Tên Tôi Là Đỏ - Chương 51
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
57


Tên Tôi Là Đỏ


Chương 51



ĐÔ LÀ TÔI, THẦY OSMAN

Phần 1

Người ta kể một câu chuyện ở Bukhara có từ thời Abdullah Đại hãn. Vị Đại hãn xứ Uzbek này là một nhà cai trị đa nghi, và tuy không phản đối việc có nhiều bàn tay họa sĩ góp phần vào cùng một bức minh họa, nhưng ông phản đối việc các họa sĩ sao chép các trang của nhau – bởi điều này khiến cho không thể xác định ai trong số những họa sĩ sao chép trơ tráo này phải chịu trách nhiệm vì một sai sót nào đó. Điều quan trọng hơn là, sau một thời gian, thay vì tự thúc đẩy bản thân đi tìm những ký ức của Thượng đế trong bóng tối, những nhà tiểu họa ăn cắp sẽ biếng nhác đi tìm bất cứ điều gì họ thấy qua vai người họa sĩ bên cạnh họ. Vì lý do này, Đại hãn Uzbek vui vẻ chào đón hai bậc thầy vĩ đại, một người từ Shiraz ở miền Nam, người kia từ Samarkand ở phương Đông, họ chạy trốn chiến tranh và những vị vua độc ác để đến nương thân ở triều đình của ông; tuy nhiên, ông cấm hai tài năng lẫy lừng này xem tác phẩm của nhóm và tách họ ra bằng cách dành cho họ hai phòng làm việc nhỏ ở hai đầu lâu đài của ông, xa nhau đến hết mức có thể. Vì vậy, trong đúng ba mươi bảy năm bốn tháng, như thể đang lắng nghe một huyền thoại, hai vị thầy vĩ đại này mỗi người nghe Abdullah Đại hãn kể về vẻ tráng lệ của tác phẩm chưa từng thấy của người kia, nghe tả tác phẩm của mình khác hẳn hay giống một cách kỳ lạ với tác phẩm của người kia như thế nào. Trong thời gian đó cả hai đều tò mò dữ dội về tranh của nhau. Sau khi cuộc sống của Đại hãn Uzbek đi hết lộ trình ngoằn ngoèo của nó, hai họa sĩ già này bèn chạy đến phòng của nhau để xem các bức tranh. Một lúc lâu, mỗi người ngồi trên mép một tấm nệm lớn, để sách của nhau lên đùi và nhìn những bức tranh mà họ nhận ra qua những chuyện bịa đặt của Abdullah Đại hãn. Cả hai bàng hoàng với nỗi thất vọng lớn lao bởi vì những bức minh họa họ thấy không diệu kỳ như họ mường tượng qua những câu chuyện được nghe, mà thay vào đó chúng có vẻ khá bình thường, nhợt nhạt và mơ hồ, giống như hầu hết những bức tranh họ đã thấy trong những năm trước đây. Nhưng hai bậc thầy vĩ đại này không nhận ra rằng lý do cho sự mơ hồ này là chứng mù đã bắt đầu trùm xuống họ, họ cũng không nhận ra nó sau khi cả hai đã hoàn toàn mù mà họ quy sự mơ hồ này là do họ đã bị Đại hãn lừa, và vì thế họ chết mà vẫn tin rằng những giấc mơ thì đẹp hơn nhiều so với các bức tranh.

Trong đêm khuya thanh vắng giữa Quốc khố lạnh lẽo, trong khi lật các trang sách với những ngón tay lạnh cóng và nhìn vào các bức tranh trong những cuốn sách tôi từng mơ ước suốt bốn mươi năm, tôi biết mình hạnh phúc hơn các họa sĩ trong câu chuyện tàn nhẫn xứ Bukhara này. Tôi rùng mình ớn lạnh khi biết rằng, trước khi bị mù và bước vào kiếp sau, tôi đã được cầm đúng những cuốn sách mà cả đời tôi đã nghe bao truyền thuyết về chúng, và nhiều lúc tôi lẩm bẩm “Cám ơn Thượng đế, cám ơn Người” khi tôi thấy một trong những trang đang lật thậm chí còn diệu kỳ hơn cả huyền thoại về nó.

Chẳng hạn như, cách nay tám mươi năm vua Ismail đã vượt sông và với thanh gươm đã chiếm lại Herat và tất cả xứ Khorasan từ tay quân Uzbek, rồi ông bổ nhiệm em trai Sam Mirza của ông làm tổng trấn Heart, để kỷ niệm dịp vui này, em trai ông đã cho chuẩn bị một bản thảo, một phiên bản có trang trí của một pho sách có nhan đề “Sự hội ngộ của các vì sao”, vốn kể lại một câu chuyện mà Emir Husrev đã chứng kiến trong Cung điện Delhi.

Theo truyền thuyết, một bức minh họa trong cuốn sách này thể hiện hai vị vua gặp mặt nhau bên bờ sông nơi họ ăn mừng chiến thắng. Gương mặt họ giống vua xứ Delhi, Keykubad, và cha ông ta, Bughra Đại hãn, vua xứ Bengal, những người là đề tài cho cuốn sách; nhưng họ cũng giống khuôn mặt của vua Ismail và em trai Sam Mirza của ông ta, những người vốn là nguyên nhân cho sự ra đời của cuốn sách. Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng những nhân vật của bất cứ câu chuyện nào tôi nhớ lại trong khi nhìn vào trang này đều sẽ xuất hiện ở đó trong căn lều của nhà vua, và tôi cám ơn Thượng đế vì đã cho tôi cơ hội nhìn trang sách diệu kỳ này.

Trong một bức minh họa của Sheikh Muhammad, một trong những bậc thầy vĩ đại của cùng thời đại truyền thuyết này, có một người dân nghèo mà lòng kính sợ và yêu thương dành cho vị vua của ông ta đã đạt tới mức tình yêu thuần khiết, trong khi nhìn vị vua này chơi polo, ông ta hết sức hy vọng rằng trái banh sẽ lăn về phía ông ta để ông ta được nhặt và dâng lên cho Đức vua. Sau khi chờ đợi lâu dài và kiên nhẫn, cuối cùng trái banh cũng lăn đến chỗ ông ta, và ông ta được vẽ đang dâng nó cho Đức vua. Như tôi đã được nghe tả hàng ngàn lần, tình yêu, lòng kính sợ và sự phục tùng mà một người dân nghèo cảm thấy đối với một vị vua vĩ đại hoặc quốc vương đáng kính, hoặc sự kính sợ mà một thợ học việc trẻ đẹp trai dành cho thầy của mình, được thể hiện ở đây với sự tinh tế và lòng cảm thông sâu sắc, từ việc người dân đó đưa những ngón tay ra nắm lấy trái banh tới việc ông ta không đủ can đảm nhìn vào mặt nhà vua, đến độ trong khi nhìn vào trang này, tôi biết không có niềm vui nào trên thế giới lớn hơn là làm thợ học việc cho một bậc thầy vĩ đại, và rằng sự phục tùng gần như quy lụy như thế cũng là một lạc thú cũng như việc làm thầy một thợ học việc thông minh, xinh đẹp và trẻ tuổi – và tôi thấy tội nghiệp cho những ai chưa từng biết sự thật này.

Tôi lật các trang, nhìn vội vã nhưng say mê chú ý hàng ngàn con chim, ngựa, binh lính, những cặp tình nhân, lạc đà, cây cối và mây, trong khi ông lùn hạnh phúc của Quốc khố, giống như một vị vua hồi xưa được cơ hội phô bày sự giàu có và của cải của mình, đã tự hào và chăm chỉ đem hết cuốn này đến cuốn khác từ các rương tủ ra bày chúng trước mặt tôi. Từ hai góc tách biệt nhau của chiếc rương sắt lèn đầy những pho sách lớn đáng kinh ngạc, những cuốn sách thường và những cuốn sưu tập lộn xộn, hiện lên hai cuốn đặc biệt – một cuốn được đóng theo kiểu Shiraz với bìa màu đỏ thẫm, cuốn kia được đóng ở Herat với cái bìa sơn mài đen theo kiểu Trung Hoa – chúng có những trang quá giống nhau đến độ ban đầu tôi nghĩ chúng là những bản sao chép. Trong khi đang cố xác định cuốn nào là bản gốc cuốn nào là bản sao, tôi nghiên cứu tên họ của những nhà thư pháp trên trang lai lịch ở cuối sách, tìm những chữ ký ẩn giấu, và cuối cùng nhận ra với một cái rùng mình, rằng hai pho sao chép tác phẩm của Nizami này là những cuốn sách huyền thoại mà thầy Sheikh Ali ở Tabriz đã làm, một cuốn cho vua Jihan của xứ Garagoýunly, còn cuốn kia cho vua Uzyn Hasan của Akgoýunly. Sau khi bị vua Garagoýunly đâm mù mắt để ngăn không cho ông làm một phiên bản khác của cuốn sách này, nhà họa sĩ bậc thầy vĩ đại ấy đã đến nương náu ở bên vua Akgoýunly và làm ra một bản sao tuyệt hảo hơn theo ký ức. Những bức tranh trong cuốn sách huyền thoại thứ hai này, được làm khi ông đã mù, nhìn đơn giản hơn và thuần khiết hơn, trong khi màu sắc trong cuốn thứ nhất sống động và mạnh mẽ hơn, đã nhắc tôi nhớ rằng ký ức của người mù phơi bày sự đơn giản trần trụi của cuộc sống nhưng cũng làm giảm bớt sức sống của nó.

Vì chính tôi là một bậc thầy vĩ đại đích thực, đã được thừa nhận bởi Allah, người thấy và biết tất cả, nên tôi biết một ngày nào đó tôi sẽ bị mù, nhưng đây có phải là điều tôi đang muốn không? Do cảm nhận được sự hiện diện rất gần của Người trong bóng tối khủng khiếp và tuyệt vời của Quốc khố bừa bộn này cho nên, như một người đã bị kết án muốn nhìn cuộc đời lần cuối trước khi bị xử trảm, tôi hỏi Người: “Xin cho con được phép xem tất cả tranh minh họa này và ngắm chúng đến thỏa thuê.” Khi tôi lật các trang, bằng sức mạnh của sự thông thái khôn lường của Thượng đế, tôi thường tình cờ gặp những truyền thuyết và những vấn đề về kiếp mù. Trong cảnh nổi tiếng thể hiện Shirin trong chuyến đi dạo ngoại thành đã phải lòng Husrev sau khi thấy bức tranh vẽ chàng treo trên nhánh cây tiêu huyền, Sheikh Ali Riza xứ Shiraz đã vẽ tất cả lá của cội cây từng chiếc một, để chúng lấp đầy cả bầu trời. Để trả lời một tên ngốc, kẻ đã xem tác phẩm và bình luận rằng chủ đề thực sự của bức họa không phải là cây tiêu huyền, Sheikh Ali trả lời rằng chủ đề thực sự cũng không phải là tình yêu mãnh liệt của nàng thiếu nữ xinh đẹp đó mà là niềm đam mê của người họa sĩ. Và để chứng minh một cách tự hào quan điểm của mình, ông đã cố gắng vẽ cũng cây tiêu huyền đó với đầy đủ lá trên một hạt gạo. Nếu chữ ký được giấu bên dưới những bàn chân xinh đẹp của những cô hầu phục vụ Shirin không làm tôi lầm, thì dĩ nhiên tôi đang xem cái cây lộng lẫy do bậc thầy mù ấy vẽ trên giấy – không phải cái cây vẽ trên hạt gạo mà ông mới hoàn tất một nửa, vì bảy năm ba tháng sau khi bắt đầu công trình này thì ông bị mù. Trên một trang khác, Rustem đâm Alexander mù bằng mũi tên có ngạnh được vẽ theo phong cách của các họa sĩ vốn biết phong cách Ấn Độ, quá sống động và màu mè, đến độ kiếp mù, mối sầu muôn đời và nỗi khao khát thầm kín của nhà tiểu họa đích thực xuất hiện trước người xem như khúc dạo đầu của một buổi lễ kỷ niệm ngập tràn niềm vui.

Mắt tôi lướt qua những bức tranh và pho sách này với sự kích động của một người muốn tận mắt nhìn những huyền thoại mà anh ta đã nghe nói bao năm nay cũng nhiều không kém nỗi lo của một ông già cảm thấy mình sẽ sớm không còn trông thấy gì nữa. Ở đây, trong gian Quốc khố lạnh lẽo tràn ngập màu đỏ thẫm mà trước đây tôi chưa bao giờ thấy – được tạo ra bởi màu vải và bụi trong ánh sáng đặc biệt của những ngọn nến – thỉnh thoảng tôi la to lên vì ngưỡng mộ, và thế là Siyah và tên lùn lại chạy đến bên tôi, nhìn qua vai tôi vào trang giấy lộng lẫy trước mặt tôi. Không thể kìm mình, tôi bắt đầu giải thích:

“Màu đỏ này là của sư phụ vĩ đại Mirza Baba Imami ở Tabriz, mà bí mật của nó ông đã mang theo xuống mồ. Ông đã sử dụng nó cho các rìa thảm, màu đỏ của Alevi trên khăn xếp của Vua Ba Tư, và nhìn này, nó ở đây trên bụng con sư tử trong trang này và trên áo choàng của chàng trai dễ thương này. Allah không bao giờ trực tiếp để lộ ra màu đỏ tươi đẹp này trừ khi Người để cho máu của thần dân người chảy. Tuy nhiên để chúng ta có thể nỗ lực hết sức tìm ra sự đa dạng của màu đỏ này, vốn chỉ có thể thấy được bằng mắt thường trên vải nhân tạo và trong những bức tranh của các bậc thầy vĩ đại nhất, Thượng đế cũng ký thác bí mật của nó cho loài côn trùng hiếm nhất sống bên dưới những tảng đá , tôi nói và thêm, “Cảm ơn Người đã để lộ nó ra với chúng ta hôm nay.”

“Nhìn cái này này,” hồi lâu sau tôi nói, một lần nữa không kìm được việc chỉ cho họ một kiệt tác – kiệt tác này có thể đã thuộc về bất cứ tuyển tập thơ nào đó nói về tình yêu, tình bạn. mùa xuân và hạnh phúc. Chúng tôi nhìn những cội cây đang khoe đủ sắc vào mùa xuân, những cây bách trong một khu vườn gợi nhớ về Thiên đàng và niềm vui sướng của những kẻ yêu dấu đang ngả người trong khu vườn đó mà uống rượu đọc thơ, cứ như chúng tôi tuy đang ở trong Quốc khố lạnh lẽo, bẩn thỉu ẩm mốc này song có thể ngửi thấy mùi những đóa hoa xuân đang khoe sắc và da thịt thơm mát của những người dự tiệc vui vẻ. “Hãy chú ý xem chính người họa sĩ đã vẽ cánh tay những tình nhân, bàn chân trần tuyệt đẹp của họ, nét thanh tao trong tư thế họ và vẻ hài lòng thờ ơ của lũ chim đang vỗ cánh quanh họ với sự chân thành như thế, cũng đã tạo dáng thô kệch cho cây bách ở hậu cảnh như thế nào.” Tôi nói. “Đây là tác phẩm của Lutfi xứ Bukhara mà tính cáu kỉnh và ưa gây gổ đã khiến ông ta phải bỏ dở mọi bức minh họa của mình; ông tranh cãi với mọi vương hầu và đại hãn, quả quyết rằng họ không hiểu gì về hội họa và ông không bao giờ lưu lại lâu trong một thành phố nào. Bậc thầy vĩ đại ấy đã đi hết lâu đài của vị vua này đến lâu đài của vị vua khác, từ thành phố này đến thành phố khác, chỗ nào cũng cãi cọ, không bao giờ tìm được một minh quân biết đặt làm một pho sách xứng với tài năng của ông, cho đến khi ông dừng chân trong xưởng làm việc của một tù trưởng tầm thường, người chẳng cai trị thứ gì ngoài những đỉnh núi trần trụi. Sau khi tuyên bố rằng â��lãnh thổ của vị hãn này nhỏ nhưng ông ta biết hội họa’ ông ta đã sống hai mươi lăm năm còn lại của đời mình ở đó. Liệu ông ta có biết vị tù trưởng tầm thường ấy bị mù hay không, điều đó thậm chí đến nay vẫn còn là một chuyện để phỏng đoán và là một đề tài giễu cợt.”

“Các ngươi có thấy trang này không?” tôi nói lúc đã khuya, và lần này cả hai người bọn họ chạy đến bên tôi, giơ cao giá nến.

“Từ thời cháu nội của Tamerlane đến nay, cuốn sách này đã qua tay cả chục vị chủ nhân trên đường nó lưu lạc từ Herat đến đây suốt một trăm năm mươi năm.”

Qua chiếc kính lúp, cả ba chúng tôi đọc những chữ ký, những lời đề tặng, thông tin lịch sử và tên họ các vị vua – những kẻ đã giết nhau – đầy mỗi góc của trang lai lịch ở cuối sách, dính vào nhau, xen giữa và chồng lên nhau: “Cuốn này làm xong ở Herat, với sự trợ giúp của Thượng đế, do bàn tay của nhà thư pháp Sultan Veli, con trai của Muzaffer xứ Herat, vào năm Hegira 849 cho Ismet-ud Dunya, vợ của Muhammad Juki, người em bách thắng của Kẻ cai trị thế giới, Baysungur.” Sau đó chúng tôi đọc thấy rằng pho sách này đã trở thành tài sản của vua Hali xứ Akgoýunly, sau đó truyền cho con trai là Yakup Bey, rồi đến các vị vua Uzbek ở phương Bắc, mỗi người trong bọn họ đều giải khuây với nó trong một thời gian, lấy ra hoặc thêm vào một hai bức tranh; bắt đầu với vị chủ nhân đầu tiên, họ thêm khuôn mặt của những cô vợ xinh đẹp của mình vào các bức minh họa và ký tên họ một cách đầy tự hào vào trang lai lịch, về sau nó chuyển sang tay Sam Mirza người chinh phục Herat, và ông này biến nó thành một món quà, với lời đề tặng riêng, cho anh trai của ông ta, vua Ismail, ông này lại mang nó đến Tabriz và biến nó thành một món quà nhưng với một lời đề tặng khác. Khi vua Yavuz Selim đánh bại vua Ismail tại Chaldiran và cướp bóc lâu đài Bảy tầng trời ở Tabriz, cuốn sách này lưu lạc đến đây trong Quốc khố ở Istanbul sau khi du hành qua các sa mạc, núi non và sông ngòi cùng với binh lính của vị vua chiến thắng.”

Siyah và tên lùn kia chia sẻ bao nhiêu mối quan tâm và hào hứng của ông thầy già nua này? Khi tôi giở những pho sách khác và lật các trang trong đó, tôi cảm nhận được nỗi muộn phiền sâu sắc của hàng ngàn nhà minh họa ở hàng trăm thành phố lớn nhỏ, mỗi người một tính khí khác biệt, mỗi người vẽ dưới sự bảo trợ của một vị vua, tù trưởng hay đại hãn thô bạo khác nhau, mỗi người thể hiện tài năng của mình và đều rơi vào kiếp mù lòa. Tôi cảm thấy cơn đau của những trận đòn mà tất cả chúng tôi đều nhận lãnh trong suốt thời gian học việc dài, những cú đánh bằng thước cho đến khi má chúng tôi đỏ lựng lên, hoặc những cú đánh bằng những cục đá hoa dùng để đánh bóng lên cái đầu trọc của chúng tôi, trong khi tôi lật – với cảm giác nhục nhã – những trang của một cuốn sách thô sơ trình bày các phương pháp và dụng cụ tra tấn. Tôi không biết cuốn sách khốn khổ này đóng vai trò gì trong Quốc khố Ottoman: Thay vì xem việc tra tấn như một cách thức cần thiết được thi hành dưới sự giám sát của một quan tòa để bảo đảm sự công bằng của Allah trên đời này, các du khách ngoại giáo lại thuyết phục những người đồng đạo về sự tàn bạo và độc ác của chúng ta bằng cách khiến các nhà tiểu họa đáng khinh phải tự hạ phẩm giá mình mà vẽ bừa nhưng bức tranh này để đổi lấy mấy đồng tiền vàng. Tôi thấy xấu hổ trước niềm vui đồi bại hiển nhiên của nhà tiểu họa này trong khi vẽ những bức tranh về hình phạt đánh roi vào gan bàn chân, đánh đập, những trò đóng đinh, treo cổ hoặc chân, những trò móc, xâu, bắn bằng đại bác, rút móng, bóp cổ, cắt họng, cho chó đói ăn thịt, đánh bằng roi, bỏ bao, siết ép, nhúng vào nước lạnh, bứt tóc, bẻ ngón tay, lột da, cắt mũi và móc mắt. Chỉ những nghệ sĩ thực sự như chúng tôi, những kẻ chịu những trận đánh vào gan bàn chân tàn nhẫn, những cú đấm đá tùy tiện suốt thời học việc để ông thầy cáu gắt, kẻ vừa vẽ một nét sai nào đó, cảm thấy dễ chịu hơn – ấy là chưa kể những giờ chịu đòn bằng gậy và thước kẻ để con quỷ trong chúng tôi bị tiêu diệt và tái sinh thành âm hồn của cảm hứng – chỉ có chúng tôi mới có thể cảm thấy niềm vui tột độ như thế qua việc vẽ những trận đánh vào gan bàn chân và những trò tra tấn, chỉ có chúng tôi mới có thể tô màu những công cụ này với niềm phấn kích như khi tô màu con diều của một đứa bé.

Hàng trăm năm nữa, những người nhìn thế giới qua những bức minh họa mà chúng tôi từng vẽ sẽ không hiểu được bất cứ điều gì. Với khao khát được nhìn kỹ hơn, nhưng lại thiếu kiên nhẫn, họ có thể cảm thấy sự bối rối, niềm hạnh phúc, nỗi đau sâu sắc và niềm vui của việc quan sát mà hiện tôi đang cảm thấy khi xem xét những bức tranh trong Quốc khố lạnh ngắt này – nhưng họ sẽ không bao giờ thực sự biết. Khi tôi giở từng trang với những ngón tay già nua bị tê cóng vì lạnh, chiếc kính lúp có tay cầm cẩn xà cừ và mắt trái tôi lướt qua các bức tranh giống như cây chĩa cũ đang cào qua mặt đất, hơi chút ngạc nhiên bởi quang cảnh bên dưới. nhưng vẫn kinh ngạc khi thấy những điều mới mẻ. Qua những trang mà chúng tôi chưa được biết đến suốt bao năm nay, một số là huyền thoại, tôi dần biết người họa sĩ nào đã học được những gì từ ai, rồi trong xưởng nào dưới sự bảo trợ của vị vua nào mà cái thứ nay được gọi là “phong cách” đã hình thành đầu tiên, bậc thầy huyền thoại nào đã làm việc cho ai, và chẳng hạn như, những đám mây Trung Hoa vần vũ mà tôi biết đã lan truyền từ Herat ra khắp Ba Tư dưới ảnh hưởng Trung Hoa và cũng được sử dụng ở Kazvin như thế nào. Thỉnh thoảng tôi lại tự cho phép mình thốt ra tiếng “A ha!” mệt mỏi; nhưng một nỗi đau cực độ đã lẩn sâu vào trong tôi, một nỗi buồn và hối tiếc – mà tôi hầu như không thể chia sẻ với các người – dành cho những họa sĩ ốm yếu có đôi mắt linh dương, mặt tròn trịa, xinh đẹp, bị xem thường, dằn vặt – thường xuyên bị các thầy đánh đập – những kẻ chịu đau khổ vì nghệ thuật của họ, nhưng vẫn đầy say mê và hy vọng, vui hưởng tình yêu thương vốn nẩy nở giữa các họa sĩ và những ông thầy của họ và tình yêu chung của họ dành cho hội họa, trước khi rơi vào kiếp vô danh và phận mù lòa sau những năm dài làm việc vất vả.

Với nỗi buồn phiền và hối tiếc như thế, tôi bước vào thế giới của những xúc cảm tinh tế và đẹp đẽ này, linh hồn tôi đã lặng lẽ quên mất khả năng mô tả nó qua bao năm mô tả chiến tranh và những lễ hội cho Đức vua. Trong một cuốn sưu tập các bức tranh chọn lọc, tôi thấy một chàng trai Ba Tư môi đỏ, eo thon đang giữ một pho sách trên đùi giống y như tôi đang giữ một cuốn lúc này đây, và nó gợi cho tôi về những gì mà các vua chúa với sự ham mê vàng bạc và quyền lực thường quên: Cái đẹp của thế giới thuộc về Allah. Trong một cuốn sưu tập khác do một thợ cả trẻ ở Isfahan vẽ, với nước mắt đầm đìa, tôi nhìn hai người trẻ tuổi tuyệt vời đang yêu nhau, và tôi nhớ về tình yêu mà các thợ học việc trẻ của tôi dành cho hội họa. Một chàng trẻ tuổi giống như con gái, yếu đuối nước da trong suốt, bàn chân bé xíu đã để lộ một cánh tay thanh tú, vốn làm nảy lên trong lòng kẻ khác nỗi khao khát được hôn lên rồi chết, trong khi một mỹ nhân mũi tròn, tơ trẻ, mắt hạnh đào, môi đỏ mọng nhìn với vẻ kinh ngạc – như thể đang nhìn ba bông hoa đẹp – vào ba vết đốt sâu và nhỏ thể hiện niềm đam mê mãnh liệt, mà chàng trai trẻ đã đốt lên cánh tay thanh tú đó để chứng minh sức mạnh tình yêu và sự gắn bó của chàng đối với nàng.

Thật kỳ lạ. tim tôi bắt đầu đập thình thịch. Như từng xảy ra cách nay sáu mươi năm hồi tôi mới bắt đầu học việc, trong khi tôi nhìn những bức minh họa tục tĩu vẽ những chàng đẹp trai có làn da cẩm thạch và những thiếu nữ ngực nhỏ được vẽ bằng mực đen theo phong cách Tabriz, mồ hôi đã lấm tấm trên trán tôi. Tôi nhớ lại niềm đam mê dành cho hội họa mà tôi đã cảm thấy và chiều sâu tư tưởng mà tôi từng trải nghiệm vào lúc, vài năm sau khi tôi lập gia đình và chập chững bước vào vị trí thợ cắt tôi thấy một chàng trai nước da mịn như những cánh hồng, mắt hạnh nhân, khuôn mặt xinh xắn như thiên thần được đưa vào làm thợ học việc. Trong phút chốc, tôi có cảm giác mạnh mẽ rằng hội họa không hề bao hàm sự u sầu và hối tiếc mà liên quan đến nỗi khao khát mà tôi đang cảm thấy đây, và rằng chính tài năng của họa sĩ bậc thầy đã biến khao khát này trước hết thành tình yêu Thượng đế rồi sau đó thành tình yêu thế giới như Thượng đế thấy nó; cảm giác này quá mạnh mẽ đến độ nó làm tôi nhớ lại với niềm hạnh phúc tột cùng tất cả những năm tôi đã trải qua trên bàn vẽ cho đến khi lưng còng đi, tất cả những trận đòn tôi đã chịu đựng trong khi theo học nghệ thuật này, sự tận hiến cho phận mù của tôi thông qua việc minh họa, mọi thống khổ của hội họa mà tôi đã chịu và buộc người khác phải chịu. Như thể đang lướt mắt qua một thứ gì đó bị cấm đoán, tôi nhìn thật lâu và lặng lẽ vào bức minh họa lạ kỳ này với cùng một niềm vui sướng ấy. Tôi vẫn nhìn hồi lâu. Một giọt nước mắt chảy qua má xuống đến râu tôi.

Khi nhận thấy một ngọn nến từ từ trôi qua gian Quốc khố tiến về phía tôi, tôi cất cuốn sưu tập đó đi và giở bừa một trong những cuốn mà tên lùn vừa đặt cạnh tôi. Đây là một pho sưu tập đặc biệt được làm cho các vị vua: Tôi thấy hai con hươu tại bìa một khu rừng thưa đang âu yếm nhau, và bọn chó rừng nhìn chúng với vẻ ghen ty thù địch. Tôi lật sang trang khác. Những con ngựa hồng và nâu sẫm vốn chỉ có thể là tác phẩm của một trong những bậc thầy xưa ở Herat – chúng hùng dũng làm sao!

Tôi lật sang trang: Một viên chức chính quyền ngồi chễm chệ chào tôi từ một bức tranh đã bảy mươi tuổi, qua khuôn mặt tôi không thể xác định đó là ai bởi vì ông ta trông giống bất cứ ai, hoặc ấy là tôi nghĩ thế, nhưng quang cảnh của bức tranh, hàm râu của người đàn ông ngồi đó được vẽ theo nhiều sắc độ khác nhau gợi nhớ một điều gì đó. Tim tôi đập liên hồi khi tôi nhận ra bàn tay tuyệt mỹ được vẽ trong bức tranh này. Tim tôi nhận ra trước khi tôi biết, chỉ có ông ta mới có thể vẽ bàn tay tuyệt vời như thế:

Đây là tác phẩm của Bihzad. Có vẻ như ánh sáng từ bức tranh đang phụt ra tới mặt tôi. Trước đây tôi có vài lần thấy những bức tranh do bậc thầy vĩ đại Bihzad vẽ; có lẽ bởi tôi không được xem chúng một mình, mà cùng một nhóm thợ cả trước đây nhiều năm, có lẽ bởi chúng tôi không thể chắc chắn liệu chúng thực sự có phải là tác phẩm của Bihzad vĩ đại hay không, nên tôi chưa từng xao xuyến như lúc này.

Bóng tối ẩm mốc nặng nề của Quốc khố có vẻ sáng lên. Bàn tay được vẽ một cách tinh xảo này hiện ra trong tâm trí tôi với cánh tay gầy tuyệt mỹ mang những dấu hiệu của tình yêu, mà chỉ bây giờ tôi mới thấy. Một lần nữa tôi ca ngợi Thượng đế vì đã cho tôi thấy cái đẹp kỳ ảo này trước khi bị mù. Làm sao tôi biết tôi sẽ sớm bị mù? Tôi không biết! Tôi có cảm giác rằng tôi có thể chia sẻ trực giác này với Siyah, người đang rón rén đến bên tôi cầm cây nến và nhìn bức tranh, nhưng một điều khác lại thốt ra từ miệng tôi.

“Hãy nhìn cách thể hiện bàn tay độc đáo này,” tôi nói. “Đó là Bihzad.” Bàn tay tôi tự động nắm lấy tay Siyah, cứ như đang nắm tay một trong những cậu học việc xinh xắn, da mịn như nhung, mà hồi trẻ tôi yêu thương từng đứa. Tay cậu ta mềm mịn và quả quyết, ấm hơn tay tôi, thanh tú và rộng, tôi rùng mình vì cổ tay nổi gân của cậu ta. Khi còn trẻ tôi thường giữ bàn tay cậu bé học việc trong tay mình và, trước khi bảo cho cậu ta biết cách cầm cọ tôi thường nhìn âu yếm vào đôi mắt sợ sệt, dễ thương của cậu ta.

Đó là cách tôi nhìn Siyah. Tôi thấy ánh lửa của cây nến cậu ta đang giơ cao phản chiếu trong đồng tử cậu ta. “Bọn tiểu họa chúng ta là anh em.” tôi nói, “Nhưng bây giờ mọi thứ sắp kết thúc.”

“Ý thầy là sao?”

Tôi nói “Mọi thứ đang đến hồi kết thúc” giống như một bậc thầy vĩ đại khao khát được mù, sau nhiều năm cống hiến cho một ông hoàng nào đó, sau khi tạo ra những kiệt tác trong xưởng của mình theo phong cách của người xưa, thậm chí sau khi bảo đảm rằng xưởng này có phong cách riêng của nó, một người thầy vĩ đại biết rõ, bất cứ khi nào ông hoàng bảo trợ của mình thua trận chiến cuối cùng, thì những ông hoàng mới sẽ theo gót bọn quân thù mà cướp bóc, giải thể xưởng vẽ, xé toạc những cuốn sách đã được đóng tử tế, quăng bừa các trang sách, xem thường và tiêu hủy những gì còn lại, kể cả nhũng chi tiết tinh tế mà từ lâu ông ta hằng tin, vốn là khám phá của riêng ông ta và ông ta đã yêu như con của chính mình. Nhưng tôi cần giải thích điều này với Siyah một cách khác hẳn.

“Bức minh họa này vẽ thi hào Abdullah Hatifi,” tôi nói. “Hatifi là một nhà thơ vĩ đại đến độ ông chỉ ở tại nhà trong khi mọi người đua nhau bợ đỡ vua Ismail sau khi ông vua này chiếm được Herat. Đáp lại, vua Ismail đã đích thân đến nhà ông ở ngoại o để gặp ông. Chúng ta biết đây là Hatifi, không phải qua cách Bihzad vẽ khuôn mặt Hatifi mà qua dòng chữ viết bên dưới bức minh họa, đúng không?”

Siyah nhìn tôi, hàm ý “phải” bằng đôi mắt đẹp của cậu ta.”Khi nhìn khuôn mặt của nhà thơ trong bức tranh,” tôi nói, “chúng ta thấy nó có thể là một khuôn mặt giống mọi khuôn mặt khác. Nếu Abdullah Hatifi ở đây, cầu cho linh hồn ông được yên nghỉ, chúng ta không bao giờ hy vọng nhận ra ông qua khuôn mặt trong bức tranh này. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận ra dựa vào toàn bộ bức minh họa: Có một điều gì đó trong bố cục, trong tư thế của Hatifi, trong các màu sắc, phần mạ vàng và bàn tay tuyệt vời do thầy Bihzad vẽ lập tức cho thấy bức tranh này là vẽ thi hào đó. Trong thế giới nghệ thuật của chúng ta, ý nghĩa luôn đi trước hình thức. Khi chúng ta bắt đầu vẽ bắt chước theo những bậc thầy Tây vực và Venice, như trong cuốn sách mà Đức vua đã đặt Enishte của con làm, lĩnh vực ý nghĩa kết thúc và lĩnh vực hình thức bắt đầu. Tuy nhiên với phương pháp Venice…”

“Enishte của con, cầu cho ông được yên nghỉ, đã bị giết,” Siyah đột ngột nói.

Tôi săm soi bàn tay Siyah đang nằm trong tay tôi như đang vuốt ve một cách nâng niu bàn tay bé xíu của một thợ học việc trẻ, người có thể minh họa được những kiệt tác một ngày nào đó. Lặng lẽ và cung kính, chúng tôi nhìn kiệt tác của Bihzad một hồi.

Sau đó, Siyah rút tay cậu ta khỏi tay tôi.

“Chúng ta đã lướt quá nhanh qua những con ngựa nâu ở mấy trang trước mà không xem xét kỹ cái mũi của chúng,” cậu ta nói.

“Chẳng có gì cả,” tôi nói và lật lại trang trước để cậu ta có thể nhìn thấy: Chẳng có gì lạ thường ở cánh mũi của các con ngựa.

“Chừng nào chúng ta mới tìm được con ngựa có cái mũi đặc biệt?” Siyah hỏi như một đứa trẻ.

Nhưng, lúc nửa đêm về sáng, khi chúng tôi tìm ra cuốn sách huyền thoại Shahnameh của vua Tahmasp trong một cái rương sắt dưới những đống lụa vân xanh và lôi nó ra, Siyah đã cuộn người ngủ ngay trên tấm thảm Ushak đỏ, đầu kê trên chiếc gối đính ngọc. Trong lúc đó, ngay khi tôi nhìn thấy pho sách huyền thoại lần nữa sau nhiều năm, tôi nhanh chóng hiểu rằng ngày chỉ vừa mới bắt đầu đối với tôi.

Pho sách huyền thoại mà tôi chỉ được thấy cách nay hai mươi lăm năm thì quá lớn và nặng đến độ Jezmi Agha và tôi phải khó khăn lắm mới giở nó lên và khiêng đi được. Khi chạm đến bìa sách, tôi biết có gỗ bên trong lớp da. Cách nay hai mươi lăm năm, sau cái chết của vua Kanuni Suleyman, vua Tahmasp quá sung sướng vì cuối cùng đã tống khứ được vị vua từng chiếm Tabriz tới ba lần này đến độ cùng với những con lạc đà chất đầy quà mà ông gửi cho vua Selim, người kế vị Suleyman, ông còn kèm theo một cuốn kinh Koran đặc biệt, và pho sách này, cuốn đẹp nhất trong các sách trong kho báu của ông. Thoạt tiên, một phái bộ sứ thần Ba Tư ba trăm người mạnh khỏe mang bộ sách này đến Edirne nơi vị tân vương đang có chuyến săn bắn mùa đông; sau khi nó về đến Istanbul này cùng những món quà khác do lạc đà và lừa chở, Trưởng ban Trang trí Siyah Memi và ba thợ cả trẻ chúng tôi đã đến xem cuốn sách trước khi nó được đưa vào Quốc khố. Giống như người dân Istanbul chen lấn để xem một con voi từ Hindustan đến hoặc một con hươu cao cổ từ Phi chính chúng tôi vội đến lâu đài ở đó tôi được thầy Siyah Memi cho biết rằng Sư phụ Bihzad vĩ đại, người đã chuyển từ Herat đến Tabriz lúc tuổi già, không góp phần vào cuốn sách này bởi vì thầy đã mù.

Về phần những nhà tiểu họa Ottoman như chúng tôi, những kẻ vẫn kinh ngạc trước những pho sách bình thường với bảy tám tranh minh họa, nhìn qua cuốn sách này, vốn chứa đến hai trăm năm mươi tranh minh họa lớn, thì cũng giống như đang lang thang qua một lâu đài lộng lẫy khi những người trong đó đã ngủ. Chúng tôi nhìn những trang cực kỳ phong phú với lòng kính trọng sâu sắc, như thể đang xem những khu vườn Địa đàng vốn chỉ xuất hiện một cách thần kỳ trong một phút thoáng qua. Và suốt hai mươi lăm năm sau đó, chúng tôi đã bàn tán về pho sách vốn luôn được khóa kỹ trong Quốc khố này.

Tôi lặng lẽ giở tấm bìa dày của cuốn Shahnameh như thể mở một cánh cửa lâu đài khổng lồ. Trong khi tôi lật các trang, mỗi trang tạo âm thanh sột soạt vui tai, tôi chìm trong nỗi buồn phiền hơn là kính sợ.

1. Nhớ lại những câu chuyện hàm ý rằng mọi nhà tiểu họa bậc thầy ở Istanbul đều đã ăn cắp hình ảnh từ các trang trong cuốn sách này, tôi không thể toàn tâm chú ý đến các bức tranh.

2. Nghĩ rằng mình có thể tình cờ gặp một bàn tay được Bihzad vẽ trong một góc nào đó, tôi không thể để hết tâm trí vào những kiệt tác mà cứ cách năm hay sáu bức lại xuất hiện một bức (dứt khoát và duyên dáng làm sao cách Tahmuras hạ quyền đường xuống đầu bọn ma quỷ và người khổng lồ, nhũng kẻ mà sau này, lúc hòa bình, sẽ dạy ông bảng chữ cái tiếng Hy Lạp và các thứ tiếng khác)!

3. Những cái mũi của bọn ngựa và sự hiện diện của Siyah cùng tên lùn đã giữ tôi không đắm mình vào những gì tôi thấy.

Dĩ nhiên, tôi thất vọng khi nhận ra mình đang quan sát bằng trí óc hơn là bằng trái tim, cho dù tôi rất may mắn được Allah, với lòng hào phóng của Người, ban cho cơ hội xem thỏa thuê pho sách huyền thoại này trước khi màn nhung của bóng tối trùm lên mắt tôi – ân huệ thần thánh dành cho mọi nhà tiểu họa vĩ đại. Cho đến lúc ánh bình minh lan đến Quốc khố, nơi đang dần bắt đầu giống một ngôi mộ lạnh giá, tôi đã xem từng bức trong hai trăm năm mươi chín bức tranh của pho sách siêu phàm này. Vì tôi nhìn bằng trí óc, nên hãy cho phép tôi một lần nữa phân loại, như thể tôi là một học giả Ẳ Rập chỉ quan tâm đến lập luận:

1. Tôi không tìm ra ở đâu một con ngựa với cánh mũi giống những gì tên giết người đê tiện đã vẽ: Trong số những con ngựa được tô màu khác nhau mà Rustem đã gặp trong khi đuổi theo những tên trộm ngựa ở Turan; những con ngựa tuyệt mỹ của vua Feridun bơi qua sông Tigris sau khi vua Ẳ Rập từ chối không cho phép ông ta làm thế, những con ngựa xám đang buồn rầu chứng kiến sự phản bội của Tur khi chém đầu đứa em trai Iraj, người mà ông ta đố kỵ vì cha họ, trong khi chia lãnh thổ, đã trao phần tốt nhất là Ba Tư và cả Trung Hoa xa xôi cho Iraj còn Tur thì chỉ được chia những vùng đất phía Tây; trong những con ngựa thuộc những đội quân anh hùng của Alexander vốn gồm người Khazar, người Ai Cập, người Berber và người Ẳ Rập, tất cả được trang bị áo giáp, khiên sắt, những thanh gươm thượng hạng và mũ trụ lấp lánh; trong con ngựa huyền thoại vốn đã giết vua Yazdgird – mũi ông ta chảy máu không ngừng do bị thần thánh trừng phạt vì dám nổi loạn chống lại sự an bài của Thượng đế – bằng cách giẫm đạp lên ông ta bên bờ hồ nước trong xanh mà thứ nước hồi sinh của nó đã làm giảm nhẹ nỗi muộn phiền của ông ta; và giữa hàng trăm con ngựa hoàn hảo và bí ẩn do sáu hay bảy nhà tiểu họa vẽ, tất cả đều không thấy. Nhưng, trước mắt vẫn còn hơn một ngày nữa để tôi nghiên cứu những cuốn sách khác trong Quốc khố.

2. Có một lời khẳng định vốn đã trở thành đề tài bàn tán dai dẳng trong đám họa sĩ bậc thầy suốt hai mươi lăm năm qua: được Đức vua cho phép, một nhà minh họa đã vào Quốc khố ở thâm cung này, tìm thấy cuốn sách kỳ vĩ đó, giở ra và, dưới ánh nến, sao vào sổ ghi chép của anh ta những mẫu mực về ngựa, cây, mây, hoạt chim, vườn, những cảnh chiến trận và tình yêu tuyệt đẹp để sau này sử dụng cho tác phẩm của mình… Mỗi khi có họa sĩ nào tạo ra một tác phẩm khác thường và gây kinh ngạc, thì lòng ghen tỵ liền đẻ ra loại chuyện tầm phào như thế ở những họa sĩ khác, những kẻ luôn tìm cách rẻ rúng bức tranh, coi nó chẳng gì hơn một tác phẩm Ba Tư ở Tabriz. Hồi đó Tabriz chưa thuộc lãnh thổ Ottoman. Khi lời vu khống như thế nhắm vào tôi, tôi cảm thấy giận dữ một cách chính đáng, nhưng lại thầm tự hào nhưng khi tôi nghe lời buộc tội như thế về người khác, thì tôi tin nó ngay. Bây giờ tôi buồn rầu nhận ra rằng, một cách kỳ lạ nào đó, bốn nhà tiểu họa chúng tôi, những kẻ từng được xem pho sách này từ hai mươi lăm năm trước, đã khắc sâu những hình ảnh trong đó vào ký ức, và từ đó trở đi chúng tôi chỉ nhớ lại, biến cải và vẽ chúng vào những cuốn sách làm cho Đức vua. Tinh thần tôi đã sa sút, không phải bởi sự tàn nhẫn của những vị vua quá đa nghi vốn sẽ không bao giờ lấy những cuốn sách như thế ra khỏi kho báu của họ cho chúng tôi xem. mà bởi sự nhỏ hẹp của thế giới hội họa của chính chúng tôi. Liệu có phải là những bậc thầy vĩ đại của Herat hay những bậc thầy mới của Tabriz, những họa sĩ Ba Tư đã làm ra nhiều bức minh họa xuất chúng hơn, nhiều kiệt tác hơn người Ottoman chúng tôi chăng?

Giống như một ánh chớp, tôi chợt nghĩ thật thích hợp biết bao nếu hai ngày nữa tất cả các nhà tiểu họa của tôi và tôi đều bị đưa ra tra tấn; dùng mũi con dao nhím tôi cạo không thương tiếc những con mắt bên dưới bàn tay tôi trong bức tranh mở ra trước mặt. Nó nằm trong câu chuyện kể về một học giả Ba Tư, kẻ học đánh cờ chỉ bằng cách nhìn một bàn cờ do sứ thần Hindustan đưa đến, trước khi đánh bại bậc thầy Hindu ngay trong môn chơi sở trường của ông ta! Một trò láo khoét của bọn Ba Tư! Từng con mắt, tôi cạo mắt của những kẻ chơi cờ, mắt của vị vua cùng các quần thần đang ngồi xem. Lật trở lại các trang trước, tôi cũng cạo không thương tiếc con mắt của những vị vua đang quyết chiến, của binh lính mặc giáp trụ lộng lẫy thuộc những đội quân oai nghiêm và của những cái đầu bị cắt lìa nằm dưới đất. Sau khi làm như thế trong ba trang, tôi nhét con dao trở lại vào khăn quàng.

Hai tay tôi run rẩy, nhưng tôi không cảm thấy buồn. Bây giờ có phải tôi đang cảm thấy những gì mà rất nhiều người điên đã cảm thấy sau khi thực hiện hành động kỳ lạ này mà kết quả của nó tôi vẫn gặp trong suốt năm mươi năm làm họa sĩ không? Tôi chỉ muốn thấy máu chảy ra trang sách từ những con mắt đã bị tôi cạo cho mù.

3. Điều này mang tôi đến sự giày vò và an ủi đang chờ tôi ở cuối cuộc đời. Không có phần nào của pho sách tuyệt hảo này, cuốn sách mà vua Tahmasp đã hoàn tất bằng cách thúc ép những nghệ sĩ tài hoa nhất Ba Tư làm trong mười năm, đã nhận được nét bút của Bihzad vĩ đại, và người ta cũng không tìm thấy cách vẽ đôi tay tuyệt hảo của ông ở bất cứ chỗ nào. Sự kiện này khẳng định rằng Bihzad đã mù trong những năm cuối đời, khi ông trốn khỏi Herat – lúc đó là một thành phố thất sủng – để đến Tabriz. Vì vậy một lần nữa tôi đi đến kết luận một cách hoan hỉ rằng, sau khi ông ta đạt tới sự hoàn hảo của những bậc thầy xưa bằng cách làm việc cả đời vị thầy vĩ đại này đã tự đâm mù mắt để tránh làm ô uế hội họa của mình vì những ham muốn của bất cứ xưởng vẽ hay vị vua nào khác.

Ngay lúc đó, Siyah và tay lùn mở một pho sách dày họ mang tới đặt trước mặt tôi.

“Không, đây không phải là nó,” tôi nói mà không bị mâu thuẫn. “Đây là cuốn Shahnameh của người Mông Cổ. Những con ngựa sắt trong đội kỵ binh sắt của Alexander được đổ đầy dầu hỏa và đốt cháy như những ngọn đèn trước khi bắn lửa từ mũi chúng sang phía kẻ thù. Chúng tôi nhìn đội quân bằng sắt bốc cháy được sao chép từ những bức tranh Trung Hoa.

“Jezmi Agha ạ,” tôi nói, “sau này chúng tôi có vẽ trong cuốn â��Biên niên sử triều vua Selim’ những món quà mà các sứ thần Ba Tư của vua Tahmasp, những kẻ cũng đã tặng pho sách này, mang theo họ cách nay hai mươi lăm năm…”

Hắn ta nhanh chóng tìm ra cuốn â��Biên niên sử triều vua Selim’ và đặt trước mặt tôi. Được ghép với trang tô màu rục rỡ thể hiện cảnh các sứ thần đang dâng cuốn Shahnameh cùng những tặng phẩm khác cho vua Selim, mắt tôi tìm ra, giữa những món quà được liệt kê từng thứ một, dòng chữ tôi đã đọc được từ lâu nhưng rồi quên mất vì nó quá khó tin:

Cây kim vàng có cán cẩn xà cừ và ngọc lam mà tài năng đáng sùng bái của Heart, bậc thầy của những nhà tiểu họa bậc thầy Bihzad, đã dùng để tự đâm mù mắt chính mình.

Tôi hỏi tên lùn hắn tìm thấy cuốn â��Biên niên sử triều vua Selim’ ở đâu. Tôi theo hắn đi qua bóng tối đầy bụi của Quốc khố, lang thang giữa những rương, những đống vải và đống thảm, những cái tủ và bên dưới các cầu thang. Tôi nhận thấy bóng của chúng tôi, lúc co lúc giãn in lên những chiếc khiên, ngà voi và da cọp. Tại một trong những căn phòng kế bên, cũng tràn ngập cái màu đỏ kỳ lạ của vải và nhung kia, bên cạnh cái rương sắt trong đó có cuốn Shahnameh, giữa những pho sách khác, những khăn trải giường thêu chỉ vàng và bạc, những viên đá Tích Lan thô chưa đánh bóng, những con dao chạm đá quý, tôi thấy một số quà tặng khác mà vua Tahmasp đã gửi: những tấm thảm lụa từ Isfahan, một bộ cờ bằng ngà voi và một vật mà lập tức khiến tôi chú ý: một hộp bút trang trí những con rồng Trung Hoa và những cành cây với một phù hiệu hoa hồng khảm xà cừ rõ ràng là từ thời Tamerlane. Tôi mở hộp và từ đó bốc ra một mùi hương tinh tế của giấy đốt và nước hoa hồng; bên trong là một cây kim vàng cán cẩn xà cừ và ngọc lam mà người ta dùng để gắn cọng lông chim vào khăn xếp đội đầu. Tôi cầm lấy cây kim và trở lại chỗ cũ giống như một bóng ma.

Khi còn lại một mình, tôi đặt cây kim mà thầy Bihzad đã dùng để tự đâm mù mắt lên trang giấy đang mở của cuốn Shahnameh và nhìn nó chằm chằm. Không phải tôi rùng mình bởi cây kim ông dùng để đâm mù mắt, mà là bởi tôi nhìn thấy một vật ông đã cầm trong đôi tay kỳ diệu của ông.

Tại sao vua Tahmasp gửi cây kim khủng khiếp này kèm theo quyển sách ông ta tặng cho vua Selim? Đó có phải là do vị vua này vốn khi còn bé từng là học trò của Bihzad và là nhà bảo trợ các họa sĩ khi còn trẻ, đã thay đổi khi về già, tách rời các thi sĩ và họa sĩ khỏi nhóm thân cận của ông mà hoàn toàn chìm đắm vào tín ngưỡng và thờ cúng? Đây có phải là lý do khiến ông ta sẵn lòng từ bỏ cuốn sách tuyệt mỹ này, cuốn sách mà bậc thầy vĩ đại nhất đã lao động suốt hơn mười năm? Có phải ông ta gửi cây kim này để tất cả mọi người biết rằng người họa sĩ vĩ đại đã tự làm mình mù hoặc, như có lúc người ta đồn đại, để tuyên bố rằng bất cứ ai nhìn những trang trong cuốn sách này sẽ không còn muốn thấy bất cứ gì khác trên đời này nữa? Dù trong trường hợp nào, cuốn sách này cũng không còn được nhà vua ấy coi như một kiệt tác nữa, ông ta đã hối tiếc sâu sắc, sợ rằng mình mắc phải tội phạm thượng qua tình yêu hội họa lúc còn trẻ như đã xảy ra với nhiều nhà cai trị trong thời đại xa xưa.

Tôi nhớ lại những câu chuyện được kể qua các nhà minh họa hằn học, những kẻ đến già mới nhận ra rằng những giấc mơ của họ không thực hiện được: khi những đội quân của vua Jihan, người trị vì Garagoýunly chuẩn bị tiến vào Shiraz, Ibn Husam, Trưởng ban Minh họa huyền thoại của thành phố, đã tuyên bố “Tôi từ chối vẽ theo bất cứ cách nào khác,” và cho người thợ học việc đâm mù mắt ông bằng thanh sắt nóng. Trong số những nhà tiểu họa mà đạo quân của vua Yavuz Selim mang về Istanbul sau khi đánh bại vua Ismai, chiếm giữ Tabriz và cướp bóc lâu đài Bảy tầng trời có một bậc thầy Ba Tư già, người mà theo lời đồn đã tự làm mù mình bằng thuốc độc bởi vì ông tin mình không bao giờ dám vẽ lại theo phong cách Ottoman, chứ không phải do hậu quả một cơn bệnh ông mắc phải trên đường đi như một số người khẳng định. Để làm gương cho họ, tôi thường kể cho những nhà minh họa của mình trong những lúc họ nản lòng rằng Bihzad đã tự đâm mù mắt ông như thế nào.

Không có một giải pháp khác sao? Nếu một nhà tiểu họa bậc thầy áp dụng những phương pháp mới đâu đó ở những nơi hẻo lánh, vậy ông ta không thể, dù chỉ một chút, cứu toàn bộ xưởng vẽ và các phong cách của những bậc thầy xưa sao?

Có một vết sẫm trên đầu cực nhọn của cây kim, nhưng đôi mắt đã mờ của tôi không thể xác định đó có phải là máu hay không. Hạ thấp kính lúp, như thể đang xem một bức vẽ tình yêu buồn bã với một cảm giác u sầu tương ứng, tôi nhìn cây kim hồi lâu. Tôi cố hình dung xem Bihzad đã làm việc đó như thế nào. Tôi có nghe nói người ta không thể bị mù ngay lập tức; bóng tối mượt mà hạ xuống từ từ, có khi phải mất nhiều ngày, có khi nhiều tháng, như với những người già mù đi một cách tự nhiên.

Tôi nhìn thấy nó trong khi đi sang phòng kế bên; tôi đứng nhìn, phải, đó là một chiếc gương ngà voi với cán xoắn và khung bằng gỗ mun dày, dọc theo thân có trang trí chữ viết. Tôi lại ngồi xuống và nhìn vào đôi mắt mình, ánh nến nhảy nhót trong đồng tử tôi đẹp làm sao – cặp đồng tử đã chứng kiến bàn tay tôi vẽ trong sáu mươi năm.

“Thầy Bihzad đã làm chuyện đó như thế nào?” tôi lại tự hỏi.

Không rời mắt khỏi gương, với những động tác thành thạo của một phụ nữ đang bôi phấn lên mi mắt, tay tôi tự tìm thấy cây kim. Không do dự, như thể đang dùi lỗ vào đầu quả trứng đà điểu sắp được trang trí, tôi can đảm, bình tĩnh và kiên quyết ấn cây kim vào đồng tử mắt phải. Ruột tôi quặn lại, không phải bởi vì tôi cảm thấy việc mình đang làm, mà bởi vì tôi thấy chuyện tôi đang làm. Tôi ấn cây kim vào mắt tôi tới độ sâu bằng một phần tư ngón tay, rồi rút nó ra.

Trong hai câu thơ được khắc trên khung gương, thi sĩ đã chúc cho người đọc luôn luôn xinh đẹp và thông thái – và chúc cuộc sống vĩnh hằng cho chiếc gương.

Mỉm cười, tôi làm y như vậy với con mắt kia.

Tôi ngồi im hồi lâu. Tôi nhìn thế giới – vào mọi vật.

Như tôi ước đoán, các màu sắc của thế giới không tối đen đi, mà có vẻ như lan quyện hết sức nhẹ nhàng vào nhau, ít nhiều tôi vẫn còn nhìn thấy.

Ánh nắng nhợt nhạt chiếu trên lớp vải đỏ sẫm của Quốc khố. Theo trình tự quen thuộc, Trưởng Ngân khố và người của ông ta bẻ lớp xi và mở khóa cửa. Jezmi Agha thay các bô, đèn và thùng sưởi, mang vào bánh mì nóng cùng dâu khô và thông báo với những người khác rằng chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm những con ngựa có cánh mũi được vẽ một cách kỳ cục trong các pho sách của Đức vua. Còn gì tuyệt vời hơn là nhìn vào những bức tranh đẹp nhất thế giới trong khi cố nhớ lại cái nhìn thế giới của Thượng đế?

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN