có thể cần dùng đến nó vào một ngày nào đó.
Tôi thường bắt gặp những chiếc ti vi và đài hỏng ở nhà của các khách hàng. Hiển nhiên, không có lí do gì để giữ lại chúng. Nếu bạn cũng có những thiết bị đã hỏng, hãy xem đây là cơ hội để bạn liên hệ với cơ sở tái chế địa phương và từ bỏ chúng.
Một chiếc đệm hoặc giường gấp, chăn, gối, ga giường – một bộ đồ giường ngủ như thế chiếm rất nhiều diện tích. Đó là thứ phổ biến nữa được vứt bỏ trong các bài học của tôi, và lại một lần nữa, các khách hàng của tôi hiếm khi bỏ lỡ cơ hội này. Mặc dù đáng để chuẩn bị giường chiếu và phòng ở nếu như bạn thường xuyên có khách đến nhà, nhưng thực sự không cần thiết nếu như bạn chỉ có vài vị khách ở qua đêm một đôi lần mỗi năm. Nếu thực sự cần một bồ đồ giường ngủ như vậy, bạn có thể thuê, đó là cách thay thế mà tôi khuyên bạn nên áp dụng. Đồ giường ngủ cất vô thời hạn trong tủ đồ thường bốc mùi ẩm mốc đến mức bạn sẽ không muốn để khách của mình sử dụng nó.
Bạn có bộ mỹ phẩm để nguyên chưa dùng suốt cả năm hoặc không mấy khi sử dụng đến hay không? Nhiều người cất giữ đồ mỹ phẩm để sử dụng cho những chuyến đi, nhưng khi đi đâu đó dường như họ lại không bao giờ lấy chúng ra. Tôi đã liên hệ với nhiều nhà sản xuất để hỏi về vòng đời của những sản phẩm này. Câu trả lời rất khác nhau. Một vài thứ chỉ có thời hạn trong vài tuần trong khi những thứ khác vẫn còn dùng tốt trong một năm. Khi số lượng rất nhỏ thì chất lượng của mỹ phẩm càng xuống cấp nhanh hơn. Sử dụng mỹ phẩm đã hết hạn, đặc biệt khi bạn sắp sửa hưởng thụ những chuyến đi vui vẻ, dường như là điều vô cùng dại dột.
Thắt lưng giảm béo, các chai thủy tinh đựng tinh dầu trị liệu, máy ép nước hoa quả chuyên dụng, máy giảm cân tạo chuyển động như cưỡi ngựa – dường như sẽ thật lãng phí nếu vứt bỏ những thứ giá trị này đi giống như những thứ bạn đã đặt mua qua Internet nhưng không bao giờ dùng đến. Hãy tin tôi, tôi có thể hiểu chuyện này. Thế nhưng bạn có thể bỏ chúng đi. Bạn đã có được niềm vui khi mua chúng. Hãy bày tỏ sự cảm kích vì những đóng góp của chúng đối với cuộc sống của bạn bằng cách nói với chúng: “Cảm ơn sự nổi tiếng mà bạn mang lại cho tôi khi tôi mua bạn”, hoặc “Cảm ơn bạn đã giúp tôi thon gọn hơn trước”. Sau đó hãy bỏ chúng đi với niềm tin rằng bạn trở nên khỏe mạnh hơn vì đã mua chúng.
Một dụng cụ làm sạch màn hình điện thoại khi mua một chai soda, một chiếc bút bi khắc tên trường của bạn, một chiếc quạt ở một sự kiện, một vật may mắn gắn kèm chai nước ngọt, một bộ cốc nhựa là phần thưởng trong trò chơi xổ số của cửa hàng, những chiếc cốc in logo của một công ty bia, miếng giấy ghi chú có nhãn của một công ty dược, một tập 5 tờ giấy thấm, một cuộn lịch quảng cáo (vẫn còn nguyên trong ống đựng), một cuốn lịch bỏ túi (chưa dùng đến trong vòng 6 tháng). Không thứ nào trong đó mang lại niềm vui cho bạn. Đừng băn khoăn gì hết, hãy vứt chúng đi.
Giờ đây bạn đã sắp xếp xong quần áo, sách vở, giấy tờ và komono, đã đến lúc bạn có thể xử lí nhóm cuối cùng – những thứ chứa đựng giá trị cảm xúc. Tôi để nhóm này sau cùng là vì những thứ thuộc nhóm này khiến bạn khó có thể từ bỏ. Một vật kỉ niệm nhắc chúng ta nhớ lại khoảng thời gian mà nó mang niềm vui đến cho chúng ta. Suy nghĩ phải vứt bỏ chúng gợi ra nỗi lo sợ là bạn sẽ mất đi những kỉ niệm quý giá gắn với chúng. Nhưng bạn không cần phải lo lắng. Những kỉ niệm quý giá thực sự sẽ không bao giờ biến mất chỉ vì bạn đã bỏ đi những vật gắn liền với chúng. Mặt khác, khi nghĩ về tương lai, có đáng để giữ lại những vật kỉ niệm rồi đến lúc nào đó bạn sẽ quên? Chúng ta đang sống trong hiện tại. Dẫu cho có những thứ tuyệt vời từng tồn tại thì chúng ta cũng không thể sống mãi trong quá khứ được. Niềm vui và sự hứng khởi mà chúng ta cảm nhận ở đây và lúc này mới là điều quan trọng hơn cả. Vì thế, một lần nữa, cách quyết định xem thứ gì đó có nên giữ lại hay không là cầm nó lên và tự hỏi bản thân: “Thứ này có mang lại niềm vui không?”
Tôi sẽ kể cho bạn nghe về một khách hàng của tôi mà tôi gọi là “A”. Cô ấy là một bà mẹ 30 tuổi có hai đứa con, sống trong một gia đình gồm 5 người. Khi tới thăm nhà cô trong lần gặp thứ hai, tôi thấy rõ ràng là số lượng đồ vật trong nhà cô đã giảm xuống. Tôi nói: “Thực sự là cô đã làm việc chăm chỉ đấy. Trông như thể cô đã bỏ đi đến cả 30 túi đồ.”
Với vẻ hài lòng, cô ấy nói: “Vâng, đúng thế! Tôi đã gửi tất cả các vật kỉ niệm của mình sang nhà bố mẹ”. Tôi gần như không tin nổi vào tai mình. Cô ấy đã sử dụng phương pháp dọn dẹp “gửi đồ đạc sang nhà bố mẹ”. Khi mới bắt đầu khởi sự công việc giảng dạy và tư vấn về dọn dẹp, lúc đó tôi thực sự đã nghĩ rằng việc gửi đồ đạc “về nhà” là đặc quyền của những người vốn sống trong những ngôi nhà lớn ở miền thôn quê. Nhiều người trong số các khách hàng của tôi là những bà mẹ đơn thân hoặc những bà mẹ trẻ sống ở Tokyo. Nếu họ xin phép được gửi đồ đạc về nhà bố mẹ, tôi nói: “Được chứ. Miễn là bạn làm ngay tức khắc.” Tôi không bao giờ nghĩ ngợi gì về chuyện này cho đến khi nhóm khách hàng của tôi mở rộng tới những ngôi nhà ở miền thôn quê. Khi biết được tình trạng thực tế ở nhà bố mẹ của họ, tôi buộc phải rút lại ý kiến vội vã của mình.
Giờ đây tôi nhận ra rằng những người sống trong một căn hộ có đồ được gửi, chẳng hạn nhà bố mẹ của ai đó, thực sự không may mắn. Thậm chí nếu ngôi nhà rộng rãi với những phòng bỏ trống thì nó cũng không thể mở rộng không gian vô hạn tới chiều thứ tư được. Người ta không bao giờ tìm lại được những chiếc hộp mà họ đã gửi về “nhà”. Ngay khi được gửi đi, nó sẽ không bao giờ được mở ra lần nào nữa.
Nhưng hãy để tôi quay lại với câu chuyện của mình. Một thời gian sau, mẹ của A bắt đầu tham gia khóa học của tôi. Tôi biết rằng nếu bà ấy đi học, chúng tôi sẽ phải xử lí những đồ đạc mà A đã gửi về nhà. Khi tới thăm nhà mẹ của A, tôi thấy phòng của A được để nguyên không đụng chạm đến. Đồ đạc của cô xếp đầy trên giá sách và trong tủ đồ, và còn có cả hai chiếc thùng lớn để trên sàn. Giấc mơ của mẹ cô là có một không gian cho riêng mình mà ở đó bà có thể thư giãn, thế nhưng thậm chí dù A đã chuyển đi từ lâu, đồ đạc của cô vẫn được cất giữ trân trọng trong phòng của cô. Và không gian duy nhất mà mẹ cô cảm thấy thuộc về mình chính là nhà bếp. Chuyện này dường như rất bất bình thường. Tôi đã liên lạc với A và nói: “Mẹ con bạn sẽ không thể tốt nghiệp khóa học này cho đến khi cả hai xử lí được tất cả những thứ mà bạn đã bỏ lại nhà của bố mẹ”.
Vào ngày chúng tôi gặp nhau lần cuối, trông A vô cùng hạnh phúc. “Bây giờ tôi đã có thể vui hưởng quãng đời còn lại mà không phải bận lòng gì nữa.” Cô đã trở về nhà bố mẹ và dọn dẹp mọi đồ đạc của mình. Trong hai chiếc hộp để trên sàn, cô đã tìm thấy nhật kí, những bức ảnh của bạn trai cũ, một núi thư từ và bưu thiếp… “Tôi thật là ngốc khi gửi những thứ mà tôi không muốn từ bỏ về nhà của bố mẹ. Khi xem lại từng thứ một, tôi nhận ra rằng mình đã từng sống trong những giây phút hạnh phúc ấy và tôi có thể cảm ơn những vật kỉ niệm của mình vì chúng đã mang lại cho tôi những khoảnh khắc tuyệt vời. Khi vứt bỏ chúng, tôi cảm thấy như thể lần đầu tiên trong đời đối diện với quá khứ của chính mình.”
Vậy đấy. Bằng cách cầm lấy từng vật có giá trị tình cảm và quyết định xem nên bỏ thứ gì, bạn đang trải nghiệm lại quá khứ. Nếu bạn chỉ xếp gọn những thứ này vào trong ngăn kéo hoặc hộp các tông, thì trước khi bạn kịp nhận ra, quá khứ sẽ trở thành một gánh nặng kéo bạn lùi trở lại và ngăn bạn sống trong hiện thực. Vì thế, dọn dẹp đồ đạc cũng có nghĩa là dọn dẹp quá khứ. Nó giống như thể bạn đang tái lập lại cuộc sống và thanh lí những tồn đọng để bạn có thể tiếp tục tiến về phía trước.
Thứ cuối cùng trong thể loại vật dụng lưu giữ tình cảm là các bức ảnh. Tất nhiên tôi có lí do chính đáng để xếp tranh ảnh sau cùng. Nếu bạn đang trong quá trình sắp xếp và loại bỏ vật dụng theo trật tự mà tôi khuyến nghị, thì có thể bạn đã bắt gặp các bức ảnh ở nhiều chỗ khác nhau, chẳng hạn như bị kẹp giữa các cuốn sách trên giá sách, nằm trong ngăn kéo bàn hoặc ẩn mình trong hộp đựng đồ lặt vặt. Trong khi nhiều bức ảnh đã yên vị trong các cuốn album thì tôi dám chắc là bạn sẽ thấy một hay hai bức hình gửi kèm theo thư hoặc nằm trong chiếc phong bì của cửa hiệu ảnh vẫn còn chưa mở. (Tôi không hiểu tại sao có nhiều người lại để ảnh trong những chiếc phong bì như vậy.) Bởi những bức ảnh có xu hướng hiện ra ở những nơi không mong chờ nhất khi chúng ta đang xếp loại những vật dụng khác, cho nên tốt nhất là mỗi khi tìm thấy một bức ảnh, chúng ta hãy để nó vào một nơi xác định và xử lí tất cả các bức ảnh vào lúc sau cùng.
Còn một lí do nữa khiến tôi để việc sắp xếp ảnh sau cùng. Nếu bạn bắt đầu sắp xếp ảnh trước khi mài giũa trực giác của mình về chuyện việc này sẽ mang lại cho bạn niềm vui, thì toàn bộ quá trình sắp xếp, phân loại vật dụng sẽ mất kiểm soát, trở nên rối bời và không đi đến đâu. Trái lại, nếu bạn tuân theo đúng thứ tự của việc sắp xếp gọn gàng (tức là từ quần áo, sách vở, giấy tờ, komono rồi mới tới các vật lưu giữ tình cảm), thì quá trình phân loại sẽ diễn ra suôn sẻ và bạn sẽ phải kinh ngạc về khả năng lựa chọn điều mang lại cảm giác thư thái, khoan khoái cho chính mình.
Bạn hãy nhớ là chỉ có một cách duy nhất để sắp xếp ảnh mà lại mất ít thời gian. Phương pháp đúng là gỡ toàn bộ ảnh ra khỏi các cuốn album và xem kĩ từng bức ảnh. Những ai phản đối cách làm này và cho rằng đây là việc làm kém hiệu quả là những người không bao giờ thực sự sắp xếp lại ảnh của mình. Các bức ảnh chỉ tồn tại để cho thấy một sự kiện hoặc thời khắc cụ thể nào đó. Do đó, bạn cần xem lại từng bức ảnh một. Khi làm thế, bạn sẽ ngạc nhiên vì mình có thể thấy rõ sự khác biệt giữa những bức ảnh khiến bạn rung động và những bức ảnh không để lại cảm xúc nào. Thường thì người ta chỉ giữ lại những bức ảnh khơi gợi cảm xúc cho bản thân.
Với phương pháp này, bạn sẽ chỉ cần khoảng 5 giờ cho cuộc hành trình đặc biệt đó, nhưng lại khiến khoảng thời gian còn lại trong ngày tràn đầy những hình ảnh sống động. Những thứ thực sự quan trọng không cần số lượng lớn. Những bức ảnh ghi lại những cảnh tượng không vui thậm chí không đáng để bỏ vào thùng rác. Ý nghĩa của một bức ảnh nằm ở sự vui sướng mà bạn cảm thấy khi xem nó. Trong nhiều trường hợp, những bức ảnh in phát triển sau này đã tồn tại lâu hơn mục đích ban đầu của chúng.
Đôi khi người ta giữ cả đống ảnh trong một chiếc hộp lớn với ý định sẽ vui thú xem lại chúng vào một ngày nào đó khi về già. Tôi có thể nói với bạn rằng “cái ngày nào đó” sẽ chẳng bao giờ đến. Tôi không thể đếm hết được mình đã chứng kiến có bao nhiêu chiếc hộp đựng những bức ảnh không được sắp xếp đã bị bỏ lại khi ai đó qua đời. Sau đây là đoạn đối thoại điển hình của tôi với các khách hàng:
“Chiếc hộp đó đựng gì thế?”
“Những bức ảnh.”
“Anh có thể sắp xếp chúng sau cùng.”
“Ồ, nhưng chúng không phải là ảnh của tôi. Đó là các bức ảnh của ông tôi.”
Mỗi lần nói chuyện như vậy lại khiến tôi cảm thấy buồn. Tôi không thể cầm lòng được với suy nghĩ rằng cuộc sống của những người quá cố ấy chắc hẳn sẽ phong phú hơn nếu như khoảng trống bị chiếc hộp đó chiếm chỗ được giải phóng khi họ còn sống. Bên cạnh đó, khi về già, chúng ta cũng không thể sắp xếp ảnh được. Nếu bạn đang bỏ mặc nhiệm vụ này trong khi bạn vẫn đang ngày một già đi, thì đừng đợi chờ thêm nữa. Hãy sắp xếp lại ảnh ngay bây giờ. Bạn sẽ thích thú với những bức ảnh hơn nhiều so với khi bạn đã già nua – khi đó, nếu những bức ảnh vẫn còn nằm nguyên trong album, bạn sẽ phải sắp xếp và phân loại cả một thùng ảnh nặng nề.
Một thứ nữa không khác gì các bức ảnh cũng khiến bạn cảm thấy khó khăn trong việc loại bỏ bớt đi, đó là những vật kỉ niệm của con cái bạn. Chẳng hạn một món quà có dòng chữ “Con cảm ơn cha.” Một bức tranh do con trai bạn vẽ được giáo viên chọn để treo ở sảnh chính của trường học hoặc một món đồ trang trí do con gái bạn tự làm. Nếu những thứ này vẫn mang lại cho bạn niềm vui, vậy thì chúng đáng được giữ lại. Nhưng nếu các con của bạn đã trưởng thành và bạn giữ các vật kỉ niệm này vì bạn nghĩ việc bỏ chúng đi sẽ làm tổn thương con mình, vậy thì hãy hỏi các con của bạn. Gần như chắc chắn là chúng sẽ nói: “Gì thế ạ? Cha/mẹ vẫn giữ cơ à? Cha/mẹ cứ việc bỏ nó đi thôi ạ.”
Còn những thứ thuộc về tuổi thơ của bạn thì sao? Bạn có còn giữ những bản báo cáo của nhà trường hay những chứng chỉ của các kì thi không? Khi khách hàng của tôi lôi ra một bộ đồng phục từ 40 năm trước, tôi có cảm giác tim mình như thắt lại vì xúc động. Nhưng bạn vẫn nên vứt bỏ chúng đi. Hãy bỏ tất cả những bức thư của bạn gái hoặc bạn trai đã gửi cho bạn từ nhiều năm trước. Đến lúc này, người viết bức thư đó từ lâu đã quên những gì mà anh ta hoặc cô ta đã viết và thậm chí quên cả sự tồn tại của chính bức thư đó. Còn những phụ kiện mà bạn từng được tặng, hãy giữ lại chỉ khi chúng thực sự mang lại cho bạn niềm vui. Nếu bạn giữ chúng vì bạn không thể quên được người bạn trai cũ, thì tốt nhất là bạn nên bỏ chúng đi. Quyến luyến với chúng chỉ khiến bạn bỏ lỡ cơ hội có được những mối quan hệ mới mà thôi.
Đó không chỉ là những kỉ niệm mà còn là con người mà chúng ta đã trở thành, bởi vì chúng thể hiện những trải nghiệm trong quá khứ mà chúng ta trân quý. Đây chính là bài học mà những vật kỉ niệm dạy chúng ta khi chúng ta sắp xếp chúng. Khoảng trống để chúng ta sống lúc này là vì con người mà chúng ta đang trở thành, chứ không phải vì con người của chúng ta trong quá khứ.
Tôi thường phải đối mặt với hai điều đáng ngạc nhiên khi giúp các khách hàng xếp đặt lại trật tự trong ngôi nhà của họ: những vật hết sức khác thường và số lượng đồ khổng lồ. Tình cờ là lúc nào tôi cũng gặp phải điều đáng ngạc nhiên đầu tiên ấy. Đó có thể là một chiếc micrô của một ca sĩ hoặc những dụng cụ nấu ăn mới nhất của một ai đó thích nấu nướng. Thế là hàng ngày tôi đều có được những cuộc chạm trán thú vị với những món đồ không biết đâu mà lần. Chuyện này bình thường thôi vì các khách hàng của tôi có sở thích và nghề nghiệp hết sức đa dạng.
Với tôi, cú sốc thực sự là khi phát hiện ra cả một kho lớn của đúng một thứ đồ mà bạn có thể tìm thấy ở bất cứ gia đình nào. Khi làm việc, tôi luôn ghi lại số lượng tạm tính của những món đồ khác nhau mà khách hàng sở hữu và đặc biệt để mắt đến bảng xếp hạng về những món đồ được cất giữ vì những kỉ lục thường được xác lập nhanh chóng. Ví dụ, có lần tôi phát hiện ra bộ sưu tập lớn bàn chải đánh răng ở nhà của một khách hàng. Kỉ lục được lập trước đó là 35 chiếc bàn chải đánh răng. Dường như bộ sưu tập này thậm chí còn lớn hơn. “Có lẽ chị có nhiều hơn một chút so với nhu cầu chị cần,” tôi nhận xét như thế và chúng tôi cùng cười vui vẻ. Nhưng đúng là kỉ lục mới này đã vượt xa kỉ lục cũ. Khách hàng này có tới 60 chiếc bàn chải đánh răng! Được xếp trong những chiếc hộp đặt trong tủ đựng đồ bên dưới bồn rửa mặt, chúng trông giống như một tác phẩm nghệ thuật. Điều thú vị là cách mà tâm trí con người cố gắng tạo ra ý nghĩa cho những thứ chẳng có ý nghĩa cả. Tôi cứ suy nghĩ mãi về chuyện có phải vì cô ấy đánh răng quá kĩ nên mỗi ngày lại dùng một chiếc hay không, hay là cô ấy đánh mỗi chiếc răng bằng một bàn chải.
Chuyện ngạc nhiên khác là một kho chứa 30 thùng giấy bóng gói thực phẩm. Tôi mở tủ bếp bên trên bồn rửa bát và thấy một đống những thứ giống như những khối LEGO lớn màu vàng. Khách hàng của tôi giải thích: “Tôi sử dụng giấy bóng hàng ngày vì nó rất tiện dụng.” Nhưng thậm chí cô ấy có dùng hết một hộp mỗi tuần thì số lượng đó cũng phải hơn nửa năm mới hết được. Mỗi cuộn giấy bóng có độ dài thông thường là 20m. Để mỗi tuần dùng hết một cuộn, bạn sẽ phải bọc 66 lần cho một tấm có đường kính 20cm, thậm chí có thể phóng tay hơn nữa cũng được. Chỉ nghĩ đến việc lặp đi lặp lại hành động kéo và xé giấy bóng nhiều lần như vậy cũng đủ khiến tôi bị hội chứng ống cổ tay(1) rồi.
Còn về giấy vệ sinh, kỉ lục tích trữ đạt đến con số 80 cuộn. Khách hàng của tôi phân trần: “Cô biết đấy, tôi bị yếu đường ruột… Tôi dùng giấy vệ sinh nhanh lắm.” Nhưng cho dù dùng hết một cuốn giấy mỗi ngày thì bà ấy vẫn có đủ lượng cung cấp ít nhất trong vòng 3 tháng.
Tuy nhiên, tột bậc phải là một kho 20.000 cái tăm bông vệ sinh, tích trữ 100 hộp, mỗi hộp đựng 200 cái tăm bông. Nếu khách hàng của tôi dùng một cái tăm bông mỗi ngày thì cô ấy cần đến 55 năm mới sử dụng hết số lượng đó. Cái tăm bông cuối cùng được dùng vào ngày cuối cùng có lẽ sẽ là cái tăm bông thần thánh.
Có lẽ bạn khó mà tin được những con số này, nhưng tôi không đùa đâu. Điều kì lạ ở chỗ không một ai trong số các khách hàng trên nhận ra họ thực sự đang có bao nhiêu vật dụng đó cho đến khi họ bắt đầu thu dọn nhà cửa. Và thậm chí cho dù họ sở hữu một kho tích trữ lớn đến vậy, họ luôn cảm thấy như thể họ vẫn không đủ dùng và lo lắng mình đang dùng hết mất rồi. Với những người hay tích trữ, tôi không nghĩ rằng họ sẽ cảm thấy an toàn với bất kì số lượng nào. Càng có nhiều thì họ càng sợ là mình đang dùng hết, thế là họ càng cảm thấy lo lắng nhiều hơn. Thậm chí cho dù họ còn lại hai chiếc thì họ sẽ đi mua về thêm năm chiếc nữa.
Không giống với một cửa hàng, nếu nhà bạn hết đồ gì đó, chuyện này chẳng có gì to tát cả. Có thể vì bạn đang căng thẳng một chút thôi, nhưng đó không phải là thiệt hại gì không thể sửa chữa được. Nhưng chúng ta làm thế nào để kiểm soát được những kho tích trữ này? Mặc dù giải pháp tốt nhất dường như là nên dùng bằng hết tất cả các đồ tích trữ đó, nhưng trong nhiều trường hợp chúng đã hết hạn sử dụng từ lâu và cần phải quẳng đi. Tôi đặc biệt khuyến nghị bạn nên bỏ lượng tích trữ dư thừa ngay lập tức. Hãy đem chúng cho những người đang cần sử dụng, hiến tặng hoặc mang chúng đến một cửa hàng tái chế. Bạn có thể nghĩ điều này là lãng phí tiền bạc, nhưng giảm bớt kho tích trữ và gánh nặng của sự dư thừa là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để mọi thứ thuộc về bạn trở nên ngăn nắp.
Ngay khi bạn được trải nghiệm cuộc sống không tích trữ dư thừa, bạn sẽ không muốn từ bỏ cuộc sống ấy và sẽ ngừng tích trữ. Các khách hàng nói với tôi rằng giờ đây cuộc sống của họ trở nên vui vẻ hơn bởi khi thoát được thứ gì đó, họ vui thích xem mình có thể thiếu nó được bao lâu hoặc cố gắng thay thế nó bằng những thứ khác. Điều quan trọng là giờ đây bạn đã xử lí được điều khiến bạn vướng bận và xóa bỏ được sự tích trữ dư thừa.
Hãy sắp xếp bằng cách phân loại, theo trật tự đúng và chỉ giữ lại những thứ mang lại niềm vui. Hãy làm như thế một cách kĩ lưỡng và nhanh chóng. Nếu tuân thủ lời khuyên này, bạn sẽ giảm được đáng kể số lượng những thứ bạn đang có, trải nghiệm niềm vui mà bạn chưa từng biết và tự tin hơn trong cuộc sống.
Vậy thì sở hữu số lượng như thế nào là hoàn hảo? Tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người đều không biết câu trả lời. Nếu bạn sống cả đời ở Nhật Bản, gần như chắc chắn là bạn bị bao quanh bởi quá nhiều thứ, hơn hẳn so với nhu cầu. Tình hình này khiến nhiều người không hình dung được họ cần bao nhiêu là đủ cho một cuộc sống thoải mái. Khi giảm bớt những vật dụng thông qua quá trình dọn dẹp, sẽ tới lúc đột nhiên bạn biết bao nhiêu là đủ với mình. Bạn sẽ cảm thấy điều đó rõ ràng như thể có thứ gì đó nảy ra trong đầu mình và nói: “À! Đây chính là số lượng mà tôi cần để sống thoải mái. Đây là tất cả những gì tôi cần để cảm thấy hạnh phúc. Tôi không cần bất cứ thứ gì nữa.” Sự thỏa mãn bao trùm lấy toàn bộ con người bạn tại thời điểm đó sẽ rất rõ ràng. Tôi gọi nó là “thời điểm nhận thức đúng”. Thú vị thay, ngay khi bạn vượt qua thời điểm này, bạn sẽ thấy số lượng mà bạn cần sở hữu không bao giờ tăng lên nữa. Và chính vì vậy mà bạn sẽ không bao giờ muốn quay trở lại thói quen trước đây nữa.
Mỗi người lại có thời điểm nhận thức đúng khác nhau. Với một người yêu giày, đó có thể là 100 đôi, trong khi một người yêu sách không cần thứ gì ngoài sách. Một vài người, như tôi, có nhiều quần áo mặc trong nhà hơn là quần áo mặc khi đi ra ngoài, trong khi những người khác lại thích khỏa thân trong nhà và do đó chẳng cần quần áo mặc trong nhà làm gì. (Bạn sẽ kinh ngạc khi biết được số người có sở thích này.)
Khi dọn dẹp nhà cửa và giảm bớt những vật sở hữu, bạn sẽ thấy những giá trị thực sự của mình là gì, và thứ gì thực sự quan trọng với cuộc sống của bạn. Nhưng đừng chăm chăm vào việc giảm bớt đồ dùng hoặc những cách tích trữ hiệu quả. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc lựa chọn những thứ mang lại niềm vui và hưởng thụ cuộc sống theo những tiêu chuẩn của riêng bạn. Đây mới là sự thư thái đúng nghĩa của việc dọn dẹp. Nếu bạn vẫn chưa cảm thấy đạt tới điểm nhận thức đúng, đừng lo lắng. Bạn vẫn có thể tiếp tục giảm bớt đồ dùng. Hãy xử lí công việc này bằng sự tự tin.
“Hãy chọn những thứ khơi dậy niềm vui khi bạn chạm vào chúng.”
“Hãy treo những bộ quần áo khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn lên móc áo.”
“Đừng lo về việc vứt bỏ đi quá nhiều. Sẽ tới lúc bạn thấy điều này là đúng.”
Nếu bạn đọc đến đây, nghĩa là bạn đã thấy rằng trong phương pháp của tôi, cảm xúc của bạn là tiêu chuẩn để ra quyết định. Nhiều người có thể bối rối vì những tiêu chí mơ hồ như “những thứ làm bạn rùng mình vui sướng” hoặc “thời điểm nhận thức”. Đa số các phương pháp đều xác định những mục tiêu về số lượng rõ ràng, chẳng hạn: “Vứt bỏ bất kì thứ gì mà bạn không dùng đến hai năm qua”, hoặc “Bảy chiếc áo vét và mười chiếc áo choàng là con số hoàn hảo”, hoặc “Mỗi khi mua một thứ gì mới, hãy vứt bớt một thứ cũ đi.” Nhưng tôi tin rằng đây là lí do khiến cho những phương pháp trên chỉ mang lại hiệu quả trái ngược.
Thậm chí nếu những phương pháp trên tạm thời mang lại không gian ngăn nắp, thì một cách tự động, việc tuân theo những tiêu chí được người khác đưa ra và dựa trên “bí quyết” của họ sẽ không có hiệu quả lâu dài. Tất nhiên trừ phi những tiêu chí của họ trùng khớp với những tiêu chuẩn mà bạn cảm thấy là đúng. Chỉ có bạn mới biết môi trường nào khiến bạn cảm thấy hạnh phúc. Hành động thu dọn và lựa chọn đồ vật là việc hoàn toàn mang tính cá nhân. Để tránh phản tác dụng, bạn cần tạo ra phương pháp dọn dẹp với những tiêu chuẩn của riêng mình. Chính vì vậy việc bạn cảm thấy thế nào về mỗi vật mà bạn sở hữu lại có ý nghĩa quan trọng đến vậy.
Sự thực là việc sở hữu quá nhiều những đồ vật mà bạn không thể miễn cưỡng từ bỏ chúng không đồng nghĩa với việc bạn đang quan tâm đúng mức tới chúng. Thực tế thì gần như trái ngược hoàn toàn. Bằng cách giảm bớt số lượng đồ vật đến mức mà bạn có thể kiểm soát, bạn đang mang lại sức sống mới cho mối quan hệ với những vật sở hữu của mình. Nếu chỉ vì bạn quẳng thứ gì đó đi, nó không hẳn có nghĩa là bạn từ bỏ những trải nghiệm trong quá khứ hoặc bản sắc của mình. Thông qua quá trình lựa chọn chỉ những thứ mang lại niềm vui, bạn có thể xác định chính xác thứ mà bạn yêu và thứ mà bạn cần.
Khi chúng ta chân thành đối mặt với những thứ mà mình sở hữu, chúng sẽ gợi lên nhiều cảm xúc trong ta. Những cảm xúc đó hoàn toàn có thực. Đó là những cảm xúc mang lại năng lượng sống cho chúng ta. Hãy tin vào điều mà con tim mách bảo khi bạn hỏi: “Thứ này có khơi gợi niềm vui?” Nếu bạn hành động dựa trên trực giác này, bạn sẽ kinh ngạc về cách mà mọi thứ sẽ bắt đầu kết nối trong cuộc sống của bạn và về những thay đổi lớn lao tiếp sau đó. Nó giống như thể cuộc sống của bạn đã thay đổi nhờ phép màu. Dọn dẹp ngôi nhà của bạn là phép màu để tạo ra một cuộc sống sinh động và hạnh phúc.
Dọn dẹp theo thứ tự
Tuân theo thứ tự đúng trong việc phân loại
Cánh cửa mở ra sau tiếng “cách”, và người phụ nữ bên trong nhìn ra có vẻ lo âu. “Xin chào”. Các khách hàng của tôi hầu như luôn có chút căng thẳng vào lần đầu tiên tôi tới thăm nhà họ. Sự căng thẳng này không còn bắt nguồn từ sự e dè nữa mà từ nhu cầu cố gắng đối mặt với một thử thách quan trọng.
“Cô có nghĩ là nhà tôi có thể thực sự dọn dẹp ngăn nắp được không? Ở đây thậm chí chẳng còn chỗ nào để cô đặt chân nữa.”
“Tôi không biết làm sao để có thể thực sự dọn dẹp triệt để chỉ trong một thời gian ngắn như thế.”
“Cô nói là không một khách hàng nào của cô từng phải chịu cảnh trở lại trạng thái cũ. Nhưng liệu tôi có phải là người đầu tiên không?”
Hầu hết họ đều hết sức kích động, nhưng tôi biết chắc rằng tất cả bọn họ sẽ ổn cả thôi. Ngay cả những người bản chất là lười nhác hoặc bừa bộn, thậm chí những người kế thừa sự nhếch nhác của nhiều thế hệ trước hoặc những người cực kì bận rộn, tất cả đều có thể học dọn dẹp đúng cách nếu họ sử dụng Phương pháp KonMari.
Hãy để tôi chia sẻ một bí mật. Hãy khiến việc dọn dẹp nhà cửa gọn gàng trở thành một thú vui! Quá trình xử lí những cảm xúc về đồ đạc mà bạn sở hữu, xác định những thứ nào đã hoàn thành mục đích của chúng, thể hiện thái độ của bạn và từ bỏ chúng thực sự là một quá trình để kiểm tra cái tôi nội tại trong bạn, một nghi lễ để chuyển sang một cuộc sống mới. Thước đo cho sự đánh giá chính là trực giác của bạn về sự hấp dẫn của vật sở hữu, và do đó không cần tới những lí thuyết phức tạp hoặc các số liệu. Tất cả những gì bạn cần làm là tuân theo thứ tự đúng. Vì vậy, hãy trang bị cho mình thật nhiều túi rác và sẵn sàng cho một quá trình lí thú.
Hãy bắt đầu với trang phục, sau đó tới sách vở, tài liệu, đồ tạp loại và cuối cùng là những thứ có giá trị về tinh thần. Nếu giảm bớt các vật sở hữu theo thứ tự này, công việc của bạn sẽ tiến triển hết sức dễ dàng. Bằng cách bắt đầu với những vật dụng dễ đánh giá và để những thứ khó đánh giá nhất sau cùng, bạn có thể dần dần cải thiện các kĩ năng ra quyết định của mình, vì thế đến khi kết thúc, mọi chuyện dường như trở nên đơn giản.
Đối với nhóm đầu tiên – trang phục, tôi khuyên bạn nên phân chia thành các nhóm nhỏ để công việc hiệu quả hơn:
– Phần trên (áo sơ mi, áo len dài tay, v.v.)
– Phần dưới (quần dài, váy, v.v.)
– Quần áo nên treo trên giá (áo khoác, áo măng tô, com lê, v.v.)
– Tất
– Đồ lót
– Túi xách, v.v.
– Đồ phụ trợ (khăn quàng, thắt lưng, mũ nón, v.v.)
– Quần áo cho dịp đặc biệt (đồ bơi, đồng phục, v.v.)
– Giày dép
Và, đúng vậy, tôi cũng coi túi xách và giày dép là trang phục.
Tại sao đây lại là thứ tự tối ưu? Thực sự tôi không biết chắc tại sao lại thế, nhưng dựa trên kinh nghiệm mà tôi có được sau nửa cuộc đời dành cho việc dọn dẹp, tôi có thể nói với bạn chắc chắn một điều là nó hiệu quả! Hãy tin tôi. Nếu bạn tuân theo thứ tự này, bạn sẽ đẩy nhanh được tiến độ và nhanh chóng đạt được những kết quả đáng kinh ngạc. Hơn nữa, vì bạn sẽ chỉ giữ lại những gì mà bạn thực sự yêu thích, cho nên năng lượng và niềm vui của bạn sẽ gia tăng. Cơ thể bạn có thể mệt mỏi, nhưng cảm giác tuyệt vời khi rũ bỏ được những thứ không cần thiết sẽ khiến bạn thấy khó mà dừng việc dọn dẹp được.
Tuy nhiên, điều quan trọng là quyết định nên giữ lại thứ gì. Thứ gì sẽ mang lại cho bạn niềm vui nếu bạn giữ chúng lại như một phần trong cuộc sống của mình? Hãy cầm chúng lên như thể bạn đang xem xét những món đồ mà bạn yêu mến trong gian trưng bày ở cửa hàng ưa thích của bạn. Ngay khi bạn đã nắm được những nguyên tắc cơ bản, hãy xếp tất cả các trang phục lại thành một đống, dùng tay lấy chúng ra từng chiếc một và tự thầm hỏi: “Thứ này có mang lại niềm vui?” Và như thế lễ hội dọn dẹp của bạn bắt đầu.
Bước đầu tiên là kiểm tra tất cả các tủ quần áo, tủ đồ và ngăn kéo trong nhà, tiếp đó gom tất cả các trang phục của bạn vào một chỗ. Đừng bỏ sót một chiếc tủ hay ngăn kéo nào. Hãy đảm bảo rằng bạn đã gom tới trang phục cuối cùng. Khi các khách hàng của tôi nghĩ là họ đã xong, tôi luôn hỏi họ câu hỏi này: “Bạn có chắc là không còn trang phục nào sót lại trong nhà đấy chứ?” Rồi tôi nói thêm: “Nếu có trang phục nào mà sau này bạn tìm thấy. Thì chúng sẽ tự động nằm vào đống đồ bỏ đi.” Tôi cho họ biết là tôi nói hoàn toàn nghiêm túc. Tôi không có ý định cho họ giữ lại bất cứ thứ gì được tìm thấy sau khi việc phân loại đã hoàn thành. Câu trả lời của họ luôn là: “Ồ, chờ đã nhé. Tôi nghĩ có thể còn thứ gì đó trong tủ quần áo của chồng tôi”, hoặc “À! Có lẽ tôi còn treo thứ gì đó ở hành lang”, tiếp sau đó là lần sục sạo cuối cùng trong nhà và một vài thứ nữa lại được thêm vào đống trang phục.
Nguyên lí cơ bản này nghe hơi giống với hệ thống rút tiền tự động ra khỏi tài khoản để thanh toán hóa đơn tại ngân hàng, nhưng khi các khách hàng của tôi biết có một thời hạn cụ thể, họ sẽ lục tìm trí nhớ một lần nữa bởi họ không muốn mất trang phục nào đó mà chưa có cơ hội để quyết định xử lí thế nào với chúng. Tôi hiếm khi phải thật sự thực hiện đe dọa của mình, nếu ai đó không nhớ được một thứ gì vào thời điểm này thì chứng tỏ nó không đem lại niềm vui, và do đó tôi sẽ không khoan nhượng. Ngoại lệ duy nhất là những trang phục đang ở nơi giặt ủi.
Khi tất cả trang phục đã được gom lại, thì riêng đống trang phục thân trên đã luôn cao tới tận gối rồi. Thuật ngữ “trang phục thân trên” bao gồm quần áo dùng theo mùa từ áo phông, coóc-xê cho tới áo len dệt kim. Số lượng trung bình cho đống trang phục đầu tiên này là vào khoảng 160 chiếc. Đương đầu với chướng ngại đầu tiên này trong quá trình dọn dẹp, phần lớn mọi người đều bị choáng ngợp trước số lượng lớn quần áo mà họ sở hữu. Vào lúc này, tôi thường nói: “Hãy bắt đầu với những trang phục đã qua mùa sử dụng.” Tôi có lí do chính đáng để lựa chọn trang phục đã qua mùa sử dụng cho lần thử sức đầu tiên của họ trong “lễ hội dọn dẹp” này. Đó là nhóm dễ phân loại nhất để đánh thức trực giác về cảm nhận của họ.
Nếu bắt đầu với quần áo vẫn đang sử dụng, các khách hàng của tôi có thể sẽ nghĩ: “Nó không gợi niềm vui nhưng tôi chỉ vừa mới mặc nó ngày hôm qua”, hoặc “Nếu tôi không còn bộ quần áo nào để mặc, vậy thì tôi biết phải làm sao?” Điều này khiến họ thấy càng khó đưa ra một quyết định khách quan. Bởi quần áo đã qua mùa sử dụng không cần dùng đến ngay lập tức cho nên sẽ dễ dàng hơn nhiều trong việc áp dụng các tiêu chuẩn đơn giản để đánh giá xem chúng có mang lại cho bạn niềm vui hay không. Tôi gợi ý bạn nên đặt câu hỏi này khi phân loại quần áo đã qua mùa sử dụng: “Tôi có còn muốn trông thấy trang phục này vào mùa tới hay không?” Hoặc, nói lại lần nữa: “Tôi có muốn mặc lại nó ngay khi nhiệt độ đột nhiên thay đổi hay không?”
“Tôi có muốn thấy nó nữa không? Ờ, không hẳn…” Nếu đó chính điều bạn cảm thấy thì hãy quẳng nó đi. Và nếu bạn đã mặc nó quá nhiều trong mùa trước, đừng quên bày tỏ sự cảm kích của bạn. Có thể bạn lo sợ rằng mình sẽ không còn quần áo mặc nếu sử dụng tiêu chuẩn đánh giá này. Đừng lo lắng. Có thể bạn đã bỏ đi rất nhiều trang phục, nhưng miễn là bạn đang chọn giữ lại những chiếc quần áo khiến bạn hài lòng, thì bạn sẽ có đủ số lượng mà bạn cần.
Ngay khi bạn đã thành thạo kĩ năng lựa chọn thứ mà mình yêu thích, bạn có thể chuyển sang xử lí các nhóm nhỏ thuộc nhóm trang phục đúng mùa. Những điểm quan trọng nhất cần ghi nhớ: hãy đảm bảo là bạn đã gom hết mọi trang phục trong nhà và xem xét từng chiếc một.
Việc vứt bỏ thứ gì đó khi nó vẫn hoàn toàn có thể sử dụng được dường như là một sự lãng phí, đặc biệt nếu như chính bạn là người đã mua nó. Trong những trường hợp như thế, các khách hàng của tôi thường hỏi tôi là họ có thể giữ lại những trang phục mà họ sẽ không bao giờ mặc khi đi ra ngoài nữa và sử dụng chúng như quần áo mặc trong nhà được không. Nếu tôi nói “được” thì chồng quần áo mặc trong nhà sẽ không ngừng lớn lên mà không làm giảm bớt chút nào tổng số quần áo của họ.
Nói như vậy là vì tôi phải thừa nhận rằng chính tôi từng có lúc làm điều tương tự với những chiếc quần áo mà tôi biết là mình sẽ không bao giờ mặc chúng khi đi ra ngoài nữa. Áo len đan đã sờn, áo choàng và váy cũ không còn phù hợp hoặc là tôi không bao giờ mặc chúng nữa – trước đây tôi cũng thói quen giáng cấp những dạng quần áo như vậy thành “đồ mặc ở nhà” thay vì bỏ chúng đi. Thế nhưng mười lần thì có đến chín lần tôi không bao giờ mặc lại chúng nữa.
Tôi sớm phát hiện ra rằng nhiều khách hàng của mình cũng có những bộ sưu tập “quần áo mặc ở nhà” nằm im trong tủ. Khi hỏi tại sao lại không mặc chúng, câu trả lời là: “Tôi không thấy thoải mái khi mặc chúng”, hoặc “Có vẻ phí phạm nếu mặc nó ở nhà trong khi nó là đồ để mặc khi đi ra ngoài”, hoặc “Tôi không thích nó”, v.v.. Nói cách khác, rốt cuộc thì những thứ quần áo vô dụng này không thực sự là đồ mặc trong nhà. Giáng cấp thành đồ mặc trong nhà chỉ là sự trì hoãn đối với việc phải loại bỏ những quần áo không mang lại niềm vui. Có những cửa hiệu chuyên bán đồ mặc trong nhà, và mẫu mã, chất liệu cũng như đường may đều nhằm đáp ứng cho sự thoải mái. Tất nhiên, đồ mặc trong nhà là một loại hoàn toàn khác so với loại quần áo chúng ta mặc ra đường. Những chiếc áo phông chất vải cotton chắc chắn là loại trang phục phổ biến nhất được tái sử dụng trong nhóm đồ mặc ở nhà.
Đối với tôi, có vẻ không đúng nếu như chúng ta giữ lại ở trong nhà những trang phục không còn khiến mình thoải mái nữa. Khoảng thời gian ở nhà luôn là một phần quý giá của cuộc sống. Giá trị đó không nên thay đổi chỉ bởi không ai thấy chúng ta đang làm gì. Do đó, bắt đầu từ ngày hôm nay, hãy từ bỏ thói quen giáng cấp trang phục không còn thích nữa thành đồ mặc ở nhà. Sự lãng phí thực sự không phải là ở chỗ từ bỏ những trang phục ta không thích, mà là mặc chúng cho dù ta đang cố gắng tạo ra một không gian cho lối sống lí tưởng của mình. Chính vì không ai ở đó để có thể thấy bạn làm gì nên bạn càng cần phải có ý thức hơn về việc củng cố hình ảnh bản thân bằng cách mặc những trang phục mà mình yêu thích.
Điều tương tự cũng đúng với những bộ pyjama. Nếu bạn là phụ nữ, hãy mặc thứ gì đó nữ tính hoặc thanh lịch như quần áo ngủ. Điều tệ nhất mà bạn có thể làm đó là mặc một bộ đồ thể thao nhếch nhác. Thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp những người ăn mặc như vậy vào bất kì lúc nào, kể cả khi thức dậy hay vẫn còn đang ngủ. Nếu đồ thể thao là trang phục hàng ngày của bạn thì cuối cùng trông bạn như thể lệ thuộc vào chúng, chứ không hề hấp dẫn chút nào. Thứ bạn mặc trong nhà sẽ tác động đến hình ảnh bản thân của bạn.
Sau khi kết thúc quá trình lựa chọn, các khách hàng của tôi luôn giữ lại chỉ khoảng 1/3 hoặc 1/4 số lượng quần áo ban đầu. Khi quần áo mà họ muốn giữ lại vẫn chồng thành đống giữa sàn nhà, đã đến lúc thu dọn chúng. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu bước tiếp theo, hãy để tôi kể các bạn nghe một câu chuyện.
Tôi từng có một khách hàng gặp phải vấn đề mà ngay cả tôi cũng không hiểu nổi. Tuổi khoảng ngũ tuần và ở nhà nội trợ, bà ấy nói với tôi trong suốt cuộc phỏng vấn ban đầu rằng tủ quần áo trong nhà của bà không đủ để cất giữ hết tất cả số quần áo. Tuy nhiên, rõ ràng là bà ấy có riêng hai tủ quần áo, hơn nữa chúng còn lớn gấp rưỡi tủ bình thường và thêm một chiếc khung treo với ba giá treo chật quần áo.
Quá kinh ngạc, tôi ước lượng sơ bộ là bà ấy phải có đến hơn 2.000 chiếc quần áo trong tủ. Và chỉ khi tới thăm nhà bà ấy, tôi mới hiểu. Tôi không thể tin vào mắt mình khi mở chiếc tủ tường đựng quần áo. Nó giống như thể đống mắc áo ken dày ở nhà của thợ giặt. Những chiếc mắc treo khít nhau không chỉ có áo choàng và váy mà còn cả áo phông, áo len, túi, thậm chí là cả đồ lót.
Khách hàng của tôi lập tức giải thích cụ thể về bộ sưu tập mắc treo quần áo của mình. “Loại mắc áo này được thiết kế dành riêng cho hàng dệt kim giúp quần áo không bị tuột ra. Và chúng được làm thủ công. Tôi mua chúng ở Đức đấy.” Sau 5 phút giải thích, bà ấy nhìn tôi, cười vui vẻ và nói: “Quần áo sẽ không bị nhàu nếu được treo lên. Và như thế chúng cũng sẽ bền hơn, phải không?” Tiếp tục hỏi chuyện, tôi còn phát hiện ra là bà ấy không gấp bất cứ thứ quần áo nào.
Có hai phương pháp cất giữ quần áo: thứ nhất mắc chúng vào mắc áo rồi treo lên giá và thứ hai là gấp chúng lại rồi cất trong ngăn kéo. Tôi có thể hiểu lí do tại sao người ta có thể bị hấp dẫn với việc treo quần áo. Dường như việc này mất ít công sức hơn. Tuy nhiên, tôi hết sức khuyến nghị rằng bạn nên gấp quần áo nhiều hơn. Nhưng việc gấp quần áo và cất chúng vào ngăn kéo sẽ mất công sức. Lồng chúng vào mắc áo rồi treo vào tủ sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nếu đó là điều bạn đang nghĩ, thì chứng tỏ bạn chưa biết đến tác dụng thực sự của việc gấp quần áo.
Xét ở khía cạnh tiết kiệm không gian, treo quần áo không thể so sánh với gấp quần áo được. Mặc dù còn tùy thuộc vào độ dày của quần áo, nhưng bạn có thể cất được từ 20 cho tới 40 chiếc quần áo được gấp trong cùng một không gian cần có để treo 10 chiếc quần áo. Khách hàng mà tôi đã nói ở trên chỉ có nhiều quần áo hơn mức trung bình một chút thôi. Nếu gấp quần áo, bà ấy có lẽ đã không gặp phải vấn đề về không gian cất giữ. Bằng cách gấp quần áo thôi, bạn có thể giải quyết được hầu hết mọi vấn đề liên quan tới việc cất giữ.
Thế nhưng đó không phải là tác dụng duy nhất của việc gấp quần áo. Lợi ích thực sự ở chỗ bạn phải xử lí bằng tay với từng chiếc quần áo một. Khi bạn đưa tay mình lên bề mặt vải, bạn đã truyền năng lượng của mình vào nó. Trong tiếng Nhật, từ “chữa lành” là “te-ate”, nghĩa đen là “chạm tay vào”. Thuật ngữ này bắt nguồn từ sự phát triển của y học hiện đại khi người ta tin rằng việc đặt tay lên vết thương sẽ thúc đẩy việc chữa lành. Chúng ta biết rằng sự tiếp xúc dịu dàng của cha mẹ, chẳng hạn việc cầm tay, xoa đầu và ôm ấp đứa trẻ, có tác dụng làm trẻ nhỏ cảm thấy an bình. Tương tự, một thông điệp êm ái và rõ ràng bằng bàn tay con người cũng làm cho các cơ khớp giãn ra hơn nhiều so với sự đấm bóp liên hồi của một cái máy. Năng lượng truyền từ tay người khác qua da thịt của chúng ta dường như có tác dụng chữa trị cả thể chất lẫn tâm hồn.
Điều tương tự cũng đúng đối với quần áo. Khi cầm quần áo trong tay và gấp chúng gọn gàng, thì chúng ta, đang truyền năng lượng, điều này có tác dụng tích cực tới quần áo của chúng ta. Gấp đúng cách sẽ khiến vải căng ra và loại bỏ nếp nhăn, giúp chất liệu vải bền chặt và dẻo dai hơn. Quần áo được gấp gọn gàng có sức đàn hồi và tươi mới mà người ta có thể nhận thấy ngay lập tức, khác hẳn so với những thứ quần áo bị lèn bừa bãi trong ngăn kéo. Việc gấp không phải chỉ là khiến quần áo được xếp vừa chặt trong ngăn kéo. Nó là một hành động chăm sóc, một biểu hiện của tình yêu và sự cảm kích vì quần áo đã giúp bạn tạo ra phong cách sống cho mình. Do đó, khi gấp quần áo, chúng ta cần đặt con tim mình vào từng hành động, cảm ơn quần áo vì chúng đã che chở cho cơ thể của chúng ta.
Ngoài ra, gấp quần áo sau khi chúng được giặt và phơi khô là dịp để chúng ta thực sự chú ý tới mọi chi tiết của chúng. Ví dụ, chúng ta có thể phát hiện ra những chỗ vải bị sờn hoặc nhận thấy một chiếc quần hay áo nào đó đang trở nên cũ mòn. Việc gấp thực sự là một hình thức đối thoại với tủ quần áo của chúng ta. Trang phục truyền thống của Nhật – kimono và yukata – luôn được gấp thành hình chữ nhật để có thể vừa khít trong những chiếc ngăn kéo được thiết kế riêng cho từng cỡ. Tôi không nghĩ là có bất kì nền văn hóa nào khác trên thế giới này mà những vật dụng dùng để cất giữ và trang phục lại vừa khít với nhau đến thế. Người Nhật nhanh chóng hiểu được cảm giác thư thái có được từ việc gấp quần áo, cứ như thể họ đã được lập trình từ trong gen di truyền để thực hiện công việc này vậy.
Quần áo giặt xong thì cần được cất đi, nhưng đây là lúc nhiều người gặp vướng mắc nhất. Gấp quần áo dường như là việc tốn công sức, đặc biệt khi quần áo thể nào cũng được họ mặc lại ngay sau đó. Nhiều người không muốn bị phiền phức nên chẳng bao lâu sau họ có cả một đống quần áo trên sàn nhà. Họ sa vào một thói quen hàng ngày đó là lấy thứ gì đó ra khỏi đống quần áo dưới sàn để mặc trong khi đống quần áo ấy cứ ngày một lớn thêm, cuối cùng tràn ra chiếm lấy không gian còn lại trong phòng.
Nếu đây là tình trạng của bạn thì cũng đừng lo lắng. Không một khách hàng nào của tôi biết gấp quần áo đúng cách trước khi tham dự các lớp học của tôi. Trên thực tế, chỉ có rất ít người tuyên bố rằng phương châm của họ là không bao giờ gấp quần áo. Tôi từng mở những chiếc tủ lèn chặt quần áo như thể chúng vừa được đóng gói hút chân không và tôi cũng từng chứng kiến những chiếc ngăn kéo chứa đầy quần áo bị cuộn xoắn lại như sợi mì. Bạn sẽ nghĩ rằng các khách hàng của tôi chưa bao giờ biết đến từ “gấp” trong đời. Nhưng khi kết thúc khóa học của tôi, tất cả họ, không trừ một ai, đều nói với tôi là “gấp quần áo thật vui!”
Một trong các khách hàng của tôi, một cô gái tuổi độ đôi mươi, ghét việc gấp quần áo đến mức mẹ cô phải làm thay việc này cho cô. Tuy nhiên, sau khóa học của tôi, cô ấy trở nên yêu thích việc gấp quần áo và thậm chí còn dạy lại cho mẹ về cách gấp sao cho đúng. Ngay khi làm chủ được kĩ năng này, bạn sẽ thực sự thích làm công việc này hàng ngày và sẽ thấy nó là một kĩ năng có ích đối với phần còn lại của cuộc đời. Trên thực tế, đi hết đời người mà không biết cách gấp quần áo là một thiệt thòi to lớn.
Bước đầu tiên là bạn hãy hình dung bên trong ngăn kéo sẽ trông như thế nào sau khi bạn hoàn thành việc gấp quần áo. Mục đích là sắp xếp quần áo sao cho chỉ cần liếc qua là bạn có thể thấy mọi thứ, giống như bạn có thể thấy gáy của cách cuốn sách trên giá vậy. Điều quan trọng trong việc cất giữ đồ vật đó là dựng thẳng chúng lên thay vì để chúng nằm bẹt ra. Vài người bắt chước các trưng bày trong cửa hàng, gấp từng chiếc quần áo thành một khối vuông rồi xếp chiếc nọ chồng lên trên chiếc kia. Đây là cách thức tuyệt vời để bày bán tạm thời trong các cửa hàng, nhưng không phải là điều mà chúng ta hướng tới để làm tại nhà, bởi vì khi ở nhà mối quan hệ của chúng ta với quần áo là trong suốt một thời gian dài.
Để cất giữ bằng cách dựng thẳng quần áo, thì chúng cần phải được tạo thành hình khối chắc chắn, có nghĩa là phải gấp nhiều hơn. Vài người tin rằng càng gấp nhiều thì quần áo càng dễ nhàu, nhưng điều đó không đúng. Số lần gấp một chiếc quần hay một chiếc áo không đồng nghĩa với số lực ép gây ra tình trạng nhàu. Thậm chí những chiếc quần áo được gấp nhẹ nhàng vẫn sẽ bị nhàu nếu chúng bị cất thành một đống bởi vì sức nặng của những chiếc quần áo khác dồn ép lên chúng. Hãy nghĩ về sự khác biệt giữa việc gấp một mảnh giấy so với việc gấp 100 mảnh giấy trong một lần. Khó có thể tạo ra nếp nhăn khi gập cả đống giấy chỉ một lần.
Ngay khi hình dung ra bên trong các ngăn kéo đựng sẽ như thế nào, bạn có thể bắt tay vào việc gấp quần áo. Mục đích là gấp từng chiếc quần áo một thành hình chữ nhật đơn giản, mềm mại. Trước tiên cầm chiều dài của quần áo gập vào chính giữa, sau đó gấp phần ống lại thành hình chữ nhật. Tiếp đó, cầm một đầu của hình chữ nhật và gập nó lại với đầu kia. Sau đó gập tiếp làm đôi hoặc làm ba. Số lần gập nên được điều chỉnh sao cho quần áo được gập khi dựng lên vừa bằng với chiều cao của ngăn kéo. Đó chính là nguyên tắc cơ bản. Nếu bạn thấy kết quả cuối cùng đã đúng về hình dạng nhưng quá lỏng và mềm để có thể dựng lên, đó là dấu hiệu cho thấy cách gấp của bạn không phù hợp với loại quần áo đó. Mỗi chiếc quần hay áo đều có đặc tính thỏa mãn riêng biệt – đó chính là cách gấp phù hợp nhất với nó. Cách gấp thay đổi tùy thuộc vào loại chất liệu và kích cỡ của quần áo, và do đó bạn sẽ cần điều chỉnh cách gấp của mình cho đến khi thấy nó phù hợp. Điều này không khó. Bằng cách điều chỉnh chiều cao khi gấp sao cho nó có thể dựng thẳng lên được, bạn sẽ dễ dàng đáp ứng được đặc tính thỏa mãn của quần áo.
Việc gấp thậm chí còn suôn sẻ hơn nếu bạn gấp chặt tay những thứ chất liệu mỏng và mềm, khiến nó thành hình chữ nhật cao và hẹp, và phức tạp hơn đối với những chất liệu dày bằng lông. Trong trường hợp một đầu của trang phục lại dày hơn đầu còn lại, thì khi gấp bạn nên nắm giữ đầu mỏng hơn. Không có cách nào phù hợp hơn là tìm ra đặc tính thỏa mãn của thứ quần áo đó. Mỗi trang phục sẽ giữ được hình dạng của nó khi dựng lên và cảm thấy thoải mái khi được cầm trong tay bạn. Nó giống như một sự khám phá bất ngờ – hóa ra bạn muốn được gấp lại theo cách này! – một giây phút đặc biệt khi tâm trí của bạn và trang phục đó được kết nối. Tôi thích nhìn ngắm gương mặt các khách hàng của tôi rạng ngời lên vào giây phút đó.
Cảm giác thật tuyệt vời khi mở tủ quần áo và thấy những trang phục mà mình yêu thích được sắp xếp gọn gàng. Thế nhưng những chiếc tủ của các khách hàng của tôi lại thường lộn xộn đến mức phải dũng cảm lắm để mở chúng ra và, ngay khi mở ra, thật khó có thể tìm được bất kì thứ gì trong đó.
Có thể có hai nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên đơn giản chỉ là tủ quần áo đã quá đầy. Một trong các khách hàng của tôi đã lèn quần áo vào tủ nhiều đến mức phải mất ba phút cô ấy mới có thể lấy ra được một chiếc quần áo bất kì. Các mắc áo treo dày và khít vào nhau tới mức sau nhiều lần vừa co kéo vừa càu nhàu thì cuối cùng cô ấy cũng lôi bật được chiếc áo đó ra, cứ như thể bánh mì bật ra khỏi lò nướng bánh bằng điện vậy. Tôi có thể nhận ra lí do tại sao cô ấy không còn dùng đến chiếc tủ quần áo đó suốt nhiều năm. Đây là một ví dụ tiêu biểu, nhưng sự thực là hầu hết mọi người đều cất giữ quần áo quá mức cần thiết trong tủ của họ. Đây cũng là lí do khiến tôi khuyên các bạn nên gấp bất cứ thứ quần áo nào nếu có thể. Tất nhiên, có vài loại trang phục nên treo lên mắc áo thì tốt hơn. Những trang phục đó bao gồm áo choàng, áo khoác, com lê, váy ngắn và váy dài. Tiêu chuẩn của tôi là: hãy treo bất cứ thứ quần áo nào mà trông chúng sẽ hạnh phúc hơn khi chúng được treo, chẳng hạn những quần áo làm bằng chất liệu mềm sẽ phất phơ trong gió hoặc quần áo được thiết kế cầu kì, tránh cho chúng không bị gập lại.
Một nguyên nhân nữa khiến tủ quần áo lộn xộn đó là thiếu kiến thức. Nhiều người đơn giản chỉ là không biết cách sắp xếp quần áo treo trên mắc. Nguyên tắc cơ bản nhất là hãy treo những quần áo cùng loại cạnh nhau, tạo khoảng cách giữa loại áo choàng, loại com lê, v.v.. Quần áo, cũng như con người vậy, có thể thư giãn dễ chịu hơn khi được trong cùng một nhóm những thứ tương tự nhau và do đó việc sắp xếp quần áo bằng cách phân loại có thể giúp chúng dễ chịu và cảm thấy an toàn hơn. Bạn hoàn toàn có thể biến đổi tủ quần áo của mình chỉ bằng cách áp dụng nguyên tắc này.
Tất nhiên, nhiều người sẽ khăng khăng rằng dù họ đã sắp xếp quần áo theo chủng loại thì chẳng bao lâu sau tủ quần áo vẫn cứ lộn xộn như cũ. Vậy nên hãy để tôi giới thiệu cho bạn một bí quyết để duy trì sự gọn gàng cho tủ quần áo mà bạn đã mất nhiều công sức để sắp xếp. Hãy sắp xếp quần áo “hướng lên phía bên phải”. Bạn hãy dành thời gian vẽ một mũi tên hướng lên phía bên phải, sau đó nối tiếp một mũi tên nữa hướng lên phía bên phải. Bạn có thể vẽ lên giấy hoặc chỉ lần theo hướng chúng chỉ trong không trung. Bạn có nhận thấy khi vẽ một mũi tên hướng lên phía bên phải, bạn có cảm giác nhẹ nhàng hơn không? Những đường kẻ hướng lên phía bên phải sẽ khiến người ta cảm thấy thoải mái. Bằng cách sử dụng nguyên tắc này khi sắp xếp tủ quần áo của mình, bạn có thể khiến quần áo trong tủ nhìn thú vị hơn.
Để làm vậy, hãy treo những trang phục nặng ở bên trái và những trang phục nhẹ ở bên phải. Trang phục nặng bao gồm quần áo dài, quần áo may bằng chất liệu nặng và quần áo tối màu. Khi bạn dịch chuyển hướng sang phía bên phải của không gian treo đồ, độ dài của trang phục trở nên ngắn đi, chất liệu may nhẹ hơn và màu sắc trở nên sáng hơn. Khi xếp theo loại, áo choàng sẽ ở xa phía bên trái, sau đó là áo, áo vét, quần dài, váy và áo khoác. Đây là trật tự cơ bản, nhưng tùy thuộc vào những xu hướng trang phục trong tủ quần áo của bạn, những thứ được coi là “nặng” trong mỗi chủng loại sẽ khác nhau. Hãy cố gắng tạo ra sự cân bằng sao cho quần áo dốc lên phía bên phải. Ngoài ra, hãy sắp xếp quần áo trong từng chủng loại từ nặng tới nhẹ. Khi bạn đứng trước một tủ quần áo được sắp xếp sao cho trang phục hướng lên phía bên phải, bạn sẽ cảm thấy tim đập nhanh hơn và các tế bào trong cơ thể reo lên đầy năng lượng. Thứ năng lượng này cũng sẽ được truyền sang quần áo của bạn. Sau đó khi khép tủ lại, bạn cũng sẽ thấy căn phòng của mình tươi mới hơn. Ngay khi trải nghiệm được điều này, bạn sẽ không bao giờ đánh mất thói quen sắp xếp quần áo theo chủng loại nữa.
Vài người có thể thắc mắc rằng liệu việc chú ý tới những chi tiết như vậy có thể tạo ra được sự thay đổi đến mức đó hay không, nhưng tại sao bạn lại lãng phí thời gian để nghi ngờ nếu như việc tích hợp sự kì diệu thú vị này vào tất cả các không gian cất giữ có thể giúp bạn giữ gìn phòng ốc của mình gọn gàng? Bạn chỉ cần mất 10 phút để sắp xếp lại tủ quần áo bằng cách phân loại, vì thế hãy tin tôi và thử xem sao. Nhưng đừng quên rằng bạn phải giảm bớt số quần áo trong tủ tới mức chỉ còn những trang phục mà bạn thực sự yêu thích.
Bạn đã bao giờ trải qua chuyện nghĩ rằng mình đang làm một điều tốt nhưng sau đó lại nhận ra là việc đó làm tổn thương người khác hay chưa? Khi đó bạn hoàn toàn thờ ơ, không biết về cảm xúc của người khác. Điều này cũng tương tự với cách mà nhiều người trong chúng ta đối xử với những chiếc bít tất của mình.
Tôi đã tới thăm nhà một khách hàng nữ tuổi ngũ tuần. Như mọi khi, chúng tôi bắt đầu trước tiên với quần áo của bà ấy. Chúng tôi dọn dẹp tủ quần áo một cách êm thấm, xử lí xong số đồ lót và sẵn sàng bắt tay vào sắp xếp lại bít tất. Nhưng khi bà ấy kéo ngăn kéo đựng bít tất ra, tôi đã choáng váng. Nó đầy ứ bít tất bị cuộn lại như những củ khoai tây vậy. Bà ấy đã lộn tất ngắn lại để làm thành những cục tròn và buộc chặt tất dài ở chính giữa. Tôi không nói lên lời. Mặc chiếc tạp dề trắng diêm dúa, bà ấy mỉm cười với tôi và nói: “Bằng cách này tôi sẽ dễ dàng lấy ra thứ mình cần, và cũng khá đơn giản nếu muốn bỏ chúng đi, có phải không?” Mặc dù thường gặp phải thái độ này ở khách hàng, nhưng chưa bao giờ tôi thấy hết kinh ngạc. Đừng bao giờ buộc tất cũng như đồ nịt lại với nhau. Đừng bao giờ lộn bít tất thành từng cục.
Tôi chỉ những cục bít tất. “Hãy nhìn kĩ chúng. Đây là lúc nên để chúng nghỉ ngơi. Bạn có thực sự nghĩ là chúng có thể nghỉ ngơi trong tình trạng đó được không?”
Về cơ bản, vào ngày nghỉ, tất ngắn và tất dài sẽ được cất trong ngăn kéo. Chúng phải chịu đựng sự va đập hung bạo trong cả ngày làm việc, mắc kẹt giữa bàn chân và giày của bạn, chịu đựng áp lực và sự chà xát để bảo vệ đôi chân quý giá của bạn. Khi ở trong ngăn kéo chính là dịp duy nhất để chúng nghỉ ngơi. Nhưng nếu bị cuộn lại hoặc buộc chặt, chúng sẽ luôn trong trạng thái căng thẳng, thớ sợi và dây chun của chúng bị kéo căng. Chúng lăn qua và va vào chiếc tất khác mỗi lần ngăn kéo mở ra và đóng lại. Bất kì chiếc tất không may nào bị dồn vào cuối ngăn kéo thường sẽ bị lãng quên lâu tới mức dây chun của chúng sẽ bị kéo dãn tới mức không thể đàn hồi được nữa. Khi chủ nhân cuối cùng phát hiện và lấy chúng ra thì đã quá muộn và chỉ còn nước bỏ chúng vào thùng rác. Liệu có cách đối xử nào tồi tệ hơn như thế được không?
Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách gập tất dài của bạn. Nếu bạn đang buộc chúng lại, hãy bắt đầu bằng cách gỡ chúng ra! Hãy đặt phần mũi của chiếc tất này lên trên phần mũi của chiếc tất kia và gập lại ở chính giữa chiều dài của chúng. Sau đó gập chúng lại làm ba, đảm bảo rằng phần mũi tất nằm bên trong chứ không phải bên ngoài, và phần cạp tất nhô ra một chút ở phía trên. Cuối cùng, cuộn tất lại về phía phần cạp tất. Khi hoàn thành, nếu phần cạp nằm ở bên ngoài thì tức là bạn đã làm đúng. Hãy gập tất dài trên đầu gối theo cách tương tự. Với những chất liệu dày hơn, chẳng hạn tất mùa đông, sẽ dễ dàng hơn để cuộn lại nếu bạn gập chúng làm đôi thay vì gập làm ba. Mấu chốt là tất nên được cuộn chắc lại như thể bạn cuộn sushi vậy.
Khi bạn cất tất dài vào ngăn kéo, hãy sắp xếp chúng sát cạnh nhau để có thể thấy các cuộn tất dễ dàng. Nếu bạn cất chúng trong những ngăn kéo nhựa, tôi khuyên bạn trước tiên nên đặt chúng vào một chiếc hộp bằng bìa cứng, để chúng không bị tuột và bung ra, sau đó mới đặt chiếc hộp vào trong ngăn kéo. Một chiếc hộp đựng giày có kích cỡ hoàn hảo để làm ngăn chứa tất dài. Phương pháp này là một giải pháp lưỡng tiện. Nó cho phép bạn chỉ liếc qua là biết mình có bao nhiêu đôi tất dài, tránh cho tất bị hư hỏng, giữ cho chúng mềm mại và không bị nhàu nát. Và nó cũng giúp những đôi tất của bạn hạnh phúc hơn.
Gập tất ngắn còn dễ dàng hơn. Nếu bạn đang gập tất từ dưới lên, hãy bắt đầu bằng việc giở chúng ra. Đặt chiếc tất này lên trên chiếc tất kia và tuân theo những nguyên tắc tương tự như việc gấp quần áo. Đối với tất ngắn chỉ che bàn chân, gập lại làm đôi là được; đối với tất che mắt cá chân, gập làm ba; với tất che đến đầu gối và cao trên đầu gối, gập lại làm bốn cho tới sáu lần. Bạn có thể điều chỉnh số lần gập để vừa bằng chiều cao của ngăn kéo. Thật dễ dàng phải không. Để đạt được mục đích tạo ra một hình chữ nhật đơn giản, việc gập chính là chìa khóa. Bạn sẽ phải kinh ngạc vì chỉ cần đến một không gian nhỏ bé đến vậy, so với “những ngày đựng những củ khoai tây”, và bạn sẽ nhận thấy những đôi tất của mình thở phào khoan khoái vì không bị buộc lại nữa.
Khi thấy những học sinh xỏ những đôi tất mà phần cổ tất đã bị giãn ra, thực sự là tôi rất muốn nói với họ cách gập tất làm sao cho đúng.
Ở Nhật Bản tháng Sáu là mùa mưa. Theo truyền thống, đây cũng là tháng của koromogae, khi người ta chuyển sang mặc trang phục mùa hè. Trước đó mấy tuần là khoảng thời gian dọn dẹp, đóng gói cất đồ mùa đông và lấy đồ mùa hè ra. Mỗi khi tới thời điểm này trong năm, tôi lại nhớ mình cũng từng làm những việc tương tự. Tuy nhiên, tôi đã không còn thấy phiền phức vì phải cất đồ đã qua mùa sử dụng nữa. Phong tục koromogae có nguồn gốc từ Trung Quốc và du nhập vào Nhật Bản dưới hình thức phong tục của triều đình trong thời kì Heian (794-1185). Chỉ tới cuối thế kỉ 19, khi công nhân và học sinh bắt đầu mặc đồng phục thì phong tục này mới xâm nhập vào các doanh nghiệp và học đường. Các công ty và trường học chính thức chuyển sang đồng phục mùa hè vào đầu tháng Sáu và trở lại trang phục mùa đông vào đầu tháng Mười. Nói cách khác, qui định này chỉ được áp dụng trong các tổ chức, và việc áp dụng mở rộng ra nhà dân thường là không thực sự cần thiết.
Thế nhưng, giống như mọi người Nhật khác, tôi cũng từng tin rằng mình phải cất quần áo đi và giở quần áo ra hai lần một năm vào tháng Sáu và tháng Mười. Tôi mất nguyên hai tháng này chỉ để bận bịu với việc lấy hết ra rồi lại xếp đầy quần áo vào các tủ và ngăn kéo. Thành thực mà nói, tôi thấy phong tục này thật phiền toái. Nếu tôi muốn mặc một chiếc váy được cất trong một chiếc hộp để ở giá phía trên của tủ đồ, thật sự rất phiền phức để lấy nó xuống và moi nó ra khỏi hộp. Thay vào đó, tôi sẽ từ bỏ ý định đó và mặc một thứ quần áo khác. Có những năm khi mà tới tháng Bảy rồi tôi vẫn chưa thể dỡ hết đồ mùa hè ra, tôi nhận ra một điều là trong khoảng thời gian đó tôi đã mua những quần áo tương tự với những quần áo mà mình đã có. Và thường là khi tôi lấy được hết quần áo mùa hè ra thì thời tiết đột nhiên lại trở lạnh mất rồi.
Phong tục cất giữ trang phục theo mùa đã trở nên lỗi thời. Với sự du nhập của máy điều hòa nhiệt độ và hệ thống sưởi trung tâm, nhà ở của chúng ta ít còn chịu ảnh hưởng của thời tiết bên ngoài nữa. Giờ đây không phải là hiếm khi chứng kiến người ta mặc áo phông trong nhà ngay giữa mùa đông. Vì vậy, đã đến lúc từ bỏ phong tục này và giữ cho tất cả quần áo của chúng ta luôn sẵn sàng được sử dụng quanh năm cho dù đang là mùa nào đi nữa.
Các khách hàng của tôi thích cách tiếp cận này, đặc biệt là vì bất kể lúc nào họ cũng có thể nắm được chính xác là mình đang có những quần áo gì. Không cần đến bất kì kĩ thuật khó khăn nào. Tất cả những gì bạn cần làm là sắp xếp quần áo trên cơ sở giả định rằng mình sẽ không cất trang phục đã qua mùa sử dụng nữa. Khi cất quần áo vào ngăn kéo, hãy phân chia sơ bộ chúng thành “chất liệu vải” và “chất liệu len”. Cần tránh phân loại theo mùa – mùa hè, mùa đông, mùa xuân và mùa thu – hoặc theo trạng thái hoạt động, chẳng hạn trang phục làm việc và trang phục nghỉ ngơi, vì quá mơ hồ. Nếu không gian cất giữ của khách hàng hạn chế, tôi cho phép họ cất giữ những trang phục đã qua mùa sử dụng nhưng chỉ là những thứ quần áo nhỏ và đặc thù thôi, ví dụ như đồ bơi và mũ tránh nắng cho mùa hè, và khăn quàng, găng tay và mũ ấm cho mùa đông. Nếu chúng không phải là những vật nhỏ, thì những chiếc áo khoác mùa đông có thể được cất trong tủ quần áo trong suốt mùa hè.
Đối với những người vẫn không có đủ không gian, hãy để tôi chia sẻ thêm vài mẹo nữa để cất giữ quần áo đã qua mùa sử dụng. Nhiều người cất trang phục đã qua mùa sử dụng trong những chiếc hộp nhựa có nắp. Tuy nhiên, những chiếc hộp này là thứ dụng cụ cất giữ ít hiệu quả nhất. Khi đặt trong tủ, chắc chắn là sẽ có thứ gì đó được đặt lên trên chiếc hộp và việc lấy hộp rồi mở nó ra sẽ khiến bạn mất nhiều công sức. Rốt cuộc, người ta dễ dàng quên mất chiếc hộp thậm chí ngay cả khi mùa sử dụng đã gần kết thúc. Nếu sắp tới bạn định mua những dụng cụ cất giữ, tôi khuyên bạn nên mua một chiếc tủ ngăn kéo. Hãy cẩn thận và đừng chôn quần áo của mình trong tủ đồ kể cả khi chúng đã qua mùa sử dụng. Những trang phục bị cất đi suốt nửa năm trời sẽ trông tiều tụy, cứ như thể chúng bị ngộp thở vậy. Thay vì thế, hãy để cho một chút ánh sáng và không khí thỉnh thoảng lùa vào. Hãy cho chúng biết là bạn vẫn quan tâm và mong chờ được mặc chúng vào mùa tới. Cách “giao tiếp” này giúp quần áo của bạn luôn rung cảm và giữ cho mối quan hệ của bạn với chúng sống động lâu dài.
Khi bạn sắp xếp và cất xong quần áo, đã tới lúc để dọn dẹp sách vở. Sách vở là một trong những thứ khiến người ta cảm thấy hết sức khó vứt bỏ. Nhiều người nói sách là thứ duy nhất mà họ không thể xa lìa bất kể họ có phải là người đam mê sách hay không, nhưng vấn đề thực sự chính là cách mà họ từ bỏ chúng.
Một trong những khách hàng của tôi, một phụ nữ độ tuổi ba mươi làm việc cho một hãng tư vấn nước ngoài, là người yêu thích sách. Cô ấy không chỉ đọc sách về kinh doanh mà còn đọc rất nhiều tiểu thuyết và sách có minh họa. Trên thực tế, phòng của cô tràn ngập sách. Ngoài ba giá sách lớn cao chạm trần, cô ấy còn có khoảng 20 chồng sách cao ngang thắt lưng đang để tạm trên sàn. Khi bước quanh phòng, tôi phải bước né sang một bên và lách người để không va vào chúng.
Tôi đã nói với cô ấy điều vẫn nói với tất cả các khách hàng của mình. “Xin hãy bắt đầu bằng cách bỏ tất cả sách ra khỏi giá và đặt toàn bộ sách lên sàn nhà.”
Cô ấy trợn tròn mắt. “Tất cả ư? Nhiều ghê gớm đấy.”
“Đúng, tôi biết thế. Nhưng hãy bỏ tất cả sách lên sàn.”
“Nhưng…” Cô ấy do dự trong chốc lát như thể đang tìm từ diễn đạt trước khi tiếp tục nói. “Không phải để chúng trên giá và tôi có thể thấy được tên sách thì sẽ dễ dàng lựa chọn hơn sao?”
Sách thường được xếp thành từng hàng trên giá để có thể nhìn thấy tên sách, vì thế điều này có vẻ thuận tiện cho việc loại bỏ những cuốn bạn không muốn được nữa. Không chỉ có thế, mà sách còn nặng nề. Lấy tất cả sách ra khỏi giá chỉ để rồi lại cất chúng vào dường như là một việc làm lãng phí công sức… Dẫu vậy, đừng bỏ qua bước này. Hãy lấy tất cả sách ra khỏi giá. Bạn không thể đánh giá một cuốn sách có thực sự đáng chú ý hay không khi nó vẫn còn nằm trên giá. Giống như quần áo hay bất kì vật sở hữu nào khác, những cuốn sách bị bỏ trên giá không được động đến suốt một thời gian dài sẽ rơi vào tình trạng im lìm bất động. Hoặc tôi có thể nói rằng chúng trở nên “vô hình”. Mặc dù ngay trong tầm mắt nhưng người ta vẫn không nhìn thấy chúng, giống như một chú châu chấu đứng yên giữa đồng cỏ, hòa mình với môi trường xung quanh.
Nếu bạn tự hỏi “Thứ này có mang lại niềm vui không?” khi nhìn vào những đồ vật trên giá hoặc trong ngăn kéo, thì câu hỏi này không có nhiều ý nghĩa với bạn. Để có thể thực sự quyết định được nên giữ hoặc bỏ đi thứ gì, bạn phải khiến những đồ vật của mình thoát khỏi tình trạng bất động. Thậm chí những chồng sách đã để sẵn trên sàn rồi cũng sẽ dễ được xử lí hơn nếu bạn di chuyển chúng vẫn trên sàn nhưng là sang một chỗ khác hoặc sắp xếp lại chúng. Giống như việc chúng ta khẽ rung lắc nhẹ để đánh thức ai đó dậy, chúng ta có thể kích thích những vật sở hữu của mình bằng cách di chuyển chúng, phơi chúng ra không khí trong lành và khiến chúng “tỉnh giấc”.
Trong khi giúp đỡ các khách hàng của mình dọn dẹp nhà cửa hoặc văn phòng làm việc, tôi thường đứng trước đống sách họ để trên sàn và vỗ tay, hoặc đập nhẹ lên bìa của các cuốn sách. Mặc dù đầu tiên bao giờ các khách hàng cũng nhìn tôi với vẻ kì lạ, thế nhưng sau đó họ không tránh khỏi ngạc nhiên vì họ có thể lựa chọn sách nhanh chóng và chính xác đến mức nào. Họ có thể thấy chính xác những cuốn sách mình cần và những cuốn không cần. Khó khăn hơn nhiều nếu lựa chọn sách mà vẫn để chúng trên giá, điều này có nghĩa rồi có lúc bạn sẽ phải lặp lại công việc này. Nếu có quá nhiều sách trên sàn cần phải sắp xếp cùng một lúc, tôi sẽ đề nghị khách hàng của mình chia chúng ra thành bốn nhóm lớn:
– Chung chung (sách đọc để giải trí)
– Thực hành (sách tham khảo, sách dạy nấu ăn, v.v.)
– Hình ảnh (các tập tranh ảnh, v.v.)
– Tạp chí
Khi đã xếp sách thành đống trên sàn, hãy dùng tay lấy ra từng cuốn một và quyết định xem bạn muốn giữ hoặc bỏ đi cuốn nào. Tất nhiên tiêu chí là hãy xem cuốn sách có mang lại cho bạn cảm giác thư thái khi chạm vào nó hay không. Nhớ nhé, tôi đã nói là khi bạn chạm vào nó. Đừng đọc nó. Việc đọc sẽ che mờ lí trí phán xét của bạn. Thay vì hỏi bản thân xem mình cảm thấy gì, bạn sẽ bắt đầu hỏi xem liệu mình có cần cuốn sách này hay không. Hãy hình dung ra một giá sách chỉ toàn những cuốn sách mà bạn yêu thích. Hình ảnh đó không tuyệt diệu sao? Đối với những người yêu thích sách, liệu còn có niềm hạnh phúc nào hơn thế?
Những lí do phổ biến nhất để không vứt một cuốn sách đi là “Tôi sẽ đọc nó” hoặc “Có thể tôi muốn đọc lại nó”. Hãy dành chốc lát để tính số sách mà bạn yêu thích, những cuốn mà bạn thực sự đã đọc hơn một lần. Có tất cả bao nhiêu cuốn? Với vài người con số này có thể là 5 cuốn trong khi một vài độc giả cá biệt có thể nhiều tới 100 cuốn. Tuy nhiên, những người đọc lại nhiều sách thường làm việc trong những ngành nghề chuyên biệt, chẳng hạn học giả và tác giả. Bạn sẽ thấy rất hiếm những người bình thường như tôi lại đọc quá nhiều sách. Hãy đối mặt với thực tế đó. Cuối cùng, bạn sẽ đọc lại chỉ vài cuốn trong số sách của mình. Giống như với quần áo, chúng ta cần dừng lại và nghĩ xem những cuốn sách đang phục vụ cho mục đích gì.
Mục đích thực sự của sách là để đọc, để truyền tải thông tin tới độc giả. Ý nghĩa nằm ở chỗ sách chứa đựng thông tin. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng nằm trên giá sách. Bạn đọc sách để trải nghiệm việc đọc. Những cuốn sách mà bạn đọc cũng được trải nghiệm và nội dung của chúng giờ đây đã nằm trong bạn, thậm chí cả khi bạn không nhớ. Vì vậy khi quyết định nên giữ cuốn sách nào, đừng nghĩ đến chuyện liệu mình có đọc lại nó hay không hoặc liệu mình có làm chủ những thông tin bên trong nó hay không. Thay vào đó, hãy cầm từng cuốn sách trong tay và quyết định xem nó có khiến mình cảm thấy rung động hay không. Chỉ giữ lại những cuốn sách khiến bạn cảm thấy vui vẻ mỗi khi nhìn thấy chúng trên giá, đó là những cuốn sách mà bạn thực sự yêu thích. Và nhớ là cả cuốn sách này nữa nhé. Nếu bạn không cảm thấy vui khi cầm cuốn sách nào đó trong tay, tôi thấy thà bạn quẳng nó đi còn hơn.
Còn những cuốn sách mà bạn mới đọc nhưng vẫn chưa đọc xong? Hoặc những cuốn sách vừa mua nhưng chưa đọc? Có nên làm điều tương tự như với những cuốn sách mà bạn dự định lúc nào đó sẽ đọc không? Mạng Internet khiến việc mua sách trở nên dễ dàng nhưng hệ quả là, mọi người ngày càng có nhiều cuốn sách mua về không đọc hơn trước đây. Tình trạng người ta mua một cuốn sách rồi không lâu sau lại mua một cuốn nữa khi vẫn chưa đọc cuốn sách trước đó không phải là hiếm. Sách chưa đọc cứ tích lũy dần lên. Vấn đề đối với những cuốn sách mà chúng ta dự định đến lúc nào đó sẽ đọc là chúng ta sẽ khó từ bỏ chúng hơn nhiều so với những cuốn sách đã đọc xong.
Tôi nhớ có lần giảng cho một chủ tịch công ty về cách dọn dẹp văn phòng của ông ta. Các giá sách của ông ta đầy những tựa sách phức tạp mà bạn có thể mong chờ một chủ tịch công ty sẽ đọc chúng, chẳng hạn những cuốn kinh điển của các tác giả như Drucker và Carnegie, cũng như các tác giả sách bán chạy gần đây. Cứ như thể tôi đang đi lạc vào một hiệu sách. Khi thấy bộ sưu tập sách của ông, tôi có cảm giác nôn nao. Hiển nhiên là khi bắt đầu phân loại, ông ta đặt hết cuốn này đến cuốn khác vào chồng “giữ lại”, và tuyên bố rằng ông ta vẫn chưa đọc chúng. Đến khi phân loại xong, ông ta chỉ bỏ đi 50 cuốn và chỉ làm sứt mẻ chút ít bộ sưu tập ban đầu. Khi tôi hỏi tại sao lại giữ những cuốn sách đó, ông ấy đưa ra một câu trả lời đã trở thành kinh điển trong danh sách các câu trả lời thường gặp nhất của tôi: “Bởi lúc nào đó tôi sẽ muốn đọc nó”. Từ kinh nghiệm cá nhân, ngay lúc này tôi sợ phải nói với bạn rằng: “lúc nào đó” sẽ không bao giờ xảy ra.
Nếu bạn có bỏ lỡ cơ hội đọc một cuốn sách đặc biệt, thậm chí đó là cuốn sách mà bạn được khuyên đọc hoặc là cuốn sách mà lâu nay bạn dự định sẽ đọc, vậy thì đây là dịp để bạn bỏ nó đi. Có thể bạn đã muốn đọc cuốn sách đó khi mua nó, nhưng nếu cho đến giờ bạn vẫn chưa đọc, vậy thì mục đích của cuốn sách là dạy cho bạn rằng bạn không cần đến nó nữa. Không cần phải đọc cho xong cả cuốn sách khi bạn mới chỉ đọc nửa chừng, bởi khi đó mục đích của chúng sẽ là đọc nửa chừng. Vì thế, hãy từ bỏ tất cả những cuốn sách chưa đọc. Tốt hơn là hãy chỉ đọc cuốn sách thực sự cần cho bạn ngay lúc này thay vì một cuốn sách mà bạn để nó phủ bụi suốt nhiều năm.
Những người có những bộ sưu tập sách lớn hầu như luôn là những người học siêng năng. Do đó không có gì lạ khi thấy nhiều sách tham khảo và sách hướng dẫn nghiên cứu trên giá sách của các khách hàng của tôi. Các sách tham khảo và hướng dẫn này thường đa dạng vô cùng, trải rộng từ kế toán, triết học và vi tính cho tới trị bệnh bằng xạ hương và hội họa. Đôi khi tôi kinh ngạc với những chuyên môn mà các khách hàng của tôi quan tâm. Nhiều người trong số họ còn giữ lại tất cả sách giáo khoa từ thời còn đi học phổ thông và những cuốn sách bài tập làm văn.
Vậy nên, nếu giống như nhiều khách hàng của tôi, bạn có bất kì cuốn sách nào rơi vào nhóm sách nói trên, tôi khuyên bạn nên ngừng việc khăng khăng là đến ngày nào đó bạn sẽ sử dụng chúng và từ bỏ chúng ngay ngày hôm nay. Tại sao ư? Bởi có rất ít khả năng là bạn sẽ đọc chúng. Đối với tất cả các khách hàng của tôi, chưa tới 15% số người sẽ dùng những cuốn sách này. Khi phải giải thích tại sao cứ bỏ sách ở đó mà không đọc, câu trả lời của họ đều là họ dự định sẽ đọc vào “một ngày nào đó”. “Tôi muốn tìm hiểu cuốn sách này vào một ngày đó.” “Tôi sẽ nghiên cứu nó khi có thêm chút ít thời gian”, “Tôi nghĩ nó sẽ giúp tôi thành thạo tiếng Anh”, “Tôi muốn học về kế toán bởi tôi đang làm công việc quản lí”. Nếu cho đến lúc này bạn vẫn chưa làm như dự định, vậy thì hãy vứt bỏ quyển sách đó đi. Chỉ bằng cách đó, bạn mới có thể kiểm tra được xem mình đam mê đến mức nào đối với chủ đề đó. Nếu cảm giác của bạn vẫn không thay đổi sau khi đã bỏ cuốn sách đi, thì có nghĩa bạn vẫn ổn mà không cần tới nó. Nếu sau khi đã ném đi mà bạn vẫn khao khát muốn có lại nó, tức là bạn sẽ sẵn sàng mua một bản sách khác, và lần này bạn sẽ đọc và nghiên cứu nó.
Bây giờ bất kì lúc nào tôi cũng giữ cho mình chừng 30 cuốn sách, nhưng trước đây tôi từng thấy vô cùng khó vứt bỏ sách đi bởi vì tôi yêu chúng. Lần đầu tiên tôi phân loại thư viện của mình bằng phương pháp đánh giá xem chúng có mang lại niềm vui cho mình hay không, tôi đã bỏ đi được khoảng 100 cuốn khỏi giá sách. Mặc dù đây không phải là con số quá lớn so với mức trung bình nhưng tôi cảm thấy vẫn có thể giảm bớt thêm nữa. Một ngày kia, tôi quyết định xem xét kĩ hơn những cuốn sách mà mình đang có. Tôi bắt đầu với những cuốn sách mà tôi coi là không thể bỏ đi. Trong trường hợp của tôi, đầu tiên trong danh sách này là cuốn Alice ở xứ sở diệu kì, đây là cuốn sách tôi đọc lại nhiều lần kể từ thời tiểu học. Những cuốn sách tương tự, nằm trong danh sách những cuốn sách yêu thích nhất của mỗi cá nhân, có thể xác định được khá đơn giản. Tiếp theo, tôi xem những cuốn sách mang lại cảm giác thoải mái nhưng không thuộc danh sách được yêu thích nhất. Khi thời gian trôi qua, danh sách các cuốn thuộc nhóm này sẽ thay đổi, nhưng đây là những cuốn sách mà tôi chắc chắn muốn giữ lại ngay bây giờ. Vào thời điểm đó, một trong những cuốn thuộc nhóm này là Nghệ thuật từ bỏ – cuốn sách đầu tiên đã mở mắt cho tôi về việc dọn dẹp, mặc dù lâu nay tôi không còn giữ nó nữa. Những cuốn sách mang đến sự thoải mái nhất định cũng đáng để giữ lại.
Quyết định khó khăn nhất là đối với những cuốn sách đem lại cho bạn sự thoải mái vừa phải – chúng có những từ ngữ và câu văn làm rung động trái tim bạn, và bạn có thể muốn đọc lại lần nữa. Đó là những cuốn sách khó bỏ đi nhất. Mặc dù không cảm thấy áp lực khi phải từ bỏ chúng, tôi không thể không nhận thấy thực tế là chúng chỉ mang lại cho tôi cảm giác thoải mái vừa phải. Tôi bắt đầu tìm kiếm một phương thức để bỏ chúng đi mà không tiếc nuối và cuối cùng cũng tìm được điều mà tôi gọi là “phương pháp giảm trừ số lượng”. Thừa nhận rằng mình thực sự chỉ muốn giữ những thông tin hoặc từ ngữ cụ thể mà cuốn sách chứa đựng, tôi quyết định là nếu chỉ giữ lại những gì cần thiết thì tôi có thể vứt bỏ phần còn lại đi.
Ý tưởng của tôi là sao chép những câu mà mình thích vào trong một cuốn sổ. Qua thời gian, tôi cho là như vậy, cuốn sổ này sẽ trở thành tuyển tập những lời hay ý đẹp ưa thích của cá nhân tôi. Thật vui khi đọc nó vào một lúc nào đó trong tương lai và lần theo con đường mà những sở thích cá nhân đã từng dẫn dắt mình. Vô cùng phấn khích, tôi lôi ra một cuốn sổ mà mình thích và bắt đầu thực hiện kế hoạch. Tôi bắt đầu gạch chân những chỗ tôi muốn sao chép. Sau đó tôi viết tên sách vào sổ và bắt đầu chép lại. Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu, tôi nhận ra quá trình này ngốn quá nhiều công sức. Và nếu như có lúc nào đó tôi sẽ đọc những lời lẽ này trong tương lai, vậy thì chữ viết của tôi cần phải rõ ràng, sắc nét. Ước lượng sơ bộ, để sao chép 10 trích dẫn trong một cuốn sách thôi cũng sẽ mất ít nhất nửa tiếng đồng hồ. Chỉ nghĩ về việc sao chép trích dẫn trong 40 cuốn sách thôi đã đủ khiến tôi hoa mày chóng mặt rồi.
Kế hoạch tiếp theo của tôi là sử dụng máy in. Tôi sẽ sao chụp những mục mà tôi muốn giữ, cắt chúng ra và dán vào sổ. Tôi nghĩ là cách làm này sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn nhiều. Nhưng khi thử bắt tay vào làm, tôi thấy nó còn mất nhiều công sức hơn. Cuối cùng tôi quyết định xé lấy những trang yêu thích ra khỏi sách. Việc dán những trang này vào sổ cũng là một việc khó nhọc, vì vậy thay vào đó tôi giản tiện quá trình bằng cách nhét chúng vào một chiếc kẹp hồ sơ. Việc làm này chỉ mất 5 phút cho mỗi cuốn sách và tôi đã xoay xở để bỏ đi 40 cuốn đồng thời giữ được những nội dung mà tôi thích. Khi đó tôi cực kì hài lòng với thành quả của mình. Hai năm sau ngày triển khai “phương pháp giảm trừ số lượng”, tôi đột ngột nhận ra một điều. Tôi chưa từng đọc lại một lần kể từ khi tạo ra chiếc kẹp hồ sơ đó. Tất cả những nỗ lực lúc trước chỉ là để làm dịu đi lương tâm của tôi mà thôi.
Gần đây, tôi nhận thấy việc sở hữu ít cuốn sách thực sự giúp tôi tiếp thu tốt hơn những gì mình đọc. Tôi nhận ra những thông tin thiết yếu dễ dàng hơn. Nhiều khách hàng của tôi, đặc biệt là những người đã bỏ đi một số lượng sách và tài liệu đáng kể, cũng nhận thấy điều này. Đối với sách, đúng lúc nghĩa là tất cả. Giây phút lần đầu tiên bạn gặp một cuốn sách đặc biệt cũng chính là thời điểm phù hợp để đọc nó. Để tránh bỏ lỡ giây phút này, tôi khuyên bạn nên giữ số lượng sách ít thôi.
Ngay khi bạn sắp xếp xong sách vở, hãy chuyển sang giấy tờ. Ví dụ, giá thư từ treo trên tường đựng đầy phong bì; những tờ thông báo của nhà trường dán trên tủ lạnh; thư mời dự ngày hội trường chưa trả lời để cạnh chiếc điện thoại bàn; những tờ báo xếp lớp trên bàn suốt mấy ngày qua. Có một số nơi trong nhà, giấy tờ có xu hướng chất chồng lên như những đống tuyết vậy.
Mặc dù người ta thường quan niệm là giấy tờ ở nhà ít hơn nhiều so với ở nơi làm việc, nhưng thực tế không phải vậy. Nhìn chung số lượng giấy tờ tối thiểu mà các khách hàng bỏ đi là hai túi rác cỡ 45 lít. Số lượng tối đa lên tới 15 túi. Rất nhiều lần tôi còn thấy máy cắt giấy của khách hàng bị kẹt. Cực kì khó khăn để có thể quản lí được một số lượng lớn giấy tờ như vậy, thế nhưng thi thoảng tôi cũng gặp được một vài khách hàng có được những kĩ năng sắp xếp giấy tờ tài liệu khiến tôi phải kinh ngạc. Khi tôi hỏi: “Bạn quản lí giấy tờ của mình như thế nào?”, họ đưa ra những giải thích cực kì cặn kẽ.
“Giấy tờ liên quan tới lũ trẻ sẽ để trong kẹp tài liệu này. Kẹp tài liệu kia là công thức nấu ăn của tôi. Các bài cắt ra từ tạp chí để ở đây, còn tài liệu hướng dẫn sử dụng thiết bị điện cho vào trong hộp này…”. Họ đã phân loại giấy tờ của mình hết sức chi tiết đến mức đôi lúc tâm trí tôi lơ đễnh trong khi họ trình bày những lập luận của mình. Tôi phải thừa nhận là tôi ghét việc sắp xếp giấy tờ! Tôi không bao giờ sử dụng các kẹp hồ sơ hoặc viết nhãn tài liệu. Hệ thống sắp xếp tài liệu này có lẽ hữu hiệu hơn bộ dụng cụ lưu trữ giấy tờ ở nơi làm việc vốn có nhiều người sử dụng tài liệu chung, nhưng thực ra thì hoàn toàn không cần đến một hệ thống sắp xếp giấy tờ chi tiết đến như vậy ở nhà.
Nguyên tắc cơ bản của tôi trong việc phân loại giấy tờ là vứt hết chúng đi. Các khách hàng của tôi đã choáng váng khi nghe tôi nói thế, nhưng quả thực chẳng có gì phiền phức hơn giấy tờ cả. Rốt cuộc, chúng sẽ chẳng bao giờ mang lại niềm vui, cho dù bạn có giữ gìn chúng cẩn thận thế nào chăng nữa. Vì lí do này, tôi khuyên bạn nên vứt đi bất cứ thứ gì không thuộc vào một trong ba nhóm sau: hiện đang sử dụng, cần sử dụng trong thời gian giới hạn và phải giữ lại vô kì hạn.
Nhân đây, tôi phải nói rằng thuật ngữ “giấy tờ” không bao hàm những giấy tờ có giá trị về tinh thần như những bức thư tình ngày xưa hoặc nhật kí. Cố gắng phân loại những giấy tờ này chỉ khiến tiến độ của bạn giảm sút rõ rệt mà thôi. Trước hết hãy giới hạn ở việc phân loại giấy tờ không mang lại cho bạn một chút rung động nào và hoàn thành công việc này thật chớp nhoáng. Thư từ của bạn bè và người yêu có thể để lại đến khi bạn xử lí những thứ liên quan tới cảm xúc.
Khi bạn đã xử lí xong toàn bộ số giấy tờ không gợi cho bạn bất kì cảm xúc vui vẻ nào, bạn sẽ làm gì với những giấy tờ mà bạn quyết định giữ lại? Phương pháp cất giữ giấy tờ của tôi cực kì đơn giản. Tôi phân chia chúng thành hai nhóm: giấy tờ cần lưu giữ và giấy tờ cần xử lí. Mặc dù chính sách của tôi là vứt bỏ tất cả giấy tờ đi, nhưng đây là hai nhóm giấy tờ tôi thấy không thể bỏ đi được. Những bức thư cần trả lời, những đơn từ cần đệ trình, một tờ báo sắp đọc – hãy tạo một góc riêng cho những giấy tờ cần được xử lí đó. Hãy chắc chắn rằng bạn giữ tất cả các giấy tờ dạng này cùng một chỗ. Đừng bao giờ để chúng rải rác khắp nơi trong nhà. Tôi khuyên bạn nên dùng một vật chứa có dạng thẳng đứng để giấy tờ cất trong đó có thể dựng thẳng lên và bố trí một nơi dành riêng cho nó. Tất cả các giấy tờ cần được chú ý có thể đặt ở trong đó mà không bị phân tán.
Đối với giấy tờ cần được lưu giữ, tôi chia nhỏ chúng theo tần suất sử dụng. Cách làm của tôi cũng không hề phức tạp. Tôi sắp xếp chúng thành nhóm ít sử dụng và nhóm thường xuyên sử dụng. Nhóm ít sử dụng bao gồm hợp đồng bảo hiểm, giấy tờ bảo hành và giấy tờ nhà đất. Thật không may, bạn buộc phải giữ những giấy tờ này bất kể thực tế là chúng không mang lại niềm vui cụ thể nào. Vì bạn hầu như không bao giờ cần xử lí những giấy tờ thuộc nhóm này, bạn không phải mất quá nhiều sức lực để cất giữ chúng. Tôi khuyên bạn nên để tất cả chúng vào trong một chiếc cặp hồ sơ nhựa thông thường và không cần phải lo nghĩ về việc phân loại chúng thêm nữa.
Nhóm kia bao gồm những giấy tờ mà bạn sẽ lấy ra và sử dụng thường xuyên hơn, chẳng hạn các bản đề cương hội thảo hoặc các bài báo cắt ra. Những giấy tờ này sẽ trở nên vô nghĩa trừ phi chúng được cất giữ sao cho có thể dễ dàng tiếp cận, do đó tôi khuyên bạn nên cất chúng vào trong một chiếc cặp hồ sơ nhựa có nhiều ngăn. Mặc dù những giấy tờ kiểu này không thực sự cần thiết nhưng chúng có xu hướng ngày một nhiều lên. Giảm bớt số lượng của nhóm giấy tờ này là chìa khóa cho việc sắp xếp giấy tờ của bạn.
Chỉ nên sắp xếp giấy tờ thành ba nhóm: cần được chú ý, nên lưu giữ (các giấy tờ hợp đồng) và nên lưu giữ (các giấy tờ khác). Mấu chốt là cần giữ tất cả giấy tờ thuộc một nhóm ở trong cùng một vật chứa và cố gắng hạn chế phân chia nhỏ chúng ra thêm nữa. Nói cách khác, bạn chỉ cần ba vật chứa hoặc ba chiếc cặp đựng giấy tờ. Đừng quên giữ cho chiếc hộp “cần chú ý” ở trạng thái rỗng. Nếu vẫn còn giấy tờ trong đó, điều này có nghĩa là bạn đang có những việc chưa hoàn thành đang cần sự chú ý của bạn. Mặc dù tôi chưa bao giờ cố gắng xoay xở để làm trống triệt để chiếc hộp “cần chú ý”, nhưng đây chính là mục tiêu cần hướng tới.
Phương châm căn bản của tôi là vứt bỏ hết giấy tờ đi, nhưng sẽ luôn có vài thứ giấy tờ gì đó khó có thể vứt bỏ. Ở đây chúng ta hãy cùng xem xét cách xử lí những giấy tờ này.
Những người thích nghiên cứu có thể hay tham gia các hội thảo hoặc khóa học chẳng hạn liệu pháp điều trị bằng xạ hương, tư duy lôgic hoặc marketing. Một xu hướng gần đây ở Nhật Bản là tận dụng thời gian sáng sớm để tham gia các hội thảo buổi sáng. Nội dung và khung thời gian mở rộng, cho phép người ta có nhiều cơ hội lựa chọn. Đối với những người tham dự, những tài liệu được phát na ná như một chứng nhận danh dự, và do đó họ khó lòng mà vứt bỏ chúng. Nhưng khi tôi tới thăm nhà của những học viên nhiệt thành này, tôi thấy những tài liệu như thế chiếm quá nhiều không gian, khiến phòng của họ trở nên bức bí.
Một trong các khách hàng của tôi là một phụ nữ tuổi độ ba mươi làm việc cho một công ty quảng cáo. Khi tôi bước vào phòng cô ấy, tôi cảm thấy như mình đang ở trong một văn phòng làm việc. Tôi nhìn thấy hàng chồng tài liệu được in tiêu đề cẩn thận. Cô ấy nói với tôi: “Đó là tất cả các tài liệu của những hội thảo mà tôi tham gia”. Tự nhận là một người say mê các hội thảo, cô ấy đã lưu giữ tài liệu của mọi hội thảo mà cô ấy từng tham dự.
Người ta thường quả quyết: “Một lúc nào đó tôi sẽ nghiên cứu lại những tài liệu này”, nhưng hầu hết họ không bao giờ làm vậy. Hơn thế, phần lớn trong số họ luôn có những tài liệu của các cuộc hội thảo khác nhau về cùng một chủ đề hoặc một chủ đề tương tự. Tại sao vậy? Bởi vì họ không nhớ được gì từ những điều đã học ở các cuộc hội thảo. Tôi không có ý chỉ trích mà chỉ muốn chỉ ra lí do tại sao lại không đáng để giữ lại những tài liệu của các hội thảo trước đây. Nếu nội dung đã học không được áp dụng vào thực tế thì những khóa học như vậy thật là vô bổ. Giá trị của việc tham gia một khóa học hoặc một chứng chỉ bắt đầu từ khi chúng ta tham dự, và chìa khóa để phát huy toàn bộ giá trị của khóa học chính là ở chỗ áp dụng những điều đã học vào thực tế ngay khi khóa học kết thúc. Tại sao người ta lại trả học phí đắt đỏ cho những khóa học như vậy khi họ có thể đọc được cùng một nội dung đó trong một cuốn sách hoặc ở một nơi khác? Bởi họ muốn cảm nhận được niềm đam mê của giáo viên và trải nghiệm môi trường học tập đó. Do đó, tài liệu thực sự chính là bản thân buổi hội thảo hoặc sự kiện, và người ta cần phải trải nghiệm nó một cách thực sự sống động.
Khi bạn tham gia một khóa học, hãy kiên quyết vứt bỏ mọi tài liệu được phân phát. Nếu bạn tiếc nuối khi vứt bỏ chúng, sau đó lại tham gia một hội thảo tương tự, vậy thì lần này hãy áp dụng những gì đã học. Tưởng là nghịch lí, nhưng tôi tin rằng chính vì chúng ta còn bám víu lấy những tài liệu như vậy nên chúng ta mới thất bại trong việc áp dụng những điều mình đã học vào thực tiễn. Bộ sưu tập các tài liệu hội thảo lớn nhất mà tôi biết lên đến 190 tài liệu. Chẳng cần phải nói, tôi đã bảo khách hàng đó vứt bỏ đến tài liệu cuối cùng.
Một thứ nữa cần phải vứt bỏ đó là tất cả các bản sao kê tài khoản thẻ tín dụng. Mục đích của chúng là gì? Với hầu hết mọi người, chúng đơn giản là một thứ công cụ để kiểm tra xem họ đã dành dụm được bao nhiêu tiền trong một tháng cụ thể nào đó. Vì vậy, khi đã kiểm tra nội dung để khẳng định là nó chính xác và lưu lại con số vào sổ ghi của gia đình, bản sao kê đã hoàn thành sứ mệnh và bạn nên vứt nó đi. Hãy tin tôi. Bạn không cần phải cảm thấy bứt rứt về chuyện này.
Liệu bạn có nghĩ rằng đến một lúc nào đó mình sẽ thực sự cần đến những bản sao kê tài khoản? Liệu có ngày nào đó bạn có thể cần đến chúng cho một phiên tòa để chứng minh đã rút ra khỏi tài khoản bao nhiêu tiền? Chuyện đó chẳng bao giờ xảy ra nên bạn không cần tích trữ những bản sao kê này suốt đời. Điều tương tự cũng đúng với những thông báo rút tiền khỏi tài khoản để chi trả chi phí sinh hoạt thường ngày. Hãy cương quyết và nắm lấy cơ hội để vứt bỏ chúng.
Trong số các khách hàng của tôi, có một cặp vợ chồng từng trải qua quãng thời gian vô cùng khó khăn để có thể vứt bỏ tài liệu của họ. Cả hai đều là luật sư. Họ cứ liên tục hỏi: “Nhỡ tài liệu này lại cần đến ở tòa án thì sao?” Ban đầu, họ chỉ đạt được chút ít tiến triển, nhưng cuối cùng, thậm chí họ có thể bỏ đi hầu hết những giấy tờ của mình mà không gặp phải bất kì vấn đề nào. Nếu họ làm được thì bạn cũng có thể làm được.
Cũng như vô tuyến hay máy ảnh kĩ thuật số, tất cả các thiết bị điện đều có giấy bảo hành. Đây là loại giấy tờ có mặt ở bất kì ngôi nhà nào, và là thứ được hầu hết mọi người cất giữ cẩn thận. Tuy nhiên, phương pháp sắp xếp chúng thường không đúng cách.
Nhìn chung, người ta thường cất giữ giấy tờ bảo hành trong những chiếc cặp nhựa hoặc các túi hồ sơ nhiều ngăn. Sức hấp dẫn của những túi hồ sơ này ở chỗ giấy tờ có thể được cất trong những ngăn riêng biệt. Tuy nhiên, vấn đề lại chính là chỗ đó. Vì giấy tờ được chia cách rõ ràng nên người ta có thể dễ dàng bỏ qua nhiều thứ. Phần lớn mọi người cất giữ không chỉ giấy bảo hành còn cả sổ tay hướng dẫn sử dụng trong cùng một ngăn. Trước hết, hãy bắt đầu bằng việc vứt bỏ những sổ tay hướng dẫn. Hãy nhìn chúng xem. Bạn đã bao giờ sử dụng chúng chưa? Nói chung, chỉ có một vài sổ hướng dẫn mà chúng ta thực sự cần đọc, chẳng hạn sổ hướng dẫn sử dụng máy vi tính hoặc máy ảnh kĩ thuật số, và những sổ hướng dẫn này dày tới mức khó có thể nhét vừa vào túi hồ sơ. Vì thế, về căn bản, bạn có thể thoải mái vứt bỏ bất kì sổ hướng dẫn sử dụng nào đựng trong túi đựng giấy bảo hành.
Cho tới bây giờ, tất cả các khách hàng của tôi đều đã vứt bỏ hầu hết các sổ tay hướng dẫn sử dụng của họ, bao gồm sổ tay hướng dẫn cách dùng máy vi tính và máy ảnh, và không ai trong số họ gặp phải bất kì vấn đề nào. Nếu có gặp vấn đề gì, họ luôn có thể tự sửa chữa bằng cách mày mò, và có thể tìm được giải pháp cho bất cứ thứ gì mà mình không thể tự tìm ra bằng cách vào Internet hoặc hỏi nơi bán thiết bị. Vì thế tôi cam đoan rằng bạn có thể vứt chúng đi mà không phải băn khoăn gì.
Trở lại với giấy tờ bảo hành. Phương pháp sắp xếp mà tôi gợi ý là hãy đặt tất cả chúng vào trong một chiếc cặp nhựa mà không cần phải phân chia chúng thành từng nhóm. Rút cuộc giấy bảo hành chỉ có thể dùng đến một lần trong năm. Việc sắp xếp và phân loại kĩ càng những giấy tờ này là không cần thiết vì nhiều khả năng là ít khi cần dùng đến chúng. Hơn nữa, nếu bạn đã xếp chúng vào trong cặp hồ sơ nhiều ngăn thì bạn sẽ phải lật giở từng trang để tìm đúng giấy bảo hành mình cần. Trong trường hợp đó, một cách dễ dàng là cất giữ tất cả trong cùng một túi hồ sơ, khi cần thì lấy hết ra và tìm đúng thứ mình cần.
Nếu phân loại quá chi tiết, điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ ít có cơ hội hơn để xem từng giấy bảo hành. Trước khi bạn nhận ra điều này, có thể giấy bảo hành đã hết hạn. Nếu bạn phải xem xét kĩ càng tất cả khi chỉ cần tìm một tờ giấy bảo hành nào đó thôi thì đây lại là cơ hội tuyệt vời để kiểm tra ngày hết hạn của các giấy bảo hành khác. Với phương pháp này, bạn sẽ không bị phiền toái vì phải thận trọng kiểm tra mọi giấy tờ bảo hành trong cặp hồ sơ chỉ để biết ngày hết hạn bảo hành, và thường là bạn không phải mua những chiếc cặp nhựa để cất giấy tờ bảo hành bởi vì gần như nhà nào cũng có ít nhất một chiếc. Cuối cùng, phương pháp này chỉ chiếm 1/10 diện tích so với những phương pháp thông thường khác.
Ở Nhật Bản có phong tục gửi thiệp chúc mừng tới mọi người nhân dịp Năm Mới (nhiều chiếc thiệp còn in xổ số ở bên dưới). Điều này có nghĩa mỗi chiếc thiệp sẽ hoàn thành sứ mệnh của nó vào thời khắc người nhận đọc xong lời chúc mừng trên thiệp. Sau khi kiểm tra xem những con số trên thiệp có trúng giải xổ số nào không, bạn có thể bỏ chúng đi với sự trân trọng vì chúng đã truyền tải tới bạn sự quan tâm của người gửi. Nếu bạn giữ lại những tấm thiệp để xác minh địa chỉ gửi đi cho năm tiếp theo, vậy thì chỉ giữ chúng trong vòng một năm. Hãy vứt bỏ bất kì tấm thiệp nào đã hai hoặc ba năm tuổi, ngoại trừ những tấm thiệp mang lại niềm vui cho tâm hồn bạn.
Sổ séc đã qua sử dụng là những thứ đã được dùng xong rồi. Bạn sẽ không xem lại chúng nữa, và dù có xem lại thì cũng không làm tăng thêm số tiền của bạn trong ngân hàng, vì thế hãy vứt bỏ chúng.
Mục đích của phiếu thanh toán tiền lương là thông báo cho bạn biết số tiền lương bạn được trả tháng này. Ngay khi bạn xem xong nội dung, nó không còn hữu ích nữa.
Tôi mở một chiếc ngăn kéo trong nhà của một khách hàng và phát hiện ra một chiếc hộp nhỏ kì lạ, chỉ chờ được mở ra, giống như một cuốn sách hứa hẹn một câu chuyện hấp dẫn. Nhưng với tôi, nó chẳng có chút gì thú vị cả. Tôi biết rõ mình sẽ tìm thấy thứ gì bên trong. Những đồng xu lẻ, kẹp tóc, tẩy, cúc áo dự phòng, các bộ phận của đồng hồ đeo tay, pin mới hoặc đã hỏng, thuốc chưa dùng đến, bùa may mắn và móc chìa khóa. Danh sách này vẫn còn tiếp tục. Tôi biết thừa câu trả lời của họ nếu như tôi hỏi tại sao những thứ đó lại ở trong hộp: “Vốn là như thế mà”.
Có nhiều thứ trong nhà được đối xử theo cùng một cách. Chúng ta đặt để, cất giữ và tích trữ chúng theo kiểu “vốn là như thế”, mà không suy nghĩ gì nhiều. Tôi gọi nhóm này là komono, trong tiếng Nhật, thuật ngữ này được định nghĩa khá đa dạng: “những vật nhỏ; những vật tạp loại; phụ kiện; đồ linh tinh hoặc dụng cụ nhỏ; các bộ phận hoặc linh kiện; người tầm thường; trẻ nhỏ”. Chẳng lạ gì khi người ta lại không biết phải làm gì với những thứ thuộc một nhóm mơ hồ như vậy. Do đó, đã đến lúc nói lời từ biệt với cách tiếp cận “vốn là như thế”. Những vật kể trên trợ giúp hữu ích cho cuộc sống của chúng ta và do đó, chúng cũng xứng đáng được đánh giá từng thứ một và phân loại cẩn thận.
Không giống như quần áo hoặc sách vở, nhóm này bao gồm một loạt các vật đa dạng và vì thế, ý nghĩ cố gắng phân loại và sắp xếp chúng có thể khiến bạn nản chí. Tuy nhiên, nếu bạn xử lí chúng theo đúng thứ tự, nhiệm vụ này hóa ra lại khá đơn giản. Thứ tự cơ bản để phân loại komono như sau:
(Nếu bạn có nhiều thứ liên quan tới một sở thích cụ thể, chẳng hạn dụng cụ trượt tuyết, thì hãy coi chúng như một nhóm riêng.)
Tôi khuyến nghị bạn nên theo thứ tự này bởi sẽ dễ dàng hơn cho bạn nếu bắt đầu từ những thứ có tính cá nhân nhiều hơn và dễ xác định nội dung. Nếu bạn sống một mình, bạn thực sự không cần lo ngại về thứ tự này miễn là bạn sắp xếp gọn ghẽ từng nhóm một. Nhiều người sống với những thứ không cần thiết xung quanh, nhưng họ để mặc vì “vốn là như thế”. Tôi muốn bạn hãy xử lí ngay đống komono của mình, và chỉ giữ lại, tôi nhấn mạnh là chỉ giữ lại, những thứ mang lại cho bạn niềm vui.
Đồ dùng một lần – những thứ giữ lại chỉ vì “vốn là như thế”.
Có một số lượng đáng kinh ngạc những thứ có thể xác định nhanh chóng mà thậm chí không cần phải hỏi: “Thứ này có mang lại niềm vui không?” Ở trên tôi đã chỉ ra cách từ bỏ những thứ mà bạn thấy là khó có thể bỏ đi được. Khi dọn dẹp nhà cửa, một điều quan trọng không kém là nhận thấy những thứ mà bạn cất giữ “chẳng vì một lí do cụ thể nào cả”. Đa số mọi người không nhận thức được những thứ đồ linh tinh chiếm diện tích trong nhà họ đến mức nào.
Một chiếc đĩa là quà cưới của ai đó tặng cho bạn vẫn nằm nguyên trong hộp đựng trên nóc của chiếc tủ đựng bát đĩa. Một chiếc móc chìa khóa là quà kỉ niệm của một người bạn giờ đây nằm trong ngăn kéo. Hay một hộp nhang trầm là quà sinh nhật của đồng nghiệp tặng cho bạn. Tất cả những thứ trên có điểm chung là gì? Chúng đều là quà tặng. Một ai đó quan trọng với bạn đã dành thời gian quý báu để chọn mua chúng tặng bạn. Chúng thể hiện cho tình yêu và sự trân trọng. Bạn không thể vứt bỏ chúng đi, phải không?
Nhưng chúng ta hãy xem xét chúng kĩ càng hơn. Phần lớn những quà tặng này vẫn chưa được mở ra hoặc chưa một lần sử dụng. Hãy thừa nhận thực tế này. Đơn giản vì chúng không hợp với thị hiếu của bạn. Mục đích thực sự của một món quà là để được nhận. Quà tặng không đơn thuần là “những đồ vật” mà là một công cụ để truyền tải những cảm xúc của ai đó. Khi nhìn từ quan điểm này, bạn sẽ không cần phải cảm thấy có lỗi vì vứt bỏ một món quà đi. Nó đã mang lại cho bạn niềm vui từ lúc mới nhận được rồi. Tất nhiên, sẽ là lí tưởng nếu bạn có thể sử dụng nó một cách vui thích. Nhưng chắc chắn là người đã tặng nó cho bạn không muốn bạn phải miễn cưỡng sử dụng nó, hoặc để dành nó mà không sử dụng, chỉ để khỏi thấy có lỗi. Khi bạn bỏ quà tặng đi, bạn làm thế cũng là vì người trao tặng mà thôi.
Những chiếc hộp đựng nhiều đến mức đáng ngạc nhiên. Vì thế hãy vứt bỏ hộp đựng đồ điện ngay khi bạn mở nó ra. Bạn không cần sổ tay hướng dẫn sử dụng hoặc đĩa CD kèm theo. Bạn sẽ tìm ra những ứng dụng mình cần thông qua quá trình sử dụng. Tất cả khách hàng của tôi đã vứt bỏ những thứ như vậy và không ai trong số họ từng thấy bất tiện khi thiếu chúng. Nếu bạn gặp phải vấn đề nào đó, bạn luôn có thể tìm được sự giúp đỡ ở cửa hàng mà bạn đã mua thiết bị đó. Sẽ nhanh chóng hơn nhiều khi hỏi một chuyên gia thay vì cố gắng tự mình tìm ra câu trả lời trong sổ tay hướng dẫn sử dụng.
Nếu bạn thấy một sợi dây và tự hỏi nó dùng cho việc quái nào thế nhỉ, thì nhiều khả năng là bạn sẽ không bao giờ dùng đến nó. Những sợi dây huyền bí sẽ luôn là như thế – một sự huyền bí. Liệu bạn có lo rằng có thể một lúc nào đó bạn sẽ cần dùng đến nó khi một thứ gì đó bị gãy? Đừng lo về chuyện đó. Tôi đã chứng kiến vô số gia đình có những dây rợ tương tự nhưng một mớ dây như thế chỉ khiến bạn cảm thấy khó tìm ra sợi dây phù hợp. Rốt cuộc, mua một sợi dây mới là cách nhanh chóng hơn nhiều. Chỉ giữ lại những sợi dây mà bạn có thể xác định mục đích rõ ràng và bỏ tất cả số dây còn lại. Bộ sưu tập dây rợ của bạn chắc chắn không hơn gì ngoài mấy sợi dây của những máy móc đã hỏng mà bạn đã bỏ đi từ lâu rồi.
Bạn sẽ không bao giờ dùng đến cúc dự phòng. Trong hầu hết các trường hợp, khi một chiếc cúc bung ra, đó là dấu hiệu cho thấy chiếc áo sơ mi hay áo khoác nào đó đã cũ sờn và đã tới điểm cuối vòng đời của nó. Đối với những chiếc áo choàng và áo vét bạn muốn giữ lại lâu dài, tôi khuyên bạn nên đơm cúc dự phòng vào lớp vải lót ngay khi mới mua chúng. Đối với những quần áo khác, nếu bạn mất một chiếc cúc và thực sự muốn thay cúc mới, bạn luôn có được điều mình cần bằng cách tới một cửa hiệu may vá. Từ thực tiễn công việc của mình, tôi đi đến kết luận là khi một chiếc cúc rơi ra, người ta thường không buồn đơm chiếc cúc mới cho dù họ có cúc dự phòng. Thay vào đó, hoặc là họ tiếp tục mặc trang phục thiếu cúc đó hoặc cất nó đâu đó trong tủ quần áo. Nếu thực tế là dù thế nào bạn cũng sẽ không dùng đến cúc dự phòng, vậy thì cũng chẳng sao nếu bạn vứt chúng đi.
Một vài người giữ lại những chiếc hộp đựng thiết bị điện bởi họ nghĩ như thế có thể được giá hơn khi bán lại những thiết bị này. Tuy nhiên, việc này chỉ khiến bạn lãng phí thời gian. Nếu xem xét chi phí mà bạn bỏ ra thì sẽ thấy việc biến không gian của bạn thành nơi cất giữ những chiếc hộp rỗng sẽ khiến bạn phí tổn nhiều hơn cả số tiền mà bạn có thể kiếm được từ việc bán một thiết bị còn nguyên hộp. Bạn cũng không cần giữ chúng vì lí do vận chuyển. Bạn có thể lo lắng về việc phải tìm những chiếc hộp phù hợp khi phải vận chuyển đồ đạc. Thế nhưng thật buồn cười nếu để một chiếc hộp tẻ ngắt chiếm dụng không gian trong nhà bạn chỉ vì bạn có thể cần dùng đến nó vào một ngày nào đó.
Tôi thường bắt gặp những chiếc ti vi và đài hỏng ở nhà của các khách hàng. Hiển nhiên, không có lí do gì để giữ lại chúng. Nếu bạn cũng có những thiết bị đã hỏng, hãy xem đây là cơ hội để bạn liên hệ với cơ sở tái chế địa phương và từ bỏ chúng.
Một chiếc đệm hoặc giường gấp, chăn, gối, ga giường – một bộ đồ giường ngủ như thế chiếm rất nhiều diện tích. Đó là thứ phổ biến nữa được vứt bỏ trong các bài học của tôi, và lại một lần nữa, các khách hàng của tôi hiếm khi bỏ lỡ cơ hội này. Mặc dù đáng để chuẩn bị giường chiếu và phòng ở nếu như bạn thường xuyên có khách đến nhà, nhưng thực sự không cần thiết nếu như bạn chỉ có vài vị khách ở qua đêm một đôi lần mỗi năm. Nếu thực sự cần một bồ đồ giường ngủ như vậy, bạn có thể thuê, đó là cách thay thế mà tôi khuyên bạn nên áp dụng. Đồ giường ngủ cất vô thời hạn trong tủ đồ thường bốc mùi ẩm mốc đến mức bạn sẽ không muốn để khách của mình sử dụng nó.
Bạn có bộ mỹ phẩm để nguyên chưa dùng suốt cả năm hoặc không mấy khi sử dụng đến hay không? Nhiều người cất giữ đồ mỹ phẩm để sử dụng cho những chuyến đi, nhưng khi đi đâu đó dường như họ lại không bao giờ lấy chúng ra. Tôi đã liên hệ với nhiều nhà sản xuất để hỏi về vòng đời của những sản phẩm này. Câu trả lời rất khác nhau. Một vài thứ chỉ có thời hạn trong vài tuần trong khi những thứ khác vẫn còn dùng tốt trong một năm. Khi số lượng rất nhỏ thì chất lượng của mỹ phẩm càng xuống cấp nhanh hơn. Sử dụng mỹ phẩm đã hết hạn, đặc biệt khi bạn sắp sửa hưởng thụ những chuyến đi vui vẻ, dường như là điều vô cùng dại dột.
Thắt lưng giảm béo, các chai thủy tinh đựng tinh dầu trị liệu, máy ép nước hoa quả chuyên dụng, máy giảm cân tạo chuyển động như cưỡi ngựa – dường như sẽ thật lãng phí nếu vứt bỏ những thứ giá trị này đi giống như những thứ bạn đã đặt mua qua Internet nhưng không bao giờ dùng đến. Hãy tin tôi, tôi có thể hiểu chuyện này. Thế nhưng bạn có thể bỏ chúng đi. Bạn đã có được niềm vui khi mua chúng. Hãy bày tỏ sự cảm kích vì những đóng góp của chúng đối với cuộc sống của bạn bằng cách nói với chúng: “Cảm ơn sự nổi tiếng mà bạn mang lại cho tôi khi tôi mua bạn”, hoặc “Cảm ơn bạn đã giúp tôi thon gọn hơn trước”. Sau đó hãy bỏ chúng đi với niềm tin rằng bạn trở nên khỏe mạnh hơn vì đã mua chúng.
Một dụng cụ làm sạch màn hình điện thoại khi mua một chai soda, một chiếc bút bi khắc tên trường của bạn, một chiếc quạt ở một sự kiện, một vật may mắn gắn kèm chai nước ngọt, một bộ cốc nhựa là phần thưởng trong trò chơi xổ số của cửa hàng, những chiếc cốc in logo của một công ty bia, miếng giấy ghi chú có nhãn của một công ty dược, một tập 5 tờ giấy thấm, một cuộn lịch quảng cáo (vẫn còn nguyên trong ống đựng), một cuốn lịch bỏ túi (chưa dùng đến trong vòng 6 tháng). Không thứ nào trong đó mang lại niềm vui cho bạn. Đừng băn khoăn gì hết, hãy vứt chúng đi.
Giờ đây bạn đã sắp xếp xong quần áo, sách vở, giấy tờ và komono, đã đến lúc bạn có thể xử lí nhóm cuối cùng – những thứ chứa đựng giá trị cảm xúc. Tôi để nhóm này sau cùng là vì những thứ thuộc nhóm này khiến bạn khó có thể từ bỏ. Một vật kỉ niệm nhắc chúng ta nhớ lại khoảng thời gian mà nó mang niềm vui đến cho chúng ta. Suy nghĩ phải vứt bỏ chúng gợi ra nỗi lo sợ là bạn sẽ mất đi những kỉ niệm quý giá gắn với chúng. Nhưng bạn không cần phải lo lắng. Những kỉ niệm quý giá thực sự sẽ không bao giờ biến mất chỉ vì bạn đã bỏ đi những vật gắn liền với chúng. Mặt khác, khi nghĩ về tương lai, có đáng để giữ lại những vật kỉ niệm rồi đến lúc nào đó bạn sẽ quên? Chúng ta đang sống trong hiện tại. Dẫu cho có những thứ tuyệt vời từng tồn tại thì chúng ta cũng không thể sống mãi trong quá khứ được. Niềm vui và sự hứng khởi mà chúng ta cảm nhận ở đây và lúc này mới là điều quan trọng hơn cả. Vì thế, một lần nữa, cách quyết định xem thứ gì đó có nên giữ lại hay không là cầm nó lên và tự hỏi bản thân: “Thứ này có mang lại niềm vui không?”
Tôi sẽ kể cho bạn nghe về một khách hàng của tôi mà tôi gọi là “A”. Cô ấy là một bà mẹ 30 tuổi có hai đứa con, sống trong một gia đình gồm 5 người. Khi tới thăm nhà cô trong lần gặp thứ hai, tôi thấy rõ ràng là số lượng đồ vật trong nhà cô đã giảm xuống. Tôi nói: “Thực sự là cô đã làm việc chăm chỉ đấy. Trông như thể cô đã bỏ đi đến cả 30 túi đồ.”
Với vẻ hài lòng, cô ấy nói: “Vâng, đúng thế! Tôi đã gửi tất cả các vật kỉ niệm của mình sang nhà bố mẹ”. Tôi gần như không tin nổi vào tai mình. Cô ấy đã sử dụng phương pháp dọn dẹp “gửi đồ đạc sang nhà bố mẹ”. Khi mới bắt đầu khởi sự công việc giảng dạy và tư vấn về dọn dẹp, lúc đó tôi thực sự đã nghĩ rằng việc gửi đồ đạc “về nhà” là đặc quyền của những người vốn sống trong những ngôi nhà lớn ở miền thôn quê. Nhiều người trong số các khách hàng của tôi là những bà mẹ đơn thân hoặc những bà mẹ trẻ sống ở Tokyo. Nếu họ xin phép được gửi đồ đạc về nhà bố mẹ, tôi nói: “Được chứ. Miễn là bạn làm ngay tức khắc.” Tôi không bao giờ nghĩ ngợi gì về chuyện này cho đến khi nhóm khách hàng của tôi mở rộng tới những ngôi nhà ở miền thôn quê. Khi biết được tình trạng thực tế ở nhà bố mẹ của họ, tôi buộc phải rút lại ý kiến vội vã của mình.
Giờ đây tôi nhận ra rằng những người sống trong một căn hộ có đồ được gửi, chẳng hạn nhà bố mẹ của ai đó, thực sự không may mắn. Thậm chí nếu ngôi nhà rộng rãi với những phòng bỏ trống thì nó cũng không thể mở rộng không gian vô hạn tới chiều thứ tư được. Người ta không bao giờ tìm lại được những chiếc hộp mà họ đã gửi về “nhà”. Ngay khi được gửi đi, nó sẽ không bao giờ được mở ra lần nào nữa.
Nhưng hãy để tôi quay lại với câu chuyện của mình. Một thời gian sau, mẹ của A bắt đầu tham gia khóa học của tôi. Tôi biết rằng nếu bà ấy đi học, chúng tôi sẽ phải xử lí những đồ đạc mà A đã gửi về nhà. Khi tới thăm nhà mẹ của A, tôi thấy phòng của A được để nguyên không đụng chạm đến. Đồ đạc của cô xếp đầy trên giá sách và trong tủ đồ, và còn có cả hai chiếc thùng lớn để trên sàn. Giấc mơ của mẹ cô là có một không gian cho riêng mình mà ở đó bà có thể thư giãn, thế nhưng thậm chí dù A đã chuyển đi từ lâu, đồ đạc của cô vẫn được cất giữ trân trọng trong phòng của cô. Và không gian duy nhất mà mẹ cô cảm thấy thuộc về mình chính là nhà bếp. Chuyện này dường như rất bất bình thường. Tôi đã liên lạc với A và nói: “Mẹ con bạn sẽ không thể tốt nghiệp khóa học này cho đến khi cả hai xử lí được tất cả những thứ mà bạn đã bỏ lại nhà của bố mẹ”.
Vào ngày chúng tôi gặp nhau lần cuối, trông A vô cùng hạnh phúc. “Bây giờ tôi đã có thể vui hưởng quãng đời còn lại mà không phải bận lòng gì nữa.” Cô đã trở về nhà bố mẹ và dọn dẹp mọi đồ đạc của mình. Trong hai chiếc hộp để trên sàn, cô đã tìm thấy nhật kí, những bức ảnh của bạn trai cũ, một núi thư từ và bưu thiếp… “Tôi thật là ngốc khi gửi những thứ mà tôi không muốn từ bỏ về nhà của bố mẹ. Khi xem lại từng thứ một, tôi nhận ra rằng mình đã từng sống trong những giây phút hạnh phúc ấy và tôi có thể cảm ơn những vật kỉ niệm của mình vì chúng đã mang lại cho tôi những khoảnh khắc tuyệt vời. Khi vứt bỏ chúng, tôi cảm thấy như thể lần đầu tiên trong đời đối diện với quá khứ của chính mình.”
Vậy đấy. Bằng cách cầm lấy từng vật có giá trị tình cảm và quyết định xem nên bỏ thứ gì, bạn đang trải nghiệm lại quá khứ. Nếu bạn chỉ xếp gọn những thứ này vào trong ngăn kéo hoặc hộp các tông, thì trước khi bạn kịp nhận ra, quá khứ sẽ trở thành một gánh nặng kéo bạn lùi trở lại và ngăn bạn sống trong hiện thực. Vì thế, dọn dẹp đồ đạc cũng có nghĩa là dọn dẹp quá khứ. Nó giống như thể bạn đang tái lập lại cuộc sống và thanh lí những tồn đọng để bạn có thể tiếp tục tiến về phía trước.
Thứ cuối cùng trong thể loại vật dụng lưu giữ tình cảm là các bức ảnh. Tất nhiên tôi có lí do chính đáng để xếp tranh ảnh sau cùng. Nếu bạn đang trong quá trình sắp xếp và loại bỏ vật dụng theo trật tự mà tôi khuyến nghị, thì có thể bạn đã bắt gặp các bức ảnh ở nhiều chỗ khác nhau, chẳng hạn như bị kẹp giữa các cuốn sách trên giá sách, nằm trong ngăn kéo bàn hoặc ẩn mình trong hộp đựng đồ lặt vặt. Trong khi nhiều bức ảnh đã yên vị trong các cuốn album thì tôi dám chắc là bạn sẽ thấy một hay hai bức hình gửi kèm theo thư hoặc nằm trong chiếc phong bì của cửa hiệu ảnh vẫn còn chưa mở. (Tôi không hiểu tại sao có nhiều người lại để ảnh trong những chiếc phong bì như vậy.) Bởi những bức ảnh có xu hướng hiện ra ở những nơi không mong chờ nhất khi chúng ta đang xếp loại những vật dụng khác, cho nên tốt nhất là mỗi khi tìm thấy một bức ảnh, chúng ta hãy để nó vào một nơi xác định và xử lí tất cả các bức ảnh vào lúc sau cùng.
Còn một lí do nữa khiến tôi để việc sắp xếp ảnh sau cùng. Nếu bạn bắt đầu sắp xếp ảnh trước khi mài giũa trực giác của mình về chuyện việc này sẽ mang lại cho bạn niềm vui, thì toàn bộ quá trình sắp xếp, phân loại vật dụng sẽ mất kiểm soát, trở nên rối bời và không đi đến đâu. Trái lại, nếu bạn tuân theo đúng thứ tự của việc sắp xếp gọn gàng (tức là từ quần áo, sách vở, giấy tờ, komono rồi mới tới các vật lưu giữ tình cảm), thì quá trình phân loại sẽ diễn ra suôn sẻ và bạn sẽ phải kinh ngạc về khả năng lựa chọn điều mang lại cảm giác thư thái, khoan khoái cho chính mình.
Bạn hãy nhớ là chỉ có một cách duy nhất để sắp xếp ảnh mà lại mất ít thời gian. Phương pháp đúng là gỡ toàn bộ ảnh ra khỏi các cuốn album và xem kĩ từng bức ảnh. Những ai phản đối cách làm này và cho rằng đây là việc làm kém hiệu quả là những người không bao giờ thực sự sắp xếp lại ảnh của mình. Các bức ảnh chỉ tồn tại để cho thấy một sự kiện hoặc thời khắc cụ thể nào đó. Do đó, bạn cần xem lại từng bức ảnh một. Khi làm thế, bạn sẽ ngạc nhiên vì mình có thể thấy rõ sự khác biệt giữa những bức ảnh khiến bạn rung động và những bức ảnh không để lại cảm xúc nào. Thường thì người ta chỉ giữ lại những bức ảnh khơi gợi cảm xúc cho bản thân.
Với phương pháp này, bạn sẽ chỉ cần khoảng 5 giờ cho cuộc hành trình đặc biệt đó, nhưng lại khiến khoảng thời gian còn lại trong ngày tràn đầy những hình ảnh sống động. Những thứ thực sự quan trọng không cần số lượng lớn. Những bức ảnh ghi lại những cảnh tượng không vui thậm chí không đáng để bỏ vào thùng rác. Ý nghĩa của một bức ảnh nằm ở sự vui sướng mà bạn cảm thấy khi xem nó. Trong nhiều trường hợp, những bức ảnh in phát triển sau này đã tồn tại lâu hơn mục đích ban đầu của chúng.
Đôi khi người ta giữ cả đống ảnh trong một chiếc hộp lớn với ý định sẽ vui thú xem lại chúng vào một ngày nào đó khi về già. Tôi có thể nói với bạn rằng “cái ngày nào đó” sẽ chẳng bao giờ đến. Tôi không thể đếm hết được mình đã chứng kiến có bao nhiêu chiếc hộp đựng những bức ảnh không được sắp xếp đã bị bỏ lại khi ai đó qua đời. Sau đây là đoạn đối thoại điển hình của tôi với các khách hàng:
“Chiếc hộp đó đựng gì thế?”
“Những bức ảnh.”
“Anh có thể sắp xếp chúng sau cùng.”
“Ồ, nhưng chúng không phải là ảnh của tôi. Đó là các bức ảnh của ông tôi.”
Mỗi lần nói chuyện như vậy lại khiến tôi cảm thấy buồn. Tôi không thể cầm lòng được với suy nghĩ rằng cuộc sống của những người quá cố ấy chắc hẳn sẽ phong phú hơn nếu như khoảng trống bị chiếc hộp đó chiếm chỗ được giải phóng khi họ còn sống. Bên cạnh đó, khi về già, chúng ta cũng không thể sắp xếp ảnh được. Nếu bạn đang bỏ mặc nhiệm vụ này trong khi bạn vẫn đang ngày một già đi, thì đừng đợi chờ thêm nữa. Hãy sắp xếp lại ảnh ngay bây giờ. Bạn sẽ thích thú với những bức ảnh hơn nhiều so với khi bạn đã già nua – khi đó, nếu những bức ảnh vẫn còn nằm nguyên trong album, bạn sẽ phải sắp xếp và phân loại cả một thùng ảnh nặng nề.
Một thứ nữa không khác gì các bức ảnh cũng khiến bạn cảm thấy khó khăn trong việc loại bỏ bớt đi, đó là những vật kỉ niệm của con cái bạn. Chẳng hạn một món quà có dòng chữ “Con cảm ơn cha.” Một bức tranh do con trai bạn vẽ được giáo viên chọn để treo ở sảnh chính của trường học hoặc một món đồ trang trí do con gái bạn tự làm. Nếu những thứ này vẫn mang lại cho bạn niềm vui, vậy thì chúng đáng được giữ lại. Nhưng nếu các con của bạn đã trưởng thành và bạn giữ các vật kỉ niệm này vì bạn nghĩ việc bỏ chúng đi sẽ làm tổn thương con mình, vậy thì hãy hỏi các con của bạn. Gần như chắc chắn là chúng sẽ nói: “Gì thế ạ? Cha/mẹ vẫn giữ cơ à? Cha/mẹ cứ việc bỏ nó đi thôi ạ.”
Còn những thứ thuộc về tuổi thơ của bạn thì sao? Bạn có còn giữ những bản báo cáo của nhà trường hay những chứng chỉ của các kì thi không? Khi khách hàng của tôi lôi ra một bộ đồng phục từ 40 năm trước, tôi có cảm giác tim mình như thắt lại vì xúc động. Nhưng bạn vẫn nên vứt bỏ chúng đi. Hãy bỏ tất cả những bức thư của bạn gái hoặc bạn trai đã gửi cho bạn từ nhiều năm trước. Đến lúc này, người viết bức thư đó từ lâu đã quên những gì mà anh ta hoặc cô ta đã viết và thậm chí quên cả sự tồn tại của chính bức thư đó. Còn những phụ kiện mà bạn từng được tặng, hãy giữ lại chỉ khi chúng thực sự mang lại cho bạn niềm vui. Nếu bạn giữ chúng vì bạn không thể quên được người bạn trai cũ, thì tốt nhất là bạn nên bỏ chúng đi. Quyến luyến với chúng chỉ khiến bạn bỏ lỡ cơ hội có được những mối quan hệ mới mà thôi.
Đó không chỉ là những kỉ niệm mà còn là con người mà chúng ta đã trở thành, bởi vì chúng thể hiện những trải nghiệm trong quá khứ mà chúng ta trân quý. Đây chính là bài học mà những vật kỉ niệm dạy chúng ta khi chúng ta sắp xếp chúng. Khoảng trống để chúng ta sống lúc này là vì con người mà chúng ta đang trở thành, chứ không phải vì con người của chúng ta trong quá khứ.
Tôi thường phải đối mặt với hai điều đáng ngạc nhiên khi giúp các khách hàng xếp đặt lại trật tự trong ngôi nhà của họ: những vật hết sức khác thường và số lượng đồ khổng lồ. Tình cờ là lúc nào tôi cũng gặp phải điều đáng ngạc nhiên đầu tiên ấy. Đó có thể là một chiếc micrô của một ca sĩ hoặc những dụng cụ nấu ăn mới nhất của một ai đó thích nấu nướng. Thế là hàng ngày tôi đều có được những cuộc chạm trán thú vị với những món đồ không biết đâu mà lần. Chuyện này bình thường thôi vì các khách hàng của tôi có sở thích và nghề nghiệp hết sức đa dạng.
Với tôi, cú sốc thực sự là khi phát hiện ra cả một kho lớn của đúng một thứ đồ mà bạn có thể tìm thấy ở bất cứ gia đình nào. Khi làm việc, tôi luôn ghi lại số lượng tạm tính của những món đồ khác nhau mà khách hàng sở hữu và đặc biệt để mắt đến bảng xếp hạng về những món đồ được cất giữ vì những kỉ lục thường được xác lập nhanh chóng. Ví dụ, có lần tôi phát hiện ra bộ sưu tập lớn bàn chải đánh răng ở nhà của một khách hàng. Kỉ lục được lập trước đó là 35 chiếc bàn chải đánh răng. Dường như bộ sưu tập này thậm chí còn lớn hơn. “Có lẽ chị có nhiều hơn một chút so với nhu cầu chị cần,” tôi nhận xét như thế và chúng tôi cùng cười vui vẻ. Nhưng đúng là kỉ lục mới này đã vượt xa kỉ lục cũ. Khách hàng này có tới 60 chiếc bàn chải đánh răng! Được xếp trong những chiếc hộp đặt trong tủ đựng đồ bên dưới bồn rửa mặt, chúng trông giống như một tác phẩm nghệ thuật. Điều thú vị là cách mà tâm trí con người cố gắng tạo ra ý nghĩa cho những thứ chẳng có ý nghĩa cả. Tôi cứ suy nghĩ mãi về chuyện có phải vì cô ấy đánh răng quá kĩ nên mỗi ngày lại dùng một chiếc hay không, hay là cô ấy đánh mỗi chiếc răng bằng một bàn chải.
Chuyện ngạc nhiên khác là một kho chứa 30 thùng giấy bóng gói thực phẩm. Tôi mở tủ bếp bên trên bồn rửa bát và thấy một đống những thứ giống như những khối LEGO lớn màu vàng. Khách hàng của tôi giải thích: “Tôi sử dụng giấy bóng hàng ngày vì nó rất tiện dụng.” Nhưng thậm chí cô ấy có dùng hết một hộp mỗi tuần thì số lượng đó cũng phải hơn nửa năm mới hết được. Mỗi cuộn giấy bóng có độ dài thông thường là 20m. Để mỗi tuần dùng hết một cuộn, bạn sẽ phải bọc 66 lần cho một tấm có đường kính 20cm, thậm chí có thể phóng tay hơn nữa cũng được. Chỉ nghĩ đến việc lặp đi lặp lại hành động kéo và xé giấy bóng nhiều lần như vậy cũng đủ khiến tôi bị hội chứng ống cổ tay(1) rồi.
Còn về giấy vệ sinh, kỉ lục tích trữ đạt đến con số 80 cuộn. Khách hàng của tôi phân trần: “Cô biết đấy, tôi bị yếu đường ruột… Tôi dùng giấy vệ sinh nhanh lắm.” Nhưng cho dù dùng hết một cuốn giấy mỗi ngày thì bà ấy vẫn có đủ lượng cung cấp ít nhất trong vòng 3 tháng.
Tuy nhiên, tột bậc phải là một kho 20.000 cái tăm bông vệ sinh, tích trữ 100 hộp, mỗi hộp đựng 200 cái tăm bông. Nếu khách hàng của tôi dùng một cái tăm bông mỗi ngày thì cô ấy cần đến 55 năm mới sử dụng hết số lượng đó. Cái tăm bông cuối cùng được dùng vào ngày cuối cùng có lẽ sẽ là cái tăm bông thần thánh.
Có lẽ bạn khó mà tin được những con số này, nhưng tôi không đùa đâu. Điều kì lạ ở chỗ không một ai trong số các khách hàng trên nhận ra họ thực sự đang có bao nhiêu vật dụng đó cho đến khi họ bắt đầu thu dọn nhà cửa. Và thậm chí cho dù họ sở hữu một kho tích trữ lớn đến vậy, họ luôn cảm thấy như thể họ vẫn không đủ dùng và lo lắng mình đang dùng hết mất rồi. Với những người hay tích trữ, tôi không nghĩ rằng họ sẽ cảm thấy an toàn với bất kì số lượng nào. Càng có nhiều thì họ càng sợ là mình đang dùng hết, thế là họ càng cảm thấy lo lắng nhiều hơn. Thậm chí cho dù họ còn lại hai chiếc thì họ sẽ đi mua về thêm năm chiếc nữa.
Không giống với một cửa hàng, nếu nhà bạn hết đồ gì đó, chuyện này chẳng có gì to tát cả. Có thể vì bạn đang căng thẳng một chút thôi, nhưng đó không phải là thiệt hại gì không thể sửa chữa được. Nhưng chúng ta làm thế nào để kiểm soát được những kho tích trữ này? Mặc dù giải pháp tốt nhất dường như là nên dùng bằng hết tất cả các đồ tích trữ đó, nhưng trong nhiều trường hợp chúng đã hết hạn sử dụng từ lâu và cần phải quẳng đi. Tôi đặc biệt khuyến nghị bạn nên bỏ lượng tích trữ dư thừa ngay lập tức. Hãy đem chúng cho những người đang cần sử dụng, hiến tặng hoặc mang chúng đến một cửa hàng tái chế. Bạn có thể nghĩ điều này là lãng phí tiền bạc, nhưng giảm bớt kho tích trữ và gánh nặng của sự dư thừa là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để mọi thứ thuộc về bạn trở nên ngăn nắp.
Ngay khi bạn được trải nghiệm cuộc sống không tích trữ dư thừa, bạn sẽ không muốn từ bỏ cuộc sống ấy và sẽ ngừng tích trữ. Các khách hàng nói với tôi rằng giờ đây cuộc sống của họ trở nên vui vẻ hơn bởi khi thoát được thứ gì đó, họ vui thích xem mình có thể thiếu nó được bao lâu hoặc cố gắng thay thế nó bằng những thứ khác. Điều quan trọng là giờ đây bạn đã xử lí được điều khiến bạn vướng bận và xóa bỏ được sự tích trữ dư thừa.
Hãy sắp xếp bằng cách phân loại, theo trật tự đúng và chỉ giữ lại những thứ mang lại niềm vui. Hãy làm như thế một cách kĩ lưỡng và nhanh chóng. Nếu tuân thủ lời khuyên này, bạn sẽ giảm được đáng kể số lượng những thứ bạn đang có, trải nghiệm niềm vui mà bạn chưa từng biết và tự tin hơn trong cuộc sống.
Vậy thì sở hữu số lượng như thế nào là hoàn hảo? Tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người đều không biết câu trả lời. Nếu bạn sống cả đời ở Nhật Bản, gần như chắc chắn là bạn bị bao quanh bởi quá nhiều thứ, hơn hẳn so với nhu cầu. Tình hình này khiến nhiều người không hình dung được họ cần bao nhiêu là đủ cho một cuộc sống thoải mái. Khi giảm bớt những vật dụng thông qua quá trình dọn dẹp, sẽ tới lúc đột nhiên bạn biết bao nhiêu là đủ với mình. Bạn sẽ cảm thấy điều đó rõ ràng như thể có thứ gì đó nảy ra trong đầu mình và nói: “À! Đây chính là số lượng mà tôi cần để sống thoải mái. Đây là tất cả những gì tôi cần để cảm thấy hạnh phúc. Tôi không cần bất cứ thứ gì nữa.” Sự thỏa mãn bao trùm lấy toàn bộ con người bạn tại thời điểm đó sẽ rất rõ ràng. Tôi gọi nó là “thời điểm nhận thức đúng”. Thú vị thay, ngay khi bạn vượt qua thời điểm này, bạn sẽ thấy số lượng mà bạn cần sở hữu không bao giờ tăng lên nữa. Và chính vì vậy mà bạn sẽ không bao giờ muốn quay trở lại thói quen trước đây nữa.
Mỗi người lại có thời điểm nhận thức đúng khác nhau. Với một người yêu giày, đó có thể là 100 đôi, trong khi một người yêu sách không cần thứ gì ngoài sách. Một vài người, như tôi, có nhiều quần áo mặc trong nhà hơn là quần áo mặc khi đi ra ngoài, trong khi những người khác lại thích khỏa thân trong nhà và do đó chẳng cần quần áo mặc trong nhà làm gì. (Bạn sẽ kinh ngạc khi biết được số người có sở thích này.)
Khi dọn dẹp nhà cửa và giảm bớt những vật sở hữu, bạn sẽ thấy những giá trị thực sự của mình là gì, và thứ gì thực sự quan trọng với cuộc sống của bạn. Nhưng đừng chăm chăm vào việc giảm bớt đồ dùng hoặc những cách tích trữ hiệu quả. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc lựa chọn những thứ mang lại niềm vui và hưởng thụ cuộc sống theo những tiêu chuẩn của riêng bạn. Đây mới là sự thư thái đúng nghĩa của việc dọn dẹp. Nếu bạn vẫn chưa cảm thấy đạt tới điểm nhận thức đúng, đừng lo lắng. Bạn vẫn có thể tiếp tục giảm bớt đồ dùng. Hãy xử lí công việc này bằng sự tự tin.
“Hãy chọn những thứ khơi dậy niềm vui khi bạn chạm vào chúng.”
“Hãy treo những bộ quần áo khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn lên móc áo.”
“Đừng lo về việc vứt bỏ đi quá nhiều. Sẽ tới lúc bạn thấy điều này là đúng.”
Nếu bạn đọc đến đây, nghĩa là bạn đã thấy rằng trong phương pháp của tôi, cảm xúc của bạn là tiêu chuẩn để ra quyết định. Nhiều người có thể bối rối vì những tiêu chí mơ hồ như “những thứ làm bạn rùng mình vui sướng” hoặc “thời điểm nhận thức”. Đa số các phương pháp đều xác định những mục tiêu về số lượng rõ ràng, chẳng hạn: “Vứt bỏ bất kì thứ gì mà bạn không dùng đến hai năm qua”, hoặc “Bảy chiếc áo vét và mười chiếc áo choàng là con số hoàn hảo”, hoặc “Mỗi khi mua một thứ gì mới, hãy vứt bớt một thứ cũ đi.” Nhưng tôi tin rằng đây là lí do khiến cho những phương pháp trên chỉ mang lại hiệu quả trái ngược.
Thậm chí nếu những phương pháp trên tạm thời mang lại không gian ngăn nắp, thì một cách tự động, việc tuân theo những tiêu chí được người khác đưa ra và dựa trên “bí quyết” của họ sẽ không có hiệu quả lâu dài. Tất nhiên trừ phi những tiêu chí của họ trùng khớp với những tiêu chuẩn mà bạn cảm thấy là đúng. Chỉ có bạn mới biết môi trường nào khiến bạn cảm thấy hạnh phúc. Hành động thu dọn và lựa chọn đồ vật là việc hoàn toàn mang tính cá nhân. Để tránh phản tác dụng, bạn cần tạo ra phương pháp dọn dẹp với những tiêu chuẩn của riêng mình. Chính vì vậy việc bạn cảm thấy thế nào về mỗi vật mà bạn sở hữu lại có ý nghĩa quan trọng đến vậy.
Sự thực là việc sở hữu quá nhiều những đồ vật mà bạn không thể miễn cưỡng từ bỏ chúng không đồng nghĩa với việc bạn đang quan tâm đúng mức tới chúng. Thực tế thì gần như trái ngược hoàn toàn. Bằng cách giảm bớt số lượng đồ vật đến mức mà bạn có thể kiểm soát, bạn đang mang lại sức sống mới cho mối quan hệ với những vật sở hữu của mình. Nếu chỉ vì bạn quẳng thứ gì đó đi, nó không hẳn có nghĩa là bạn từ bỏ những trải nghiệm trong quá khứ hoặc bản sắc của mình. Thông qua quá trình lựa chọn chỉ những thứ mang lại niềm vui, bạn có thể xác định chính xác thứ mà bạn yêu và thứ mà bạn cần.
Khi chúng ta chân thành đối mặt với những thứ mà mình sở hữu, chúng sẽ gợi lên nhiều cảm xúc trong ta. Những cảm xúc đó hoàn toàn có thực. Đó là những cảm xúc mang lại năng lượng sống cho chúng ta. Hãy tin vào điều mà con tim mách bảo khi bạn hỏi: “Thứ này có khơi gợi niềm vui?” Nếu bạn hành động dựa trên trực giác này, bạn sẽ kinh ngạc về cách mà mọi thứ sẽ bắt đầu kết nối trong cuộc sống của bạn và về những thay đổi lớn lao tiếp sau đó. Nó giống như thể cuộc sống của bạn đã thay đổi nhờ phép màu. Dọn dẹp ngôi nhà của bạn là phép màu để tạo ra một cuộc sống sinh động và hạnh phúc.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!