Thăng Long Nổi Giận - Chương 10
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
157


Thăng Long Nổi Giận


Chương 10


Sau khi gặp gỡ Trần Quốc Tung ở lỵ sở Tịnh Bang, Trần Nhân tôn và Trần Nhật Duật cùng một số tùy tùng lên ngựa về thái ấp An Sinh. Trước khi rời Tịnh Bang, Trần Tung có đem tặng nhà vua một viên tì tướng vừa mới lựa tuyển được trong hội thi võ của toàn vùng.

S

Đó là chàng trai hai mươi mốt tuổi, người vùng thượng du Đà Giang. Chàng đem trầm ra bán tận hải cảng Vân Đồn, nhân lúc về qua Tịnh Bang, thấy có hội thi võ. Thế là chàng ghé vào thi đủ các môn, từ vật, đến côn, quyền, đao, kiếm, môn nào chàng cũng được giám khảo liệt ưu hạng. Riêng môn phi ngựa bắn cung, chàng là một tay vô địch. Cách xa một trăm bộ, chàng có thể cho ngựa phi nước đại rồi ngoái ngược người lại bắn trúng hồng tâm. Ai được nhìn thấy những mũi tên của chàng cắm vào đích, cũng đều phải thốt lên hai tiếng: “thần tiễn!”. Trần Tung đã đem chàng về dưới trướng để sai bảo. Nhưng chợt có đức vua ghé thăm, tướng quân bèn đem tặng. Vì ông thấy cần phải có những tay võ nghệ cao cường mà trung thành hộ giá.

Nhất là trong thời chiến, việc đó không thể khinh xuất.

Thế là võ tướng có cái tên Đặng Dương ấy được hầu cận vua Nhân tôn. Và ngay lập tức chàng được xâm trên trán ba chữ “Tọa thượng nô” màu chàm.

(Thời Trần, nô bộc của nhà vua ghi trên trán ba chữ “Tọa thượng nô”. Nô bộc của các vương tôn quý tộc ghi trên trán ba chữ “Quan trung khách”).

Vua Nhân tôn cùng với thượng tướng rong ruổi khi lội suối lúc trèo non, khi lại bám sát bờ con sông Rừng mênh mông nước. Sông lớn, hai bờ sậy, lau, cây cối và rừng già rậm rạp. Xét thấy đường bộ, đường thủy đều rất không thuận tiện cho việc dùng binh của quân Thát-đát, nhưng lại lợi cho việc đánh quân phục của ta. Nhà vua bèn nói với thượng tướng:

– Chú Chiêu Văn ạ, trời cho ta mảnh đất thủ hiểm này để chống lại với bọn cường địch phương Bắc, phải tận dụng cho bằng được, để nhân sức quân lên mà cự giặc.

– Bệ hạ nói đúng. Chắc chắn Hưng Đạo vương sẽ bẫy giặc quanh vùng này.

Khi nhà vua và tùy tùng đến ấp An Sinh, đã sang quá nửa chiều ngày hôm sau. Đường tuy xa xôi hiểm trở, nhưng hai chú cháu còn đang độ tuổi thanh niên nên không cảm thấy mệt mỏi. Vừa tới đầu ấp, được tin thượng hoàng cũng từ Thăng Long xuôi thuyền về từ ba bốn hôm trước. Vậy là việc lưu thủ kinh sư do tướng quốc thái úy Trần Quang Khải đảm nhận.

(Lưu thủ kinh sư: Chức giám quốc khi nhà vua ra khỏi kinh thành. Chức này chỉ giao cho thái tử. Trần Quang Khải vừa là con vua, vừa là tể tướng nên kiêm.)

Trần Hưng Đạo làm lễ cung nghinh hai vua thật là long trọng, và giữ đúng đạo quân thần, song bề ngoài vẫn cứ lặng lẽ khiến cả đám nông phu trong ấp cũng không hề biết khách từ Thăng Long tới. Trong việc binh nhung, Hưng Đạo luôn nhắc mọi người phải giữ đúng qui củ: lai vô ảnh khứ vô hình. Tức là đi lại đều không lưu dấu vết, cốt để che tai bịt mắt quân thù.

Hai vua lần này đi thị sát mạn đông và đông bắc, nhân ghé thăm ấp An Sinh, và hội kiến với Trần Hưng Đạo về các việc quân quốc trọng sự.

Cuộc hội kiến được giữ kín như bưng. Chỉ có hai vua, Trần Quốc Tuấn và Trần Nhật Duật tham dự. Sau khi khớp cả hai nguồn tin của triều đình, và tin riêng của Quốc Tuấn thu được từ Yên Kinh và các tỉnh Kinh Hồ, Phúc Kiến và Lưỡng Quảng đều nhất quán ở chỗ là Hốt-tất-liệt đang ráo riết động binh sang đánh An Nam. Triều đình nhà Nguyên ra sức ép Đại việt cho mượn đường sang đánh Chiêm Thành không được. Thật ra đây cũng chỉ là mưu “đồ Ngu diệt Quắc”. Việc ép không xong, nhà Nguyên có thể khởi binh đánh Chiêm trước. Rồi lấy đất Chiêm làm căn cứ hậu thuẫn. Quân Nguyên sẽ đánh ta từ hai mặt bắc-nam. Kẹp ta vào giữa hai gọng kìm ấy, là các danh tướng đã chinh phục khắp cõi Trung Nguyên và hàng chục quốc gia khác.

Thượng hoàng Thánh tôn vẻ mặt hơi buồn, hỏi Quốc Tuấn:

– Huynh trưởng thử liệu sức quân ta có cự được với quân Nguyên không?

– Tâu thượng hoàng cùng quan gia, nếu cứ ngồi đây mà hình dung ra một đoàn năm mươi vạn quân, với hàng chục vạn lừa ngựa, xe cộ và chiến thuyền, thì chúng thừa sức xéo nát từng bụi cây khóm cỏ, đạp đổ thành trì, chuyển rung sông núi, và chúng thừa sức tàn sát hàng triệu sinh linh. Một khi có đoàn quân như thế đi qua, thì chúng sẽ biến các vùng đất chúng đặt chân tới thành đất chết. Ấy là thần nói cái sức mạnh mà chúng có. Thế nhưng chúng có làm được theo ý chúng không, còn tùy thuộc vào sức mạnh và ý chí của ta. Liếc nhìn thấy sắc mặt hai vua có vẻ không vui, Quốc Tuấn liền hỏi:

– Tâu thượng hoàng cùng quan gia, với cái thế nhân chủ, thần muốn biết thánh ý của thượng hoàng và bệ hạ.

Trần Thánh tôn nói:

– Giặc đến tất phải đánh. Chỉ thương đám con đỏ vô tội.

Biết lòng vua đã núng trước thế giặc, Hưng Đạo gặng hỏi Nhân tôn:

– Vậy còn ý quan gia thế nào? – Rồi quay sang phía Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, ông hỏi – Cao ý của vương đệ trong việc này thế nào?

Trần Nhân tôn sau cái chau mày, dường như nén giấu nỗi căm uất, ông nói:

– Thượng hoàng thương dân như thương con. Nhưng dân cũng thương vua như con thương cha. Cho nên hai bên phải tựa vào nhau mà chống giặc. Thế của ta không thể lùi được. Kẻ kia đã căm thù ta từ cuộc xâm lăng năm Đinh tỵ. Nay nếu lấy được nước ta, chúng phải trả cái hận thua trận hai mươi lăm năm về trước. Vậy thời tôn miếu, xã tắc cùng non sông gấm vóc của tổ tiên truyền lại, lẽ nào để cho chúng dầy xéo.

Nhân tôn vừa dứt lời, Trần Nhật Duật tiếp ngay:

– Bữa trước qua Tịnh Bang, lệnh huynh Trần Tung đã có mở hội thi võ từ xóm ấp tới xã, tổng, lỵ, trấn để chọn tuyển nhân tài. Lại được biết, huynh đã xẻn bớt phân nửa ấp trại của mình chia cho đám nông nô, và cho họ được làm ăn tự do. Đi đến đâu trong vùng Tịnh Bang, cũng thấy dân tình hồ hởi lắm. Phần ra sức cấy trồng, phần vui vẻ cho chồng con đi làm việc quân. Nay đến ấp An Sinh, cũng thấy các việc giống như Tịnh Bang. Rõ ràng là trong việc này, bên phủ Hưng Đạo đã có “Bình Nguyên sách”. Vậy xin huynh trưởng hãy đệ trình sách lược lên cho thượng hoàng ngự lãm.

Trần Hưng Đạo chưa kịp đáp lời, chợt có sứ từ Thăng Long tới – Tướng quốc thái úy Trần Quang Khải cấp báo với thượng hoàng, có sứ đoàn Champa sang xin viện binh. Và thái tử Harijit cũng cho biết, ông vừa bắt được một đoàn thuyền có sứ bộ nước Nguyên, nói là đi Tiêm-la, gồm có vạn hộ Hàn Tử Chí, thiên hộ Hoàng Phủ Kiệt và một đoàn sứ bộ nữa đi Mã-bát-nhi (Măbar), gồm có tuyên úy Vưu Vĩnh Hiền và A’lan (Alan). Họ nói rằng họ tới các nước kia, nhưng bị dạt vào đất Champa. Bất chấp mọi lý lẽ biện minh, triều đình Champa cứ sai bắt giam lại tất cả. Việc này ắt không tránh khỏi can qua.

Nghe thông bạch xong, Trần Hưng Đạo trầm ngâm một lát, bỗng ông tươi tỉnh hẳn lên, nói:

– Vậy ta có chí ít là một năm để dự phòng binh lực. Yên Kinh không thể cất quân đánh Đại Việt trước năm Quí mùi (1283). Thật là trời giúp ta. Xin thượng hoàng và hoàng thượng quyết ngay việc cử binh giúp Chiêm Thành. Ta giúp họ, cũng chính là tự giúp mình. Nếu Chiêm Thành thắng, Hốt-tất-liệt chưa chắc đã dám đánh ta. Nếu Chiêm Thành giữ được ở thế không thắng, không thua thì tình hình còn có thể cứu vãn từ một đến hai năm. Nếu ta có được quãng thời gian hai năm, chắc chắn đủ sức cự giặc.

Trần Nhật Duật cũng nói việc đó rất nên làm. Nếu không, kẻ kia chiếm được Chiêm Thành, ta sẽ bị kẹp giữa hai gọng kìm của chúng. Tình thế sẽ trở nên rất hiểm nguy. Trong khi còn đang bàn bạc, lại tiếp thêm một đạo biểu nữa của Trần Quang Khải gửi tới:

“Tình thế cấp bách. Đợi ý chỉ của hoàng thượng, e chậm trễ. Việc không thể không làm. Thần đã nhận với Chiêm Thành chi viện một vạn quân thủy bộ. Thần xuất quân bản bộ và cử đích trưởng tử Trần Đạo Tái làm tướng”.

Nghe xong biểu, Trần Hưng Đạo lặng người đi. Trong thâm tâm, ông hết sức khâm phục việc làm của Trần Quang Khải. Vừa sáng suốt kịp thời, vừa dám hi sinh vì nghĩa cả. Xuất quân bản bộ, lại cử con mình đi giúp nước láng giềng, dấn thân vào vòng nguy họa; phi các bậc đại trí, đại nghĩa không ai làm nổi. Có một cái gì đấy gần như một sự hối hận dâng lên ở trong lòng. Vì từ trước, ông vẫn đem lòng nghi ngại con người này.

Trở lại công việc đang dang dở, Trần Nhân tôn nói:

– Vừa nãy chú Chiêu Văn có nói đến “Bình Nguyên sách” của bá phụ, chẳng hay điều đó thế nào?

Trần Hưng Đạo ve vuốt chòm râu tới ba lần, rồi thong thả đáp:

– Tâu thượng hoàng, tâu bệ hạ. Từ khi Thát-đát bình xong Trung Nguyên tới nay, lòng thần chưa lúc nào được yên ổn. Vẫn lo sao cho dân trong ấp có cái ăn cái mặc. Lại lo cho binh mạnh lương nhiều. Song, xét ra mới chỉ có ấp An Sinh, ấp Tịnh Bang làm thôi thì chưa đủ. Nay bệ hạ hỏi, thần xin dâng kế “PHÚ QUỐC CƯỜNG BINH” (Nước giầu binh mạnh) chớ như chú Chiêu Văn nói, thần có “Bình Nguyên sách” là chưa đúng. Vì rằng, quân Nguyên mới uy hiếp ta thôi, chứ chúng đã tràn vào cõi ta đâu mà gọi “bình Nguyên” được.

Mọi người đều khen ý của Hưng Đạo là xác đáng.

Trần Hưng Đạo quay vào nhà trong bưng ra một cái tráp nhỏ. Ông mở tráp lấy ra một cuốn sách đóng bìa nâu, hai tay dâng lên thượng hoàng Trần Thánh tôn. Và ông nói thêm:

– Tâu, mọi điều đã được tóm lược thành từng chương mục, lại có chú dẫn, chú giải rõ ràng. Phần lớn các điều ghi trong đó đã được ấp An Sinh làm thử. Gần đây ấp Tịnh Bang cũng đã khai triển.

Ngoài các việc đã nói trong sách, thần xin bày tỏ thêm đôi điều. Tức là sự cấp bách phải mở mang dân trí. Hồi còn tiên đế đã có nói đến mở mang hệ thống tường tự học hiệu, kiểu như nhà Hạ, nhà Thương, nhưng ta chưa làm được. Nay xét trong dân chúng, còn nhiều điều mê muội, bọn có học chẳng đáng là bao, lại chọn dùng vào các chức sắc cả. Nên thần xin triều đình cho mở các trường hàng tổng, nếu như chưa mở được cho các xã. Rồi cứ thế dần dần ta mở mang thêm lên.

(Đời nhà Hạ, nhà Thương trong lịch sử cổ đại Trung Hoa, chủ trương mở trường tới tận thôn ấp cho dân học.)

Việc này xem ra cũng cấp bách không kém việc quân. Vì rằng, một dân tộc mà nền văn hóa thấp, là một dân tộc ngu muội. Để cho việc này duy trì được lâu bền, thần xin triều đình trích lập quỹ ruộng đất, để bảo trợ cho các trường. Và hệt loại đất ruộng ấy vào quỹ học điền, cấm xâm phạm. Lại phải có chính sách khuyến học. Ai có chí học hành, có khiếu năng thông tuệ, triều đình nên cấp bổng cho họ học lên cao.

Và nữa, việc chiêu dụng hiền tài cho nước, là việc vua sáng các đời thường làm. Hiện thời, ta phải làm thế nào quy tụ được các nhà tài đức trong nước. Nếu họ hết lòng vì xã tắc, thì đấy là một sức mạnh thần thánh không thể lường trước được. Triều đình phải coi người hiền tài là kho báu quốc gia. Thiên tử phải nhún mình mà thờ họ thì mới dùng được họ. Giống ngựa hay thường có tật kén chủ, không phải ai cũng dùng được ngựa hay. Người tài cũng vậy, không thể để cho bọn bất tài thất đức sai khiến họ được đâu. Thần khẩn thiết xin thượng hoàng cùng nhà vua, hết sức lưu tâm đến việc này. Bởi thần cũng rất lo ngại, vì ít lâu nay nhiều người có tiếng nói không đồng tình với các quan cai trị các phủ, trấn, lỵ; hoặc có người còn cho một vài chính sách của triều đình là không hợp thời. Bọn họ hết thảy đều bị bài xích. Nhiều người còn bị đe dọa tới cả tính mạng nữa. Có biết đâu rằng, những người dám nói lên chính kiến của mình, hoặc bày tỏ sự bất bình của mình trước công chúng hoặc quan lại, đều là những người có học vấn uyên bác, có tâm thuật vững vàng. Và họ cho điều họ đã suy ngẫm là đúng, là tốt hơn cái hiện có, nên họ mới dám nói. Còn đám người ăn càn nói rỡ thì lại khác. Bọn ấy có thể nói được, chê được, nhưng chúng chẳng làm được cái gì nên hồn. Bọn này thường là bọn a dua, xu nịnh, ăn theo nói leo. Chúng chỉ là một lũ khoác lác phải được loại bỏ và trị tội. Tiếc thay, bọn súc sinh này lại có khiếu năng ton hót, hợp với khẩu ngôn của bề trên, nên thường là chúng vẫn len lỏi được vào bộ máy quốc gia.

Ngay như kế: “Phú quốc cường binh”, thời cũng có phải đâu là ý của riêng thần. Chẳng qua là thần chịu trách nhiệm trước bệ hạ về việc làm đó. Còn hết thảy là do sự nghĩ hiểu các của môn khách, các gia tướng, gia thần trong phủ Hưng Đạo, trong ấp An Sinh qui góp lại. Lúc đầu, thần cũng thấy trái tai trái ý lắm. Ví như việc thả bớt nông nô, xẻn bớt đất ruộng để cho, hoặc bán chịu cho đám nông phu này. Tức là nó làm thiệt của thiệt người của thần nhiều lắm. Sau được các tướng giảng giải; của ấy, người ấy chẳng đi đâu mà mất. Nó vẫn quanh quẩn trong gầm trời Đại Việt. Của không ở trong kho của các vương hầu, thì nằm trong các nhà dân. Nhưng lợi hơn nhiều. Vì rằng đất ruộng ở trong tay thần, một năm chỉ cấy trồng một vụ. Trái lại, đất ruộng ở trong tay đám nông phu, họ làm hai vụ. Thế là vốn ruộng đất chỉ có một, nhưng sản vật lại thu về gấp đôi. Cho nên bây giờ, hệ hạ đi khắp vùng đất của ấp An Sinh này, sẽ thấy nhà nhà bồ lẫm đều đầy thóc lúa. Không ai còn biết đói là gì. Mà thần muốn chiêu binh lúc nào cũng được, chiêu bao nhiêu cũng được, không một ai trốn tránh. Cúi xin thượng hoàng cùng bệ hạ minh xét.

Trần Thánh tôn mải miết đọc kế “Phú quốc cường binh”. Điều lớn nhất ông thâu nhận được trong kế sách, là các vương hầu phải nhún mình để thân dân. Và phải chia sớt một phần của cải tài sản cho dân. Nhà vua tự nghĩ: việc này thật không dễ dàng một chút nào. Có thể các vương hầu sẽ chống lại. Song, nếu là quốc sách trong thời chiến, thì nhất thiết phải cưỡng bách thi hành. Vả lại phủ Hưng Đạo đã làm rồi, các phủ khác, không thể không theo. Việc này, nếu được thi hành khắp cõi, thì đúng như anh Quốc Tuấn nói, chỉ một năm sau, cả nhà nước lẫn nhà dân, đều không đủ kho lẫm mà chứa thóc. Và việc gọi lính sung quân, hẳn không có khó khăn gì. Ông lại nghĩ, hơn lúc nào hết, bây giờ phải lấy sự tồn vong của xã tắc làm trọng. Lợi quyền tư riêng, hết thảy đều phải dẹp bỏ. Phải làm thế nào để từ vua chúa, vương tôn công tử đến thứ dân, ai ai cũng một lòng căm giận quân giặc dữ, quyết liều thân vì nước, có như thế mới đủ sức kháng giặc.

Trong khi Thánh tôn đang chìm nghĩ vào sách lược “Phú quốc cường binh” của Hưng Đạo, thì Nhân tôn lại chú ý đến sự quan hoài khẩn thiết của bá phụ, về việc những người bất đồng chính kiến, có nguy cơ bị áp chế, ngày một gia tăng. Và theo như ý của bá phụ, thì đó phần nhiều là các người tài đức, triều đình phải nhún mình thờ họ, rồi mới dùng họ được.

Suy ngẫm lại, nhà vua thấy đúng. Từ ngày ông lên ngôi hoàng đế tới nay đã 5 năm. Vẫn cứ là bộ máy cũ, những con người cũ do vua cha để lại. Bản thân ông chưa tìm gặp được người hiền tài nào trong thiên hạ. Vả lại, ông cũng chưa hết tâm cầu tìm. Người tài đức, xưa nay vẫn là hiếm quí, triệu người chưa chắc đã có được một hai. Hơn nữa, họ là những người có nhân cách lớn, dễ gì sai khiến họ được. Ấy vậy mà triều đình lại tỏ ra khinh thị những ai trái ý mình. Bọn quan lại từ xã ấp đến phủ trấn, hết thảy đều dương dương tự đắc, coi thường những người chưa có chức tước trọng thiên hạ. Gần đây, nhà vua cũng nhận thấy sự bài xích, đàn hặc, rồi biểu chương tố giác các nơi gửi về ngày một nhiều. Chắc là trong lúc “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” (khi thế nước lâm nguy thì kẻ ngu khờ cũng phải gánh phần trách nhiệm), cho nên mọi người đều hết lòng lo cho nước. Họ thấy chính lệnh của triều đình, mà các quan lại toa rập lâu nay, không còn thích hợp nữa, nên họ phải lên tiếng. “Đúng rồi” – Nhân tôn nghĩ – Nếu không có bá phụ cảnh tỉnh, ắt ta lại nghe đám nội nhân và tam cung lục viện mà áp chế họ, thì thật là phụ lòng họ quá. Được rồi, ta sẽ nghị bàn cho thấu đáo, để sao cho trong công cuộc chống giặc dữ này, không một tấm lòng nào, không một kế sách nào, không một tài năng nào có lợi cho nước, cho dân lại không được huy động vào sự nghiệp cứu nước.

Trần Nhật Duật tuy là một danh tướng trẻ, nhưng không phải là người thiếu sự đằm sâu suy tưởng, mặc dù ở kinh sư, ông nổi tiếng là một người tài hoa phóng túng. Trước kế sách của Trần Hưng Đạo dâng vua, và các việc ấp An Sinh đã làm, Trần Nhật Duật không thể không nghĩ về Trần Quốc Tuấn, như nghĩ về Khương Tử Nha đối với nhà Chu. Và ông khâm phục, không những tài năng mà cả về đức độ của Quốc Tuấn. Từ lâu, ông vẫn nghe thấy những tiếng sầm sì hết ở trong nội tẩm, lại ở trong phủ Chiêu Quốc, rồi loáng thoáng nơi này nơi khác. Rằng phải coi chừng Quốc Tuấn, phải sẻn bớt quyền lực của Quốc Tuấn. Nếu không, con người mưu lược như thần, và có tài điều binh khiển tướng chẳng thua gì Tôn-Ngô, Hàn Tín ấy, chỉ cần ông ta phảy tay một cái là cả triều đình nghiêng ngả. Những lời dị nghị ấy vốn đã không lọt tai Nhật Duật thì nay lại càng chứng tỏ, tấm lòng của Quốc Tuấn đối với non sông đất nước, đối với vương triều tỏ rạng như sao Khuê, như ngọc quí, không một tì vết. Việc ông đi lại thăm viếng hay biếu tặng Hưng Đạo, là tự đáy lòng ông yêu kính người anh họ, chứ không phải như người ta nói là để thăm thú dò tìm, là để lấy lòng. Chắc điều đó, một con người sáng suốt như Quốc Tuấn không thể không biết.

Về phần Quốc Tuấn, việc hai vua đến tận thái ấp của ông để bàn bạc những việc quốc gia trọng đại. Điều đó khiến ông biết ơn, song cũng làm ông áy náy. Tuy ông là phận bề trên cả hai vua. Vua cha, với ông là chỗ anh em thúc bá, còn vua con lại là con rể ông, là cháu gọi bằng bác. Tuy vậy, đạo quân thần ông vẫn tôn thờ hết dạ. Tại sao nhà vua không cho gọi ông về triều, hoặc điều ông đến một nơi nào khác, mà thân xuống tận đây? Phải chăng lòng cha con Thánh tôn vẫn còn vương vấn tị hiềm, nên lúc nào cũng muốn làm đẹp lòng ông. Ôi, ta làm sao giãi bầy được gan ruột ra với mọi người. Rằng lúc này đừng có nghĩ suy tạp loạn. Hãy hướng tâm thức, trí lực vào việc tìm mưu hay, kế lạ để ngăn giặc. Họa chiến tranh sắp ụp xuống đầu cả một dân tộc, đó là nỗi lo lớn nhất mà ta hằng đau đáu ngẫm suy.

Trong lúc mọi người đang im lặng suy tư thì phu nhân Quốc Tuấn ló vào – Bà chính là Thiên Thành công chúa – người đã gá nghĩa cùng Quốc Tuấn hơn ba chục năm nay. Bà tuy đã ngoài năm chục tuổi, tóc đã điểm sương. Da loáng thoáng có vảy đồi mồi, nhưng gương mặt bà vẫn toát lên vẻ tươi mát. Nhất là khi bà hé môi cười, hai hàm răng trắng đều và nhỏ tắp. Ai cũng nghĩ tới đám cưới bà hơn ba chục năm trước, đã làm chấn động cả kinh thành. Bà vào mời mọi người dùng bữa. Lấp ló sau lưng bà là An Tư công chúa. Nàng trở về ấp An Sinh vẫn bằng lâu thuyền lúc ra đi.

Trước khi vào bữa, Thánh tôn gấp cuốn “Phú quốc cường binh” lại, nhìn thẳng vào Trần Hưng Đạo, ông thong dong nói:

– Tất cả những điều nằm trong kế sách của vương huynh, phải trở thành quốc sách của nhà nước Đại Việt – Vừa nói Thánh tôn vừa ngoảnh mặt về phía Nhân tôn. Đưa tập sách cho nhà vua và tiếp – Quan gia xem xong, cần tu chính gì thêm, thì trình với quốc trượng. Rồi đưa cho nội thị sảnh tuyên cáo cho thần dân đều biết. Và ban thêm một đạo sắc dẫn dụ cho mọi người hiểu cặn kẽ, để còn làm. Kẻ nào chống lại, khép vào tội bạn nghịch mà xử.

(Quốc trượng: bố vợ vua. Nội thị sảnh: theo quan chức nhà Trần, Nội thị sảnh có các chức nội thị, thiên chương các học sĩ, giữ việc hầu vua và tuyên chế lệnh. Bạn nghịch: làm phản.)

Dừng giây lát, Thánh tôn nói thêm:

– Mai đây vào cuộc chiến, sức người, sức của phải thâu nạp nhiều lắm. Hiện nay trong dân nhiều nhà giàu có, họ thèm khát có một chức vị gì đó của triều đình, và họ sẵn sàng đánh đổi một phần sản nghiệp. Vậy từ nay, triều đình ủy thác cho vương huynh có toàn quyền được phong các tước từ Minh tự trở xuống cho những người có của, để lấy tiền xung vào công quỹ nhà nước, không cần phải hỏi về triều nữa. Ngoại trừ có tước hầu thì phong trước, tâu sau.

(Quan tước thời xưa theo phẩm trật như sau: Vương – Công – Hầu- Bá – Tử – Nam.)

Quốc Tuấn hết sức cảm kích về tấm lòng ưu hậu của Thánh tôn, nhưng trong cuộc đời, ông không quen sử dụng đặc quyền, cho nên dù cho phép, ông cũng không làm. Duy nhất có một lần ông phong cho một nhà phú hộ, vì họ dám bỏ ra một ngàn phương thóc để mua chức lang tướng, trong khi ông lại rất cần gạo nuôi quân. Bởi vậy ông đã phong cho họ, nhưng cũng chỉ là chức “Giả lang tướng”. Tức là ông chỉ cho làm lang tướng giả, chứ không cho làm lang tướng thật. Tấm gương cao khiết ấy, có thể soi thấu muôn đời sau.

Đêm, hai vua xuống thuyền về lại Thăng Long. Nhân tôn nắm lấy tay Trần Hưng Đạo, nói với giọng trang nghiêm, kính cẩn:

– Quốc phụ phải giữ gìn tấm thân muôn quí để dùng cho đại cuộc. Cả nước trông vào quốc phụ!

Trần Hưng Đạo cảm kích dặn Nhân tôn:

– Ta xem phụ hoàng con, tâm thật chưa vững. Tâm có vững mới dám xông vào cuộc. Hốt-tất-liệt sẽ cử đại binh sang tàn phá nước ta. Nếu người giữ trọng trách quốc gia không vững tin ở mình, ta e khó đấy. Con hãy liệu lời khuyên cho phụ hoàng vững dạ. Còn ta, sẽ lo xoay chuyển thế quân, để thượng hoàng tin ở lực mình. Ngập ngừng giây lát, Trần Hưng Đạo nói thêm – Nay mai nếu ta không về được, sẽ cử người về Thăng Long, quan gia thu xếp với An Tư công chúa cho ta xin con Yến Ly, để còn dạy dỗ vào việc quân – Rồi ông dẫn Nhân tôn xuống thuyền. Vào tận khoang trong, Trần Hưng Đạo nắm chặt hai tay Thánh tôn. Ánh nến lung linh soi tỏ hai khuôn mặt kiên nghị thánh thiện, cùng hai cặp mắt giao nhau, như đang tỏa sáng soi khắp khoang thuyền. Giọng run run, ông nói với Thánh tôn: “Em hiểu cho lòng ta. Phải lấy nước làm trọng. Sự mất còn là ở đấy”. Xúc động quá, vì lần đầu tiên nói ra được nỗi uẩn ức trong lòng, vương đã đề rơi mấy giọt lệ. Và cũng lần đầu tiên, từ khi ý thức được tình anh em, Thánh tôn nhận được những lời nói chân tình đến nhỏ máu, và điều đó làm ông như có gì ân hận, như hối hận, nước mắt tự nhiên trào ra. ông ôm ghì lấy Quốc Tuấn: “Thế nước có đứng được hay không là nhờ ở anh đó!”.

Hai vĩ nhân chia tay nhau trong niềm xúc động chân thành. Những giọt lệ họ nhỏ ra, để khóc cho một quá khứ đắng cay và lầm lỗi của các bậc cha anh. Nước sông Lục Đầu lóc róc vỗ bên mạn thuyền như ngàn vạn tiếng reo vui, như một lời chứng thiêng liêng cho cuộc hóa giải oan cừu, để các vĩ nhân đi vào lịch sử như những khối kim cương trong suốt.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN