Sa Ngã
Phần 26
– Chị nghĩ chị là ai mà dám vừa cà khịa, vừa hỏi han kiểu doạ nạt tôi? Chị nghĩ tôi sợ à? Để tôi nói cho chị nghe nhé, con người tôi quang minh chính trực, chẳng bao giờ làm việc gì khuất tất cả. Chị khỏi suy đoán linh tinh.
– Em quang minh chính trực hay không thì chị không biết. Chị chỉ muốn dặn em là có điểm xấu gì thì em phải giấu đi, đừng để thằng Tiến biết, kẻo nó lấy đó làm miếng mồi ngon tống tiền em.
– Chị khỏi dạy khôn tôi. Chị thấy chồng cũ có vợ mới nên chị ghen ứa gan ra rồi chị gọi cho tôi kích đểu hả? Chồng cũ của chị xấu xa như vậy sao hồi sống với nhau chị làm màu trên mạng xã hội kinh thế?
– Chị đâu có làm màu gì đâu. Là thằng Tiến vào tài khoản của chị đăng bài đó chứ. Thằng đó được cái bẩn tính và sĩ lắm, nó muốn được khen là người chồng tốt nhưng lại thanh cao không muốn tự khoe mà phải giả bộ làm vợ đăng bài khoe khoang em ạ.
– Chị đừng bôi bác anh Tiến nữa, đừng mong chia rẽ bọn tôi. Anh Tiến mà tôi biết không phải là loại người hèn mọn như thế! Chị mới bẩn tính đó, ly hôn xong liền rút hết tiền tiết kiệm trong tài khoản chung của hai vợ chồng, chị quá cạn tàu ráo máng.
– Ôi em ơi! Tài khoản chung nhưng mà tiền trong đó đều là của chị. Chị rút thì có gì sai? Chị còn chưa đòi nợ nó là may rồi đấy! Em biết không? Hai năm trước, thằng Tiến xạo ke là nó đã vay tiền mua nhà cho hai vợ chồng nên tháng nào chị cũng dồn tiền gửi về cho nó trả nợ. Đến lúc trả hết nợ, chị bàn với nó chị sẽ về nước thì nó dám bảo là nhà đó nó mua cho ba mẹ nó dưỡng già, ba mẹ nó không thích chị nên khi về nước hai vợ chồng phải ra ngoài thuê trọ. Em nghĩ thế có cay không?
– Anh ấy có hiếu nên mới mua nhà cho ba mẹ ở, nếu chị là người rộng lượng, chị chỉ cần mua thêm ngôi nhà nữa thôi mà. Sao chị phải căn ke với người già thế? Thảo nào ba mẹ anh ấy không thích chị!
– Em đừng tự tin quá, chưa chắc ba mẹ thằng Tiến đã thích em đâu. Em kiếm tiền dễ nên em không hiểu được sự vất vả của dân lao động bọn chị rồi. Một ngôi nhà ở thành phố đắt đỏ biết bao, đâu phải nói muốn mua là mua được. Lúc biết nó lừa chị vụ mua nhà, chị đã rất tức giận. Chị muốn ly hôn, nhưng nó lại năn nỉ chị, đòi sang đây với chị làm lại từ đầu. Chị mủi lòng đồng ý, cơ mà nó lại vẫn chứng nào tật đó, sang đây rồi vẫn lén lấy trộm tiền của chị để gửi về cho gia đình nó tiêu xài.
– Chị nói đi nói lại vẫn quay về chuyện tiền nong. Có vài đồng bạc mà sao chị sân si thế?
– Không phải chị sân si, vấn đề là chị ở bên đây làm việc vất vả như một con chó, không dám ăn diện, nhưng nó chẳng bao giờ thương chị cả. Nó chỉ thương ba mẹ nó và em trai nó thôi, cái nhà đó nghèo nhưng mà tiêu xài kinh lắm em ạ, sống như kiểu thượng lưu ý, bao nhiêu cũng không đủ. Chị tủi lắm chị mới phải ly hôn.
– Ôi dào, có thế mà chị cũng tủi, chị bị điên á?
– Em đừng nóng nảy như thế. Chị biết em chia tay Bá Trường là vì Trường ngoại tình, nhưng mà em ơi, theo chị thì một thằng đàn ông ngoại tình nhưng nó lo được hết cho mình mọi thứ vẫn tốt hơn một thằng bấn, để mình bươn trải ngoài xã hội rồi bòn rút tiền của mình!
Khiếp cái bà Hoa này, mở miệng là nhắc tới tiền! Nhức hết cả đầu nên Hạnh Trân bực mình cúp máy luôn. Chẳng biết hôm đó là ngày gì mà buổi tối về nhà mẹ Ngọc cũng hỏi cô về chuyện tiền nong:
– Sáng nay quản lý của con gọi điện cho mẹ. Nó bảo tối qua con thấy Hữu Tiến kêu ca gia đình khó khăn liền chuyển ngay cho nó tiền để ba mẹ nó mua sính lễ ăn hỏi, phải không Hạnh Trân?
– Dạ, đúng rồi. Sao vậy mẹ?
– Còn sao nữa? Con không thấy có vấn đề gì hả? Ở đâu có tục lệ bên đằng gái phải lo sính lễ vậy con?
Bà Ngọc nhẹ nhàng hỏi. Hạnh Trân tỉnh bơ đáp:
– Nhà trai khó khăn thì con giúp thôi, có chút xíu ý à, không đáng là bao mẹ ạ.
– Nhà trai khó khăn thì họ có thể mua sính lễ ít tiền, mẹ không đòi hỏi gì nhiều cả, chỉ một buồng cau thôi mẹ cũng vui rồi. Nhưng mà họ lại lấy cớ phải mua sính lễ để moi tiền của con gái mẹ khiến mẹ buồn lắm Hạnh Trân ơi!
– Con sắp làm dâu nhà người ta, người một nhà với nhau sao mẹ lại gọi là moi tiền? Mẹ khắt khe thế!
Hạnh Trân vô tư nói khiến bà Ngọc lại càng buồn thêm. Hạnh Trân chẳng phải đứa đầu óc chậm chạp, dốt tính toán như Ái Trân, nhưng con sống trong nhung lụa từ thuở bé nên chuyện tiền nong với con chẳng là gì cả. Nhược điểm của con là không biết tiết chế trong cách tiêu tiền và cho tiền. Ở bên người thoáng tính như Bá Trường thì chẳng sao, nhưng mà ở bên người như Hữu Tiến thì chỉ sợ sẽ bị hút máu. Bà nẫu nề bảo:
– Mẹ không thích con lấy Hữu Tiến đâu. Con hoãn đám cưới này lại để suy xét thêm được không?
– Không được đâu mẹ. Con đã suy nghĩ kỹ càng rồi, không cần nghĩ thêm nữa.
– Con hành động không hề giống con trước đây chút nào. Sao con phải cưới gấp thế? Hay là con mang bầu rồi, sợ người khác dị nghị nên con mới quyết nhanh hả?
Hạnh Trân sợ ba mẹ biết mình có bầu rồi sẽ thất vọng về mình nên cô phủ nhận luôn:
– Sao mẹ suy đoán linh tinh quá vậy? Bầu bí cái gì cơ chứ? Con đâu phải loại gái ăn cơm trước kẻng!
Bà Ngọc cười buồn. Bà sợ con tự ái nên không dám yêu cầu con đi khám với mình, nhưng dạo này con hay thèm ăn đồ chua, rồi con còn quyết định cưới chồng nhanh như một cơn gió khiến bà nghi ngờ. Bà nhẹ nhàng bảo:
– Có bầu cũng không sao, con cứ thoải mái nói thật với mẹ. Mẹ sẽ đồng hành cùng con. Đừng vì một lần lầm lỡ mà lầm lỡ luôn cả cuộc đời con ạ.
– Sao tự dưng mẹ nghiêm trọng thế làm gì? Con không có bầu. Mà giả như con có bầu rồi cứ lì ở nhà, không ai thèm rước, mẹ không sợ mất thể diện à? Mẹ luôn sợ Ái Trân làm mất thể diện của gia đình mình mà!
– Ái Trân khác. Con khác. Con là con ruột của mẹ. So với mất thể diện thì mẹ sợ con khổ hơn.
Nghe mẹ nói vậy, Hạnh Trân cảm động rớt nước mắt. Có người mẹ như mẹ Ngọc, thật tốt biết bao! Chính vì mẹ quá thương cô nên cô không muốn mẹ phải lo nghĩ cho mình. Cô nắm tay mẹ, dịu dàng bảo mẹ cô đang rất hạnh phúc, mẹ đừng lo. Bà Ngọc còn chưa nguôi ngoai thì điện thoại của Hạnh Trân đã báo có tin nhắn. Bà cố ý liếc qua màn hình, thấy Hữu Tiến mặt dày xin xỏ Hạnh Trân tiền để mua xe hoa đi rước dâu cho hoành tráng, bà tức điên. Hạnh Trân thì vẫn tốt bụng chuyển tiền ngay cho Tiến. Tiền do con kiếm được nên bà Ngọc không thể cấm đoán. Nhưng vì quá lo lắng cho con nên bà bảo:
– Con giờ đã đủ lông đủ cánh nên mẹ nghĩ đã đến lúc con nên báo hiếu công ơn dưỡng dục của mẹ rồi. Trước khi con đi lấy chồng, mẹ muốn con sang tên cho mẹ tất cả bất động sản con đang sở hữu và chuyển cho mẹ một nửa số tiền trong tài khoản tiết kiệm của con. Ngoài ra, từ giờ mỗi tháng con phải chuyển cho mẹ một trăm triệu để mẹ dưỡng già.
Hạnh Trân vui vẻ làm theo tất cả các yêu cầu của mẹ. Thực ra bà Ngọc không phải loại người mê vật chất, bà chỉ muốn giữ của cải hộ con gái, phòng lúc nó gặp khó khăn thôi. Bà rất không hài lòng về Hữu Tiến, đã mặt dày ăn bám con bà rồi còn lười. Bà bảo nó gọi điện cho nhà thiết kế bên Pháp để đặt váy cưới cho Hạnh Trân thôi mà nó kêu không thạo việc đặt hàng bên nước ngoài. Bà chửi Hữu Tiến chỉ giỏi kiếm cớ thì Hạnh Trân lại bênh anh Tiến của nó là người làm nghệ thuật mang tư tưởng lớn, tâm hồn thanh cao, không thạo mấy việc vặt vãnh là chuyện bình thường. Hạnh Trân cảm thấy mấy việc tủn mủn đó nên giao cho kiểu người làm kinh doanh như Bá Trường thì hơn. Cô gọi điện nhờ Trường đặt váy cưới hộ. Bá Trường vậy mà thoáng, đặt váy hộ Hạnh Trân xong trả tiền hộ luôn. Ngay cả việc liên lạc với công ty tổ chức tiệc cưới, Hạnh Trân cũng giao cho Trường. Ti tỉ thứ cần chuẩn bị cho đám cưới, Trường lo tất. Bà Nhung thấy vậy thì ức chế vô cùng. Bà hỏi Trường:
– Thằng Tiến cưới vợ hay con cưới vợ thế?
– Con thương Hạnh Trân như em gái, giúp em một chút thì có sao đâu ạ? Chưa kể trước đây con còn có lỗi với em nữa. Con muốn bù đắp cho em.
Bá Trường thật thà nói. Bà Nhung cáu:
– Bao nhiêu năm qua con đã phục vụ nó như một thằng hầu rồi, giờ cần gì bù đắp nữa hả? Con coi nó như em gái nhưng nó không hề coi con như anh trai đâu, nó chỉ được cái nói mồm là giỏi thôi. Không có con em gái nào biết suy nghĩ mà bắt anh trai mình phải vất vả từ sáng sớm tới tối muộn để chuẩn bị đám cưới cho mình như thế! Nó còn yêu cầu anh làm thay luôn những việc mà chồng tương lai của nó phải làm nữa chứ, đúng là quá quắt mà!
Bà Nhung vừa dứt lời thì Hạnh Trân gọi điện cho Trường. Bà không nghe rõ Hạnh Trân nhõng nhẹo cái gì, bà chỉ nghe thấy Trường nói chuyện:
– Anh thương. Chỉ là một bộ vest thôi mà, người ta may không ưng ý thì mình may lại, em đừng căng thẳng… Hả? Gì cơ? Em sợ giờ đặt may không kịp á? Có chỗ may lấy luôn trong tuần đấy, để anh gửi địa chỉ cho em… Sao cơ? Em và Hữu Tiến đều bận à? Ừ… được rồi… em gửi số đo của Tiến cho anh, để anh đặt may giúp cho… Em còn muốn mượn mấy con xe của anh cho đoàn nhà trai rước dâu cho hoành tráng á? Đơn giản, lúc nào cần xe em nhắn tin trước cho anh vài tiếng, anh sẽ cho người lái xe tới địa điểm em yêu cầu… Việc trang trí tiệc cưới và đặt cỗ cưới thì đã có công ty tổ chức tiệc cưới lo rồi mà em… Em không tin tưởng họ á? Được rồi… hôm em cưới anh sẽ đến hội trường tổ chức đám cưới sớm để giám sát họ giúp em… Còn quà tặng cho khách mời sau khi tan tiệc hả? Anh cho trợ lý chuẩn bị hết rồi… em an tâm… Em gửi tiền anh hả? Hâm! Chỗ anh em với nhau tiền nong làm gì? Anh tặng em hết, coi như quà cưới cho em.
Bà Nhung đứng hóng chuyện mà tức lộn cả ruột. Trong cơn nóng giận, bà chửi bới ầm ĩ:
– Cha bố thằng ngu! Chẳng hiểu lúc chửa con mẹ ăn gì mà bây giờ con ngu thế hả con? Ngu hết cả phần thiên hạ! Cả cái con nặc nô kia nữa, mày có nghe thấy bà nói không? Hạch sách con bà ít ít thôi nhá! Con bà là con của bà chứ không phải là con của mày nhá! Thích có con để sai vặt thì tự đẻ lấy mà sai. Thứ gì đâu! Ghét!
Giọng bà Nhung rất to, rất vang nên Hạnh Trân nghe thấy hết. Cô nhỏ nhẹ hỏi Trường:
– Anh có cảm thấy em đang hạch sách anh không?
– Không đâu. Em đừng giận mẹ anh. Tính mẹ bốc đồng, bực thì chửi, xong lại quên luôn ý mà.
– Em không giận bác, em chỉ thấy ấm ức thôi. Em dành cả thanh xuân của mình cho anh, anh không trân trọng điều đó nhưng em chưa hề chửi bới anh, cũng không thù hận anh. Em nhờ vả anh chỉ vì muốn bọn mình có chuyện để bàn bạc với nhau. Em không muốn bẵng đi một thời gian mình không liên lạc liền trở thành người dưng. Anh giải thích với mẹ anh để bác không hiểu nhầm em nhé!
– Ừ. Để anh nói chuyện với mẹ.
Sau khi cúp máy, Trường giữ đúng lời hứa nói chuyện với mẹ về sự ấm ức của Hạnh Trân. Nhưng mẹ anh rất bảo thủ, bà không những không hiểu cho cô mà còn lườm anh một cái rõ dài rồi bĩu môi bảo:
– Thôi, mẹ không thể nói chuyện tiếp được với một thằng ngu đâu con! Con cút ra khỏi nhà mẹ đi, khi nào khôn hơn thì hẵng vác cái mặt về!
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!