Núi Rộng Sông Dài - Phần 31
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
681


Núi Rộng Sông Dài


Phần 31


Lúc hai chúng tôi bắt đầu lên xe về quê, tôi mới biết hôm ấy Giang mua nhiều bánh kẹo quà cáp như vậy để làm gì. Hóa ra anh biết tết đến nhất định tôi sẽ nhớ nhà nên mới sắp xếp công việc, chuẩn bị quà để đưa tôi về quê.
Một người bận rộn như anh mà vì tôi làm nhiều điều như thế, tôi cảm thấy rất xúc động, rất biết ơn, ngay cả anh Phương khi nghe sếp nói nghỉ từ 29 Tết còn tròn xoe cả mắt, gọi điện thoại cho tôi gào thét:
– Ôi, em đừng nói năm nay sếp đi đón tết với em đấy nhé. Anh đi theo sếp 5 năm rồi, chưa thấy năm nào sếp tha cho anh em bọn anh. Toàn phải làm đến tận chiều 30 mới được nghỉ. Năm nay ông ấy tuyên bố cả công ty nghỉ từ chiều 28 làm bọn anh tưởng sếp nhớ nhầm lịch đấy. Em khai mau, sếp đi đón tết với em nên mới cho bọn anh nghỉ sớm phải không?
– Làm gì có. Sếp có đón tết với em đâu. Em đón tết với sếp anh đấy chứ.
Anh Phương nghiến răng kèn kẹt, mắng tôi:
– Đấy, tôi biết ngay vợ chồng ông bà mà, đúng là có tý tình yêu vào cái khác hẳn. Lén lút đi đón tết với nhau mà không cho bọn anh đi ké cơ đấy, đừng tưởng anh không biết gì nhé, anh biết thừa sếp với em yêu nhau từ lâu rồi.
– Sao anh biết thế? Em nhớ là em có để lộ gì đâu nhỉ?
– Ui xời, anh đây là cao thủ tình trường đấy. Anh nhìn cái biết ngay. Này nhá, ông Giang trước giờ đến công ty chỉ cắm đầu vào máy tính làm việc, mọi người tan làm rồi mà ông ấy vẫn cứ một mình một thế giới làm việc, một tuần thì ngủ lại công ty 6 ngày. Thế mà mấy tháng nay cứ hết giờ cái là về ngay, có hôm hồ sơ anh mang vào trình ký, bình thường là anh ấy sẽ xem rồi ký luôn, nhưng mà giờ lại hỏi “có cần gấp không?”, anh nói không thì anh Giang bảo cứ để đó, mai ký sau, giờ phải về ăn cơm đã. Mà anh ấy ở một mình, ăn cơm nhà hay chỗ nào chả giống nhau? Chỉ có ở nhà có ai đó đang đợi anh ấy nên anh ấy mới về đúng giờ thế thôi. Mà nhé, cao thủ tình trường như anh nhìn cái là biết ngay anh ấy đang yêu rồi, dân kỹ thuật đang yêu khác lắm, không lù đù ôm lấy máy tính cả ngày như bạn gái nữa đâu.
Nghe anh Phương kể một tràng dài như vậy, tôi không nhịn được bật cười:
– Thế tại sao anh lại đoán sếp Giang nhà anh yêu đương với em?
– Xùy, chuyện đó mà cũng phải hỏi. Anh ấy nâng niu cái sợi dây treo xe của em như báu vật, anh sờ vào cũng không cho, không phải người quan trọng với anh ấy, anh ấy giữ của như thế làm gì chứ?
– Anh Phương, anh đúng là cao thủ tình trường đấy. Tại hạ xin bái phục.
– Bái phục thì thôi, nhưng anh nhờ em yêu đương với sếp anh lâu lâu vào, tốt nhất là đợi đến khi chín muồi thì cưới luôn đi. Ông ấy một mình như mọi năm bọn anh khổ lắm, năm nào cũng phải chạy deadline đến tận 30 tết. Em giữ chắc lấy ông ấy đi, để bọn anh mỗi ngày tan làm xong còn được về sớm, tết đến cũng được nghỉ sớm.
– Thế anh có hối lộ em gì không? Sếp anh khó chiều lắm, yêu đương với anh ấy là em phải dũng cảm lắm đấy. Anh phải trả công cho sự dũng cảm của em chứ.
– Ôi, đôi vợ chồng nhà này đúng là đồ tư bản như nhau.
Đọc đến tin nhắn này của ông Phương, tôi tủm tỉm cười thành tiếng, Giang đang lái xe, thấy tôi cứ cười mãi như thế mới khẽ cau mày:
– Nhắn tin với ai mà vui thế?
– À… em nhắn tin với bạn.
Tôi vội vàng cất điện thoại vào trong túi, ngẩng lên mới thấy đã đến địa phận tỉnh Yên Bái rồi, chắc vài tiếng nữa là đến quê tôi. Tôi mở chai nước lọc, đưa đến cho Giang:
– Anh mệt không?
– Lái xe đường dài quen rồi, em quên à?
– Không quên, nhưng vẫn sợ anh mệt.
Anh nhận lấy chai nước từ tay tôi, uống một ngụm, xong mới hỏi:
– Mọi lần em xuống Hà Nội thì đi xe nào?
– Em đi xe khách, bắt ba tuyến liền, mấy năm đầu thì vẫn say xe, từ quê xuống đến Hà Nội nôn mấy chục lần. Gần đây thì bắt đầu quen rồi, không say nữa.
– Ở quê giờ còn ai không?
– Xung quanh có mấy cô dì chú bác, nhưng mọi người đều nghèo cả. Nhà em cũng nghèo. Anh đừng chê nhé?
– Nói vớ vẩn.
Giang đưa lại chai nước cho tôi, nhìn tôi bằng ánh mắt nghiêm khắc và bình tĩnh:
– Giàu hay nghèo không ảnh hưởng gì đến anh. Về đó vui vẻ là được.
– Nhưng cuộc sống ở quê sẽ khác nhiều so với ở thành phố đấy, em sợ anh không quen nên phải nói trước để anh chuẩn bị tinh thần.
Anh quay đầu đi, hừ khẽ một tiếng:
– Đi bộ đội mấy năm, có khổ nào mà chưa trải qua. Đừng lo linh tinh, cứ ngủ một giấc đi, khi nào gần đến nơi anh gọi em.
– Em thức với anh.
Tôi cười cười, nhoài người sang ôm lấy cánh tay anh, lặng lẽ ngắm nhìn dòng người nô nức đi sắm tết trên khắp con đường chúng tôi đi:
– Sếp Giang, đây là lần thứ hai em về quê mà vui như thế này đấy.
– Lần đầu tiên là khi nào?
– Khi em trai em đỗ đại học. Em xin chị chủ cho nghỉ 3 ngày để về quê. Ra mộ bố thắp hương, nói với bố là em trai đỗ đại học rồi, mong bố phù hộ cho chị em em mạnh khỏe, thằng Tép học thật giỏi. Chắc trên trời bố em nghe thấy nên mới phù hộ cho thằng Tép được đi du học như thế. Lần này về quê, em giới thiệu anh với bố nhé?
Người đàn ông bên cạnh im lặng một lúc, rất lâu, rất lâu sau đó anh khẽ cúi đầu hôn lên tóc tôi, anh nói:
– Ừ. Anh chuẩn bị tinh thần hết rồi. Quà cũng mua đủ. Chỉ đợi mỗi em giới thiệu nữa thôi.
Tôi bật cười, ánh nắng yếu ớt của mùa đông chiếu lên tóc tôi, mắt tôi, dường như len cả vào lòng tôi rất nhiều sự ấm áp và tươi mới. Tôi tựa vào vai anh, đáp:
– Sếp Giang, anh sến lắm.
– Anh cũng thấy vậy.
Mấy tiếng sau, cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân lên đến xã nghèo giáp biên giới mà tôi từng ở. Con đường đất nhỏ vẫn xóc nảy bụi mù như cũ, chỉ có cây cối bên đường vẫn um tùm như trước đây, khiến người ta có cảm giác quạnh hiu.
Đi thêm mười mấy km đường đất cũng tới được nhà tôi. Lâu rồi không về, ngôi nhà tranh vách đất đã xiêu vẹo dột nát hết cả, mái tranh sụp xuống một mảng, cánh cửa cũng bị long cả bản lề.
Mặc dù đã nói trước là nhà tôi rất nghèo, nhưng dẫn Giang đến một ngôi nhà như vậy, tôi vẫn rất xấu hổ. Chỉ có anh bình thản xách theo rất nhiều đồ xuống xe, mỉm cười bảo tôi:
– Em mở cửa đi.
– À… vâng.
Khóa kẹt, mở mãi không được, cuối cùng anh phải đặt đồ xuống, tháo cả bản lề cánh cửa ra để chúng tôi vào nhà. Bên trong lâu ngày không có người ở nên xộc mùi ẩm mốc, mạng nhện bụi bặm cũng giăng khắp nơi, tôi ngượng ngùng chạy đi lấy khăn, lau sạch hai chiếc ghế đôn bằng gỗ cũ kỹ rồi bảo Giang:
– Anh ngồi đây đi. Đợi em một lúc, em đi xuống bếp nấu nước.
– Ừ. Cần anh kéo nước ở giếng lên không?
– Lâu không dùng, chắc nước giếng nhà không uống được nữa, em chạy sang nhà bác bên cạnh xin tạm một ấm đã. Em đi một lát rồi về ngay. Anh cứ ngồi đây đợi em.
Nói rồi, tôi vội vàng chạy đi, nhà bác bảo ngay bên cạnh nhưng thực ra ở xã này, một nhà cách nhau cả một cái vườn rộng, chạy bở hơi tai mới đến được. Bác gái thấy tôi lâu ngày mới về nên cứ kéo lại hỏi chuyện, hỏi cả thằng Tép, xong lại bảo lâu nay bác đau lưng nên không sang dọn nhà được, chỉ nhổ được cỏ đằng trước sân thôi, đang định chờ ngày mai con trai bác về sẽ bảo sang dọn giúp tôi.
Tôi cười cười, xua tay:
– Năm nay cháu được về sớm, cháu dọn tý là xong ấy mà. Bác trai đi đâu rồi hả bác? Mọi người ở nhà có khỏe không?
– Ôi năm nay ốm lắm, già rồi, không đi làm nương được nữa đâu. Có mỗi ông ấy là còn đi đồi được, chứ tao thì chịu. Từ đầu năm đến giờ phải đi viện suốt, lấy bao nhiêu thuốc bảo hiểm đây này.
– Vâng, đến tuổi rồi, nếu nghỉ được thì nghỉ đi thôi, ở nhà trông con trông cháu cho khỏe bác ạ.
– Thế mày thì sao rồi? Có người yêu chưa? Năm nay gần 30 rồi, định lúc nào thì cưới đây?
– Cháu thì từ từ đã, 30 ở quê thì già chứ ở thành phố vẫn đang còn trẻ lắm. Vài năm nữa cháu mới lấy chồng.
– Ôi tiên sư mày, 30 mà còn bảo trẻ. Lấy chồng đi còn đẻ con chứ, sau già đẻ đái làm sao nữa. Mà mấy hôm bác thấy mày trên tivi đấy, đẹp gái, lại còn làm đài truyền hình như mày thì đi đâu chả lấy được chồng. Kén chọn ít thôi. Cả dòng họ được nở mày nở mặt là nhờ mày với thằng Tép đấy, làm sao thì làm, sang năm cưới chồng đi thôi.
– Dạ.
Bác gái cứ nói mãi, giục tôi lấy chồng mãi, tôi không dứt ra được nên đi xin ấm nước cũng cả tiếng mới về. Lúc vào đến nhà thì thấy cánh cửa đã được Giang lắp vào bản lề lại, chỗ mái tranh bị sụp xuống, anh cũng đang bắc ghế leo lên sửa. Người anh rất cao, mái nhà tôi cũng không thấp, thế mà anh chỉ cần bắc một cái đôn là có thể với đến, khi thấy tôi bước vào, Giang ngay lập tức nói:
– Đưa cho anh cái búa dưới đất.
– Ơ… anh sửa mái nhà à?
– Ừ. Tranh thủ sửa sang nhà cửa, ăn tết cho ngon.
– Anh đừng sửa, trèo xuống đi. Tý nữa em nhờ mấy chú thợ sửa, một tý thôi là xong ngay ấy mà. Anh sửa bẩn hết quần áo đấy.
– Bẩn thì em giặt là được.
Anh ngậm chiếc đinh trong miệng, chìa tay ra trước mặt tôi:
– Đưa búa đây cho anh.
Đúng là bộ đội, à không, đúng là lính đặc chủng có khác. Trước giờ tôi cứ nghĩ Giang là dân kỹ thuật, quen làm việc máy tính và chế tạo mấy ứng dụng thông minh rồi, không ngờ anh không những giỏi IT mà còn thành thạo cả mấy việc chân tay thế này nữa. Mái nhà bị sụp hẳn một đoạn to mà anh sửa chưa đầy nửa tiếng là đã cứng cáp lại như mới, cánh cửa hỏng anh cũng kiếm một miếng gỗ khác vá vào, vừa làm vừa bảo tôi:
– Ngày mai ở đây có bán đồ đạc gì để sửa nhà không?
– Có, ngày mai 30 sẽ có chợ phiên. Anh định mua gì à?
– Ừ, mua ít dụng cụ với gỗ mới để làm lại cửa. Hôm nay vá cửa thế này chỉ để đóng lại tạm thời thôi, gỗ mục hết cả rồi, sắp không dùng được nữa.
Tôi cũng lăng xăng quét nhà, lùa mạng nhện, nghe thế mới cười bảo:
– Vâng, thế để mai em dắt anh đi chợ phiên. Ở chỗ em còn có cả tục bắt vợ đấy, mai anh ra đó nhìn xem cô nào ưng mắt thì nhớ bắt lấy mang về nhé.
– Em có mang khẩu trang không?
– Em có hai cái, sao thế? Anh sợ người ta bắt lại mình nên định đeo khẩu trang à?
– Không. Định bảo em đeo vào, ngày mai ra chợ đỡ bị người khác nhìn thấy. Một vài người bắt em thì anh còn xử lý được, trên 10 người thì anh chịu đấy. Lúc đó lại mất vợ như chơi.
Tôi bật cười, vành tai liền đỏ lên:
– Ai thèm làm vợ anh.
– Vợ, đưa búa.
Bếp ở quê chỉ là một cái kiềng 3 chân, cũng may là nhiều năm rồi không dùng cũng không hỏng. Tôi chạy đi mua gạo và thức ăn về nấu cơm, Giang thì sang hàng xóm xin nước.
Bác tôi thấy một anh cao to đẹp trai xách xô sang xin nước mới mắt tròn mắt dẹt hỏi:
– Cậu là ai mà nhìn lạ thế? Cậu mới đến đây à?
– Vâng, cháu ở nhà bên kia.
Giang vừa nói vừa chỉ về phía hướng nhà tôi, bác tôi càng kinh ngạc đến mức há hốc miệng:
– Cậu về cùng cái Mai á?
– Vâng.
– Cậu… cậu là người yêu của nó hả?
Cũng may là Giang chưa kịp trả lời thì tôi đã nhanh như chớp từ ngoài cổng chạy vào, một tay cầm gạo và thức ăn, tay còn lại nắm tay anh kéo đi:
– Bác ơi, bọn cháu về đây, ngày mai sang nhà bác hỏi thăm sau nhé. Cháu phải về nấu cơm không muộn mất. Cháu về đây.
Giang xách theo một xô nước lớn rảo bước đi theo tôi, thấy tôi cuống lên chạy như ma đuổi, anh mới cau mày:
– Chạy từ từ thôi.
– Ôi, bác em mà biết em dẫn bạn trai về nhà chắc sẽ cạo đầu em mất, chạy mau, bác ấy vác đòn gánh ra đuổi thì cả làng cũng phải sợ đấy. Chạy mau.
Tôi vừa chạy vừa ngoảnh đầu lại xem bác gái có vác đòn gánh ra đuổi thật không, may sao từ đó đến tối cũng không thấy bóng dáng của bác ấy. Thấp thỏm nấu xong bữa cơm rồi ăn cơm cũng vẫn chỉ có hai đứa chúng tôi, xong xuôi, mới 8h tối mà các nhà xung quanh đã tắt điện đi ngủ cả rồi.
Tôi và Giang đã quen nếp sống ở thành thị xô bồ, giờ ở quê yên bình đơn điệu thế này thì cũng cảm thấy không quen, giờ ấy cũng chưa đi ngủ được. Ở ngoài sân có một chiếc xích đu bằng gỗ, hồi bố tôi còn sống đã làm cho chị em tôi, nhiều năm rồi nhưng dây thừng và miếng ván gỗ đó vẫn còn dùng được, thế là tôi với Giang ra đó ngồi hóng mát.
Anh đẩy xích đu cho tôi, tôi co chân lên, tủm tỉm hỏi:
– Ở thành phố lâu rồi, về quê không quen lắm anh nhỉ?
– Ừ. Được cái không khí trong lành, dễ chịu. Không ồn ào nữa.
– Vâng, em cũng thấy thế. Mọi năm anh ăn tết ở đâu?
– Mấy năm ở nước ngoài thì ăn tết bên đó, về nước thì thỉnh thoảng ghé qua nhà, không thì ở công ty hoặc về nhà bên kia ngủ.
– Chán không?
Giang cười, tay đều đều đẩy xích đu, nhưng anh sợ dây đứt nên lực đẩy không quá mạnh:
– Chán. Em thì sao? Năm nào cũng về quê ăn tết à?
– Vâng. Ngày trước bố em còn sống thì cứ đến tết, ba bố con lại dọn dẹp nhà cửa, lên khu nghĩa trang thắp hương. Bố em gói bánh chưng đẹp lắm, mọi năm đến tết không phải đi mua gạo thịt về gói bánh chưng đâu, hàng xóm với cả anh em mỗi người sang góp một ít, vừa nhờ bố em gói hộ vừa cho bố con em luôn. Thế là năm nào cũng đồ một nồi to bánh chưng, em với thằng Tép mỗi đứa được một cặp, cặp còn lại thì đem thắp hương.
– …
– Sau này bố mất rồi thì chị em em không đồ bánh chưng nữa, chuyển qua đi xin anh em. Mười mấy năm nay, bác gái lúc chiều anh sang nhà xin nước đó, bác ấy là chị gái của bố em, cứ đến tết là sẽ mang cho bọn em ba cặp bánh chưng để thắp hương. Năm nay yếu rồi, bác không gói nữa, nên ngày mai em ra chợ mua.
– Ừ.
Tiếng gió từ trên đồi thổi xuống, làm buốt cóng tay tôi, nhưng ở ngoài này không khí rất thoáng đãng dễ chịu, quan trọng nhất là có một người đàn ông ở bên cạnh lắng nghe tôi nói, nên tôi rất vui.
Giang trầm ngâm một lúc rồi hỏi:
– Bao nhiêu năm rồi hai chị em em ăn bánh chưng một mình?
– 15 năm.
Tôi cười:
– Bố em mất 15 năm rồi. Từ ngày thằng Tép còn nhỏ xíu. Mẹ em thì bỏ đi từ năm em 6 tuổi, thằng Tép 3 tháng. Mười mấy năm hai chị em em nương tựa vào nhau để sống, đến mãi sau này xuống Hà Nội mới tình cờ gặp lại mẹ. Nhưng mẹ em có gia đình khác rồi, cũng không mặn nồng với bọn em lắm nên em với thằng Tép cũng thôi.
Đây là một câu chuyện rất sơ sài, là góc tối trong tâm hồn tôi, tôi không xấu hổ vì có xuất thân như vậy nhưng lại luôn giữ trong lòng, nhiều năm qua chưa từng nói với ai, kể cả Linh. Bây giờ tôi thực sự tin tưởng và muốn chia sẻ với Giang nên mới kể.
Anh dường như cũng hiểu được điều này, hoặc là hiểu được nhiều hơn cả những chuyện tôi nói, nên lặng lẽ ôm lấy vai tôi, nói:
– Sau này em có anh rồi.
– Vâng. Em cũng mong như vậy.
– …
– Sếp Giang, anh thì sao?
Giang im lặng một lúc rồi hôn lên đỉnh đầu tôi, anh bảo:
– Cũng không có gì cả. Bố anh cũng làm ở đội phòng cháy chữa cháy, bị tai nạn nên mất sớm. Mẹ một tay nuôi hai anh em anh lớn lên, sau này khi anh với Duy trưởng thành rồi, mẹ mới đi bước nữa.
– Thực ra, phụ nữ sợ nhất là cô đơn, mạnh mẽ đến đâu cũng đều muốn có một người đàn ông để nương tựa. Về già có người ở bên cạnh chăm sóc vui vầy thế là đủ rồi.
– Ừ, anh cũng nghĩ thế. Mẹ có cuộc đời riêng của mẹ là tốt nhất.
– Tết năm nay mẹ có gọi anh về không?
– Có, nhưng anh nói bận việc, hết tết mới về. Mẹ bảo biết thế tao đi du lịch Châu Âu tiếp.
Tôi mỉm cười:
– Hay là về Hà Nội sớm một ngày đi. Anh về ăn tết cho mẹ vui.
– Không sao đâu, năm nay anh tự thưởng cho mình, bản thân anh vui là được.
– Vậy sếp Giang ở làng quê vừa hẻo lánh vừa nghèo này có vui không?
Anh đến nghĩ cũng không cần đã dứt khoát trả lời một chữ:
– Vui.
– Sếp Giang, em cũng rất vui.
– Sương xuống rồi, chúng ta đi vào ngủ thôi.
– Vâng.
Đêm đó chúng tôi ngủ bên nhau trên chiếc giường cũ kỹ, không làm gì cả, chỉ im lặng ôm nhau ngủ thôi. Ngày hôm sau cả hai lại dậy thật sớm, nhưng không phải đến chợ phiên mà là lên khu mộ của gia đình tôi để thắp hương.
Anh em nhà tôi chăm sóc phần mộ gia đình rất tốt, cỏ cây mọc dại cũng đã được nhổ sạch sẽ, ngôi mộ được xếp bằng đá của bố tôi nằm im lìm dưới một gốc cây mẫu đơn, phủ đầy rêu phong phai nhòa của thời gian.
Tôi đặt hoa quả bánh kẹo xuống, thắp cho bố một que hương rồi dõng dạc nói:
– Bố, đây là người có ơn nhất trong cuộc đời của con. Anh ấy cũng là người con yêu. Anh ấy tên là Võ Đặng Trường Giang. Giang là sông, trường là dài, Trường Giang nghĩa là con sông dài. Dễ nhớ bố nhỉ?
Giang đứng phía sau tôi, im lặng kính trọng nhìn ngôi mộ sơ sài của bố tôi, suốt từ lúc tôi bắt đầu giới thiệu về anh, anh đều không nói gì cả, nhưng lát sau, tự anh chủ động thắp một que hương lên mộ của bố, ánh mắt chân thành như chất chứa điều gì mà tôi đọc không rõ. Lát sau, khi chúng tôi ra về, tôi mới hỏi anh ban nãy đã nghĩ gì, Giang bảo:
– Không nói cho em biết.
– Nói đi, rồi em thơm anh một cái.
– Thơm đi.
Anh giơ má để tôi thơm, dù Giang đã cúi xuống rồi nhưng anh vẫn rất cao, tôi phải kiễng chân lên mới thơm được. Mỗi tội thơm xong thì cái gã này mặt mày vẫn tỉnh bơ không nói năng gì, tôi lẽo đẽo chạy theo, hét:
– Này, anh chưa nói mà. Em thơm rồi sao anh vẫn không nói?
– Anh chỉ bảo thơm đi, đâu có nói em thơm xong sẽ nói cho em biết.
Tôi bị chơi xỏ, tức đến nỗi giậm chân bình bịch:
– Cái đồ lật lọng này, có tin em xử anh không hả?
– Em còn không mau lên là không kịp chợ phiên đấy. Mau lên.
Bình thường chợ phiên họp đến 7h đã tan, nhưng hôm nay là ngày cuối cùng của năm cũ, người đi mua sắm rất nhiều nên 7 rưỡi rồi mà vẫn còn đông nườm nượp. Giang nắm tay tôi lách qua dòng người nhộn nhịp để vào bên trong, nhà không có tủ lạnh nên chúng tôi chỉ mua một ít thực phẩm tươi đủ dùng cho ba ngày tết, mấy cặp bánh chưng, lúc gặp một ông cụ thợ kim hoàn đang chạm khắc mấy con d.ao sắt ở sạp hàng cuối dãy, tôi nhớ ra một chuyện nên vội vàng kéo tay Giang lại.
Tôi hỏi ông cụ:
– Ông ơi, ông có khắc đá không?
Ông cụ râu tóc bạc trắng ngước lên nhìn tôi:
– Đá gì cơ?
– Đá này ạ. Cháu có mấy viên, muốn khắc thành mặt dây chuyền.
Mấy viên đá anh đã cho tôi ở trong khu rừng giáp biên đó, lúc nào tôi cũng mang theo người. Lúc tôi lấy ra, Giang cứ nhìn tôi mãi.
Ông cụ cầm mấy viên đá màu xanh ngọc của tôi giơ lên cao soi dưới ánh mặt trời, sau đó gật gù tặc lưỡi nói đây không phải ngọc, nhưng chất đá rất đẹp, làm thành mặt dây chuyền được, nhưng phải đẽo nhỏ đi.
Tôi tiếc nhưng chẳng còn cách nào, đành đồng ý để ông cụ đẽo thành mặt dây chuyền hình tròn, viên đá to nhất được tách ra 2/3, một phần còn lại không làm thành mặt dây được, nhưng làm thành hạt đeo tay thì có lẽ cũng tạm tạm. Thế nên tôi quay sang hỏi Giang:
– Phần đá này em làm thành mặt dây đeo tay cho anh nhé?
– Dây chỉ đỏ hả?
– Vâng. Hoặc là chỉ màu đen cũng được.
Anh trước giờ chỉ đeo đồng hồ vài tỉ, mấy sợi dây chỉ đỏ chỉ đen này Giang có hơi trẻ trâu, không phù hợp với tính cách chững chạc của anh. Tôi cứ nghĩ Giang sẽ không đồng ý, nhưng cuối cùng anh vẫn gật đầu:
– Ừ, thế thì làm mặt dây giống em đi.
Ông cụ đang chuyên tâm mài giũa, nghe vậy mới mở miệng hỏi:
– Hai cô cậu thích họa tiết gì? Hình mặt trăng mặt trời nhé? Hay núi sông ghép lại?
Cả tôi và Giang không hẹn mà cùng đồng thời nói:
– Núi sông ghép lại đi ạ.
Ông cụ cuối cùng cũng ngẩng lên, bật cười:
– Đúng là người đang yêu nhau, sở thích giống nhau. Hai cô cậu cứ đi chợ một vòng đi, tôi làm nửa tiếng nữa mới xong. Yên tâm, sạp hàng của tôi vẫn ở đây, không dọn đi đâu, cứ đi chơi rồi lát quay về lấy.
– Vâng ạ.
Chợ phiên ở giáp biên ngày tết khá tấp nập, tôi với Giang đi một vòng nữa, lại mua được cả xâu cá suối nhỏ mang về kho nghệ ăn mấy ngày tết. Lúc quay trở lại thì ông cụ thợ kim hoàn kia đã chế tác mấy viên đá xong rồi, xâu lại thành dây, dây chuyền của tôi màu đen, mặt là ba viên đá xanh trong suốt, dây đeo tay của Giang cũng màu đen, có một viên đá nhỏ xíu màu xanh.
Ông cụ giơ hai sợi dây lên, nói:
– Tôi sợ hỏng độ trong suốt của đá nên khắc chìm, khắc một mặt thôi, mặt dây chuyền khắc hình sông, mặt dây đeo tay hình núi. Ghép lại thành trời đất xanh như ngọc, núi rộng sông dài.
Tôi giơ hai sợi dây soi lên ánh mặt trời, thấy bầu trời trong xanh trong đá, thấy cả núi sông, đẹp đến kinh diễm. Tôi không nhịn được, reo lên:
– Đẹp quá. Anh xem này, đẹp quá.
Giang cũng nhìn vào mấy viên đá trên tay tôi, một lúc rất lâu sau anh mới quay sang, cầm một xấp tiền dày đặt lên bàn khắc đá của ông cụ, lịch sự nói một câu:
– Cảm ơn ông, chúng cháu rất thích mặt dây này.
– Hai cô cậu, đẹp đôi đấy.
Có lẽ vì lời khen của ông cụ và mặt dây quá đẹp nên suốt cả ngày hôm đó tôi cứ cười mãi, Giang đeo dây chuyền lên cổ tôi, còn tôi thì đeo sợi dây đen kia lên cổ tay anh. Tay anh rất vững chãi mạnh mẽ, cứ tưởng đeo thứ này lên sẽ trở nên thư sinh gì gì đó, nhưng không, một sợi dây màu đen và ngọc xanh nhỏ đeo vào tay anh mà giống như phát sáng vậy, vừa khỏe khoắn vừa năng động, hợp hơn cả sợi dây chuyền trên cổ tôi.
Tôi nắm tay anh, cười bảo:
– Sếp Giang, cái này đẹp hơn cả đồng hồ của anh đấy.
– Thế hả?
– Vâng.
– Anh cũng thấy vậy.
Hai chúng tôi cùng nhau mỉm cười, cùng cụng trán vào nhau, cùng ăn một bữa cơm tất niên, nhưng không phải là ăn ở nhà mà ăn bên nhà bác gái.
Có lẽ năm nay tôi già rồi nên bác gái đã đổi tính, thấy tôi dẫn bạn trai về không những không cạo đầu tôi, ngược lại, còn bảo con trai sang mời Giang sang ăn cơm. Cơm tất niên ở quê rất đủ đầy, có thịt gà, miến măng, dưa muối, củ kiệu, bác trai còn mang bình rượu quý đã ngâm mấy năm ra mời Giang.
Anh không hề tỏ vẻ khinh miệt với người nhà quê, thậm chí còn chẳng có sự mỉa mai như lần đầu gặp tôi, suốt cả buổi Giang ăn uống nói chuyện rất tự nhiên, bác trai mời chén nào anh uống chén đó, thậm chí khi anh trai con nhà bác tôi hỏi anh làm ở công ty nào, Giang cũng chỉ khiêm tốn giới thiệu mình làm nhân viên ở Trường Thịnh.
Cả nhà bác gái tôi rất quý anh, bữa cơm hôm đó uống rượu đến tận 11 giờ đêm mới tàn cuộc. Lúc ra về thì sương đêm đã xuống rất nhiều rồi, Giang bọc tôi trong áo khoác của anh, lững thững nắm tay nhau đi về nhà.
Tôi nhìn bầu trời giao thừa bình yên ở quê hương, nhẹ nhàng thở ra một làn khói trắng:
– Sếp Giang, anh say chưa?
– Bình thường đi tiếp khách còn nhiều hơn thế này. Anh vẫn chịu được.
– Ở quê quý khách nên hay mời rượu như thế đấy. Lần sau anh cứ từ chối là được, không cần uống nhiều đâu.
Giang không trả lời, chỉ ôm lấy tôi, đẩy tôi đi về phía trước:
– Ở đây lát nữa có pháo hoa mừng giao thừa không?
– Mấy năm trước vẫn có đấy. Thanh niên lấy pháo hoa từ Lào về, cứ đến 12h đêm là đốt pháo hoa, có người thì đốt pháo cối, nổ đinh tai luôn.
– Chỗ nào ngắm pháo hoa được?
Tôi nghĩ ngợi một lát rồi chợt nhớ ra một nơi, không biết còn dùng được không, nhưng vẫn bảo:
– Có một chỗ, nhưng lâu rồi em không lên nên không biết có dùng được không nữa. Hay là lên thử xem nhé?
Giang bật đèn flash điện thoại lên, soi đường cho tôi:
– Ừ. Đi.
Nơi tôi đưa anh đến không phải là chỗ nào xa lạ, mà là triền đồi ngay sau nhà tôi. Ngày nhỏ, những lần bố tôi lên cơn ng.hiện đập phá đồ đạc, tôi với Tép thường xuyên phải chạy đi trốn, sau này trốn nhiều quá nên chúng tôi quyết định tự làm một “tổ chim” nhỏ ở trên cây. Ở đây có thể nhìn ra được một phần của thôn tôi.
May sao lúc chúng tôi lên đến nơi thì “tổ chim” vẫn còn, nơi này là một ngôi nhà gỗ nho nhỏ được dựng từ những cây luồng ghép lại, luồng ngâm rồi nên rất bền, bao nhiêu lâu mà vẫn không bị mối mọt. Hình như mấy đứa trẻ chăn bò còn dùng nó để nghỉ ngơi nên đã sửa lại mái, bên trong lót một ổ rơm thơm thơm.
Tôi bảo với anh:
– Đây là tổ chim ngày nhỏ em với Tép hay chơi trốn tìm đấy. Hình như mấy đứa con nít chăn bò cũng lên đây nên vẫn sạch sẽ lắm. Ngồi ở đây chắc thấy được pháo hoa.
Giang nhìn một vòng xung quanh rồi gật đầu:
– Giống tổ chim thật.
– Anh có thích không?
Anh vòng tay ôm lấy eo tôi, cùng tôi đứng ở lan can ngoài tổ chim, nhìn bầu trời đen thẫm bên ngoài:
– Thích, cái gì thuộc về em cũng thích.
– Sếp Giang.
– Ừ.
– Sao em cảm thấy lời nói của anh mờ ám thế?
Anh không nói gì, chỉ lặng lẽ cúi đầu hôn tôi, tôi cũng xoay người, vòng tay qua cổ anh rồi nhẹ nhàng đáp trả. Chúng tôi hôn nhau chưa được bao lâu thì bỗng dưng nghe một tiếng “vút” từ phía xa vọng đến, sau đó là những âm thanh đùng đoàng của pháo hoa nở rộ, tiếp theo cả bầu trời rực sáng, từng chùm lấp lánh tỏa đi khắp nhân gian, soi sáng cả núi rừng bình yên của tôi.
Tôi ôm chặt lấy eo anh, nói rành rọt từng chữ:
– Sếp Giang, chúc mừng năm mới. Chúc anh một năm thuận lợi, đánh đâu thắng đó, luôn bình an mạnh khỏe, chúc Trường Thịnh của anh ngày một vươn cao, tỏa sáng rực rỡ như pháo hoa.
– Chi.
– Dạ.
Anh nhìn tôi sâu nặng:
– Chúc em sẽ luôn mạnh khỏe. Thuận buồm xuôi gió. Về sau luôn ở bên anh.
– Sếp Giang.
– Ừ.
– Anh hôn em đi.
Anh mỉm cười, dịu dàng cúi xuống hôn tôi, giữa những tiếng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời, mười đầu ngón tay của chúng tôi đan chặt vào nhau, từ ngoài hành lang đến sàn nhà đầy rơm ở tổ chim, những tiếng thở dốc không ngừng cứ vang mãi, vang mãi, hòa lẫn với âm thanh náo nức của thanh niên đốt pháo hoa ngoài kia.
Khi cùng nhau trèo lên đỉnh cao hoan ái, tôi nắm lấy hòn đá nhỏ trên sợi dây đeo trên tay anh. Nhỏ giọng thì thầm:
– Sếp Giang, em buộc anh lại rồi đấy.
– …
– Núi là em, sông là anh. Trời cao đất dày, núi rộng sông dài.
Anh ôm siết lấy eo tôi, bờ môi gặm cắn cánh môi tôi, hơi thở khàn đặc nóng hổi:
– Anh sẽ không tháo ra đâu. Anh hứa!
– Sếp Giang, em rất yêu anh.
Tựa như pháo hoa bên ngoài cửa sổ, sáng lạn rực rỡ, cháy bỏng nồng nàn, dũng khí hết mình…
Nhưng tôi lại quên mất, pháo hoa dù đẹp đến mấy cũng chỉ sáng trong một khoảng thời gian rồi lụi tàn rất nhanh, giống như tình yêu đầu đời của tôi vậy!

Yêu thích: 4.4 / 5 từ (25 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN