Thăng Long Nổi Giận
Chương 15
THĂNG LONG NỔI GIẬN
Từ sau buổi đưa tiễn trên cửa Thần Phù trở về, nhớ lại những sự việc đã qua, An Tư công chúa cảm thấy tất cả đều trôi đi như một giấc mộng. Từ việc theo quan gia đi thăm Tịnh Bang ấp của Tuệ Trung thượng sĩ, gặp tráng sĩ Đặng Dương, đến cuộc du ngoạn trong rừng núi Tản Viên gặp hổ và cuộc hội ngộ tao phùng với chàng hiệp sĩ người vùng Tản Viên. Lại cuộc tiễn đưa Trần Đạo Tái với chàng ta đi cứu viện Chiêm Thành. Rồi nữa cuộc chia biệt đau lòng giữa nàng với Yến Ly.
T
Vốn người hiếu động, nhưng lúc này An Tư thấy không thể một mình một ngựa xông xáo vào các nơi tướng phủ như trước nữa. Hoặc kéo cả một bồ đoàn con hầu đầy tớ, nghênh ngang du ngoạn cảnh đẹp đất nước. Như thế sẽ rất vô duyên, bởi tất cả đều rộn lên khí thế đánh giặc Thát. Đi về bất cứ nẻo nào trên toàn cõi Đại Việt, người ta cũng đều nghe thấy tiếng rèn đúc khí giới, tiếng quân tập luyện reo hò dậy đất. Và từng đoàn người tấp nập chuyển tải lương. Chính vì thế An Tư phải giam mình trong cung. Nàng buồn lắm. Phần vì nhớ bốn phương, vì tính nàng ưa bay nhảy. Nhớ nhất Chiêu Thành vương – chàng tráng sĩ mài kiếm dưới trăng đã ba thu chờ ngày giết giặc Thát. Chiêu Thành vương nổi tiếng khắp kinh thành vì lòng kiên nhẫn luyện rèn kiếm kích, và nuôi chí diệt thù. Tráng sĩ có khuôn mặt đẹp, cơ thể cường tráng võ nghệ cao cường, nhưng lại không chịu để cho một bóng giai nhân nào lọt vào mắt chàng. Chính lòng kiêu hãnh của Chiêu Thành vương đã khích lệ An Tư chinh phục. Và cuối cùng trái tim tráng sĩ cũng phải mềm lại trước bàn tay ngà ngọc ve vuốt và những lời nói nũng nịu yêu kiều của công chúa. Mới đây chàng lại tình nguyện nhập vào đội quân thám sát. Và hiện thời chàng đang ở trên vùng ải bắc. Đã ngót một tuần trăng, chàng chưa trở lại, và cũng không có thư tín gì. Điều đó làm cho An Tư băn khoăn đến rối dạ: “Phải làm một việc gì đây?” Nàng đặt cho mình câu hỏi ấy. Bởi khắp trong nước không một người nào là không có công việc. Và tất cả mọi việc lớn nhỏ đều hướng về cuộc bảo vệ giang sơn. Chợt nhận ra mình như một người ngoài cuộc, nàng giật mình và tự ngượng. Công chúa bèn đòi bọn tỳ thiếp vào hỏi:
– Các em có biết hiện nay mọi người đang làm gì không?
– Dạ bẩm công nương, biết ạ! Mọi người gần như đồng thanh đáp lời công chúa.
– Vậy mọi người đang làm gì? Công chúa gặng hỏi.
– Dạ bẩm công nương, mọi người đang làm các công việc để chờ đánh giặc Thát, khi chúng tràn vào cõi.
An Tư vẻ hơi ngậm ngùi tự thẹn: “Thì ra ai nấy đều biết mình cần phải làm gì để cứu nước. Ngay cả bọn nàng hầu còn quan hoài đến vận nước. Thế mà ta chỉ ham mải các cuộc vui”. Nghĩ vậy, công chúa chậm rãi nói:
– Các em, chúng ta là phận nữ nhi không xông pha trận mạc được, chúng ta phải làm gì chứ, chẳng nhẽ chỉ có mỗi việc trang điểm sao? Việc ấy Hốt-tất-liệt đâu có sợ.
– Dạ bẩm công nương, chị em chúng con ai cũng muốn được làm một việc gì để góp vào với thế nước.
Công chúa vui vẻ hẳn lên. Nàng nói:
– Ừ, nhưng mà chúng ta làm gì nhỉ? Đó là một câu hỏi thành thực, khiến cả đám nữ tỳ ngơ ngác. Họ cũng vừa chợt hỏi nhau: “Làm gì?”.
Một tỳ nữ nom có phần rắn rỏi, từng trải xin nói:
– Bẩm công nương, chị em chúng con có thể làm được mọi việc. Như cày cấy lấy lúa gạo nuôi quân. Hoặc gánh gạo, tiếp lương cho quân ở mãi các vùng miền heo hút, không có sông suối thuyền bè qua lại, hoặc xe không qua, ngựa không tới. Nhưng chúng con đi như thế, lại không có người hầu hạ công nương. Vậy theo ý con, chúng ta nên làm các việc nhỏ tại đây thôi, vẫn có thể phấn khích được lòng quân.
Nghe nàng hầu nói, An Tư công chúa mắt sáng lên một cách tin tưởng. Nàng dồn hỏi:
– Chúng ta làm được à? Tất cả mọi người đều làm được à? Cả ta nữa chứ? Thế thì tốt quá. Nhưng làm gì mới được chứ?
– Bẩm công nương, ví như chúng ta đan các túi đựng tên bằng mây, tre, may các túi đựng trầu cho quân sĩ. Ai khéo tay thì thêu thùa bông mai, bông cúc hoặc hình dũng sĩ vào khăn tay, để trao tặng cho các chiến sĩ có công luyện rèn. Lại nữa, nếu có vải thì may áo mền, cho các chiến sĩ mặc trong mùa đông giá buốt.
Nghe nàng hầu nói, An Tư cảm thấy ấm lòng. Vì rằng, chính các công việc đó sẽ là chỗ dựa cho nàng, an ủi nàng yên tâm rằng mình đã hòa nhập vào đại cuộc. Lập tức mụ quản gia được triệu đến, và chỉ mấy hôm sau các công việc được bắt đầu. Cung cấm của công chúa, bỗng chốc nhộn nhịp như công trường. Đám gia nô mạnh chân khỏe tay được sắp xếp vào các toán đi lấy mây, lấy song về pha chẻ thành nan để đám nữ tỳ khéo tay đan thành những chiếc túi đựng tên. Thoạt đầu chỉ có vài ba người biết đan. An Tư bắt họ phải dạy cho những người khác. Vài bữa sau, ai cũng biết đan, chính công chúa cũng đan được. Tuy vậy, khó nhất vẫn là lúc gầy nan. Tức là những thanh nan đầu tiên để tạo chiếc túi hình ống, y hệt một ống tre nhưng mềm mại đẹp mắt. Sau có người sáng ý nghĩ ra cách đan túi có nắp đậy, phòng khi người lính di chuyển, tên không bị xóc mà rơi ra ngoài. Chiếc nắp đậy được gắn vào miệng túi bởi cái bản lề cũng bằng mây. Tức là nó được kết gút và quấn nhiều vòng cho thật chắc.
Công chúa chỉ tập đan một vài túi tên cho biết, cho vui để khích lệ đám tỳ nữ. Còn nàng đích thân trông nom các việc thêu may các túi đựng trầu và khăn tay. Tất cả các loại kích cỡ to nhỏ, thêu thùa mẫu mã, màu sắc thế nào đều tự công chúa nghĩ ra và truyền cho đám thị nữ làm theo. Riêng có việc may áo mền thì còn cho người đi mua bông, mua vải, phải chờ ít bữa nữa.
Ngày lại ngày tiếp nối, công việc cứ cuốn hút mọi người với một vẻ đắm say kỳ lạ. Đến nỗi công chúa cũng quên cả chải chuốt trang điểm, mà lao vào việc từ sáng đến tối mịt. Việc ăn uống cũng không được xem trọng như trước nữa. Đôi khi An Tư cũng ăn uống chung lẫn với đám người hầu hạ. Nàng không hề nghĩ việc xuề xòa là làm thấp phẩm giá và địa vị cao sang của mình. Trái lại, nhờ sự hòa đồng đó mà công chúa được đám tì nữ càng gần gũi, yêu trọng. Và vì thế công việc cứ mỗi ngày thành tựu một cao hơn. Ví như mấy ngày đầu lóng ngóng, có khi mỗi người loay hoay cả ngày không đan xong một chiếc giỏ đựng tên. Nhưng mới qua nửa tuần trăng, ai cũng thạo việc. Bây giờ các nàng cứ nhắm mắt lại ai cũng đan được, đêm tối cũng đan được mà không sợ sai, sợ lỗi. Và mỗi người đan một ngày đã dư chục chiếc giỏ đựng tên. Bên may thêu cũng không kém bên. đan lát. Chợt một bữa An Tư đi kiểm tra xem các vật phẩm làm ra được nhiều chưa, để còn gửi đi tặng các đoàn quân. Nàng kinh ngạc thấy dãy nhà ngang đã chứa đầy ắp tới sáu, bảy gian thuần những thứ để làm quà cho binh sĩ. Trong lòng nàng phấn chấn lạ thường. An Tư chợt nghĩ về năm Đinh tỵ, quân xâm lược Thát-đát tràn vào bờ cõi, Linh từ Quốc mẫu đã làm biết bao việc, khiến cả triều đình đều sửng sốt và kính trọng. Ví như một tay Quốc mẫu lo việc sơ tán con em các hoàng thân quốc thích, về ẩn náu mãi tận vùng Long Hưng (thuộc Thái Bình ngày nay). Lại lo thu gom lương thực, mua sắm và tích trữ khí giới, chờ tới khi quân ta phản kích giặc, Quốc mẫu đem ra cung hiến kịp thời, khiến ba quân thêm khí thế diệt thù. Việc ấy, hiện sử gia Lê Văn Hưu đã chép trong quốc sử. Lại nghe nói, các việc đó Quốc mẫu cứ lặng lẽ làm, đến cả thái sư Trần Thủ Độ cũng không biết nữa. Mới hay ai có lòng vì nước, tự khắc biết mình phải làm gì.
Bởi thế, từ ngày nghĩ ra được các công việc cùng làm với đám tì nữ, An Tư công chúa thấy trong lòng thư thái. Việc còn lại lúc này là trao tặng các sản phẩm của cung An Tư cho ai, cho đoàn quân nào. Thật ra, các chiến sĩ ở bất cứ vương phủ nào cũng đều xứng đáng được trao tặng. Song nàng ao ước giá như Chiêu Thành vương lập riêng đội gia binh của vương phủ, để nàng được trao các tặng phẩm đến tận tay đám binh sĩ này thì đẹp xiết bao. Tiếc thay, chàng lại là tướng của triều đình. Trước đây chàng coi sóc đội quân thần võ nay vì có việc gấp trên biên ải, hoàng thượng riêng cử chàng đi. An Tư băn khoăn, việc gấp thì phải kíp quay về để hồi âm. Sao chàng lại đi biền biệt? Nàng đặt ra không biết bao nhiêu câu hỏi với nhiều cảnh ngộ éo le, trạng huống phức tạp. Để rồi lo lắng, âu sầu. Suốt ngày nàng miên viễn ủ dột vì những điều không đâu ấy. Đêm về, nàng trằn trọc ôm gối, vò chăn tự vẽ ra mối sầu chinh phụ. Và lòng buồn nẫu ra như một chiều quan tái. Khi mảnh trăng hạ huyền chếch soi nơi rèm cửa sổ, hắt vào nhà một màu trăng trắng ảo huyền, thì nàng không thể nào nhắm mắt ngủ lại được nữa. An Tư vùng dậy lấy các đồ nghề ra thêu. Đích thân nàng sẽ thêu một chiếc khăn tay tặng chàng. Công chúa căng vuông lụa bạch lên khung thêu rồi chọn màu chỉ. Nhưng thêu cái gì mới được chứ? Nàng ngồi trầm tư. Thoạt đầu, nàng định thêu một con chim đại bàng, đang sải cánh lao vào bầu trời giông bão, để nói lên cái chí của chàng – Cái chí của chàng ai mà chẳng biết. Chính là nói lên nỗi lòng của ta đối với chàng. Về tấm lòng của mình, công chúa định thêu một bông mai trắng e ấp trổ trên một cành khẳng khiu – Thế thì kín đáo quá, ai mà hiểu được. Chợt An Tư nghĩ đến việc đề thơ. Ý này làm nàng phấn chấn hẳn lên. Vì thơ, ý tại ngôn ngoại nới được nhiều lắm. Nàng không màng tới việc múa bút khoe văn với chàng, mà chỉ muốn thêu một bài Đường thi tứ tuyệt nào đấy cho hợp với cảnh ngộ của hai người. Thoạt đầu, An Tư nghĩ đến bài “Xuân oán” của Kim Xương Tự. Đọc lên nghe hợp với tâm trạng mình quá, công chúa đã toan đặt mũi kim thêu. Nhưng đọc đi đọc lại vài lần, nàng lưỡng lự. Tứ của bài thơ, hợp với cảnh ngộ kẻ ở chốn cô phòng chờ người lữ thứ. Song hồn thơ mông lung, ủy mị, đành bỏ. An Tư lại lần giở trí nhớ tìm đến các bài thơ khác. Công chúa nhẩm đọc bài “Xuân tứ” của Lý Bạch. Nàng lắc đầu. Bài thơ cực tả cảnh thiếu phụ chờ chồng đi chinh chiến ở cõi xa. Tâm trạng nao nao buồn, như là cảnh góa phụ, cũng không hợp. Thả hồn phiêu đãng lên vùng ải bắc – miền đất nàng chưa hề đặt chân tới. Nàng hình dung trong lung linh sương khói, cảnh núi non trùng điệp cao chất ngất, rừng thẳm bạt ngàn chỉ có tiếng gió núi ào ào, tiếng suối nước róc rách xen với tiếng chim, tiếng thú, lúc thì thắm lúc gào thét. Và Chiêu Thành vương – tráng sĩ của nàng, một mình một ngựa len lỏi đó đây để dò tìm tin tức về quân giặc. Lại nữa, nàng cũng hình dung thấy phía bên kia biên ải, quân Nguyên đông như một đàn kiến đang rập rình ào vào cõi ta. Trí tưởng tượng đưa nàng về với thực tại, nàng đang đối diện với vuông lụa bạch đã căng sẵn trên khung thêu. Vậy chữ nghĩa hoặc cảnh vật nào phủ lên đó, mang được chí hướng chàng và tâm thức ta? Câuhỏi cứ xoáy sâu vào đầu óc An Tư. Chợt một bài thơ khác, cứ hiện dần ra như khuôn tranh trước mắt nàng. Ấy là bài “Lương châu từ” của Vương Hàn. Công chúa đọc:
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi Dục ẩm tì bà mã thượng thôi Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi Dịch nghĩa:
KHÚC LƯƠNG CHÂU
Rượu ngon, trong chén ngọc dạ quang Sắp uống, tiếng tì bà trên ngựa đã giục giã Say sưa nằm lăn lóc nơi sa trường, chàng đừng cười nhé Xưa nay đi chinh chiến đã mấy ai trở về.
Vừa đọc dứt, An Tư đã hình dung thấy cảnh tráng sĩ đang ngụp lặn ngoài sa trường, da ngựa bọc thây không hề nản. Và cả những nét gian khổ, lam lũ hằn sâu trên từng khuôn mặt cùng cái chết cặp kè đe dọa. Nhưng sao vẫn thấy phong dạng anh hùng toát ra từ nơi các chàng trai mã thượng ấy. Bức tranh chiến trận như có một ma lực hấp dẫn nàng. Dường như có thần linh xui khiến, An Tư không chút đắn đo, gỡ luôn một búp chỉ màu thiên thanh thêu áp lên mặt lụa bạch. Trái với lệ thường, phải viết chữ vào vải rồi mới thêu; An Tu không làm thế, nàng thêu vo, nét chữ đều đặn sắc sảo như viết trên giấy. Nàng vẫn cặm cụi, một tay giữ khuôn, một tay nhể thoăn thoắt, khiến ta có cảm giác nàng đã nắn nót viết các dòng chữ kia bằng các đầu ngón tay với một thứ mực chiết ra từ hồn nàng. An Tư cứ gò lưng lẩy từng mũi kim một cho tới khi gà gáy dồn, ngoài vọng lâu đã gióng lên ba tiếng trống sang canh. Cũng vừa lúc nàng kết gút nét chữ cuối cùng của bài thơ. An Tư ngắm nhìn bức thêu như ngắm nhìn một vật lạ. Nàng ngạc nhiên đến nỗi không ngờ rằng đó lại chính là tác phẩm của mình. Nàng chợt nhận ra phải đi thêm một đường viền màu lam nữa quanh khăn, nếu không bức thêu sẽ trở nên trống trếnh. Vừa toan xâu chỉ, chợt có hơi thở âm ấm phả vào cổ nàng, và một giọng nói khe khẽ vừa đủ nghe:
– Đẹp quá!
Công chúa giật nẩy người. Nàng run sợ, tưởng như có quân gian tế lọt vào.
Đã toan kêu cứu thì một bàn tay đặt nhẹ lên vai nàng và nói nhỏ:
– Công nương không nhận ra ta ư? An Tư quay lại. Vừa chợt thấy Chiêu Thành vương, nàng ôm ghì lấy chàng thổn thức:
– Chiêu Thành vương của em! Tráng sĩ của em? Sao chàng đi biền biệt, làm em lo quá!
Chiêu Thành vương nắm lấy hai bờ vai của công chúa lắc nhẹ, rồi đặt lên đôi mắt lim dim, đôi môi chúm chím như nụ hồng hàm tiếu kia những chiếc hôn ngọt ngào.
– Ta nhớ nàng đến đau lòng, chàng nói – nhưng mệnh quân vương trao cho chưa hoàn tất, sao ta dám trở về bệ kiến. Nói xong chàng nở một nụ cười tươi rói. Và như chợt nhớ ra điều gì, chàng vội chạy ra ngoài thềm.
An Tư bước theo chàng. Trăng hạ huyền như một nét mày cong thiếu nữ, treo lơ lửng trên nền trời mờ sương khói. Công chúa nhìn xuống bậc tam cấp, nơi có cây ngâu cổ thụ lờ mờ hiện ra một bóng ngựa. Thì ra chàng cột ngựa ở gốc ngâu – Ta vô tâm quá! – Nàng tự trách – có nhẽ chàng từ biên ải về thẳng đây, chưa kịp cơm nước. Chàng lấy vật gì đó trên yên ngựa, rồi thoăn thoắt lên thềm, kéo công chúa vào nhà.
– Ta đem quà từ biên ải về cho nàng đây. Vừa nói, chàng vừa mở chiếc túi vải chàm thêu nguệch ngoạc vài đường chỉ đỏ. Bỗng mặt chàng đổi sắc buồn thiu.
Không hiểu có chuyện gì, An Tư ghé nhìn vào trong túi. Chao ôi những trái hồng xứ Lạng dập nhoe nhoét như một nồi hồ vữa.
Vẻ mặt chàng buồn rười rượi. Chàng nhìn như cầu khẩn nàng tha thứ cho nỗi vụng về.
An Tư không chịu nổi cái nhìn đó, nàng ôm ghì lấy chàng và nói những lời đứt nối chân thành:
– Ôi tráng sĩ của em. Chàng trở lại với em, quí biết dường nào. Đừng buồn nữa chàng. Mấy trái hồng nát là do đường sá gập ghềnh, và tuấn mã của chàng không quen đi nước kiệu…
Vẫn thấy chàng ngùi ngùi không đáp. An Tư lại nói:
– Hãy coi như em đã được ăn hồng rồi, bởi tình chàng gửi gấm vào đó còn quí hơn nhiều. Ôi, chàng cho em nhiều quá! Em được hạnh phúc đủ đầy quá!…
Lời âu yếm được thốt ra từ trái tim chân thực, lại được bàn tay ngà ngọc của nàng ve vuốt, và mái tóc nàng, khuôn mặt nàng cứ áp sát vào bộ ngực nở nang của chàng, như kiếm tìm một nơi ẩn náu chở che, khiến chàng vừa cảm động, vừa sung sướng đến bàng hoàng. Hai tay chàng khẽ nâng khuôn mặt kiều diễm của nàng lên, và đặt vào đó những nụ hôn nồng cháy.
Như có một cái gì huyền ảo cứ len lỏi khắp trong huyết quản, khiến công chúa mềm người ra, ngã hẳn vào tay chàng. Hai người quấn quýt riết ghì lấy nhau thì tiếng ngựa ngoài thềm hí vang. Con ngựa vừa hí, vừa gõ móng dồn dập, như thúc hối một điều gì gấp gáp lắm. Chiêu Thành vương giật mình thủ thế, chàng vội buông công chúa, tay nắm đốc kiếm ngó vội ra sân. Ngọn bạch lạp hắt ra một luồng sáng mờ mờ, khiến chàng nhìn thấy cặp mắt con Hắc long đỏ ngầu. Chàng bước tới bên con ngựa, đặt tay lên vầng trán nó. Con ngựa lắc mạnh bờm hất tay chàng ra. Biết nó đang giận, Chiêu Thành vương chợt nhớ, trên đường về chàng đã ngon ngọt dỗ dành nó thế nào. Và nó đã không tiếc sức sải vó trên đường trường để đưa chàng về sớm với nàng. Vậy mà chàng đã vô tâm để nó đói khát. Ngay đến giống ngựa thồ cũng không thể đối xử như thế được, huống chi Hắc long là loài ngựa quí, và đã từng gắn bó với chàng mấy năm nay. Chàng liền ghé vào tai nó, nói những lời vỗ về dịu ngọt. Ngay trong giọng nói, chàng đã tỏ ra ân hận. Hắc long nhận ra điều ấy, đôi mắt nó chớp chớp chứ không bực bội, hằn học như trước nữa. Vừa lúc công chúa xốc áo bước theo chàng. Chiêu Thành vương quay nói với nàng:
– Em dẫn ta dắt ngựa vào tầu. Nó vừa đói, vừa mệt.
Trước khi thả ngựa vào tầu, chàng xoa bóp các bắp chân cho nó. Con ngựa khát run lên, nó đưa mũi hít khan rồi hớp hớp không khí.
– Em chỉ cho ta chỗ lấy nước, lấy cỏ cho ngựa – Chiêu Thành vương quay ra hỏi công chúa.
Một thoáng băn khoăn rồi nàng quyết:
– Chàng cứ trở lại lầu Thiên Quang đi, em khắc sai bọn thị tì làm mọi việc.
– Nàng nhớ dặn nữ tì rắc một dúm muối vào cỏ nhé. Hết cỏ, cho ăn thóc cũng được. Và nếu tiện, cho nó ăn độ chục qủa trứng gà sau khi uống nước.
Bước vào lầu, cái mà Chiêu Thành vương nhìn thấy đầu tiên là bài thơ thêu trên vuông lụa. Mới thoáng đọc hai chữ “Bồ đào”… chàng đã thuộc cả bài – chắc là nàng thêu tặng ta. Quả ta không ngờ nàng lại khéo tay đến bực này. Nhưng sao khi nãy ta không nhìn thấy các hàng chữ trên? Chàng cười thầm: bởi khi có nàng, ta không còn nhìn thấy gì khác nữa.
Khi An Tư trở lại lầu Thiên Quang thấy vương đang ngắm nhìn bức thêu, nàng vừa sung sướng, vừa e thẹn.
– Em ủy mị quá phải không vương? Xin vương rộng lượng bỏ lỗi cho.
– Công chúa thông minh lắm. Cảnh chiến địa đúng là như vậy. Ta đi thám sát vùng biên ải tuy chưa có chiến tranh, nhưng đời người lính là thế đấy. Ta chắc Vương Hàn đã từng là lính thú ải xa, hoặc là lính chiến, nên mới có xúc cảm mạnh và thực đến thế…
– Nhưng mà câu kết… thêu xong rồi em mới thấy sợ. An Tư nói ấp úng.
– Không. Không có gì đáng sợ. Phàm ở đời hễ cái gì có sinh là có diệt. Công chúa thử nghĩ xem, ai không phải một lần chết. Ngay cả đức Phật, trước khi bước vào cõi vĩnh hằng, ngài vẫn phải trả lại cái thân xác của trần thế cho trần thế. Thân nam nhi sinh vào thời loạn, được chết cho giang san nòi giống để tiếng thơm cho muôn đời, thì còn gì vinh hạnh cho bằng.
Trong khi vương say sưa luận về cái chết cao đẹp của một tráng sĩ, thì An Tư hình dung thấy những nấm mồ và những vành khăn tang chít trên đầu những người vợ trẻ, những đứa bé đang độ tuổi dắt díu bế bồng. Nàng vội nhắm mắt xua tay cho cảnh ấy qua ôi, và cũng là để cho vương đừng nói nữa. Nhưng vương nào có biết, chí của chàng đã để ở nơi da ngựa bọc thây, nên càng cao giọng, vương tiếp:
– Đại Việt ta từ khi lập quốc tới nay, chưa thời nào có họa xâm lăng lớn như lúc này. Ta hình dung, nếu cuộc chiến nổ ra, sẽ cực kỳ khủng khiếp. Đầu rơi, máu chảy không biết đâu mà lường. Vì rằng, Hốt-tất-liệt và binh sĩ của y, đều là giống quỷ hôi tanh, lúc nào cũng khát thèm máu mủ. Phải nói thật với công chúa, ta đã đi khắp biên ải, đi sâu cả vào đất Nguyên, ở đâu ta cũng thấy mùi tanh lạnh, khiến ta – một tráng sĩ cũng phải nổi da gà. Ta bèn vào trú tại một ngôi chùa cho tĩnh tâm. Và kể lại cảm giác của ta cho hòa thượng nghe. Nghe xong, người liền đi thắp một tuần nhang rồi quay lại bảo ta: – “Mùi tanh lạnh mà tráng sĩ cảm được chính là mùi tử khí. Đó là điềm báo trước sẽ có cuộc chém giết lớn lắm. Nghĩ mà khiếp sợ cho tương lai của đám hung thần, ác quỷ”. Nói xong, hòa thượng ngồi tĩnh tọa, mắt mơ màng như thả hồn về một cõi xa xăm nào đấy. Ta có cảm giác như vị lão tăng này có khả năng linh thị, và đây chính là lúc người đang giao cảm với thần linh. Phút trầm tưởng qua đi, hòa thượng trở lại vẻ điềm đạm vốn có của người già. Bất chợt người lại cất lên giọng nói trầm ấm vang xa, khiến ta linh cảm đây là lời khải thị của đấng thiêng liêng: – “Mọi người đều phải tạ thế. Ta và tráng sĩ, kẻ trước người sau, đều về huyệt mộ. Đó là mệnh số tự nhiên, do tuổi già và bệnh tật, không ai cưỡng lại được. Song tàn sát để chiếm đoạt đất nước người ta, dân tộc người ta, chỉ cốt sao cho thỏa mãn cái cuồng vọng của kẻ khát máu, thì quả chúng đã chuốc lấy tội tổ tông. Bất hạnh cho dân tộc nào có những đứa con yêu nghiệt ấy. Vì rằng, kẻ có sức mạnh thường hay tự thị, và chúng đem dùng nó vào những mục đích phi nhân. Sớm muộn rồi đất nước ấy, giống nòi ấy cũng đến ngày tuyệt diệt, ấy là nghiệp báo!”.
Công chúa An Tư bị hút vào câu chuyện kể của Chiêu Thành vương. Gương mặt nàng lúc bừng sáng, lúc tái mét. Nàng nhập chuyện như người bị thôi miên. Chính nàng cũng cảm thấy mùi tử khí lạnh tanh, và cả lời khải thị của đức Quán thế âm bồ tát từ cao xanh kia vẳng xuống. Nàng cảm thấy hoang mang hãi sợ, như là nạn đao binh đang ập đến. Đúng lúc ấy thì đám tì nữ, kẻ trước người sau, hối hả leo lên bậc tam cấp vào nhà. Họ vái chào công chúa và Chiêu Thành vương, rồi đặt mâm đồ ăn lên kỷ. Kẻ trải thêm nệm gấm vào các ghế ngồi. Kẻ tức tốc quạt lò hâm rượu. Kẻ sắp đặt bát đũa, mời mọc… Công chúa thấy lòng nhẹ nhõm.. Một cơn gió lạnh tạt vào nhà. An Tư sai đốt thêm lò trầm, nối thêm sáp vào các giá đèn. Căn phòng ấm hẳn lên, mùi trầm ngào ngạt, Chiêu Thành vương cảm thấy lòng ngất ngây. Chính chàng ra lệnh cho các tì nữ lui hết ra ngoài. An Tư cũng thấy chàng làm thế là phải, bèn vẫy tay cho đám tì nữ lui khỏi lầu Thiên Quang.
Chỉ còn lại hai người, tự tay công chúa rót rượu mời chàng. Căn phòng sực ấm, chàng liền cởi chiến bào và bảo kiếm ném lên một chiếc đôn cạnh kỷ. Lửa ấm và hơi men dã làm gương mặt công chúa và Chiêu Thành vương ửng đỏ. Nhất là công chúa, nàng có vóc dáng cân đối săn chắc, khiến nét đẹp trong nàng toát lên từ sự khỏe khoắn kiên nghị, chứ không phải là cái đẹp ủy mị yếu đuối của những công nương khuê các. Còn Chiêu Thành vương có nét đẹp khác. Chàng có khuôn mặt vừa thông tuệ vừa phúc hậu, thân thể chàng toát lên vẻ đẹp cường tráng hài hòa của một tráng sĩ pha chút mơ mộng của thi nhân.
Công chúa e ấp hỏi chàng về các việc trên biên ải. Chiêu Thành vương không dám nói hết các điều chàng được mục kích, hoặc qua tố giác của đám binh lính, rằng vẫn có những bọn ma giáo trong quân xẻn bớt khẩu phần của lính, câu kết với bọn buôn lậu đem hàng qua lại biên giới để kiếm lời. Bọn này, Chiêu Thành vương định bụng sẽ xin với quan gia và Hưng Đạo vương, xử giảo mấy tên để giữ nghiêm quân pháp. Nhưng có một điều Chiêu Thành vương thấy cần phải nói cho công chúa được am tường. Ấy là mưu xâm lược nước ta của nhà Nguyên. Chàng nói:
– Trước sau rồi nhà Nguyên cũng đem quân sang xâm lấn bờ cõi ta. Công nương đã thấy Sài Thung ngông nghênh ngạo mạn giữa đất Thăng Long thế nào. Đến cả vua ta, y cũng không coi ra gì. Còn Hốt-tất-liệt thì không thừa nhận hai vua ta mà đòi sách lập Trần Di Ái. Y còn đòi các việc khác mà ta chấp nhận, thì có khác gì là một lộ của nước Nguyên. Ta không nhận, chính là cái cớ để chúng cất quân thảo phạt. Hiện nay, một mặt chúng ép ta rất căng. Một mặt chúng đôn quân, đóng thuyền bè, khí giới, lương thảo rất gấp và với số lượng lớn, đang chuyển dịch về các tỉnh phía nam. Chiêu Thành vương ngừng lời, chàng nhìn công chúa, thấy An Tư có vẻ trầm buồn như là tư lự một điều gì. Chợt nàng hỏi:
– Dạo trước, vương có dự bàn ở Bình Than chứ? Nghe nói các vương nghị bàn căng lắm phải không?
– Chao ôi, nàng còn nhắc đến làm gì. Ta vừa đau đầu vừa đau lòng. Mọi người không phải đã đồng tâm nhất trí cả đâu. Có người còn sợ quân Nguyên nữa là khác, nói gì đến chuyện đánh.
– Có phải dạo ấy không có vương thì Quốc Toản bị khép vào quân pháp?
– Đúng. Ta phải bảo lãnh cho cháu. Nhưng nếu không có quan gia rủ lòng thương thì còn là rắc rối. Thằng bé quả là có nhiệt huyết. Nó đã lập được một đội tinh binh, luyện rèn chu đáo lắm.
– Vương có nghe tin tức gì về Trần Kiện không?
– Lại chuyện Tĩnh Quốc vương trước kia không được lập, bây giờ y thấy địa vị mình không được ở trên các vương nên hậm hực chứ gì?
– Chuyện đó qua lâu rồi. Đây là chuyện mới, chắc vương đi xa không biết. An Tư nói xong thở dài – Số là gần đây Kiện bất mãn, giũ bỏ mọi việc, không thèm biết đến thế nước lâm nguy, đem thân vào chốn lâm tuyền tu đạo thần tiên, mưu cầu sự trường sinh bất lão – Công chúa chép miệng – Chẳng biết loại người như y cầu tìm sự sống lâu làm gì, hạng ấy mà đa thọ ắt đa nhục?
– Vậy chớ sao mọi người tronh hoàng gia không giúp y tỉnh ngộ. – Chiêu Thành vương ngạc nhiên hỏi lại.
Chợt có tiếng trống điểm canh tàn, An Tư giật mình nhìn ra ngoài thềm, đã thấy một luồng ánh sáng nhàn nhạt lọt qua cửa âm dương. Giận vì đêm tàn quá nhanh mà chuyện riêng hai người chưa nói được gì với nhau. Công chúa ngả vào lòng chàng nũng nịu: “Em bắt đền vương đấy, trời sáng mất rồi, đêm nay chàng phải trở lại lầu Thiên Quang đấy nhé!”.
Chiêu Thành vương ôm nhẹ công chúa vào lòng như ôm một đóa hoa.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!