Thần Điêu Đại Hiệp - Chương 40: Bày Thạch Trận Vây Khốn Kim-luân.
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
71


Thần Điêu Đại Hiệp


Chương 40: Bày Thạch Trận Vây Khốn Kim-luân.



Hai đường gươm xuống qua rất mạnh, nhưng nhờ có mã giáp sắt hộ thân nên mũi kiếm chỉ trượt qua đứt sơ sơ, tuy có ra máu nhưng không nguy hiểm mấy.

Mặc dù không bị trọng thương nhưng Kim-Luân Pháp-Vương cũng đã kinh hồn hoảng vía vì hai đường gươm ấy, lật đật nhào lộn ra sau tránh các đòn khác, đang dồn dập phóng mạnh vào người ông.

Dương-Qua thừa thế reo to:

– Cô nương, lúc bấy giờ nen đánh theo thế “nguyệt hạ hoa tiền” (dưới trăng trước hoa) thì hơn.

Miệng hò reo, tay vung gươm lia lịa chém trên đâm dưới vun vút, đứng ngoài nhìn vào không khác chi một luồng bạch tuyết đang bao vây cả thân hình Kim-Luân.

Lúc bấy giờ lưỡi gươm của Tiểu-Long-Nữ cũng rít lên xào xạt, xé gió ào ào lộng lên kết thành những đốm trắng linh động, không khác nào muôn ngàn đóa bạch hoa đang bay trước gió, có lúc uốn khúc như hàng đàn rắn bạc, làm cho Kim-Luân hoa cả mặt không còn biết nơi nào né tránh nữa. Ngay chỗ địch thủ đứng cũng không phân biệt được rõ ràng, thì làm sao còn chống cự cho được. Vì vậy e phải lùi ra sau múa vòng chống đỡ cầm chừng, thái độ vô cùng lúng túng.

Thấy địch thủ đang lùi dần để tìm một lối thoát, Dương-Qua lại thét lớn:

– Bây giờ nên theo thế “thanh ẩm tiểu chước” (vừa rót uống) để tấn công thì vừa.

Nói vừa dứt lời, chàng chống gươm như người đang say rượu còn Tiểu-Long-Nữ lại quay ngược mũi gươm lên tựa như người đang bưng ly rượu để uống vậy.

Kim-Luân trông thấy hai người vừa đánh vừa đỡ ăn khớp cùng nhau chặt chẽ không khác gì hai người máy, mà đường gươm nào cũng rất lợi hại, vừa kỳ ảo vừa biến hóa phi thường không thể nào chống đỡ cho kịp thì trong lòng đã hoảng sợ, nghĩ bụng:

– Trời đất mênh mông, anh tài phát sinh ngày càng lắm. Hai người còn trẻ măng mà kiếm pháp lợi hại dường này, thật bên Tây Tạng chưa có ai bì kịp. Không ngờ đất Trung-nguyên lại lắm nhân tài như thế. Xưa nay ta chẳng khác nào ếch ngồi đáy giếng, coi trời bằng vung, không chịu mở mắt nhìn hết anh hùng trên thiên hạ. Bây giờ sáng mắt ra thì kể cũng hơi muộn.

Thật ra, với tài nghệ của Kim-Luân Pháp-Vương, có thể gọi được là thiên hạ vô địch. Ngay như cả hai người Dương-Qua và Tiểu-Long-Nữ cùng hiệp sức chiến đấu cũng không thắng nổi. Tuy nhiên nhờ cả hai đã biết khéo léo áp dụng kiếm pháp “song kiếm hợp bích” của bà Lâm-Triều-Anh sáng chế nên ông mới chịu thua sút và tránh đỡ không kịp. Kiếm pháp này tưởng trên thế gian cũng chưa có môn phái nào cao siêu bằng.

Theo kiếm pháp này, cứ mỗi chiêu số phải có một đường thuận và một đường nghịch cho trai đánh gái đỡ, hoặc gái đánh trai đỡ ăn khớp lạ thường, đối phương không thể nào dự đoán trước được. Hơn nữa, mỗi thế đều có đặc một cái tên vô cùng bóng bẩy khả ái như “cầm sắc tương hòa” (sắc cầm cùng hòa tấu), “tùng hạ đối địch” (đánh cờ dưới bóng cây tùng), “tảo tuyết phanh trà” (quét tuyết mở trà) hay “tri biện điệu hạc” (giặc hạc bên hồ). Tên gọi càng êm tai thì lối đánh đỡ càng đẹp mắt bấy nhiêu.

Nguyên Lâm-Triều-Anh là một bậc thiên tài, âm thạo cả cầm kỳ thi họa, từ ngày bị thất tình vì Vương-Trùng-Dương trở về ẩn thân trong Cổ-mộ đài đã đem hết tài năng sở trường ra sáng chế nên pho võ công này. Thật ra, Lâm-Triều-Anh biên soạn và sáng chế ra không ngoài mục đích tiêu khiển để quên những nỗi buồn lắng đọng trong tâm tư. Chính bà cũng không ngờ rằng kiếm thuật này, mười năm sau đã giúp cho một đôi nam nữ thiếu niên của phái Cổ-mộ đã áp đảo được một cường địch lợi hại nhất võ lâm hiện thời.

Có một điểm đặc biệt là, cũng đồng thời song đấu, nhưng phải là một đôi nam nữ đang yêu nhau tha thiết, có thể sống chết cùng nhau thì cuộc đấu mới thêm phần lợi hại và tuyệt diệu, diễn tả được tất cả sự huyền diệu của cặp thư hùng. Lúc đầu vì chưa hiểu hết những sự thâm thúy của kiếm thuật, hai người tập luyện có vẻ hời hợt ít hứng thú, nhưng khi gặp một kình địch lợi hại, càng đẩy càng thấy những cái hay ho tuyệt diệu của các thế kiếm đã dạy.

Dương-Qua và Tiểu-Long-Nữ là đôi bạn tình mới bắt đầu yêu thương nhau tuy chưa chung chăn gối, nhưng hai tâm hồn như một, cùng hòa hợp một niềm rung cảm như nhau, không khác nào Lâm-Triều-Anh trong lúc đang cảm xúc ngồi soạn thảo ra Ngọc-nữ Tâm-kinh. Cho nên cả hai càng đấu càng nhớ thêm kiếm quyết, càng đánh càng thông suốt thêm những cái tinh diệu của đường gươm, không khác gì người xe tơ đã gỡ dần ra sợi rối.

Hoàng-Dung đứng ngoài nhìn xem trận đấu, vừa chú ý theo dõi thái độ của hai người. Bà thấy Tiểu-Long-Nữ đôi má đỏ hây hây, chốc chốc nhoẻn một nụ cười e lệ liếc sang. Dương-Qua thì mắt đưa mày liếc mỗi cử chỉ đều quan tâm tới dáng điệu và cảm xúc của người yêu, hình như lúc nào cũng muốn chứng tỏ cho cô nương mình biết rằng, dù cho biển cạn non mòn, gươm dao kề cổ cũng không quên nàng.

– Mặc dù chống cự với một cường địch vô cùng hung ác, nhưng hai người vẫn không hề nao núng và luôn luôn giữ một thái độ dịu dàng của một trai gái đang biển hạn non thề, bất chấp cả đến thiên hạ.

Hình ảnh của hai người khiến cho Hoàng-Dung chợt nhớ lại hồi nào mình cùng Quách-Tỉnh quen nhau, yêu nhau rồi cùng sánh nhau bao nhiêu năm trường trên cuộc đời gian nguy gió bụi. Bao nhiêu đó cũng đủ sưởi ấm được cõi lòng bà đang chua xót vì hoàn cảnh đang lâm nguy của thực tại.

Nhờ phúc chí tâm linh, Dương-Qua cùng Tiểu-Long-Nữ càng đấu càng nhớ ra những thế hay và cùng sáng chế ra lắm thế kỳ diệu ác liệt hơn nữa, khiến Kim-Luân Pháp-Vương đánh đỡ gần muốn đứt hơi.

Bị dồn vào thế bí, lúc bấy giờ Kim-Luân Pháp-Vương mới hối tiếc:

– Phải chi lúc nãy ta đừng dẫm nát các bàn ghế thì bây giờ đã có nơi ẩn nấp thuận tiện rồi. Thôi, không còn cách nào hơn là tìm cách nhảy theo cầu thang xuống phía dưới thoát nạn cho rồi.

Nghĩ vậy rồi ông lùi dần lại phía cầu thang. Khi tới nơi, ông vừa đánh vừa bước xuống từng bước một.

Dương-Qua và Tiểu-Long-Nữ tự nhiên được chiếm ưu thế từ trên đánh xuống. Cả hai cùng có một ý nghĩ:

– Chuyến này chúng ta đã có thể trục xuất mày ra khỏi khách sạn cho mà xem.

Hoàng-Dung đứng nhìn trận đấu, thấy Dương-Qua và Tiểu-Long-Nữ đã khéo phối hợp lối đánh “song kiếm hợp bích” trong ngọc nữ-tâm kinh đuổi được Kim-Luân Pháp-Vương thì trong lòng rất mừng. Nhưng khi thấy lão tìm cách rút lui dần thì bà ngại rằng, nếu để hắn thoát khỏi và tìm được cách đối phó thì nguy hiểm lắm. Phải chi hai người cố gắng diệt được hắn thì quân Mông-Cổ không khác nào rắn đã mất đầu đỡ được một gánh nặng cho anh hùng Trung-nguyên và đỡ được hậu họa.

Vì vậy nên bà vội nói vọng xuống cho hai người cùng nghe:

– Qua nhi, trừ cỏ phải bứng sạch gốc, không nên để sau này nó mọc lại thì nguy hiểm lắm nhé.

Dương-Qua cũng muốn làm theo lời dạy của Hoàng-Dung. Nhưng có một điều đáng tiếc là khi sáng chế ra kiếm pháp này, Bà Lâm-Triều-Anh chỉ có dụng ý phô trương những ngón lợi hại của võ công mình chứ không có ý sát hại ai. Vì vậy nên hai người chỉ có thể làm cho đối phương lúng túng chịu thua chứ không có những đòn hiểm yếu hạ sát được địch thủ.

Kim-Luân càng ngày càng bị áp lực của hai đường kiếm, vừa đánh vừa rút lui, trong bụng lo lắng không thoát khỏi chết. Gần tới đất, ông co gio đạp mạnh gãy luôn ba nấc thang rồi phóng luôn xuống đất.

Dương-Qua muốn nhảy theo nhưng không kịp.

Đặt chân xuống đất, Kim-Luân đưa chiếc vòng ra thủ thế phía trước rồi nói lớn:

– Hôm nay được nếm mùi võ công của Trung-nguyên, tôi rất lấy làm thán phục. Vậy xin liệt vị vui lòng cho biết môn kiếm kỳ diệu này mệnh danh là chi?

Dương-Qua vừa cười vừa đáp lại với giọng đùa cợt:

– Võ nghệ Trung-nguyên chỉ có hai môn võ tuyệt tác, ấy là “dùng bổng đánh chó” và “dùng gươm đâm lừa”.

Kim-Luân nghe lạ tai quá, lập lại:

– Dùng gươm đâm lừa! Môn võ công có cái tên cũng ngồ ngộ nhỉ?

Dương-Qua ngước mặt cười to và nói luôn:

– Lừa trọc ấy chứ còn thứ nào nữa? Ngộ lắm phải không?

Lúc bấy giờ Kim-Luân mới biết ra là chàng mượn cớ để mắng mình, xem như đồ lừa đồ chó! Tụi này không bao nhiêu tuổi mà xấc láo thật!

Nghĩ đến đây, Kim-Luân giận điên lên mắng lớn:

– Súc sinh miệng còn hôi sữa. Một ngày gần đây ta sẽ cho mi nếm đòn của ta.

Nói xong ông tung vòng kêu leng keng rồi phi thân biết mất.

Dương-Qua có biết đâu rằng chỉ vì những phút bồng bột nóng nổi nói những câu châm biếm móc họng đến nỗi gây thành thù hận. Về sau biết bao nhiêu thù hận liên tiếp xảy ra nguyên do cũng vì hậu quả của lối đối xử vô lễ ngày hôm nay.

Thấy Kim-Luân Pháp-Vương chỉ nhún vai một cái đã bay đi mất dạng thì biết rằng muốn đuổi theo cũng không kịp nữa nên quay mình trở lại lên lầu.

Lúc bấy giờ Đạt-nhĩ-Ma đang ôm Hoắc-Đô ngồi trên lầu cạnh bàn ăn trông thấy Dương-Qua xách kiếm bước vào đứng ngay dậy hỏi nhỏ:

– Sao, tiểu huynh định hạ sát anh em tôi chăng?

Xưa nay Dương-Qua có tánh ưa đùa cợt ngạo nghễ người lớn hơn, chứ không có ác ý hay muốn sát hại người. Nay thấy tình cảnh hai người đang ở trong vòng nguy biến đáng thương hại thì lòng không nỡ, nên quay sang thưa cùng Hoàng-Dung:

– Thưa Quách Bá Mẫu, ý con muốn tha bọn này, bá mẫu có bằng lòng chăng?

Hoàng-Dung gật đầu tán thành.

Dương-Qua rút trong người ra một cái ống nhỏ đặt vào vết thương của Hoắc-Đô cho hút hết nọc ong ra rồi đưa thuốc bảo xoa vào chỗ ấy.

Hoắc-Đô và Đạt-nhĩ-Ma mừng quá vội dùng tiếng Mông-cổ tỏ lòng cám ơn. Sau đó, Hoắc-Đô vội lấy ra một gói thuốc bột trao cho Dương-Qua mà nói rằng:

– Vị tiền bối hôm nọ múa bút bị mấy mũi đinh độc của tôi chắc nay chưa hết. Xin cứ dùng thuốc này mà thoa tự nhiên khỏi ngay.

Xong đâu đấy, Đạt-nhĩ-Ma nghiêng mình tạ ơn Dương-Qua một lần nữa rồi cõng sư đệ lên lung bước ra khỏi khách sạn.

Quả nhiên y có sức khỏe như thần, tuy cõng một người to lớn trên lưng nhưng bước đi không thấy tỏ ý gì là nặng nhọc hay lán cấn.

Cả bọn võ sĩ Mông-cổ cũng lẳng lặng theo hai người bước xuống lầu.

Dương-Qua cầm gói thuốc giải độc trước mặt Hoàng-Dung rồi lễ phép thưa rằng:

– Kính thưa Quách Bá-mẫu, cháu xin gửi thuốc chữa cho Chu lão tiền bối và kính lời từ biệt. Cháu nhờ Bá-mẫu chuyển lời của cháu kính thăm Quách bá bá.

Hoàng-Dung hỏi:

– Cháu định đi đâu bây giờ?

Dương-Qua đáp nho nhỏ:

– Thưa bá mẫu, cháu định cùng Cô nương đây tìm nơi hoang vắng xa xôi ẩn dật, nguyện không bao giờ chung đụng với đời để làm hại đến thanh danh của bá mẫu.

Hoàng-Dung suy nghĩ:

– Dương-Qua không nệ tử sanh, liều mình giải cứu mẹ con ta thì ơn này rất trọng. Nay vì tuổi trẻ để cho chữ tình làm mê muội mai một cuộc đời anh kiệt. Ta lẽ nào làm ngơ mà không tìm cách giác ngộ được nó ra khỏi bến mê?

Nghĩ xong bà nói lớn:

– Đi một ngày một đi, làm chi mà tội thế cháu? Hôm nay là ngày đoàn tụ vui mừng của bác cháu và anh em trong gia đình. Vậy cháu hãy ráng ở lại với bác một vài hôm rồi sẽ đi không muộn.

Thấy Hoàng-Dung đã lùng lời lẽ thắm thiết để lưu mình, chẳng lẽ chối từ mãi, nên đành phải nhận lời.

Hoàng-Dung lấy tiền ra bồi thường cho khách sạn về chi phí ăn uống cùng những đồ đạc bàn ghế bị hư hao trong cuộc chiến đấu vừa qua, rồi bảo dọn phòng nơi quán trọ gần đó tạm nghỉ.

Cơm chiều vừa xong, bà sai Quách-Phù và hai anh em họ Võ mời Tiểu-Long-Nữ sang trò chuyện.

Khi Tiểu-Long-Nữ vừa tới bà tươi cười nói:

– Tôi có vật này, muốn tặng Cô em để lưu làm kỷ niệm của buổi gặp gỡ hôm nay.

Tiểu-Long-Nữ hỏi:

– Bà có lòng thương tặng món gì vậy?

Hoàng-Dung kéo Tiểu-Long-Nữ lại sát bên mình, lấy lược chải tóc cho nàng như một người em gái.

Mái tóc nhung của nàng xõa xuống ngang vai óng ánh như tơ trông vừa ngây thơ vừa ngộ nghĩnh.

Sau khi chải chuốt xong xuôi bới tóc gọn gàng, bà lấy một chiếc trâm bằng vàng đem cài lên mái tóc của nàng rồi nói:

– Chị muốn tặng cô em chiếc trâm này dùng để cài tóc nhé.

Chiếc trâm này là một món bảo vật quý giá vô cùng. Toàn thân giống như một cành hoa hòa chạm trổ rất tinh xảo, có những đóa hoa hàm tiêu dính ở đầu trâm, khiến ai mới trông qua cũng phải trầm trồ là mỹ thuật. Càng xem lâu càng thấy những cái quý giá trong nét chạm và lối trình bày.

Chiếc trâm này nguyên lai do phụ thân Bà là Hoàng-Dược-Sư, Chúa đảo Đào-Hoa, chuyên môn sưu tầm những bảo vật của thiên hạ, sau này lựa những viên ngọc thật quý và vàng ròng đem chạm thành chiếc trâm này cho con gái. Xem thế cũng đủ biết trâm này giá trị là dường nào.

Từ lúc nhỏ, Tiểu-Long-Nữ chỉ cài bằng nữ trang tầm thường, bằng sừng hoặc xương hoặc kết bằng cỏ. Nay được Hoàng-Dung tặng một chiếc trâm bằng vàng dát ngọc quý báu thì mừng lắm, cám ơn luôn mồm.

Sau khi cài trâm trên tóc nàng rồi, Hoàng-Dung thủ thỉ nói chuyện luôn mồm ra chiều tương đắc lắm.

Qua những câu chuyện hàn huyên, Hoàng-Dung nhận thấy Tiểu-Long-Nữ bản chất thành thật, thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy và cuộc đời chẳng có một tý kinh nghiệm nào hết. Mặt nàng tươi như hoa phù dung buổi sáng, thân hình óng ả kiều diễm, càng ngó càng đẹp.

Thấy nàng quá xinh, Hoàng-Dung suy nghĩ:

– Nếu như nàng cùng Dương-Qua không có nghĩa thầy trò, hai đứa lấy nhau quả xứng đôi vừa lứa, gái sắc trai tài, thế gian chắc không đôi nào sánh kịp.

Suy nghĩ xong bà dịu giọng hỏi nhỏ:

– Này cô em, quả em có thật tình yêu thương Dương-Qua hay chỉ nói đùa cho vừa lòng nó?

Tiểu-Long-Nữ cười tươi như hoa và nói:

– Dạ thương thật chứ. Nhưng tại sao bà lại hỏi như vậy, chẳng hay có điều gì can hệ chăng?

Nghe Tiểu-Long-Nữ trả lời một cách thẳng thắn và hồn nhiên. Hoàng-Dung bỗng chạnh lòng nhớ lại ngày còn niên thiếu. Hồi ấy bà và Quách-Tỉnh yêu thương nhau tha thiết, nhưng cha mình lại không chịu gả cho chàng, ngoài ra bọn Giang nam Thất quái, sư phụ của Quách-Tỉnh cũng không bằng, lòng họ xem nàng là yêu nữ và buộc Quách-Tỉnh phải xa lánh nhất thiết không cho gần mình. Cả hai người phải trải qua trăm cay ngàn đắng, vào tử ra sinh, nhưng rốt cuộc rồi cũng lấy nhau làm chồng vợ có con có cái cho tới ngày nay.

Liên hệ tới cặp này bà suy nghĩ:

– Dương-Qua và Tiểu-Long-Nữ đã thật tình yêu nhau tha thiết, có khác nào chúng mình xưa kia. Vậy thì mình nỡ nào đi chia rẽ họ cho đành lòng. Ngặt một nỗi là hai đứa đã mang danh thày trò quá rõ rệt trên dưới phân minh, nếu để xảy ra chuyện bướm ong bậy bạ sao khỏi mang tiếng loạn luân. Cả hai đều tài nghệ tuyệt vời, tương lai đầy hứa hẹn, nếu vương phải tội lỗi này thì cũng như chôn cả cuộc đời rồi còn mặt mũi nào nhìn anh hùng trong thiên hạ nữa.

Suy đi nghĩ lại xong, bất giác Bà chiếp miệng thở dài não ruột, rồi quay sang Tiểu-Long-Nữ nhỏ nhẹ nói:

– Long cô-nương này, em còn thiếu kinh nghiệm chưa hiểu việc đời mấy. Chị dù sao cũng đã từng trải hơn nhiều, tuy không tài chỉ hơn em nhưng cũng có thể thấy được nhiều chuyện lạ, cái hay thì theo, cái bậy nên tránh. Sở dĩ con người hơn được thú vật là vì biết điều phải trái và không để ái tình làm ngu muội. Nếu làm người mà mải mê theo tình ái quên cả lý chí thì thiên hạ cho là “thú tính” nghĩa là không hơn chi loài súc vật. Chị chỉ ngại rằng, nếu sau này em lấy Dương-Qua sẽ bị thiên hạ chê cười khinh khi và không ai thèm nhìn tới mặt hai người nữa đấy.

Tiểu-Long-Nữ nghe nói đã buồn lòng, nhưng vẫn cười gượng đáp:

– Thiên hạ nhìn hay không, đối với chúng tôi có can hại gì đâu.

Nghe nói như vậy, Hoàng-Dung suy nghĩ:

– Cô bé này không phải hạng muốn xem thường dư luận, nhưng có lẽ từ bé chí lớn, sống trong Cổ-mộ, không giao thiệp với xã hội bên ngoài, chỉ chuyên về võ nghệ nhưng không am hiểu mấy về lễ nghi, đạo đức. Cũng như ngày nay, tại các nhà trường, mấy thầy giáo chỉ chú trọng dạy viết chữ thật đẹp, làm văn cho thật hay, chứ mấy ai lưu tâm tới chuyện luân thường đạo lý, đào luyện đạo đức cho con em? Thật đáng ngán thay cho những hạng thày giáo chỉ nhắm về bát gạo nồi cơm. Nếu thiên hạ chỉ toàn những hạng như thế này thì xã hội còn nhiều sự đảo lộn xấu xa hơn nữa.

Suy nghĩ xong bà nói tiếp:

– Cô em không cần tới họ đã đành, nhưng còn Dương-Qua chẳng lẽ cũng như thế sao?

Tiểu-Long-Nữ đáp:

– Xin bà chị chớ lo điều đó. Nay mai hai chúng em sẽ trở về Cổ-mộ, sống ẩn tích mai danh, xa rời xã hội loài người, có cần gặp gỡ hay tiếp xúc với ai nữa đâu?

Hoàng-Dung giả bộ ngơ ngác hỏi tiếp:

– Thế ra một khi đã về Cổ-mộ rồi cả hai sẽ vĩnh viễn ly khai với xã hội loài người hay sao?

Tiểu-Long-Nữ quả quyết đáp:

– Dạ đúng như vậy. Bà chị cũng thừa hiểu trong xã hội không biết bao nhiêu là hạng người điêu ngoa xảo trá, tiếp xúc với họ chỉ thêm bực mình mà thôi.

Nàng vừa nói vừa lăng xăng đi đi lại lại trong phòng hình như để cởi mở bớt những nỗi bực trí đang tràn ngập trong tâm hồn.

Hoàng-Dung bắt đầu gợi lại câu chuyện:

Dương-Qua sống cuộc đời phiêu bạt từ thuở bé, nay đây mai đó không khác nào cánh chim trời tung mây lướt gió.

Tiểu-Long-Nữ cười xòa đáp với giọng đầy tin tưởng:

– Bà chị không cần phải lo nghĩ về điểm đó. Một khi đã có em bên cạnh tự nhiên anh ấy sẽ thấy yêu đời, quên cả bao nhiêu cảnh xảo trá phiền phức bên ngoài ngay. Chừng ấy em chắc chắn anh ấy không buồn chán đâu.

Hoàng-Dung thở dài than nhỏ:

– Lòng người đâu phải sắt đá mà cứ mãi mãi trơ trơ đến muôn đời không thay đổi. Chị ngại rằng trong thời gian ba năm Dương-Qua chưa buồn chán, nhưng sau đó khi cuộc đời vắng lạnh trong Cổ-mộ đã thấy buồn tẻ, thế nào y cũng nhớ lại những cảnh phồn hoa vui vẻ ngoài đời, chừng ấy, em có đủ sức giữ chân y nữa hay không? Chừng ấy, em sẽ đóng vai một góa phụ sống với chuỗi ngày vò võ một thân một bóng trong rừng sâu, và trong những phút cô độc, suy nghĩ lại những lời hôm nay, em sẽ thấy chị là kẻ sành đời, có tài đoán trước được mọi việc. Chừng ấy dù có hối tiếc thì cũng đã muộn rồi. Chi bằng ngay bây giờ, khi bàn tay chưa nhúng phải chàm, em nên đắn đo suy nghĩ lại trước khi hành động.

Nói tới đây bà đổi lại giọng thân mật hơn trước:

– Tục ngữ có nói: “Đàn ông năm bảy tấm lòng, lòng yêu thương vợ, lòng yêu người ngoài”. Một khi hoa đã biết bướm thì dù ai có mãnh lực gì đi nữa cũng không thể nào giữ mãi không cho bướm rời hoa đâu nhé.

Nghe Hoàng-Dung nói, dần dần thấy cũng có lý. Tiểu-Long-Nữ đứng lặng yên cắn môi suy nghĩ, bao nhiêu ý nghĩ trái ngược nhau đã bắt đầu tranh chấp và gây sóng gió trong lòng nàng. Một chập sau nàng mới nói:

– Vậy để em tìm cách dò xét ý tứ Dương-Qua xem sao?

Nói xong nàng lẳng lặng bước lanh ra ngoài.

Hoàng-Dung đưa mắt nhìn theo miệng lẩm bẩm khen vùi:

– Con người như nàng quả nhiên xinh đẹp, mặt như hoa phù dung, thân hình mảnh mai như cành liễu yếu. Dáng bước đi không khác gì nàng tiên đang lả lướt bên cánh hoa soi hình dưới bóng nguyệt! Một con người dễ thương như thế này đáng lẽ phải được hưởng chữ hạnh phúc hoàn toàn mới phải. Vì chữ luân lý và lễ nghĩa ta buộc lòng xen vào, làm phá vỡ cuộc tình duyên của hai đứa thật cũng quá tội. Nhưng thôi, thà rằng cực lòng trước để khỏi đau lòng sau.

Nghĩ tới đây bà bỗng chợt nghĩ:

– Tánh nàng thiệt tình như đếm, không biết sẽ dùng lời lẽ chi để dò ý Dương-Qua đây? Ta phải rình nghe cho biết.

Nghĩ xong bà rón rén bước lại cạnh phòng Dương-Qua, áp tai vào vách tường nghe thử.

Lúc ấy phía trong, Tiểu-Long-Nữ đã hỏi Dương-Qua:

– Này Qua nhi, hiện tôi cũng nhận rằng cậu hết tình yêu thương tôi. Nhưng một thời gian qua, mối tình này sẽ chán chê rồi phai lạt đi, chừng ấy cậu sẽ nghĩ sao nhỉ?

Bỗng nhiên thấy Cô nương có ý nghĩ lạ đời như vậy, Dương-Qua lạ lùng vô cùng không biết nguyên nhân vì đâu, nhưng cũng đáp:

– Tại sao cô nương bỗng cố ý tưởng khác đời như thế? Hễ yêu nhau thì yêu mãi cho tới khi đầu bạc răng long, chứ đâu có chuyện nửa chừng rồi chán nản được.

Câu trả lời này khiến cho Tiểu-Long-Nữ cảm động đến ứa lệ, nàng bồi hồi đứng lặng một hồi rồi nói tiếp:

– Được vậy thì có gì hơn. Tôi chỉ sợ nói thì dễ nhưng không giữ được thủy chung đó thôi.

Nói xong nàng rút chiếc trâm trên đầu xuống móc lên tường rồi bảo nhỏ:

– Khuya rồi, chúng ta ngủ đi, sáng sẽ hay.

Dương-Qua nói:

– Vừa rồi nghe Quách bá-mẫu nói đêm nay Cô nương cùng ngủ chung phòng với mẹ con bà, còn tôi ngủ với anh em nhà họ Võ, thế sao cô nương lại về đây để ngủ?

Tiểu-Long-Nữ gay gắt đáp:

– Mặc kệ! Ai lại để cho hai người đàn ông lạ hoắc ngủ chung trong phòng cậu cho được. Ta cứ ngủ đây chứ không đi đâu hết có sao không?

Nàng nói xong thổi ngay ngọn đèn.

– Té ra Triệu-chí-Kính đã nói đúng sự thật. Thì ra hai thầy trò hắn đã bậy bạ cùng nhau lâu rồi. Thôi, trai gái nó ngủ chung phòng nói chuyện nhảm nhí ta hơi đâu nghe ngóng cho mệt và mất thể giá.

Nghĩ xong bà định cất bước đi nơi khác. Nhưng bỗng nhiên trong phòng có tiếng mở cửa kêu kẹt một cái. Bà liền nán lại lắng tai nghe nữa.

Tiếng kẹt đó là do Dương-Qua mở cửa cho gió thổi vào trong phòng. ánh trăng từ cánh cửa lùa vào trong phòng trông rõ hết mọi vật. Bà định thần nhìn lại thì thấy Tiểu-Long-Nữ nằm trên chiếc võng treo tận nóc nhà, còn Dương-Qua thì nằm trên giường kê phía đàng xa. Té ra mặc dù hai người cùng ngủ một phòng nhưng vẫn phân biệt và giữ đúng lễ nghi khuôn phép, không có điều gì tà dạy.

Hoàng-Dung làm thinh, chấp tay sau đích thủng thẳng bước đi ra ngoài, trong lòng phân vân quyết làm sao cho đúng tâm trạng và hành động của cặp này.

Khi bà về tới phòng ngủ bỗng gặp Quách-Phù và hai anh em họ Võ cũng vừa đi lại.

Bà bèn bảo nhỏ:

– Tu-Văn, Đôn-Nho, hai con nên về phòng mà ngủ, không cần phải tới phòng Dương-Qua nữa nhé.

Hai anh em họ Võ cuối đầu tuân lệnh.

Quách-Phù ngạc nhiên hỏi:

– Vì sao thế mẫu thân?

Hoàng-Dung chỉ trả lời suông một câu:

– Việc không can hệ tới con, chớ hỏi vô ích.

Võ-Tu-Văn đứng gần hơn, nghe nói chế nhạo với một giọng vừa pha trò vừa mỉa mai.

– Có gì mà không hiểu? Bọn này trò không ra trò, thầy chẳng nên thầy, lúc nào cũng có thể ăn chung ngủ lộn, có khác chi đồ súc vật đâu?

Hoàng-Dung hừ một tiếng rồi nghiêm giọng bảo nhỏ:

– Ta cấm không được có những lời lẽ như thế nữa.

Võ-Đôn-Nho nói thêm:

– Nước này mà Sư mẫu còn bên chúng làm chi nữa. Đối với những hạng người vô liêm sỉ, thiếu luân thường như chúng nó, con không thèm trò chuyện cho uổng miệng.

Quách-Phù gạt ngang hỏi:

– Thôi đừng nói nữa. Dù sao họ cũng có công cứu mạng chúng ta. Phải xem họ như những người có ơn lớn và cư xử cho phải phép. Còn chuyện riêng của họ làm sao mặc kệ, chúng ta không nên đinh dự vào mà phê phán. Để có trời đất chừng trị.

Võ-Tu-Văn bỉu bôi ra vẻ anh hùng:

– Ân nghĩa làm chi với bọn người vô luân. Thà để tôi chết về tay của Pháp-Vương Mông-Cổ còn hơn bắt phải chịu ơn cái thằng súc sinh ấy.

Hoàng-Dung không bằng lòng bảo nhỏ:

– Thôi chớ khá lắm lời, hãy đi ngủ cho rồi.

Câu chuyện đối đáp giữa Hoàng-Dung và ba người, trong phòng Dương-Qua và Tiểu-Long-Nữ nghe rõ mồn một, không sót một câu.

Ngay từ lúc nhỏ, Dương-Qua và hai anh em họ Võ đã đối với nhau không hạp ý, và lúc nào chàng cũng xem hai người như hạng tiểu nhân dưới tay, nên tuy nghe nói xấu mình, vẫn không thèm chấp nhặt. Nhưng Tiểu-Long-Nữ thì trái lại. Nàng luôn luôn thắc mắc tự hỏi:

– Tại sao ta cùng Dương-Qua yêu nhau mà họ lại tỏ ý khinh miệt và oán ghét như thế ấy. Tại sao họ dám bảo chúng ta như đồ súc vật?

Nàng suy nghĩ mãi không tìm ra nguyên nhân, và đêm ấy cứ chập chờn mãi không ngủ được.

Đêm càng khuya, tư bề càng tịch mịch. Tiếng dế dun kêu ri ri hòa lẫn với tiếng gió đưa cành lá ngoài hè thành một âm thanh não ruột, càng nghe càng buồn thêm. Tiểu-Long-Nữ trằn trọc mãi không ngủ được, bèn gọi Dương-Qua dậy nói:

– Qua-nhi, ta có câu chuyện muốn hỏi ý kiến cậu. Nên thành thực trả lời cho ta nhé. Đừng nói dối mà đắc tội đấy.

Đang ngủ mơ màng bị đánh thức dậy, Dương-Qua vội hỏi ngay:

– Chuyện gì Cô nương cứ hỏi, không khi nào tôi có điều gì man trá đối với cô nương đâu.

(Xin lỗi bạn đọc, truyện bị thiếu 2 trang)

Nghĩ tới đây, chàng đau đớn quá ngất xỉu trên đất.

Một chặp sau, chợt tỉnh dậy, tâm thần thác loạn, Dương-Qua lồng lộng như ác thú bị thương, xô cửa ầm ầm, miệng kêu thảm thiết:

– Cô nương, cô nương ơi!

Vừa nghe kêu, tiểu nhị vội chạy vào hỏi tự sự. Vừa trông thấy tên Tiểu-nhị, Dương-Qua mếu máo hỏi:

– Cô gái áo trắng đã đi ra từ lúc nào và đi ngõ nào rồi. Chú có biết xin làm ơn chỉ dùm.

Tiểu-nhị nào biết ất giáp chi, chỉ đứng lặng thinh, không đáp được.

Lòng rối như tơ vò, Dương-Qua nghĩ bụng:

– Nếu chuyến này không tìm ra thì ngàn đời xa cách mãi.

Nghĩ xong, chàng đi xâm xui ra chuồng ngựa dắt ngựa ra, leo vội lên lưng phóng càn về hướng Bắc.

Khi ấy Quách-Phù vừa thức dậy từ trong bước ra, thấy Dương-Qua phi ngựa chạy đi vội gọi lớn:

– Dương ca ca, đi đâu sớm vậy. Có chuyện gì gấp rút thế?

Dương-Qua không thèm nghe cũng không buồn đáp lại, giơ roi cho ngựa phi mau như gió thổi, chỉ trong nháy mắt đã vượt ra ngoài hai mươi dặm rồi.

Ngồi trên mình ngựa chạy bất kể phương hướng. Dương-Qua kêu gọi như một người tuyệt vọng:

– Cô nương ơi, cô nương! Cô nương đi ngã nào rồi?

Thấy bóng nữ lang nào mặc áo trắng chàng cũng tưởng là Tiểu-Long-Nữ vội vàng chạy tới ngay, khi tới gần nhìn lại không phải. Rồi chàng lại lủi thủi bỏ đi nơi khác.

Lầm lũi chạy thêm một quãng nữa bỗng gặp Kim-Luân Pháp-Vương và bọn tùy tùng đang cỡi ngựa đi về hướng Tây.

Kim-Luân Pháp-Vương nhìn thấy Dương-Qua một người một ngựa chạy như điên không có định hướng, thì ngạc nhiên lắm, vội vàng quay ngựa chạy qua chận đầu.

Trong khi ấy Dương-Qua không một tấc sắc trong tay, lại gặp đại cường địch đón đầu, thật vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên vì đang bận tâm tìm kiếm Tiểu-Long-Nữ không có, chàng bất chấp mọi việc nào khác, và dù thần chết đứng kề bên lưng cũng không thèm đếm xỉa.

Thấy Kim-Luân Pháp-Vương giục ngựa lại chận đường, Dương-Qua đã không lẩn tránh lại còn dừng lại hỏi lớn:

– Này, ông có gặp Sư phụ tôi đi về hướng này hay không?

Kim-Luân Pháp-Vương thấy Dương-Qua không lánh mặt mình đã cho một chuyện lạ lùng, nay thấy chàng hỏi như vậy lại càng ngạc nhiên hơn nữa, bèn đáp lại:

– Không gặp. Vậy cô ấy không đi cùng lối với người sao?

Vốn là tay thông minh xuất chúng, nên sau mấy câu nói chuyện, Dương-Qua chợt tỉnh ngộ và nhận xét ngay cục diện đã xảy ra như thế nào rồi. Chàng bỗng nghĩ bụng:

– Mình tới đây, trong tay không có binh khí tùy thân, tại sao còn đứng lại nộp mạng cho nó?

Kim-Luân Pháp-Vương thì mừng rỡ nghĩ:

– Nó tới đây một mình, ta không thừa dịp bắt cổ đi, còn chờ khi nào nữa chứ?

Ông bèn xông tới, đưa tay chộp lấy. Ngay khi đó Dương-Qua đã cho ngựa bước lùi ra sau nên chộp không trúng.

Kim-Luân bèn thúc ngựa tiến thêm lên cố bắt cho được.

Lời tục có nói “đường dài biết sức ngựa, nước loạn biết trung thần! Trong lúc này mới biết con ngựa ốm của Dương-Qua là một thần mã.

Vừa thấy Kim-Luân phi tới trước thì nó đã tung bốn vó nhảy vụt qua đầu rồi phi thân phóng xa gần mười trượng mới đặt chân xuống đất lao vút tới như tên bắn. Kim-Luân tuy có ngựa cũng khá hay nhưng cũng không tài nào đuổi theo kịp nữa.

Chạy theo một chặp nhưng không theo kịp, Kim-Luân nghĩ bụng:

– Thầy trò nó đã thất lạc rã rời, ta cần chi phải đuổi theo cho nhọc sức.

Bỗng nhiên ông nghĩ thêm chuyện khác:

– Hắn còn đây, có lẽ mẹ con Hoàng Bang-Chủ cũng còn lẩn quẩn đâu đây chứ chưa đi xa. Chi bằng ta quay lại đi tìm cầu may xem sao.

Nghĩ xong, ông dẫn bọn tùy tùng quay trở lại.

Dương-Qua phi ngựa như bay, chạy hơn hai chục dặm mà không thấy bóng dáng Tiểu-Long-Nữ đâu hết.

Trong lòng nôn nóng hơn lửa đốt, chàng phi ngựa chạy tán loạn, mấy lần suýt té nhà xuống ngựa.

Chàng ôm chặt lấy cổ ngựa, miệng la lớn như nói trong mơ:

– Cô nương ơi, nỡ lòng nào bỏ tôi cho đành? Tôi đã làm gì nên tội mà Cô nương lại đối xử tình tệ như vậy, Cô nương ơi?

Tiếng chàng kêu thật bi ai tha thiết, miệng thì la mà hai hàng nước mắt chảy ra không ngớt.

La một chập mệt quá, chàng ôm cổ ngựa suy nghĩ:

– Hay là tại mình bảo nếu chán Cổ-mộ thì cùng ra ngoài, nên Cô nương cho mình là người không chung thủy nên tức bực ra đi lần nữa chăng?

Nghĩ vậy, chàng lau nước mắt rồi tự nhủ:

– Cô nương nhất định trở về Cổ-mộ chứ không đâu xa. Ta cứ trở về tự nhiên sẽ gặp ngay.

Nghĩ xong chàng giục ngựa nhắm hướng về Cổ-mộ chạy như gió cuốn.

Đường về phương Bắc xa cách nghìn trùng, nhưng trong lòng nôn nóng gặp lại người yêu, nên Dương-Qua bền chí cho ngựa chạy mãi mà không thấy ngán.

Để đỡ buồn, chàng ngồi trên mình ngựa hát nghêu ngao.

Vừa đi vừa hát, không bao lâu đã đúng ngọ. Lúc bấy giờ trong bụng Dương-Qua đã thấy đói. Chàng dừng ngựa ghé lại cái quán nhỏ bên đường mua vài tô mì ăn đỡ dạ.

Khi ăn xong, thò tay vào túi thấy không còn một xu nhỏ. Dương-Qua vừa lo vừa thẹn không biết tính làm sao đây. Cuối cùng chàng đánh liều chờ khi chủ tiệm vô ý nhảy phóc lên ngựa chạy như tên bắn.

Vừa chạy chàng vừa nghe văng vẳng tiếng chủ tiệm chưởi bới om cả lên. Dương-Qua nghĩ thầm:

– Họ chửi cũng đáng lắm.

Chạy mãi mặt trời đã xế bóng và ánh tà dương cũng dần dần sắp tắt. Phía trước mặt là một khu rừng cây cối rậm rạp, có vẻ vắng vẻ hoang vu.

Khi đến cạnh ven rừng, bỗng nhiên từ bên trong có tiếng bình khí chạm nhau leng keng rang rảng, xen vào là tiếng quát tháo om sòm.

Lạ quá, chàng vội giục ngựa tới gần, lắng tai nghe ngóng.

Rõ ràng là tiếng nói của Quách-Phù và Kim-Luân Pháp-Vương.

Dương-Qua đoán chắc thế nào cũng có việc không lành xảy ra cho mẹ con Hoàng-Dung rồi.

Chàng liền buộc ngựa vào gốc cây, len lén bước vào, nhón gót nghểnh cổ nhìn vào. Cách đó hơn mười trượng, ngay phía trước mặt dưới mấy cây cổ thụ cành lá sum suê, hai mẹ con Hoàng-Dung và anh em họ Võ đang chống đối cùng Kim-Luân Pháp-Vương, cạnh nhiều đống đá chập chồng lởm chởm.

Hai anh em họ Võ đã bị thương, mình mẩy đầm đìa cả máu. Hoàng-Dung đầu tóc bơ phờ, quần áo, xốc xếch, tinh thần bối rối trông thấy rõ ràng.

Dương-Qua nghĩ bụng:

– Nếu cục diện kéo dài, bốn người này nếu không bị bắt sống, nhất định cũng phải tán mạng dưới chiếc vòng ác nghiệt của Kim-Luân.

Chàng nghĩ thêm:

– Không có cô-nương, nếu một mình ta nhảy vào chẳng những không đối lại hắn mà nhiều khi còn phải nguy hiểm là khác nữa. Tuy nhiên, trông thấy người quen bị nạn thì cũng không thể làm ngơ cho được.

Trong lúc đang phân vân suy nghĩ chưa biết nên làm gì, thì Kim-Luân đã vung vòng sắt tấn công kịch liệt.

Hoàng-Dung không dám chống đỡ, vội nhảy lùi ra trốn sau một đống đá gần bên.

Dương-Qua nhìn thấy lấy làm lạ vô cùng. Anh chú ý thử Quách-Phù và hai anh em họ Võ làm gì. Khi thấy Kim-Luân Pháp-Vương tung vòng ra đánh, thì cả ba ngồi xuống nấp vào các mô đá chập chùng nhấp nhô.

Bọn Đạt-nhĩ-Ma cùng đứng vây vòng tròn xung quanh đó chứ không chịu xông vào để bắt.

Cứ nhìn thần sắc Quách-Phù và hai anh em họ Võ thì thấy cả ba đều có vẻ tin tưởng và yên chí ở phía sau các đống đá ấy lắm.

Dương-Qua ngạc nhiên vô cùng. Chàng không thể tưởng tượng được những chồng đá tầm thường như thế kia mà lại có phép mầu nhiệm ngăn cản Kim-Luân Pháp-Vương không xâm phạm tới bọn Hoàng-Dung và khiến Bà đã chuyển nguy thành yên.

Suy nghĩ một chập chàng bỗng chợt nhớ ra:

– à, hay là “loạn thạch trận” đây chăng? Như vậy sao anh em họ Võ không nhân cơ hội nầy tẩu thoát đi cho rồi?

Kim-Luân Pháp-Vương cứ đánh mãi nhưng không hạ được hai mẹ con Hoàng-Dung. Còn bao nhiêu bọn võ sĩ Mông-Cổ hễ tên nào hại dân đều bị Quách-Phù đâm chết hết cả. Kim-Luân đoán chắc trong đống đá ngổn ngang này thế nào cũng có điều huyền bí hay Hoàng-Dung đã bố trí mưu thần chước quỷ chi đây. Muốn khỏi lầm mẹo địch, cần phải thận trọng xem xét cho kỹ rồi mới hành động được, lần này làm sao cũng phải tóm cổ cả bọn cho hết mới xong.

Mặc dù không xông ra trận địa, nhưng Kim-Luân vốn là một kẻ nhiều mưu lược, ý nghĩ rằng:

– Mặc dù chúng có chỗ lánh thân, nhưng thân chung không khác gì chim lòng cá chậu, không thể nào trốn thoát đi đâu cho được. Mình cứ bình tĩnh xem xét thật kỹ để hiểu rõ những bí ẩn của nơi này rồi tấn công luôn.

Nghĩ xong cho là đắc sách, Kim-Luân ra lệnh cho đồng bọn rút lui ra sau, và chính bản thân ông cũng lùi xa trận địa mấy trượng.

Bọn Đạt-Nhĩ-Ma và tu võ sĩ Mông-Cổ lùi ra xa hơn, đứng phía sau Pháp-Vương chờ lệnh.

Đứng ngoài nhìn vào Kim-Luân Pháp-Vương suy nghĩ:

– Nếu đây là một trận đồ thì nhất định phải bố trí theo hình “thái cực” biến hóa theo “lưỡng nghi” và “ngũ hành bát quái”. Chi bằng ta áp dụng theo phương thức “ngũ hành tương khắc” để phá thì nhất định phải thành công.

Suy nghĩ lại một chặp ông nhìn lại lần nữa, xem hai bên tả chi và hữu dực lại thấy biến hóa khác rồi, thật là kỳ khu, nên ông không biết tính sau cứ đứng nhìn trân như tượng gỗ.

Dương-Qua đứng đàng xa chú mục nhìn theo, thấy Kim-Luân đứng đờ người suy nghĩ. Bỗng nhiên trong ánh mắt của ông lóe lên luồng hào quang sáng rực, hình như ông vừa tìm được cách phá trận này rồi.

Bỗng nhiên Kim-Luân nhún mình phi thân vào giữa trận, đưa tay chộp Quách-Phù kéo ra.

Hoàng-Dung và anh em họ võ kinh hồn hoảng vía, vì ai ai cũng đinh ninh Quách-Phù thế nào cũng bị hạ. Muốn xông ra cứu thì nguy hiểm tới tánh mạng ngay, còn làm ngơ không cứu, thì tình mẫu tử phải cắt đứt phen này.

Thật ra trong lúc chưa nghĩ được cách phá trận, Kim-Luân bèn giả bộ đứng đờ người ra nhìn sững, mục đích đánh lừa mọi người.

Quách-Phù tuổi trẻ thiếu kinh nghiệm, thấy y đứng nhìn sững, tưởng không nguy hiểm nên mon men ra ngoài bìa trận để theo dõi hành động ra sao. Bất ngờ Kim-Luân triển thi khinh công tối thượng, phóng mình lại bắt nàng không thể nào thoát khỏi. Nắm được Quách-Phù rồi. Kim-Luân đã điểm huyệt ngay. Nhưng y dụng ý điểm vào huyệt khiến cho nàng bị tê liệt cả người nhưng vẫn biết đau đớn và kêu la, khiến cho Hoàng-Dung nóng lòng xông ra cho y bắt luôn thể.

Quả nhiên nghe tiếng con gái la khóc, Hoàng-Dung quá đau lòng không thể nào dằn được, bèn phi thân nhảy ra khỏi trận, ôm lấy Quách-Phù, định nhảy trở vào trận đá.

Mừng quá, Kim-Luân lập tức tung vòng sắt ra đập tới. Lúc ấy Dương-Qua đứng ngoài theo dõi thấy Hoàng-Dung vì nóng lòng mắc kế Kim-Luân, trong bụng đã hoảng hốt muốn la lên nhưng không còn kịp nữa. Khi Hoàng-Dung vừa dợm chân nhảy vào thì chiếc vòng sắt đã tung lên và đập tới như núi sập. Dương-Qua lập tức phi thân tới ngay vừa lúc chiếc vòng đánh xuống.

Vì trong tay không có sẵn võ khí, Dương-Qua bèn cúi xuống bê một tảng đá to tướng, sức nặng non ngàn cân, ném mạnh vào chiếc vòng, nghe choang một tiếng điếc ráy. Chiếc vòng bị táng quá mạnh, sút khỏi tay Kim-Luân rơi xuống đất, Hoàng-Dung thừa cơ hội bồng Quách-Phù nhảy vào trận loạn thạch.

Kim-Luân thấy Dương-Qua lại xuất hiện, bất ngờ đánh rơi vũ khí mình thì nổi giận, nhưng mỉm cười bảo:

– Hay lắm, hôm nay lại gặp chú mi. Như thế khỏi nhọc công tìm đâu xa nữa.

Thật ra lần này tay không xông vào vòng chiến, chẳng qua cũng vì lòng nghĩa hiệp, chứ thật tình Dương-Qua đâu có muốn, và chàng cũng chẳng thiết một việc gì hết. Khi đã đứng vào thạch trận, chàng bỗng giật mình suy nghĩ:

– Phen này lâm trận, tức nhiên đã đem thân vào cõi chết. Thôi còn hy vọng nào được tái ngộ cùng Cô nương nữa.

Thấy Dương-Qua đột nhiên cứu được hai mẹ con mình, Hoàng-Dung chép miệng than nhỏ:

– Qua con, đây là lần thứ mấy, con đã liều thân cứu mạng của ta và em Phù?

Dương-Qua thưa:

– Sao bá mẫu lại nói chỉ lời đó. Chẳng qua là bổn phận của con đó thôi, có gì mà ơn đức. Nếu gặp bá mẫu bi nạn mà làm ngơ thì còn đâu là khí tiết của con người hiệp nghĩa.

Hoàng-Dung than tiếp:

– Sao con giàu lòng hiệp nghĩa thế. Mà sao cha con thì… trái lại? Nói tới đây bà bỗng nín bặt.

Dương-Qua cảm động hỏi qua giọng nói run run:

– Thưa bá mẫu, lúc sanh tiền cha con như thế nào? Người có làm hại những ai, và hại nhiều lắm không?

Hoàng-Dung lắc đầu nói:

– Bảo hai nhiều thì khong đúng đâu, nếu con thích nghe bác sẽ kể lại cho.

Nhưng nói tới đây, bà bỗng rú lên thật lớn:

– Con xem chừng, hãy nấp vào đống đá, lão Hòa-thượng Kim-Luân đang đánh lén kia kìa.

Dương-Qua nghe theo ngồi ngay xuống phía sau một đống đá.

Ngồi yên, chàng nhìn lại trận đá thấy huyền bí lạ lùng, trong lòng hết sức thán phục bèn hỏi Hoàng-Dung:

– Bá mẫu, như thế này thì tài trí của bá-mẫu thật thiên hạ ít kẻ dám bì.

Hoàng-Dung chỉ mỉm cười không đáp, bà cúi xuống giải huyệt cho Quách-Phù. Được mẹ giải huyệt xong, Quách-Phù nói:

– Anh biết không? Trận pháp này mẹ em học của ông ngoại em đấy anh có nghe nói về ông ngoại của em chưa?

Khi còn ở Đào-Hoa đảo, Dương-Qua cũng có biết qua Hoàng Dược-sư và chứng kiến tài lực siêu phàm của ông. Ngặt vì lúc ấy hãy còn quá nhỏ nên chàng biết và nhớ chuyện chi. Bây giờ nghe hỏi chàng có vẻ tiếc rẻ nói nhỏ:

– Đời tôi chỉ mong được gặp lại lão trượng. Nếu không thật cũng uổng một đời thanh niên.

Chàng nói vừa dứt lời, thì Kim-Luân Pháp-Vương đã phóng tới, vung vòng sắt tấn công mãnh liệt.

Trong tay không có sẵn binh khí, Dương-Qua vội mượn cây gậy trúc “đả cẩu của Hoàng-Dung để ứng chiến.

Chàng áp dụng theo phép “loạn đả tàn vân” múa tít cây gậy trúc như gió táp mưa sa khắp người như có một đám tường vân bao phủ.

Hai người đang đánh nhau độ vài chục hiệp bỗng nhiên đá chạy cát bay ầm ầm như động đất. Kim-Luân sợ hãi vội vàng tung mình nhảy ra khỏi trận.

Hoàng-Dung bảo con gái và hai anh em họ Võ khiên đá bày lại trận, rồi gọi Dương-Qua lại gần hỏi nhỏ:

– Ai đã dạy con phép đánh theo thuật đả cẩu bổng đấy?

Dương-Qua bèn đem câu chuyện gặp gỡ Hồng-Thất-Công trên Hoa-Sơn, khi chứng kiến cuộc tranh tài giữa Tây độc và Bắc-Cái, được hai người truyền dạy võ nghệ như thế nào thảy đều tường thuật tỷ mỷ không thiếu một chi tiêts, duy có chuyện Hồng-Thất-Công đã chết chàng chưa thuật lại vì sợ khiến bà đau lòng trong lúc này có hại cho sức khỏe.

Nghe thuật lại mọi việc, Hoàng-Dung thở dài nói:

– Được như con thật là thế gian hãn hữu. Trên đời có mấy ai gặp những trường hợp may mắn lạ lùng như thế?

Hình như chợt nghĩ ra điều gì, bà bỗng nói lớn:

– Qua con, con đã có tài thông minh lanh lẹ như vậy, nhân hôm nay chúng ta sẽ nhờ cái tài của con mà thoát được đại nạn nơi đây. Dương-Qua thấy bà nói mà nét mặt tươi hẳn lên, thì chàng vẫn giả bộ ngơ ngác hỏi lại:

– Nếu Bá mẫu được đầy đủ sức khỏe thì hai bác cháu mình hợp sức cũng có thể đánh bại được lão này. Khổ nỗi lúc này Bá mẫu chưa được khỏe lắm, nên để cháu đi tìm Quách Bá phụ tới giải cứu nhé…?

Hoàng-Dung đáp:

– Không được đâu, ta đang đau, đâu phải cảm nóng đâu mà có thể hết ngay trong chốc lát. Hiện nay Bá phụ con đang ở xa, mà cô nương của con cũng đang ở phương nào không biết, làm sao tìm ra ngay cho được. Chi bằng ta có một mẹo hay, để chỉ cho con biết thì có lợi thực tế hơn. Vậy để bác nói nhỏ cháu nghe nhé?

Dương-Qua đáp:

– Có mẹo gì hay, xin bá mẫu cứ nói, nếu làm được, cháu không dám từ thác một việc gì hết.

Hoàng-Dung từ tốn nói:

– Nguyên loạn thạch trận này do phụ thân ta dạy lại, tuy chỉ có chừng ấy đống đá, nhưng sức biến hóa kỳ ảo khôn lường nổi. Bây giờ cháu cứ nghe theo những điều do bác chỉ lại thì thế nào cũng dành phần thắng lợi về mình.

Dương-Qua nghe nói nghĩ thầm trong bụng:

– Học lực của Hoàng Đạo-chúa thật vô cùng cao rộng, thế gian ai ai cũng phải phục. Hôm nay ta lại học thêm một tuyệt kỷ của Võ lâm.

Hoàng-Dung kể tiếp:

– Hồng Sư-phụ của ta chỉ truyền cho con mấy thế cơ bản trong đả cẩu bổng pháp, và sau này, tuy con ngồi trên cây học lén được một mớ nữa nhưng chưa đầy đủ đâu. Hơn nữa đấy chỉ là những phép lạ chứ không phải là phương thế ra áp dụng lúc chiến đấu. Nhân tiện hôm nay Bác muốn dạy lại cho cháu tất cả diệu pháp tinh vi của pháp thụat đả cẩu, vậy cháu có bằng lòng không?

Dương-Qua tuy mừng không chỗ để, nhưng vẫn giả vờ thoái thác nói rằng:

– Phép đả cẩu chỉ ai truyền từ Bang-chủ qua Bang-chủ của Cái-Bang. Tuy Bá-mẫu có lòng thương tưởng, cháu rất đội ơn, nhưng cháu chỉ sợ như thế sẽ có lỗi với quy luật Cái-Bang đi chăng?

Hoàng-Dung thừa biết chàng chối từ lấy lệ, bèn cười bảo:

– Thôi, cháu khỏi cần khách sáo nữa. Phép đả cẩu bổng này, tuy là thuật pháp trấn môn của Cái-Bang, tuy nhiên sư-phụ ta đã đem truyền cho cháu hết ba phần. Cháu nấp trên cây học lóm được hai phần nữa. Nay ta dạy thêm cho cháu ba phần. Còn lại ba phần nữa đủ mười, sau này, nhờ tài lanh lẹ trí thông minh, cháu cũng có thể suy nghiệm mà tìm ra cho hết những bí quyết của nó được.

Theo quy luật Cái-Bang, phép này không thể truyền lại cho một ai ngoài vị Bang-Chủ kế vị. Tuy nhiên trong hoàn cảnh này chúng ta cũng cần phải quyền biện mới được. Nếu ta câu chấp không truyền lại cho cháu, rủi ta chết đi có phải đả cẩu bổng pháp sẽ bị thất truyền đi chăng?

Dương-Qua mừng quá sụp xuống lạy luôn hai lạy rồi thưa:

– Giá khi cháu còn bé mà Quách Bá-Mẫu dạy cho cháu một vài tuyệt nghệ thì lúc này cháu tiến bộ biết mấy? Mà Bác cũng được tiếng tốt nữa.

Hoàng-Dung mỉm cười hỏi:

– Đến nay cháu có còn oán hận bác nữa không?

Dương-Qua đáp:

– Có khi nào cháu lại dám oán bá-mẫu.

Hoàng-Dung lần lượt đem hết các bí quyết đánh đỡ trong đả cẩu bổng pháp ra giảng giải và dạy lại cho Dương-Qua.

Kim-Luân Pháp-Vương, đứng ngoài loạn thạch trận nhìn vào, thấy Hoàng-Dung và Dương-Qua chuyện trò nho nhỏ, sau đó, bà cầm cây gậy trúc đưa ngang đưa dọc, thỉnh thoảng lại cười xòa, hình như tin tưởng vào phép biến hóa của thạch trận không đếm xỉa gì tới mình cả.

Càng nghĩ, Kim-Luân càng tấm tức. Ông bèn cố ý theo dõi và chờ xem hành động của họ ra sao để tìm biện pháp đối phó.

Hoàng-Dung và Dương-Qua được rảnh tay ngồi bàn bạc, thảo luận kỹ càng về một pháp trong đả cẩu bổng pháp, từ giờ Thìn qua giờ Tỵ đã bầy đủ mọi thế không còn sót một đường nào.

Kim-Luân đứng ngoài theo dõi, không biết hai người đang làm gì, ông trông thấy Hoàng-Dung cứ nói nho nhỏ, nét mặt nghiêm nghị, hình như đang giảng giải một võ thuật gì đây. Còn Dương-Qua trái lại thì tươi tỉnh và đem hết tinh thần, chăm chú nghe. Thấy vậy, Kim-Luân e ngại suy nghĩ:

– Có lẽ họ truyền thụ cho nhau những ngón gì hay để hại ta chứ gì. Phen này nếu chiến đấu lại ta cần phải thận trọng cho lắm mới được.

Dương-Qua ôn lại những đoạn sau và hỏi thêm vài điểm khúc chiếc. Hỏi tới đâu, Hoàng-Dung giảng giải thêm rất rành mạch. Khi thấy chàng không còn gì thắc mắc nữa, Hoàng-Dung khen lớn:

– Cháu thật là thông minh đúng mức. Ngay trí nhớ của bác cũng phải thua sút cháu nhiều. Bây giờ cháu đã đủ sức kềm chế và thắng được Kim-Luân rồi. Vậy cháu hãy ra dụ hắn vào đây đánh bắt cho rồi.

Dương-Qua lạ lùng hỏi:

– Làm sao bắt hắn được, mà Bá mẫu lại bảo cháu như thế?

Hoàng-Dung từ tốn giải thích:

– Có khó chi điều đấy. Lúc bấy giờ hai bác cháu mình cùng quyết đấu thì hắn chống cự sao nổi. Chúng ta đã hơn tài mà còn vượt hẳn lão ấy về mưu chước và địa thế nữa.

Bây giờ, bác dạy cho cháu biết qua về sự mầu nhiệm và biến hóa của trận loạn thạch. Vậy cháu hãy nghe và chú ý nhớ kỹ ba mươi sáu chước biến hóa của trận đồ nhé.

Nói xong bà lièn chỉ vẽ cho Dương-Qua thế nào là Thanh-Long biến sang Bạch-hổ, và huyền võ trở thành Châu-tước.

Nguyên trận loạn thạch này chế biến theo đúng cách thức và phương pháp của Gia-Cát Võ hầu. Khi ông vào đất Tây-xuyên đã lập trận bày trên bờ sông để lừa Đại-Tướng Đông-Ngô là Lục-Tốn. Hôm nay Hoàng-Dung cũng theo nguyên tắc ấy để chống lại Kim-Luân Pháp-Vương. Mặc dù sắp đặt hấp tấp nhưng quy tắc không sai chút nào, vì vậy nên Kim-Luân lo sợ không dám xông vào chỉ đứng ngoài lừa thế theo dõi năm người đang ẩn trong trận, cách xa nhau như hai thế giới.

Với ba mươi sáu phép biến hóa vô cùng tinh diệu khiến cho một người thông minh như Dương-Qua mà nghe giảng hai lần cũng chỉ có thể nhớ được hai chục phép mà thôi.

Lúc bấy giờ trời đã xế chiều, ánh mặt trời gần chen sau núi. Kim-Luân đứng ngoài thách đố các người đánh nhau. Hoàng-Dung bảo Dương-Qua:

– Tuy cháu mới học được hai chục thế, nhưng bao nhiêu đó cũng đủ để vây bắt Kim-Luân rồi. Vậy cháu hãy chờ đây, bác ra ngoài này dụ lão vào đây cho cháu nhé. Cháu cứ theo đúng phép biến hóa của đồ trận mà vây bắt hắn.

Dương-Qua mừng rỡ nói:

– Bá-mẫu, sau này về đảo Đào hoa, có thì giờ rồi, bá-mẫu hãy dạy tiếp cho cháu những thế chưa thạo nhé. Việc dẫn dụ Kim-Luân, xin để mặc cháu.

Hoàng-Dung cười xòa bảo:

– ồ, nếu cháu bằng lòng theo bác về Đào hoa đảo, chẳng những bác dạy cho những chỗ thiếu mà ngoài ra còn nhiều phép ly kỳ hơn nữa. Thời gian gần đây cháu đã hai lần xả thân cứu mạng bác và em Phù thì khi về đảo không khi nào bác nỡ lạnh nhạt với cháu như ngày trước nữa đâu. Cháu cứ tin nơi lòng bác.

Nghe Hoàng-Dung an ủi mấy câu, Dương-Qua cởi mở tấc lòng, trong lúc này, giá Hoàng-Dung bảo chàng nhảy vào lửa, chàng cũng không từ chối.

Riêng anh em họ Võ thì chửi thầm trong bụng:

– Thằng súc sinh báo đời, sao không chạy theo con yêu nữ cho rồi còn quay lại làm chi nữa phá rối chúng ta mãi như vậy?

Võ-Tu-Văn, nghe hai người nói chuyện cùng nhau bỗng nói bông lông một mình:

– Phàm người còn nhỏ, điều căn bản và quan hệ nhất là văn chương chữ nghĩa, cần phải lấy đó mà làm căn bản cho việc lập thân về sau, nếu không cần chữ nghĩa mà chỉ lo việc kiếm đao thì cũng có thể sẽ chết về nghiệp lao kiếm.

Đôn-Nho dèm thêm:

– Xưa kia, Quan-Vân-Trường là bậc võ nghệ tuyệt luân của đời nhà Hán, rốt cuộc rồi cũng bị chém bêu đầu. Khỏe mạnh như hạng Võ rồi cùng phải tự cắt đầu trên bến Ô-Giang, làm cho người yêu là Ngu-Cơ phải vì mình mà tử tiết. Trông gương người đời xưa, anh em chúng ta xem thường việc học Võ cũng phải.

Quách-Phù thấy hai anh em nhà này cứ tìm lời châm biếm đay nghiến Dương-Qua thì tức giận quá bèn hỏi lại:

– Các anh xưng như vậy, thế đến nay hai anh đã đọc văn chương tới mức nào rồi?

Tu-Văn đáp:

– Tam giáo, Cửu-Lưu, Bách gia Chư tử sách nào cũng đã học rồi.

Quách-Phù khinh khỉnh nói:

– Thứ học mót mà cũng nói. Phận mình sút kém thì cam chịu cho rồi, chuyện gì cứ đâm thọc, châm biếm người ta mãi vậy?

Trong khi ấy, Dương-Qua đã xách gậy trúc nhảy ra khỏi trận gọi Kim-Luân Pháp-Vương bảo:

– Pháp-Vương, người có dám cùng ta đấu chơi ba trăm hiệp hay không?

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN