Quo Vadis - Chương 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
153


Quo Vadis


Chương 2


Sau bữa ăn được gọi là bữa điểm tâm mà hai cậu cháu dùng vào lúc những kẻ phàm tục khác đã ăn xong bữa trưa từ lâu. Petronius bảo nên chợp mắt một lát. Theo ông, hãy còn quá sớm để đi thăm viếng. Quả tình cũng có những kẻ đi thăm người quen ngay từ lúc mặt trời mọc, mà lại còn coi đó là phong tục cổ của La Mã, nhưng ông Petronius thì coi đó là một tập tục dã man. Ban chiều là đúng lúc nhất, song cũng không được sớm hơn lúc mặt trời ngả về phía đền thờ thần Jupiter trên Kapitôl và bắt đầu chiếu xiên xuống Forum. Về mùa thu, thường hãy còn khá nóng nực, và người ta thích ngủ sau khi ăn cơm. Vào lúc ấy, quả thật là dễ chịu được lắng nghe tiếng lao xao của vòi nước phun trong chính sảnh thông thiên, rồi khi bước một nghìn bước bắt buộc, được chợp mắt trong ánh sáng màu đỏ mọc qua tấm che màu tía đã hạ xuống lưng chúng.

Vinixius thừa nhận là ông nói có lý và họ vừa bắt đầu dạo bước vừa trao đổi một cách phóng túng về những chuyện ở cung điện Palalyn và trong thành phố có pha đôi chút triết lý về cuộc đời. Rồi Petronius sang phòng ngủ, song ông chỉ chợp mắt một lát. Chỉ nữa giờ sau, ông đã bước ra, truyền mang mã tiên thảo tới và bắt đầu vừa ngửi vừa hít vừa dùng nó xát lên hai bàn tay và thái dương.

– Hẳn là anh không tin, – ông nói – nhưng thứ này làm người khỏe ra và tỉnh táo hẳn lên. Giờ thì cậu sẵn sàng rồi.

Kiệu chờ sẵn đã lâu, họ bèn ngồi vào kiệu và ra lệnh cáng tới Vieux Patrixius, tới nhà ông Aulux. Khu dinh thự của Petronius nằm trên sườn phía nam đồi Palutyn, gần nơi được gọi là Carinae, nên đường gần nhất là đi ngang qua phía dưới Forum, nhưng vì Petronius còn muốn ghé qua chỗ lão thợ kim hoàn Idomen, nên ông ra lệnh cáng qua Vieux Apolinix và Forum về phía Vieux Xeleratux, tại góc phố đó có bày bán đủ mọi loại tủ đựng đồ thờ cúng.

Những tên da đen lực lưỡng nhấc kiệu lên, khênh đi, đằng trước là bọn nô lệ được gọi là pedisequi. Suốt một hồi lâu, Petronius im lặng, đưa hai bàn tay thơm mùi mã tiên thảo lên mũi, dường như ông đang cân nhắc điều gì, sau đó ông lên tiếng:

– Cậu chợt nghĩ rằng, nếu như nữ thần rừng của anh không phải là nô tỳ, thì nàng có thể bỏ nhà ông Plauxius sang ở nhà anh. Anh sẽ bao bọc nàng trong tình ái và sẽ vung của cải xung quanh nàng như cậu đã từng làm đối với nàng Khowryzotemix đáng tôn kính của cậu, người mà, nói riêng với anh nhé, cậu cũng đã ngán nàng như nàng ngán cậu vậy.

Markux lắc đầu.

– Không à? – Petronius hỏi – Cùng lắm thì cũng có thể dựa vào hoàng đế, và anh có thể tin rằng, nhờ ảnh hưởng của cậu, gã Râu Đỏ của chúng ta sẽ đứng về phía anh.

– Cậu không hiểu Ligia! – Vinixius đáp

– Vậy thì anh hãy cho phép tôi được hỏi, anh hiểu cô ta chứ? Hiểu bằng cách nhìn à? Anh đã nói chuyện với cô ta chưa nào? Anh đã thổ lộ tình yêu với cô ta rồi chứ?

– Đầu tiên cháu nhìn thấy nàng bên bể nước phun, rồi sau đó cháu còn gặp nàng hai lần nữa. Cậu biết chứ, hồi còn ở nhà ông Aulux, cháu ở trong một vila riêng dành cho khách, cháu cũng không thể ngồi ăn chung với gia đình họ vì tay cháu bị dập thương. Mãi đến buổi tối hôm cháu nói là sẽ ra đi, cháu mới được gặp Ligia trong bữa ăn tối và cháu cũng không thể thốt ra nổi một lời nào với nàng. Cháu phải ngồi nghe ông Aulux kể lể về những chiến công mà ông ta đã lập nên ở Brytania, rồi về sự phá sản của các tiểu trang trại ở Italia. Nói chung, cháu không biết liệu cái ông lão Aulux ấy có biết nói về chuyện gì khác nữa hay không, và cũng xin cậu chớ nghĩ rằng chúng ta sẽ có thể tránh khỏi điều đó, trừ phi cậu muốn nghe nói về tính nhu nhược của thời nay. Trong chuồng của nhà họ có gà gô song họ chẳng giết bao giờ, xuất phát từ nguyên lý là mỗi con gà gô bị thịt sẽ làm gần lại thêm cái ngày tận số của La Mã hùng cường. Lần thứ hai cháu gặp nàng bên cạnh bể chứa nước ngoài vườn, với một cây lau vừa rứt đứt cầm trong tay, nàng nhúng đầu có lá xuống nước và vẩy nước tưới cho những khóm diên vĩ mọc gần đấy. Cậu hãy nhìn đầu gối cháu đây! Thề trên chiếc khiên của Heraklex, cháu xin thưa với cậu rằng, đầu gối cháu không hề run rẩy khi hàng đoàn quân Parlơ vừa hú lên vừa ùa tới các đội quân(1) của chúng cháu, thế mà cháu đã run lên bên cạnh bồn chứa nước ấy. Và bối rối như một thị đồng hãy còn mang bùa khánh(2) trên cổ, cháu chỉ còn biết dùng ánh mắt khẩn cầu tình thương, mà rất lâu không thốt ra nổi một lời.

Petronius nhìn chàng với một vẻ gần như ghen tỵ:

– Sung sướng thay! – ông nói – Dù thế giới, dù cuộc đời có tệ hại đến đâu đi nữa, trong đó vẫn còn có một điều tốt lành vĩnh hằng: tuổi thanh xuân.

Rồi một lát sau ông hỏi:

– Thế anh không nói gì với nàng ư?

– Có chứ ạ! Sau khi hơi định thần lại, cháu nói rằng cháu vừa từ châu Á trở về, rằng cháu bị dập thương cánh tay ở ngay cạnh thành đô và đau đớn vô cùng, song đến lúc phải từ giã ngôi nhà hiếu khách này cháu mới hiểu được ra rằng, tại đây, sự đau đớn còn giá trị hơn nhiều so với lạc thú nơi khác, và bệnh tật còn đáng quý hơn nhiều so với sức khỏe ở chốn khác. Nghe những lời cháu nói nàng cũng bối rối, và cúi đầu xuống, nàng dùng ngọn lau vẽ gì đó lên mặt cát vàng. Rồi nàng đưa mắt nhìn những hình vẽ ấy một lần nữa, rồi nhìn cháu, dường như muốn hỏi điều chi đó, và bỗng nhiên nàng bỏ chạy như một nàng tiên chạy trốn thần Đồng Nội ngẩn ngơ.

– Hẳn mẳt nàng đẹp lắm?

– Hệt như biển vậy, thưa cậu, còn cháu thì chìm trong mắt nàng như chìm trong biển vậy. Xin cậu hãy tin lời cháu, Arkhipelag còn kém thẳm xanh hơn. Một lát sau, thằng bé Plauxius chạy tới hỏi điều gì đó, song cháu không sao hiểu được là nó muốn hỏi gì.

– Hỡi nữ thần Atena! – Petronius thốt lên – xin hãy tháo gỡ cho đứa trẻ này mảnh băng bịt mắt mà thần ái tình Erox đã buộc vào, bằng không nó sẽ bị va vỡ đầu vào cột đền thờ nữ thần Venux mất thôi.

Rồi ông quay sang Vinixius:

– Còn anh, hỡi cái chồi xuân trên cây đời, hỡi cái lộc nõn đầu tiên của dây nho! Thay vì đến nhà Plauxius, lẽ ra ta phải mang anh đến nhà Galoxius, nơi có trường dậy dỗ những đứa trẻ chưa hiểu mùi đời.

– Cậu muốn gì vậy?

– Thế nàng vẽ cái gì trên mặt cát? Có phải tên của thần tình ái Amor, hay một trái tim bị mũi tên xuyên thủng, hay một cái gì đó khiến anh có thể hiểu được rằng các vị đương thần Xatyr đã thì thầm vào tai nàng tiên nữ ấy những điều bí mật của cuộc đời rồi? Sao anh lại có thể không nhìn những hình vẽ ấy cơ chứ?

– Cháu đã khoác áo toga sớm hơn là cậu nghĩ cơ đấy, – Vinixius đáp – và trước khi thằng bé Aulux chạy tới, cháu đã chăm chú ngắm nghía những đường nét kia, vì cháu biết rằng, ở Hy Lạp cũng như ở La Mã, không ít nàng trinh nữ thường vạch lên cát lời thổ lộ mà môi họ không muốn thốt ra… Song cậu hãy đoán thử xem nàng đã vẽ gì nào?

– Nếu như là cái gì khác những điều cậu nghĩ thì cậu xin chịu.

– Một con cá.

– Anh nói sao?

– Cháu nói: một con cá! Phải chăng điều đó có nghĩa là cho tới nay trong huyết quản nàng chỉ tuần hoàn rặt một thứ máu lạnh thì cháu không rõ. Hẳn là cậu, người vừa gọi cháu là cái chồi xuân trên cây đời biết cách hiểu rõ hơn cháu cái dấu hiệu này.

– Anh cháu thân yêu ơi(3)! Chuyện đó thì phải hỏi Plinius! Ông ta vốn sành về cá mà. Giá như cụ Apixius còn sống thì hẳn cụ già cũng có thể mách bảo anh đôi điều về chuyện ấy, vì rằng trong đời mình, cụ đã từng xơi một số cá nhiều hơn số cá có thể chứa trong vịnh Neapon.

Đến đây câu chuyện bị gián đoạn, bởi họ được kiệu qua những phố xá tấp nập, ồn ào cản trở câu chuyện. Qua Vieux Apolinix, họ rẽ sang Forum Romanum, nơi trong những ngày đẹp trời, trước khi mặt trời lặn, tụ tập đủ mọi dân tộc để dạo chơi giữa các hàng cột, kể hoặc hóng nghe tin tức thời sự, ngắm nhìn những chiếc kiệu với những nhân vật nổi tiếng được cáng qua, rồi ghé thăm các hiệu kim hoàn, các hiệu sách, các hiệu đổi tiền, hiệu đồ đồng cùng tất cả những cửa hiệu khác, vô số cửa hiệu trong các ngôi nhà chiếm một phần của Bãi Chợ đối diện với đồi Kapitol. Một nửa Forum nằm ngay dưới chân cung điện đã ngập trong bóng râm, song những hàng cột của các đền đài phía trên hãy còn đang rực lên trong ánh mặt trời trên nền trời xanh màu thanh thiên. Những đền đài nằm thấp hơn trải bóng râm lên những phiến đá cẩm thạch. Khắp nơi nhan nhản đền thờ, đến nỗi mắt người lạc trong ấy như lạc giữa rừng. Các ngôi đền và những hàng cột ấy dường như đang chen chúc nhau, chồng chất lên nhau, né sang trái sang phải, chòi lên đồi, ép sát vào bờ tường lâu đài hoặc ép vào nhau, trông giống như những thân cây cao và thấp; to và mảnh; vàng và trắng; cái cuộn theo kiểu lon, cái được kết thúc bằng một khối vuông giản dị kiểu Đoryx. Trên cả khu rừng ấy lấp lánh những bản triglif nhiều mầu sắc, từ dưới các xà mái nhô ra hình tạc các vị thần; trên đỉnh, những cỗ xe có cánh bằng vàng trông như đang muốn lao lên khoảng không, lao vào cái màu thanh thiên thanh bình đang treo lơ lửng trên thành phố chật ních những đền đài nọ. Ở giữa Bãi Chợ và viền quanh nó là cả một dòng sông người: những đám người ngồi trên các bậc thềm của đền thờ hai anh em thần Kaxtor và Ponlukx, những đám người đi dạo dưới các vòm của đền thờ Juliux Xezar, lượn quanh đền thờ của nữ thần Vexta; trên cái phông khổng lồ bằng cẩm thạch này, nom hệt như những đàn bướm hay bọ sừng đông nghìn nghịt. Từ phía trên cao, từ phía thánh đường thờ Jovi Optimo Maximo, qua những bậc thềm đồ sộ đang tràn về đây những làn sóng người mới; bên các diễn đàn người ta lắng nghe những diễn giả ngẫu nhiên nào đó diễn thuyết; đây đó dậy lên tiếng rao hàng của bọn buôn hoa quả, bọn bán rượu nho hay thức uống có pha nước quả vả, tiếng bọn lừa đảo đang mời mọc người mua những loại thần dược; tiếng lũ thầy bói, tiếng bọn thầy địa lý chuyên dò kho của ngầm và tiếng bọn thầy bói chuyên đoán mộng. Đây đó xen giữa những hỗn âm của những lời trò chuyện và tiếng gọi nhau, vang lên những thanh âm của đàn xixtrum xambux của Ai Cập hoặc tiếng sáo Hy Lạp. Nơi này nơi khác, những con bệnh thành kính hoặc ưu phiền, đang mang lễ vật tới tế hiến các đền thờ. Chen lấn giữa đám người, trên những phiến đá lát, những đàn bồ câu nom giống như các vết sẫm nhiều màu sắc, linh động, đang thèm thuồng nhặt ngũ cốc mà người ta ném cho, thỉnh thoảng lại ồn ã đập cánh bay vụt lên để rồi lại sà xuống những khoảng thưa người. Đôi lúc, đám người dạt ra trước những chiếc kiệu, trong đó có thể thấy những khuôn mặt đàn bà trang nhã hoặc đầu của các nguyên lão và các hiệp sĩ với những đường nét đã bị cuộc đời hủy hoại khiến cho méo mó đi. Đám dân chúng gồm nhiều dân tộc khác nhau tên họ kèm theo cả biệt danh, với lời nhạo báng hay câu ca tụng. Thỉnh thoảng, xuyên qua những đám người hỗn độn ấy lại có các toán binh lính đang bước đều hay những đội vigin canh giữ trật tự công cộng. Bốn chung quanh, có thể nghe thấy tiếng Hy Lạp cũng nhiều như tiếng Latinh.

Vinixius, người xa thành phố đã lâu, thú vị nhìn ngắm cái quần hợp nọ của loài người bên cái Forum Romanum vừa như đang ngự trị trên những làn sóng của thế giới vừa như bị chìm ngập trong những làn sóng ấy, khiến ông Petronius đoán được ý nghĩa của chàng nên gọi đó là “cái tổ của dân Quiryt không có mặt dân Quiryt”(4). Quả vậy, cư dân bản xứ hầu như biến mất trong cái đám người gồm hết thảy mọi chủng người và đủ loại dân tộc này. Ở đây thấy có cả người Êtiopi, lẫn những người cao lớn tóc màu sáng từ phương bắc xa xôi – người Brytania, người Gan và người German. Có cả các cư dân mắt xếch của Xericum, lẫn những người từ Eufrat và từ Ind với bộ râu cằm nhuộm ngả sang màu gạch: có cả người xứ Xiry từ bờ Oront với những cặp mắt đen huyền dịu ngọt, lẫn những cư dân khô khẳng như xương của các sa mạc A Rập, người Do Thái với bộ ngực lép, người Ai cập với nụ cười thản nhiên muôn thuở trên nét mặt cùng người Numidi và người Afri; có người Hy Lạp từ Helađa, những người bình quyền với dân La Mã trong việc cai trị thành bang nhưng lại nắm thêm cả khoa học, nghệ thuật, trí thông minh lẫn thói quỷ quyệt: có người Hy Lạp từ vùng đảo và từ Tiểu Á, từ Ai Cập và từ Italia, từ mãi xứ Galia Narbonxka về. Giữa đám nô lệ dái tai bị đục lỗ, không thiếu mặt đám dân tự do và rỗng tuếch mà hoàng đế đùa bỡn, nuôi ăn và thậm chí sắm mặc, cùng những lữ khách tự do bị sự dễ dãi của đời sống và viễn ảnh tiền tài lôi kéo tới cái thành bang khổng lồ này, không thiếu bọn chuyên mua đi bán lại cùng các giáo sĩ Xerapix với nhành lá cọ trong tay, các thầy tu thờ nữ thần Izyđa, vị thần được người ta hiến tế nhiều hơn cả thần Jupiter Kapiton, có các tín đồ Kibela cầm nhánh lúa vàng, cả tín đồ của những vị thần lang thang, có các vũ nữ phương đông đội những chiếc mũ sặc sỡ, có những kẻ bán bùa phép cùng những người thổi kèn gọi rắn, có các thầy phù thủy Khanđeya, và cuối cùng là bọn vô nghề nghiệp, cứ hàng tuần lại kéo tới các vựa lúa thành Roma để kiếm ngũ cốc, choảng nhau vì vé xổ số trong hí trường, trú đêm trong những căn nhà không ngừng sụp đổ ở các khu phố bên kia sông Tyber, còn những ngày nắng ấm thì ngụ trong các tầng hầm ngoại vi, trong những tửu quán tồi tàn bẩn thỉu của khu Xubura, trên cầu Milviux hay trước dinh thự của những người giàu có, nơi thi thoảng người ta vứt ra cho chúng những thức ăn thừa trên bàn ăn của đám nô lệ.

Những đám đông ấy biết rõ Petronius. Tai Vinixius nghe không ngớt những tiếng: “Hie est” – “Ông ta đấy”. Người ta thích ông vì tính hào phóng, và ông đặc biệt nổi tiếng khi người ta biết rằng ông đã lên tiếng trước mặt hoàng đế để chống lại án tử hình dành cho đám gia nô – nghĩa là toàn bộ nô lệ không phân biệt giới tính và tuổi tác – nhà quan Penđanius Xekunđa, chỉ vì một người trong bọn họ, trong một phút tuyệt vọng, đã giết chết gã chủ tàn bạo nọ. Mặc dù Petronius đã lớn tiếng nhắc đi nhắc lại rằng với ông chuyện đó chẳng hề có chút nghĩa lý gì, rằng ông nói chuyện với hoàng đế một cách hoàn toàn riêng tư, chỉ với cương vị arbiter elegantiarum, người mà mĩ cảm bị phẫn nộ bởi hành vi giết chóc man rợ nọ, hành vi chỉ có thể xứng đáng với bọn Xkyth nào đó chứ không xứng với người La Mã. Tuy vậy, kể từ lúc ấy dân chúng, vốn phẫn nộ vì vụ hành quyết ấy, vẫn yêu mến Petronius.

Song ông không mảy may quan tâm tới tình cảm đó. Ông vẫn luôn nhớ rằng, công chúng cũng đã từng yêu mến cả Brytanik, người đã bị Nerô đánh thuốc độc lẫn Agrypina – người đã bị y ra lệnh hạ sát, cả Oktavia – người đã bị bóp chết tại Panđataria sau khi bị phanh mạch máu ra trong làn hơi nóng bỏng, cả Rubenius Plautô – người đã bị đày biệt xứ, và cả Trazeas – người mà chưa biết ngày nào người ta sẽ mang tới cho bản án tử hình. Có lẽ nên coi tình yêu mến của dân chúng là một điềm gở, mà tuy là người hay phê phán nhưng Petronius lại mê tín. Ông bỉ báng đám dân chúng gấp đôi: với tư cách là một nhà quý tộc và với tư cách một nhà thẩm mỹ. Những kẻ luôn toát ra nồng nặc mùi đậu rang mà họ mang trong hầu bao, những kẻ lúc nào cũng khản tiếng và đẫm mồ hôi vì chơi trò đoán ngón tay ăn tiền ở các góc phố và các sân sau trong mắt ông không đáng được gọi là người.

Hoàn toàn không thèm đáp lại những tiếng hoan hô cùng những nụ hôn gió mà người ta gửi cho ông từ bốn xung quanh, ông kể cho Markux nghe chuyện Peđanius, nhân đó giễu cợt luôn sự thay đổi như con quay của bọn hạ lưu đường phố, ngay hôm sau vụ phẫn nộ ghê gớm ấy đã nhiệt thành hoan hô Nerô khi hắn đi tới đền thờ Jupiter Xlator.

Đến trước hiệu sách Avirunux, ông ta lệnh dừng kiệu lại, và bước xuống kiệu, ông mua một bản chép tay trang trí rất đẹp đưa cho Vinixius.

– Đây là quà tặng anh, – ông nói.

– Xin đa tạ cậu! – Vinixius đáp. Rồi nhìn nhan đề, chàng hỏi: – Salyricon? Sách mới đây, của ai thế thưa cậu?

– Của cậu đấy. Nhưng cậu không muốn đi theo vết Rufinux, người mà cậu đã hứa là sẽ kể chuyện cho anh nghe, cũng không muốn theo vết Fabryxius Veyento, vì thế nên chẳng ai biết được điều ấy, còn anh cũng chớ nói với ai nhé.

– Cậu bảo là cậu không làm thơ nữa, – Vinixius vừa liếc qua ruột sách vừa nói, – ấy vậy mà ở đây cháu lại thấy văn xuôi ken đầy những dòng thơ.

– Nếu anh đọc thì anh hãy chú ý đến bữa tiệc Trymalkhion. Còn nếu nói về thơ thì cậu tởm thơ từ khi Nerô bắt đầu viết anh hùng ca. Anh biết đấy, muốn được nôn cho nhẹ người, Vetelius đã dùng đũa ngà ngoáy vào cuống họng, những kẻ khác thì dùng lông chim hồng hạc nhúng dầu ô liu hay nước sắc cây tử mẫu, còn cậu thì cậu chỉ cần đọc thơ Nerô là có hiệu quả ngay tức khắc. Rồi sau đó, cậu có thể ngợi ca thứ thơ đó, nếu như không phải với một lương tâm trong sạch thì cũng là với một cái dạ dày sạch sẽ.

Nói đến đây, ông cho dừng kiệu trước hiệu kim hoàn của lão Idomen, và sau khi giải quyết xong chuyện mấy viên ngọc chạm, ông ra lệnh cáng thẳng tới nhà ông Aulux.

– Dọc đường cậu sẽ kể anh nghe chuyện Rufinux để minh chứng cho anh thế nào là lòng tự tôn của tác giả, – ông nói.

Song ông chưa kịp bắt đầu kể thì họ đã rẽ sang Vieux Patrixius và lát sau đã tới trước cửa nhà Aulux. Một tên nô lệ trẻ tuổi và lực lưỡng mở cánh cổng dẫn vào gian tiền sảnh, trên cổng, con chim khách bị nhốt trong lồng the thé kêu lên đón họ: “Salve”(5)

Trên đường từ hiên trong – được gọi là ostium – vào chính sảnh, Vinixius hỏi:

– Cậu có để ý thấy tên gác cổng ở đây không bị xích hay không?

– Một cái nhà lạ lùng, – Petronius thấp giọng đáp. – Chắc anh biết rằng người ta ngờ bà Pomponia Grexyna tin theo một thứ tín ngưỡng đông phương, thờ một tay Crextox nào đó. Hình như chính ả Kryxpinila đã góp tay vào chuyện đó. Ả ta không thể nào tha thứ nổi cho bà Pomponia cái tội là chỉ có mỗi đức ông chồng mà cũng đủ cho bà ta suốt đời. Univiva(6)! … Ngày nay, ở La Mã, tìm một đĩa nấm sữa xứ Noricum còn dễ dàng hơn! Bà ta đã bị tòa án gia tộc xử…

– Cậu nói phải, quả là một cái nhà kì dị. Để rồi cháu sẽ kể cậu nghe những gì cháu đã được nghe và thấy nơi đây.

Lúc này, họ đã vào tới gian chính sảnh thông thiên. Tên nô lệ trông coi phòng này – được gọi là atriensis – phái viên xướng danh đi báo tin khách đến, còn đám tôi tớ thì đẩy tới cho họ những chiếc ghế ngồi cùng các đôn đặt chân. Petronius, vốn chưa hề đặt chân tới đây và đinh ninh rằng trong ngôi nhà khô khan này hẳn bao giờ cũng bao trùm một sự buồn tẻ vĩnh cửu, lúc này ngắm nhìn chung quanh với vẻ ngạc nhiên có nhuốm phần thất vọng, bởi gian phòng này lại gây cho người ta cảm giác vui tươi. Từ phía trên cao, qua một lỗ thông thiên lớn, một luồng ánh sáng rực rỡ chiếu xuống, vỡ ra thành hàng ngàn tia lửa trên đài nước phun. Một cái bể vuông vắn có vòi nước phun ở giữa – được gọi là impluvium – dùng để hứng nước mưa rơi qua lỗ thông thiên trong những ngày xấu trời, được viền quanh bằng những khóm thu mẫu đơn và huệ. Đặc biệt, hẳn là trong nhà này huệ rất được ưa chuộng, bởi chúng mọc thành những khóm lớn, cùng với những bụi diên vĩ màu trắng, màu đỏ và cả màu ngọc lam, với những cánh hoa tinh tế dường như được làn bụi nước dát bạc. Giữa những đám rêu ẩm ướt trong đó giấu kín các chậu huệ, giữa các vòm lá, ẩn hiện những pho tượng đồng tạc hình trẻ con và các loài thủy cầm. Trong một góc, một con nai cũng bằng đồng nghiêng cái đầu xanh màu gỉ đồng xuống nước như đang muốn uống. Sàn nhà trong gian chính sảnh được trang trí hoa văn, còn các bức tường thì một phần được ghép bằng cẩm thạch đỏ, một phần được vẽ hình cây cối, chim cá cùng thiên sứ, hấp dẫn mắt nhìn bởi sự phối trí hài hòa của màu sắc. Khung cửa dẫn sang các gian bên cạnh được trang trí bằng vỏ đồi mồi, thậm chí bằng cả ngà voi nữa. Giữa các cửa, dọc theo các bức tường, là tượng các vị tổ tiên của ông Aulux. Khắp nơi đều lộ rõ vẻ sung túc thanh bình không xa hoa mà thanh cao và đầy tự tin.

Mặc dù sống trong cảnh lộng lẫy và trang nhã hơn nhiều, song Petronius vẫn không sao tìm được ở đây một thứ gì có thể khiến ông không vừa ý. Ông quay sang định trao đổi điều đó với Vinixius thì vừa hay một tên nô lệ – velarius – kéo tấm rèm che giữa chính sảnh với văn phòng, và từ trong nhà hiện ra ông Aulux Plaxius đang vội vã bước tới.

Đó là một người đang tiến gần tới những ngày mãn chiều xế bóng của cộc đời, với mái đầu điểm màu sương, nhưng vẫn còn khoẻ mạnh, với khuôn mặt đầy nghị lực, hơi ngắn, song cũng hơi giống một cái đầu chim đại bàng. Lúc này, trên nét mặt ông lộ vẻ ngạc nhiên, thậm chí lo lắng về cuộc viếng thăm bất ngờ của người bạn, kẻ thân cận và tin cẩn của Nerô.

Là người rất hiểu biết và sắc sảo, Petronius lập tức nhận ra điều đó, nên ngay sau những lời thăm hỏi xã giao đầu tiên, ông liền nói với vẻ hùng hồn và khoáng đạt rất xứng với ông, rằng ông đến đây chỉ để đa tạ sự chăm sóc mà con trai người chị ruột của ông đã được hưởng trong ngôi nhà này, rằng nguyên do duy nhất của cuộc viếng thăm này là lòng biết ơn, thêm vào đó là tình quen biết từ lâu với ông Aulux.

Về phía mình, ông Aulux khẳng định rằng Petronius là một vị khách quí, còn nếu nói về lòng biết ơn, thì chính ông mới là kẻ phải hàm ơn, mặc dù có lẽ Petronius hẳn không đoán ra được lý do của sự biết ơn ấy.

Quả thực, Petronius không sao đoán ra. Ngước đôi mắt màu hạt dẻ lên trời, ông cố gắng nhớ lại một điều gì đó mình đã làm giúp ông Aulux hoặc một người nào khác, song ông chẳng nhớ ra một điều gì cả, có chăng là chuyện mà ông định nói với Vixinius. Dĩ nhiên, dù ông không chủ tâm thì cũng rất có thể là đã có một chuyện gì đó xảy ra, nhưng nói cho cùng đó chỉ là chuyện mà ông hoàn toàn không chú ý.

– Tôi rất quý trọng và đánh giá cao Vezpazian, – ông Aulux nói, – người mà ngài đã cứu mạng cái lần mà chẳng may anh ta thiếp đi trong lúc đang nghe thơ của hoàng đế.

– Thế là may cho anh ta đấy, – Petronius đáp – vì anh ta không phải nghe những bài thơ ấy, mặc dù tôi không dám cãi rằng chuyện ấy rất có thể sẽ kết thúc bằng một điều bất hạnh. Râu Đỏ muốn phái một viên xenturion(7) mang tới cho anh ta lời khuyên bằng hữu, khuyên anh ta hãy tự mở phanh mạch máu mình ra.

– Còn ngài, thưa ngài Petronius, ngài đã cười giễu hoàng thượng.

– Đúng vậy, mà chính ra thì ngược lại: tôi bảo với hoàng thượng rằng, nếu như chàng Orfeus biết dùng tiếng ca để ru ngủ những loài dã thú, thì sự thắng lợi của hoàng đế cũng chẳng kém nào, bởi người đã ru ngủ được Vexpazian. Có thể phê phán Ahenobarbux, với điều kiện là trong một lời chỉ trích nhỏ phải chứa đựng một điều tán tụng lớn. Auguxta(8) của chúng ta, nàng Poppea, thì hẳn là người thấu hiểu điều đó một cách tuyệt diệu.

– Than ôi, thời thế bây giờ là thế đấy!, – ông Aulux đáp, – Tôi bị khuyết mất hai chiếc răng cửa vì một hòn đá ném từ tay một tên người Brytania; khiến cho tiếng nói của tôi bây giờ trở nên lào phào, ấy thế mà những phút giây hạnh phúc nhất của đời tôi lại được hưởng chính ở vùng Brytania ấy đấy…

– Bởi đó là những phút giây chiến thắng, – Vinixius phụ họa.

Song Petronius e rằng vị lão tướng bắt đầu kể về những chiến tích thuở xưa của mình, liền thay đổi đề tài câu chuyện. Ở gần Praenexte, dân quê tìm thấy xác những con chó sói hai đầu, còn trong trận mưa giông vừa mới đây, sét đã đánh sạt một góc tường thần miếu Luna, một chuyện chưa từng nghe thấy bao giờ trong tiết thu muộn này. Một gã Kotta nào đó, người đã thuật lại cho ông chuyện này, còn nói thêm rằng các tăng lữ của thần miếu ấy đã dựa theo điềm gở nọ mà dự đoán trước sự sụp đổ của cả thành đô này, hay chí ít ra cũng là sự sụp đổ của một tòa nhà thật đồ sộ nào đó, điều này chỉ có thể cứu vãn được bằng cách những hiến vật siêu phàm mà thôi.

Nghe chuyện, ông Aulux nói rằng không thể coi thường những điềm báo trước như thế. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu các linh thần có thể nổi giận vì những tội ác ngày càng chồng chất, và nếu thế thì việc dâng hiến những lễ vật để khẩn cầu là chuyện hoàn toàn cần thiết.

Petronius bèn nói:

– Thưa ngài Plauxius, ngôi nhà của ngài không lớn lắm, mặc dù ở đây có một con người vĩ đại sinh sống; còn nhà của tôi, dẫu quá lớn so với một chủ nhân hèn mọn đến thế, song cũng vẫn là nhỏ bé. Nếu nói đến sự sụp đổ của một ngôi nhà vĩ đại tỷ như domus transitoria thì không rõ liệu có đáng để chúng ta phải hiến dâng lễ vật cầu xin cho sự sụp đổ ấy đừng diễn ra hay chăng?

Plauxius không trả lời câu hỏi ấy, sự thận trọng đó khiến Petronius hơi phật ý, bởi vì mặc dù ông hoàn toàn thiếu ý thức về việc phân biệt cái thiện với cái ác, song ông không bao giờ là kẻ ton hót, và người ta có thể trò chuyện với ông một cách tuyệt đối an toàn. Vì vậy, một lần nữa, ông lại lái câu chuyện theo hướng khác và bắt đầu ca ngợi ngôi nhà của ông Plauxius cùng sự hài hòa trong cách bài trí.

– Tệ xá này cũ kỹ rồi, – ông Plauxius đáp, – trong đó tôi chưa hề thay đổi tí gì kể từ khi tôi được thừa hưởng nó.

Sau khi đẩy bức bình phong ngăn giữa gian chính sảnh với văn phòng, ngôi nhà thông suốt một mạch, đến nỗi qua văn phòng, qua khoảng sân trong cùng với phòng tiệc – được gọi là oecus – có thể nhìn xuyên suốt đến tận vườn cây ở xa xa đang nổi bật lên như một bức tranh sáng sủa được đóng khung sẫm mầu. Từ phía đó, tiếng cười trẻ thơ vui vẻ vọng vào tận chính sảnh.

– Ôi, thưa tướng quân, – Petronius thốt lên, – hãy cho chúng tôi được nghe gần hơn tiếng cười sảng khoái đó, tiếng cười thật hiếm có vào thời buổi bây giờ.

– Rất vui lòng, – ông Plauxius vừa đáp vừa đứng dậy, – Đó là cháu Aulux đang chơi bóng với Ligia. Song nếu nói đến tiếng cười, thì thưa ngài Petronius, tôi ngỡ rằng cả cuộc đời ngài đều trôi qua trong tiếng cười chứ ạ?

– Bởi cuộc đời nực cười nên tôi phải cười, – Petronius đáp, – còn ở đây tiếng cười khác hẳn.

– Mà nói cho đúng ra thì ngài Petronius không cười suốt ngày mà chỉ cười suốt đêm thôi, – Vinixius nói thêm.

Vừa trò chuyện họ vừa đi xuyên suốt dọc ngôi nhà và bước vào mảnh vườn, nơi nàng Ligia và chú bé Aulux đang chơi bóng ném, những quả bóng được đám nô lệ chuyên phục vụ cho trò chơi này, gọi là các spheristae – nhặt lên và đưa đến tận tay họ. Petronius liếc nhanh nhìn Ligia, cậu bé Aulux thì vừa trông thấy Vinixius liền chạy tới chào chàng, còn chàng khi đi ngang qua, chàng cúi đầu chào nàng thanh nữ xinh đẹp đang đứng cầm quả bóng trong tay, với mái tóc hơi xõa ra, hơi thở gấp gáp và khuôn mặt ửng hồng.

Bà Pomponia Grexyna đang ngồi trong tòa yến đình ở giữa vườn, có các dây nho, trường xuân và dương thảo rủ che bóng mát. Họ bèn tiến đến chào bà. Với Petronius, mặc dù ông ít khi lui tới nhà họ Plauxius song bà vốn là chỗ quen biết, vì ông thường gặp bà ở nhà Antyxtia, con gái của Rubelius Plauto, ở các gia đình thuộc dòng họ Xeneka và ở nhà Polion. Ông không sao tránh khỏi bị thu hút bởi nỗi ngạc nhiên trước nét mặt buồn buồn nhưng thanh thản của bà, sự thanh cao trong dáng vẻ, trong cử chỉ và lời nói của bà. Bà Pomponia là người làm đảo lộn những quan niệm của ông về đàn bà đến mức con người hư hỏng tới tận xương tủy và tự tin nhất trong toàn La Mã này không những chỉ cảm thấy kính trọng bà mà tự nhiên còn đâm ra bớt tự tin hơn. Giờ đây, trong khi cảm ơn bà đã chăm sóc Vinixius, vô tình ông lại dùng chữ: “domina”(9), chữ mà trong khi nói chuyện với những người khác, thí dụ như với Kanvia Kryxpinla, với Xkrybonia, với Valeria, với Xolina hay các công nương thế phiệt trâm anh khác, chẳng bao giờ ông nghĩ tới. Sau khi chào hỏi và bày tỏ lời cảm ơn, ông bắt đầu phàn nàn ngay rằng hiếm khi ông được gặp bà Pomponia, rằng cả ở hí trường lẫn ở nhà hát đều không thấy mặt bà. Nghe thấy thế, bà liền đặt tay lên bàn tay chồng, bình thản đáp:

– Chúng tôi già rồi, cả hai chúng tôi càng ngày càng thích cái xó nhà yên tĩnh này hơn.

Petronius định phản đối, nhưng Aulux Plauxius đã nói thêm bằng cái giọng lào phào của ông:

– Và càng ngày chúng tôi càng thấy lạc lõng giữa mọi người, những kẻ dám gọi các vị thần linh La Mã của chúng ta bằng những cái tên Hi Lạp.

– Từ một lúc nào đấy, các thần đã trở thành những hình tượng hoa mỹ, – Petronius thản nhiên đáp, – mà bởi vì khoa ăn nói văn hoa lại do chính người Hi Lạp truyền cho chúng ta, nên thí dụ, đối với bản thân tôi chẳng hạn, gọi Hera dễ hơn là Juno.

Vừa nói thế, ông vừa đưa mắt nhìn bà Pomponia như muốn nói rằng, đứng trước bà, ông không thể nghĩ tới một vị thần nào khác ngoài chính nữ thần Hera, rồi tiếp đó, ông bắt đầu phản đối những điều bà nói về tuổi già: “Con người ta già đi chóng thật, nhưng đó là những kẻ sống một cuộc sống khác kia, thêm nữa có những khuôn mặt dường như được thần Xaturn hoàn toàn lãng quên”. Quả thực, Petronius nói điều đó phần nào chân thật, bởi vì dù đang ở vào buổi xế chiều của cuộc đời, bà Pomponia Grexyna vẫn giữ được một làn da óng ả khác thường, bà có cái đầu nhỏ bé và khuôn mặt thon thả, nên bất chấp bộ váy áo màu sẫm cùng vẻ trang nghiêm buồn bã của bà, nom bà nhiều khi vẫn như thiếu phụ hoàn toàn trẻ trung.

Lúc ấy, cậu bé Aulux, vốn đã kết thân với Vinixius trong thời gian chàng còn ở nhà này, bước lại gần chàng và mời chàng cùng chơi bóng. Theo sau cậu bé, cả nàng Ligia cũng bước vào yến đình. Dưới bức rèm của những cây trường xuân, với những điểm sáng lung linh trên nét mặt, ông Petronius thấy nàng càng xinh đẹp hơn hẳn lúc mới thoạt nhìn, và quả thực, trông nàng hệt như một thiếu nữ. Vì đến lúc ấy ông chưa nói lời nào với nàng, ông bèn nhỏm dậy, cúi đầu về phía nàng và thay cho những lời xã giao thông thường, ông cất tiếng đọc những lời mà chàng Ôđyxê đã dùng để chào hỏi nàng Nauzyka:

Ta không rõ nàng là thần tiên hay người trần thế,

Song nếu nàng là con của đất hạ giới này

Thì phúc đức thay bậc cha mẹ đã sinh nàng,

Và may mắn thay cho anh em ruột thịt…

Cả đến bà Pomponia cũng thấy thích thú bởi sự lịch thiệp đầy trang nhã của con người quảng giao ấy. Còn Ligia, nghe thấy những lời ấy, nàng bối rối đỏ bừng mặt, không dám ngước mắt nhìn lên. Song dần dần, khoé môi nàng bắt đầu rung rung một nét cười tinh nghịch, và trên nét mặt nàng có thể nhận thấy sự tranh chấp giữa nỗi ngượng ngùng trinh nữ với ý muốn được cất tiếng đáp lời, rồi sau, hẳn là cái ý muốn kia giành phần thắng, nên nàng ngẩng đầu nhìn Petronius, rồi trả lời ông bằng chính lời lẽ của nàng Nauzyka, nhưng đọc thẳng một hơi như trả lời bài đọc thuộc lòng:

Chàng đâu phải kẻ tầm thường – và trí óc chàng cũng chẳng tầm thường.

….

Rồi quay ngoắt người, nàng chạy vụt đi, như một con chim hoảng hốt bay trốn.

Lúc này đến lượt Petronius kinh ngạc, bởi ông không sao ngờ rằng sẽ được nghe tiếng thơ của Homer từ miệng một thiếu nữ có gốc gác dã man mà trước đó Vinixius đã nói cho ông biết. Ông đưa mắt hỏi bà Pomponia, song bà không thể trả lời ông, vì lúc ấy bà đang mỉm cười ngắm nhìn vẻ tự hào hiện rõ trên nét mặt ông Aulux.

Ông Aulux không thể nào giấu nổi lòng tự hào. Trước hết, bởi vì ông gắn bó với Ligia như với con đẻ, sau nữa, mặc dù những định kiến Cổ La Mã của ông bắt ông chống lại nền văn hóa Hi Lạp cũng như việc phổ biến nền văn hóa ấy, song chính ông vẫn coi nó là đỉnh cao của phép xã giao bằng hữu. Bản thân ông chưa bao giờ được học tập nền văn hóa đó cho đến đầu đến đũa – điều mà ông thầm đau xót – nên giờ đây ông sung sướng khi thấy đức ông sang trọng kiêm văn sĩ này, kẻ có lẽ sẵn sàng coi gia đình ông là một gia đình mọi rợ, đã được trả lời bằng tiếng nói, bằng tiếng thơ của Homer ngay tại chính nhà ông.

– Ở nhà chúng tôi có gia sư người Hi Lạp, – ông quay lại nói với Petronius, – người đó dạy dỗ cháu trai của chúng tôi, còn con bé chỉ nghe lỏm các bài học mà thôi. Cháu nó còn láu táu, nhưng là sự láu táu đáng yêu(10) mà cả hai chúng tôi đều quen rồi.

Lần này, Petronius nhìn qua những cành trường xuân và kapryfolium(11) trông ra vườn ngắm nhìn bộ ba đang chơi đùa. Chàng Vinixius đã cởi bỏ áo toga, chỉ mặc áo tunica, ném bổng một trái bóng lên không, còn Ligia đứng ở phía bên đối diện vươn tay lên bắt bóng. Thoạt nhìn qua, thiếu nữ không gây cho ông Petronius một ấn tượng gì đáng kể. Ông cho là nàng hơi quá mảnh mai. Nhưng từ sau lúc nhìn nàng gần hơn trong gian yến đình, ông chợt nghĩ rằng có lẽ nữ thần Rạng Đông dung mạo cũng giống như nàng, và vốn là người sành sỏi, ông nhận thấy ngay ở nàng một cái gì đó khác thường. Ông để ý và đánh giá tất cả, khuôn mặt trong trẻo hồng hào, làn môi thanh khiết tựa như đang chúm thành một nụ hôn, cặp mắt xanh biếc như màu biển thắm, vẻ trắng tinh của vầng trán, sự tươi tốt của mái tóc màu sẫm với những gợn sóng óng ả sắc hổ phách hoặc màu đồng thau Koryntơ, cái cổ nhẹ nhõm và bờ vai xuôi đầy vẻ thiên thần, và toàn bộ vóc dáng mềm mại, mảnh mai, tươi trẻ sức xuân của tháng năm, sức xuân của những bông hoa vừa hé nở. Người nghệ sĩ và kẻ tôn thờ Cái Đẹp trong ông bừng tỉnh, ông cảm thấy rằng, dưới pho tượng của nàng thanh nữ này hẳn phải đề hai chữ: “Nàng Xuân”. Bỗng nhiên, ông chợt nghĩ đến cô nàng Khowryzotemix và mỉm một nụ cười trống rỗng. Với bụi phấn vàng rắc trên mái tóc, với cặp lông mày tô đen, đối với ông, cô nàng bỗng úa tàn như trong một câu chuyện thần thoại, nàng là một thứ gì giống như những cánh hoa hồng héo úa thảm thương. Ấy thế mà cả Roma đã phải ghen với ông chính vì cái cô nàng Khowryzotemix ấy. Rồi ông lại nghĩ tới nàng Poppea, và cả nàng Poppea lừng danh ấy đối với ông cũng chỉ có vẻ như một cái mặt nạ bằng sáp không hồn. Còn cô thiếu nữ với vóc dáng như những bức tượng xứ Tanagra này thì không những chỉ là mùa xuân thôi – nàng chính là nữ hoàng Pxyse lộng lẫy ánh hào quang, ánh hào quang phát ra từ cơ thể hồng hào của nàng, tựa như ngọn lửa tỏa sáng qua bóng đèn vậy.

“Vinixius nói phải,” – ông nghĩ thầm, – “còn Khowryzotemix của ta già cỗi như thành Tơroa vậy!”

Ông quay sang phía bà Pomponia Grexyna, và trỏ ra vườn, ông nói:

– Bây giờ tôi hiểu ra rằng, thưa domina, với hai đứa trẻ thế này thì hẳn ông bà thích ở tại gia hơn là dự yến tiệc ở điện Palatyn hay đến các hý trường.

– Thưa vâng, – bà đáp và đưa mắt về phía cậu bé Aulux và Ligia.

Còn vị lão tướng bắt đầu kể lai lịch cô gái, và thuật lại những điều mà nhiều năm về trước, ông nghe Atelius Hixter kể về dân tộc Ligi sống trong bóng tối phương bắc.

Đám thanh thiếu niên đã thôi chơi bóng và đang đi dạo trên nền cát trải trong vườn, trên cái nền màu tối của những cây sim thơm và cây trắc bá, họ nổi bật lên như ba pho tượng màu trắng. Ligia dắt tay chú bé Aulux. Đi dạo một lúc, họ ngồi xuống cạnh bồn nước nhỏ giữa vườn. Một lúc sau, chú bé Aulux bật dậy để dọa lũ cá đang bơi lội trong làn nước trong vắt. Còn Vinixius thì tiếp tục câu chuyện đã bắt đầu từ lúc đi dạo:

– Chính vậy đó, – chàng nói bằng giọng trầm trầm và run run, – vừa lớn lên là người ta đã phái tôi tới các chiến đoàn Á Châu. Tôi chưa hề được biết thành đô, cũng như đời sống và ái tình. Tôi thuộc lòng được một ít thơ Anakreontơ và Horaxius, song tôi không thể đọc nổi thơ như cậu Petronius vào lúc mà trí óc tôi bị choáng đi vì lòng ngưỡng mộ, tôi không sao tìm ra nổi lời cho mình. Hồi hãy còn là một đứa trẻ, tôi học ở trường của Muzonius, người thường nói với chúng tôi rằng hạnh phúc chính là sự ham muốn những gì mà các vị linh thần ham muốn, nghĩa là hạnh phúc tùy thuộc vào ý chí của chúng ta. Song tôi lại nghĩ rằng, còn có một thứ hạnh phúc khác nữa, to lớn hơn và quý giá hơn, thứ hạnh phúc không lệ thuộc vào ý chí, bởi vì chỉ có tình yêu mới cho ta có được thứ hạnh phúc đó mà thôi. Chính các thần cũng phải tìm kiếm thứ hạnh phúc ấy, vậy nên tôi, hỡi nàng Ligia, kẻ chưa từng được nếm mùi tình ái cho tới nay, cũng theo các thần đi tìm người thiếu nữ muốn mang lại cho tôi hạnh phúc…

Chàng nín lặng, và suốt giây lâu chỉ nghe thấy tiếng nước reo lóc bóc do những hòn sỏi mà cậu bé Aulux ném dọa lũ cá gây ra. Lát sau, Vinixius lại cất tiếng, giọng chàng càng trở nên mềm mại và khẽ khàng hơn nữa:

– Nàng hẳn biết chàng Tytux, con trai của ngài Vexpazian? Người ta nói rằng, vừa qua tuổi hoa niên, chàng đã say mê nàng Berenika đến nỗi suýt nữa nỗi tương tư đã hút cạn sinh lực của chàng… Ôi, Ligia, tôi cũng có thể biết yêu như thế… của cải, quang vinh, quyền bính – chỉ là những đám phù vân rỗng tuếch. Kẻ giàu sẽ tìm ra người giàu có hơn mình, kẻ vinh quang sẽ bị che lấp đi bởi một ánh vinh quang của người khác còn lớn hơn, kẻ hùng mạnh sẽ bị người hùng mạnh hơn chinh phục… Song liệu Hoàng đế, liệu có vị linh thần nào có được nỗi sung sướng và hạnh phúc hơn một kẻ trần tục không bất tử thường tình được chăng, khi ngực chàng được kề bên một lồng ngực thân yêu, khi chàng hôn lên đôi môi yêu quý…? Cho nên, hỡi nàng Ligia, tình yêu sẽ làm cho chúng ta sánh ngang với các thần.

Nàng nghe, lòng lo lắng và kinh ngạc, song đồng thời lại ngỡ mình được nghe tiếng sáo Hi Lạp réo rắt hay như tiếng đàn tranh. Đôi lúc nàng ngỡ như Vinixius đang hát một khúc ca kỳ diệu nào đó, khúc ca ấy thấm vào tai nàng, làm xao động bầu máu nàng, đồng thời xâm chiếm trái tim nàng bằng một sự choáng ngợp, một nỗi e sợ và một niềm vui xôn xao khó hiểu nào đó. Và nàng cũng ngỡ như chàng đang nói điều gì đó đã từng có sẵn trong lòng nàng, song tự nàng chưa hiểu nổi. Nàng cảm thấy chàng làm tỉnh thức trong nàng một thứ gì đó cho tới nay vẫn còn đang say ngủ, rằng chính lúc này đây, giấc mộng ẩn hiện trong làn sương mơ màng đang hiện thành những hình nét, mỗi lúc một rõ hơn, mỗi lúc một đáng yêu, mỗi lúc một tuyệt vời hơn.

Lúc đó, mặt trời đã ngả sang bên kia sông Tyber từ lâu và hạ thấp xuống gần ngọn đồi Janikun. Ráng đỏ chiếu xuống những cây trắc bá bất động và cả bầu khí quyển tràn ngập ánh chiều. Ligia ngước đôi mắt xanh biếc như vừa sực tỉnh giấc mơ lên nhìn Vinixius. Và thốt nhiên, đối với nàng, chàng trai đẫm ánh hoàng hôn đang cúi nhìn nàng với lời khẩn cầu lung linh trong mắt, trở nên xinh đẹp hơn hết thảy mọi người, hơn cả những vị thần Hi Lạp và La Mã, những vị thần mà nàng vẫn thường thấy được đặt tượng ở mặt trước thánh đường. Những ngón tay chàng khẽ khàng nắm lấy tay nàng, phía trên cổ tay một chút, và chàng hỏi:

– Ơi Ligia, lẽ nào nàng không đoán ra tại sao tôi lại nói những lời ấy với nàng chăng?…

– Không – nàng thì thầm rất khẽ, chỉ vừa đủ cho Vinixius nghe. Song chàng không chịu tin và kéo tay nàng mỗi lúc một mạnh hơn, để áp lên trái tim đang đập dồn dập bởi mỗi khao khát vừa được nàng thiếu nữ tuyệt vời làm cho tỉnh thức, và suýt nữa thổ lộ thẳng với nàng những lời cháy bỏng, nếu như trên lối đi nhỏ được đóng khung giữa những bụi sim thơm, ông già Aulux không xuất hiện. Ông bước lại gần và nói:

– Mặt trời sắp lặn rồi, các người hãy đề phòng cái lạnh ban chiều và đừng bỡn cợt với Libitynia.

– Thưa không ạ, – Vinixius đáp, – cháu không mặc áo toga mà vẫn không thấy lạnh.

– Mặt trời lặn xuống núi một nửa rồi, – vị lão tướng đáp, – cứ như là cái khí hậu dễ chịu ở Xyxilia, nơi chiều chiều cư dân thường tụ tập trên bãi chợ để hát đồng ca giã từ thần Feba đang lặn đi vậy.

Và quên bẵng đi rằng mình vừa mới nhắc nhở phải đề phòng Libitynia, ông lão lại bắt đầu kể chuyện về hòn đảo Xyxilia, nơi ông có những trang ấp và nông trại lớn mà ông rất say mê. Ông nói rằng nhiều khi ông định chuyển hẳn ra Xyxilia để được sống một cuộc đời bình lặng tại đó. Ông đã chán ngán cái cảnh băng giá giữa mùa đông, những mùa đông đã làm cho mái đầu ông nhuốm bạc. Cây còn chưa rụng lá và bầu trời rộng lượng hãy còn đang mỉm cười trên thành phố, song khi những dây nho úa vàng, khi tuyết bắt đầu rơi trên dãy núi Anban, khi các vị thần cỡi những cơn lốc tuyết tới thăm vùng đồng bằng Kampania, thì chưa chừng ông cùng cả gia quyến chuyển về cái dinh thự ấm cúng ở nông thôn cũng nên.

– Ngài muốn rời bỏ Roma ư, thưa ngài Plauxius? – Vinixius hỏi với một nỗi lo lắng bất thần.

– Tôi mong muốn điều ấy đã lâu, – Ông Aulux đáp.

Rồi ông lại tiếp tục ngợi ca những khu vườn, đàn gia súc của ông, ngôi nhà ẩn trong cây lá xanh tươi và những quả đồi phủ đầy thạch xương bồ và cỏ xạ hương với tiếng rì rào của những đàn ong mật. Song Vinixius không chú ý đến cái “khúc nhạc đồng quê” ấy, chàng chỉ nghĩ tới một điều là chàng có thể bị mất Ligia, và chàng liền nhìn về phía Petronius, dường như chờ đợi ở ông sự ứng cứu độc nhất.

Trong khi đó, ngồi cạnh bà Pomponia, Petronius thích thú ngắm cảnh mặt trời lặn, ngắm khu vườn và những người đang đứng cạnh khu ươm cây. Những bộ quần áo màu trắng của họ được ánh chiều nhuộm vàng rực nổi bật lên trên nền mầu tối của những cây sim thơm. Trên trời, ráng chiều gần ngả sang màu tía, màu tím rồi chuyển thành màu đá tản bạch. Vòm trời nhuốm màu lam tím, hình bóng đen thẫm của những cây trắc bá nổi lên còn rõ nét hơn so với ban ngày, và sự thanh thản ban chiều tràn ngập cả con người lẫn cây cối trong toàn khu vườn.

Vẻ thanh thản này tác động mạnh tới ông Petronius đặc biệt là vẻ thanh thản ở những con người. Trên nét mặt của bà Pomponia, của ông Aulux, đứa con trai của họ cũng như nàng Ligia có vẻ gì đó mà ông ít khi được thấy trên những bộ mặt khác, những bộ mặt ngày ngày – hay nói đúng hơn: đêm đêm – vẫn vây quanh ông, trên nét mặt họ có một thứ ánh sáng nào đó, một sự dịu dàng bình thản nào đó, xuất phát trực tiếp từ cuộc sống mà người ta đang sống nơi đây.

Và ông chợt ngạc nhiên khi nhận ra rằng, có thể tồn tại một cái đẹp và một sự dịu ngọt mà chính ông – con người luôn luôn săn tìm cái và đẹp sự dịu ngọt – chưa từng bao giờ được biết đến. Không giấu nổi ý nghĩ ấy, ông quay sang nói với bà Pomponia:

– Tôi thầm cân nhắc trong lòng: cái thế giới của ông bà mới khác cái thế giới mà Ngài Nerô của chúng ta đang ngự trị làm sao.

Bà Pomponia ngước khuôn mặt thon nhẹ của mình lên nhìn ráng chiều và đáp lại một cách tự nhiên:

– Không phải Nerô mà là Đức Chúa đang ngự trị thế giới.

Một giây yên lặng. Có thể nghe thấy tiếng bước chân của vị tướng già, Vinixius, Ligia và chú bé Aulux ở gần yến đình. Trước khi họ đến, Petronius còn hỏi thêm:

– Vậy ra bà vẫn còn tin vào các vị thần linh ư, hỡi Pomponia?

– Tôi tin vào Đức chúa, Người là duy nhất, công minh và toàn năng – vị phu nhân của ông Aulux Plauxius đáp.

Chú thích:

(1) Nguyên văn: manipul – đơn vị chiến thuật trong quân đội La Mã, chừng 100 – 200 lính, gồm hai xenturia và bằng 1/10 – 1/30 legion

(2) Nguyên văn: bula – loại khánh đeo lên cổ tay trẻ em ở Cổ La Mã, chỉ được tháo ra khi đến tuổi trưởng thành (với con trai) hay khi xuất giá (với con gái)

(3) Carissime (Latinh)

(4) Quiryt: tên gọi chính thức các công dân có đủ thẩm quyền ở Cổ La Mã.

(5) Chào (Latinh)

(6) Người chỉ có một chồng, chính chuyên (Latinh)

(7) Chức võ quan trong quân đội La Mã, chỉ huy xenturia (đơn vị 100 -200 quân). Còn gọi là bách phu trưởng.

(8) Augusta: tên thường dùng để gọi hoàng hậu các triều hoàng đế cổ La Mã một cách kính cẩn

(9) Nữ thánh (Latinh)

(10) Nguyên văn: đó là một con chim Pliska, song là một con chim Pliska đáng yêu.

(11) Pliska (Motacilla) là một giống chim nhỏ có chiếc đuôi rất linh hoạt

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN