Thạch Kiếm - Chương 29: Con ngựa bay
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
181


Thạch Kiếm


Chương 29: Con ngựa bay


Đến đồn kiểm tra gần biên giới quận thì trời đã tối, Giang và Oa Tử vào nghỉ chân qua đêm tại một quán trọ. Hôm sau, mới hửng sáng, sương mù chưa tan, nàng đã đánh thức Giang dậy
để lên đường sớm, tránh cái nắng gay gắt buổi trưa.

Đường đèo khấp khểnh, nhưng không khí tươi mát lúc ban mai làm hai người dễ chịu. Trên bầu trời trong phớt xanh, các vì sao thưa dần rồi những
dải mây hồng ở đỉnh núi đằng xa bắt đầu vàng ánh lên như mới được rắc
một lượt kim nhũ. Mặt trời hiện ra đỏ rực làm bừng sáng cả một khu sơn
lĩnh.

Oa Tử đứng sững trước cảnh thiên nhiên mới tỉnh giấc, lòng nôn nao, rộn
rã. Nàng cho rằng đây là một trong những lúc kỳ diệu nhất tạo hóa đã ban cho chúng sinh, kể cả những sinh vật nàng vẫn thường gọi là vô tri vô
giác như cây cỏ. Tự nhiên nàng thấy sung sướng và hãnh diện được sống
trên thế gian này.

Nhìn mặt trời to và đỏ như cái đèn lồng lớn do một bàn tay vô hình nào
đó thắp lên, lừ lừ hiện ra khỏi rặng núi xanh lam, Giang vui mừng nhảy
cẫng, vỗ tay reo:

– Đẹp quá ! Cô nương trông kìa, đẹp quá !

Oa Tử khẽ suỵt, bảo Giang đừng kêu lớn, dường như sợ sự vui vẻ thái quá
của thằng bé làm mất vẻ trang trọng của cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Hai cô cháu đứng lặng ngắm cảnh mặt trời mọc, một lúc lâu Giang mới lên tiếng:

– Cô cháu mình là người đầu tiên đi trên đường ngày hôm nay đấy !

– Sao em biết ?

– Cô xem có ai đi trước mình đâu !

– Ừ nhỉ. Nhưng đi đầu thì ích gì ? Đường ngắn hơn chăng ?

– Không phải. Nhưng khỏi đi sau ngựa với cáng, đỡ hít bụi !

Oa Tử liếc nhìn Giang thấy thằng bé quả nhiên láu thật.

– Hơn nữa, đi đầu thích thú hơn chứ. Vì chẳng có ai trên đường, em có
cảm tưởng như cả con đường thuộc về em, muốn làm gì thì làm, sướng lắm !

Oa Tử mỉm cười. Để chọc thằng bé, nàng nói đùa:

– Vậy sao em không tự coi như một tướng quân quyền uy, được mọi người
trọng vọng đương cưỡi ngựa đi thị sát lãnh thổ của mình ? Ta đóng vai
người hầu dắt ngựa.

Giang cười phụ họa:

– Ờ phải đấy ! Phải đấy ! Em làm tướng công, cô nương dắt ngựa. Cô nương đi trước đi !

Oa Tử ngó quanh không thấy ai, bèn bẻ cành tre làm roi chỉ sang hai bên đường, vừa đi vừa nhại giọng lính tuần vệ:

– Qùy xuống ! Tất cả quỳ xuống ! Giang tướng công đi tuần sát !

Giang tháo ống quyển trên vai, cười lên giả làm ngựa và cười như nắc nẻ. Nó nhảy chân sáo, dường như cái trò chơi giản dị này đã cho hai cô cháu những phút vui hồn nhiên và sung sướng thật sự.

Nghe tiếng léo nhéo bên ngoài, một ông già mở hé cửa ra nhìn. Oa Tử hơi thẹn, vất roi xuống đất, lầm lũi đi. Giang ngạc nhiên:

– Ô hay, sao cô nương làm thế ? Cô nương không sợ tướng công giận có thể phạt chém đầu à ?

– Thôi, không chơi nữa.

– Sao vậy ? Mình đang chơi vui mà !

– Thôi ! Kỳ quá ! Có người ở quán nhìn kia kìa. Chắc họ cho mình là hai đứa khùng!

Giang quay lại thấy một quán ăn nhỏ, vách ván đã cũ, bên một đống rơm
lớn, người dân vùng sơn cước thường đắp lên dành cho gia súc ăn về mùa
đông. Cạnh đó buộc một con ngựa.

Nhìn quán ăn, Giang bống thấy đói bụng.

– Cô nương, hay ta vào quán nghỉ đi.

– Vào làm gì ?

– Em đói ! Ta vào uống trà rồi lấy cơm nắm ra ăn.

– Khoan đã. Mới đi được vài dặm mà đã đói. Cứ thế này thì phải ăn năm bữa một ngày chắc.

Giang giận dỗi:

– Nhưng em chạy bộ chứ đâu được cưỡi ngựa như cô nương !

– Thì hôm qua ta mới thuê ngựa đi một lần, chỉ vì trời tối mà mình lại
vội. Nếu em không bằng lòng thì hôm nay ta đi bộ với em cả ngày.

– Không ! Hôm nay đến phiên em cưỡi ngựa.

– Trẻ con không cưỡi ngựa được !

Giang phụng phịu:

– Nhưng em muốn tập !

– Để lúc khác. Hay chốc nữa, khi nào mệt hãy hay. Bây giờ còn đi được, thuê ngựa cưỡi phí tiền.

Giang không đáp mà cũng chẳng nói gì thêm. Nó cung cúc đi trước, bỏ mặc Oa Tử lẽo đẽo theo sau.

– Giang ! Em giận ta đấy à ?

Giang đứng lại đợi. Một lúc au, khi Oa Tử đến gần, nó mới nói:

– Cô nương thừa biết em đi bộ cả ngày cũng chẳng mệt. Đợi mệt thì bao giờ mới có ngựa cưỡi !

Oa Tử cười làm lành:

– Ừ thì cưỡi, nhưng một lần này thôi nhé !

Giang chỉ đợi có thế. Nó mừng rỡ chạy ngược lại, đập cửa quán rầm rầm. Chủ quán mở cửa thò đầu ra, thấy Giang, gắt:

– Cái gì mà ầm lên thế ? Hỏi gì ?

– Cô nương ta cần một con ngựa đi Minakuchi, bao nhiêu tiền ? Nếu giá phải chăng, ta mướn đến tận Kusatsu.

– Mày con cái nhà ai ?

– Con bố mẹ ta !

Giang vênh mặt đáp.

– Ta tưởng mày con bà La Sát !

– Chắc vợ lão là bà La Sát còn lão là ông Thiên Lôi. Sao lão dữ quá thế ?

– Dữ hay không dữ ta không cần biết. Ngựa ta không cho thuê.

Muốn thuê ngựa, Giang đành phải làm lành:

– Thôi, lão trượng cho cháu thuê đi. Cháu trả tiền đàng hoàng mà !

– Không được !

– Sao không được ?

– Không có mã phu đi kèm dắt về.

Vừa lúc ấy, Oa Tử tới. Nàng hỏi rõ sự tình, đề nghị xin trả tiền trước
rồi khi đến Kinakuchi sẽ nhờ người dắt ngựa hoàn lại tử tế. Thấy Oa Tử
có dáng nhu mì thực thà, chủ quán phân vân một lúc rồi nói:

– Thôi cũng được. Nể cô nương lắm đấy, xong việc nhớ trả lại ngựa cho lão.

Nàng hỏi giá, trả tiền rồi cầm cương dắt ngựa đi. Ra đến đường, Giang vẫn chưa nguôi cơn tức:

– Lão già dịch !

– Ô hay Giang ! Sao hỗn thế ? Lão ta có làm gì em đâu ?

– Cô nương không biết, lão coi em như rác, nhất định không cho thuê
ngựa. Thế mà thấy cô nương đến lại bằng lòng ngay. Thấy con gái đẹp thì
híp mắt lại …

Oa Tử cười thầm trong bụng. Nàng cảnh cáo thằng bé:

– Này, nói nho nhỏ chứ. Con ngựa này nó nghe hết đấy. Nó dám hất ngã em để trả thù cho chủ nó lắm !

– Thật hả cô ? Để em thử …

Dứt lời, Giang trèo lên ngựa.

– Em không biết cưỡi ngựa phải không ?

– Biết chứ ! Em thấy người ta cưỡi nhiều lần rồi !

– Thế sao em lại trèo đằng sau ?

Giang thẹn nói chữa:

– Tại cái bàn đạp này cao quá. Cô đỡ em chút !

Oa Tử xốc nách bế Giang ngồi lên yên. Con ngựa đi bước một, Giang hơi
nghiêng ngả theo nhịp bước chân ngựa, nhưng nó hài lòng lắm. Mặt tươi
rói, nó lấy vẻ nghiêm trang, một tay giữ bờm ngựa, một tay chống nạnh,
nhìn Oa Tử mỉm cười.

– Cô nương đi trước đi.

– Nhưng em ngồi chưa vững, ta phải đi bên cạnh …

– Không sao, em để chân được vào hai bàn đạp mà. Cái yên vải bố này tuy hơi ráp nhưng buộc chắc lắm !

Oa Tử đi trước, tay cầm cương. Tiếng lộp cộp của chân ngựa đạp trên đá
lẫn với tiếng nhạc ngựa long coong bấy giờ đối với Giang thật là một
tiết điệu vui tai lần đầu tiên nó được hưởng.

Mặt trời đã lên cao nhưng trên con đường đèo, nhiều chỗ sương còn đọng
từng mảng mờ mờ xám nhạt. Đi được chừng một quãng khá xa, bỗng nghe phía sau có tiếng chân người vội vã và tiếng gọi lớn. Hai cô cháu nép vào vệ đường. Giang lo lắng hỏi:

– Hình như họ gọi chúng ta !

– Không biết có phải không. Chờ xem.

Lúc sau, thấy hiện ra mờ mờ trong màn sương một bóng người. Bóng đó rõ
dần và khi còn cách Oa Tử một trượng thì cả hai nhận ra đấy là một người đàn ông trung niên, mặt rỗ và dữ dằn, chân quấn xà cạp, đi hài xảo bằng cỏ bện. Xung quanh gã còn như bọc một lớp sương gã kéo theo từ đêm,
chiếc áo dày gã mặc bên ngoài ướt nhẹp.

Gã đàn ông đến gần Oa Tử, giật mạnh dây cương từ tay nàng làm Oa Tử chúi xuống suýt ngã rồi quát như sấm động:

– Tiểu tử này ! Xuống !

Con ngựa nghe tiếng quát giật mình lùi lại giơ hai cẳng trước hí một tiếng dài.

Giang sợ quá, suýt bị hất xuống đất, vội nắm chặt lấy bờm ngựa. Hoàn hồn, nó tức giận đáp:

– Bác này ! Làm gì kỳ vậy ? Ngựa của ta thuê mà !

– Mặc kệ, có xuống không ?

– Không ! Tráng sĩ là ai ?

– Ta là Chu Kế Phong Tất Đạt ở xóm Ujii, bên kia ranh quận. Ta cần ngựa
để đuổi theo một người tên Thạch Đạt Lang. Hắn đi về phía này từ sớm.
Đưa ngựa đây.

Gã nói nhanh như bắp rang, vừa nói vừa thở hổn hển. Trong sương sớm
lạnh, những giọt nước nhỏ li ti đọng trên râu và chân tóc gã bắn ra cùng một lúc với hơi thở mờ mờ như khói. Trên cành khô, sương còn đọng giá,
vậy mà cổ hắn bóng nhẫy mồ hôi, mạch máu ở hai bên cổ nổi cao lên như
hai chiếc đũa.

Oa Tử đứng lặng tựa trời trồng, mặt tái mét, dường như bao nhiêu máu đã
bị đất dưới chân nàng hút đi mất cả. Môi nàng run run, nàng muốn hỏi lại cho rõ những điều vừa nghe được, nhưng chẳng thốt ra lời nào.

– Tráng sĩ nói đi tìm Thạch Đạt Lang à ?

Giang hỏi mà tay run lập cập, chân để vào bàn đạp không còn vững nữa.

Chu Kế Phong hình như không để ý đến dáng điệu kỳ lạ của cả hai người, chỉ gắt:

– Có xuống ngay không ? Nếu không ta nắm cổ lôi xuống.

– Không ! Ngựa này cô nương ta thuê.

– Mặc kệ cô nương mày. Ta nói tử tế vì thấy chúng mày chỉ là đàn bà con nít. Ta vội nên mượn tạm …

– Cô nương ! Em nói có phải không ? Ngựa này mình thuê, sao cho ông ấy mượn được …

Oa Tử muốn ôm lấy Giang. Điều nàng quan tâm nhất không phải là chuyện
thuê con ngựa mà chính là không muốn cho gã này có phương tiện đi nhanh
hơn, đuổi kịp được Thạch Đạt Lang, gây khó cho chàng. Oa Tử bèn đáp
ngay:

– Đúng vậy ! Ngựa bọn ta thuê. Tráng sĩ vội thì chúng ta cũng vội, không nhường cho tráng sĩ được !

– Em nhất định không xuống ! Chết cũng không xuống !

– À, tiểu tặc chó đẻ này ! Mày nhất định không xuống phải không ?

Vừa nói, Chu Kế Phong vừa nắm chân Giang định lôi nó xuống ngựa. Đây là
cơ hội hãn hữu để Giang dùng đến thanh kiếm gỗ đeo trên lưng, nhưng
trong lúc bối rối, nó quên mất. Vả cả hai tay nói còn bận ôm chặt cổ
ngựa nên dù có nhớ cũng không làm gì được. Chỉ còn cách đánh miếng võ nó vẫn thường sử dụng là nhổ nước bọt vào mặt địch thủ. Nghĩ đến, làm
liền. Giang bụm một bãi nước bọt lớn, ra sức bình sinh nhổ đánh bẹt một
cái vào mắt Chu Kế Phong, đồng thời thuận chân đạp mạnh vào ngực gã. Chu Kế Phong bị tấn công bất ngờ, giơ tay ôm mặt. Mất thăng bằng, gã ngã
ngồi xuống đất.

Gã chửi thề một tiếng tục. Vừa lúc ấy, Oa Tử rút thanh gươm ngắn nàng
vẫn mang theo để tự vệ ra khỏi vỏ, xông tới đâm Chu Kế Phong. Gã lăn một vòng tránh. Oa Tử mất đà chúi về đằng trước, nhưng vẫn cảm thấy hình
như múi gươm chạm phải vật gì. Oa Tử ngã sóng soài bên vệ đường, một tia máu phun vào mặt rồi tiếng con ngựa hí vang. Thì ra lưỡi gươm Oa Tử đâm trượt Chu Kế Phong nhưng lại chạm vào mông ngựa. Con vật giơ cao hai
chân trước hí một tiếng dài nữa, lao đi như tên bắn. Trên lưng nó, Giang hết cả hồn vía, hai tay giữ chặt cổ ngựa, chân quặp vào bất cứ sợi dây
gì nó khều được ở dưới yên, miệng la như mất cướp:

– Cô nương cứu em ! Cô nương …cứu …u …u …

Chu Kế Phong đuổi theo, định ghìm con ngựa lại nhưng không kịp. Ngựa bị
đau, phóng ào ào xuống núi, bất kể cây cối, trở ngại ; trên lưng nó
Giang đeo cứng, tựa như cái hình nộm mới bị đứt giây, vật vờ theo gió.

Chu Kế Phong lảo đảo trở lại chỗ Oa Tử ngã, thì không thấy nàng đó nữa.
Nháo nhác nhìn quanh, chỉ thấy thanh gươm ngắn nàng dùng định đâm gã lúc nãy lăn lóc bên bụi gai, gã nhặt lên, ngắm kỹ, chùi vết máu rồi giắt
vào thắt lưng. Một ý tưởng thoáng hiện ra trong trí. Gã đoán nàng này
hẳn có liên hệ gì với Thạch Đạt Lang, nếu tìm bắt được, dùng nàng làm
cái mồi dụ hắn sa bẫy thì tốt lắm. Hay ít ra cũng biết hắn đi đường nào
hoặc trốn ở đâu.

Bèn sục sạo khắp nơi. Đến một trang trại nghèo, không có ai, ngoài một
bà lão còng đang quay tơ, gã chạy vào hỏi, kéo cả màn cửa, lật cả đống
củi ra tìm, làm bà lão sợ chết khiếp. Không thấy Oa Tử, gã thất vọng
giận dữ bước ra. Vừa đi khỏi ngõ, chợt thấy bóng một thiếu nữ thoáng lẩn vào rặng bách xanh um, Chu Kế Phong kêu một tiếng mừng rỡ, đuổi như
bay, chẳng mấy chốc đã gần bắt kịp. Quả nhiên là Oa Tử.

Oa Tử sợ cuống cuồng, chân ríu lại, ngã lăn ra. Đám cỏ lún xuống như một cái hố.

Kinh hãi, nàng kêu thất thanh, may có cái rễ lớn đâm ngang, vội bám chặt lấy. Dưới kia là vực thẳm tối đen, sâu bao nhiêu nàng cũng chẳng biết.
Oa Tử nhờ bám vào rễ cây lơ lửng trên vực. Sỏi, đá, đất đổ rào rào trên
đầu. Ngẩng lên, thấy Chu Kế Phong đã tới, đôi mắt hung dữ chăm chú nhìn
nàng. Gã cười gằn độc ác:

– Hà ! Thử xem cô em có thoát khỏi tay ta không nào !

Nhìn xuống, Oa Tử chỉ thấy tối đen. Nếu muốn khỏi bị bắt, nàng buông tay ra là xong, nhưng buông tay ra là chết. Tâm thần bất định, Oa Tử mê đi. Nàng nhìn thấy Thạch Đạt Lang. Hình ảnh Thạch Đạt Lang rõ ràng lắm,
sáng như vầng trăng trong một đêm giông bão.

Chu Kế Phong không đợi phản ứng, quỳ xuống bờ vực kéo tay Oa Tử lôi lên. Oa Tử vùng vẫy kêu cứu, nhưng những tiếng kêu thất thanh của nàng chỉ
làm gã thợ rèn giữ nàng thêm chặt. Gã lôi Oa Tử khỏi vực, vứt xuống cỏ
như vứt một mớ giẻ. Giận dữ và tuyệt vọng ứ nghẹn cổ, Oa Tử ngất đi,
trên gò má trắng bệch, xanh xao, vết gai cào còn rướm máu.

Tiếng gọi Chu Kế Phong và tiếng chân người rầm rập chạy trên triền núi. Gã thợ rèn bắc loa tay hét lớn:

– Hồ, Tích ! Xuống cả đây ! Ta ở dưới này !

Bọn lâu la ào ào đổ dốc như đàn lợn rừng đuổi mồi, thở hồng hộc, đao
kiếm đeo bên sườn chạm nhau loảng xoảng. Đến gần chủ soái, chúng khựng
lại, ngạc nhiên nhìn Oa Tử nằm thiêm thiếp trên cỏ. Chu Kế Phong kể qua
tự sự rồi ra lệnh:

– Trói nó lại. Còn chúng bay, có được tin tức gì của thằng đó không ?

– Có. Lão chủ điếm trà bảo sáng nay có một kiếm khách đến mua cơm sớm
lắm rồi đi ngay. Chắc là hắn. Hắn đi về phía quận Tsuchi. Nhưng không hề gì, đi đường nào cũng thế, vì hai đường Fusuka và Tsichi sẽ gặp nhau ở
ngã tư Ishibe. Nếu ta nhanh chân đến trước mai phục ở Ishibe thì thế nào cũng gặp.

– Được rồi. Ta đi tắt đến đấy ngay bây giờ. Bọn ngươi canh chừng con bé đừng để nó chạy thoát.

Nghĩ một lúc, gã nói tiếp:

– Sẽ gặp nhau ở Yasugawa. Bọn ngươi cứ đường thẳng mà đi, nhớ để ý đến những thằng cao lớn có dáng dấp lãng tử.

Dứt lời, Chu Kế Phong xốc lại áo, chạy như bay lên núi. Một loáng đã không thấy bóng dáng đâu nữa.

Trên đường đồi khấp khểnh, con ngựa phi nước đại vùn vụt, vó nện lộp
cộp, bụi cát bay mù. Vết thương ở mông nó cùng những tiếng kêu thét của
Giang hình như kích thích nó chạy nhanh hơn. Gió thổi ù ù, mấy lần Giang tưởng bị hất ngã vì những cành cây thấp chắn ngang, nhưng nhờ nhanh
trí, nó cúi xuống tránh được.

Giang càng kêu, ngựa càng chạy khỏe. Khản cổ, lạc giọng, tiếng kêu của
nó sau chỉ còn là những tiếng rên đứt quãng. Nó ôm chặt cổ ngựa, áp má
vào bờm, nhắm chặt mắt mặc cho số phận. Dần dần Giang nhận ra rằng nếu
mình cứ nằm bò trên lưng ngựa rồi nhấp nhỏm theo đà ngựa chạy thì đỡ ê
đít, nhưng chẳng thú vị gì. Nhớ lúc trước khi đòi cưỡi ngựa, nó mong làm sao được ngồi trên lưng một con tuấn mã, giật cương cho phóng như bay,
băng rừng băng suối mới thật sướng ! Bây giờ có sướng gì đâu, chỉ thấy
sợ.

Loáng một cái, đã đến làng Mikumo. Thấy có người đi ngược chiều, Giang
tiếp tục kêu cứu. Nhưng ngựa chạy nhanh, người bộ hành tưởng là khoái mã của quan quân, nép vào vệ đường tránh vạ. Qua làng, gà kêu quang quác,
chó sủa râm ran, vài người hé cửa nhìn nhưng chẳng ai giúp được gì. Tâm
lý chung, chẳng ai muốn dính vào những chuyện không đâu, nhất là lại
nguy hiểm như chuyện ghìm một con ngựa bất kham, không chết người cũng
bị thương tật.

Đường đèo vắng vẻ. Nắng đã lên cao, người ngựa mồ hôi nhễ nhại. Xa xa
một cây sồi cổ thụ vươn cành thấp xòe ra che cả lối đi. Giang nhìn thấy. Sống chết ở lúc này. Nó chuẩn bị. Khi lá sồi vừa chạm mặt, Giang lập
tức níu ngay lấy, đánh đu lên như con nhái bén bám cành tre, cả người
lủng lẳng đong đưa cách mặt đất chừng ba thước. Ngựa tiếp tục phóng đi,
dường như không chú ý gì đến kỵ mã tí hon bất đắc dĩ vừa rời khỏi lưng
nó.

Giang nhìn xuống đất. Sâu thăm thẳm, nó không dám bỏ tay ra, chỉ vùng
vẫy co chân cố quắp lấy cành đu lên, định bụng sẽ chuyền vào thân cây.
Không ngờ cành nhỏ gãy cái “rắc”, kéo theo nó ngã lăn ra đất.

Giang ngạc nhiên thấy không đau đớn gì, chỉ hơi ê ẩm. Đứng dậy phủi quần áo, sực nhớ đến Oa Tử, nó vội chồm lên, chạy ngược lại con đường đã
qua, mắt tìm nháo nhác. Cứ chạy một quãng nó lại dừng lại gọi:

– Cô nương ! Cô nương ! Cô nương ở đâ …âu …

Sự bấn loạn lộ trên nét mặt ngơ ngác của nó.

– Không biết cô ấy có thoát được không ? Nếu bị thằng giặc đó bắt thì khổ quá !

Giang lo lắng, tự trách đã không bảo vệ được người thiếu nữ yếu đuối.
Mồm nó méo xệch, vừa đi vừa lấy tay áo chùi nước mắt. Bỗng có người từ
ven rừng bên trái đi đến. Tới gần thì ra là một thanh niên, tuổi chừng
hăm bảy hăm tám, da ngăm ngăm đen, vận y phục lữ hành, chân đi giầy cỏ,
lưng đeo kiếm. Thanh niên nhìn Giang hỏi:

– Bé này con cái nhà ai, phải ở làng Mikumo không ? Sao lại vừa đi vừa khóc ?

– Cháu lạc mất cô cháu !

– Cô ngươi là ai ?

– Oa Tử ! Đại hiệp ở phía rừng lại có thấy cô cháu không ? Cô cháu trạc hai mươi tuổi, nhỏ nhắn, vận áo chẽn …

– À …à …có ! Nhưng tay bị trói, có hai nông dân lực lưỡng dẫn đi.

– Đi với hai nông dân ? Không ! Chúng cháu bị một tên mặt rỗ cướp ngựa. Cô cháu mặc áo chẽn trắng chấm đen …

– Vậy đúng rồi. Ta chắc đây là bọn Chu Kế Phong. Hắn làm thợ rèn ở quận
gần đây, nhưng nghe nói thỉnh thoảng có tụ tập lâu la đi ăn cướp.

– Thế thì cháu phải đi ngay cứu cô cháu mới được !

– Khoan ! Cả hai cô cháu người đi chung với nhau hay sao ? Câu chuyện thế nào kể ta nghe.

Giang bèn thuật lại. Thanh niên gật đầu:

– Vậy chúng làm loạn quá rồi, chẳng coi quan quân ra gì nữa. Nhưng bọn
chúng dữ lắm, chớ nên khinh xuất. Ngươi còn bé, không làm gì được đâu,
để ta giúp …Oa Tử…mphải tên cô ngươi là Oa Tử không ?

Tự nhiên Giang thấy tin người thanh niên lạ mặt. Nó gật đầu, ngây thơ hỏi:

– Đại hiệp bắt chúng giao cô Oa Tử lại cho cháu hay sao ?

Thanh niên mỉm cười:

– Ừ, để ta xem. Cứ đợi ở đây, nấp vào bụi đằng kia, đừng làm ồn lên, thế nào chúng cũng đi qua. Ta sẽ liệu.

Giang nghe lời, chạy vào ẩn trong bụi nhìn ra thấy chàng thanh niên theo đường dốc đi xuống núi.

Đợi mãi mà không thấy gì, hơi sốt ruột, nó thầm nghĩ tráng sĩ kia muốn
đánh lừa nó, chỉ nói vậy cho qua rồi chuồn êm chứ chắc gì cứu được Oa
Tử. Giang định bụng nhảy ra, tự mình đi tìm lấy. Đột nhiên nghe tiếng
chân lạo xạo trên lá khô, nó dừng lại.

Bóng ba người hiện ra:

hai nông dân dáng lực lưỡng, râu ria xồm xoàm kèm một thiếu nữ mặc áo trắng bị trói tay đi ở giữa.

Đúng là Oa Tử rồi không còn hồ nghi gì nữa. Giang định cất tiếng gọi,
bỗng sực nhớ đến lời khuyên của chàng thanh niên, khựng lại kịp. Nó còn
nhỏ quá, không những không giúp ích được gì cho cô nó mà còn nguy hiểm
nữa.

Đợi cả ba đi khuất, Giang mới len lén bò ra theo hút, vừa đi vừa lẩn vào các thân cây mọc rải rác trong rừng thưa.

Thình lình, chàng thanh niên ban nãy, lần này đội nón nan che kín mặt,
tay cầm gậy ra vẻ một khách bộ hành đi đường xa, ở chân núi hiện ra.
Thanh niên vừa đi vừa nói khá lớn, dường như cốt để cho Oa Tử và hai kẻ
kia nghe rõ:

– Ghê quá ! Thật đáng sợ !

– Chuyện gì mà đáng sợ ?

– Dưới chân núi có một tên kiếm khách giang hồ tự xưng Thạch Đạt Lang
đứng chắn lối, gặp ai cũng nhìn, kiếm tuốt trần, mắt dữ tợn trông phát
khiếp.

– Thật hả. Thế sao ngươi đi thoát ?

– Hắn gọi ta lại, hỏi tên tuổi. Khi biết ta là Sảnh Trung thì cho đi.
Hắn nói hắn chỉ cần tìm giết Chu Kế Phong Tất Đạt và lâu la của gã thôi. Không biết thù hằn gì mà ghê thế !

– Hai nông dân lực lưỡng đưa mắt nhìn nhau. Oa Tử mặt trắng bệch, run rẩy muốn ngất tại chỗ.

– Nhà ngươi có chắc như vậy không ?

– Thì chính mắt ta nhìn thấy, chính tai ta nghe, sao lầm được. Các bác phải cẩn thận, nên đi đường khác !

Nói xong gã chống gậy lầm lũi đi, miêng còn lẩm bẩm:

– Không biết thù hằn gì mà ghê thế !

Hai tên lâu la của Chu Kế Phong kéo Oa Tử vào ngồi bên đường bàn nhau khe khẽ.

Lúc sau, một đứa trở lại canh chừng Oa Tử, đứa kia chạy theo gọi Sảnh Trung.

Chúng ta muốn nhờ ngươi giúp một tay.

– Sao phải nhờ ta giúp ? Sảnh Trung đáp. Các bác là đàn em Chu Kế Phong hả ?

– Không. Chúng ta muốn bắt tên cướp hỗn láo đó !

– Chịu thôi. Ta không giúp được. Trông dáng dấp nó khỏe lắm, bốn người
chưa chắc địch nổi chứ đừng nói ba. Nhất là lại còn cô này vướng chân
vướng cẳng, làm gì được ?

– Thế ngươi bảo bây giờ phải làm sao ?

– Theo ta nghĩ thì chỉ có cách này là thượng sách. Trói cô bé vào gốc
cây đằng kia rồi hai bác với ta xuống núi tìm mẹo mà bắt nó. Xong việc
trở lại dẫn cô bé này đi.

Hai tên gật gù cho là phải. Bèn sẵn dây, trói Oa Tử vào gốc cây. Một tên còn cẩn thận xé vạt áo bịt miệng để nàng khỏi kêu cứu.

– Thôi được rồi. Đi mau mới kịp.

Dứt lời, cả ba theo nhau xuống núi.

Giang chờ cho cả bọn đi khuất mới chạy ra. Nó ôm lấy Oa Tử, nước mắt tràn đầy má:

– Cô nương ! Cô nương !

Đôi mắt Oa Tử cũng sáng lên vui mừng nhưng nàng chỉ ú ớ. Bấy giờ Giang
mới sực nhớ, vội cởi miếng giẻ bịt miệng và dây trói Oa Tử ra. Hai cô
cháu ôm nhau. Giang khóc tấm tức, Oa Tử vỗ lưng nó nhè nhẹ. Trong đời
Giang, chưa lúc nào nó thấy sung sướng bằng lúc ấy. Nó lẩm bẩm một câu
cảm ơn đức Phật linh thiêng học mót được khi còn ở đền Arakida. Oa Tử
nghe, thấy sai, cười thầm trong bụng, định sửa lại cho nó, nhưng lại
thôi. “Ồ, hà tất ! Miễn lòng thành thực thì đức Phật ngài cũng chứng
giám”.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN