Núi Rộng Sông Dài - Phần 11
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
1095


Núi Rộng Sông Dài


Phần 11


Có mặt Uyên ở đây thì tôi đã ngờ ngợ rồi, không ngờ cô ta đúng là rảnh rỗi không có việc gì làm nên thích chọc phá người khác, dẫn cả mẹ của Duy đến đây dằn mặt tôi.
Mỗi tội, tôi với Duy thực sự vẫn chưa có gì nên cũng không lo lắng gì cả, tôi vẫn lịch sự nói:
– Vâng. Ở bên kia có quán café, hay là cô với cháu ra đó nói chuyện cho dễ được không ạ?
– Ừ, thế cô dẫn đường đi.
Ngay bên cạnh đài truyền hình có một quán café, tôi với mẹ Duy cùng Uyên ra đó, gọi xong mấy cốc nước, phục vụ vừa đi thì bà ấy đã nói thẳng:
– Nghe nói cô với Duy nhà tôi đang yêu nhau phải không?
– Không ạ, bọn cháu chỉ là bạn. Không phải là người yêu cô ạ.
– Nếu không phải là người yêu sao thằng Duy đi từ Hà Tĩnh về không ghé qua nhà mà phải vội vàng đi gặp cô? Nghe nói lúc trước nó còn làm ở đây, nó cũng thường xuyên đến bệnh viện chăm sóc cô phải không?
– À… vâng.
Tôi kể lại tình huống tôi và Duy quen nhau, cũng nói rõ ràng chuyện anh ấy chăm sóc tôi là vì áy náy chuyện cánh tay tôi, sau đó lại nói hôm Duy từ Hà Tĩnh về là đi ăn với hai người bọn tôi vì đã hẹn trước, không phải anh ấy đi ăn với mỗi tôi.
Mẹ của Duy nghe xong mới nói:
– Còn bình giữ nhiệt cô tặng nó thì sao? Con trai tôi trước giờ chưa bao giờ khoe khoang có bạn gái trên mạng xã hội, giờ chính nó thừa nhận cô là bạn gái nó với tất cả mọi người. Giữa cô với nó là quan hệ gì, mọi người xung quanh đều biết, tôi cũng biết, cô còn chối làm gì?
Uyên ngồi bên cạnh cũng hóng hớt chen vào:
– Cô ta quen miệng nói dối rồi đấy cô ạ. Lúc trước cháu còn bắt được cô ta đến Trường Thịnh định ăn trộm nữa.
Nhắc đến lần đó tôi vẫn còn sôi m.áu, nếu không có người lớn ngồi đây chắc tôi đã cho cô ta một trận rồi. Nhưng vì mẹ Duy nên tôi nhịn:
– Cháu không ăn trộm. Còn chuyện mọi người nghĩ bọn cháu yêu nhau chắc chỉ là anh Duy đùa làm mọi người hiểu nhầm thôi ạ. Giữa cháu với anh ấy chỉ là bạn bè, quý nhau nên mới thân nhau. Nếu cô không tin thì cô có thể hỏi trực tiếp anh Duy ạ.
– Tôi hỏi thì nó cũng sẽ bảo vệ cô thôi. Thế nên hôm nay tôi mới đến đây để hỏi cô. Nhưng cô không thật thà thì cũng được, chủ yếu là tôi muốn nói với cô mấy lời.
Mẹ của Duy không hề nói bằng ngữ điệu chanh chua hay gay gắt, nhưng đã tìm đến tận đây chắc hẳn không chỉ là đến hỏi thăm chuyện yêu đương. Mà đúng thật, sau đó, bà ấy nói:
– Tôi cũng có quen mấy người ở đài truyền hình, gia cảnh của cô thế nào, cô bị bệnh ra sao tôi cũng đã nghe rồi. Thật sự lúc biết được thì tôi cũng cảm thấy cô đáng thương, nếu không phải cô quen thằng Duy nhà tôi, có khi tôi cũng quyên góp cho cô ít tiền để chữa bệnh nữa kia.
Tôi lắc đầu:
– Không cần đâu ạ.
– Ừ. Tất nhiên là khi biết Duy với cô quen nhau, tôi đã bỏ ý định đó rồi. Là người ngoài thì có thể thương cảm, nhưng đối với một người mẹ như tôi, dù thương hại cô đến mấy thì tôi cũng không thể chấp nhận cô làm con dâu nhà mình được. Tôi chỉ có hai đứa con trai, thằng Duy vừa là út, vừa làm công việc mà tôi không thích.
Bà ấy uống một ngụm trà, đặt xuống bàn xong mới nói:
– Nhưng đó là công việc mà nó chọn thì tôi không cản được. Đến giờ tôi chỉ mong hai đứa con tôi được sống vui vẻ khỏe mạnh, một thời gian nữa thì lấy vợ sinh con, cứ sống thoải mái là được rồi. Nhưng cô biết đấy, nếu thằng Duy lấy một người vợ bị u.ng th.ư, mà còn là u.ng th.ư cổ tử cung, thì một là việc sinh đẻ của cô sẽ khó khăn, điều thứ hai nói ra cô cũng đừng buồn. Biết cô sống được đến khi nào đâu, lỡ đứt gánh giữa đường thì con tôi phải làm sao? Cô bảo có đúng không?
Những lời này, tôi đã nghĩ đến từ lâu, cũng bởi vì chẳng biết mình có mang lại được hạnh phúc cho ai không nên tôi mới hết lần này đến lần khác từ chối Duy. Giờ mẹ anh ấy nói như vậy tôi cũng cảm thấy đúng, chỉ là lòng cảm thấy rất tổn thương mà thôi.
Tôi gượng gạo cười bảo:
– Vâng, cô nói đúng ạ.
– Ừ. Thế nên hôm nay tôi đến tìm cô không phải là để trách móc gì cô cả. Chỉ là đứng trên phương diện của người làm mẹ, tôi chỉ muốn tất cả những gì tốt nhất cho con tôi thôi. Tôi biết Duy nó có tình cảm với cô nhưng cô với nó thật sự không hợp nhau đâu.
– Vâng, cháu biết ạ. Lúc trước chưa gặp cô, cháu cũng nghĩ cháu với anh ấy không hợp nhau. Nếu đổi lại là cháu, cháu cũng không muốn con mình yêu một người bệnh tật như thế đâu ạ.
– Ừ, cũng không nói trước được. Biết đâu sau này cô lại gặp được một người cùng hoàn cảnh, hoặc là phù hợp với cô. Còn giờ chuyện với thằng Duy thì thôi, mỗi người đi một hướng, chia tay sớm đi, không sau này lún sâu vào rồi thì khó lắm, đến lúc đó người đau khổ thì vẫn là phụ nữ thôi.
– Vâng.
Thấy tôi cứ vâng mãi, Uyên bắt đầu cau có, tìm cớ gây sự với tôi:
– Cô vâng vâng cái gì, bảo cô cắt đứt mà cô chỉ vâng thôi à? Phải thể hiện đi chứ. Lấy điện thoại ra nhắn tin bảo chia tay anh Duy trước mặt mẹ anh ấy đi. Chứ cô cứ vâng xong rồi để đấy thì hóa ra cô lừa mẹ anh ấy à?
Tôi định nói “Đó là việc của tôi”, nhưng mẹ Duy cũng hùa vào bảo:
– Tôi cũng muốn cô sớm cắt đứt với Duy nhà tôi, cô làm được không?
– Có thể nói cô không tin, nhưng bọn cháu đúng là bạn bè thật ạ. Bảo nhắn tin chia tay thì không hợp lý lắm. Còn cắt đứt từ cũng phải từ từ cô ạ. Tự nhiên cháu ngắt hẳn liên lạc, anh Duy sẽ thắc mắc. Lâu nay cháu cũng ít liên lạc với anh ấy rồi, chắc một thời gian ngắn nữa anh ấy cũng tự động ngừng liên lạc với cháu thôi ạ.
Khi nói xong câu này, mẹ Duy nhìn tôi rất lâu, ánh mắt vừa không tin, vừa dò xét xem tôi đang toan tính gì. Uyên vừa định chọc ngoáy thì bà ấy đã giơ tay cản lại, sau đó mới bảo tôi:
– Ừ, thì tùy cô thôi. Tôi cũng hy vọng là trong thời gian ngắn cô làm được như lời cô vừa nói. Còn nếu cô không làm được mà vẫn qua lại với Duy thì tôi sẽ có biện pháp khác. Hôm nay tôi đã tìm đến đây là tôi đã rất có thiện chí và rất chân thành với cô rồi. Nếu cô không coi lời tôi nói ra gì thì cô cũng đừng trách tôi, đừng nghĩ tôi không làm gì được cô, tôi còn làm được nhiều hơn cô tưởng đấy, cô hiểu không?
– Cô không cần phải nói những lời ấy đâu ạ. Cháu nghèo nhưng cháu cũng có tự trọng cô ạ, cháu đã nói sẽ cắt đứt với anh ấy thì cháu sẽ làm. Cô đừng lo.
– Được, coi như lần này tôi tin cô.
Nói xong, mẹ Duy lấy ra một xấp tiền dày toàn 500k đặt lên bàn, đẩy về phía tôi:
– Cái này coi như là tôi hỗ trợ cho cô chữa bệnh, cô cầm lấy rồi từ giờ cắt đứt với thằng Duy đi.
– Cháu không nhận đâu ạ.
Uyên bĩu môi bảo tôi:
– Sao? Chê ít à? Muốn vòi vĩnh thêm phải không?
– Người khác đang nói chuyện thì cô đừng chen ngang vào. Với cả cô cũng đừng bịa chuyện vu oan cho người khác, tôi không ăn cắp ăn trộm gì của ai, cũng không vòi vĩnh gì, cô đừng tự cho mình cái quyền thích nói gì thì nói.
– Cô…
Tôi không thèm nghe cô ta nói hết câu đã đứng dậy:
– Cháu còn có việc, ban nãy chạy ra đây cũng chưa xin phép cấp trên nên giờ phải quay lại đây cô ạ. Cháu đi trước cô nhé. Cháu chào cô ạ.
– Không nhận tiền, thế cô muốn gì?
– Cháu không muốn gì cả, chỉ cần được người khác tôn trọng thôi. Nhưng chắc là sau này không có dịp gặp lại cô nữa nên không sao cả đâu ạ. Cháu chào cô.
Nói rồi, tôi vẫn lịch sự cúi đầu chào mẹ Duy một cái rồi mới quay người rời khỏi đó, khi ra đến cửa còn nghe giọng Uyên choe chóe vang lên: “Cô, để nó đi như thế à? Nó nói không tin được đâu, nó vẫn còn bám lấy anh Duy đấy”.
Sau đó thì mẹ Duy nói gì đó, tôi chỉ nghe thoáng thoáng được một câu “Để xem đã”, nhưng cũng không rõ bà ấy để xem là xem gì, xem tôi có thật sự cắt đứt với Duy không hay là xem phải dằn mặt sao với tôi.
Nhưng dù bà ấy có làm gì thì tôi cũng chỉ như vậy thôi, tôi không có ý định bám lấy Duy, vả lại mới vừa quen biết một thời gian ngắn mà hết anh trai rồi đến mẹ anh ấy tới tìm tôi như vậy, tôi thấy phiền lắm, cảm thấy lòng tự trọng ít ỏi còn lại của mình như bị người ta dẫm nát dưới chân vậy.
Tôi cảm thấy bọn họ luôn nghĩ ai nghèo thì đều sẽ hèn, cứ nghèo là không có liêm sỉ. Tôi có chứ, rõ ràng tôi có tự trọng, có liêm sỉ, nhưng có ai thèm nhìn đến đâu?
Sau cuộc gặp mẹ Duy ngày hôm ấy, những ngày tiếp theo tôi né tránh Duy ra mặt. Anh ấy gọi video call tôi bận không nghe, nhắn tin thì tôi ít khi trả lời, hoặc có rep thì cũng chỉ nói mấy từ như: Ừ, thế hả, em ăn cơm rồi.
Đỉnh điểm có một lần, Duy hỏi tôi:
– Em làm sao thế? Hay anh làm gì để em giận rồi? Em nói anh sai chỗ nào đi, anh sửa ngay.
– Anh không làm sai gì cả, tại em thấy mệt thôi. Đi làm về mệt lắm, về nhà còn bao nhiêu việc nữa, hết cả sức để nói chuyện rồi.
– Hay anh về thăm em nhé?
– Không cần đâu. Mà thôi, bạn em mua đồ đến rồi, em ăn cơm với bạn em đã. Anh ăn cơm đi.
– Linh đến hả em?
– Không, bạn em, bạn từ hồi cấp 3 mãi giờ mới gặp lại ấy mà.
– Con trai hả em?
– Vâng.
Nói tới đây, tôi còn làm ra vẻ vội vàng muốn gặp bạn nên cúp máy ngang. Duy cũng không gọi lại nữa, nhưng tôi biết anh ấy rất buồn, có lẽ cũng rất thất vọng về tôi.
Mà thực ra tôi có bạn bè nam giới nào đâu, chỉ là tôi muốn bịa ra lý do để cắt đứt với nhau dễ dàng hơn thôi, nhưng tôi không ngờ rằng hơn một tuần sau đó lại nhận được điện thoại từ một số lạ, tôi tưởng là điện thoại công việc nên nghe máy:
– Alo.
– Chị Mai à?
– Vâng, ai đấy ạ?
– Em là Khánh, em cùng đội với anh Duy, chị có nhớ em không? Lần trước em gặp chị ở bệnh viện một lần rồi ấy.
– À… tôi nhớ rồi. Sao thế Khánh?
– Chị ơi, anh Duy bị thương, bỏng hết hai chân rồi. Anh ấy đang nằm ở bệnh viện huyện XXX, anh ấy không cho nói với người nhà, sợ mẹ anh ấy lo lắng, nhưng em thấy anh ấy cứ nằm một mình thương lắm. Mấy lần em thấy anh ấy cầm điện thoại định nhắn tin cho chị nhưng sau rồi lại xóa đi. Chắc hai anh chị đang giận nhau hả? Giận nhau thì giận nhau, nhưng chị đến thăm anh ấy được không?
Tôi rất quý Duy, coi Duy là một người bạn vô cùng tốt, giờ anh ấy bị thương thế, bảo không lo thì là nói dối. Nghĩ đến chuyện trước kia Duy đã chăm sóc tôi khi tôi vật vã nằm một mình trong viện, tôi không làm ngơ được, thế nên đành tạm gác chuyện mẹ anh ấy sang một bên, vội vàng soạn đồ đến huyện XXX ngay trong đêm.
Có điều, lúc tôi vừa ra đến cổng thì lại thấy một chiếc xe quen quen đã đậu sẵn ngoài ngõ. Người trong xe có lẽ cũng nhìn thấy tôi, anh ta hạ kính xuống, nói:
– Lên xe đi.
– Ơ… Sao anh lại đến đây.
– Đoán cô cũng muốn đến thăm nó.
Thì ra Giang cũng được thông báo, tiện đi cùng đường nên tôi không từ chối, vội vàng lại mở cửa xe ngồi lên. Lúc thắt dây an toàn, tôi mới hỏi:
– Anh định lái xe vào hay đi máy bay vào?
– Huyện đó là huyện nhỏ, có bay vào Vinh cũng vẫn phải đi đường bộ 100km nữa mới đến. Lái xe vào đó luôn cho tiện.
– À vâng.
– Cô muốn đi máy bay thì tôi chở cô ra sân bay.
– Không cần đâu, tôi ngồi xe với anh. Hai người đi đường đỡ buồn ngủ hơn.
Anh ta liếc tôi một cái, cũng không nói gì mà chỉ nổ máy xe rồi lái đi. Lúc này, tôi xem google maps mới thấy từ Hà Nội vào đến huyện XXX của Hà Tĩnh là gần 400km, lái xe đi đường đêm mà còn xa như vậy chắc chắn sẽ mệt. Nhưng một giám đốc tiền nhiều như nước là anh ta, tại sao không bảo lái xe chở đi nhỉ?
Để anh ta lái xe đỡ buồn ngủ, tôi đành kiếm cớ nói chuyện:
– Hôm trước anh bị ngộ độc, giờ đã đỡ chưa?
– Khỏi rồi.
– Bao nhiêu ngày thì được ra viện?
– Hôm đó ra viện luôn.
Giang ngoặt tay lái vào một con đường khác, hỏi ngược lại tôi:
– Bản tin của cô hôm đó cứ quay tôi suốt làm gì?
– Để chọc tức mấy ông già kia đấy.
Tôi kể lại cho anh ta nghe chuyện hai lão giám đốc đó không muốn Trường Thịnh làm truyền thông miễn phí, một doanh nghiệp non trẻ được trả lời Phó thủ tướng và lên thời sự như vậy, khỏi phải nói sẽ tạo dựng được hình ảnh tốt thế nào trong lòng mọi người.
Giang nghe xong mới khẽ cau mày:
– Không sợ bị bọn họ trả thù à?
– Không. Lúc gặp lại ngoài sảnh anh có nhận tôi là bạn gái anh rồi còn gì? Bạn gái làm đài truyền hình, làm bản tin ưu ái cho người yêu được lên sóng nhiều hơn là chuyện bình thường mà. Hai lão ấy chắc không nghi ngờ gì đâu.
Anh ta bật cười:
– Lòng dạ thâm sâu thật.
Một mũi tên trúng hai đích, vừa dọa cho hai gã đó một trận xanh mặt, vừa khiến bọn họ không nghi ngờ. Ý anh ta chắc bảo tôi vậy.
Tôi sờ sờ mũi, nói:
– Tôi giúp anh đấy, anh vẫn chưa trả công cho tôi đâu.
– Cô muốn trả công gì?
– Đi chuyến xe này này. Anh lái miễn phí, tốn xăng tốn dầu miễn phí, chở tôi đến chỗ anh Duy an toàn là được.
– Thế thì cũng không cần phải thức nhìn tôi lái xe đâu. Ngủ đi.
Anh ta đúng là tinh, không cần nhìn cũng biết tôi đã buồn ngủ ríu mắt, nhưng vẫn cố thức để nhìn anh ta lái xe. Tôi cũng muốn nằm ngủ một giấc, nhưng vẫn hỏi:
– Một mình anh lái được không?
– Bình thường hay lái đường dài, quen rồi.
– Sao không gọi lái xe lái giúp? Lái đường dài mệt lắm.
– Khi nào có việc thì mới gọi lái xe. Không thì tự lái, tôi thích cảm giác ngồi sau vô lăng.
– Anh từng đua xe à?
Giang quay đầu nhìn tôi, ánh mắt thoáng qua vẻ ngạc nhiên:
– Sao nói thế?
– Người thích cảm giác ngồi sau vô lăng thường là người thích cảm giác mạnh. Với cả tôi thấy xe anh đi toàn xe thể thao nên đoán thế. Giống như xe lần trước anh đi ấy, không phải ai cũng lái được đâu.
– Cô biết lái xe không?
Tôi nhìn dòng xe cộ thưa thớt đầy ánh đỏ trước mặt, bình thản đáp:
– Tôi nghèo thế này lấy đâu ra xe mà biết lái? Tôi chỉ hay ngồi nhìn người khác lái xe thôi.
– Từng ngồi sau xe thể thao rồi à?
– Ừ. Năm ngoái mới bắt đầu đi làm, đài phân cho làm lĩnh vực thể thao. Đợt đó sắp có giải đua F1 ở sân Mỹ Đình ấy. Tôi đến lấy tin, xong có một anh bảo tôi lên thử để anh ấy chở đi một vòng. Đi có 60km/h thôi nhưng vào cua nhiều quá nên lúc dừng lại thì tôi nôn ra mật xanh mật vàng rồi. Lúc đấy sợ, thề không bao giờ dám ngồi xe đua nữa, may mà sau đó được phân sang làm mảng kinh doanh.
Giang quay đầu đi, khẽ cong môi cười:
– Đúng là đồ sợ c.hế.t.
– Anh không sợ c.hế.t à?
– C/hế.t có gì mà phải sợ?
– C.hế.t không đáng sợ, chủ yếu là sợ người thân đau lòng. Tôi cũng có một đứa em trai, cũng như anh có em trai là anh Duy ấy. Lúc biết bị bệnh, chỉ sợ c.hế.t rồi nó sẽ đau lòng thôi.
– Cô không những sợ c.hế.t, còn ngu ngốc nữa.
Tôi lườm anh ta, trong lòng thầm mắng anh ta là đồ ăn nói không thèm nể nang người khác, nhưng câu tiếp theo của Giang lại khiến tôi sững sờ:
– Bản thân mình mới là quan trọng nhất, người thân đau lòng vài năm rồi sẽ thôi. Thế nên c.hế.t không đáng sợ, chủ yếu còn sống được ngày nào thì sống cho tốt vào.
Sau đó, trong đầu tôi lại vang lên lời nói của người đàn ông trên cầu khi trước, anh ta nói: “Được ông trời nhìn đến hay sống bao lâu không quan trọng, ngày mai c.hế.t cũng được, nhưng đằng nào cũng c.hế.t thì ngày hôm nay phải sống cho tốt vào. Không thay đổi được kết quả thì quan tâm đến việc thỏa mãn người khác làm gì? Đối xử tốt với bản thân đến phút cuối cùng thì kiếp sau hãy tính đến chuyện đầu thai”.
Tôi tròn xoe mắt nhìn anh ta, nhìn rất lâu mới nghe Giang nói:
– Nhìn tôi như thế làm gì?
– Tự nhiên tôi có cảm giác anh rất quen.
– Cô hoa mắt rồi đấy. Nhắm mắt ngủ đi.
Nói là nói thế nhưng trong lòng tôi vẫn cứ cảm thấy lấn cấn, tôi ngờ ngợ về anh ta, nhưng ngẫm lại, người đàn ông trên cầu hôm đó không say như tôi, nếu đó là Giang thì anh ta hẳn phải nhận ra tôi rồi, đằng này anh ta không hề đả động gì đến, khi Duy nói đang quen tôi cũng không hề ngăn cản. Thế thì có lẽ không phải đâu.
Sao có thể cùng một người mà tôi tình cờ gặp tận 3 lần được chứ?
Sau đó, tôi cũng chẳng rõ mình đã ngủ thiếp đi từ khi nào. Chỉ biết lúc tỉnh dậy thì trời đã sáng, xe cũng bắt đầu đi vào một con đường vừa nhỏ vừa um tùm cây cối.
Tôi dụi mắt, nhìn quanh một lượt rồi hỏi Giang:
– Anh đi đến đâu rồi thế?
– Sắp vào huyện XXX rồi.
Nói đến đây, hình như anh ta cũng đoán được tôi sợ anh ta đưa mình đi bán nên tốt bụng nói thêm:
– Huyện XXX là huyện nhỏ giáp biên, ở đây xa thành phố nên đường chỉ nhỏ thế này thôi.
– Chỗ này cách Lào bao xa thế?
– Khoảng 15, 16km gì đó.
– Nếu tôi với anh qua đó chắc cũng tính là được đi nước ngoài nhỉ?
– Cô phóng viên chưa được đi nước ngoài bao giờ à?
– Chưa. Ước mơ của tôi là sau này được làm phóng viên thường trú ở Nga. Như chị Nhật Linh ấy.
– Sao lại thích sang đó?
– Vì chi phí sinh hoạt ở Nga rẻ hơn nước khác. Sang đó tiết kiệm được tiền lương, còn được thêm một khoản phụ cấp vì ở đất nước có thời tiết khắc nghiệt nữa.
Giang không trả lời nữa, tôi liếc nhìn anh ta cũng thấy qua một đêm lái xe, sắc mặt anh ta cũng có ít nhiều vẻ mệt mỏi. Thế nên tôi bảo:
– Lái xe nhiều anh mệt không? Có cần nghỉ một lúc rồi đi tiếp không?
– Không cần đâu, khoảng 40km nữa là đến rồi.
Tôi cứ nghĩ 40km thì đi khoảng một tiếng là tới, nhưng càng vào sâu trong huyện lẻ kia thì đường càng xấu, ổ gà ổ voi xóc liên tục, có những đoạn còn lầy đến nỗi tưởng không thể qua được, nhưng Giang lái xe rất giỏi, chỉ chốc lát sau đã đi qua.
Chật vật gần 2 tiếng đồng hồ mới đến được bệnh viện huyện. Lúc chúng tôi đến, chỉ thấy Khánh đang cầm phích nước chuẩn bị đi mua nước, Duy thì nằm trên giường bệnh, hai chân anh ấy bị băng trắng xóa.
Nhìn thấy chúng tôi, Duy ngạc nhiên đến không tin được:
– Sao… sao hai người lại đến đây?
Giang đi về phía anh ấy, bộ dạng không có vẻ sốt sắng, vẫn bình tĩnh như thường, nhưng chỉ có tôi hiểu anh ta nhận được tin em bị thương đã vội vàng lái xe mười mấy tiếng đến đây:
– Bị thương sao không nói?
– À… em bị thương nhẹ ấy mà. Anh xem, bệnh viện tuyến huyện có chuyển em đi tỉnh đâu. Họ bảo nhẹ, chữa được, nằm điều trị mấy hôm là khỏi thôi.
– Bỏng độ bao nhiêu?
– Độ 2 anh ạ.
Nói tới đây, Duy mới nhìn sang tôi, đã đến đây rồi thì tôi cũng không tỏ vẻ xa cách nữa, tôi bảo:
– Anh thế nào rồi? Có đau lắm không?
– Không đau đâu. Em đi cùng với anh Giang đến đây à?
– Vâng. Tối qua nhận được tin anh bị thương thì em với anh ấy đi luôn.
– Đường xa như thế hai người đến làm gì? Đi xe có mệt không?
– Không mệt lắm, còn khỏe hơn anh nhiều. Bác sĩ bảo nằm điều trị ở đây được hả anh? Có cần lên tuyến cao hơn điều trị cho yên tâm không?
Trong lúc chúng tôi nói chuyện thì Giang với Khánh đi ra ngoài. Mà thực ra bọn tôi cũng không nói gì nhiều, chỉ hỏi thăm sức khỏe rồi nói mấy câu về công việc của tôi thời gian này thôi. Hình như Duy cũng tự ái nên bảo:
– Em đến thăm anh, anh vui lắm. Nhưng ở Hà Nội còn việc nữa, em cứ ở đây nghỉ ngơi hết hôm nay đi, rồi mai anh bảo anh Giang đưa em về.
– Em xin nghỉ phép từ đây đến hết tuần rồi. Ở lại mấy hôm chăm anh. Trước em bị ốm anh cũng chăm em mà, giờ em phải chăm lại chứ?
– Không cần đâu, em đừng rạch ròi như thế. Không cần phải trả ơn anh gì cả.
Tôi cười, kéo ghế ngồi xuống bên cạnh giường của anh ấy, bảo:
– Không phải trả ơn đâu, tự em muốn thế đấy chứ.
– Mai…
– Mình vẫn là bạn bè mà. Em coi anh là bạn, bạn tốt nhất trên đời của em đấy. Thế nên anh ốm em phải chăm, bạn bè sao hoạn nạn bỏ nhau được.
Duy không nói nữa, chỉ lẳng lặng nhìn tôi, nhìn rất lâu, tôi cũng đáp lại anh ấy bằng một ánh mắt chân thành. Cuối cùng, có lẽ vì anh ấy là một người tử tế, ôn hòa và hiền lành, cho nên cũng không nỡ đuổi tôi về, còn bảo:
– Ừ, cảm ơn em.
– Anh có cần em đẩy xe lăn ra ngoài hóng gió không?
– Cũng được.
Thực ra chỉ có bắp chân anh ấy bị thương, từ đùi trở nên thì lành lặn bình thường nên Duy vẫn tự ngồi xuống xe lăn được. Tôi đẩy anh ấy ra ngoài sân hóng gió, ở huyện lẻ giáp biên này xung quanh toàn là cây cối, không khí trong lành, ánh mặt trời chói chang rọi xuống, cảnh vật rất đỗi bình yên.
Chúng tôi không giận nhau nữa, vừa hóng gió vừa nói chuyện, lúc sau khi qua một ngã rẽ lại tình cờ thấy Giang đang đứng dựa tường hút thuốc. Anh ta nhìn thấy chúng tôi, cũng chỉ nhìn thôi, không nói gì cả.
Lúc này, tôi mới chợt nhớ ra chuyện lúc trước Duy kể nên mới hỏi anh ấy:
– Người yêu cũ của anh Giang chắc phải xinh lắm anh nhỉ?
– Ừ. Đẹp lắm, ngày trước chị ấy có đi thi hoa hậu, được giải đấy. Nhưng kiểu không muốn dấn thân vào giới giải trí nên lúc thi chung kết chị ấy không tham gia. Anh nghĩ chị ấy mà tham gia chắc cũng được hoa hậu luôn rồi.
– Thật ạ?
– Ừ. Nhưng anh lại thích nét xinh của em hơn, nhẹ nhàng, tự nhiên. Nhìn một lần là có thiện cảm ngay ấy.
Tôi cười:
– Đừng có động viên em.
– Anh nói thật đấy.
Sau đó, Duy kể cho tôi nghe trước đây Giang với chị người yêu cũ kia yêu nhau gần 5 năm, còn tính đến chuyện cưới. Nhưng gia đình chị ấy sau đó sang nước ngoài định cư, chị ấy muốn Giang đi theo nhưng anh ta từ chối.
Duy nói anh Giang hy sinh vì mẹ và anh ấy rất nhiều, trước cũng có mấy công ty nước ngoài mời Giang về làm việc, nhưng anh ta từ chối hết, một mình đạp sóng vượt gió gây dựng Trường Thịnh, mà quá trình cũng không dễ dàng gì.
Duy bảo:
– Hai người họ chia tay đến giờ là 4 năm rồi đấy, từ đó tới giờ anh chưa thấy anh Giang yêu thêm ai nữa.
– Vâng, tình cảm sâu đậm, không phải nói quên là quên mà. Biết đâu anh Giang vẫn chờ chị ấy quay về.
– Anh cũng nghĩ thế.
Bệnh viện tuyến huyện này rất nhỏ, chắc chỉ hơn trạm xá ở xã một chút. Cả bệnh viện chỉ có ba dãy nhà cấp 4 đã cũ kỹ, phía sau là một ký túc xá cho những người ở lại, tường mọc đầy rêu phong, bệnh nhân không có nhiều, bác sĩ cũng chỉ có hơn 10 người gì đó.
Bởi vì Duy là cảnh sát phòng cháy chữa cháy nên được bệnh viện ưu ái sắp xếp cho một phòng riêng, tôi đến, cũng được giám đốc bệnh viện cho một phòng nhỏ ngay bên cạnh để ở, cơm thì mấy y tá tự nấu ăn, tiện nấu cho cả phần mấy người bọn tôi.
Không khí nơi này buổi chiều còn yên bình hơn cả ban sáng, vì ít người, lại tự nấu nướng và ăn cơm cùng nên có cảm giác nơi này như một gia đình hơi lớn vậy. Ăn uống xong, ngồi uống nước chè với chú giám đốc một lúc rồi tất cả mới tắt điện đi ngủ. Tôi thì gan lì nên không sợ ma mãnh gì cả, nhưng có lẽ lần đầu tiên ngủ một mình một phòng trong viện, lại ở nơi hẻo lánh nên tôi vẫn có cảm giác bất an sao sao đó.
Quay ngang quay dọc mãi mới nặng nề thiếp đi, nhưng nửa đêm đột nhiên nghe “Bộp” một tiếng nên tôi giật mình, vội vàng bật dậy.
Soi đèn Flash điện thoại mới thấy trên sàn nhà có một con rắn hổ mang đang bò lổm nhổm, nó bị ánh sáng thu hút liền ngoác miệng, thè cái lưỡi chẻ đôi về phía tôi.
Khi ấy vì hoảng nên tôi buột miệng kêu một tiếng:
– Mẹ ơi.
Điện thoại trên tay cũng tuột ra, rơi xuống giường. Có lẽ tiếng động kích thích con rắn nên nó đột nhiên nổi đ.iên lao thẳng về phía tôi, mang phồng to, miệng cũng ngoạc ra muốn cắn.
Ở nơi này bị rắn hổ mang cắn thì không biết có mấy phần c.hế.t mấy phần sống, tôi còn đang bị u.ng th.ư. Lúc ấy, tôi đã xác định kiểu gì hôm nay mình cũng c.hế.t rồi, nhưng đúng lúc còn rắn chuẩn bị cắn tôi thì bỗng dưng cửa phòng bật mở.
Một bóng đen lao vào như cơn gió, anh ta gầm lên:
– Ngồi yên.

Yêu thích: 4.5 / 5 từ (17 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN