Tầm Thần Tuyệt Lộ - Chương 19: Thần thoại hỗn thế thần hầu
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
127


Tầm Thần Tuyệt Lộ


Chương 19: Thần thoại hỗn thế thần hầu


Gã rời khu bếp sau khi đã tập xong, lúc này gần sáu giờ sáng, trong nhà đã tấp nập gia nhân ngược xuôi, giọng Sấu Thỉ vẫn oang oang thúc giục đằng sau. Sau khi tắm rửa qua, gã về lại chái nhà nơi mình ở, đã thấy ba đứa trẻ khác trong đình nhỏ giữa sân.

“Nhị sư huynh, Tứ sư huynh, Ngũ sư huynh. Chào mọi người”. Lạc Thạch nhàn nhã cất tiếng, toàn ‘hàng xóm’ cả nên cũng không ngạc nhiên khi ba người bọn họ tập trung ở đây.

“À chào buổi sáng, Phàm tiểu đệ. Đệ vừa từ khu nhà phụ về sao?”. Lạc Thường là đứa cất lời trước, đầu hơi nghiêng, còn Lạc Ngôn chỉ mỉm cười chào lại.

Lạc Thạch cũng gật đầu, đoạn liếc nhìn vị Ngũ sư huynh đang chăm chú ngắm nghía cái gì đó. Thiếu niên này gọi Lạc Vinh, khoảng mười bốn tuổi, theo gã nhớ thì, có lẽ là hỏng mất Khứu giác. Gã bước tới, ngồi xuống cạnh Lạc Ngôn, y cũng làm ra cái thủ thế hỏi “Đêm qua ngủ ngon không?”, miệng cười toe.

Gã giơ ngón cái, mặt vẫn hướng về Ngũ sư huynh, tên này, đang ‘lé mắt’ nhìn đàn kiến tha mồi. Lạc Ngôn lại cắm cúi đọc sách, còn Lạc Thường thì đứng vận động hít thở, đoạn gã buột miệng hỏi.

“Vinh ca, ca là đang ‘chăn’ kiến sao?”

“Kiến là loài côn trùng kỷ luật, và hết sức đoàn kết”. Lạc Vinh không để ý đến gã, giọng hồ hởi như đang được khoe cái gì đó. “Xã hội loài kiến theo chế độ Mẫu Hệ, có duy nhất một con Kiến Nữ Hoàng trong một đàn, còn lại rất nhiều Kiến Thợ. Giao tiếp thì có vẻ như là ‘chạm râu’. Vậy tức là…”, nói đoạn lại tí toáy viết vào cuốn sách nhỏ, hai chữ “Xúc Giác”.

Xã hội kiến có nhiều đặc tính rất lạ, mà ngay cả con người cũng không bắt chước được. Nổi bật nhất là tính cộng đồng cực lớn, dù Kiến Nữ Hoàng đóng vai trò tối quan trọng là ‘duy trì nòi giống’, nhưng không thể vượt qua ý chí của cả tổ kiến. Chúng rất đoàn kết và liều lĩnh khi đứng trước mối đe doạ đến Xã hệ của mình. Nên biết ‘Kiến’ là một trong số ít loài hiện vẫn giữ nguyên hình dáng tổ tiên cách nay gần một trăm năm mươi triệu năm trước, có thể coi là loài sinh vật cổ đại bậc nhất còn tồn tại đến ngày nay, bất chấp biến động dữ dội của Trái Đất. Điều đó chứng tỏ Kiến đã tiến hoá thích nghi từ rất lâu, mà nổi bật là khả năng ‘giao tiếp’. ‘Xúc giác’ chỉ là một trong ba hình thức, còn lại là âm thanh và pheromone (#1), hay mùi hương. Âm thanh hay mùi hương này đều ‘vô hình vô vị’ trong mắt con người, nhưng đối với Kiến thì nó gần như là ‘kim chỉ nam’, được những Kiến thợ đi trước mở đường để lại. Tuy đây là kiến thức ở trường học, nhưng thời nay thì đúng là ‘không thể tin được’.

Lạc Vinh cất sách nhỏ lại, đoạn quay ra nhìn gã, mặt mày lại đăm chiêu, nói “Phàm sư đệ, kiến không phải dùng để chăn, mà là một kho kiến thức đó. Ngươi xem, con người mà được như con kiến thì tốt biết bao a…”

Lạc Ngôn chỉ tủm tỉm lắc đầu cười, còn Lạc Thường thì vừa nói vọng vào. “Kiến thì làm sao lăn được, hàm hồ rồi…”

Gã cũng im lặng, chỉ nghe Thường, Vinh đang cãi nhau qua lại, ông nói gà bà nói vịt, nháo cả góc sân nhỏ.

Cái tổ tấu hài này, một đứa câm lạc quan nhưng ít màng chuyện khác, một đứa lãng tai lại thích nghe tâm sự và nhiệt tình lập luận, rồi thêm một đứa điếc mũi tò mò hay bi quan về Nhân sinh. “Kể ra cũng rất hợp, ba đứa này mà cãi nhau thì người ngoài chắc điên hết”. Còn Lạc Thạch, thì chắc chắn càng là thằng kỳ khôi nhất, gã đã gần ba mươi, lại còn xuyên không cơ mà.

Bữa sáng nhẹ nhàng có cháo thịt, rau củ xào. Gã đã đói meo, nên tất nhiên là ăn không sót miếng nào.

“Bữa sáng nên ăn nhẹ nhàng, nhưng vi chất phải được đảm bảo. Cơ thể người sau một đêm dài nghỉ ngơi, bao tử, tiểu trường cũng cần có thời gian để tiết ‘dịch vị’, hỗ trợ tiêu hoá. ‘Cháo’ là hợp lý nhất”. Nặc lão vẫn đều đều giảng giải, mặc cho Lạc Thạch có để ý hay không.

Có ai đó từng phát biểu: “Bữa sáng ăn như vua, bữa trưa như hoàng tử, và bữa tối thì cho kẻ thù”, cái này đúng, nhưng chưa phải hợp lý nhất, bởi nó chỉ phù hợp với chế độ ăn ngủ bình thường. ‘Polydose’ (#2), khái niệm chung của Polymeal và Polysnap, thì không còn yêu cầu như vậy.

“Ăn nhiều bữa, và bữa nào cũng phải như cho Nữ hoàng của ngươi”. Khi nhịp sinh học đã ổn định theo Polydose, cơ thể lúc nào cũng sẽ đạt mức hấp thu dinh dưỡng và năng lượng tốt nhất, và tự cảm thấy ‘đầy’ khi lượng đã đủ, mà từ chối tiếp nhận thêm thức ăn, bằng cách giảm sự thèm ăn xuống. Điều này giúp tránh tình trạng đã ‘no’ mà không thắng nổi ‘cái độ ngon’ của thức ăn chạy qua trước mặt, dẫn đến thừa mứa năng lượng, tích mỡ và chậm chạp.

Thêm vào đó, “Bữa sáng là bữa quan trọng nhất trong ngày” theo gã nhớ, lại không nằm trong một nghiên cứu khoa học nào cả, mà ở thời đại kia, lần đầu khái niệm đó xuất hiện là trên bao bì quảng cáo ‘Ngũ cốc khô’ ở Hợp Phiên quốc đầu thế kỷ 20. Nhân loại Trái Đất bị bọn con buôn dắt mũi gần ba trăm năm, chung quy cũng do chậm thông tin, thiếu hiểu biết.

Hôm nay đã qua ngày Chẩn Y từ thiện, nên đám trẻ chưa phải đi hỗ trợ Dược Khố, sau bữa sáng thì Phòng sinh hoạt đã được dọn dẹp sạch sẽ, chuẩn bị tám giờ sẽ có lão sư đến dạy học.

Cả bọn sẽ học chung với nhau hai tiếng, mười giờ sẽ chiếu theo từng độ tuổi phù hợp mà đi đến học tập hay hỗ trợ ở các bộ phận khác.

Lão sư đã tới, khoảng tứ tuần, không rõ tên thật, chỉ biết gọi ‘Tuỳ lão sư’. Người này râu ria lởm chởm, mai tóc rậm rì, đầu búi củ hành nhưng không được gọn gàng cho lắm, khuôn mặt chữ điền, hàm én mày ngài, dáng tầm thước cân đối, cũng có thể coi là anh tuấn.

Y bước vào, bọn trẻ con hồ hởi chào, rồi nhanh chóng ổn định chỗ ngồi. Gã cũng yên vị, quan sát thấy trong mắt mấy đứa đều ánh lên vẻ nhiệt huyết chờ mong. Cái vị lão sư trông có vẻ luộm thuộm này, có gì mà hấp dẫn vậy?

Tuỳ lão sư, thực sự là một lão tuỳ tiện. Gã từng đọc qua, ngày trước học chữ của thầy đồ, cả lớp trẻ con sẽ ê a đọc theo, đến khi nào nhớ mặt chữ thì thôi. Nhưng giờ của lão sư này, không thấy cái gì Đạo Đức kinh, cũng chẳng có lấy cuốn sách nào.

Bàn lớn giữa nhà dọn trống, trên để một khay gỗ to bản, rải cát trắng mỏng bên trong. Tuỳ lão sư và đám nhỏ ngồi quanh, Lạc Mẫn đã nhanh nhảu lên tiếng trước “Lão sư, lão sư, người mau kể tiếp câu chuyện hôm trước, đến cuối cùng kết cục của Hầu ca ca và Ngọc Tâm tỷ tỷ ra sao?”

Tuỳ lão sư ghé mông ngồi lên bàn, với lấy cành trúc nhỏ, giọng sảng khoái cất lên “A hảo, Mẫn Mẫn rất hăng hái haha. Vậy đầu tiên ta kiểm tra bài cũ đã, hôm trước ta đã kể về chữ gì rồi?”

Cả lớp đang nhốn nháo chợt im lặng, chỉ thấy cô bé lúc nào cũng ôm búp bê vải tên Lạc Kỷ đứng lên, mắt như mất hồn nhìn đăm đăm vào một hướng, môi nhỏ cất tiếng “Tuỳ lão sư, bài này cũ rồi, không xài được nữa đâu. Người lại quên bài giảng rồi chứ gì?”

“Cái gì chứ hở?”, Tuỳ lão sư trợn mắt.

“Lão sư người cũng lãng tai giống học trò sao, Kỷ muội muội nói người không thuộc bài đó?”, Lạc Thường đã nhanh nhảu lên tiếng.

“Cái đám này…”, mặt lão sư đã có chút hồng hồng.

Lạc Kỷ vẫn chưa chịu thôi, người vẫn đơ ra như khúc gỗ, nói tiếp “Người ta nói, lão sư nhà người ta kiểm tra bài vì lo cho học trò quên chữ, còn Tuỳ lão sư người hỏi chúng ta bài cũ vì người lại quên hôm trước dạy gì rồi phải không? Người cứ thẳng thẳng thắn thắn vỗ ngực như mọi lần ‘ta lại quên rồi’, cũng có sao đâu?”

“‘Người ta’ là ai mà dám nói như thế chứ mấy cái đứa này?”, Tuỳ lão sư bối rối đỏ hết mặt mũi, bọn trẻ con đứa nào cũng ôm miệng cố nín. Lạc Kỷ chỉ tay về hướng mắt nhìn, là Lạc Ngôn đang làm ra cái dáng ‘học trò nào đâu biết gì?’, làm cả lớp bò ra cười.

Lạc Bình cũng đang cố nhịn cười, mau chóng lên tiếng “Tuỳ lão sư, hôm nay chúng ta có học đệ mới, không nên để Phàm tiểu đệ hoảng sợ a…”

“A haha, phải a. Lạc Phàm phải không, Phiên bà bà có nhắc qua với ta. Ta đã biết, ta đã biết”. Tuỳ lão sư liền chuyển đề tài, giọng cũng vô cùng thoải mái, rất là lạc quan.

Đoạn y đằng hắng giọng, ‘e hèm’ mấy cái, rồi nói “Được rồi, bỏ kiểm tra bài cũ, lão sư đã nhớ ra. Các trò có vẻ đã thấu hiểu chữ ‘ái’ chân chính của mối lương duyên tiếu ngạo, Thần Hầu và Ngọc Tâm tiên tử. Tiếp sau đó…”

Vị lão sư tuỳ hứng này có cách dạy khá thú vị, kể một câu chuyện liên quan đến chữ muốn giảng giải, vừa vẽ hoặc viết lên cát, khiến ‘việc học chữ’ trở nên vô cùng lôi cuốn đối với bọn trẻ con.

“Thần Hầu và Ngọc Tâm Tiên Tử? Truyện dân gian sao, Nặc lão?”, Lạc Thạch tò mò lẩm bẩm.

“Vừa là phàm nhân thần thoại, nhưng cũng vừa là tu chân truyền thuyết. Ta cũng chỉ biết qua chút da lông…”

Xa xưa, trước cả khi có Thiên Diễn Tinh Cầu, Thần Hầu là một trong vài Thần Thú đủ sức mạnh cạnh tranh Tổ vị Thái Cổ Thú Tổ, rời bỏ quyền lực, né tránh phàm tục, ươm mối tình ngọc kết tâm đan với Ngọc Tâm Tiên Tử, là Đại đệ tử của lão tổ Linh tộc, đồng thời là Thần Nữ của Linh Giới. Cả hai ẩn thế nhàn cư, nhưng biến cố xảy ra, ở giữa thế nào thì có rất nhiều đồn đoán, ngay cả Tu Chân giới cũng không thể khẳng định tính xác thực của truyền thuyết này.

“…Chỉ biết Ngọc Tâm Tiên Tử cuối cùng bỏ mình, Thần Hầu vì tiếc thương mà trở thành Tài Phán giả, chuyên trảm yêu phạt ma”. Tuỳ lão sư kết thúc câu chuyện, trên bàn cát đã hiện ra một con cự hầu mặc chiến giáp, vai vác trụ đá khổng lồ, trên thân trụ viết một chữ ‘Lễ’ lớn, đang ngồi giám sát thiên địa, khí thế hiên ngang.

“Cái ta muốn giảng là chữ ‘lễ’ này. Thần Hầu lấy ‘lễ’ đối người, rời bỏ phân tranh truy cầu tự tại. Người lại ‘thất lễ’ gây phiền toái, y vẫn ‘hữu lễ’ mà cư xử, vì cái chết của Ngọc Tâm Tiên Tử liền phát thệ bảo vệ Linh Tộc vạn năm. Chữ ‘lễ’ nói nhẹ thì rất nhẹ, nhưng khi cần nặng thì tựa Thái Sơn. Các trò có hiểu không?”

Bọn trẻ con ồ lên bàn luận sôi nổi, Lạc Vinh còn lên tận nơi bàn về lễ nghi phiền toái của phàm nhân với Tuỳ lão sư, lớp học thật sống động vô cùng.

“Hừ, vì cái chữ ‘lễ’ này mà lão phu đã đánh mặt không biết bao nhiêu người, đúng là phàm phu tục tử”, Nặc lão giọng có vẻ bất mãn, tiếp tục lên tiếng “Ta trước đây có tiếng ‘thấy chết không cứu’, đều là do lễ nghi chó má mà ra…”

Lạc Thạch trầm ngâm không nói, chỉ thầm nghĩ, bản thân lão còn nói như vậy, ngày trẻ chắc hẳn bị gắn mác ‘vô lễ’, có khi người bị đánh mặt lại là lão ấy.

Buổi học kết thúc, Tuỳ lão sư vội vã rời khỏi phòng sinh hoạt trước tiên, còn không quên dặn buổi sau sẽ lại kiểm tra bài cũ. Bọn trẻ cũng mau chóng thu dọn phòng sinh hoạt chung, những đứa lớn hơn mười một tuổi rời qua chái nhà khác, còn đám ở lại tiếp tục tự học thêm.

Lạc Thạch cũng ngồi riêng một chỗ, tay cầm cuốn ‘Biên sử Giang Thành hộ Nam Cương’, chầm chậm mở ra bắt đầu đọc. Lần này gã không dùng ‘Cực tốc ghi nhớ’ nữa, bởi số chữ đã học hôm qua là quá đủ xem hiểu hầu hết sách trong phòng này, với cả, nếu sử ra sẽ hết mất thứ để đọc, lại rất mau đói, hoàn toàn không nên lạm dụng.

Bỗng bóng nhỏ che lên khiến trang sách tối sầm, Lạc Thach ngẩng lên thấy trước mặt mình là cô bé Lạc Kỷ tay vẫn ôm búp bê vải, đang chăm chú nhìn gã.

Lạc Kỷ theo gã thấy thì hơi ‘dị dị’, giống một loại bệnh tâm lý phổ biến ở Trái Đất thời hiện đại, ‘tự kỷ’, hay khoa học gọi đầy đủ là ‘chứng rối loạn phát triển tâm trí sớm’. Bệnh này thường xuất hiện ở trẻ em lứa tuổi nhi đồng, không thể tự thuyên giảm mà luôn có chiều hướng tăng nặng, gây cản trở nhận thức và giao tiếp xã hội, giống như ‘bài xích’ người xung quanh. Các khoa học gia coi bệnh này là một khuyết tật gần như bẩm sinh ở vùng ‘ý thức’ của não trẻ bị ‘tự kỷ’, khiến chúng gặp khó khăn trong xử lý tình huống, dẫn đến dần ngại và sợ đối mặt ‘thế giới bên ngoài’. Những đứa trẻ này dần tự hình thành một ‘thế giới bên trong’, hay còn gọi ‘két sắt tâm hồn’, như để khoá kín và bảo vệ ‘nội tâm’ của chúng.

Cái ‘két sắt’ này chính là nơi vùng ‘vô thức’ và ‘tiềm thức’ giao thoa, còn ‘chủ’ của nó khi ở bên trong thì mới cảm thấy an toàn, mới thấy đủ tự tin vào bản thân thực sự là ‘thần’ ngự trị của chính nội tâm mình. Những kinh nghiệm mà trẻ tự kỷ khó khăn lắm mới nhận được do ‘ý thức’ làm việc chậm chạp, đều được chúng cẩn thận ‘cất’ vào đây. Và chính những cái kinh nghiệm trong ‘két sắt tâm hồn’ sâu kín kia lại tạo ra những kỳ tích khó tin của loài người.

Trẻ tự kỷ rất nhiều đứa bẩm sinh đã là thiên tài về một mặt nào đó, đều là người thật việc thật trên Trái Đất đã được khoa học xác nhận. Trí nhớ siêu việt, Rubick quay tay thần tốc, Nhạc sĩ thiên tài, v.v… toàn những kỷ lục của nhân loại hầu hết bị đám trẻ này xô đổ, khiến các nhà tâm lý và thần kinh học phải nghiêm túc thừa nhận mối liên hệ ‘thiên tài’ – ‘tự kỷ’ này.

(#1): hay còn gọi là hormone xã hội, dùng để các cá thể cùng loài nhận biết và giao tiếp với nhau.

(#2): phân lượng nhỏ, liên tục.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN