Thần Điêu Đại Hiệp
Chương 41: Nữ Lang Thanh Y Cứu Dương-qua.
Kim-Luân Pháp-Vương đang đứng ngoài trông ngóng vào thạch trận suy nghĩ một mình. Bỗng nghe Dương-Qua gọi lớn và xách bổng nhảy ra khỏi trận thách đấu thì ông đáp ngay:
– Ta sẵn sàng chờ mi đây.
Vừa nói dứt lời, ông đã vung chiếc vòng đen tiếng reo leng keng nhảy lại, trong lòng suy nghĩ:
– Nếu Dương-Qua đánh chẳng lại ta, nhảy trở lại vào trận thì làm sao đuổi theo được. Chi bằng ta phải tìm cách chận đứng hắn trước.
Nghĩ xong, ông chỉ đánh hờ đòn rồi bước lùi ra sau nhử Dương-Qua tiến tới. Khi hai người tránh xa loạn thạch trận được hơn hai trượng, Kim Luân lao mình nhảy vút tới chận ngay phía sau lưng không cho Dương-Qua trở vào trận được nữa.
Nhưng lúc này, Dương-Qua đã tiến bộ hơn chứ không kém sút như trước nữa.
Sau khi đã am thạo tất cả những bí quyết trong đả cẩu bổng pháp, cây gậy trúc trong tay Dương-Qua vũ lộng vù vù như rồng thiêng uốn khúc kỳ ảo biến hóa phi thường, khiến Kim-Luân chỉ còn cách đỡ gạt mà đã tối tăm mặt mày rồi.
Trong lúc lúng túng, Kim-Luân bỗng bị trúng một gậy bên đùi trái.
Nhờ công phu luyện tập lâu năm nên gậy này không thể làm ông bị thương, nhưng cũng đau nhói tận xương tủy. Kim-Luân phải xuýt xoa một hồi lâu mới bớt.
Sau khi nếm một đòn, Kim-Luân không còn dám khinh thường nữa, luôn luôn tung vòng sắt ra tấn công kịch liệt, mong chiếm thế thượng phong.
Thật mỉa mai thay, đường đường một đại võ sư, danh vang thiên hạ nay chỉ đấu với một thiếu niên chưa đầy hai mươi tuổi mà không dám sơ hở phút nào, tới lui xông xáo không nổi. Kim-Luân vừa thẹn vừa giận thật xưa nay chưa khi nào ông gặp một địch thủ lợi hại dường ấy.
Dương-Qua cố áp dụng theo đúng bí quyết của đả cẩu bổng pháp, tuy nhiên vì mới học tập luyện chưa được thuần thục lắm, nên không thể nào tránh hết những sơ hở, và cũng vì đó nên chàng chưa dồn được Kim-Luân vào thế bí được.
Hoàng-Dung đứng trong trận nhìn ra thấy vậy bèn nhắc khéo:
– Hãy đưa thế chữ “phong” ra áp dụng.
Dương-Qua sực nhớ lại hai chân nhảy lìa khi qua đông lúc sang Tây, không tiến không lùi, chiến chiếc vòng sắt trở thành vô hiệu lực vì khinh thân chàng kỳ diệu quá.
Kim-Luân Pháp-Vương thấy chàng di động nhiều quá thì mừng thầm và nghĩ bụng:
– Cho mi nhảy nhót cho đã sức. Dù tài giỏi đến đâu, nhảy nhiều lắm rồi cũng phải bét chứ. Chừng ấy ta chẳng cần nhọc sức cũng có thể chộp được dễ dàng.
Nhưng ông có ngờ đâu Dương-Qua luôn luôn nhảy nhót theo hình chữ thổ lệch, cứ mỗi lúc lùi ra sau một chút thì lại kéo sang một bên. Kim-Luân mãi mê sấn tới đuổi theo mà quên cả phương hướng, đến khi bước chân vấp phải mô đá mới giật mình chợt nghĩ:
– Ta đã đi lạc vào trong thạch trận rồi sao?
Thật ra, Dương-Qua đã nghe lời Hoàng-Dung, lừa ông tiến sâu vào cửa kỳ môn của trận loạn thạch. Khi thấy đối thủ bước vào rồi, Dương-Qua chỉ cần thối lui mấy bước, thế trận đã biến hóa ngay, bao nhiêu phương vị đều đổi thay hết, Kim-Luân càng lùi ra bao nhiêu thì trái lại càng đi sâu vào giữa trận bấy nhiêu. Trong trận lúc này tự nhiên tiền biến thành hậu, và hậu đã trở thành tiền. Đến lúc biết mình đã sa cơ, Kim-Luân càng thêm phần hoảng sợ, nhưng biết giải quyết bằng cách nào hơn nữa.
Khi ấy, Hoàng-Dung lanh lảnh ra hiệu lệnh:
– Chu tước tiến về thanh long, Quẻ tôn chuyển sang quẻ Ly, Bất phương trở thành Qui-phương cho mau.
Quách-Phù và hai anh em họ Võ, cứ theo khẩu hiệu của bà, tự khuân những tảng đá đem trấn các nơi, làm bịt lối và vây chặt Kim-Luân vào giữa.
Kim-Luân sợ hãi rụng rời, chỉ nắm chặt chiếc giòng sắt trong tay đưa mắt nhìn khắp bốn phía để nhận lại phương hướng.
Ngay lúc ấy, Dương-Qua, múa tít cây gậy trúc xông vào giáp chiến.
Đối với Kim-Luân, những đòn đả cẩu không có gì đáng sợ. Nhưng lạ một nỗi hai chân ông hình như bị những ống đá bày loạn xạ hút phải mấy lần suýt té vì đứng không vững và bước chẳng ngay đường nữa.
Ông gượng gạo chống đỡ lấy lệ. Xung quanh hình như có không biết cơ man nào là địch thủ đang lâm le chiếm đoạt vũ khí, nếu sơ ý một tý sẽ nhào bất tử ngay.
Trong lúc thập phần nguy biến, ông chẳng biết tính sao, bèn hét lên một tiếng vang trời rồi dẫm bừa trên các đống đá mà chạy càn không kể phương hướng nữa.
Nhưng thế trận biến đổi vô cùng phức tạp, không thể nào chạy được. Càng chạy càng thấy những đống đá ngang dọc bao phủ khắp nơi và sau cùng tâm thần mê loạn, cứ chạy loanh quanh trong trận, và bị giam hãm trong một bức thành đá vô cùng kiên cố.
Trong khi thần hồn nát thần tính tay chân rã rời, bao nhiêu sáng suốt bay hết, Kim-Luân suy nghĩ:
– Thôi phen này nguy hiểm quá, biết làm sao thoát khỏi nơi này được? Có lẽ phải bó tay chờ chết mà thôi.
Đang khi còn than thầm trong bụng, bỗng Dương-Qua lại xuất hiện theo tư thế “vạch cỏ tìm rắn, phang mạnh một gậy phía hạ bàn. Giá Kim-Luân không lanh mắt nhảy vọt lên né tránh thì có lẽ đã gảy tiện ống chân rồi.
Trong lúc thập phần nguy biến Kim-Luân đâm liều, vung chiếc vòng loan tròn dưới chân để tránh đỡ đồng thời bặm môi phóng mạnh ra phía trước, húc đầu vào ngực Dương-Qua tấn công.
Dương-Qua khẽ lách mình qua một bên né tránh. Hai người cùng nhau tranh đấu không bao lâu đã trên hai chục hiệp. Bỗng nhiên trong trận trời đất tối tăm mù mịt, gió lộng ào ào, phi xa tẩu thạch, xung quanh tiếng rít lên từng hồi rùng rợn, như quỷ khóc ma hờn, âm khí vô cùng rùng rợn.
Nếu không phải là một tay nhiều kinh nghiệm và gan liều như Kim-Luân Pháp-Vương, thì bao nhiêu đó cũng khiến cho phải ngất đi vì khiếp đảm. Nhưng Kim-Luân là một kẻ tu hành, tinh thần lúc nào cũng được bình tĩnh, nên dù trong trận có thay đổi cũng không đến nỗi nào. Ông định thần nhìn lại xung quanh, rồi vận dụng nội công vào hai bàn chân đánh mạnh thêm mấy tảng đá tung bổng lên trời hơn mấy trượng. Khi mấy tản đá tung lên cao thì mây đen tan hết, gió lạnh cũng yên ngay.
Hoàng-Dung và đồng bọn kinh hãi vô cùng, vội vàng đưa nhau nấp vào chỗ khác để tránh khỏi bị đá văng đè trúng.
Giá lúc này, Kim-Luân biết thừa cơ nhảy luôn ra trận thì dễ như chơi. Nhưng vì ông muốn thừa dịp tấn công nên không chịu rút lui mà còn đưa tay chộp lấy Hoàng-Dung.
Tức thì Dương-Qua điểm mạch phía sau lưng để giải cứu cho Bà. Hoàng-Dung muốn lùi ra sau để tránh nhưng bỗng nghe có tiếng rít từ không trung lao xuống. Bà lại sợ đá rơi trúng phải nên đánh liều nhảy tới tóm chặt tay Kim-Luân.
Kim-Luân phải buột miệng khen lớn:
– Chà, tài lắm, và can đảm lắm.
Nói vừa dứt lời ông tung chưởng đánh mạnh vào ngực Hoàng-Dung. Nếu là lúc thường thì đòn này đối với Hoàng-Dung không có nghĩa lý gì hết. Nhưng mặt lúc này bà có thai nghén gần ngày, sức khỏe giảm sút quá nhiều nên không gượng nổi, bị té nhào ra đất.
Thấy Hoàng-Dung bị đánh nhào, Dương-Qua thất kinh, không còn kể gì hết, vội vàng nhảy chồm lại ôm chặt lấy cặp giò Kim-Luân vật lộn. Hai người cùng ngã lăn ra đất vật nhau túi bụi. Nhưng Kim-Luân khỏe hơn Dương-Qua gấp mấy lần, nên vừa nhào xuống đã gượng dậy được ngay và tiếp theo một đấm khiến chàng văng ngược ra xa như bó giẻ.
Trong lúc đang bực mình, Kim-Luân đưa chân hất mạnh một tản đá nặng độ vài trăm cân, định xáng vào đầu Dương-Qua. Nhưng vì trong lúc hấp tấp, vích quá mạnh tản đá lộn ngược ra sau rồi rơi thẳng đứng xuống, nhằm ngay đầu Kim-Luân đang lồm cồm chờ dậy.
Bị khối đá gần hai trăm cân rơi trúng đầu, Kim-Luân đau quá nằm vật ra bất tỉnh. Giá người tầm thường thì cũng đủ bể sọ rồi. Nhưng Kim-Luân nhờ tập luyện công phu nội công vững vàng, chỉ bị ngất xỉu mà thôi.
Ba người chủ chốt trong trận đều bất tỉnh nằm liệt, cho nên thạch trận cũng vỡ tan ngay.
Đạt-nhĩ-Ma và bọn võ sĩ Mông-Cổ đứng ngoài trận trông thấy các người nhào lăng bất tỉnh thì hồn vía không còn. Huống bên cạnh còn lại Quách-Phù và hai anh em họ Võ đều thuộc phe địch, nên bọn này lo sợ cho tánh mạng Kim-Luân, vội vàng xông vào để giải cứu.
Với sức khỏe như sư tử của Đạt-nhĩ-Ma lại thêm một số đông tùy tùng Mông-Cổ vạm vỡ giúp đỡ, Quách-Phù và hai anh em họ Võ không làm sao chống cự lại nổi. Vì vậy nên cả hai bên mạnh ai nấy lo giải cứu người phe mình.
Bỗng nhiên Kim-Luân Pháp-Vương lồm cồm tỉnh dậy, ném chiếc vòng sắt xuống đất nghe leng keng rùng rợn cả người. Sau đó, ông ngửa mắt lên trời cười ngất.
Tiếng cười của Kim-Luân Pháp-Vương bao hàm cả niềm bi thương và uất hận.
Bọn người hai phe nghe cười đều ngạc nhiên, trố mắt đứng nhìn, cười xong Kim-Luân nhìn trời than rằng:
– Bình sinh ta chưa khi nào bị ngất xỉu bao giờ. Hôm nay chính tự ta lại đả thương ta, nghĩ cũng đáng buồn cười thật. Nhưng cũng đáng căm hận thật.
Nói xong, ông đưa tay túm lấy chân Hoàng-Dung kéo xềnh xệch về phía mình. Dương-Qua tuy bị thương nặng nơi ngực vừa mới tỉnh dậy nhưng thấy Hoàng-Dung bị bắt và kéo trên đất như một con vật thì uất hận vô cùng, cố gượng tung gậy đả cẩu ra đánh mạnh. Nhưng không ngờ chàng mới bị thương lại dùng sức quá độ nên gượng không nổi nữa ngã vật ra sau, mồm hộc ra một đống máu tươi.
Hoàng-Dung buồn rầu nói:
– Qua con, không nên cố sức lắm có hại. Việc ta làm ta có gan chịu đựng, con nên bảo vệ lấy sức khỏe, liều mạng chẳng ích chi trong lúc này.
Quách-Phù, vung gươm nhảy lại định bảo vệ cho mẫu thân.
Dương-Qua khẽ bảo:
– Phù muội, đừng liều mạng làm gì, hãy đi tìm Quách Bá-Bá mau lên.
Mặc dù tự biết sức yếu tài hèn, nhưng tình mẫu tử quá đậm đà, khi nào nàng nỡ bỏ chạy đi trong lúc mẹ mình đang ở trong tay địch.
Kim-Luân chỉ khẽ chiếc vòng sắc nghe leng keng mấy tiếng thanh trường kiếm của Quách-Phù đã bị đánh văng vào rừng xa lắc.
Kim-Luân định gạt Quách-Phù qua một bên để bắt Hoàng-Dung bỗng có tiếng lảnh lót của một cô gái nạt lớn:
– Hãy khoan, thong thả đã.
Ngay lúc đó từ trong rừng tối một cô gái mặc áo xanh phi thân bay lại lanh như điện chớp.
Kim-Luân định thần nhìn kỹ thấy cô gái thanh y mặt mày xấu xa gớm ghiếc, có lẽ xưa nay chưa có người đàn bà nào xấu xa ghê tởm hơn nữa. Mặt cô ta nửa giống người nửa giống quỷ. Từ bé tới lớn Kim-Luân chưa hề gặp người nào như thế.
Ông hất hàm hỏi lớn:
– Này, cô là ai?
Cô ta điềm nhiên ko trả lời, cúi xuống nhặt lấy mấy tảng đá đặt chắn ngang giữa Hoàng Dung và Kim luân, và hỏi lại:
– Ngài có phải là Kim Luân Pháp Vương bên Tây Tạng ạ?
Tuy mặt mày gớm ghiếc như quỷ dạ xoa nhưng giọng trong như ngọc, dịu dàng ấm áp vô cùng khiến cho Kim Luân nghe qua đã có cảm tình ngay, và hỏi lại:
-Vâng, đúng lắm. Còn cô nương là ai mà bần tăng chưa hề quen biết.
Cô gái thản nhiên đáp:
– Tôi chỉ là đứa bé nơi chốn hoang vu thon dã đâu đáng được giới thiệu ra hôm nay, dù ngài có biết cũn chẳng ích chi đâu.
Miệng nói ta càng sắp một tảng đá thật dài nằm ngay trước mặt. Khi ấy ánh dương đã gác non đoài, chim rừng đã rủ nhau về tổ, gió núi thổi lộng ào ào, nhiều hiện tượng nổi lên hình như động rừng và thoáng như có beo kêu, cọp rống. Thấy hành động cô gái có vẻ khác thường, Kim luân pháp vương hỏi:
– Này cô bé, cô định làm gì đó? Xin cứ để yên các tảng đá, đừng di chuyển đi nơi khác.
Người con gái như ko đếm xỉa tới lời của Kim Luân, chỉ lẩm bẩm 1 mình:
– Phương “Mộc giao” biến sang “Kim Long”…
Quách Phù và 2 anh em họ Võ ngạc nhiên tự hỏi:
-ủa, sao nàng này nói giống y như sư mẫu đã ra lệnh đáp trận loạn thạch vậy nhỉ?
Nghe nàng ra lệnh, tự nhiên cả ba thảy ríu ríu tuân lệnh khiêng đá đặt theo các vị trí đã định. Sau khi vận chuyển mấy phiến đá mà trận pháp đã hoàn toàn biến đổi. Đang chơ vơ vắng lạnh như cảnh rừng hoang, bỗng nhiên trong trận đã có đằng đằng sát khí. Theo dõi tình hình bỗng nhiên có sự thay đổi quá ư đột ngột, Kim Luân vừa giật mình, vừa hoảng sợ vội vàng quát lớn:
– Con bé không được phá rối công chuyện nơi đây. Muốn sống cút ngay lập tức.
Nhưng ng con gái áo xanh vẫn thản nhiên như ko hề nghe tiếng, rồi trầm trầm ra lệnh:
– “Tâm nguyệt hồ” chuyển lại phương vị ” phòng nguyệt thố” .
Rồi nói tiếp:
– ” Nữ thổ bức” tiến sang ” thất hỏa chư” !
Đây là những khẩu lệnh di chuyển phương vị trong nhị thập bát tú của trận bát quái loạn thạch. Những thế này, nếu ko phải là tay tinh tường về thiên văn am thạo ngũ hành thì làm sao mà bố trí cho đúng được?
Thấy nữ lang ra lệnh giống như Hoàng Dung, nên cả ba người Quách phù và 2 anh em họ Võ tin tưởng và tuân lệnh theo răm rắp. Không bao lâu trận loạn thạch đã chuyển động và sát khí phát ra ngùn ngụt, vân vụ lờ mờ, bao vây Kim Luân vào chính giữa. Vừa rồi Kim Luân bị viên đá lớn chọi vào đầu kế bị mấy đòn vào lưng khá nặng, nếu ko phải là tay nội công tinh thục thì ko thể nào đứng vững được nữa. Vì thế nên ông ta rất e dè bảo vệ thân thể ko còn xông xáo như trước đây nữa. Ông chỉ thận trọng đứng ẩn mình sau mấy đống đá lớn. cố tìm cách phá trận. Tuy nhiên ông vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh, vì ông biết rằng, rộn ràng trong lúc này là nguy tới tánh mạng như chơi. Chừng ấy ko bắt được Hoàng Dung mà chính bản thân mình sẽ bị chừng tóm cổ. Ngó trước thấy Hoàng Dung nằm mê man trên mặt đất, nếu cần, chỉ bước tới 2 bước là bắt được ngay. Nhưng lúc này Kim Luân ko còn bụng dạ nào nữa, chỉ lo tìm lối thoát thân mà thôi. Ông bèn tung chiếc vòng sắt ra tấn công Võ tu Văn để y hoảng sợ tránh né rồi tìm thế thoát thân. Tu Văn đã bị thương, toàn thân ê ẩm như dần. Lúc này chàng chỉ dùng sức khẽ gạt sơ một cái thì chiếc vòng sắt cũng đủ lìa tay Kim Luân văng đi nơi khác liền. Nhưng vì diện mạo Kim Luân quá ư hùng dũng, hơn nữa Tu Văn ko khác nào con chim đã bị tên, cho nên Kim Luân chỉ cần đưa vòng ra là chàng lẫn trốn ngay.
Thấy vậy, Kim Luan tự nghĩ than thầm:
– Nếu bỏ thoát cơ hội này ta biết chừng nào gặp được dịp tốt. Có lẽ Hoàng Thiên còn phù hộ cho Đại Tống nên khiến ta bại phen này. Than ôi, anh hùng hào kiệt Trung Nguyên càng ngày càng nhiều, toàn là những hạng trai gái mới lớn lên tương lai rực rỡ, bọn hào kiệt Mông Cổ thật ko xứng vào đâu hết.
Nghĩ xong, ông vuốt ngực thở dài rồi quay đầu bỏ chạy. Nhưng chạy chưa mấy bước bỗng nhiên chiếc vòng sắt đã rời tay rơi xuống đất kêu leng keng, và Kim Luân loạng choạng mấy cái rồi ngã sấp phía trước. Đạt nhĩ Ma thấy vậy hoảng hốt vội gọi lớn:
– Sư phụ, sư phụ làm sao thế?
Y vừa gọi vừa chạy lại đỡ Kim Luân dậy và nói gấp:
– Sư phụ có hề chi ko? Tại sao như vậy?
Kim Luân đưa tay vỗ trán thều thào nói:
Tiếc quá, thật đáng tiếc phải bỏ lỡ dịp này. Thôi chúng mình trốn thoát chỗ này đi thôi.
Vì quá kiệt sức nên Kim Luân bị ngất xỉu luôn chặp nữa. Một tên võ sĩ Mông cổ dắt ngựa xáp lại gần, nhưng Kim Luân mệt quá ko còn đủ sức leo lên mình ngựa.. Đạt nhỉ Ma vội vàng bồng sư phụ đặt lên mình ngựa, rồi cả bọn kéo nhau đi về hướng Đông.
Sau khi sắp lại trận thế giải nguy cho bọn Hoàng Dung rồi, nữ lang thanh y vội vàng chạy lại gần Dương Qua. Thấy chàng nhắm mắt nằm mê man ko hay biết gì hết, nàng bèn nắm tay xem mạch và vạch áo tìm thương tích. Đêm đã khuya, tuy nhiên nhờ cặp mắt luyện nhìn trong đêm tối rất tinh vi, nên nào áo xanh trông thấy Dương Qua bị trúng một chưởng nơi ngực, hai mắt trợn ngược, hơi thở khò khè như lợn cắt tiết. Xem xong nàng chép miệng nói:
– Nặng lắm, thương tích nặng vô cùng.
Lúc này Dương Qua đang mê chợt tỉnh. Chàng thấy một cặp mắt sáng quắt mà dịu hiền đang âu yếu chiếu thẳng vào mặt mình đầy vẻ trìu mến thương yêu, thì tưởng rằng đâu là Tiểu long Nữ. Bất giác chàng đưa hai tay ôm lấy cổ nàng miệng rên rỉ:
– Cô nương ơi, Dương Qua đã bị thương nặng lắm. Tại sao cô nương nở bỏ em như vậy?
Bị chàng ôm cổ bất ngờ, nữ lang thanh y vừa thẹn vừa thương hại vội vàng gỡ mạnh tay ra. Bị nàng hất tay quá mạnh, Dương Qua đau quá chịu ko nổi nhăn mặt than lớn:
– Trời ơi! đau quá, sao cô nương nỡ đánh em như vậy?
Nàng áo xanh dịu giọng nói nhỏ:
– Tôi đâu phải cô nương của anh, xin hãy buông cổ tôi ra.
Dương Qua nhìn sững vào đôi mắt dịu hiền sáng quắt của nàng và rên khẻ:
– Cô nương ơi! Dương Qua đang thương nhớ cô nương mà bị bệnh. Cô nương hãy che chở cho em và đừng hất hủi em tội nghiệp nhé.
Cô áo xanh phải phân trần thêm:
– Anh nhìn sai rồi, tôi đây, chứ ko phải cô nương của anh đâu?
Trong khi trời tối quá, nên Dương Qua ko còn trông thấy rõ nét mặt xấu xí của nàng mà chỉ thấy đôi mắt sáng quắt đầy vẻ dịu hiền thiết tha, giống hệt đôi mắt đẹp của Tiểu long Nữ, nên chàng cố giữ lấy tay nàng miệng năn nỉ.
– Đúng rồi, cô nương đừng giấu tôi làm chi nữa. Cô nương còn hờn giận Dương Qua sao?
Bị chàng trai níu kéo cô gái áo xanh thẹn đỏ mặt và toàn thân cảm thấy nóng rực, như có một luồng điện lạ chuyền vào sưởi ấm. Nàng muốn để tay lại thì thẹn, mà giằng ra thì luyến tiếc, vì vậy nàng cứ ngỡ ngàng đứng yên một chỗ ko cử động hay nói nên lời nào. Một chập sau, Dương Qua định thần nhìn kỹ lại thấy ko phải Tiểu long Nữ, thì đã thất vọng bèn buông tay ra rồi ngã vật xuống, ngất xỉu luôn…
Nàng hãi kinh quay về phía sau, thấy hai anh em họ Võ và Quách-Phù đang lo lắng lăng xăng chạy chữa cho Hoàng-Dung, tuyệt nhiên không một người nào quan tâm đến Dương-Qua hết.
Thấy vậy nàng chép miệng than rằng:
– Thương thế trầm trọng quá, nếu không kíp chạy chữa tận tình e không qua khỏi. Nếu ta câu chấp không cứu chữa chàng đúng theo bí quyết của sư phụ đã dạy thì nguy hiểm lắm. Trong lúc quá nguy nan cũng cần sư quyền biến, hơi đâu câu chấp câu “nam nữ thụ thụ bất thân”.
Than xong, nàng do dự một chút rồi đứng thẳng dậy, bồng Dương-Qua bước ra khỏi thạch trận.
Thật ra Quách-Phù không đến nỗi thờ ơ với Dương-Qua. Nhưng ngặt vì mẹ nàng là Hoàng-Dung bị Kim-Luân đánh mấy đòn khá nặng đang bất tình không khác gì Dương-Qua, vì vậy nên mẫu tử tinh thâm nàng phải lo lắng cho mẹ trước. Còn hai anh em họ Võ, thì lẽ cố nhiên không bao giờ quan tâm tới Dương-Qua mà họ xem như một tình địch đáng ghét. Nếu Dương-Qua chết đi họ vui mừng là khác nữa.
Nữ lang thanh y bồng Dương-Qua ra khỏi rừng đến chỗ con ngựa ốm đang đứng gặm cỏ. Thấy chủ mình bị nạn, con ngựa hí lên lớn thật rồi bứt giây chạy lại bên cạnh, hai chân đâm liền hồi trên mặt đất tỏ vẻ băn khoăn trìu mến. Cô gái áo xanh đặt Dương-Qua trên lưng ngựa, rồi ngại việc trai gái, nàng không leo lên ngồi chung, mà chỉ đi bộ tay giắt con ngựa chầm chậm, để khỏi làm kinh động tới người bệnh.
Dương-Qua nằm trên lưng ngựa khi tỉnh khi mê. Chàng mơ màng hình như kẻ đi trước giắt ngựa là Tiểu-Long-Nữ nên luôn miệng gọi “cô nương”, nhưng trong chốc lát lại mê ngay, thân hình giá lạnh như băng.
Hết mê tới tỉnh, trên hành trình diễn đi diễn lại không biết bao nhiêu lần.
Sau cùng Dương-Qua nghe thoảng qua một mùi thơm nhẹ nhàng dễ chịu khiến cho đầu óc sáng suốt dần và ngũ quan tứ chi cũng thấy khoan khoái thơi thới dần dần. Chàng bèn từ từ mở mắt nhìn quanh. Một khung cảnh lạ hường khiến chàng vô cùng kinh ngạc và tự hỏi:
– Tại sao ta được nằm trên chiếc giường như thế này nhỉ?
Thấy trong người lân lân nhẹ nhõm, chàng muốn chống tay ngồi dậy nhưng vì tay chân đau mỏi như dần, không thể nào ngồi dậy nổi.
Chàng đưa mắt nhìn về phía cửa sổ thấy một nàng áo xanh đang ngồi cạnh bàn, tay cầm bút hình như đang hý hoáy viết chi đó, nhưng vì nàng quay lưng ra phía chàng nằm nên không nhìn thấy mặt và chẳng hiểu nàng đang làm chi.
Tuy nhiên cứ nhìn tấm lưng ong thon thon mảnh mai xinh xắn, chiếc cổ tròn trịa trắng ngần, chàng cũng có thể đoán ra kẻ này rất xinh đẹp, nếu không phải một hoa khôi, ít cũng một tiểu thư con nhà khuê các.
Nhìn lại căn nhà thấy vách đất, mái lợp cỏ, kiến trúc rất sơ sài nhưng trông lối bài trí thật thanh tao trang nhã.
Nơi tường phía đông, có treo một bức ảnh của một thiếu nữ đang hái hoa, hai bên có mấy bức họa sơn thủy rất đẹp.
Trên tường phía Tây có treo một bức liễn chữ viết rất đẹp và hai bên có hai câu đối khác kèm theo.
Trên bức giữa vì chữ nhỏ và tháu quá chàng không đọc được, còn hai câu hai bên có viết:
“Nhứt đẳng nhân, trung thần hiến tử”
“Lưỡng kiện sư, độc thư cánh diều”.
Tạm dịch: Con hiếu tôi trung danh tột bực,
Đi cày đọc sách há thua ai.
Đọc xong câu đối, Dương-Qua ngạc nhiên suy nghĩ:
– Chưa biết chủ nhân nhà này là ai nhưng cứ theo khí tiết trong hai câu này theo nhất định cũng là bậc cao nhân ẩn sĩ. Thật không có gì vinh dự cho bằng một người dân trung với nước, một người con hiếu với phu mẫu, còn có gì thanh cao bằng đọc sách và tự do cho bằng cày ruộng. Biết bao nhiêu kẻ lầu son vách tía, chức phận cao sang nhưng anh em chửi bới lẫn nhau, đối với người trên thì nịnh nọt, đối với kẻ dưới lại khinh khi, xem người nửa mắt!
Bỗng nhiên chàng liên tưởng tới cảnh đời trung hiếu, canh độc thật là thanh cao, khí tiết!
Trong khi chàng đang suy nghĩ miên man bỗng đâu đó bốc lên uyển chuyển nhẹ nhàng, tỏa một mùi hương thơm ngào ngạt, rõ ràng là mùi trầm hương quý giá.
Dương-Qua lại suy nghĩ:
– Té ra xưa nay bao nhiêu tao nhân mặc khách mỗi khi gảy đàn đọc sách đều xông trầm để tỏ lòng thanh cao và tưởng nhớ lại các bậc thánh hiền ngày xưa. Thật chẳng bù với những bọn phàm phu tục tử bao nhiêu sách đem ra gói đồ, và hòa nhạc trong một chỗ sặc đầy mùi rượu thịt.
Rồi chàng nghĩ tiếp:
– Tuy nhiên sách hay đàn cũng có nhiều hạng, và tùy theo sở thích của mỗi người mà đánh giá nhân phẩm của họ. Trong thời buổi loạn lỵ không hiếm chi người cố đọc sách để mưu cầu chút lợi danh hoặc tìm phương kế để hãm hại người khác, làm đường tiến thân cho riêng mình. Còn nhạc thì không hiếm chi loại nhạc dâm ô hoặc những điệu đàn ủy mị vong quốc. Nếu bạ sách nào cũng đọc, bạ bản nào cũng đàn thì có lẽ còn hại hơn những người không bao giờ biết đánh đàn đọc sách nữa.
Suy nghĩ vơ vẩn về lối bài trí trong phòng, Dương-Qua sực nhớ lại chuyện riêng mình và ngẫm nghĩ:
– Ta nhớ kỹ đang đánh cùng Kim-Luân Pháp-Vương trong loạn thạch trận tại giữa rừng, bị thương ngất xỉu rồi, thế tại sao lại về được nơi đây? Hay là cô gái áo xanh kia đã cứu ta và đem lên ngựa chở mình về đây chăng?
Trong khi đang trầm ngâm suy nghĩ chưa biết ra sao, bỗng thấy cô gái xoay mình, trông hình dáng thật vô tình thanh tao xinh đẹp.
Trong căn phòng nhỏ mùi trầm hương tỏa ra ngào ngạt, trái hẳn với cái không khí chết chóc sát hại lẫn nhau ngoài thạch trận, khiến Dương-Qua chép miệng than nhỏ:
– Chỉ trong một vòm trời mà đã phân biệt hẳn thành hai thế giới khác nhau.
Chàng dự đoán có lẽ nàng áo xanh đang mãng suy tư theo ý văn hay câu sách nên mặc dù đã tỉnh vẫn nằm im không cử động và cất tiếng hỏi e làm phiền tới nàng chăng? Chàng nằm vắt tay lên trán nín thinh. Trong phòng vắng lặng như tờ, dù con ruồi bay qua cũng nghe tiếng đập cánh.
Chàng ngẫm nghĩ:
– Nàng cùng ta không quen biết họ hàng chi, chẳng hiểu vì sao lại đối xử tốt cùng ta như thế ấy?
Thình lình chàng gọi lớn:
– Chị ơi, có phải chị đã có lòng tốt ra tay cứu giúp cho tôi không, thật quý hóa quá.
Nghe chàng hỏi, người con gái vẫn không ngước lên, tay cứ viết mà miệng đáp nho nhỏ:
– Chính anh đã có lòng nghĩa hiệp xả thân cứu người, vì vậy nếu tôi có cứu được anh cũng không có gì đáng kể.
Dương-Qua nói nhỏ như để phân trần:
– Quách Bá-mẫu đối với tôi có công dày nuôi dưỡng. Vì vậy nên khi bà lâm nạn, bổn phận tôi là phải xả thân cứu Bà để đáp lại một phần nào ăn đức cũ. Nhưng cô nương, quả thật là… là…
Nhưng người con gái đã cắt lời chàng:
– Tôi đâu nói tới chuyện Quách Bá-mẫu mà chỉ nhắc lại câu chuyện xưa kia anh cứu Lục-vô-Song.
Đã lâu ngày, ba tiếng Lục-vô-Song hầu như đã xóa nhòa trong ký ức Dương-Qua, nay bỗng nhiên được nàng nhắc lại Dương-Qua vội hỏi:
– à, hiện nay cô Lục-vô-Song vẫn còn mạnh giỏi chứ. Vết thương của nàng đã lành hết chưa?
Cô gái tươi cười đáp:
– Cảm ơn anh, nàng đã lành mạnh hẳn rồi. Anh có nhớ tới nàng hay không?
Thấy cô ta có vẻ thân mật hẳn rồi với Lục-Vô-Song Dương-Qua hỏi lại:
– Giữa cô và Lục-vô-Song có họ hàng hay bè bạn hay không?
Cô gái nghe chàng nói mỉm cười và suy nghĩ:
– Cái anh chàng này cũng kỳ lạ lắm, ai ai cũng xưng chị với cô, lúc mê sảng thì lại gọi người ta là cô nương mãi. Mình đâu có già bao nhiêu mà chàng cứ xưng hô theo lối ấy mãi?
Nghĩ xong nàng cười nụ hỏi chàng:
– Sao anh không gọi tôi bằng cô nương nữa đi?
Nghe nàng hỏi, Dương-Qua thẹn đỏ mặt và đoán có lẽ trong khi mê sảng hay mơ tới cô nương, cho nên trước mặt mình ai ai cũng là cô nương hết.
Chàng lén nhìn lên một tý rồi nghĩ thêm:
– Cô nàng cũng hay bắt bẻ và nhõng nhẽo lắm, không muốn mình gọi chị hay cô thì muốn mình gọi bằng chị đây cho vừa ý?
Nghĩ thế nhưng không nói ra, chàng chỉ khẽ đáp:
– Trong lúc đau yếu; nếu có điều gì không phải xin chị vui ông châm chước cho.
Nàng cười lớn và đáp:
– Có chi đâu mà lỗi với phải. Thôi xin cứ nằm yên cho chóng mạnh, để rồi còn đi tìm cô nương chứ.
Dương-Qua lắng tai nghe nàng nói một giọng hết sức ngọt ngào êm ái nghĩ bụng:
– Từ xưa tới nay ta chưa hề tiếp xúc với một cô gái nào nói năng êm dịu bằng nàng này. Lục-vô-Song không được hoạt bát, chỉ đóng vai cô vợ hay ghen là giỏi. Quách-Phù nói năng hoạt bát nhưng lại có cánh tay hay nhõng nhẽo. Gia-Luật-Yên là người Mông Cổ, miệng nói có duyên, nhưng giọng nói ồ ề lại có lúc the thé nghe gắt quá, đây chỉ là giọng của loài đàn bà sát phu. Hoàng-nhan-Bình nói năng cũng thanh nhã nhưng thân hình lại thô kệch. Cô-nương Tiểu-Long-Nữ lúc đầu thờ ơ lạnh nhạt không đếm xỉa tới tình ta. Sau này tuy có tỏ ý yêu thương nặng lời thề thốt, nhưng không hiểu bỗng vì sao lại trái chứng như những hạng cực đoan rồi bỏ ta đi biền biệt?
Còn cô gái áo xanh này thì được cả thanh lẫn dáng điệu, tiếng nói êm dịu thân hình khá xinh, tánh ý có vẻ đoan trang duyên dáng, nhưng rất tiếc không hiểu diện mạo ra sao? Có lạ một điều là tại sao nàng biết rõ ta cần tĩnh dưỡng cho mạnh để rồi đi tìm Cô nương?
Suy nghĩ mãi, tánh tò mò thúc đẩy khiến chàng không nín được nữa. Trong khi cô gái mãi mê viết, chàng vùng gọi lớn:
– Chị ơi, xin chị vui lòng cho biết rõ tên họ để tiện xưng hô.
Nàng vẫn cặm cụi viết không ngừng nhìn lên, miệng nói:
– Xin để cho tôi viết xong đã, mà hỏi có ích chi đâu?
Dương-Qua trách:
– Thật cô khinh tôi quá nên không thèm cho tôi biết tên cũng không cho thấy mặt. Tôi tuy quê mùa dốt nát nhưng cũng là kẻ biết ơn nghĩa chút ít. Trong lúc hoạn nạn gặp nhau, tôi mong sự quen biết này sẽ lưu lại nhiều kỷ niệm êm đẹp về sau, và xin chị đừng cho đó chỉ là cuộc gặp gỡ qua đường rồi quên lãng mất.
Nàng đáp:
– Tên tôi chẳng đẹp gì, mà mặt mày tôi càng xấu xa hơn nữa, không nên xem anh à.
Dương-Qua cãi:
– Tôi biết rồi. Chính chị muốn đeo mặt nạ cho xấu đi chứ kỳ thiệt diện mạo củ chị phải hoa nhường nguyệt thẹn.
Nàng cười đáp:
– Nếu trời cho tôi được hoa nhường nguyệt thẹn, hay xinh tươi như Cô-nương của anh, thì việc gì tôi phải dùng mặt nạ mà che đi.
Dương-Qua ngạc nhiên hỏi:
– ủa, sao chị biết Cô-nương tôi xinh đẹp. Chị gặp cô ấy tại chỗ nào thế?
Nàng đáp:
– Tôi làm gì có hân hạnh gặp cô ấy. Nhưng trong khi anh mê man lúc nào cũng mơ tới cô ấy. Vì vậy tôi đoán một người con gái phải hết sức xinh đẹp mới được người ta thiết tha thương nhớ đến thế. Nàng phải đẹp lắm để lúc tỉnh anh không quên, lúc mê anh mơ tới hoài.
Dương-Qua thờ thẫn nói:
– Nếu chị gặp cô nương tôi, chắc chắn chị phải khen là xinh đẹp.
Nàng cười dòn:
– Đã hẳn thế rồi.
Nói xong nàng cặm cụi viết nữa.
Dương-Qua hỏi nữa:
– Cô vẽ gì đấy?
Nàng đáp:
– Tôi đâu biết vẽ. Tôi đang tập viết đấy mà!
Dương-Qua cười nói:
– Thôi, xin chị đừng khiêm nhường thái quá. Cứ xem lối múa bút của chị tôi cũng đoán biết tài viết của chị như thế nào rồi.
Cô gái cười ngoặc ngoẽo nói:
– Thật sao, anh nói sao mà tài lắm vậy? Hay là anh ngạo tôi đó?
Dương-Qua đáp:
– Có gì lạ đâu. Cứ xem mặt đoán được tài người. Thân hình chị đẹp đẽ mảnh mai, thì nhất định nét chữ của chị cũng phải bay bướm và sắc sảo lắm. Chị có cho tôi xem các tác phẩm vừa rồi có được hay không?
Nàng áo xanh đáp:
– Xin thú thật chữ tôi vụng về xấu xí lắm. Tôi đang chờ khi nào anh khỏi sẽ nhờ anh chỉ thêm đây mà. Hôm nay tôi còn đang tô theo dấu chữ phóng bằng son đỏ chứ đã viết được một mình đâu.
Nghe nàng nói, Dương-Qua thấy hổ thẹn và tự nghĩ:
– Khi còn trên đào hoa đảo giá mình nghe lời Hoàng-Dung tập chữ nghĩa cho khá thì bây giờ cũng có dịp phô trương với người. Tài nghệ mình không đầy lá mít thì còn mong gì dạy lại ai nữa.
Trong lòng chàng đang phân vân tự trách, bỗng nhiên thấy ruột quặn đau. Dương-Qua vội vàng nín hơi vận dụng nội công cho khí huyết chuyển động chống lại cơn đau, rồi chợp ngủ từ lúc nào không hay biết.
Đến khi giật mình chợt tỉnh thì trời đã tối rồi. Cô nàng áo xanh đang loay hoay lo dọn cơm cho chàng ăn.
Chàng gượng ngồi lại bàn ăn, thấy không có cá thịt mà đơn sơ chỉ có mấy đĩa rau tươi, đậu phụng và mấy trứng vịt luộc, tuy nhiên mùi gạo đồng mới gặt, mùi hương thơm ngát, chén bát sạch sẽ tươm tất và gặp lúc đang đói bụng, nên ăn rất ngon lành.
Chàng ăn luôn một hơi bốn năm bát lớn, miệng khen:
– Cơm sốt canh nóng, rau tươi và được bàn tay cô nương nấu nên ăn thật ngon miệng.
Vì có mang nạ da người bên ngoài nên không thể nào đoán được nét mặt của nàng áo xanh cảm xúc ra sao. Tuy nhiên cứ xem qua đôi mắt sáng rực và chớp lia lịa của nàng, Dương-Qua cũng đoán được nàng đang vui vẻ lắm.
Qua ngày hôm sau, thương tích của Dương-Qua đã giảm hết bảy tám phần. Nàng áo xanh bèn nhắc ghế lại ngồi cạnh giường, lấy kim chỉ vá lại những mảnh áo rách cho chàng.
Vá xong các lỗ rách, nàng cầm lên ngắm nghía rồi cười nói:
– Mặt mày anh trông sáng sủa như thế kia, tại sao ăn mặc áo rách rưới như vậy?
Nói xong, chẳng cần Dương-Qua trả lời, nàng chạy luôn vào buồng đem ra một cuộn vải xanh, ướm cắt cho chàng một cái áo mới để thay đổi.
Nhìn nữ lang thanh y nói năng dịu hiền, thái độ thanh nhã từ tốn tuổi chỉ vào khoản mười tám mười chín, nhưng đối với mình hết sức ân cần chu đáo, không khác nào bà chị hiền săn sóc cho đứa em cưng. Từ nhỏ sớm mồ côi cha mẹ, Dương-Qua cảm thấy cuộc đời cô độc không ai âu yếm chăm nom, đến nay thấy nàng áo xanh tận tình chăm sóc mình, nên Dương-Qua cảm động quá, nhỏ nhẹ nói:
– Chị đối với em tốt quá, em biết lấy gì bồi đáp lại cho xứng đáng với tấm thạnh tình này?
Nàng mỉm cười đáp:
– Một mảnh áo vải đâu có gì đáng kể. Biết quên tánh mạng mình, xả thân cứu người khác, đó mới là một hành động đáng kính và đáng quý chứ.
Dương-Qua không biết nói gì hơn, chỉ nhìn nàng, trong lòng thấy dìu dịu và hân hoan khôn tả.
Suốt buổi sáng, trong phòng vắng lặng như tờ, mãi tới trưa, cơm nước vừa xong, nàng áo xanh lại tới bàn cặm cụi viết nữa.
Dương-Qua tò mò muốn biết nàng viết những gì, nhưng hỏi đã nhiều lần nàng vẫn không chịu nói thật.
Cứ mỗi bận viết xong, nàng chăm chú xem lại, và sau một hồi thẫn thờ suy nghĩ, hình như không vừa ý nên vò nát vứt đi. Hết viết rồi xem, hết xem lại vẽ, sau hình như quá chán nàng khẽ thở dài, dẹp đi không viết nữa và hỏi Dương-Qua:
– Anh thích ăn món gì cứ nói thật, tôi sẽ mua về nấu cho mà dùng nhé. Dương-Qua cảm động quá vội đáp:
– ối, ăn uống thề nào cũng được, miễn no bụng thì thôi, cô đừng quan tâm đến chuyện ấy làm gì cho mệt trí.
Nàng đáp:
– Có chi mà mệt. Anh muốn ăn chi cứ nói nhé, chúng ta đừng quá khách sáo không hay và mất vẻ thân mật đi.
Thấy nàng thật tình cùng mình nên Dương-Qua cười bảo:
– Lâu ngày không được ăn xôi cũng thèm thèm. Nếu chị có nếp thổi ít xôi ăn chắc thú vị lắm.
Nàng cười xòa hỏi:
– Tưởng gì chứ xôi thì dễ lắm. Nhưng anh thích xôi ăn với đậu hay với đường?
Dương-Qua đáp:
– Xôi nào cũng được, miễn có ăn thì thôi, đậu cũng ngon mà đường cũng tốt.
Chiều ấy, Dương-Qua được ăn xôi và tráng miệng bằng chè đậu nấu đường. Đặc biệt là món xôi kèm thêm thịt nướng. Lâu ngày ăn lạ miệng Dương-Qua thấy ngon lạ lùng, vừa ăn vừa khen không ngớt.
Thấy chàng ăn uống thật tình, cô gái khen:
– Tình cờ mà tánh anh lại hạp với tánh tôi quá.
Dương-Qua ngạc nhiên hỏi:
– Hạp nơi chỗ nào?
Nàng đáp:
– Tôi vốn sanh trưởng tại Hồ châu, xứ này có nếp ngon nên nấu xôi dẻo và thơm nhất hạng. Tôi thích ăn xôi nên thỉnh thoảng lại nấu một bữa ăn trừ cơm.
Nghe nàng nhắc lại Hồ-Châu, Dương-Qua bỗng sực nhớ lại ngày nào Quách-Tỉnh và Hoàng-Dung có đấu với Lý-mạc-Thu tại xứ này, và sau đó gặp Âu-Dương-Phong. Không biết cô gái này là ai, thế nào cũng có gặp qua một lần, và nhất định thế nào nàng cũng biết mình nhưng nghĩ hoài không tìm ra tông tích.
Ăn uống xong, thừa dịp lúc nàng lo thu xếp chén đĩa mang xuống bếp rửa, Dương-Qua bước ngang qua bàn, hết xem mảnh giấy thử nàng ta viết gì. Ngại nàng lên bất ngờ, chàng vội lấy đại một tờ bỏ vào túi đem về giường xem lại.
Ngồi trên giường mở mảnh giấy ra xem, chàng rất ngạc nhiên thấy chỉ vỏn vẹn tám chữ:
Ký kiến quân tử, vân hồ bất hỉ”
(Nghĩa là: Đã gặp người quân tử, có chi vui hơn).
Xem lại hai ba lần, Dương-Qua suy nghĩ:
Lạ nhỉ! Đây là một câu trong kinh Thi, nhưng không biết cô ta định nói gì, hay có dụng ý chi đây. Quân tử này là ai? có lẽ là mình chăng?
Suy nghĩ mãi không ra, chàng bèn lại bàn lấy thêm mấy tờ nữa, nhưng tờ nào cũng vỏn vẹn có tám chữ như vậy mà thôi.
Không biết dụng ý của nàng thế nào, Dương-Qua cứ ngồi lặng thinh suy nghĩ mãi.
Bỗng có người đi lên, Dương-Qua lật đật vò nát mấy mảnh giấy rồi vội nhét vào túi cất dấu.
Nàng cũng lượm tất cả các mảnh giấy còn trên bàn và rơi dưới đất đem đốt đi.
Trong lúc nàng đốt giấy ngoài hiên, thì trong giường Dương-Qua suy nghĩ mãi:
– Đã gặp người Quân tử! Quân tử này là ai đây? Hay là nàng muốn nó là mình. Nhưng cũng vô lý thật. Nàng đã nói chuyện với ta câu nào đâu mà nhận định như vậy được. Nếu không thì cũng vô lý. Vì tại chốn này, ngoài ta ra thì không còn một kẻ thứ ba nào nữa.
Lòng vẩn vơ suy nghĩ chàng thấy người con gái lại trở vào, đến bàn tắt phụt ngọn đèn dầu rồi lững thững đến cạnh cửa sổ ngắm nhìn ánh trăng.
Trăng lên cao. ánh trăng xuyên qua cánh cửa mở hé hé, nhìn trông như một giải lụa bạch trải từ ngoài hiên vào trong phòng.
Cảnh vật đẹp đẽ nên thơ làm sao! Chợt Dương-Qua gọi lớn:
– Chị này.
Nhưng nữ lang điềm nhiên như không hay biết bỏ đứng dậy rồi lững thững bước ra ngoài hiên.
Một chặp sau, từ bên ngoài, một giọng tiên sầu lảnh lót réo rắt trong đêm thâu, vọng từ không gian vô tận, lọt qua song cửa, khiến cho tâm hồn Dương-Qua lâng lâng nửa mê nửa tỉnh.
Chàng suy nghĩ:
– Xưa kia ta gặp nàng cầm ống tiêu đánh cùng Lý mạc Thu, nhưng tưởng nàng chỉ có tài múa tiêu chứ ko ngờ nàng lại có biệt tài thổi tiêu hay như vậy?
Khi còn sống trong cổ mộ, Dương Qua đã được Tiểu long Nữ dạy cho đánh đàn vì vậy nên chàng cũng hiểu qua 1 ít về âm điệu của nhạc khí. Hôm nay ngồi lắng nghe nàng áo xanh thổi bài ” Vô xạ thương” theo điệu “kù úc” nguyên văn như sau:
” Chim bỉ kỳ úc,
Lục trúc y y
Hữu phỉ quân tử
Như thiết như tha
Như trác như ma”
Đay là 5 câu trich trong đoạn Kinh thi đại ý nói “nhìn 1 bãi sông kỳ trúc xanh tươi đẹp, khen thay cho ng quân tử đức thẳng như ngọc phải năng giũa năng mài. Và muốn gầy dựng nên nghiệp mai sau, việc đầu tiên của ng quân tử là phải gầy đựng nên vợ chồng”
Tiếng tiêu réo rắt cao vút từng mây, khi trầm trầm như lặng tận đáy biển, khi thoảng qua như ngọn gió thu, dồn dập như sấm gào sóng vỗ.
Tiếng tiêu không phải để rửa sầu cho ng lữ khách, mà hình như nhắc ai rằng ngọc lành em đang treo giá, chỉ mong ng quân tử đừng quá hững hờ!
Nghe tiếng tiêu dìu dặt, Dương Qua cảm thấy hứng thú, bèn đứng dậy vói tay lên tường lấy cây đàn bảy dây đã mắc sẵn, so dây thử phiếm rồi tiện tay khảy luôn 1 bài hoà theo đúng âm diệu của tiếng tiêu đang vũ lộng từ mấy tần mây.
Tiêu đàn cùng hoà nhịp , như đôi chim loan cùng gáy, như đôi uyên ương cùng kêu, Rõ ràng ng thục nữ muốn mượn tiếng tiêu gợi lòng quân tử đang lấy dây tơ đáp lại mối thâm tình.
Trong lúc hai bên cùng hoà điệu réo rắt, bỗng nhiên từ bên ngoài tiếng tiêu im bặt. Dương Qua trong phòng cũng ngừng hẵn tiếng đàn, Chàng ngẫm nghĩ:
– Cô nàng mượn tiếng tiêu bày giãi nỗi lòng. Nay thấy mình dùng tiếng đàn đáp lại nên nàng tạm thấy phỉ nguyền, không thổi nữa chăng?
Khi tiếng đàn lẫn giọng tiêu cùng ngừng tấu, im lặng lại bao trùm cả không gian, căn phòng không trở lại nét hoang tịch cô liêu và khu rừng cũng đắm chìm trong hư vô trầm mình dưới ánh trăng bàn bạc.
Nhưng chờ mãi không thấy nàng về chàng nằm mãi 1 mình nóng lòng trong đợi, trằn trọc thâu canh. Mảnh trăng le lói cứ rọ sáng trần gian, và từng tiếng côn trùng rả rít vang lên xé màn đêm tịch mịch…
Dương Qua bực trí nghĩ vẫn vơ và cứ phe phẩy mãi chiếc quạt mo đưởi muỗi.
Đêm khuya lắm, chàng thiếp đi hồi nào không biết.
Bình minh bừng lên, tiếng oanh vàng đã ríu rít ngoài hiên làm chàng chợt tỉnh giấc, vội đưa mắt nhìn ánh chiêu dương đang bao phủ khắp quanh nhà, từng đợt gió ban mai thoảng qua, làm tâm hồn thêm khoái sảng.
Dương Qua lẩm bẩm:
– ồ, không ngờ đêm qua mình ngủ 1 giấc ngon quá.
Rửa mặt xong, chàng lấy chiếc mawt nạ da người đeo vào. Cô gái áo xanh vừa bưng thức ăn điểm tâm lên, trông thấy, lúc đàu hơi bỡ ngỡ, nhưng một lát nàng nghĩ:
– Định nhát ai mà đeo cái thư nợ ấy vào mặt như vậy?
Tuy hỏi vậy, nhưng trong thâm tâm nàng đoán rằng Dương Qua định mang mặt nạ như nàng, để rồi sau này buộc phải gỡ của mình trước rồi mới gỡ của chàng sau. Kể như thế cũng thủ đoạn đấy chứ. Nhưng tánh ta đâu dễ cho kẻ khác bắt bí được.
Hai người cùng ăn xong, nàng thu dọn chén bát, bưng mâm ra ngoài, và suốt ngày ấy 2 người ko nói với nhau 1 câu chuyện gì hết.
Dương qua cảm thấy trong lòng áy náy và suy nghĩ “Hay là nàng giận lây ta chăng? Tại sao ta có thể gây buồn phiền hờn giận cho ng ơn nhu thế được. Chiều nay phải xin lỗi nàng mới phải.”
Chiều tối, nàng thu dọn chén dĩa của bữa cơm tối xong, hình như dự tính bỏ đi đâu đấy. Dương qua vội vàng ân cần nói:
– Cô nương thổi tiêu hay quá, xin cho nghe thêm vài khúc nữa được chăng?
Nàng ngập ngừng 1 chút rồi đáp ngay:
– Nếu anh muốn thì cũng được vậy.
Nói xong, nàng đặt mâm chén bát xuống bàn, đi lấy chiếc tiêu bằng ngọc đem ra rồi lại ngồi ngay bên giường Dương Qua thổi.
Nghe giọng điệu vừa trỗi lên, Dương Qua gật gù trầm trồ và hỏi:
– Đây có phải là điệu “nghênh tiên” không?
Nàng vừa thổi vừa gật đầ, và tiếng cứ lảnh lót vọng ra như nỉ non như ai oán. Dù có mặt nạ, nhưng cứ theo âm điệu mê ly của tiếng tiêu, ai cũng có thể đoán được bên sau chiếc mặt nạ có một khuôn mặt xinh xắn tuyệt vời, không thua chi nàng Lộng Ngọc hay Tây Thi tiên tử.
Nàng mải mê sau nắn từng ngoán tay trên ống tiêu, theo đúng cung bậc tuyệt vời, chàng thì lắng tai nghe đê mê, mắt đắm đuối nhìn những ngón tay thon thon trắng nuột như búp măng nhảy tung tăng trên ống ngọc, tâm hồn như chìm đắm trong 1 khung cảnh thần tiên. Lúc bấy giờ trăng đã lên cao, chênh chếch rọi vào nhà sáng rõ như tấm lụa bạch giăng ngang…
Thình lình cô gái áo xanh buông tiêu trợn mắt kêu “ồ” một tiếng đày vẻ kinh ngạc!
Thấy thái độ nàng bỗng nhiên thay đổi quá đột ngột từ mê ly đến rùng rợn thì Dương Qua thắc mawc chưa hiểu vì sao? Chàng quay đầu nhìn theo phía nàng đang dán mắt trân trối, thì thấy trên tường có in đành rành 3 chiếc bàn tay máu đỏ nhu son.
3 bàn bay lại in hẳn trên cao, nếu không phải hạng có khinh công cao kỳ thì không thể nào vói lên để in tới được.
Chàng ngạc nhiên tự hỏi:
– Tại sao trăng sáng như ban ngày mà lại xảy ra hiện tượng lạ lùng dường ấy?
Dương qua lạ lùng hỏi nàng:
Chị biết ai đã in các bàn tay này không?
Cô gái rầu rầu đáp nhỏ:
– Anh ko hiểu kẻ ấy là Xích luyện Tiên tử sao?
Dương qua trố mắt hỏi:
– Lý Mạc Thu à, chết chửa! Vậy hắn tới từ lúc nào vậy?
Nàng đáp luôn:
– Không biết. Nhưng một khi bà đã in dấu ba bàn tay máu là ngụ ý báo trước sẽ giết đủ ba mạng trong nhà này.
Dương Qua hiểu tường tận, nhưng buột miệng hỏi :
– Ba người sao? ai vậy? Tại sao lại ba người?
Nàng điềm nhiêm đáp:
– Quả đúng vậy. Cứ in 3 bàn tay máu là sẽ có ba người chết.
Dương qua hỏi:
– Trong nhà này, trừ 2 chúng ta ra còn người thứ ba nào nữa?
Nàng chưa kịp đáp, bỗng từ ngoài có tiếng con gái vọng vào:
– Người thứ ba là tôi đây.
Ngay lúc đó từ ngoài mái hiên một ng con gái mặc áo màu hoàng yến vừa bước vào. Ng này mới trông qua thấy thân hình mảnh dẻ.. Dương Qua nhìn kỹ rõ ràng con ng quen thuộc cũ: ” Lục vô Song”.
Lục vô Song tươi cười nhìn chàng hỏi:
– Anh ngốc của em ơi, tại sao bị thương nặng như vậy?
Ngại sự hiềm nghi của nàng áo xanh, Dương Qua dùng giọng nghiêm chỉnh đáp:
– à, té ra là chị dâu của tôi. Chị dâu đi đâu bấy lâu nay mà biệt tin như vậy?
Chàng cố dùng 2 chữ ” chị dâu” để giới thiệu cho nàng áo xanh biết giữa 2 người ko hề có chuyện tà tâm, tình ái.
Lục vô Song quay sang nàng áo xanh nói lớn:
– Này dì, vừa tiếp được thư dì, tôi đã vội đến ngay đây để dì bớt chờ mong.
Rồi ngó Dương Qua, nàng nói tiếp:
– Còn chú ngốc, vì sao mà bị thương như vậy?
Dương Qua chưa kịp trả lời, nàng áo xanh đã đưa tay chỉ 3 dấu bàn tay màu đỏ chói in trên tường trước mặt.
Lục vô Song vừa nhìn thấy đã” ối” lên một tiếng hãi hùng như trẻ nhỏ đi đường gặp ma, mặt mày tái mét. Đến đây, Lục vô Song hồi tưởng lại ngày còn thơ ấu, Lý mạc Thu cũng từng in vết tay máu trên tường nhà ở Lăng Hồ thuộc phủ Hồ Châu và ngay đêm đó Lý mạc Thu đã hạ sát toàn gia ko chừa 1 con vật nào, kể cả gà chó.. Nghĩ tới cảnh rùng rợn đẫm máu ấy, nàng sụt sùi muốn troà nước mắt. Nghĩ đi nghĩ lại 1 chập bỗng nhiên nàng đưa tay giật phăng chiếc mặt nạ trên 2 người quăng mất và nói lớn:
– Trong khi đang lâm vào tình trạng nguy biến, thần chết cận kề mà ko biết lo toan giải nguy cơ, cứ lo đeo thứ này vào để nhát ai vậy?
Khi chiếc mặt nạ vừa rớt xuống. Dương Qua liếc nhìn thiếu nữa áo xanh thấy mặt mày nàng vô cùng xinh đẹp, nước da trắng như tuyết, mũi dọc dừa, đôi mắt đen láy, vừa có duyên vừa đằm thắm, tuy sánh với Tiểu long Nữ ko nổi, nhưng cũng là một hạng quốc sắc thiên hương, trên thiên hạ hiếm ng bì nổi.
Cô gái áo xanh, vốn là em họ của Lục vô Song tên gọi Trình Anh. Trước kia Trình Anh bị Lý mạc Thu bắt cóc suýt nữa nguy tới tính mạng, thời may được chúa đảo Đào Hoa là Hoàng dược Sư cứu thoát. Nguyên thân phụ của Hoàng Dung là Hoàng dược Sư về già bèn đi chu du khắp thiên hạ để thưởng thức cho hết những cảnh đẹp của hoá công, lấy bốn bể làm nhà, khi lên rừng khi dạo núi, lê gót khắp sông hồ, cũng có khi về tận hương thôn viếng thăm những ngôi chùa cổ kính. Khi gặp Trình Anh bị bàn tay độc thủ của Lý mạc Thu, ông ra tay giải cứu rồi thương tình mang về Đào Hoa đảo làm đồ đệ. Thấy nàng xinh đẹp ngoan ngoãn thông minh, nên ông thương yêu không khác gì con gái là Hoàng Dung.
Tuy Trình Anh không thông minh bằng Hoàng Dung nhưng lanh lẹ và khôn ngoan cũng hiếm người bì kịp. Hoàng dược Sư bèn đem truyền thụ nhiều môn võ công thượng thặng và chỉ dạy cách bày binh bố trận nữa. Sau một năm trời học tập, thấy bãn lãnh cũng kha khá, Trình Anh bèn xin phép ông hạ sơn tìm người em cô cậu là Lục Vô Song đã lưu lạc từ thuở bé. Sau khi gặp nhau, Lục vô Song và Trình Anh bèn đưa nhau vào cạnh ven rừng lập nên một ngôi nhà nhỏ xinh xinh, tạm trú qua ngày tháng đồng thời cũng để chạy chữa vết thương trong khi cùng đấu với Lý mạc Thu trong quán độ nọ. ít lâu sau Lục vô Song đi theo một người bạn gái ngao du ở cánh rừng bên cạnh rồi mãi không thấy trở về. Trình Anh đi tìm, bất ngờ lại gặp Hoàng Dung đang bị Kim Luân Pháp Vương áp đảo trong trạn loạn thạch. Nhờ trước kia được sư phụ dạy cho những bí quyết lập trận ngũ hành, nên Trình Anh đã trổ tài thiếp lập lại trận loạn thạch, biến nguy thành an, đuổi Khi Luân cứu được mẹ con Hoàng Dung và Dương Qua đem về đây cứu chữa. Âu cũng là một chuyện nhân quả do con tạo đã xếp bày.. Giá trước khi Dương Qua ko giải cứu cho Vô Song thì chuyến này đời nào Trình Anh lại chịu cứu chàng và tận tâm chạy chữa! Thế rồi cả ba người ngồi quây quần trên giường bàn về chuyện Lý Mạc Thu. Sau khi nhắc lại gốc tích ngày xưa, ba người mới rằng xưa kia người nào cũng có sống trên Đào Hoa đảo và Hồ Châu. Sở dĩ Lý mạc Thu bị đui một con mắt và vì con chim hoả điêu của Dương Qua mổ trúng. Sau này vì dám chống đối cùng Hoàng dược Sư nên bị Trình Anh đánh cho bốn bạt tai thật mạnh. Còn Lục vô Song thì bị Lý mạc Thu buộc tội phản sư môn và ăn cắp cuốn ” Ngũ độc kỳ thư”.
Thế là cả ba đều là những kẻ tử thù của Xích luyện Tiên Tử. Hôm nay gặp nhau lại, tất nhiên phải tận diệt, việc trả thù không thể nào tránh thoát nữa. Sở dĩ Lý mạc Thu gặp Dương Qua bị trọng thương nơi đây như ko chịu giết ngay mà còn giả ơn, giả nghĩa ra dấu hiệu bàn tay máu cảnh cáo trước khi hạ sát vì nàng nghĩ rằng:” Dương Qua đang bị trọng thương ko còn chiến đấu nổi nữa. Lục vô Song với Trình Anh bản lãnh còn non nớt, đối với ta đâu có nghĩa lý gì. Chi bằng ta cứ đương nhiên hành động như trước khia cho ra vẻ anh hùng nghĩa hiệp. Dù sao ba người cũng không thể nào trốn thoát được nổi nữa. Như thế thù xưa đã rửa mà hành động của mình lại có vẻ cao thượng và kể cả hơn.
Trình Anh lo ngại nói:
– Tôi nhớ lại ngày trước hắn vào giết phá nhà chị ngay lúc ban ngày. Lần này có lẽ hắn cũng đến trong buổi sớm mai, vào khoảng cuối giờ mão mà thôi. Hay hơn là chúng ta lợi dụng con ngựa của Dương ca chạy hay cùng nhau tẩu thoát trước cho rồi.
Lục vô Song lắc đầu nói:
– Làm sao được, trong khi anh ngốc đang đau nặng, ko đi được đâu.
Dương Qua than nhỏ:
– Cỡi ngựa mà còn ko đủ sức thì làm sao có thể đánh nhau được nữa. Phen này có lẽ khó thoát khỏi tay Lý mạc Thu.
Lục vô Song đề nghị:
– Hay là em chịu khó cõng Dương huynh chạy về một phía, còn chị thì tìm cách đánh lừa dụ nó đuổi theo đường khác. Như vậy may ra cứu được mạng anh chàng. Trong ba đứa mình chắc nó ít quan tâm đến chị, nên nếu rủi bị bắt chắc có lẽ cũng không đến nỗi nào đâu. Chứ em và Dương huynh mà bị bắt thì đừng hòng còn sống sót với Lý mạc Thu
Thế là 2 chị em cứ bàn qua tán lại, ai cũng muốn lãnh phần hy sinh chận giặc và nhường cho người kia đem Dương Qua đi trốn. Thấy hai người tuy ít tuổi nhưng có thâm tình cùng mình, Dương Qua cảm động vô cùng và nghĩ bụng:
– Họ tuy nhỏ nhưng nghĩa khí lớn nên trong lúc thập tử nhất sinh mới tranh nhau mạo hiểm vì mình. Như vậy dù ta phải chết vì tay Lý mạc Thu cũng vui dạ, nỡ nào để phiền tới 2 ng mà tìm phương trốn thoát.
Khi ấy Lục vô Song nhìn Dương Qua nói:
– Anh ngốc ơi, sao anh lặng thinh như vậy? Bây giờ anh muốn tôi hay em tôi cõng anh, xin cứ nói thật ra xem sao? Mau lên chứ sắp xếp không còn kịp nữa đấy.
Dương Qua đang ngập ngừng chưa đáp thì Trình Anh đã cướp lời:
– Chị này kỳ quá, lúc này mà còn gọi anh ấy là chàng Ngốc mãi, không sợ anh buồn lòng sao?
Lục vô Song xì một tiếng đáp:
– Dì đã dùng thư từ tỏ ý cùng chàng nên cứ bênh chầm chập. Ta đã biết rõ lắm rồi. Anh Ngốc là người của dì đấy chứ ai có tranh mất đi đâu? Vậy bây giờ dì nhận cõng anh ấy trốn đi nhá.
Trình Anh mắc cỡ hai má ửng hồng, sau mới nói được mấy lời chữa thẹn:
– Anh ấy đã gọi chị là chị dâu, thì bổn phận của chị dâu phải cứu em chứ còn đùa cho ai nữa? Xưa kia Quan Công phò nhị tẩu quá ngũ quan, thì ngày nay nhất tẩu không phò Dương thúc thúc lánh nạn được hay sao?
Lục vô Song nghe Trình Anh nói câu này thẹn quá, mặt mày đỏ như gấc. Nàng dùng tay đẩy mạnh Trình Anh ra xa, nhưng nàng đã lanh chân né được. Cảnh tượng giữa ba người trong phòng lúc này có vẻ hồn nhiên vui nhộn chứ ko có gì là nặng nề nguy hiểm hết. Hai cô gái cứ đùa nhau cười khúc khích mãi, khiến Dương Qua thầm nghĩ:
– Bất tiện quá, nếu để Trình cô nương đem ta đi thì Lục vô Song sẽ nguy khốn, trái lại nếu để Lục cô nương đem ta trốn thì Trình Anh làm sao khỏi chết vì Lý mạc Thu? Đằng nào cũng có một nàng hy sinh vì mình. Như thế không được đâu.
Nghĩ vậy chàng cất tiếng nói:
– Hai cô đối với toi tốt quá, ơn này tôi không dám quên. Vậy bây giờ hai cô cứ tìm đường thoát thân đi, để một mình tôi ở lại đối địch cùng hắn. Lý mạc Thu cùng sư phụ tôi vốn có tình đồng môn, chẳng lẻ y lại ko nghĩ tình sư muội mà giết tôi hay sao?
Nghe chàng nói, Lục vô Song lắc đầu gạt ngay:
– Tôi ko trốn đi đâu hết.
Dương Qua biết cả hai đều có lòng khí khái, nhất định ko người nào bằng lòng bỏ mình lại để thoát thân một mình nên nghiêm giọng nói:
– Thôi, đã thế thì chúng ta cùng ở lại hết, hoặc cùng chạy trốn một lần luôn thể. Nếu hắn đuổi theo, chúng ta sẽ quay lại cùng chiến đấu, sống chết tuỳ số mạng, có chi mà lo.
Lục vô Song tán thành ngay:
– Hay lắm, hay lắm, thà chết cùng nhau còn hơn là sống riêng một mình.
Trình Anh trầm ngâm một lúc rồi đáp:
– Không tiện đâu, Lý mạc Thu chạy mau như gió, mình ko thể nào chạy thoát khỏi tay nó. Nếu bỏ đi, rủi nó bắt gặp dọc đường thì thật là bất tiện, chi bằng chúng ta cứ dưỡng sức nơi đây, chờ nó tới. Như thế thì mình khỏe mà chờ người mệt, chẳng lợi hơn sao?
Dương Qua vỗ tay khen vùi:
– Cô có kiến hay lắm. Cô có tài về ngũ hành độn pháp, ngay Kim Luân Pháp Vương mà còn thua huống hồ chi Lý mạc Thu.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!