Tên Tôi Là Đỏ - Chương 50
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
77


Tên Tôi Là Đỏ


Chương 50



CHÚNG TÔI, HAI NHÀ KHỔ TU

Đúng, có lẽ chính bởi tên lùn Jezmi Agha mà tin đồn rằng bức vẽ chúng tôi nằm trong những trang sách đến từ Trung Hoa, Samarkand và Herat tạo thành một cuốn sưu tập tranh được giấu trong góc khuất nhất của Quốc khố đầy những chiến lợi phẩm từ hàng trăm đất nước qua hàng trăm năm do những tổ tiên của Đức Ngài, Quốc vương của chúng ta đã được lan truyền nhiều nhất đến cộng đồng tiểu họa. Nếu bây giờ chúng tôi có thể kể lại câu chuyện của mình theo lối cũ của chúng tôi – cầu cho ý muốn của Thượng đế ở bên chúng tôi – thì chúng tôi hy vọng rằng không ai trong đám đông ở quán cà phê xinh xắn này thấy phật lòng.

Một trăm mười năm đã qua kể từ khi hai chúng tôi chết, bốn mươi năm kể từ khi đóng cửa những nhà nguyện khổ tu tồi tệ thân Ba Tư của chúng tôi, những sào huyệt dị giáo và hang ổ của trò ma quỷ, nhưng hãy tự nhìn xem, bọn tôi ở ngay trước mắt các vị. Sao lại thế được? Tôi sẽ nói cho các vị biết tại sao: chúng tôi được thể hiện theo phong cách Venice! Như bức minh họa này miêu tả, một ngày nọ hai kẻ khổ tu chúng tôi lặn lội băng qua lãnh thổ của Quốc vương từ thành phố này đến thành phố khác. Chúng tôi đi chân trần, đầu cạo trọc, thiếu quần thiếu áo; mỗi người mặc một chiếc áo không tay và khoác da nai, một thắt lưng quanh bụng, tay cầm gậy đi đường, chiếc bát khất thực đeo lủng lẳng ở cổ bằng một sợi dây xích; một người mang một chiếc búa nhỏ để đốn củi, người kia mang một chiếc muỗng để ăn bất cứ thức ăn nào Thượng đế ban cho.

Lúc đó, đứng trước một quán trọ bên cạnh vòi phun nước người bạn tốt của tôi, không, người bạn yêu quý, hơn nữa, người anh em của tôi và tôi đang lao vào cuộc tranh luận thường lệ: “Anh ăn trước đi”, “Không, anh trước đi,” chúng tôi ồn ào nhường qua nhường lại chuyện ai sẽ là người cầm muỗng lên ăn thức ăn trong bát trước, thì một du khách Tây vực, một người lạ, chặn chúng tôi lại, đưa cho mỗi đứa một đồng bạc Venice và bắt đầu vẽ chúng tôi.

Hắn là người Tây vực; dĩ nhiên, hắn khác thường. Hắn đặt chúng tôi ngay giữa bức tranh như thể chúng tôi chính là lều của Quốc vương, và đang vẽ chúng tôi trong tình trạng nửa trần truồng khi tôi nói cho anh bạn đồng hành nghe một ý nghĩ vừa đến với tôi: Để xuất hiện như khất sĩ nghèo đói Kalenderi đích thực chúng tôi nên trợn mắt lên để hai con ngươi hướng vào trong, tròng trắng mắt quay ra thế giới như những người mù – và đó chính là những gì chúng tôi định làm. Trong tình cảnh này, bản chất của kẻ khổ tu là nhìn thế giới trong đầu anh ta hơn là thế giới bên ngoài, vì đầu của chúng tôi đầy chất gây ngủ, nên bức tranh trong đầu chúng tôi dễ chịu hơn những gì tên họa sĩ Tây vực ấy nhìn thấy.

Trong lúc đó, cảnh tượng bên ngoài thậm chí trở nên tồi tệ hơn; chúng tôi nghe một ngài Hoja đang huênh hoang.

Hãy cầu nguyện, đừng để chúng tôi khiến các người hiểu lầm. Chúng tôi hiện đề cập đến vị “Hoja Kính mến,” nhưng tuần trước trong quán cà phê xinh đẹp này đã có một hiểu lầm tai hại: Vị Hoja Kính mến này, người mà chúng tôi đang nói tới, không liên quan gì đến Đức Ngài Nusret Hoja giáo sĩ xứ Erzurum, hay với tên khốn Husret Hoja, hay với tên hoja xứ Sivas làm tình với Quỷ sứ trên ngọn cây. Những ai hiểu mọi việc theo cách tiêu cực đã nói rằng nếu Ngài Hoja Kính mến trở thành mục tiêu chỉ trích ở đây một lần nữa, họ sẽ cắt lưỡi người kể chuyện và phá sập quán cà phê xuống bằng ngang đầu hắn.

Một trăm hai mươi năm trước, hồi chưa hề có cà phè, Hoja đáng kính, nhân vật trong câu chuyện chúng tôi đang kể, đơn giản là đang đùng đùng nổi giận.

“Này, thằng Tây vực ngoại giáo kia, sao mày lại vẽ hai đứa đó?” Ông ta nói. “Những tên khổ tu Kalenderi này lang thang khắp nơi ăn cắp và ăn xin, chúng hút cần sa, uống rượu, quan hệ đồng tính với nhau, và qua cung cách của chúng thì rõ ràng chúng không biết gì về hành lễ hay đọc kinh, về nhà cửa, hay mái ấm gia đình; chúng chẳng là gì cả ngoài một đám cặn bã trong thế giới tươi đẹp của chúng tao. Còn mày, tại sao mày lại vẽ tranh về thứ ô nhục này trong khi có rất nhiều cái đẹp trên đất nước tuyệt vời này? Có phải để bôi nhọ chúng tao không?”

“Không có gì, đơn giản chỉ vì tranh vẽ về mặt xấu của các ông mang lại nhiều tiền hơn”, tên vô thần ấy nói. Hai kẻ khổ tu chúng tôi chết điếng người vì sự vững chắc trong lý luận của tên họa sĩ.

“Nếu vẽ Quỷ sứ theo hướng ưu ái mà đem lại nhiều tiền thì mày có vẽ không?” Vị Hoja Kính mến nói, rụt rè tìm cách mở màn một cuộc tranh luận, nhưng, như các người có thể thấy qua bức tranh, gã Venice là một họa sĩ đích thực, hắn ta tập trung vào công việc ngay trước mặt mình và món tiền nó mang lại hơn là chú ý đến câu chuyện tầm phào vô nghĩa của vị Hoja.

Hắn ta thực sự vẽ chúng tôi, và bỏ bức tranh vẽ chúng tôi vào cái cặp da sau yên ngựa mà quay trở về thành phố ngoại giáo của hắn. Sau đó không lâu, đoàn quân bách thắng của người Ottoman chinh phục và cướp bóc thành phố đó trên bờ sông Danube, và cuối cùng hai chúng tôi lại đi ngược đường trở về Istanbul và Quốc khố hoàng gia. Từ đó, được sao chép nhiều lần chúng tôi đi từ quyển sách bí mật này qua quyển khác, và cuối cùng đến quán cà phê vui nhộn này nơi người ta uống cà phê như một thứ thuốc giúp cường tráng và hồi xuân. Giờ thì:

Một luận thuyết ngắn về hội họa,

cái chết và vị trí của chúng tôi trong thế giới

Hoja Kính mến xứ Konya, người chúng tôi vừa đề cập, đã đưa ra tuyên bố sau đây ở đâu đó trong một bài thuyết pháp trong số rất nhiều bài của ông ta vẫn được ghi và tập hợp lại thành pho sách dày: những kẻ khổ tu Kalenderi là rác rưởi không cần thiết của thế giới vì họ không thuộc loại nào trong bốn loại người: 1. quý tộc 2. thương nhân. 3. nông dân và 4. họa sĩ; do đó. bọn chúng thừa thãi.

Hơn nữa, ông còn nói: “Hai đứa chúng luôn cặp kè nhau mà lang thang khắp chốn và luôn tranh cãi về chuyện ai trong bọn chúng sẽ ăn trước với cái muỗng duy nhất, những ai không biết đó là trò bóng gió thối tha về mối quan tâm thực sự của chúng – đứa nào sẽ được chơi đứa kia trước – thì sẽ thấy vụ này thật ngộ nghĩnh và buồn cười. Ngài Hoja Đừng-hiểu-lầm đã tiết lộ bí mật của bọn tôi vì ông ta, cùng với chúng tôi, những chàng trai tuấn tú những thợ học nghề và những nhà tiểu hoạt đều là những bạn đồng hành trên cùng một con đường.”

Bí mật thật sự

Tuy nhiên, bí mật thật sự là: Trong khi vẽ chúng tôi, gã Tây vực ngoại giáo đó đã nhìn chúng tôi thật trìu mến và với sự chăm chút đến từng chi tiết khiến chúng tôi có cảm tình với hắn và thích thú vì được hắn vẽ chân dung. Nhưng, hắn phạm một sai lầm là nhìn thế giới bằng con mắt trần tục và thể hiện đúng những gì hắn nhìn thấy. Do đó hắn vẽ chúng tôi bị mù mặc dù chúng tôi có thể nhìn tốt nhưng chúng tôi không quan tâm. Giờ đây, thực ra chúng tôi khá bằng lòng. Theo lời vị Hoja, chúng tôi ở Địa ngục; theo một số kẻ vô thần chúng tôi chẳng là gì hơn những tử thi thối rữa, và theo các vị, những nhà tiểu họa thông thái tụ tập ở đây, chúng tôi là một bức tranh, và vì chúng tôi là một bức tranh, nên chúng tôi đứng đây trước các vị cứ như chúng tôi còn sống và khỏe mạnh.

Sau khi đụng độ với ngài Hoja Kính mến và sau khi đi bộ từ Konay đến Sivas trong ba đêm, qua tám ngôi làng, khất thực suốt dọc đường, một đêm chúng tôi bị cái lạnh và tuyết bao vây đến nỗi hai kẻ khổ tu, ôm chặt lấy nhau, chìm vào giấc ngủ và chết cóng.

Trước khi chết tôi có một giấc mơ tôi là đề tài cho một bức tranh mà sau hàng ngàn ngàn năm đã lọt được vào Thiên đàng.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN