Quo Vadis - Chương 1
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
140


Quo Vadis


Chương 1


Petronius thức giấc vào lúc gần giữa trưa và như thường lệ, mệt mỏi vô cùng. Hôm qua, ông ấy dự yến tiệc ở nhà Nêrô(1), bữa tiệc kéo dài mãi tận khuya. Từ một lúc nào đấy, sức khỏe của ông bắt đầu suy sụp. Chính ông bảo rằng, buổi sáng khi tỉnh giấc ông cảm thấy như bị liệt cả người và không sao tập trung tư tưởng nổi. Song việc tắm sáng cũng xoa bóp kỹ lưỡng toàn thân do các nô lệ thành thạo công việc này làm đã thúc nhanh dần sự tuần hoàn dòng máu biếng nhác của ông, đánh thức cơ thể ông khiến nó hồi tỉnh lại, trả lại cho ông sức lực và đến khi bước ra khỏi gian cuối cùng của phòng tắm – elaeo!hesium – thì trông ông dường như vừa mới được hồi sinh, với cặp mắt long lanh ánh hài hước và niềm vui, trẻ hẳn lại, tràn trề sinh lực, trang nhã không ai bì. Ngay cả đến chàng Otho cũng không thể sánh cùng ông, quả đúng là cái tên người ta vẫn gọi ông: arbiter elegantiarum(2).

Hiếm khi ông lui tới các nhà tắm công cộng, trừ khi có nhà hùng biện nào đó gây nên sự kinh ngạc và được người ta đồn đại khắp thành phố, hoặc có những cuộc đấu đặc biệt hấp dẫn trong các trường thiếu sinh quân. Vả chăng, trong khu dinh thự của ông cũng có các phòng tắm riêng được chính Xeler – người cộng sự nổi tiếng của Xeverux – mở rộng, xây thêm và bài trí tuyệt vời đến nỗi chính Nerô cũng phải thừa nhận là chúng hơn hẳn các phòng tắm của hoàng đế, dẫu các phòng tắm của hoàng đế rộng hơn và xa hoa khôn sánh.

Vậy là, sau bữa yến đêm qua, – trong đó, quá ngán ngẩm với những trò hề của Vatynius, ông đã cùng với Nerô, Lukan và Xenexion tham dự cuộc phiếm luận: Đàn bà có linh hồn hay không? – ông dậy muộn và đi tắm như thường lệ. Hai tên nô lệ chuyên phục vụ việc tắm, người lực lưỡng, đặt ông lên chiếc bàn bằng gỗ trắc bá phủ lụa Ai Cập trắng như tuyết, rồi nhúng tay vào dầu thơm bắt đầu xoa khắp thân hình có những đường nét rất đẹp đẽ của ông, còn ông nằm nhắm mắt chờ cho sức nóng của dầu laconicum cùng hơi ấm bàn tay chúng thấm vào người xua đi sự mệt mỏi.

Một lát sau, ông cất tiếng và mở mắt ra; ông bắt đầu hỏi han về thời tiết, sau đó về mấy viên ngọc chạm mà lão thợ kim hoàn Idomen đã hứa là hôm nay sẽ gửi tới cho ông xem… Thì ra, trời rất đẹp với gió nhẹ từ núi Anban thổi tới, còn số ngọc chạm thì vẫn chưa được mang đến. Petronius nhắm mắt lại và ra lệnh chuyển ông sang phòng ấm(3). Vừa lúc đó, từ sau bức trướng che, viên xướng danh ló vào báo tin chàng Markux Vinixius trẻ tuổi vừa từ Tiểu Á trở về xin vào thăm ông.

Petronius truyền cho mời khách vào phòng ấm rồi tự mình bước sang đó. Vinixius là con trai của chị ông, người mà nhiều năm về trước đã kết hôn cùng Marek Vinixius, cựu chấp chính quan từ thời Tyberius. Hiện giờ chàng đang phục vụ dưới trướng tướng quân Korbulon chống lại quân Parlơ, và sau khi chiến tranh kết thúc chàng vừa trở về thành phố. Đối với chàng bên cạnh tình thân gắn bó, Petronius vốn có một sự mềm yếu, vì Markux là một chàng thanh niên xinh đẹp và lực lưỡng, đồng thời, trong sự hư đốn của mình chàng vẫn giữ được một mức độ mỹ miều nhất định, điều mà ông Petronius đánh giá cao hơn cả.

– Xin kính chúc sức khỏe cậu Petronius, – chàng trai vừa nói vừa bước những bước mềm mại vào phòng ấm, – Cầu tất cả các thần linh ban phước lành cho cậu, nhất là Axklepios và Kipryđa, vì dưới sự che chở của hai vị thần đó thì không thể có sự rủi ro nào xảy đến với cậu.

– Chào mừng anh tại Rôma, cầu cho anh được hưởng sự nghỉ ngơi dịu ngọt sau buổi chiến chinh – Petronius vừa đáp vừa luồn tay ra từ giữa những nếp gấp của thứ vải karbax mềm mại mà ông quấn quanh người – thế ở Armenia có chuyện gì mới không? Lúc tiêu dao ở châu Á anh có ghé thăm Bitynia chứ?

Hồi trước Petronius là tổng đốc Bitynia, ông đã cai trị xứ ấy một cách mềm dẻo và công minh. Điều đó mâu thuẫn một cách kỳ lạ với tính cách của con người vốn nổi tiếng là ẻo lả và đam mê lạc thú này. Vì vậy, ông thường thích nhắc đến thời kỳ ấy, nó là bằng chứng chứng tỏ ông có thể làm được gì và biết làm gì nếu như ông muốn.

– Cháu đã có dịp tới Heraklea – Vinixius đáp – Ngài Korbulon phái cháu đến đấy với lệnh đòi viện binh.

– Ôi! Heraklea! Ở xứ đó cậu có quen một thiếu nữ quê ở Kolkhiđa, vì nàng cậu sẵn sàng hiến dâng tất cả các ả ly dị chồng ở đây, kể cả Poppêa nữa! Song đó là chuyện xưa rồi. Tốt nhất anh hãy nói xem có chuyện gì mới mẻ ở vùng biên giới với bọn Parlơ hay không? Quả tình cậu cũng đã quá ngán cái xứ Vologeđa, cả Tyryđala Tygranex, lẫn cái lũ man rợ, mà cứ như anh chàng Arunalux khẳng định thì tại gia chúng vẫn chuyên môn bò bốn chi, chỉ trước mặt chúng ta mới làm ra vẻ con người mà thôi. Song bây giờ ở Rôma người ta lại hay nói nhiều tới chúng, có lẽ vì nói về chuyện khác thì không được an toàn.

– Cuộc chiến tranh này đang ở tình thế tồi tệ, và giá như không có ngài Korbulon thì rất có thể nó đã biến thành một cuộc thảm bại.

– Korbulon! Đó quả là một chiến thần, một thần Marx hiển hiện, một thủ lĩnh vĩ đại vừa cuồng nhiệt vừa chính trực, vừa ngu xuẩn. Cậu thích ông ta, ít nhất thì cũng là vì Nerô sợ ông ta.

– Ngài Korbulon đâu phải là kẻ ngu xuẩn.

– Có thể là anh có lý, song thực ra chuyện đó cũng chẳng có ý nghĩa gì. Sự ngu xuẩn, nói như Pyron, hoàn toàn không tồi tệ hơn và cũng chẳng khác gì sự thông thái.

Vinixius bắt đầu kể về cuộc chiến tranh, song Petronius đã cụp mi mắt xuống; nhìn thấy vẻ mặt mệt mỏi và hơi tọp đi của ông, chàng trai liền thay đổi câu chuyện và bắt đầu ân cần hỏi thăm sức khỏe của ông. Petronius lại mở mắt ra.

Sức khỏe!… Không, ông không cảm thấy mình khỏe chút nào. Ông chưa suy sụp đến mức như chàng trẻ tuổi Xixena, người bị mất cảm giác đến nỗi, buổi sáng khi được người ta mang tới nhà tắm, đã hỏi: “Có phải ta đang ngồi hay không nhỉ?”. Song ông không khỏe, Vinixius cầu các thần Axklepiox và Kipryđa phù hộ cho ông song chính ông, Petronius, lại không tin Axklepiox. Không ai biết cái gã Axklepiox ấy là con của bà nào, của Arxinoe hay của Koroniđa; mà khi đến mẹ đẻ còn chưa chắc là ai thì còn nói gì tới cha cơ chứ. Vả chăng thời nay, ai là kẻ còn dám đoan chắc, dù là cha đẻ của mình thật!

Nghĩ tới đây, Petronius bật cười nói tiếp:

– Thực ra, hai năm trước, cậu cũng có gửi tới Epiđaurơ biếu ba tá chim sáo còn sống và một cái cúp bằng vàng nhưng anh có biết vì sao không? Cậu tự nhủ rằng: có ích thì không có ích, nhưng cũng chẳng có hại gì. Sở dĩ trên đời người ta vẫn đang hiến dâng lễ vật cho các thần chẳng qua là vì mọi người đều nghĩ như cậu mà thôi. Tất cả mọi người. Có lẽ chỉ trừ bọn đánh la thuê cho khách bộ hành ở Porta Capena. Ngoài Axkleppiox, cậu cũng từng chạm trán với bọn axklepiađ(4) vì hồi năm ngoái cậu bị bỏng da qua loa, bọn chúng bèn làm lễ trừ độc cho cậu. Cậu cũng biết thừa rằng chúng nó là phường lừa đảo, song cậu tự nhủ: thì chuyện đó có hại gì cho ta đâu cơ chứ?

Thế giới này tồn tại trên sự lường gạt, còn cuộc sống chỉ là ảo giác mà thôi. Linh hồn cũng là một ảo giác. Có điều cần phải có đủ trí thông minh để biết phân biệt giữa ảo giác sướng và ảo giác khổ. Trong hệ thống sưởi ấm của cậu, cậu cho đốt gỗ bá hương có rắc thêm long diên hương, vì trong cuộc sống cậu ưa hương thơm hơn mùi xú uế. Còn nếu nói về nữ thần Kipryđa mà anh đã giới thiệu thì cậu cũng đã từng được nếm sự che chở của nàng đến nỗi phải bị chích máu ở chân phải. Song nói cho công bằng, đó quả là một vị nữ thần tốt bụng. Cậu đồ rằng chóng hay chầy thì cả anh nữa cũng sẽ dâng bồ câu trắng lên bàn thờ của nàng mà thôi.

– Quả có vậy, – Vinixius đáp – Những mũi tên của bọn Parlơ không hề chạm được tới da cháu, vậy mà cháu lại bị trúng mũi tên nhỏ xíu của thần ái tình Amor, một cách hết sức bất ngờ, vì chỉ cách cổng thành có vài xtađion(5) mà thôi.

– Thề có các đầu gối trắng phau của các nữ thần Kharyta! Lúc nào rỗi rãi anh phải kể cho cậu nghe chuyện ấy nhé.

– Cháu tới đây chính là để khẩn cầu lời khuyên bảo của cậu. – chàng Markux đáp.

Chính vào lúc đó, đám nô lệ chuyên sửa sang râu tóc bước vào và bắt đầu bận rộn chung quanh Petronius còn chàng Markux cũng trút bỏ áo tunien bước vào bồn nước ấm, bởi ông Petronius mời chàng cùng tắm.

– À, cậu cũng chưa hỏi xem anh có được đáp tình hay chăng? – Petronius vừa nói vừa ngắm nghía thân hình trẻ trung như được tạc bằng cẩm thạch của Vinixius. – Giá mà Lizyp được trông thấy anh thì chắc hẳn giờ đây anh đã làm đẹp cho cửa ngọ môn dẫn vào cung điện Palatyn dưới dạng tượng chàng Herkulex lúc đang còn ở tuổi thanh xuân rồi đấy.

Tươi cười vì hài lòng, chàng trai bắt đầu vừa dìm ngập người xuống nước vừa té nước ấm lên bức phù điêu chạm hình nữ thần Hêra, lúc nàng đang cầu xin Thần Mộng hãy ru ngủ Zeux. Ông Petronius nhìn chàng bằng ánh mắt hài lòng của một nghệ sĩ.

Khi chàng đã tắm xong và để cho đám nô lệ chuyên sửa sang râu tóc phục dịch thì người nô lệ xướng đọc bước vào với một chiếc hộp màu nâu trước bụng, bên trong có vài cuộn giấy.

– Anh có muốn nghe không? – Petronius hỏi.

– Nếu là tác phẩm của cậu thì cháu rất vui lòng! – Vinixius đáp – còn nếu không thì cháu muốn được chuyện trò hơn. Thời bây giờ bọn thi sĩ cứ rình tóm lấy người ta ở từng góc phố.

– Chứ sao nữa! Không có một nhà thờ nào, không một nhà tắm công cộng, một thư viện hay hiệu sách nào mà khi đi ngang qua, anh không thấy một gã thi sĩ đang múa may như khỉ. Khi từ Phương Đông tới đây, Agrypa cứ ngỡ bọn chúng là người điên. Song thời thế bây giờ là thế đấy. Hoàng thượng làm thơ, vậy là tất cả bàn dân thiên hạ đều đi theo vết của người. Có điều không được phép làm thơ hay hơn hoàng thượng mà thôi, và chính vì lý do đó, cậu hơi lo lắng cho Lukan… Còn cậu, cậu chỉ viết tản văn, thứ văn mà cậu chẳng mời ai phải nếm, kể cả bản thân cậu nữa. Cái mà tên nô lệ xướng đọc này sắp đọc là các bản bổ sung chúc thư của anh chàng Fabryxiux Veyento tội nghiệp.

– Sao lại “tội nghiệp” ạ?

– Bởi vì người ta đã truyền cho hắn phải sắm vai Ôđixê và không được trở về với gia đình cho tới khi nào có lệnh mới. Đối với hắn, thiên Ôđixê này sẽ dễ chịu hơn nhiều so với chàng Ôđixê, vì vợ hắn không phải là nàng Penelop. Có lẽ cậu cũng chẳng cần phải nói rõ thêm với anh là người ta đã xử sự một cách ngu ngốc. Song ở đây người ta chỉ cần tóm bắt lấy cái vỏ ngoài của mọi chuyện mà thôi. Đây là một quyển sách khá tầm thường và đáng ngán mà người ta chỉ bắt đầu say mê đọc khi tác giả của nó đã bị đầy biệt xứ. Bây giờ thì khắp tứ phía người ta đều gào lên: “Xcandala, Xcandala”. Cũng rất có thể là Veyento đã nghĩ ra được vài điều gì đấy, song riêng cậu, cậu hiểu rõ cái thành phố này, hiểu rõ các vị quý tộc lẫn đám đàn bà của chúng ta, cậu dám cam đoan với anh rằng: tất cả những điều đó đều nhợt nhạt hơn thực tế rất nhiều. Giờ đây, theo cách riêng của mình, mỗi người đều sục tìm trong sách đó bản thân mình lẫn nỗi âu lo, còn tìm người quen kẻ thuộc với sự hứng khởi. Ở hiệu sách của Avirunux hiện đang có một trăm tên ký lục sao lại quyển sách này theo lối đọc chính tả và sự thành công có thể nói là cầm chắc.

– Trong ấy không có chuyện gì về cậu à?

– Có chứ, nhưng tác giả đã bắn chệch đích vì thực ra cậu vừa tồi tệ hơn lại vừa ít nông cạn hơn là y mô tả. Anh thấy đấy, ở chốn này, đã từ lâu lắm rồi, chúng ta đã đánh mất đi cảm giác về cái chính đáng và cái không chính đáng mà nói thực tình thì cậu cũng cho rằng chẳng hề có sự khác biệt nào giữa hai thứ đó, mặc dù cả Xeneka lẫn Mozunius và Trazeas đều vờ vĩnh làm như họ thấy được sự khác nhau ấy. Cậu thì sao cũng xong! Thề có Heraklex, cậu nghĩ thế nào nói thế! Có điều, cậu vẫn còn hơn họ ở chỗ cậu vẫn hiểu được cái gì là đẹp cái gì là xấu, điều mà – nói thí dụ – gã Râu Đỏ(6) – chàng thi sĩ, người đánh xe đua, ca sĩ, vũ công kiêm kịch sĩ của chúng ta – không hề biết.

– Cháu vẫn thấy tội nghiệp cho Fabryxius. Anh ấy vốn là một người bạn tốt bụng.

– Chính lòng tự tôn đã làm hại anh ta. Ai cũng nghi ngờ anh ta, chẳng ai hiểu thật rõ, song chính anh ta lại không kìm giữ nổi và tự thổ lộ cho mọi người xung quanh với vẻ bí bí mật mật. Anh đã biết chuyện Rufinux chưa?

– Chưa ạ.

– Thế thì sang phòng mát ta cùng ngồi mát và cậu sẽ kể anh nghe chuyện ấy.

Họ bước sang phòng mát, ở giữa phòng có vòi phun nước phun ra một thứ nước màu hồng nhạt tỏa mùi hương hoa đồng thảo. Ở đó, họ ngồi mát trong những hõm tường trải lụa. Một giây im lặng bao trùm, Vinixius trầm ngâm ngắm pho tượng thần Đồng Nội màu nâu đang ghì chặt thân hình một nàng tiên nữ, môi thèm khát tìm gặp môi nàng, lúc sau chàng cất tiếng:

– Tay này có lý. Đây quả là điều tuyệt diệu nhất trong đời.

– Cũng gần đúng như thế. Song trừ điều đó ra anh còn yêu thích chuyện chiến chinh, điều mà cậu không thích, vì sống trong lều trại, móng tay cứ bị gãy vụn ra và mất hết sắc hồng. Nói cho cùng, mỗi người đều có thú vui riêng. Gã Râu Đỏ thích ca hát và mê nhất tiếng hát của chính gã; lão Xcaurux thì yêu cái độc bình Koryntơ, đêm đêm được đặt cạnh giường lão và được lão hôn hít mỗi khi không ngủ được. Lão đã hôn đến cùn cả miệng bình rồi đấy. À, hãy nói cho cậu biết, anh có hay làm thơ không?

– Không ạ, cháu chưa bao giờ đặt trọn một bài lục phách.

– Anh cũng không biết chơi đàn luýt và không hát chứ?

– Không ạ?

– Cũng không đua ngựa?

– Hồi còn ở Antiokhia cháu cũng có đua nhưng không mấy thành công.

– Thế thì cậu có thể yên tâm về anh. Thế ở trường đua anh thuộc phái nào?

– Phái Xanh lục ạ.

– Vậy thì cậu hoàn toàn yên tâm. Thêm nữa, mặc dù cũng có tài sản lớn song anh vẫn chưa giầu bằng Palax hay Xeneka. Vì anh thấy đấy, ở chốn này bây giờ, làm thơ, ca hát, chơi đàn luýt, ngâm xướng hay đua tài ở hý trường đều tốt cả, nhưng an toàn hơn là đừng làm thơ, đừng ca hát, đừng chơi đàn và đừng đuổi nhau ở hý trường. Và tốt nhất là biết tán thưởng khi gã râu đỏ thi thố các chuyện đó. Anh là một đứa bé xinh xẻo, nên có thể bị một mối đe dọa là Poppea phải lòng anh. Song ả ta đã quá đủ kinh nghiệm để có thể không bị dính vào chuyện đó. Cô ả đã xài quá đủ tình yêu với hai đức ông chồng đầu tiên rồi, còn với ông chồng thứ ba này thì ả ta cần thứ khác kia. Anh biết không, cho đến bây giờ, gã Otho vẫn còn say cô ả đến phát điên lên. Y lang thang trên những phiến đá ở Tây Ban Nha, thở dài thườn thượt, quên tiệt cả những thói quen ngày xưa và thôi chăm lo bản thân đến nỗi mỗi ngày y chỉ cần có ba giờ đồng hồ để sửa sang đầu tóc mà thôi! Ai có thể ngờ được chuyện ấy, nhất là đối với Otho.

– Cháu hiểu y – Vinixius đáp – nhưng giá ở địa vị y thì cháu sẽ làm một việc khác kia.

– Việc gì?

– Thành lập những đội quân trung thành từ đám dân sơn cước vùng đó. Dân Iber vốn là những chiến sĩ quả cảm.

– Ôi, Vinixius! Vinixius! Suýt nữa thì cậu buột miệng nói rằng anh không có khả năng làm việc đó. Anh có biết vì sao không? Những việc như thế người ta chỉ làm mà không nói, dù là nói có điều kiện đi chăng nữa. Cứ như cậu thì ở vào địa vị của y, cậu sẽ cười vào mũi cả Poppea lẫn Râu Đỏ, và cậu cũng sẽ thành lập riêng cho mình những đạo quân người Iber, nhưng không phải đàn ông mà đàn bà. Cùng lắm, cậu sẽ viết những bài đoản thi, nhưng sẽ chẳng đọc cho một ai nghe như anh chàng Rufinux đáng thương nọ.

– Cậu hứa là kể cho cháu nghe chuyện anh ta mà?

– Sang buồng xức dầu thơm cậu sẽ kể anh nghe.

Song ở buồng xức dầu sự chú ý của chàng Vinixius lại chuyển sang một đối tượng khác, cụ thể là các nữ tỳ tuyệt đẹp đang chờ họ. Hai trong số ấy, hai thiếu nữ da đen trông giống hệt những pho tượng tuyệt vời bằng gỗ mun bắt đầu xoa lên người họ các loại dầu Ai cập thơm dịu; những thiếu nữ khác, những cô gái Frygia giỏi chải tóc, cầm lược và những tấm gương bằng thép đánh bóng trong những vòng tay mềm mại như mình rắn của họ; còn hai thiếu nữ Hy Lạp quê ở đảo Kox, trông hệt như hai nàng tiên nữ, hai nô tỳ chuyên sửa sang quần áo cho chủ thì đang chờ đợi giây phút được sửa sang nếp gấp trên những chiếc áo dài toga cho họ.

– Thề có Zeux – Thần thu mây: – Markux Vinixius thốt lên – Bộ sưu tập của cậu mới tuyệt làm sao!

– Cậu chuộng chất lượng hơn số lượng – ông Petronius đáp – Toàn bộ gia nô của cậu tại Roma chưa tới bốn mươi đầu, và cậu đồ rằng, có lẽ bọn già nhà giàu mới phất còn có nhiều người phục dịch hơn cậu.

– Cả đến Râu Đỏ cũng không có được những tấm thân ngà ngọc hơn thế này – Vinixius vừa nói vừa phập phồng hai cánh mũi.

Ông Petronius liền đáp với vẻ suồng sã bạn bè:

– Anh là người ruột thịt với tôi, còn tôi thì vừa không vô dụng như Baxxux, vừa không quá cầu kỳ như Aulux Plauxius.

Vừa nghe thấy cái tên sau, trong chốc lát Vinixius quên đi các thiếu nữ đảo Kox, chàng sôi nổi hỏi:

– Sao tự nhiên cậu lại nghĩ tới Aulux Plauxius? Cậu biết không, sau khi bị dập thương cánh tay ở ngay sát thành phố, cháu đã lưu lại nhà ông ấy mười mấy ngày liền. Ông Plauxius tình cờ có mặt đúng vào lúc xảy ra tai nạn, và khi trông thấy cháu quá đau đớn ông ấy bèn mang cháu về nhà; tại đó, một tên nô lệ là thầy thuốc Merion đã chữa lành vết thương cho cháu. Chính cháu định thưa lại với cậu chuyện ấy.

– Vì sao vậy? Chẳng lẽ tình cờ anh lại phải lòng bà Pomponia hay sao? Nếu vậy thì cậu thật buồn cho anh: Bà ta chẳng còn trẻ trung gì nữa mà lại là người đức hạnh. Cậu không thể tưởng tượng ra một chuyện quan hệ nào đáng buồn hơn thế nữa! Brrr!

– Không phải là bà Pomponia đâu, ơ hơ! – Vinixíu nói.

– Thế thì phải lòng ai?

– Giá như cháu biết được phải lòng ai! Thậm chí đến tên nàng cháu còn chưa biết rõ: Ligia hay Kalina? Ở trong nhà người ta coi nàng là Ligia vì nàng là người thuộc dân tộc Ligi, song nàng còn có một cái tên man dã nữa là Kalina. Nhà Planxius quả thật là một gia đình kỳ lạ. Nhà thì đông người mà cứ lặng như tờ. Suốt mười mấy ngày trời cháu đâu có biết là ở đó có một nàng tiên nữ. Mãi cho tới một sớm mai kia cháu mới trông thấy nàng đang tắm ở vòi nước phun trong vườn. Và cháu xin thề trên những đám bọt nước đã sinh ra nữ thần Afrodia rằng ánh bình minh đã xuyên qua suốt thân thể nàng. Cháu cứ ngỡ rằng khi mặt trời lên, nàng sẽ tan biến ra hòa vào ánh sáng như buổi rạng đông trải rộng nơi kia. Kể từ lúc ấy cháu chỉ được trông thấy nàng thêm hai lần nữa và cũng từ lúc ấy, cháu không còn biết thế nào là sự yên tĩnh, không cón biết đến nỗi khát vọng nào khác, cháu muốn biết đến những gì mà đô thành có thể cho cháu, cháu không còn thiết đàn bà, không màng vàng bạc, không thích đồng thau Koryntơ cùng hổ phách, chẳng ham ngọc trai, rượu nho hay yến tiệc, cháu chỉ khát khao mỗi mình Ligia. Xin thưa thật cùng cậu, thưa Petronius, cháu tương tư nàng như Thần Mộng được chạm trên bức phù điêu đặt trong phòng ấm của cậu kia, tương tư nàng Paxytea, suốt ngày đêm cháu chỉ mơ tưởng đến nàng thôi.

– Nếu cô ta là nô tỳ thì anh hãy mua lại đi

– Nàng đâu có phải là nô tỳ.

– Vậy thì nàng là ai? Nô tỳ đã được giải phóng(7) của ông Plauxius chăng?

– Nàng chưa bao giờ là nô tỳ, vậy sao lại có thể là nô tỳ giải phóng được.

– Thế nghĩa là gì?

– Cháu cũng không rõ nữa: Nàng là công chúa hay thứ gì tương tự như thế.

– Anh làm cậu đâm tò mò rồi đấy, Vinixius ạ!

– Nếu cậu vui lòng nghe cháu kể thì xin làm thỏa mãn sự tò mò của cậu ngay bây giờ. Câu chuyện cũng không dài lắm. Có thể cậu có quen biết Vannius, vua của dân Xveb, người mà sau khi bị đuổi khỏi quê hương đã lưu trú một thời gian dài tại Roma đây, thậm chí ông còn trở lên nổi tiếng vì gặp may mắn trong cờ bạc và giỏi đua ngựa nữa. Về sau hoàng đế Druxux lại đưa ông trở lại ngai vàng. Vốn là người giỏi giang, ban đầu Vannius trị vì rất giỏi và đã chiến tranh thắng lợi, nhưng về sau ông ta bắt đầu bóc lột một cách quá đáng không chỉ những vị láng giềng của mình mà thậm chí cả dân Xveb nữa. Thế là Vangio cùng Silo, hai đứa cháu gọi ông ta bằng cậu, con của Vibilius, quốc vương Hermanđur liền quyết định bắt ông ta phải quay về Roma để… tìm hạnh phúc trong cờ bạc.

– Cậu còn nhớ, đó là vào thời Klauđius cách đây chưa lâu.

– Vâng! Thế là chiến tranh nổ ra. Vannius bèn cầu viện quân Jazyg, còn mấy đứa cháu yêu quý của ông ta thì lại cầu viện người Ligi. Bọn này đánh hơi thấy của cải của Vannius và bị lôi cuốn bởi hy vọng được cướp bóc, liền kéo tới đông vô kể, khiến cho chính hoàng đế Klauđius bắt đầu lo ngại cho sự yên ổn của vùng biên giới. Tuy không muốn dính dáng vào cuộc chiến tranh man rợ, song hoàng đế cũng viết thư cho Atelius Hixter, người thống lĩnh chiến đoàn Thượng Đunai, lệnh cho ông ta phải để mắt đến diễn biến của cuộc chiến tranh này và đừng để cho người ta làm xáo động sự thanh bình của chúng ta. Hixter bèn đòi dân Ligi phải cam kết không được vượt qua biên giới, bọn này không những chấp thuận điều kiện ấy mà còn gửi người làm con tin, trong số đó có cả vợ và con gái của thủ lĩnh của chúng… Cậu cũng biết đấy, khi ra trận dân man di thường mang theo cả vợ con… Và nàng Ligia của cháu chính là con gái viên thủ lĩnh nọ.

– Làm sao anh biết được tất cả những chuyện đó?

– Chính Aulux Plauxius kể cho cháu nghe. Hồi ấy quả tình dân Ligi không vượt qua biên giới, song bọn man di thường kéo tới và rút đi nhanh như bão tố, và dân Ligi, với những cặp sừng bò tót trên đầu cũng biến đi nhanh như thế. Chúng đã đánh tan tác quân Xveb của Vannius cùng lũ người Jazyg, nhưng vua của chúng bị tử trận, thế là chúng rút lui, mang theo những của cải vừa cướp được, để lại đám con tin trong tay của Hixter. Chẳng bao lâu sau, người mẹ chết, còn đứa bé thì Hixter cũng không biết làm gì với nó, bèn gửi đến cho Pomponius, hồi ấy là thống đốc cả vùng Germania. Sau khi kết thúc chiến tranh với người Kat. Pomponius quay về Roma và như cậu biết đấy, ông ta được Klauđius ban cho lễ khải hoàn. Khi ấy, cô bé đi theo sau cỗ xe người chiến thắng. Nhưng sau khi nghi lễ đã kết thúc, vì không thể đối xử với con tin như với tù binh, hơn nữa chính Pomponius cũng không biết nên làm gì với cô bé, nên rốt cuộc ông ta đã đưa cô bé cho em gái là bà Pomponia Grexyna, vợ của Plauxius. Trong ngôi nhà ấy, nơi mà tất thảy mọi thứ – kể từ các ông chủ cho đến gà vịt trong chuồng – đều đức hạnh, cô bé lớn lên thành một nàng thục nữ, mà than ôi, cũng đức hạnh như chính bà Grexyna và xinh đẹp tuyệt trần, đến nỗi ở bên cạnh nàng thì ngay cả Poppea cũng chỉ giống như một trái vải mùa thu đặt bên một quả táo Hexperia mà thôi.

– Thế rồi sao nữa?

– Và cháu xin nhắc lại, kể từ lúc trông thấy những tia sáng mặt trời xuyên suốt qua người nàng bên đài phun nước, thì cháu lập tức yêu nàng say đắm.

– Thế nghĩa là nàng trong suốt như một chiếc bóng đèn hay như một chú cá trích non chăng?

– Xin cậu đừng đùa nữa. Petronius. Còn nếu như sự thoải mái của cháu khi nói về nỗi khát khao của mình khiến cậu hiểu lầm, thì xin cậu hãy hiểu cho rằng nhiều khi những chiếc áo dài sặc sỡ thường giấu che những vết thương sâu. Cháu cũng xin thưa với cậu rằng, lúc từ châu Á quay về, cháu có ngủ một đêm ở đền thờ thần Mopxux để xin báo mộng. Trong giấc mơ, chính thần Mopxux hiện ra và bảo cháu rằng, trong đời cháu sẽ có một sự biến đổi lớn lao do tình yêu gây nên.

– Cậu từng nghe Plinius nói rằng ông ta không tin thần thánh nhưng lại tin vào mộng mị, và rất có thể là ông ta có lý. Những lời bông đùa của cậu cũng không cản trở chuyện đôi khi cậu nghĩ rằng chỉ có duy nhất một vị thần, vĩnh hằng, đầy sáng tạo, quyền lực vô biên – đó là Venux Genitrix. Một mình nữ thần thâu tóm cả linh hồn lẫn thể xác cùng mọi vật. Erox đã đưa thế giới ra khỏi cảnh hỗn mang. Thần làm chuyện đó tốt hay không là chuyện khác, nhưng nếu quả có thể thì chúng ta phải thừa nhận sự hùng mạnh của thần, mặc dù chúng ta hoàn toàn có thể không cầu nguyện cho sự hùng mạnh ấy.

– Ôi cậu Petronius! Trên đời này tìm ra một thứ triết học còn dễ hơn là cầu được một lời khuyên tốt.

– Thì anh hãy nói cậu nghe anh cần gì nào?

– Cháu muốn có được Ligia. Cháu muốn những cánh tay đang ôm không khí của cháu sẽ được ôm nàng và ghì chặt nàng vào ngực. Cháu muốn được thở hít hơi thở của nàng. Giá như nàng là nô lệ, thì để có được nàng, cháu sẵn sàng đổi cho ông Aulux một trăm thiếu nữ chân bôi vôi trắng ra dấu là họ bị mang bán lần đầu tiên. Cháu muốn có nàng trong nhà cháu cho tới khi đầu cháu bạc trắng như đỉnh Xoracte trong mùa đông.

– Nàng tuy không phải là nô lệ nhưng vẫn thuộc đám gia nhân của Plauxius, và vì rằng nàng là một đứa trẻ bị bỏ rơi nên có thể xem như gia nhân. Plauxius có thể nhường lại cho anh nếu như ông ta muốn.

– Thế thì có lẽ cậu chưa biết tính bà Pomponia Grexyna. Mà thực ra cả hai ông bà đều gắn bó với nàng như đứa con rứt ruột đẻ ra vậy.

– Bà Pomponia thì cậu biết. Quả là một biểu tượng của tang tóc. Giá bà ta không phải vợ ông Aulux thì có thể thuê bà ta làm người khóc mướn được đấy. Từ sau khi Julia chết bà ta vẫn chưa trút bỏ tấm áo khoác đen và đại thể nom bà ta cứ như một hồn ma chưa siêu tịnh vậy. Thêm vào đó, bà ta lại chính chuyên chỉ có mỗi một chồng, nên giữa đám phu nhân li dị bốn năm bận của chúng ta, bà ta quả là một chim phượng hoàng Fenikx. Mà này, anh có nghe nói chim thần Fenikx lại đang nằm ổ ở Thượng Ai Cập, điều mà từ trước đến nay ít nhất cũng phải tới năm trăm năm mới xảy ra một lần hay không?

– Ôi cậu bảo anh cái này vậy nhé, Marck của cậu! Cậu quen với ông Aulux Plauxius, và mặc dù phỉ báng lối sống của cậu, ông ta vẫn có một chỗ mềm lòng đối với cậu, thậm chí còn tôn trọng cậu hơn những kẻ khác, vì ông ta biết rằng chưa bao giờ cậu là kẻ ton hót như: Đominius, Afer, Tygelius hay cả đám bạn bè của Ahenobarbux. Không cố tỏ ra cương trực, song cũng đã nhiều lần cậu cau mặt trước những hành vi này khác của Nêrô, những hành vi mà Xeneka và Burux chỉ dám he hé mắt nhìn. Nếu anh cho rằng cậu có thể yêu cầu ông Aulux giúp anh điều gì thì cậu rất sẵn lòng.

– Cháu nghĩ rằng cậu hoàn toàn có thể làm được. Cậu có ảnh hưởng đối với ông ta, thêm nữa trí óc cậu chứa biết bao phương sách nhiệm mầu. Giá như cậu có thể xem xét qua tình hình và nói chuyện với ông Plauxius.

– Anh đánh giá quá cao ảnh hưởng và tính bông phèng của cậu đấy, nhưng nếu chỉ có thể thôi thì cậu sẽ nói chuyện với ông Plauxius chừng nào gia đình ông ta quay trở về thành phố.

– Họ đã về được hai hôm rồi ạ.

– Vậy thì ta hãy đi sang phòng ăn, nơi bữa sáng đang đợi, rồi sau đó, khi đã lấy thêm sức lực, chúng ta sẽ ra lệnh cáng tới nhà ông Plauxius.

– Cậu bao giờ cũng chiều cháu – Vinixius hoan hỉ thốt lên – song lần này có lẽ cháu phải cho đặt tượng của cậu vào nơi thờ các gia thần nhà cháu để có thể dâng lễ vật lên cậu – Ồ, một pho tượng đẹp ngang pho tượng này này!

– Vừa nói thế chàng vừa quay về phía những pho tượng trang hoàng suốt cả một mặt tường của căn phòng sực nức hương thơm và chỉ vào tượng Petronius được tạc dưới hình thần Hermex tay cầm phương trượng chàng nói thêm:

– Thề có ánh sáng của thần Heliox! Nếu như Alekxander thiên thần mà giống được như cậu thì không có gì phải ngạc nhiên với nàng Helena cả!

Trong tiếng kêu đó có bao nhiêu hàm ý tán tụng thì cũng có bấy nhiêu phần chân thành, vì mặc dù lớn tuổi và ít lực lưỡng hơn, song Petronius trông còn xinh đẹp hơn cả Vinixius. Phụ nữ Roma không chỉ thán phục trí tuệ mẫn tiệp và óc thẩm mĩ tinh tế của ông – điều khiến ông được gọi là người phân định những chuyện hào hoa phong nhã – mà còn ngưỡng mộ cả thân hình ông nữa. Ngay cả lúc này đây cũng có thể nhận thấy sự ngưỡng mộ ấy trên nét mặt các thiếu nữ đảo Kox đang xếp đặt các nếp áo toga cho ông. Trong số đó có một nàng tên là Eunixe thầm yêu ông, nàng đang nhìn vào mắt ông với vẻ đắm say và kính cẩn.

Song ông không hề để ý tới chuyện ấy, ông mỉm cười với Vinixius, và thay cho câu trả lời, ông ứng khẩu đọc cho chàng nghe một câu châm ngôn của Xeneka về đàn bà:

– Animal impudens… etc…

Rồi choàng tay ôm vai chàng trai ông đưa chàng sang phòng ăn.

Hai thiếu nữ Hi Lạp, hai thiếu nữ Frygia và hai thiếu nữ da đen còn lại trong phòng xức dầu bắt đầu thu dọn các thứ dầu thơm khác. Chính lúc ấy, từ sau bức tường, đầu của đám nô lệ chuyên phục vụ việc tắm ló vào và có tiếng suỵt khẽ vang lên: Nghe tiếng gọi ấy, hai nữ tỳ Frygia, hai nữ tỳ Etiopia cùng một nữ tỳ Hi Lạp liền nhảy cẫng lên, và chỉ trong nháy mắt họ biến vào sau bức tường che. Trong các buồng tắm bắt đầu diễn ra một cảnh phóng túng và trụy lạc mà viên nội giám không hề ngăn cản, bởi chính gã cũng nhiều phen tham gia vào những trò phóng đãng tương tự. Thực ra ông Petronius cũng đoán ra chuyện đó, song vốn là người rộng lượng và không ưa quở phạt, ông chỉ làm ngơ.

Trong phòng xức đầu chỉ còn lại mình Eunixe. Nàng lắng nghe những giọng nói, tiếng cười xa dần về phía phòng tắm hơi rồi nhấc chiếc ghế đẩu hổ phách và ngà voi mà Petronius vừa ngồi lúc nãy, nàng thận trọng tiến đến gần pho tượng của ông. Phòng xức dầu thơm ngập ánh nắng mặt trời cùng muôn ánh hào quang phản chiếu từ những phiến đá cẩm thạch đủ màu lát mặt tường. Eunixe leo lên ghế và khi vừa cao ngang tầm pho tượng, nàng đột ngột choàng tay ôm vòng lấy nó rồi hất lằn tóc vàng óng của mình về phía sau lưng, nàng áp tấm thân hồng hào vào đá cẩm thạch trắng và ghì chặt môi nàng vào đôi môi lạnh giá của ông Petronius.

Chú thích:

(1) Trong nguyên bản có chỗ viết là Nêrôn, có chỗ viết Nêrô. Ở đây để tác phẩm thống nhất, chúng tôi đề là Nêrô để người đọc tiện theo dõi.

(2) Người đánh giá khách quan các chuyện hào hoa phong nhã (Latinh)

(3) Trong các nhà quý tộc ở Cổ La Mã thường có cả một hệ thống liên hoàn các buồng khác nhau nằm trong hệ thống phòng tắm (phòng tắm hơi nóng, phòng xoa bóp, phòng ấm, phòng mát, phòng lạnh, phòng sức dầu thơm, phòng mặc quần áo và trang điểm…). Trong nguyên bản, tên gọi những phòng này đều bằng tiếng La Tinh, cũng như tên gọi các loại nô lệ được sử dụng vào riêng từng việc một.

(4) Axklepiad: tên gọi chung các tín đồ của Axklepidex (120 – 56 tcn) thầy thuốc kiêm triết gia Bitynia.

(5) Xtađion: đơn vị đo chiều dài ở cổ Hy Lạp, thường dài 192m.

(6) Ám chỉ Nêrô vì hắn có bộ râu cằm màu hung hung đỏ. Nguyên văn: Râu Đồng Đỏ

(7) Nguyên văn: wyzwoleniee – những người vốn là nô lệ được chuộc lại hoặc được trả lại tự do. Ở cổ La Mã, họ chưa có được đầy đủ quyền công dân như những người tự do, chỉ đến đời con họ mới được hưởng đầy đủ quyền công dân.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN