Sao Sáng Chờ Anh Về
Phần 13
Mười sáu năm đã trôi qua rồi nhưng ký ức đau thương và sợ hãi tôi chưa từng quên đi. Cách đây rất lâu tôi nghe tin hai gã bắt cóc mình kẻ đã chết kẻ mất tích đến nay chưa thấy xác, không ngờ kẻ mất tích đến nay vẫn còn sống. Tôi ngước lên nhìn hắn ta gương mặt theo thời gian đã già đi nhiều nhưng ánh mắt hung ác vẫn thấp thoáng nơi đáy mắt. Có điều tôi biết, giờ tôi đã không còn là cô bé tám tuổi tay không tấc sắt như năm nào, hắn cũng không thể nhận ra tôi nên trấn tĩnh lại hỏi:
– Chú hỏi gì ạ?
– Đây có phải nhà bà Phượng, Nguyễn Hoàng Phượng không?
Khi hắn hỏi đến đâu, cơn lạnh trong tôi cũng vơi đi nửa, tôi đáp:
– Vâng, đúng rồi ạ.
– Bà ta có nhà không?
– Có ạ.
– Mở cửa ra cho tôi gặp bà ta.
– Đây không phải nhà cháu nên cháu không mở cổng cho chú vào được. Chú đứng đây chờ cháu gọi mẹ chồng cháu ra.
Hắn ta liếc nhìn tôi hừ lạnh:
– Nhanh lên.
Vào trong nhà, tôi liếc thấy hắn ta đứng ngoài cổng châm điếu thuốc, vai dựa vào cánh cổng, thong dong thở ra một làn khói trắng. Lúc này mụ dì ghẻ đang nằm trên ghế sofa, thấy tôi liền hỏi:
– Sao giờ này cô đã về rồi? Công ty nhiều việc, ai cũng tăng ca, cô cứ đúng giờ là tót về nhà không thấy bản thân rất tồi à? Hay cô nghĩ công ty không trả lương cho cô nên cô không có trách nhiệm?
– Sau con sẽ chú ý ạ. À mẹ ơi, bên ngoài có người tìm mẹ.
– Ai tìm, sao không mời người ta vào nhà?
– Đây là nhà của mẹ nên con cũng không dám tự tiện mời người lạ vào.
– Thế người ta đâu?
– Người ta đứng ở cổng mẹ ạ.
Mụ dì ghẻ nghe xong bật dậy đi ra ngoài, gã đàn ông bắt cóc tôi cũng đẩy cánh cổng từ từ cởi mũ lưỡi trai ra. Giữa làn khói trắng, tôi bỗng thấy mụ dì ghẻ đột nhiên khựng lại. Trái ngược với mụ dì ghẻ, gã đàn ông bắt cóc tôi lại rất bình thản, vẫn đứng yên sát cánh cổng, nở nụ cười đầy nham hiểm. Từ góc này tôi không thể nghe được họ nói chuyện nên cầm túi xách đi lên tầng. Khi đi đến giữa tầng một và tầng hai tôi liền dừng lại nhìn hộp khoá bí mật ở thư phòng. Trong giây lát tôi vội vã đi tới ấn thử mật mã. Kỉ niệm ngày cưới của mụ dì ghẻ là mùng 5 tháng 1 năm 2003, tôi cũng ấn mấy con số 5103. Thế nhưng vừa ấn xong màn hình cũng nhấp nháy đỏ báo hiệu sai mật mã. Tôi sợ rằng mình ban nãy mình ấn nhầm số nào đó nên ấn thử lại, có điều dù lần này tôi đã nhìn rất kỹ nhưng vẫn sai mật mã. Trong lòng tôi có chút thất vọng, nhưng tầm này cũng không dám vội, một là cô Hiền sắp quay về, hai là bên dưới sân mụ dì ghẻ có thể lên bất cứ lúc nào nên tôi chỉ đành ôm cặp lên tầng ba. Khi lên đến hàng lang tầng ba, tôi liếc nhìn qua ô cửa kính thấy mụ dì ghẻ và gã bắt cóc tôi vẫn đang nói chuyện dưới sân liền mở máy, cắm tai nghe vào nghe. Cũng không rõ hai người họ đã nói chuyện được bao lâu, càng không rõ màn chào hỏi kịch tính ban đầu thế nào, chỉ thấy trong tai nghe, tiếng gã đàn ông kia cũng chầm chậm phát ra:
– Bà chị à, đừng phủ nhận nhau như thế. Mười mấy năm nay tôi sống như chết, vật vạ bên Campuchia đến giờ mới quay về được. Cuộc sống túng thiếu quá, cũng chỉ là xin ít tiền bà chị chẳng lẽ lại không thể cho vài chục. Nhìn xem cơ ngơi to thế này cho thằng này vài chục củ không lẽ cũng ki bo.
– Tôi nói rồi, tôi không quen anh, đừng nhận vơ thế chứ?
– Thôi, khỏi vờ vịt với tôi đi. Ba đứa con riêng bị bà chị bán cho tôi tôi vẫn nhớ tên từng đứa một đấy.
– Đó là việc của anh, tôi không quan tâm, xin mời đi cho.
Tôi phải thừa nhận mụ dì ghẻ quả là con người bình tĩnh, dù nhận ra hắn ta nhưng không hề nao núng. Nhưng gã bắt cóc tôi cũng chẳng phải dạng vừa, thấy bộ dạng bình thản của mụ dì ghẻ thì cười hềnh hệch nói:
– Việc của tôi sao, không quan tâm sao, vậy chúng ta đánh cược một ván nhé.
– Cược gì?
– Để tôi đến tìm thằng con trai chị, kể lại cho nó nghe hành trình chị thuê tôi bắt cóc ba đứa bé kia thế nào, tống chúng nó qua biên giới ra sao, bán chúng nó cho chủ nhân nào, để xem nó tin tôi hay tin chị.
Ngay lập tức tôi nghe được tiếng mụ dì ghẻ run rẩy cất lên:
– Anh nói gì?
– Tôi nói rồi, tôi chỉ đến xin chút tiền thôi, tử tế đưa cho tôi tôi sẽ đi, còn không tôi cũng chẳng ngần ngại tìm đến thằng con trai quý hoá của chị mà cho nó biết những việc ác độc chị đã làm với ba đứa trẻ kia đâu. Đừng tưởng nói dối vài câu là xong, nó tin tôi hay tin mẹ mình cứ đánh cược một ván xem nào. Vả lại tội bắt cóc trẻ em bán sang biên giới thuộc tội đặc biệt nghiêm trọng, tôi cũng mới trốn truy nã được mười sáu năm, chưa hết thời hạn hai mươi năm, nếu như ra đầu thú, khả năng vẫn kéo theo được khối người chết cùng.
– Đồ khốn, doạ ai chứ, có bằng chứng gì?
– Bằng chứng thì cứ để công an điều tra, còn lòng tin của con trai chị với chị thì để tôi thử mới biết. Tầm này thằng con trai chị cũng sắp đi làm về nhỉ. Giảng viên đại học đúng không, khá nổi trên vài mặt báo, tôi đứng đây chờ nó về nói chuyện chút cũng không mất thời gian.
Nhắc đến Lâm mụ dì ghẻ có chút mất bình tĩnh, hướng ánh mắt ra cổng gằn lên:
– Mày muốn bao nhiêu?
– Đấy, ngay từ đầu cứ thế có phải nhanh không. Thằng này không nuốt lời, chín mươi chín triệu từ nay sẽ không làm phiền nữa.
– Sao mày không đòi luôn một trăm triệu cho tròn?
– Nếu bà chị có lòng tốt bo thêm một triệu tôi xin cảm ơn.
– Có chắc sẽ không làm phiền?
– Chắc chắn! Lấy tiền xong tôi sẽ đi Cam, từ nay không phiền đến chị. Qua vài năm nữa hết lệnh truy nã, bà chị cứ yên tâm mà sống một đời. Tiền tươi cần ngay, tôi không muốn lằng nhằng nên phiền bà chị đưa đủ một lần.
– Rốt cuộc thì mày là người hay ma?
– Bà chị thông minh sao lại hỏi một câu vô tri như vậy? Thằng Tuấn mới chết chứ thằng này bơi qua bao con sông, trèo qua bao đèo mới trốn sang được Cam, sống sót đến giờ đâu phải dễ. Nếu ma mà về đòi mạng được thì ba chị em con bé kia đã đòi mạng bà chị lâu rồi. Chúng nó dưới suối vàng uất hận chị nhất, nhưng chúng nó nào có làm gì được, vẫn để bà chị sống tốt, sống khoẻ, sống sung sướng trên tài sản nhà chúng nó thì bà chị phải nên ăn mừng, chút tiền bố thí cho tôi coi như là trả nghiệp, có gì đâu mà phải tiếc?
Tôi nghe được tiếng mụ dì ghẻ hít một hơi, cảm giác vẫn chưa hết bàng hoàng, sửng sốt và thất kinh. Nhưng có lẽ mụ ta cũng hiểu giờ không phải là lúc tranh cãi nên cuối cùng cũng quay ngược trở vào nhà lấy tiền, không quên dặn gã đàn ông kia:
– Đứng đây chờ, cầm tiền xong cút luôn.
Gã bắt cóc tôi lặng lẽ gật đầu, vứt mẩu thuốc lá xuống đất, dùng chiếc chân thọt đạp lên không nói thêm lời nào. Đang yên đang lành, bỗng dưng gã bắt cóc mất tích tưởng đã chết mất xác lại quay về, tôi đoán mụ dì ghẻ đang hết sức sốc. Chính bản thân tôi còn bất ngờ và cảm thấy vô cùng khó hiểu nói gì đến mụ dì ghẻ. Tôi cắt đoạn ghi âm ban nãy gửi vào hòm thư bí mật sau đó nằm xuống giường. Đến khi xác nhận gã bắt cóc tôi đã đi khuất, cô Hiền cũng đã về tôi mới thay quần áo xuống dưới nhà. Lúc đi qua tầng hai, tôi thấy tiếng mụ dì ghẻ rít lên từ trong phòng:
– Theo dõi hắn ta, điều tra xem hắn vì sao lại xuất hiện ở đây.
Chín mươi chín triệu bạc đã là gì, tôi bật cười cảm thấy nhờ gã ta mà kế hoạch sắp tới lại thú vị rồi đây. Về đến nhà, tôi thấy cô Hiền cũng đang cắm cơm liền vào vặt rau cùng. Thế nhưng tôi vừa chạm vào cô ấy liền xua xua tay nói:
– Cô đi lên phòng khách đi, việc nấu cơm là việc của tôi. Ông bà chủ mà thấy cô làm giúp tôi lại mắng tôi chết.
– Không sao đâu, ở nhà cháu vẫn nấu cơm rửa bát mà.
– Ở nhà khác ở đây khác. Vả lại tôi làm công ăn lương, ai lại để cô làm cùng được?
Khi cô Hiền vừa nói đến đây mụ dì ghẻ cũng từ trên nhà bước xuống. Thấy tôi luấn quấn dưới bếp mụ ta đột nhiên sửng cồ chửi:
– Việc mình thì không làm đi làm mấy cái việc vô nghĩa. Tôi thấy cô ăn no rửng mỡ quá rồi đấy, không biết cô là sao chổi hay là gì mà từ lúc cô về nhà này đen đủi đủ đường. Từ lúc thằng Lâm mang cô về tôi đã không ưa nổi, giờ càng lúc càng cảm thấy cô ám gia đình tôi như quỷ ám. Đã nói lấy con Nguyệt rồi, cớ sao lại lấy cô chứ?
– Con xin lỗi, nếu mẹ không thích sau con không dám vào bếp nữa ạ.
– Không phải tôi không thích cô vào bếp mà tôi không hề thích cô, nếu không muốn nói tôi căm ghét cô, nhìn mặt cô đã muốn cô biến mất luôn đi. Không hiểu cô có gì đặc biệt mà con trai tôi nó lấy cô nhỉ? Loại tầm thường như cô sao lại lọt vào mắt nó?
Mụ ta vừa nói đến đây bên ngoài chợt có tiếng Lâm cất lên:
– Mẹ, loại tầm thường là loại thế nào ạ?
Tivi phát chương trình ca nhạc, vì vậy Lâm về từ lúc nào cả tôi và mụ dì ghẻ không ai hay biết. Mụ ta thấy con trai thì thay đổi nét mặt cười hỏi lại:
– Con về từ bao giờ thế? Xe đâu?
– Con về từ lúc mẹ chửi vợ con ăn no rửng mỡ rồi.
– Lâm à… mẹ không có ý đó, chỉ là không muốn nó vào bếp thôi.
– Mẹ có thấy mệt không ạ, sống thế này có mệt không?
– Lâm! Mẹ thật sự không cố ý nói ra những lời như vậy, nhưng công ty dạo này quá nhiều việc, mẹ cảm thấy lẽ ra nó về vào bếp làm những chuyện này thì thà ở công ty xem có gì giúp bố con thì tốt hơn.
– Vậy là mẹ tự cho mình cái quyền mạt sát người khác?
Nhìn sắc mặt trắng bệch của mụ dì ghẻ tôi cảm nhận được cả ngày hôm nay sự mệt mỏi của mụ ta đã lên đến đỉnh điểm. Nhưng trước mặt con trai duy nhất mụ ta chỉ có thể nén lại lồng ngực phập phồng, khó nhọc nói ra mấy chữ:
– Diệp Anh, mẹ xin lỗi, con ở công ty chắc cũng biết công ty khó khăn thế nào, bố mẹ áp lực và mệt mỏi ra sao nên mong con thông cảm khi mẹ trút những áp lực đó lên con. Mẹ không cố ý nói những lời như vậy với con. Lần sau mẹ sẽ để ý lời nói hơn.
Ánh mắt Lâm vẫn rất lạnh nhạt, tôi liền nhanh chóng xoa dịu bầu không khí:
– Mẹ con hiểu mà, con không trách mẹ, lỗi cũng là do con trẻ người non dạ, lẽ ra con không nên về sớm như vậy, lẽ ra con nên ở lại xem còn có việc gì ở công ty cần mình không…
– Công ty trả lương cho em à? Đi làm đúng giờ, về đúng giờ, em sai chỗ nào mà phải nhận lỗi về mình?
Tôi căm ghét mụ dì ghẻ, cũng cảm thấy thế này đáng lắm, nhưng tôi cũng hiểu nếu để mụ dì ghẻ và Lâm căng thẳng quá, tôi sẽ rất khó tìm được tập tài liệu mật nên đành kéo tay Lâm nói:
– Được rồi, mẹ cũng đã nói do mẹ áp lực quá nên mới thế rồi mà. Em không để ý đâu.
Anh ta nhìn mụ dì ghẻ, khoé môi mấp máy định nói gì đó, nhưng cuối cùng chỉ quay sang bảo tôi:
– Đi lên phòng đi.
Tôi lên phòng được một lúc Lâm cũng xách cặp đi lên. Trong phòng chỉ bật chút đèn ngủ, anh ta hỏi tôi:
– Vì sao bị mẹ bắt nạt lại không phản kháng?
– Cũng chỉ là mấy lời chửi thôi, mẹ không đánh cũng không bỏ đói em sao mà em phải phản kháng. Mẹ áp lực em nhìn ra mà, những lời chửi ấy em nghe được, cũng không để bụng, không sao cả.
Tôi thấy yết hầu Lâm khẽ trượt xuống, giọng nói cũng khàn khàn:
– Em nghe được không có nghĩa tôi nghe được.
– Em hiểu, nhưng anh cũng nên thông cảm cho mẹ. Ngay từ đầu mẹ đã không thích em, nếu không vì huỷ hôn với chị Nguyệt thì Việt An đã không rút vốn, công ty cũng không rơi vào khó khăn. Những áp lực này ít nhiều cũng liên quan đến em, mẹ trút lên em cũng thông cảm được.
– Không lấy em thì tôi cũng huỷ hôn với Nguyệt thôi. Lỗi này do tôi không phải do em. Diệp Anh này…
– Dạ?
– Không cần phải cố hàn gắn mối quan hệ của tôi và mẹ đâu.
Tôi ngước lên nhìn Lâm, thấy ánh mắt anh ta sẫm xuống, sau cùng mới nói tiếp:
– Có muốn về kia ít hôm không?
– Không cần đâu, em nói rồi những lời nói của mẹ em không để ý, cũng hiểu và thông cảm được. Em muốn ở đầy cho tiện đường đi thực tập.
– Dù cho mẹ tôi tệ với em, dù cho không thoải mái vẫn không muốn về bên nhà kia?
– Bên kia tuy là thoải mái hơn thật nhưng em nghĩ mẹ đã ghét em như thế mà em không gần gũi mẹ, không lấy lòng mẹ thì mối quan hệ của em và mẹ mãi mãi không cải thiện được.
– Em không cần lấy lòng ai cả.
– Nhưng đó là mẹ anh, là người đã sinh ra anh. Anh nói xem máu mủ ruột già đâu thể bỏ được, sau này chúng ta có con, nó là cháu của mẹ anh, mối quan hệ này vĩnh viễn ràng buộc nhau. Em lấy anh rồi thì người thân của anh cũng là người thân của em. Mẹ chưa thích em chứ không phải không thích. Vả lại ở đây không phải còn có anh đấy sao, em không ngại gì đâu.
Những lời dối trá này nói lâu cũng thành quen, tôi cũng không còn cảm giác buồn nôn như trước kia. Thấy anh ta im lặng tôi cũng không nói thêm đứng dậy nhặt một bộ quần áo đi tắm trước. Tắm xong ra ngoài thấy Lâm cũng đang đứng trước cửa kính, nhìn ra thành phố sầm uất bên ngoài. Nỗi cô đơn xen lẫn giày vò vẫn luôn phảng phất trên người anh ta. Tôi lặng lẽ đứng phía sau, nhớ đến gương mặt Lâm mười mấy năm về trước, khi phát hiện ra mụ dì ghẻ đánh ba chị em chúng tôi đã dùng dao cắt tay mình. Khi ấy ánh mắt anh ta cũng ngập tràn những nỗi giày vò và day dứt như vậy. Vậy khi ba chị em tôi bị bán đi, anh ta trở về không thấy chị em tôi đâu đã có cảm xúc thế nào? Là bàng hoàng, sửng sốt, khổ đau, dằn vặt, oán hận hay bình thản như không? Khi còn đang suy nghĩ miên man bên ngoài cô Hiền cũng gõ cửa gọi tôi và Lâm xuống ăn cơm. Ông Quang đã về, mụ dì ghẻ sốt sắng hỏi ông ta hợp đồng hôm nay đã ký được chưa. Đến khi ông Quang xác nhận hợp đồng hôm nay đã ký, ngoài ra hôm nay còn tìm được một đối tác rất có tiềm năng cơ mặt mụ dì ghẻ mới giãn ra một chút. Lâm dù vẫn còn lạnh nhạt với mụ dì ghẻ, những có lẽ cũng không muốn tôi khó nuốt nên trong bữa cơm vẫn trò chuyện đôi ba câu với ông Quang. Đến khi ăn cơm xong lên phòng Lâm bỗng dưng hỏi tôi:
– Thứ sáu tuần sau tôi mang máy chiếu ra đảo cho bọn trẻ, em có muốn đi cùng không?
Cũng đã lâu lắm rồi tôi chưa về đảo, vả lại giấy tờ sổ đỏ cũng cần hoàn thiện liền đáp:
– Có ạ.
– Ừ. Tôi nói với bố rồi, sáng thứ 6 xuất phát. Không cần mang quá nhiều đồ đâu, chủ nhật là về rồi.
– Vâng. À em muốn hỏi anh một chuyện được không?
– Hỏi đi.
– Bố Quang không phải bố ruột anh đúng không?
Câu trả lời tất nhiên tôi đã có, đối với câu hỏi vô tri này tôi cũng chẳng cần đáp án. Chỉ là tôi muốn thăm dò Lâm một chút nên cười cười nói tiếp:
– Tại em thấy hai người không cùng họ. Anh họ Lê còn bố họ Nguyễn. Hôm trước kỷ niệm ngày cưới cũng mới mười lăm năm trong khi anh đã hơn ba mươi tuổi rồi. Em thắc mắc từ khi mới cưới nhưng giờ mới dám hỏi.
– Ừ. Tôi là con riêng của mẹ.
– Vậy bố đẻ của anh thì sao ạ? Bố đẻ anh là người ở đâu?
Vốn tưởng Lâm sẽ không trả lời bởi từ trước tới nay chuyện gia đình anh ta gần như chưa từng chia sẻ với tôi, không ngờ anh ta lại nói:
– Bố đẻ tôi mất từ khi tôi hơn tuổi. Bố tôi quê Phú Thọ nhưng theo ông bà họ hàng ra ngoại thành Hà Nội sống từ nhỏ.
Tôi không biết bố đẻ của Lâm là ai, chỉ biết trong trí nhớ của tôi, từ lời chị Linh nói thì bố đẻ của Lâm trước kia cũng khá giàu có, đã có vợ nhưng vợ ông ta hiếm muộn, lấy nhau ba bốn năm vẫn chưa sinh được con. Đến sau này ông ta gặp mụ dì ghẻ liền si mê và vội vã ly hôn người vợ tào khang. Không ngờ cùng lúc đó người vợ kia cũng có thai, có điều bố anh ta chẳng hề thương tiếc người vợ ấy, nhất quyết đuổi bà vợ đi trong uất hận và trắng tay. Cũng không rõ đã đi biệt tích ở đâu nhưng nghe nói có khả năng vượt biên đi nước ngoài chết cả mẹ lẫn con rồi. Tôi nhìn Lâm hỏi tiếp:
– Vậy mẹ ở vậy nuôi anh đến mười lăm tuổi mới lấy bố Quang ạ?
Khi tôi hỏi đến câu này, cũng thấy Lâm xoay người sang ôm tôi. Nhưng anh ta không đáp mà nói:
– Diệp Anh. Tôi không muốn giấu em bất cứ chuyện gì, có một số chuyện sau này có thời gian thích hợp tôi sẽ nói với em.
– Vâng, em hiểu rồi. Em chờ được.
– Được rồi, ngủ đi, tôi ôm em ngủ.
Mấy ngày hôm nay ở công ty thực tập nhưng làm đủ việc nên rất mệt mỏi. Tôi nằm lên cánh tay Lâm, để mặc cho anh ta ôm mình, cũng chẳng muốn nghĩ ngợi gì nữa ngủ thiếp đi lúc nào chẳng hay. Những ngày tiếp theo tôi bắt đầu quen nếp làm việc ở Phượng Quang. Hằng ngày tôi đi sớm hơn một chút, đến chiều cũng về muộn hơn. Thời gian này mụ dì ghẻ vừa bận việc công ty, lại ráo riết tìm gã đã bắt cóc tôi, thêm cả chuyện bị Lâm bắt gặp chì chiết tôi nên dù ghét cũng không mắng nhiếc tôi vô tội vạ như trước kia. Nhắc đến gã bắt cóc tôi mới nhớ, mụ dì ghẻ cho người tìm hiểu nhưng hắn ta đã biến mất không một dấu vết. Thật kỳ lạ, mười sáu năm nay hắn ta biến mất không tung tích, mười sáu năm sau xuất hiện chớp nhoáng rồi lại biến mất lần nữa, rốt cuộc hắn đến đòi một trăm triệu thật sao, hay còn có thế lực nào đứng sau? Hơn một tuần trời ở Phượng Quang tôi rất để ý đến ông Quang. Thế nhưng kể từ ngày tôi bắt gặp ông ta đi cùng chị Thu thì đến giờ không có bất thường nào xảy ra nữa. Kể từ hôm đó cho tới hôm nay hôm nào ông Quang đi tiếp khách cũng có chị Xuân hoặc mụ dì ghẻ đi cùng. Mãi cho tới ngày thứ năm trước ngày tôi đi đảo cùng Lâm một ngày theo lịch trình ông Quang sẽ tiếp đối tác ở nhà hàng Vạn Phúc. Ngày hôm nay mụ dì ghẻ cũng xuống Bắc Giang có việc nên chị Xuân được giao nhiệm vụ đi tiếp khách cùng ông Quang. Có điều gần trưa tôi thấy chị Xuân vẫn ở phòng làm việc, tôi hỏi thì chị ấy đáp:
– Sếp bảo hôm nay mình sếp đi là được, chị ở nhà còn làm việc khác.
Tôi gật đầu lên phòng làm nốt việc sau đó không ăn trưa mà khoác áo chống nắng bắt taxi sang khu chung cư cao cấp. Lúc đi qua nhà hàng Vạn Phúc tôi thấy xe của ông Quang vẫn đỗ ngay trước ở cửa nhà hàng, lúc đó tôi cứ nghĩ chuyến này mình đi công cốc rồi. Thế nhưng không ngờ khi xe taxi của tôi vừa đến sảnh chung cư tôi cũng thấy xe của chị Thu cũng đi vào hầm đỗ xe. Tôi vội vã nhảy xuống xe, đi về hướng hầm đỗ xe. Xe Audi đỏ của chị Thu đỗ khá gần chỗ ra vào, tôi không có thẻ thành viên nên chỉ dám đứng trong một góc khuất. Từ trong xe chị Thu bước ra trước, sau đó đến cậu bé trai tên Giang, và chỉ đúng một phút sau tôi thấy ông Quang lù lù bước ra còn bế cô bé Bảo Ngọc trên tay. Tiếng bé Bảo Ngọc lanh lảnh cất lên:
– Bố Quang, Bảo Ngọc và anh Giang nhớ bố lắm luôn. Một tuần trời Bảo Ngọc mới được gặp bố.
Khi nghe cuộc trò chuyện của bé Ngọc và ông Quang tôi đã không còn sốc như lần đầu tiên thấy ông Quang đi cùng chị Thu. Có lẽ bởi tâm lý đã chuẩn bị, cũng đã đoán được đến 90% nên lúc này ngoài cảm giác hả hê tôi không hề có chút bất ngờ nào. Đợi khi bốn người bọn họ đi khuất tôi mới ra quán cafe sát chung cư gọi một suất cơm và một cốc nước để uống. Theo tôi quan sát và tìm hiểu thì chung cư này cách rất xa công ty và biệt thự, đường đi cũng tương đối ngoằn ngoèo và ít dân cư. Đây quả thực là địa điểm lý tưởng để ông Quang đến mà ít ai phát hiện ra. Chẳng những vậy ông ta còn để xe một nơi, người một nẻo, tôi nghĩ thậm chí ông ta còn dùng điện thoại khác để liên lạc với chị Thu nên mười mấy năm nay mới không bị phát hiện. Ngồi trong quán cafe, ăn hết một suất cơm tôi cũng thấy ông Quang từ chung cư đi ra. Nhưng lần này ông ta đi một mình, sau đó bắt taxi rời đi. Ông Quang đi khuất, tôi mới đứng dậy thanh toán tiền rồi ra ngoài. Đã nhìn thấy thứ mình thấy, đã kiểm chứng điều mình nghi ngờ, tôi vốn định sẽ đi về nhưng lúc ra đến cửa quán cafe tôi đột nhiên thấy xe của Khánh đang rẽ vào chung cư. Cậu Trung, trợ lý của Khánh sống ở chung cư này nên việc anh đến đây không có gì là lạ. Thế nhưng khi tôi bước ra ngoài, thấy Khánh đỗ xe ở ngay sân chung cư, trên xe còn có cả thầy Trình bước xuống, Khánh cũng cầm theo một giỏ hoa quả đi vào sảnh. Tôi tò mò nhìn theo, đến khi thấy trong thang máy chị Thu cũng bước ra sảnh, cầm theo thẻ quẹt cười nói thì tôi có chút kinh ngạc. Đây không phải lần đầu tiên tôi gặp Khánh đi cùng chị em thầy Trình, nhưng có thể vào chung cư của chị Thu chứng tỏ mối quan hệ này phải cực kỳ thân thiết. Mặc dù Khánh không muốn nói lý do vì sao anh lại nhắm đến Phượng Quang, giúp tôi trả thù nhưng ngày hôm nay khi thấy anh bước vào căn chung cư này lòng tôi lại trỗi dậy cả trăm ngàn câu hỏi.
Suốt quãng đường trên xe về công ty tôi đã ngẫm nghĩ. Trước nay Khánh là con người ôn hoà, hiền lành, có ý chí, nghị lực vươn lên hoàn cảnh khó khăn. Công ty của anh cũng không liên quan gì đến Phượng Quang, anh hoàn toàn không có lý do gì để trả thù Phượng Quang. Khánh sinh ra ở đảo, lớn lên ở đảo, vậy thì lý do anh hận Phượng Quang là gì cơ chứ. Gia đình anh có mối hận truyền kiếp với Phượng Quang hay sao? Khi nghĩ đến đây, tôi đột nhiên nhớ đến lời mẹ tôi kể về gia đình Khánh. Mẹ tôi nói khi mẹ Khánh mang thai anh đã ra đảo sinh sống, mẹ anh khá xinh đẹp nhưng già hơn trước tuổi. Nghe đâu mẹ anh bị một người phụ nữ cướp chồng, khi đó cả người phụ nữ kia lẫn mẹ anh đều mang thai nhưng mẹ anh đã bị người bố bội bạc đuổi đi không thương tiếc. Sau đó mẹ anh ra đảo, buôn bán, sinh sống và sinh ra anh. Thế nhưng kể khi sinh Khánh sức khoẻ mẹ anh tuột dốc nghiêm trọng, đến năm anh mười tuổi mẹ anh đã mất. Tôi chưa từng nhìn thấy mặt mẹ của Khánh, di ảnh cũng không có, nhưng khi nhớ lại chuyện này… tôi lại có chút hoang mang lạ kỳ. Lý do anh hận mụ dì ghẻ của tôi là gì đây? Trong phút chốc tôi chợt nghĩ đến cuộc trò chuyện đêm qua với Lâm khi hỏi về bố đẻ của Lâm. Nghĩ đến đây dưng tôi tay tôi vô thức siết chặt lại, lồng ngực run lên nói với người lái xe:
– Cho tôi về địa chỉ số nhà 68A ngõ 85 xxx
Tôi không nhớ người lái xe đã đi bao lâu để đến nhà riêng của Lâm, chỉ nhớ tôi trả tiền xong vội vã mở cửa chạy vào trong. Chìa khoá tủ trong hộc, tôi lấy ra mở ngăn tủ thứ ba rồi lôi ta một tấm ảnh cũ kỹ. Là tấm ảnh chụp Lâm hồi còn nhỏ cùng mụ dì ghẻ và bố anh ta. Khi nhìn thấy gương mặt của bố Lâm, cuối cùng tôi cũng nhớ ra, người trong bức ảnh này tôi từng thấy ở đâu. Đó là khi tôi học năm hai đại học, trong một lần đến căn hộ của Khánh để giỗ mẹ anh, tôi đã nhìn thấy bức ảnh chụp người đàn ông này bị cắt nửa trong ngăn kéo tủ đầu giường của Khánh lúc anh nhờ tôi tìm hộ mấy chiếc kim xâu khêu ốc. Tôi hít một hơi, lẳng lặng chụp lại bức ảnh vào máy điện thoại rồi khoá tủ lại. Đến giờ phút này tôi cũng đã hiểu vì sao Khánh lại nhắm đến Phượng Quang rồi. Không phải anh căm ghét Phượng Quang, không phải anh giúp tôi, mà anh hận mụ dì ghẻ của tôi đến tận xương tuỷ bởi mụ ta đã cướp chồng của mẹ anh, đẩy mẹ con anh đến con đường khổ sở bất hạnh, khiến tuổi thơ anh nhuốm đầy đau thương và tuyệt vọng. Tôi không thể tưởng tượng nổi, một đứa bé mười tuổi sống trong căn nhà rách nát, mẹ chết, phải một mình mang mẹ ra nghĩa địa đã suy sụp thế nào. Có suy sụp giống như ngày tôi chứng kiến mẹ tôi ngã từ sân thượng xuống, máu me lênh láng còn đôi mắt lại mở to uất hận đến mức không thể nhắm nổi hay còn suy sụp hơn?
Tôi không còn khóc, bởi có lẽ nước mắt của tôi đã khóc hết một thời ấu thơ và khi chị Linh mất. Nhưng nỗi đau đớn vẫn quặn thắt nơi trái tim. Rất lâu sau tôi mới khoá cửa nhà lại, bắt xe sang công ty của Khánh. Anh vẫn chưa về, tôi ngồi trong sảnh đợi anh. Một giờ chiều Khánh mới về, lúc nhìn thấy tôi ở sảnh chờ mình anh có chút kinh ngạc. Nhưng Khánh cũng không hỏi gì chỉ bảo tôi lên phòng. Khánh thấy tôi bỗng dưng đến đây tìm mình, lên đến phòng còn nhìn mình chằm chằm, anh liền bật cười:
– Sao vậy? Có chuyện gì khó nói sao?
– Lý do anh nhắm đến Phượng Quang là gì?
– Không phải anh từng nói rồi đó sao, lý do gì không quan trọng, quan trọng là đều hướng đến mục đích khiến Phượng Quang sụp đổ, khiến bà Phượng sống không bằng chết.
– Là vì bà ta đã cướp chồng của mẹ anh, khiến mẹ con anh sống khổ sở, gián tiếp khiến mẹ anh suy sụp và mất khi còn rất trẻ, có đúng không?
Khi tôi hỏi đến câu này Khánh cũng hơi khựng lại. Tôi mở máy điện thoại, đưa bức ảnh đã chụp cho Khánh rồi nói tiếp:
– Bức ảnh chụp người đàn ông này em đã từng thấy ở căn hộ của anh. Suốt mấy tháng nay em đã thắc mắc vì sao anh lại nhắm đến bà Phượng, đến giờ em đã có câu trả lời rồi.
Khánh nhìn tôi, sắc mặt bỗng chốc trở nên bình thản, anh không hề giấu giếm nữa mà thừa nhận:
– Phải! Những lời em nói không sai, em biết cũng không vấn đề gì cả. Anh và Lâm là anh em cùng cha khác mẹ, cuộc sống khổ cực mà anh phải trải qua là do mẹ của Lâm gây ra. Em nói xem, anh có thể không hận sao? Ngần ấy năm anh cố gắng phấn đấu chỉ chờ đến ngày này, chờ đến ngày anh tự tay trả thù cho mẹ anh. Mẹ anh chết khổ sở thế nào anh không bao giờ quên. Suốt mười năm trời mẹ khổ cực nuôi anh, ngày nào mẹ cũng nhắc cho anh nhớ vì sao mẹ con anh thành ra thế này. Những ngày mẹ anh bệnh liệt giường, đến một đồng tiền tiết kiệm mẹ anh cũng không dám tiêu mà gửi dì Tâm giữ để sau này mẹ chết dì sẽ giúp mẹ đóng tiền học cho anh. Mẹ anh chết trong một ngày mưa gió, cô độc và đau đớn, đến một chiếc quan tài anh cũng không mua nổi cho mẹ. Em nói xem, có đáng hận hay không?
Tôi hít một hơi, lòng đau đớn tựa như có thứ gì đó cắt ngang. Khánh lại nói:
– Em coi thường anh cũng được, khinh anh cũng được, nhưng đúng là anh rất thích em, cũng rất muốn hướng tới tương lai với em. Chỉ có điều anh không buông bỏ được hận thù, việc lấy Vân sẽ khiến con đường trả thù của anh đi nhanh hơn. Anh không còn cách nào, em cũng không thể chờ anh… anh giống như em, chấp niệm hận thù quá lớn, cứ nghĩ đến việc mẹ anh chết trong khốn khổ, đau thương là nỗi căm hận của anh lại ùa về không thể quên.
– Em không coi thường anh, cũng không khinh anh.
Khánh ngước lên nhìn tôi, giọng tôi cũng nghèn nghẹn:
– Em thương anh!
Phải! Tôi thương Khánh, cũng giống như thương chính bản thân tôi. Những đau đớn tôi phải chịu cũng giống như Khánh đã từng trải qua. Không phải tôi và anh chấp niệm hận thù quá lớn, mà bởi khổ đau giày vò, dằn vặt, tuyệt vọng sống như đã chết, chỉ có trả thù mới là động lực để sống tiếp. Khoé mắt tôi cay cay, nhưng tôi không khóc, rất lâu sau mới thấy Khánh cất tiếng, phá vỡ bầu không khí im lặng:
– Diệp Anh. Có thể đợi anh không?
– Em đã kết hôn rồi, anh cũng sắp kết hôn với Vân. Em khác với anh, Lâm là con của kẻ thù, cuộc hôn nhân này của em và anh ta sớm đã có kết cục. Còn anh thì khác, Vân vừa xinh đẹp, lại giỏi giang, giàu có. Người như vậy mới xứng đáng với anh. Em thương anh như một người em gái thương anh trai của mình ngoài ra không có bất kỳ suy nghĩ nào khác. Em vẫn mong rằng anh sẽ hạnh phúc.
Tôi không thể đợi Khánh, không phải vì tôi đã kết hôn mà bởi Vân không hề có lỗi gì cả. Tôi cảm nhận được cô ấy yêu Khánh là thật, cũng cảm thấy sự phấn đấu của Khánh cho tới ngày hôm nay phải ở cạnh một người như vậy mới xứng đáng. Còn tôi và Khánh, cả hai đều đã mang quá nhiều nỗi đau, cũng chẳng ai dám buông bỏ hận thù, vứt hết tất cả mà ở cạnh nhau. Nếu đã vậy đâu cần cưỡng cầu, làm anh em, làm bạn chẳng phải tốt hơn rất nhiều sao? Khánh thấy tôi đã nói như vậy, anh cũng không nói thêm gì nữa chỉ lặng lẽ nhìn tôi. Rất lâu sau anh mới nói với tôi:
– Em còn gì muốn hỏi thì cứ hỏi. Nếu em đã biết tất cả rồi anh cũng không ngần ngại chuyện gì nữa.
– Chuyện chị Thu và ông Quang…
– Hai người họ yêu nhau từ trước khi gặp bà Phượng. Nhưng gia đình chị Thu rất nghèo, hồi đó bố chị Thu còn bệnh liệt giường, chị Thu chấp nhận để ông Quang lấy bà ta, góp sức cho công ty của bà ta, dùng tiền của bà ta để gửi về chữa bệnh cho bố chị Thu, mười lăm năm sống trong bóng tối, sinh cho ông Quang hai đứa con. Chuyện này anh biết khi mới học đại học, lúc đó chị Thu mới sinh bé Giang chưa có bé Ngọc. Vì biết chị Thu dính dáng đến ông Quang nên anh đã tiếp cận và trở nên thân thiết với Trình. Cậu ta biết hoàn cảnh gia đình anh nhưng chuyện của em anh không tiết lộ. Cậu ta cùng lắm đoán lờ mờ ra một chút là em cũng nhắm đến gia đình họ nên muốn anh lợi dụng em rồi thuận nước đẩy thuyền và bản thân cậu ta vì chức phó khoa mới làm thế thôi chứ không biết rõ ràng từng chi tiết, vả lại những việc chị em cậu ta làm anh nắm rất rõ, chung hội chung thuyền không dám phản bội chúng ta đâu vậy nên em cứ yên tâm.
– Còn chuyện gã đàn ông bắt cóc em, có phải anh cũng đứng sau?
– Đúng vậy. Hắn ta trốn chui lủi bên Campuchia mười mấy năm nay, đến đầu năm vừa rồi hắn mới về Việt Nam. Thế nhưng vì vẫn chưa hết lệnh truy nã nên hắn chui rúc ở tận Điện Biên anh cũng mới tìm ra hắn thôi. Tạm thời hắn còn lợi dụng được, bao giờ hết giá trị lợi dụng sẽ báo công an sau. Bây giờ em cũng đừng manh động gì cả, đợi có cơ hội tìm được tài liệu mật gửi cho anh là được.
– Vâng. Em biết rồi.
– Diệp Anh. Em không đợi anh cũng được, không sao cả. Nhưng anh hi vọng, em sẽ không có bất cứ tình cảm nào với Lâm.
Tôi biết vì sao Khánh lại nhắc mình như vậy. Không riêng gì tôi, mà Khánh cũng chịu đau đớn ba mươi năm, cả tôi và anh chắc chắn đều hiểu rõ nhất nếu hận thù đã không thể buông bỏ thì đừng bao giờ có chút lòng thương nào với kẻ thù của mình. Chỉ có như vậy đến sau này khi trả thù xong tôi mới có thể dứt khoát mà đi. Sau khi ra khỏi phòng của Khánh tôi cầm túi xách đứng ở sảnh nhìn ra bên ngoài. Năm ấy khi thấy mẹ anh bệnh liệt giường không chịu chữa trị, thà chết cũng giữ lại chút tiền tiết kiệm đưa cho mẹ tôi lo cho anh. Cảm giác của anh khi ấy là gì? Là đau khổ, tuyệt vọng, oán hận hay bi thương, tê liệt đến cùng cực? Cảm giác đó có lẽ vượt quá sự chịu đựng của một con người, có lẽ đó cũng động lực duy nhất để anh nỗ lực cho tới ngày hôm nay. Tôi cũng không biết có phải mẹ tôi và mẹ anh linh thiêng cho tôi và anh gặp được nhau, nhưng lúc này tôi thật sự cảm thấy may mắn, may mắn khi chung thuyền với một người như Khánh. Không phải là không duyên không phận, mà có lẽ duyên phận của tôi và Khánh không phải là vợ chồng mà là tri kỷ. Tôi bỗng cảm thấy không còn tiếc nuối nữa, thậm chí còn muốn chúc phúc cho anh và Vân. Vừa nghĩ đến Vân, tôi bất chợt thấy con xe Porsche từ ngoài cổng đi vào. Từ lần trước nhìn thấy ánh mắt Vân dành cho mình không mấy thiện cảm nên tôi cũng không muốn đụng mặt. Thế nhưng lúc ra đến cổng Vân cũng mở cửa xe chủ động đi về phía tôi rồi khinh bỉ nói:
– Ồ, câu dẫn chồng sắp cưới của chị gái tôi thành công rồi giờ lại định câu dẫn chồng sắp cưới của tôi à?
Nghĩ đến Khánh, vì thương anh, lại nghĩ đến cả việc mục đích lớn nhất của tôi vẫn là trả thù chứ không phải đôi co với bất cứ ai. Tôi lẳng lặng hít sâu vào một hơi, cố dùng lý trí bình thản đáp lại:
– Chồng tôi đủ xuất sắc rồi, tôi không có nhu cầu câu dẫn thêm ai nữa. Khánh là đồng hương với tôi, tôi lại là khách hàng của anh ấy nên gặp mặt chắc cũng không có vấn đề gì đâu nhỉ? Vả lại có câu dẫn phải tìm chỗ riêng tư, ai lại câu dẫn ở đây bao giờ? Cô xinh đẹp, giàu có, giỏi giang như vậy tôi nghĩ cô phải thừa tự tin, ghen tuông với một kẻ như tôi có phần hơi hạ thấp mình rồi.
Vân nhìn tôi, gương mặt có chút kinh ngạc, tôi lại nói:
– Nhà tôi và nhà Khánh trước kia gần nhau. Tôi và anh ấy thực sự không có gì với nhau cả, bởi nếu có gì mờ ám thì chúng tôi đã lấy nhau từ đời thuở nào rồi ấy chứ. Cô yên tâm tôi không thích Khánh đâu, mà anh ấy cũng chẳng thèm thích tôi, anh ấy hợp với người có khí chất, có lý tưởng, xinh đẹp, tiểu thư như cô thôi. Tôi mất công mãi mới lấy được Lâm cũng đâu rảnh mà nghĩ đến người khác nữa?
– Là do Khánh khác Lâm thôi. Loại tầm thường, rẻ mạt như cô cũng hợp với loại tra nam như anh ta. Chị tôi chọn sai người chứ tôi thì không. Đồng hương hay không đồng hương tôi cũng cảnh cáo cô tránh xa Khánh ta một chút. Không phải tôi ghen, mà tôi thấy cô bẩn, đã bẩn thì tránh xa chồng tôi ta. Ngửi mùi trên người cô tôi buồn nôn.
– Ừ. Cô yên tâm nhé, tôi mang hồ sơ để tư vấn cũng ngồi cách Khánh mấy mét không dám gần đâu. Còn nếu đến ngay cả việc tư vấn luật cô cũng không cho tôi đến đây thì tôi sẽ tìm văn phòng luật khác, Hà Nội đâu thiếu.
Vân thấy tôi nói vậy liền nói:
– Thôi khỏi đi, công việc của Khánh tôi can thiệp. Khách hàng cũng có khách nọ, khách kia. Bẩn như cô không hiếm, nhưng nếu cô có bất cứ một hàng động nào sai trái, tôi sẽ không tha cho cô đâu.
Nói xong không đợi tôi đáp Vân cũng ngẩng cao đầu đi thẳng vào bên trong. Tôi cũng không nán lại nữa mà bắt xe về nhà trọ lấy giấy tờ rồi mới lên công ty. Ngày mai sáng sớm tôi còn phải ra đảo, hôm nay có rất nhiều việc phải làm, mệt mỏi hay đau lòng cũng chỉ có thể dẹp qua một bên. Sáng hôm sau tôi dậy từ rất sớm để chuẩn bị xuống Vân Đồn. Thế nhưng Lâm còn dậy sớm hơn cả tôi, anh ta đã sắp xếp xong đồ đạc, đợi tôi đánh răng rửa mặt rồi lặng lẽ ra xe. Trời mùa đông lạnh buốt, trên xe không rõ vì sao lại có một chiếc chăn lông cừu nhỏ. Lâm đưa chăn cho tôi, không nói gì chỉ xoay vô lăng từ từ rời khỏi căn biệt thự, theo đường quốc lộ đi về hướng Quảng Ninh.
Tôi cuộn chăn quanh người, cảm nhận hơi ấm dần dần bao phủ rồi nhìn ra bên ngoài. Trời còn rất tối, quá lớp kính cũng thấy Lâm đang chăm chú lái xe. Ở cùng nhau mấy tháng trời, ngày ngày tháng tháng chung chăn chung gối, nếu nói không có cảm giác quen thuộc chắc chắn là nói dối. Nhưng từ khi gặp lại Khánh, biết mối hận thù của Khánh và mẹ con Lâm lòng tôi bỗng chốc lại nguội lạnh. Suy cho cùng Lâm không xấu xa như mẹ anh ta đi chăng nữa vẫn không thể thay đổi được một điều, anh ta là máu mủ, huyết thống của mụ dì ghẻ. Huống hồ, tôi và Khánh không cha không mẹ, bị cuộc đời đày đoạ, giày vò không thương tiếc, còn Lâm, anh ta đã phải trải qua những gì thì cũng đều may mắn hơn chúng tôi. Anh ta còn mẹ, gia cảnh, điều kiện sống cũng dư giả, ít ra cũng không phải nhịn đói, không phải ăn cơm chó hay bị đánh đập như chúng tôi. Chỉ cần vậy thôi tôi đã cảm thấy mình không còn cần than trách ông trời thay cho anh ta nữa rồi. Tôi nằm trên xe, suy nghĩ miên man cuối cùng ngủ thiếp đi lúc nào chẳng hay. Mãi đến khi tôi tỉnh lại thấy trời đã sáng, tuy cái lạnh vẫn phảng phất nhưng ánh mặt trời đã lên, mây cũng tan đi để lại một bầu trời trong vắt. Lúc cựa mình lại nhìn đã thấy xe đỗ ở cảng, Lâm cũng vác ba bộ máy chiếu xuống tàu từ bao giờ. Tôi uể oải ngồi dậy, gấp chăn lại để cẩn thận phía sau xe rồi bước xuống tàu. Sóng dập dềnh vỗ vào mạn tàu, Lâm thấy vậy liền đưa tay ra đỡ tôi xuống sau đó lại lên xe, không biết chuẩn bị gì mà ôm cả một túi lớn xuống tàu. Vốn tưởng đi sớm như vậy sẽ không kịp mua đồ ăn sáng, không ngờ lúc tàu bắt đầu nổ máy Lâm cũng đưa cho tôi một túi bánh, trong đó có bánh sừng bò, bánh hoa cúc, cũng có cả bánh Oreo, còn có vài hộp sữa và mấy chai nước trong đó. Tôi không chọn bánh Oreo mà chọn bánh sừng bò để ăn chỉ có Lâm là ăn hết mấy túi bánh Oreo. Chuyến đi này không có ai ngoài tôi và Lâm, tôi được biết toàn bộ máy chiếu anh ta mang ra đảo không nằm trong dự án “Cõng điện về đảo” mà là Lâm bỏ tiền túi ra mua. Tôi ăn xong, cảm thấy bầu không khí hơi trầm lắng nên hỏi anh ta:
– Theo em được biết lương giảng viên của thầy giáo Lâm cũng không hẳn là quá cao, nhưng rất nhiều lần thầy tự bỏ tiền túi ra để mua đồ cho học sinh, thậm chí còn nuôi vài em nhỏ, giờ còn mua máy chiếu cho trường học, có phải số tiền đó là Phượng Quang ủng hộ không ạ?
– Đó là tiền của tôi, không liên quan đến Phượng Quang.
– Vậy sao lại có nhiều tiền đến thế ạ?
– Cũng không hẳn là nhiều, mấy năm đi làm tôi không tiêu pha gì, ngoài dạy học tôi có chơi và nghiên cứu cổ phiếu, cũng coi như nghề tay trái. Số tiền tiết kiệm được một phần tôi dùng để làm những việc riêng, một phần tôi để trong thẻ của em để em chi tiêu.
Tôi nghe vậy liền ngước lên nhìn Lâm, không ngờ anh ta còn biết chơi cổ phiếu. Hèn gì mấy người kinh doanh cùng ông Quang mỗi lần gặp đều khen Lâm giỏi, còn khuyên anh ta trở về điều hành Phượng Quang. Tôi tò mò hỏi tiếp:
– Trong thẻ mà anh đưa cho em… có khoảng một tỉ không ạ?
– Nhiều hơn thế.
Tôi choáng váng, những tưởng chỉ vài trăm triệu bạc, nghe đến số tiền tỉ đã cảm thấy mình lãng phí thẻ đó suốt thời gian vừa qua. Bảo sao anh ta tự tin đến vậy, tự tin rằng dù không cần số cổ phần công ty Phượng Quang anh ta vẫn sống tốt. Trước giờ tôi không để ý, nhưng giờ quả thực tôi thấy anh ta làm giảng viên cũng có chút lãng phí. Tôi cũng không dám hỏi Lâm số tiền cụ thể trong thẻ là bao nhiêu chỉ dám hỏi tôi có được tuỳ ý tiêu hay không, càng không ngờ anh ta đáp:
– Em muốn tiêu gì cứ tiêu, mua sắm cho bản thân hay phục vụ học tập, sinh hoạt trong gia đình đều được. Đưa cho em rồi là của em, tôi không quản.
Tôi gật đầu, không hỏi thêm gì nữa mà nằm xuống ghế. Mười giờ sáng tàu mới cập cảng ra đảo, không khí ngoài đảo lạnh hơn đất liền rất nhiều, vừa nắng, vừa gió cảm giác hanh khô vô cùng. Lúc lên đến cảng, tôi thấy thầy hiệu trưởng cùng mấy đứa trẻ ở trường tiểu học cũng đứng ngay trên cầu cảng. Thấy Lâm và tôi đám trẻ nhào đến gọi to:
– Thầy giáo Lâm, cô Diệp Anh.
Lâm nhìn lũ trẻ đen đúa, nhỏ thó vẻ mặt áy náy nói với thầy hiệu trưởng:
– Trời lạnh thế này sao thầy lại ra đây? Để tôi mang đồ vào trường là được rồi mà.
– Mấy đứa học sinh nghe nói hôm nay cậu đến háo hức đòi đi đón, tôi nói không được đành phải cho đi. Đây đều là mấy đứa trẻ ăn bán trú, được cậu hỗ trợ tiền học phí hằng năm đấy. Bây giờ mang đồ về nhà trước rồi hãy ra trường chứ?
– Vâng.
Xe túc túc chờ chúng tôi phía bên trên, Lâm không về khách sạn mà bảo cậu thanh niên lái xe chở tôi và anh ta về nhà mẹ tôi. Khi mang đồ vào nhà tôi mới biết, túi hành lý to đùng mà Lâm xách theo ngoài đồ dùng của tôi chỉ có vài ba bộ quần áo của Lâm, ngoài ra đều là sách vở, sách tham khảo, đồ dùng học tập mà Lâm mua cho đám trẻ. Sau khi dọn đồ vào nhà, tôi nhờ xe túc túc cho lên Uỷ ban xã, đợi tôi xuống Lâm với thầy hiệu trưởng cùng mấy đứa trẻ mới mang đồ ra trường. Từ Uỷ ban sang đến trường tiểu học rất gần, tôi làm xong việc cũng đi bộ. Lúc đến sân trường thấy Lâm đang ở trong phòng học cùng thầy hiệu trưởng và mấy thanh niên đang lắp đặt máy chiếu. Trường đã có điện nhờ năng lượng mặt trời, đám trẻ thấy có máy chiếu nên háo hức vô cùng. Cô giáo xinh đẹp nhất ở trường đứng gần Lâm vừa nói với bọn trẻ vừa đưa cốc nước cho Lâm:
– Thầy giáo Lâm vừa biết dạy học còn mang điện cho chúng ta dùng. Các con thấy giỏi không nào?
– Giỏi ạ. Giỏi ạ.
Thầy hiệu trưởng đứng bên cạnh liếc nhìn thấy tôi đang đứng thì bật cười:
– Nhưng mà người ta có vợ rồi.
Cô giáo xinh đẹp kia ngước lên nhìn tôi, mặt ngay lập tức xị ra:
– Có sao đâu ạ. Thôi cháu đi về tập thể nấu cơm đây ạ.
Tôi nhìn vẻ mặt của cô giáo trẻ có chút buồn cười. Sau khi lắp xong máy chiếu Lâm cũng mượn tạm xe đạp của thầy hiệu trưởng chở tôi về nhà. Mùa đông, cây cỏ đìu hiu, xơ xác, chỉ có dòng sông vẫn tĩnh lặng theo tiếng gió vi vu. Về đến nhà cũng đã muộn, vì không tìm được diêm nên Lâm dùng bật lửa nhóm bếp cho tôi. Tôi thắp cho mẹ nén hương rồi mang hai gói mì tôm xuống bếp. Lúc tôi nấu nước để úp mì cũng thấy Lâm tháo chăn ga mang ra ngoài giếng để giặt. Trời lạnh buốt, nước giếng càng lạnh, nhưng Lâm dường như không để ý, giặt xong liền chọn chỗ nắng nhất để phơi. Trời lạnh nhưng nắng hanh, chẳng mấy chốc bộ chăn ga sẽ khô, tôi nấu xong hai bát mì bê lên gọi Lâm vào ăn. Lâm ngồi cạnh tôi, không có cao lương mĩ vị gì, chỉ là một bát mì tôm úp anh ta cũng ăn ngon lành. Ăn xong tôi giục anh ta đi nghỉ trưa nhưng Lâm không hề có ý định đó. Anh ta nhìn quanh căn nhà, sau đó bảo tôi:
– Em cứ ngủ trưa đi, tôi sửa lại mấy cánh cửa này cho chắc đã.
Cánh cửa gỗ từ lâu đã không còn chắc chắn, ốc cũng sắp muốn rụng rời ra. Tôi đã ngủ cả một buổi sáng, đến hiện tại cũng không còn buồn ngủ nên lúc Lâm mang tua vít ra sửa cửa tôi cũng ngồi bên cạnh anh ta hỏi:
– Gia đình anh giàu có như vậy, vì sao những việc này anh đều biết làm?
– Việc gì học thì sẽ biết thôi.
Nói đến đây, anh ta chợt ngẩng đầu lên hỏi tôi:
– Em sống từ nhỏ ở đây sao?
– Vâng. Sao thế ạ?
– Bình thường ở đây mọi người tổ chức sinh nhật thế nào?
– Anh định tổ chức sinh nhật ở cho đứa trẻ nào ở trường à?
Lâm không đáp, tôi lại nói:
– Ở đây trẻ con cũng ít được tổ chức sinh nhật. Giàu giàu thì mua bánh kem, không thì mua ít bánh kẹo, hoa quả là xong.
– Ở đây cũng có bánh kem sao?
– Trước kia không có nhưng từ hồi nhà lão Nghinh phát điện thì có một tiệm bánh mở ra. Người ta cũng mua cốt bánh từ đất liền ra, tối tranh thủ đánh kem để làm.
– Bánh kem ở tiệm đó có ngon không?
– Em không thích ăn bánh kem nên cũng chẳng rõ có ngon không.
– Không phải đứa trẻ nào sinh nhật cũng thích bánh kem sao, sao em lại không thích?
– Đa số là như vậy nhưng em thì không thích. Năm đầu tiên khi ở đây bắt đầu có bánh kem mẹ mua về em cũng không đụng nên sau này mẹ không mua nữa. Sinh nhật em em chỉ thích ăn trứng gà nướng mà mẹ hay làm, mẹ bảo ăn trứng gà nướng ước nguyện sẽ linh nghiệm, em thấy trứng gà nướng ngon và thơm hơn bánh kem rất nhiều, không biết ước nguyện có linh nghiệm thật không mà mẹ bảo thế em cứ tin thế. Nhưng chắc nếu sinh nhật bọn trẻ ở trường chúng sẽ thích ăn bánh kem đấy, tiệm bánh kem gần ngay chợ, nếu muốn thì chiều em ra mộ mẹ về sẽ đặt giúp cho.
Những lời này đều là nói thật, qua sinh nhật tám tuổi cuối cùng với mẹ tôi đã không còn thích bánh kem nữa. Đến sau này ở với mẹ nuôi, không có điều kiện nên sinh nhật mẹ nuôi thường làm trứng gà nướng cho tôi. Dù giờ tôi đã dư sức mua được bánh kem, nhưng từ lâu tôi đã không còn hứng thú, cũng chẳng còn buồn đụng đến. Lâm không nói thêm gì nữa, chỉ cần mẫn ngồi sửa lại cửa, xong xuôi anh ta còn trèo lên mái nhà lợp lại phần mái bị dột sau đó lúc tôi quét nhà cửa anh ta cũng xuống bếp bổ củi, dọn dẹp bếp và sân nhà rất sạch sẽ. Đến chiều Lâm cũng không đi đâu mà chở tôi ra mộ của mẹ tôi. Tôi cũng không từ chối, ngồi sau xe đạp của Lâm lặng lẽ nhìn hàng phi lao, nghe tiếng sóng biển thét gào. Lúc đến mộ của mẹ, nhìn cỏ cây đã um tùm lòng tôi rất xót xa. Tôi vốn định cúi xuống nhổ cỏ nhưng Lâm đã nói:
– Để tôi làm.
– Không sao đâu, mộ của mẹ em để em tự làm là được rồi.
– Mẹ em cũng là mẹ của tôi.
Tôi không nghĩ Lâm lại nói ra câu này, trong lòng bất giác có chút chấn động. Lâm cúi xuống, không hề ngại ngần dùng tay không nhổ sạch cỏ, sau đó thu dọn về một góc để đốt. Cuối cùng khi nấm mộ đã sạch cỏ, anh ta cũng ngồi xuống cạnh tôi, lặng lẽ nhìn ánh hoàng hôn phủ dần xuống. Về đến nhà trời cũng xẩm tối, không thấy Lâm nhắc đến việc đặt bánh kem tôi cũng quên béng mất chỉ mua gạo và ít thức ăn để nấu cơm. Lâm xuống nhóm bếp xong bắc lên một nồi nước lớn. Khi tôi nấu cơm Lâm cũng đạp xe đạp ra ngoài, tôi không biết anh ta đi đâu chỉ biết nấu cơm xong anh ta mới quay về. Trăng hôm nay lên rất cao, cả một ngày nắng, tối đến tuy lạnh buốt nhưng trăng vẫn vừa tròn vừa sáng. Ăn cơm xong Lâm bê mâm bát đi rửa, bình thường ở nhà vẫn thế nên tôi cũng không có cách nào từ chối. Tôi dọn dẹp qua loa một lúc cũng thấy Lâm rửa bát xong, anh ta bắc nồi nước lớn trên bếp ra rồi vào nhà tắm pha nước bảo tôi:
– Trời lạnh, em tắm nhanh rồi ra. Tôi đi lồng chăn gối.
Những việc nhỏ nhặt này nếu ở Hà Nội tôi không nghĩ quá nhiều, nhưng ở nơi hẻo lánh này anh ta vẫn từng chút, từng chút để ý những chi tiết này không khỏi khiến tôi áy náy. Thậm chí khi tôi tắm xong, anh ta cũng chỉ tắm bằng nước lạnh, xong xuôi còn mang đồ của cả hai ra sân giếng để giặt, từ đồ to đến đồ nhỏ, quần áo đến đồ lót, không sót thứ nào, giặt xong vắt cẩn thận phơi lên cây treo. Tôi có chút đỏ mặt không dám nhìn, cảm thấy không biết từ lúc nào tôi đã thay đổi một số thói quen riêng tư của mình. Bóng Lâm dưới ánh trăng rất cao lớn, gương mặt cũng đẹp như tranh vẽ. Nếu bỏ qua hận thù, bỏ qua hoàn cảnh éo le tôi và anh ta đến với nhau thì rõ ràng Lâm là một người thông minh, có chí tiến thủ, lương thiện, chịu thương, chịu khó. Từ khi gặp Lâm tới giờ, dù có khó khổ, hay đau đớn tôi cũng chưa từng thấy anh ta có nửa lời oán than, vừa cẩn thận vừa ôn nhu. Nếu như anh ta có thể cưới được một cô gái yêu anh ta thật lòng, chắc chắn đối phương sẽ đau lòng vì anh ta, vĩnh viễn ở bên cạnh vượt qua mọi giông bão. Đáng tiếc, tôi không phải người đó! Phơi xong quần áo, Lâm đi xuống bếp cất xong nồi, một lúc sau dắt xe đạp ra sân rồi hỏi tôi:
– Có muốn cùng tôi ra bờ biển không?
Mấy ngày ở Hà Nội quá mệt mỏi rồi, thù hận, hận thù luẩn quẩn khiến đầu óc tôi luôn căng thẳng. Thấy Lâm hỏi vậy tôi vội vã gật đầu trèo lên phía sau xe. Gió lạnh thấu xương luồn qua từng lớp áo, Lâm ngồi trước, hứng hết toàn bộ hơi lạnh ấy. Trên bầu trời trong vắt chẳng gợn đám mây, ánh trăng, ánh sao sáng vằng vặc thay cho đèn đường chỉ lối. Hai bên đường, cây cỏ xào xạc, đến dòng sông cũng gợn lên những đợt sóng nhè nhẹ. Suốt đoạn đường đi, cả hai chúng tôi không ai nói với ai câu nào, đến khi ra đến bờ biển Lâm dẫn tôi lên một chiếc chòi gỗ nhỏ. Quá lâu rồi tôi không ra đến biển, cũng chưa từng nghĩ mùa đông mà giữa biển khơi mênh mang lại có cảnh vật tuyệt đẹp đến thế này. Đẹp đến mức tôi không thể nào tin được vào mắt mình, sống ở đảo mười bốn năm trời, đã từng chứng kiến trăm ngàn cảnh đẹp trên biển, nhưng có lẽ đây là cảnh biển đêm đẹp nhất mà tôi từng thấy.
Màn đêm buông xuống, ánh trăng tròn vành vạnh chiếu mặt biển một màu bàng bạc, sáng rực cả những tảng đá nhấp nhô. Sóng biển trắng xoá vỗ từng đợt vào bờ, gió núi thét gào, cỏ cây xào xạc, những ngọn hải đăng sáng rực trên biển khơi, xa xa là những con thuyền căng buồm lênh đênh trên sóng. Từ chân trời là những dải mây hồng bạc, hai bên bờ đầy những bông hoa muống biển tím biếc, hoa dại xanh đỏ, vỏ sò, vỏ ốc phủ khắp mặt cát vàng. Lơ lửng giữa bầu trời là những ngôi sao sáng chói, lấp lánh, tụ lại với nhau như một dòng sông lung linh huyền bí. Vật đổi sao dời, bầu trời bao la rộng lớn, đại dương mênh mông hùng vĩ, bức màn sao long lanh, đẹp đẽ đến loá mắt.
Tôi nhìn lên những ngôi sao sáng nhất, quang cảnh đẹp đẽ này thật dễ mềm lòng. Bên cạnh tôi Lâm bỗng đút tay vào túi, tôi không hiểu anh ta làm gì, cuối cùng dưới ánh sao sáng tôi cũng thấy anh ta rút tay ra, trên tay cầm mấy quả trứng gà, được nướng từ bao giờ vừa nóng hổi vừa thơm phức. Trong phút chốc tôi bỗng ngây người, không ngờ anh ta đã đặt trứng gà lên tay tôi, giữa cái giá lạnh của mùa đông, đôi tay tôi bỗng chốc được ủ ấm, cũng nghe được tiếng Lâm cất lên:
– Em ước đi.
– Ước gì cơ?
– Không phải vào ngày sinh nhật ăn trứng gà nướng ước nguyện sẽ rất linh nghiệm sao?
Tôi sững sờ, lúc này mới sực nha hôm nay là ngày sinh nhật trên giấy tờ của tôi, là ngày mẹ nuôi đã khai sinh cho tôi một lần nữa. Thế nhưng đây không phải ngày sinh thật, mấy năm nay tôi đã không còn đón sinh nhật nữa, cũng không ngờ rằng Lâm lại nhớ đến, còn mất công nướng trứng gà cho tôi. Nhìn đôi tay chai sạn của Lâm, lại nhìn những vệt than còn vương trong lòng bàn tay, tôi khẽ quay mặt đi, bóc vỏ trứng gà cho vào túi rồi cắn một miếng. Vừa nuốt một miếng trứng, tôi cũng kinh ngạc bất động khi thấy trên bầu bỗng loé sáng một vệt dài rồi vụt qua. Trong phút chốc lại một vệt sáng dài bay qua, rồi lại một vệt nữa, cả bầu trời ngàn sao như dừng lại khoảnh khắc đó, đẹp đến mức không thể nào đẹp hơn. Tôi không thể nghĩ rằng, một đời người ngắn như vậy, có một ngày lại có thể chứng kiến sao băng, không phải là một mà là cả một trận mưa sao băng. Mặc dù biết rằng ước nguyện khi sao băng đến chỉ là thứ viển vông, những ước mơ về phép màu chỉ có trong truyện cổ tích nhưng tôi vẫn nghe thấy Lâm nói với mình lần nữa:
– Mưa sao băng không phải lúc nào cũng có, em có ước nguyện gì, hi vọng gì thì ước đi.
Tôi gật đầu, cảm thấy thời khắc hiếm hoi này cũng nên gửi gắm chút hi vọng nên đáp:
– Vâng. Cả anh nữa, anh cũng ước nguyện đi.
Nói rồi, tôi khẽ nhắm mắt ngẩng cao đầu, những ánh sao băng vụt bay trên nền trời đen thẳm. Tôi không thể ước mẹ tôi sống lại, chị tôi sống lại, càng không thể ước có thể quay lại thay đổi quá khứ. Những điều ước xa vời, viển vông không có khả năng xảy ra tôi không ước. Tôi chỉ ước rằng tôi có thể nhanh chóng trả thù, tôi ước rằng kẻ thù của tôi, kẻ đã khiến gia đình tôi tan nát, âm dương cách biệt sẽ sớm bị nghiệp quật, sống không bằng chết, từng giây, từng phút bị đày đoạ, dằn vặt, và cả người bà ta yêu thương sẽ phải gánh chịu tất cả nỗi đau mà mẹ tôi, chị em tôi phải chịu. Đến khi ước xong quay lại tôi thấy Lâm cũng đã ước xong. Trận mưa sao băng đã kết thúc, chỉ còn những ánh sao sáng chói và lung linh, tôi cầm quả trứng gà nướng quay sang hỏi Lâm:
– Anh đã ước chưa?
– Tôi ước rồi.
– Anh ước gì thế?
– Hôm nay là sinh nhật em.
– Vậy nên anh đã ước?
Lâm quay sang nhìn tôi, chậm rãi nói từng chữ, từng chữ, bình thản mà đau đớn, tựa như có gì đó bóp chặt lấy trái tim tôi:
– Tôi ước tất cả những điều ước của em sẽ thành sự thật!
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!