Núi Rộng Sông Dài - Phần 12
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
703


Núi Rộng Sông Dài


Phần 12


Tiếng quát của Giang làm con rắn kia giật mình lần nữa, nó khựng lại quay đầu nhìn anh ta, tôi cũng ngẩng đầu, nhưng còn chưa kịp thấy gì đã nghe mấy tiếng “Bốp… bốp” của thứ gì đó đập xuống sàn nhà, sau đó là âm thanh rít lên của con rắn.
Ánh đèn tròn ở ngoài hành lang lắc lư theo chiều gió, tia sáng rọi vào phòng nhập nhoạng, lúc sáng lúc tối. Tôi không nhìn rõ được, nhưng sợ Giang bị rắn cắn nên run rẩy nhặt điện thoại lên, soi đèn Flash mới thấy hai tay anh ta đang cầm hai con rắn dài đen ngòm, đầu bọn chúng b.e bé.t má.u.
Quai hàm tôi cứng lại vì sợ:
– Anh… anh có làm sao không?
– Soi đèn khắp phòng tôi xem.
Tôi cuống quít gật đầu, soi đèn Flash khắp phòng một lượt, sau khi xác định không còn con rắn nào trong phòng nữa, Giang mới đi lại bật điện lên. Lúc có ánh sáng rõ hơn, tôi vội vàng nhìn xem anh ta có bị cắn không, nhưng anh ta thì ngược lại, vừa quay đầu thì ánh mắt đã dán chặt vào bắp chân tôi.
Tôi biết anh ta muốn tìm gì nên luống cuống nói:
– Tôi không bị cắn.
– Kiểm tra kỹ chân tay xem. Vết cắn của rắn nhỏ, nhiều khi hoảng nên không xác định được đau chỗ nào.
– Anh cũng kiểm tra người anh đi, xem có bị cắn chỗ nào không.
– Tôi không hoảng như cô. Tự kiểm tra mình đi.
Lật tay áo và ống quần lên cao cũng không thấy có vết cắn nào, cơ thể cũng không thấy đau, tôi kiểm tra kỹ xong mới ngẩng lên nói:
– Không bị cắn chỗ nào cả.
– Ừ.
Anh ta liếc tôi thêm lần nữa rồi mới khom lưng nhặt hai con rắn đen trùi trũi nằm c.hế.t dưới sàn lên. Lúc này bình tĩnh rồi, tôi mới phát hiện ra ban nãy rõ ràng tôi chỉ buột miệng kêu một tiếng rất nhỏ, ngay cả các bác sĩ trực ngay ngoài kia cũng không nghe được, thậm chí cả Duy cũng không nghe, nhưng không hiểu sao Giang lại xông vào cứu tôi kịp lúc như thế.
Chẳng lẽ anh ta không ngủ, cả đêm chỉ lắng nghe tiếng động bên ngoài rồi mới nghe được tiếng kêu của tôi?
Tôi nhìn anh ta một lát mới hỏi:
– Anh bắt được tận 2 con rắn à?
– Rắn này thường đi cả đôi. Một đực một cái. Con vừa rồi định cắn cô là con cái.
– À… vâng. Hình như đây là rắn hổ mang phải không?
– Hổ mang chúa.
Hổ mang chúa, ba chữ này tôi cũng đủ khiến tôi rùng mình. Tôi tròn xoe mắt nhìn hai con rắn kia, trông nó không quá to, nhưng mình dài đen bóng, đầu bị đ.ập n/á.t nhưng mang vẫn phồng lên, mắt trợn to.
Nếu không có anh ta, tôi bị cắn một phát thì có khi xong rồi!
Có điều, dù sợ nhưng để anh ta dọn dẹp x/á.c rắn một mình thì vô duyên quá, thế nên tôi cũng định giúp một tay. Ai ngờ mới thò chân xuống, anh ta đã nói:
– Ngồi yên ở đó đi. Cô không biết, động vào răng nanh nó thì phiền lắm.
– Anh định mang nó đi đâu?
– Bỏ vào bình, mai mang cho người dân trong thôn ngâm rượu.
– Thế thì tôi đi tìm bình cho anh.
Nói rồi, tôi không đợi anh ta đáp đã vội vàng nhảy xuống giường, né xa xá.c rắn rồi chạy như bay đến phòng trực, xin một chiếc bình thủy tinh to.
Chị y tá thấy tôi nửa đêm xin bình thủy tinh mới ngạc nhiên nói:
– Sao lại xin bình thủy tinh thế em? Đựng cái gì à?
– Em đựng rắn ạ.
– Hả? Sao lại có rắn? Rắn vào phòng em à?
– Vâng. Có 2 con rắn hổ mang, nhưng bạn em bắt được rồi. Anh ấy muốn bỏ nó vào bình thủy tinh để đỡ bị người khác dẫm phải ấy ạ.
– À… ừ. Thế có bị nó cắn không? Kiểm tra kỹ người chưa?
– Em kiểm tra kỹ rồi ạ. Không bị cắn chị ạ.
– Ừ, ở đây có huyết thanh kháng độc rắn, nhưng nói chung vẫn nguy hiểm. Phải cẩn thận đấy.
– Vâng.
– Để chị lấy bình cho.
Bệnh viện có các bình thủy tinh để hút dịch, có mấy cái bỏ đi nên chị y tá mới lấy cho tôi. Chị ấy vừa lúi húi tìm vừa nói ở đây có rất nhiều rắn, xung quanh toàn rừng rậm cây cối cả mà, rắn rết nhiều lắm, nhưng bọn họ quen rồi, bình thường cũng bịt kín các lỗ thông gió, không nghĩ hôm nay rắn lại mò vào được tận phòng tôi.
Tôi gãi đầu gãi tai nói:
– Vâng, lúc chiều em cũng thấy chú giám đốc dặn rồi, nhưng nghĩ rắn không vào được nên cũng không để ý đến. Để tý nữa em về phòng kiểm tra lại xem sao.
– Bọn em là người thành phố lên đây mà dám đập cả rắn là giỏi đấy. May nhé, may không ai bị sao, chứ thấy rắn mà không biết xử lý là nguy hiểm lắm.
– Vâng ạ.
– Đây, bình đây, chờ chị cho cái găng tay nữa. Để chị đi cùng về phòng xem.
Lúc hai chúng tôi về đến phòng thì Giang đã dọn xong vết m.á.u của rắn rồi, hai con rắn được anh ta ném thành một đống, để vào trong góc phòng. Tôi đưa cho anh ta chiếc bình, còn chị y tá thì đưa găng tay:
– Anh là người bắt rắn đấy hả? Có bị thương không?
– Không sao, tôi không bị thương.
– Ở đây nhiều rắn thế đấy, anh phải cẩn thận nhé. Có găng tay này, anh đeo vào cho đỡ động phải nọc rắn.
Ban đầu Giang không đeo, nhưng chị y tá cứ nói mãi, cuối cùng anh ta đành phải đi vào rồi bắt hai con rắn bỏ vào trong bình. Lúc xong xuôi, chị y tá kia còn bảo Giang sang phòng tiểu phẫu để chị ấy rửa mấy vết m.áu ở tay cho, nhưng anh ta vẫn kiên quyết từ chối.
Giang chỉ liếc tôi một cái rồi mang bình rắn đi cất, chị y tá cũng lẽo đẽo chạy theo anh ta, loáng một cái căn phòng chỉ còn lại mình tôi.
Tôi sợ rắn lại vào tiếp nên không dám tắt điện, với cả ban nãy hoảng quá nên tỉnh cả ngủ, giờ cũng không ngủ tiếp được nữa, chỉ ngồi thu lu trên giường xem điện thoại.
Lát sau, bỗng nhiên có tiếng cửa mở “cạch” một tiếng khiến tôi giật bắn mình, quay đầu ra thì thấy Giang cầm mấy tấm gỗ và một chiếc búa đi vào. Tôi biết anh ta sẽ không mở miệng trước nên hỏi:
– Anh định làm gì thế?
– Đóng kín lại ô thoáng.
Giang chỉ lên ô thoáng trên cửa sổ, ở đó cũng đã được bịt kín bằng mấy miếng gỗ vụn, nhưng hình như có chỗ bị chuột cắn nên hở mất một đoạn:
– Gỗ ở đó bị chuột cắn rồi, ban nãy rắn chui vào từ chỗ hở đó. Đóng lại thì rắn không vào được nữa.
– À… vâng. Anh kiếm được đinh với búa ở đâu thế?
– Vừa xuống nhà kho tìm được. Ra chỗ khác đứng đi, tôi mượn giường cô một lúc.
– Để tôi kéo cho anh.
Trong phòng không có ghế, chỉ có giường của tôi là có thể đứng được. Tôi định kéo cho Giang đứng đóng đinh cho dễ, nhưng anh ta nhanh tay hơn tôi, khi tôi vừa trèo xuống thì Giang đã kéo giường lại, một mình trèo lên đóng đinh.
Chẳng biết lúc trước một giám đốc công ty chuyên về công nghệ như anh ta đã làm những việc tay chân thế này hay chưa, nhưng lúc đóng đinh, từng động tác của anh ta rất dứt khoát vững vàng, đinh đóng xuống gỗ cũng thẳng tắp một đường, khiến tôi cảm thấy rất ngạc nhiên. Sau đó, tôi cứ như bị thôi miên nên cứ nhìn mãi, nhìn mãi, thấy mấy giọt mồ hôi lấm tấm trên trán người đàn ông kia, không hiểu sao trong lòng còn xuất hiện một cảm giác kỳ lạ chưa từng có.
Tôi nghĩ rất lâu về cảm giác ấy, cuối cùng mới nhận ra rằng từ trước đến nay tôi đã quen với việc gánh vác mọi chuyện một mình, ngay cả bị bệnh sắp ch.ế.t cũng không hé răng nói cho ai biết. Vậy mà bây giờ trong lúc nguy khốn gặp được một người xuất hiện kịp lúc, anh ta chẳng những tay không bắt rắn giúp tôi, nửa đêm còn lúi húi đi tìm dụng cụ sửa lại phòng cho tôi… cho nên mới khiến tôi cảm thấy ấm áp và biết ơn đến thế.
Giống như một ngọn lửa ấm áp sưởi ấm trái tim cô độc của tôi vậy!
Tôi nắm chặt thành giường nhìn anh ta mãi, nhìn đến khi Giang quay đầu lại, thấy tôi cứ ngẩn ra nhìn mới cau mày:
– Nhìn tôi làm gì?
– À… tôi đang nhìn xem anh đóng đinh có đẹp không?
– Mấy cái miếng gỗ này là gỗ thừa, lấy đâu ra đẹp? Xem vớ vẩn.
Bởi vì anh ta giúp tôi nên tôi không chấp, chỉ cười bảo:
– Anh xong chưa?
– Xong rồi. Bịt kín thế này thì tạm thời rắn không vào được nữa đâu.
Giang trèo xuống giường, kê lại cẩn thận cho tôi:
– Muộn rồi, ngủ đi.
– Vâng. Cảm ơn anh nhé.
Anh ta không đáp, chỉ cúi xuống nhặt dụng cụ rồi quay người đi ra cửa. Lúc chuẩn bị đi khỏi, hình như Giang nhớ ra gì đó nên bảo tôi:
– Sợ thì không cần tắt điện cũng được. Rắn sợ ánh sáng, có điện thì nó không vào.
– Phòng bên anh cửa sổ thông gió có kín không?
Thực ra ban nãy đi lấy bình tôi đã nhìn rồi, ở bên đó kín bưng, Duy cũng đang ngủ rất ngon, tôi không cần phải lo gì cả. Nhưng có lẽ vì trong lòng tôi biết ơn, cũng muốn thể hiện sự quan tâm đối với anh ta nên mới hỏi vậy.
Thế nhưng Giang lại nói:
– Khỏi phải lo, phòng bên đó kín hơn phòng cô, rắn không cắn được em trai tôi đâu.
– Vâng.
Sau khi anh ta đi rồi, tôi vẫn để sáng điện như vậy ngủ hết một đêm, mỗi lần thấp thỏm sợ rắn, tôi sẽ mở mắt nhìn lên ô cửa thông gió đã được Giang đóng đinh lại một cách đẹp đẽ kia rồi mới yên tâm chìm vào trong giấc ngủ lần nữa.
Vì ngủ không ngon nên sáng hôm sau tôi dậy muộn, đánh răng rửa mặt xong, sang phòng Duy đã thấy mọi người đang chuẩn bị ăn sáng, Giang thì đang ngồi bên cửa sổ uống cafe.
Duy thấy tôi liền cười tươi:
– Ở đây yên tĩnh ngủ ngon đúng không em?
Anh ấy không biết thì tôi cũng không nhắc đến chuyện đêm qua, chỉ bảo:
– Vâng. Anh dậy lâu chưa? Tối qua ngủ ngon không?
– Anh dậy từ 5h. Chắc là lâu lắm mới được người nhà lên thăm, còn được đi ra sân hóng gió nữa nên tối qua anh ngủ ngon lắm.
– Vâng.
– Lại đây ăn sáng đi em. Có bánh rán này, xôi thịt nữa.
Tôi không thích ăn mấy đồ dầu mỡ, nhưng ở nơi này thì không nên đòi hỏi, thế nên vẫn mỉm cười gật đầu, đi lại gần mở đồ ăn ra để mọi người cùng ăn. Mỗi tội, thấy Giang mãi vẫn không có ý định đả động gì đến đồ ăn sáng, tôi mới nói:
– Anh Giang không ăn à?
– Uống cafe được rồi. Hai người cứ ăn đi.
Tôi định bảo “cafe hại dạ dày”, nhưng cùng lúc này chị y tá tối qua lại mở cửa đi vào, trên tay bưng một khay cháo nóng. Thấy bọn tôi, chị ấy chỉ cười xã giao một cái rồi đi thẳng về phía Giang, bảo anh ta:
– Sáng nay nhà bếp có nấu cháo, em thấy tối qua anh vất vả nên mang đến cho anh một bát. Cháo đỗ xanh hạt sen đấy, anh ăn đi cho nóng.
Anh ta quay đầu lại, liếc nhìn bát cháo một cái rồi lạnh nhạt nói:
– Đây là chế độ ưu đãi đặc biệt của bệnh viện à?
– Không, à mà đúng ạ. Hôm qua anh có nói với chú giám đốc là sẽ tài trợ một số thiết bị máy móc cho bệnh viện, nên hôm nay chú giám đốc bảo bọn em đi chợ sớm xem có gì ngon mang về đãi anh một bữa. Cháo này em ninh từ xương ống tủy bò đấy, xong mới bỏ đỗ xanh hạt sen vào. Ăn bổ lắm, anh ăn thử xem.
– Cảm ơn.
Ban đầu, tôi cứ nghĩ với tính cách của anh ta thì sẽ từ chối, không ngờ Giang lại nhận bát cháo đó, nhưng không ăn mà chỉ đặt xuống bệ cửa sổ. Chị y tá thấy anh ta chịu nhận thì cười tít mắt, dặn đi dặn lại anh ta ăn sớm cho nóng, sau khi nhận được một cái gật đầu từ Giang mới phấn khởi cầm khay đi.
Duy cũng nhìn ra chị y tá kia thích anh trai mình mới trêu:
– Anh sướng nhé, phòng có ba người mà có mỗi anh được bưng cháo đến tận nơi thôi đấy. Bọn em làm gì được ăn cháo, ăn mỗi bánh rán không đây này.
– Muốn ăn cháo không?
– Thôi, người ta thích anh nên mới mang cháo đến, em mà ăn thì lại phí công sức của chị Liên. Chị ấy dậy sớm đi chợ mua xương bò về nấu cho anh mà, anh ăn đi, bọn em ngồi nhìn anh ăn cháo thôi.
Giang hừ lạnh một tiếng, cầm bát cháo đặt trước mặt tôi:
– Không ăn thì cô ăn.
– Ơ… dạ?
Tôi tròn xoe mắt, chẳng hiểu đẩy qua đẩy lại thế nào mà bát cháo lại thuộc về phần tôi rồi:
– Cháo của anh mà. Anh đưa tôi… à đưa em làm gì?
– Không ăn. Duy cũng bảo không ăn. Cô ăn hết đi. Lát nữa y tá kia quay lại lấy bát thì bảo tôi ăn hết rồi.
Nói xong, anh ta không chờ tôi đáp đã cầm cốc cafe đi khỏi, tôi thì ngẩn ra nhìn bát cháo rồi lại nhìn Duy, vừa định mở miệng thì anh ấy đã bật cười:
– Em ăn đi. Anh ấy sợ chị Liên làm phiền nên mới phải nhận cháo ấy mà. Ông ấy không ăn cháo đâu, em ăn hết hộ ông ấy đi.
– Cháo ngon thế này mà sao lại không ăn nhỉ? Em thấy ngon mà.
– Anh Giang ít ăn sáng lắm, chả biết học ai mà sáng nào cũng uống cafe. Mẹ anh bảo cứ uống kiểu đấy có ngày thủng dạ dày mà anh ấy có nghe đâu.
Nhắc đến mẹ của bọn họ, tự nhiên tôi thấy lòng lại nặng nề vô vàn, nhưng ngại Duy biết nên tôi không tỏ thái độ gì cả, chỉ lặng lẽ ăn hết bát cháo, có mấy lần bảo anh ấy ăn cùng tôi, nhưng Duy nói không thích ăn đỗ xanh nên nhường tôi ăn hết.
Ăn xong, tôi cũng không đợi chị Liên đến đòi bát mà mang ra vòi nước ở ký túc xá rửa sạch sẽ, khi ngang qua nhà kho chưa đồ mới thấy Giang đang loay hoay với bình đựng hai con rắn trong đó. Tôi hỏi anh ta làm cách nào mới mang cho người dân trong thôn được, Giang nói tự mình mang đi.
– Anh biết đường vào thôn à?
– Ở đây chỉ có mỗi một con đường mòn, phía bắc là đường tôi với cô đến ngày hôm qua, phía nam chắc là thôn.
– Trước anh có đi bộ đội không, sao bắt rắn cũng biết, đóng đinh cửa sổ cũng biết, đoán phương hướng cũng biết thế?
– Cần gì đi bộ đội mới biết việc ấy?
– Rõ ràng là anh đi bộ đội.
Nghe nói vậy, anh ta mới nhíu mày nhìn tôi, còn tôi thì cười cười, lặng lẽ quan sát khớp ngón tay của anh ta:
– Ngón trỏ có vết chai, chỗ chai đó không phải cầm bút, mà thường là chai do cầm s.ú.ng. Lúc nãy tôi cũng nhìn giường anh rồi, chăn gấp vuông như bánh chưng thế thì chỉ có rèn từ trong quân đội ra thôi.
– Cô nhìn thấy người ta cầm s.ú.ng rồi à?
– Ừ, trước tôi cũng ở miền núi mà. Hồi còn nhỏ thấy nhiều người đi săn thú rừng bằng s.ú.ng săn lắm. Bác tôi có một khẩu s.ú.ng săn, tay cũng có vết chai y hệt tay anh.
Lúc này, Giang mới bật cười:
– Đúng là phóng viên có khác, mắt quan sát tốt đấy.
– Anh định lúc nào mới mang bình rắn vào thôn?
– Bây giờ đi.
– Đợi tôi đi với.
– Không ở đây chăm sóc em tôi à?
– Có Khánh vừa vào rồi, tôi đi với anh một lúc chắc không sao đâu. Với cả tôi cũng muốn đi để có thêm ít tin tức, biết đâu về lại dựng được một bản tin.
Anh ta ôm bình rắn lên, nhìn tôi một lúc rối mới xoay người, nói đúng một chữ:
– Đi.
– Đợi tôi chạy vào bảo anh Duy đã. Anh ra trước cổng trạm xá chờ tôi nhé, tôi chạy vào nhanh thôi, ra ngay giờ đấy.
Giang không nói gì, tôi thì sợ anh ta không đợi nên co giò chạy như bay vào bên trong, lúc tôi nói vào thôn để mang ít đồ cho người dân thì Duy không nghi ngờ gì, còn bảo tôi có anh Giang đi cùng thì yên tâm rồi, vào đó có chỗ nào hay ho thì cứ chơi chán rồi hãy về.
Tôi gật đầu, lấy ít đồ đạc phục vụ cho công việc rồi lại co giò chạy ra ngoài cổng trạm xá, lúc đứng ở sân mới thấy Giang đang ôm bình rắn, mấy chị bác sĩ và y tá quấn lấy anh ta hỏi han gì đó, thỉnh thoảng Giang mới đáp lại một câu.
Khi nghe tiếng bước chân tôi, anh ta quay đầu lại, ánh mặt trời mùa thu nơi biên giới vừa vặn chiếu lên gương mặt góc nghiêng của anh ta, từng đường nét như được tô vẽ lên, góc cạnh, nam tính, chói lọi và sáng sủa.
Tim tôi bất giác đập rộn lên, từ gò má đến vành tai đều nóng bừng. Lần đầu tiên, tôi lúng túng đến mức không dám nhìn thẳng vào mắt anh ta, vội vàng quay đầu đi, nhưng Giang lại gọi:
– Còn đứng đó làm gì? Không nhanh lên thì tôi đi trước đây.
– Tôi đến đây.
Tôi hít vào một hơi thật sâu rồi rảo bước đi đến, chào mấy chị bác sĩ y tá xong mới lẽo đẽo chạy theo sau anh ta. Lúc đi phía sau, nhìn bóng dáng cao ngất ấy, tôi cứ tự lẩm bẩm nói với chính mình rằng vì Giang đẹp trai, mà đứng trước trai đẹp thì ai cũng sẽ hồi hộp như vậy cả thôi, tim tôi loạn nhịp như thế cũng chẳng có gì phải xấu hổ cả.
Nhưng mà có lẽ do tôi mải nghĩ nên không nhìn phía trước, Giang dừng lại từ lúc nào mà tôi không nhận ra, không cẩn thận nên mặt đập bốp vào lưng anh ta.
Tôi nhăn nhó đưa tay lên xoa mũi, chưa kịp hỏi anh ta làm gì thì lại nghe Giang nói:
– Cô khấn gì thế?
– Hả? Khấn gì? Tôi có khấn gì đâu?
– Lẩm bẩm nãy giờ làm gì?
– À…
Tôi ngượng ngập đáp:
– Đang khấn hôm nay đi rừng đừng có gặp rắn nữa. Hoặc có gặp rắn thì gặp con nhỏ thôi, tốt nhất là loại không có độc ấy.
– Khấn cũng vô ích thôi, mang theo hổ mang chúa thì rắn con kiểu gì cũng sẽ đi theo.
– Dạ?
Nghĩ đến sẽ có mấy con rắn khác đi theo hai con rắn trong bình này, lông tóc trên người tôi phút chốc dựng đứng hết cả lên, cảm giác bị rắn cắn hụt đêm qua vẫn còn nguyên khiến mặt mày cũng bắt đầu xanh mét.
Tôi định hỏi anh ta “Vậy phải làm sao?”, nhưng lại phát hiện ra Giang quay đầu đi nơi khác, khoé môi anh ta cong cong, như đang cố nén một ý cười.
Tôi không nghĩ cái gã khô như ngói này biết đùa, mất mấy giây mới lấy lại linh thần, ấm ức nói:
– Anh cười cái gì?
– Cười gì?
– Anh vừa cười đấy còn gì? Anh cười tôi sợ c.hế.t.
– Cô sợ c.hế.t thì liên quan gì đến tôi mà tôi cười?
Thần sắc anh ta thay đổi rất nhanh, chỉ trong chớp mắt đã trở về vẻ lãnh đạm như thường, tôi không cãi được nên lẩm bẩm bảo:
– Còn lâu tôi mới sợ.
Nói xong, tôi còn vượt qua anh ta, đi trước để chứng minh mình không sợ rắn, nhưng số tôi đúng là đen, vừa đi được mấy mét thì lại nghe tiếng sột soạt từ bụi tre bên cạnh.
Tôi như chim sợ cành cong, còn chưa thấy rắn thì đã sợ đến mức chân tay quýnh quáng lên, vội vàng quay đầu định bỏ chạy, nhưng đường ở đây là đường đất rải toàn đá, chân tôi vấp đúng cục đá to, cả người bổ nhào về phía trước, lao đúng về phía Giang đang đi đằng sau tôi.
May sao anh ta phản ứng cũng rất nhanh, một tay ôm bình đựng rắn, tay còn lại dang ra đỡ lấy eo tôi, lúc ấy tôi sợ nên vít anh ta xuống rất mạnh, khi dừng lại được thì khuôn mặt anh ta đã kề sát gương mặt tôi rồi.
Lúc này, trên đầu Giang không còn là ánh nắng rực rỡ mà là những tán cây xanh mướt, gió từ phương bắc thổi tới, đem theo một chiếc lá tre rơi xuống đỉnh đầu anh ta rồi trượt xuống khóe môi tôi.
Vào khoảnh khắc ấy, tôi ngửi thấy mùi thơm nhàn nhạt của gỗ, mùi rực rỡ nồng nàn của nắng mới, mùi vải áo sơ mi được giặt bằng xà phòng, thậm chí ngửi thấy cả một thứ gì đó đang dần dần lên men trong lòng tôi.
Tôi không rõ thứ có nhiều dư vị hỗn tạp ấy được gọi là gì, nhưng tôi chắc chắn nghe được rất rõ ràng rằng: Tim tôi lại đập loạn nhịp lần thứ 2 rồi!

Yêu thích: 4.3 / 5 từ (22 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN