Tên Tôi Là Đỏ - Chương 1
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
127


Tên Tôi Là Đỏ


Chương 1



TÔI LÀ MỘT TỬ THI

Bây giờ tôi chẳng là gì cả ngoài một tử thi, một cái xác ở dưới đáy một cái giếng. Tuy tôi trút hơi thở cuối cùng đã lâu rồi và tim tôi đã ngừng đập, nhưng không một ai, ngoài tên sát nhân xấu xa ấy, biết được chuyện gì đã xảy ra cho tôi. Còn với tên đê tiện đó, nó đã sờ tìm cái ví của tôi và lắng nghe hơi thở của tôi để chắc rằng tôi đã chết, rồi đá vào bụng tôi, vác tôi đến mé giếng, nâng tôi lên và thả tôi xuống dưới. Khi rơi, cái đầu tôi vốn bị hắn đập bằng một hòn đá, đã vỡ toác; khuôn mặt tôi, cái trán và hai má, bị giập nát; nhiều xương bị vỡ vụn, và miệng tôi đầy máu.

Trong gần bốn ngày tôi mất tích: vợ và các con tôi hẳn đã cố tìm tôi; con gái tôi, rũ liệt vì than khóc, hẳn đang rầu rĩ nhìn ra cổng trước sân. Phải, tôi biết cả nhà tôi đang ở bên cửa sổ hy vọng thấy tôi trở về.

Nhưng họ có thực sự chờ đợi không? Tôi thậm chí không chắc được điều đó. Có lẽ họ đã quen với sự vắng mặt của tôi – buồn thay! Vì ở đây, phía bên kia, người ta có cảm giác rằng cuộc sống trước đây của mình vẫn tiếp diễn. Trước khi tôi ra đời, đã có thời gian vô định, và sau cái chết của tôi, thời gian bất tận. Tôi chưa từng nghĩ về điều này trước đây: tôi đã sống một cách rực rỡ giữa hai khoảng vô tận của bóng đêm.

Tôi hạnh phúc; bây giờ tôi nhận ra rằng mình đã hạnh phúc.

Tôi đã làm được những họa tiết trang trí đẹp nhất trong xưởng của Đức vua; không ai sánh được với tay nghề bậc thầy của tôi.

Qua công việc làm riêng ấy, tôi đã kiếm được chín trăm đồng bạc một tháng. Điều đó, dĩ nhiên, chỉ khiến toàn bộ sự vụ này càng khó chịu đựng hơn.

Tôi đảm nhiệm việc vẽ hình và trang trí cho những cuốn sách.Tôi tô dát mép trang giấy, sơn vẽ các khoảng lề bằng những họa tiết lá, cành, hoa hồng, các loài hoa khác và chim giống y như thật. Tôi vẽ những đám mây vân vi kiểu Trung Hoa, những đám lá nho chồng lên nhau và những cánh rừng đầy màu sắc che khuất lũ nai, những thuyền buồm, các tiểu vương, cây cối, cung điện, bọn ngựa và các thợ săn. Lúc còn trẻ, tôi có thể trang trí một cái đĩa bàn, hay mặt lưng một chiếc gương, hay một cái rương, hoặc đôi khi trần nhà của một dinh thự hay một tòa nhà nông thôn ở Bosphorus, hoặc thậm chí một cái muỗng gỗ. Tuy nhiên, trong những năm sau này, tôi chỉ chuyên chú vào những trang bản thảo bởi vì Đức vua của chúng ta trả công hậu hĩnh cho những thứ đó. Bây giờ tôi cũng không thể nói điều đó có vẻ vô nghĩa. Anh vẫn hiểu giá trị của tiền bạc ngay cả khi anh đã chết mà.

Sau khi nghe được tiếng nói như phép lạ của tôi, các vị có thể nghĩ, “Ai thèm quan tâm chuyện ông kiếm được bao nhiêu khi còn sống? Hãy nói cho chúng tôi biết ông nhìn được gì? Có cuộc sống sau cái chết không? Linh hồn của ông ở đâu? Còn Thiên đàng với Địa ngục thì thế nào? Cái chết nó ra làm sao? Ông có đau đớn không?” Các vị nói đúng, người ta cực kỳ tò mò về Kiếp sau. Có lẽ các vị đã nghe được câu chuyện về một người bị thôi thúc bởi nỗi tò mò này đến độ ông ta lang thang giữa các binh sĩ trên trận địa. Ông ta tìm kiếm một người đã từng chết đi và sống lại giữa những lính bị thương đang cố bám lấy cuộc sống, một người lính nào đó có thể nói cho ông ta biết về những bí mật của Thế giới bên kia. Nhưng một trong các chiến binh của Tamerlane 1, vì tưởng ông ta là người của phía quân thù, đã xả ông ta làm hai bằng một nhát đao ngọt xớt, khiến ông ta đi tới kết luận rằng trong Cõi mai hậu con người luôn bị chẻ làm hai mảnh.

Nhảm nhí! Hoàn toàn ngược lại, tôi còn thậm chí tin rằng những linh hồn bị chia lìa trong cuộc sống sẽ hòa nhập lại ở Cõi mai hậu. Ngược với những tuyên bố của bọn ngoại đạo đầy tội lỗi vốn đã rơi vào tầm khống chế của Quỷ sứ, quả thực là có một thế giới khác, tạ ơn Thượng đế, và bằng chứng là tôi đang nói chuyện với quí vị từ thế giới ấy đây. Tôi đã chết, song như quí vị có thể nói rõ ràng, tôi không hề ngừng tồn tại. Đương nhiên tôi phải thú thật, tôi không hề thấy những dòng sông chảy bên những hàng cột vàng và bạc của Thiên đàng, những cội cây có lá to bản trĩu quả no tròn và những trinh nữ xinh đẹp đã được đề cập trong kinh Koran Vinh quang – tuy tôi nhớ rất rõ mình đã tô vẽ thường xuyên và hăng say thế nào những bức tranh về các trinh nữ mắt to tròn như được mô tả trong chương “Những gì sẽ đến.” Cũng chẳng hề có dấu vết nào của những dòng sông sữa, rượu vang, nước trong và mật từng được mô tả với xiết bao hoa mỹ, không phải trong kinh Koran, mà bởi những vị chiêm bao thấu thị như Ibn Arabi 2. Nhưng tôi không có ý định thu phục niềm tin của những người vốn đã trải qua một cách công chính những hy vọng và viễn kiến của họ về Thế giới bên kia, nên hãy cho phép tôi tuyên bố rằng tất cả những gì tôi thấy chỉ liên quan cụ thể đến những tình huống rất riêng tư của tôi thôi. Bất kỳ tín hữu nào dù chỉ có rất ít kiến thức về cuộc sống sau cái chết cũng có thể biết rằng một kẻ bất mãn trong tình trạng của tôi cũng rất khó mà nhìn thấy được những con sông ở Thiên đàng.

Tóm lại, tôi, kẻ được gọi là Thợ cả Zarif Effendi 3, đã Chết, những chua được chôn cất, do đó linh hồn tôi chưa hoàn toàn lìa khỏi thân xác. Tình cảnh khác thường này, tuy rằng dĩ nhiên trường hợp của tôi chẳng phải là trường hợp đầu tiên, đã gây ramột nỗi đau khổ kinh hoàng cho cái phần bất tử trong tôi. Tuy chẳng sờ được cái sọ giập nát của mình hay cái thân thể đang thối rữa đầy những vết thương, toàn các xương gãy và ngập một nửa trong nước lạnh giá, nhưng tôi vẫn cảm nhận được nỗi đau khổ sâu xa của linh hồn tôi trong cơn vật vã tuyệt vọng hòng thoát khỏi vòng trói buộc phàm trần của nó. Điều đó tựa như toàn thể thế giới, cùng với thân xác tôi, đã rút gọn lại thành một khối đau thương.

Tôi chỉ có thể so sánh sự rút gọn này với cảm giác kỳ lạ về sự giải phóng mà tôi nhận thấy được trong giây phút vô song của cái chết. Vâng, tôi lập tức hiểu rằng tên đê tiện đó muốn giết tôi khi hắn bất ngờ đập tôi bằng một hòn đá và làm vỡ sọ tôi, nhưng tôi không tin rằng hắn có thể đi tới cùng. Tôi đột nhiên nhận ra rằng mình là một kẻ đầy hy vọng, một điều tôi không ý thức được khi còn sống cái đời mình trong những khoảng tối giữa xưởng làm việc và gia đình. Tôi bấu lấy cuộc sống một cách quyết liệt với tất cả móng tay, ngón tay và hàm răng vốn đã ngập sâu vào da thịt hắn. Tôi sẽ không làm các vị phát chán với những chi tiết đau đớn về những cú đấm đá mà kế đó tôi đã nhận lãnh.

Trong cảnh thống khổ này khi tôi biết mình sẽ chết, một cảm giác nhẹ nhõm không tin được tràn ngập trong tôi. Tôi cảm thấy sự nhẹ nhõm này trong giây phút lìa đời; việc tôi đến được phía bên này thật dịu êm, giống như giấc mơ thấy mình đang ngủ vậy.

Đôi giày bám đầy tuyết và bùn của kẻ giết tôi là điều cuối cùng tôi ghi nhận được. Tôi khép mắt lại cứ như sắp ngủ, và tôi nhẹ nhàng lướt đi.

Điều phàn nàn lúc này của tôi không phải là chuyện những chiếc răng đã rụng như hạt cây vào cái miệng đầy máu của tôi, hoặc ngay cả cái mặt tôi bị giập nát đến không thể nhận ra, hoặc cảnh tôi bị bỏ mặc dưới đáy một cái giếng – mà lại là chuyện mọi người cứ cho rằng tôi còn sống. Tấm linh hồn bối rối của tôi đau khổ vì gia đình và bạn bè thân thiết của tôi, những người, vâng, dẫu thường xuyên nghĩ đến tôi lại tưởng tượng tôi bị vướng vào công việc lặt vặt nào đó, ở đâu đó tại Istanbul, hoặc thậm chí đang theo đuổi một phụ nữ khác. Đủ rồi! Hãy tìm ra xác tôi ngay lập tức, cầu nguyện cho tôi và đưa tôi đi chôn. Trên hết, hãy tìm ra kẻ giết tôi! Vì cho dù quí vị có chôn tôi trong ngôi mộ huy hoàng nhất nhưng chừng nào tên khốn nạn đó còn được tự do thì tôi vẫn còn lăn lộn không yên trong huyệt mộ chờ đợi, gây cho tất cả quí vị cảm giác không đáng tin cậy. Hãy tìm cho ra kẻ sát nhân con-nhà-đĩ-điếm ấy và tôi sẽ kể tỉ mỉ cho quí vị nghe tôi đã nhìn thấy gì trong cái Kiếp sau này – nhưng hãy hiểu điều này: khi bắt được hắn, hắn phải bị tra tấn bằng cách chậm rãi bẻ gãy tám hay mười cái xương của hắn, tốt nhất là bẻ xương sườn bằng một cái ê-tô trước khi chọc thủng da đầu của hắn bằng những cái xiên được các thợ tra tấn chế riêng cho công việc này, và nhổ mái tóc nhơm nhớp ghê tởm của hắn từng sợi một, để mỗi lần nhổ hắn lại rú lên.

Kẻ sát nhân đó là ai mà chọc giận tôi đến thế? Tại sao hắn giết tôi theo kiểu đầy bất ngờ như vậy? Hãy quan tâm và chú ý những chuyện đó. Quí vị nói cuộc đời này đầy rẫy bọn tội phạm đê tiện và đốn mạt sao? Có lẽ đứa này làm, có lẽ đứa kia làm hả? Nếu thế thì cho tôi cảnh báo quí vị: Cái chết của tôi ẩn chứa một âm mưu ghê rợn nhắm vào đạo giáo của chúng ta, nhắm vào các truyền thống và thế giới quan của chúng ta. Hãy mở to mắt, hãy phát hiện ra tại sao những kẻ thù đối với cuộc đời mà quí vị tin tưởng, cuộc đời mà quí vị đang sống, và đối với đạo Hồi lại hủy diệt tôi. Hãy tìm hiểu tại sao một ngày kia chúng có thể gây ra chuyện tương tự cho quí vị. Từng thứ một, tất thảy các thứ đã được tiên đoán bởi đức thầy vĩ đại Nusret Hoia xứ Erzurum 4, người mà tôi đã lắng nghe trong nước mắt, đều đang diễn ra đây.

Hãy cho tôi nói luôn rằng nếu tình cảnh chúng ta rơi vào đã được mô tả trong một cuốn sách, thì ngay cả chuyên gia giỏi nhất trong những tay vẽ tiểu hoạ 5 cũng không bao giờ mong được minh họa cho nó. Giống như với kinh Koran – Cầu Thượng đế đừng để tôi bị hiểu lầm – sức mạnh kinh thiên của một cuốn sách như thế xuất phát từ tính chất bất khả mô tả của nó. Tôi e rằng quí vị không hiểu thấu được điều này.

Hãy nghe tôi. Khi còn là đứa học việc, tôi cũng sợ hãi và do đó cũng phớt lờ những sự thật nền tảng này và các tiếng nói từ cõi bên kia. Tôi đã chế giễu những chuyện như vậy. Nhưng tôi đã kết liễu đời mình ở đáy sâu của cái giếng tồi tệ này! Chuyện đó có thể xảy đến cho quí vị, cẩn thận đấy. Còn bây giờ, tôi chẳng còn biết làm gì ngoài chuyện trông đợi được mục rữa hoàn toàn, để quí vị có thể tìm thấy tôi nhờ lần theo cái mùi nồng nặc đó. Tôi chẳng còn biết làm gì ngoài trông đợi – và tưởng tượng đến cảnh tra tấn mà một người nhân từ nào đó sẽ gây ra cho tên sát nhân đốn mạt ấy một khi hắn bị bắt.

— —— —— —— ——-

1 Tamerlane: tên Latinh của Timur Lenk hoặc Timur-e Lang (1336-1405): kẻ chinh phục phần lớn Tây và Trung Á, lập ra đế quốc Timurid. [Mọi chú thích đều của người dịch].

2 Ibn Arabi (1165-1240): học giả Hồi giáo, triết gia phái thần bí.

3 Effendi: Quí ngài đáng kính,- trong tiếng Thổ. Chúng tôi tạm dịch là “kính mến” khi danh xưng này đứng sau tên gọi.

4 Nusret Hoia: Có lẽ tác giả lấy nguyên mẫu từ Mehmed xứ Birgi (1522-1573), một giáo sĩ chủ trương chống lại mọi cải cách trong hành đạo Hồi giáo, cho rằng mọi ảnh hưởng phương Tây, cho đến cà phê, thuốc lá, bài ca, điệu múa đều ngược với giáo luật Hoja hoặc Khoja, nghĩa là “thủ lãnh, người giảng giải kinh sách.”

5 Nhà tiểu họa: thợ vẽ tranh trang trí, nhất là cho các bản thảo thời đế quốc Ottoman.Họ thường dùng màu sáng, thậm chí dát vàng bạc vào tranh. Tiểu họa Ottoman không theo luật phối cảnh vì theo tinh thần Hồi giáo, vẽ tranh hiện thực là một tội lỗi. Nhân vật chính trong truyện là một nhà tiểu họa.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN