Sao Sáng Chờ Anh Về - Chương 33: Ngoại truyện 1-1
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
21


Sao Sáng Chờ Anh Về


Chương 33: Ngoại truyện 1-1


Ngoại truyện 1 (phần 1)

Rời trạm cảng tôi về Uỷ ban huyện một lúc thì thầy Khoa và giáo sư Đình cũng mới cùng đoàn đi ăn cơm về. Nhìn thấy tôi đôi mắt sưng mọng có lẽ thầy Khoa cũng đoán ra được tôi đi đâu về. Mãi cho tới khi lên xe, thầy cũng mới đưa cho tôi một ít giấy rồi nói:

– Diệp Anh. Đừng đau buồn quá, Lâm không muốn thấy em thế này đâu. Thật ra cậu ấy chẳng đi đâu xa, vẫn ở cạnh em theo một cách khác thôi. Người sống được hạnh phúc là niềm an ủi lớn nhất đối với người đã khuất. Vì em là hy vọng của Lâm, em nhất định phải cố gắng khiến bản thân mình vui vẻ lên, là chỗ dựa cho con gái, cũng là niềm an ủi cho cậu ấy nơi xa kia. Em có biết đứa bé năm tuổi Lâm cứu trong cơn gió lốc là ai không?

Tôi ngước lên nhìn thầy Khoa, vốn dĩ tôi chưa từng nghĩ đến thân thế đứa bé kia vì tôi vẫn luôn nghĩ với tính cách Lâm thì là cô bé, cậu bé nào anh cũng đều xả thân mình để cứu thôi. Hôm đám tang Lâm tôi cũng chỉ nghe láng máng bố đứa bé hình như làm bộ đội đóng quân ở biên giới thì phải. Thầy Khoa cười buồn nói tiếp:

– Ừ thật ra thì với tính cách của Lâm thì là ai cậu ấy cũng sẽ cứu thôi. Chỉ là hoàn cảnh đứa bé này có hơi đặc biệt, bố đứa bé là bộ đội trước đóng quân trên xã đảo lấy vợ sinh con ở đó sau thì được điều ra biên giới. Mẹ con chị ấy sống ở đảo, mỗi năm anh ấy chỉ cắt phép về thăm nhà được một lần. Đợt vừa rồi anh ấy tham gia truy bắt tội phạm bị thương rất nặng đang nằm trên viện 108, hai mẹ con bắt tàu lên thăm chồng thì gặp cơn lốc. Nhà anh ấy cũng neo người, chị ấy vừa phải chăm mẹ chồng già lại phải chăm con. Hai vợ chồng hiếm muộn bao nhiêu năm mà nhà lại nghèo, đến mấy năm trước có chương trình Yêu thương lan toả hỗ trợ cho các gia đình quân nhân hiếm muộn vợ chồng ấy mới thụ tinh sinh được đứa con. Đối với vợ chồng anh chị ấy đứa bé là cả sinh mạng. Con người sống ở đời, ai sẽ tránh được cái ch.ết chứ? Cũng là cái chết, nhưng chết vì nghĩa cử cao đẹp như Lâm mấy ai có thể làm được đây? Trường đang đề nghị cấp bằng khen cho cậu ấy, tuy rằng cái bằng khen đó người thân cũng không cần nhưng ít nhất cũng để người ta biết cậu ấy đã sống thế nào. Sống một đời đẹp đẽ, có lý tưởng, có hoài bão như cậu ấy có lẽ cậu ấy cũng chẳng còn gì hối tiếc nữa. Tôi mong rằng em sẽ chấp nhận điều này, cũng sẽ tự hào vì điều đó.

Thật ra tôi biết Lâm không chỉ vì cứu đứa bé kia mà mất, anh còn vì cứu tôi nữa. Ngày hôm ấy nếu anh buông tôi ra, mặc kệ tôi thì có lẽ anh đã không bị sóng cuốn đi như vậy. Nhưng nếu tôi chết đi, có lẽ phần đời còn lại của anh sẽ giày vò khổ sở hơn cả cái ch.ết, anh đã dùng cả tính mạng mình để đổi lấy mạng sống cho tôi, có lẽ tôi cũng nên sống sao cho đáng! Chắc chắn anh sẽ không mong tôi luôn u sầu như vậy, chắc chắn anh cũng mong tôi sống vui vẻ hạnh phúc bên con, lời sau cuối anh đã nói với tôi về với con, ở nơi xa xôi kia anh sẽ dõi theo mẹ con tôi đến hết cuộc đời này có phải không?

Về đến Hà Nội cũng đã muộn, Moon cũng đang ngủ say cùng cô Hiền. Tôi tắm rửa qua loa rồi nằm lên giường cùng con còn cô Hiền trở về phòng của mình. Nhìn thấy con gái yên tĩnh nằm trong vòng tay tôi tôi khẽ hôn lên mái tóc, ngắm nhìn con rất lâu, cũng đã suy nghĩ suốt một đêm dài. Đêm nay có mưa rơi, ngày mai nắng vẫn lên, tôi và con sẽ là trăng vàng, sao sáng ở đây mãi chờ anh!

Những ngày tiếp theo tôi quay lại với cuộc sống như thường ngày. Bởi nghĩ đến những điều cao đẹp Lâm đã làm, nghĩ đến niềm hi vọng anh đặt nơi tôi tôi cũng không còn tự dằn vặt bản thân, không chìm đắm mãi trong nỗi muộn phiền nữa. Thật ra tôi đã nghĩ thông từ lâu rồi, chẳng qua bởi nỗi nhớ thương anh quá nhiều không thể quên nổi nên mới có những phút yếu lòng như vậy. Giờ tôi cũng không thể quên anh, những sẽ cất giữ tất cả những kỷ niệm về anh vào trái tim mình, cất ở một nơi không ai thấy, chỉ có tôi thấy, tôi hiểu!

Từ rằm đến Tết rất nhanh, bận bịu việc ở trường, cuối tuần đi học tối lại ở nhà với Moon nên thời gian trôi rất nhanh, lòng tôi cũng dần nguôi ngoai lại nỗi nhớ nhung. Moon mỗi ngày một lớn lại một biết nhiều hơn, con nói được nhiều, cũng cảm nhận được nhiều về thế giới bên ngoài. Con chưa hoàn toàn quên Lâm, có lẽ bởi trong nhà vẫn lưu đầy ảnh của Lâm, mỗi lần đi qua nhìn thấy con vẫn toét miệng cười gọi “ba”. Tôi cũng không phủ nhận với con, vẫn thường chỉ vào người đàn ông có gương đẹp trai tuấn tú, có đôi mắt sáng ngời trong bức ảnh cưới treo trong phòng ngủ nói với con đây là bố của con. Trong kiếp người khổ đau này có những thứ không thể trốn tránh, cũng có những thứ không thể phủ nhận nhất là thứ tình cảm cha con thiêng liêng của Lâm và con gái.

Ở Vân Đồn về gần một tuần Moon bỗng lăn ra sốt. Ban đầu tôi nghĩ con bé sốt mọc răng nhưng đến ngày thứ hai con bé sốt cao hơn mãi không hạ, cũng không chịu chơi tôi và cô Hiền liền đưa con vào viện. Sau khi lấy máu xét nghiệm, test các loại virus bác sĩ kết luận Moon bị cúm B và viêm tai giữa. Cúm B con bé đã được tiêm nhưng do viêm tai giữa nên vẫn phải nhập viện. Về vấn đề viêm tai giữa bác sĩ nói hầu hết trẻ em ai cũng mắc viêm tai giữa một đến nhiều lần cũng không quá đáng lo ngại, vấn đề sốt của con cũng không lo ngại, nhưng kết quả xét nghiệm máu của con lại có chút vấn đề. Lòng tôi rất lo lắng không biết rốt cuộc xét nghiệm máu của Moon có vấn đề gì nên làm thủ tục nhập viện xong cho con tôi cũng vội vã sang nghe bác sĩ giải thích. Bác sĩ mời tôi ngồi xuống, sau đó đẩy về trước mặt tôi một giờ giấy xét nghiệm máu có khoanh tròn mấy chỉ số in đậm rồi rồi bảo với tôi:

– Các chỉ số xét nghiệm máu khác của bé Tường San đều bình thường nhưng có các chỉ số này thấp hơn bình thường. Tôi nghi ngờ bé mang gen Thalassemia cho tôi hỏi mẹ và bố bé có ai mang gen này không ạ?

