Núi Rộng Sông Dài - Phần 13
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
1216


Núi Rộng Sông Dài


Phần 13


Tôi cứ ngẩn ra nhìn anh ta mãi như vậy cho đến khi có tiếng xe máy từ phía xa đi tới mới giật mình, vội vội vàng vàng đẩy Giang ra rồi đứng thẳng dậy:
– À… xin lỗi. Anh có sao không?
Lần đầu tiên tôi thấy anh ta hơi lúng túng, Giang lùi về phía sau hai bước rồi hắng giọng nói:
– Xem chân cô trước đi.
Nghe thế, tôi cúi xuống mới thấy móng chân mình bị gãy một miếng, hơi đau nhưng không chảy m.áu. Nói chung là vẫn đi được, mỗi tội hơi mất mặt vì vừa rồi còn sĩ diện đòi đi trước, giờ mới thấy bụi tre sột soạt đã vội vàng lao thẳng vào lòng người ta thôi.
Càng nghĩ, hai má tôi càng nóng ran lên, đang loay hoay không biết phải chữa ngượng thế nào thì có một chú nông dân trông thật thà chất phác đi xe máy đến. Chú ấy thấy bọn tôi lạ nên dừng lại hỏi:
– Hai cô cậu này đi đâu đấy?
Giang nói:
– Bọn cháu mang bình rắn này vào trong thôn. Từ chỗ này vào thôn còn xa không chú?
– Còn một đoạn nữa thôi, gần 1km nữa. Rắn này là cô cậu bắt à?
– Vâng.
– Bắt ở đâu?
Anh ta chỉ về phía bệnh viện, nói sơ qua lại việc tối qua bắt hai con rắn này, còn bảo anh ta đã bẻ nọc độc của rắn rồi, bây giờ hai con rắn này giờ vô hại.
Chú kia nghe xong mới nhìn nhìn con rắn trong bình một hồi, thấy răng nanh nó đã bị bẻ gãy mới giảm bớt vẻ đề phòng chúng tôi. Chú ấy nói chúng tôi cứ men theo con đường này, tới ngã 4 sắp tới thì rẽ bên phải, đi qua một đoạn vách núi nữa là đến, còn tốt bụng dặn nên đem đến nhà trưởng thôn. Dân làng ở đây thích uống rượu rắn, nhưng không phải lúc nào cũng tìm được cả đôi rắn hổ mang chúa màu đen quý như thế này, cũng không phải ai cũng biết cách ngâm, bảo bọn tôi cứ mang cho trưởng thôn để ông ấy làm thành thuốc chữa bệnh là tốt nhất.
Tôi gật đầu, nói cảm ơn chú ấy rồi cùng Giang ôm bình rắn đi tiếp, có điều, trong đầu tôi cứ lẩn quẩn mãi việc anh ta tự tay bẻ nọc độc của rắn rồi mới mang đi cho, nên mới hỏi:
– Anh biết bẻ răng nanh của rắn à?
– Dùng kìm bẻ là xong.
– Dễ thế hả? Tôi tưởng bẻ nọc độc của rắn khó lắm chứ.
– Bẻ răng nanh là để lỡ có ai vô tình động vào răng nó, độc còn sót lại trên răng không gây nguy hiểm cho họ. Còn muốn xử lý hết nọc độc thì phải rút toàn bộ tuyến nọc độc của nó.
Mấy chuyện thế này thật ra tôi nghe không hiểu, trước giờ không tìm hiểu về rắn độc nên có biết rút tuyến nọc độc là gì đâu, chỉ nghĩ đơn giản là bẻ răng nanh đi là xong. Đến bây giờ nghe Giang nói vậy mới thấy biết quy trình xử lý phức tạp như vậy.
Không ngờ một người đàn ông thành phố như anh ta lại biết làm, còn không sợ nguy hiểm, loay hoay rút hết nọc độc của rắn rồi mới mang cho.
Trong lòng tôi ít nhiều cảm thấy ngưỡng mộ, nhưng ngại không nói ra, chỉ bảo:
– Anh làm lúc nào thế?
– Từ tối hôm qua.
– Hồi ở bộ đội có học rút nọc độc rắn hả?
Anh ta vẫn ôm bình đựng rắn, thẳng lưng đi về phía trước, gió từ phương nam thổi tới làm tung bay mái tóc ngắn của anh ta:
– Ở trong doanh trại không mấy khi có rắn, nhưng có một đợt dịch lở loét đinh nhọt ở trẻ em, mấy đứa bé nhà gần doanh trại bị hết, mà vùng đó còn nghèo hơn ở đây, không ai có tiền đưa con đi viện cả, thế nên bọn tôi phải đi bắt rắn. Xương thì ngâm rượu cho người già trị phong thấp, da rắn thì sao cháy lên bôi vào chỗ lở loét. Bắt nhiều rắn nên dần dần biết cách rút nọc độc thôi.
– Rắn làm được nhiều bài thuốc đông y lắm phải không?
– Nghe nói vậy.
– Sau đó mấy đứa bé ấy có hết lở loét được không?
– Hết rồi, nhưng ở đó điều kiện sống không như ở thành phố, hết một thời gian rồi sẽ bị lại. Khi nào lớn, không ăn ở bẩn nữa thì tự khắc sẽ hết.
Lần đầu tiên Giang nói với tôi nhiều như vậy, tôi cảm thấy rất lạ lẫm, nhưng cũng rất vui, cảm giác như mối quan hệ của chúng tôi đã tiến thêm một bước rất dài, từ không có thiện cảm thành không ghét nữa vậy.
Tôi gật đầu bảo:
– Anh đi bộ đội mấy năm?
– 2 năm.
– Con trai thành phố cũng chịu đi bộ đội hả?
Anh ta hờ hững đáp:
– Bị gọi thì đi thôi.
Tôi biết anh ta cố tình trả lời thờ ơ như vậy, cũng không thèm vạch trần, bởi vì một người nếu không nghiêm túc với nghĩa vụ của tổ quốc thì sau khi xuất ngũ lâu như thế cũng đã quên việc gấp chăn vuông vức như bánh chưng từ lâu rồi. Giang đã không muốn thừa nhận thì tôi cũng không hỏi nữa, chỉ cười giả vờ tin cho anh ta vui.
Chúng tôi đi thêm một đoạn thì cũng đến thôn làng hẻo lánh ở giáp biên kia, ở đây đúng là rất nghèo, nghèo đến nỗi cả một thôn mà chẳng có được mấy nhà xây bằng tường gạch, hầu như chỉ dựng bằng gỗ và lá tranh đơn sơ, quán hàng cũng chỉ có lác đác mấy vật dụng thiết yếu.
Chúng tôi hỏi thăm thêm một người dân nữa mới tìm được nhà trưởng thôn, mới bước vào sân đã thấy lá thuốc và rễ cây phơi đầy các sạp dài. Mấy con c.hó gầm gừ sủa inh ỏi, tôi không sợ, nhưng người đàn ông kia lại chủ động cầm bình rắn đi lên phía trước, chắn giúp tôi.
Trưởng thôn nghe tiếng chó sủa mới lật đật đi ra, thấy chúng tôi ôm bình rắn mới hỏi:
– Cô cậu đến bán rắn à?
Ông cụ chỉnh lại gọng kính, nhìn rõ rắn hổ mang đen thì kinh ngạc kêu lên:
– Cả cặp rắn hổ mang đen à?
– Bọn cháu không bán, mang đến biếu ông làm thuốc.
Trưởng thôn có vẻ không tin, cứ nhìn nhìn rắn rồi lại nhìn Giang. Tôi sợ ông ấy hiểu nhầm nên mới nói lại lần nữa:
– Ông ơi chúng cháu đến biếu ông để làm thành thuốc ạ. Rắn này hôm qua anh ấy bắt được trong bệnh viện, đã rút hết nọc độc rồi, không biết có dùng làm vị thuốc gì không, nhưng bọn cháu cứ mang đến để ông xem ạ.
– Không bán thật à?
– Vâng, không bán, chỉ biếu thôi ạ.
– Cô cậu vào nhà đi.
Nhà của trưởng thôn được dựng bằng mấy cây cột to, trát bằng vách đất, đồ đạc trong nhà khá đơn sơ, chỉ có một bộ bàn trà bằng trúc và một chiếc giường gỗ. Trưởng thôn bảo cậu con trai pha trà cho chúng tôi, sau đó cứ nhìn đi nhìn lại hai con rắn trong bình:
– Hổ mang chúa đen toàn bộ thế này hiếm lắm, vảy của nó dày thế kia chắc là sống rất lâu rồi. Loại này làm được nhiều loại thuốc quý lắm đây.
– Vâng.
– Mà cô cậu lặn lội từ bệnh viện vào đây chỉ để đưa rắn cho tôi thôi à? Không lấy tiền thật đấy à?
Giang đáp:
– Nếu bắt sống được thì đôi rắn này cháu sẽ thả đi, nhưng hôm qua tình huống khẩn cấp, buộc phải g.iế.t c.hế.t, xá.c rắn giữ lại cũng không để làm gì, mang đến đưa ông làm thuốc còn giúp được nhiều người ạ.
– Cậu thanh niên này… cậu tự rút nọc độc rắn đấy hả?
– Vâng.
– Nọc độc loại này không phải ai cũng rút được đâu, mà cậu một lúc g.iế.t được cả hai con, còn rút được nọc là giỏi đấy. Nhìn cậu không giống người ở đây, cậu ở thành phố lên hả?
– Vâng.
– Thế thì ở lại đây ăn với tôi bữa cơm đi. Mang cả đôi rắn đến đây, không lấy tiền thì để tôi mời bữa cơm cảm ơn chứ. Thôn này trông nghèo thế thôi, chứ gà vịt đãi khách không thiếu đâu. Ở lại ăn với tôi một bữa cơm cho tôi đỡ áy náy.
Nói rồi, ông ta mới liếc sang tôi, bổ sung thêm một câu:
– Với cả cô bạn đi cùng này trông yếu ớt lắm, sẵn tiện đợi tôi bốc cho ít thuốc bổ đã rồi hẵng về.
Con mắt thầy lang rất tinh tường, không cần khám cũng biết tôi có bệnh. Tôi rất cảm kích, nhưng ngược lại cũng hơi ngại nên bảo:
– Cháu không sao đâu ạ, ốm mấy bữa rồi khoẻ giờ ấy mà.
– Bệnh cô nặng đấy, không phải ốm mấy bữa là khoẻ đâu. Nếu tôi đoán không nhầm thì cô vừa mới bị bệnh nặng, thập tử nhất sinh phải không?
– À… vâng ạ.
– Đưa tay đây tôi bắt mạch xem.
Tôi liếc nhìn Giang, thấy anh ta không nói gì mới đưa tay ra để trưởng thôn bắt mạch. Ông ấy đặt hai ngón tay lên cổ tay tôi, im lặng trầm ngâm một hồi, lát sau mới nói:
– Tạm thời đỡ hơn rồi, nhưng nếu không uống thuốc thì sau này sẽ tái lại thôi. Để tôi bốc cho cô một đợt thuốc đông y của tôi, không lấy tiền, hàng ngày cô cứ sắc thuốc uống là được.
– Ông ơi cháu không dám nhận đâu ạ, ông để cháu trả tiền cháu mới dám lấy thuốc.
– Tôi bốc thuốc ở đây chưa lấy tiền ai bao giờ, bốc thuốc là nghề làm phúc, tiền nong gì. Mà hôm nay cô cậu cũng mang cho tôi một đôi rắn đến đây, tôi bốc thuốc miễn phí coi như có đi có lại, cô đừng ngại, cứ nhận đi.
Ông cụ đã nói vậy, tôi không thể không nhận, đành phải cảm ơn rồi lăng xăng đi sửa soạn cơm nước với con trai ông cụ, Giang thì ở trên nhà cùng ông ấy bốc thuốc.
Con trai trưởng thôn năm nay 35 tuổi nhưng vẫn chưa lấy vợ, nhút nhát đến mức ngồi cạnh tôi cả buổi mà không nói năng câu gì. Tôi thấy vậy mới chủ động lên tiếng hỏi:
– Ở chỗ này đi ra huyện thì mất bao xa hả anh?
– À… khoảng… khoảng 20, 21 cây số gì đấy. Bạn muốn đi ra huyện à?
– Không, em hỏi thăm thôi ạ.
Anh ta ngượng ngùng gãi đầu, vành tai đỏ lựng lên, trông vừa đáng thương lại vừa buồn cười. Tôi bỏ thêm một thanh củi vào bếp lửa, nói:
– Anh tên gì?
– Tôi tên Liêm. Còn bạn…
– Em tên Mai. Anh cho em xin một kiểu ảnh nhé.
– Hả? Mai chụp ảnh tôi làm gì thế?
Tôi cười cười, giơ thẻ phóng viên ra, bảo tôi làm ở đài truyền hình, hiếm lắm mới có dịp lên đây nên muốn xin một kiểu ảnh để về làm bản tin về cuộc sống ở nơi biên giới.
Liêm ngại nên tôi phải nói mãi anh ấy mới cho chụp một kiểu, nhưng chỉ cho chụp góc nghiêng. Tôi chụp xong mới lấy ra một thanh kẹo socola, đưa cho Liêm:
– Cái này coi như em trả cát xê chụp ảnh nhé. Kẹo socola em hay ăn đấy, ngon lắm.
Mặt anh ấy lại đỏ bừng lên, cúi đầu nhìn thanh kẹo trên tay tôi mãi rồi mới ấp úng nói:
– Cảm… cảm ơn Mai.
– Anh ăn thử đi.
Liêm gật đầu nhưng không ăn, chỉ đột nhiên đứng dậy, lật tủ gỗ trên gác bếp lấy thứ gì đó rồi đưa cho tôi:
– Tôi cũng cho Mai cái này này.
– Tinh dầu từ vỏ bưởi, mọc tóc tốt lắm. Mai bôi lên chân tóc nhé.
Tôi mở to mắt nhìn chàng thanh niên ngốc nghếch ấy, không hiểu sao Liêm lại biết tôi không có tóc, nhưng trong lòng lại cảm thấy ấm áp vô vàn.
Tôi nhận lấy chai tinh dầu bưởi kia, cười bảo:
– Cảm ơn anh. Em thích lắm.
– Tôi cũng thích kẹo Socola của Mai lắm. Thích cả công việc phóng viên của Mai nữa.
– Thật à?
– Thật.
Loay hoay dưới bếp gần hai tiếng cũng xong một mâm cơm, lúc bưng lên nhà thì thấy ông cụ đã bốc thuốc xong, Giang đang ở bên cạnh gói thuốc.
Thấy tôi và Liêm cùng đi lên, trưởng thôn híp mắt cười:
– Cơm xong rồi, nghỉ tay ăn thôi.
Đồ đạc trong nhà trưởng thôn rất sơ sài, mâm cơm chúng tôi loay hoay nấu thực ra chỉ có một đĩa rau, một bát cà muối, và một con gà luộc là thứ mà quý lắm chủ nhà mới dám thịt để đãi khách. Bát đũa cũng chẳng phải loại cao cấp gì, hầu như cái nào cũng sứt sẹo ố vàng, đũa thì được vót từ thân cây luồng, thẳng tắp.
Tôi xuất thân từ nông thôn, là con nhà nghèo nên không có yêu cầu cao với bất kỳ thứ gì, chỉ là lúc bắt đầu ăn không lâu thì ông cụ lại gắp một miếng thịt gà đặt vào bát tôi.
Xong xuôi, ông cụ theo thói quen mút đũa một cái mới cười bảo:
– Ăn đi, thịt gà dai ngon lắm, tôi thả ở ngoài vườn đấy.
– Vâng ạ. Cháu cảm ơn bác, bác cũng ăn đi.
– Ừ, ừ, hai người cứ ăn tự nhiên đi.
Nói là nói thế nhưng tôi không tự nhiên được, ban nãy da gà trơn, ông cụ gắp trượt mấy lần, đôi đũa mà ông ấy thường xuyên mút trong miệng kia đành phải đâm xuyên qua miếng thịt gà đó, sau cùng mới đặt vào bát tôi.
Tôi biết người ở nông thôn không mấy quan tâm đến chuyện vệ sinh nên không trách, cũng không có ý chê bai gì, nhưng thực sự cảm giác không tốt nên tôi không muốn ăn, chỉ lẳng lặng để miếng thịt gà sang một góc.
Nhưng ông cụ lại tưởng tôi ngại nên bảo:
– Miếng thịt ấy là miếng ngon nhất đấy, Mai ăn đi chứ. Hay là ngại ăn thịt gà ở quê hả?
– Không ạ, cháu vẫn ăn mà. Thịt gà ngon thế này thì phải ăn chứ ạ.
– Ừ, ở thành phố không có gà này đâu, Mai cứ ăn tự nhiên đi, Mai mà ngại là tôi cũng ngại đấy.
– Vâng ạ.
Ngại làm phật lòng trưởng thôn nên tôi đành phải gắp miếng thịt gà đó lên định ăn, nhưng cùng lúc này Giang lại đặt bát mình ở cạnh bát tôi. Anh ta bảo:
– Dị ứng với da gà thì đưa đây.
– Dạ?
Mọi người trên mâm cơm đều tròn xoe mắt nhìn tôi, còn tôi thì ngây ra mất mấy giây mới hiểu anh ta muốn giúp tôi xử lý miếng gà đó. Tôi cũng ngại, định không đưa nhưng Giang đã cầm lên trước rồi. Anh ta bóc da gà, sau đó tránh chỗ trưởng thôn đã chọc đũa vào, cẩn thận xé thịt gà thành những miếng nhỏ rồi đặt vào bát tôi.
Ông cụ thấy thế mới bảo:
– Ơ thế hóa ra Mai không ăn được da gà à? Thế mà không nói sớm, làm tôi gắp cả miếng có da to vào.
– Không sao đâu ạ. Cháu ăn được ấy mà. Tại đang để dành thôi ạ.
– Ôi để dành gì, ăn đi, ăn đi.
– Vâng ạ.
Lúc Giang trả lại bát cho tôi thì trong đó đã đầy ắp thịt gà đã được xé nhỏ, những chỗ bị chọc đũa đã bị loại ra hết cùng với xương và da, khéo đến mức ông cụ cũng không nhìn ra được.
Không hiểu sao anh ta lại biết được lý do tôi không ăn miếng thịt gà đó, nhưng bất giác lúc ấy trong lòng tôi xuất hiện một cảm xúc ấm áp mãnh liệt chưa từng có. Tôi xúc động bưng bát lên, không cần chấm muối mà thoải mái ăn một miếng thật to. Chẳng biết có phải do thịt gà ở nơi này ngọt hơn nơi khác, hay là vì lần đầu có một người đàn ông tự tay xé thịt gà cho tôi hay không, mà tôi thấy từ miệng đến tim đều ngọt, ngọt đến mức lòng rung động không sao nói rõ được.
Đợi đến khi chào tạm biệt hai cha con ông cụ trưởng thôn rồi, trên đường trở về, tôi đắn đo rất mới nói với Giang:
– Này…
Anh ta đút hai tay vào túi quần, thờ ơ ngẩng đầu nhìn tôi, không hỏi, chỉ chờ đợi tôi tự nói.
Tôi ấp úng hồi lâu mới dám thốt ra một câu:
– Vừa nãy cảm ơn anh nhé.
– Cảm ơn chuyện gì?
– Chuyện xé thịt gà cho tôi ấy.
– Ở quê mọi người không chú ý đến chuyện vệ sinh, ông cụ trưởng thôn cũng có ý tốt thôi.
Tôi gật đầu, cười bảo:
– Tôi biết, nhưng lúc ấy không nghĩ ra phải làm sao cả. Ăn thì cũng được, chủ yếu là không có cảm giác ngon, mà bỏ đi thì sợ mất lòng ông cụ.
– Cô định dựng bản tin gì rồi?
– Hả? À…
Anh ta đổi chủ đề quá nhanh, tôi mất một lúc mới theo kịp. Tôi ngẩng lên nhìn ánh mặt trời rọi xuống khu rừng già trước mặt, chậm chạp nói:
– Tôi mới chụp mấy tấm ảnh thôi. Định làm bản tin về ông cụ vừa là thầy lang, vừa là trưởng thôn ở một thôn hẻo lánh giáp biên giới chữa bệnh miễn phí giúp người dân. Nhưng thuốc của ông cụ không được kiểm nghiệm với cấp phép, chưa chắc đã được duyệt bản tin ấy.
– Sao không làm cái khác dễ hơn?
– Là cái gì vậy?
Giang nhìn về phía mấy đứa trẻ con đi chân đất, đầu tóc hoe vàng vì cháy nắng đang gùi những bó củi to gấp mấy lần người lên dốc. Tôi cũng nhìn theo hướng ánh mắt anh ta, cuối cùng phát hiện ra làm bản tin về trẻ em nghèo ở đây dễ và có ý nghĩa hơn nhiều.
Tôi vội vàng đưa mấy túi thuốc cho anh ta, rút điện thoại ra, chạy lại nói chuyện với bọn trẻ. Hỏi thăm mới biết không có đứa nào được đi học, nhà nghèo nên hàng ngày phải đi kiếm củi bán thì mới có tiền mua gạo. Tôi hỏi có muốn được đến lớp với các bạn không thì tất cả đều nói muốn, nhưng lại bảo ở trong thôn chỉ có 2 bạn đi học thôi.
Ở một nơi hoang vu nghèo khổ thế này đi được đến lớp là một điều vô cùng gian nan, thuyết phục được cha mẹ cho con đi học lại càng khó khăn hơn nữa. Tôi rất thương nhưng sức bản thân có hạn, không thể giúp được, chỉ xoa đầu từng đứa rồi chia kẹo, dặn có cơ hội thì nên đi học, sau đó mới lấy điện thoại ra chụp mấy tấm ảnh.
Lũ nhóc ngoan ngoãn xếp hàng cười tươi cho tôi chụp, có đứa mặt mày lấm lem vẫn cười tít cả mắt, có đứa gãy tận 2 cái răng cửa nhưng vẫn cười thật tươi.
Tôi chụp xong liền sung sướng mang lại cho Giang xem, vừa zoom to mấy bức hình vừa bảo:
– Anh xem này. Mấy cái ảnh này này đẹp lắm. Ánh sáng đẹp, cảnh cây rừng xanh mướt ở phía sau cũng đẹp, mà quan trọng nhất là đứa nào cười cũng đáng yêu nữa. Làm bản tin về cái này kiểu gì cũng sẽ có nhiều người lên biết đến rồi lên đây từ thiện cho mà xem.
– Được duyệt không?
– À… tôi cũng không biết.
– Chụp thêm mấy tấm ảnh nữa đi.
Tôi gật đầu, ngoan ngoãn nghe lời anh ta chụp mấy tấm ảnh, còn quay cả video. Sau khi ngắt đoạn video đó đi, chẳng biết sao thấy Giang đang đứng xem một sạp hàng trong thôn, tôi lại ngứa tay chụp một tấm.
Bóng lưng anh ta rất cao, trên tay còn xách theo mấy đùm thuốc đông y của tôi, khi đứng nói chuyện với bà cụ bán hàng, nét mặt rất đỗi lịch sự và ôn hòa, giống như một khách du lịch đang thảnh thơi đi thăm thú vậy.
Võ Đặng Trường Giang ở trong tấm ảnh đó không còn vẻ quyết tuyệt lạnh lùng của một giám đốc Trường Thịnh hô mưa gọi gió, không còn vẻ xa cách khó gần, thỉnh thoảng hay cau có nói mấy lời khó ưa làm người khác phật lòng, và quan trọng hơn, có lẽ bởi vì trên tay anh ta cầm túi thuốc của tôi nên tôi bỗng dưng có cảm giác như giữa mình và Giang có một chút gì đó gắn bó vậy.
Nói làm sao nhỉ? Giống như tôi đi du lịch, người đàn ông của tôi xách đồ cho tôi.
Haizzz…. tôi đang nghĩ lung tung gì vậy chứ?
Đang lẩm bẩm tự mắng mình trong lòng thì nghe tiếng anh ta gọi tôi, ngước lên thấy Giang đang vẫy tay gọi tôi lại. Khi tôi chạy đến, anh ta mới chỉ vào chiếc vỏ ốc trong sạp hàng cũ kỹ của bà cụ, hỏi tôi:
– Có thích không?

Yêu thích: 4.3 / 5 từ (23 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN