Sao Sáng Chờ Anh Về
Phần 5
Trong tình cảnh này, có trăm cái miệng cũng thật khó mà giải thích. Tôi đứng lên, chưa nghĩ ra phải nói thế nào thì Lâm đã quay sang nhìn tôi nói:
– Em về phòng đi!
Vẻ mặt Lâm rất bình tĩnh, không hề giống một kẻ có tật giật mình. Càng tốt! Anh ta không mượn tôi giải thích tôi cũng không cần phải giải thích làm gì. Chuyện bây giờ là của hai người. Lúc ra khỏi phòng, Nguyệt liếc nhìn tôi một cái rồi mới đi về phía Lâm. Chị ấy không làm ầm ỹ lên, càng không ghen tuông vô cớ, chỉ lặng lẽ ngồi xuống cạnh Lâm, cũng không rõ nói gì, bởi khi ấy tôi đã ra ngoài, cách bên trong một cánh cửa.
Cơn mưa mây đã tạnh, bầu trời đêm quang đãng với cả ngàn sao lấp lánh, tôi ngồi lặng lẽ bên sân nhìn sao. Thực ra tôi cũng không muốn làm những trò bỉ ổi, không muốn quyến rũ hay tiếp cận ai, thật ra tôi cũng muốn được như những cô gái khác, được yêu đương công khai, được kết hôn với người mình yêu, được hạnh phúc. Chỉ là tôi không thể. Nếu như có con đường khác dễ đi hơn, tôi ắt không chọn đường này. Gió biển về đêm hơi lạnh, tôi ngồi một lúc liền đứng dậy đi về phòng. Khi đi qua hành lang tôi chợt thấy mùi khói thuốc, trong bóng đêm tĩnh mịch tôi nghe tiếng thầy Trình rít lên rất nhỏ, câu được câu mất:
– Cậu nên chăm sóc cho Vân thật tốt chứ không phải trong lúc cấp bách thế này lại gọi tra khảo tớ.
– …
– Cao thượng quá nhỉ, em ấy năm nay bao nhiêu tuổi, cậu có thể cấm cản được sao? Tớ cũng là thuận nước đẩy thuyền, làm điều tốt cho cậu thôi. Cậu quên kẻ thù của mình là ai à… cậu cứ lợi dụng em ấy để mà…
Khi nói đến đây đột nhiên thầy Trình ngước lên nhìn, qua tấm cửa kính có lẽ thầy đã nhìn thấy tôi nên xoay người lại. Tôi không có ý định nghe lén, cũng chẳng nghe rõ thầy Trình đã nói gì. Thầy Trình cũng không hề giật mình, thấy tôi thì tắt điện thoại rồi cười hỏi:
– Em chưa ngủ sao?
– Dạ vâng ạ, em tưởng thầy đã ngủ rồi?
– Lẽ ra là ngủ rồi nhưng vừa nãy Nguyệt có nhờ thầy liên hệ tàu để cô ấy về đất liền có việc gấp nên lại dậy
Tôi nhìn ra bên ngoài kinh ngạc hỏi lại:
– Chị Nguyệt về giờ này ạ?
– Ừ. Em gái cô ấy gặp tai nạn, phải về Hà Nội trong đêm nay. Giờ đang chờ tàu đến để về.
Thầy Trình vừa dứt lời từ trên tầng hai Nguyệt và Lâm đi xuống. Sắc mặt Lâm vẫn nhợt nhạt, nhưng có lẽ do tác dụng của thuốc hạ sốt nên môi đã không còn đỏ như ban nãy. Nguyệt nhìn tôi và thầy Trình, sau đó cất tiếng nói:
– Anh Lâm sốt cao nhưng lại không muốn về Hà Nội, vì dự án dang dở nên vẫn ở lại đây. Vậy có gì nhờ mọi người ở đây chăm sóc anh ấy giúp em nhé. Gia đình có việc gấp, em cũng không thể ở lại cùng mọi người, phần việc của em nhờ cả vào mọi người.
Thầy Trình xua xua tay đáp lại:
– Em cứ về đi, việc ở đây có bọn anh lo rồi.
– Vâng. Vậy em cảm ơn mọi người.
– Ơn huệ gì ở đây, thôi đi ra để Lâm đưa em xuống tàu.
– Anh ấy đang sốt nên phiền anh đưa em xuống bến tàu được không?
Nguyệt liếc nhìn tôi, sau đó mới nói tiếp:
– Tiện có mấy việc em định nhờ anh luôn.
– Ừ thế để anh lấy xe rồi đưa em xuống. Lâm, tôi đưa vợ sắp cưới của cậu ra bến tàu không vấn đề gì chứ?
– Đi đi!
Thầy Trình chạy ra ngoài mượn con xe máy cà tàng ở khách sạn nổ máy. Tiếng máy nổ ầm ầm phá tan không gian yên ắng. Lúc Nguyệt lên xe, tôi cũng nghe được tiếng thầy Trình an ủi:
– Không cần lo lắng quá, ở viện có bố mẹ em và Khánh rồi, Vân sẽ không sao đâu.
Vì tiếng máy nổ lớn nên tôi không nghe rõ cả câu, nhưng từ “Khánh” tôi lại nghe rất rõ. Bất giác tôi bỗng nảy sinh một cảm giác rất mơ hồ. Khánh? Trên đời này rõ ràng có rất nhiều người tên Khánh, nhưng không hiểu sao tôi lại chỉ nghĩ đến một người. Bên ngoài gió biển mỗi lúc một lớn, Lâm ở bên cạnh bỗng dưng cất lời:
– Muộn rồi đi ngủ đi, mười giờ sẽ không còn điện nữa.
Tôi quay sang nhìn Lâm hỏi lại:
– Thầy đã đỡ chưa ạ?
– Tôi đỡ rồi, sáng mai phiền em dẫn tôi ra chợ, tôi muốn mua ít đồ cho mấy đứa trẻ ở trường tiểu học.
– Thầy đang sốt như vậy đi có tiện không?
– Không sao, sáng mai là khỏi.
– Vậy thầy cũng ngủ sớm đi, sáng mai em sẽ gọi thầy.
Tôi vừa dứt lời điện bỗng dưng tắt, giờ còn chưa qua chín giờ đêm, nhưng điện đóm ở đây vẫn luôn thế. Máy nổ tự phát nên thích lúc nào thì ngắt lúc ấy. Vì mắt chưa quen bóng tối, dù trăng tròn sao sáng tôi nhưng khi bước đi tôi vẫn loạng choạng, khi ấy Lâm đột nhiên giang tay đỡ lấy tôi không quên trách móc:
– Em không thể đi cẩn thận được sao?
– Tại trời tối quá em chưa quen mắt.
– Giờ quen chưa?
– Vẫn chưa. Mắt thầy sáng, thầy dẫn em lên phòng được không?
Nói đến đâu, tôi túm lấy tay Lâm đến đấy. Khi chạm vào ban tay ấy tôi vô thức giật mình. Khác với vẻ ngoài hoàn hảo đôi tay Lâm lại vô cùng chai sạn. Những vết chai cứng và sần, sờ lên trên còn chạm được vào những vết sẹo tôi đã nhìn thấy. Tôi nhớ lại trước kia, khi anh ta đến nhà tôi là năm mười ba tuổi, tay anh ta rất thon dài, bàn tay mềm mại không hề có bất cứ vết chai nào. Tôi ngước lên nhìn Lâm, nửa gương mặt được ánh trăng chiếu vào, sống mũi cao hiện lên rất rõ, tay tôi cầm chặt cổ tay Lâm khẽ hỏi:
– Thầy! Tay thầy sao lại có nhiều vết sẹo thế này ạ?
Khi hỏi đến câu ấy, tôi bỗng thấy Lâm im lặng, lồng ngực phập phồng như đang đè nén cảm xúc trong lòng. Gió lay động qua tấm rèm, tiếng lách cách vang lên, mái tóc Lâm lại bị gió thổi tạt qua. Gương mặt của anh ta không rõ vì ánh sáng của trăng sao hay vì lý do gì mà bỗng chốc trở nên thê lương. Đau lòng sao? So với nỗi đau của mẹ tôi, của ba chị em tôi thì vài vết sẹo này có là gì! Tôi cố đè nén cảm xúc hận thù xuống cười cười:
– Ngày xưa em đi học đại học năm nhất, từ nhỏ sống ở đảo nên không tiếp cận với mạng xã hội. Đến khi lên Hà Nội mới biết có trend thất tình cắt tay tự tử, đừng nói với em thầy là tiến sĩ nhưng cũng làm trò dại dột đấy nhé.
Lâm rút tay khỏi tay tôi, dáng người anh ta cao lớn nên che khuất tầm nhìn của tôi. Anh ta không trả lời câu bông đùa của tôi mà nói:
– Em đi ngủ đi, mai còn dậy sớm.
– Thầy yên tâm sáng mai em sẽ dậy sớm gọi thầy. Nhưng giờ thầy dẫn em lên tầng được không, tối thế này em không đi được.
– Em nhìn được sẹo trên tay tôi mà lại không nhìn được đường đi sao? Trên bàn có đèn pin, nếu tối quá em có thể dùng.
Tôi nghiến răng xoay người đi lên tầng. Anh ta rất tỉnh táo, mấy trò mèo của tôi không hề có tác dụng. Lên đến dãy hành lang tầng hai tôi thấy Lâm cũng bước ra ngoài sân khách sạn gọi điện thoại. Không rõ anh ta nói chuyện với ai nhưng dường như là đang cãi vã, thi thoảng còn thấy anh ta cười nhạt vài lần. Tôi cố dỏng tai lên nghe, nhưng cũng chẳng nghe được mấy từ nên đành thôi.
Về đến phòng, tôi mở cửa sổ cho gió vào. Tiếng sóng biển ào ào, căn phòng chẳng khác nào một con thuyền trên biển. Dù sao cũng lặn lội cả ngày trời, nên cơn mệt mỏi nhanh chóng ập đến. Tôi ôm lấy chăn, chốc lát đã ngủ lúc nào chẳng hay. Sáng hôm sau tôi dậy rất sớm không ngờ Lâm còn dậy sớm hơn cả tôi. Anh ta chỉ về nồi bánh đa hải sản để trên bàn giục tôi ăn mau còn đi. Trong lúc múc bánh đa ra bát, chị chủ khách sạn đi qua nói:
– Bữa sáng thầy Lâm nấu đấy, tôi nói rồi, thầy giáo Lâm mang điện cho đảo, chúng tôi mang ơn còn không hết, vậy mà lần nào đến thầy giáo cũng phụ chúng tôi rất nhiều việc, đến quạt cũng không dám dùng vì muốn tiết kiệm điện cho khách sạn. Thầy quyên góp tiền xây sửa trường cho mấy đứa con tôi được học chữ, mấy việc lớn như vậy thì những việc nhỏ chúng tôi làm cho thầy thầy đừng ngại chứ.
Lâm không đáp, anh ta cười cười với chị chủ rồi dắt xe đạp bảo với tôi:
– Xe máy hôm qua thầy Trình làm thủng lốp nên chỉ đi bộ hoặc đi xe đạp được thôi, em muốn đi bộ hay đi xe đạp?
– Đi xe đạp đi thầy, thầy còn mệt thì em chở thầy.
– Không sao, tôi khỏi rồi.
Tôi ăn vội bát bánh đa, tuy rằng rất ngon nhưng chợ ở đây chỉ mở sáng sớm nên tranh thủ đi luôn. Xe đạp của khách sạn là loại cho xe du lịch cho khách thuê nên rất chắc chắn, Lâm ngồi trên yên xe đạp còn tôi ngồi phía sau. Ngồi sau lưng Lâm, tôi ngửi được mùi thơm thoang thoảng giống như mùi hương hoa toả ra. Ánh mặt trời lấp ló sau dãy núi, tia sáng hồng hồng mang sắc màu bình minh dần hiện ra. Hai bên đường là những hàng phi lao cao vút, tiếng sóng, tiếng gió cùng tiếng chim hoà vào làm một. Bầu không khí bình yên này có lẽ chẳng có một nơi nào có thể có. Ở đây là đảo, bốn bề là nước, dưới rặng phi lao xanh kia còn có cả một dòng sông lớn. Xung quanh sông hoa dại phủ đầy, sắc xanh đỏ vàng đung đưa theo gió. Suốt nửa đoạn đường đi, tôi và Lâm không ai nói với ai câu nào, cho tới khi đi qua con sông, tôi mới cất tiếng hỏi anh ta:
– Sao thầy lại chọn công việc này?
Sợ anh ta không hiểu ý tôi hỏi tiếp:
– Ý em là cả hai, sao thầy lại chọn làm giảng viên, sau đó lại chọn dự án thế này để thực hiện?
Lâm không đáp, tôi cũng không bỏ cuộc:
– Bố mẹ thầy có ủng hộ thầy làm những việc này không ạ?
Lần này anh ta hỏi ngược lại:
– Ủng hộ thì sao mà không ủng hộ thì sao?
– Ủng hộ thì tốt mà không ủng hộ thì chẳng lẽ thầy trái ý rồi cãi lời bố mẹ sao?
– Tôi lớn rồi, việc tôi làm chẳng ai quản được tôi, ủng hộ hay không có gì quan trọng?
Câu trả lời của Lâm nằm ngoài dự liệu của tôi, tôi hơi bất ngờ. Giây phút ấy tôi bỗng dưng nhớ lại thái độ lạnh lùng mà kiên quyết của Lâm khi rạch tay trước mặt mẹ anh ta, giống hệt bây giờ!
– Còn em thì sao?
– Dạ?
– Những việc em làm có được người thân ủng hộ không?
Lần đầu tiên Lâm chủ động hỏi han tôi, tôi cười cười:
– Em không còn người thân nữa rồi thầy ạ. Em có mỗi mẹ nhưng mẹ em vừa mất cách đây hơn ba tháng. Em giờ là kẻ mồ côi.
Xe đạp vẫn lăn bánh, nhưng tốc độ dường như chậm hơn một nhịp. Tôi không muốn anh ta thương hại mình nên lảng sang chuyện khác:
– Mua đồ xong thầy cho em ra biển nhé, vẫn còn sớm lắm, lúc em với thầy trở về thầy Trình với Nam vẫn chưa dậy đâu.
– Ra biển làm gì?
– Em muốn nhặt vỏ ốc làm vòng tay, em sẽ tặng thầy một cái vòng tay thật đẹp.
– Không cần đâu.
– Thầy không cần nhưng em cần. Thầy yên tâm, tay nghề em cao lắm, hồi nhỏ em toàn xâu ốc bán cùng mẹ để kiếm tiền đóng học phí đấy. Thầy tốt với người dân ở đảo như vậy em thay mặt họ cảm ơn thầy.
Lâm không nói gì, tôi mặc định im lặng có nghĩ là đồng ý. Ra đến chợ, Lâm dựng xe gọn gàng một góc rồi theo tôi vào trong. Cả đảo một ngày chỉ có duy nhất phiên chợ sáng nên rất tấp nập. Ban đầu tôi tưởng Lâm mua bánh kẹo hay quần áo cho bọn trẻ, thế nhưng anh ta lại nhờ tôi dẫn vào một quán bán đồ dùng học tập mua sách vở, cặp bút trước. Sau khi mua xong, Lâm cẩn thận chia đều vào các túi và nhờ anh chủ quán thồ xe mang lên trường cấp một giúp. Xong xuôi tôi và Lâm ra bên ngoài, anh ta mua thêm ít thức ăn để mang về khách sạn, không quên mua thêm rất nhiều quà bánh dặn tôi mang về chia cho con chị chủ khách sạn, còn lại bao nhiêu sẽ mang cho đám trẻ trong làng.
Lâm có lẽ cũng ngại tôi xách nhiều, một nửa đồ anh ta cho vào rọ xe, một nửa nhờ tôi xách. Tôi sợ anh ta nuốt lời không cho tôi ra biển nên vừa ôm đồ leo lên xe vừa nói:
– Công em hôm nay dẫn thầy ra chợ, thầy nhớ ra biển để em nhặt ít vỏ ốc rồi hãy về nhé.
– …
– Em bỏ cả giấc ngủ sáng đi rồi, thầy không được nuốt lời đâu đấy.
– Tôi chưa hứa với em gì cả!
– Kìa thầy! Em cũng là muốn tặng quà cho thầy thôi, đều là làm việc tốt, thầy cho em ra biển nha.
– …
– Em hứa với thầy em chỉ ra đúng năm phút.
– ….
– Năm phút, không mất thời gian của thầy đâu.
Mặc cho tôi lải nhải, Lâm vẫn không hề trả lời. Nhưng rồi con xe đạp vẫn lăn bánh về hướng biển. Khi xe dừng lại, tôi cũng mừng rỡ nhảy xuống đặt đồ lên tảng đá bằng phẳng rồi kéo tay Lâm nói:
– Thầy, thầy ra ngắm biển tiện chờ em luôn. Ra đây rồi có khi thầy lại không muốn về.
Quả thực là như thế, bởi không phải nơi đâu cũng có cảnh vật được thiên nhiên ban cho đẹp đẽ đến vậy. Lúc này, mặt trời đã nhô cao khỏi ngọn núi, hai bên đường đều là những rặng cây xanh ngắt, hoa cỏ rực rỡ đủ sắc màu. Biển xanh, núi xanh, trời xanh, lấp loáng những tia bạc của ánh mặt trời điểm thêm màu trắng của những con sóng. Từng đám mây lớn cũng bị gió thổi đi xa tựa như những cánh buồm đang căng mình đón gió, cũng như vô số những con thuyền cô độc ngoài kia, càng bay càng xa. Tôi hít một hơi, nhìn trời biển, cảm giác như tâm hồn mình cũng được nhẹ nhõm đi nhiều. Gió thổi tung mái tóc dài, tôi quay lại thấy Lâm cũng lặng lẽ nhìn theo những con thuyền ngoài xa. Ánh bình minh rọi lên cả gương mặt Lâm, có lẽ do ánh sáng của mặt trời nên nhìn giống như một vầng hào quang toả ra. Gương mặt sáng, vầng trán rộng, mũi cao, mắt sâu thẳm, đến đôi môi cũng đẹp như vẽ. Tôi có chút thảng thốt, nhưng rồi nhanh chóng gạt đi, tự nhủ rằng không được quên anh ta là kẻ thù của mình.
Tôi cúi xuống, đi về phía bờ đá tìm vỏ ốc để nhặt. Hồi nhỏ, tôi với mẹ thường ra biển nhặt vỏ ốc mài đi để xâu thành vòng đem đi bán. Số tiền ấy mẹ đều dành dụm mua sách vở và đóng học phí cho tôi. Vậy mà tôi chưa kịp báo hiếu mẹ, mẹ đã rời bỏ tôi đi. Dù không muốn nghĩ, nhưng đứng trước biển khơi mênh mang vẫn hoài niệm nhớ đến những chuyện đã qua. Sau khi nhặt xong vỏ ốc quay lại đã thấy Lâm ra xe liền vội vàng chạy như bay đến. Nhìn tôi mồ hôi nhễ nhại, khoé môi anh ta bất giác cong lên, tựa như cười hỏi tôi:
– Sợ tôi bỏ lại hay sao mà chạy gấp thế?
– Vâng. Em sợ bị thầy bỏ rơi.
Lâm định nói gì đó, nhưng rồi anh ta chỉ xoè tay đưa cho tôi một nắm vỏ sò nhỏ rất đẹp. Nhìn thấy vỏ sò trên tay anh ta, tôi kinh ngạc hỏi lại:
– Thầy nhặt ở đâu đây ạ?
– Bãi đá hướng đông.
– Uầy, thầy siêu thế, vỏ sò này mài đi cho vào vòng tay với vỏ ốc thì siêu siêu đẹp.
– …
– Thầy cho em hả?
– Ừ. Cũng nên góp chút công sức cho em làm “việc tốt”.
Tôi xuỳ một tiếng nhưng vẫn nhanh tay nhận lấy vỏ sò nhét vào túi rồi trèo lên xe. Đường từ biển ra thôn dốc lại đầy gập ghềnh ổ gà, tôi một tay ôm đồ vừa túm lấy eo Lâm nói một lèo:
– Em có nặng không? Hay thầy để em chở thầy? Thầy vất vả quá, chở em đi lại chở em về.
Lâm thở dài, một lúc sau mới chậm rãi đáp lại:
– Nói nhiều như vậy tối có đau họng đừng trách tôi không nhắc nhở.
Tôi bĩu môi, không thèm nói nữa mà lẳng lặng nhìn dòng sông bên đường. Cảnh vật đẹp đẽ trong lành, khác hẳn với những ý nghĩ nhuốm màu chàm trong đầu tôi lúc này. Ý nghĩ trả thù chưa từng dừng lại, vẫn thôi thúc không ngừng nghỉ, hệt mảng tối giữa ánh bình minh rạng ngời trên đảo. Chỉ cần nhớ đến ngày mẹ tôi chết, nhớ đến tháng ngày khổ sở của chị tôi, nhớ đến nỗi đau và nhục nhã chị phải chịu, nhớ đến những ngày thơ ấu bị chà đạp, giày vò nỗi căm hận lại ùa về. Không thể quên! Vĩnh viễn khắc cốt ghi tâm. Bà ta chỉ có đứa con trai này, tôi cũng chỉ có thể bấu víu vào anh ta để trả lại mối thù cho gia đình tôi.
Về đến khách sạn Nam và thầy Trình cũng đã dậy ăn sáng. Đoàn thanh niên ở đảo cũng có mặt ở khách sạn để bê vác, trợ giúp những việc cần thiết. Khi xuống đến trường tiểu học tôi mới biết ngoài đoàn thanh niên còn có các chú bộ đội ở đồn Biên phòng hỗ trợ chúng tôi. Lúc thấy chúng tôi đến, mấy cô giáo cùng đám trẻ cũng ào ra. Tuy rằng hôm nay được nghỉ, nhưng giáo viên vẫn dạy đám trẻ học miễn phí để nâng cao kiến thức cho chúng. Từng học ở đây nên tôi biết đảo chỉ có một phần nhỏ là giáo viên bản địa, số còn lại đều là các cô giáo trẻ trong đất liền vượt sóng, vượt gió, mang toàn bộ nhiệt huyết của tuổi thanh xuân cống hiến cho đảo nhỏ. Họ không có người thân ở đảo, sống cùng nhau trong khu tập thể, nước ngọt cũng phải mua từng thùng để dùng, điện thoại không có sóng, mỗi lần muốn gọi điện về cho gia đình đều phải chạy xuống trạm cảng. Lúc tôi mang quà ra phát cho lũ trẻ thầy Trình cũng giục tôi mang cả quà cho các thầy cô giáo. Đó là những hộp thức ăn khô được đóng gói cẩn thận và sạch sẽ. Thầy Trình nói với tôi, đây đều là đồ Lâm tự bỏ tiền túi ra mua, anh ta nhờ mua vài ngày trước, tiện chuyến tàu đã nhờ đoàn thanh niên đi lấy, hôm nay tiện chở xuống đây luôn. Tôi ngước lên nhìn Lâm, thấy anh ta đưa lá cờ Tổ quốc đỏ chói cho thầy hiệu trưởng rồi nói:
– Đợi khi nào lắp xong tôi sẽ treo cờ giúp thầy. Giờ thầy giúp tôi cất đi ạ.
Lá cờ trên nóc trường đã bạc, màu đỏ thẫm của máu đã chuyển thành màu hơi cam, ngôi sao năm cánh cũng chuyển thành màu bàng bạc. Thầy hiệu trưởng nhìn đám trẻ, vẻ mặt đầy xúc động:
– Tôi thật sự cảm ơn cậu. Cảm ơn cậu không ngại khó khăn, không ngại gian khổ giúp đỡ chúng tôi.
– Thầy đừng nói những lời khách sáo như vậy. Những việc tôi làm so với thầy, với các giáo viên, bộ đội ở đây có là gì.
Thầy Trình bên cạnh cũng gật đầu nói chen vào:
– Cậu ấy là Đảng viên ưu tú, phấn đấu cho sự nghiệp thì đây là điều nên làm. Đều là trọng trách của cậu ấy và chúng tôi thầy đừng khách sáo.
Rõ ràng tôi cũng nghe được ý tứ của thầy Trình nhưng Lâm dường như không để tâm mà cùng đoàn thanh niên bắt tay vào việc. Vừa hay lúc ấy tôi cũng nghe được tiếng một cô giáo trẻ, rất xinh phản bác lại:
– Anh ấy làm không phải vì phấn đấu cho sự nghiệp, nếu vì phấn đấu cho sự nghiệp sao lại bỏ tiền túi ra quyên góp xây trường nhưng lại không thèm ghi danh, nếu vì phấn đấu cho sự nghiệp sao những lần đi một mình anh ấy vẫn nói đây đều là công sức của cả trường, cả một tập thể mà chưa từng nhận riêng mình, nếu chỉ vì phấn đấu cho sự nghiệp sao không vứt đồ ra đây rồi để hiệu trưởng và người dân tự thuê người làm mà phải tự tay làm, số tiền tiết kiệm để thuê nhân công lại mang đi làm quỹ nuôi những học sinh có hoàn cảnh khó khăn? Anh ấy đến đây không phải chỉ xong việc của mình, anh ấy dạy đám trẻ trong làng bơi lội, dạy bọn chúng phấn đấu cho tương lai, dạy điều tiên quyết của mỗi người là phải yêu Tổ quốc, yêu quê hương, yêu con người, dạy người dân cách bảo quản đồ ăn, dạy họ buôn bán, anh ấy đứng ra đỡ đầu cho mấy đứa trẻ nghèo trong làng… Anh ấy không vì sự nghiệp mà vì tương lai của bọn trẻ, vì chúng tôi, vì xã hội. Người như vậy là Đảng viên ưu tú, Đảng viên xuất sắc đúng rồi còn gì bàn cãi?
Thầy Trình không nghe được bởi khi ấy đã chạy theo Lâm kéo dây điện nhưng tôi lại nghe rất rõ. Mặt trời lên cao, ánh nắng chói chang phủ xuống đầy mặt đất, phủ xuống cả người Lâm. Anh ta không nề hà, mồ hôi chảy đầy xuống mặt, đôi tay trần nắm chặt lấy dây điện theo thang trèo lên mái nhà. Tôi cũng không rõ cảm xúc của mình khi nghe những lời ấy là gì, chỉ biết nghĩ đến việc năm ấy mẹ con anh ta đến nhà tôi, gây ra mọi sóng gió, khổ đau tôi lại thấy buồn bực không nói nên lời.
Lâm và mọi người làm việc cật lực đến tận trưa mới lắp xong. Đến khi mọi người xuống Lâm vẫn đứng trên nóc nhà thay cờ cho thầy hiệu trưởng. Cho tới khi lá cờ Tổ quốc mới tinh, đỏ thẫm tung bay trong gió trên nóc nhà Lâm cũng đứng lặng lẽ nhìn, vẻ mặt kính cẩn và tự hào. Một lúc sau anh ta mới từ từ đi xuống. Vừa bước xuống tất cả các giáo viên nữ đều xúm lại quanh Lâm, tôi nhanh chóng bị đẩy ra ngoài khỏi vòng vây. Anh ta ở vị trí chính giữa, mọi người ngước nhìn, còn tôi lại bị chìm trong đám người, anh ta không nhìn thấy tôi, không phát hiện ra tôi, đây mới là vị trí thật sự của tôi và Lâm. Trong số các giáo viên nữ có một giáo viên trẻ rất xinh, là cô gái ban nãy bênh vực Lâm. Cô ấy liên tục rót nước cho Lâm, hỏi han anh ta đủ điều. Nếu như không so sánh về địa vị, chỉ so sánh về nhan sắc cô ấy xinh hơn Nguyệt. Nhưng đối diện với nhan sắc xinh đẹp ấy Lâm hoàn toàn dửng dưng, anh ta chỉ lịch sự xã giao hoàn toàn không có chút ý đồ nào khác. Tôi thầm nghĩ, anh ta xuất sắc như vậy, tôi cũng tự tin rằng tôi có nhan sắc, nhưng xã hội bây giờ một mét vuông cả đến cả chục cô gái xinh đẹp, nếu như không dùng thủ đoạn chỉ dùng nhan sắc thì tôi tin cả đời này cũng không thể nào đạt được mục đích.
Buổi chiều chúng tôi phải di chuyển lên trường liên cấp hai, ba và trường mầm non nên buổi trưa chỉ ăn qua loa một chút. Do buổi chiều các chú bộ đội phải về đơn vị, đoàn thanh niên cũng vài người bận nên công việc cũng vất vả hơn. Nam và thầy Trình làm được một lúc đã mệt bở hơi ngồi dưới hiên, cuối cùng chỉ có Lâm và ba bốn thầy giáo trong trường hai ba kiên trì làm. Khi những tấm năng lượng mặt trời cuối cùng được đặt lên, Lâm cũng mới xuống thu dọn đồ. Trời lúc này đã nhá nhem tối, mặt trời đã tắt hoàn toàn, tôi thấy mọi người thực sự đã quá vất vả nên nhanh chóng phi ra dọn đồ cùng. Lâm ngồi cạnh tôi, cúi đầu nhặt từng con ốc vít, tuy rằng người anh ta ướt đẫm mồ hôi nhưng tôi vẫn thấy mùi thơm nhẹ thoảng qua mũi. Tôi cũng không rõ dọn đồ đến bao lâu, chỉ biết đến khi xong ngẩng đầu lên trời đã tối sầm, trăng đã lên, sao cũng dần lấp lánh trên nền trời đen thẳm.
Xe túc túc của đoàn thanh niên đỗ bên ngoài, tôi cũng cảm thấy mệt mỏi, nhưng nghĩ đến việc mọi người phải đày nắng nguyên một ngày, làm việc không ngừng nghỉ thì bỗng thấy cái mệt mỏi của tôi chẳng đáng là gì. Xe di chuyển từ trường về khách sạn, đoạn đường xóc nảy đầy sỏi đá, cũng chẳng có đèn. Ánh sáng duy nhất là ánh trăng, ánh sao trên trời. Đêm nay, sao Bắc Đẩu rất sáng, ánh sáng màu bạc lấp lánh cùng ánh trăng rọi qua tán lá chiếu xuống mặt đất, sượt qua cả nửa gương mặt Lâm. Tôi không dám nhìn lâu, bởi nhìn thấy một bầu trời đầy sao tôi lại trỗi dậy nhớ nhung gia đình và nỗi hận thù cuồn cuộn.
Về đến khách sạn chị chủ đã nấu xong cơm, nấu cho cả đoàn thanh niên. Ngày mai, ngày kia còn rất nhiều việc nên không ai muốn uống rượu, ăn cơm xong đoàn thanh niên về thôn, tôi phụ chị chủ dọn dẹp mới lên tắm rửa. Lẽ ra một ngày mệt mỏi như vậy tôi nên ngủ sớm, nhưng nghĩ những ngày còn lại ở đây rất bận rộn nên mang vỏ ốc và vỏ sò xuống sân để mài. Sáng nay tôi tranh thủ mua được ít dây và kim luồn định bụng ngoài tặng Lâm sẽ làm nhiều tặng thêm các chú bộ đội và đoàn thanh niên. Đáng tiếc số lượng công việc quá nhiều, khách sạn lại không có máy mài chỉ có cây mài thủ công nên có lẽ tối nay chỉ có thể làm được một cái vòng tay trước. Tôi ngồi xổm ở góc sân cầm từng con ốc nhỏ đặt lên cây mài, ánh trăng phủ xuống cả người, không gian tĩnh mịch chỉ nghe được tiếng dế kêu. Trong lúc mài, tôi không ngừng nhớ đến quá khứ đã qua, cảm giác như một cơn ác mộng mà cho đến hiện tại tôi vẫn không thể quên. Suốt một tiếng đồng hồ ngồi mài là một tiếng tôi hồi tưởng lại quá khứ, đến khi xong ngẩng đầu lên trăng đã lên cao thêm. Hai chân tôi tê mỏi, cũng không còn ánh điện sáng chỉ có thể mang ra giữa sân nơi sáng nhất để ngồi luồn kim. Đến khi chiếc vòng tay hoàn thành lưng tôi cũng như muốn gãy. Vốn là nghĩ để sáng mai mới mang tặng Lâm không ngờ vừa đứng dậy cũng giật mình thấy Lâm đang đứng ở hiên. Không rõ anh ra đứng đó từ lúc nào, yên tĩnh không hề phát ra một tiếng động nào. Tôi loạng choạng đứng dậy cười cười:
– Thầy chưa ngủ sao? Cả một ngày mệt mỏi em tưởng thầy đã ngủ rồi chứ?
Lâm liếc nhìn tôi, nhưng chỉ một giây sau đã lạnh nhạt nói:
– Sáng mai cũng phải dậy sớm, liệu em có dậy được mà đi không?
– Được chứ ạ, thầy yên tâm. Thầy xem, em thức khuya thế này để làm vòng tay cho thầy đấy, có đẹp không ạ?
Tôi vừa nói vừa giơ chiếc vòng lên, dưới ánh trăng, ánh sao những chiếc vỏ sò, vỏ ốc bỗng trở nên lấp lánh. Thật ra, tôi cũng chẳng mơ tưởng gì một người giàu có như anh ta sẽ coi trọng thứ đồ rẻ tiền này nhưng vẫn bước tới kéo tay anh ta lên nói tiếp:
– Chiếc vòng này trông thế thôi nhưng rất chắc chắn, trừ khi đập mới vỡ chứ khó mà hỏng hay đứt được. Thầy nhìn đi, vừa vặn che được toàn bộ vết sẹo trên cổ tay thầy.
Câu nói cuối cùng của tôi dường như khiến Lâm có chút chấn động. Anh ta không nhúc nhích người nhưng tôi cảm nhận được vai anh ta run lên một chút. Có vẻ như những vết sẹo ấy là những cái gai trong lòng anh ta không có cách nào nhổ đi. Tôi không đợi anh ta đáp đã nhanh chóng luồn vòng vào tay anh ta gật gù:
– Thầy đeo chiếc vòng này tự dưng trông chiếc vòng đắt tiền hẳn lên. Sau này nhỡ em có thất nghiệp sẽ về quê làm vòng bán, thầy nhớ làm mẫu quảng cáo cho em.
Lâm chẳng để tâm đến thái độ bỡn cợt của tôi chỉ rút trong túi ra lọ ô mai gừng đưa cho tôi. Tôi ngạc nhiên hỏi:
– Thầy cho em ạ?
– Ừ. Đau họng thì ngậm một chút, nói ít thôi nếu không sẽ không đủ cho em dùng đâu.
Rõ ràng là nói móc nhưng tôi vẫn vui vẻ đáp lại:
– Em cảm ơn thầy. Thầy đúng là Đảng viên ưu tú, có tấm lòng nhân hậu thiết tha.
– Thôi! Đi ngủ đi, những lời nói nịnh bợ kia tốt nhất cất vào lòng
Nói rồi Lâm cũng xoay người đi lên hành lang, tôi sợ tối cũng vội vã ôm hộp ô mai theo sau. Vừa đi tôi liên tục nhắc:
– Thầy đừng vứt vòng của em đi nhé. Đó là tấm lòng và công sức của em, thầy phải đeo đấy nhé.
Có lẽ thấy tôi nói nhiều quá, cũng có lẽ đêm khuya rồi sợ người ta hiểu nhầm cuối cùng anh ta bất lực nói ừ một tiếng. Tôi tưởng anh ta đùa, ấy vậy mà anh ta lại đeo vòng của tôi không hề ném đi thật. Suốt hai ngày sau đó, tôi theo anh ta đi làm vẫn luôn thấy chiếc vòng ấy nằm trên tay anh ta, thật không thể tin nổi.
Do đã có kinh nghiệm từ ngày đầu tiên và nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân nên hai ngày sau lắp những tấm năng lượng mặt trời cho những nhà dân trong đợt một tiến độ nhanh hơn hẳn. Tôi cũng biết việc hơn, chạy le ve phụ mọi người không ngừng nghỉ đến tối mịt mới về. Sau hai ngày, tổng số nhà dân được lắp năng lượng mặt trời là ba mươi, vượt xa chỉ tiêu ban đầu đã đề ra. Tưởng rằng mọi chuyện sẽ thuận lợi thế nhưng không ngờ đến ngày thứ tư ở đảo lại xảy ra chuyện. Buổi sáng trong khi mọi người đang cần mẫn làm việc đột nhiên tôi nghe tiếng một gã đàn ông chửi rủa:
– Mẹ kiếp! Lũ ô hợp từ đâu kéo đến làm loạn cả cái làng này. Ông không cần biết chúng mày đang làm trò gì, ông ra lệnh cho lũ chúng mày tháo hết năng lượng mặt trời cuốn xéo khỏi nơi này.
Tôi nhìn ra, định hình một lúc mới phát hiện là Long, con trai lão Nghinh đang kéo ba bốn tên bặm trợn đến đây. Lâm đang bắt ốc vít liền đứng dậy, bình thản lau tay vào giẻ hỏi lại:
– Cho hỏi anh đại diện cho bên nào? Chính quyền xã hay công an xã mà đuổi chúng tôi đi? Có giấy tờ gì không cho tôi xem?
– Ông đếch cần giấy tờ, chỉ biết dân ở đây có điện dùng không mượn chúng mày bày ra mấy trò loè thiên hạ.
– Dân? Dân nào? Làng trên xóm dưới ai cũng mong có nguyện vọng được lắp năng lượng mặt trời. Không rõ anh lấy số liệu đâu ra mà kêu dân không cần.
Bị vặn lại đến cứng mồm, hắn ta gầm lên:
– Chúng mày cút không hay phải để tao cho người san bằng cái đống bẩn thỉu của chúng mày đi?
– Anh dám? Nói cho anh nghe, đừng tưởng chúng tôi không biết mục đích của anh là gì. Bán điện ba mươi tư nghìn một số cho dân, gấp mấy chục lần giá điện lưới, kinh doanh nhưng lại không tôn trọng người dân, bán giá cắt cổ, ăn trên mồ hôi, nước mắt của người dân nhưng thích cho điện lúc nào thì cho, cắt lúc nào thì cắt. Đừng lấy lý do xăng dầu vận chuyển ra đảo đắt đỏ, có cao cũng chỉ nên gấp năm bảy lần, cũng đừng làm ra cái vẻ cao thượng giúp dân. Chẳng qua giờ bát cơm của mình lung lay mới định phá đám, nhưng tôi khuyên anh nên chấp nhận, ăn xương máu của đồng bào thế là đủ rồi, gia đình anh giàu có đều nhờ tiền của dân, lẽ ra nên biết ơn chứ không phải coi thường họ như thế.
Lâm vừa nói xong, hắn ta hai mắt long sòng sọc giận dữ:
– Mày nói cái gì!
– Về đi cho chúng tôi còn làm việc. Việc của chúng tôi thông qua chính quyền rồi, anh đừng hất nốt bát cơm của mình đi.
Tôi tưởng Lâm nói vậy hắn ta sẽ sợ, không ngờ lại nhìn sang tôi rồi đột cúi xuống nhặt thanh gỗ gằn từng tiếng:
– Thằng chó này mày nghĩ tao sợ sao, mày còn dám cướp cả con đàn bà lẽ ra là của tao. Chúng mày, phá tanh bành hết cho tao.
Đám bặm trợn cũng xông vào phá đồ nghề, còn Long, hắn ta bỗng chốc như phát ngộ, cầm thanh gỗ lớn xông thẳng vào Lâm. Tôi nhìn hắn ta kinh hãi, trong giây lát xoay người chạy đến ôm lấy Lâm hét lên:
– Cẩn thận.
Ngay lập tức thanh gỗ đập thẳng xuống đầu tôi với một lực mạnh không tưởng. Tôi nghe tiếng Lâm hốt hoảng:
– Diệp Anh…
Sau đó, cả người tôi đổ gục xuống, một màn đen cũng ập đến bao phủ lấy không còn hay biết gì nữa.
Tôi không biết mình ngất bao lâu, đến khi tỉnh lại đã thấy mình nằm trong khách sạn, trước mặt tôi là Lâm và thầy Trình. Nhìn thấy tôi đã mở mắt thầy Trình liền hỏi:
– Em tỉnh rồi à? Thấy trong người thế nào rồi?
– Em không sao, còn thầy Lâm… thầy có sao không ạ?
Lâm nhìn tôi, ánh mắt không còn lạnh lùng như trước, có lẽ bởi tôi vì anh ta mà bất tỉnh nên khẽ đáp:
– Tôi không sao cả nhưng lần sau em đừng ngốc thế nữa. Tôi là đàn ông sức dài vai rộng, mấy cú đánh như vậy vẫn chịu được.
– Vâng, cũng tại em sợ thầy bị làm sao, em cũng là dân trên đảo, thầy giúp đỡ dân trên đảo như vậy, em không nỡ để thầy bị thương.
Thầy Trình bật cười nói:
– Được rồi không sao là tốt rồi. Thầy Lâm lo cho em còn gọi cả bác sĩ Ngân dưới trạm xá kiểm tra cho em, cũng may chị ấy nói em không vấn đề gì, bây giờ nghỉ ngơi đi mai chúng ta về Hà Nội.
– Mai về Hà Nội sao thầy?
– Ừ. Việc chưa xong nhưng đồ nghề bị bọn chúng phá tan tành. Đám người ấy bị bắt xuống đồn rồi, trước kia bọn chúng làm vương làm tướng không sợ một ai, công an cũng phải rén vài phần. Thế nhưng giờ khác rồi, biên phòng công an xã họ được chỉ đạo từ trên xuống phải làm căng, thầy vừa dưới đồn về, kiểu gì bọn chúng cũng đi tù mọt gông nhưng công việc vẫn phải tạm dừng lại. Dù sao cũng vượt tiến độ rồi nên về sắp xếp lại mọi việc để đợt sau ra. Em còn cần làm gì hay mua gì thì làm nốt, mai về rồi chắc phải hai ba tháng nữa mới có thể quay lại.
Khi thầy Trình nói đến đây, đầu tôi bỗng như có thứ gì đó dội vào, ý nghĩ ban đầu tôi đã chuẩn bị lập tức loé lên. Tôi nhìn Lâm nói:
– Thầy Lâm, chiều thầy có thể chở em về nhà được không? Em muốn về thăm nhà một chút, nấu một bữa cơm thắp hương cho mẹ em
Thầy Trình cười trêu:
– Em không cần hỏi thì đó cũng là nhiệm vụ của cậu ấy. Em vì cậu ấy mà bị thương cậu ấy sao có thể từ chối được. Vả lại em là thân con gái lại là sinh viên của chúng tôi, không riêng gì Lâm, mà tôi cũng không yên tâm để em vào thôn một mình. Nghỉ ngơi đi chiều Lâm chở em đi.
Lâm không nói gì, tôi ngầm hiểu anh ta không từ chối. Anh ta khác với thầy Trình, không lắm lời mà chỉ lẳng lặng làm nên tôi cũng không nói thêm gì nữa. Khi Lâm và thầy Trình ra khỏi phòng tôi cũng xuống dưới nhờ chị chủ khách sạn mua giúp tôi một con gà, một gói miến, một cân gạo và ít rau còn dặn chị ấy không cần nấu cơm cho Lâm.
Buổi chiều tôi tắm táp sạch sẽ rồi cầm chiếc túi đựng đồ tôi mua trên web đen nhét vào túi xách rồi mới xuống sân. Xe máy sửa được rồi nhưng thầy Trình và Nam lấy đi xuống đồn nên Lâm chở tôi đi bằng xe đạp. Chị chủ tốt bụng làm giúp tôi con gà sạch sẽ, nhét tất cả đồ vào rọ xe cho tôi. Xe lăn bánh rời khỏi khách sạn vào trong thôn. Tôi ngồi sau lưng Lâm, ngắm nhìn màu hoàng hôn phủ xuống đảo, gió lùa vào tóc anh ta, len cả lên mái tóc tôi. Dòng sông bên đường nhuốm màu đỏ rực, khác với khung cảnh bình minh vài ngày trước. Nhà tôi cách xa trung tâm, đoạn đường từ khách sạn gấp đôi đoạn đường ra chợ. Suốt cả đoạn đường đi, Lâm không nói gì, đầu óc tôi cũng mải suy nghĩ nên thi thoảng chỉ hỏi anh ta vài câu rồi lại nhìn những tia mặt trời yếu ớt buổi chiều tà mông lung, mơ hồ. Khi đến nhà, tôi cũng hơi sững lại khi thấy ngôi nhà trở nên hoang tàn, cũ kỹ như bị bỏ hoang suốt mấy tháng trời. Nhà mẹ con tôi cách xa nhà lão Đại, con trai lão Nghinh lại đang dưới đồn, vả lại có Lâm ở đây tôi, không rõ vì sao anh ta lại cho tôi một cảm giác rất an toàn, vững chãi, có thể che mưa chắn gió được cho tôi. Tôi nhìn Lâm gượng cười nói:
– Thật ngại quá, lâu rồi em không về nhà nên nhà hơi bẩn, thầy chờ em dọn rồi nấu mâm cơm để thắp hương cho mẹ em. Em biết là làm phiền thầy nhưng mẹ em chỉ có mình em, về đến nhà không thể không nấu mâm cơm thắp hương mẹ. Ăn cơm xong em với thầy về khách sạn được không?
– Em nấu cơm đi, tôi dọn dẹp giúp em.
Tôi biết với tính cách của Lâm sẽ không để tôi lại đây một mình, nhưng không ngờ anh ta lại chủ động giúp tôi dọn nhà. Tuy ái ngại nhưng giờ đã muộn rồi nên tôi chỉ còn cách đồng ý. Dưới bếp vẫn còn diêm, tôi nhóm hai bếp lửa rồi bắt đầu nấu nướng. Mùi khói bếp xộc lên mũi cay xè càng khiến tôi nhớ đến những tháng ngày thơ ấu cùng mẹ, nhớ đến tháng ngày vất vả mẹ nuôi tôi lớn, nhớ đến cả nỗi hận thù không nguôi. Tôi không còn khóc, nhưng lòng vẫn đau đớn vô cùng. Vì chỉ nấu những món đơn giản, món lâu nhất là gà luộc nên chỉ một tiếng đồng hồ sau tôi đã xong mâm cơm thắp hương. Khi bê mâm cơm lên nhà, tôi cũng bất ngờ khi thấy nhà đã được Lâm dọn dẹp sạch sẽ, thậm chí mạng nhện trên cửa cũng được quét sạch sẽ. Tôi đặt mâm cơm lên bàn thờ, thắp cho mẹ nén hương rồi nhìn ra bên ngoài. Lâm đang ngồi đóng đinh lại cổng gỗ, sân nhà không có chút rác nào, cũng không còn dáng vẻ hoang tàn như lúc mới đến. Tim tôi đột nhiên thắt lại, nhìn dáng vẻ cần mẫn sửa cổng của anh ta, tôi bỗng có chút lung lay. Nhưng rất nhanh tôi khôi phục lại tâm trạng, tự nhủ rằng người trước mặt là kẻ thù của mình, tôi phải nhớ cho thật kỹ. Tôi đi về buồng ngủ của tôi, là căn buồng ngủ tách biệt với nhà chính cũng đã được Lâm dọn dẹp thay bộ chăn ga cũ kỹ bằng bộ chăn ga trong tủ. Tuy lâu rồi nhưng chăn ga trong tủ vẫn thoang thoảng mùi nước xả vải. Thay xong ra ngoài thấy hương đã tàn, tôi lạy ba lạy rồi bê mâm cơm xuống bếp, không quên cầm theo túi xách. Liếc thấy Lâm vẫn đang sửa cổng, tôi hít một hơi, nhanh chóng mở thuốc, làm xong liền hâm lại bát canh miến, đến khi anh ta đứng dậy tôi cũng mới bê mâm cơm lên chiếc bàn ăn ở hiên rồi nói:
– Thầy vào rửa tay chân đi rồi ăn cơm ạ.
Lâm ra giếng rửa tay chân, còn giúp tôi thắp một cây nến. Trời nhá nhem tối, nhờ cây nến mà bỗng sáng rực lên. Tôi vào lấy chai rượu sim mẹ tôi ngâm từ lâu hỏi Lâm:
– Thầy uống chút rượu nhé. Đây là rượu mẹ em ngâm, ngon lắm ạ.
Lâm ngẩng đầu lên nhìn tôi, sợ anh ta hiểu lầm tôi liền nói:
– Uống một chút thôi, không say được đâu ạ.
Thế nhưng Lâm kiên quyết từ chối, anh ta đáp:
– Em đừng rót, tôi không uống.
Ở không gian vắng vẻ này chỉ có tôi và anh ta, có lẽ anh ta cũng sợ rượu vào sẽ xảy ra những chuyện ngoài ý muốn nên mới kiên quyết từ chối như vậy. Khá khen cho anh ta đứng đắn, chính trực. Tôi cũng không ép, múc cho anh ta một bát canh miến bảo:
– Vậy thầy ăn canh miến đi ạ.
Anh ta không nghi ngờ gì, nhanh chóng uống hết bát canh. Tôi xé nửa đùi gà, múc thêm cho anh ta bát canh miến nữa tỏ ra ngượng ngùng:
– Cảm ơn thầy hôm nay đã đưa em về, còn dọn dẹp giúp em. Từ mai về Hà Nội rồi, chắc có lẽ cũng còn lâu mới có thể quay lại được. Có quay lại em cũng không dám về nhà một mình nên muốn ở đây thêm một lúc.
Trên bầu trời trăng đã bắt đầu lên, Lâm không hỏi tôi vì sao không dám về nhà. Anh ta chỉ nói:
– Em ăn cơm đi, trời cũng muộn rồi, ăn xong còn quay lại khách sạn.
– Còn sớm mà, hay thầy sợ chị Nguyệt hiểu nhầm hả thầy?
Thật ra nhắc đến Nguyệt là tôi muốn thăm dò Lâm một chút, không ngờ anh ta đột nhiên nhìn tôi nói thẳng:
– Không cần phải dò xét tôi. Tôi không phải đối tượng để thăm dò tâm lý của em.
Tôi bị tạt gáo nước lạnh vào mặt đành múc thêm cho anh ta bát canh miến thứ ba nói:
– Vâng, vậy thầy ăn đi rồi về ạ.
Tôi sợ anh ta nghi ngờ nên cũng múc cho mình chút canh rồi ăn. Ngày mai có lẽ nắng rất to, sao đêm nay còn dày đặc và sáng hơn hôm qua. Ăn xong tôi thấy người bắt đầu nóng lên, nhìn sang Lâm cũng thấy sắc mặt anh ta có chút đỏ liền giả vờ đi vào buồng lấy đồ rồi gọi lớn:
– Thầy ơi, giúp em mang nến vào đây, em làm rơi túi xách vào gầm giường rồi ạ.
Lâm cầm ngọn nến đang cháy dở bước vào, dưới ánh nến, sắc mặt anh ta càng lúc càng đỏ rực. Tôi nói:
– Thầy soi rồi lấy giúp em với ạ, mắt em cận nên không nhìn rõ.
Nhân lúc Lâm cúi xuống gầm giường, tôi nhanh chóng khoá trái cửa phòng rồi nhét chìa khoá vào túi áo. Đến khi anh ta nhặt túi xách lên cho tôi, tôi cũng nghe được tiếng hơi thở hổn hển. Anh ta nhìn tôi, dường như đã nhận ra vấn đề vừa lao thẳng ra cửa vừa chất vấn:
– Diệp Anh, mở cửa ra, em cho gì vào canh miến đúng không?
Tôi chỉ ăn một chút, mà cả người cũng bắt đầu nóng lên, thân dưới bắt đầu có chút mất kiểm soát. Nhưng tôi vẫn phủ nhận đáp lại:
– Em không ạ, thầy sao vậy có cần uống nước không?
– Em mở cửa ra! Mở cửa ra ngay cho tôi.
– Thầy uống nước đi để em tìm chìa khoá.
Lâm nhìn tôi tìm chìa khoá, không nhận chai nước tôi đưa cho mà vớ bừa chai nước để trên bàn uống một hơi. Nhưng anh ta đâu ngờ, các chai nước đặt ở đây đều là rượu trắng mà tôi đã chuẩn bị. Hơi rượu nồng phả ra, đáng tiếc đã không còn kịp để nhổ đi. Anh ta túm lấy cửa gằn từng tiếng:
– Diệp Anh! Tôi nói em mở cửa ra.
– …
– Tôi khuyên em mở cửa ra khi tôi còn đủ lý trí và tỉnh táo.
– …
– Mở cửa!!!
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy dáng vẻ tức giận của Lâm khác hoàn toàn với dáng vẻ ôn nhu, lãnh đạm của anh ta thường ngày. Nhưng tôi cũng biết đây là cơ hội duy nhất tôi có, nếu không nắm lấy thì vĩnh viễn tôi không còn cơ hội nào nữa. Tôi đi về phía Lâm, ôm chặt lấy anh ta khẽ nói:
– Thầy. Em thích thầy.
Lâm dùng chút lý trí còn sót lại đẩy tôi ra, nhưng tôi càng ôm chặt lấy anh ta, nhướn người đặt môi lên môi anh ta, hai tay ôm chặt không buông. Tất cả mọi cảm xúc ấy gần như bùng nổ, hơi thở của Lâm đã mất kiểm soát, ánh sao sáng rọi qua cửa sổ, chiếc vòng tay bằng ốc trên tay anh cũng sáng rực. Anh ta yếu ớt cố gắng né người sang bên, đến ngay cả khi thuốc đã phát huy tác dụng, cơ thể bị thuốc khống chế, anh ta vẫn giữ sự tôn nghiêm cuối cùng của mình. Đáng tiếc rằng loại thuốc này quá mạnh cộng thêm rượu đã uống nên sự tỉnh táo dần tiêu tan, cơ thể cuối cùng cũng bị thuốc khống chế hoàn toàn chỉ còn sót lại bản năng sinh lý. Tôi ôm chặt lấy Lâm vừa điên cuồng hôn anh ta vừa hổn hển nói:
– Em thích thầy, thật sự rất thích thầy.
– Diệp Anh, sao lại dùng cách này?
Môi anh ta rất mềm, khoảnh khắc môi chạm môi ấy tôi có chút tê liệt, khó mà phân biệt được đâu là thật đâu là giả, cũng không trả lời câu hỏi ấy. Tôi hôn anh ta mỗi lúc một sâu, môi lưỡi quấn lấy Lâm không rời. Dù anh ta có cố gắng né tránh tôi càng mạnh bạo ôm hôn. Bàn tay tôi dần lần mò xuống bụng rồi trượt một đường thẳng xuống kéo khoá quần của Lâm. Thuốc đã phát huy tối đa công dụng, Lâm không còn khống chế được buông tay trên cửa, túm lấy tôi đặt lên giường, đôi mắt ướt át đỏ ngầu. Dưới chân giường chiếc điện thoại đời mới đã đặt sẵn chế độ quay, anh ta không nhìn thấy, cổ họng phát ra tiếng trầm đục hỗn loạn, mất kiểm soát kéo chiếc áo tôi đang mặc. Đâu đó trong giây phút mê loạn ấy tai tôi vẫn văng vẳng câu hỏi ban nãy:
– Diệp Anh, sao lại dùng cách này?
Tôi nhìn những ánh sao sáng ngoài kia cười nhạt không đáp chỉ chủ động bám lấy anh ta hôn sâu hơn. Lúc sờ lên vai anh ta cũng thấy một vết sẹo khá dài, nhưng không thể nhìn được. Nếu không dùng cách này, tôi còn cách nào khác sao. Cho dù đê tiện, bẩn thỉu tôi cũng chỉ còn biết dùng cách này để trả thù. Làm người tốt để làm gì chứ, tôi không phải là thánh nhân có thể tha thứ kẻ thù của mình, càng không muốn quan tâm đến nỗi đau của người khác thay họ, dù cho có tổn thương đến Nguyệt hay người khác, tôi cũng đành tàn nhẫn chấp nhận. Tôi chỉ có duy nhất một con đường để đi, dù biết là sai, nhưng vẫn phải đi!
***
Lời tác giả: đang đến đoạn hay thì mai lại là cuối tuần.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!