Thấy vẻ mặt khó hiểu và tràn đầy lo lắng của tôi bác sĩ liền tốt bụng vừa viết ra tờ xét nghiệm vừa giải thích:

– Thalassemia, hay còn gọi tan máu bẩm sinh, đây là một căn bệnh di truyền từ đời này đến đời khác, bé nhà mình chỉ số chỉ thấp hơn bình thường một chút khả năng bé chỉ mang gen bệnh chứ không bị bệnh, tuy vậy tôi vẫn cần biết bố mẹ có đều cùng mang gen không để chắc chắn hơn, nếu cả bố và mẹ bé đều mang gen bé vẫn nên điện di huyết sắc tố để có thể đưa ra kết luận chính xác nhất. Còn nếu một trong hai người chỉ có một người mang gen, một người bình thường thì bé là người lành mang gen bệnh không cần điện di nữa, bé vẫn khoẻ mạnh, sinh sống như bình thường.

Lúc này tôi cũng đã dần mang máng hiểu ra về lời bác sĩ nói, thế nhưng tôi nhớ lúc tôi mang bầu Moon đã làm xét nghiệm máu rất nhiều lần chưa từng thấy bác sĩ nhắc gì đến các chỉ số này. Tôi ngẫm nghĩ một lúc, hồi mang bầu Moon siêu âm hay xét nghiệm gì tôi đều gửi cho Lâm nên vội vã mở zalo ra kích vào nick của Lâm. Khi nhìn thấy dòng chữ “người dùng đã truy cập ngày 3/10/20xx” lòng tôi cũng đau đớn vô cùng. Tôi cố gạt đi cảm xúc trong lòng mở bức ảnh xét nghiệm máu ở tuần 22 ra đưa cho bác sĩ rồi nói:

– Đây là kết quả xét nghiệm máu của tôi lúc tôi mang bầu con, bác sĩ xem giúp tôi ạ.

Bác sĩ gật đầu nhận lấy bức ảnh, một lúc sau tôi cũng thấy ông thở phào cười:

– Cô hoàn toàn bình thường, thế thì bố cháu mang gen Thalassemia này rồi. Nhưng cũng không sao đâu, bé chỉ mang gen giống bố không phải lo lắng gì nữa, sau này bé lớn có yêu ai lấy ai thì cha mẹ khuyên các cháu làm tầm soát trước hôn nhân nhé. Với lại để ý lúc cháu sinh nở, phẫu thuật thì phải báo trước bác sĩ để người ta chú ý hơn là được, thường thì người ta cũng sẽ phải xét nghiệm máu trước thôi.
– Dạ vâng… nhưng bố cháu cũng hoàn toàn khoẻ mạnh sao có thể mang gen này được? Có trường hợp nào bố mẹ không mang gen mà con mang gen không ạ?
– Làm gì có trường hợp nào thế, bố mẹ không mang gen thì con cũng không thể mang gen này được. Cô bình thường thì chắc chắn bố cháu phải mang gen cháu mới mang gen này, người lành mang gen bệnh thậm chí có người cả đời còn chẳng phát hiện ra được, vẫn hiến máu được bình thường chẳng có biểu hiện gì cả, chỉ khi họ lấy vợ cũng mang gen sinh ra những đứa con bệnh tật mới phát hiện ra thôi. Chồng cô là đàn ông, không sinh nở, không phải phẫu thuật, gen ẩn không biểu hiện ra thì khó phát hiện cũng bình thường thôi. Tóm lại là giờ cô không cần lo lắng nữa, cô không mang gen thì bố bé có mang gen cũng không vấn đề gì, chỉ số của bé cũng không đến mức quá thấp, bé không cần điện di huyết sắc tố nữa.

Nỗi lo lắng trong lòng tôi lúc này mới được vơi đi phần nào, nhưng nghĩ đến việc con bé mang gen tan máu trong người vẫn thấy có chút hoang mang. Sau khi về phòng bệnh của con tôi cố dỗ con ăn chút cháo, cho con uống thuốc, đợi con ngủ tôi tranh thủ chạy ra ngoài hành lang bắt wifi lấy điện thoại lên mạng tìm hiểu về căn bệnh này. Cũng may đúng như lời bác sĩ nói, tôi không mang gen bệnh, chỉ có Lâm mang gen thì Moon cũng không có vấn đề gì đáng lo ngại, lúc tôi chụp kết quả máu của tôi và Moon gửi cho bác sĩ ở viện sản nhi Quảng Ninh họ cũng khẳng định Moon không gặp vấn đề gì nguy hiểm, chỉ để ý tầm soát hôn nhân cho con như bác sĩ đã nói, còn nếu muốn đợi con lớn một chút cho con điện di huyết sắc tố xem con mang gen ở thể nào là được. Tôi khẽ thở phào ôm kết quả xét nghiệm của con đi xuống can-tin mua cơm trong lòng chợt nghĩ người cao lớn khoẻ mạnh như Lâm mà lại mang gen này, thậm chí còn chẳng phát hiện được ra. Có lẽ bố hoặc mẹ anh chỉ có một trong hai người mang gen nên anh mới là người lành mang gen chứ nếu cả hai người cùng mang gen khả năng anh đã mang bệnh nặng phải truyền máu cả đời rồi cũng nên, tự dưng tôi lại có chút tò mò không biết là mụ dì ghẻ hay bố của Lâm mang gen nữa đây. Đúng là trên đời có những thứ không thể phủ nhận nổi, đơn cử như máu mủ ruột thịt nhà họ, ADN, hay cả bệnh di truyền như Thalassemia này. Vì mải suy nghĩ tôi cứ cắm cúi đi đến gần thang máy ngẩng đầu lên đột nhiên va phải một người cũng đang vội vã từ trong thang máy đi ra. Vì lực va mạnh nên tờ giấy xét nghiệm máu của Moon cũng rơi xuống, tôi vốn định xin lỗi thì chợt khựng lại khi thấy người mình va phải là Khánh. Khánh cũng há hốc kinh ngạc khi thấy tôi ở đây, anh vừa vội vã nhặt tờ giấy xét nghiệm lên vừa hỏi tôi:

– Diệp Anh, sao em lại ở đây?

Hơn ba tháng nay kể từ ngày tôi gặp Khánh ở công ty của anh đến giờ mới gặp lại. Tuy rằng tôi vẫn rất giận Khánh chuyện anh lấy cái ch.ết của Lâm ra để khiến mụ dì ghẻ dằn vặt nhưng tôi cũng không thể xem anh là người dưng nên vẫn đáp lại:

– Con bé nhà em viêm tai giữa, bị sốt nên phải nằm viện, còn anh sao anh cũng ở đây?
– Thằng Bin nhà anh cũng viêm tai giữa, còn viêm phổi nữa đang phải thở khí dung trong này.
– Thế ạ, Bin đỡ chưa anh?
– Cháu đỡ rồi, một hai ngày nữa sẽ ra viện.

Nói đến đâu Khánh cũng đưa lại tờ giấy xét nghiệm máu của Moon cho tôi đến đấy. Thế nhưng khi thấy mấy chữ “thalassemia” “tan máu bẩm sinh” được bác sĩ viết để giải thích cho tôi thì đột nhiên sững sờ lại. Không hiểu sao anh lùi chân lại một bước sau đó có chút hoang mang hỏi tôi:

– Bé nhà em… bị tan máu bẩm sinh à?

Tôi nghĩ Khánh biết về căn bệnh này, biết nó nguy hiểm thế nào nếu mang thể nặng nên mới sững sờ như vậy. Vì không muốn anh hiểu nhầm hay thương hại Moon nên tôi vội giải thích:

– Không, bé nhà em chỉ là người lành mang gen không có gì nguy hiểm cả. Kết quả xét nghiệm máu của em bình thường, con bé chắc mang gen giống bố nên cũng chỉ bị thể ẩn thôi, bác sĩ bảo không vấn đề gì để ý sau này kết hôn làm tầm soát với chú ý sinh nở báo cho bác sĩ biết là được rồi.

Lần này sắc mặt Khánh có chút tái nhợt, tôi bỗng cảm thấy hình như anh có chút hoảng loạn. Tôi cũng sực nhớ ra Lâm và Khánh là anh em cùng cha khác mẹ, nếu bố của Lâm mang gen, khả năng Khánh cũng sẽ mang gen hay anh đang lo lắng Vân cũng mang gen này sẽ ảnh hưởng đến con mình nên vội vã hỏi lại anh:

– Anh sao thế? Bin nhà anh có vấn đề gì à?

Khánh siết tay lại, anh ngẩng đầu lên nhìn tôi, giọng hơi khàn đi:

– Bin không có vấn đề gì cả… anh đi đây.

Khánh còn không đợi tôi đáp đã đi rất nhanh về phía hành lang vào phòng VIP, không rõ là gió lạnh hay vì điều gì mà tôi còn thấy vai Khánh có chút run lên. Suốt từ lúc đi xuống cantin để mua cơm cho tới lúc lên tôi vẫn thấy thái độ của Khánh rất lạ, dù không có một cơ sở gì nhưng linh cảm cho tôi thấy Khánh hình như không được bình thường khi biết con gái tôi mang gen Thalassemia. Con trai anh bình thường, con gái tôi mang gen Thalass thì làm sao anh phải hoang mang đến thế?

Buổi tối, lúc tôi và cô Hiền ăn cơm cô Hiền có hỏi tôi về xét nghiệm máu của Moon. Tôi cũng giải thích sơ sơ cho cô hiểu còn nói sau Moon có yêu ai cũng phải làm tầm soát trước hôn nhân. Nghe xong cô Hiền cười nói:

– Bây giờ thời hiện đại phòng tránh được bao nhiêu bệnh, chứ cứ như thời bọn cô làm gì biết tầm soát là cái gì, lấy thì cứ lấy nhau, đẻ thì cứ đẻ ra, con bệnh tật cũng chẳng biết sao nó bệnh luôn. Cách đây hai mấy ba mươi năm đến giờ nhìn lại thấy nền y tế phát triển thật. Bây giờ bầu thì có siêu âm, có làm nipt, rồi xét nghiệm máu, tiểu đường, đẻ xong nào là da kề da mẹ, nào là lấy máu gót chân chứ thời bọn cô lấy đâu ra.

Tôi gật đầu đồng tình:

– Vâng, mỗi ngày xã hội một phát triển thì y tế cũng sẽ tiến bộ hơn. Đẻ một đứa bé khoẻ mạnh đồng nghĩ với việc giảm được gánh nặng cho gia đình và xã hội cô ạ nên mình làm được gì tốt nhất thì mình cứ làm.
– Ừ, cũng do thời bọn cô khổ quá, ba bốn mươi năm trước đất nước khó khăn, đôi khi ăn còn chẳng có mà ăn nên mấy ai nghĩ được sâu xa đâu. Cái thời bọn cô toàn đẻ trạm hoặc đẻ ở nhà cơ, làm gì có điều kiện được đẻ bệnh viện đâu. Nhưng mà chính ra đẻ ở trạm hay ở nhà lại có cái hay nha, con mình đẻ ra mình biết ngay, chứ thời đó đẻ ở viện xong mang cả đống trẻ vào một chỗ chả biết đâu mà lần, có khi trao nhầm con cũng nên, đầy vụ rồi đấy. Mà giờ chắc không có chuyện trao nhầm con đâu nhỉ?

Thấy cô Hiền nói vậy tôi bật cười đáp lại:

– Giờ đi đẻ người nhà vây quanh, đẻ xong thì ấp ngay trên bụng mẹ rồi đeo vòng cho cả mẹ lẫn con sao mà nhầm được nữa cô. Trừ trường hợp như hôm cháu bị mất máu ngất đi, nếu như không có người nhà thì con cháu bị tráo cháu cũng chịu chết.
– Tráo làm sao được, cô với thằng Lâm đứng ngay cạnh nhìn mày rặn con Moon ra, tráo bằng niềm tin à?
– Vâng, thế nên cháu mới bảo giờ làm gì có chuyện nhầm con được nữa cô.
– Ừ thì thế, cái thời bọn cô nhầm đầy, ngay trên Ba Vì nhà cô cũng có mấy vụ, mà nhà gần nhau nha ba bốn mươi năm sau mới phát hiện ra. Nghĩ nuôi nó ba bốn mươi năm xong sau phát hiện ra nó không phải con mình, cái đứa mà người ta cũng nuôi ba bốn mươi năm trời xa lạ lại mới là con mình, cảm giác đó chắc kinh khủng lắm nhỉ. Như cô nuôi cái Ân, dành tất cả tình cảm cho nó mà phát hiện ra nó không phải con cô chắc cô chết ngất.
– Chị Ân giống cô như tạc sao mà nhầm được có đi xét nghiệm ADN bác sĩ cũng đuổi về ấy chứ.
– Thì là đang nói ví dụ thế.

Tôi cười ngất với cái ví dụ của cô Hiền, tự dưng nghĩ có một người cô như cô Hiền ở cạnh trong khoảng thời gian này thật may mắn biết bao. Khi đang cười, đột nhiên tôi bỗng hơi khựng lại… không hiểu sao nhắc đến trao nhầm con ba mươi mấy bốn mươi năm mới phát hiện được ra đầu tôi bỗng loé lên một suy nghĩ rất viển vông. Tôi nhìn Moon, hơi run run hỏi cô Hiền:

– Cô Hiền, cô thấy cái Moon nhà cháu… giống bà nội nó một nét nào không?
– Ô chẳng phải cô vẫn hay bảo đấy sao, con Moon nó chẳng giống chị Phượng nét nào cả. Chị Phượng chị ấy đẹp thật, nhưng vẻ đẹp cứ sắc sắc, ác ác thế nào ấy, còn con Moon nó giống bố, đẹp nhưng nhìn gương mặt đã thấy phúc hậu hiền lành rồi. Lâm nó giống bố nó, cô nhìn di ảnh bố nó rồi, nó giống bố nó nhiều nhưng nhìn nét đẹp hơn, mắt sáng, tuấn tú hơn nhiều, mà chính ra nó chẳng giống mẹ nó một nét gì luôn đấy. Tính cách lại càng không giống, người ta bảo con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, mà thằng Lâm cả tính cách lẫn ngoại hình có giống tí nào đâu nhở?

Tôi không dám tin vào suy nghĩ không căn cứ ấy, nhưng suốt buổi tối hôm ấy lời cô Hiền vẫn văng vẳng bên tai tôi. Có lần Lâm và mẹ anh cãi nhau, tôi nhớ mụ dì ghẻ có nói khi sinh anh mụ ta bị băng huyết, hai ngày sau mới tỉnh mà không có người thân nào bên cạnh, việc đầu tiên mụ ta tỉnh là tìm Lâm cho bú… mụ ta… không hề nhìn thấy Lâm lúc mới sinh thế nào, hai ngày sau mới được gặp con? Nghĩ đến đây, đầu tôi bỗng nổ ầm một tiếng, giống như khi tôi sinh con bị mất máu, nếu như không có Lâm và cô Hiền bên cạnh, nếu như có ai đó tráo đổi con tôi tôi thật sự cũng không thể biết được. Ý nghĩ điên rồ len lói trong tâm trí tôi, dù biết là viển vông… nhưng tôi không gạt nó đi nổi, còn cả thái độ lạ lùng của Khánh hôm nay khi biết con tôi mang gen Thalass khiến tôi cảm thấy rất bất thường.

Suốt một đêm dài tôi nằm quan sát Moon, không phải tôi hận mụ dì ghẻ, nhưng đúng là tôi nhìn mãi không thấy Moon có nét nào giống mụ ta. Sáng hôm sau khi bác sĩ khám xong cho con, đút cho con ăn, đợi con ngủ tôi mua đồ ăn sáng cho cô Hiền dặn cô vài câu rồi vội vã chạy ra bệnh viện xin được xem hồ sơ bệnh án của mụ dì ghẻ với tư cách là người nhà, ban đầu họ cũng làm khó tôi dù tôi đã trình bày việc mụ ta đang chấp phạt án tù nên không có văn bản đồng ý của mụ ta, thế nhưng khi tôi đưa cho họ một khoản tiền ngay lập tức họ mang hồ sơ của mụ ta đến bảo tôi xem nhanh họ còn mang đi cất. Lúc nhận kết quả xét nghiệm máu của mụ ta tôi lén chụp một bức ảnh sau đó trả về cho họ rồi nhanh chóng chạy thẳng về bệnh viện, cắt toàn bộ thông tin bên trên chỉ để lại các chỉ số mang vào hỏi bác sĩ điều trị cho Moon. Ngày hôm qua lúc tôi lên tìm hiểu về căn bệnh Thalassemia tôi cũng dần dần biết chút ít kiến thức, nhìn thấy công thức máu của mụ dì ghẻ hoàn toàn bình thường tôi cũng đã đoán được sơ sơ kết quả. Cho tới khi bác sĩ đọc xong thì bảo với tôi:

– Kết quả này các chỉ số đều hoàn toàn bình thường không có chỉ số nào dưới giới hạn. Người này không mang gen thalassemia đâu nhé. Người này có liên quan gì đến bé nhà cô hả?
– À dạ là bà nội của bé ạ.
– Vậy khả năng ông nội cháu mang gen rồi.

Có nghĩa là nếu mụ dì ghẻ không mang gen chắc chắn bố của Lâm phải mang gen anh mới mang gen này. Tỉ lệ di truyền 50:50, Khánh không bị thì cũng chẳng nói nên được điều gì. Còn nếu bố của Lâm không mang gen… điều đó có nghĩa là gì… là Lâm… không phải con của một trong hai người họ, mà con của họ với một người nào đó cũng phải mang gen này… Không, Lâm giống bố như tạc, anh chắc chắn là con của ông ấy rồi… nếu như ông ấy không mang gen, thì Lâm là con của ông ấy và một người đàn bà khác cũng phải mang gen này mới đúng. Nghĩ đến sắc mặt tái nhợt của Khánh tôi bỗng bật dậy quên nói cả lời cảm ơn người bác sĩ kia. Lúc đứng dậy định mở cửa tôi đã hoàn toàn nhớ lại lời kể của mẹ tôi về mẹ Khánh. Mẹ tôi bảo sau khi sinh nở Khánh bà yếu đi rất nhiều, còn mắc cả bệnh hiểm nghèo, trước khi sinh Khánh cho tới khi sinh xong bà ở Hà Nội tận hai tuần!!!! Là hai tuần!!! Xâu chuỗi lại toàn bộ sự kiện tôi còn nhớ đến vẻ mặt kinh ngạc của bà lão trên đảo khi biết mẹ Lâm còn sống. Trước kia tôi không tin vào tâm linh, nhưng khi Lâm mất đi, trải qua vận mệnh đau khổ ấy tôi đã bắt buộc phải tin nó và giờ thì hoàn toàn hoang mang bởi cái nhìn kinh ngạc ấy.

Thế nhưng tôi còn chưa kịp đi tìm Khánh, vừa mở cửa phòng tư vấn của bác sĩ ra đã thấy anh đứng trước cửa chờ tôi có lẽ cũng đã nghe hết cuộc trò chuyện ban nãy của tôi và bác sĩ, cũng có lẽ cũng đoán được tôi sẽ định làm gì. Sắc mặt Khánh rất tệ, có cảm giác như suốt đêm qua anh đã không ngủ, quần áo xộc xệch, trông vô cùng lạ lẫm. Tôi nhìn anh chưa kịp cất lời Khánh đã nói:

– Diệp Anh! Mẹ của anh cũng mang gen tan máu bẩm sinh.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN