Sông Đông Êm Đềm - Chương 35
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
53


Sông Đông Êm Đềm


Chương 35


Đến cuối tháng tám, Mitka Korsunov lại ngẫu nhiên được gặp Lida, con gái lão Mokhov bên bờ sông Đông. Nó vừa ở bên kia sông về còn đang cho thuyền tiến vào sát một gốc cây cụt thì thấy một chiếc thuyền nhỏ sơn màu nhẹ nhàng rẽ nước lướt tới. Con thuyền bơi từ đằng chân núi về phía bến đò. Gã sinh viên Boiarykin cầm chèo. Mồ hôi lóng lánh trên cái đầu trần của gã, những đường gân xanh nổi lên cả trên trán lẫn hai bên thái dương.

Mitka đã không nhận ra ngay Lida. Chiếc mũ rơm in một cái bóng xanh xanh xám xám xuống tới mắt Lida. Hai bàn tay rám nắng của Lida áp vào ngực một bó hoa súng vàng vàng.

– Anh Korsunov! – Lida nhìn thấy Mitka, bèn khẽ gật đầu. – Anh đã nói dối tôi phải không?

– Có gì mà nói dối?

– Anh có nhớ không, anh đã hứa đi câu với tôi cơ mà?

Boiarykin quẳng mái chèo xuống, rướn thẳng lưng. Con thuyền lao bừa vào bờ, mũi thuyền siết ràn rạt vào lớp đá phấn ven bờ và húc mũi lên đất.

– Anh nhớ ra chưa nào? – Lida mỉm cười nhảy ra khỏi thuyền.

– Chẳng còn lúc nào mà đi được nữa. Công việc bận quá, – Mitka vừa chống chế, vừa nhìn cô gái đi về phía mình. Nó cảm thấy nghẹt thở.

– Không? Không thể thế nầy được! Cô Elizaveta Sergeyeevna 1 ạ, tôi xin kiếu thôi. Nầy chèo, nầy lái 2, trả lại cô đây, tôi không làm đầy tớ cho cô nữa đâu! Cô thử nghĩ mà xem, người ta đã phải vượt một chặng dài như thế nào trên cái dòng nước đáng nguyền rủa nầy rồi. Chèo đến thành chai, đến bật máu tay tôi ra rồi còn gì. Chốc chốc lại một anh chàng!

Boiarykin giậm rắn rỏi hai bàn chân không trên lớp đá phấn vụn nhọn như gai, rồi đưa cái đỉnh mũ sinh viên nhăn nhúm lên lau trán.

Lida chẳng buồn trả lời gã, cứ đi thẳng tới gần Mitka. Mitka nắm một cách vụng về bàn tay Lida chìa ra.

– Thế bao giờ chúng ta đi câu cá nào? – Lida ngửa đầu ra, dim mắt hỏi.

– Ngày mai cũng được. Lúa đã đập xong, bây giờ đi được rồi.

– Anh lại đánh lừa tôi phải không?

– Không, không đâu!

– Anh đến sớm chứ?

– Trước lúc trời rạng.

– Tôi sẽ chờ đây.

– Tôi sẽ đến, thật đấy, thế nào tôi cũng đến!

– Anh chưa quên phải gõ vào cửa sổ nào chứ!

– Tôi sẽ tìm ra, – Mitka mỉm cười.

– Có lẽ không bao lâu nữa tôi không còn ở đây nữa. Tôi cũng muốn thử đi câu một cái.

Mitka lặng thinh quay quay chiếc chìa khoá thuyền han rỉ và cứ nhìn trân trân cặp môi của Lida.

– Chuyện sắp xong chưa nào? – Boiarykin vừa hỏi vừa xem một cái vỏ trai lằn vằn trong tay gã.

– Chúng mình đi ngay bây giờ đây.

Lida nín lặng một lát, rồi không hiểu sao tự nhiên mỉm cười và hỏi:

– Nhà anh vừa có đám cưới ai thì phải?

– Em gái tôi vừa lấy chồng.

– Lấy ai thế? Hỏi xong, chưa chờ Mitka trả lời, Lida đã mỉm một nụ cười ỡm ờ, khó hiểu. – Thế nào anh cũng đến nhé!

Cũng như hôm ấy, trong lần đầu tiên, trên sân thượng của nhà Mokhov, nụ cười của Linda lại làm cho Mitka ngứa ngáy như xát phải lá han.

Mitka đưa mắt tiễn cô gái ra tới thuyền. Boiarykin dạng chân đẩy thuyền ra. Lida nhìn qua đầu Boiarykin, mỉm cười gật đầu chào Mitka. Lúc nầy anh chàng vẫn nghịch nghịch chiếc chìa khó.

Ra khỏi bờ chừng năm xa- gien, Boiarykin khẽ hỏi:

– Thằng cha nào thế?

– Người quen.

– Bạn lòng phải không?

Mitka cố nghe thấy hai người nói chuyện với nhau, nhưng đến câu trả lời của Lida thì tiếng chốt mái chèo rít đã làm cho nó không nghe rõ. Nó chỉ thấy Boiarykin gò người đẩy mái chèo rồi ngả ra sau phá lên cười. Lida ngồi quay lưng lại nên Mitka không nhìn thấy mặt Lida ra sao. Một cái dải mũ màu tím ngát thõng xuống, gió thổi rất nhẹ làm cái dải rung rung khẽ đập vào bên vai xuôi xuôi để trần. Mắt Mitka mờ đi, nhưng cái dải tím vẫn cứ như chọc vào mắt nó.

Mitka rất ít khi đi câu nên chưa bao giờ người ta thấy nó sửa soạn sốt sắng như chiều hôm ấy. Nó bẻ vài miếng phân khô rồi ra vườn rau nấu ít cháo đặc bằng lúa mạch. Dây câu đã ẩm mục, nó thay ngay.

Mikhey đứng xem Mitka sửa soạn. Hắn hỏi:

– Cậu Mitka cho tôi đi với. Một mình không câu được đâu.

– Một mình vẫn câu được.

Mikhey thở dài:

– Lâu lắm cậu cháu mình chưa đi câu với nhau. Chưa biết chừng lần nầy có thể câu được con cá chép đến nửa pút 3 đấy.

Cháo trong chiếc nồi gang bốc lên thành một cột hơi nóng hổi, làm Mitka nhăn mặt. Nó chẳng nói chẳng rằng, sửa soạn xong vào nhà trong.

Cụ Grisaka đang ngồi bên cửa sổ đọc sách Phúc âm 4, một cái kính gọng đồng mắt tròn chồm chỗm trên mũi cụ.

– Ông ơi! – Mitka tựa vai vào cái đà ngang trên cửa sổ gọi.

Cụ Grisaka nhìn ngước lên qua phía trên mắt kính.

– Cái gì hử?

– Sáng mai gà gáy xong đợt đầu thì ông gọi cháu nhé.

– Mới bảnh mắt như vậy mày đã định đi đâu hử?

– Cháu đi câu!

Ông cụ thích ăn cá lắm nhưng vẫn vờ như không bằng lòng:

– Bố mày bảo ngày mai còn phải đập đay cơ mà. Không chơi bời nghịch ngợm gì cả? Hừ, kiếm được một buổi đi câu!

Mitka có ngay mẹo đối phó. Nó rời vai khỏi mi cửa:

– Cháu đi hay không thì cũng thế thôi. Chỉ muốn có con cá để ông xơi. Nhưng nếu phải đập đay thì cháu chẳng đi nữa vậy.

– Hượm cái đã. Mày định đi đâu bây giờ hử? – Cụ Grisaka hoảng lên, vội bỏ kính xuống. – Tao sẽ bảo với thằng Miron, mày cứ đi cũng được. Nấu món cá ám, chén cái cũng thú, ngày mai lại vừa đúng là thứ tư 5 Thôi được, tao sẽ gọi mày dậy. Đi đi, đi đi, đồ ngu xuẩn! Làm gì mà nhăn nhăn nhở nhở như thế hử?

Mới nửa đêm cụa Grisaka đã mò mẫm lán xuống những bậc thềm. Một tay cụ xốc cái quần bằng vải thô, còn tay kia chống nạng dò đường. Cụ qua sân ra nhà thóc, chập chờn như một bóng ma run rẩy. Mitka đang ngáy o o trên một tấm chăn đắp chân trên xe. Cụ lấy nạng chọc nó. Trong nhà thóc nặc mùi lúa mới đập, mùi cứt chuột và mùi mạng nhện lưu cữu, chua chua, của những nơi không có người ở.

Mitka nằm trên chăn, bên cạnh vựa thóc. Đánh thức được thằng nầy đâu phải chuyện chóng vánh. Đầu tiên cụ Grisaka còn khẽ lấy nạng chọc nó, gọi nhỏ:

– Nào thằng Mitka của ông! Mitka! Nầy, cái thằng chết tiệt, Mitka!

Mitka co chân, ngáy càng dữ hơn. Ông cụ bực mình lấy cái đầu nạng tròn ngoáy trên bụng nó, rồi ngoáy xuống như một mũi khoan.

Mitka ối chà một tiếng nắm lấy đầu nạng, tỉnh dậy:

– Ngủ gì mà mê mệt? Ngủ thế nầy không sợ có ngày tai hoạ à! – Ông cụ chửi.

– Khẽ chứ nào, khẽ chứ nào, ông đừng làm rầm lên nữa, – Mitka vừa khẽ nói, giọng còn ngái ngủ, vừa sờ soạng dưới đất tìm đôi ủng.

Mitka ra tới bãi. Gà trong thôn đã gáy đợt hai. Nó đi dọc theo dãy phố, qua nhà cha Visarion thì nghe thấy trong chuồng gà, con gà trống đã vỗ cánh phành phạch, cất tiếng gáy ồm ồm như giọng của một lão đại tư tế. Những con gà mái cũng hoảng sợ khẽ cục cục rộn cả lên.

Gã tuần phiên đang rúc mũi vào cái cổ áo lông cừu ấm áp, ngủ gà ngủ gật ngay trên bậc thềm thấp nhất của cửa hiệu. Mitka đi tới bên hàng rào nhà Mokhov, đặt cần câu và cái túi đựng các đồ đi câu khác xuống đất, rồi cố rón chân cho mấy con chó khỏi nghe thấy, bước lên thềm. Nó đặt tay lên quả đấm cửa lạnh ngắt, thấy cửa đã đóng chặt, bèn leo qua lan can, tới bên cửa sổ. Hai cánh cửa sổ nửa khép nửa mở. Qua khe cửa đen ngòm thoảng cái mùi ngầy ngậy toát ra từ tấm thân ấm ấm của một cô gái đang ngủ và một mùi nước hoa ngọt ngọt là lạ.

– Cô Elizaveta Sergeyeevna!

Mitka có cảm tưởng như nó gọi to lắm. Nó chờ một lát. Vẫn lặng như tờ. “Sao thế nhỉ, sao lại nhầm cửa sổ được nhỉ? Nếu chính lão chủ hiệu nằm ở đây thì sao? Thế thì bỏ mẹ… Lão sẽ cho mình ăn đạn mất” – Mitka ấn vào quả đấm trên cánh cửa sổ!

– Cô Elizaveta Sergeyeevna, dậy đi câu đi – Và nghĩ thầm – “Nhầm cửa sổ thì tha hồ mà câu!”

– Có dậy đi không nào? – Mitka tức giận nói rồị ngó cổ vào trong phòng.

– Gì thế? Ai đấy? – Trong bóng tối có tiếng người hoảng hốt khẽ trả lời.

– Cô có đi câu cá không? Tôi đây, Korsunov đây.

– Á- à- à tôi dậy ngay đây.

Trong phòng bắt đầu có tiếng loạt soạt: Giọng Lida ngái ngủ, ấm áp hình như thoáng có mùi bạc hà. Mitka nhìn thấy một cái gì trắng trắng loạt soạt đi lại trong phòng.

“Chà vào nằm với nó nốt buổi sáng thì khoái nhỉ… Câu với kiếc làm cái gì… Ra ngồi ngoài ấy, cóng bỏ mẹ…” Mitka hít hít cái hơi trong căn phòng ngủ, trong óc thoáng những ý nghĩ không rõ rệt.

Trong khung cửa sổ thấy hiện ra một khuôn mặt tươi cười, đầu bịt một khăn choàng trắng.

– Tôi ra qua cửa sổ, anh đỡ tôi một tay.

– Cô cứ trèo qua đi. – Mitka đỡ Lida.

Lida tỳ vào tay Mitka và nhìn sát vào mắt Mitka.

– Anh xem tôi có nhanh không nào?

– Không sao cả. Còn kịp chán.

Hai người đi ra sông Đông. Lida đưa bàn tay hồng hồng lên dụi cặp mắt mòng mòng và nói:

– Tôi ngủ say quá. Đáng lẽ phải ngủ thêm một lát mới phải. Chúng ta đi sớm quá đấy.

– Đi thế nầy là vừa đấy.

Hai người xuống sông Đông theo cái ngõ đầu tiên trên bãi. Ban đêm không biết có nước từ đầu dồn về mà con thuyền hôm qua buộc vào gốc cây khô, hôm nay đã tròng trành, chung quanh toàn là nước.

– Phải cởi giày ra thôi, – Lida đưa mắt ước lượng khoảng phải lội ra tới con thuyền và thở dài.

– Hay tôi bế cô ra nhé? – Mitka đề nghị.

– Như vậy không tiện đâu… Để tôi cởi giầy thì hơn.

– Như thế tiện hơn chứ.

– Không nền đâu – Lida ngập ngừng, đỏ mặt.

Mitka đưa luôn tay trái ra ôm lấy hai chân Lida phía trên đầu gối, nhẹ nhàng bế bổng Lida lên, rồi lội xuống nước, bì bõm đi ra con thuyền. Lida miễn cưỡng ôm lấy cái cổ rám nắng, chắc nịch của Mitka, khẽ cười khúc khích.

Bờ sông có tảng đá trên đó những người đàn bà trong thôn thường dùng chày đập quần áo giặt. Nếu Mitka không vấp phải tảng đá ấy thì đã chẳng có cái hôn chớp nhoáng bất ngờ nầy. Lida ối chà một tiếng, áp chặt vào cặp môi khô nẻ của Mitka. Lúc ấy Mitka đang đứng cách mạn thuyền sơn xám có hai bước. Nước tràn vào trong ủng, hai chân lạnh cóng.

Mitka tháo dây buộc thuyền, ra sức đẩy con thuyền rời khỏi gốc cây cụt rồi nhảy lên trong lúc con thuyền đang trôi ra. Nó chèo đứng bằng một mái chèo ngắn. Nước sau đuôi thuyền lọc ọc như nức nờ. Mũi thuyền hơi ngổng lên, nhẹ nhàng rẽ làn nước, hướng về phía bờ bên kia. Cái cần câu nảy bần bật, kêu lạch xạch.

– Anh định cho thuyền đến đâu? – Lida ngoái nhìn lại rồi hỏi.

– Sang bờ bên kia.

Con thuyền đến đậu ở một khoảng bờ cát dốc. Mitka chẳng nói chẳng rằng, bế thốc luôn Lida vào một bụi sơn trà ven sông. Lida cắn vào mặt Mitka, cào cấu nó, hai lần nghẹn ngào kêu lên, nhưng rồi cảm thấy chân tay mình rã rời, đành bực tức khóc oà lên, nhưng chẳng có giọt nước mắt nào…

Hai người trở về lúc khoảng chín giờ. Một làn sương vàng hồng hồng phủ khắp trời. Gió như khiêu vũ trên sông Đông, làm mặt nước sờm cả lên. Con thuyền chồm qua những làn sóng cuộn ngang trước mặt. Những dòng nước giá lạnh chảy xối lên từ dưới đáy sông bắn tóe vào khuôn mặt nhợt nhạt của Lida, rồi chảy ròng ròng xuống, đọng lại trên hai hàng mi, trên những món tóc tuột ra ngoài chiếc khăn bịt đầu.

Lida mệt mỏi nheo nheo cặp mắt trống rỗng, mấy ngón tay khẽ bẻ cuống một đoá hoa mang theo lên thuyền. Mitka không nhìn Lida, cứ cắm cúi chèo, một con cá chép nhỏ và một con cá diếc nằm sóng soài dưới chân nó. Trong lúc giãy chết, miệng hai con cá đờ ra, những con mắt lồi ra trong vành mắt vàng da cam. Trên mặt Mitka thoáng một vẻ ngượng ngùng của kẻ có tội, niềm thoả mãn trong lòng nó xen lẫn một nỗi lo lắng…

– Tôi đưa Lida về bến Semenovaya nhé. Từ đấy về nhà Lida gần hơn. – Mitka vừa nói vừa quay thuyền cho trôi theo dòng.

– Cũng được, – Lida khẽ nhận lời.

Trên bờ sông không một bóng người. Những dãy hàng rào quanh các vườn rau ven sông đầy bột cá phấn, nom khô héo tiều tụy dưới những làn gió nung nấu, và cứ làm không khí nồng nặc cái mùi củi cháy. Những đoá hướng dương chín rũ, bị chim sẻ mổ nham nhở, nặng nề trĩu đầu xuống đất, để rơi những hạt long ra. Bãi cỏ hoang ven sông hiện ra xanh ngắt như ngọc bích với lớp chồi mới nhú sau lần cắt cỏ vừa qua. Xa xa mấy con ngựa non nô rỡn, làn gió nồm nam đưa tới bờ sông tiếng nhạc buộc trên cổ ngựa rền lanh lảnh như tiếng cười.

Lida bước trên thuyền xuống, Mitka đưa cho Lida một con cá:

– Cá câu được Lida cầm lấy nầy. Nào?

Lida sợ hãi chớp chớp hai hàng mi, nhưng cũng nhận.

– Thôi, tôi về đây.

– Lida về nhé…

Lida ra về, một lòng bàn tay quay ra ngoài xách con cá xâu bằng một nhành liễu nhỏ, nom thật thảm hại. Cái vẻ tự tin và vui cười mới đây đã bỏ lại cả trong bụi sơn trà rồi.

– Lida?

Lida quay lại, trong cặp lông mày gãy khúc có thể thấy cả một tâm trạng vừa tức giận vừa ngạc nhiên.

– Lại đây cái đã.

Khi Lida đã bước tới gần hơn, Mitka vừa nói vừa bực mình vì bối rối:

– Lúc nãy chúng mình không chú ý… ấy, đằng sau váy… có một vết nhỏ rất nhỏ thôi…

Mặt Lida đỏ bừng, đỏ lan xuống tận xương đòn gánh.

Mitka nín lặng một lát rồi khuyên:

– Đi vòng ra sau nhà về vậy.

– Nhưng dù sao vẫn phải đi qua bãi. Tôi đã định mặc một cái váy đen cơ đấy, – Lida khẽ nói, rồi buồn rầu nhìn vào mặt Mitka và bất giác cảm thấy căm ghét nó lạ.

– Để tôi lấy lá bôi xanh đi nhé? – Mitka góp ý một cách giản đơn, nhưng nó ngạc nhiên thấy nước mắt Lida trào ra.

Cái tin “Con gái Sergey Platonovich đã bị Mitka Korsunov chơi chán chê” được truyền đi khắp thôn như cơn gió xào xạc trong rừng.

Chuyện ấy được bọn đàn bà bàn ra tán vào trong ngõ lúc trời rạng, khi họ đuổi đàn bò ra đồng, dưới cái bóng dài nghêu chìm trong làn bụi xám của cái cần kéo nước giếng, khi họ đổ nước trong thùng ra, hay bên bờ sông, quanh những phiến đá tự nhiên, khi họ đập quần áo đem giặt.

– Con không có mẹ thì thế thôi.

– Lão ấy bận tối mắt tối mũi, còn con mẹ kế thì cứ lờ đi như chẳng hay biết gì cả…

– Hôm kia lão phu tuần Davydka “Tay thiếu ngón” có kể lại rằng: “Nửa đêm tôi nhìn ra thì thấy có kẻ leo lên khung cửa sổ cuối cùng. Chà, tôi cứ ngỡ có trộm vào nhà Platonovich. Tất nhiên tôi đã chạy tới. Ai thế nầy? Cảnh sát đây, lại đây mau? Té ra vớ đúng ngay cu cậu đúng cái thằng Mitka”.

– Các cô ấy bây giờ thì vẫy tay một cái là theo ngay…

– Thằng Mitka có viết thư cho thằng Mikiska nhà tôi. Nó viết: “Mình sẽ xin cưới”.

– Bảo nó vắt mũi cho sạch đã!

– Người ta nói rằng thằng ấy cưỡng dâm con bé?

– Thôi đi ông bạn đỡ đầu ơi!

Như những vết nhựa chưng đặc xịt quệt trên một cái cửa gỗ mới, những lời bàn tán truyền lan trong ngõ ngoài đường như thế đã bôi tro trát trấu lên thanh danh cô gái.

Những lời ấy đã đổ xuống cái đầu hói của Sergey Platonovich, dúi nó xuống bùn đen. Hai ngày hai đêm liền lão không dám vác mặt ra cửa hàng, cũng không tới nhà máy xay. Người đầy tớ gái ở tầng dưới chỉ trông thấy lão lúc sắp ăn trưa.

Đến ngày thứ ba người ta thắng con ngựa xám đốm hoa vào chiếc xe thi cho Sergey Platonovich lên trấn. Gặp bà con Cô- dắc trên đường, lão gật cái đầu kiêu ngạo như không cho phép người ta lại gần. Theo sau cái xe thi, một chiếc xe nhẹ kiểu Viên sơn véc- ni bóng nhoáng lạo xạo chạy trong sân ra. Anh đánh xe Emelian cầm lại cho thuận những đoạn dây cương bằng lụa màu lam. Trong miệng anh ta, cái tẩu cong đẫm nước bọt làm cháy cả chòm râu hoa râm. Cặp ngựa huyền lồng lên, bắt đầu chạy lộp cộp theo dọc phố. Sau cái lưng rất phẳng của Emelian, người ta nhìn thấy khuôn mặt nhợt nhạt của Lida. Một chiếc va- li nhẹ xách trong tay, Lida mỉm một nụ cười chẳng có gì vui vẻ, vẫy găng tay chào từ biệt Vladimir và mẹ kế.

Ông Panteley Prokofievich khập khiễng đi trong cửa hiệu ra cũng muốn biết có chuyện gì xảy ra, bèn hỏi anh đầy tớ Nikita:

– Cô tiểu thư của ông chủ đi đâu thế anh?

Nikita cũng chiếu cố cái nhược điểm đơn giản của con người là tính tò mò, bèn trả lời:

– Lên học trên Moskva, vào đại học đấy.

Ngay hôm sau đã xảy ra một chuyện mà người ta còn kể đi kể lại mãi ven sông Đông, dưới bóng những cái cần kéo nước giếng, cũng như trong cái ngõ dành cho gia súc ra đồng… Lúc trời sắp tối, (đàn bò đã được đuổi từ đòng cỏ về thôn), Mitka đến nhà Sergey Platonovich (anh chàng cố ý đến muộn để khỏi có người trông thấy), đâu phải là đến chơi suông mà là để hỏi lấy cô Elizaveta, con gái nhà người ta.

Trước hôm ấy, Mitka có gặp Lida bốn lần, chỉ bốn lần là cùng thôi. Trong lần cuối, giữa hai người đã có một cuộc trao đổi như thế nầy:

– Lida về làm vợ tôi nhé, thế nào?

– Chuyện ngớ ngẩn!

– Tôi sẽ thương Lida, sẽ chiều Lida… Việc nhà đã có đủ người làm, Lida sẽ chỉ ngồi bên cửa sổ đọc sách thôi.

– Anh xuẩn lắm.

Mitka giận lắm không nói gì nữa. Tối hôm ấy, nó về nhà rất sớm.

Sáng hôm sau, Miron Grigorievich rất ngạc nhiên khi thấy thằng con đến nói với ông:

– Cha đi hỏi vợ cho con đi.

– Mày vội quá đấy.

– Con nói thật đấy, không đùa đâu.

– Mày không nhịn được nữa à?

– Đâu phải chuyện ấy…

– Thế thì mày mê đứa nào, mê con Marfuska dở người có phải không?

– Cha đánh mối đến nhà Sergey Platonovich cho con.

Miron Grigorievich đặt rất cẩn thận con dao cắt da xuống chiếc ghế dài (ông đang chữa một đoạn đai mông ngựa) rồi phá lên cười:

– Con ạ, hôm nay cha thấy mày nhộn quá đấy.

Chẳng khác gì một con bò mộng húc tường, Mitka vẫn khăng khăng không nghe. Người bố nổi xung:

– Đồ ngu xuẩn! Nhà Mokhov vốn liếng có tới hơn mười vạn; họ là một nhà buôn, còn mày là cái thớ gì? Xéo ngay cho khuất mắt tao, đừng có giở cái trò ngớ ngẩn như thế nữa, nếu không sẵn có cái đai mông ngựa nầy, tạo lại cho luôn chú rể một trận bây giờ!

– Nhà ta cũng có mười bốn đôi bò, cơ ngơi đường hoàng như thế nầy, dù sao Sergey Platonovich cũng chỉ là một lão mu- gích, còn nhà ta lại là người Cô- dắc.

– Xéo ngay! – Miron Grigorievich ra lệnh gọn lỏn, ông vốn không thích nhiều lời.

Mitka chỉ tìm được sự đồng tình ở cụ Grisaka. Ông cụ khập khiễng đi đến trước mặt con trai và chống nạnh cái nạng xuống đất.

– Miron!

– Có việc gì thế cha?

– Sao mày lại phản đối hử? Nếu con bé ấy đã hợp với thằng Mitka…

– Cha ạ, cha cũng quá là trẻ con, thật thế đấy! Thằng Mitka đã ngu xuẩn, mà cha cũng thật là kỳ quặc…

– Câm ngay cái mồm! – Cụ Grisaka đập nạng xuống sàn. – Chẳng nhẽ nhà ta không môn đăng hộ đối với nhà nó hay sao? Nó phải lấy làm vinh dự được con trai một người Cô- dắc đến hỏi con gái nó mới phải. Nó phải gả ngay con bé cùng với mọi thứ hồi môn mới đúng. Nhà ta là những người mà toàn khu đều biết tiếng. Đâu phải là phường khố rách áo ôm, ít nhất cũng có người ăn người ở hẳn hoi! Chẳng thế thì còn gì? Thôi đi đi, Miron, không nói gì nữa? Bảo nó đem cái nhà máy xay làm của hồi môn đi. Đi hỏi đi.

Miron Grigorievich phì một cái rồi bỏ ra sân. Còn Mitka thì quyết định chờ đến tối sẽ tự đi hỏi vợ lấy. Nó đã biết cái tính cố chấp không thể lay chuyển của bố, cứ như một cây dâu da đã mọc rễ sâu: muốn uốn một chút thì còn được, chứ tìm cách bẻ thì đừng hòng.

Trước khi tới cái cổng lớn, Mitka còn vừa đi vừa huýt sáo. Nhưng vừa đến đấy thì nó bỗng thấy ngài ngại. Nó đứng lại một lát rồi đi qua cái sân. Lên đến thềm, nó hỏi một chị đầy tớ gái mặc chiếc tạp dề hồ bột kêu loạt soạt:

– Ông chủ có nhà không chị?

– Ông nhà đang uống trà. Anh chờ một lát.

Mitka ngồi đợi. Nó hút hết điếu thuốc, dính nước bọt vào đầu ngón tay bóp tắt rồi dí nát mẩu còn lại trên sàn. Sergey Platonovich bước ra, lão vừa đi vừa phủi những miếng bích qui vụn trên áo gi- lê. Trông thấy Mitka, lão cau mày:

– Anh vào trong nầy.

Mitka đi trước vào căn phòng làm việc mát rượi, nặc mùi sách và mùi thuốc lá, và nó bỗng cảm thấy rằng tất cả cái vốn dũng khí tích sẵn từ nhà chỉ đủ cho nó đi tới ngưỡng cửa căn phòng làm việc nầy thôi.

Sergey Platonovich bước tới bên cạnh cái bàn, rồi xoay mình trên hai gót giày rít như hai cái trục.

– Nào nói đi? – Lão chắp tay sau lưng, những ngón tay lão cào lên tấm ván của cái bàn viết.

– Tôi định đến hỏi xem… – Mitka cảm thấy như nó bị chìm trong cái chất lầy nhầy lạnh như tiền của cặp mắt đang xoắn vào nó như lưỡi khoan. Nó so vai như bị lạnh, – Có lẽ ông có thể gả Elizaveta cho tôi?

Quyết tâm liều mạng, lòng căm tức và khiếp hãi làm hiện ra trên khuôn mặt đầy vẻ bối rối của Mitka vài giọt mồ hôi lấm tấm như những giọt sương ngày hạn hán.

Hàng lông mày bên trái của Sergey Platonovich run lên. Lão nhe nanh, môi trên cong lật lên, để lộ mặt trong môi đỏ tía. Rồi lão vươn cổ ngả hẳn về phía trước:

– Cái gì? Cái gì hư- ứ- ừ? Đồ đểu cáng! Cút ngay! Mày thì đáng bị xách cổ lên ông ataman? Đồ chó đẻ? Đồ bẩn thỉu!

Càng thấy lão kia hét to, Mitka càng cảm thấy mình thêm can đảm. Nó theo dõi những đợt máu xanh tím dồn lên cổ Sergey Platonovich.

– Xin ông đừng bực mình… Tôi chỉ muốn bù đắp việc mình đã làm sai.

Sergey Platonovich long hai con mắt mọng những máu và nước mắt, lão ném một cái gạt tàn thuốc lá đúc nguyên tảng bằng gang xuống trước mặt Mitka. Khối gang đập xuống đất, bật lên trúng xương bánh chè chân trái của Mitka. Nhưng Mitka dũng cảm chịu đau, đẩy mạnh cánh cửa. Vừa tức vừa đau, Mitka càng liều mạng, nó nhe nanh quát lớn:

– Ông Sergey Platonovich, ông muốn thế nào tuỳ ông, còn tôi đến đây chỉ vì thực lòng… Con gái ông đã như thế thì còn ai muốn vời đến nữa? Tôi chỉ muốn che đậy cho cái danh dự… Một miếng ăn thừa thì thử hỏi còn ai thèm. Có hoạ là chó.

Sergey Platonovich vo tròn một chiếc khăn tay, tự bịt lấy miệng, rồi chạy theo sát gót Mitka. Lão chặn đường ra cổng lớn, còn Mitka thì chạy ra sân. Gã đánh xe Emelian đang đứng ở đấy. Sergey Platonovich đưa mắt cho Emilian. Trong khi Mitka đang loay hoay với cái then cài rất chắc trên cửa xép hàng rào thì từ trong một góc nhà kho bốn con chó vừa được tháo xích xồ ra. Thấy người lạ, chúng lao thẳng qua cái sân quét sạch như lau.

Năm 1910, Sergey Platonovich mua được ở chợ phiên Nhigiơnhi về hai con chó con, một con đực, một con cái. Cả hai đều mõm to, lông đen và quăn, mới một năm đã lớn như thổi, bằng con bê đầy năm. Đầu tiên hai con chó chỉ xé váy những người đàn bà đi qua nhà Mokhov, nhưng sau chúng đã biết vật họ xuống đất mà cắn đùi. Mãi khi chúng cắn chết con bê của cha Pankrati và một đôi lợn sữa giống quý của Atepin, Sergey Platonovich mới ra lệnh xích lại. Hai con chó chỉ được thả ban đêm, ngoài ra mỗi năm một lần, đến mùa xuân, lại được cho nhảy nhau.

Mitka chưa kịp quay mặt lại thì đã bị con đầu tiên tên là Baian chồm hai chân lên vai, cắn chặt lấy cái áo bông ngắn. Bốn con chó thi nhau cắn xé, con lôi bên nầy, con kéo bên kia, tất cả quay lộn thành một đống đen xì. Mitka dùng tay chống cự, cố giữ cho mình khỏi ngã. Nó thoáng thấy Emilian đóng sập cái cánh cửa sơn, bỏ đi vào trong bếp, những tàn lửa trên cái píp của hắn bắn vung ra chung quanh.

Trên một góc thềm, Sergey Platonovich đứng tựa lưng vào ống máng, nắm chặt hai bàn tay nhỏ bé trắng hếu, đầy những sợi lông cứng đen nhánh. Mitka lảo đảo, cố mở chết cửa. Hai chân đẫm máu của nó lôi theo sau đàn chó cắn nhặng xịa, mùi chó vừa nóng vừa hôi xông lên nồng nặc, Mitka bóp họng con Baian đến chết, còn mấy con kia thì những người qua đường phải vất vả lắm mới xua được vào nhà để cứu Mitka.

— —— —— —— ——-

1 Elizaveta là tên chính thức, Lida là tên gọi tắt, thân mật. Gã sinh viên xưng hô rất long trọng với con gái lão lái buôn (ND).

2 Nguyên văn: Nầy cổ ngựa, nầy cung càng xe (ND).

3 Một pút bằng 16,38kg (ND).

4 Một trong hai phần của Kinh thánh, ghi những lời nói và việc làm của Giêsu (ND).

5 Ngày kiêng ăn thịt (ND).

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN