Tên Tôi Là Đỏ
Chương 2
TÔI ĐUỢC GỌI LÀ SIYAH
Sau mười hai năm vắng bóng tôi trở về Istanbul như kẻ mộng du. “Đất đã gọi anh ta,” họ nói thế về những người sắp chết, và trong trường hợp của tôi, cái chết đã kéo tôi trở lại thành phố này, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Khi ban đầu trở lại, tôi nghĩ ở đây chỉ có cái chết; về sau, tôi cũng sẽ gặp tình yêu. Tuy nhiên tình yêu là một điều xa vời và đã bị lãng quên, giống như ký ức về việc đã từng sống ở thành phố này của tôi vậy. Chính ở Istanbul này, cách nay mười hai năm, tôi đã vướng vào tình yêu vô vọng với cô em họ của mình.
Bốn năm sau khi tôi rời Istanbul, trong khi băng qua những thảo nguyên vô tận. những ngọn núi phủ tuyết và những thành phố u buồn xứ Ba Tư để phát thư và thu thuế, tôi tự thú nhận rằng mình đã dần quên đi khuôn mặt của mối tình thời niên thiếu mà tôi đã bỏ lại phía sau. Với nỗi kinh hoàng ngày càng tăng. tôi cố gắng một cách tuyệt vọng để nhớ lại nàng, để rồi nhận ra rằng bất chấp tình yêu, một khuôn mặt lâu ngày không gặp cuối cùng sẽ mờ phai. Trong năm thứ sáu sống ở phương Đông, du hành hoặc làm thư ký phục vụ cho những tổng trấn, tôi biết rằng khuôn mặt mà tôi hình dung không còn là khuôn mặt của người tôi yêu dấu. Sau đó, vào năm thứ tám, tôi đã quên những gì tôi từng gợi lại trong tâm trí một cách sai lầm hồi năm thứ sáu, và lại mường tượng một nét mặt hoàn toàn khác hẳn. Theo cách này, vào năm thứ mười hai, khi tôi trở lại thành phố này ở tuổi ba mươi sáu, tôi đau đớn nhận ra rằng khuôn mặt người tôi yêu từ đấy đã biến mất khỏi tôi rồi.
Nhiều bạn bè và họ hàng tôi đã chết trong mười hai năm biệt xứ của tôi. Tôi đến thăm nghĩa trang nhìn xuống cửa sông Halic 1 cầu nguyện cho mẹ và các cậu tôi, những người đã chết khi tôi vắng mặt. Mùi bùn đất hòa quyện vào ký ức tôi. Ai đó đã làm vỡ một chiếc bình gốm bên mộ mẹ tôi. Chẳng hiểu vì sao, nhìn những mảnh gốm vỡ, tôi bật khóc. Tôi khóc cho người chết hay bởi vì tôi, thật kỳ lạ, chỉ mới bắt đầu cuộc đời mình sau ngần ấy năm? Hay bởi tôi đã đến chỗ kết thúc của chuyến hành trình cuộc đời mình? Tuyết nhẹ rơi. Bị mê hoặc bởi những bông tuyết bay khắp nơi, tôi chìm đắm trong những biến đổi của cuộc đời tôi đến độ không nhận ra con chó mực đang chằm chằm nhìn tôi từ góc tối nghĩa trang.
Nước mắt ngớt, tôi chùi mũi. Tôi thấy con chó mực vẫy đuôi thân thiện khi tôi rời nghĩa trang. Sau này, tôi chuyển đến sống giữa những láng giềng của chúng tôi, thuê một trong những ngôi nhà mà một người họ hàng bên nội của tôi từng sống. Có vẻ như tôi gợi cho bà chủ nhà nhớ lại đứa con trai bà đã bị lính Ba Tư của triều Safavid giết ngoài mặt trận nên bà đã đồng ý lau dọn nhà cửa và nấu ăn cho tôi.
Tôi bắt đầu những chuyến đi bộ dài và thú vị khắp các con đường như thể tôi chưa từng ở Istanbul, mà tạm thời ở một trong những thành phố Ẳ Rập tận đầu kia trái đất. Đường phố trở nên hẹp hơn, hoặc chúng có vẻ như thế với tôi. Ở nhiều nơi, trên những con đường len lỏi giữa những ngôi nhà san sát, tôi buộc phải nép vào tường hoặc các cửa nhà để tránh bị những con ngựa thồ cồng kềnh va phải. Có nhiều người khá giả hơn, hoặc có vẻ như thế với tôi. Tôi thấy một chiếc xe ngựa lộng lẫy, cứ như một tòa thành do những con ngựa kiêu hãnh kéo, những con vật như thế không thể thấy ở Ẳ Rập hay Ba Tư. Gần “Cột Cháy”, tôi thấy một số ăn mày quần áo rách rưới xúm xít vào nhau khi mùi của lòng gà từ khu chợ gà phất qua chỗ họ. Một người bị mù trong số họ mỉm cười khi ông ta theo dõi tuyết rơi.
Nếu có ai nói với tôi Istanbul từng là một thành phố nghèo hơn, nhỏ hơn và hạnh phúc hơn, có thể tôi đã không tin, nhưng đó là những gì con tim tôi nói với tôi. Dù ngôi nhà của người yêu tôi vẫn ở chỗ cũ giữa đám cây đoạn và cây dẻ, nhưng nay những người khác đang sống trong đó, như tôi được biết khi hỏi thăm tận nơi. Tôi phát hiện rằng mẹ của người yêu tôi, tức dì tôi, đã chết, và chồng bà, Enishte 2 của tôi cùng con gái ông đã dọn đi.
Cũng nhờ thế tôi biết được rằng người cha và cô con gái ấy là nạn nhân của những nỗi bất hạnh nào đó, qua lời của những người lạ trong nhà, những người mà trong những tình huống như thế luôn nhiệt tình, không mảy may biết rằng họ đang bóp nát trái tim và hủy hoại giấc mơ của bạn một cách tàn nhẫn đến thế nào. Giờ thì tôi sẽ không mô tả tất cả điều này với bạn, nhưng hãy cho phép tôi nói rằng khi nhớ lại những ngày hè đầy nắng ấm xanh tươi trong khu vườn cũ đó, tôi cũng nhận thấy những nhũ băng to bằng ngón tay út tôi đang bám đầy những nhánh cây đoạn ở một nơi mà nỗi đau khổ, tuyết và sự quên lãng giờ chẳng gợi lại điều gì ngoài cái chết.
Tôi đã biết về một số chuyện xảy ra cho họ hàng của tôi thông qua lá thư Enishte của tôi gửi cho tôi ở Tabriz. Trong thư đó ông rủ tôi trở lại Istanbul, giải thích rằng ông đang chuẩn bị một cuốn sách bí mật cho Đức vua và rằng ông cần tôi giúp đỡ. Ông từng nghe rằng có một thời gian ở Tabriz tôi đã làm sách cho những tổng trấn Ottoman, các thống đốc và người dân Istanbul.Những việc tôi làm hồi đó là dùng tiền tạm ứng của khách hàng, những kẻ đặt hàng làm bản thảo ở Istanbul, để tìm ra những nhà tiểu họa và những nhà thư pháp, họ vốn chán đời vì chiến tranh và sự hiện diện của binh lính Ottoman, nhưng không bỏ đi đến Kazvin hay một thành phố Ba Tư nào khác, và chính những bậc thầy này – luôn phàn nàn về cảnh nghèo túng và bị quên lãng – là những người tôi giao nhiệm vụ sao chép, minh họa và khâu lại các trang bản thảo mà sau đó tôi sẽ gửi trở về Istanbul. Nếu không vì lòng đam mê những cuốn sách đẹp và có minh họa mà Enishte của tôi đã gieo vào lòng tôi thời trẻ tuổi thì có lẽ tôi đã chẳng bao giờ dính dáng vào những đeo đuổi như thế này.
Tại khu chợ cuối con đường, nơi mà Enishte của tôi từng sống, tôi nhận ra người thợ cắt tóc, một bậc thầy trong nghề, tại cửa hàng của y vẫn ở giữa những tấm gương, những dao cạo tinh tươm, bình đựng nước và bàn chải xà phòng ấy. Tôi nhìn vào mắt y nhưng không chắc y nhận ra tôi. Tôi thích thú khi thấy chiếc chậu gội đầu, vốn được treo bằng sợi dây xích thòng từ trần xuống, vẫn đong đưa theo đường vòng cung như xưa, lắc tới lắc lui khi y đổ đầy nước nóng vào.
Một số khu xóm và đường phố tôi từng lui tới thời trẻ đã biến thành khói và tro, thay vào đó là những tàn tích cháy rụi nơi bọn chó hoang tụ họp và nơi những kẻ trú ngụ điên khùng làm kinh hoàng bọn trẻ con trong vùng. Ở những nơi bị lửa thiêu rụi khác những ngôi nhà tráng lệ đã được xây lên,và tôi kinh ngạc trước vẻ xa hoa của chúng, trước những cửa sổ kính màu Venice đắt tiền nhất, và trước những dinh thự hai tầng lộng lẫy với những cửa sổ nhô ra lơ lửng bên trên những bức tường cao.
Như trong nhiều thành phố khác, tiền không còn chút giá trị nào ở Istanbul. Vào lúc tôi từ phương Đông trở về, những hiệu bánh mì từng bán những ổ bánh lớn một trăm đồng drachma 3 lấy một đồng xu bạc nay lại nướng những ổ bánh chỉ bằng phân nửa kích cỡ với giá y như cũ, và chúng không còn mùi vị giống như hồi tôi còn nhỏ. Nếu người mẹ quá cố của tôi chứng kiến ngày bà phải bỏ ra ba đồng bạc để mua một tá trứng, bà sẽ nói “Mình phải bỏ đi trước khi bọn gà trở nên hư hỏng đến độ chúng ỉa lên chúng ta thay vì dưới đất.” Nhưng tôi biết là vấn đề tiền mất giá ở đâu cũng vậy. Người ta đồn rằng những tàu buôn của xứ Venice và Flanders chở đầy những rương tiền giả. Tại sở đúc tiền hoàng gia, nơi một trăm đồng drachma bạc từng được đúc thành năm trăm đồng xu, nay do chiến tranh liên miên với người Ba Tư, nên cùng số đồng drachma bạc đó nay được đúc thành tám trăm đồng xu. Khi binh lính Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện những đồng tiền họ được trả lương thực sự nổi trên cửa sông Halic như những hạt đậu khô rơi từ cầu tàu của chợ đầu mối rau cải, họ đã nổi loạn, bao vây lâu đài của Đức vua như thể nó là pháo đài của kẻ thù.
Một giáo sĩ có tên là Nusret, người giảng đạo tại Thánh đường Bayazid và tự nhận là dòng dõi đấng tiên tri Muhammad vinh quang của chúng tôi, đã nổi danh trong thời kỳ đồi bại, lạm phát, tội phạm và trộm cắp này. Vị hoja xuất xứ từ thị trấn Erzurum nhỏ bé này, cho rằng những thảm họa giáng xuống Istanbul trong mười năm rồi – kể cả những vụ hỏa hoạn ở quận Kazanjilar và Bahcekapi, những cơn dịch bệnh khiến mười ngàn người chết, những cuộc chiến tranh liên miên với người Ba Tư gây tổn thất vô vàn sinh mạng, cũng như việc mất những pháo đài nhỏ Ottoman ở phía Tây cho người Thiên chúa giáo trong cuộc nổi dậy – là do chúng ta đã lạc khỏi con đường của đấng Tiên tri, do coi thường những răn dạy nghiêm khắc của kinh Koran vinh quang, do việc dung dưỡng bọn Thiên chúa giáo, do buôn bán thoải mái rượu vang và do chơi những nhạc cụ trong nhà nguyện của dân khổ tu 4.
Người bán dưa chua, kẻ nhiệt tình cho tôi biết về vị giáo sĩ từ Erzurum đã nói rằng những đồng xu giả này – những đồng ducat mới, những đồng florin giả có in hình sư tử và những đồng xu Ottoman với hàm lượng bạc ngày càng giảm – vốn tràn ngập các chợ búa và khu bán hàng, giống như người Circassia, Abkhazia, Mingaria, Bosnia, Georgia và Armenia vốn đầy trên phố xá, đang kéo chúng tôi xuống cảnh suy thoái cùng cực khó mà thoát ra được. Tôi cũng nghe nói rằng bọn vô lại và phiến loạn tụ tập trong các quán cà phê và kết bè lũ đến sáng; rằng bọn cùng khổ có tính cách đáng ngờ, những kẻ điên khùng nghiện thuốc phiện cùng những kẻ theo phái khổ tu Kalenderi sống ngoài vòng pháp luật, đều khẳng định đi theo con đường của thánh Allah, đã nhảy múa thâu đêm trong những viện khổ tu theo tiếng nhạc, tự dùng xiên đâm mình và sẵn sàng tham gia vào mọi trò đồi bại trước khi giao cấu một cách man rợ với nhau và với bất kỳ cậu trai nào chúng tìm thấy.
Tôi không biết liệu có phải âm thanh du dương của đàn luýt đã cuốn hút tôi theo, hay phải chăng trong trạng thái rối bời của những ký ức và khao khát, tôi không còn có thể chịu đựng được người bán dưa độc địa ấy nữa và bấu lấy tiếng nhạc như một cách để thoát khỏi cuộc nói chuyện. Tuy nhiên tôi biết rõ điều này: Khi bạn yêu một thành phố và thường xuyên đi bộ thám hiểm nó, thì thể xác, chưa nói đến linh hồn bạn, sau một số năm dần sẽ biết rõ những con phố đến độ trong một cơn u sầu, có lẽ bị khuấy động bởi một trận tuyết rơi nhẹ đầy muộn phiền như thế này, anh sẽ phát hiện đôi chân tự ý đưa anh về phía một trong những mũi đất ưa thích của mình.
Đấy là cách tôi tình cờ rời khỏi Chợ Thợ Rèn và cuối cùng đứng ngắm tuyết rơi xuống cửa sông Halic từ một nơi cạnh Thánh đường Suleymaniye. Tuyết đã bắt đầu tích tụ lại trên những mái nhà quay về hướng bắc và trên những phần mái vòm phơi trước làn gió đông bắc. Một con tàu đang tiến vào, với những cánh buồm đang hạ xuống vẫy chào tôi bằng tấm vải bạt phất phơ. Màu cánh buồm hòa với sắc đẫm sương và xám xịt của mặt sông Halic. Những cây bách và cây tiêu huyền, các mái nhà, nỗi buồn của buổi hoàng hôn, những âm thanh đến từ vùng lân cận bên dưới; tiếng rao của những người bán rong và tiếng la của trẻ con đang chơi trong sân thánh đường trộn lẫn trong đầu tôi và tuyên bố rõ ràng rằng, kiếp sau, tôi sẽ không thể sống ở bất cứ nơi nào ngoại trừ thành phố này. Tôi có cảm giác rằng khuôn mặt của người yêu tôi, vốn đã mất hút trong tôi bao năm qua, có thể bất ngờ hiện ra với tôi.
Tôi bắt đầu thả bộ xuống đồi và hòa vào đám đông. Sau buổi cầu kinh tối, tôi lấp đầy dạ dày tôi tại một cửa hàng bán gan.Trong cửa hàng trống trơn, tôi chăm chú lắng nghe ông chủ, người đang trìu mến nhìn tôi ăn từng miếng như thể ông đang cho một con mèo ăn. Theo những chỉ dẫn và hướng đi ông vẽ ra tôi nhận ra mình rẽ vào một trong những con ngõ hẹp đàng sau chợ nô lệ – sau khi đường phố đã sụp tối – và tìm ra quán cà phê.
Bên trong thật đông và ấm. Người kể chuyện, giống những người tôi từng thấy ở Tabriz và các thành phố Ba Tư, và người được dân ở đó gọi là “người cổ vũ,” ngồi trên một chiếc bục cao bên cạnh lò củi. Y mở ra và treo trước mặt đám đông một bức tranh hình một con chó được vẽ vội vã trên tờ giấy thô nhưng có một vẻ tao nhã nào đó. Y đang nói về con chó và thỉnh thoảng chỉ vào bức vẽ.
— —— —— —— ——-
1 Halic (người Anh gọi là Golden Horn – Sừng vàng – theo tên gọi bằng tiếng Hy Lạp): Cửa sông chia Istanbul làm hai.
2 Enishte có nghĩa là “dượng” (theo cách gọi của miền Nam) hay “chú” (theo cách gọi miền Bắc) tức chồng của dì (em gái mẹ mình).
3 Đơn vị tiền tệ của Hy Lạp.
4 Khổ tu: (dervish, tiếng Ba Tư, nghĩa đen, kẻ ăn mày, khất sĩ) Những tín đồ thường thuộc phái Sufi, một hệ phái thần bí muốn tìm đến Thượng đế thông qua chay tịnh, nhịn ăn, tham thiền, nhảy múa, ca hát… Đôi khi họ bị lên án là dị giáo ở các tỉnh miền đông Thổ Nhĩ Kỳ. Một chi phái cực đoan của hệ khổ tu là Kalenderi cũng được nhắc tới trong tiểu thuyết này. Họ chủ trương tránh mọi sự phô trương, biểu tượng bề ngoài và tổ chức giáo phẩm; họ giữ kín việc thờ phượng, coi thường mọi tập tục chính thức của đạo Hồi và ít nhiều chống đối chính quyền.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!