Thần Điêu Đại Hiệp
Chương 3: Người Đạo Cô Áo Trắng
Lục đại nương hỏi:
– Con ác tặc đạo cô này là người thế nào? Vì sao đối với dòng họ chúng tôi lại có mối thâm thù như thế ?
Vũ tam nương nhìn về phía Lục Lập Đỉnh nói:
– Lục chủ có cho phép tôi được giãi bày chăng? Việc này có lẽ Lục chủ đã từng nghe Lục công kể lại.
Lục đại nương ngắt lời nói:
– Nhạc phụ tôi lúc sinh tiên cô nói rằng việc này dính líu đến nhạc mẫu, cho nên dẫu con cái trong nhà cũng chẳng tỏ tình. Vả lại, hình như nhạc phụ của tôi cũng không được biết tỏ cho lắm.
Vũ tam nương thở dài, nói:
– Tôi là người ngoài cuộc, có kể lại câu chuyện này cũng chẳng hề chi, nếu Lục chủ muốn biết rõ.
Lục Lập Đỉnh nói:
– Xin đại nương vui lòng cho chúng tôi biết .
Vũ tam nương nói:
– Tôn ông Lục Triển Nguyên, một lão anh hùng lúc thiếu thời, dáng mặt là một thanh niên tuấn tú, xứng danh là đệ nhất phong lưu trong giới vũ lâm. Còn con ác quỷ là Xích luyện Tiên tử tên là Lý Mạc Thu.
Lục Lập Đỉnh nghe đến tên Lý Mạc Thu liền nhắm mắt, thở dài một tiếng.
Vũ tam nương thấy thế ái ngại, kể tiếp:
– Xích luyện Tiên tử ngày nay đã làm cho giới giang hồ kiếm khách thất đởm dường ấy. Tuy nhiên, trước kia hắn là một thục nữ yêu kiều khả ái vào bậc nhất. Vì vậy, mới có chuyện oái oăm. Lục Triển Nguyên , trang anh hùng hiệp khách ấy đã say đắm tính tình và nhan sắc của Lý Mạc Thu. Chẳng biết đôi bên đã ràng buộc nhau bỏi tiền duyên oan nghiệt nào mà khi mới gặp nhau cả hai đều đem lòng quyến luyến lấy nhau trong một mối tình tha thiết nồng nàn. Họ đã từng phi ngựa bên nhau suốt ngày bên sườn núi, họ đã từng trao đổi nhau những lời nguyện ước ba sinh.
Kể đến đây, Vũ tam nương ngừng lại, và thấy vợ chồng Lục Lập Đỉnh đang chú ý ngồi nghe nàng thở dai một hơi rồi kể tiếp:
– Rồi … cũng như bao mối tình lãng mạn khác, mối tình giữa đôi trai tài gái sắc này không được bền vững với thời gian. Sau nhiều biến cố dồn dập, đôi bên không còn cơ hội gần nhau. Họ sống trong hoàn cảnh xa mặt cách lòng. Bỗng một ngày kia Lục Triển Nguyên kết bạn trăm năm với Hà Nguyên Quân, một tuyệt sắc giai nhân nổi tiếng trong một vùng.
Nghe đến đây, Lục Lập Đỉnh đôi mắt u buồn như đang mơ gì trong cõi mộng không gian.
Hà Nguyên Quân, một đoá hoa sắc nước hương trời, đã cũng với Lục Triển Nguyên, một phong lưu nghĩa hiệp chung sốnng. Thế thì cũng không lấy gì làm lạ. Nhưng đã nói đến Hà Nguyên Quân không thể bỏ qua câu chuyện Chuyết Phu được, mặc dù câu chuyện này không mấy tốt đẹp.
Từ nhỏ, Lục Lập Đỉnh cũng đã từng nghe cha mẹ nói cho biết gia đình chàng có hai kẻ thù: một là Xích luyện Tiên tử Lý Mạc Thu, hai là Vũ tam Thông cao đệ của Nhất Đăng Đại sư đất Vân Nam.
Nhất Đăng Đại sư xưa kia làm đại lý cho Vương quốc Nam chiều đến lúc tịnh vị tu hành thì có bốn đệ tử theo hầu, mỗi đệ tử chuyên chú một trong bốn ngành: ngư, tiều, canh, độc.
Vũ Tam Thông lúc thiếu thời vốn làm quan ở nam chiến, sau đó bỏ chức, theo Nhất Đăng Đại sư làm đệ tử, giữ việc nông tang.
Lục Lập Đỉnh chỉ biết có thế thôi. Còn mối thù giữa song thân với hai thù địch vì đâu gây oan nghiệt chàng cũng chưa được hiểu rõ.
Lục Lập Đỉnh thấy Vũ tam nương săn sóc vết thương cho Lục Vô Song chàng đã đem lòng nghi ngờ tự bảo:
– Mình đang tìm cách đối phó với kẻ thù này chưa hết thì kẻ thù kia đã tìm đến.
Sở dĩ Lục Lập Đỉnh nghĩ thế vì chàng cho Vũ tam nương một lòng với Vũ Tam Thông. Do đó chàng đã ra tay hành động. Không ngờ chính Vũ tam nương lại đương đầu với Xích luyện Tiên tử để cứu chàng và cả gia đình chàng. Bây giờ, Lục Lập Đỉnh ân hận không biết phải đối xử thế nào cho hợp lý.
Vũ tam nương vừa săn sóc vết thương trên mặt của con vừa tiếp tục kể:
– Chuyết phu và Hà Nguyên Quân vỗn được gần gũi nhau từ tấm bé và đôi bên chơi với nhau rất thân mật. Đến lúc lớn, mặc dù tính tình của hai người không hoàn toàn đồng hợp Chuyết phu vẫn đem lòng yêu Hà Nguyên Quân. Mối tình âm thầm ấp ủ trong lòng Chuyết phu cho đến lúc Hà Nguyên Quân, người yêu chàng bước lên xe hoa về chung sống trăn năm với Lục Triển Nguyên. Chàng trai si tình tức giận bèn đem cả gia đình thuộc hạ lên Đại lý phủ làm quan.
Một ngày kia, hai kẻ tình địch gặp nhau không phải vì ngẫu nhiên mà dọ sự quyết tâm tìm kiếm của chàng Chuyết phu hận tình.
Cuộc gặp gỡ bằng một cuộc thử tài. Thì ra, lúc đó Chuyết phu mới rõ tài nghệ của mình chưa phải là đối thủ của Lục anh hùng.
Sau hai lần thất bại trên tình trường, rồi trên vũ trường làm tâm hồn Chuyết phu rối loạn. Anh chàng si tình kia trở nên ngây dại.
Tuy nhiên, chàng ta chẳng bao giờ quên lời nguyện ước và cũng là lời thách đố với Lục Triển Nguyên là 15 năm sau sẽ so tài trở lại với tình địch.
Oái oăm thay! Đến lúc Chuyết phu có điều kiện giữ lời thề thì tình địch lẫn người yêu đã ra người thiên cổ.
Nghe đến đây, Lục Lập Đỉnh nổi giận, cau mày đá tung chiếc ghế lên trời nói:
– Nếu có muốn rửa hận thì cứ tìm thân phụ ta lúc sinh thời mà đọ sức, nay thân phụ ta quá vãng sao nó lại đến cướp thi thể làm cái chuyện đê hèn nhục nhã như vậy. Hành động ấy đâu xứng đáng với kẻ anh hùng hảo hớn.
Vũ tam nương than:
– Lục chủ trách như thế cũng phải, song Chuyết phu hiện giờ tâm trí cuồng loạn, cử chỉ thất thường còn biết là sao. Vả lại, hôm nay thiếp mang hai đứa con đến đây cũng không ngoài mục đích phòng bị Chuyết phu đến đây làm điều gàn dở. Trên trần Chuyết phu chỉ e ngại có mình thiếp và hai đứa con nầy mà thôi.
Nói đến đây Vũ tam nương ra hiệu bảo hai đứa bé:
– Các con hãy cúi đầu ra mắt nhị vị Lục gia.
Hai đứa bé ngoan ngoãn vâng theo lời mẹ chấp tay bái lạy vợ chồng Lục Lập Đỉnh.
Lục đại nương ân cần đỡ hai đứa bé dậy hỏi tánh danh.
Đứa bé bị thương ở mặt xưng là Vũ Đôn Nhu, còn đứa kia là Vũ Tu Văn. Hai anh em suýt soát nhau chừng một tuổi. Đứa lớn 12, đưa nhỏ 11.
Dòng họ Vũ xưa kia là dòng danh giá nên con cái đều mang danh tao nhã.
Vũ tam nương thưa:
– Thiếp chắc rằng Chuyết phu và Xích luyện Tiên tử thế nào cũng trở lại đây bởi vì cả ahi không phải là những kẻ vong ân bội nghĩa. Một người đến tìm hương thừa của người bạn gái, một người đến tìm bóng dáng chàng anh hùng trẻ tuổi đã in sâu trong con tim từ thưở nhỏ.
Vũ tam nương vừa nói đến đấy thì bỗng trên mái nhà có tiếng gọi:
– Nhu nhi! Văn nhi! Chúng bây hãy ra đây!
Tiếng kêu rõ ràng và kề cận đột nhiên phát xuất. Thật quái lạ, trên mái ngói không một tiếng động, dẫu một tiếng động nhỏ.
Vợ chồng Lục Lập Đỉnh kinh hãi đoán biết đó là tiếng gọi của Vũ Tam Thông. Ngay như Trình Anh và Lục Vô Song cũng nhận ra đó là tiếng nói của ông lão hôm nọ chúng đã gặp trên bờ hồ.
Trong khoảng khắc, Vũ Tam Thông nhảy xuống đất, đưa hai tay choàng lấy hai dứa con, mỗi đứa một bên như trước kia đã ôm TA và Lục Vô Song, rồi phóng mình lên mái nhà biến mất dạng.
Vũ ôm hai đứa con chạy một mạch đến khu rừng rậm thì dừng lại, thả Tu Văn lại đấy, chỉ ôm một mình Đôn Nhu chạy riết.
Vũ Tu Văn hoảng sợ hét lên:
-Cha ơi! Cha!
Nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của cha nó đâu cả mà chỉ nghe tiếng vọng từ xa dội lại:
– Con hãy chờ đấy, cha sẽ trở về ngay.
Vũ Tu Văn vốn biết tính cha nó, lúc điên lúc dại, tuy phải chờ nơi rừng sâu nó cũng không lấy thế làm ngạc nhiên.
Trời mỗi lúc một khuya và bốn bề vắng ngắt. Thỉnh thoảng vài cơn gió lạnh lùng thổi đến lắc lư mấy cành dương như những cánhh tay dài thườn thượt của loài ma quái.
Cảnh tình của đứa trẻ quả là đáng ngại. Nhưng Vũ Tu Văn vốn tin vào lời dặn của cha nên hắn ngồi thừ dưới một gốc cây dương chờ đợi.
Mà đợi mãi vẫn không thấy cha hắn trở lại, hắn ngồi buồn vẩn vơ nghĩ đến câu chuyện mẹ hắn vừa kể lúc nãy và tự hỏi:
– Vì sao trong đời lại có những thiếu phụ si tình đến độc ác thế?
Nó nghi ngờ chẳng biết mẹ nó có đủ tài để đương đầu với con quái tặc ấy chăng.
Còn cha nó, trong cơn điên dại bỏ nó giữa rừng hoang chắc gì đã nhớ lời mà trở lại đem nó ra.
Nó đứng dậy nghĩ thầm:
– Thôi, mình hãy trở về tìm mẹ.
Nó dấn bước vào rừng dương lần mò tìm đường thoát nạn. Nhưng Giang nam là đất của rạch hồ, đường sá vô cùng bí hiểm, khách lạc loài dễ đâu tìm được lối đi. Huống hồ Vũ Tu Văn mới là đứa trẻ thơ bị bỏ rơi trong đêm tối thì hy vọng chỉ là chuyện mong manh.
Càng đi, Vũ Tu Văn càng tiến sâu vào hoang tịch. Nó cố gắng trèo lên một ngọn đồi cao nhưng nó chỉ thấy chung quanh bao la một màn đêm dày đặc.
Nó hét lên:
– Cha ơi! Mẹ ơi!
Rồi nó lắng tai nghe chính tiếng nó vọng lại từ bên kia đen tối:
– Cha ơi! Mẹ ơi!
Lặng đi một lúc nó lại nghe tiếng mèo rừng nghêo ngao từ xa thẳm. Tiếng nghêu ngao buồn bã và rùnng rợn làm sao !
Tu-Văn đã được nghe người ta kể về giống mèo rừng ở vùng nầy. Giống mèo rất lớn con, và rất thích cặp mắt người. Mỗi lần gặp người, dã thú nhất định không để nạn nhân chết trước khi hắn móc mắt ăn. Hắn cào cấu, xâu xé da thịt nạn nhân đau đớn phải khóc ra nước mắt. Lúc đó cuộc tiệc của nó mới bắt đầu. Nó nhảy nhót biểu lộ tất cả mọi hoan lạc rồi lè lưỡi liếm liếm những giọt nước mắt của nạn nhân chảy quanh mi. Cho đến lúc nạn nhân không còn nước mắt, nó mới móc mắt ra ăn.
Tu-Văn nghĩ đến câu chuyện ấy bằng trí óc tưởng tượng ngây ngô. Thốt nhiên nó thút thít khóc, và đôi dòng nước mắt chảy ròng ròng trên đôi má.
Càng khóc, nó càng sợ sệt thêm! Và nó trông thấy xa xa hai điểm sáng lập loè trong đêm tối. Hai điểm sáng tiến lần đến, càng gần trông càng giống hai ánh đèn trong.
Rồi, một mùi hôi tanh nồng nặc phảng phất. Cuối cùng nó nghe có tiếng hồng hộc, hai điểm sáng chạy về phía nó như bay.
Thì ra, đó là một con hổ lớn đang phóng mình đến khi thấy mồi.
Tu-Văn hoảng hốt, nhưng vẫn lanh trí. Hắn leo lên một gốc cây cổ thụ tìm một chảng ba chắc chắn ngồi chễm chệ để xem con hổ làm gì.
Hổ đến nơi, không thấy bóng dáng miếng mồi, tức giận nhảy lồng lộn tìm kiếm, và banh xé một bụi rậm gần đấy.
Nhưng chỉ một chốc, hổ bắt được mùi, tiến sát đến gần cây nhìn lên.
Khi trông thấy thằng bé, mãnh hổ gầm một tiếng nhảy phốc lên như một mũi tên. Nhưng cũng may sức mạnh của hổ không làm sao nhảy phốc đến chỗ Tu-Văn ngồi được.
Tu-Văn thấy thế mỉm cười, nghĩ đến lời mẹ hắn thường nói:
– Hễ vào rừng gặp hổ, phương thế an toàn là leo lên cây ẩn núp.
Hắn an lòng ngồi nhìn con hổ bất lực trước miếng mồi ngon. Thỉnh thoảng hắn lại thòng chân xuống đất để trêu ghẹo con hổ.
Cái trò chơi ấy khá giải trí, khiến cho Tu-Văn quên mất cả tình cảnh của hắn đang lạc loài giữa rừng đêm.
Nhưng đùa mãi cũng chán, nó mở dây thắt lưng cột người vào cành cây rồi đánh một giấc ngon lành. Trong lúc đó con hổ mệt nhoài, thở khì khì ngồi im dưới gốc cây nhìn lên.
Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa lố dạng, Tu-Văn bừng tỉnh mở mắt nhìn xuống vẫn còn thâys con hổ đang ở trong thế đợi chờ.
Nó nhìn kỹ, nhận thấy giữa hai con mắt mãnh hổ có chữ “vương”. Nó thất kinh, biết mình gặp phải con ác thú nguy hiểm nhất trong vùng.
Qua một đêm mệt mỏi, lại bị đói lòng, mãnh hổ quyết chẳng để cho con mồi trốn thoát. Hắn gầm lên một tiếng, thu thập tất cả sức lực vào mình, nhảy phóc lên.
Nhưng sức hổ có hạn, không thể nào phi thân đến chảng ba, chỗ Tu-Văn ngồi được.
Dẫu biết thế, nhưng mãnh hổ vẫn cứ nhảy chồm lên, hết lần này đến lần khác.
Cuối cùng, với thân hình nặng nề và mệt nhọc, mãnh hổ quỵ vào gốc cây, làm cho gốc cây lay mạnh, hắn vụt Tu-Văn xuống đất.
Tu-Văn hoảng vía, song vốn là con nhà võ, từ thuở lên ba cha mẹ đã luyện tập cho hắn ít nhiều, nên bất thần bị rớt xuống mà hắn vẫn như thường, hai chân chấm đất nhẹ nhàng như con chim đậu vào cành trâm.
Thừa dịp hổ bị lê mất trớn. Tu-Văn cắm đầu chạy. Con hổ sau khi gượng dậy được nổi giận gầm thét, và không bỏ thoát miếng mồi nên quất đuôi đuổi theo rất nhanh.
Tu-Văn cũng đã biến mất ít nhiều về thuật kinh công, song khốn nỗi tay chân ngắn và bé xíu không thể nào vận dụng lối hi hành thần tốc được. Hắn chạy được một quãng thì mãnh hổ đuổi theo kịp. Hắn kinh hãi, đổi hướng chạy rất ngặt, khiến cho con hổ phải nhiều lần vấp vào các gốc cây, mỏm đá đau đớn gầm thét vang rừng.
Đến một khúc quanh, bất thần Tu-Văn vấp vào một mỏm đá, té nằm sóng sượt.
Chợp được cơ hội, mãnh hổ nhảy bổ đến vồ mồi. Và lần này quyết không còn cách nào trật được.
Nhưng, Tu-Văn đang chờ đợi nanh vuốt hổ, thì ngay lúc đó, có hai vết đen từ trên trời hiện xuống. Con mãnh hổ đang lao mình đến thì bị vết đen đó sa xuống đớp lấy và lôi bổng lên trời.
Tu-Văn ngạc nhiên đến khiếp sợ. Hắn dụi mắt ngơ ngác đoán chừng như nó không tin tưởng ở đôi mắt nó nữa. Nhưng trước mặt nó rõ ràng hai vết đen kia còn hiện nơi không trung đang bay lờ lững.
Nó định thần nhìn kỹ, thì ra đó là một con chim ưng khổng lồ, mỏ quặp đang kẹp đầu con mãnh thú bay đi.
Nó khoái chí, vỗ tay cười, thì một vết đen khác, chẳng biết từ đâu đến, quắp mỏ kẹp lấy nó bay lên.
Thì ra, một con chim ưng khổng lồ thứ hai lại bắt nó bay theo con chim trước.
Bay được một lúc, chim ưng thứ nhất hé mỏ thả rơi mãnh hổ xuống một khu rừng. Mãnh hổ đánh ầm một tiếng, xương thịt tan tành.
Tu-Văn thấy thế thất kinh, sợ chim ưng kia thả nó xuống nữa ắt không toàn tánh mạng, nó đánh liều hai tay ôm chặt vào thân điểu.
Hai con thần điểu bay song song nhau lên vút tận mây xanh, Tu-Văn không biết chúng sẽ đưa nó về đâu và số mạng nó sẽ ra thế nào.
Cặp chim thần đang bay, bỗng nghe bên dưới có tiếng thanh la gõ lanh lảnh. Hai con chim như được hiệu lệnh ngoan ngoãn đậu xuống và thả Tu-Văn nhẹ nhàng giữa một đám thuý liễu xinh đẹp, dưới chân có hoa cỏ muôn ngàn hương sắc. Thật là một cảnh thần tiên đẹp như thế giới bồng lai mà mẹ nó thường kể.
Dưới một gốc thùy liễu, một đứa bé gái hiện ra, hướng về phía Tu-Văn bái chào, rồi tiến sát đến bên hai con thần điểu vỗ về khen:
– Thần Ưng! Khá lắm! Giỏi lắm!
Hai con thần điểu tỏ vẻ hoan hỉ, vỗ cánh quấn quít vào mình cô bé.
Tu-Văn nghĩ thầm:
– Hai con chim nầy chắc loại Thần Ưng!
Rồi mãi mê nhìn hai con chim quyến luyến bên cô bé. Tu-Văn quên hẳn việc đầu tiên là phải cảm tạ cô bé, hắn buột miệng hỏi một cách thân mật:
– Hai con chim này của cô nương nuôi?
Cô bé cau mày tỏ ý khinh thị:
– Ta chưa biết ngươi là ai? Ta không thèm nói chuyện với ngươi!
Dứt lời cô bé tu miệng hút một hơi ra tiếng. Hai con chim hiểu rõ ra lệnh, vội vã đập cánh bay bổng lên không tiến tới nơi con mãnh hổ bị rơi để hưởng một cuộc tiệc linh đình.
Tu-Văn nhìn đôi chim thán phục và nói:
– Đôi chim của cô nương quả thật tài tình. Tôi phải nói với phụ thân tôi bắt cho tôi một đôi mới được.
Cô gái cười, nói:
– Phụ thân của ngươi cũng bắt được chim ư?
Tu-Văn lấy làm khó chịu trước câu nói hàm ý mỉa mai, và cũng khinh khi ấy. Hắn trố mắt nhìn cô bé xem cô ta là người nào mà dám khinh thị hắn.
Nhưng đôi mắt của nó bỗng dịu lại. Vì cô bé kia tuy còn nhỏ, các đường nét chưa nẩy nở đến độ tuyệt mỹ, mà sắc đẹp đã hứa hẹn một tương lai huy hoàng. Tu-Văn tuy vào tuổi măng non mà cũng cảm thấy cái gì dìu dịu say say. Bao nhiêu ý tưởng bất bình đều tiêu tan hết.
Bỗng cô bé cất tiếng hỏi:
– Ngươi tên gì? Vì sao lại chơi một mình nơi hoang vắng? Không sợ cọp vồ mất mạng ư?
Tu-Văn đáp:
– Tôi đang đợi thân phụ tôi. Còn cô nương tên là gì?
Cô gái bỉm môi đáp:
– Ta đâu thèm làm quen với đứa bé con nơi thôn dã mà hỏi thăm tên họ.
Dứt lời, cô bé quay mình bỏ đi.
Tu-Văn đứng lặng nhìn một lúc rồi nói lớn:
– Này cô nương! Cô nương chớ hiểu lầm! Tôi đâu phải người thôn dã.
Vừa nói, Tu-Văn vừa chạy theo.
Cô bé nhỏ hơn Tu-Văn ba tuổi, người thấp, chân ngắn, ấy thế mà lại đi mau thoăn thoắt dị thường. Tu-Văn biết chắc cô biết thuật kinh công.
Đi một đoạn, cô bé dừng lại, ngoảnh đầu nhìn Tu-Văn lểnh mểnh bước theo, tỏ vẻ ngạc nhiên, nói:
– Ngươi cũng theo kịp ta ư? Thôi hãy cố lên!
Tu-Văn nói:
– Dĩ nhiên phải theo kịp.
Cô bé liền bước nhanh hơn nữa rồi tạt sang phía sau một cây cổ thụ nấp chờ tại đấy. Tu-Văn vẫn cố gắng tiến bước, chẳng ngờ khi đến gốc cây cổ thụ bị cô bé bất thần đá mạnh vào chân làm cho hắn té lộn nhào, mũi va vào viên đá máu chảy tung toé.
Cô bé thấy thế chẳng biết thương tích trầm trọng đến bậc nào nên tỏ ra bối rối.
Bỗng đằng sau có tiếng gọi:
– Phù nhi! Sao con lại bất nhã như vậy? Con thử xét lại hành động của con xem có đẹp chăng?
Cô bé không quay đầu lại, buộc miệng hỏi:
– Ai đó? Việc gì quan hệ đến ngươi? Chính nó muốn sinh sự nên nó phải ra thế. Ngươi đừng nói hồ đồ.
Tu-Văn lồm cồm ngồi dậy, lấy tay chùi máu ở mũi, nhưng chẳng thấy đau đớn gì cả.
Nó nhìn về phía xa, thấy một lão già hiền lành, tay cầm cây thiết trượng, vóc người gầy ốm song diện mạo rất oai phong.
Ông già cười lớn, hướng về cô bé, nói:
– Con bảo rằng ta không can dự và ăn nói hồ đồ ư? Trước đây còn có mặt cậu bé này làm chứng, con đừng chối cãi nhé?
Cô bé chạy đến ôm chầm lấy ông lão, và nói như hối hận:
– Thưa công công! Công công bỏ qua đừng về mách với phụ thân con nhé! Công công hãy giúp cậu ấy cầm máu đi.
Ông lão đến bên cạnh Tu-Văn, lấy tay vỗ mấy cái vào trán và điểm vào huyệt văn hương. Tức thì máu cầm chảy.
Muốn cho vết thương mau lành, ông lão còn tìm trên một huyệt đạo nữa nhưng lão kẹp Tu-Văn quá chặt, khiến Tu-Văn có cảm giác như ông lão muốn hại mình, hắn liền dùng thế “Triển cầm nã thủ” để tự vệ. Thế này trước đây mẹ Tu-Văn đã dạy.
Hắn đánh tống một cái làm cho ông lão lảo đảo. Tuy nhiên, chỉ nháy mắt, ông lão giữ hắn lại được và nói:
– Em đừng sợ! Ta không đánh em đâu. Em họ gì?
Tu-Văn đáp:
– Thưa tôi họ Vũ.
Ông lão trầm ngâm suy nghĩ, rồi hỏi:
– Có phải em nguyên là thuộc hạ của “Nhất Đăng Đại-sư chăng?
Tu-Văn mừng rỡ nói:
– Thế ra ông có quen biết với thân phụ tôi sao? Ông vừa gặp thân phụ tôi phải không? Tôi đang đi tìm thân phụ tôi, nếu ông thấy xin chỉ giùm. Ôi chao! Ông lại biết chúng tôi là hoàng gia ư?
Nguyên trước kia, Vũ-tam-Thông làm Tổng-quản Ngự-lâm quân cho Đoàn-trí-Hưng, đến lúc Đoàn-trí-Hưng xuất gia tu hành, lấy pháp danh là Nhất-Đăng thì cả gia đình họ Vũ đều theo đầu Nhất-Đăng. Vì thế, hai con của Vũ-tam-Thông lầm tưởng mình thuộc vào hoàng gia, và cứ mỗi lần có người nhắc đến giai đoạn ẩn náu ở Vân-Nam là hai đứa bé nhớ lại cái tư cách hoàng gia của dòng họ mình.
Ông lão gật đầu nói:
– Đúng rồi! Ta còn nhớ! Thế cha mẹ em hiện giờ ở đâu? Sao em lại đi lạc một mình?
Tu-Văn nghe nói biết ông lão không gặp cha mẹ mình, nên đâm ra hoảng hốt khóc sướt mướt:
Cô bé bụm miệng cười, trêu chọc:
– Xấu! Đã lớn đầu mà còn khóc.
Tu-Văn nói:
– Ai lại không khóc! Đúng lúc phải khóc thì nín sao được.
Rồi hắn kể lại các việc xảy ra từ lúc ở Lục gia trang đến lúc bị mãnh hổ đe doạ cho ông lão và cô bé nghe.
Ông lão hỏi:
– Con có biết địch thủ mà mẹ con đang chờ đợi là ai không?
Tu-Văn nói:
– Tôi nghe nói hình như người ấy là Xích-Luyện Tiên-Tử nào đó.
Ông lão nhíu mày, lẩm bẩm:
– Thôi, đích là Lý-mạc-Thu rồi! Nguy hại thật.
Qua một phút băn khoăn, ông ta quay lại nói với hai đứa bé:
– Các con hãy ở đây với nhau cho có bạn. Lão phải đi ngay bây giờ mới được.
Cô bé nũng nịu nói:
– Xin công công cho con cùng đi với.
Tu-Văn cũng nói theo:
– Con cũng xin đi nữa.
Lão già ra vẻ trịnh trọng đáp:
– Không được đâu! Lý-mạc-Thu là con ác tặc hầu như không còn chút nhân tâm. Lão không còn chắc gì đương đầu với hắn nổi. Nhưng nay giữa tình bằng hữu, lẽ đâu nghe bạn lâm nạn mà không đến giúp. Các con nên nghe lời lão ở lại đây cho an tâm.
Nói xong, lão vung cây thiết trượng một vòng rồi dùng thuật phi hành lao mình vun vút trong rừng xanh.
ấy giờ trời đã sáng rõ, nông phu đã tấp nập ra đồng, trai gái vừa cày bừa vừa ca hát rất vui vẻ.
Lão già vừa đi vừa hỏi thăm đường, chẳng mấy chốc đã đến lục gia trang.
Tuy cặp mắt của lão đã mờ đi theo tuổi tác, nhưng tại lão tinh anh vô cùng. Lão có thể nghe được tiếng động từ hàng dặm. Do đó vừa đến cổng Lục gia trang, lão nghe ngóng một lúc và biết ngay trong trang trại đang trại đang xảy ra cuộc đấu chiến vô cùng khốc liệt.
Đối với gia đình họ Lục cũng như gia đình họ Vũ, thật ra lão chưa có gia bảo đặc biệt nào. Tuy nhiên, gặp lúc hai gia đình này đang lâm nguy vì tay Lý Mạc Thu, một tay chọc trời khuấy nước, lão chẳng nỡ ngồi yên, muốn đem tài hèn sức yếu để phó trợ những kẻ thế cô.
Lão liền tung mình nhảy vào sân trang trại. Và lão nghe rõ tiếngg khí gíơi chạm nhau ran rản trên mái ngói.
Nhìn lên mái ngói, lão thấy bốn người chia làm hai phe, một bên ba, một bên một đang quần nhau tranh thắng bại. Nhưng xem chừng như phe ba người, mặc dù đông , lại bị tay kiếm đơn độc kia tấn công tới tấp.
Nguyên do là lúc Vũ Tam Thông bồng hai đứa bé phi thân mất dạng, vợ chồng Lục Lập Đỉnh kinh ngạc, chưa biết Vũ Tam Thông có dụng ý gì, thì trái lại, Vũ tam nương tỏ vẻ hoan hỉ cười sung sướng, nói:
– Chuyết phu lâu nay vốn điên điên, dại dại, thế mà lần này hành động rất chín chắn.
Lục đại nương hỏi:
– Như thế nghĩa là sao?
Vũ tam nương không giãi bãy chỉ trả lời:
– Xin phu nhân chờ rán một tí nữa sẽ rõ.
Lúc ấy trời đã khuya, Lục Vô Song ngồi dựa vào bắp đùi của phụ thân ngủ say, còn TA cũng đang mơ màng qua giấc ngủ. Lục đại nương thấy thế đưa tay ẵm hai đứa bé về phòng.
Vũ tam nương liền nói:
– Chúng ta chỉ chờ trong giây lát nữa thôi.
Quả nhiên trong khoảng khắc, trên mái nhà có tiếng động tiếp theo có tiếng nói rõ ràng là của Vũ Tam Thông. Con người này có những hành động kỳ quặc khiến cho vợ chồng Lục Lập Đỉnh không thể nào hiểu nổi.
Vũ Tam Thông gọi lớn:
– Hãy bồng chúng ném lên đây cho tô.
Vũ tam nương liền ôm Trình Anh và Lục Vô Song ném cho Vũ Tam Thông. Vũ Tam Thông đưa tay nhẹ nhàng ôm lấy và biến mình vào trong bóng tối.
Lục Lập Đỉnh ngơ ngác, chẳng biết họ hành động với mục đích gì liền hỏi:
– Các ngươi làm gì thế?
Dứt lời chàng rút kiếm nhảy lên mái nhà, nhưng lạ thay, chỉ trong nháy mắt đã không thấy tung tích của Vũ Tam Thông và hai đứa bé đâu cả.
Lục Lập Đỉnh toan phi thân đuổi theo thì Vũ tam nương cản lại nói:
– Lục chủ chở phí công vô ích, Vũ Tam Thông đưa hai đứa trẻ đi nơi khác với hảo ý .
Lục Lập Đỉnh nghe nói bớt nghi ngờ hỏi:
– Vũ Tam Thông dụng ý thế nào?
Vũ tam nương kề tai nói nhỏ:
– Chuyết phu muốn giúp Lục chủ đưa hai cháu đi đến nơi khác tránh bàn tay hiểm độc của ác tặc.
Như chợt hiểu ra, Lục Lập Đỉnh mỉm cười nói:
– Như vậy tốt lắm! Tốt lắm!
Tuy thế, nhưng trong lòng Lục Lập Đỉnh còn in sâu thfu hận về việc Vũ Tam Thông cướp tử thi của song thân nên chưa lấy gì làm tin.
Vũ Tam Thông nói:
– Từ thưở nay Chuyết phu tính không thích con trẻ. Ngay như Vũ Đôn Nhu và Vũ Tu Văn là hai đứa con ruột mà Chuyết phu cũnng thường tỏ ra ít quyến luyến. ấy thế mà nay mới gặp hai tiểu thư, Chuyết phu lại có cảm tình nồng hậu khác thường. Ôi! Đây cũng là việc mà Chuyết phu thay đổi trạng thái tâm hồn rất có ý nghĩa.
Nói đến đây, Vũ tam nương thở ra một hơi dài rồi nín lặng.
Qua một lúc, Vũ tam nương tỏ lời khuyên vợ chồng Lục Lập Đỉnh:
– Xin Lục chủ và phu nhân hãy tạm nghỉ ngơi một lúc. Tôi biết con quái tặc này có tánh tự phụ, ít khi đánh người trong đêm tối. Có lẽ nó chờ lúc thanh thiên bạch nhất mới động thủ.
Vợ chồng Lục Lập Đỉnh bây giờ không còn băn khoăn cho tánh mạng hai đứa bé thân yêu, tin tưởng rằng chúng đã được một nơi trú ẩn an toàn, nên tỏ ra gan dạ hơn trước và cương quyết xả thân đương đầu mọi hiềm khích, bất cứ do đâu gây nên. Cả hia kiếm không rời tay lăm le tiếng động là nhảy ra ứng chiến.
Ld và Lục đại nương kết hợp cùng nhau đã trên mười mấy năm trời, sống trong cảnh sống bình dị đã quen, chưa bao giờ nghĩ đến cảnh tang tóc, chia lìa. Bỗng nay gặp phải cảnh ngộ thù hằn, gia đình mang tai biến, con cháu phải thân ly, vợ chồng tánh mạng như sợi chỉ treo chuông, làm sao khỏi buồn tủi. Tuy nhiên đôi vợ chồng này vốn có dònng máu hào hiệp, quyết không vì thế mà bó tay làm tổn thương dòng giống.
Với tâm trạng ấy, đôi vợ chồng ngồi nhìn nhau thông cảm, không nói nên lời.
Ngoài xa, tiếng gà gáy văng vẳng vọng lại, Lục Lập Đỉnh nghĩ đến đàn gia súc của mình bị con ác tặc giết hại, trong nhà không có tiếng chó sủa, lòng bùi ngùi lẩm bẩm:
– Thật đúng là kẻ “khuyển bất lưu”.
Trời hừng sáng ! Theo mọi bữa, vào giờ nay nơi Lục gia trang tưng bừng náo nhiệt, thế mà nay bốn bề lặng ngắt thê lương. Thật là một quang cảnh tràn đầy tử khí.
Bỗng nhiên “ầm” một tiếng! Một hòn đá rất lớn từ bên ngoài ném vào làm cho hai cánh cửa ngõ mở tung ra.
Mặc dù cánh cửa ngõ đêm vừa rồi bị kẻ lạ mặt dùng xích khoá chặt, tên nô bộc A Căn cẩn thận đóng then như thường lệ thế mà chỉ một tảng đá, cả xích sắt và then đều gãy rời ra hết.
A Căn nghe tiếng chạy đến thì thấy trước cổng đã hiện ra một đạo cô cực kỳ diễm lệ, mình khoác chiếc áo màu trắng tinh như tuyết.
Đạo cô vừa tiến vào chính là Xích luyện Tiên tử Lý Mạc Thu.
Tên A Căn trố mắt nhìn một lúc rồi cất tiếng hỏi:
– Ai đó? Muốn hỏi ai?
Bây giờ Lục Lập Đỉnh cũng vừa chạy đến, thấy đạo cô thất kinh gọi A Căn bảo:
– A Căn, hãy lui vào trong cho mau.
Nhưng đã trễ, Lý Mạc Thu nhanh tay đưa chiếc phất trần đánh nhẹ vào đầu A Căn một cái khiến tên nô bộc trung thành này nằm lăn ra chết tươi như đàn gia súc vừa rồi.
Lục Lập Đỉnh hầm hầm nét mặt múa kiếm lướt tới. Lý Mạc Thu vẫn điềm nhiên như không để ý. Nàng lấy phất trền gõ nhẹ vào đầu hai con tỳ nữ đang quýet sân, thấy nàng trố mắt nhìn.
Hai đứa tỳ nữ nằm lăn chết giãy.
Xong. Lý Mạc Thu mới quay lại hỏi Lục Lập Đỉnh:
– Còn hai đứa bé đâu ?
Lục Lập Đỉnh chưa kịp đáp thì đằng sau chàng Lục đại nương và Vũ tam nương đã kịp thời xông ra tiếp ứng.
Thấy vẻ mặt lạnh lùng, đanh ác của Lý Mạc Thu, mọi người căm tức thấu đến ruột gan.
Lý Mạc Thu nhìn Vũ tam nương cười mỉm:
– Có người ngoại cuộc muốn tham dự. ở đây không đủ chổ để nghênh chiến, vậy mời quý vị lên đây.
Dứt lời, Lý Mạc Thu tung chiếc phất trần nhảy gọn lên mái nhà.
Hai vợ chồng Lục Lập Đỉnh và Vũ tam nương không ngận ngại tung chân nhảy theo. Lý Mạc Thu ngạo nghễ không cần dùng đến cặp song kiếm, chỉ dùng chiếc phất trần chống đỡ với ba người mà sắc mặt luôn tươi cười hơn hở như đang dự một trò giải trí.
Ngược lại, ba đối thủ của nàng thay nhau tấn công tới tập, phí bao nhiêu sức lực mà vẫn không lay chuyển được mảy may sắc diện ngoạn lộng củ nàng.
Bỗng nhiên, Lý Mạc Thu quay ngược chiếc phất trần lại, cả ba đối thủ đều bị mất hung khí. Nàng cười khanh khách nhưng chưa vội hạ thủ. Nàng bắt đầu một trò chơi mới. Nàng cầm chiếc phất trần lăm le dí vào đầu từng địch thủ. Trong lúc đó, mỗi địch thủ phải mệt nhọc tránh né một cách hãi hùng.
Trò chơi mèo vờn chuột này tiếp diễn một hồi lâu khiến cả ba địch thủ đều mệt sức và buộc phải tự thú sự bất lực của mình bằng lời nguyền rủa.
– Tặc nữ, mày cứ giết ta đi còn đợi chừng nào nữa !
Nhưng, sự bỡn cợt của Lý Mạc Thu chưa thoả. Nàng vẫn với chiếc phất trần chơi cáu trò chơi ngạo nghễ đó.
Bỗng nhiên phía dưới có tiếng động khác thường. Lý Mạc Thu lắng tai nghe rồi bỏ ba người bại trận nhún mình nhảy xuống sân. Quả nhiên, nàng thấy một ông lão tay cầm thiết trượng xông đến.
Lý Mạc Thu mỉm một nụ cười kiêu hãnh rồi tung mình nhảy phóc về phía ông già.
Chân nàng chưa chấm đất nàng đã vung chiếc phất trần giáng cuống một đòn rất hiểm độc.
Với thế đánh này, Lý Mạc Thu thường dùnng trong lúc khẩn cấp mà ít kẻ tránh khỏi.
Lão giã tuy mắt loá nhưng nghe hơi gió biết ngay gặp phải địch thủ ác hiểm liền vung thiết trượng nặng ngàn cân về phía đối thủ.
Không thủ được bằng thế độc, Lý Mạc Thu biết mình gặp phải tay cự phách, liền xoay ngược chiếc phất trần hét lớn:
– Rơi ! Rơi!
Hai sức mạnh gặp nhau ! ông lão ra sức giữ cây thiết trượng không để văng khỏi tay mình, và cảm thấy không đủ sức giữ vững, bèn nhún người nhảy lên không mới tránh được ngón võ độc hiểm của Lý Mạc Thu.
Lão già lẩm bẩm:
– Con quái tặc này quả nhiên lợi hại! Tiếng đồn trong giới giang hồ quả thực chẳng sai.
Lý Mạc Thu lại tung chiếc phất trần lần nữa. Lần này nàng lại hét:
– Văng !Văng !
Nhưng, cây thiết trượng vẫn được ông lão bảo vệ chắc chắn không để rời khỏi tay.
Lý-mạc-Thu kinh ngạc, bụng bảo dạ:
– Ta đã từng dấn thân khắp giang hồ chưa thấy mấy người tránh được ngón đòn này! Chẳng biết lão là ai mà tài nghệ dường ấy.
Nàng co mình lại, nhảy lui mấy bước, trừng trừng nhìn kỹ vào mặt, thấy cặp mắt ông lão bị loà, nàng la lớn:
– A! có phải người là Kha-trấn-ác chăng?
Đúng vậy!. Ông lão nầy chính là Kha-trấn-ác, một trong bảy tay quái hiệp nơi đất Giang-nam.
Nguyên vì sau kỳ luận kiếm ở Hoa-sơn, đôi hiệp khách Quách-Tỉnh và Hoàng-Dung được kết làm vợ chồng. Thân phụ của Hoàng-Dung là Hoàng-dược-Sư cùng con rẽ tìm đến đảo, Đào-hoa để ẩn trú.
Nhưng chẳng bao lâu, Hoàng-dược-Sư lại bỏ đảo ra đi, để lại một bức thư căn dặn con rể chớ nên tìm kiếm vô ích.
Bởi vì, Hoàng-dược-Sư tuy tuổi già sức yếu vẫn chưa quên được tiếng gọi hải hồ.
Hoàng-Dung biết rõ tánh tình của cha, mặc dầu tha thiết nhớ nhung vẫn đành chịu biết sao hơn.
Cách mấy tháng. Hoàng-dược-Sư lại nhắn tin về một lần. Rồi từ đó về sau vẫn biệt vô âm tín, không rõ chết sống nơi nào.
Hoàng-Dung quá nhớ cha nên cùng Quách-Tỉnh dân bước khắp nơi để dò la tin tức. Nhưng qua mấy tháng trời vẫn biền biệt tăm hơi. Hai vợ chồng Hoàng-Dung lại phải trở về đảo Đào-hoả để kịp ngày khai huê nở nhuỵ.
Hoàng-Dung tuy là thân gái đào tơ, nhưng vốn dòng hiệp khách niên lấy làm khó chịu khi phải bó mình trong đảo để chờ ngày tháng sinh thai.
Hoàn cảnh ấy đã làm cho Hoàng-Dung bực dọc, trở nên cau có luôn luôn, kiếm chuyện gây gổ với Quách-Tỉnh, chồng nàng.
Quách-Tỉnh vốn tánh chất phác, thuần hậu, thấy thế thương tình, đem lòng nể nang, đón nhận những cái đay nghiến vô nghĩa của Hoàng-Dung.
Chẳng bao lâu Hoàng-Dung sanh đặng một gái, đặt tên là Quách-Phù.
Trong thời gian thai nghén, Hoàng-Dung hay phiền muộn, gắt gỏng. Tính tình đó không khỏi ảnh hưởng đến Quách-Phù. Do đó, chưa đầy một tuổi, Quách-Phù trở nên ngang ngạnh.
Quách-Tỉnh nhiều lúc thấy con như vậy đem lòng bực dọc, dạy, răn. Nhưng Hoàng-Dung lại bênh, khiến cho Quách-Phú càng lớn tuổi thì tánh ngang ngạnh cũng lớn theo, không thể sửa chữa được nữa.
Lúc Quách-Phú lên ba tuổi, được mẹ cô ta dạy về võ nghệ. Từ đó, trên đảo Đào-hoa, bất cứ một côn trùng, chim chóc, thú vật nào, hễ Quách-Phú trông thấy là đâm chém, giết hại, chặt đầu banh lông.
Thú vật trên đảo lần lần tìm nơi khác ẩn thân hết.
Quách-Tỉnh rất buồn phiền về tánh nết của con, nhưng lại nể vợ, không dám rầy la.
Bỗng một ngày kia có khách đến viếng thăm đảo. Khách đó là Kha-trấn-ác, sư phụ của Quách-Tỉnh.
Kha-trấn-ác những tưởng rằng sau bao năm giang hồ trôi nổi, có thể trở về một nơi tĩnh mịch vui thú điền viên. Nào ngờ, máu hào hiệp không cho phép ông ta như thế. Ông ta vẫn phải phiêu lưu đây đó.
Sau khi viếng thăm sáu người bạn xưa kia đã cùng lão nổi tiếng là thất-quái ở đất Giang-Nam, lão lại chạnh lòng nhớ đến người môn đệ là Quách-Tỉnh, lão liền lên đường tìm đến thăm.
Quách-Tỉnh và Hoàng-Dung gặp lại được sư phụ lấy làm mừng rỡ, lưu lại ở đảo, và khẩn khoản yêu cầu lão từ bỏ chương trình phiêu lưu để thầy trò an sống.
Kha-trấn-ác nhận lời. Thế là hàng ngày lão cùng Quách-Phù dạo chơi phong cảnh. Chẳng bao lâu, đôi bạn một già một trẻ trở nên thắm thiết, luôn luôn quấn quít nhau. Kha-trấn-ác lấy cô bé Quách-Phù làm nguồn tiêu khiển, Quách-Phù lấy Kha-trấn-ác làm kẻ nuông chiều, để nũng nịu và đòi hỏi những thoả mãn của trẻ con.
Ngày kia, Hoàng-Dung lại nhớ cha, bên cùng Quách-Tỉnh rời đảo đi tìm. Lúc ra đi, đôi vợ chồng ký thác Quách-Phù cho sự phụ.
Quách-Phù tuổi chưa bao nhiêu, tánh tình vốn ngang ngạnh, trên chẳng sợ trời, dưới chẳng sợ đất, chỉ chờ lúc vắng mặt mẹ cha là lập tức nằng nặc đòi Kha-trấn-ác dắt nó đi tìm ông ngoại là Hoàng-dược-Sư.
Nhiều lúc Kha-trấn-ác, nói với Quách-Phù:
– Con còn bé, không nên đi xa! Huống hồ đi tìm ông ngoại là việc khó khăn con không làm nổi.
Tuy nhiên, cô bé vẫn không từ bỏ ý định kỳ quặc đó.
Một hôm, Quách-Phù phóng mình lội xuống nước, bơi ra xa rồi gọi Kha-trấn-ác nói:
– Được rồi! Nếu công công không dắt cháu đi tìm ông ngoại thì cháu đi một mình. Cháu bơi ra giữa biển đây nầy!
Kha-trấn-ác xem thấy hoảng hốt. Ông lão không biết lội, lại thấy gió to sóng cả sợ con bé chết chìm, nói vội:
– Hãy lội vào đây! Đảo nầy cách đất liền có hơn ngàn dặm làm thế nào lội cho được.
Con bé thấy Kha-trấn-ác sợ hãi càng làm già:
– Chẳng thà chết chìm, còn hơn suốt đời bị giam hãm trên hải đảo nầy.
Dứt lời, hắn lại hụp mặt xuống nước hai tay chới với.
Lão già chẳng biết làm sao hơn, đành chịu thua la lớn:
– Thôi cháu hãy lôi vào bờ đi rồi chúng ta cùng bàn chuyện vượt hải đảo.
Quách-Phù vẫn một mực khư khư nói:
– Không, không! Ông bằng lòng hứa dẫn cháu đi tìm ông ngoại thì cháu mới chịu vào.
Kha-trấn-ác nói:
– Được, được! Ông bằng lòng dẫn cháu đi.
Quách-Phù nói:
– Quân tử nhất ngôn! Ông phải giữ lời đấy nhé.
Kha-trấn-ác không do dự, nói:
– Khoái mã nhất tiên.
Đó là câu thề độc mà các giới giang hồ quen dùng trên đất Giang-nam này. Lời nói ấy xem như danh dự của những ai có máu hào hiệp.
Quách-Phù cười khoái trá lội lên bờ, trong lúc đó Kha-trấn-ác ra dáng lo lắng và suy nghĩ đủ điều.
Chẳng bao lâu, cả hai sửa soạn hành trang đem theo một đôi chim ưng, dùng thuyền tiến về phía Tây.
Và ngay ngày hôm đó, hai người đến phủ Hồ-Châu, xin vào tá túc tại nhà một nông phu.
Trong lúc Kha-trấn-ác còn mệt mỏi vì cuộc hành trình nên ngủ say chưa dậy thì Quách-Phù đã ra ngoài ngao du, dẫn theo đôi chim ưng lểnh mểnh giữa làn sương xám.
Chợt thấy Vũ-tu-Văn lâm nạn, Quách-Phù liền ra tay xua đôi chim ưng cứu Tu-Văn khỏi nanh vút mãnh hổ như đã thuật ở đoạn trên.
Đây, chúng ta trở lại cuộc so tài hào hứng giữa Lý-mạc-Thu và Kha-trấn-ác.
Đôi bên say sưa giao chiến. Mặc dù Kha-trấn-ác vận dụng hết các môn bí quyết mà cũng không làm sao thắng nổi Lý-mạc-Thu.
Biết vậy, Kha-trấn-ác lui dần về phía ngoài cổng che kín mặt sau để thủ thế.
Lý-mạc-Thu vừa tấn công vừa suy nghĩ:
– Lão già nầy quả là một tay lợi hại trong thất kiệt Giang Nam. Mắt lão mù loà mà vẫn có thể cầm cự với ta trên mười hiệp. Như vậy danh bất hư truyền.
Bỗng Lý-mạc-thu nghe đàng sau có tiếng động.
Hai vợ chồng Lục-lập-Đỉnh và Vũ-tam-nương vừa chạy đến tiếp tay với Kha-trấn-ác.
Lý-mạc-Thu tự nghĩ:
– Trường hợp nầy ta có nên ra tay hạ sát Kha công chăng?
ý nghĩ của Lý-mạc-Thu không phải quá tự phụ.
Thực vậy, tài nghệ của Kha-trấn-ác tuy quán thông trong giới giang hồ, xứng đáng là một trong thất quái Giang-nam. Tuy nhiên so với tài nghệ nàng thì chưa thấm vào đâu. Nàng muốn đánh hạ Kha-trấn-ác lúc nào cũng được. Có điều nàng phân vân là nàng biết Kha-trấn-ác, sư phụ của đôi vợ chồng Quách-Tỉnh. Giết Kha-trấn-ác tức là gây vào đôi vợ chồng nầy một mối thù, mà tài nghệ của vợ chồng họ Quách, Lý mạc Thu không thể khinh thị.
Sở dĩ thế mà Lý-mạc-Thu vừa đánh vừa đắn đo suy nghĩ.
Nhưng rồi cuối cùng nàng cũng phải quyết định, nhất là khi cả ba đối thủ bại trận lại xông vào trợ lực với Kha công.
Lý-mạc-Thu quyết định tha chết cho Kha-trấn-ác để tránh hậu hoạ.
Nàng đảo lộn chiếc phất trần, đánh vào bụng Kha-trấn-ác, nhẹ nhàng như phất một cành hoa. Kha-trấn-ác không ngờ cái phất nhẹ nhàng như thế mà lại có sức mạnh vạn năng. Chiếc thiết trượng của lão vừa đưa ra đỡ liền bị rơi xuống đất. Lão nhanh chân lùi bước để tránh ngọn độc thủ của đối phương sắp tiếp diễn.
Nhưng Lý-mạc-Thu không tiến về phía Kha-trấn-ác mà lại đảo ngược chiếc phất trần tập kích Vũ-tam-nương.
Bị đánh bất ngờ, Vũ-tam-nương hét lên một tiếng kinh hoàng. Nàng liều mình xông tới một mặt tránh ngọn phất trần, một mặt tung kiếm chém ngang hông Lý-mạc-Thu.
Lý-mạc-Thu không đỡ, nép mình tránh lẹ làng và uyển chuyển như một cành sen uốn cong trước gió.
Chờ đến khi gió đã thoảng qua, cành hoa ấy trở mình dậy quất chiếc phất trần trở ngược lại Lục-đại-nương.
Tội nghiệp cho Lục-đại-nương với miếng võ ấy, nàng không tài nào đỡ nổi, bị chiếc phất trần đập trúng ngã chúi xuống đất.
Thấy vợ mình bị hại. Lục-lập-Đỉnh nổi giận, chẳng còn e dè trước tài nghệ quái ác của đối thủ nữa, chàng xông vào dùng dao chém túi bụi, và trổ hết những đường bí quyết trước ngọn dao thần tốc.
Lý-mạc-Thu mỉm cười, tiến sát vào người Lục-lập-Đỉnh, khiến cho những đường dao bí quyết của Lục-lập-Đỉnh trở nên vô dụng. Chàng tức mình hét lên một tiếng, buông dao, hai tay ôm Lý-mạc-Thu vào lòng.
Thế là tình cờ, tấm thân kiều diễm kia lại nằm gọn vào hai cánh tay của Lục-lập-Đỉnh, chàng trai trẻ đẹp ấy.
Chẳng biết trong tình thế nguy ngập Lục-lập-Đỉnh có cảm giác gì khi ôm được mỹ nhân kế sát vào ngực. Riêng Lý-mạc-Thu, từ ngày bị tình phụ, bao nhiêu nữ tính của nàng đã bị tiêu tan đi mất, nàng chỉ là một thiếu phụ trong bẽ bàng.
Tuy nhiên, khi nhìn tận mắt Lục-lập-Đỉnh, Lý-mạc-Thu lại có cảm giác như nhìn lại khuôn mặt của người yêu mười năm về trước. Cũng cái khuôn mặt vuông vuông ấy, cũng với vừng trán cao rộng ấy, cũng với đôi mắt thông minh và tình tự ấy. Chừng ấy hình ảnh lẽ ra làm tiêu tan mối căm hờn ghen tức trong lòng cô gái bị phụ tình.
Nhưng không, nếu Lục-lập-Đỉnh nhận xét kỹ càng hẳn thấy sắc mặt của Lý-mạc-Thu thay đổi qua nhiều sắc thái kỳ dị. Nàng siết chặt đôi hàm răng, dồn tất cả mọi căm hờn, độc ác vào đôi mắt nhìn Lục-lập-Đỉnh, hét:
– Đồ bạc tình! Đồ bội nghĩa!
Rồi nàng vung chiếc phất trần đánh vào Lục-lập-Đỉnh không hề có chút thương tâm.
Tội nghiệp cho Lục-lập-Đỉnh vô oán, vô thù mà phải chịu gánh trả một đòn căm hờn về tình duyên từ kiếp trước.
Vợ chồng họ Lục, chỉ phút chốc đã bị Lý-mạc-Thu đánh ngã Kha-trấn-ác và Vũ-tam-nương mặc dù còn sung sức cũng không thể giải cứu kịp những ngón đòn trong loáng mắt ấy.
Lý-mạc-Thu lại ngạo nghễ hỏi:
– Còn hai đứa bé nữa đâu?
Hỏi đến hai đứa bé, Lý-mạc-Thu muốn nói đến Trình Anh và Lục-vô-Song.
Rồi không đợi cho Vũ-tam-nương kịp mở miệng, nàng phóng mình lục soát khắp mọi nơi trong trang trại.
Nhưng không tìm đâu ra tung tích hai đứa bé, Lý-mạc-Thu phóng hoả đốt hết trang viên, lửa khói bốc cháy um tùm.
Đoạn, nàng quay ra nói với Vũ-tam-nương và Kha-trấn-ác:
– Ta vốn cùng Nhất-Đăng Đại-sư và Đào-hoa đảo không thù oán gì. Vậy xin từ biệt các ngươi.
Dứt lời, nàng toan phi thân. Nhưng Vũ-tam-nương và Kha-trấn-ác là hai kẻ nghĩa hiệp, đã từng tung hoành khắp giang hồ không thể mặc nhiên đứng nhìn cử chỉ hiên ngang của Lý-mạc-Thu, liền cùng nhau kẻ thiết trượng, người kiếm đòn Lý-mạc-Thu lại đánh.
Lý-mạc-Thu buộc lòng phải đưa phất trần ra đỡ, và đánh lại.
Một cái vút nhanh, đã làm cho thanh kiếm của Vũ-tam-nương rơi xuống đất gãy làm đôi.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!