Núi Rộng Sông Dài - Phần 14
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
1042


Núi Rộng Sông Dài


Phần 14


Vỏ ốc đó là loại thường bán ở sạp đồ lưu niệm trong khu du lịch, có lẽ bà cụ lấy về đã lâu nhưng không ai mua nên lớp sơn ngoài của vỏ ốc đã bắt đầu bong tróc hết, màu cũng đã ố vàng bởi thời gian.
Thứ không có tác dụng gì như vậy, một đứa luôn tiết kiệm từng đồng như tôi chắc chắn sẽ không mua, nhưng vì muốn ủng hộ bà cụ nên tôi vẫn nói:
– Có.
Giang gật đầu, lấy tiền ra định trả cho bà cụ nhưng tôi đã giành trước, tôi bảo:
– Bà ơi cái này bao nhiêu tiền, con mua ạ.
– 20 nghìn. 20 nghìn thôi.
Nói tới đây, hình như bà cụ còn sợ chúng tôi sẽ chê đắt rồi bỏ đi nên nói thêm:
– Nếu thấy đắt tôi sẽ bớt tiền, lấy 15 nghìn thôi, cô cậu lấy đi.
– Không đắt đâu ạ. Con lấy cái này, bà cho con xin túi đựng nhé.
– Ừ, ừ.
– Cho con cái này nữa ạ.
Bên cạnh vỏ ốc còn có mấy món đồ linh tinh nữa, tôi mua cho mỗi mình thì ngại nên lấy cho Giang một sợi dây treo xe hình mặt Phật, Duy thì một sợi dây vải đỏ đeo tay. Lúc hỏi tiền mới biết hai sợi dây đó đắt hơn một chút, 30 nghìn, bà cụ bớt còn 28 nghìn.
Tôi rút ra một đồng hai trăm nghìn đưa bà cụ, bảo không cần trả lại. Bà cụ có lẽ chưa từng được ai cho nhiều tiền như vậy nên cứ ngạc nhiên tròn xoe mắt nhìn tôi:
– Sao thế được? Tiền thừa của cô còn nhiều lắm, hơn 100 nghìn.
– Không sao đâu ạ, số tiền đó cháu biếu bà, bà cứ cầm lấy đi. Chúc bà mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi ạ.
– Cảm ơn hai người. Hai cô cậu tốt quá, tôi cũng chúc hai cô cậu hạnh phúc, con đàn cháu đống nhé.
Tôi định nói giữa bọn tôi không phải loại quan hệ đó, nhưng Giang đã xoay người đi rồi. Tôi sợ anh ta đi mất nên không giải thích nữa, cứ như vậy vội vàng chạy theo. Chân anh ta dài nên bước rất nhanh, tôi chạy bở hơi tai mới theo kịp, lúc đến gần, tôi mới đưa một sợi dây treo xe cho Giang:
– Cái này cho anh.
Anh ta dừng bước, nghiêng đầu nhìn sợi dây còn lại trên tay tôi, im lặng một lúc mới nói:
– Không cần đâu.
– Người ta bảo treo dây hình Phật trên xe mới bình an. Anh thích đua xe thế thì treo một sợi lên đi, biết đâu lại có tác dụng tốt.
– Thời nào rồi mà cô vẫn còn mê tín mấy cái này?
– Không phải mê tín, mà là có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Treo xe cũng không mất gì đâu mà, nếu anh không tin thì cứ coi như trang trí cũng được.
– Không thích.
Nói rồi, anh ta lại hằm hằm đi về phía trước, không thèm đợi tôi. Tôi thì chẳng hiểu tại sao cái gã này ban nãy vẫn còn vui vẻ tử tế hỏi tôi có thích con ốc kia không, bây giờ mới qua mấy phút lại lặt mặt đổi thái độ luôn rồi, đúng là tính tình thất thường chẳng biết đằng nào mà lần.
Nhưng mà nghĩ lại, cũng thấy anh ta không thích treo sợi dây này lên xe cũng phải. Xe anh ta hơn mười tỉ, treo sợi dây rẻ tiền này lên làm gì, vừa mất mặt lại vừa làm xấu đi giá trị chiếc xe.
Nghĩ vậy, tôi đành cất sợi dây vào trong túi, nhưng còn chưa kịp nhét vào thì bỗng dưng có một bàn tay vươn đến, giật lấy sợi dây từ tay tôi.
Ngẩng lên thì thấy Giang đã quay lại từ bao giờ, mặt mày anh ta vẫn cau có, cáu kỉnh bảo tôi:
– Cho rồi còn định lấy lại à?
– Ơ…Nhưng anh nói không cần cơ mà?
– Suy nghĩ lại rồi.
Anh ta nhanh tay nhét vào trong túi quần, bảo:
– Tôi nhận tạm cũng được.
Chẳng biết có phải vì anh ta sợ mất phần nên mới nhận hay không, nhưng cái kiểu bụng dạ hẹp hòi này làm tôi vừa tức vừa buồn cười. Mỗi tội, nể mặt bữa cơm hôm nay anh ta xé thịt gà cho tôi nên tôi không thèm chấp, chỉ tủm tỉm chạy theo sau.
Chúng tôi một trước một sau đi ngược lại con đường cũ, Giang vẫn xách túi thuốc cho tôi, còn tôi xách theo túi đựng con ốc và sợi dây chuyền của Duy, cứ thế đi bộ về đến tận bệnh viện.
Bảo đi một lúc mà tận nửa ngày mới về, Duy vừa nhìn thấy bọn tôi đã bảo:
– Hai người đi lâu thế? Còn có quà gì mang về thế kia?
– Gặp được ông thầy lang bốc thuốc nên ông ấy bốc ít thuốc bổ cho em đấy.
Tôi cười cười, mở túi lấy cho anh ấy sợi dây chỉ đỏ:
– Cái này mới là quà của anh này. Em mua ở sạp tạp hóa trong thôn, 30 nghìn nhưng được bớt còn 28 nghìn đấy.
Trái ngược hẳn với thái độ của Giang, lúc nhận quà của tôi Duy rất niềm nở, còn đeo luôn vào tay, bảo từ giờ trở đi ngày nào cũng đeo nó, đeo đến khi dây đứt không thể nối lại nữa thì thôi.
Tôi bảo:
– Vâng, cũng không phải đồ mua ở Chùa hay trì chú vào, không biết có linh thiêng không, nhưng cứ đeo rồi tin là đeo nó bình an đi cũng được.
– Anh tin chứ, tin tuyệt đối là đằng khác. Cảm ơn Mai nhé, anh thích sợi dây chỉ đỏ này lắm.
– Anh thích là được rồi. Buổi chiều nay anh muốn ăn gì, chiều em đi theo chị y tá ra chợ mua đồ cho anh ăn.
– Ăn cá khô được không? Anh thèm ăn cá khô mặn.
– Để em xem có không rồi em mua nhé.
– Ừ. Không có cũng không sao mà. Có em ăn cùng với anh thì cơm nào cũng ngon.
– Thôi đi, anh dạo này là dẻo miệng lắm rồi đấy.
– Anh nói thật mà.
Mấy ngày ở thị trấn giáp biên trôi qua rất nhanh, chớp mắt một cái đã đến cuối tuần, chân Duy vẫn chưa hoàn toàn lành hẳn, nhưng công việc của tôi ở Hà Nội thì vẫn còn bề bộn, không thể tiếp tục ở lâu thêm nữa.
Hôm trước khi về Hà Nội, chú giám đốc bệnh viện mới bảo mấy chị y tá nấu lẩu đãi mấy người bọn tôi. Lâu lâu mới có dịp nên những ai không phải trực đều uống rượu, chú giám đốc muốn cảm ơn Giang đã đồng ý tài trợ thiết bị y tế và cơ sở hạ tầng mới cho bệnh viện nên cứ cầm chén cạn ly với anh ta mãi, còn bảo:
– Giang cứ yên tâm đi, Duy ở đây bọn chú sẽ chăm sóc điều trị tử tế, chân của cậu ấy cũng sắp lành rồi, khoảng nửa tháng nữa là đi lại bình thường thôi mà.
– Vâng. Ở xa nên chắc cháu sẽ không lên thường xuyên được, em cháu nhờ cả vào chú và mọi người ở đây chăm sóc. Nếu có vấn đề gì về thiết bị y tế hay thuốc men, chú cứ gọi cho cháu một tiếng, cháu sẽ sắp xếp chuyển lên cho chú.
– Ừ đấy. Ở chỗ này xa, thuốc men thì được cấp về nhiều, thuốc cũng tốt, mỗi tội một số thiết bị y tế thì hơi khó, vì máy móc toàn là đồ đắt tiền với hiện đại, cơ sở hạ tầng tốt thì mới đáp ứng được. Mấy năm trước tôi cũng có đề xuất xin cấp trên rồi, nhưng nói thật là bệnh nhân đến bệnh viện ít quá, lượng bệnh nhân không đủ để cấp trên cấp máy về ấy.
– Vâng. Cháu thấy đa phần người dân ở các vùng xa nội thị thế này hay chữa trị bằng thuốc nam, thuốc đông y gì đấy.
– Ừ, có người còn mê tín, cúng kiếng ma này ma kia, rồi thần này thần kia, có khi sắp c/hế.t rồi mà vẫn đưa đi bệnh viện, thế nên Giang thấy đấy, cả một bệnh viện thế này mà chỉ có 20 bệnh nhân. Vào vụ mùa thì có khi chẳng còn ai, chỉ có mấy bác sĩ y tá với nhau.
Giang cười, cầm ly rượu nếp lên, thái độ của anh ta khi nói chuyện với người lớn tuổi rất kính trọng và lịch sự, khác hẳn với bộ dạng cau có mỗi khi gặp tôi:
– Các y bác sĩ công tác ở vùng biên giới hẻo lánh này chắc là vất vả rồi. Ly này cháu kính chú, chúc chú và mọi người ở đây nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc cứu người nhé.
– Ừ. Cảm ơn Giang nhé. Chú có nghe qua công ty Trường Thịnh và ứng dụng AI do công ty cháu phát triển rồi, cháu giỏi lắm. Có cậu em trai cũng giỏi nữa.
Nói đến đây, chú giám đốc quay sang nhìn Duy đang ngồi cạnh tôi, nói nửa đùa nói thật:
– Nhanh khỏi đi rồi còn về cưới vợ thôi. Bạn gái thì đẹp như hoa hậu mà Duy cứ ở mãi trên này cẩn thận mất vợ đấy nhé.
– Đâu có ạ, bọn cháu chỉ là bạn thôi.
– Thôi chú nhìn ra rồi, không phải giấu. Bạn nào mà lặn lội từ tận Hà Nội lên chăm sóc mấy ngày, chú hơi bị tinh đấy, không qua mặt được chú đâu nhé, chú nhìn một cái là biết rồi.
Vì phép lịch sự nên Duy cũng không giải thích đến cùng, chỉ ậm ừ rồi mỉm cười nhìn tôi, tôi thì chẳng biết sao lúc ấy lại vô tình liếc qua Giang, thấy anh ta đang lặng lẽ uống rượu, sắc mặt bình thản, dường như chẳng hề để ý đến bên này.
Một lát sau, chú giám đốc nâng chén bảo tôi:
– Chú chúc Mai một chén nào. Mai về làm bản tin nhớ chỉnh cho chú bớt hói đầu nhé, lên tivi mà hói đầu thì ngại lắm.
– Vâng. Hôm quay cháu có căn góc đẹp nhất rồi. Chú yên tâm, nếu bản tin được duyệt và được phát sóng, cháu sẽ gọi cho chú để chú mở tivi xem có đẹp trai không nhé.
– Ừ, ừ. Mong là được lên sóng để nhiều người biết đến bệnh viện ở biên giới này chứ. Với cả vợ con ở nhà nhìn thấy nữa.
– Vâng ạ.
Tôi gật đầu, cầm ly rượu lên uống, vừa đặt xuống thì chú giám đốc đã chúc ly thứ hai, bảo không biết sau này còn có dịp gặp lại không, cứ uống một chén để chia tay.
Tửu lượng của tôi không tốt, nhưng chú ấy đã nói thế thì tôi không từ chối được, mỗi tội lúc định nâng ly lên thì Giang đã cầm chén của anh ta lên trước tôi, anh ta nói:
– Không biết sau này có gặp lại hay không, nhưng người ta bảo nếu muốn gặp lại thì đừng nên nói chia tay, uống rượu chia tay thì càng không. Nên chén này cháu thay mặt cô ấy hẹn chú nhé, hẹn nếu chú có dịp xuống Hà Nội thì gọi cháu một tiếng, cháu sẽ ra đón chú.
Duy ở bên cạnh cũng gật gù bảo:
– Đúng đấy, sau này kiểu gì cũng còn gặp lại mà, chú Trung đừng uống rượu chia tay sớm nhé. Với cả Mai đang uống thuốc đông y, phải kiêng rượu, đợi em ấy khỏi rồi hôm sau chú xuống Hà Nội thì kiểu gì em ấy và hai anh em cháu cũng tiếp chú một trận không say không về.
Chú giám đốc thấy hai anh em họ bảo vệ tôi như vậy thì tròn xoe mắt ngạc nhiên, sau đó bật cười, cụng chén với Giang:
– Ừ rồi, thế không uống rượu chia tay nữa. Chú cũng quên mất Mai đang uống thuốc, phải hẹn có dịp khác xuống Hà Nội uống vậy. Giờ chú nhận hẹn với Giang nhé.
– Vâng, cạn chén ạ.
Ngồi uống rượu đến gần 10 giờ đêm thì bọn tôi mới giải tán, ai về phòng người nấy. Tôi định tự tay bôi thuốc vào vết thương cho Duy, nhưng anh ấy sợ tôi mệt, sáng mai còn phải về sớm nữa nên cứ nhất quyết giục tôi về phòng đi ngủ. Mỗi tội, chẳng hiểu lưu luyến gì ở đây hay có tâm trạng gì mà tôi cứ trằn trọc mãi không ngủ được, nửa đêm nghe tiếng mưa lộp bộp rơi xuống mái hiên mới kéo rèm nhìn ra bên ngoài, tình cờ lại thấy một bóng lưng.
Giang đứng tựa vào một cây cột dưới mái hiên, trầm lặng nhìn màn mưa, trầm mặc hút thuốc. Khói thuốc mờ nhạt lặng lẽ bao phủ quanh gương mặt của anh ta, không nhìn rõ được thần sắc, nhưng nửa đêm đứng một mình ở nơi này như vậy, không cần đoán cũng biết lòng anh ta có bao nhiêu phần lạnh như hạt mưa kia.
Trước đây có người nói với tôi, nếu một người đàn ông hiếm khi động đến nicotin mà bỗng dưng hút thuốc, thế thì chỉ có hai lý do, một là vì áp lực công việc không thể giải quyết, hai là vì nhớ thương một người phụ nữ mà mình không thể gặp được.
Tôi nghĩ có lẽ Giang hút thuốc vì lý do thứ hai. Anh ta uống say rồi, lại nhớ đến người cũ.
Không thể có được, cũng chẳng thể quên đi, chỉ có thể vùng vẫy cô độc giữa đêm khuya, lặng lẽ đốt thuốc, lặng lẽ nhung nhớ.
Người con gái ở trong lòng anh ta đó, liệu có biết vào một đêm mưa ở nơi biên giới xa xôi có một người nhớ nhung cô ấy không? Hay chỉ có một mình tôi trông thấy được một tổng giám đốc Trường Thịnh đơn độc như thế này thôi?
Chẳng biết có phải vì bóng lưng người kia quá đỗi lạnh lùng và cũng quá đỗi cô đơn hay không mà tôi tự nhiên lại thấy đồng cảm, không nỡ để anh ta đứng một mình mà cứ thế ngồi lặng lẽ trong phòng ngắm mưa cùng anh ta. Chúng tôi ngắm mưa rất lâu, sau đó thì tôi ngủ quên lúc nào không biết, nhưng rõ ràng là lúc đó tôi ngồi bó gối để nhìn, mà lúc thức dậy thì lại thấy nằm gọn gàng trên giường từ bao giờ rồi.
Tôi nghĩ mình tự nằm xuống nên không để tâm, chỉ lồm cồm bò dậy đánh răng rửa mặt, sau đó soạn đồ để chuẩn bị về. Duy cứ bảo anh ấy sẽ nhanh khỏe rồi về thăm tôi, dặn tôi về Hà Nội nhớ giữ gìn sức khỏe, quen ai cũng phải cẩn thận, đừng để bị lừa.
Nghe anh ấy nói vậy tôi thương quá, rất muốn sau này có thể tiếp tục làm bạn, nhưng bởi vì rào cản cách biệt thân phận quá lớn, tôi không muốn đã hứa rồi lại thất hứa với mẹ anh ấy, cho nên vẫn cố nặn ra một nụ cười, bảo:
– Vâng, em biết rồi, anh đừng lo. Khi nào em xác định yêu ai thì sẽ thông báo với anh, để anh thẩm định xong thì em mới nhận lời người ta, được chưa?
Ánh mắt Duy trầm xuống, rõ ràng rất buồn, nhưng vẫn nói với tôi:
– Ừ, anh biết rồi. Em đi đường cẩn thận nhé, về đến nơi thì gọi điện thoại cho anh.
– Vâng. Anh ở đây cũng phải ăn nhiều ngủ nhiều, có thời gian thì bảo Khánh đưa ra ngoài sân hóng gió nhé. Nhanh khỏe còn đi làm nữa chứ.
– Ừ, chắc nửa tháng nữa là được đi làm lại ấy mà. Em lên xe đi, muộn rồi.
– Vâng.
Sau khi chào tất cả mọi người thêm một lượt nữa, tôi mới leo lên xe, lưu luyến nhìn qua gương chiếu hậu một lúc lâu, đến khi bệnh viện cũ kỹ kia khuất sau rất nhiều tán cây xanh mới ngoảnh đầu về phía trước.
Trước mặt sẽ là một đoạn đường dài hơn 400km, chỉ còn lại mình tôi và Giang đi với nhau. Tôi cũng không nhắc đến chuyện đêm qua anh ta một mình nhìn mưa hút thuốc, chỉ kiếm một vài chuyện linh tinh để nói:
– Bây giờ bắt đầu về thì khoảng chiều là về tới Hà Nội nhỉ?
– Ừ, không xảy ra chuyện gì ngoài ý muốn thì tầm 3h chiều về tới Hà Nội.
– Xe anh còn đủ xăng chạy đến thành phố Hà Tĩnh không?
Giang liếc kim chỉ vạch xăng trên đồng hồ trước mặt, gật đầu:
– Vẫn đủ, nhưng tối qua mưa, đường hơi lầy, ra khỏi chỗ này chắc tốn thời gian hơn lần trước đến đấy.
– Anh lái thì tôi yên tâm. Kiểu gì cũng về được đến nhà.
Anh ta không thích nghe nịnh nên chỉ liếc tôi một cái rồi không nói nữa, tôi cũng định lải nhải thêm, nhưng lúc ngước lên mới thấy sợi dây hình mặt Phật mua ở thôn nhỏ kia giờ đã được anh ta treo trên gương chiếu hậu rồi.
Đúng thật là sợi dây rẻ tiền ấy cực kỳ không hợp với nội thất xe xịn của anh ta, trông cứ lạc lõng sao sao ấy, nhưng Giang không những chịu nhận mà còn tự tay treo nó khiến tôi rất vui.
Tôi giơ tay nắm lấy mặt dây hình Phật, vừa cười vừa nói:
– Anh treo nó lên từ bao giờ thế?
– Sáng nay xếp đồ lên xe, tiện tay nên treo lên.
– Trông chẳng hợp tý nào cả.
– Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, cô nói thế còn gì?
– Anh mê tín giống tôi từ bao giờ thế?
Giang hé miệng định nói gì đó, nhưng cùng lúc này xe lại qua một ngã rẽ, con đường trước mặt vừa hiện ra thì chúng tôi cũng trông thấy một đám người mặc quần áo rằn ri ngụy, đầu đội mũ, mặt đeo khẩu trang kín mít. Bọn chúng dàn hàng chắn ngang đường, có mấy kẻ tay cầm mấy khẩu AK chĩa thẳng về phía chúng tôi.
Tôi kinh hãi hét lên:
– Gì thế?
– Cướp.
Giang lập tức đạp chân phanh dừng lại, tôi nghĩ anh ta định đàm phán xem chúng muốn gì, nhưng xe còn chưa kịp dừng hẳn thì có một gã bóp cò, một viên đ.ạn xuyên thẳng qua kính lái, sượt qua mang tai tôi.
Người đàn ông bên cạnh tôi lập tức gầm lên:
– Nằm xuống.

Yêu thích: 4.6 / 5 từ (23 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN