Sông Đông Êm Đềm - Chương 36
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
72


Sông Đông Êm Đềm


Chương 36


Natalia sống hoà hợp ngay với gia đình Melekhov. Miron Grigorievich thật biết dạy con. Tuy giàu có, và ngoài các con ra trong nhà còn có người làm, nhưng ông vẫn bắt các con ông phải lao động cho quen công quen việc. Natalia hay lam hay làm nên được mẹ chồng quý mến. Daria thích làm dáng làm đỏm nên bà Ilinhitna ghét ngầm con dâu trưởng. Còn Natalia thì mới vài ngày đầu, bà đã yêu quý nàng ngay.

– Cứ ngủ nữa đi, cứ ngủ nữa đi, con yêu của mẹ? Mày làm gì mà dậy sớm thế? – Bà vừa lê cặp chân to đần đẫn đi lại trong bếp, vừa âu yếm khẽ bảo con dâu. – Lại vào trong nhà đi, cứ ngủ đến sáng đi, không có mày công việc vẫn làm xong cơ mà!

Natalia đã dậy từ tảng sáng để giúp công việc bếp núc. Nàng nghe nói thế lại vào nhà trong ngủ thêm.

Ông Panteley Prokofievich vốn rất nghiêm khắc đối với gia đình, thế mà ông cũng thường bảo vợ:

– Bà mày có nghe thấy không, đừng gọi con Natalia dậy nhé. Ban ngày nó tối mắt tối mũi như thế là đủ rồi. Lại còn phải sắp sửa đi cày với thằng Griska nữa. Còn cái con Daria, con Daria thì phải quật cho nó mới xong. Đàn bà gì mà ườn thây ườn xác, hư thân mất nết… Hết đánh má hồng lại tô lông mày, cái con chó đẻ.

– Năm đầu hãy cho chúng nó hú hí với nhau đã, – Bà Ilinhitna thở dài nhớ lại cuộc đời lao động cực nhọc của mình.

Grigori cũng dần dần có phần quen quen với cuộc sống mới của chàng, cuộc sống của một kẻ có vợ. Nhưng sau chừng ba tuần, chàng vừa bực bội vừa hoảng sợ nhận thấy rằng trong thâm tâm, mình vẫn chưa cắt đứt được hẳn với Acxinhia, và trong lòng vẫn còn sót một cái gì như một cái gai. Mà nỗi đau khổ ấy thì không phải ngày một ngày hai mà gạt bỏ được. Grigori đã từng đinh ninh rằng trong hoàn cảnh có vợ, được sống thoả mãn, mình sẽ gạt bỏ được hết dễ như trở bàn tay: tất cả rồi cũng sẽ quên đi… Nhưng đến nay chàng lại thấy là không thể nào quên được và mỗi khi nhớ lại thì vết thương lại rỉ máu. Ngay từ hồi còn chưa cưởi, có lần Petro đã hỏi Grigori trong lúc đập lúa trên sân:

– Griska à, mầy định sẽ như thế nào với con Acxinhia?

– Sao cơ chứ?

– Có lẽ bỏ thì thương?

– Tôi bỏ thì lại có người nhặt chứ sao? – Hôm ấy Grigori còn cười mà nói thế.

– Nhưng mày phải cẩn thận đấy. – Petro nhay nhay một đám ria nhai đã nát nhừ. – Nếu không mầy lấy vợ thật không đúng lúc.

– Ăn no béo mầm, việc gì chẳng quên. – Grigori pha trò.

Nhưng rồi tình hình đâu có diễn ra như thế. Đêm đêm, trong khi Grigori làm nhiệm vụ người chồng âu yếm vuốt ve vợ, trong khi chàng cố truyền cho Natalia cái lửa tình ngùn ngụt của tuổi trẻ, thì lại chỉ gặp thấy về phía Natalia một thái độ lạnh lùng, vâng chịu ngượng ngùng. Việc vợ chồng đi lại với nhau, Natalia làm rất miễn cưỡng, vì ngay từ khi lọt lòng, nàng đã được mẹ truyền cho một dòng máu thờ ơ hờ hững, chảy như rất chậm. Nhớ lại cái kiểu yêu đương đến cuồng dại của Acxinhia, Grigori thở dài:

– Natalia à, chắc hẳn ông cụ nhà em đã làm bà cụ nhà em thụ thai ra em trên băng… Em băng giá quá chừng.

Còn Acxinhia thì mỗi lần gặp Grigori, nàng đều mỉm một nụ cười ỡm ờ, tròng con mắt đục đi, giọng nói dính như keo:

– Chào anh, anh Griska yêu quý! Lấy cô vợ trẻ như thế, nâng niu chìu chuộng nhau thế nào?

– Vẫn sống như thường thôi. – Grigori trả lời qua loa cho xong chuyện, và chỉ mong mau chóng thoát khỏi ánh mắt ve vuốt của Acxinhia.

Stepan thì hình như đã làm lành với vợ. Anh ta đã bớt la cà ở quán rượu và một buổi chiều, trong khi quạt thóc trên sân đập lúa, lần đầu tiên sau chuyện lục đục vừa qua, Stepan bảo vợ:

– Acxiutca à, ta thử hát một bài đi!

Hai vợ chồng ngồi dựa lưng vào đống lúa mạch mới đập xong còn đầy bụi. Stepan cất giọng hát một bài của lính, Acxinhia hoà theo bằng một giọng rất cao, rất mạnh, phát ra từ trong ức. Hai người hát rất ăn giọng, cứ như đang sống lại tuần trăng mật.

Lại có lần, trong khi ráng chiều phủ khắp cánh đồng một làn ánh sáng đỏ tía, Stepan đi làm đồng về ngồi lắc lư trên chiếc xe tải, kéo dài giọng hát một bài cổ, giọng hát trường và buồn, như con đường trên cánh đồng cỏ hoang vu đầy cỏ dại, không một bóng người. Acxinhia ngả hẳn đầu lên bộ ngực nở nang của chồng, hát tiếp. Hai con ngựa kéo chiếc xe chạy cót két, gọng xe lắc sang bên nầy rồi lại lắc sang bên kia. Từ xa, mấy cụ già trong thôn lắng nghe bài hát:

– Stepan kiếm được cô vợ đến là tốt giọng.

– Nghe mà xem… họ hát ăn giọng quá!

– Cả giọng của Stepan cũng tốt nhỉ, sang sảng như tiếng chuông ấy!

Mấy cụ già ngồi trên những bức tường đất đắp quanh nhà đưa tiễn ánh chiều đỏ rực, mung lung sương khói nói vọng với nhau qua đường phố:

– Họ đang hát bài của trung đoàn Nizovsky đấy.

– Ông bạn đồng ngũ ạ, bài nầy được soạn ở Gruzia.

– Mồ ma bác Kiriuska thích bài nầy lắm!

Chiều nào Grigori cũng nghe thấy hai vợ chồng nhà Astakhov cùng hát với nhau (sân đập lúa nhà Grigori nằm sát sân đập lúa nhà Stepan). Mỗi lần đập lúa, chàng lại nhìn thấy Acxinhia với cái vẻ tự tin, hình như hạnh phúc như xưa. Ít nhất là chàng có cảm tưởng như thế.

Stepan không chào hỏi những người trong nhà Melekhov nữa. Anh ta vác cái chàng nạng đi đi lại lại trong sân, cặp vai rộng nhưng xuôi khẽ động đậy, và thỉnh thoảng lại nói đùa với vợ một câu.

Acxinhia cười, cặp mắt đen láy long lanh dưới khăn bịt đầu. Grigori nhắm mắt lại vẫn thấy cái váy màu xanh lá cây của Acxinhia gợn sóng trước mắt. Một sức mạnh vô hình cứ xoay cổ của Grigori, làm cho chàng chốc chốc lại quay đầu nhìn sang sân nhà Stepan.

Chàng không biết rằng tuy Natalia đang giúp ông Panteley Prokofievich xếp các bó lúa, nhưng lần nào nàng cũng bắt gặp cái nhìn không tự chủ của chồng bằng cặp mắt vừa buồn vừa ghen.

Grigori cũng không thấy rằng trong khi đuổi mấy con ngựa chạy vòng tròn, Petro hếch mũi nhìn mình với một nụ cười châm biếm kín đáo.

Giữa những tiếng ầm ì trầm trầm (tiếng rên siết của mảnh đất bị hành hạ dưới những quả lăn bằng đá), đầu óc Grigori rối bời với những ý nghĩ mung lung. Chàng cố tìm cách nắm những mảnh ý nghĩ vụn vặt trơn tuồn tuột lẩn trốn ý thức, nhưng không tài nào năm nổi.

Từ những sân đập lúa ở gần cũng như ở xa, tiếng đập lúa, tiếng trẻ chăn bò đuổi đàn bò, tiếng roi quất đen đét, tiếng hòm quạt thóc kêu phành phạch, vẳng tới rồi lại tan đi trên bãi cỏ hoang ven sông.

Thôn xóm béo đẫy ra trong ngày mùa nằm đê mê dưới cái nắng tháng chín mát rượi trải ra trên sông Đông như con rắn thuỷ tinh nằm vắt ngang đường. Trong mỗi căn hộ nằm giữa những dãy hàng rào, dưới mỗi mái nhà đều có một cuộc sống riêng quay tít như con thò lò, một cuộc sống sôi nổi, đầy đắng cay ngọt bùi, tách biệt với các cuộc sống khác: cụ Grisaka bị lạnh, đang đau khổ vì đau răng; Sergey Platonovich quỵ xuống sau cái nhục vừa qua, đang đưa hai tay lên vo chòm râu chải tẽ sang hai bên, và cứ nghiến răng, khóc thầm một mình; Stepan vẫn mang nặng trong lòng mối thù với Grigori, đêm đêm lại vò nát cái chăn đã rách bươm trong hai bàn tay rắn như thép; Natalia chạy vào nhà kho, lăn mình xuống đống phân kho, nằm co quắp, khóc nức nở vì hạnh phúc của mình bị người ta phá hoại; Khristonhia đi chợ phiên, đem số tiền bán con bê ăn nhậu sạch, đang bị lương tâm dày vò; Grigori đau khổ vì những dự cảm trong khi các thèm khát của chàng chưa được thoả mãn, và vì vết thương lòng lại mở miệng, đang thở dài thườn thượt; Acxinhia vừa vuốt ve đi lại với Stepan vừa tưới nước mắt lên lòng căm thù không sao nguôi được đối với chồng. Chàng thợ cán bột Davydka bị đuổi khỏi nhà máy xay ngồi thâu đêm trong căn nhà đắp bằng đất trộn rơm của “Bồi”. “Bồi” long lanh hai con mắt đầy căm hờn nói:

– Khô- ô- ông, khô- ô- ông thể như thế được. Chẳng bao lâu nữa người ta sẽ cắt mạch máu của chúng nó. Đối với chúng nó thì một cuộc cách mạng còn chưa đủ. Chúng nó sẽ phải nếm lại cái năm một nghìn chín trăm linh năm lần nữa 1, lúc đó chúng ta sẽ tính sổ? Chúng ta sẽ tính sổ! – “Bồi” giơ một ngón tay đầy sẹo lên doạ rồi nhún vai sửa lại cái áo vét- tông khoác trên lưng.

Nhưng thời gian vẫn trôi qua trên thôn xóm, hết ngày lại đêm, hết tuần nầy qua tuần khác. Hết tháng nọ qua tháng kia. Gió vẫn thổi, trời dông bão vẫn làm những ngọn núi ầm ầm tiếng sấm, và sông Đông in hình bầu trời thu xanh trong suốt vẫn thờ ơ trôi ra biển.

— —— —— —— ——-

1 Ý muốn nói cuộc cách mạng tư sản thất bại ở nước Nga năm 1905 (ND).

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN