Nghệ Thuật Bài Trí Của Người Nhật - Chương 4: Cất Giữ Đồ Vật Ngăn Nắp Khiến Cuộc Sống Trở Nên Thú Vị
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
158


Nghệ Thuật Bài Trí Của Người Nhật


Chương 4: Cất Giữ Đồ Vật Ngăn Nắp Khiến Cuộc Sống Trở Nên Thú Vị


Xác định chỗ để cho mỗi đồ vật

Đây là lệ thường của tôi hàng ngày khi đi làm về. Đầu tiên, tôi mở cửa và tuyên bố với ngôi nhà của mình: “Tôi về nhà rồi!”. Cầm lên đôi giày đi ngày hôm qua đang để ở hành lang, tôi nói: “Cảm ơn bạn nhiều lắm vì bạn đã làm việc chăm chỉ,” và để chúng vào trong tủ đựng giày. Sau đó tôi cởi đôi giày đi ngày hôm nay và đặt chúng gọn ghẽ ở hành lang. Tiến về phía bếp, tôi bắc ấm đun nước rồi đi vào phòng ngủ. Ở đó tôi nhẹ nhàng bỏ túi xách xuống thảm trải sàn mềm mại và trút bỏ quần áo mặc đi làm. Tôi cởi áo khoác và lồng vào mắc áo, nói với nó “Làm tốt lắm” rồi tạm thời treo chúng vào nắm đấm cửa của tủ quần áo. Tôi bỏ quần nịt vào chiếc rổ đựng đồ giặt để gọn dưới góc phải của tủ quần áo, mở một chiếc ngăn kéo, chọn bộ quần áo ở nhà để mặc. Tôi chào cái cây trồng trong chậu cao ngang thắt lưng mình đặt cạnh cửa sổ và vuốt ve những chiếc lá của nó.

Việc tiếp theo là lấy toàn bộ đồ trong túi xách ra để trên thảm, sau đó đặt từng món đồ vào đúng vị trí của nó. Trước hết tôi bỏ đi tất cả các biên lai. Sau đó, với lòng biết ơn, tôi bỏ ví vào trong chiếc hộp dành cho nó ở ngăn kéo bên dưới giường ngủ. Tôi đặt vé tháng đi tàu và hộp danh thiếp bên cạnh nó. Tôi để đồng hồ đeo tay vào trong chiếc hộp giả cổ màu hồng ở trong cùng ngăn kéo đó và đặt dây chuyền, hoa tai vào cái khay đựng đồ bên cạnh. Trước khi đóng ngăn kéo lại, tôi nói: “Cảm ơn tất cả các bạn vì những điều các bạn đã làm cho tôi hôm nay.”

Tiếp đến, tôi trở lại hành lang để cất sách vở và sổ tay đã mang theo suốt cả ngày (tôi đã biến một giá trong tủ đựng giày thành giá sách). Ở giá bên dưới giá sách, tôi lấy ra “chiếc túi đựng biên lai” và cho các biên lai vào đó. Sau đó tôi đặt chiếc máy ảnh kĩ thuật số mà tôi dùng làm việc ở bên cạnh chiếc túi – đó là nơi dùng để cất các đồ điện. Tôi bỏ giấy loại vào thùng rác ở bên dưới lò bếp. Trong bếp, trong lúc pha trà, tôi vừa kiểm tra thư từ vừa bỏ đi các giấy tờ đã sử dụng xong rồi.

Tôi quay lại phòng ngủ, đặt túi xách giờ đã rỗng vào một cái túi lớn rồi để lên giá ở bên trên tủ quần áo và nói: “Bạn làm tốt lắm. Nghỉ ngơi vui vẻ nhé.” Từ lúc bước vào cửa nhà cho tới lúc đóng tủ quần áo lại, tất cả chỉ hết có 5 phút. Giờ đây tôi có thể trở vào bếp, rót cho mình một tách trà và thư giãn.

Tôi không mô tả những việc này nhằm khoe khoang với các bạn về lối sống tốt đẹp của mình, mà là để chứng tỏ rằng mọi thứ đều có chỗ dành riêng cho nó. Việc giữ ngăn nắp cho không gian của bạn bây giờ trở thành ưu tiên số hai. Việc này không cần bạn phải cố gắng gì nhiều thậm chí còn cho bạn thêm thời gian để thực sự hưởng thụ cuộc sống.

Mấu chốt trong việc quyết định những chỗ cụ thể để cất đồ vật là xác định một nơi dành cho mọi thứ. Bạn có thể nghĩ: “Việc này sẽ khiến tôi mãi mãi phải tìm chỗ để đồ,” nhưng bạn không cần phải lo lắng. Mặc dù dường như việc quyết định chỗ để cho mỗi đồ vật thực sự phức tạp nhưng nó vẫn còn đơn giản hơn nhiều so với việc quyết định thứ gì nên giữ lại và thứ gì cần bỏ đi. Khi bạn đã quyết định được nên giữ lại thứ gì bằng cách phân loại và khi tất cả những thứ đó đã nằm chung một loại, thì tất cả những việc cần làm chỉ là cất giữ chúng ở cạnh nhau mà thôi.

Lí do khiến mọi thứ cần phải có chỗ để xác định là vì sự tồn tại của mỗi đồ vật mà không có nơi chốn cố định sẽ làm gia tăng gấp bội cơ hội để không gian của bạn sẽ lại trở nên lộn xộn. Ví dụ, chúng ta hãy nói về việc bạn có một cái giá nhưng trên đó chẳng có gì cả. Điều gì xảy ra nếu như có ai đó để lên giá một món đồ không có chỗ để xác định? Một thứ như thế sẽ trở thành nguyên nhân thất bại. Chẳng mấy chốc mà không gian đó, vốn được duy trì trong trật tự, sẽ bị phủ đầy các đồ vật, cứ như thể có ai đó đã hét lên: “Nào mọi người hãy tập hợp lại đây!”

Bạn chỉ cần lập tức xác định chỗ để cho mỗi đồ vật. Hãy thử làm đi. Kết quả sẽ khiến bạn phải kinh ngạc. Bạn sẽ không còn mua nhiều hơn những gì bạn cần. Không còn chuyện những món đồ bạn có cứ tích lũy mãi lên. Trên thực tế, kho tích trữ của bạn sẽ giảm đi. Ý nghĩa quan trọng của việc cất giữ hiệu quả chính là đây: xác định chỗ để cho thứ mới nhất mà bạn có. Nếu phớt lờ nguyên tắc cơ bản này và bắt đầu thử nghiệm hàng loạt ý tưởng cất giữ khác nhau, bạn sẽ phải hối tiếc. “Những giải pháp” cất giữ khác thực sự chỉ là phương tiện để chôn cất tài sản mà không hề mang lại niềm vui.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tác dụng ngược là sự thất bại trong việc xác định chỗ để cho mỗi đồ vật. Nếu không có chỗ để xác định, bạn sẽ đặt các món đồ ở đâu sau khi sử dụng xong? Ngay khi lựa chọn được chỗ để cho các đồ vật, bạn có thể giữ cho ngôi nhà của mình ngăn nắp. Vì vậy, hãy quyết định nơi chốn cho mọi đồ vật và sau khi sử dụng hãy để chúng ở đúng vị trí. Đây là yêu cầu chính yếu của việc cất giữ.

Tất cả những người tham gia các khóa hướng dẫn của tôi đều rất ngạc nhiên khi tôi cho họ xem những bức ảnh về chỗ ở của các khách hàng của tôi trước và sau khi được dọn dẹp ngăn nắp. Phản ứng thường thấy nhất là “Những căn phòng ấy trông trống quá!” Đó là sự thực. Trong nhiều trường hợp, các khách hàng của tôi lựa chọn cách dọn sạch mọi thứ trên sàn và không để thứ gì làm vướng tầm mắt. Thậm chí những kệ sách cũng có thể biến mất. Nhưng điều này không có nghĩa họ quẳng tất cả sách đi. Thay vào đó, các kệ sách giờ đây có thể đã nằm trong tủ tường rồi. Đặt các kệ sách vào trong một cái tủ tường lớn là một trong những thói quen cất giữ tiêu chuẩn của tôi. Nếu tủ tường của bạn đã chứa đầy đồ rồi thì có thể bạn sẽ nghĩ kệ sách không thể cho vừa được nữa. Trên thực tế, 99% độc giả của tôi hầu như cũng cảm thấy như vậy. Nhưng thực sự thì có thể vẫn còn nhiều khoảng trống đấy.

Thực sự thì bạn có đủ không gian để cất giữ đồ trong phòng của mình. Tôi không thể đếm hết có bao nhiêu người đã phàn nàn với tôi là họ không có đủ chỗ để đồ, nhưng tôi lại thấy là nhà của họ không có cách cất giữ đồ hiệu quả. Vấn đề thực sự ở chỗ chúng ta có nhiều hơn những gì mình cần hoặc muốn. Ngay khi bạn học được cách lựa chọn chính xác những vật sở hữu của mình, bạn sẽ chỉ còn lại số lượng đồ vật vừa vặn hoàn hảo với không gian mà bạn đang có. Đây là phép màu đích thực của sự ngăn nắp. Điều này dường như thật khó tin nhưng phương pháp chỉ giữ những đồ vật mang lại niềm vui cho tâm hồn thực sự đúng là như vậy. Do đó bạn phải bắt đầu bằng việc loại bỏ. Ngay khi làm được điều này, bạn sẽ dễ dàng quyết định được nên cất đồ ở đâu vì những vật sở hữu của bạn sẽ giảm xuống còn 1/3 hoặc thậm chí là 1/4 so với khi bạn bắt đầu công việc loại bỏ. Ngược lại, không cần biết bạn ngăn nắp tới mức nào và phương pháp cất giữ đồ hiệu quả ra sao, nếu bạn bắt đầu việc cất giữ trước khi tiến hành việc loại bỏ, thì cũng không có tác dụng gì. Tôi biết thế vì chính tôi đã trải qua chuyện này.

Vâng, chính tôi. Cho dù tôi đang cảnh báo bạn không nên trở thành một chuyên gia cất giữ, cho dù tôi hối thúc bạn hãy quên chuyện cất giữ đi cho đến khi bạn giảm bớt được các đồ vật mà bạn đang có, thì không lâu trước đây, 90% suy nghĩ của tôi đều chỉ chăm chăm vào việc cất giữ. Tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này kể từ khi lên 5 tuổi, vì thế giai đoạn này trong sự nghiệp của tôi còn dài hơn cả quãng thời gian tôi đam mê việc loại bỏ, điều mà tôi khám phá ra khi ở tuổi thiếu niên. Trong giai đoạn đó, tôi cũng dành phần lớn thời gian tìm hiểu sách hoặc tạp chí nhằm thử nghiệm mọi phương pháp cất giữ và đã phạm đủ thứ sai lầm.

Cho dù đó là tại phòng riêng, phòng của các anh chị em hay thậm chí cả ở trường, tôi đã bỏ nhiều ngày để kiểm tra những thứ có trong các ngăn kéo và các tủ đồ, xê dịch các đồ vật cách nhau chỉ mấy milimet, cố gắng tìm ra cách sắp xếp hoàn hảo nhất. “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi chuyển cái hộp này ra phía đằng kia?” “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi dỡ cái vách ngăn này ra?” Bất kể đang ở đâu, tôi sẽ nhắm mắt lại và hình dung ra việc sắp xếp lại các đồ vật trong một cái tủ hoặc một căn phòng như thể chúng là những mảnh ghép trong trò chơi ghép hình. Để tuổi trẻ chìm đắm trong chủ đề này, tôi cảm thấy ảo giác về việc cất giữ giống như hình thức nào đó của một cuộc thi trí tuệ mà mục đích của nó là để xem tôi có thể vừa vặn đến mức nào với một không gian cất giữ bằng cách thức tổ chức sắp xếp theo lí tính. Nếu giữa hai đồ vật còn có khoảng trống thì tôi sẽ nhét thêm một vật nữa, để rồi hả hê trong chiến thắng khi khoảng trống đó đã được lấp đầy. Thế nhưng đâu đó trên con đường này, tôi bắt đầu nhìn nhận mọi thứ của tôi, thậm chí ngôi nhà của tôi như những kẻ thù mà tôi phải đập tan và khiến tôi luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Khi lần đầu khởi sự kinh doanh, tôi cho rằng mình phải chứng tỏ khả năng bản thân bằng cách đưa ra những kiểu cất giữ kì diệu – những giải pháp thông minh mà bạn có thể thấy trong một cuốn tạp chí, chẳng hạn một bộ giá để đồ vừa khít hoàn hảo với một không gian bé tí xíu mà chưa từng có ai nghĩ ra trước đó. Tôi có ý niệm kì lạ rằng đây là cách duy nhất để thỏa mãn các khách hàng của mình. Tuy nhiên, cuối cùng những ý tưởng thông minh như thế gần như luôn thiếu thực tế.

Đây là một ví dụ. Có lần khi giúp một khách hàng sắp xếp lại nhà của họ, tôi bước đến một cái bục quay, khá giống với những bàn ăn xoay trong các nhà hàng Trung Quốc. Nó vốn được dùng làm nơi để lò vi sóng, nhưng chiếc lò đã bị bỏ đi lâu rồi. Ngay khi thấy nó, tôi lóe lên ý tưởng biến nó thành vật để đồ. Khi đó tôi đang thấy khó quyết định được xem có thể dùng nó làm gì vì nó khá to và dày, và rồi khách hàng của tôi dường như đề cập tới chuyện cô ấy có quá nhiều dầu giấm đến mức chẳng biết sắp xếp chúng thế nào. Tôi mở cái tủ mà cô ấy chỉ và, chắc thế rồi, nó đựng đầy các chai dầu giấm. Tôi lấy tất cả đống chai đó ra và cố gắng đặt lên chiếc bàn quay. Chúng vừa khít với nhau đến hoàn hảo. Tôi xếp hết số chai dầu giấm lên và xem này! Tôi đã có một không gian cất giữ trông gọn gàng và vui mắt giống như đồ trưng bày vậy. Cô ấy có thể lấy các chai dầu giấm ở phía sau tủ đồ đơn giản chỉ bằng cách xoay cái bàn. Tiện lợi làm sao! Khách hàng của tôi rất phấn khởi và mọi thứ dường như hoàn hảo.

Chẳng bao lâu sau tôi nhận ra sai lầm của mình. Trong bài học tiếp theo của chúng tôi, tôi kiểm tra bếp của cô ấy. Hầu hết mọi thứ trong bếp vẫn ngăn nắp và gọn gàng, nhưng khi tôi mở cái tủ đựng các chai dầu giấm, tôi thấy bên trong rất lộn xộn. Tôi hỏi tại sao như thế, cô ấy giải thích là mỗi khi xoay chiếc bàn quay, các chai dầu giấm trượt ra và rơi xuống. Ngoài ra, cô ấy để quá nhiều chai ở mép của bàn quay, khiến cho việc xoay cái bàn trở nên khó khăn.

Bạn thấy đấy, tôi đã quá chú tâm vào việc sử dụng cái bàn quay để tạo ra một chỗ cất giữ đáng ngạc nhiên, thế nên tôi không nhận ra mình đang cất trữ cái gì – những chai lọ dễ trượt và rơi đổ. Khi suy nghĩ kĩ hơn, tôi cũng thừa nhận là không ai lại có nhu cầu thường xuyên tiếp cận nơi cất giữ ở phía sau của tủ đồ, vì thế cũng không cần tới một cái bàn quay làm gì cả. Bên cạnh đó, những vật hình tròn chiếm quá nhiều không gian và tạo những khoảng trống lãng phí, khiến chúng không thích hợp để làm chỗ cất giữ. Cuối cùng, tôi bỏ cái bàn quay, đặt các chai dầu giấm vào trong một cái hộp vuông và trả chúng về với tủ đựng đồ. Tuy cách thức này đơn giản và theo lối truyền thống nhưng theo khách hàng của tôi, lại tiện dụng hơn rất nhiều. Nhờ kinh nghiệm này, tôi đi đến kết luận rằng những cách thức cất giữ càng đơn giản càng tốt. Chẳng có ích lợi gì trong việc cố nghĩ ra những chiến lược phức tạp. Khi cảm thấy hoài nghi về cách làm của mình, hãy hỏi ngôi nhà của bạn và vật được cất giữ xem giải pháp tốt nhất là gì.

Phần lớn mọi người nhận ra rằng sự lộn xộn là do có quá nhiều đồ đạc. Nhưng tại sao chúng ta lại có quá nhiều đồ đạc như vậy? Đó là do chúng ta không nắm được chính xác bao nhiêu thứ chúng ta thực sự cần. Chúng ta thất bại trong việc nắm bắt số lượng mà mình sở hữu là bởi những phương pháp cất giữ của chúng ta quá phức tạp. Để tránh được việc dự trữ dư thừa, bản phải đơn giản hóa việc cất giữ. Bí quyết để duy trì một không gian gọn ghẽ là hãy theo đuổi cách cất giữ tối giản nhất đến mức mà chỉ cần liếc mắt cũng biết được là mình đang có bao nhiêu. Tôi nói “tối giản nhất” vì một lí do. Đó là chúng ta không thể nhớ hết được mọi thứ mà chúng ta có, thậm chí cho dù chúng ta đã cất giữ bằng những phương pháp đơn giản. Ngay trong ngôi nhà mà tôi đã bỏ nhiều công sức để đồ đạc được cất giữ đơn giản của chính mình, vẫn có những lúc tôi nhận ra có một thứ mà tôi hoàn toàn quên bẵng trong tủ đồ hoặc trong ngăn kéo. Nếu việc cất giữ đồ đạc của tôi phức tạp hơn, ví dụ như tôi chia đồ đạc thành ba cấp độ theo tần suất sử dụng hoặc theo mùa, thì tôi chắc chắn rằng sẽ còn nhiều thứ hơn nữa bị bỏ quên đến mục nát trong bóng tối. Vì vậy, bạn hãy khiến cho việc cất giữ càng đơn giản càng tốt.

Vì những lí do đã nói ở trên, phương pháp cất giữ của tôi cực kì đơn giản. Tôi chỉ có hai nguyên tắc: cất tất cả những thứ cùng loại ở cùng một chỗ và không cất giữ rải rác.

Chỉ có hai cách để phân loại: xếp đồ thành từng loại hoặc xếp đồ theo người sử dụng. Đây là hai hình thức rất dễ nắm bắt nếu bạn coi người sống một mình khác với người sống cùng với gia đình. Nếu bạn sống một mình hoặc có phòng riêng, việc cất giữ rất đơn giản – chỉ cần xác định từng nơi cất giữ cho từng loại đồ vật. Bạn có thể phân loại tỉ mỉ hơn nữa bằng cách sắp xếp đồ vật theo từng loại. Hãy bắt đầu với quần áo, sau đó là sách vở, tài liệu, komono và cuối cùng là những vật kỉ niệm. Nếu bạn đang phân loại theo cách này thì ngay sau khi chọn giữ lại những đồ vật nào, bạn có thể cất giữ từng loại ở chỗ xác định của riêng chúng.

Thậm chí bạn cũng không cần quá chặt chẽ khi phân loại. Thay vì phân chia đồ vật thành từng loại rất cụ thể, bạn có thể sử dụng những tiêu chí thoáng hơn để phân loại dựa trên sự tương đồng về chất liệu, chẳng hạn “loại vải vóc”, “loại giấy tờ” và “loại đồ điện”, và chọn một chỗ để cho từng loại đó. Đây là cách dễ dàng hơn nhiều so với cố gắng hình dung ra nơi mà bạn có thể sử dụng một đồ vật hoặc dựa trên mức độ thường xuyên sử dụng đồ vật đó. Với phương pháp của tôi, bạn có thể phân loại đồ vật của bạn chính xác hơn.

Nếu bạn đang lựa chọn giữ lại các đồ vật dựa trên tiếng nói cất lên từ con tim, thì bạn sẽ hiểu được điều mà tôi muốn nói, bởi vì, bạn đã thu thập chúng thành từng loại, để chúng vào một chỗ và biết rõ về chúng để có thể đưa ra quyết định. Công việc mà bạn đang làm thực sự giúp bạn cải thiện được khả năng nhận biết những thứ cùng thể loại và lựa chọn được nơi phù hợp để cất giữ chúng.

Nếu bạn sống cùng gia đình, vậy thì trước tiên cần xác định rạch ròi không gian cất giữ của từng thành viên trong gia đình. Điều này có ý nghĩa quan trọng. Ví dụ, bạn có thể xác định những góc cho mình, cho bạn đời và cho các con, rồi cất giữ những đồ vật của mỗi người ở những góc tương ứng. Đó là tất cả những gì bạn cần làm. Điều quan trọng là cố gắng xác định một nơi duy nhất dành cho mỗi người. Nói cách khác, việc cất giữ cần tập trung vào một chỗ. Nếu những nơi cất giữ rải rác khắp nơi thì chẳng bao lâu toàn bộ ngôi nhà sẽ trở nên lộn xộn. Tập trung mọi thứ của một người vào một chỗ là cách cất giữ ngăn nắp hiệu quả nhất.

Tôi từng có một khách hàng nhờ tôi giúp con cô ấy biết cách giữ gọn gàng, ngăn nắp. Con gái cô ấy mới lên ba. Khi tới thăm nhà cô ấy, tôi nhận thấy các đồ vật của cô bé được cất ở ba nơi: quần áo trong phòng ngủ, đồ chơi trong phòng khách và sách vở trong phòng tatami(2). Theo những nguyên tắc cơ bản về phân loại và cất giữ, chúng tôi gom tất cả mọi thứ vào phòng tatami. Từ đó, cô bé bắt đầu biết chọn quần áo để mặc và để đồ của mình vào đúng chỗ của chúng. Mặc dù là người hướng dẫn nhưng tôi cũng phải ngạc nhiên. Ngay cả một đứa trẻ 3 tuổi cũng có thể ngăn nắp, gọn gàng!

Có không gian của riêng mình là điều sẽ khiến bạn vui vẻ. Ngay khi cảm thấy chỗ đó thuộc về chính mình, bạn sẽ muốn nó được ngăn nắp. Nếu khó có thể cho ai đó phòng riêng, bạn vẫn có thể cho anh ta hoặc cô ta một chỗ cất giữ của riêng họ. Tôi đã gặp nhiều người không giỏi việc dọn dẹp ngăn nắp, thường là vì mẹ của họ đã dọn phòng cho họ hoặc họ không bao giờ có được một không gian khiến họ cảm thấy là của riêng mình. Những người này thường cất quần áo trong tủ quần áo của con mình và để sách vở trên kệ sách của vợ/chồng mình. Do đó, không có một không gian mà bạn có thể coi là của riêng mình đúng là một thảm họa. Ai cũng cần một nơi thiêng liêng cho riêng mình.

Tôi nhận ra rằng khi bạn bắt đầu sống ngăn nắp, bạn sẽ thực sự bị cám dỗ để bắt đầu dọn dẹp những không gian như phòng khách những đồ vật thuộc về cả gia đình, như xà phòng và dược phẩm, hoặc những vật dụng và nhu yếu phẩm của gia đình. Nhưng làm ơn để những thứ đó về sau. Đầu tiên, hãy bắt đầu phân loại đồ của bạn trước đã. Hãy chọn những thứ mà bạn muốn giữ lại và cất chúng ở nơi của riêng bạn. Nhờ đó, bạn sẽ học được những điều căn bản để khiến cho ngôi nhà của mình trở nên ngăn nắp, gọn gàng. Hãy ghi nhớ: chọn lựa những thứ cần giữ lại, tuân theo đúng trật tự.

Những cuốn sách về việc dọn dẹp thường khuyên độc giả xem xét việc lập kế hoạch quản lí theo lượng sử dụng khi xác định nơi cất giữ đồ đạc. Tôi không nói là lời khuyên này sai. Có nhiều người đã chọn những phương pháp cất giữ thực dụng dựa trên sự cân nhắc kĩ càng về lượng sử dụng của các đồ vật trong nhà, cho nên điều mà tôi muốn nói ở đây là việc áp dụng duy nhất Phương pháp KonMari mà thôi. Và tôi xin thưa rằng, hãy quên việc lập kế hoạch quản lí lượng sử dụng đi.

Khi một trong những khách hàng của tôi, một phụ nữ tuổi ngũ tuần, phân loại và cất giữ xong đồ của riêng mình, chúng tôi bắt tay vào việc xếp dọn đồ của chồng bà. Bà ấy bảo tôi là chồng bà phải có mọi thứ trong tầm tay, dù cho đó là cái điều khiển từ xa hay một cuốn sách. Khi tôi xem xét không gian sống của họ, tôi nhận thấy rằng rốt cục thì đồ của chồng bà được để khắp nơi trong nhà. Ông ta có một giá sách nhỏ đặt bên cạnh toilet, một góc để túi cặp ở hành lang ra vào, và những cái ngăn kéo đựng tất và đồ lót gần nhà tắm. Nhưng ý muốn của ông ta không thể làm thay đổi phương châm của tôi. Tôi luôn nhất quán rằng việc cất giữ cần tập trung ở một chỗ duy nhất và do đó tôi bảo với khách hàng của mình dọn đồ lót, tất và túi cặp của chồng bà ấy vào tủ quần áo vốn là chỗ mà ông dùng để treo quần áo. Bà ấy có vẻ hơi lo lắng. Bà ấy nói: “Nhưng chồng tôi thích để mọi thứ ở những chỗ mà ông ấy quen dùng. Liệu ông ấy có buồn không?”

Một lỗi phổ biến mà nhiều người hay mắc phải đó là họ quyết định nơi để đồ đạc ở những chỗ mà họ có thể lấy chúng dễ dàng nhất. Cách làm này là một cái bẫy tai hại. Sự lộn xộn chính là kết quả của việc không thể trả vật dụng về đúng chỗ của chúng. Do đó, việc cất giữ nên giúp chúng ta giảm công sức thu dọn đồ dùng, chứ không phải là công sức để lấy chúng ra. Khi lấy ra thứ gì đó, chúng ta đều có mục đích sử dụng rõ ràng. Trừ phi vì một lí do nào đó khiến việc này trở nên vô cùng khó khăn, còn chúng ta thường không để tâm đến công sức mà mình bỏ ra. Tình trạng lộn xộn chỉ có thể có hai nguyên nhân: việc lấy thứ gì đó phải mất quá nhiều công sức hoặc chỗ cất các vật dụng không rõ ràng. Nếu bỏ sót điểm mấu chốt này, chúng ta gần như sẽ tạo ra một hệ thống gây nên những căn nguyên của tình trạng lộn xộn. Đối với những người có bản chất lười biếng như tôi, tôi đặc biệt khuyến nghị bạn nên tập trung vào việc cất giữ ở một chỗ. Dù thế nào thì ý nghĩ cho rằng sẽ tiện lợi hơn nhiều nếu giữ mọi thứ ở trong tầm với cũng chỉ là một giả định sai lầm.

Nhiều người thiết kế chỗ cất giữ đồ sao cho phù hợp với lưu lượng hoạt động trong nhà, nhưng bạn nghĩ thế nào về việc xây dựng kế hoạch quản lí lưu lượng hoạt động ở một nơi? Trong hầu hết các trường hợp, một kế hoạch quản lí lưu lượng hoạt động được xác định không phải dựa trên những hoạt động một người làm trong ngày mà dựa trên vị trí anh ta hoặc cô ta cất giữ các vật dụng. Chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta đã cất giữ vật dụng phù hợp với hành vi của mình, nhưng thường thì một cách vô thức chúng ta lại điều chỉnh các hành động của mình cho phù hợp với nơi mà các vật dụng được cất giữ. Thiết kế không gian cất giữ tuân theo kế hoạch lưu lượng hoạt động hiện thời sẽ chỉ khiến việc cất giữ phân tán khắp nhà. Thêm nữa, điều đó sẽ gia tăng cơ hội để chúng ta tích lũy thêm nhiều vật sở hữu và quên những gì mà chúng ta đang có, và như thế lại khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn.

Hãy xem xét kích cỡ trung bình của nơi cất giữ trong một gia đình Nhật Bản, theo đó việc thiết kế nơi cất giữ dựa trên kế hoạch lưu lượng hoạt động sẽ không gây ra những khác biệt đáng kể. Nếu chỉ mất từ 10 đến 20 giây để đi từ đầu này đến đầu kia của ngôi nhà, vậy thì bạn có thực sự phải quan tâm đến kế hoạch quản lí lượng sử dụng không? Nếu mục tiêu của bạn là một căn phòng không bừa bộn thì điều quan trọng hơn cả sẽ là sắp xếp việc cất giữ sao cho bạn chỉ cần liếc mắt là biết mọi thứ đang ở đâu, thay vì phải lo lắng từng chút một về ai đang làm gì, ở đâu và khi nào.

Bạn không cần phải khiến mọi chuyện trở nên phức tạp. Chỉ cần xác định được nơi cất giữ vật dụng phù hợp với thiết kế của ngôi nhà thì những vấn đề về cất giữ sẽ được giải quyết. Ngôi nhà của bạn biết rõ các vật dụng ở đâu. Đây là lí do tại sao phương pháp cất giữ mà tôi sử dụng lại đơn giản đến thế. Nói thật là, tôi có thể nhớ được chỗ để mọi thứ trong nhà của hầu hết các khách hàng của mình. Đó là vì phương pháp của tôi hết sức đơn giản. Tôi không bao giờ để tâm đến kế hoạch quản lí lượng sử dụng khi giúp đỡ các khách hàng của mình sắp xếp lại nhà cửa, ngay cả khi tất cả họ có không gặp vấn đề gì đi chăng nữa. Trái lại, khi họ lập ra một bản kế hoạch cất giữ vật dụng đơn giản, họ không bao giờ còn phải cân nhắc về việc vật gì nên để ở đâu, vì việc cất dọn vật dụng trở thành tự nhiên, và hệ quả là, không còn bất kì sự lộn xộn nào trong nhà nữa.

Đơn giản là hãy cất giữ mọi thứ giống nhau ở cùng một chỗ. Nếu bạn nghe theo lời khuyên này, bạn sẽ thấy là mình đã tạo ra một bản kế hoạch quản lí lưu lượng hoạt động rất tiện ích, tự nhiên. Bạn cũng không cần phải băn khoăn chút nào về tần suất sử dụng khi thiết kế không gian cất giữ vật dụng. Một vài cuốn sách về dọn dẹp nhà cửa đưa ra những phương pháp phân loại vật dụng thành 6 mức dựa trên tần suất sử dụng: hàng ngày, ba ngày một lần, một tuần một lần, một tháng một lần, một năm một lần và nhiều hơn một năm một lần. Liệu tôi có phải là người duy nhất mà đầu óc thấy lùng bùng với chỉ một suy nghĩ về việc phân chia từng ngăn kéo tủ thành sáu ngăn không? Tôi chỉ sử dụng được tối đa hai cách phân loại theo tần suất sử dụng: những thứ tôi dùng thường xuyên và những thứ tôi không dùng.

Ví dụ, bạn hãy lấy những thứ trong một cái ngăn kéo ra. Một cách tự nhiên thôi bạn sẽ bắt đầu để những đồ ít dùng vào trong cùng và những đồ thường dùng ra phía ngoài của ngăn kéo. Không cần phải quyết định ngay việc này trong lần đầu tiên bạn thiết kế không gian cất giữ. Khi bắt đầu lựa chọn những vật cần giữ lại, bạn hãy tự hỏi – khi lựa chọn chỗ để một vật nào đó, bạn hãy hỏi ngôi nhà của mình. Nếu ghi nhớ và làm điều này, bản năng sẽ mách bảo bạn biết cách sắp xếp và cất giữ vật dụng của mình.

Có những người xếp mọi thứ thành đống, đó có thể là sách, giấy tờ hoặc quần áo. Nhưng đây là sự lãng phí không gian lớn. Khi cất giữ vật dụng, xếp theo chiều thẳng đứng là tốt nhất. Tôi đặc biệt bị ám ảnh vì quan điểm này. Nếu có thể thì tôi luôn cất giữ mọi thứ theo chiều thẳng đứng, gồm cả quần áo: tôi sẽ gấp chúng lại và để theo mép của ngăn kéo, còn tất: tôi sẽ cuộn chúng lại và để vào trong một cái hộp. Cách làm tương tự cũng đúng với văn phòng phẩm và các dụng cụ viết lách: dù là các hộp ghim kẹp giấy, các cuộn thước dây hoặc những cục tẩy, tôi cũng sẽ đặt chúng ở mép ngăn kéo. Thậm chí tôi còn cất laptop ở kệ sách như thể nó thực ra là một cuốn sổ tay vậy. Nếu không gian cất giữ vật dụng của bạn chưa hiệu quả, hãy thử sắp xếp lại theo chiều dọc. Bạn sẽ thấy cách làm này giải quyết được hầu hết các vấn đề.

Tôi cất giữ vật dụng theo chiều thẳng đứng và tránh dồn đống lại vì hai lí do. Thứ nhất, nếu bạn xếp vật dụng thành đống, kết cục là bạn có không gian cất giữ vô cùng tận. Mọi thứ cứ chồng đống và cao ngất lên mãi, khiến bạn ngày càng khó có thể thấy được là số lượng đang ngày càng gia tăng. Trái lại, khi mọi thứ được cất giữ theo chiều thẳng đứng, thì bất cứ sự gia tăng nào cũng làm chiếm dụng không gian và cuối cùng bạn sẽ hết chỗ để cất giữ. Khi sắp xếp theo cách này, bạn sẽ nhận thấy: “À, tôi lại đang bắt đầu tích trữ rồi đây.”

Và đây là một lí do nữa: chồng đống sẽ tác động xấu tới những vật ở dưới đáy. Khi vật này được chồng lên trên vật kia, những vật dưới cùng sẽ bị đè nén. Việc xếp chồng đống sẽ làm suy yếu những vật phải chịu sức nặng của cả đống bên trên. Chỉ cần hình dung là bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu phải gánh một khối nặng suốt hàng giờ liền. Không chỉ có thế, những vật trong đống đó gần như bị biến mất vì chúng ta thậm chí quên mất sự tồn tại của chúng. Khi chúng ta chồng quần áo lớp nọ lên lớp kia, quần áo ở bên dưới ngày càng ít được sử dụng. Những bộ trang phục không còn khiến các khách hàng của tôi phải run lên thậm chí cho dù họ đã rất thích vào thời điểm mua chúng thường là những bộ quần áo đã nằm dưới đáy của đống đồ suốt một thời gian dài.

Tình trạng này cũng đúng đối với các loại giấy tờ và tài liệu. Ngay khi có một tài liệu khác được đặt lên trên, tài liệu đầu tiên sẽ lùi xa thêm một chút đối với ý thức của chúng ta và trước khi chúng ta nhận ra điều này, chúng ta thoái thác việc xử lí nó hoặc thậm chí quên mất nó. Vì tất cả các lí do trên, tôi khuyến nghị bạn nên cất giữ theo chiều thẳng đứng đối với bất kì vật gì có thể dựng đứng được. Hãy thử dỡ đống đồ bạn có và xếp chúng lại theo chiều thẳng đứng. Chỉ bằng việc này thôi, bạn sẽ ý thức hơn về số lượng các vật trong đống đó. Bạn có thể cất giữ theo chiều thẳng đứng ở bất kì đâu. Những cái tủ lạnh hỗn độn là tình trạng phổ biến nhưng người ta có thể sắp xếp lại mọi thứ bên trong tủ lạnh một cách nhanh chóng và đơn giản bằng cách dựng thẳng chúng lên. Ví dụ, tôi thích ăn cà rốt. Nếu bạn mở tủ lạnh của tôi, bạn sẽ thấy các củ cà rốt được dựng thẳng trong các ngăn đựng đồ uống ở cánh tủ.

Thế giới có đầy các dụng cụ cất giữ tiện lợi. Những vách ngăn có thể điều chỉnh, những giá bằng vải có thể treo trên thang ngang trong tủ quần áo hay những giá hẹp có thể vừa khít với những không gian nhỏ. Bạn có thể tìm thấy các dụng cụ cất giữ đồ vật mà bạn chưa từng hình dung ra tại bất cứ cửa hàng nào, từ cửa hiệu gia dụng bán đồ đồng giá cho tới những cửa hàng nội thất cao cấp lộng lẫy. Chính tôi từng là một kẻ cuồng tích trữ, cho nên có lúc tôi đã cố gắng mua tất cả những dụng cụ cất giữ đồ vật có trên thị trường, bao gồm cả những thứ kì quặc và lạ lùng nhất. Nhưng giờ đây nhà tôi hầu như không còn bất cứ một dụng cụ cất giữ nào nữa.

Những dụng cụ cất giữ mà bạn sẽ thấy trong nhà tôi là một số bộ ngăn kéo nhựa trong để đựng quần áo và komono, một bộ ngăn kéo bằng bìa cứng mà tôi dùng từ hồi còn học trung học và một chiếc rổ mây để đựng khăn tắm. Thế thôi. Và tất cả chúng được để trong chiếc tủ gắn liền tường. Ngoài ra, trong bếp và nhà tắm còn có mấy cái giá treo tường và một cái tủ giày ở hành lang. Tôi không cần tủ sách vì tôi để sách vở và giấy tờ trên một trong các giá của tủ giày. Những chiếc tủ và giá để đồ trong nhà tôi còn nhỏ hơn cả mức trung bình. Về cơ bản, những dụng cụ cất giữ duy nhất mà bạn cần chỉ là những chiếc ngăn kéo và hộp đựng cũ kĩ – bạn không cần bất cứ thứ gì đặc biệt hoặc khác thường.

Người ta thường hỏi tôi lời khuyên, không nghi ngờ gì là họ mong đợi tôi tiết lộ một vũ khí cất giữ bí mật nào đó chưa từng ai được biết. Nhưng ngay lúc này tôi có thể nói với bạn rằng: bạn chẳng cần mua các ngăn kéo hoặc bất kì một món đồ chuyên dụng nào khác. Bạn có thể xử lí những vấn đề về cất giữ đồ của mình chỉ bằng những thứ sẵn có trong nhà. Thứ mà tôi thường dùng nhất là hộp đựng giầy rỗng. Tôi đã thử sử dụng mọi sản phẩm dùng để cất giữ đồ nhưng chưa thấy bất cứ thứ gì không mất chi phí mà lại tiện ích như hộp đựng giầy. Nó đạt điểm trên trung bình cho tất cả năm tiêu chí của tôi: kích cỡ, chất liệu, độ bền, dễ sử dụng và hấp dẫn. Những thuộc tính hài hòa này và tính đa dụng là các phẩm chất tuyệt vời của nó. Gần đây người ta cũng thiết kế hộp đựng giày với những kiểu dáng đáng yêu. Tôi thường hỏi các khách hàng của mình: “Bạn có chiếc hộp đựng giày nào không?” khi tôi tới thăm nhà của họ.

Có vô số cách sử dụng hộp đựng giày. Tôi thường dùng chúng để đựng tất và quần bó rồi để trong ngăn kéo. Chiều cao của hộp đựng giày vừa khít với những chiếc quần bó được cuộn lại và dựng lên trong hộp. Trong phòng tắm, người ta có thể dùng chúng để đựng các lọ dầu gội, dầu dưỡng tóc,… và chúng cũng là thứ hoàn hảo để đựng các lọ thuốc tẩy cũng như những chai lọ hóa chất vệ sinh nhà cửa khác. Trong bếp, người ta có thể dùng chúng để đựng thực phẩm cũng như các túi rác, giẻ rửa bát, v.v.. Tôi còn dùng chúng để đựng các khuôn và khay làm bánh cũng như các dụng cụ nấu nướng khác mà tôi không mấy khi sử dụng. Hộp đựng giày có thể đặt trên giá cao. Vì lí do nào đó, nhiều người dường như cất những chiếc khuôn làm bánh vào túi ni lông nhưng rõ ràng là người ta có thể dễ dàng sử dụng chúng hơn nhiều khi chúng được để trong một chiếc hộp đựng giày. Giải pháp cực kì dễ dàng này được áp dụng rất phổ biến với các khách hàng của tôi. Tôi luôn vui mừng khi họ nói với tôi rằng họ đã nướng bánh thường xuyên hơn kể từ khi sắp xếp lại vật dụng theo cách mới.

Nắp hộp đựng giày thường nông và có thể được dùng như một cái khay. Người ta có thể đặt nó trong một chiếc tủ để đựng các lọ dầu ăn và gia vị, nhờ đó giữ cho sàn tủ luôn được sạch sẽ. Không giống như nhiều loại tấm lót, những chiếc nắp hộp này không bị trượt và dễ dàng thay thế. Nếu bạn cất các đồ dùng nhà bếp như cái muôi trong ngăn kéo thì giờ đây bạn có thể dùng nắp hộp đựng giày để đựng chúng. Cách làm này sẽ khiến đồ dùng nhà bếp không bị lăn lóc và gây ra tiếng ồn mỗi khi bạn mở và đóng ngăn kéo, và vì nó có chức năng như một cái ngăn nên bạn có thể sử dụng không gian còn lại một cách hiệu quả hơn.

Tất nhiên, còn có nhiều loại hộp khác có thể làm thành những vật cất giữ tiện lợi. Những loại hộp mà tôi sử dụng thường xuyên nhất bao gồm những chiếc hộp nhựa đựng danh thiếp và những chiếc hộp đựng máy nghe nhạc iPod. Trên thực tế, những chiếc hộp đựng các sản phẩm của Apple có kích cỡ và thiết kế phù hợp cho việc sử dụng để cất giữ đồ, do đó nếu bạn có bất cứ chiếc hộp nào loại này thì tôi khuyên bạn nên dùng chúng như những ô đựng đồ trong các ngăn kéo của bạn. Chúng rất tuyệt để đựng bút máy, bút chì và các loại dụng cụ viết lách khác. Một loại phù hợp nữa là những chiếc hộp đựng thực phẩm cỡ lớn, chúng ta có thể dùng chúng để đựng các vật nhỏ hơn trong bếp.

Về cơ bản, bất kì chiếc hộp hoặc vật đựng hình vuông nào có kích cỡ chuẩn đều có thể sử dụng được. Tuy nhiên, những chiếc hộp bìa cứng cỡ lớn hoặc những chiếc hộp đựng thiết bị điện lại quá lớn để làm ngăn để đồ, không hài hòa với những loại đồ đựng khác và rõ ràng là trông xấu xí. Hãy từ bỏ những chiếc hộp loại này. Bất cứ khi nào bạn nhìn lướt qua những chiếc hộp trong khi đang dọn dẹp và phân loại vật dụng của mình, hãy xếp chúng lại một chỗ cho đến khi bạn bắt đầu công việc cất giữ. Hãy đảm bảo rằng bạn sẽ ném đi bất cứ thứ gì còn lại sau khi ngôi nhà của bạn đã được dọn dẹp gọn gàng. Đừng bao giờ mong chờ rằng rồi một ngày nào đó bạn có thể dùng đến những món đồ đó.

Tôi khuyến nghị bạn không nên dùng những vật hình tròn, hình trái tim hay những hình dạng không bình thường khác để làm ô đựng đồ vì chúng thường choán không gian. Tuy nhiên, nếu một chiếc hộp đặc biệt đem lại cho bạn cảm giác rung động khi dùng nó thì lại là chuyện khác. Bỏ nó đi hoặc giữ nó lại mà không dùng đến là một sự lãng phí, vì thế ở đây bạn nên làm theo trực giác và sử dụng nó để làm vật chứa. Ví dụ, bạn có thể sử dụng những chiếc hộp như vậy trong chiếc ngăn kéo đựng phụ kiện cho tóc hoặc đựng các cuộn len hay bộ dụng cụ may vá thêu thùa. Hãy tạo ra những sự kết hợp độc đáo của riêng bạn bằng cách khiến cho một chiếc hộp rỗng vừa vặn với một vật mà bạn cần cất giữ. Phương pháp tốt nhất chính là thử nghiệm và cảm thấy thích thú với quá trình này.

Khi khách hàng của tôi sử dụng những thứ sẵn có trong nhà theo cách này, họ luôn thấy rằng họ có chính xác những thứ mà họ cần để cất giữ vật dụng. Họ không cần phải ra ngoài để mua dụng cụ đựng đồ. Tất nhiên, bên ngoài luôn có những dụng cụ tuyệt vời được thiết kế cho việc cất giữ. Nhưng ngay lúc này, điều quan trọng là bạn cần hoàn thành việc dọn dẹp nhà cửa cho ngăn nắp. Thay vì mua thứ gì đó để làm công việc này thì hãy cứ chờ cho đến khi bạn hoàn thành quá trình dọn dẹp và sau đó dành thời gian để tìm những dụng cụ cất giữ mà bạn thực sự yêu thích.

Giỏ, túi xách và những loại túi khác khi không dùng đến thì thường trống không. Trong chuyện này có một điểm khiến tôi chú ý, đó là chúng làm lãng phí không gian lớn, đặc biệt khi chúng thường được để ở những nơi cất giữ tốt nhất. Không chỉ chiếm nhiều diện tích vì không thể gấp hay cuộn lại được, chúng còn thường được lèn bằng giấy mỏng để giữ được hình dạng. Trong các ngôi nhà Nhật Bản vốn chỉ có không gian cất giữ cực kì hạn hẹp, chuyện này dường như là một cách sử dụng phung phí không gian không thể tha thứ. Thực tế là giấy mỏng lèn bên trong túi thường bắt đầu rách vụn ra và chỉ gây thêm những hư hại mà thôi.

Quyết tâm tìm ra một giải pháp, tôi bắt đầu thử nghiệm. Trước tiên, tôi quyết định không dùng giấy mỏng để lèn vào trong túi. Bởi nói cho cùng, từ bỏ những thứ không đem lại cảm hứng là chìa khóa trong phương pháp của tôi. Thay vào đó, tôi thử lèn túi bằng những vật dụng nhỏ dùng theo mùa nhưng chưa dùng đến. Vào mùa hè, tôi dùng khăn quàng và găng tay, còn vào mùa đông, tôi cho quần áo bơi vào túi. Những chiếc túi không chỉ giữ được hình dạng mà còn có thêm công dụng đựng đồ. Tôi rất vui vì thấy giải pháp này là một mũi tên trúng hai đích. Nhưng sau một năm, tôi phải từ bỏ phương pháp này. Mặc dù về lí thuyết thì đây là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng trên thực tế tôi cảm thấy khó nhọc với việc phải lấy đồ ra mỗi khi muốn sử dụng một chiếc túi xách, và mỗi lần làm vậy, tủ đựng của tôi lại trở nên lộn xộn.

Tất nhiên, tôi không bỏ cuộc. Tôi tiếp tục tìm kiếm một thứ gì đó sẽ không bị rách vụn khi nhét vào túi. Ý tưởng tiếp theo của tôi là cho những vật nhỏ vào trong một túi vải mỏng rồi mới nhét túi vải đó vào túi xách. Việc lấy ra rất dễ dàng và chiếc túi vải thực sự trông đẹp mắt thậm chí khi để phơi ra trong tủ. Tôi hài lòng vì mình đã khám phá ra một giải pháp đột phá nữa. Thế nhưng biện pháp này cũng tiềm ẩn một hạn chế. Tôi không thể thấy những đồ dùng theo mùa bên trong túi và khi mùa sử dụng đến gần, tôi hoàn toàn quên khuấy việc lấy đồ ra khỏi hai chiếc túi vải. Cuối cùng phải một năm sau tôi mới chú ý đến chúng và đến lúc đó, mọi thứ bên trong hai chiếc túi ấy trông thật thảm hại. Sự việc này khiến tôi phải dừng lại để suy nghĩ. Mặc dù trên thực tế phương châm của tôi với quần áo và những vật dụng khác là giữ cho những thứ dùng theo mùa nhưng chưa dùng đến luôn phải ở trong tầm mắt, nhưng tôi lại đã ngớ ngẩn tin tưởng là mình có thể nhớ để lấy chúng ra dù không nhìn thấy chúng.

Tôi lấy hết mọi thứ ra hỏi các chiếc túi vải nhưng những chiếc túi xách vốn được lèn đầy giờ đây lại rũ xuống. Tôi cần thứ gì đó để giúp chúng giữ được hình dáng nhưng tôi chắc chắn không muốn nhét đầy chúng bằng quần áo dùng theo mùa vì tôi biết mình sẽ bỏ quên. Không biết phải làm sao, tôi quyết định cho chiếc túi này vào trong chiếc túi kia chỉ tạm thời thôi. Thế nhưng việc làm này hóa ra lại là một giải pháp tuyệt vời. Bằng cách cất những chiếc túi vào trong một chiếc túi khác, tôi đã giảm được một nửa không gian cất giữ cần thiết và tôi có thể nhận biết được những thứ bên trong nhờ việc để những quai túi ở trong thò ra bên ngoài chiếc túi đựng chúng.

Điều quan trọng là hãy xếp các túi cùng loại với nhau. Những nhóm túi này có thể bao gồm túi xách làm từ chất liệu tương tự, ví dụ da cứng hoặc vải dệt dày dặn, hoặc những chiếc ví dành cho những dịp đặc biệt, chẳng hạn cưới hỏi và tang lễ. Việc phân chia theo chất liệu và/hoặc mục đích sử dụng có nghĩa là bạn chỉ cần lấy một nhóm túi ra mỗi khi bạn cần sử dụng một chiếc túi xách. Điều này sẽ dễ dàng cho bạn hơn nhiều. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn không nên cất quá nhiều túi trong cùng một túi. Nguyên tắc chung của tôi là chỉ nên cất không quá hai túi trong cùng một túi bất kì và đảm bảo rằng sẽ không quên những thứ mà mình cất bên trong. Đối với túi xách tote(3), chúng có thể gấp nhỏ lại đến mức đáng ngạc nhiên, tôi khuyên bạn nên cất tất cả chúng trong một chiếc túi tote mà thôi.

Tóm lại, cách tốt nhất để cất giữ bóp/ví cầm tay, túi xách và các loại túi khác đó là xếp chúng lại thành từng nhóm dựa trên chất liệu, kích cỡ và tần suất sử dụng, và hãy cất chúng trong một chiếc túi khác, như thể các quả trứng trong chiếc lồng ấp vậy. Tất cả quai và dây túi bên trong nên được bỏ ra bên ngoài cho dễ nhìn. Xếp các nhóm túi này thẳng hàng trong tủ tường hoặc tủ quần áo của bạn ở nơi mà bạn có thể nhìn thấy chúng. Quá trình cất những chiếc túi vào trong một chiếc túi khác, và việc nhận ra những cách kết hợp hài hòa, sẽ mang lại nhiều niềm vui, giống như chơi trò giải đố ô chữ. Khi bạn phát hiện ra một cặp đôi vừa vặn, túi bên ngoài khít với túi bên trong và chúng tương trợ lẫn nhau, việc này giống như thể bạn đang chứng kiến một cuộc gặp định mệnh vậy.

Có vài thứ mà bạn cần dùng hàng ngày, chẳng hạn như ví, vé tàu hoặc vé xe và nhật kí. Nhiều người thấy chẳng cần phải lấy chúng ra khi họ trở về nhà vì đằng nào thì họ cũng sẽ lại sử dụng vào ngày hôm sau, nhưng đây là một suy nghĩ sai lầm. Mục đích của một chiếc ví hoặc túi là để đựng đồ dùng của bạn khi bạn ra khỏi nhà. Bạn cho vào túi xách những thứ mình cần, chẳng hạn như tài liệu, điện thoại di động và ví tiền, và nó mang tất cả những thứ đó mà không hề phàn nàn, thậm chí ngay cả khi nó bị nhét chặt đến mức muốn bung ra. Khi bạn đặt túi xuống và đáy của nó bị kéo lê trên sàn, nó hoàn toàn không ca thán một lời mà chỉ cố gắng hỗ trợ bạn tốt nhất. Đúng là cúc cung tận tụy! Vì thế, thật là tàn nhẫn nếu không cho nó nghỉ ngơi ngay cả khi đã ở nhà. Phải chứa đựng mọi thứ cả ngày, thậm chí ngay cả khi không được dùng đến, chắc hẳn có cảm giác như thể đi ngủ với cái dạ dày chật ứ. Nếu bạn đối xử với những chiếc túi xách của mình như vậy, chẳng mấy chốc trông chúng sẽ mòn mỏi đi mà thôi.

Nếu không tạo thói quen bỏ đồ ra khỏi túi xách khi về nhà, hầu như chắc chắn là bạn cũng sẽ bỏ lại thứ gì đó bên trong khi bạn quyết định sử dụng một chiếc ví khác và trước khi nhận ra điều đó, bạn sẽ quên mất những thứ mà bạn có trong mỗi chiếc túi. Không thể tìm thấy một cái bút hoặc son môi, bạn sẽ lao đi mua một cái mới. Khi chúng tôi dọn dẹp phòng ốc của các khách hàng, những thứ thường thấy nhất trong các túi xách của họ là túi giấy ăn, các đồng xu, những tờ biên lai nhàu nát và bã kẹo cao su được gói trong vỏ đựng kẹo. Một nguy cơ thực sự là những thứ quan trọng như giấy ghi nhớ hoặc tài liệu có thể bị lẫn trong những thứ đó.

Vì vậy, bạn hãy làm rỗng túi hàng ngày. Việc này không phiền phức như bạn nghĩ. Bạn chỉ cần dành một chỗ cho những thứ đựng trong túi. Hãy tìm một cái hộp và để vé tàu/xe, thẻ ra vào công ty và những thứ quan trọng khác vào đó. Sau đó đặt cái hộp vào trong ngăn kéo hoặc tủ đồ. Hộp nào cũng có thể dùng được, nhưng nếu bạn không thể tìm thấy chiếc hộp có kích cỡ phù hợp thì một chiếc hộp đựng giày sẽ làm tốt việc này. Hoặc bạn có thể tạo ra một không gian ở trong góc của ngăn kéo mà không cần phải dùng bất cứ chiếc hộp nào. Vẻ bề ngoài là điều quan trọng, vì vậy nếu như bạn đang dùng một cái hộp thì đừng do dự để tìm lấy một cái mà bạn thực sự ưng ý. Một trong những nơi tốt nhất để đặt cái hộp này là trên nóc tủ ngăn kéo mà bạn dùng để cất đồ và sẽ càng tiện lợi hơn nếu chỗ để hộp ở gần nơi bạn cất túi xách.

Thỉnh thoảng có thể bạn không làm rỗng túi được, vậy cũng không sao. Có những lúc tôi về nhà rất khuya, tôi không buồn bỏ đồ ra khỏi túi vì tôi đã có kế hoạch dùng chúng vào sáng sớm hôm sau. Có chuyện này chỉ có bạn và tôi biết thôi nhé, đó là trong thời gian viết cuốn sách này, có những lần tôi trở về nhà và ngủ gục trên sàn mà thậm chí còn chưa kịp thay đồ. Điều quan trọng là bạn cần tạo ra một môi trường mà ở đó chiếc túi của bạn có thể nghỉ ngơi bằng cách thiết lập một chỗ để cụ thể cho mọi thứ bạn thường cất trong túi.

Nếu bạn có những chiếc tủ đồ hoặc tủ quần áo, vậy thì hầu hết mọi thứ trong nhà đều có thể được cất trong những chiếc tủ đó. Những chiếc tủ Nhật là không gian cất giữ lý tưởng. Chúng rộng và sâu, được phân chia thành phần trên và phần dưới bằng một cái giá rộng và cực kì vững chắc, và có một chiếc tủ được gắn vào tường ở phía bên trên. Nhưng nhiều người Nhật không biết cách tận dụng không gian cất giữ này. Đối với những người có những chiếc tủ kiểu này, hãy sử dụng chúng một cách chính xác. Không cần biết bạn đã cố gắng vất vả ra sao để thiết kế một thiết bị tài tình nào đó nhằm giải quyết tất cả các vấn đề cất giữ của mình, kết quả cuối cùng hầu như luôn là bạn sẽ khó sử dụng chúng hơn những gì sẵn có.

Phương pháp cơ bản để sử dụng hiệu quả một chiếc tủ đồ là như sau. Trước hết, nguyên tắc chung là những vật dụng theo mùa nhưng chưa dùng đến nên được cất giữ ở những chỗ khó tiếp cận nhất. Chúng bao gồm đồ trang trí vào dịp Giáng sinh, đồ trượt tuyết, đồ leo núi hoặc những trang phục và dụng cụ thể thao dùng theo mùa khác. Đây cũng là chỗ tốt nhất để cất những vật lưu niệm cỡ lớn không vừa với kệ sách, chẳng hạn một cuốn album ảnh cưới hay những cuốn album ảnh khác. Nhưng đừng để chúng trong những hộp bìa cứng. Thay vào đó, hãy dựng chúng tựa vào mặt trong của tủ đồ như cách bạn dựng sách trên giá. Nếu không thì gần như là bạn sẽ không còn trông thấy chúng lần nữa đâu.

Quần áo mặc hàng ngày nên được cất trong tủ đồ. Nếu bạn sử dụng những chiếc hộp nhựa trong để cất quần áo, tôi đặc biệt khuyên bạn nên dùng ngăn kéo thay vì dùng các loại hộp như thế. Khi cất quần áo mặc nhanh (instant clothes) vào trong một chiếc hộp thì việc lấy chúng ra sẽ trở nên khó nhọc và trong hầu hết trường hợp, người ta không buồn lấy chúng ra kể cả khi mùa sử dụng đã đến. Và, tất nhiên là bạn hãy gập và xếp những trang phục đó ở rìa của ngăn kéo.

Nơi tốt nhất để cất bộ đồ giường (chăn, ga, gối…) là ở giá trên cùng của tủ đồ, tại đó chúng sẽ ít bị hút ẩm và bám bụi. Không gian bên dưới tủ đồ có thể được dùng để cất các thiết bị điện chưa đến mùa sử dụng như quạt và máy sưởi. Cách tốt nhất để sử dụng một chiếc tủ đồ kiểu Nhật là hãy nghĩ về nó như một căn phòng nhỏ và hãy cất giữ vật dụng vào trong các ngăn kéo hoặc những bộ phận chứa đựng khác của nó. Tôi có một khách hàng cất tất cả những trang phục rộng trong tủ đồ. Khi chúng tôi mở cửa tủ, bên trong nó trông như một thùng rác và những trang phục đó không khác gì một mớ hỗn độn.

Bạn sẽ thấy hiệu quả hơn nữa nếu chuyển tất cả các dụng cụ cất giữ vào tủ đồ. Tủ đồ là nơi tôi thường dùng để đặt các giá thép, kệ sách và những cái giá gỗ dán vốn cũng có thể sử dụng làm nơi để sách. Tôi cũng cất bất kì đồ vật lớn nào chiếm diện tích mặt sàn – ví dụ va li, gậy đánh gôn, thiết bị điện hoặc đàn ghita – vào tủ đồ. Tôi chắc chắn rằng nhiều người trong số các khách hàng của tôi không tin là họ có thể thể cất vừa mọi vật dụng của họ vào tủ đồ, nhưng ngay khi tuân theo Phương pháp KonMari trong việc sắp xếp và loại bỏ, thì họ sẽ thấy việc này khá đơn giản.

Có bao nhiêu lọ dầu gội đầu và dầu dưỡng tóc trong phòng tắm của bạn? Các thành viên trong gia đình có thể sử dụng những loại sản phẩm khác nhau, hoặc bạn có thể có một số loại sản phẩm mà bạn dùng tùy theo tâm trạng hoặc theo những liệu pháp mỗi tuần một lần. Nhưng những chai lọ đó sẽ gây khá nhiều phiền phức khi bạn dọn dẹp nhà tắm. Khi được để trên sàn phòng tắm có gương sen hoặc ở rìa phòng tắm, chúng trở nên nhầy nhụa. Để tránh tình trạng này, một vài người sử dụng một chiếc giỏ đan bằng dây kim loại làm vật đựng, nhưng theo kinh nghiệm của riêng tôi, cách làm này chỉ khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

Tôi từng mua một chiếc giỏ đan bằng dây kim loại đủ lớn để đựng tất cả xà phòng, dầu gội và thậm chí mặt nạ đắp mặt của cả gia đình. Niềm vui của tôi với vật dụng tiện lợi này hóa ra cũng chỉ thoảng qua. Mỗi khi tắm xong tôi đều làm khô nhà tắm, nhưng chẳng bao lâu việc lau chùi từng chiếc giỏ đan bằng dây kim loại trở nên nhàm chán và tôi chỉ làm ba ngày một lần, rồi năm ngày một lần, sau đó thậm chí còn ít hơn, cho đến lúc tôi hoàn toàn quên việc phải lau dọn nhà tắm. Một ngày kia, tôi nhận thấy chai dầu gội đầu có màu đỏ, còn đáy chai thì nhầy nhụa. Kiểm tra chiếc giỏ, tôi thấy nó bị một lớp nhớt nhớp nhúa bao phủ đến mức tôi không dám nhìn. Gần như bật khóc, tôi cọ sạch chiếc giỏ kim loại và không bao lâu sau tôi vứt nó đi. Nó chỉ gây thêm nhiều phiền toái và mỗi lần tôi vào phòng tắm rồi nhìn thấy nó, nó lại khiến tôi nhớ lại thời điểm nhớp nhúa kinh tởm khi ấy. Lúc đó tôi đã nhận ra rằng phòng tắm là nơi ẩm ướt nhất trong nhà, điều này hiển nhiên khiến nó là chỗ bất hợp lí nhất để cất giữ bất kì thứ gì.

Nếu không dùng đến, chúng ta sẽ không lấy xà phòng và dầu gội ra khỏi chỗ để, khi đó nhiệt độ và hơi ẩm sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng của xà phòng và dầu gội. Do đó, phương châm của tôi là giữ mọi thứ cách xa phòng tắm hoặc buồng tắm gương sen. Dù thế nào, bất kì thứ gì dùng trong nhà tắm cũng phải được làm khô sau khi sử dụng, điều này có ý nghĩa hơn nhiều so với việc dùng khăn phòng tắm lau chùi vài thứ mà chúng ta dùng rồi cất chúng trong tủ đồ. Thoạt nhìn thì cách lau chùi này dường như hiệu quả hơn, nhưng thực ra không phải vậy. Bạn sẽ thấy việc dọn dẹp sạch sẽ phòng tắm hoặc buồng tắm gương sen nhanh chóng và dễ dàng hơn nhiều nếu không có xà phòng và các loại chai lọ lộn xộn khắp nơi, và rất ít chất nhờn còn bám lại.

Cách làm tương tự cũng đúng với khu vực bồn rửa bát. Bạn có để những miếng bọt biển và nước rửa bát ở cạnh bồn rửa? Còn tôi thì cất chúng ở bên dưới bồn rửa bát. Bí quyết này đảm bảo giữ cho miếng bọt biển rửa bát hoàn toàn khô ráo. Nhiều người sử dụng miếng bọt biển bằng dây kim loại có giác mút gắn vào bồn rửa. Nếu bạn cũng làm như vậy, tôi khuyên bạn là nên bỏ nó đi ngay lập tức. Nó không thể khô được nếu lúc nào cũng bị dính nước bắn vào mỗi khi bạn dùng bồn rửa và rồi chẳng mấy chốc nó sẽ bắt đầu bốc mùi khó chịu. Để tránh tình trạng này, hãy vắt kiệt miếng bọt biển sau khi dùng và treo nó lên cho khô ráo. Bạn có thể dùng một chiếc móc treo quần áo để treo nó trên giá mắc khăn lau hoặc nếu không có giá mắc khăn lau thì treo trên tay nắm của ngăn kéo nhà bếp. Cá nhân tôi khuyên bạn nên treo những miếng bọt biển ra ngoài, ví dụ như phơi quần áo.

Tôi không chỉ phơi những miếng bọt biển mà còn phơi cả thớt, chảo và bát đĩa ngoài hiên. Nắng mặt trời là cách khử trùng hiệu quả và bếp của tôi luôn luôn trông rất ngăn nắp vì tôi không cần phải dùng đến giá đựng bát đĩa. Trên thực tế, thậm chí tôi không có cái giá đựng bát đĩa nào. Tôi đặt tất cả đĩa đã rửa vào trong một cái bát hoặc cái chảo lớn và để chúng ngoài hiên để phơi khô. Tôi có thể rửa bát đĩa vào buổi sáng và chỉ việc bỏ chúng ra ngoài hiên là xong. Tùy vào thời tiết và nơi bạn sinh sống mà cách làm này có thể phù hợp với bạn hay không.

Bạn để dầu ăn, muối, hạt tiêu, xì dầu và những gia vị khác ở đâu? Nhiều người để chúng ngay cạnh bếp đun vì họ có thể tiện tay lấy chúng. Nếu bạn giống như họ, thế thì tôi hi vọng bạn sẽ giải phóng cho chúng ngay bây giờ. Chỉ có một lí do thôi, quầy bếp [hoặc bệ trong nhà bếp – ND] là nơi để chuẩn bị thức ăn, chứ không phải chỗ để cất đồ. Cụ thể là, không gian quầy bếp bên cạnh bếp đun tiếp xúc trực tiếp với thức ăn và dầu ăn, và những đồ gia vị để ở đây luôn bị bám dầu mỡ. Những hàng chai lọ để ở đây rất khó có thể giữ được sạch sẽ và khu vực bếp sẽ luôn luôn bị một lớp màng dầu mỡ bao phủ. Đó là lí do khiến các giá và tủ bếp thường được thiết kế để cất đồ gia vị tách rời khỏi nơi nấu nướng. Và việc khá phổ biến là người ta sẽ lắp đặt chiếc ngăn kéo hoặc tủ bếp dài và hẹp ở kế bên bếp đun vì mục đích trên.

“Xin đừng mở nó ra!” là một điệp khúc phổ biến. Các khách hàng của tôi luôn có một chiếc ngăn kéo, một cái hộp hoặc một tủ đồ không muốn cho tôi xem. Tất cả chúng ta đều có những thứ mà chúng ta không muốn để người khác biết, đó là những thứ mà chúng ta cảm thấy là quan trọng. Những vật phổ biến là các tờ poster có hình thần tượng nhạc pop cùng những vật lưu niệm với những người hâm mộ khác và các cuốn sách gắn với sở thích riêng. Các tờ poster thường được cuộn lại và để ở sau tủ đồ, còn những chiếc đĩa CD được cất trong một chiếc hộp. Nhưng đây là một sự lãng phí. Ít ra thì phòng của bạn cũng nên là nơi để bạn có thể theo đuổi và chiều theo những sở thích của tâm hồn. Vì thế, nếu bạn thích điều gì thì đừng nên giấu nó đi. Nếu bạn muốn làm theo sở thích nhưng không muốn cho bạn bè hoặc người khác biết thì tôi có một giải pháp cho bạn. Hãy biến không gian cất giữ của bạn thành chốn riêng tư, điều này cho phép bạn cảm nhận được sự thoải mái thực sự. Hãy sử dụng những vật quý giá mà bạn thích để trang trí mặt lưng bên trong tủ quần áo hoặc mặt trong của cánh cửa tủ.

Bạn có thể trang trí tủ quần áo bằng bất cứ thứ gì, cho dù là đồ riêng tư hay không. Các tờ poster, tranh ảnh, vật trang trí, bất cứ thứ gì mà bạn thích. Không hề có giới hạn cho những cách thức trang trí không gian cất giữ của bạn. Không một ai có thể phàn nàn khi họ trông thấy chúng. Không gian cất giữ của bạn chính là thiên đường riêng tư cho phép cá tính được thể hiện trọn vẹn.

Một trong nhiều điều khiến tôi kinh ngạc khi giúp các khách hàng dọn dẹp đó là số lượng vật dụng vẫn còn nguyên trong bao bì. Thực phẩm và những đồ dùng vệ sinh thì tôi còn có thể hiểu được nhưng tại sao người ta lại nhét cả trang phục như tất và đồ lót vào trong ngăn kéo mà chưa hề lấy chúng ra khỏi bao bì? Như thế chúng sẽ chiếm nhiều không gian hơn và cũng dễ bị quên lãng hơn.

Cha tôi thích tích trữ tất. Mỗi lần đến siêu thị, ông lại mua những đôi tất xám hoặc đen để đi cùng với quần áo của ông và cất chúng còn nguyên cả bao bì vào ngăn kéo. Những chiếc áo len dài tay màu xám cũng là một thứ nữa mà cha tôi luôn muốn sẵn có, và tôi thường bắt gặp chúng ở phía bên trong tủ đồ, vẫn còn được gói nguyên trong túi bọc ni lông. Tôi luôn cảm thấy tiếc vì có quá nhiều những trang phục như thế không được dùng đến. Tôi từng nghĩ đó chỉ là thói quen đặc biệt của cha tôi, nhưng khi tôi bắt đầu đến thăm nhà của các khách hàng, tôi nhận ra rằng có nhiều người giống ông. Đồ tích trữ thường gồm những thứ mà khách hàng hay sử dụng, phổ biến nhất là tất, đồ lót và quần nịt. Có một điểm chung cho những khách hàng này đó là họ tích trữ nhiều hơn hẳn so với nhu cầu sử dụng. Tôi sửng sốt khi phát hiện ra họ mua nhiều chiếc cùng loại trước cả khi họ dỡ chúng ra khỏi bao bì. Có lẽ thực tế là những thứ ở trong bao bì đã làm mờ mắt người sở hữu. Ví dụ, số lượng tất nịt kỉ lục được tìm thấy trong nhà một khách hàng là 82 đôi. Vẫn còn nguyên trong bao bì, chúng lấp kín một chiếc hộp nhựa đựng đồ.

Cứ cho là, khi bạn mua thứ gì đó, cách cất giữ tiện lợi nhất là chỉ việc quẳng chúng vào trong ngăn kéo khi vẫn còn đựng trong bao bì. Và có lẽ còn có sự vui thú nào đó trong việc dỡ bỏ bao bì khi bạn lấy nó ra mặc lần đầu tiên. Nhưng sự khác nhau duy nhất giữa những vật còn nguyên bao bì ở trong ngăn kéo và những vật ở trong kho là ở chỗ chúng đang được cất giữ ở đâu. Người ta thường cho rằng mua thật nhiều đồ vào dịp giảm giá là cách tiết kiệm nhất. Nhưng thực tế là ngược lại. Nếu bạn cân nhắc về chi phí cất giữ thì rõ ràng là sẽ tiết kiệm hơn khi giữ những thứ đó trong kho hàng thay vì ở trong nhà của bạn. Hơn nữa, nếu bạn mua và sử dụng chúng khi cần thì khi đó chúng sẽ mới và trong tình trạng tốt hơn. Đây là lí do tại sao tôi khuyến nghị bạn kiềm chế việc tích trữ vật dụng. Thay vì mua thứ mà bạn cần, hãy dỡ mọi vật trong bao bì ra ngay lập tức và sắp xếp chúng lại. Nếu bạn đã tích trữ lượng lớn một thứ gì đó, ít nhất hãy bỏ chúng ra khỏi bao bì. Để nguyên trang phục trong bao bì sẽ chẳng sao hết trừ việc khiến chúng hư hại mà thôi.

Thứ phổ biến nhất được giữ trong bao bì là tất nịt. Khi bạn bỏ chúng ra khỏi bao bì, hãy bỏ luôn cả lớp lót cứng bên trong. Bạn không cần chúng. Ngay khi được lấy khỏi bao bì và gấp lại, chúng sẽ tiết kiệm được 25% không gian so với khi chưa bỏ ra. Do đó, chúng cũng có khả năng được sử dụng nhiều hơn vì giờ đây có thể lấy chúng ra dễ dàng. Tôi nghĩ là chỉ khi bạn bỏ vật dụng nào đó ra khỏi bao bì, khi đó bạn mới có thể gọi nó là của bạn.

Tương tự với những trang phục trong bao bì là những trang phục vẫn còn gắn nhãn mác. Tôi thường tìm thấy váy hoặc áo len vẫn còn nguyên nhãn giá hoặc nhãn sản phẩm trong nhà của khách hàng. Trong hầu hết các trường hợp, khách hàng của tôi đã quên sự tồn tại của chúng và có vẻ ngạc nhiên khi trông thấy chúng, mặc dù thực tế là những thứ đó đang được treo trên giá trong tủ quần áo ngay trước mắt họ. Suốt một thời gian dài, tôi đã tự hỏi điều gì khiến những thứ quần áo đó trở nên vô hình. Quyết tâm tìm ra lời giải thích cho tình trạng này, tôi đã quan sát những nơi cất quần áo trong nhiều kho hàng khác nhau.

Sau khi tiến hành nghiên cứu một thời gian, tôi nhận ra sự khác biệt đáng chú ý giữa quần áo cất trong tủ của khách hàng và quần áo được treo trên giá trong cửa hàng. Quần áo trong cửa hàng rất khác với quần áo chúng ta mặc hàng ngày. Chúng toát ra vẻ khô cứng và những bộ quần áo vẫn còn nguyên nhãn giá sẽ vẫn giữ vẻ khô cứng ấy. Đây là cách mà tôi nhìn thấy chúng. Quần áo trong mộtcửa hàng là những sản phẩm, trong khi quần áo ở nhà là những vật sở hữu của cá nhân. Quần áo vẫn còn nhãn giá giống như thể vẫn chưa thuộc về sở hữu của chúng ta và do đó chúng còn chưa thuộc quyền của chúng ta. Bị áp đảo bởi những trang phục “hợp thức” của chúng ta, chúng sẽ ít được chú ý. Vì thế, thật tự nhiên thôi khi chúng ta bỏ sót và cuối cùng quên mất chúng khi chúng ta xem lướt qua tủ quần áo.

Vài người lo lắng rằng khi họ bỏ nhãn mác đi, giá trị của chúng sẽ không còn khi họ mang bán chúng ở cửa hàng bán trang phục đã qua sử dụng (recycle shop)(4), nhưng chuyện này thật mâu thuẫn. Nếu bạn đi mua quần áo, sau đó chọn một số trang phục, tức là bạn có ý định chào đón chúng vào ngôi nhà của mình và chăm sóc chúng. Để quần áo của bạn chuyển từ những sản phẩm để trong kho hàng trở thành những vật sở hữu cá nhân, bạn cần bỏ ngay nhãn mác.

Những học viên ở trình độ cao nhìn chung sẽ đòi hỏi có được mức độ thoải mái hơn trong không gian của họ ngay khi họ đã giải quyết thành công những vấn đề về sở hữu và tích trữ dư thừa. Nhìn thoáng qua, nhà cửa của một vài khách hàng của tôi đã gọn ghẽ đến mức dường như họ không còn cần tới sự trợ giúp của tôi nữa.

Một khách hàng của tôi đang ở tuổi 30, sống cùng chồng và cô con gái 6 tuổi. Cô ấy không hề băn khoăn khi phải bỏ bớt các vật dụng trong nhà và ngay trong bài học đầu tiên, cô ấy đã bỏ 200 cuốn sách và 300 túi đồ các loại khác. Cô ấy chính là một người xây tổ ấm và dành thời gian để chăm lo nhà cửa, tổ chức các buổi uống trà cho các bà mẹ khác cùng với con cái của họ hai lần một tháng và mở các lớp học cắm hoa thường xuyên ngay tại nhà. Cô ấy thường có khách tới thăm và có ý thức tốt về việc giữ cho nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, nên cô sẽ chẳng hề cảm thấy bối rối khi bất ngờ phải tiếp đón khách khứa. Cô sống trong một căn nhà có hai phòng ngủ, phòng ăn kết hợp với nhà bếp, và vật dụng trong nhà được sắp xếp gọn ghẽ trong những chiếc tủ liền tường và hai giá đựng bằng kim loại cao ngang đầu. Sàn gỗ phẳng luôn luôn được lau sạch. Bạn bè băn khoăn không biết liệu cô ấy còn có thể ngăn nắp được hơn nữa hay không, nhưng dường như cô ấy vẫn chưa hài lòng.

“Chúng tôi không có quá nhiều vật dụng nhưng tôi vẫn chưa cảm thấy ổn lắm. Tôi cảm thấy như thể mình cần làm tiếp một bước nào đó nữa.”

Khi tôi tới thăm nhà cô ấy, nó ngăp nắp, gọn gàng, nhưng đúng như cô ấy nói, còn có điều gì đó chưa ổn lắm. Điều đầu tiên mà tôi vẫn làm là mở tất cả các cánh cửa ở mọi nơi chứa đồ. Khi tôi mở chiếc tủ đồ chính trong nhà, tôi đã thấy điều mà tôi trông đợi. Những chiếc nhãn tuyên bố “Các giải pháp cất giữ tuyệt vời!” được dán vào những chiếc ngăn kéo nhựa trong, những gói chất khử mùi phòng được ca ngợi bằng dòng chữ “Làm tươi mát không khí ngay lập tức!”, còn những chiếc hộp bìa cứng cất tiếng khẳng định “Cam vùng Iyo” chính hiệu. Chỗ nào cũng thấy chữ, chữ và chữ nhảy xổ vào tôi. Mỗi khi mở một cánh cửa tủ, cả một dòng thác thông tin lại đổ ra khiến căn phòng trở nên “ầm ĩ”. Đặc biệt là nếu những từ ngữ đó viết bằng ngôn ngữ của bạn, chúng sẽ nhảy vào trong tầm nhìn của bạn, và não của bạn sẽ xử lí chúng như những thông tin cần được sắp xếp, phân loại. Điều này khiến tâm trí bạn trở nên náo động.

Trong trường hợp khách hàng của tôi, mỗi khi muốn lựa chọn quần áo, cô ấy lại bị những thông điệp như “Cam vùng Iyo” và “Làm tươi mát không khí ngay lập tức!” tấn công túi bụi, cứ như thể có ai đó đang lẩm bẩm liên tục bên tai. Kì lạ thay, ngay cả khi cửa tủ đã đóng lại cũng không chặn được dòng thác thông tin này. Những từ ngữ ấy vẫn cứ tràn ngập trong không khí. Theo kinh nghiệm của tôi, những không gian cất giữ trong nhà luôn gây ra cảm giác “ầm ĩ” cho dù bề ngoài trông chúng có vẻ ngăn nắp, vì chúng luôn ngập trong những thông tin không cần thiết. Nhà cửa càng ngăn nắp và thừa đồ đạc thì những tiếng ồn này càng có cảm giác lớn hơn. Vì vậy hãy bắt đầu ngay bằng việc loại bỏ những dấu ấn của sản phẩm ra khỏi những vật chứa đựng trong nhà bạn. Đây là điều tối quan trọng, giống như việc bạn bỏ nhãn mác ra khỏi trang phục mới để chào đón chúng trở thành vật sở hữu cá nhân của bạn. Xé bỏ phim in bọc những thứ mà bạn không muốn thấy, chẳng hạn chất khử mùi phòng và chất tẩy. Những không gian khuất tầm mắt vẫn là một phần của ngôi nhà. Bằng cách loại bỏ những thông tin tiếp cận trực tiếp với thị giác mà không đem lại niềm vui, bạn có thể khiến không gian của mình trở nên yên bình và dễ chịu hơn nhiều. Sự khác biệt mà điều này tạo ra sẽ khiến bạn kinh ngạc, vì vậy sẽ thật là lãng phí nếu không thử làm nó.

Một trong những bổn phận ở nhà mà tôi giao cho các khách hàng của mình đó là cần biết ơn những vật mà họ sở hữu. Ví dụ, tôi thúc giục họ thử nói: “Cảm ơn bạn vì đã giữ ấm cho tôi cả ngày” khi họ treo quần áo lên mắc sau khi trở về nhà. Hoặc, khi họ tháo các phụ kiện trang sức, tôi gợi ý họ hãy nói: “Cảm ơn bạn vì đã làm đẹp cho tôi”, và khi cất túi xách vào tủ, hãy nói: “Nhờ có bạn mà hôm nay tôi đã làm được nhiều việc đến thế.” Hãy bày tỏ sự cảm kích đối với mỗi vật dụng đã hỗ trợ bạn suốt cả ngày. Nếu bạn thấy khó có thể làm việc này hàng ngày, vậy thì ít nhất hãy làm bất cứ khi nào bạn có dịp.

Tôi bắt đầu đối xử với các vật thuộc sở hữu của mình như thể chúng đang sống kể từ khi tôi còn là học sinh trung học. Hồi đó tôi có một chiếc điện thoại di động. Màn hình điện thoại chỉ hiển thị một màu thôi, nhưng tôi yêu thiết kế chắc nịch và màu xanh nhạt của nó. Tôi không phải người nghiền điện thoại, nhưng tôi thích chiếc điện thoại của mình đến mức bất chấp quy định của nhà trường và để nó trong túi áo đồng phục hàng ngày. Mỗi khi có dịp tôi lại lấy nó ra để ngắm nhìn và cười một mình. Công nghệ phát triển và giờ đây ai ai cũng có điện thoại di động màn hình màu. Tôi vẫn kiên trì với chiếc điện thoại lỗi thời của mình đến chừng nào còn có thể, nhưng cuối cùng nó bị xây xước quá nhiều và mòn đi, thế là tôi phải thay nó. Khi có chiếc điện thoại mới, tôi nghĩ ra ý tưởng kiểm tra chiếc điện thoại cũ. Nó là chiếc điện thoại cũ đầu tiên của tôi và tôi thấy khá phấn khích. Sau khi suy nghĩ giây lát, tôi soạn một tin nhắn đơn giản “Cảm ơn bạn vì mọi điều” kèm theo biểu tượng trái tim rồi gửi đến chiếc điện thoại cũ. Chiếc điện thoại cũ của tôi lập tức kêu lên và tôi kiểm tra tin nhắn. Tất nhiên đó chính là dòng chữ mà tôi vừa gửi đi. Tôi nói với chiếc điện thoại cũ:“Tuyệt vời. Bạn đã nhận được tin nhắn của tôi. Tôi thực sự muốn cảm ơn bạn vì tất cả những điều bạn đã làm.” Và rồi tôi bấm nút tắt nó đi.

Vài phút sau, tôi mở chiếc điện thoại cũ và ngạc nhiên khi thấy màn hình trống rỗng. Dù tôi bấm nút gì đi nữa, màn hình cũng không có phản ứng nào. Chiếc điện thoại của tôi, chưa từng hỏng bao giờ kể từ ngày đầu tiên tôi có nó, nay đã chết sau khi nhận được tin nhắn của tôi. Nó không bao giờ hoạt động trở lại nữa cứ như thể nó nhận ra rằng sau khi công việc đã hoàn thành, nó có thể rời khỏi vị trí. Tất nhiên, tôi biết vài người thấy khó mà tin được là những vật vô tri lại có thể phản ứng trước cảm xúc của con người, và có lẽ họ sẽ cho rằng thực ra chuyện này chỉ ngẫu nhiên thôi. Thế nhưng, chúng ta thường nghe chuyện các vận động viên chăm sóc yêu thương những dụng cụ thể thao của họ, đối xử với chúng như thể chúng là những linh vật. Tôi nghĩ là họ đã ý thức được sức mạnh của những đồ vật ấy. Nếu chúng ta đối xử với tất cả mọi thứ mà chúng ta dùng trong cuộc sống hàng ngày, cho dù đó là chiếc máy vi tính, túi xách hoặc bút máy hay bút chì, như cách các vận động viên dành cho dụng cụ của họ, thì chúng ta có thể gia tăng đáng kể số “người trợ giúp” gắn bó với cuộc sống của mình. Bởi lẽ, sở hữu là một phần bản chất trong đời sống hàng ngày của chúng ta, chứ không phải một thứ gì đó chỉ dành cho những trận thi đấu hay cuộc thi.

Thậm chí nếu chúng ta vẫn chưa ý thức được về chuyện này thì các vật sở hữu vẫn sẽ làm việc chăm chỉ vì chúng ta, thực hiện vai trò của chúng hàng ngày để hỗ trợ cho cuộc sống của chúng ta. Cũng giống như việc chúng ta muốn trở về nhà và thư giãn sau một ngày làm việc, các vật dụng của chúng ta cũng sẽ thở phào nhẹ nhõm khi chúng trở về nơi cất giữ. Bạn có bao giờ nghĩ về việc không muốn có một nơi chốn ổn định hay không? Cuộc sống của chúng ta khi đó sẽ rất bất ổn. Điều này hoàn toàn chính xác vì chúng ta có một ngôi nhà để về, từ đây chúng ta có thể đi làm, đi mua sắm hoặc giao tiếp với người khác. Điều tương tự cũng đúng với những vật dụng của chúng ta. Điều quan trọng với chúng là có được sự đảm bảo tương tự về việc có một nơi chốn để chúng trở về. Bạn có thể nói với chúng về sự khác biệt này. Những vật sở hữu có một chỗ mà chúng thuộc về và chúng được trở về đó mỗi ngày để nghỉ ngơi.

Ngay khi các khách hàng của tôi học được cách đối xử trân trọng với trang phục của mình, họ luôn nói với tôi: “Quần áo của tôi bền hơn. Áo len của tôi không còn dễ bị tuột sợi, và tôi không cần phải móc lại áo nhiều như trước nữa.” Điều này gợi ý rằng việc chăm sóc các vật sở hữu của bạn là cách tốt nhất để khích lệ chúng hỗ trợ bạn, người chủ của chúng. Khi bạn đối xử tốt với vật dụng của mình, chúng sẽ luôn đáp lại nồng hậu. Vì lí do này, mỗi khi có dịp tôi lại yêu cầu bản thân dành thời gian với nơi cất giữ vật dụng và khiến chúng vui vẻ. Rốt cuộc, việc cất giữ là một hành động chọn lựa thiêng liêng mà ngôi nhà dành cho những vật dụng của bạn.

Xác định chỗ để cho mỗi đồ vật

Đây là lệ thường của tôi hàng ngày khi đi làm về. Đầu tiên, tôi mở cửa và tuyên bố với ngôi nhà của mình: “Tôi về nhà rồi!”. Cầm lên đôi giày đi ngày hôm qua đang để ở hành lang, tôi nói: “Cảm ơn bạn nhiều lắm vì bạn đã làm việc chăm chỉ,” và để chúng vào trong tủ đựng giày. Sau đó tôi cởi đôi giày đi ngày hôm nay và đặt chúng gọn ghẽ ở hành lang. Tiến về phía bếp, tôi bắc ấm đun nước rồi đi vào phòng ngủ. Ở đó tôi nhẹ nhàng bỏ túi xách xuống thảm trải sàn mềm mại và trút bỏ quần áo mặc đi làm. Tôi cởi áo khoác và lồng vào mắc áo, nói với nó “Làm tốt lắm” rồi tạm thời treo chúng vào nắm đấm cửa của tủ quần áo. Tôi bỏ quần nịt vào chiếc rổ đựng đồ giặt để gọn dưới góc phải của tủ quần áo, mở một chiếc ngăn kéo, chọn bộ quần áo ở nhà để mặc. Tôi chào cái cây trồng trong chậu cao ngang thắt lưng mình đặt cạnh cửa sổ và vuốt ve những chiếc lá của nó.

Việc tiếp theo là lấy toàn bộ đồ trong túi xách ra để trên thảm, sau đó đặt từng món đồ vào đúng vị trí của nó. Trước hết tôi bỏ đi tất cả các biên lai. Sau đó, với lòng biết ơn, tôi bỏ ví vào trong chiếc hộp dành cho nó ở ngăn kéo bên dưới giường ngủ. Tôi đặt vé tháng đi tàu và hộp danh thiếp bên cạnh nó. Tôi để đồng hồ đeo tay vào trong chiếc hộp giả cổ màu hồng ở trong cùng ngăn kéo đó và đặt dây chuyền, hoa tai vào cái khay đựng đồ bên cạnh. Trước khi đóng ngăn kéo lại, tôi nói: “Cảm ơn tất cả các bạn vì những điều các bạn đã làm cho tôi hôm nay.”

Tiếp đến, tôi trở lại hành lang để cất sách vở và sổ tay đã mang theo suốt cả ngày (tôi đã biến một giá trong tủ đựng giày thành giá sách). Ở giá bên dưới giá sách, tôi lấy ra “chiếc túi đựng biên lai” và cho các biên lai vào đó. Sau đó tôi đặt chiếc máy ảnh kĩ thuật số mà tôi dùng làm việc ở bên cạnh chiếc túi – đó là nơi dùng để cất các đồ điện. Tôi bỏ giấy loại vào thùng rác ở bên dưới lò bếp. Trong bếp, trong lúc pha trà, tôi vừa kiểm tra thư từ vừa bỏ đi các giấy tờ đã sử dụng xong rồi.

Tôi quay lại phòng ngủ, đặt túi xách giờ đã rỗng vào một cái túi lớn rồi để lên giá ở bên trên tủ quần áo và nói: “Bạn làm tốt lắm. Nghỉ ngơi vui vẻ nhé.” Từ lúc bước vào cửa nhà cho tới lúc đóng tủ quần áo lại, tất cả chỉ hết có 5 phút. Giờ đây tôi có thể trở vào bếp, rót cho mình một tách trà và thư giãn.

Tôi không mô tả những việc này nhằm khoe khoang với các bạn về lối sống tốt đẹp của mình, mà là để chứng tỏ rằng mọi thứ đều có chỗ dành riêng cho nó. Việc giữ ngăn nắp cho không gian của bạn bây giờ trở thành ưu tiên số hai. Việc này không cần bạn phải cố gắng gì nhiều thậm chí còn cho bạn thêm thời gian để thực sự hưởng thụ cuộc sống.

Mấu chốt trong việc quyết định những chỗ cụ thể để cất đồ vật là xác định một nơi dành cho mọi thứ. Bạn có thể nghĩ: “Việc này sẽ khiến tôi mãi mãi phải tìm chỗ để đồ,” nhưng bạn không cần phải lo lắng. Mặc dù dường như việc quyết định chỗ để cho mỗi đồ vật thực sự phức tạp nhưng nó vẫn còn đơn giản hơn nhiều so với việc quyết định thứ gì nên giữ lại và thứ gì cần bỏ đi. Khi bạn đã quyết định được nên giữ lại thứ gì bằng cách phân loại và khi tất cả những thứ đó đã nằm chung một loại, thì tất cả những việc cần làm chỉ là cất giữ chúng ở cạnh nhau mà thôi.

Lí do khiến mọi thứ cần phải có chỗ để xác định là vì sự tồn tại của mỗi đồ vật mà không có nơi chốn cố định sẽ làm gia tăng gấp bội cơ hội để không gian của bạn sẽ lại trở nên lộn xộn. Ví dụ, chúng ta hãy nói về việc bạn có một cái giá nhưng trên đó chẳng có gì cả. Điều gì xảy ra nếu như có ai đó để lên giá một món đồ không có chỗ để xác định? Một thứ như thế sẽ trở thành nguyên nhân thất bại. Chẳng mấy chốc mà không gian đó, vốn được duy trì trong trật tự, sẽ bị phủ đầy các đồ vật, cứ như thể có ai đó đã hét lên: “Nào mọi người hãy tập hợp lại đây!”

Bạn chỉ cần lập tức xác định chỗ để cho mỗi đồ vật. Hãy thử làm đi. Kết quả sẽ khiến bạn phải kinh ngạc. Bạn sẽ không còn mua nhiều hơn những gì bạn cần. Không còn chuyện những món đồ bạn có cứ tích lũy mãi lên. Trên thực tế, kho tích trữ của bạn sẽ giảm đi. Ý nghĩa quan trọng của việc cất giữ hiệu quả chính là đây: xác định chỗ để cho thứ mới nhất mà bạn có. Nếu phớt lờ nguyên tắc cơ bản này và bắt đầu thử nghiệm hàng loạt ý tưởng cất giữ khác nhau, bạn sẽ phải hối tiếc. “Những giải pháp” cất giữ khác thực sự chỉ là phương tiện để chôn cất tài sản mà không hề mang lại niềm vui.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tác dụng ngược là sự thất bại trong việc xác định chỗ để cho mỗi đồ vật. Nếu không có chỗ để xác định, bạn sẽ đặt các món đồ ở đâu sau khi sử dụng xong? Ngay khi lựa chọn được chỗ để cho các đồ vật, bạn có thể giữ cho ngôi nhà của mình ngăn nắp. Vì vậy, hãy quyết định nơi chốn cho mọi đồ vật và sau khi sử dụng hãy để chúng ở đúng vị trí. Đây là yêu cầu chính yếu của việc cất giữ.

Tất cả những người tham gia các khóa hướng dẫn của tôi đều rất ngạc nhiên khi tôi cho họ xem những bức ảnh về chỗ ở của các khách hàng của tôi trước và sau khi được dọn dẹp ngăn nắp. Phản ứng thường thấy nhất là “Những căn phòng ấy trông trống quá!” Đó là sự thực. Trong nhiều trường hợp, các khách hàng của tôi lựa chọn cách dọn sạch mọi thứ trên sàn và không để thứ gì làm vướng tầm mắt. Thậm chí những kệ sách cũng có thể biến mất. Nhưng điều này không có nghĩa họ quẳng tất cả sách đi. Thay vào đó, các kệ sách giờ đây có thể đã nằm trong tủ tường rồi. Đặt các kệ sách vào trong một cái tủ tường lớn là một trong những thói quen cất giữ tiêu chuẩn của tôi. Nếu tủ tường của bạn đã chứa đầy đồ rồi thì có thể bạn sẽ nghĩ kệ sách không thể cho vừa được nữa. Trên thực tế, 99% độc giả của tôi hầu như cũng cảm thấy như vậy. Nhưng thực sự thì có thể vẫn còn nhiều khoảng trống đấy.

Thực sự thì bạn có đủ không gian để cất giữ đồ trong phòng của mình. Tôi không thể đếm hết có bao nhiêu người đã phàn nàn với tôi là họ không có đủ chỗ để đồ, nhưng tôi lại thấy là nhà của họ không có cách cất giữ đồ hiệu quả. Vấn đề thực sự ở chỗ chúng ta có nhiều hơn những gì mình cần hoặc muốn. Ngay khi bạn học được cách lựa chọn chính xác những vật sở hữu của mình, bạn sẽ chỉ còn lại số lượng đồ vật vừa vặn hoàn hảo với không gian mà bạn đang có. Đây là phép màu đích thực của sự ngăn nắp. Điều này dường như thật khó tin nhưng phương pháp chỉ giữ những đồ vật mang lại niềm vui cho tâm hồn thực sự đúng là như vậy. Do đó bạn phải bắt đầu bằng việc loại bỏ. Ngay khi làm được điều này, bạn sẽ dễ dàng quyết định được nên cất đồ ở đâu vì những vật sở hữu của bạn sẽ giảm xuống còn 1/3 hoặc thậm chí là 1/4 so với khi bạn bắt đầu công việc loại bỏ. Ngược lại, không cần biết bạn ngăn nắp tới mức nào và phương pháp cất giữ đồ hiệu quả ra sao, nếu bạn bắt đầu việc cất giữ trước khi tiến hành việc loại bỏ, thì cũng không có tác dụng gì. Tôi biết thế vì chính tôi đã trải qua chuyện này.

Vâng, chính tôi. Cho dù tôi đang cảnh báo bạn không nên trở thành một chuyên gia cất giữ, cho dù tôi hối thúc bạn hãy quên chuyện cất giữ đi cho đến khi bạn giảm bớt được các đồ vật mà bạn đang có, thì không lâu trước đây, 90% suy nghĩ của tôi đều chỉ chăm chăm vào việc cất giữ. Tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này kể từ khi lên 5 tuổi, vì thế giai đoạn này trong sự nghiệp của tôi còn dài hơn cả quãng thời gian tôi đam mê việc loại bỏ, điều mà tôi khám phá ra khi ở tuổi thiếu niên. Trong giai đoạn đó, tôi cũng dành phần lớn thời gian tìm hiểu sách hoặc tạp chí nhằm thử nghiệm mọi phương pháp cất giữ và đã phạm đủ thứ sai lầm.

Cho dù đó là tại phòng riêng, phòng của các anh chị em hay thậm chí cả ở trường, tôi đã bỏ nhiều ngày để kiểm tra những thứ có trong các ngăn kéo và các tủ đồ, xê dịch các đồ vật cách nhau chỉ mấy milimet, cố gắng tìm ra cách sắp xếp hoàn hảo nhất. “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi chuyển cái hộp này ra phía đằng kia?” “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi dỡ cái vách ngăn này ra?” Bất kể đang ở đâu, tôi sẽ nhắm mắt lại và hình dung ra việc sắp xếp lại các đồ vật trong một cái tủ hoặc một căn phòng như thể chúng là những mảnh ghép trong trò chơi ghép hình. Để tuổi trẻ chìm đắm trong chủ đề này, tôi cảm thấy ảo giác về việc cất giữ giống như hình thức nào đó của một cuộc thi trí tuệ mà mục đích của nó là để xem tôi có thể vừa vặn đến mức nào với một không gian cất giữ bằng cách thức tổ chức sắp xếp theo lí tính. Nếu giữa hai đồ vật còn có khoảng trống thì tôi sẽ nhét thêm một vật nữa, để rồi hả hê trong chiến thắng khi khoảng trống đó đã được lấp đầy. Thế nhưng đâu đó trên con đường này, tôi bắt đầu nhìn nhận mọi thứ của tôi, thậm chí ngôi nhà của tôi như những kẻ thù mà tôi phải đập tan và khiến tôi luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Khi lần đầu khởi sự kinh doanh, tôi cho rằng mình phải chứng tỏ khả năng bản thân bằng cách đưa ra những kiểu cất giữ kì diệu – những giải pháp thông minh mà bạn có thể thấy trong một cuốn tạp chí, chẳng hạn một bộ giá để đồ vừa khít hoàn hảo với một không gian bé tí xíu mà chưa từng có ai nghĩ ra trước đó. Tôi có ý niệm kì lạ rằng đây là cách duy nhất để thỏa mãn các khách hàng của mình. Tuy nhiên, cuối cùng những ý tưởng thông minh như thế gần như luôn thiếu thực tế.

Đây là một ví dụ. Có lần khi giúp một khách hàng sắp xếp lại nhà của họ, tôi bước đến một cái bục quay, khá giống với những bàn ăn xoay trong các nhà hàng Trung Quốc. Nó vốn được dùng làm nơi để lò vi sóng, nhưng chiếc lò đã bị bỏ đi lâu rồi. Ngay khi thấy nó, tôi lóe lên ý tưởng biến nó thành vật để đồ. Khi đó tôi đang thấy khó quyết định được xem có thể dùng nó làm gì vì nó khá to và dày, và rồi khách hàng của tôi dường như đề cập tới chuyện cô ấy có quá nhiều dầu giấm đến mức chẳng biết sắp xếp chúng thế nào. Tôi mở cái tủ mà cô ấy chỉ và, chắc thế rồi, nó đựng đầy các chai dầu giấm. Tôi lấy tất cả đống chai đó ra và cố gắng đặt lên chiếc bàn quay. Chúng vừa khít với nhau đến hoàn hảo. Tôi xếp hết số chai dầu giấm lên và xem này! Tôi đã có một không gian cất giữ trông gọn gàng và vui mắt giống như đồ trưng bày vậy. Cô ấy có thể lấy các chai dầu giấm ở phía sau tủ đồ đơn giản chỉ bằng cách xoay cái bàn. Tiện lợi làm sao! Khách hàng của tôi rất phấn khởi và mọi thứ dường như hoàn hảo.

Chẳng bao lâu sau tôi nhận ra sai lầm của mình. Trong bài học tiếp theo của chúng tôi, tôi kiểm tra bếp của cô ấy. Hầu hết mọi thứ trong bếp vẫn ngăn nắp và gọn gàng, nhưng khi tôi mở cái tủ đựng các chai dầu giấm, tôi thấy bên trong rất lộn xộn. Tôi hỏi tại sao như thế, cô ấy giải thích là mỗi khi xoay chiếc bàn quay, các chai dầu giấm trượt ra và rơi xuống. Ngoài ra, cô ấy để quá nhiều chai ở mép của bàn quay, khiến cho việc xoay cái bàn trở nên khó khăn.

Bạn thấy đấy, tôi đã quá chú tâm vào việc sử dụng cái bàn quay để tạo ra một chỗ cất giữ đáng ngạc nhiên, thế nên tôi không nhận ra mình đang cất trữ cái gì – những chai lọ dễ trượt và rơi đổ. Khi suy nghĩ kĩ hơn, tôi cũng thừa nhận là không ai lại có nhu cầu thường xuyên tiếp cận nơi cất giữ ở phía sau của tủ đồ, vì thế cũng không cần tới một cái bàn quay làm gì cả. Bên cạnh đó, những vật hình tròn chiếm quá nhiều không gian và tạo những khoảng trống lãng phí, khiến chúng không thích hợp để làm chỗ cất giữ. Cuối cùng, tôi bỏ cái bàn quay, đặt các chai dầu giấm vào trong một cái hộp vuông và trả chúng về với tủ đựng đồ. Tuy cách thức này đơn giản và theo lối truyền thống nhưng theo khách hàng của tôi, lại tiện dụng hơn rất nhiều. Nhờ kinh nghiệm này, tôi đi đến kết luận rằng những cách thức cất giữ càng đơn giản càng tốt. Chẳng có ích lợi gì trong việc cố nghĩ ra những chiến lược phức tạp. Khi cảm thấy hoài nghi về cách làm của mình, hãy hỏi ngôi nhà của bạn và vật được cất giữ xem giải pháp tốt nhất là gì.

Phần lớn mọi người nhận ra rằng sự lộn xộn là do có quá nhiều đồ đạc. Nhưng tại sao chúng ta lại có quá nhiều đồ đạc như vậy? Đó là do chúng ta không nắm được chính xác bao nhiêu thứ chúng ta thực sự cần. Chúng ta thất bại trong việc nắm bắt số lượng mà mình sở hữu là bởi những phương pháp cất giữ của chúng ta quá phức tạp. Để tránh được việc dự trữ dư thừa, bản phải đơn giản hóa việc cất giữ. Bí quyết để duy trì một không gian gọn ghẽ là hãy theo đuổi cách cất giữ tối giản nhất đến mức mà chỉ cần liếc mắt cũng biết được là mình đang có bao nhiêu. Tôi nói “tối giản nhất” vì một lí do. Đó là chúng ta không thể nhớ hết được mọi thứ mà chúng ta có, thậm chí cho dù chúng ta đã cất giữ bằng những phương pháp đơn giản. Ngay trong ngôi nhà mà tôi đã bỏ nhiều công sức để đồ đạc được cất giữ đơn giản của chính mình, vẫn có những lúc tôi nhận ra có một thứ mà tôi hoàn toàn quên bẵng trong tủ đồ hoặc trong ngăn kéo. Nếu việc cất giữ đồ đạc của tôi phức tạp hơn, ví dụ như tôi chia đồ đạc thành ba cấp độ theo tần suất sử dụng hoặc theo mùa, thì tôi chắc chắn rằng sẽ còn nhiều thứ hơn nữa bị bỏ quên đến mục nát trong bóng tối. Vì vậy, bạn hãy khiến cho việc cất giữ càng đơn giản càng tốt.

Vì những lí do đã nói ở trên, phương pháp cất giữ của tôi cực kì đơn giản. Tôi chỉ có hai nguyên tắc: cất tất cả những thứ cùng loại ở cùng một chỗ và không cất giữ rải rác.

Chỉ có hai cách để phân loại: xếp đồ thành từng loại hoặc xếp đồ theo người sử dụng. Đây là hai hình thức rất dễ nắm bắt nếu bạn coi người sống một mình khác với người sống cùng với gia đình. Nếu bạn sống một mình hoặc có phòng riêng, việc cất giữ rất đơn giản – chỉ cần xác định từng nơi cất giữ cho từng loại đồ vật. Bạn có thể phân loại tỉ mỉ hơn nữa bằng cách sắp xếp đồ vật theo từng loại. Hãy bắt đầu với quần áo, sau đó là sách vở, tài liệu, komono và cuối cùng là những vật kỉ niệm. Nếu bạn đang phân loại theo cách này thì ngay sau khi chọn giữ lại những đồ vật nào, bạn có thể cất giữ từng loại ở chỗ xác định của riêng chúng.

Thậm chí bạn cũng không cần quá chặt chẽ khi phân loại. Thay vì phân chia đồ vật thành từng loại rất cụ thể, bạn có thể sử dụng những tiêu chí thoáng hơn để phân loại dựa trên sự tương đồng về chất liệu, chẳng hạn “loại vải vóc”, “loại giấy tờ” và “loại đồ điện”, và chọn một chỗ để cho từng loại đó. Đây là cách dễ dàng hơn nhiều so với cố gắng hình dung ra nơi mà bạn có thể sử dụng một đồ vật hoặc dựa trên mức độ thường xuyên sử dụng đồ vật đó. Với phương pháp của tôi, bạn có thể phân loại đồ vật của bạn chính xác hơn.

Nếu bạn đang lựa chọn giữ lại các đồ vật dựa trên tiếng nói cất lên từ con tim, thì bạn sẽ hiểu được điều mà tôi muốn nói, bởi vì, bạn đã thu thập chúng thành từng loại, để chúng vào một chỗ và biết rõ về chúng để có thể đưa ra quyết định. Công việc mà bạn đang làm thực sự giúp bạn cải thiện được khả năng nhận biết những thứ cùng thể loại và lựa chọn được nơi phù hợp để cất giữ chúng.

Nếu bạn sống cùng gia đình, vậy thì trước tiên cần xác định rạch ròi không gian cất giữ của từng thành viên trong gia đình. Điều này có ý nghĩa quan trọng. Ví dụ, bạn có thể xác định những góc cho mình, cho bạn đời và cho các con, rồi cất giữ những đồ vật của mỗi người ở những góc tương ứng. Đó là tất cả những gì bạn cần làm. Điều quan trọng là cố gắng xác định một nơi duy nhất dành cho mỗi người. Nói cách khác, việc cất giữ cần tập trung vào một chỗ. Nếu những nơi cất giữ rải rác khắp nơi thì chẳng bao lâu toàn bộ ngôi nhà sẽ trở nên lộn xộn. Tập trung mọi thứ của một người vào một chỗ là cách cất giữ ngăn nắp hiệu quả nhất.

Tôi từng có một khách hàng nhờ tôi giúp con cô ấy biết cách giữ gọn gàng, ngăn nắp. Con gái cô ấy mới lên ba. Khi tới thăm nhà cô ấy, tôi nhận thấy các đồ vật của cô bé được cất ở ba nơi: quần áo trong phòng ngủ, đồ chơi trong phòng khách và sách vở trong phòng tatami(2). Theo những nguyên tắc cơ bản về phân loại và cất giữ, chúng tôi gom tất cả mọi thứ vào phòng tatami. Từ đó, cô bé bắt đầu biết chọn quần áo để mặc và để đồ của mình vào đúng chỗ của chúng. Mặc dù là người hướng dẫn nhưng tôi cũng phải ngạc nhiên. Ngay cả một đứa trẻ 3 tuổi cũng có thể ngăn nắp, gọn gàng!

Có không gian của riêng mình là điều sẽ khiến bạn vui vẻ. Ngay khi cảm thấy chỗ đó thuộc về chính mình, bạn sẽ muốn nó được ngăn nắp. Nếu khó có thể cho ai đó phòng riêng, bạn vẫn có thể cho anh ta hoặc cô ta một chỗ cất giữ của riêng họ. Tôi đã gặp nhiều người không giỏi việc dọn dẹp ngăn nắp, thường là vì mẹ của họ đã dọn phòng cho họ hoặc họ không bao giờ có được một không gian khiến họ cảm thấy là của riêng mình. Những người này thường cất quần áo trong tủ quần áo của con mình và để sách vở trên kệ sách của vợ/chồng mình. Do đó, không có một không gian mà bạn có thể coi là của riêng mình đúng là một thảm họa. Ai cũng cần một nơi thiêng liêng cho riêng mình.

Tôi nhận ra rằng khi bạn bắt đầu sống ngăn nắp, bạn sẽ thực sự bị cám dỗ để bắt đầu dọn dẹp những không gian như phòng khách những đồ vật thuộc về cả gia đình, như xà phòng và dược phẩm, hoặc những vật dụng và nhu yếu phẩm của gia đình. Nhưng làm ơn để những thứ đó về sau. Đầu tiên, hãy bắt đầu phân loại đồ của bạn trước đã. Hãy chọn những thứ mà bạn muốn giữ lại và cất chúng ở nơi của riêng bạn. Nhờ đó, bạn sẽ học được những điều căn bản để khiến cho ngôi nhà của mình trở nên ngăn nắp, gọn gàng. Hãy ghi nhớ: chọn lựa những thứ cần giữ lại, tuân theo đúng trật tự.

Những cuốn sách về việc dọn dẹp thường khuyên độc giả xem xét việc lập kế hoạch quản lí theo lượng sử dụng khi xác định nơi cất giữ đồ đạc. Tôi không nói là lời khuyên này sai. Có nhiều người đã chọn những phương pháp cất giữ thực dụng dựa trên sự cân nhắc kĩ càng về lượng sử dụng của các đồ vật trong nhà, cho nên điều mà tôi muốn nói ở đây là việc áp dụng duy nhất Phương pháp KonMari mà thôi. Và tôi xin thưa rằng, hãy quên việc lập kế hoạch quản lí lượng sử dụng đi.

Khi một trong những khách hàng của tôi, một phụ nữ tuổi ngũ tuần, phân loại và cất giữ xong đồ của riêng mình, chúng tôi bắt tay vào việc xếp dọn đồ của chồng bà. Bà ấy bảo tôi là chồng bà phải có mọi thứ trong tầm tay, dù cho đó là cái điều khiển từ xa hay một cuốn sách. Khi tôi xem xét không gian sống của họ, tôi nhận thấy rằng rốt cục thì đồ của chồng bà được để khắp nơi trong nhà. Ông ta có một giá sách nhỏ đặt bên cạnh toilet, một góc để túi cặp ở hành lang ra vào, và những cái ngăn kéo đựng tất và đồ lót gần nhà tắm. Nhưng ý muốn của ông ta không thể làm thay đổi phương châm của tôi. Tôi luôn nhất quán rằng việc cất giữ cần tập trung ở một chỗ duy nhất và do đó tôi bảo với khách hàng của mình dọn đồ lót, tất và túi cặp của chồng bà ấy vào tủ quần áo vốn là chỗ mà ông dùng để treo quần áo. Bà ấy có vẻ hơi lo lắng. Bà ấy nói: “Nhưng chồng tôi thích để mọi thứ ở những chỗ mà ông ấy quen dùng. Liệu ông ấy có buồn không?”

Một lỗi phổ biến mà nhiều người hay mắc phải đó là họ quyết định nơi để đồ đạc ở những chỗ mà họ có thể lấy chúng dễ dàng nhất. Cách làm này là một cái bẫy tai hại. Sự lộn xộn chính là kết quả của việc không thể trả vật dụng về đúng chỗ của chúng. Do đó, việc cất giữ nên giúp chúng ta giảm công sức thu dọn đồ dùng, chứ không phải là công sức để lấy chúng ra. Khi lấy ra thứ gì đó, chúng ta đều có mục đích sử dụng rõ ràng. Trừ phi vì một lí do nào đó khiến việc này trở nên vô cùng khó khăn, còn chúng ta thường không để tâm đến công sức mà mình bỏ ra. Tình trạng lộn xộn chỉ có thể có hai nguyên nhân: việc lấy thứ gì đó phải mất quá nhiều công sức hoặc chỗ cất các vật dụng không rõ ràng. Nếu bỏ sót điểm mấu chốt này, chúng ta gần như sẽ tạo ra một hệ thống gây nên những căn nguyên của tình trạng lộn xộn. Đối với những người có bản chất lười biếng như tôi, tôi đặc biệt khuyến nghị bạn nên tập trung vào việc cất giữ ở một chỗ. Dù thế nào thì ý nghĩ cho rằng sẽ tiện lợi hơn nhiều nếu giữ mọi thứ ở trong tầm với cũng chỉ là một giả định sai lầm.

Nhiều người thiết kế chỗ cất giữ đồ sao cho phù hợp với lưu lượng hoạt động trong nhà, nhưng bạn nghĩ thế nào về việc xây dựng kế hoạch quản lí lưu lượng hoạt động ở một nơi? Trong hầu hết các trường hợp, một kế hoạch quản lí lưu lượng hoạt động được xác định không phải dựa trên những hoạt động một người làm trong ngày mà dựa trên vị trí anh ta hoặc cô ta cất giữ các vật dụng. Chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta đã cất giữ vật dụng phù hợp với hành vi của mình, nhưng thường thì một cách vô thức chúng ta lại điều chỉnh các hành động của mình cho phù hợp với nơi mà các vật dụng được cất giữ. Thiết kế không gian cất giữ tuân theo kế hoạch lưu lượng hoạt động hiện thời sẽ chỉ khiến việc cất giữ phân tán khắp nhà. Thêm nữa, điều đó sẽ gia tăng cơ hội để chúng ta tích lũy thêm nhiều vật sở hữu và quên những gì mà chúng ta đang có, và như thế lại khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn.

Hãy xem xét kích cỡ trung bình của nơi cất giữ trong một gia đình Nhật Bản, theo đó việc thiết kế nơi cất giữ dựa trên kế hoạch lưu lượng hoạt động sẽ không gây ra những khác biệt đáng kể. Nếu chỉ mất từ 10 đến 20 giây để đi từ đầu này đến đầu kia của ngôi nhà, vậy thì bạn có thực sự phải quan tâm đến kế hoạch quản lí lượng sử dụng không? Nếu mục tiêu của bạn là một căn phòng không bừa bộn thì điều quan trọng hơn cả sẽ là sắp xếp việc cất giữ sao cho bạn chỉ cần liếc mắt là biết mọi thứ đang ở đâu, thay vì phải lo lắng từng chút một về ai đang làm gì, ở đâu và khi nào.

Bạn không cần phải khiến mọi chuyện trở nên phức tạp. Chỉ cần xác định được nơi cất giữ vật dụng phù hợp với thiết kế của ngôi nhà thì những vấn đề về cất giữ sẽ được giải quyết. Ngôi nhà của bạn biết rõ các vật dụng ở đâu. Đây là lí do tại sao phương pháp cất giữ mà tôi sử dụng lại đơn giản đến thế. Nói thật là, tôi có thể nhớ được chỗ để mọi thứ trong nhà của hầu hết các khách hàng của mình. Đó là vì phương pháp của tôi hết sức đơn giản. Tôi không bao giờ để tâm đến kế hoạch quản lí lượng sử dụng khi giúp đỡ các khách hàng của mình sắp xếp lại nhà cửa, ngay cả khi tất cả họ có không gặp vấn đề gì đi chăng nữa. Trái lại, khi họ lập ra một bản kế hoạch cất giữ vật dụng đơn giản, họ không bao giờ còn phải cân nhắc về việc vật gì nên để ở đâu, vì việc cất dọn vật dụng trở thành tự nhiên, và hệ quả là, không còn bất kì sự lộn xộn nào trong nhà nữa.

Đơn giản là hãy cất giữ mọi thứ giống nhau ở cùng một chỗ. Nếu bạn nghe theo lời khuyên này, bạn sẽ thấy là mình đã tạo ra một bản kế hoạch quản lí lưu lượng hoạt động rất tiện ích, tự nhiên. Bạn cũng không cần phải băn khoăn chút nào về tần suất sử dụng khi thiết kế không gian cất giữ vật dụng. Một vài cuốn sách về dọn dẹp nhà cửa đưa ra những phương pháp phân loại vật dụng thành 6 mức dựa trên tần suất sử dụng: hàng ngày, ba ngày một lần, một tuần một lần, một tháng một lần, một năm một lần và nhiều hơn một năm một lần. Liệu tôi có phải là người duy nhất mà đầu óc thấy lùng bùng với chỉ một suy nghĩ về việc phân chia từng ngăn kéo tủ thành sáu ngăn không? Tôi chỉ sử dụng được tối đa hai cách phân loại theo tần suất sử dụng: những thứ tôi dùng thường xuyên và những thứ tôi không dùng.

Ví dụ, bạn hãy lấy những thứ trong một cái ngăn kéo ra. Một cách tự nhiên thôi bạn sẽ bắt đầu để những đồ ít dùng vào trong cùng và những đồ thường dùng ra phía ngoài của ngăn kéo. Không cần phải quyết định ngay việc này trong lần đầu tiên bạn thiết kế không gian cất giữ. Khi bắt đầu lựa chọn những vật cần giữ lại, bạn hãy tự hỏi – khi lựa chọn chỗ để một vật nào đó, bạn hãy hỏi ngôi nhà của mình. Nếu ghi nhớ và làm điều này, bản năng sẽ mách bảo bạn biết cách sắp xếp và cất giữ vật dụng của mình.

Có những người xếp mọi thứ thành đống, đó có thể là sách, giấy tờ hoặc quần áo. Nhưng đây là sự lãng phí không gian lớn. Khi cất giữ vật dụng, xếp theo chiều thẳng đứng là tốt nhất. Tôi đặc biệt bị ám ảnh vì quan điểm này. Nếu có thể thì tôi luôn cất giữ mọi thứ theo chiều thẳng đứng, gồm cả quần áo: tôi sẽ gấp chúng lại và để theo mép của ngăn kéo, còn tất: tôi sẽ cuộn chúng lại và để vào trong một cái hộp. Cách làm tương tự cũng đúng với văn phòng phẩm và các dụng cụ viết lách: dù là các hộp ghim kẹp giấy, các cuộn thước dây hoặc những cục tẩy, tôi cũng sẽ đặt chúng ở mép ngăn kéo. Thậm chí tôi còn cất laptop ở kệ sách như thể nó thực ra là một cuốn sổ tay vậy. Nếu không gian cất giữ vật dụng của bạn chưa hiệu quả, hãy thử sắp xếp lại theo chiều dọc. Bạn sẽ thấy cách làm này giải quyết được hầu hết các vấn đề.

Tôi cất giữ vật dụng theo chiều thẳng đứng và tránh dồn đống lại vì hai lí do. Thứ nhất, nếu bạn xếp vật dụng thành đống, kết cục là bạn có không gian cất giữ vô cùng tận. Mọi thứ cứ chồng đống và cao ngất lên mãi, khiến bạn ngày càng khó có thể thấy được là số lượng đang ngày càng gia tăng. Trái lại, khi mọi thứ được cất giữ theo chiều thẳng đứng, thì bất cứ sự gia tăng nào cũng làm chiếm dụng không gian và cuối cùng bạn sẽ hết chỗ để cất giữ. Khi sắp xếp theo cách này, bạn sẽ nhận thấy: “À, tôi lại đang bắt đầu tích trữ rồi đây.”

Và đây là một lí do nữa: chồng đống sẽ tác động xấu tới những vật ở dưới đáy. Khi vật này được chồng lên trên vật kia, những vật dưới cùng sẽ bị đè nén. Việc xếp chồng đống sẽ làm suy yếu những vật phải chịu sức nặng của cả đống bên trên. Chỉ cần hình dung là bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu phải gánh một khối nặng suốt hàng giờ liền. Không chỉ có thế, những vật trong đống đó gần như bị biến mất vì chúng ta thậm chí quên mất sự tồn tại của chúng. Khi chúng ta chồng quần áo lớp nọ lên lớp kia, quần áo ở bên dưới ngày càng ít được sử dụng. Những bộ trang phục không còn khiến các khách hàng của tôi phải run lên thậm chí cho dù họ đã rất thích vào thời điểm mua chúng thường là những bộ quần áo đã nằm dưới đáy của đống đồ suốt một thời gian dài.

Tình trạng này cũng đúng đối với các loại giấy tờ và tài liệu. Ngay khi có một tài liệu khác được đặt lên trên, tài liệu đầu tiên sẽ lùi xa thêm một chút đối với ý thức của chúng ta và trước khi chúng ta nhận ra điều này, chúng ta thoái thác việc xử lí nó hoặc thậm chí quên mất nó. Vì tất cả các lí do trên, tôi khuyến nghị bạn nên cất giữ theo chiều thẳng đứng đối với bất kì vật gì có thể dựng đứng được. Hãy thử dỡ đống đồ bạn có và xếp chúng lại theo chiều thẳng đứng. Chỉ bằng việc này thôi, bạn sẽ ý thức hơn về số lượng các vật trong đống đó. Bạn có thể cất giữ theo chiều thẳng đứng ở bất kì đâu. Những cái tủ lạnh hỗn độn là tình trạng phổ biến nhưng người ta có thể sắp xếp lại mọi thứ bên trong tủ lạnh một cách nhanh chóng và đơn giản bằng cách dựng thẳng chúng lên. Ví dụ, tôi thích ăn cà rốt. Nếu bạn mở tủ lạnh của tôi, bạn sẽ thấy các củ cà rốt được dựng thẳng trong các ngăn đựng đồ uống ở cánh tủ.

Thế giới có đầy các dụng cụ cất giữ tiện lợi. Những vách ngăn có thể điều chỉnh, những giá bằng vải có thể treo trên thang ngang trong tủ quần áo hay những giá hẹp có thể vừa khít với những không gian nhỏ. Bạn có thể tìm thấy các dụng cụ cất giữ đồ vật mà bạn chưa từng hình dung ra tại bất cứ cửa hàng nào, từ cửa hiệu gia dụng bán đồ đồng giá cho tới những cửa hàng nội thất cao cấp lộng lẫy. Chính tôi từng là một kẻ cuồng tích trữ, cho nên có lúc tôi đã cố gắng mua tất cả những dụng cụ cất giữ đồ vật có trên thị trường, bao gồm cả những thứ kì quặc và lạ lùng nhất. Nhưng giờ đây nhà tôi hầu như không còn bất cứ một dụng cụ cất giữ nào nữa.

Những dụng cụ cất giữ mà bạn sẽ thấy trong nhà tôi là một số bộ ngăn kéo nhựa trong để đựng quần áo và komono, một bộ ngăn kéo bằng bìa cứng mà tôi dùng từ hồi còn học trung học và một chiếc rổ mây để đựng khăn tắm. Thế thôi. Và tất cả chúng được để trong chiếc tủ gắn liền tường. Ngoài ra, trong bếp và nhà tắm còn có mấy cái giá treo tường và một cái tủ giày ở hành lang. Tôi không cần tủ sách vì tôi để sách vở và giấy tờ trên một trong các giá của tủ giày. Những chiếc tủ và giá để đồ trong nhà tôi còn nhỏ hơn cả mức trung bình. Về cơ bản, những dụng cụ cất giữ duy nhất mà bạn cần chỉ là những chiếc ngăn kéo và hộp đựng cũ kĩ – bạn không cần bất cứ thứ gì đặc biệt hoặc khác thường.

Người ta thường hỏi tôi lời khuyên, không nghi ngờ gì là họ mong đợi tôi tiết lộ một vũ khí cất giữ bí mật nào đó chưa từng ai được biết. Nhưng ngay lúc này tôi có thể nói với bạn rằng: bạn chẳng cần mua các ngăn kéo hoặc bất kì một món đồ chuyên dụng nào khác. Bạn có thể xử lí những vấn đề về cất giữ đồ của mình chỉ bằng những thứ sẵn có trong nhà. Thứ mà tôi thường dùng nhất là hộp đựng giầy rỗng. Tôi đã thử sử dụng mọi sản phẩm dùng để cất giữ đồ nhưng chưa thấy bất cứ thứ gì không mất chi phí mà lại tiện ích như hộp đựng giầy. Nó đạt điểm trên trung bình cho tất cả năm tiêu chí của tôi: kích cỡ, chất liệu, độ bền, dễ sử dụng và hấp dẫn. Những thuộc tính hài hòa này và tính đa dụng là các phẩm chất tuyệt vời của nó. Gần đây người ta cũng thiết kế hộp đựng giày với những kiểu dáng đáng yêu. Tôi thường hỏi các khách hàng của mình: “Bạn có chiếc hộp đựng giày nào không?” khi tôi tới thăm nhà của họ.

Có vô số cách sử dụng hộp đựng giày. Tôi thường dùng chúng để đựng tất và quần bó rồi để trong ngăn kéo. Chiều cao của hộp đựng giày vừa khít với những chiếc quần bó được cuộn lại và dựng lên trong hộp. Trong phòng tắm, người ta có thể dùng chúng để đựng các lọ dầu gội, dầu dưỡng tóc,… và chúng cũng là thứ hoàn hảo để đựng các lọ thuốc tẩy cũng như những chai lọ hóa chất vệ sinh nhà cửa khác. Trong bếp, người ta có thể dùng chúng để đựng thực phẩm cũng như các túi rác, giẻ rửa bát, v.v.. Tôi còn dùng chúng để đựng các khuôn và khay làm bánh cũng như các dụng cụ nấu nướng khác mà tôi không mấy khi sử dụng. Hộp đựng giày có thể đặt trên giá cao. Vì lí do nào đó, nhiều người dường như cất những chiếc khuôn làm bánh vào túi ni lông nhưng rõ ràng là người ta có thể dễ dàng sử dụng chúng hơn nhiều khi chúng được để trong một chiếc hộp đựng giày. Giải pháp cực kì dễ dàng này được áp dụng rất phổ biến với các khách hàng của tôi. Tôi luôn vui mừng khi họ nói với tôi rằng họ đã nướng bánh thường xuyên hơn kể từ khi sắp xếp lại vật dụng theo cách mới.

Nắp hộp đựng giày thường nông và có thể được dùng như một cái khay. Người ta có thể đặt nó trong một chiếc tủ để đựng các lọ dầu ăn và gia vị, nhờ đó giữ cho sàn tủ luôn được sạch sẽ. Không giống như nhiều loại tấm lót, những chiếc nắp hộp này không bị trượt và dễ dàng thay thế. Nếu bạn cất các đồ dùng nhà bếp như cái muôi trong ngăn kéo thì giờ đây bạn có thể dùng nắp hộp đựng giày để đựng chúng. Cách làm này sẽ khiến đồ dùng nhà bếp không bị lăn lóc và gây ra tiếng ồn mỗi khi bạn mở và đóng ngăn kéo, và vì nó có chức năng như một cái ngăn nên bạn có thể sử dụng không gian còn lại một cách hiệu quả hơn.

Tất nhiên, còn có nhiều loại hộp khác có thể làm thành những vật cất giữ tiện lợi. Những loại hộp mà tôi sử dụng thường xuyên nhất bao gồm những chiếc hộp nhựa đựng danh thiếp và những chiếc hộp đựng máy nghe nhạc iPod. Trên thực tế, những chiếc hộp đựng các sản phẩm của Apple có kích cỡ và thiết kế phù hợp cho việc sử dụng để cất giữ đồ, do đó nếu bạn có bất cứ chiếc hộp nào loại này thì tôi khuyên bạn nên dùng chúng như những ô đựng đồ trong các ngăn kéo của bạn. Chúng rất tuyệt để đựng bút máy, bút chì và các loại dụng cụ viết lách khác. Một loại phù hợp nữa là những chiếc hộp đựng thực phẩm cỡ lớn, chúng ta có thể dùng chúng để đựng các vật nhỏ hơn trong bếp.

Về cơ bản, bất kì chiếc hộp hoặc vật đựng hình vuông nào có kích cỡ chuẩn đều có thể sử dụng được. Tuy nhiên, những chiếc hộp bìa cứng cỡ lớn hoặc những chiếc hộp đựng thiết bị điện lại quá lớn để làm ngăn để đồ, không hài hòa với những loại đồ đựng khác và rõ ràng là trông xấu xí. Hãy từ bỏ những chiếc hộp loại này. Bất cứ khi nào bạn nhìn lướt qua những chiếc hộp trong khi đang dọn dẹp và phân loại vật dụng của mình, hãy xếp chúng lại một chỗ cho đến khi bạn bắt đầu công việc cất giữ. Hãy đảm bảo rằng bạn sẽ ném đi bất cứ thứ gì còn lại sau khi ngôi nhà của bạn đã được dọn dẹp gọn gàng. Đừng bao giờ mong chờ rằng rồi một ngày nào đó bạn có thể dùng đến những món đồ đó.

Tôi khuyến nghị bạn không nên dùng những vật hình tròn, hình trái tim hay những hình dạng không bình thường khác để làm ô đựng đồ vì chúng thường choán không gian. Tuy nhiên, nếu một chiếc hộp đặc biệt đem lại cho bạn cảm giác rung động khi dùng nó thì lại là chuyện khác. Bỏ nó đi hoặc giữ nó lại mà không dùng đến là một sự lãng phí, vì thế ở đây bạn nên làm theo trực giác và sử dụng nó để làm vật chứa. Ví dụ, bạn có thể sử dụng những chiếc hộp như vậy trong chiếc ngăn kéo đựng phụ kiện cho tóc hoặc đựng các cuộn len hay bộ dụng cụ may vá thêu thùa. Hãy tạo ra những sự kết hợp độc đáo của riêng bạn bằng cách khiến cho một chiếc hộp rỗng vừa vặn với một vật mà bạn cần cất giữ. Phương pháp tốt nhất chính là thử nghiệm và cảm thấy thích thú với quá trình này.

Khi khách hàng của tôi sử dụng những thứ sẵn có trong nhà theo cách này, họ luôn thấy rằng họ có chính xác những thứ mà họ cần để cất giữ vật dụng. Họ không cần phải ra ngoài để mua dụng cụ đựng đồ. Tất nhiên, bên ngoài luôn có những dụng cụ tuyệt vời được thiết kế cho việc cất giữ. Nhưng ngay lúc này, điều quan trọng là bạn cần hoàn thành việc dọn dẹp nhà cửa cho ngăn nắp. Thay vì mua thứ gì đó để làm công việc này thì hãy cứ chờ cho đến khi bạn hoàn thành quá trình dọn dẹp và sau đó dành thời gian để tìm những dụng cụ cất giữ mà bạn thực sự yêu thích.

Giỏ, túi xách và những loại túi khác khi không dùng đến thì thường trống không. Trong chuyện này có một điểm khiến tôi chú ý, đó là chúng làm lãng phí không gian lớn, đặc biệt khi chúng thường được để ở những nơi cất giữ tốt nhất. Không chỉ chiếm nhiều diện tích vì không thể gấp hay cuộn lại được, chúng còn thường được lèn bằng giấy mỏng để giữ được hình dạng. Trong các ngôi nhà Nhật Bản vốn chỉ có không gian cất giữ cực kì hạn hẹp, chuyện này dường như là một cách sử dụng phung phí không gian không thể tha thứ. Thực tế là giấy mỏng lèn bên trong túi thường bắt đầu rách vụn ra và chỉ gây thêm những hư hại mà thôi.

Quyết tâm tìm ra một giải pháp, tôi bắt đầu thử nghiệm. Trước tiên, tôi quyết định không dùng giấy mỏng để lèn vào trong túi. Bởi nói cho cùng, từ bỏ những thứ không đem lại cảm hứng là chìa khóa trong phương pháp của tôi. Thay vào đó, tôi thử lèn túi bằng những vật dụng nhỏ dùng theo mùa nhưng chưa dùng đến. Vào mùa hè, tôi dùng khăn quàng và găng tay, còn vào mùa đông, tôi cho quần áo bơi vào túi. Những chiếc túi không chỉ giữ được hình dạng mà còn có thêm công dụng đựng đồ. Tôi rất vui vì thấy giải pháp này là một mũi tên trúng hai đích. Nhưng sau một năm, tôi phải từ bỏ phương pháp này. Mặc dù về lí thuyết thì đây là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng trên thực tế tôi cảm thấy khó nhọc với việc phải lấy đồ ra mỗi khi muốn sử dụng một chiếc túi xách, và mỗi lần làm vậy, tủ đựng của tôi lại trở nên lộn xộn.

Tất nhiên, tôi không bỏ cuộc. Tôi tiếp tục tìm kiếm một thứ gì đó sẽ không bị rách vụn khi nhét vào túi. Ý tưởng tiếp theo của tôi là cho những vật nhỏ vào trong một túi vải mỏng rồi mới nhét túi vải đó vào túi xách. Việc lấy ra rất dễ dàng và chiếc túi vải thực sự trông đẹp mắt thậm chí khi để phơi ra trong tủ. Tôi hài lòng vì mình đã khám phá ra một giải pháp đột phá nữa. Thế nhưng biện pháp này cũng tiềm ẩn một hạn chế. Tôi không thể thấy những đồ dùng theo mùa bên trong túi và khi mùa sử dụng đến gần, tôi hoàn toàn quên khuấy việc lấy đồ ra khỏi hai chiếc túi vải. Cuối cùng phải một năm sau tôi mới chú ý đến chúng và đến lúc đó, mọi thứ bên trong hai chiếc túi ấy trông thật thảm hại. Sự việc này khiến tôi phải dừng lại để suy nghĩ. Mặc dù trên thực tế phương châm của tôi với quần áo và những vật dụng khác là giữ cho những thứ dùng theo mùa nhưng chưa dùng đến luôn phải ở trong tầm mắt, nhưng tôi lại đã ngớ ngẩn tin tưởng là mình có thể nhớ để lấy chúng ra dù không nhìn thấy chúng.

Tôi lấy hết mọi thứ ra hỏi các chiếc túi vải nhưng những chiếc túi xách vốn được lèn đầy giờ đây lại rũ xuống. Tôi cần thứ gì đó để giúp chúng giữ được hình dáng nhưng tôi chắc chắn không muốn nhét đầy chúng bằng quần áo dùng theo mùa vì tôi biết mình sẽ bỏ quên. Không biết phải làm sao, tôi quyết định cho chiếc túi này vào trong chiếc túi kia chỉ tạm thời thôi. Thế nhưng việc làm này hóa ra lại là một giải pháp tuyệt vời. Bằng cách cất những chiếc túi vào trong một chiếc túi khác, tôi đã giảm được một nửa không gian cất giữ cần thiết và tôi có thể nhận biết được những thứ bên trong nhờ việc để những quai túi ở trong thò ra bên ngoài chiếc túi đựng chúng.

Điều quan trọng là hãy xếp các túi cùng loại với nhau. Những nhóm túi này có thể bao gồm túi xách làm từ chất liệu tương tự, ví dụ da cứng hoặc vải dệt dày dặn, hoặc những chiếc ví dành cho những dịp đặc biệt, chẳng hạn cưới hỏi và tang lễ. Việc phân chia theo chất liệu và/hoặc mục đích sử dụng có nghĩa là bạn chỉ cần lấy một nhóm túi ra mỗi khi bạn cần sử dụng một chiếc túi xách. Điều này sẽ dễ dàng cho bạn hơn nhiều. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn không nên cất quá nhiều túi trong cùng một túi. Nguyên tắc chung của tôi là chỉ nên cất không quá hai túi trong cùng một túi bất kì và đảm bảo rằng sẽ không quên những thứ mà mình cất bên trong. Đối với túi xách tote(3), chúng có thể gấp nhỏ lại đến mức đáng ngạc nhiên, tôi khuyên bạn nên cất tất cả chúng trong một chiếc túi tote mà thôi.

Tóm lại, cách tốt nhất để cất giữ bóp/ví cầm tay, túi xách và các loại túi khác đó là xếp chúng lại thành từng nhóm dựa trên chất liệu, kích cỡ và tần suất sử dụng, và hãy cất chúng trong một chiếc túi khác, như thể các quả trứng trong chiếc lồng ấp vậy. Tất cả quai và dây túi bên trong nên được bỏ ra bên ngoài cho dễ nhìn. Xếp các nhóm túi này thẳng hàng trong tủ tường hoặc tủ quần áo của bạn ở nơi mà bạn có thể nhìn thấy chúng. Quá trình cất những chiếc túi vào trong một chiếc túi khác, và việc nhận ra những cách kết hợp hài hòa, sẽ mang lại nhiều niềm vui, giống như chơi trò giải đố ô chữ. Khi bạn phát hiện ra một cặp đôi vừa vặn, túi bên ngoài khít với túi bên trong và chúng tương trợ lẫn nhau, việc này giống như thể bạn đang chứng kiến một cuộc gặp định mệnh vậy.

Có vài thứ mà bạn cần dùng hàng ngày, chẳng hạn như ví, vé tàu hoặc vé xe và nhật kí. Nhiều người thấy chẳng cần phải lấy chúng ra khi họ trở về nhà vì đằng nào thì họ cũng sẽ lại sử dụng vào ngày hôm sau, nhưng đây là một suy nghĩ sai lầm. Mục đích của một chiếc ví hoặc túi là để đựng đồ dùng của bạn khi bạn ra khỏi nhà. Bạn cho vào túi xách những thứ mình cần, chẳng hạn như tài liệu, điện thoại di động và ví tiền, và nó mang tất cả những thứ đó mà không hề phàn nàn, thậm chí ngay cả khi nó bị nhét chặt đến mức muốn bung ra. Khi bạn đặt túi xuống và đáy của nó bị kéo lê trên sàn, nó hoàn toàn không ca thán một lời mà chỉ cố gắng hỗ trợ bạn tốt nhất. Đúng là cúc cung tận tụy! Vì thế, thật là tàn nhẫn nếu không cho nó nghỉ ngơi ngay cả khi đã ở nhà. Phải chứa đựng mọi thứ cả ngày, thậm chí ngay cả khi không được dùng đến, chắc hẳn có cảm giác như thể đi ngủ với cái dạ dày chật ứ. Nếu bạn đối xử với những chiếc túi xách của mình như vậy, chẳng mấy chốc trông chúng sẽ mòn mỏi đi mà thôi.

Nếu không tạo thói quen bỏ đồ ra khỏi túi xách khi về nhà, hầu như chắc chắn là bạn cũng sẽ bỏ lại thứ gì đó bên trong khi bạn quyết định sử dụng một chiếc ví khác và trước khi nhận ra điều đó, bạn sẽ quên mất những thứ mà bạn có trong mỗi chiếc túi. Không thể tìm thấy một cái bút hoặc son môi, bạn sẽ lao đi mua một cái mới. Khi chúng tôi dọn dẹp phòng ốc của các khách hàng, những thứ thường thấy nhất trong các túi xách của họ là túi giấy ăn, các đồng xu, những tờ biên lai nhàu nát và bã kẹo cao su được gói trong vỏ đựng kẹo. Một nguy cơ thực sự là những thứ quan trọng như giấy ghi nhớ hoặc tài liệu có thể bị lẫn trong những thứ đó.

Vì vậy, bạn hãy làm rỗng túi hàng ngày. Việc này không phiền phức như bạn nghĩ. Bạn chỉ cần dành một chỗ cho những thứ đựng trong túi. Hãy tìm một cái hộp và để vé tàu/xe, thẻ ra vào công ty và những thứ quan trọng khác vào đó. Sau đó đặt cái hộp vào trong ngăn kéo hoặc tủ đồ. Hộp nào cũng có thể dùng được, nhưng nếu bạn không thể tìm thấy chiếc hộp có kích cỡ phù hợp thì một chiếc hộp đựng giày sẽ làm tốt việc này. Hoặc bạn có thể tạo ra một không gian ở trong góc của ngăn kéo mà không cần phải dùng bất cứ chiếc hộp nào. Vẻ bề ngoài là điều quan trọng, vì vậy nếu như bạn đang dùng một cái hộp thì đừng do dự để tìm lấy một cái mà bạn thực sự ưng ý. Một trong những nơi tốt nhất để đặt cái hộp này là trên nóc tủ ngăn kéo mà bạn dùng để cất đồ và sẽ càng tiện lợi hơn nếu chỗ để hộp ở gần nơi bạn cất túi xách.

Thỉnh thoảng có thể bạn không làm rỗng túi được, vậy cũng không sao. Có những lúc tôi về nhà rất khuya, tôi không buồn bỏ đồ ra khỏi túi vì tôi đã có kế hoạch dùng chúng vào sáng sớm hôm sau. Có chuyện này chỉ có bạn và tôi biết thôi nhé, đó là trong thời gian viết cuốn sách này, có những lần tôi trở về nhà và ngủ gục trên sàn mà thậm chí còn chưa kịp thay đồ. Điều quan trọng là bạn cần tạo ra một môi trường mà ở đó chiếc túi của bạn có thể nghỉ ngơi bằng cách thiết lập một chỗ để cụ thể cho mọi thứ bạn thường cất trong túi.

Nếu bạn có những chiếc tủ đồ hoặc tủ quần áo, vậy thì hầu hết mọi thứ trong nhà đều có thể được cất trong những chiếc tủ đó. Những chiếc tủ Nhật là không gian cất giữ lý tưởng. Chúng rộng và sâu, được phân chia thành phần trên và phần dưới bằng một cái giá rộng và cực kì vững chắc, và có một chiếc tủ được gắn vào tường ở phía bên trên. Nhưng nhiều người Nhật không biết cách tận dụng không gian cất giữ này. Đối với những người có những chiếc tủ kiểu này, hãy sử dụng chúng một cách chính xác. Không cần biết bạn đã cố gắng vất vả ra sao để thiết kế một thiết bị tài tình nào đó nhằm giải quyết tất cả các vấn đề cất giữ của mình, kết quả cuối cùng hầu như luôn là bạn sẽ khó sử dụng chúng hơn những gì sẵn có.

Phương pháp cơ bản để sử dụng hiệu quả một chiếc tủ đồ là như sau. Trước hết, nguyên tắc chung là những vật dụng theo mùa nhưng chưa dùng đến nên được cất giữ ở những chỗ khó tiếp cận nhất. Chúng bao gồm đồ trang trí vào dịp Giáng sinh, đồ trượt tuyết, đồ leo núi hoặc những trang phục và dụng cụ thể thao dùng theo mùa khác. Đây cũng là chỗ tốt nhất để cất những vật lưu niệm cỡ lớn không vừa với kệ sách, chẳng hạn một cuốn album ảnh cưới hay những cuốn album ảnh khác. Nhưng đừng để chúng trong những hộp bìa cứng. Thay vào đó, hãy dựng chúng tựa vào mặt trong của tủ đồ như cách bạn dựng sách trên giá. Nếu không thì gần như là bạn sẽ không còn trông thấy chúng lần nữa đâu.

Quần áo mặc hàng ngày nên được cất trong tủ đồ. Nếu bạn sử dụng những chiếc hộp nhựa trong để cất quần áo, tôi đặc biệt khuyên bạn nên dùng ngăn kéo thay vì dùng các loại hộp như thế. Khi cất quần áo mặc nhanh (instant clothes) vào trong một chiếc hộp thì việc lấy chúng ra sẽ trở nên khó nhọc và trong hầu hết trường hợp, người ta không buồn lấy chúng ra kể cả khi mùa sử dụng đã đến. Và, tất nhiên là bạn hãy gập và xếp những trang phục đó ở rìa của ngăn kéo.

Nơi tốt nhất để cất bộ đồ giường (chăn, ga, gối…) là ở giá trên cùng của tủ đồ, tại đó chúng sẽ ít bị hút ẩm và bám bụi. Không gian bên dưới tủ đồ có thể được dùng để cất các thiết bị điện chưa đến mùa sử dụng như quạt và máy sưởi. Cách tốt nhất để sử dụng một chiếc tủ đồ kiểu Nhật là hãy nghĩ về nó như một căn phòng nhỏ và hãy cất giữ vật dụng vào trong các ngăn kéo hoặc những bộ phận chứa đựng khác của nó. Tôi có một khách hàng cất tất cả những trang phục rộng trong tủ đồ. Khi chúng tôi mở cửa tủ, bên trong nó trông như một thùng rác và những trang phục đó không khác gì một mớ hỗn độn.

Bạn sẽ thấy hiệu quả hơn nữa nếu chuyển tất cả các dụng cụ cất giữ vào tủ đồ. Tủ đồ là nơi tôi thường dùng để đặt các giá thép, kệ sách và những cái giá gỗ dán vốn cũng có thể sử dụng làm nơi để sách. Tôi cũng cất bất kì đồ vật lớn nào chiếm diện tích mặt sàn – ví dụ va li, gậy đánh gôn, thiết bị điện hoặc đàn ghita – vào tủ đồ. Tôi chắc chắn rằng nhiều người trong số các khách hàng của tôi không tin là họ có thể thể cất vừa mọi vật dụng của họ vào tủ đồ, nhưng ngay khi tuân theo Phương pháp KonMari trong việc sắp xếp và loại bỏ, thì họ sẽ thấy việc này khá đơn giản.

Có bao nhiêu lọ dầu gội đầu và dầu dưỡng tóc trong phòng tắm của bạn? Các thành viên trong gia đình có thể sử dụng những loại sản phẩm khác nhau, hoặc bạn có thể có một số loại sản phẩm mà bạn dùng tùy theo tâm trạng hoặc theo những liệu pháp mỗi tuần một lần. Nhưng những chai lọ đó sẽ gây khá nhiều phiền phức khi bạn dọn dẹp nhà tắm. Khi được để trên sàn phòng tắm có gương sen hoặc ở rìa phòng tắm, chúng trở nên nhầy nhụa. Để tránh tình trạng này, một vài người sử dụng một chiếc giỏ đan bằng dây kim loại làm vật đựng, nhưng theo kinh nghiệm của riêng tôi, cách làm này chỉ khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

Tôi từng mua một chiếc giỏ đan bằng dây kim loại đủ lớn để đựng tất cả xà phòng, dầu gội và thậm chí mặt nạ đắp mặt của cả gia đình. Niềm vui của tôi với vật dụng tiện lợi này hóa ra cũng chỉ thoảng qua. Mỗi khi tắm xong tôi đều làm khô nhà tắm, nhưng chẳng bao lâu việc lau chùi từng chiếc giỏ đan bằng dây kim loại trở nên nhàm chán và tôi chỉ làm ba ngày một lần, rồi năm ngày một lần, sau đó thậm chí còn ít hơn, cho đến lúc tôi hoàn toàn quên việc phải lau dọn nhà tắm. Một ngày kia, tôi nhận thấy chai dầu gội đầu có màu đỏ, còn đáy chai thì nhầy nhụa. Kiểm tra chiếc giỏ, tôi thấy nó bị một lớp nhớt nhớp nhúa bao phủ đến mức tôi không dám nhìn. Gần như bật khóc, tôi cọ sạch chiếc giỏ kim loại và không bao lâu sau tôi vứt nó đi. Nó chỉ gây thêm nhiều phiền toái và mỗi lần tôi vào phòng tắm rồi nhìn thấy nó, nó lại khiến tôi nhớ lại thời điểm nhớp nhúa kinh tởm khi ấy. Lúc đó tôi đã nhận ra rằng phòng tắm là nơi ẩm ướt nhất trong nhà, điều này hiển nhiên khiến nó là chỗ bất hợp lí nhất để cất giữ bất kì thứ gì.

Nếu không dùng đến, chúng ta sẽ không lấy xà phòng và dầu gội ra khỏi chỗ để, khi đó nhiệt độ và hơi ẩm sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng của xà phòng và dầu gội. Do đó, phương châm của tôi là giữ mọi thứ cách xa phòng tắm hoặc buồng tắm gương sen. Dù thế nào, bất kì thứ gì dùng trong nhà tắm cũng phải được làm khô sau khi sử dụng, điều này có ý nghĩa hơn nhiều so với việc dùng khăn phòng tắm lau chùi vài thứ mà chúng ta dùng rồi cất chúng trong tủ đồ. Thoạt nhìn thì cách lau chùi này dường như hiệu quả hơn, nhưng thực ra không phải vậy. Bạn sẽ thấy việc dọn dẹp sạch sẽ phòng tắm hoặc buồng tắm gương sen nhanh chóng và dễ dàng hơn nhiều nếu không có xà phòng và các loại chai lọ lộn xộn khắp nơi, và rất ít chất nhờn còn bám lại.

Cách làm tương tự cũng đúng với khu vực bồn rửa bát. Bạn có để những miếng bọt biển và nước rửa bát ở cạnh bồn rửa? Còn tôi thì cất chúng ở bên dưới bồn rửa bát. Bí quyết này đảm bảo giữ cho miếng bọt biển rửa bát hoàn toàn khô ráo. Nhiều người sử dụng miếng bọt biển bằng dây kim loại có giác mút gắn vào bồn rửa. Nếu bạn cũng làm như vậy, tôi khuyên bạn là nên bỏ nó đi ngay lập tức. Nó không thể khô được nếu lúc nào cũng bị dính nước bắn vào mỗi khi bạn dùng bồn rửa và rồi chẳng mấy chốc nó sẽ bắt đầu bốc mùi khó chịu. Để tránh tình trạng này, hãy vắt kiệt miếng bọt biển sau khi dùng và treo nó lên cho khô ráo. Bạn có thể dùng một chiếc móc treo quần áo để treo nó trên giá mắc khăn lau hoặc nếu không có giá mắc khăn lau thì treo trên tay nắm của ngăn kéo nhà bếp. Cá nhân tôi khuyên bạn nên treo những miếng bọt biển ra ngoài, ví dụ như phơi quần áo.

Tôi không chỉ phơi những miếng bọt biển mà còn phơi cả thớt, chảo và bát đĩa ngoài hiên. Nắng mặt trời là cách khử trùng hiệu quả và bếp của tôi luôn luôn trông rất ngăn nắp vì tôi không cần phải dùng đến giá đựng bát đĩa. Trên thực tế, thậm chí tôi không có cái giá đựng bát đĩa nào. Tôi đặt tất cả đĩa đã rửa vào trong một cái bát hoặc cái chảo lớn và để chúng ngoài hiên để phơi khô. Tôi có thể rửa bát đĩa vào buổi sáng và chỉ việc bỏ chúng ra ngoài hiên là xong. Tùy vào thời tiết và nơi bạn sinh sống mà cách làm này có thể phù hợp với bạn hay không.

Bạn để dầu ăn, muối, hạt tiêu, xì dầu và những gia vị khác ở đâu? Nhiều người để chúng ngay cạnh bếp đun vì họ có thể tiện tay lấy chúng. Nếu bạn giống như họ, thế thì tôi hi vọng bạn sẽ giải phóng cho chúng ngay bây giờ. Chỉ có một lí do thôi, quầy bếp [hoặc bệ trong nhà bếp – ND] là nơi để chuẩn bị thức ăn, chứ không phải chỗ để cất đồ. Cụ thể là, không gian quầy bếp bên cạnh bếp đun tiếp xúc trực tiếp với thức ăn và dầu ăn, và những đồ gia vị để ở đây luôn bị bám dầu mỡ. Những hàng chai lọ để ở đây rất khó có thể giữ được sạch sẽ và khu vực bếp sẽ luôn luôn bị một lớp màng dầu mỡ bao phủ. Đó là lí do khiến các giá và tủ bếp thường được thiết kế để cất đồ gia vị tách rời khỏi nơi nấu nướng. Và việc khá phổ biến là người ta sẽ lắp đặt chiếc ngăn kéo hoặc tủ bếp dài và hẹp ở kế bên bếp đun vì mục đích trên.

“Xin đừng mở nó ra!” là một điệp khúc phổ biến. Các khách hàng của tôi luôn có một chiếc ngăn kéo, một cái hộp hoặc một tủ đồ không muốn cho tôi xem. Tất cả chúng ta đều có những thứ mà chúng ta không muốn để người khác biết, đó là những thứ mà chúng ta cảm thấy là quan trọng. Những vật phổ biến là các tờ poster có hình thần tượng nhạc pop cùng những vật lưu niệm với những người hâm mộ khác và các cuốn sách gắn với sở thích riêng. Các tờ poster thường được cuộn lại và để ở sau tủ đồ, còn những chiếc đĩa CD được cất trong một chiếc hộp. Nhưng đây là một sự lãng phí. Ít ra thì phòng của bạn cũng nên là nơi để bạn có thể theo đuổi và chiều theo những sở thích của tâm hồn. Vì thế, nếu bạn thích điều gì thì đừng nên giấu nó đi. Nếu bạn muốn làm theo sở thích nhưng không muốn cho bạn bè hoặc người khác biết thì tôi có một giải pháp cho bạn. Hãy biến không gian cất giữ của bạn thành chốn riêng tư, điều này cho phép bạn cảm nhận được sự thoải mái thực sự. Hãy sử dụng những vật quý giá mà bạn thích để trang trí mặt lưng bên trong tủ quần áo hoặc mặt trong của cánh cửa tủ.

Bạn có thể trang trí tủ quần áo bằng bất cứ thứ gì, cho dù là đồ riêng tư hay không. Các tờ poster, tranh ảnh, vật trang trí, bất cứ thứ gì mà bạn thích. Không hề có giới hạn cho những cách thức trang trí không gian cất giữ của bạn. Không một ai có thể phàn nàn khi họ trông thấy chúng. Không gian cất giữ của bạn chính là thiên đường riêng tư cho phép cá tính được thể hiện trọn vẹn.

Một trong nhiều điều khiến tôi kinh ngạc khi giúp các khách hàng dọn dẹp đó là số lượng vật dụng vẫn còn nguyên trong bao bì. Thực phẩm và những đồ dùng vệ sinh thì tôi còn có thể hiểu được nhưng tại sao người ta lại nhét cả trang phục như tất và đồ lót vào trong ngăn kéo mà chưa hề lấy chúng ra khỏi bao bì? Như thế chúng sẽ chiếm nhiều không gian hơn và cũng dễ bị quên lãng hơn.

Cha tôi thích tích trữ tất. Mỗi lần đến siêu thị, ông lại mua những đôi tất xám hoặc đen để đi cùng với quần áo của ông và cất chúng còn nguyên cả bao bì vào ngăn kéo. Những chiếc áo len dài tay màu xám cũng là một thứ nữa mà cha tôi luôn muốn sẵn có, và tôi thường bắt gặp chúng ở phía bên trong tủ đồ, vẫn còn được gói nguyên trong túi bọc ni lông. Tôi luôn cảm thấy tiếc vì có quá nhiều những trang phục như thế không được dùng đến. Tôi từng nghĩ đó chỉ là thói quen đặc biệt của cha tôi, nhưng khi tôi bắt đầu đến thăm nhà của các khách hàng, tôi nhận ra rằng có nhiều người giống ông. Đồ tích trữ thường gồm những thứ mà khách hàng hay sử dụng, phổ biến nhất là tất, đồ lót và quần nịt. Có một điểm chung cho những khách hàng này đó là họ tích trữ nhiều hơn hẳn so với nhu cầu sử dụng. Tôi sửng sốt khi phát hiện ra họ mua nhiều chiếc cùng loại trước cả khi họ dỡ chúng ra khỏi bao bì. Có lẽ thực tế là những thứ ở trong bao bì đã làm mờ mắt người sở hữu. Ví dụ, số lượng tất nịt kỉ lục được tìm thấy trong nhà một khách hàng là 82 đôi. Vẫn còn nguyên trong bao bì, chúng lấp kín một chiếc hộp nhựa đựng đồ.

Cứ cho là, khi bạn mua thứ gì đó, cách cất giữ tiện lợi nhất là chỉ việc quẳng chúng vào trong ngăn kéo khi vẫn còn đựng trong bao bì. Và có lẽ còn có sự vui thú nào đó trong việc dỡ bỏ bao bì khi bạn lấy nó ra mặc lần đầu tiên. Nhưng sự khác nhau duy nhất giữa những vật còn nguyên bao bì ở trong ngăn kéo và những vật ở trong kho là ở chỗ chúng đang được cất giữ ở đâu. Người ta thường cho rằng mua thật nhiều đồ vào dịp giảm giá là cách tiết kiệm nhất. Nhưng thực tế là ngược lại. Nếu bạn cân nhắc về chi phí cất giữ thì rõ ràng là sẽ tiết kiệm hơn khi giữ những thứ đó trong kho hàng thay vì ở trong nhà của bạn. Hơn nữa, nếu bạn mua và sử dụng chúng khi cần thì khi đó chúng sẽ mới và trong tình trạng tốt hơn. Đây là lí do tại sao tôi khuyến nghị bạn kiềm chế việc tích trữ vật dụng. Thay vì mua thứ mà bạn cần, hãy dỡ mọi vật trong bao bì ra ngay lập tức và sắp xếp chúng lại. Nếu bạn đã tích trữ lượng lớn một thứ gì đó, ít nhất hãy bỏ chúng ra khỏi bao bì. Để nguyên trang phục trong bao bì sẽ chẳng sao hết trừ việc khiến chúng hư hại mà thôi.

Thứ phổ biến nhất được giữ trong bao bì là tất nịt. Khi bạn bỏ chúng ra khỏi bao bì, hãy bỏ luôn cả lớp lót cứng bên trong. Bạn không cần chúng. Ngay khi được lấy khỏi bao bì và gấp lại, chúng sẽ tiết kiệm được 25% không gian so với khi chưa bỏ ra. Do đó, chúng cũng có khả năng được sử dụng nhiều hơn vì giờ đây có thể lấy chúng ra dễ dàng. Tôi nghĩ là chỉ khi bạn bỏ vật dụng nào đó ra khỏi bao bì, khi đó bạn mới có thể gọi nó là của bạn.

Tương tự với những trang phục trong bao bì là những trang phục vẫn còn gắn nhãn mác. Tôi thường tìm thấy váy hoặc áo len vẫn còn nguyên nhãn giá hoặc nhãn sản phẩm trong nhà của khách hàng. Trong hầu hết các trường hợp, khách hàng của tôi đã quên sự tồn tại của chúng và có vẻ ngạc nhiên khi trông thấy chúng, mặc dù thực tế là những thứ đó đang được treo trên giá trong tủ quần áo ngay trước mắt họ. Suốt một thời gian dài, tôi đã tự hỏi điều gì khiến những thứ quần áo đó trở nên vô hình. Quyết tâm tìm ra lời giải thích cho tình trạng này, tôi đã quan sát những nơi cất quần áo trong nhiều kho hàng khác nhau.

Sau khi tiến hành nghiên cứu một thời gian, tôi nhận ra sự khác biệt đáng chú ý giữa quần áo cất trong tủ của khách hàng và quần áo được treo trên giá trong cửa hàng. Quần áo trong cửa hàng rất khác với quần áo chúng ta mặc hàng ngày. Chúng toát ra vẻ khô cứng và những bộ quần áo vẫn còn nguyên nhãn giá sẽ vẫn giữ vẻ khô cứng ấy. Đây là cách mà tôi nhìn thấy chúng. Quần áo trong mộtcửa hàng là những sản phẩm, trong khi quần áo ở nhà là những vật sở hữu của cá nhân. Quần áo vẫn còn nhãn giá giống như thể vẫn chưa thuộc về sở hữu của chúng ta và do đó chúng còn chưa thuộc quyền của chúng ta. Bị áp đảo bởi những trang phục “hợp thức” của chúng ta, chúng sẽ ít được chú ý. Vì thế, thật tự nhiên thôi khi chúng ta bỏ sót và cuối cùng quên mất chúng khi chúng ta xem lướt qua tủ quần áo.

Vài người lo lắng rằng khi họ bỏ nhãn mác đi, giá trị của chúng sẽ không còn khi họ mang bán chúng ở cửa hàng bán trang phục đã qua sử dụng (recycle shop)(4), nhưng chuyện này thật mâu thuẫn. Nếu bạn đi mua quần áo, sau đó chọn một số trang phục, tức là bạn có ý định chào đón chúng vào ngôi nhà của mình và chăm sóc chúng. Để quần áo của bạn chuyển từ những sản phẩm để trong kho hàng trở thành những vật sở hữu cá nhân, bạn cần bỏ ngay nhãn mác.

Những học viên ở trình độ cao nhìn chung sẽ đòi hỏi có được mức độ thoải mái hơn trong không gian của họ ngay khi họ đã giải quyết thành công những vấn đề về sở hữu và tích trữ dư thừa. Nhìn thoáng qua, nhà cửa của một vài khách hàng của tôi đã gọn ghẽ đến mức dường như họ không còn cần tới sự trợ giúp của tôi nữa.

Một khách hàng của tôi đang ở tuổi 30, sống cùng chồng và cô con gái 6 tuổi. Cô ấy không hề băn khoăn khi phải bỏ bớt các vật dụng trong nhà và ngay trong bài học đầu tiên, cô ấy đã bỏ 200 cuốn sách và 300 túi đồ các loại khác. Cô ấy chính là một người xây tổ ấm và dành thời gian để chăm lo nhà cửa, tổ chức các buổi uống trà cho các bà mẹ khác cùng với con cái của họ hai lần một tháng và mở các lớp học cắm hoa thường xuyên ngay tại nhà. Cô ấy thường có khách tới thăm và có ý thức tốt về việc giữ cho nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, nên cô sẽ chẳng hề cảm thấy bối rối khi bất ngờ phải tiếp đón khách khứa. Cô sống trong một căn nhà có hai phòng ngủ, phòng ăn kết hợp với nhà bếp, và vật dụng trong nhà được sắp xếp gọn ghẽ trong những chiếc tủ liền tường và hai giá đựng bằng kim loại cao ngang đầu. Sàn gỗ phẳng luôn luôn được lau sạch. Bạn bè băn khoăn không biết liệu cô ấy còn có thể ngăn nắp được hơn nữa hay không, nhưng dường như cô ấy vẫn chưa hài lòng.

“Chúng tôi không có quá nhiều vật dụng nhưng tôi vẫn chưa cảm thấy ổn lắm. Tôi cảm thấy như thể mình cần làm tiếp một bước nào đó nữa.”

Khi tôi tới thăm nhà cô ấy, nó ngăp nắp, gọn gàng, nhưng đúng như cô ấy nói, còn có điều gì đó chưa ổn lắm. Điều đầu tiên mà tôi vẫn làm là mở tất cả các cánh cửa ở mọi nơi chứa đồ. Khi tôi mở chiếc tủ đồ chính trong nhà, tôi đã thấy điều mà tôi trông đợi. Những chiếc nhãn tuyên bố “Các giải pháp cất giữ tuyệt vời!” được dán vào những chiếc ngăn kéo nhựa trong, những gói chất khử mùi phòng được ca ngợi bằng dòng chữ “Làm tươi mát không khí ngay lập tức!”, còn những chiếc hộp bìa cứng cất tiếng khẳng định “Cam vùng Iyo” chính hiệu. Chỗ nào cũng thấy chữ, chữ và chữ nhảy xổ vào tôi. Mỗi khi mở một cánh cửa tủ, cả một dòng thác thông tin lại đổ ra khiến căn phòng trở nên “ầm ĩ”. Đặc biệt là nếu những từ ngữ đó viết bằng ngôn ngữ của bạn, chúng sẽ nhảy vào trong tầm nhìn của bạn, và não của bạn sẽ xử lí chúng như những thông tin cần được sắp xếp, phân loại. Điều này khiến tâm trí bạn trở nên náo động.

Trong trường hợp khách hàng của tôi, mỗi khi muốn lựa chọn quần áo, cô ấy lại bị những thông điệp như “Cam vùng Iyo” và “Làm tươi mát không khí ngay lập tức!” tấn công túi bụi, cứ như thể có ai đó đang lẩm bẩm liên tục bên tai. Kì lạ thay, ngay cả khi cửa tủ đã đóng lại cũng không chặn được dòng thác thông tin này. Những từ ngữ ấy vẫn cứ tràn ngập trong không khí. Theo kinh nghiệm của tôi, những không gian cất giữ trong nhà luôn gây ra cảm giác “ầm ĩ” cho dù bề ngoài trông chúng có vẻ ngăn nắp, vì chúng luôn ngập trong những thông tin không cần thiết. Nhà cửa càng ngăn nắp và thừa đồ đạc thì những tiếng ồn này càng có cảm giác lớn hơn. Vì vậy hãy bắt đầu ngay bằng việc loại bỏ những dấu ấn của sản phẩm ra khỏi những vật chứa đựng trong nhà bạn. Đây là điều tối quan trọng, giống như việc bạn bỏ nhãn mác ra khỏi trang phục mới để chào đón chúng trở thành vật sở hữu cá nhân của bạn. Xé bỏ phim in bọc những thứ mà bạn không muốn thấy, chẳng hạn chất khử mùi phòng và chất tẩy. Những không gian khuất tầm mắt vẫn là một phần của ngôi nhà. Bằng cách loại bỏ những thông tin tiếp cận trực tiếp với thị giác mà không đem lại niềm vui, bạn có thể khiến không gian của mình trở nên yên bình và dễ chịu hơn nhiều. Sự khác biệt mà điều này tạo ra sẽ khiến bạn kinh ngạc, vì vậy sẽ thật là lãng phí nếu không thử làm nó.

Một trong những bổn phận ở nhà mà tôi giao cho các khách hàng của mình đó là cần biết ơn những vật mà họ sở hữu. Ví dụ, tôi thúc giục họ thử nói: “Cảm ơn bạn vì đã giữ ấm cho tôi cả ngày” khi họ treo quần áo lên mắc sau khi trở về nhà. Hoặc, khi họ tháo các phụ kiện trang sức, tôi gợi ý họ hãy nói: “Cảm ơn bạn vì đã làm đẹp cho tôi”, và khi cất túi xách vào tủ, hãy nói: “Nhờ có bạn mà hôm nay tôi đã làm được nhiều việc đến thế.” Hãy bày tỏ sự cảm kích đối với mỗi vật dụng đã hỗ trợ bạn suốt cả ngày. Nếu bạn thấy khó có thể làm việc này hàng ngày, vậy thì ít nhất hãy làm bất cứ khi nào bạn có dịp.

Tôi bắt đầu đối xử với các vật thuộc sở hữu của mình như thể chúng đang sống kể từ khi tôi còn là học sinh trung học. Hồi đó tôi có một chiếc điện thoại di động. Màn hình điện thoại chỉ hiển thị một màu thôi, nhưng tôi yêu thiết kế chắc nịch và màu xanh nhạt của nó. Tôi không phải người nghiền điện thoại, nhưng tôi thích chiếc điện thoại của mình đến mức bất chấp quy định của nhà trường và để nó trong túi áo đồng phục hàng ngày. Mỗi khi có dịp tôi lại lấy nó ra để ngắm nhìn và cười một mình. Công nghệ phát triển và giờ đây ai ai cũng có điện thoại di động màn hình màu. Tôi vẫn kiên trì với chiếc điện thoại lỗi thời của mình đến chừng nào còn có thể, nhưng cuối cùng nó bị xây xước quá nhiều và mòn đi, thế là tôi phải thay nó. Khi có chiếc điện thoại mới, tôi nghĩ ra ý tưởng kiểm tra chiếc điện thoại cũ. Nó là chiếc điện thoại cũ đầu tiên của tôi và tôi thấy khá phấn khích. Sau khi suy nghĩ giây lát, tôi soạn một tin nhắn đơn giản “Cảm ơn bạn vì mọi điều” kèm theo biểu tượng trái tim rồi gửi đến chiếc điện thoại cũ. Chiếc điện thoại cũ của tôi lập tức kêu lên và tôi kiểm tra tin nhắn. Tất nhiên đó chính là dòng chữ mà tôi vừa gửi đi. Tôi nói với chiếc điện thoại cũ:“Tuyệt vời. Bạn đã nhận được tin nhắn của tôi. Tôi thực sự muốn cảm ơn bạn vì tất cả những điều bạn đã làm.” Và rồi tôi bấm nút tắt nó đi.

Vài phút sau, tôi mở chiếc điện thoại cũ và ngạc nhiên khi thấy màn hình trống rỗng. Dù tôi bấm nút gì đi nữa, màn hình cũng không có phản ứng nào. Chiếc điện thoại của tôi, chưa từng hỏng bao giờ kể từ ngày đầu tiên tôi có nó, nay đã chết sau khi nhận được tin nhắn của tôi. Nó không bao giờ hoạt động trở lại nữa cứ như thể nó nhận ra rằng sau khi công việc đã hoàn thành, nó có thể rời khỏi vị trí. Tất nhiên, tôi biết vài người thấy khó mà tin được là những vật vô tri lại có thể phản ứng trước cảm xúc của con người, và có lẽ họ sẽ cho rằng thực ra chuyện này chỉ ngẫu nhiên thôi. Thế nhưng, chúng ta thường nghe chuyện các vận động viên chăm sóc yêu thương những dụng cụ thể thao của họ, đối xử với chúng như thể chúng là những linh vật. Tôi nghĩ là họ đã ý thức được sức mạnh của những đồ vật ấy. Nếu chúng ta đối xử với tất cả mọi thứ mà chúng ta dùng trong cuộc sống hàng ngày, cho dù đó là chiếc máy vi tính, túi xách hoặc bút máy hay bút chì, như cách các vận động viên dành cho dụng cụ của họ, thì chúng ta có thể gia tăng đáng kể số “người trợ giúp” gắn bó với cuộc sống của mình. Bởi lẽ, sở hữu là một phần bản chất trong đời sống hàng ngày của chúng ta, chứ không phải một thứ gì đó chỉ dành cho những trận thi đấu hay cuộc thi.

Thậm chí nếu chúng ta vẫn chưa ý thức được về chuyện này thì các vật sở hữu vẫn sẽ làm việc chăm chỉ vì chúng ta, thực hiện vai trò của chúng hàng ngày để hỗ trợ cho cuộc sống của chúng ta. Cũng giống như việc chúng ta muốn trở về nhà và thư giãn sau một ngày làm việc, các vật dụng của chúng ta cũng sẽ thở phào nhẹ nhõm khi chúng trở về nơi cất giữ. Bạn có bao giờ nghĩ về việc không muốn có một nơi chốn ổn định hay không? Cuộc sống của chúng ta khi đó sẽ rất bất ổn. Điều này hoàn toàn chính xác vì chúng ta có một ngôi nhà để về, từ đây chúng ta có thể đi làm, đi mua sắm hoặc giao tiếp với người khác. Điều tương tự cũng đúng với những vật dụng của chúng ta. Điều quan trọng với chúng là có được sự đảm bảo tương tự về việc có một nơi chốn để chúng trở về. Bạn có thể nói với chúng về sự khác biệt này. Những vật sở hữu có một chỗ mà chúng thuộc về và chúng được trở về đó mỗi ngày để nghỉ ngơi.

Ngay khi các khách hàng của tôi học được cách đối xử trân trọng với trang phục của mình, họ luôn nói với tôi: “Quần áo của tôi bền hơn. Áo len của tôi không còn dễ bị tuột sợi, và tôi không cần phải móc lại áo nhiều như trước nữa.” Điều này gợi ý rằng việc chăm sóc các vật sở hữu của bạn là cách tốt nhất để khích lệ chúng hỗ trợ bạn, người chủ của chúng. Khi bạn đối xử tốt với vật dụng của mình, chúng sẽ luôn đáp lại nồng hậu. Vì lí do này, mỗi khi có dịp tôi lại yêu cầu bản thân dành thời gian với nơi cất giữ vật dụng và khiến chúng vui vẻ. Rốt cuộc, việc cất giữ là một hành động chọn lựa thiêng liêng mà ngôi nhà dành cho những vật dụng của bạn.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN