Thăng Long Nổi Giận - Chương 09
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
168


Thăng Long Nổi Giận


Chương 09


Trần Nhân tôn cứ đọc đi dọc lại mãi bài: “ Tống Sài Trang Khanh” của Trần Quang Khải. Thái sư đưa tiễn Sài Thung lên tận biên ải. Và bài thơ này làm đêm trước khi Sài Thung rời đất Lạng Châu. Tức là sau khi Sài Thung đã dằn lòng nhận chuyển biểu chương của nhà Trần, xin hoãn các việc mà Hốt-tất-liệt đòi, với lời chứng của sứ giả rằng những điều trần tình trong biểu là thực.

T

Nhân tôn nhớ bữa thết yến Sài Thung tại điện Tập Hiền. Y cứ khăng khăng đòi nhà vua phải vào chầu. Mặc dù nhà vua có nói sức yếu, đường xa, thủy thổ không hợp. Không bắt bẻ thêm được, y lại đòi phải cho hoàng tử làm con tin. Nhà vua bèn cho gọi hoàng tử vào. Lúc ấy hoàng tử mới có sáu tuổi. Dáng người khôi ngô nhanh nhẹn. Hoàng tử vái chào vua cha và mọi người, rồi cúi chào Sài Thung. Sài Thung cứ khen mãi thái tử có quý tướng. Nhân tiện nhà vua lại nói: “ Mới chỉ có được một con. Trẻ nhỏ không chịu được nắng gió, lại sống xa sự dưỡng dục của cha mẹ, e không chịu nổi, xin quan chánh sứ hiểu lòng cho”.

Vậy là cứ từng điều một trong chiếu của vua Nguyên, đem ra bàn bạc cho cạn nhẽ. Điều nào Sài Thung cũng đuối lý, không ép được. Cuối cùng y dằn dỗi nói:

– Ta đến An Nam không phải chỉ có việc úy lạo các ông. Mà đem chiếu của thiên tử nhắc các ông những việc từ trước chưa chịu làm. Nay các ông vin hết cớ này đến cớ khác, để thoái thác mệnh trên. Ngay việc tự quân đây lên ngôi cũng chưa có mệnh thiên tử. Lại không chịu lạy chiếu, thì sao tỏ được phận dưới trên. Rồi việc quân, việc lương, việc biên kê hộ khẩu nhất nhất chối từ. Vậy thời, trở lại Đại đô ta tâu với thiên tử như thế nào? Nếu cứ theo ý của các ông, ta không những bị cất chức, mà còn bị cắt cả đầu. Thôi thì, ta nói trước với các ông ở đây, để khỏi mất lòng nhau. Rằng ta sẽ cứ tình thực tâu lên thiên tử: “An Nam cưỡng mệnh”.

Mặc dù lời lẽ Sài Thung có dịu đi nhiều, nhưng sự thắt buộc của y lại càng ráo riết. Chỗ nào chưa được rốt ráo thì tên phó sứ lại nhấn nhá thêm cho chặt chẽ.

Nhân tôn đã sai tìm mọi cách ly gián bọn chúng, và đút lót bạc vàng cùng các đồ châu ngọc quý hiếm. Nhưng bọn này cũng nhận một cách dè dặt lắm. Nếu chúng nhất loạt chê không nhận một tí gì, thì cơ sự coi như tan hỏng. Đằng này nhận, nhưng có vẻ lấm lét. Như vậy có nghĩa rằng bọn chúng nghi kỵ nhau, chứ không phải chúng là những chính nhân quân tử. Vì vậy, Nhân tôn sai cứ tìm biếu riêng, mà không đòi hỏi một điều gì. Vì thế, bọn sứ đoàn đã ít sục sạo săn tìm tin tức trong dân. Và cũng bớt hống hách, hỗn xược đối với triều đình.

Cho tới khi sứ bộ của Sài Thung trở lại Yên Kinh, tướng quốc Trần Quang Khải còn theo tiễn. Cứ mỗi trạm nghỉ, Chiêu Minh vương lại tìm cách tặng Sài Thung một kỷ vật. Và kỷ vật sau thường quý hơn kỷ vật trước. Thành thử vàng bạc, châu báu vào tay Sài Thung không thiếu một thứ gì. Có thể làm quan suốt đời ở Đại đô, y cũng không đủ tiền mua nổi một trong những vật quý, đã được Trần Quang Khải trao tặng. Nào ngọc minh châu, ngọc trai đỏ, ngọc trai đen là loại cực hiếm trên đời, đắt gấp trăm gấp ngàn lần vàng. Nào gối quạ, ngọc rết là những vật tưởng như chỉ có trong huyền thoại. Rồi những con giống như voi, rùa, hươu, công, trĩ to bằng cổ tay; cổ chân đúc thuần vàng ròng. Tượng Phật Quán thế âm bằng đồng đen. Đỉnh trầm bằng mã não. Rồi sừng tê, dạ minh châu.. thôi thì không thiếu một thứ gì. Chính những thứ đó đã làm lóa mắt quan chánh sứ, làm nhạt loãng máu đại Hán, và làm lệch đạo trung quân của quan lễ bộ thượng thư. Và vì thế, Sài Thung đã thay đổi dần cách cư xử với quan tướng quốc Trần Quang Khải. Những cung bậc thăng giáng của những lời nói căng thẳng, cậy quyền, hiếp đáp cứ tụt dần so với các quà tặng biếu cứ mỗi ngày một quý hơn và nhiều hơn. Cuối cùng là cách cư xử hòa nhã cười vui.

Vào một đêm trước ngày lưu biệt, Sài Thung đã lâm vào cảnh xúc động thực sự. Và y đã có làm thơ xướng họa với quan tướng quốc. Kể cả việc cam kết, về Yên Kinh sẽ tìm người giúp rập thêm cùng với y, để can gián Hốt-tất-liệt.

Khi Quang Khải cứ gạn Sài Thung gắng giúp, y nói “Bằng mọi cách, tôi sẽ giãi bày để cho thiên tử thấy cái nhẽ của An Nam. Nếu ngài thương, ấy là phúc lớn của dân Nam các ông. Nhược bằng có kẻ xúc xiểm khiến cho thiên tử nổi giận, buộc sớm tối phải ra quân, thì đó là quyền ở ngài chứ không phải lỗi ở tôi. Mong hiểu cho nhau”.

Chính trong cảnh ngộ đó, tướng quốc mới viết bài “Lưu biệt” này để gây cho kẻ kia thêm lòng yêu nể.

Nhà vua cứ xoay đi xoay lại mãi bài thơ và đọc to thành lời.

Tống quân quy khứ độc bàng hoàng”.

Nhân tôn cười phá lên: “Thật không ngờ Chiêu Minh thúc phụ, tướng võ đã giỏi, tướng văn lại càng siêu việt – Tiễn ông về nước tôi thật bồi hồi. Có thật bồi hồi vì phải chia tay ông không? Hay là bồi hồi vì chưa biết ông sẽ nói thế nào với Hốt-tất-liệt về Đại Việt chúng tôi. Ông sẽ góp phần làm dịu bớt đi không khí chiến tranh của tên khát máu Mông Cổ. Hay ông cay cú thúc đẩy cho cuộc chiến mau hơn, với tâm địa độc ác của một tên Hán gian đê mạt.

Lại nữa:

Chủ tân đạo vị phiếm ly trường.

Nhất đàm tiếu khoảnh ta phân duệ Cộng xướng thù gian tích đối sàng Chao ôi, lại còn thế nữa? – Chủ khách say mùi đạo cùng nhau chuốc chén biệt ly. Nói cười vừa chốc lát, than ôi đã dứt áo chia tay! Trong lúc ngâm nga xướng họa, nhớ tiếc khi giường nằm đối diện.

Đúng là tâm sự của các bậc túc nho tri kỷ. Cứ như là Bá Nham – Tử Kỳ không bằng. Sáng suốt thay, trong cảnh đồng sàng dị mộng, nếu không vì nghĩa lớn, làm sao thúc phụ ta lại có thể giấu được tâm trạng căm giận kẻ kia, mà viết ra những lời hoa mỹ này.

Và rồi:

Vị thẩm hà thời trùng đổ diện Ân cần ác thủ tự huyên lương.

Ấy đấy, thúc phụ lại còn luyến tiếc và mong mỏi có dịp trùng phùng – Chưa biết ngày nào lại gặp nhau, tay nắm tay kể chuyện hàn huyên.

Nhà vua rất lấy làm tự hào vì có mấy ông chú lỗi lạc. Đối với Chiêu Minh vương Trần Quang Khải thì: đánh tan mưu đồ của cả thiên tử, thiên sứ, khiến mệnh vua, sứ vua không làm tròn. Tay không trở về, tống cho một ít bạc vàng vô dụng, để cho lúc nào cũng lo ngay ngáy. Phần lo việc bại lộ thì mất đầu. Phần lo nếu không được việc, sẽ ăn nói như thế nào với bên Đại Việt.

Đối với Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật lại sớm tỏ ra là một tướng nhân, dũng kiêm toàn. Đúng là ông có tài hàng long phục hổ. Chỉ một việc ông dùng nhân nghĩa, tay không, một mình vào trại giặc, dụ hàng được cả đám dân Man làm phản trở lại hết lòng trung với triều đình, cũng là một chiến công bất hủ.

Lại còn bậc siêu quần như bá phụ Hưng Đạo vương và biết bao nhiêu nhân tài khác nữa, lo gì không đủ sức chống lại quân Nguyên.

Lòng nhẹ lâng lâng, Vua Nhân tôn lên kiệu ra hồ Lục Thủy. Tới bến, nhà vua đã thấy hoàng cô An Tư và đám tì nữ lao xao đón đợi. Một lát sau, kiệu của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật cũng vừa tới. Tất cả đều xuống lâu thuyền và cùng xuôi về An Bang.

Trong chuyến đi An Bang lần này, Nhân tôn đem theo hoàng cô An Tư công chúa và thúc phụ Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, là có hàm ý tăng thêm tình thân mật giữa ngành thứ và ngành trưởng. Hầu mong xóa hết nghi ngờ, để ai nấy đều một lòng vì nước mà ra sức giữ yên bờ cõi. Vì rằng sự rạn nứt đã có từ đời tiên đế, cứ âm ỷ mãi. Nhà vua tự biết mình phải làm gì để nối bước thái thượng hoàng và thượng hoàng, cho tình thương tôn tộc không bao giờ trở thành cừu hận. Như bá phụ Trần Tung thì chẳng nói làm gì. Người dốc một lòng cho sự nghiên cứu Phật điển, lại để tâm vào trước tác và tu đạo. Nay thấy nước nhà lâm nguy, tạm gác việc riêng trở về thái ấp, tự săn sóc việc chiêu binh và tập luyện. Đến như thượng vị Chương Hiến hầu Trần Kiện (con của Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang) thời thật là khó hiểu. Thế nước đang như chuông treo chỉ mành lại bỏ về Thiên Trường, lấy cớ là học đạo Lão trang, cầu tìm sự trường sinh bất lão, không biết để làm gì? Nếu nước mất, đạo kia sao còn? Đây hẳn chỉ là sự bất như ý trong vị thế cao thấp, mà hầu cho rằng chức kia với tài này không cân xứng. Nhân tôn tự nghĩ rằng, những mối bất hòa này nếu không được hóa giải mà cứ để âm ỉ, tới một ngày nào đó sẽ bùng lên, mà như thế thì sức mạnh đâu để chống trả với quân thù.

Thuyền xuôi chừng vài bốn dặm, nhà vua sai quạt trà, rồi mời Chiêu Văn vương lên vọng lâu đàm đạo.

Chiêu Văn với Nhân tôn tình là chú cháu, nghĩa là đạo vua tôi. Hai người tuổi lại xấp xỉ nhau. Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật sinh năm ất mão (1255), còn nhà vua sinh năm Mậu ngọ (1258). Trước khi Nhân tôn lên ngôi và Chiêu Văn chưa đi trấn trị đạo Đà Giang, hai chú cháu thường gặp gỡ vui chơi đàm đạo. Nhất là phủ Chiêu Văn, không lúc nào không nườm nượp khách vào ra. Chiêu Văn biết nhiều tiếng nước khác. Ngoài tiếng Trung Hoa, thì sứ các nước Tiêm la, La-hộc, Champa, Chân-lạp tới Thăng Long, triều đình đều phải nhờ ông đến tiếp và thông dịch. Tính tình ông lại vui vẻ, cởi mở, nên tân khách kéo đến mỗi ngày một đông. Ngay cả một số cựu thần và binh sĩ nhà vong Tống, cũng đến tá túc tại nhà ông khá nhiều. Ông có lưu giữ họ lại, và phiên chế thành một đội, gọi là Tống binh, do ông chỉ đạo việc tập luyện và hành binh.

Khi Trần Nhật Duật trèo lên vọng lâu thì Trần Nhân tôn thân ra hành lang đón vào. Trần Nhật Duật đã toan thụp lạy, Nhân tôn bèn đỡ dậy và nói luôn:

– Bữa nay trên thuyền xin tạm gác lễ vua tôi, mà giữ tình chú cháu cho được tự nhiên thôi, chú Chiêu Văn ạ.

Trần Nhật Duật cười ha hả – Chỉ sợ tới một lúc nào đó bệ hạ lại quở trách thần – Nhờn phép nước, bỏ lễ vua tôi.

– Không. Lễ vua tôi thì không bỏ. Bỏ thì mất hết kỷ cương. Nhưng là ở nơi triều chính thôi. Chú không nhớ hồi còn sinh thời đức Thái thượng hoàng đã cho làm cả một cái sàn dài. Thiết triều xong, cha con, anh em, chú cháu về nhà đánh chén rồi ôm nhau mà ngủ. Các chú còn đánh vật ầm ầm kia mà. Chú có nhớ cái bữa bác Tĩnh Quốc múa điệu người Hồ được tiên quân ban áo cho không?

(Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang, con đầu của Trần Thái tôn, nhưng thực là con của Trần Liễu.)

Trần Nhật Duật lấy tay vỗ lên trán rồi “à” một tiếng:

– Nhớ, thần nhớ ra rồi. Bữa ấy vào đầu mùa đông năm Mậu thìn (1268). Sau lễ Thường tân (Lễ cúng cơm mới vào ngày 10 tháng 10 hàng năm) mới có cuộc vui đó. Ngày ấy bệ hạ còn bé lắm, mới có mười tuổi, còn thần thì mười ba tuổi. Thần còn nhớ sau khi anh Quốc Khang được vương phụ ban áo, thì vương huynh ta (Trần Thánh tôn) cũng nhảy ra múa kiểu người Hồ để xin lấy áo ấy.

Tĩnh Quốc bèn nói:

– Quý nhất là ngôi hoàng đế, hạ thần không dám tranh với chú hai, nay đức chí tôn cho hạ thần một vật nhỏ mọn này mà chú hai còn muốn cướp lấy chăng?

Phụ vương ta cười lớn mà rằng: “Thế ra mày coi ngôi hoàng đế với cái áo này không kém gì nhau”. Thượng hoàng khen mãi anh Quốc Khang về tính khiêm nhường, rồi ban cho áo ấy.

– Bây giờ, cháu cũng chỉ mong sao trong hoàng gia và hoàng tộc ta, có được tinh thần hòa mục đó – Nhân tôn vừa nói vừa đưa mắt nhìn Trần Nhật Duật với ý thăm dò. Một lát, nhà vua nói tiếp – Việc lớn như phụ vương cháu với bác Tĩnh Quốc, còn chẳng để lại điều gì ấm ức, thế mà tự dưng Chương Hiến hầu lại bỏ nhiệm sở đi tu đạo trường sinh, cháu thật không hiểu nổi. Đất nước thái bình chẳng nói làm gì, đằng này giặc ngoài đang đe dọa, họa chiến tranh chỉ còn trong gang tấc, người biết nghề không ai làm như vậy – Nhân tôn lại liếc nhìn khuôn mặt vô tư bừng sáng của Trần Nhật Duật, và gặng hỏi – Theo ý chú, nên như thế nào?

Trần Nhật Duật vẫn lắng nghe nhà vua nói, nhưng mắt ông bị hút vào đám mây bông trắng nõn trên nền trời xanh ngắt. Đám mây biến ảo kỳ lạ. Thoạt tiên nó có hình như trái núi. Rồi tự tan ra như hình chiếc ngai, và lố nhố hình người quỳ phủ phục như đương buổi thiết triều. Sau đó, lại là hình lũ quỷ, đang vờn đuổi nhau. Và bây giờ, thì loãng chìm trong màu xanh sẫm, không để lại dấu vết gì. Thoáng lát, gây trong ông một ấn tượng buồn. ông có cảm giác, các hình thù kia, tựa như một triều đại đã đi qua, một cuộc đời đã đi qua mà chẳng để lại một dấu vết gì trên trần thế. Cuộc đời con người, so với chuyển xoay của vũ trụ, có khác nào cảnh tượng ta vừa nhìn thấy. Vậy mà con người không tự biết, cứ đi tranh giành những thứ hư ảo để làm chi? Ngay cả bọn Thát-đát. Ngay cả tên chúa Mông Cổ Hốt-tất-liệt, đang đô hộ miền đất đai Trung Hoa mênh mông kia cũng thế mà thôi. Y có hơn gì các người khác. Thật tình, nó cũng chỉ là một thứ “Sú bì đại” như phụ vương ta đã nói.

(Sú bì đại: Cái túi da đựng các đồ thối tha. Ý Trần Thái tôn nói về con người.)

Chợt tên trà nô dâng lên một khay với hai chiếc chén ngọc và một bình ủ nước. Nhân tôn ra hiệu cho lui. Nhà vua tự tay rót mời. Nước được một tuần. Nhân tôn lại nhắc – Theo ý chú, tại sao Chương Hiến hầu Trần Kiện bỏ đi tu đạo? Triều đình nên cư xử việc này ra sao?

Như là một sự khó nói. Để có thời gian cân nhắc, Trần Nhật Duật tự tay rót cho mình một chén trà nữa. Ông đi thẳng vào điều mà Nhân tôn đã hai lần gặng hỏi. Đặt chiếc chén xuống, nhìn thẳng vào gương mặt phúc hậu nhưng không kém phần kiên nghị của nhà vua, ông nói:

– Chuyện về dòng trưởng dòng thứ, giữa bên nhà ta với bên phủ Hưng Đạo, bệ hạ biết hết cả rồi chứ?

– Dạ. Chuyện ấy thì cháu biết?

– Thế còn chuyện tại sao phụ thân bệ hạ được lập làm đông cung rồi được truyền ngôi, còn Tĩnh Quốc đại vương phải vào trấn trị Thanh Hóa, bệ hạ biết chưa?

– Dạ cháu biết rồi ạ.

– Biết như thế nào?

– Là bởi tiên đế xét thấy phụ thân cháu có đức hơn ạ.

– Không phải như vậy. Bệ hạ nhầm đấy.

– Bẩm chú, thế thì vì cớ gì tiên đế lại bỏ trưởng, lập thứ?

– Chuyện cũng chẳng tốt đẹp gì. Đây là việc của các bậc tiền bối. Mà chính là do sự sắp đặt của Linh từ quốc mẫu với Thượng phụ thái sư Trung Vũ đại vương Thượng trụ quốc, đệ nhất Khai quốc phụ chính đại thần Trần Thủ Độ. Trời ơi, đây là con người có một không hai trong lịch sử. Một con người mà chắc chắn hậu thế sẽ mất khá nhiều thời gian xét định- Thiện ư? Sao ông ấy vướng vào nhiều việc tàn bạo thế – Ác ư? Sao ông ấy bỏ cả cuộc đời vào việc hưng nước an dân, cứu cả một dân tộc thoát khỏi vòng nguy họa. Riêng thần xét đoán thời: không có đức Trung vũ đại vương, sẽ không có nhà Trần. Được, rồi thần sẽ nói vì sao bỏ trưởng lập thứ, ấy là vì tiên đế, sau khi gá nghĩa với công chúa Chiêu Thánh, hơn mười năm sau vẫn không có con. Nói đúng ra thì có một lần nhưng không nuôi được. Mãi năm năm sau không sinh được nữa. Linh từ quốc mẫu với Đức ông sợ bị phạt tự (không có con trai) bèn ép tiên đế phải lấy vợ của anh, tức Hiển Từ hoàng thái hậu sau này (lúc ấy là phu nhân Yên Sinh vương (tức Trần Liễu, anh ruột Trần Cảnh (Trần Thái tôn), cha đẻ của Trần Quốc Tuấn). Chẳng là khi Hiển Từ về với tiên đế, đã mang sẵn một bào thai ba tháng. Sinh ra, người ấy chính là Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang. Lý thì vẫn là con ruột của tiên đế, nhưng tình lại không phải thế. Vì vậy mới có chuyện bỏ trưởng lập thứ. Buộc phải làm thế, nhưng tiên đế cư xử độ lượng lắm, nên Tĩnh Quốc cũng không oán thán gì. Tới nay, Trần Kiện vì không biết nhẽ tới lui lại kíp đến việc mới đây hoàng thứ tử Đức Việp (Con thứ của Trần Thánh tôn, em ruột của Trần Nhân tôn.) được phong tặng Tá thiên đại vương, nên ngầm có ý ghen tỵ, bỏ đi tu đạo. Việc này để rồi thần sẽ nói với Tĩnh Quốc bắt Chương Hiến hầu phải tái nhiệm sở.

Nghe xong vua Nhân tôn thở dài. Hẳn là trong lòng nhà vua không được vui.

Mãi lâu sau, Nhân tôn mới lên tiếng. Giọng nhà vua rời rạc:

– Phải gỡ bỏ hiềm khích trong hoàng tộc. Nếu không thì mối nguy sẽ từ đấy mà ra. Việc này tự thân cháu phải làm. Phải gỡ bỏ các thứ tư riêng hiềm oán, thể nhập vào với đại cuộc của quốc gia dân tộc, may ra mới giữ được nước. Bây giờ chia rẽ là chết, chú Chiêu Văn ạ. Kẻ thù không mong gì hơn thế.

– Thần cũng nghĩ như bệ hạ.

Hai chú cháu trò chuyện thì An Tư công chúa kéo theo một lũ tỳ nữ, vừa chạy vừa nói và thở hồng hộc. Vừa ló vào vọng lâu, An Tư vừa nói:

– Giời ơi, mấy chú cháu bỏ lên hết đây đàm đạo. Sướng thật. Nói chưa dứt lời. An Tư leo tót lên vọng lâu. Đám tỳ nữ đứng ngơ ngẩn nhìn lên.

Trần Nhật Duật nhìn cô em gái nghịch ngợm vào loại nhất trong hoàng cung, hỏi:

– Công chúa An Tư!

– Dạ, vương huynh dạy em điều gì ạ?

– Em có biết ai đây không? – Chiêu Văn vương vừa hỏi vừa chỉ vào Trần Nhân tôn.

An Tư hết nhìn Chiêu Văn lại nhìn Nhân tôn như một sự lạ Rồi nàng phá lên cười.

Chờ cho em gái dịu cơn cười, Trần Nhật Duật nhắc lại:

– Ta hỏi, em chưa trả lời đấy, An Tư!

– Trời ơi! (An Tư nhíu mày). Đây là Trần Khẩm, con ruột hoàng huynh Thánh tôn, ai còn lạ gì mà anh khéo vờ.

– Suỵt! Trần Nhật Duật đưa tay bịt miệng An Tư – Đồ qủi sứ, em ăn nói gì vậy. Đây là đức vua của cả nước. Em chỉ quen thói càn dỡ.

– Lại còn thế nữa! – An Tư ngoẹo đầu giễu cợt – Vua của cả nước chứ vua gì của em.

– Nhưng em phải biết giữ lễ chứ. Đây là ở trong nhà không ai biết. Chứ nếu ra đường hoặc đang buổi thiết triều mà em ăn nói như thế này, các quan đàn hặc, là em mất đầu như chơi.

Là một cô gái thông tuệ, nghịch ngợm và mẫn cảm, trước mọi việc xảy ra, An Tư công chúa thường ứng đáp được tức thời. Nàng vội rụt cổ lại, đưa tay lên sờ khắp một vòng từ yết hầu tới gáy. Rồi nàng lắc đầu nói:

– Trước hết là em không có can dự vào việc triều chính. Nên chẳng bao giờ em ló mặt vào chỗ vua tôi các anh thiết triều làm gì. Lại nữa ra ngoài đường, ai dại gì đi với vua. Mỗi lần vua của anh ra đường là em chúa ghét. Kiệu trước, kiệu sau, lính cấm vệ, lính hổ bôn xớn xáo săn đầu săn đuôi, quát hét như mấy thằng rồ nhảy múa trên sân khấu của đám giáo phường. Khiến người đi đường phải chạy dạt ra hai bên. Ai không kịp chạy thì phải cúi đầu phủ phục xuống mép đường. Trông thật thảm hại, y hệt mấy con ngựa bị hổ đuổi không kịp chạy, phải rúc đầu vào bụi rậm, còn hai chân sau thì đá tít lên, trong khi mắt nhắm nghiền. Đã sinh ra đường đi lối lại, là để cho mọi người cùng đi, cớ sao chỉ có mỗi một nhà vua đi?

– Đây là nghi thức của triều đình, em chẳng hiểu gì cả – Nhật Duật giảng giải cho em gái về lễ nghĩa triều đình rất kỹ- Vả lại đó là để tỏ rõ phận thần dân kính cẩn đức vua của mình – ông nói thêm.

– Vậy chớ nếu vua của anh rong ruổi suốt ngày ở ngoài đường, thì dân chúng lội sông lội suối hết à? Dở. Dở lắm. Bỏ cái kiểu đi đứng quá quắt ấy ngay đi, kẻo dân người ta ghét. Em đây còn ghét nữa là dân.

– Em chỉ được cái bướng bỉnh là không ai bằng. Phép nước chớ đâu phải chuyện đùa.

– Em nói thật nhé, anh Chiêu Văn- công chúa An Tư nhìn anh với vẻ chế giễu, lại nhìn Nhân tôn với vẻ thăm dò – Em nghĩ đây là chuyện đùa chứ không phải là phép nước. Nếu đúng là phép nước, thì đây là điềm gở, nó từa tựa như nạn động đất, sao chổi hoặc một điều gì na ná như vậy. Mấy lại luật lệ phép tắc gì, cũng đều do các anh bịa đặt ra cả thôi – Với vẻ nghiêm trang đột ngột, công chúa kính cẩn nhưng cao ngạo, quay ra nói với nhà vua – Bẩm đức chí tôn, thần thiếp nói thế có điều gì tỏ ra bất kính với bệ hạ không?

Trần Nhân tôn mỉm cười đáp:

– Hoàng cô An Tư, những điều cô vừa nói là rất hợp đạo làm người. Luật lệ như thế, không phải là hà khắc, nhưng quá quắt, gây phiền toái cho dân. Hồi còn tiên đế đã nói: “Luật lệ là phải làm cho dân được tiện, được lợi. Cái gì không lợi cho dân, cũng sẽ là không tiện cho dân”. Hoàng cô cứ yên tâm, những gì không cần thiết cho dân phải được bãi bỏ. Hoàng cô nói đúng, luật lệ gì thì cũng đều ở trong tay những người có quyền, có thế cả. Vì vậy ngay bây giờ, luật này bãi bỏ. Nay mai sẽ bố cáo cho toàn dân đều biết.

Lại đến lượt An Tư và Nhật Duật sửng sốt.

– Có thế thật chăng, hoàng thượng? – An Tư hỏi – Như vậy có vội vàng quá không, thưa đức vua. Thường muốn thêm hoặc bớt một điều gì phải được các đại thần xem xét, nhất là bên thẩm hình viện, và kiểm pháp quan. – Trần Nhật Duật nói và có hàm ý mong rằng, nếu đây là tình cảm xúc động tạm thời của nhà vua thì vẫn có thể xem xét lại.

– Chú Chiêu Văn ạ- Trần Nhân tôn nói- ý của hoàng cô An Tư đúng đấy. Hoàng cô mang tiếng là nghịch ngợm, nhưng cô ấy sống gần dân hơn chú cháu mình. Đây không phải là không suy xét. Bỏ đi một điều cấm kỵ vô lý, ta được lòng dân, được gần dân thêm nữa. Nhất là trong cảnh ngộ đất nước đang bị giặc ngoài đe dọa, cháu nghĩ làm bất cứ việc gì để cố kết được toàn dân lại, vẫn cứ nên làm. Suy cho cùng thì ta có mất cái gì đâu chú. Đường sá cầu cống, mọi thứ đều do dân làm ra cả; chứ có phải chú cháu mình làm đâu. Ta bỏ sự cấm đoán đi, dân hoan hỉ như là ta đã ban ân cho họ nhiều lắm. Tuy vậy, cấm hay không, đường đi lối lại ấy, người của triều đình đi lúc nào thì đi, chứ dân họ có cấm ta đâu. Tức là chú Chiêu Văn ạ, – Trần Nhân tôn vừa nói vừa cười – Triều đình chỉ ban cho dân cái mà triều đình không mất.

An Tư công chúa bỗng phá ra cười:

– Thế thì cho tất cả, anh Chiêu Văn ạ, cứ để nhà vua cho tất cả những cái gì ta không mất, để dân chúng được cậy nhờ.

– Không được – Trần Nhật Duật nghiêm mặt, ngay cả những cái cho mà không mất, cũng không được. Nếu cho tất cả những gì mà ta không mất thì triều đình mất hết uy linh, còn trị vì ai được nữa? Ngay cả việc cho mà không mất ấy cũng phải suy xét cho kỹ, và phải sẻn kiệm.

Câu chuyện đang có đà thì bị ngắt quãng bởi viên quan nội hầu vào tâu đến giờ nhà vua dùng ngư thiện. Nhân tôn lệnh cho dùng bữa chung với hoàng cô An Tư và thúc phụ Chiêu Văn. Câu chuyện đột ngột chấm dứt, như nó tự nhiên hình thành. Càng gần tới hạ lưu nước chảy xiết, lại được chiều gió thuận, thuyền đi nhanh vun vút.

Trong khi ăn, An Tư công chúa thỏ thẻ hỏi:

– Anh Chiêu Văn ạ, trên đường nhà vua ra Tịnh Bang, thuyền có qua Tịnh Bang ấp của anh Tuệ Trung không?

– Thuyền có qua Tịnh Bang, nhưng nhà vua không ghé Tịnh Bang ấp, đúng thế không bệ hạ? – Chiêu Văn hỏi.

– Dạ đúng – Vua Nhân tôn đáp.

– Ôi thế thì chán lắm – An Tư nũng nịu – Xin bệ hạ cùng hoàng huynh ghé thăm Tịnh Bang ấp một chuyến.

– Nhưng chú Tuệ Trung lại không ở Tịnh Bang, thưa hoàng cô.

An Tư là một cô gái bướng bỉnh, lại được thượng hoàng cưng chiều. Tuy còn ít tuổi, công chúa đang ở tuổi mười lăm, nhưng tính nết hơi lạ, đã thích cái gì thì làm cho bằng được. Con gái mà chỉ thích cưỡi ngựa, bắn cung. Thích đi đó đi đây, thăm hết danh lam thắng cảnh này đến đền đài, đình miếu khác. Thấy hai người không muốn ghé ấp Tịnh Bang, công chúa tỏ vẻ khó chịu. An Tư nói như nói với chính mình:

– Quí nhau thì ngay cả khi người ta không có nhà cũng cứ đến. Biết đâu chuyến đi này lại chẳng là chuyến đi cuối cùng.

Biết không cho công chúa vào thăm Tịnh Bang ấp cũng không được. Nàng sẽ đay nghiến chọc giận suốt cuộc hành trình. Nhân tôn bèn đưa mắt ra hiệu cho Chiêu Văn. Hai chú cháu ngầm hiểu ý nhau. Sau bữa ăn, Chiêu Văn báo cho viên chu sư ghé Tịnh Bang ấp.

Mãi tới khi thuyền áp mạn vào bờ, An Tư công chúa vẫn chưa hay biết đây là đâu. Vì thủy đạo tại miền đất này, lần đầu tiên nàng đặt chân tới, nên mọi chuyện nàng đều ngỡ ngàng mới mẻ cả.

Lên bờ dẫn bộ được một lát thì gặp tiểu dinh thự hiện ra. Và khi đi sát tới cổng thấy ba chữ đề “TỊNH BANG ẤP”; An Tư công chúa sững sờ. Nàng không ngờ, hoàng huynh và vương điệt đã dành cho nàng một ân huệ. Nàng bèn quay lại cúi đầu vái nhà vua và anh trai.

Quản gia của ấp Tịnh Bang là một người đàn ông trạc ngoài ba mươi tuổi, khỏe mạnh, cân quắc như một lực sĩ. Tấm thân to lớn của ông được giấu trong bộ áo nâu sồng kiểu nhà chùa. Nom dáng dấp ông ta di chuyển nhẹ nhàng như một con chim, khiến ta liên tưởng tới những tay hòa thượng võ nghệ cao cường trong các thiếu thất của Thiếu Lâm tự. Khu ấp trại mênh mông được chia cho dân cày làm lụng, chỉ phải nộp cho chủ một phần chín sản lượng thu được, kiểu như chế độ tỉnh điền xưa (Chế độ nộp tô cổ đại theo kiểu chữ Tỉnh, tức là ruộng đất chia làm 9 phần. Tám phần xung quanh của nhà dân. phần ở giữa của nhà quan. Nhưng từ cấy đến gặt 8 nhà dân phải chịu trách nhiệm).

Nhà vua không dùng nghi lễ xa kiệu hoàng đế, mà cải dạng như người thường. Còn Trần Nhật Duật và An Tư ăn vận kiểu cách tuy có sang trọng, nhưng bất quá cũng không hơn mấy so với các nhà quyền quí. Vả lại Trần Nhật Duật cũng chỉ nói là người nhà của Trần Tung từ Thăng Long ghé thăm.

Viên quản gia sau khi mời khách an tọa ở nhà thư trai, bèn tự xưng danh phận:

– Tôi là cư sĩ Viên Sơn, hiện được thầy tôi (ý nói Tuệ Trung thượng sĩ Trần Tung) phó cho việc trông nom Tịnh xá. Và san định kinh sách Phật điển do thầy tôi xướng xuất.

Trần Nhân tôn qua vài lời hỏi han việc trước tác của thầy trò Viên Sơn, liền ngỏ ý muốn được xem Tịnh thất.

Viên Sơn bèn mời khách lên thăm. Đó là một ngôi nhà không lớn lắm, làm theo kiểu chuôi vồ. Hai gian đầu nhà bầy khít các kệ sách. Gian giữa nhà xây lên một sàn gạch cao hơn bề mặt độ hai gang tay. Ở đó có bày một vài cái kỷ, mỗi kỷ lại có đủ cả đồ văn phòng tứ bảo. Gian chuôi vồ, cũng gọi là hậu cung, trên bức tường chắn phía hồi sau, vẽ một bức tranh choán hết khung tường. Đó là hình ảnh Đức Phật Thích Ca đang giảng kinh Kim Cương cho 1. 250 vị Đại Tỳ Kheo ở trong Tịnh xá Kỳ Hoàn, nơi vườn của Thái tử Kỳ Đà nước Xá Vệ. Ở một góc tranh có ghi bài tụng, mọi người đều nhẩm đọc:

Nể hỷ ngã bất hỷ Quân bi ngã bất bi Nhạn tư phi hàn bắc Yến ức cựu sào qui Hai câu cuối mờ quá không đọc được, trong khi Viên Sơn cư sĩ lại vừa chạy ra ngoài lo trà nước. Lập tức nữ tì Yến Ly bèn đọc tiếp:

Thu nguyệt xuân hoa vô hạn ý Cá trung chỉ hứa tự gia tri Dịch nghĩa:

Người vui ta chẳng vui Người buồn ta chẳng buồn Nhạn bay về biển Bắc Yến nhớ ở trời nam Xuân hoa thu nguyệt vô cùng ý Lãnh hội thế nào tự mình thôi.

Đại ý bài này diễn tả Bát Nhã vô trụ, Bát Nhã chân như. Có nghĩa rằng việc hiểu đạo là tự bổn tâm mỗi người.

Mọi người đều kinh ngạc hỏi tại sao nàng biết. Yến Ly vòng tay cung kính đáp:

– Muôn tâu bệ hạ, đây nguyên là bài tụng của ngài Xuân Thiền sư, làm sau khi đã lãnh hội được diệu nghĩa của Kinh Kim Cương Bất Nhã Ba La Mật, mà thần thiếp có được đọc qua từ nhỏ.

Vừa lúc ấy thì Viên Sơn cư sĩ cũng đã bước chân vào Tịnh Xá, và nghe được trọn vẹn câu chuyện trên. Ông rập đầu kêu lên: “Cúi xin thánh thượng đại xá cho lũ quê hèn chúng tôi, có mắt cũng như đui”.

Nhân tôn vội đỡ dậy và an ủi:

– Đó là lỗi tại trẫm, chớ đâu tại cư sĩ. Trẫm đi lặng lẽ là bởi không muốn cho tai mắt kẻ thù dòm nom thấy. Nhưng xin cư sĩ cho hỏi, tại sao trong Tịnh thất lại không có bày tượng, mà chỉ có mỗi hình Đức Phật đang giảng kinh tại vườn nhà thái tử Kỳ Đà nước Xá Vệ.

– Dạ, muôn tâu bệ hạ, – vị cư sĩ vừa nói vừa nhìn đức vua – Thầy tôi và tôi chủ trương theo về yếu ước của Phật giáo nguyên thủy, chứ không chấp nhận các nghi thức thần bí, mà giáo hội sau này tự đặt ra để huyễn hoặc lòng người. Bức tranh đó là thực chứng tinh thần của Phật trên đường hành Đạo. Vả lại việc tu đạo là cốt ở tu tâm. Tu tâm lại chính là tu về cái thiện. Mà thiện thì phải tự mình tu chớ cầu tìm gì ở ngoại lực, ở tha nhân. Chính Phật dạy: Hãy làm điều thiện và trở nên thiện. Và điều ấy sẽ đưa người đến tự do giải thoát và đến bất cứ chân lý nào có thật”.

– Nếu như vậy thì hiểu như thế nào về việc các sa môn đến tu chùa? – Nhà vua hỏi Cư sĩ đáp:

– Tâu bệ hạ, thầy tôi thường dạy: “Không ai có thể đem nhốt Phật vào chùa được. Phật là cái gì vô thỉ vô chung, là chân lý vĩnh hằng cho thế gian chiêm nghiệm. Còn chùa chỉ là nơi tu tắt của đám thầy tu muốn mau thành Phật”. Tiếc thay, những kẻ tham lam, ích kỷ, khoa trương thường lại được đám dân chúng khờ khạo tin theo. Bình sinh Phật rất ghét cái ác và sự dối trá. Cho nên trong ba đức tính cần yếu mà Phật dạy có “Đại hùng”. Tức là khi cần thì không những chỉ có đệ tử Phật, mà ngay cả Phật cũng tham gia vào việc diệt trừ cái ác. Chuyện thầy tôi giao lại Tịnh thất cho tôi để cầm quân, nhằm chống lại nguy cơ đe dọa xâm lăng của người Nguyên, cứu lấy giang san, nòi giống, cũng chính là biểu lộ tâm Phật chứ không khư khư cố chấp theo con đường ngũ giới. Ngay cả tôi, thầy tôi cũng cho phép nhập thế diệt ác, rồi sau đó nước thanh bình lại trở về với Đạo.

(Ba đức tính đó là: Đại hùng – Đại lực – Từ bi (Sức mạnh – Lòng can đảm – Tình thương người bao dung rộng rãi).

Ngũ giới: Năm điều răn, cũng là năm điều cấm kỵ đối với đệ tử Phật: Cấm sát sinh. Cấm trộm cắp. Cấm tà dâm. Cấm dối trá. Cấm các chất cay (rượu).

Nhân tôn lại hỏi:

– Vậy chớ hai câu cuối của bài tụng mực phai, lại mất nhiều nét rất khó đọc. Liệu như nữ tì vừa đọc có đúng không?

– Dạ, bẩm hoàng thượng, thần có nghe nàng đọc, vẫn còn chưa hết bàng hoàng. Rằng không hiểu vì sao còn ít tuổi, nàng đã thông tuệ Phật điển đến như vậy?

Chiêu Văn vương đưa mắt nhìn An Tư công chúa như dò hỏi: “Chắc em biết rõ chứ. Vì nàng là tì nữ của em kia mà”.

Công chúa gật đầu, đoạn nàng dẽ dàng thưa:

– Yến Ly của em vốn là người Tống. Con nhà đại gia vọng tộc ở Yên Kinh. Loạn lạc chạy sang ta. Lạc cha mẹ trên đường chạy loạn. Nàng trôi dạt tới phủ Chiêu Quốc cách đây dăm năm. Gần đây, nhân buổi viếng thăm anh Ích Tắc đang dạy học tại nhà. Lại nghe đồn đám học trò anh ấy thuần loại thần đồng. Em bèn đến xem họ học. Trời, có cái nhà anh Mạc Đĩnh Chi, người đâu mà xấu thậm tệ. Nhưng thông tuệ khác đời. Bữa em đến, Yến Ly tới phiên dâng trà, và sau đó được phép ngồi hầu giảng. Nàng am hiểu kinh sách lắm, đôi lúc anh Chiêu Quốc có quay lại hỏi nàng vài điều, đều ứng đáp trôi chảy. Đem lòng cảm mến, em ngỏ lời xin về bên này. Anh Ích Tắc bảo: “Nếu phụ hoàng ưng để em nhận thì anh cho”. Thế là tự nhiên em có bạn. Bây giờ thì Yến Ly nói tiếng Đại Việt mình cũng như anh em ta thôi. Còn em đang học cách nói của người Tống, chứ cách mình đọc đây, họ không nghe được. Thành thử cùng dùng chung một thứ chữ, lại hóa ra đồng tự bất đồng ngôn.

Trần Nhật Duật và cả Trần Nhân tôn đều hết sức chú ý lắng nghe câu chuyện này. Vì thực ra trước đây ít ai chú ý tới. Bởi người nhà Tống tị nạn ở bên này nhan nhản, từ binh sĩ đến đại thần có thiếu gì. Vả lại, các nhà quyền quý, nhà nào chẳng nuôi hoặc cưu mang mấy người Tống. Ngay như Trần Nhật Duật, có hẳn một đội binh người Tống thì sao. Tuy nhiên, đây lại là một cảnh ngộ khác. Với Yến Ly vừa đáng thương, vừa đáng trọng. Hơn nữa trong lúc hai bên đang ra sức dò xét nội tình của nhau, biết đâu nhan sắc kia và với học thức cùng sự thông minh lanh lợi, nàng chẳng giúp cho ta được nhiều việc.

Chuyện đang vui vẻ, Nhân tôn giục mọi người tiếp tục hành trình.

Viên Sơn cư sĩ hai ba lần lưu lại, nhưng nhà vua cố chối từ.

Biết không giữ xa giá lại được, cư sĩ bèn nói:

– Muôn tâu hoàng thượng, chủ tôi hiện đang mở cuộc thi võ tại lỵ sở, xin hoàng thượng ghé thăm cuộc tuyển lựa nhân tài cho nước. Dạ, cuộc thi hàng xã, hàng tổng đã cách đây một tuần trăng.

Nghe nói về cuộc thi võ, Nhân tôn hết đỗi vui mừng. Nhà vua thầm nghĩ: “Khá khen cho bác Tuệ Trung một nhà tu hành, một nhà trước tác đã nghĩ ra được cách tuyển người tài để dùng cho nước. Trong khi triều đình cứ mải lo việc khác. Nhưng cái việc cần kíp thiết yếu này, lại không chỉ ra được cho các vương hầu”.

Nghĩ vậy, nhà vua xăm xăm trở lại lâu thuyền, và giục thủy đoàn tức tốc đêm nay phải tới được Tịnh Bang lỵ sở.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN