Tên Tôi Là Đỏ - Chương 42
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
66


Tên Tôi Là Đỏ


Chương 42



TÔI LA SIYAH

Phần 1

Nhiều trang bản thảo nằm trước mặt tôi và Sư phụ Osman vĩ đại – một số trang với văn bản được chép tử tế và đã sẵn sàng để khâu lại một số thì chưa tô màu hoặc chưa hoàn chỉnh vì lý do nào đó khi chúng tôi bỏ cả buổi chiều để đánh giá các tay tiểu họa bậc thầy và các trang trong pho sách do Enishte của tôi làm, và ghi chép các đánh giá của chúng tôi. Chúng tôi cứ nghĩ mình đã gặp người cuối cùng trong số những thuộc hạ đáng kính nhưng thô lậu của viên Chỉ huy, người đã mang cho chúng tôi những trang sách thu được từ các nhà tiểu họa và thư pháp sau khi đã xông vào lục soát nhà họ (một số trang chả liên quan gì tới hai cuốn chúng tôi đang làm, một số khác còn cho thấy các nhà tiểu họa cũng đang lén lút nhận thêm việc ở ngoài cung điện để kiếm thêm ít đồng bạc), thì người tự tin nhất trong bọn họ bước tới chỗ vị thầy lừng lẫy và lôi từ trong áo choàng ra một tờ giấy.

Ban đầu tôi chẳng để ý, cứ nghĩ đó là đơn thỉnh nguyện của một ông bố nào đó đang muốn xin cho con được học việc bằng cách tiếp cận càng nhiều trưởng ban và trưởng nhóm càng tốt.

Qua ánh sáng nhợt nhạt tràn vào trong phòng, tôi có thể biết nắng sớm đã tắt. Để mắt được nghỉ ngơi, tôi thực hành một bài tập mà các lão họa sư ở Shiraz đã khuyên dân tiểu họa nên tập để ngăn chứng mù lòa sớm, nghĩa là, tôi cố nhìn trống rỗng ra xa mà không chú mục vào đâu cả. Chính lúc đó tôi rùng mình nhận ra cái màu sắc ngọt ngào và những nếp gấp đúng tim của tờ giấy sư phụ tôi đang cầm trên tay mà nhìn chăm chăm với vẻ như không tin vào mắt mình. Cái này trùng khớp y hệt với những lá thư mà Shekure đã gửi cho tôi qua Esther. Tôi định thốt lên “trùng hợp làm sao”, như một thằng ngốc thì nhận ra rằng, giống như lá thư thứ nhất của Shekure, nó đi kèm với một bức vẽ trên giấy thô.

Sư phụ Osman giữ bức vẽ lại, ông đưa tôi lá thư mà đến lúc đó tôi mới bối rối nhận ra là của Shekure.

Anh Siyah thân yêu.

Em bảo Esther đi hỏi thăm Kalbiye, cô vợ góa của Ngài Zarif Kính mến. Khi ở đó Kalbiye có cho Esther xem trang giấy có minh họa mà em gửi cho anh đây. Sau đó em có tới nhà Kalbiye, làm mọi cách trong khả năng em để thuyết phục cô ấy rằng đưa cho em bức tranh là điều có lợi cho cô ấy nhất. Trang này nằm trên xác của Zarif Kính mến khi người ta mang ông từ giếng lên. Kalbiye thề rằng không hề có ai thuê chồng cô ta – cầu cho ông ấy được an nghỉ trong ánh sáng thần thánh – vẽ ngựa cả. Vậy thì ai đã vẽ chúng? Tay chân của ngài Chỉ huy đã lục soát trong nhà. Em gửi thư này vì vấn đề này hẳn có ý nghĩa quan trọng cho cuộc điều tra. Các con kính cẩn hôn tay anh.

Vợ anh, Shekure.

Tôi cẩn thận đọc lại ba chữ cuối của lá thư đẹp đẽ này đến ba lần cứ như đang ngắm ba đóa hồng nhung tuyệt vời trong một khu vườn. Tôi chồm tới nhìn trang giấy mà Sư phụ Osman đang xem xét với kính phóng đại trên tay. Tôi lập tức nhận ra rằng những hình dáng với màu mực đã bị nhòe đi là những con ngựa được phác ra chỉ trong một động tác như các lão sư phụ vẫn làm cho quen tay.

Sư phụ Osman, vốn đã đọc lá thư của Shekure mà không bình luận gì, lên tiếng hỏi: “Ai vẽ cái này?” Rồi ông tự trả lời: “Dĩ nhiên, cũng cái tay họa sĩ đã vẽ ngựa cho Enishte quá cố.”

Sao ông có thể chắc chắn như vậy? Hơn nữa, chúng tôi tuyệt đối không thể biết chắc ai đã vẽ ngựa cho cuốn sách. Chúng tôi lấy hình ngựa trong số chín trang sách ra và bắt đầu xem xét.

Đó là một con ngựa màu nâu đỏ, đẹp, đơn giản, mà bạn không thể rời mắt được. Tôi có thực lòng khi nói thế không? Tôi có rất nhiều thời gian nhìn ngắm con ngựa này với Enishte của tôi và cả sau đó, khi tôi còn lại một mình với những bức minh họa này, nhưng lúc đó tôi không nghĩ nhiều về nó. Đó là một con ngựa đẹp, nhưng bình thường. Nó bình thường đến độ chúng tôi thậm chí không thể xác định ai đã vẽ. Nó không phải màu hung đỏ đích thực, mà có vẻ nâu sậm hơn; cũng có loáng thoáng ánh đỏ trên lông nó. Đó là mẫu con ngựa tôi thường thấy trong những sách khác và những minh họa khác mà tôi biết là được vẽ như máy và tay họa sĩ không buồn dừng lại để xem xét gì cả.

Chúng tôi cứ nhìn chăm chú con ngựa như thế cho đến khi phát hiện ra nó ẩn chứa một bí mật. Tuy nhiên, lúc này tôi có thể thấy một vẻ đẹp trong con ngựa tỏa ra như hơi nóng bốc lên trước mắt tôi, và trong đó có một sức mạnh khơi dậy niềm khao khát được sống, được học hỏi và ôm trọn cả thế giới. Tôi tự hỏi, tay tiểu họa với thần bút có thể miêu tả con ngựa theo cách nhìn của đấng Allah thế kia là ai vậy? Cứ như tôi đã đột nhiên quên mất hắn ta chẳng là gì hơn một kẻ sát nhân đê tiện. Con ngựa trước mắt tôi cứ như một con ngựa thật, nhưng đâu đó trong tâm trí tôi cũng biết rằng đó là một bức minh họa; việc nằm lọt giữa hai ý nghĩ đó quả là thích thú và gợi lên trong tôi ý thức về sự trọn vẹn và hoàn hảo.

Trong một lúc, chúng tôi so sánh những con ngựa nhòe nhoẹt được vẽ để thực tập với con ngựa được làm cho cuốn sách của Enishte, rồi sau cùng quyết định rằng chúng là do cùng một bàn tay vẽ ra. Nhưng tư thế kiêu hãnh của con ngựa nòi mạnh mẽ và thanh tú ấy gợi tới sự tĩnh hơn là sự động. Tôi ngồi đó chiêm ngưỡng con ngựa trong cuốn sách của Enishte.

“Đây là con ngựa thật kỳ lạ,” tôi nói, “nó khiến ta bị thôi thúc muốn lấy ra một tờ giấy và sao chép lại nó, rồi vẽ đến từng chi tiết cuối cùng.”

“Lời khen cao nhất cậu có thể dành cho một họa sĩ là nói rằng tác phẩm của anh ta đã khơi dậy ở cậu nhiệt tình muốn vẽ,” Sư phụ Osman nói. “Nhưng lúc này hãy quên tài năng của hắn đi mà cố tìm ra lai lịch của con quỷ dữ này. Có bao giờ Enishte Kính mến, cầu cho ông ta được yên nghỉ, nói đến loại chuyện nào cần đi kèm bức vẽ kiểu này không?”

“Không. Nghe ông ấy nói đây là một trong những con ngựa từng sống tại những miền đất do Quốc vương hùng mạnh của ta cai trị. Đó là một con ngựa đẹp: một con của dòng Ottoman. Nó là biểu tượng chứng tỏ cho Pháp quan Venice thấy sự giàu có và các lãnh thổ do Quốc vương ta cai quản. Nhưng mặt khác, cũng như với tất cả những gì do các họa sư Venice miêu tả, con ngựa này cũng có vẻ giống thật hơn con ngựa sinh ra từ ý của Thượng đế, giống một con ngựa được nuôi trong một chuồng ngựa nào đó với một tay chăn ngựa nào đó ở Istanbul để Pháp quan Venice phải tự nhủ rằng, â��Nếu như các nhà tiểu họa Ottoman đã đạt tới chỗ nhìn thế giới giống như chúng ta, thì những người Ottoman cũng đã đi tới chỗ giống chúng ta’ rồi từ đó chấp nhận quyền lực và tình hữu nghị của Quốc vương ta. Bởi nếu ta bắt đầu vẽ một con ngựa khác đi, ta sẽ bắt đầu nhìn thế giới khác đi. Mặc cho những đặc thù của nó, con ngựa này đã được thể hiện theo phong cách của những họa sư xưa.”

Chúng tôi càng ngẫm nghĩ về con ngựa chừng nào thì trong mắt tôi nó càng trở nên đẹp đẽ và quý giá chừng ấy. Miệng nó hơi hé ra, ta thấy được cái lưỡi của nó giữa hai hàm răng. Đôi mắt nó tỏa sáng. Bốn chân nó mạnh mẽ và thanh tú. Liệu một bức vẽ sẽ trở nên huyền thoại nhờ nội dung của nó hay nhờ những điều người ta nói về nó? Sư phụ Osman vẫn di chuyển cái kính phóng đại rất chậm rãi trên bức vẽ con vật.

“Con ngựa này muốn truyền đạt điều gì vậy?” Tôi hỏi với nhiệt tình ngây thơ. “Tại sao con ngựa này tồn tại? Ôi ngựa ơi! Có gì ở con ngựa này? Tại sao con ngựa này kích thích tôi đến vậy?”

“Những tranh vẽ cũng như sách làm theo lệnh các tiểu vương, đại vương và tổng trấn đều biểu thị sức mạnh của họ”, Sư phụ Osman nói. “Các vị ấy thấy những công trình này là đẹp đẽ, với bao vàng dát đắt tiền và tổn hao công sức cũng như thị lực bởi chúng là bằng chứng cho sự giàu có của kẻ trị vì. Cái đẹp của một bức vẽ là rất quan trọng vì nó chứng tỏ rằng tài năng của nhà tiểu họa là hiếm hoi và đắt giá cũng như vàng được dùng để làm ra bức tranh vậy. Người khác sẽ thấy bức vẽ một con ngựa là đẹp bởi vì nó trông giống ngựa, nó là một con ngựa theo ý Thượng đế hay một con ngựa hoàn toàn tưởng tượng; hiệu quả của độ chân xác là tùy ở tài năng. Với bọn ta, cái đẹp trong minh họa bắt đầu ở sự tinh tế và phong phú của ý nghĩa. Dĩ nhiên, việc phát hiện ra con ngựa này không chỉ hé lộ chính nó mà còn hé lộ cả bàn tay của kẻ sát nhân, dấu hiệu của điều khủng khiếp đó, nó sẽ làm tăng ý nghĩa của bức vẽ. Rồi tới chuyện hiểu ra rằng không phải hình ảnh của con ngựa, mà bản thân con ngựa mới là đẹp; tức là, nhìn bức minh họa con ngựa không phải như một bức minh họa nữa, mà như một con ngựa thực sự.”

“Nếu sư phụ nhìn bức vẽ này cứ như đang nhìn một con ngựa, thế thì sư phụ thấy cái gì ở đó?”

“Nhìn vóc dáng con ngựa này, ta có thể nói nó không phải giống ngựa lùn, mà là một con ngựa đua giỏi, xét theo độ dài và độ cong của cái cổ và ta thấy độ phẳng ở cái lưng của nó là rất thích hợp cho những chuyến đi dài. Nhìn bốn cái chân mảnh khảnh của nó ta có thể nghĩ rằng nó lanh lẹ và khôn ngoan như một con ngựa Ẳ Rập, nhưng phần thân của nó lại dài và lớn quá không thể là giống Ẳ Rập được. Vẻ thanh tú của bốn chân gợi tới điều mà học giả Fadhan xứ Bukhara đã nói về những giống ngựa quý trong cuốn “Sách về ngựa” của ông ta, rằng nếu gặp một con sông nó sẽ dễ dàng nhảy qua không chút giật mình hay sợ hãi. Ta thuộc nằm lòng những điều ly kỳ viết về những giống ngựa tốt nhất trong cuốn này, vốn được bác sĩ thú y hoàng gia xứ mình là Fuyuzi dịch lại rất hay, và ta dám nói thẳng với cậu rằng từng chữ trong đó đều đúng với con ngựa nâu đỏ trước mắt chúng ta đây: Một con ngựa tốt thì phải có cái mặt đẹp và đôi mắt của loài linh dương; tai của nó phải thẳng như cây sậy và tách xa nhau; một con ngựa tốt cũng phải có răng nhỏ, trán tròn trịa và lông mày thưa; nó phải cao, lông dài, bụng ngắn, mũi nhỏ, vai nhỏ, lưng phẳng và rộng; đùi nó phải tròn trịa, cổ dài, ngực nở, mông lớn, mé trong bắp đùi phải đầy đặn. Con ngựa như vậy phải trông kiêu hãnh và trang nhã và khi bước đi, trông tướng nó cứ như đang chào mọi người hai bên”

“Vậy chính là con này rồi,” tôi nói, nhìn vào bức vẽ con ngựa đầy ngạc nhiên.

“Chúng ta đã phát hiện con ngựa này,” Sư phụ Osman nói với nụ cười chua chát cố hữu, “nhưng tiếc thay nó chẳng giúp gì được cho chúng ta trong việc tìm ra lai lịch tay họa sĩ, bởi vì ta biết không một nhà tiểu họa hiểu biết nào vẽ ngựa mà lại dùng một con ngựa thật làm mẫu. Những tay tiểu họa của ta, đương nhiên, sẽ vẽ con ngựa liền một mạch mà chỉ theo trí nhớ. Để rõ hơn, ta nhắc lại cho cậu nhớ rằng hầu hết bọn họ đều bắt đầu vẽ phác hình con ngựa từ móng ngựa trở lên.”

“Làm vậy không phải để con ngựa trông có vẻ đứng vững chãi trên mặt đất sao?” Tôi nói như cố giải thích.

“Như Jemalettin xứ Kazvin có viết trong cuốn minh họa ngựa, người ta chỉ có thể hoàn tất một bức vẽ ngựa bắt đầu từ móng trở lên nếu người ta có cả một con ngựa trong trí nhớ. Đương nhiên để có được một con ngựa qua rất nhiều suy tư và hồi tưởng, hoặc buồn cười hơn, bằng cách nhìn đi nhìn lại con ngựa làm mẫu, người ta chắc hẳn sẽ vẽ từ đầu xuống cổ rồi từ cổ xuống thân mình. Ta nghe nói có những nhà minh họa ở Venice hoan hỉ bán cho mấy ông thợ may và bán thịt những bức như vậy về mấy con ngựa thồ tầm thường trên phố được vẽ một cách lờ mờ theo kiểu vẽ thử rồi sửa. Một bức minh họa như vậy chẳng liên quan chút nào đến ý nghĩa của thế giới này hay cái đẹp trong sự sáng tạo của Thượng đế. Nhưng ta tin rằng ngay cả những họa sĩ tầm thường cũng phải biết, một bức minh họa đích thực thì không thể vẽ theo những gì con mắt nhìn thấy trong một lúc nào đó mà phải vẽ theo những gì bàn tay nhớ được và đã quen thuộc. Người họa sĩ luôn cô đơn trước trang giấy. Chỉ với lý do này thôi hắn đã phải luôn luôn lệ thuộc vào trí nhớ. Bây giờ, chẳng còn gì cho chúng ta làm ngoài việc sử dụng â��phương pháp gái điếm’ để khám phá chữ ký ẩn giấu trong con ngựa này, vốn được vẽ theo trí nhớ qua động tác mau lẹ và khéo léo của bàn tay. Hãy xem kỹ hơn nào.”

Ông lại tiếp tục di chuyển chậm rãi tấm kính phóng đại trên hình vẽ con ngựa, cứ như đang cố gắng khám phá ra vị trí kho báu trên một tấm bản đồ xưa được thể hiện một cách tỉ mỉ trên tấm da dê.

“Vâng,” tôi nói, như một đệ tử chịu áp lực muốn đạt được một phát hiện mau chóng và thông minh khả dĩ tạo ấn tượng với sư phụ mình. Mình có thể so sánh màu sắc và nét thêu trên tấm chăn lót yên ngựa trong bức này với những bức vẽ khác.”

“Những nhà tiểu họa bậc thầy của ta thậm chí không thèm thò cọ tới những mẫu hoa văn đó nữa kìa. Mấy đứa học việc sẽ vẽ áo quần, thảm và chăn nệm trong tranh. Có lẽ Zarif Kính mến quá cố chắc đã làm những chuyện ấy. Nên bỏ qua ý đó đi.”

“Thế còn tai thì sao?” Tôi nói với cảm giác bối rối. “Cái tai của bọn ngựa…”

“Không. Mấy cái tai này không thay đổi gì cả từ thời Tamerlane; nó cũng giống như lá sậy vậy thôi, thứ mình quá rành rồi.”

Tôi định nói thế còn cách tết bờm ngựa và cách mô tả từng sợi lông của nó, nhưng lại im lặng, không hào hứng chút nào với trò chơi sư phụ – đệ tử học việc này. Nếu tôi là đứa học việc, tôi phải biết vị trí của mình.

“Nhìn đây này,” Sư phụ Osman nói với cái vẻ chán chường nhưng vẫn chăm chút của một bác sĩ đang chỉ ra một hạch mủ cho đồng sự xem. “Cậu thấy không?” Ông di chuyển kính phóng đại trên đầu con ngựa và chậm rãi dời nó ra xa bề mặt bức vẽ. Tôi cúi đầu xuống để nhìn rõ những nét được phóng to qua tấm kính.

Mũi con ngựa thật khác lạ: đó là hai lỗ mũi của nó.

“Thấy không?” Sư phụ Osman hỏi.

Để chắc chắn về điều đã nhìn thấy, tôi nghĩ mình phải chú mục sau tấm kính. Khi Sư phụ cũng làm như vậy thì má chúng tôi chạm vào nhau sau thấu kính mà lúc này đã cách xa bức tranh. Nhất thời tôi giật mình khi cảm thấy độ thô nhám của hàm râu và cái má mát lạnh của ông trên mặt tôi.

Một lát im lặng. Tưởng như một điều gì đó kỳ diệu đang xảy ra trong bức tranh chỉ cách cặp mắt mệt mỏi của tôi độ gang tay, và chúng tôi chứng kiến điều đó với cảm giác vừa kính cẩn vừa sợ hãi.

“Có chuyện gì với cái mũi đâu?” Mãi một lúc sau tôi mới thì thào thành lời.

“Hắn ta vẽ cái mũi kỳ cục quá,” Sư phụ Osman nói mà không rời mắt khỏi trang giấy.

“Có lẽ hắn ta lỡ tay chăng? Một sai sót phải không?”

Chúng tôi vẫn xem xét cách thể hiện cái mũi độc đáo, khác thường ấy.

“Phải đây là phong cách mượn hứng từ Venice mà mọi người. kể cả những họa sư Trung Hoa, đã bắt đầu nói đến đó không?” Sư phụ Osman hỏi một cách đùa cợt.

Tôi chìm hẳn vào bực bội, cứ nghĩ rằng ông thầy đang chế giễu Enishte quá cố của tôi: “Enishte của tôi, cầu ông được an nghỉ, thường nói rằng mọi sai sót đều không phát sinh từ sự kém khả năng hay tài hoa mà từ chiều sâu tâm hồn của nhà tiểu họa, không nên coi chúng là sai sót mà hãy coi là phong cách.”

Cho dù nó xảy ra thế nào, do chính bàn tay họa sĩ hay do con ngựa, thì cũng chẳng có manh mối gì, ngoài cái mũi này, về lai lịch của kẻ đê tiện đã sát hại Enishte. Bởi vì, ngoài việc nhận ra cái lỗ mũi, chúng tôi còn gặp khó khăn trong việc nhận diện cái mũi của những hình ngựa đã nhòe mực trên trang giấy tìm được trên xác Zarif Kính mến.

Chúng tôi bỏ nhiều giờ lục lại những bức vẽ ngựa mà các nhà tiểu họa yêu dấu của Sư phụ Osman đã làm cho nhiều cuốn khác nhau trong mấy năm gần đây, mong tìm ra nét bất thường tương tự ở mũi của chúng. Vì cuốn Sur-nama vốn đang được hoàn chỉnh, đã mô tả các đoàn thể và phường hội đi bộ diễu hành trước mắt Quốc vương, nên có rất ít hình ngựa trong số hai trăm năm mươi minh họa cho cuốn đó. Các phái viên được cử tới xưởng làm sách mỹ thuật, nơi lưu trữ một số sách hình, mấy cuốn sổ ghi chép theo khổ chuẩn và những pho sách mới hoàn tất, cũng như tới các phòng riêng của Quốc vương và hậu cung để có thể mang về mọi cuốn sách chưa được cất giữ và giấu kín trong kho tàng của cung điện, toàn bộ công việc này dĩ nhiên đều được Quốc vương cho phép.

Trong một minh họa hai trang của pho Zafar-nama tìm được trong phòng của một hoàng tử trẻ, vẽ cảnh tang lễ của Quốc vương Kanuni Suleyman, người đã chết trong trận vây hãm Szegetvar, chúng tôi trước hết xem xét con ngựa hung đỏ với một vệt lang trắng, con ngựa xám có đôi mắt linh dương kéo cỗ xe tang lễ và những con ngựa rầu rĩ khác có nệm lót yên và bộ yên thêu chỉ vàng rất ngoạn mục. Kelebek, Zeytin và Leylek đã minh họa những con ngựa này. Dù là ngựa đang kéo cỗ xe tang lễ có bánh cỡ lớn hay đang đứng nghiêm với đôi mắt đẫm lệ nhìn đăm đăm ông chủ của chúng được liệm trong vải đỏ, tất cả đều có cùng tư thế trang nhã vay mượn từ các lão họa sư ở Herat, nghĩa là một chân trước kiêu hãnh đưa ra, còn chân kia đứng vững chãi trên mặt đất. Mọi cái cổ của bọn chúng đều dài và cong, đuôi cột lại, bờm được cắt tỉa và chải mượt, nhưng chẳng con nào có nét kỳ lạ mà chúng tôi đang tìm kiếm. Nét đặc biệt ấy cũng không thấy ở hàng trăm con ngựa mang trên lưng các sĩ quan chỉ huy, các học giả và hoja, những người dự tang lễ hiện đang đứng nghiêm trang trên những mỏm đồi xung quanh để tỏ lòng kính viếng Quốc vương Suleyman.

Có gì đó của sự buồn rầu trong đám tang u ám này đã lan qua chúng tôi. Thật bối rối cho chúng tôi khi thấy bản thảo có minh họa này, vốn đã tiêu tốn rất nhiều công phu của Sư phụ Osman và các tay tiểu họa, lại bị đối xử tồi tệ, và các cô trong hậu cung, khi chơi trò chơi với các hoàng tử, đã ghi chép và đánh dấu rất nhiều chỗ trên trang giấy. Bên cạnh cội cây nơi ông nội của Quốc vương chúng tôi săn bắn có ghi những đòng chữ xiên xẹo “Đức ngài cao quý của tôi, tôi yêu ngài và chờ đợi ngài với sự kiên trì của gốc cây này.” Và như thế, với con tim đầy cảm giác thất bại và rầu rĩ, chúng tôi lần mò qua những pho sách huyền thoại mà tôi đã từng nghe đến việc tạo tác ra chúng nhưng chưa hề được thấy.

Trong quyển thứ hai của bộ Huner-nama, vốn từng nhận được nét cọ của ba bậc thầy tiểu họa, chúng tôi thấy đằng sau khẩu thần công ầm vang và những lính bộ binh là hàng trăm con ngựa đủ màu sắc, trong đó có những con hung đỏ, xám và xanh đeo áo giáp, bước lóc cóc thành đàn, mang trên lưng những kỵ binh spahi kiêu dũng cầm liễu đao, băng qua những mỏm đồi nhuộm hồng trong một cuộc diễu hành trật tự, nhưng không có cái mũi nào của chúng có sơ suất cả. “Rốt cuộc là sơ suất gì đây hở trời!” Sư phụ Osman sau đó kêu lên trong khi xem xét cổng Ngoại môn Bab-i-Humayun của hoàng cung và bãi duyệt binh Alay Meydani nơi chúng tôi đang có mặt đúng lúc đó. Chúng tôi cũng không phát hiện được dấu vết đang tìm kiếm trên mũi những con ngựa đủ màu sắc của bọn binh sĩ, lính chạy cờ và các Thượng thư Thượng Hội đồng trong bức vẽ này, vốn mô tả hình ảnh bệnh viện ở xa xa về bên phải, Cung Tiếp kiến của Quốc vương, và những hàng cây ở ngoài sân theo một tỷ lệ đủ nhỏ để lọt vào trong bộ khung tranh nhưng vẫn đủ lớn để xứng với tầm quan trọng của chúng trong tâm trí chúng tôi. Chúng tôi xem vua Yavuz Selim 1, ông cố nội của Quốc vương chúng tôi, trong thời điểm tuyên chiến với vua của dân Dhulkadirid, dựng lều hoàng gia dọc bờ sông Kuskun và đi săn với bầy chó đen đuôi đỏ, những chú linh dương non nhảy hất mông lên trời và những con thỏ hoảng hốt, trước khi bỏ lại một con báo nằm trong vũng máu, những vết đốm của nó nở rộ như hoa. Cả con ngựa hung đỏ có vết lang trắng của Quốc vương lẫn những con ngựa của những người huấn luyện chim ưng đang chờ đợi với con chim của họ đậu sẵn trên cánh tay, đều không có dấu vết mà chúng tôi đang tìm kiếm.

Cho đến hoàng hôn, chúng tôi đã săm soi hàng trăm con ngựa ra đời từ nét cọ của Zeytin, Kelebek và Leylek trong bốn hoặc năm năm gần đây: từ con ngựa hung có bờm và đuôi trắng và tai to như tai voi của Đại hãn Mehmet Giray xứ Crimea; những con ngựa đen điểm vàng; những con ngựa xám ngả hồng mà chỉ thấy đầu với cổ ló lên sau đỉnh đồi trong trận chiến; những con ngựa của Tổng trấn Haydar, người đã tái chiếm pháo đài Halkul- Vad từ tay bọn ngoại đạo Tây Ban Nha ở Tunisia và những con ngựa hung đỏ và ngựa màu quả hồ trăn của bọn Tây Ban Nha, một con trong số đó bị té chúi đầu xuống trong khi bỏ chạy trước mặt Tổng trấn, một con ngựa ô đã khiến Sư phụ Osman phải nhận xét, “Ta đã bỏ sót con này. Không biết gã nào vẽ vời bất cẩn như thế?”; một con ngựa đỏ lịch sự vểnh tai nghe tiếng đàn luýt của một cậu thị đồng đang chơi dưới gốc cây; con ngựa của Shirin, tên là Shebdiz, cũng e lệ và thanh tú như cô chủ, đang chờ đợi trong khi cô tắm trong hồ dưới ánh trăng; những con ngựa linh hoạt dùng trong những cuộc đấu thương kỵ mã; con ngựa như bão cuốn và anh chàng chăn ngựa xinh trai của nó đã khiến Sư phụ Osman vì lý do nào đó lại nhận xét, “Hồi trẻ ta yêu nó lắm, ta rất mệt”; con ngựa vàng óng màu nắng và có cánh mà đấng Allah đã phái xuống cho tiên tri Elijah để bảo vệ ông này trước cuộc tấn công của bọn ngoại đạo – mà đôi cánh lại bị vẽ nhầm sang cho Elijah; con ngựa xám thuần chủng của Quốc vương Kanuni Suleyman, đầu nhỏ, thân mình to lớn, đang buồn bã nhìn ông hoàng trẻ tuổi dễ thương; những con ngựa bị khích động; những con ngựa phi nước đại; những con ngựa mỏi mệt; những con ngựa xinh xắn; những con ngựa mà không ai để ý; những con ngựa vốn sẽ chẳng bao giờ rời khỏi trang giấy; và những con ngựa đã nhảy qua những đường viền mạ vàng mà thoát khỏi cảnh tù hãm.

Không con nào trong bọn chúng có dấu hiệu mà chúng tôi đang tìm kiếm.

Cho dù vậy, chúng tôi vẫn có thể duy trì một cảm giác hào hứng bền bỉ mặc cho sự mỏi mệt và chán nản chụp xuống chúng tôi: Đôi lúc chúng tôi quên hẳn bọn ngựa mà chìm đắm vào vẻ đẹp của một bức vẽ, vào những màu sắc buộc ta phải nhất thời chịu khuất phục. Sư phụ Osman luôn nhìn vào các bức vẽ – phần lớn là do chính ông vẽ ra, giám sát hoặc tô điểm – vì lòng hoài niệm hơn là ngạc nhiên. “Mấy bức này là của Kasim ở địa bàn của Tổng trấn Kasim!” Có lần ông nói thế, trong khi tay chỉ vào những đóa hoa nhỏ màu tía ở chân dãy lều dã chiến của Quốc vương Suleyman, ông nội của Quốc vương chúng tôi. “Hắn không thể nào là một họa sư được, nhưng trong suốt bốn mươi năm hắn đã lấp đầy những khoảng trống chết của các bức tranh bằng những đóa hoa năm cánh xếp thành một lớp duy nhất này, trước khi hắn bị bất đắc kỳ tử hai năm trước. Ta luôn giao cho hắn vẽ bông hoa nhỏ này vì hắn vẽ nó đẹp hơn bất kỳ ai khác.” Ông im lặng một lát, rồi kêu lên, Thật tội nghiệp, tội nghiệp!”

Với cả linh hồn, tôi nhận ra rằng những lời đó tượng trưng cho sự kết thúc của một thời kỳ.

Bóng tối đã gần như phủ vây chúng tôi thì có một luồng ánh sáng tràn vào phòng. Có tiếng lao xao rối loạn. Trái tim tôi, vốn đã bắt đầu đập như trống, nhận ra ngay lập tức: Đấng cai trị thế giới, Đức Ngài Quốc vương của chúng tôi, đã đột ngột giá lâm.

Tôi phủ phục trước chân Ngài. Tôi hôn gấu hoàng bào của Ngài. Đầu óc tôi quay cuồng. Tôi không dám nhìn vào mắt Ngài.

Nhưng Ngài đã bắt đầu nói chuyện với Sư phụ Osman Trưởng ban Trang trí. Lòng tôi đầy một niềm tự hào sôi nổi khi chứng kiến Ngài nói chuyện với người mà cách đây vài phút vừa cùng tôi ngồi tựa gối vào nhau xem các bức vẽ. Thật không tin được; Đức vua anh minh của chúng tôi hiện đang ngồi ở chỗ tôi vừa ngồi lúc nãy và Ngài đang chăm chú lắng nghe sư phụ tôi giải thích, như tôi vừa nãy đã lắng nghe. Vị Trưởng Ngân khố, người đang ở cạnh Ngài và đầu lãnh nhóm chăn dắt chim ưng cùng một số người khác mà tôi không rõ lai lịch đang canh phòng cẩn mật quanh Ngài và nhìn chăm chú vào những trang sách mở.

Tôi thu hết can đảm nhìn thật lâu vào gương mặt và đôi mắt của đấng Chúa tể thế giới, dù chỉ là liếc trộm. Ngài đẹp đẽ làm sao! Chính trực và nghiêm trang làm sao! Tim tôi không còn đập dồn dập nữa. Ngay lúc đó, Ngài bắt gặp ánh mắt của tôi.

“Ta rất thích Enishte của ngươi, cầu cho ông ta được an nghỉ,” Ngài nói. Phải, Ngài đang nói với tôi. Trong cơn xao xuyến, tôi nghe không ra những điều Ngài nói. “Ta rất đau lòng. Tuy vậy, thật sảng khoái khi thấy mỗi bức vẽ ông ta làm ra đều là một tuyệt tác. Khi tên ngoại đạo ở Venice nhìn thấy chúng, y sẽ phải sững sờ và kính sợ sự sáng suốt của ta. Các ngươi phải xác định gã tiểu họa đáng nguyền rủa kia là ai qua cách vẽ cái mũi ngựa này. Nếu cần thì cứ tra tấn tất cả bọn tiểu họa, dù có tàn bạo đến đâu đi nữa.”

“Tâu Quốc vương anh minh, nơi trú ẩn của thế giới,” Sư phụ Osman nói. “Hẳn chúng ta có thể êm thấm bắt được tác giả của nét cọ vẽ lỡ này nếu các tay tiểu họa của thần bị buộc phải vẽ thật nhanh một con ngựa trên tờ giấy trắng mà chẳng biết là cho câu chuyện nào cả.”

“Dĩ nhiên, với điều kiện đây thực sự là một nét cọ lỡ chứ không phải một cái mũi thật ngoài đời,” Đức vua phán một cách sâu sắc.

“Tâu Hoàng thượng,” Sư phụ Osman nói, “nếu một cuộc thi vì mục đích này theo chỉ dụ của Hoàng thượng được công bố tối nay; nếu một vệ binh được phái tới nhà các tay tiểu họa, yêu cầu họ vẽ thật nhanh một con ngựa trên giấy trắng cho cuộc thi này…”

Đức vua nhìn sang Chỉ huy Ngự lâm quân với vẻ như muốn nói, “Ngươi nghe thấy chưa?” rồi Ngài nói, “Các ngươi biết ta thích nhất chuyện nào trong các chuyện thi tài của thi sĩ Nizami không?”

Vài người trong chúng tôi đáp, “Chúng thần biết.” Một số khác nói, “Chuyện nào vậy tâu Hoàng thượng?” Một số khác, trong đó có tôi, chỉ im lặng.

“Ta không thích cuộc thi của các nhà thơ hay câu chuyện về cuộc thi giữa các họa sĩ Trung Hoa và phương Tây với cái gương,” Quốc vương sáng láng nói. “Ta thích nhất là cuộc thi của các lương y dám đua tranh đến chết.”

Nói xong, Ngài đột ngột từ biệt chúng để đi cầu kinh tối.

Sau đó, khi lệnh cầu kinh tối được ban ra, lúc trời đã nhá nhem, sau khi ra khỏi cổng hoàng cung, tôi vội vàng đi về xóm nhà mình; giữa lúc đang sung sướng nghĩ tới Shekure, những đứa trẻ và mái nhà của chúng tôi thì tôi kinh hoàng nhớ lại câu chuyện về cuộc thi giữa các lương y:

Một trong hai lương y dự thi trước mặt quốc vương của họ – vị lương y thường được vẽ mặc đồ màu hồng – bào chế một viên độc dược xanh đủ mạnh để hạ gục một con voi rồi đưa cho vị lương y kia, người được vẽ mặc áo chùng xanh dương. Vị lương y này nuốt viên độc dược trước, sau đó thì nuốt tiếp một viên thuốc giải màu xanh dương mà ông vừa bào chế. Qua tiếng cười nhẹ nhàng của ông ta mọi người có thể hiểu chẳng có chuyện gì xảy đến cho ông ta cả. Hơn năm giờ đã đến lượt ông ta cho đối thủ một đòn trí mạng. Di chuyển rất khoan thai, tận hưởng niềm vui được tới lượt mình, ông ta ngắt một đóa hồng trong vườn, đua lên môi, lầm thầm một bài thơ bí ẩn với những cánh hoa. Kế đó, với những động tác chứng tỏ vẻ cực kỳ tự tin, ông ta giơ đóa hoa ra cho đối phương để ông này thưởng thức được mùi hương của nó. Sức mạnh của bài thơ đọc thầm thì ấy kích động vị lương y áo hồng kia đến nỗi khi đưa đóa hoa lên mũi, vốn chẳng mang theo gì ngoài mùi hương thường lệ của nó, ông ta đã quỵ xuống vì sợ hãi và chết tốt.

— —— —— —— ——-

1 Selim: Cương nghị.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN