Thạch Kiếm - Chương 28: Cái chong chóng
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
184


Thạch Kiếm


Chương 28: Cái chong chóng


Thạch Đạt Lang ngồi yên lặng đợi đò ngang dưới mái hiên hẹp của một quán bán hải vị trông ra biển.

Ăn xong đĩa nghêu luộc mà người hắn nhờ đi mua dép cỏ vẫn chưa về, sốt
ruột, hắn cởi miếng vải buộc vết thương ở chân ra. Chỗ đau đã xẹp nhiều, da xung quanh bàn chân bây giờ màu tím hồng và hơi nhăn. Không bị vướng víu khó chịu như trước, Thạch Đạt Lang đứng dậy đi ra phía ghềnh đá vốc nước rửa. Buộc lại vết thương xong, trở về quán, hắn đã thấy dép và
xà-cạp mới mua để ở đó từ bao giờ, bên túi hành trang chỗ hắn ngồi cũ.

Chủ quán nướng nghêu trong bếp, trông ra nhắc:

– Bác chân sào tìm khách quan đấy. Thuyền sắp rời bến rồi.

– Ồ vậy ư ? Để ta trả tiền và ra ngay bây giờ. Hôm nay ngày mấy rồi quán chủ ?

Chủ quán cười:

– Khách quan thật là hạnh phúc. Nghe hỏi, biết ngay chẳng nợ nần ai. Hôm nay hăm bốn, sắp hết năm rồi còn gì.

– Chà ! Thế mà ta cứ tưởng muộn, hăm bảy hăm tám gì đó !

Chủ quán lắc đầu:

– Thanh niên có khác, vô tư quá !

Thạch Đạt Lang trả tiền xong, xỏ chân vào đôi dép mới, buộc vội dây
xà-cạp rồi hối hả chạy ra bến. Hắn thấy dễ chịu quá, có thể đi bộ thêm
được đến vài chục dặm. Từ tình trạng tàn tật bỗng nhiên trở thành khỏe
mạnh, hắn yêu đời hẳn lên. Nhất là sự thành công của hắn trên đỉnh Đại
Bàng sơn ngày hôm qua khiến hắn vô cùng tin tưởng vào ý chí mãnh liệt
hắn có. Thạch Đạt Lang hít mạnh một hơi dài:

không khí dường như nhẹ và thơm hơn, những bước chân trên cát của hắn vững vàng như những bước chân con tuấn mã.

Đò đã đầy người nhưng bác chân sào vẫn cố xếp cho hắn một chỗ ngồi gần mũi.

Biển lặng. Mặt nước trong xanh phẳng lỳ tựa tấm gương soi phản chiếu vài cụm mây lờ lững. Thạch Đạt Lang nhìn về phía bến:

dẫy quán ven bờ, ngôi chợ cũ khuất dần trong tàn trắc xanh đen và xa xa
là sơn đạo đi Matsuzaka, ngoằn ngoèo giữa những đám tuyết trắng chưa
tan. Giá có thì giờ, có lẽ hắn cũng đi gặp Trúc Tử Hãn ở Matsuzaka,
nhưng bây giờ thì muộn mất rồi. Hắn cần phải về Kyoto trước tết nguyên
tiêu, nên tự hẹn sẽ tìm gặp vị kiếm sỹ này vào một dịp khác.

Vừa từ trên thuyền bước xuống, Thạch Đạt Lang chú ý tới ngay một gã đàn
ông trung niên đi trước, lưng giắt đoản côn, ngang hông đeo kiếm bao
bằng da trâu. Gã trạc độ bốn mươi bốn hai, mày rậm, mắt lồi, mặt lại rỗ
chằng chịt. Mớ tóc đỏ quạch buộc ngược về phía sau thành một túm, dáng
điệu dữ dằn. Nếu không có thằng bé trạc độ trên mười tuổi vác túi đồ
nghề thợ rèn theo sau thì ai cũng ngỡ là kẻ cướp.

Thằng bé má còn dính vệt than và mồ hóng, chắc là thợ phụ. Chân nó ngắn, đuổi không kịp bước của thầy nên thỉnh thoảng phải chạy. Chiếc túi vải
gai đeo trên lưng to gần bằng mình nó kêu lịch kịch theo bước đi. Mỗi
khi chạy, nó phải lấy tay đỡ túi cho khỏi va vào lưng. Đột nhiên thằng
bé khựng lại la hoảng:

– Ý ! Thầy đợi con với. Con quên cái búa rồi !

Thạch Đạt Lang phì cười. Nhưng gã đàn ông quay lại trừng mắt:

– Thật hay bỡn ?

– Dạ thật ! Con để quên trên thuyền.

– Hà ! Bây giờ mày lại quên cả đồ nghề độ nhật nữa. Muốn sống đi lấy ngay ! Bận sau mà quên nữa thì chết với ông !

Đứa bé líu ríu vâng lời, cắm cổ chạy.

Con đường từ bến tàu đến chợ chẳng thiếu gì quán bán các vật dụng linh
tinh, nhất là đồ kỷ niệm. Thằng bé đi tìm búa quay trở lại không thấy
thầy đâu, lo lắng nhìn quanh. Khi thấy gã đàn ông trong tiệm bán đồ chơi bước ra, tay cầm cái chong chóng bằng giấy sặc sỡ, mắt nó sáng lên vui
sướng.

– Hứa Hoành !

Nghe gọi, thằng bé chạy vội lại.

– Mang cái này cho ta ! Có tìm thấy búa không.

– Dạ có. Con để trong túi rồi !

– Thầy mua cho bé Hồ nhi đấy à ?

– Ừ.

Hai thầy trò gã thợ rèn đi trước Thạch Đạt Lang tuồng như dẫn đường cho
hắn, vì hắn thấy hắn định rẽ phía nào thì họ cũng đã rẽ trước về phía
ấy. Trông dáng điệu, y phục và những đồ nghề thằng bé mang theo, Thạch
Đạt Lang đoán mười phần chắc chín gã đàn ông là Chu Kế Phong Tất Đạt,
người thợ rèn xóm Ujii, nổi tiếng về ngón đòn với thứ võ khí cổ quái như cái hái do gã chế ra.

Muốn kiểm chứng và nhân thể tìm cơ hội làm quen, hắn rảo bước đến gần, niềm nở hỏi:

– Chào đại hiệp. Đại hiệp cũng đi Ujii đấy à ?

– Phải. Ngươi hỏi gì ?

– Phải chăng đại hiệp là Tất Đạt ?

– Chính thị. Thế ngươi là ai ?

– Tại hạ tên Thạch Điền Đạt Lang, đi tìm thầy học võ. Mới đây qua quý xá, có được gặp lệnh khổn …

– Á à ! Vậy ngươi đã gặp chuyết kinh đấy. Thế ngươi có phải là khách trọ Ở Yamada không ?

– Phải Tất Đạt mỉm cười ngạo mạn:

– Có người cho biết ngươi muốn tìm ta để học vài ngón sở trường. Vô ích ! Vô ích !

Thủ pháp của ta ngươi chẳng dùng được vào việc gì đâu.

– Sao vậy ?

– Vì vừa nhìn ra thì ngươi đã thành người thiên cổ rồi ! Ta phát lạc nhanh lắm !

Gã nói xong cười ha hả. Tiếng cười vang động cả khu rừng vắng. Thạch Đạt Lang đã từng nghe vợ Chu Kế Phong thốt ra những lời như vậy, tuy lời
không hẳn là thế, nhưng ý khinh miệt tương tự. Mụ vợ có vẻ hống hách,
song chồng mụ xem ra còn kiêu căng hơn nhiều.

Hắn muốn dạy gã thợ rèn này một bài học ngay tại đây, nhưng nghĩ lại
chẳng việc gì mà vội. Đại Quán đã cho hắn kinh nghiệm đầu tiên về cuộc
đời:

đừng tưởng mình là nhất, gầm trời này thiếu gì kẻ hơn ta. Tự cao tự đại
chỉ chuốc lấy những thất bại đau đớn. Trước khi thử sức với ai, hãy tìm
hiểu và đánh giá kỹ địch thủ.

Nghe tiếng cười ngạo mạn của Chu Kế Phong vang động bên tai, Thạch Đạt Lang chỉ lặng thinh. Lát sau hắn mới khiêm tốn:

– Tại hạ đã hiểu. Nhưng may mắn được gặp đại hiệp ở đây, tại hạ không
muốn để lỡ dịp hạnh ngộ. Chỉ xin chỉ bảo cho vài điều về thứ binh khí kỳ dị.

– Ha ha ! Vậy ra ngươi cũng đã biết đến thứ võ khí ấy của ta sao ? Ai dạy ngươi biết ?

– Lệnh khổn đã chỉ cho một chiêu …

– Được lắm ! Ta cũng thương ngươi thật lòng cầu học. Nếu chỉ muốn nghe ta nói thôi thì về nhà, ta nói rõ cho nghe.

– Đa tạ đại hiệp. Và cũng xin cho tá túc qua đêm.

– Được ! Nhưng ngươi phải ngủ trong bếp với thằng Hứa Hoành. Nhà ta không có chỗ dư.

Trời chiều đỏ rực, cả ba đến chân núi Suzuka. Xóm Ujii hiền lành nằm ở
cuối con đường nhỏ, ráng hoàng hôn nhuốm hồng các mái tranh như trong
một bức cổ họa.

Hứa Hoành chạy vội về nhà báo tin trước nên khi Chu Kế Phong đến ngõ đã
thấy vợ bế con nhỏ ra cửa đứng đón, tay cầm chiếc chong chóng gió thổi
quay tít.

Vợ Tất Đạt vừa nựng con vừa chỉ vào chồng:

– Hồ nhi ! Bố kìa ! Bố đã về kìa !

Chu Kế Phong nhìn đứa bé, nét mặt tươi hẳn lên, vẻ thô lỗ kiêu căng biến mất. Gã bế đứa nhỏ trong tay, đong đưa rồi rúc đầu vào nách nó. Nó cười khanh khách. Chu Kế Phong cầm cái chong chóng dứ dứ trước mặt con. Nó
nhoài người ra, tay quơ chân vẫy, và người mẹ cũng cười như nắc nẻ. Gã
bế đứa nhỏ đi vào nha trong, vợ theo sau, để mặc cho Thạch Đạt Lang đứng một mình ở ven cổng.

Cảnh gia đình êm ấm, tiếng cười rộn rã hồn nhiên của vợ con người thợ
rèn làm hắn vui lây, nhưng sao hắn cảm thấy lẫn lộn một chút gì chua
xót. Hình như trong tiềm thức, hắn đã được hưởng cảnh này. Kiếp này hay
tiền kiếp, hẵn cũng không biết nữa.

Thấy trong nhà gần bếp lò có lửa, Thạch Đạt Lang bỏ nón, tháo túi đeo
lưng tiến đền gần ngồi sưởi. Cửa hàng vẫn thế, vẫn những nông cụ lặt vặt để trên kệ, vẫn những dây mồ hóng đen rủ lòng thòng từ trên trần xuống
như thạch nhũ. Bên ngoài bóng tối phủ đầy. Ánh lửa bật bùng của khúc củi gần tàn chiếu bóng Thạch Đạt Lang rung rinh trên vách.

Chu Kế Phong tắm gội xong sắp ăn cơm mới sực nhớ đến người khách trẻ. Gã gọi vợ:

– Dọn thêm phần nữa cho khách. Ở nhà ngoài ấy, ta ra bây giờ !

Vợ Tất Đạt bưng khay rượu ra. Mụ đặt bình sa-kê lên hâm trên bếp than,
liếc nhìn Thạch Đạt Lang rồi đi vào trong nhà, lầu bầu khó chịu:

– Lần trước đã tới rồi, giờ lại tới nữa.

Chu Kế Phong đến ngồi bên bếp. Bộ mặt rỗ của gã trông hiền hậu hơn,
không biết vì mới tắm xong hay vì ánh lửa không soi rõ hết những vết lồi lõm. Gã hất hàm hỏi Thạch Đạt Lang:

– Uống chút rượu nhá ?

– Vâng, đại hiệp đã cho thì xin nhận.

Chu Kế Phong cầm bình rượu rót ra đĩa đưa Thạch Đạt Lang. Hắn uống một
hơi cạn, mím môi lại chép chép miệng. Rượu hơi chua nhưng hắn cũng cảm
thấy dễ chịu.

Máu nóng chạy râm ran trong người. Hắn vui vẻ:

– Để tại hạ rót mừng đại hiệp một lần.

– Không sao. Ta có đĩa riêng đây rồi !

Cả hai im lặng ngồi nhìn lửa và những cục than hồng trong lò. Lúc sau, Chu Kế Phong mới hỏi:

– Ngươi năm nay bao nhiêu tuổi ?

– Hăm hai.

– Quê quán ở đâu ?

– Mimasaka.

Mắt Chu Kế Phong đột nhiên lộ vẻ chú ý. Gã quan sát Thạch Đạt Lang từ đầu đến chân rồi nói:

– Lúc nãy ngươi bảo tên ngươi là gì nhỉ ?

– Tại hạ là Thạch Điền Đạt Lang.

– Hừ. Thạch Điền. Họ Thạch như Thạch Kinh Tử chứ gì ?

Vừa lúc ấy vợ Tất Đạt mang thức ăn ra, một bát canh, một đĩa cá muối,
một liễn cơm, mụ đặt cả vào cái khay lớn trên chiếu. Mụ nói với Thạch
Đạt Lang, không khách sáo:

– Ăn đi.

Thạch Đạt Lang cúi đầu cảm ơn. Chu Kế Phong vẫn thắc mắc, nhưng gã làm bộ tự nhiên rót thêm sa-kê vào đĩa:

– Uống chút rượu nữa đã. Thế khi còn nhỏ người ta gọi tên ngươi là gì. Phải Thạch Kinh Tử không ?

– Dạ phải.

– Tên đó ngươi giữ cho đến khi mười bảy mười tám chứ gì ?

– Đúng vậy.

– Năm mười bảy, ngươi có dự trận Sekigahara cùng với một thanh niên nữa cùng trạc tuổi ngươi phải không ?

Đến đây thì Thạch Đạt Lang ngạc nhiên thật sự. Hắn chậm rãi đáp:

– Phải. Sao đại hiệp biết ?

Chu Kế Phong cười xòa:

– Ta biết nhiều chuyện vì ngày đó ta cũng dự trận Sekigahara. Thảo nào
trông ngươi quen quen, có lẽ chúng ta đã gặp nhau ở trận tiền.

Bản tính trung trực, Thạch Đạt Lang tin ngay và trong lòng chớm nở một mối hảo cảm với gã thợ rèn.

– Chắc đại hiệp thuộc cánh quân của Uất Tảng ?

– Phải rồi. Ta ở gần đó nên đầu quân với các kiếm sĩ địa phương. Không may mà phe mình thua trận.

Hai người nhìn nhau, mỗi người một ý nghĩ.

– Thế người bạn đồng ngũ với ngươi bây giờ đâu ?

– Cũng không rõ vì đã lâu không gặp lại.

– Ngay từ sau trận chiến ấy sao.

– Không hẳn thế. Tại hạ với nó phải lẩn trốn một thời gian tại vùng chân núi Ibuki chờ vết thương lành thì chia tay. Về sau nó đi đâu, tại hạ
không biết.

Chu Kế Phong gọi vợ lấy thêm rượu nhưng người đàn bà đã vào nằm với con ở trong phòng. Mụ nói vọng ra:

– Hết rượu rồi !

– Hết thì đi mua, ta muốn uống nữa.

– Sao bữa nay uống nhiều thế ?

– Có chuyện vui muốn uống, được không ?

– Bây giờ khuya rồi, tiệm đầu xóm đã đóng cửa, mua khó lắm.

Chu Kế Phong lộ vẻ tức giận, cao giọng gọi:

– Hứa Hoành !

Không nghe tiếng đáp. Gã gọi lần nữa, to hơn. Một lát mới thấy cửa sau mở, Hứa Hoành thò đầu ra hỏi, giọng ngái ngủ:

– Thầy gọi con ?

– Ờ, chạy đến nhà Hòa San vay bình rượu mang về đây ! Bảo nhà có khách.

Thạch Đạt Lang đã say. Hắn không uống được nhiều nên gạt đi:

– Thôi thôi, nếu vì tại hạ mà đi vay rượu thì chẳng nên.

– Không được. Phải uống với ta thêm vài bình nữa. Vả lại ta chưa cho ngươi chút biết những điều ngươi hỏi ta mà.

Hứa Hoành mang rượu về. Chu Kế Phong đặt lên bếp. Trong khi đợi rượu
nóng, gã thao thao kể lại những võ công đã trải ở chốn giang hồ, không
quên thêm thắt cho câu chuyện được hứng thú. Rồi rượu rót ra, gã vừa
uống vừa ép Thạch Đạt Lang, thành ra tuy đã cẩn thận, đề phòng, hắn cũng không thể từ chối được.

Khi luận đến thứ võ khí cổ quái gã chế ra, Chu Kế Phong say, nói không
còn gãy gọn. Tuy vậy Thạch Đạt Lang chú ý theo dõi cũng hiểu được đôi
phần:

nào cách dùng quả cầu sắt ném vào mặt địch thủ, dùng dây xích đoạt võ
khí, dùng lưỡi hái móc tay chân …Lại thuật phối hợp dây xích với quả
cầu làm địch hoa mắt để dễ bề giương đông kích tây cùng các yếu quyết và phương vị của chân đứng, tay ném …

Nghe những lời Chu Kế Phong dẫn giải, Thạch Đạt Lang nghĩ thầm gã thợ
rèn này cũng khá, đã cố công nghiên cứu và chắc khai triển được nhiều
chiêu thức lợi hại. Người ta có hai tay, nếu lúc chiến đấu chỉ sử dụng
một tay cầm kiếm thì uổng phí. Để rồ i có dịp hắn sẽ lưu tâm học thêm
song kiếm.

Bình rượu mới mang về chẳng mấy chốc đã cạn. Cả hai cùng say mèm. Trong
đời Thạch Đạt Lang chưa bao giờ say đến thế. Chu Kế Phong lè nhè gọi vợ:

– Này mẹ nó ! Bế con vào ngủ ở phòng trong đi. Để giường cho khách.

Vợ Tất Đạt không trả lời. Mụ nghe rõ lời chồng, song không muốn rời chỗ ấm.

Tiếng lè nhè của Chu Kế Phong lớn hơn:

– Nghe ta nói không ? Khách mệt rồi, phải để cho người ta nghỉ. Bế con vào phòng trong !

– Sau không để chú ấy ngủ ngoài đó ?

– Đừng nhiều chuyện. Ta bảo phải nghe.

Nói xong, gã chống tay đứng lên, đi vào phòng lôi vợ dậy. Tiếng gã thở khò khè.

Mụ Tất Đạt cau có buộc lại tóc trong khi gã thợ rèn bế đứa nhỏ nói vọng ra:

– Ngươi nghỉ tạm đây nghe ! Nếu khát, có sẵn ấm nước trên bếp và trà ở đầu giường ấy.

Thạch Đạt Lang ngồi bên bếp lửa, trí óc tan loãng không còn suy nghĩ gì được nữa.

Hắn với tay cầm ấm nước, rót một chén uống. Nước trà nguội ngắt, chan
chát đắng làm hắn tỉnh đôi chút. Hắn nghe tiếng đàn bà văng vẳng:

– Vào trong phòng ngủ đi. Ta mang gối mới …Trượng phu ta say chắc. Mai dậy trễ…làm bữa sáng nóng cho ăn.

Thạch Đạt Lang lẩm bẩm “cảm ơn, cảm ơn” rồi đi vào trong phòng. Hắn quên cả cởi dép. Ngồi trên chiếu, hắn mới sực nhớ ra, đưa tay tháo dép, ngả
mình lên giường và kéo chăn trùm kín mặt. Hơi chăn ấm lẫn với mùi sữa
thơm thoang thoảng khiến đầu óc hắn lâng lâng. Trước khi nhắm mắt, hình
như Thạch Đạt Lang thoáng thấy mụ Tất Đạt thổi tắt đèn và lẩn vào trong
bóng tối sập xuống dầy đặc.

Thạch Đạt Lang có cảm giác như ai đã dùng vòng sắt đánh đai vào đầu mình và siết chặt. Đầu hắn nhức vô cùng, mạch máu hai bên thái dương đập
thình thịch. Muốn ngồi nhưng chân tay rời rã, hắn không còn làm chủ được những cử động của chính mình nữa. Ánh sáng từng vòng, vàng, đỏ, xanh
lẫn lộn thi nhau nhảy múa trước mặt.

Giữa lằn biên giới của tỉnh thức và hôn mê ấy, Thạch Đạt Lang bỗng thấy
hiện ra một thiếu phụ, hắn không nhìn rõ dung nhan, nhưng dáng đi nhẹ
nhàng như những vệt sương trên sóng nước.

“À ơi …Cái ngủ mày ngủ cho say …”. Điệu ru quen thuộc văng vẳng bên tai đưa hắn trở về dĩ vãng:

một căn nhà gỗ nhỏ, bức tường đá rêu phong với những dây leo, rễ bám
chằng chịt mang nhiều chùm hoa tím nhỏ li ti. Cạnh hàng rào, rặng cây
rậm rạp cành rủ la đà, mỗi khi đêm xuống, ôm ấp bao nhiêu bí mật. Mẹ hắn bế hắn trên tay, hát ru khe khẽ. Ngọn đèn trên vách, ánh sáng không đủ
chiếu khắp gian phòng, nhưng cũng cho thấy những giọt nước mắt long lanh trên gò má mẹ hắn. Mặt bà hiện ra lờ mờ trong ký ức, trắng lắm mà lại
phơn phớt xanh, như màu hoa lê mới nở.

Từ phòng trong, giọng ông Mưu Ni Sai, cha hắn, vọng ra giận dữ:

“Cút đi ! Cút về nhà mày đi !”. Mẹ hắn nấc lên, áp má hắn vào mặt. Những giọt nước mắt nóng hổi chả y vào miệng hắn, mằn mặn. Hắn cũng khóc
theo. Khối óc thơ ngây ấy không đoán được chuyện gì đã xảy ra trong gia
đình và ngay đến bây giờ hắn vẫn không hiểu tại sao cha hắn lại đuổi mẹ
hắn đi. Hắn thấy mẹ Ôm chặt mình vào lòng, chạy ra ngoài. Gió thổi ào ào bên tai làm hắn khóc to hơn. Mẹ hắn càng ôm chặt. Đến một nơi hình như
là bờ sông, hắn nghe tiếng mẹ hỏi trong nức nở:

“Thạch Kinh Tử ! Con là con mẹ hay con cha?”. Mẹ hắn đặt hắn xuống ven
sông, bên những hòn đá cuội. Bà lội ra giữa dòng, mặc hắn gào thét giữa
bụi cỏ hoang, cạnh những đám bồ công anh hoa vàng lấm tấm. Cơn gió lạnh
thổi, hắn rùng mình, mở mắt.

Thạch Đạt Lang ú ớ trong miệng, khẽ cựa mình. Thiếu phụ ấy là ai, có
phải mẹ hắn không ? Hắn cố vận dụng ký ức để nhớ lại nhưng vẫn không sao mường tượng được nét mặt của bà. Qúa mệt mỏi, Thạch Đạt Lang lại thiếp
đi trong bóng tối.

Bóng người thiếu phụ hiện ra lúc xa lúc gần, lãng đãng. Bà giơ tay vẫy. Ô hay ! Sao đêm nay, hắn mộng thấy mẹ hắn luôn vậy ! Hắn gọi, nhưng tiếng gọi tắc nghẹn trong cổ họng. Hắn vùng vẫy, và đột nhiên mở mắt.

Cơn say đã tan. Miệng khô đắng, Thạch Đạt Lang nằm yên nhìn lên trần.
Lửa phòng ngoài tắt từ lâu, ánh than hồng hắt lên các vì kèo loang lổ mồ hóng mang một vẻ mơ hồ quái dị.

Trong cảnh tranh tối tranh sáng ấy, đột nhiên Thạch Đạt Lang chú ý đến
cái chong chóng giấy cắm trên trần. Mùi da thịt, mùi sữa thơm ngòn ngọt
của đứa trẻ và mẹ nó còn như quyện vào chăn gối. Chiếc chong chóng quay
nhè nhẹ. Chong chóng quay thì có gì lạ vì người ta làm chong chóng để
cho …nó quay. Nhưng muốn quay phải có gió. Thạch Đạt Lang nằm yên,
đoán chắc có người vừa mở cửa.

Quả nhiên, hắn nghe tiếng cửa khép nhẹ, rất nhẹ rồi những bước chân rón rén mỗi lúc một xa. Cái chong chóng thôi quay.

Trong một thoáng, Thạch Đạt Lang ý thức ngay được nguy cơ sắp xảy ra.
Hắn đã hiểu tại sao vợ chồng người thợ rèn lúc đầu tỏ vẻ lãnh đạm thờ ơ, sau lại vồn vã với hắn, để hắn ngủ trong căn phòng êm ấm kín đáo như
thế này. Hắn đã hiểu tại sao người chồng nhất quyết đòi mua thêm rượu và phục cho hắn uống say. Hắn tự giận mình không cảnh giác sớm để suýt nữa thì mất mạng.

Thạch Đạt Lang tỉnh rượu hẳn. Bản năng tự vệ thức dậy, hắn lắng nghe
động tĩnh như một con sâu nằm dưới lá nghe thời tiết xung quanh. Hệ thần kinh bén nhạy của hắn căng thẳng cực độ. Thạch Đạt Lang tự hỏi:

Đây là đâu, ổ đạo tặc hay hắc điếm ? Gã thợ rèn này có thù gì với mình ? Soát lại ký ức, hắn chắc chắn chưa bao giờ gặp gã này. Vậy lý do gì … Nhưng bây giờ không phải lúc tìm hiểu, suy luận. Phải phản ứng ngay,
khẩn cấp lắm rồi.

Thạch Đạt Lang trườn mình xuống cuối giường, khều đôi dép xỏ vào chân,
buộc quai, sửa lại chăn đắp cho ra vẻ vấn còn người nằm ngủ rồi len lén
cầm thanh kiếm lẩn vào trong bóng tối dày đặc sau đống củi, than xếp hỗn độn.

Tàn nén hương, đã nghe tiếng chân người bước ngoài hiên và tiếng xì xào khe khẽ.

Cánh cửa lùa hé mở. Dưới ánh sáng lờ mờ của bếp than gần lụi, cái chong chóng quay tít.

Bên tấm màn cửa mỏng, đôi mắt trắng dã của một kẻ mặc y phục lối dạ hành ló ra, tay lăm lăm lưỡi kiếm tuốt trần. Theo sau là một người cao lênh
khênh, cầm giáo. Cả hai men theo vách, đến trấn hai đầu giường. Gã thợ
rèn vào sau chót, một tay cầm lưỡi hái, một tay giữ quả cầu.

Chúng đưa mắt nhìn nhau, rồi như cùng theo một mật hiệu, quát lớn:

– Thạch Kinh Tử !

Đồng thời phóng chiêu ra như chớp xẹt. Giá Thạch Đạt Lang còn nằm đó
chắc trở tay không kịp mà có chết cũng chẳng toàn thây. Nhưng không một
ai trông thấy phản ứng gì hết. Ba loại võ khí đã đánh vào quãng không,
hay đúng ra, đã đánh vào một đống chăn gối bỏ không. Tiếng thét làm rung chuyển căn nhà gỗ chỉ đánh thức đứa nhỏ dậy làm nó khóc ré lên ở trong
phòng.

Gã thợ rèn phóng cước đá tung chiếc chăn đắp. Không thấy Thạch Đạt Lang, gã chửi thề một câu tục tĩu, chạy vội ra ngoài:

– Bọn ngươi đứng đây có thấy nó trốn không ?

– Không ! Sao ! Nó trốn rồi à ?

– Còn hỏi gì nữa ? Toàn đồ ăn hại, không được việc gì hết.

– Nhưng nó trốn đi đâu ? Bọn tiểu đệ canh ở đây ngay từ khi đại ca bảo, có thấy gì đâu !

– Kia kìa, cái cửa mở hé kia kìa. Đồ ngu, ở đó chứ đâu nữa !

Chu Kế Phong giận sùi bọt mép, đi đi lại lại bên bếp lửa như con thú dữ trong cũi.

Gã cao giọng:

– Anh em lại đây ! Tất cả ! Ta nói chuyện !

Mọi người tề tựu xung quanh gã, lố nhố có đến chục tên chứ không ít. Gã thợ rèn tiếp tục:

– Thằng này nguy hiểm lắm, tên Thạch Kinh Tử. Nó khỏe vô địch. Trước đây năm năm, chém bào huynh ta là Thử Mạch một kiếm vỡ sọ trên đồi Ibuki.
Mà bào huynh ta thì các ngươi đã biết, đâu phải kém cỏi gì ! Bây giờ nó
trốn rồi. Chỉ có hai đường về trấn, ta phải chia ra thành hai toán, đuổi bắt bằng được. Tên này có súng – gã chỉ một người vác cây hỏa mai – dẫn đầu toàn năm người đi về hướng nam, còn lại bao nhiêu theo ta qua cầu,
hướng đền Irakida. Gặp nó, bắn phát súng làm hiệu, chúng ta sẽ đến giúp
sức.

Mọi người y kế thi hành, rầm rộ ra đi, đuốc thông đốt khét lẹt. Tụi này
chính là tay chân của Chu Kế Phong Cố Hải, em Chu Kế Phong Thử Mạch, tên tướng cướp bị Thạch Đạt Lang giết khi hắn còn ẩn náu tại nhà Ôkô trên
đồi Ibuki năm nào. Cố Hải giờ đổi tên là Tất Đạt, tuy bên ngoài làm ra
vẻ làm ăn lương thiện, nhưng vẫn cùng lâu la tụ tập giết người cướp của. Khách vãng lai vô ý sa vào ổ chúng thường bị thủ tiêu, xác vất cho quạ
rỉa trong rừng sâu hoặc bên khe suối.

Đêm mỗi lúc một khuya. Căn nhà gỗ tối đen, vắng lặng, đìu hiu như cảnh
vật xung quanh. Gà đã hai lần gáy, vẫn chưa thấy toán nào trở lại.

Mãi sau, lâu lắm, khi sương đã xuống mờ mờ bao phủ cả vùng rừng núi, khí hậu bắt đầu lạnh buốt và các vì sao cũng run rẩy ở trên cao, mới thấy
chúng lục tục kéo nhau về. Đầu tiên là toán của tên mang súng hỏa mai,
sau đến Tất Đạt và đồng bọn. Chúng lẳng lặng mở cửa vào nhà, ngồi la
liệt trên sàn, gây lửa cháy to thêm. Mệt nhọc và chán nản lộ trên nét
mặt, Tất Đạt là người đầu tiên lên tiếng:

– Thằng nào đi lấy rượu uống chứ !

Một kẻ chạy đi. Cả bọn lại đăm đăm ngồi nhìn ngọn lửa.

– Thằng đó thật hên. Nếu ta tóm được …

– Đại ca chắc nó là Thạch Kinh Tử không ?

– Sao lại không ? Ta đã hỏi kỹ lai lịch. Vả trông vóc dáng cao lớn và
trạc tuổi thì đúng nó. Có lẽ hương hồn bào huynh ta đã run rủi cho nó
tới …

– Bây giờ đại ca tính sao ?

– Còn tính sao nữa ? Ta chỉ tiếc đã không ra tay ngay. Vì muốn ăn chắc nên gọi anh em đến giúp sức.

Chu Kế Phong rót hết chén này đến chén khác. Bình rượu lớn cạn dần. Mặt
xám lại, đôi mắt lạc thần nhìn ngọn lửa như bị thôi miên, gã có vẻ muốn
gục xuống chiếu.

Bọn đàn em xúm đến đơ, gã gạt tay ra, lè nhè:

– Thôi bọn ngươi về cả đi. Để mặc ta. Chưa say …chưa say mà …

Trời sắp sáng. Tiếng gà văng vẳng trong khe núi. Nhiều bóng người từ căn nhà lò rèn bước ra, lầm lũi tản mát trên các đường mòn trong xóm. Chu
Kế Phong ngủ thiếp trên chiếu rượu, tiếng ngáy vang làm rung động cả
những dây mồ hóng rủ trên trần.

Ngoài hiên, lẩn sau bóng tối của đống than, gỗ chất cao lên đến tận nóc, một cái áo vải sơn đen bỗng nhiên chuyển động. Cái áo vươn cao từng
chút, từng chút, rồi khuôn mặt đen nhẻm của Thạch Đạt Lang lộ ra, đôi
mắt long lanh như mắt vọ.

Thì ra Thạch Đạt Lang vẫn còn đây, chưa lúc nào rời căn nhà gỗ. Sau khi
bước khỏi giường, hắn đã cẩn thận mở hé cánh cửa hông, núp ngay sau đống than ngoài hiên, dùng chiếc áo vải sơn treo ở đó ngụy trang và lắng
nghe hết mọi động tĩnh trong nhà.

Êm như ru, hắn rón rén đến gần bếp. Chu Kế Phong vẫn ngáy như sấm.

Thạch Đạt Lang đứng lặng nhìn gã thợ rèn, mỉm cười thương hại. Trong
cuộc gặp gỡ này, rõ ràng hắn thắng. Tuy nhiên, gã thợ rèn có một điểm
đáng khen, đã vì mối thù giết anh mà ra tay. Vậy có nên giết gã không ? – Thạch Đạt Lang tự hỏi – Nếu không, có thể còn nhiều hậu hoạn. Khôn ra
thì phải giết. Nhưng một câu hỏi khác lại được đặt ra:

Gã có đáng giết không ? Thạch Đạt Lang cứ phân vân mãi. Lúc sau, hắn
nghĩ được một cách cho là hay nhất. Với tay lấy món võ khí quái dị treo
gần đó, hắn bật nút bấm cho lưỡi bung ra, dùng giẻ bọc lại rồi đặt nó
gần cổ gã thợ rèn, quả cầu một bên và lưỡi hái một bên.

Hắn giật lùi lại ngắm công trình của mình. Khi thức giấc, gã thợ rèn
chắc phải ngạc nhiên lắm, nhưng lưỡi hái đã được bao lại rồi cũng như
cái chong chóng đã bọc lại thì còn quay sao được ! Năm năm về trước, khi giết Chu Kế Phong Thử Mạch, Thạch Đạt Lang đang trong cơn say máu. Hắn
như con thú hoang, giết là một bản năng tranh sống, nhưng nay, đứng
trước gã thợ rèn nằm im vô hại dưới chân, hắn thấy thật vô ích. Và biết
đâu, nếu giết gã, tiểu chủ nhân của chiếc chong chóng kia sẽ lại để cả
đời mình đi tìm hắn trả thù cho bố. Oan nghiệt sẽ chập chồng, bao giờ
mới dứt ?

Đứng trước căn phòng ấm cúng, mùi sữa mẹ còn như thoang thoảng từ trong
chăn gối bay ra, Thạch Đạt Lang cảm thấy ghen tức và hơi tiếc vì phải từ giã nơi này.

Hắn nói thầm trong bụng:

“Ta xin lỗi đã làm rộn. Xin cứ ngủ bình yên”.

Rồi nhẹ nhàng mở cửa bước ra.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN