Sao Sáng Chờ Anh Về - Phần 4
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
218


Sao Sáng Chờ Anh Về


Phần 4


Mười sáu năm đằng đẵng trôi qua, tôi không thể ngờ rằng trong khi mình lao tâm khổ tứ đi tìm thông tin về mẹ con người đàn bà ấy thì cuối cùng cả hai lại xuất hiện lúc tôi không ngờ tới. Chiếc Maybach rời đi, tôi vẫn đứng bất động dưới sân trường, siết chặt lấy cạp lồng đến nỗi tay cũng đỏ ửng lên. Ngày hôm qua, khi nghe đến hai chữ Lê Lâm, tôi đã mơ hồ cảm thấy quen thuộc. Nhưng tôi vẫn luôn nghĩ rằng trên đời này đâu thiếu những cái tên trùng nhau. Tên anh ta có đặc biệt thế nào đi chăng nữa thì chắc chắn vẫn có người khác có tên giống như vậy. Huống hồ cách đây gần mươi năm tên khi nghe cái tên ấy chị em tôi thấy lạ chứ giờ những cái tên đặc biệt nhan nhản, đến nỗi tôi không dám tin đó là Lê Lâm mà tôi vẫn luôn tìm kiếm. Ngày hè oi ả nóng bức vậy mà tôi lại như từ trong hầm băng đi ra, lạnh đến phát run. Cuối cùng… lại gặp lại theo cách này.

Bao uất ức, tủi nhục, căm hận ùa về. Thật nực cười! Rõ ràng tôi là nạn nhân, kẻ cảm thấy nhục nhã là đám người tàn ác chứ không phải tôi, cớ sao tôi lại không thể hiên ngang ngẩng đầu mà đối diện? Mẹ tôi chết, chị tôi chết, không một cái chết nào không liên quan đến bà ta. Tôi hít một hơi, lấy lại bình tĩnh loạng choạng bước từng bước lên hành lang. Chỉ có người bị đẩy vào hoàn cảnh khốn cùng, mới có thể bộc phát sự bình tĩnh cất giữ sự hoảng loạn hèn nhát vào một xó để đối mặt trực diện với mọi nỗi thống khổ và tra tấn. Thậm chí, lúc này đây khi đã tỉnh táo tôi còn thấy việc gặp gỡ này thật tốt biết bao, tôi không cần phải nhờ ai tìm kiếm thông tin của anh ta nữa.

Khi lên đến phòng chuyên môn, qua ô cửa kính tôi cũng thấy Lâm đang ngồi làm việc cùng thầy Trình. Tôi không bước vào mà đứng lặng lẽ bên ngoài nhìn Lâm. Nhìn anh ta thật kỹ! Không còn là cậu thiếu niên gầy gò, anh ta không mang chút dáng vẻ nào của mười sáu năm về trước. Tôi không thể tin được rằng, dáng vẻ nhếch nhác lần đầu gặp và dáng vẻ cao lớn, đẹp đẽ này lại là một người. Từ góc này tôi có thể nhìn thấy dù ở nơi nào anh ta cũng cực kỳ nổi bật. Gương mặt với từng đường nét hoàn hảo, chỉ duy nhất đôi mắt sáng vẫn giữ nguyên của thời niên thiếu. Nếu không phải vì hận thù đan xen, có lẽ đây sẽ là một người thầy tôi vô cùng ngưỡng mộ. Cả ngoại hình lẫn học vấn đều xuất chúng nhưng những thứ đó… chẳng phải đều nhờ “công” của mẹ anh ta sao? Càng hoàn hảo, càng xuất chúng, tôi càng cảm thấy đau đớn và căm phẫn. Tiền tài, gia sản, công danh sự nghiệp điều kiện sống tốt đẹp mà anh ta sở hữu đổi bằng mạng sống của mẹ tôi, chị tôi cùng đứa em trai giờ không rõ sống chết ra sao, đổi bằng đau khổ và bất hạnh giày vò cả thể xác lẫn tinh thần của gia đình tôi trong suốt mười mấy năm qua. Thứ gọi là nhân quả báo ứng chỉ là loè cho thiên hạ xem. Bao năm gặp lại những kẻ ác nhân, xung quanh vẫn là hào quang toả sáng người người ngưỡng mộ còn chị em tôi âm dương cách biệt, đến sống cũng là một mơ ước xa xỉ.

Tôi đưa tay chạm lấy con d/ao trong túi xách. Nếu có thể giết chết anh ta, chấm dứt mọi hận thù kiếp này, để mụ đàn bà kia sống không bằng chết thì tốt biết mấy. Con da/o nằm yên trong túi tôi lặng lẽ vuốt bằng tay, sau nhiều lần do dự, cuối cùng vẫn buông ra để vào chỗ cũ. Tôi không thể mạo hiểm, không thể để thất bại, cách trả thù ấu trĩ này thực sự không nên làm cuối cùng thở hắt một tiếng rồi cầm cạp lồng mở cửa bước vào. Thầy Trình đang ngồi đánh máy, thấy tôi cầm cạp lồng lại nhìn đồng hồ kinh ngạc hỏi:

– Giờ này em vẫn chưa ăn cơm?
– Dạ không ạ, đây là cơm của thầy Lâm. Ban nãy em đi qua mẹ của thầy có nhờ em mang cơm lên cho thầy.
– Chà! Đúng là con trai cưng của mẹ, tôi ganh tỵ với cậu lắm nhé, dăm ba bữa lại được mẹ mang cơm cho. Kẻ xa quê như tôi thèm lắm một bữa cơm mẹ nấu mà không được.

Tôi không quan tâm mấy lời trêu chọc của thầy Trình lặng lẽ đi về phía Lâm nhìn thấy bên cạnh anh ta là một túi bánh Oreo đang ăn dở. Nhìn thấy túi bánh Oreo tôi có chút khó thở, nhưng rất nhanh tôi khẽ nói:

– Em gửi cơm ạ.

Anh ta vẫn chăm chú làm việc nửa cái liếc mắt cũng không buồn dành cho tôi nhưng vẫn lịch sự đáp lại:

– Cảm ơn em. Giáo trình tôi để trên bàn, em cố gắng đi học đầy đủ, tôi không muốn sinh viên nào phải học lại môn của tôi, nhất là người được thầy Trình không ngớt lời khen như em.

Tôi nhìn Lâm, nhớ lại mười mấy năm trước tôi đã rất nhiều lần sỉ nhục anh ta, chửi mắng anh ta bằng những ngôn từ cực kỳ tàn nhẫn. Lúc đó quả thực đắc ý, nhưng giờ phút này dù hận cỡ nào vẫn phải nói ra hai lời xin lỗi. Xin lỗi xong, tôi vẫn tần ngần cầm quyển giáo trình trên tay, không phải tôi muốn nói chuyện, chỉ là muốn tìm kiếm trên gương mặt xem anh ta còn nét nào của thời niên thiếu. Thấy tôi cứ đứng mãi như vậy không chịu đi, Lâm cũng ngước lên nhìn tôi hỏi:

– Còn có chuyện gì sao?

Hỏi xong, tôi chợt thấy ánh mắt anh ta sượt qua gương mặt tôi. Có lẽ đêm qua tôi khóc quá nhiều nên không giấu nổi hai mắt sưng mọng, móng tay vẫn dính đất lúc đắp mộ cho chị Linh, tóc tai, quần áo đều giống như quỷ. Tôi vội cất quyển giáo trình vào túi xách đáp lại:

– Dạ không. Em xin phép về trước, em chào hai thầy ạ.

Lúc đi ra đến cửa thầy Trình lại trêu tôi:

– Thầy biết đám sinh viên nữ các em ai gặp thầy Lâm cũng mê như điếu đổ. Nhưng mê thì để trong lòng thôi. Thầy Lâm là hoa đã có chủ rồi nhớ… giữ lại liêm sỉ.

Tôi không buồn giải thích, nhưng câu nói cuối của thầy Trình khiến tôi nhớ lại lời của Khánh. Sớm không sớm, muộn không muộn, tôi gặp lại anh ta ở thời điểm anh ta sắp kết hôn, lòng tôi bỗng chênh vênh không biết rốt cuộc phải làm thế nào? Gặp lại rồi thì sao, nhắm vào anh ta thế nào mới phải? Xét cho cùng Lâm năm nay đã ba mươi tuổi, công danh sự nghiệp, điều kiện gia đình lẫn ngoại hình của anh ta như vậy đến giờ có kết hôn cũng là điều hiểu nhiên. Tôi tưởng mình có thể mê hoặc anh ta, ít nhất là trong quãng thời gian trẻ trung của một đời con gái để tiếp cận anh ta, lợi dụng anh ta để trả thù… nhưng xem ra tôi đã hơi vọng tưởng.

Về đến phòng trọ, tôi tắm rửa thật kỹ rồi nằm xuống giường. Cái chết của chị tôi đã khiến tôi hoàn toàn tuyệt vọng, nhưng càng tuyệt vọng nỗi hận lại càng dâng cao. Ngày hôm nay gặp lại, tôi càng căm hận đến tận xương tuỷ. Có điều hận thì giờ cũng phải nuốt vào lòng, tôi mở quyển giáo trình nhai từng chữ mình. Không có tâm trạng cũng phải học, ít ra cũng đừng mang cái đầu rỗng tuếch giương ra trước kẻ thù của mình.

Sáng hôm sau tôi dậy sớm rửa mặt, đánh chút son rồi đeo cặp đến trường. Vừa vào đến cổng trường cũng gặp cái Yến đang đi tới. Nhìn thấy tôi nó vội chạy đến kéo tay hỏi:

– Đi học rồi à? Mày không đọc tin nhắn của tao hả? Hôm nay mày mà không đi học là trượt môn của thầy Lâm đấy.
– Đọc rồi, không phải hôm nay tao đi học rồi đấy thôi.

Nó thấy tôi trả lời nhát gừng chẳng những không giận còn xuỳ một tiếng rồi lại hỏi:

– Rốt cuộc đợt này có chuyện gì mày lại nghỉ đột xuất tận hai ngày? Gia đình mày lại xảy ra chuyện gì sao?

Bốn năm học đại học tôi không chơi thân với ai, người duy nhất có thể coi là thân là cái Yến. Nhưng tất nhiên, không thân đến độ tôi đem hết lòng dạ ra nói toạc với nó, hoàn cảnh gia đình càng không nên để ai biết. Thấy tôi không trả lời, nó cũng không hỏi nữa mà thở dài:

– Không nói thì thôi, trong mối quan hệ của tao với mày chỉ có tao luôn trải lòng còn mày lúc nào cũng kín như bưng.

Tôi nhìn cái Yến, nó sinh ra trong một gia đình khá giả và hạnh phúc, bố làm ở đài truyền hình, mẹ làm bác sĩ chỉ có duy nhất mình nó là con, bao yêu thương đều dồn cho nó, bố mẹ nó cũng rất yêu thương và tôn trọng nhau nên tất nhiên nó có thể tự hào đem toàn bộ chuyện của gia đình kể cho tôi hay bất kì ai khác. Nhưng gia đình tôi không như vậy, đến ngay cả tên thật tôi còn muốn giấu nhẹm chứ đừng nói đến hoàn cảnh. Khi nghĩ đến đây, cái Yến bên cạnh chợt vỗ vỗ tôi, giọng vô cùng hào hứng:

– Diệp Anh, thầy Lâm kìa.

Tôi nhìn theo hướng cái Yến chỉ, thấy Lâm đang đỗ xe ngoài bãi đỗ dành cho giảng viên. Không riêng cái Yến mà cả đám sinh viên nữ cũng bắt đầu nháo nhào lên. Tôi không để ý đến dáng vẻ của anh ta chỉ để ý đến con xe mà Lâm đi. Không phải Maybach, không phải Audi, mà là xe Vinfast điện E34, một con xe rất đỗi bình dân so với điều kiện kinh tế của anh ta. Nếu là trước kia, tôi sẽ không quan tâm đến những thú vui tầm thường này, nhưng vì người đó là Lâm nên tôi quay sang cái Yến hỏi:

– Thích thú gì chứ, thầy Lâm sắp kết hôn rồi mày không biết sao?
– Mày cũng biết chuyện thầy ấy sắp kết hôn à?
– Nghe phong thanh thôi, nhưng không rõ đối tượng kết hôn là ai. Mày biết ai không?

Thấy tôi lần đầu cũng để ý đến chuyện của người khác, cái Yến dường như không tin nổi. Nhưng với một chuyên gia đi hóng chuyện như nó, lại có bố làm ở đài truyền hình, nó vừa kéo tôi lên lớp vừa kể trong sự nuối tiếc:

– Vợ sắp cưới của thầy là cô Nguyệt giảng viên môn Tâm lý, con gái của tổng giám đốc công ty Thép Việt An. Hoa khôi trường mình đấy. Tao không rõ gia thế nhà thầy Lâm thế nào nhưng đoán chắc nếu kết hôn với cô Nguyệt thì gia thế nhà thầy không tầm thường đâu. Nhìn thầy giản dị vậy thôi nhưng tao nghe nói mấy lần mẹ thầy đến đều đi Maybach mang đồ cho thầy. Đám cưới hào môn chắc luôn. Nhưng nói thật kể cả thầy gia thế không đỉnh thì thầy vẫn cứ đỉnh, tiến sĩ trẻ, lại sắp lên phó khoa, đẹp trai hơn cả tài tử điện ảnh, ôi mê chết mất.

Con gái của tổng giám đốc công ty Thép Việt An! Nhìn xem kìa, đối tượng kết hôn của Lâm là ai, gia thế khủng, ngoại hình xinh đẹp, học vấn xuất sắc, tôi còn ảo tưởng điều gì ở đây? Đám cưới hào môn hay gì tôi không rõ, nhưng tôi rõ một điều, nếu cuộc hôn nhân của Lâm suôn sẻ thì anh ta gần như đã đứng trên đỉnh cao cuộc đời một con người. Tôi bật cười trong chua chát, nhìn kẻ thù của mình thành công, tôi không cam lòng!

Khi tôi và cái Yến lên đến phòng học Lâm cũng bắt đầu đi đến chân cầu thang. Tôi lấy cớ đi vệ sinh giục cái Yến vào lớp trước rồi đứng chờ ở hành lang. Lúc anh ta chạm chân đến hành lang tôi cũng vội xông ra chào:

– Em chào thầy ạ.
– Giờ này không vào lớp đứng đây làm gì?
– Thầy ăn sáng chưa ạ?
– Có chuyện gì sao?

Tôi móc túi xôi trong cặp đưa cho anh ta đáp lại:

– Cái này là bữa sáng em mua cho thầy. Thầy ăn đi ạ. Em cảm ơn thầy đã cho em được kiểm tra lại.

Lâm dừng chân, liếc tôi một cái. Thật ra tôi không giỏi trong việc câu dẫn đàn ông, cũng chưa từng có kinh nghiệm yêu đương. Nhưng hôm qua khi mẹ anh ta mang cơm đến, tôi lại nhớ về quãng thời gian còn nhỏ khi Lâm đến nhà tôi anh ta cũng ăn uống rất thất thường. Thói quen ăn uống thất thường ấy là do từ bé ở với một người mẹ chỉ mải lo cho bản thân mà ít nghĩ đến con. Bữa sáng của Lâm thường không có, những ngày đầu mới đến thấy Lâm không có đồ ăn tôi thường mang bánh của mình cho anh ta, sau này biết sự thật tôi không mang nữa và anh ta cũng chẳng bao giờ ăn sáng nữa. Thế nên sáng nay tôi đã dậy sớm mua thêm phần ăn sáng mang đi. Thấy anh ta nhìn mình như vậy, tôi liền đặt xôi vào tay anh ta cười cười:

– Nếu thầy thích thì hôm nào em cũng sẽ mua đồ ăn sáng cho thầy.

Nói xong tôi cũng vội chạy vào lớp để mặc cho Lâm vẫn ngây người đứng đó. Dù sao tôi cũng đã nghĩ kỹ rồi, tôi không muốn anh ta hạnh phúc, tôi muốn tiếp cận anh ta, thế nên tôi hạ quyết tâm phải thoát khỏi cái nghèo hèn của mình, vứt bỏ tự trọng và liêm sỉ, cũng chẳng màng đến đạo đức hay thanh cao dũng cảm bước tới trước một bước. Từ cao tới thấp, từ khó tới dễ, trước tiên là gây chút ấn tượng với anh ta đã.

Vào lớp một lúc khá lâu tôi mới thấy Lâm bước vào. Không rõ bánh của tôi anh ta đã ăn hay vứt vào sọt rác nhưng không còn trên tay. Tôi cũng không muốn suy đoán nhiều cho lớp đứng lên chào rồi ngồi lén nhìn sắc mặt Lâm. Chẳng có gì thay đổi, anh ta cũng không dành cho tôi cái nhìn đặc biệt nào. Sau khi điểm danh xong Lâm gọi tôi lên bàn đầu làm bài kiểm tra mười lăm phút còn cả lớp tiếp tục học bài mới. Vì đêm qua đã nhai nát bài cũ nên bài kiểm tra tôi làm rất tốt, chữ nghĩa cũng nắn nót, sạch sẽ. Mang bài lên nộp tôi hi vọng anh ta sẽ nhìn tôi với ánh mắt khác thế nhưng thái độ của anh ta không thay đổi gì. Thậm chí trong suốt bốn tiết học tôi thể hiện rất tốt thì anh ta cũng chỉ lịch sự khen ngợi vài câu ngoài ra không có thêm chút đặc biệt nào. Giờ ra chơi, đám con gái lớp tôi xúm lên bàn giáo viên hỏi bài. Chưa bao giờ tôi thấy con gái lớp tôi chăm học đến vậy, hỏi bài xong chúng nó bắt đầu hỏi đến việc trưa nay Lâm ăn cơm ở đâu, nghỉ chỗ nào, số điện thoại của anh ta bao nhiêu vân vân và mây mây. Lâm có lẽ đã quen với việc được học sinh nhiệt tình quan tâm như thế này rồi, nên đối với sự quan tâm sáng nay của tôi cũng chỉ nhàn nhạt như không có gì.

Buổi trưa tôi nán lại muộn hơn một chút xuống khoa sư phạm. Qua lời cái Yến, tôi được biết sáng nay Nguyệt, vợ sắp cưới của Lâm sẽ trợ giảng cùng giáo sư môn Tâm lý học bên khoa sư phạm. Người ta chẳng nói rồi sao, biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Tôi không dám chắc tôi có thắng nổi hay không nhưng ít ra cũng đã cố gắng hết mình. Đứng ở khoa sư phạm một lúc tôi cũng thấy lớp tan học, chừng hai ba phút sau tôi cũng thấy giáo sư bước ra, theo sau là một cô gái trẻ. Không cần đoán, nhìn qua biển tên ghi ba chữ Mai Ánh Nguyệt tôi cũng nhận ra đó là người sắp kết hôn với Lâm. Tôi đứng núp vào sát cửa quan sát. Thực sự rất xinh đẹp, đoan trang, da trắng, dáng người mảnh mai, mặc dù Nguyệt ăn mặc rất giản dị chỉ là một chiếc áo sơ mi công sở và chân váy nhưng vẻ ngoài xinh đẹp cùng khí chất thanh tao của con nhà giàu lại vô cùng nổi bật. Chẳng trách được mệnh danh là hoa khôi khoa Tâm lý, nếu nói về tiền tài, địa vị, và cả ngoại hình thì vô cùng xứng đôi với Lâm. Hai người nổi bật nhất trường, xứng đôi vừa lứa, phù hợp đến kinh ngạc. Trong mắt đa số mọi người, những chàng hoàng tử đương nhiên sẽ lựa chọn những nàng công chúa. Cùng lắm tôi cũng chỉ được làm một người đọc truyện cổ tích, mãi mãi không bao giờ có quyền tham gia. Nếu có đi lạc được vào thế giới của bọn họ thì cũng chỉ giống như đám hoa dại đứng cạnh bông mẫu đơn rực rỡ không đáng để nhìn tới. Có điều tôi cũng không hề nản chí. Tôi không tin vào cái gọi là tình yêu bất diệt, cũng giống như năm ấy mẹ Lâm cướp bố tôi một cách ngoạn mục khỏi mẹ tôi, bà ta dùng cách ti tiện thế nào tôi cũng có thể dùng cách ti tiện hơn như vậy miễn là có thể trả nợ máu.

Thực ra tôi biết, Nguyệt không hề có lỗi gì cả, càng không nên bị kéo theo vào kế hoạch trả thù của tôi. Tôi không muốn gây tổn thương đến những người vô tội nhưng sự túng quẫn trong bao năm qua đã tôi luyện cho tôi biết cách kiềm chế cảm xúc nhất là khi chị tôi chết giống như giọt nước tràn ly khiến tôi trở nên như vậy, đầu tiên là nhẫn nại, còn bây giờ là tàn nhẫn.

Sáng hôm sau đi học, tôi cố tình dậy sớm đi mua bánh Oreo mang đến lớp. Vẫn như ngày hôm qua, tôi đứng ngoài hành lang đợi Lâm. Lúc thấy anh ta bước chân lên tôi liền cầm bánh xông ra. Thế nhưng câu chào trong mồm chưa kịp phát ra đã ngưng bặt lại khi thấy đi bên cạnh Lâm là Nguyệt. Nhìn thấy tôi, cả hai đều dừng chân lại, ánh mắt rơi xuống túi bánh tôi đang cầm. Giống như một kẻ trộm đang hành nghề bị bắt quả tang, tôi lúng túng buông tay cầm bánh xuống rồi nói:

– Em chào thầy, chào cô ạ.

Nguyệt ngước lên nhìn tôi, đột nhiên có chút sững sờ. Tôi không hiểu sao Nguyệt lại nhìn tôi với ánh mắt như vậy nhưng rất nhanh đã quay sang Lâm hỏi:

– Sinh viên của anh à?

Giọng của Nguyệt là giọng Hà Nội rất đặc trưng, lúc nghe tôi cảm thấy giọng nói này rất quen, giống như thể đã từng nghe đâu đó mà không nhớ nổi. Lâm không nhìn Nguyệt, ánh mắt vẫn dán lên bánh ở tay tôi lơ đãng đáp lại:

– Ừ, sinh viên khoa công tác xã hội.
– Ồ! Trùng hợp nhỉ?

“Trùng hợp”? Tôi nghĩ mãi không ra trùng hợp ở đây là thế nào, nhưng chưa thể nghĩ ra chuông báo giờ vào lớp cũng vang lên, Lâm lúc này cũng mới quay sang Nguyệt nói:

– Em về lớp trước đi, hôm nay giáo sư đến sớm chờ trên lớp rồi.

Nguyệt gật đầu, nhưng trước khi rời đi vẫn liếc tôi một cái rồi mới lặng lẽ xoay người bước đi. Khi chỉ còn tôi với Lâm, tôi mới từ từ đưa gói bánh Oreo lên trước mặt tỏ vẻ ngượng ngùng:

– Thầy… em mua cho thầy ạ.
– Diệp Anh!
– Dạ?
– Từ sau em không cần mất công mua đồ cho ăn sáng cho tôi. Em là sinh viên, tiền người thân gửi lên nên để dành dụm tiết kiệm cho những việc khác.

Tôi nhìn túi bánh trên tay tự dưng bật cười trong lòng. Đây không phải là mười sáu năm về trước, trước kia đó là thứ quà xa xỉ còn có lẽ bây giờ trong mắt anh ta bánh Oreo cũng chỉ là thứ quà rẻ tiền không buồn nhìn đến. Không phải tôi buồn vì anh ta từ chối, mà đau lòng khi nghĩ đến hoàn cảnh của bản thân lúc này. Hai tay tôi từ từ thu lại, cầm túi bánh trước vạt áo đáp:

– Đây không phải tiền của người thân gửi lên, đều là tiền em tự kiếm được, em chỉ là muốn cảm ơn thầy cho em kiểm tra lại, không có ý gì khác. Nhưng nếu thầy chê mấy thứ này rẻ tiền em sẽ không mua nữa ạ, em xin lỗi đã làm phiền thầy. Xin phép thầy em vào lớp ạ.
– Không phải tôi chê…

Tôi không đợi anh ta nói xong đã cầm bánh vào lớp trước một lúc sau anh ta mới bước vào. Lúc điểm danh đến tên tôi, anh ta có hơi ngừng lại, ánh mắt quét xuống phía tôi một giây rồi mới tiếp tục. Suốt buổi học, tôi rất chăm chú nghe giảng, không vì sự từ chối của anh ta mà ảnh hưởng đến việc học của mình. Dù sao mà nói, mấy cái trò mèo của tôi cũng chỉ là đọc lắm ngôn tình mà áp dụng, còn đây là thực tế, tôi phải nghĩ cách khác thôi, thế nhưng cách nào thì tôi thật sự không nghĩ ra nổi. Trong lúc tôi đang bế tắc chưa nghĩ ra cách gì hay ho thì mấy ngày hôm sau thầy Trình đột nhiên gọi tôi lên phòng chuyên môn hỏi tôi:

– Diệp Anh, em có biết đến dự án “Cõng điện về đảo” không?

Tôi khẽ gật đầu, từ năm ba tôi đã nghe đến dự án này. Nghe nói đây là dự án mang điện năng lượng mặt trời về những xã đảo chưa có điện lưới để người dân có điện để sinh hoạt hằng ngày và đảo tôi ở là một trong những xã đảo được duyệt. Dự án này đã được thực thi suốt một năm nay, hiện vẫn đang tiếp tục. Thầy Trình thấy vậy nói tiếp:

– Đây là một dự ân nhân ái liên kết với rất nhiều doanh nghiệp, trường mình phụ trách xã đảo Quan Lạn, thầy Lâm là nhóm trưởng phụ trách dự án này. Thầy được biết em cũng là người ở đảo Quan Lạn, hiện tại bạn Nhi bên khoa sư phạm và bạn Tuấn bên khoa Luật đều bận không thể đi được. Em xem em và bạn Nam lớp mình có thể đi thay để hỗ trợ được không? Nếu em không thể đi, thì có thể triển khai với lớp và tìm thêm một bạn nữa đi cùng Nam. Công việc của các em không có gì quá khó khăn, chủ yếu đi hỗ trợ các thầy cô thôi mà em là dân bản địa, em chỉ đường cho mọi người là hợp lý nhất. Diệp Anh, em cũng có thể được coi là sinh viên ưu tú, xuất sắc nhất, dự án này có thể giúp em rất nhiều trên con đường sự nghiệp.
– Khi nào thì sẽ đi hả thầy?
– Hai ngày nữa, cả đi cả về trong bảy ngày. Ở đảo có đoàn thanh niên hỗ trợ, có chỗ ăn chỗ nghỉ cho đoàn. Thầy Lâm sẽ dẫn đoàn đi, tôi là phó đoàn.

Tôi không chắc mình nghĩ đúng hay không, nhưng tôi có cảm giác thầy Trình nhấn mạnh hơn khi nhắc đến Lâm. Thực ra sau lần suýt bị lão Đại bán đi tôi cũng hơi rờn rợn khi trở về đảo. Nhưng theo lời thầy Trình nói, đoàn cũng khá đông, vả lại cái nhấn mạnh của thầy Trình khiến đầu tôi bỗng loé lên một ý nghĩ vô cùng liều lĩnh. Tôi không suy nghĩ thêm gì nữa, nắm bắt lấy cơ hội duy nhất này đáp lại:

– Vâng! Vậy em với Nam sẽ đi ạ.
– Tốt! Vậy thầy giao cho em chuẩn bị thuốc men, vật dụng cần thiết cho mọi người. Chuẩn bị xong sáng ngày kia sẽ xuất phát.

Nói đến đây, thầy Trình ngừng lại mấy giây rồi nhìn tôi nói tiếp:

– À, thầy Lâm dạ dày không tốt, em chuẩn bị chút nghệ cho thầy ấy nhé.

Tôi gật đầu nhưng trong lòng càng lúc càng dấy lên một cảm xúc rất lạ mà không thể nói ra lạ ở đâu. Nhưng rồi tôi gạt đi, có lẽ tôi nghĩ nhiều rồi. Thầy Trình là thầy giáo chủ nhiệm của tôi suốt bốn năm, với sinh viên thầy rất tận tâm, tận tuỵ, tuy rằng gia cảnh khó khăn nhưng thầy rất giỏi, phấn đấu tự lực nên khi sinh viên khó khăn thầy cũng giúp đỡ hết sức mình.

Buổi tối sau khi mua xong thuốc men, vật dụng cần thiết tôi liền lên một trang We/b đ/en đã tìm hiểu đắn đo phân vân lựa chọn. Cuối cùng, sau một hồi tìm kiếm tôi cũng chọn được ra mấy loại “hà/ng” mà mình cần. Là loại đắt nhất, tốt nhất mà tôi phải cắn răng lấy ti/ền tiết kiệm suốt hơn hai tháng nay ra để mua. Quả là W/eb đ/en, chỉ trong ngày hôm sau hàng đã được giao về tận nhà trọ của tôi, tôi không cho chung vào đống vật dụng cần thiết mà để riêng trong túi xách của mình, đánh cược với bản thân một lần, một ăn cả, hai ngã về không.

Sáng thứ sáu chúng tôi tập trung tại trường và xuất phát từ Hà Nội về Vân Đồn. Lúc đến trường, tôi mới biết ngoài Lâm và thầy Trình còn có cả Nguyệt. Sinh viên chỉ có hai người là tôi và Nam. Thầy Trình nói lẽ ra còn có Lan cùng khoa với tôi nhưng đến sáng nay gia đình có việc gấp không thể đi được, trong thời gian ngắn ngủi không tìm được ai nên chỉ đành đi ít như vậy. Có lẽ Lâm đã biết trước thay đổi nhân sự đi nên khi thấy tôi anh ta không có gì là ngạc nhiên. Còn tôi, từ giây phút nhìn thấy Nguyệt đi cùng Lâm trong lòng không khỏi thất vọng. Tất cả mọi kế hoạch vạch ra bỗng chốc như bong bóng xà phòng tan ra hết.

Vì chỉ có năm người nên chúng tôi di chuyển bằng xe ô tô của thầy Trình còn xe chở những tấm năng lượng mặt trời là xe riêng. Lâm ngồi bên ghế phụ, tôi, Nguyệt và Nam ngồi hàng dưới. Trên xe, thầy Trình và Lâm bàn đến việc sẽ mang những tấm năng lượng lắp đặt cho trường học trước, ưu tiên đến việc học của bọn trẻ trên đảo đầu tiên. Nghe những lời nói ấy, tôi bất giác liếc nhìn Lâm qua gương chiếu hậu. Tôi còn nhớ khi được mẹ nhận nuôi, suốt thời gian ở đảo tối đến đều phải thắp đèn dầu để học, chưa từng biết đến máy chiếu hay tiếp cận với công nghệ thông tin như bọn trẻ thành phố hiện nay. Rõ ràng đây là một hoạt động từ thiện mà chính bản thân tôi đã từng mơ ước vậy mà giờ thực hiện nó tôi lại chỉ nghĩ đến mối hận thù riêng tư, còn muốn lợi dụng việc này để đạt mục đích. Tôi cố gạt đi nỗi thất vọng, tự an ủi mình rằng dù có ngã về không thì ít ra tôi cũng sẽ cố gắng làm một việc tốt cho lũ trẻ và người dân trên đảo nơi mà tôi đã sống. Nhưng thực lòng mà nói, khi mang trong mình những nỗi tuyệt vọng và đau đớn, ai có thể gạt đi xem như không có gì đây? Trong lúc thầy Trình và Lâm bàn chuyện, Nguyệt cũng quay sang hỏi tôi:

– Nghe nói em sống ở đảo, vậy đi học đại học cũng vất vả lắm nhỉ?
– Vâng cô ạ.

Nghe tôi trả lời như vậy Nguyệt bật cười nói:

– Gọi là chị thôi, em năm cuối thì hai mươi hai tuổi rồi, chị cũng chỉ mới hai mươi bảy tuổi, và mới chỉ là trợ giảng chứ chưa phải giảng viên chính thức, không cần gọi cô cho mau già.

Tôi nhìn Nguyệt khẽ mỉm cười gật đầu, không nghĩ rằng chị ấy lại thân thiện như vậy, khác xa với trong tưởng tượng của tôi về một cô tiểu thư con nhà giàu. Nhưng dẫu sao tôi cũng không muốn quá thân thiết với Nguyệt nên chị ấy hỏi gì tôi trả lời ấy, tuyệt nhiên không hỏi lại. Chỉ là tôi thấy lạ một điều, Nguyệt ngồi giữa tôi và Nam, đều là sinh viên nhưng chị ấy không hỏi Nam bất cứ câu hỏi gì, từ đầu tới cuối đều chỉ hỏi chuyện tôi. Có lẽ cùng là phụ nữ nên dễ nói chuyện hơn chăng?

Khi xe đến cảng Vân Đồn trời cũng bắt đầu chuyển sang trưa. Tôi và Nguyệt mang đồ đạc của mọi người xuống tàu còn ba người đàn ông mang những tấm năng lượng mặt trời xuống. Cho tới khi những tấm năng lượng mặt trời được đưa xuống hết người nào người nấy đều nhễ nhại mồ hôi. Thầy Trình nói với tôi, đường dây điện và đồ cần thiết đã được Lâm mang ra đảo từ những chuyến đi trước, có lần đi cùng đoàn, có lần chỉ có mình Lâm. Đường đi ra đảo khó khăn, qua sông cách đò, đã có vài lần sinh viên và giảng viên khác bỏ cuộc duy chỉ là mình Lâm đến giờ vẫn kiên trì với dự án này. Nghe thầy Trình nói như vậy lòng tôi hỗn độn vô vàn cảm xúc, trong hận thù đan xen cả ngưỡng mộ. Nhưng rồi tôi nhớ đến lời chị Linh trước kia, không cần biết anh ta tốt xấu ra sao, chỉ cần anh ta là con của mụ đàn bà ấy chúng tôi vẫn phải hận suốt đời.

Vì đã đến giờ tàu chạy nên chúng tôi không thể ăn trưa trên cảng. Cũng may sáng tôi đã mua xôi nên bỏ ra để mọi người ăn tạm. Trong đống xôi tôi mua có lẫn vài gói bánh Oreo, đoán chắc chẳng ai muốn ăn nhưng vì tôi đang bận tìm thuốc chống say tàu cho Nguyệt và Nam nên cũng không bỏ ra. Đến khi tìm được thuốc quay lại chợt thấy Lâm đang ngồi ăn bánh. Tất cả mọi người đều ăn xôi chỉ duy nhất mình anh ta ăn bánh Oreo, ánh mắt lơ đãng nhìn ra từng lớp bọt sóng dâng lên khoang tàu. Tôi hít một hơi, nhớ đến thời niên thiếu, khi tôi cho anh ta túi bánh Oreo, tôi đã nhìn thấy cảnh anh ta ngồi bên hồ cá, lặng lẽ ăn bánh, không phát ra tiếng động nào, chỉ có mấy cánh hoa xoan rơi lả tả theo gió rơi xuống mái tóc đen láy ấy. Lúc đó tôi đã nghĩ cảnh tượng ấy thật đẹp, nhưng sau này mới biết, tất cả nỗi đau cũng bắt đầu từ đó.

Sau khi uống thuốc chống say, cộng thêm việc dậy từ sớm nên Nguyệt đã nằm xuống ghế ôm lấy khăn ngủ. Không rõ ai đã dọn sạch sẽ hết rác rưởi, chỉ còn một nắm xôi và một gói bánh được đặt gọn gàng trên một lớp giấy. Tôi không muốn nghĩ nhiều, ăn xong ngồi xuống ghế nhìn con tàu sắt lênh đênh trên biển. Lâm còn thức, nhưng tôi cũng không biết phải bắt chuyện thế nào nên cũng chỉ im lặng. Trên tàu chỉ có tiếng máy nổ cùng tiếng sóng, tiếng gió vi vu.

Tàu cập bến trời cũng bắt đầu xế chiều. Mấy ngày trước trời mưa nên đường rất trơn. Ở đảo có đoàn thanh niên ở đảo hỗ trợ nhưng, hành trình rất cực khổ, đường xá gập ghềnh, còn phải qua hai lần thay lốp để chở tấm năng lượng mặt trời về khu nghỉ. Tuy vậy không ai ca thán một lời, những việc nặng nhọc, vất vả nhất đều đến tay Lâm, thầy Trình và Nam có làm nhưng cũng chỉ là hỗ trợ, gần như không thể bê vác hay gánh gồng. Xe đi qua mấy hàng phi lao, gió biển thổi lên mùi vị mằn mặn. Bao lâu rồi mới quay lại đảo, không có cái xô bồ, tấp nập như Hà Nội, chỉ có dòng khói lam chiều bay lên những mái ngói đỏ rực bình yên đến lạ. Nếu là trước kia, khi mẹ tôi còn sống có lẽ tôi sẽ chọn về nhà, nhưng khi mẹ tôi mất đi, người cậu hờ có ý định bán tôi giờ có nhớ ngôi nhà ấy thế nào tôi cũng không dám quay lại.

Khu nghỉ của chúng tôi là một khách sạn nằm gần trạm cảng. Đây là khu duy nhất có chút sóng điện thoại. Sau khi dọn dẹp xong chúng tôi lên nhận phòng. Mùa này ít khách du lịch, khách sạn ưu ái cho chúng tôi tận bốn phòng. Tôi, Nguyệt, Lâm mỗi người một phòng đơn, phòng đôi thì thầy Trình và Nam ở chung. Nhận phòng xong, tôi khoá đồ cẩn thận sau đó tắm táp rồi xuống ăn cơm. Năm người chúng tôi ngồi trên sạp bên ngoài sân của khách sạn. Tuy có điện máy phát nhưng vì để tiết kiệm nên khách sạn chỉ dùng bóng tuyp nhỏ. Trong nhà tối đen như mực, giữa trời đất chỉ còn sót lại ánh mặt trời hoàng hôn chiếu xuống nhân gian. Lúc ăn cơm, thầy Trình đột nhiên quay sang hỏi Lâm và Nguyệt:

– Sắp đến ngày đính hôn rồi mà hai người vẫn phải đi đảo, về chuẩn bị sao kịp?

Nguyệt nghe xong thì cười dịu dàng đáp lại:

– Đính hôn cũng có gì đâu để chuẩn bị, em ủng hộ anh Lâm, lo việc công trước, còn tiệc đính hôn ở nhà em nhờ cái Vân và người yêu nó lo rồi.
– Em gái em cũng sắp kết hôn nhỉ, có hai chàng rể xuất sắc thì phải kể đến hai cô con gái ai cũng xinh đẹp, giỏi giang. Bao nhiêu lứa sinh viên anh dạy, cũng hiếm tìm ra được người toàn vẹn như em. Mãi đến giờ mới thấy có em Diệp Anh có thể coi như so được với em về ngoại hình lẫn kiến thức.

Tôi nghe thầy Trình nhắc đến tên mình thì ngẩng đầu lên bắt gặp ánh mắt của Nguyệt đang nhìn mình. Chị ấy cười cười đáp lại:

– Sinh viên giỏi và xinh đẹp giờ rất nhiều, thế hệ sau càng giỏi hơn thế hệ trước.

Nói rồi Nguyệt lại quay sang Lâm chuyển chủ đề khác còn thầy Trình vẫn nhắc mãi về tiệc đính hôn của Lâm và Nguyệt. Tôi cúi đầu tiếp tục ăn cơm, tự nhủ thầm, cuộc sống là như vậy, nó bao hàm sự xa cách, cô độc và lãng quên, nhưng bạn buộc phải chịu đựng đau đớn tiến về phía trước.

Ăn cơm xong tôi phụ chủ khách sạn dọn dẹp rồi ra hàng tạp hoá gần trạm cảng mua một bó hương và một bao diêm lặng lẽ đi ra ngoài. Bên ngoài mặt trời đã khuất dần sau dãy núi, chỉ còn những tia sáng yếu ớt chiếu xuống. Mộ của mẹ tôi nằm gần bãi biển, cách trạm cảng không xa, vẫn có đủ sóng điện thoại khi gọi nếu cần thiết. Lúc ra đến mộ, tôi đã nghẹn ngào khi thấy nấm mộ nhỏ mới chỉ vài tháng cỏ đã mọc lên dày đặc. Dường như không một ai để ý đến, chẳng một ai dọn dẹp, có người thân nhưng lại giống như nấm mộ hoang. Đám người khốn nạn kia ăn sạch tiền phúng điếu của mẹ tôi, nhưng đến một ngọn cỏ cũng không đụng vào. Tôi cúi xuống nhổ sạch cỏ, lấy tạm vài chiếc lá xếp lại quét sạch rác rồi mới lấy bao diêm đốt một nén nhang cho mẹ. Mùi nhang khiến sống mũi tôi cay cay, tôi không khóc, chỉ lặng lẽ nhìn bia mộ, nghĩ đến cuộc sống của tôi và mẹ trước kia. Tuy không có công sinh, nhưng công dưỡng dục của mẹ là ân nghĩa cả đời này tôi không thể nào quên. Gió biển từ triền đồi thổi xuống, tôi đứng một lúc đã thấy trăng lên. Vì đã tối rồi, tôi cũng không thể nán lại thêm mà đi về phía dòng suối trước mặt, rửa tay chân sạch sẽ. Rửa xong, tôi bỗng có cảm giác có ai đó ở sau lưng mình, giật mình tôi quay lại chợt thấy Lâm đang đứng cách tôi chỉ một quãng. Gió biển hất tung mái tóc Lâm, bóng vai dài rộng che khuất cả tầm nhìn phía trước. Thấy anh ta, tôi kinh ngạc thốt lên:

– Thầy, sao thầy lại ở đây?

Khoé môi anh ta mấp máy như định nói gì đó nhưng rồi lại không nói nữa mà giục tôi:

– Đi về thôi, chỗ này không nên ở lại lâu.

Tôi khẽ gật đầu, đi theo đường biển để về trạm cảng. Lâm đi song song tôi, ánh trăng bàng bạc trên trời đổ xuống, trên nền đen lánh ấy, còn có những ngôi sao rất sáng. Gió biển mỗi lúc một lớn, tóc tôi dù đã cuộn lên vẫn bị cuốn theo gió. Bầu không khí im lặng, chỉ nghe được tiếng sóng vỗ lớn, nhìn ra xa, thấy được biển rộng vô bờ, nước biển được nhuộm một màu vàng nhạt cùng vài ba ngọn hải đăng thi thoảng loé lên những tia sáng. Trời và biển rộng lớn hùng vĩ thế này, còn con người lại quá nhỏ bé. Bao phiền não và đau khổ trên thế gian cũng có thể bị biển trời vĩnh hằng nhấn chìm. Những vì sao trên trời ở giữa biển khơi thật lớn, thật sáng nhưng lòng tôi vô cùng âm u. Tôi nhìn sang Lâm, cất lời phá vỡ bầu không khí im lặng:

– Thầy vẫn chưa trả lời em, sao thầy lại ở đây?
– Tôi đi mua thuốc nhưng hiệu thuốc đóng cửa nên tìm em nhờ em dẫn đường vào trung tâm xem còn hiệu thuốc nào mở cửa không.
– Thầy định mua thuốc gì ạ?
– Thuốc hạ sốt.

Nghe anh ta nói như vậy, tôi ngước lên nhìn, dưới ánh trăng, sắc mặt Lâm quả là nhợt nhạt, môi lại đỏ ửng liền đưa tay chạm lên trán anh ta. Nóng đến mức tay tôi như muốn bỏng, có lẽ phải đến bốn mươi độ. Anh ta thấy vậy cũng đặt tay lên trán rồi nói:

– Ừ! Hình như sốt hơi cao thật.

Lúc anh ta hạ tay xuống, tôi đột nhiên không kìm được nhìn lên cổ tay anh ta. Trăng rất sáng, sao cũng sáng, sáng đến mức tôi có thể nhìn thấy trên cổ tay Lâm có rất nhiều vết sẹo chằng chịt. Tuy rằng có những cái đã mờ không rõ, nhưng có đến ba cái sẹo trắng dài, đến tận bây giờ vẫn in hằn rõ nét. Nhìn thấy những vết sẹo ấy, tim tôi bỗng thắt lại, một cảm giác đau nhói lan dần đến cổ! Mọi hôm anh ta mặc áo somi dài tay nên tôi không nhìn được, hôm nay mặc áo phông mới thấy so với năm ấy, hình như cổ tay anh ta số lượng vết cắt nhiều hơn năm ấy. Tôi cố ngoảnh mặt đi khẽ nói:

– Em có mang theo thuốc hạ sốt, để về khách sạn em lấy cho thầy.

Thế nhưng mới đến gần khách sạn một cơn mưa mây ập đến. Kết quả là về đến nơi cả tôi và Lâm đã bị dính mưa. Tôi về phòng thay quần áo rồi mới mở vali để lấy thuốc. Nghe chủ khách sạn nói, Nguyệt theo con gái chủ khách sạn ra biển chụp ảnh để làm tư liệu, còn Nam và thầy Trình đã ngủ. Trong lúc lấy thuốc tôi chợt nghĩ, nếu tôi để mặc anh ta sốt như vậy liệu anh ta có chết được không? Nhưng suy nghĩ đó mới chớm nảy nở tôi đã bật cười vì sự viển vông ấy nên cuối cùng vẫn mang thuốc sang phòng cho Lâm. Anh ta không dùng quạt chỉ mở cửa sổ cho mát, trong phòng cũng chỉ bật bóng đèn tuyp nhỏ. Tôi đưa cốc thuốc hạ sốt đã pha sẵn cho Lâm rồi nói:

– Thầy uống đi, nếu bốn tiếng vẫn chưa hạ hoặc sốt lại thì uống thêm viên nữa. Uống thuốc này có thể sẽ hơi đau dạ dày nên em mang cả nghệ tẩm mật ong cho thầy. Khi nào đau quá thầy uống chút nghệ vào nhé!

Nhìn thấy mấy viên nghệ đựng trong cái hộp nhỏ Lâm hơi bất ngờ, sau cùng anh ta đáp:

– Cảm ơn em, em về phòng đi.

Tôi nhìn Lâm, thấy áo Lâm ướt vài chỗ nói tiếp:

– Áo của thầy ở đâu em lấy cho thầy thay.
– Không cần đâu em cứ về phòng đi.
– Không cần gì chứ, thầy xem thầy sốt cao đến mức nào rồi, nếu không thay áo nước mưa ngấm vào sẽ sốt cao hơn đấy.

Nói đến đâu, tôi mở tủ nhặt bừa cho Lâm một cái áo, đến khi quay lại đã thấy anh ta loạng choạng bước về giường. Tôi vội vào đỡ Lâm về phía giường, thế nhưng vì cân nặng của nam nữ khác nhau, lúc tôi đang dìu Lâm ngồi xuống thì không cẩn thận ngã vào người anh ta. Trong một giây lát Lâm nhanh tay đỡ lấy bả vai tôi. Khoảng cách gần đến mức tôi cảm nhận được hơi thở ấm nóng của anh ta phả vào chóp mũi tôi. Cơn mưa mây bên ngoài đã tạnh, chỉ có tiếng gió lẫn tiếng côn trùng vang lên. Tôi lúng túng không biết làm gì, chạm tay lên áo anh ta hắng giọng nói:

– Thầy không tự thay thì để em thay áo cho thầy.

Thế nhưng còn chưa kịp thay bên ngoài đột nhiên có tiếng cạch cửa. Tôi gần như giật mình, chưa kịp phản ứng đã thấy Nguyệt bước vào, khi thấy tôi và Lâm, Nguyệt thoáng chút bất động, nụ cười trên môi tắt ngấm, ánh mắt bàng hoàng không thể nào tin nổi.

Yêu thích: 4.5 / 5 từ (4 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN