Thần Điêu Đại Hiệp
Chương 4: Những Vị Anh Hùng Trên Đảo Đào-hoa
Vũ-tam-nương bị rơi kiếm vội cúi sát xuống đất để tránh. Mảnh kiếm gãy bắn tung rớt lên mái tóc của nàng làm cho nàng hốt hoảng hét lên. Kha-trấn-ác nghe tiếng biết việc chẳng lành liền vung thiết trượng chống đỡ. Chuôi gươm gãy của Vũ tam nương ngay lúc ấy văng về phía Kha-trấn-ác kịp lúc lão đưa thiết trượng ra, hai vũ khí chạm nhau nẩy lửa xẹt ra một vệt sáng loè.
Lý-mạc-Thu lại suy nghĩ:
– Nếu ta mặc nhiên tha chết cho Kha công mà không cho biết ý định của ta e lão hiểu lầm tài nghệ của ta chăng. Chi bằng ta cho lão một phen khiếp vía là hơn.
Nghĩ thế, nàng tung chiếc phất trần quanh mặt Kha-trấn-ác và trở lại trò chơi mèo giỡn chuột lúc ban nãy. Thỉnh thoảng nàng dùng phất trần phẩy nhẹ trúng thiết trượng buộc Kha-trấn-ác phải huy động cả sức lực để giữ cho thiết trượng khỏi rơi.
Cứ mỗi lần phất trần chạm vào thiết trượng là mỗi lần toàn thân Kha-trấn-ác phải dụng vận hết toàn lực. Nhưng ác thay, hết đòn nầy đến đòn khác, khiến cho ông lão qua một lúc không còn hơi sức nào để chống đỡ nữa. Còn Lý-mạc-Thu như đùa giỡn vẻ mặt tươi như đoá hoa trong nắng sớm.
Cuối cùng, Kha-trấn-ác không còn đủ sức để cống hiến cho cái trò chơi quái quắc của Lý-mạc-Thu, lão buông thiết trượng đứng ưỡn ngực, hét lớn:
– ác tặc! Đây nầy! Mi hạ sát ta đi! Đồ khốn kiếp.
Lý-mạc-Thu cười lớn, đưa chiếc phất trần giả vờ đâm vào cái bụng nhăn nheo của lão. Chiếc phất trần còn cách bụng lão độ vài phân nàng dừng tay lại, rồi vừa cười vừa nói:
– Ta đâu muốn hại tánh mạng lão. Ta đã nói lão là người ngoại cuộc, ta không có thù oán kia mà!
Nàng vừa dứt lời, bỗng đằng sau có tiếng động. Nàng quay lại thì thấy Vũ tam nương mặt hầm hầm xông vào cứu mạng Kha-trấn-ác.
Nhanh như chớp Lý-mạc-Thu nhảy phóc người lên không trung rồi thuận tay đánh vào gò má của Vũ-tam-nương.
Ngón chưởng này nàng thường tung ra trong cơn giận! Nó đột ngột và nặng nề quá sức làm cho Vũ-tam-nương mất thăng bằng ngã lăn xuống đất.
Đánh xong đòn Xích luyện thần chưởng. Lý-mạc-Thu hét lên:
– Tặc nữ! Ta đã bảo ngươi không phải là kẻ liên can, ta đã tha chết sao còn liều lĩnh.
Dứt lời, nàng phi thân biến mất.
Bị trúng phải thần chưởng. Vũ tam nương nằm bất tỉnh. Còn Kha-trấn-ác lúc đó vẫn còn có cảm giác như có phiến đá ngàn cân đè nặng trên bụng. Lão thở khò khè toàn thân mệt mỏi.
Qua một lúc, Vũ tam nương lần lần hồi tỉnh, nghe tiếng răn rắt bên tay, mở mắt nhìn thấy ngọn lửa tàn phá gia trang đã lần hồi cháy về phía mình. Nàng thất kinh gượng dậy đỡ Kha-trấn-ác tránh ra xa để khỏi nguy hiểm.
Bấy giờ lão già cơn mệt cũng vừa lắng dịu, nghĩ đến vợ chồng Lục-lập-Đỉnh liền cùng với Vũ tam nương đến nơi. Nhìn hai cái xác nằm sóng sượt, Vũ tam nương cũng như Kha-trấn-ác không khỏi bùi ngùi thương xót.
Vợ chồng Lục-lập-Đỉnh chưa chết. Họ vẫn còn trong thoi thóp nhưng không thể nào sống được lâu.
Kha-trấn-ác và Vũ tam nương đều ở trong tình trạng khó xử.
“Để họ lại ư?”
Đã là hiệp sĩ ai lại có thể nhẫn tâm trước những sinh mệnh đang hấp hối!
Nhưng mang họ theo thì sau một cơn kiệt lực, cả hai đều chưa đủ sức cứu lấy mình còn mong gì cứu lấy người khác.
Trong lúc lương tâm hai người đang giày vò phân vân trước sinh mạng vợ chồng Lục-lập-Đỉnh thì đằng xa có tiếng gọi:
– Nương tử! Nương tử có hề gì không?
Đúng là tiếng kêu của Vũ-tam-Thông. Vũ tam nương mừng rỡ vô cùng. Càng mừng hơn nữa khi nàng nghĩ rằng chắc Vũ tam Thông không còn điên khùng như trước nữa nên mơí biết mà đến trong lúc nguy nan.
Vũ-tam-Thông áo quần tả tơi, hướng về phía lửa cháy, miệng la:
– Nương tử ơi! Nương tử có hề gì không?
Vũ-tam-nương cảm động, chạy ra ôm choàng lấy chồng, kéo về phía vợ chồng họ Lục đang nằm thoi thóp.
Vũ-tam-Thông không nói rằng gì cả, với tay kẹp mỗi người vào nách rồi cắm đầu chạy.
Kha-trấn-ác tuy chưa được giới thiệu cùng đôi vợ chồng họ Vũ, song nhận biết họ là kẻ hào hiệp nên lặng lẽ phi thân theo sau.
Chẳng mấy chốc, Vũ-tam-Thông đã dẫn mọi người lâm nạn ấy đến một sơn động.
Thật ra, phủ Hồ-Châu vốn ít núi non, toàn là đồng bằng phì nhiêu, nên nơi nào có ngọn đồi cao, có một số hang hố thì ở đấy dân cư gọi là sơn động.
Vừa bước vào sơn động, Vũ-tam-nương đã thấy ngay Vũ-đôn-Nhu, Vũ-tu-Văn, Trình-Anh, Lục-vô-Song đều có mặt nơi đó. Chúng đều được bình an vô sự và đang chơi đùa với nhau. Ngoài ra còn một đứa bé gái ra vẻ con nhà trâm anh quyền thế, trạc tuổi Trình-Anh và Lục-vô-Song sắc diện hiện ngang. Trông cái nhìn của đứa bé gái ấy, người ta cảm thấy có một sự cách biệt về tính tình, khó hoà mình với các em bé kia được. Em bé đó chính là Quách-Phù, ái nữ của Quách-Tỉnh và Hoàng-Dung.
Quách-Phù thấy Kha-trấn-ác bước vào, liền nói:
– Công công ơi! Chẳng biết vì sao đôi chim ưng bay mất tích.
Cháu gọi thế nào nó cũng không về.
Trình-Anh và Lục-vô-Song ôm chầm lấy thi xác của của vợ chồng Lục-lập-Đỉnh vừa khóc vừa than.
Bỗng Kha-trấn-ác buột miệng hét:
– Không xong rồi! Chúng ta đã vô tình chỉ đường cho con quỉ cái đó đến tìm mồi.
Vũ-tam-nương nghe nói thất sắc nhưng chưa hiểu ra sao.
Kha-trấn-ác giải thích:
– Con ác tặc đó đã thanh toán Lục gia trung chỉ còn hai đứa bé nầy nữa. Nhưng nó chưa biết hai đứa bé nơi nào thì…
Vũ-tam-nương chợt hiểu ra nói tiếp:
– à! Đúng rồi! Quái thật! hắn dụng ý tha mạng chúng ta để lò la tông tích hai đứa bé.
Vũ-tam-Thông hầm hầm nét mặt, la lớn:
– A! Con ác tặc nầy xem ra lợi hại quá! Ta phải cùng nó một còn một mất mới được.
Dứt lời, lão nhảy phóc ra cửa đứng án ngự như giữ thế và chờ đợi.
Lục-lập-Đỉnh tuy xương đầu đã bị nát vụn nhưng trong lòng còn ấp ủ đôi việc chưa được nói ra, nên dãy dụa kéo dài thì giờ lâm chung qua một lúc, chàng dốc hết tàn lực, mở to đôi mắt quay về phía Trình-Anh trối:
– Châu Anh! cháu hãy đỡ cậu dậy! Nơi bụng cậu có một vuông lụa bạch, cháu… hãy lấy ra…
Tiếng nói mệt nhọc nhỏ dần. Trình-Anh cúi sát dần xuống để nghe cho rõ nhưng chỉ còn nghe được mấy tiếng thì thào.
Trình-Anh vâng lời vén bụng Lục-lập-Đỉnh lên rút ra vuông lụa bạch, trên vuông lụa có thêu đoá hoa hồng.
Đoá hoa hồng nầy thật là kỳ dị. Nhìn qua thì cực kỳ diễm lệ, nhưng nhìn kỹ thì cực kỳ hiểm hóc. Ai nhìn lâu cũng phải rỡn óc.
Lục-lập-Đỉnh nghĩ một lúc rồi cố nói tiếp:
– Cháu Trình-Anh! Cháu hãy buộc vuông lụa nầy vào cổ, và không được giây phút nào cởi bỏ ra! Cháu nghe rõ chưa?
Trình-Anh tuy nhận ra được câu nói nhưng không hiểu ý nghĩa ra làm sao liền cúi xuống gần, nhưng Lục-lập-Đỉnh chỉ còn mở to đôi mắt có ý dặn dò, không nói nữa.
Là lời di chúc, Trình-Anh không muốn để phiền lòng người chết, vội gật đầu.
Giữa lúc đó, Lục-đại-nương đang mê man bất tỉnh, thoạt nghe lời trối của chồng, nàng bừng tỉnh lại, và nói:
– Vì sao chẳng truyền lại cho Vô-Song lại truyền cho Trình-Anh?
Lục-lập-Đỉnh cố nói lời sau cùng:
– Không! Ta không thể phụ lời ký thác của cha mẹ Trình-Anh.
Lục-đại-nương nói tiếp:
– Ông thật lòng dạ sắt đá! Con đẻ không thương lại thương cháu.
Dứt lời, đôi mắt Lục-đại-nương trắng chợt theo khuôn mặt.
Lục-vô-Song nãy giờ khóc than không để ý những lời đối đáp của cha mẹ nó.
Lục-lập-Đỉnh như chưa hết nỗi nuối tiếc, ngẩng đầu nhìn vợ nói:
– Nếu phu nhân thương con thì hãy để cho nó cùng theo chúng ta về suối vàng là hơn.
Nguyên cái vuông lụa có thêu đoá hoa hồng là vật kỷ niệm đầu tiên của Lý-mạc-Thu thân tặng cho Lục-triển-Nguyên để thắt chặt mối thâm tình. Khi lâm chung, Lục-triển-Nguyên đoán biết hai mối tình ngang trái của mình và vợ sẽ đưa đến hai mối thù oan nghiệt, không thể không đi họa đến con cháu về sau.
Do đó, lúc lâm chung Lục-triển-Nguyên trao vuông lụa cho Lục-lập-Đỉnh và dặn: “Mối thù của Vũ-tam-Thông nếu hắn tìm đến thì con liệu tránh được thì tránh bằng không thì đương đầu đấu chiến. Với Vũ-tam-Thông bắn không đến nỗi làm cho con thiệt mạng. Còn đối với Lý-mạc-Thu, một tay võ nghệ cao cường lại có lòng hiểm độc, nếu hắn tìm đến thì cách đối phó duy nhất để bảo tồn sinh mệnh là tròng vuông lụa này vào cổ hắn. Hắn sẽ nhớ lại mối tình đầu mà không đủ can đảm để tàn nhẫn nữa.
Tuy nhiên, Lục-lập-Đỉnh vốn con người tự phụ, cho đến phút lâm chung, cũng không sử dụng vuông lụa theo lời trăng trối của người cha, dù là để cứu mạng.
Trình-Anh là cháu ruột của Lục-lập-Đỉnh. Cha mẹ Trình-Anh, từ lúc nhỏ đã ký thác con cho Lục-lập-Đỉnh nuôi dạy. Thường ngày Lục-lập-Đỉnh cũng tỏ ra nghiêm khắc với Trình-Anh, nhưng đến lúc lâm chung Lục-đại-nương không ngờ chồng mình có thâm tình với cháu như thế.
Riêng Trình-Anh, cô ta hiểu nỗi bất bình chính đáng của Lục-đại-nương nên cầm vuông lụa đưa cho Lục-vô-Song và nói:
– Em hãy giữ lấy của này cho vui lòng mợ.
Lục-lập-Đỉnh nghe lời nói ấy mở vội đôi mắt, với vẻ nghiêm nghị, nói:
– Vô-Song! Con không được giữ vuông lụa nầy.
Vũ-tam-nương thấy việc éo le gay cấn, đề nghị:
– Chúng ta hãy xé vuông lụa làm đôi, cấp cho mỗi đứa một nửa. Như thế mới ổn thoả. Xin gia chủ vui lòng theo giải pháp đó.
Lục-lập-Đỉnh muốn trả lời song không còn đủ sức nữa. Tiếng nói ngập ngừng rồi nghẹn trong cổ họng. Cuối cùng Lục-lập-Đỉnh gật đầu.
Vũ-tam-nương liền lấy vuông lụa xé toạc ra làm hai mảnh đưa cho hai em bé mỗi em một nửa.
Bấy giờ Vũ-tam-Thông đang án ngự ngoài cửa động, nghe tiếng khóc chợt quay vào thấy trên hai gò má vợ một bên có một vết trắng như bạc, một bên có một vết đen như lọ, chẳng biết duyên cớ vì đâu, ngạc nhiên hỏi:
– Vì sao lại thế nầy?
Vũ-tam-nương nghe hỏi nhớ lại độc chưởng của Xích-Luyện Tiên tử, bèn lấy tay xoa lên hai gò má thì bấy giờ hai gò má đã tê cóng.
Nàng hốt hoảng, than:
– Chết rồi! Thiếp đã bị nhiễm độc của Xích-Luyện thần chưởng:
Bỗng ngoài cửa động có tiếng cười sằng sặc, hỏi vọng vào:
Có hai đứa bé trong đó chăng? Bất luận sống hay chết hãy mau đem ra giao lại cho ta.
Tiếng cười và tiếng nói trong như chuông ngân.
Vũ-tam-Thông xoay người trở lại.
Quả nhiên, Lý-mạc-Thu đứng đấy tự bao giờ với dáng điệu vô cùng ngạo nghễ.
Vũ-tam-Thông nhìn Lý-mạc-Thu ngạc nhiên: Bốn mươi năm trời, từ khi gặp nhau lần chót, người thiếu phụ này cũng vẫn giữ nguyên nhan sắc, cũng vẫn yêu kiều diễm lệ như xưa. Vũ-tam-Thông có cảm giác như con đạo cô này thách đố cả thời gian để mãi mãi tồn tại gieo hoạ vào bao nhiêu thế hệ về sau.
Nhìn thấy Lý-mạc-Thu cầm chiếc phất trần phe phẩy nơi tay Vũ-tam-Thông hiểu rõ mối nguy cơ đang chờ đợi mọi người, nhưng trong tay lão không có vũ khí.
Bởi vì, vào động tức là thả cho con ác tặc theo vào, còn chống cự biết dùng vật gì ngăn cản.
Chỉ loáng mắt, Vũ-tam-Thông nhanh trí nhảy đến một cây cổ thụ cạnh cửa động, ôm chầm gốc cây hô lớn:
– Lên.
Gốc cổ thụ bật lên tận gốc rễ cành lá rườm rà. Vũ-tam-Thông cầm múa tròn, tiến sát vào người Lý-mạc-Thu mục đích vây Lý-mạc-Thu vào giữa tàng cây rườm rà để mọi người có đủ thì giờ trốn thoát.
Lý-mạc-Thu hiểu ý, lùi mấy bước, vừa cười vừa nói:
– Vũ công còn mạnh đấy chứ!
Vũ-tam-Thông dừng tay, trả lời:
– Đã bốn mươi năm trời chẳng gặp nhau, nay tôi trông Lý cô nương vẫn còn đẹp lắm.
“Lý cô nương” là một lối gọi mà cách bốn mươi năm về trước không một chàng trai hảo hớn nào không tìm dịp để được gọi nàng như thế. Nhưng từ khi mối hận tình đã khiến Lý-mạc-Thu trở thành một đạo cô độc ác thì lối gọi Lý cô nương cũng cùng với thời gian bị chôn lấp. Vả lại, ngày nay cũng chẳng còn gì dám gọi Lý mạc Thu với tiếng gọi êm đềm như thế.
Mặc dù Lý mạc Thu con tim đã bị giá lạnh, giá lạnh đến chua chát, bẽ bàng trong dĩ vãng, nhưng không thể không chạnh lòng khi nghe có người còn nhắc đến tên Lý cô nương.
Thật vậy! Đã biết bao nhiêu chàng trai phong lưu đua tài tranh nhau gọi “Lý cô nương”.
“Lý cô nương”, “Lý cô nương” một âm thanh dung hoà trong cuộc sống đào hoa, hay tiếng kêu hối hận của một kẻ vong tình đang bị lương tâm cắn xé?
Nhưng nhắc đến ba tiếng “Lý cô nương” Lý mạc Thu lại cảm thấy sống dậy trong lòng mình ba tiếng “Hà nguyên Quân” ba tiếng tình địch trong đời nàng.
Cảm giác như thế, sắc mặt Lý mạc Thu bỗng cay cú chẳng khác gì đoá hoa hồng trên khuôn lụa bạch.
Vũ tam Thông cùng với Lý mạc Thu đều là những kẻ không may trên tình trường thì tâm tánh có khó gì mà không thông cảm.
Cũng như cách đây mười năm sau khi thất tình, một ngày nọ Vũ tam Thông gặp một đoàn phiên xa gồm có mười người của Hà thị phiêu cục. Chẳng may cho đoàn người này trong hắn chữ Hà thị phiêu cục sơn trắng phiên xa, chữ Hà to lớn đập mạnh vào trí óc của Vũ tam Thông khiến cho chàng trai thất tình ấy nhớ lại tên người yêu rồi nổi cơn điên giết cả mười tên lão phiêu. Tội nghiệp cho những tên này, đến lúc bị tàn sát cũng chẳng biết nguyên do.
Ngay nay Vũ tam Thông hẳn rõ tâm trạng Lý mạc Thu hơn ai hết. Thấy sắc mặt nàng thay đổi, Vũ tam Thông hồi hộp cho sinh mạng của Trình Anh và Lục vô Song.
Lý mạc Thu nghiêm sắc mặt, nói:
– Chính ta đã in chín bàn tay máu vào Lục gia trang. Ta chưa hạ thủ được chín mạng lẽ nào ta chịu dừng tay. Vậy Vũ tam ca hãy vui lòng nhường bước.
Vũ Tam Thông nói:
– Hai vợ chồng Lục công đã chết; vợ chồng Lục lập Đỉnh đã thọ độc vì tay người. Nay chỉ còn một đứa bé nhỏ, ngươi nỡ nào nhẫn tâm như vậy.
Lý mạc Thu điểm nụ cười trên khuôn mặt lạnh lùng, nói:
– Vũ tam ca! Hãy nói là còn hai đứa bé thì đúng hơn. Nhưng thôi! Hãy nhường lối cho ta đi.
Vũ tam Thông xoay ngang cây cổ thụ rào kín lối vào động và dằng từng tiếng:
– Này Lý cô nương! Thế thì Lý cô nương quả là trắc dạ lang tâm. Hà nguyên Quân…
Nghe nói đến “Hà nguyên Quân” Lý mạc Thu biến sắc lần nữa, hét:
– Ta phải nói để ngươi rõ. Trước mặt Xích Luyện tổ sư ta đã có lời thề. Nếu trước mặt ta, kẻ nào nói đến tên “Hà nguyên Quân” thì kẻ đó phải chết, hoặc ta phải chết. Nay Vũ tam ca tự nhiên bắt ta phải trọng lời thề, vậy ngươi đừng oán ta nhé.
Dứt lời, nàng tung chiếc phất trần đánh vào đầu Vũ tam Thông.
Chiếc phất trần đánh xuống mau như chớp nhoáng. Nhưng Lý-mạc-Thu đã quên rằng con người điên dại đầu óc bồm xồm kia là cao đệ của Nhất-Đẳng Đại-sư, và Lý-mạc-Thu còn quên một điều nữa là Vũ-tam-Thông ngày nay đâu phải Vũ-tam-Thông bị rơi vũ khí trước ngực của Lục-triển-Nguyên bốn mươi năm về trước. Vận dụng tất cả mọi kinh nghiệm của bốn mươi năm lăn lóc trên vũ trường, Vũ-tam-Thông dùng hai bàn tay làm bung cây cổ thụ như một chiếc dây cung để đỡ ngón đòn độc hiểm của Xích-Luyện Tiên-tử.
Lý-mạc-Thu thấy khí thế của Vũ-tam-Thông quả nhiên lợi hại, nàng liền nép mình theo hướng gió, bay xa khỏi tầm cổ thụ và quan sát từng khe hở của Vũ-tam-Thông để tấn công cho có hiệu quả hơn.
Lý-mạc-Thu đảo qua đảo lại liền hồi, khiến cho Vũ-tam-Thông không kịp day trở tàng cây cổ thụ nặng nề ấy.
Nhân lúc đối phương lúng túng, Lý-mạc-Thu nhảy vụt xuống đưa chân đạp vào gốc cây cổ thụ.
Con người Lý-mạc-Thu mong manh, thơ nhi liễu yếu nhu đào, ấy thế mà sức đạp của nàng lại nặng nề có đến ngàn cân, khiến cho gốc cây phải lún xuống đất.
Thế là hai đối thủ dằng co nhau một cây cổ thụ. Một bên đè gốc, một bên đè ngọn.
Nhưng Lý-mạc-Thu ghì được ưu thế, lại có vũ khí trong tay, còn Vũ-tam-Thông đã không có vũ khí, hai tay lại bận giữ ngọn cây.
Lý-mạc-Thu cười khúc khích như để hoan thưởng cái lợi thế của mình. Trong lúc đó, Vũ-tam-Thông bắt đầu nao núng, mối lo ngại bắt đầu vẩn vơ trong trí óc.
Thật ra, Vũ-tam-Thông không hề lo ngại cho mình, bởi vì từ khi biết tia tình địch lẫn người yêu đã hoá ra người thiên cổ, ông ta không còn tha thiết đến cuộc sống như đã thiết tha trong bốn mươi năm qua rèn luyện võ nghệ để rửa hận thù. Nay trước nguy cơ hăm doạ sanh mạng của con cháu người yêu và của vợ con mình khiến Vũ-tam-Thông vụt ra ý nghĩ cần phải sống để bảo vệ kẻ thân yêu. Bấy giờ Vũ-tam-Thông lo mối nguy hại chung hơn là lo cho bản thân.
Trong lúc ông ta đang lo suy nghĩ thì Lý-mạc-Thu vẫn cười ngạo nghễ trong đắc thế. Nàng đạp chìm gốc cây cổ thụ xuống đất rồi bước lần về phía Vũ-tam-Thông tay lăm lăm chiếc phất trần như chực kết thúc sinh mạng đối thủ.
Vũ-tam-Thông nhìn con ác tặc lẩn lẩn tiến đến đang chờ đợi một định mệnh khắt khe cho cả một đoàn người vô tội.
Trong lúc nguy cấp, bỗng từ đàng sau Lý-mạc-Thu từ trên trời, lao xuống hai vệt đen, tiếp theo những tiếng kêu lạ lùng quái dị.
Vũ-tam-Thông ngạc nhiên thấy đó là hai con chim ưng khổng lồi sà xuống bấu vào Lý-mạc-Thu chúng dùng mỏ và móng nhưng bấu xé liên hồi, thay phiên nhau tấn công tới tấp.
Lạ lùng hơn nữa trong động có tiếng the thé của cô bé Quách Phù đang điều khiển cặp chim:
– Thần ưng! Thần ưng! Hãy mổ xé xác con quái tặc ấy.
Đôi chim ưng vô cùng khôn lanh, lúc bay về phía tả, lúc sà xuống phía hữu, đến như Lý-mạc-Thu lanh lẹ dường ấy mà cũng phải lúng túng trong lúc tránh né.
Tuy nhiên, qua một lúc, Lý-mạc-Thu lấy ngay được bình tĩnh. Vì qua vài đợt tấn công nàng đã xác định được giá trị của đôi chim. Nàng tin rằng pháp thuật của nàng có thừa để đối phó.
Tuy nhiên, đánh hạ đôi chim là việc nàng còn phải suy tính. Bởi vì nàng thừa hiểu chỉ có đảo Đào-hoa mới có đôi chim ấy. Vậy đương đầu với đôi chim ưng tức là chuốc lấy hậu quả oan thù với họ Quách, điều mà Lý-mạc-Thu không bao giờ nghĩ đến.
Trong lúc nàng còn lưỡng lự chưa quyết thì đôi chim vẫn hăng say trong lợi thế, cứ áp đảo luôn hồi.
Bỗng con chim mái bất đồ trúng phải chiếc phất trần của Lý-mạc-Thu sa xuống đất kêu một tiếng thất thanh.
Quách-Phù thấy thần ưng bị hạ, từ trong động hô to:
– Thần ưng! Thần ưng! không có gì phải sợ, hãy cắn chết con nữ tặc ấy cho ta.
Lý-mạc-Thu liếc mắt nhìn vào động thấy người ra hiệu lệnh cho đôi chim là một cô gái nhỏ, sắc mặt lạ lùng. Nàng nhíu mày lẩm bẩm:
– Thôi, đúng rồi! Con bé này phảng phất giống nhan sắc của Quách phu nhân. Đích thị nó là đứa con gái của đôi hiệp sĩ ở đảo Đào-hoa.
Nghĩ như thế, Lý-mạc-Thu càng phân vân, chỉ đánh cầm chừng.
Vũ-tam-Thông thấy có đôi thần ưng trợ lực, thay đổi chiến thuật. Ông ta nhặt một tảng đá lớn ở góc động ném vào chậu cây cổ thụ, rồi đỡ nhẹ cây cổ thụ lên kê vào hòn đá. Đoạn ông ta bất thần dồn hết sức lực đè ngọn cây xuống khiến cho gốc cây bật lên và tung Lý-mạc-Thu bay vút lên trời.
Đôi chim ưng tưởng Lý-mạc-Thu phi thân trốn thoát liền vỗ cánh đuổi theo.
Trong lúc Lý-mạc-Thu lơ lửng giữa không trung không có điểm tựa để sử dụng mảnh lực chiếc phất trần thì bị đôi chim vây hãm rất ngặt. Nàng túng thế liền tung bửu bối từ trong tay áo nàng bay ra ba chiếc kim châm hổ phách. Hai chiếc nhắm hướng hai con chim ưng và một chiếc nhắm bụng Vũ-tam-Thông phóng tới.
Ba chiếc kim bắn rất chính xác. Đôi chim bị thương quằn quại bay vút tận mây xanh. Còn Vũ-tam-Thông chợt thấy một tia sáng xẹt tới ông ta vội nhảy tránh sang một bên. Nhưng đã trễ, chiếc kim son trúng vào bàn toạ bên trái khiến cho toàn thân lão run lẩy bẩy ngã xỉu xuống đất dãy đành đạch.
Chỉ chốc lát, Vũ-tam-Thông bất tỉnh.
Quách Phù thấy thế sốt ruột từ trong động cất tiếng lanh lảnh gọi đôi chim ưng:
– Thần ưng hãy trở lại mau! Thần ưng hãy trở lại mau!
Nhưng vô hiệu! Đôi chim ưng bay vút một mạch.
Bấy giờ, Lý-mạc-Thu là đà người xuống vừa cười vừa hỏi:
Này em bé! Có phải em thuộc dòng họ Quách chăng?
Quách-Phù thấy Lý-mạc-Thu tỏ vẻ hiền lành khả ái, bao nhiêu ác cảm trong người bỗng chốc tiêu tan, nó vội hỏi:
– Thưa cô nương! Em đúng là họ Quách. Còn cô nương là ai?
Lý-mạc-Thu không đáp, chỉ cười rồi nói:
– Em hãy đến đây! Ta dắt em đi chơi! Vui lắm.
Dứt lời, Lý-mạc-Thu lẹ làng bước đến cầm tay Quách-Phù dắt đi.
Kha-trấn-ác từ trong động vác thiết trượng chạy vội ra, chận Quách-Phù lại, và nói:
– Phù nhi! con hãy theo ta trở về.
Lý-mạc-Thu nhín Kha-trấn-ác cười lớn, nói:
– Công công sợ ta ăn thịt con bé nầy sao?
Vừa nói nàng vừa kéo Quách-Phù theo mình.
Quách-Phù ngoảnh lại nói với Kha-trấn-ác:
– Công công để cho cháu đi chơi với cô nương một chốc cháu trở về ngay.
Kha-trấn-ác không biết làm sao đành đứng nhìn con đạo cô quyến rũ Quách-Phù.
Bỗng nhiên đôi chim ưng bay trở về kêu lên những tiếng áo não.
Quách-Phù quay đầu nhìn lại. Kha-trấn-ác hy vọng những tiếng kêu của đôi chim ưng sẽ làm cho Quách-Phù đổi ý.
Nhưng không, Quách-Phù liền ra hiệu:
– Thần-Ưng! Hãy đến đây cùng ta! Hãy theo ta!
Đôi Thần-Ưng ngoan ngoãn bay theo. Nhưng lạ thay, giữa đôi chim ưng có một con chim nhỏ màu hồng nằm ngay đỉnh đầu Lý-mạc-Thu đâm bổ xuống.
Hoảng hốt, Lý-mạc-Thu đưa phất trần ra đỡ. Con chim nhỏ khôn ngoan và lanh lẹ vô cùng. Như một con thoi, nó tránh né chiếc phất trần của Lý-mạc-Thu rất ngoạn mục.
Lý-mạc-Thu phải một phen kinh hãi. Tuy nhiên, nàng vẫn giữ được bình tĩnh khen:
– ái chà! Con chim nhỏ này hay lắm.
Bỗng phía sau có tiếng động khác thường. Một cậu bé độ 14, 15 tuổi, mình mặc thanh y, vừa vỗ tay vừa ca hát điệu hành quân lời lẽ rất vô nghĩa. Một đoàn rắn độ ngàn con, một màu thanh trúc sắp thành hàng ngũ chỉnh tề, ngoan ngoãn vâng theo lời ca tiến đến trước mặt Lý-mạc-Thu như một dòng nước cuộn.
Đến đây thằng bé ngồi dưới một gốc cây, nhìn con chim màu hồng đang hăng say tấn công Lý-mạc-Thu. Còn Lý-mạc-Thu vừa đương đầu với con chim, vừa tính toán cách nào để sẽ phải đối phó với đoàn rắn.
Bỗng như nàng sực nhớ điều gì, liếc nhìn thằng bé lẩm bẩm:
– Thằng bé này diện mạo khôi ngô, mày ngài mắt lớn, môi đỏ, trân tròn, phải chăng nó là đệ tử của Âu-dương-Phong ở đất Tây-Vục hiệu là Tây-Độc.
Thật vậy, trong giới hảo hớn không ai là không biết! Âu dương Phong, một hiệp sĩ Giang Nam nổi tiếng một thời, nay về già ẩn trú tại Tây-Vục, lấy thuật nuôi rắn bày thế trận để tiêu khiển.
Lý-mạc-Thu kiểm điểm những biến cố trong ngày, cho rằng những việc xảy đến không phải do sự tình cờ. Nhất-Đảng Đại-sư, Đào-hoa-đảo, Bạch-đa-sơn nhất định không phải vô tình mà phái người đến gặp ta một lúc.
Nghĩ thế, Lý-mạc-Thu chưa vội kết thúc cuộc đấu chiến với con chim nhỏ màu hồng đó. Nàng kéo dài cuộc chống đỡ để có đủ thì giờ quan sát địch thủ.
– Nầy em bé! Có phải em ở Bạch-đà-sơn chăng?
Đứa bé thấy Lý-mạc-Thu tỏ cử chỉ dịu dàng liền đứng dậy đáp:
Thưa, em họ Dương. Nhưng tại làm sao cô nương bảo em ở Bạch-dầu-sơn?
Thừa cơ hội Lý-mạc-Thu đang nói chuyện, con chim nhỏ đâm bổ vào đầu Lý-mạc-Thu một đòn rất lợi hại. Nhưng cũng nhanh như chớp, Lý-mạc-Thu đưa bàn tay trái lên chụp gọn con chim nhỏ vào lòng bàn tay.
Thằng bé sợ Lý-mạc-Thu bóp chết con chim la lớn:
– Cô nương đừng vội giết chết con chim hồng
Lý-mạc-Thu cười:
– A ra con chim nầy của em. Vậy ta trả cho em đây
Nàng trao con chim hồng cho thằng bé.
Bàn tay xinh xắn của Lý-mạc-Thu vừa mở, con chim hồng ngỡ rằng nó đã được tự do, vội cất cánh bay bổng lên không trung.
Nhưng Lý-mạc-Thu tập trung nhân lực vào đôi mắt hướng về con chim hồng, và xoè bàn tay ra, vận động mấy ngón tay, tức thì con chim hồng nhỏ kia cảm thấy như có một sức mạnh đè nặng trên mình nó. Nó không thể tự do hành động theo ý muốn mà phải lệ thuộc theo sự điều khiển của Lý-mạc-Thu từ dưới đất.
Đó là phép chưởng lực mà chỉ kẻ nào có võ thuật tuyệt luận mới có thể vận dụng nổi. Chính vì cái tuyệt luận đó đã làm vang danh Xích-luyện thần chưởng trong khắp vũ lâm bão hoa.
Bấy giờ Vũ tam nương ở trong động nhìn ra lo ngại vì thấy chồng nàng nằm sóng sượt dưới đất.
Nàng nóng ruột muốn xông ra cứu trợ, nhưng đoàn rắn của thằng bé đã tràn đến nơi, con nào cũng ngẩng cổ như muốn chực cắn người. Nàng gọi lớn:
Vũ quân! Vũ quân! Có bề chi chăng?
Vũ tam Thông nghe tiếng vợ kêu muốn gượng dậy nhưng không thể nào dậy nổi. Quách-Phù không ngớt miệng kêu cặp chim ưng, nhưng chúng đã bay mất dạng tự lúc nào.
Lý-mạc-Thu nghĩ thầm:
– Thế này thì quả nhiên vợ chồng Quách-Tỉnh và Âu dương Phong đã có mặt đâu đây. Nhưng dẫu sao nhất định họ cũng không thể làm gì ta được.
Lý-mạc-Thu tin tưởng ở mãnh lực tuyệt đối của Xích luyện thần chưởng, nên nàng ngạo nghễ quay gót bước vào cửa động.
Thằng bé thấy thế gọi lại, bảo:
– Hãy đứng yên! Nếu cô nương tiến bước đàn rắn độc sẽ cắn ngay.
Lý-mạc-Thu thâu hồi con chim hồng vào tay trái, dùng tay mặt khoát mấy cái vào không trung tức thì đàn rắn tán loạn bỏ hàng ngũ bò lảng ra tứ phía.
Lý-mạc-Thu tiến vào động Vũ tam nương liền xách kiếm ra cản lại. Lý-mạc-Thu dùng phất trần quất mạnh vào thanh kiếm, lưỡi kiếm văng về phía Vũ-tam-Thông chém sâu vào trán.
Lý-mạc-Thu dõng dạc bước vào động và thả con chim hồng ra. Lần nầy nàng để cho nó được tự do, không dùng chưởng lực điều khiển nữa, vì nàng mắc bận tìm Trình-Anh và Lục-vô-Song.
Khi đã thấy mặt hai đứa bé này, Lý-mạc-Thu xốc tới, hai tay cặp nách mỗi đứa bé mỗi bên rồi uốn mình phi thân ra ngoài. Trình-Anh và Lục-vô-Song dãy dụa thế nào cũng không nổi.
Bấy giờ thằng bé trông thấy vội nhảy theo ôm chầm lấy thân hình Lý-mạc-Thu kéo lại.
Hai tay Lý-mạc-Thu bận kẹp hai đứa bé không còn cách nào đối phó với thằng bé nên để mặc cho nó ôm sát vào thân.
Ngày nay, Lý-mạc-Thu không còn ở tuổi hoa niên, mặc dù nhan sắc bên ngoài vẫn chưa kém sút tí nào, Lúc nàng còn là một thiếu nữ, cái thời nàng dan díu với Lục-triểu-Nguyên, tuy trong tình nồng thấm đượm, nàng vốn con nhà khuê các trâm anh lại thêm thừa hưởng gia phong hiệp sĩ, do đó giữa đôi trai gái chưa bao giờ xảy ra chuyện ong bướm mây mưa. Những lúc lửa tình bừng dậy, đôi bạn trẻ đều nhớ lời giáo huấn của gia phong nên vẫn kiên nhẫn chờ ngày xe tơ kết tóc.
Nhưng rồi mối hận tình đột xuất, Lý-mạc-Thu những tưởng bao nhiêu mỹ tính của mình đã bị tan theo mối tình hận ngàn đời. Mãi suốt bốn mươi năm phiêu lưu trên bước giang hồ, ngày đêm nàng chỉ để tâm hờn oán, không bao giờ con tim bị lay động.
Nàng có ngờ đâu, con tim cứng cỏi vì uất hận kia cũng có lúc nổi dậy trong khoảnh khắc vì cảm xúc nhất thời.
Thật vậy, sự cọ xát với thằng bé chưa đến tuổi dậy thì, mà cả thân mình nàng cảm thấy mềm nhũn. Thằng bé chỉ níu kéo, cốt để cứu thoát hai đứa bé, nó ngờ đâu sự đụng chạm ấy làm cho Lý-mạc-Thu ngây ngất, toàn thân như bị một sức mạnh vô hình làm tan biến.
Trước đây cũng đã có lần nhiều tay hiệp lữ giang hồ không cầm lòng được trước sắc đạp kiều diễm của Xích-Luyện Tiên-tử nên cũng có nhiều kẻ buông lời lả lơi trêu ghẹo, tỏ ý khêu gợi nhưng những lần ấy Lý-mạc-Thu không hề mảy may đồng tình mà trái lại nàng đã đem con tim sắt đá nhử mấy gã si tình kia vào con đường chết. Họ đều chết nhục nhã như mấy tên bảo tiêu.
Tuy nhiên, dẫu con tim Lý-mạc-Thu có thay đổi cũng chỉ phút chốc. Qua một phút yếu mềm vì cảm giác, nàng tự chủ được ngay lòng tự ái của một Xích-Luyện Tiên-tử lại nổi dậy xua đuổi cả lầm lỗi của xác thịt, Lý-mạc-Thu trở nên giận dữ thả Trình-Anh và Lục-vô-Song xuống để đối phó với thằng bé lạ lùng kia. Nàng định ôm thằng bé quật vào tảng đá cho nát thây, nhưng bỗng nghe tiếng kêu của nó:
– Cô nương! Xin cô nương nhẹ tay.
Tiếng nói của nó hình như có một cái gì nhẹ nhàng quyến rũ khiến Lý-mạc-Thu không đủ can đảm hành động theo ý định.
Giữa lúc Lý-mạc-Thu đang bị dằng co hai mặt tâm thần, một đằng là thù hận, một đằng là thiện cảm của ân tình thì bỗng đâu con chim hồng lợi dụng cơ hội ấy, nhanh như chớp, bay sà xuống mổ vào con mắt của Lý-mạc-Thu.
Than ôi! Thế là nhan sắc kiều diễm của Lý-mạc-Thu đã bắt đầu huỷ hoại! Chỉ vì một phút yếu mềm của tâm tình mà người mỹ nữ nổi tiếng ở đất Giang-nam đã trở thành một mắt.
Một dòng máu đỏ loét từ từ chảy xuống trên gò má nõn nà của Lý-mạc-Thu. Nàng đưa tay chùi vết máu với lòng căm hờn sâu thẳm. Nét mặt nàng trở nên đanh ác phi thường. Tất cả đối thủ trước mắt, từ Vũ-tam-nương trong động, Vũ-tam-Thông dưới đất, cho đến ba đứa bé thảy đều chờ đợi một cơn bão táp kinh khủng của Lý-mạc-Thu.
Trước tiên, Lý-mạc-Thu quắc nhìn con chim hồng đang bay lượn trên không. Nàng tập trung chưởng lục ngửa bàn tay dùng các ngón tay điều khiển. Con chim hồng đang tung tăng bỗng rơi xuống nằm gọn trong bàn tay Lý-mạc-Thu.
Rồi năm ngón tay nàng bóp lại, thân hình của chim hồng nát bấy như tương, xương thịt lông lá trộn lẫn.
Nàng chưa hả giận thì bỗng đâu cặp chim ưng lại cùng nhau bay đến, nhắm thẳng vào đầu Lý-mạc-Thu đâm bổ vào.
Bấy giờ, Lý-mạc-Thu đã trở nên nhanh nhẹn như trước, tránh né mấy lần rồi tung tay áo phóng vào hai con Thần ưng hai chiếc kim ngân châm. Nhưng lạ thay, kim vừa phóng ra thì bỗng có một vật cứng ném từ đâu không rõ đánh loạt hai mũi kim rơi xuống đất.
Lý-mạc-Thu ngạc nhiên nghĩ thầm:
“Quái lạ! Người ném dị vật vào kim châm tất có một sức mạnh phi thường và một tài năng tuyệt thế mới có thể hạ nổi bửu bối lợi hại nầy.”
Đây là lần đầu tiên mà bí quyết gia truyền của môn phái Xích-luyện bị chạm phải một đối thủ cừ khôi.
Lý-mạc-Thu quyết định nên tạm rút lui khỏi vòng chiến, và trước khi rút lui ít ra nàng cũng phải thanh toán hai đứa bé Trình-Anh và Lục-vô-Song để kết thúc chương trình rửa hận đối với gia đình họ Lục.
Nàng nhảy chồm tới, nắm vào lưng Trình-Anh. Nhưng khi bàn tay nàng sắp bóp cổ con bé thì nàng chợt thấy vuông lụa có thêu hoa hồng, mảnh lụa chính tay nàng đã tặng cho Lục-triển Nguyên để kỷ niệm mối tình đầu.
Một lần nữa, con tim của Lý-mạc-Thu trở nên mềm yếu. Bao nhiêu tình cảm của thời hoa niên nổi dậy làm cho tâm hồn nàng ngây ngất, tay nàng không thể hạ thủ nổi Trình-Anh.
Nàng suy nghĩ:
Thì ra Lục-triển-Nguyên không bao giờ quên ta!
Không kết liễu được sinh mệnh Trình-Anh. Lý-mạc-Thu quay sang Lục-vô-Song và cũng nắm cổ Lục-vô-Song toan bóp chết. Nhưng nàng cũng lại chợt thấy vuông lụa có thêu hoa hồng đeo ở cổ con bé. Nàng dừng tay thốt lên một tiếng lạ lùng!
– ủa! Ta chỉ tặng Lục-triển-Nguyên có một vuông lụa, cớ sao nay lại có đến hai. Như vậy một thật một giả chăng?
Nghĩ thế, Lý-mạc-Thu còn trù trừ chưa quyết. Nàng buông tay xô Lục-vô-Song ngã về một bên.
Bỗng nghe sau lưng nàng có hơi gió động, nàng đoán biết có chuyện chẳng lành, vội quay chiếc phất trần ra đón đỡ.
Quả nhiên, có một viên đá từ đâu ném đến, chạm phải cây phất trần rơi xuống.
Lý-mạc-Thu cảm thấy nguy cơ dồn dập, nếu còn ở lại tất khó nổi thoát thân với người ném đá bí mật nầy. Nàng kẹp Lục-vô-Song vào nách, phi thân biến mất về phía chân trời.
Trình-Anh thấy Lục-vô-Song bị bắt đem đi, liền cắm cổ chạy theo và la lớn:
– Biểu muội! Biểu muội ôi!
Nhưng Trình-Anh làm sao theo kịp con ác tặc đã đụng lối kinh công thần tốc?
Mặc dầu thế, Trình-Anh vốn có tánh kiên nghị, không bao giờ chịu bỏ dở một ý định nên vẫn tiếp tục đuổi theo. Cô bé vừa kêu, vừa chạy mãi.
Cho đến mấy dặm đường, Trình-Anh gặp một con suối chảy ngang không thể nào qua được mới dừng chân lại, lòng ray rứt đau đớn vô cùng.
Nhưng chỉ chốc lát Trình-Anh lại thấy bóng dáng của đạo cô hiệp đến.
Thì ra đó là Lý-mạc-Thu, nhưng bên nách không còn thấy Lục-vô-Song đâu nữa.
Trình-Anh thấy Lý-mạc-Thu trở lại, khiếp sợ, nhưng tình thương em làm cô ta liều lĩnh, gào thét:
– Đạo cô! Hãy trả Lục-tiểu-muội cho tôi! Đạo cô giấu Lục tiểu muội nơi đâu?
Lý-mạc-Thu nhìn thẳng vào mặt Trình-Anh thấy phảng phất hình ảnh của tình địch mình thuở trước, bao nhiêu hờn oán dồn lên tận nét mặt, nàng hầm hầm rút phất trần tung mạnh vào Trình-Anh. Nhưng lạ thay, chiếc phất trần của nàng bị tung ngược trở lại như vướng phải một cản trở bất ngờ.
Và, đạo cô cảm thấy cả thân mình cũng bị tung lên cao đến mấy trượng rồi rơi xuống.
Biết gặp phải địch thủ nguy hiểm. Lý-mạc-Thu múa tít chiếc phất trần quanh người để đề phòng sự công kích bất thình lình.
Bỗng Lý-mạc-Thu thấy bên cạnh Trình-Anh xuất hiện một quái nhân, mặc chiếc thanh bào, sắc diện lạ lùng không giống người chết mà cũng không giống người sống. Lý-mạc-Thu đoán biết tài nghệ của người nầy tất phải cao hơn mình. Nhưng tại sao trong giới võ lâm một tài nghệ như thế mà nàng chưa bao giờ nghe ai nói đến.
Nàng vừa định lên tiếng hỏi, thì quái nhân đã nói với Trình-Anh:
– Cháu ơi! con nữ tặc đó là loài hung ác. Cháu để ta trừ nó đi nhé!
Trình-Anh cản lại, nói:
– Không, không! Cháu sợ lắm! Cháu sợ lắm!
Quái nhân nói:
– Cháu đừng sợ! cháu chỉ cần ừ một tiếng là ta ra tay ngay. Hay là ta để cho cháu đánh nó cũng được.
Trình-Anh một mực sợ sệt, nói:
– Không không! Cháu không dám.
Vị quái nhân rút trong túi áo một hòn sạn nhỏ ném nhẹ vào phía Lý-mạc-Thu. Hòn sạn trúng đâu không rõ nhưng Lý-mạc-Thu dừng ngay chiếc phất trần không múa máy được nữa. Nàng đứng trân trân như một pho tượng.
Quái nhân dắt tay Trình-Anh từ từ tiến sát, khoá tay Lý-mạc-Thu lại, và lấy tay Trình-Anh đánh mạnh vào đầu vào lưng của con nữ tặc.
Ban đầu Trình-Anh còn rụt rè, e sợ, nhưng thấy đánh mãi mà Lý-mạc-Thu vẫn không hành động gì được nên cô ta mới an lòng. Trình-Anh nghĩ đến những hình ảnh của những người thân yêu ở Lục gia trang đã chết vì tay con nữ tặc nên không còn cầm được lòng căm tức. Cô ta thoi mạnh vào đầu Lý-mạc-Thu mấy cái cho hả dạ.
Lý-mạc-Thu vẫn cầm chiếc phất trần trong tay mà đứng yên để mặc cho Trình-Anh đánh.
Nỗi nhục nhã tràn trề. Qua một lúc, Lý-mạc-Thu hét lên một tiếng, tung bửu bối ném về phía quái nhân. Mười chiếc kim châm bất thần phóng ra một lượt, nhưng đều bị quái nhân tung sạn ném rơi xuống đất. Duy chỉ còn hai chiếc kim châm đâm trúng vào bụng Trình-Anh.
Thì ra đó là độc kế của Lý-mạc-Thu. Tám chiếc kim nàng phóng về quái nhân chỉ cốt “dương đông kích tây” giữ tay quái nhân để cho hai chiếc kim độc kia kết liễu sinh mệnh của Trình-Anh.
Thi hành xong độc thủ, Lý-mạc-Thu phi thân biến mất, lòng vẫn thắc mắc không rõ quái nhân đó là ai mà dám trêu Xích-luyện Tiên tử nhục nhã đến thế.
Quái nhân áo xanh thấy Trình-Anh biến sắc, biết cô ta trúng phải kim độc liền cấp tốc kẹp Trình-Anh vào nách rồi phi thân biến về hướng Tây.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!