Thăng Long Nổi Giận - Chương 16
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
132


Thăng Long Nổi Giận


Chương 16


Hưng Đạo vương dáng đăm chiêu tư lự. Vừa đặt xấp thư này xuống, ông lại cầm lấy xấp thư khác. Nhoài người về phía trước án thư, vương rút cây bút lông thỏ quết vào nghiên mực son, rồi khuyên những khuyên tròn nhỏ họặc đánh dấu một dấu tồn nghi bên cạnh những dòng chữ viết li ti như một đàn kiến. Chợt tên trà nô bê vào một khay chuối tiêu vàng, loáng thoáng có những đốm nâu, và một đĩa cốm xanh rờn, hạt nào hạt ấy bẹt, mỏng như được cắt ra từ một phiến lá. Y vừa đặt nhẹ chiếc khay xuống kỷ vừa nói:

H

– Bẩm đại vương, đức bà mời đại vương nếm chút phương vật mùa thu ạ.

Tới lúc này Hưng Đạo mới ngửng nhìn tên trà nô, và ông cũng nhìn thấy cả khay chuối, cốm.

– Hóa ra đã lại mùa thu! Hưng Đạo nhếch môi nở một nụ cười mỉm.

– Bẩm đại vương, hôm nay là mùng mười tháng tám rồi đấy ạ Lệnh bà con đã sai nhà bếp nấu canh cua đồng để dâng đức ông vào bữa chiều nay.

Nhón vài hạt cốm trong lòng bàn tay, vương đưa lên mũi hít khan hương cốm mới rồi khen:

– Cốm dẻo, thơm quá – ông vừa nếm cốm vừa nói – Nếu không có phu nhân đánh thức ta bằng những thứ phương vật này có nhẽ ta quên hẳn thời tiết đã sang mùa.

Trong lòng ông thầm biết ơn sự chăm sóc đến tế vi của phu nhân đối với ông. Hưng Đạo vẫy tên trà nô lại dặn: “Con vào tâu với lệnh bà rằng cốm ngon lắm, ta cám ơn. Cho con lui”.

Trà nô vừa ra khỏi cửa, ông lại lúi húi với xấp thư. Đậy là thư của tướng quân Trần Đạo Tái – Một, hai, ba, bốn… chiếc do đường chim câu chuyển về phủ thái sư. Thượng tướng Trần Quang Khải, sau khi xem xong đã chuyển cả cho Quốc công tiết chế tham cứu. Vậy là ngày rằm tháng giêng năm Quý tị (1283), lúc nửa đêm quân Toa-đô tiến công vào thành gỗ bên bờ biển vũng Thị-nại. Đánh nhau dữ dội, quân chúng chết nhiều, binh thuyền đắm tới quá nửa. Quân Chiêm rút về kinh đô Chà-bàn… Hai ngày sau Toa-đô lại tiến đánh Chà-bàn. Thái tử Ha-ri-jít (Chế Mân) đã cho lui quân sâu vào rừng núi. Các kho lương thực và các đồ quân dụng, ngự dụng không chuyển kịp đều phóng hỏa đốt hết. Chà-bàn như một biển lửa, cháy suốt ba ngày. Quân ta phối hợp với quân Chàm đánh chặn các cánh quân Toa-đô tiến sâu vào đất Chàm. Quân Chàm ráo riết đánh tỉa và quấy rối quân Toa-đô suốt ngày đêm… Thái từ Ha-ri-jít đang lập mẹo trá hàng, nhử quân Toa-đô vào sâu nội địa để tiêu diệt. Quân Chàm đã xử tử hình Vưu Vĩnh Hiền và A-lan mà họ nghi là gián điệp đã bị bắt giữ từ năm trước… Thái tử Ha-ri-jít đánh thắng nhiều trận lớn. Toa-đô đã rút quân ra khỏi thành Chà-bàn về đóng ở bờ biển, chờ viện binh… Quân Chàm triệt nguồn nước, cỏ ngựa và lương thực. Quân Toa-đô đang khốn đốn… Người Chàm đã đứng vững trên mảnh đất của mình. Chờ có gió mùa đông nam, quân ta sẽ rút..

Và đúng lễ thượng nguyên năm Giáp thân (1284), Trần Đạo Tái đã dẫn toàn bộ đại đội binh thuyền đổ bộ vào cửa Hội. Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang – an phủ sứ Nghệ An thay mặt triều đình mở tiệc khoản đãi vương điệt và khao thưởng ba quân. Cánh quân cứu viện Chiêm Thành của tướng quân Trần Đạo Tái năm ấy ăn tết muộn mười lăm ngày. Và gần hai tháng sau, Toa-đô rút hết số quân còn lại ra đóng trên mảnh đất cực bắc của Chiêm Thành, giáp giới với Đại Việt. Khi biết được tin này, Trần Đạo Tái sửng sốt nhớ lại lời dặn của bá phụ Hưng Đạo đại vương, bữa người đi tiễn đoàn quân nam chinh tại cửa Thần Phù: “Nếu Toa-đô không thắng mà Chiêm Thành cũng không thua, ấy là lúc vương điệt nên rút quân về, để cùng với quân của Tĩnht Quốc vương ở Nghệ An hợp trấn mặt nam. Ta ngờ rằng nếu con khôngra sớm, thì Toa-đô sẽ ra trước con”.

Xét cách hành binh trợ giúp của Đạo Tái, tiến lui đúng lúc, vào ra kín nhẹm, khiến Quốc công tiết chế rất hài lòng. Ông hy vọng, Đạo Tái sẽ có cơ hội lập công lớn. Lại xem xét cách đánh, giữ, tiến thoái, công thủ, cũng như mẹo mưu phản gián lừa địch, dụ địch, trá hàng, thái tử Ha-ri-jít đã kình chống ngang sức ngang tài với Toa-đô, một danh tướng kỳ cựu của nhà Nguyên, thì quả thái tử cũng vào hàng tướng trí – dũng song toàn của đời nay vậy!

Xếp các tờ thư ngay ngắn vào chỗ cũ, Hưng Đạo vương bốc sang xấp khác, đây là thư của Đỗ Vỹ gửi từ Yên Kinh. Xấp thư này mới về dồn dập từ cuối tháng bảy tới đầu tháng tám.

Cứ theo như Đỗ Vỹ tâu thì tháng bảy, ngày Mậu tí năm Giáp thân (Tức ngày 12 tháng bảy âm lịch nhằm ngày 24-8-1284. ), Hốt-tất-liệt đã hạ chiếu cho con trai là thái tử Thoát-hoan (Toyan) đem hai mươi vạn binh mã, thuyền bè sang đánh Chiêm Thành, và phong cho y làm Trấn Nam vương…

Lệnh này ban ra, Sài Thung đã hấp tấp đến yết kiến thái tử. Y dâng ít đồ phương vật quý của An Nam. Sau đó, y lại hiến bức chân dung An Tư do Trần Ích Tắc vẽ, mà y gắng xin cho bằng được để bây giờ dâng cho Thoát-hoan. Thái tử ngây mặt ra ngắm nhìn bức họa với vẻ ngưỡng mộ, thèm khát. Một lúc lâu y mới cất giọng nói:

– Từ khi chinh phục xong Trung Nguyên, được xem chân dung Dương Quý Phi, ta mới thừa nhận trên thế gian này chỉ có nàng là đẹp. Nghe nói Tây Thi cũng là người đẹp lạ kỳ, nhưng chưa thấy chân dung nên khó nói. Nay xem bức họa chân dung An Tư, ta cho nàng mới là người đẹp hoàn hảo, hợp với người Mông Cổ của ta lắm. Quý Phi có nét đẹp đài các nhưng vẫn là một thứ đẹp yếu đuối, ủy mị trong cung cấm. Còn An Tư vẫn phảng phất nét đẹp quý phái kiêu sa, nhưng hơn cả là sự khỏe khoắn, hồn nhiên, tự chủ mà ngay đến Quý Phi và các nương tử con các bậc vua chúa từ đông sang tây, có tới cả trăm quốc gia bị vương phụ ta chinh phục; họ đem các nàng đến dâng hiến, khi thì cho thiên tử, khi thì cho ta, song ta cho đó là một lũ con gái có chút nhan sắc nhưng nhu nhược, yếu hèn. Phần đông cái lũ ấy, chỉ là vật trang trí, và để giải khuây trong lúc hành binh chứ không có gì phải lưu tâm.

Sài Thung cứ ngồi yên lặng lắng nghe và thầm đánh giá: “Con quỷ háo sắc này ăn phải bả mỹ nhân rồi. Đúng là có đem cả nền quốc họa Trung Hoa cho hắn, thì hắn cũng di nát dưới vó ngựa, nhưng với chân dung người con gái này, hắn sẵn sàng xuống ngựa, quì gối”. Nghĩ vậy, Sài Thung bèn làm ra vẻ nghiêm trọng nói:

– Bẩm Trấn Nam vương, cứ theo như sắc chỉ của thiên tử thì bao lâu nữa đại vương cất quân chinh phạt Chiêm Thành?

Thoát-hoan có vẻ bần thần chưa đáp lời. Sài Thung lại hỏi:

– Bẩm đại vương, thế năm vạn quân của đại tướng Toa-đô từ hai năm nay không làm gì nổi người Chiêm sao?

Câu hỏi như một mũi kim chích vào da thịt Thoát-hoan khiến y nổi cáu:

– Tên ăn hại đó bị cha con Bổ-đích đánh cho tơi bời. Y đã rút hết quân ra ém sát biên thùy Đại Việt rồi. Y lại còn xin với thiên tử lập hành tỉnh Chiêm Thành và cho thêm viện binh!

(Vị vua Chiêm già yếu này có tên là Indravarman V, người Trung Quốc gọi ông là Bổ-đích.)

Sài Thung làm ra vẻ ngỡ ngàng hỏi:

– Bẩm đại vương, thế hồi tháng hai vừa rồi, thiên tử đã phái A-tháp-hải cùng với ngót hai vạn quân và hai trăm chiến thuyền đi tăng viện cho đại tướng Toa-đô kia mà?

Thoát-hoan rầu rĩ đáp:

– Đi nhưng không đến. Tăng viện cho hải vương hết cả rồi- Thoát-hoan nhìn tận mặt Sài Thung đe – Tin này chỉ có thiên tử và ta biết, hở ra nhà ngươi mất đầu đấy. Sài Thung rụt cổ làm ra vẻ kinh sợ.

(Tên tướng Mông Cổ này có tên chính là Ataquai (A-ta-khai) tháng 2 năm Giáp thân (1284) dẫn đại quân sang tiếp viện cho Toa-đô bị bão nhấn chìm.)

Thoát-hoan dịu giọng hỏi:

– Ông đã nhiều lần qua Đại Việt, chắc ông biết rõ nội tình đất Giao Châu. Vậy theo ý ông, ta nên đánh Chiêm Thành rồi cuốn chiếu ra làm cỏ Đại Việt, hay là đánh Đại Việt trước rồi sau sẽ trị tội cha con Bổ-đích?

Chỉ cầu mong có cơ hội được Thoát-hoan hỏi đến. Sự thật, đã mấy lần Sài Thung định yết kiến Hốt-tất-liệt để dâng kế đánh Đại Việt, nhưng y chưa được thiên tử nhà Nguyên vời đến. Cái chức An Nam phó đô nguyên súy do Hốt-tất-liệt phong cho y, cùng với việc đưa tên vua bù nhìn Trần Di Ái về Thăng Long, đã bị vua tôi nhà Trần làm cho thất bại, y đang còn cay cú. Lại cũng chính lẽ đó, làm cho Hốt-tất-liệt chán y. Nhưng cái mộng làm vương đất An Nam của y vẫn cứ luôn luôn thôi thúc. Nhân được Thoát-hoan hỏi, y trình bày khúc triết. Nào Toa-đô ém quân mặt nam Đại Việt, mà bây giờ ta cất quân từ mặt bắc kẹp vua tôi nhà Trần giữa hai gọng kìm, thì việc bắt cha con Nhật Huyên về Đại đô trị tội chỉ là điều trong gang tấc. Y trình bày chi tiết đến cả từng gương mặt tướng lĩnh, khả năng phòng chống, binh khí, lương thảo của Đại Việt. Cả những kẻ sẵn sàng làm nội ứng cho quân thiên triều, Sài Thung cũng đệ trình một danh sách khá dài. Còn dân chúng Đại Việt thì mong Trấn Nam vương từng ngày, như con trẻ mong mẹ về chợ. Trong câu chuyện Sài Thung cố tình không đả động đến bức chân dung người đẹp, khiến Thoát-hoan phải lên tiếng:

– Bức chân dung người đẹp, mà dòng lạc khoản kia, chỉ cho biết tên nàng là An Tư. Vậy nàng là ai? Và tại sao ông lại dâng ta bức chân dung đó?

Sài Thung hí hửng, lúc này y mới cười thẩm trong bụng, và cố tình trình bày sự việc cho vừa ý bề trên. Y nói:

– Bẩm đại vương, nàng An Tư này là công chúa út của An Nam quận vương Trần Thái tôn. Nàng chính là em ruột của Nhật Huyên. Bức chân dung này là do chính tay Chiêu Quốc vương Trần ích Tắc, anh ruột nàng vẽ. Ích Tắc là một tay tài hoa lỗi lạc bậc nhất đất Thăng Long. Cầm, kỳ, thi, họa không ngón nào là y không thông tuệ. Ích Tắc vốn ngưỡng mộ đại vương, nên y muốn dâng hiến em gái để cầu thân. Nếu đại vương cất binh sang, không những không phí công nhọc sức mà vẫn chiếm được thành trì Đại Việt, biến tôn miếu của chúng thành gò bãi, và nữa thiên kim công chúa sẽ là tì thiếp của đại vương. Bẩm đại vương, còn như tại sao bức chân dung này lại được dâng lên đại vương, ấy là bởi Trần ích Tắc có nhờ Sài Thung tôi kính chuyển tới đại vương.

– Vậy chớ tại sao ông không đưa đến cho ta từ khi ông mới ở Đại Việt về?

Sài Thung cười khà khà:

– Xin đại vương tha tội. Khi mới đi sứ về, tôi biết đại vương chưa có cơ hội chinh nam. Lại nữa việc này lộ ra, thiên tử sẽ khép tôi vào tội thông mưu với Đại Việt dùng mỹ nhân kế. Còn đại vương sẽ bị thiên tử chê là hiếu sắc, sao còn trao cho các việc nam chinh nữa. Và nếu tôi bị biếm truất hay bị trị tội, thì đại vương đâu còn có cơ may thấy được một bậc nữ lưu vào hàng kim cổ kỳ quan nữa.

Giây lâu suy nghĩ, Thoát-hoan chậm rãi:

– Ông nói có phần hợp ý ta. Từ lâu ta đã có chủ tâm đánh Đại Việt, song thiên tử còn cân nhắc, vì bọn quân trưởng và tướng lĩnh nhà Trần ương bướng lắm. Nên Người muốn bình định xong Chiêm Thành, sẽ làm bàn đạp đánh sang. Hai mặt nam – bắc kẹp lại, thì kẻ kia dẫu có cánh cũng khó bề bay nổi. Thôi được, để ta nghị bàn với các tướng rồi cùng thỉnh mệnh lên thiên tử.

Trước khi cáo thoái, Sài thượng thư còn thêm một điều, tưởng như là chẳng dính gì đến câu chuyện quan trọng hai người vừa nói. Song thực tình nó lại là điều Hốt-tất-liệt đang canh cánh lo âu:

– Đại vương nên tính kỹ, nếu sang Chiêm phen này ắt lại phải đi đường biển. Mà đường biển thì chuyến đại quân ta sang Nhật Bản những năm trước, cùng chuyến viện binh cho đại tướng Toa-đô vừa qua, đều gây thất lợi cho quân mình nhiều lắm.

Khi Thoát-hoan và bộ tướng của y, đệ trình lên Hốt-tât-liệt kế sách đánh Đại Việt thay vì đánh Chiêm Thành không phải Hốt-tất-liệt đã chuẩn y cho ngay, mà y còn cân nhắc và đưa ra tả hữu bàn tới nát nước.

Cuối cùng, chính Hốt-tất-liệt xuống chiếu đánh Đại Việt, cũng một phần là để tránh cho quân khỏi cái họa đường biển. Các danh tướng dạn dày chiến trận do đích thân thiên tử nhà Nguyên lựa chọn. Y phong cho Thoát-hoan thái tử thứ chín, một tướng giỏi do chính y đào luyện cầm đầu đội quân nam chinh. Lại chọn A-lí Hải-nha (tên Mông Cổ là Ariq-Qaya) làm phó tướng, phụ tá cho Thoát-hoan. Sau A-lí Hải-nha lại thêm danh tướng Lý Hằng.

Vậy là bộ phận đầu não của đội quân xâm lược Đại Việt đã hình thành. Đích thân Hốt-tất-liệt xuống chiếu và có sắc phong cho từng viên tướng. Sài Thung không phải là kẻ đầu tiên xướng xuất ra chuyện này. Vì mưu thôn tính Đại Việt của Hốt-tất-liệt đã có từ năm Kỷ mão (1279), tức là sau khi quân Mông Cổ vừa hoàn tất việc chinh phục nhà Nam Tống. Tuy vậy Sài Thung cũng lấy làm hài lòng, vì y đã tác động việc nam chinh của Thoát-hoan nhằm hướng chính là Đại Việt chứ không phải là Chiêm Thành. Và thế là y cũng thỏa nỗi uất căm mà vua tôi nhà Trần đã biến y thành một tên bại sứ.

Tất cả những tin tức trên, Đỗ Vỹ lấy được do nhiều nguồn Song nguồn chính vẫn là Yến Ly.

Trần Hưng Đạo lật đi lật lại những lá thư viết bằng một thứ ngôn ngữ qui ước, ông còn được Đỗ Vỹ trình thêm là quân Nguyên đang điều từ các ngả về Kinh Hồ. Và vào khoảng đầu tháng tám thì xuất chinh. Trần Hưng Đạo lại lấy bút son khuyên vào chữ “tháng tám”.

Là một tướng dạn dày chiến trận. Lại là người lầu thông binh pháp, biết mình, biết người, tiến thoái tùy lúc tùy thời, nhưng vị lão tướng ấy cũng không khỏi giật mình với một số lượng quân binh khổng lồ: năm mươi vạn tên. Cho dù trong năm chục vạn quân ấy, có tới non nửa là đám dân binh tải lương và chiến cụ, thì chỉ với ba chục vạn quân thiện chiến và dăm bảy vạn ngựa chiến, xe chiến cũng đủ làm kinh động đến toàn cõi Đại Việt.

Kiểm xét lại, trên bảy mươi năm qua, kể từ khi Thành-cát-tư-hãn khởi sự, quân Mông Cổ đã xóa sổ không biết bao nhiêu quốc gia từ đông sang tây. Bao nhiêu thành trì nghiêng đổ, bao nhiêu vua chúa bị chém giết hoặc bị cầm tù. Đất đai của đế quốc Hãn mênh mông không giới hạn. Bây giờ ngọn cờ xâm lược của chúng đang trỏ sang Đại Việt. Các tướng lĩnh được Hốt-tất-liệt chọn lựa, đều là những đệ nhất danh tướng thời nay. A-lí Hải-nha vốn người Hồi-hột. Đối với Hốt-tất-liệt, y được liệt vào hàng khai quốc công thần, là một trong ba bốn viên đại thần thân cận nhất của hoàng đế. A-lí Hải-nha là một viên tướng lỗi lạc nhất, và cũng tàn bạo nhất trong công cuộc chinh phục nhà Nam Tống. Chính y công phá Phàn Thành, Tương Dương, chiếm lĩnh Ngạc Châu, Giang Lăng và hàng mấy chục châu, quận miền nam như Khâm, Ung, Tần, Hoàng, Hải Nam… A-lí Hải-nha là một viên tướng đa tài, mưu mô hiểm độc. Y có thể đánh thủy, đánh bộ, công thành, lấp sông, tháo nước, dụ địch, trá hàng… khiến cho đối phương không biết đâu mà lường. Y cũng là một viên tướng ác độc và man rợ khôn cùng. Chính y đã tàn sát nhân dân Đàm Châu, chôn sống tất cả dân chúng ở Tĩnh Giang. Các viên tuyên phủ Chu Di Tôn, Cao Đạt ở Giang Lăng ra hàng, y còn giết chết cả vợ con. Hơn nữa, y còn đập vỡ đầu hai tướng Tống ở Tân Sinh để lấy óc họ uống rượu trước đám đông dân chúng.

Dưới trướng A-lí Hải-nha, cũng còn nhiều danh tướng khác, đã kinh qua hàng trăm trận, do chính tay y rèn cặp và cất nhắc như Áo-lỗ-xích, Toa-đô, Đường-ngột-đải, Lưu Quốc Kiệt, Trịnh Bằng Phi, Triệu Tu Kỷ, Phàn Tiếp, Ô-mã-nhi, Vân Tòng Long, Trương Vĩnh Thực…

Bên cạnh A-lí Hải-nha còn có danh tướng Lý Hằng cũng ở dưới trướng Thoát-hoan. Chính Lý Hằng đã đánh bại Văn Thiên Tường, Trương Hoằng Phạm trong thế trận Nhai Sơn, đẩy nhà Nam Tống xuống hố diệt vong.

Phải chống trả với một đạo quân thiện chiến, với những tướng tài dầy dạn như vậy, mà quân ta gần ba chục năm nay chỉ rèn luyện trong hòa bình, dân chúng cũng quen sống cảnh thái hòa, tránh sao khỏi kinh hoàng chao đảo. Hưng Đạo vương đang lo sao cho toàn quân toàn dân, muôn người như một, hết lòng căm giận quân giặc dữ, cùng sống chết với non sông, không để một tấc đất lọt vào tay quân thù.

Đêm khuya tĩnh mịch, tiếng côn trùng rỉ rả, gió thu lay động cành cây, khiến lá vàng trút rụng lao xao. Tất cả những âm thanh ấy, động tĩnh ấy Hưng Đạo vương không hề nghe thấy và cảm thấy. Ông đang tập trung tâm tư vào việc làm sao cho thế quân, thế dân đều nổi, đều sục sôi như một bể lửa. Ông biết, cả hai vua và các hàng tướng lĩnh đều chung một mối lo cho thế nước. Chính Nhân tôn, tháng mười năm ngoái đã điều các vương hầu huy động hết quân thủy, quân bộ, và đích thân nhà vua chỉ huy việc tập trận. Kể tài nhà vua cầm quân như vậy, cũng vào hàng tướng giỏi. Nhưng các chủng quân phối hợp chưa thật ăn ý. Các vương hầu chưa quen vào trận lớn. Nếu các vương hầu không có một chiến thuật chỉ huy linh lợi, trầm tĩnh, ba quân chưa có cái oai hùm sói, tướng binh chưa có tình phụ tử, chắc là không địch lại được với đám quân lang sói kia của Thoát-hoan. Nỗi lo canh cánh khiến vương ngày quên ăn, đêm năm canh vỗ gối, đầu tóc bạc phơ. Quốc công tiết chế đã lệnh cho các vương hầu cuối tháng tám này sẽ huy động toàn quân đại duyệt ở Đông- bộ-đầu. Có lẽ vương nghĩ đây là cuộc đại duyệt và cũng là trận biểu dương lực lượng cuối cùng trước khi quân Mông-Thát vào cõi. Bởi như Đỗ Vỹ phi báo, có nhanh cũng phải tháng chạp giặc mới tới được biên thùy nước ta. Vậy là ta chỉ còn bốn tháng nữa để hoàn tất mọi mặt.

Vương rầu rĩ, ruột gan quặn thắt. Ngoài thì giặc dữ đe dọa, trong thì anh em chưa thật sự tin nhau. Nếu việc trong không ổn, việc ngoài chắc sẽ khó yên. Mệt quá, vương gục xuống án thư. Ngài thiếp đi. Trong giấc ngủ chập chờn, Hưng Đạo thấy trước ông là một đám đông dân chúng và binh sĩ. Họ im lặng ngước nhìn ông, như chờ đón ở ông một điều gì nghiêm trọng lắm mà ông sắp nói ra. Và như có gì thôi thúc tự đáy lòng, ông cất lời kêu gọi: “Hỡi binh sĩ và chúng dân của ta! Các ngươi có biết tính mạng của các ngươi và số phận cả dân tộc đang nghìn cân treo sợi tóc? Giặc Mông – Thát sắp tràn vào cõi! Thế giặc lớn lắm! Ý các ngươi thế nào? Hòa hay đánh?”

– Đánh! – Đánh!

– Xin vương cho đánh!

– Còn một người cũng đánh!

Tiếng hô vang trời dậy đất, khiến vương giật mình tỉnh giấc. Giây lâu định thần lại, vương mới biết mình vừa trải qua một giấc mơ. Và cũng từ giấc mơ ấy gợi lại một ý tứ hào hùng, mà vương đã nung nấu trong tâm trí suốt mấy năm nay. Rằng phải có một cái gì đấy như là một lời hiệu triệu, một lời hịch chẳng hạn, để khích lệ ba quân và chúng dân lòng yêu mến thiết tha non sông gấm vóc, và dấy lên ý chí căm giận quân xâm lăng, quyết tiêu diệt chúng để bảo vệ giang san nòi giống. Nghĩ vậy, đầu óc vương thấy nhẹ nhõm, trong lòng thư thái, tay với lấy cây bút lông thỏ quệt vào nghiên mực nho. Tập giấy long tiên đã nằm ngay ngắn giữa án thư. Vương xấp ngọn bút hai ba lần định viết. Nhưng viết cái gì đây thì trong lòng vương còn ngổn ngang lắm. Đành viết “hịch”. Nhưng lời hịch giành cho ai? Cho các vương tôn quý tộc, quan trường hay cho dân chúng? Thế còn binh sĩ thì sao? Hình ảnh binh sĩ hiện lên trong óc vương như có một ma lực gì ám ảnh, khiến vương không thể nào dứt ra được. Suy ngẫm lâu lắm, vương nhận thấy: Trong chiến trận, ưu biệt nhất vẫn là binh sĩ. Chính họ là kẻ quyết định sự thành bại trong công cuộc kình chống ngoại bang. Vậy nên, không thể không kích thích hào khí nơi họ. Vương liền hạ bút viết ba chữ thật to: “HỊCH TƯỚNG SĨ”.

Rồi thuận dòng suy nghĩ, vương nêu không biết bao gương hào kiệt từ các đời Xuân Thu – Chiến Quốc đến Hán, Đường, Tống… thuần những người tận trung báo quốc, lấy tính mạng mình ra để thờ vua, giữ nước. Vương lấy làm đắc ý lắm. Chợt vương dừng bút và đọc lại những lời mình vừa viết. Hưng Đạo giật mình tự nhủ: “Thế này thì làm sao mà khơi dậy được trong tướng sĩ lòng tự tôn dân tộc, và sự khinh ghét lũ chó Hốt-tất-liệt?”. Đằm mình trong suy tưởng, vầng trán vương gợn lên những vết nhăn như sóng lượn. Hai khóe đầu sơn căn nhíu lại dựng đứng cả hàng mi, khiến gương mặt vương thêm khắc khổ. Đêm càng khuya, hơi may thổi về càng se lạnh. Nhưng mồ hôi đọng trên trán, trên cổ vương đã chảy xuống lốm đốm ướt cả trang văn. Ngay cả điều đó nữa, vương cũng không mảy may để ý. Và bỗng lóe lên trong ký ức vương, hình ảnh viên sứ giả Sài Thung. Vương nhớ như in buổi tiếp kiến y, cùng vết sẹo trên đầu vương, tóc vẫn còn chưa mọc lại, như là một chứng tích về tội ác của sứ giả thiên triều. Và nữa, các hành động ngang ngược của Sài Thung, như việc y đòi phóng ngựa qua cửa Dương Minh. Rồi tiệc yến thết sứ, y đòi phải đặt trong điện Tập Hiền, là nơi chỉ diễn ra các nghi thức trọng thể đối với các việc mang tẩm văn hiến quốc gia. Và trong khi yến ẩm, y bắt các phường nhạc cung đình phải tấu nhạc thái thường, là thứ quốc nhạc chỉ tấu trong các đại lễ như lễ tế cáo trời đất, lễ nguyên tiêu, hoặc lễ tế trong nhà thái miếu. Ấy vậy mà vua tôi vẫn phải nhẫn nhục, nhịn nín. Vương nhớ tới tất cả các thói ngạo mạn ỷ thế nước lớn, để làm những điều đê mạt mà chỉ có giống chó lợn và các loài hôi tanh, nhơ bẩn mới làm được với tất cả sự bất lương, vô sỉ. Tự nhiên trong lòng vương như bùng cháy lên ngọn lửa hờn căm, chỉ muốn moi gan xé xác loài rắn rết kia cho hả dạ. Và dường như là một sự thăng hoa của tâm linh cừu hận, vương vê ngọn bút lông trong nghiên mực, rồi viết tiếp: “Huống chi ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc lớn lên gặp buổi gian nan. Ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường. Uốn lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình, đem thân dê chó mà khinh rẻ tể phụ. Ỷ mệnh Hốt-tất- liệt mà đòi ngọc lụa, đế thỏa lòng tham khôn cùng. Khoác hiệu Vân Nam vương mà hạch sách bạc vàng để vét cạn của kho có hạn. Thật chẳng khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai họa về sau…”.

(Vân Nam vương: Tức Gughêtư (Hugaci) con trai Hốt-tất-liệt, được phong làm Vân Nam vương năm 1267 tại tỉnh Vân Nam Trung Quốc, để khống chế các tỉnh phía nam Trung Quốc và làm áp lực quân sự đối với nước ta.)

Với tất cả lòng yêu thương từ ngọn cỏ lá cây đến mọi sinh linh trên toàn cõi Đại Việt, quyết không cho bè lũ Hốt-tất-liệt ngang ngược muốn làm gì thì làm. Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương như trút hết cả ý chí của mình, máu huyết của mình, và cả tủy xương mình dồn lên đầu ngọn bút, và với mong muốn truyền được tấm lòng yêu giận của mình tới từng tướng sĩ và muôn dân. Vương thường nghĩ, phải đánh quân giặc hung bạo kia, bằng tất cả những gì mà dân tộc mình có. Từ cỏ cây, sông suối, núi non, ngòi rãnh chằng chịt, hiểm trở đến cả thời khí nóng ẩm không thích hợp với lũ người phương bắc. Nhưng trước hết phải đánh chúng không những bằng sức mạnh của ba quân, mà còn bằng tinh thần quật khởi của binh dân trong toàn cõi.

Vương cứ mải miết viết cho tới lúc tàn canh. Ánh bình minh đã le lói dội những tia nắng thu vàng qua khe cửa khép hờ vào thư phòng. Tới lúc ấy, vương cũng vừa viết xong. Vương buông bút vươn vai bước qua thềm điện với đầu óc nhẹ nhõm siêu thoát, như người mới từ cõi thái hư trở về.

Sau một hồi đi dạo quanh khu hồ bán nguyệt có hàng liễu rủ, rồi quành về bãi kim cúc, hoa đã tãi vàng, hương đưa thi thoảng hòa quyện với không khí thanh khiết của buổi mai nắng đẹp, khiến vương cảm thấy như đất, trời và cảnh vật An Sinh này chưa có bao giờ lại hiện lên với một vẻ bình dị mà đằm thắm tới mức thiếu nó, cuộc đời vương cũng chẳng còn nghĩa lý gì hết. Vương khẽ nâng một bông cúc còn đang hàm tiếu, và hơi khom tấm thân đẫy đà xuống hít hà mùi hương thoáng nhẹ. Đây là giống cúc Yên Hoa, vương đưa từ Thăng Long về trồng. Loại cúc này thường được ướp trà dùng suốt cả mùa đông, mùa xuân. Hơn nữa, loài cúc này cùng với giống nếp cái hoa vàng còn dùng để cất rượu, rồi hạ thổ đủ một trăm ngày mới đem dùng. Vương ưa dùng loại rượu này hơn cả rượu thạch xương bồ. Tất nhiên, cây xương bồ lấy từ đỉnh núi về cất rượu, cũng vào loại cực quí. Sứ thần các nước được thết bằng loại rượu này, họ thích hơn cả rượu của người Thổ Phồn xứ Tây vực.

Sực nhớ đến bản “Dụ chư tì tướng hịch văn” (Tức là “Hịch tướng sĩ”) vương bèn quay về cung, sai mấy gã thư nhi đi mời tất cả các gia tướng, gia thần đến đầu giờ mão tới nhà đại bái nghị bàn.

Khi mọi người đã tề tựu rồi vương mới xuất hiện. Bữa nay, vương mặc bộ áo thụng tía, ngực thêu đôi chim phượng màu kim tuyến. Đầu quấn khăn vành dây, sau gút khăn gài một chiếc lông đuôi trĩ, sắc lông óng ánh đủ màu. Chân vương giận đôi hài cỏ bồng. Một tay cầm chiếc tráp nhỏ sơn màu cánh dán, tay kia ve vuốt chòm râu bạc. Vương thong dong bước lên bậc tam cấp, nom thư thái như một văn nhân, một nhà hiền triết, chứ không mang dấu ấn gì của một vị Quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân sự trong toàn cõi Đại Việt.

Các gia thần, gia tướng và cả gia nô đều nhận thấy vương có gì vui lắm. Gương mặt hồng hào tươi nhuần, ánh mắt như hé cười với mọi người. một cách chân tình. Vương vừa bước vào thềm, hết thảy các quan đều cúi rạp đầu chào. Quốc công vừa nói vừa vẫy tay cho mọi người an tọa. Nhìn khắp lượt gia tướng, gia thần và có cả gia nô như Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Địa Lô… Quốc công mỉm cười. Vương cáo cấp cho mọi người biết, thế nước đang sắp lâm vào cuộc chiến. Hốt-tất-liệt đã cử chính con trai y là Thoát-hoan thống lĩnh năm mươi vạn quân, hiện đã xuất chinh tại hành tỉnh Kinh Hồ từ đầu tháng tám. Phó tướng của Thoát-hoan là những tay lão luyện như A-lí Hải-nha, Lý Hằng. Ngoài ra còn hàng trăm viên tướng cũng đã dạn dày chiến trận. Thật ra thì các gia tướng, gia thần chấp nhận tình thế này từ lâu, nên đã được chuẩn bị chu đáo, chỉ chờ vương phát lệnh là mọi người vào cuộc chiến. Tuy nhiên, tin Thoát-hoan đã xuất chinh với một đội quân lớn đến như vậy thì trong thâm tâm, nói đúng ra, ai cũng có phần hơi ngại. Và nếu như có kẻ động dao, hoảng hốt thì đó cũng không phải là chuyện lạ. Vì rằng quân Mông – Thát là một đội quân rất ư tàn bạo, và chưa hề biết đến chiến bại.

Để mọi người bàn tán xầm xì một lát, vương lại tiếp:

– Cha con Hốt-tất-liệt ngông cuồng định ăn tươi nuốt sống Đại Việt ta, nên mới cử một đạo binh lớn như thế. Mắt vương lúc này đã có phần nghiêm lạnh, gương mặt đanh lại và giọng nói đầy quyền lực, vương tiếp:

– Cách đây hơn một năm, các ông đã dâng kế phải làm thế nào truyền được lòng căm giận quân Mông – Thát của vua quan, tướng lĩnh xuống đến bách tính. Để ai ai cũng căm ghét quân kia, thì mỗi người dân của ta sẽ là một người lính. Quân giặc đi tới đâu cũng đụng phải sức kháng cự. Nơi nơi đều là chiến địa, thì dẫu quân kia có đông tới cả triệu đứa cũng không làm gì nổi nước ta. Kế của các ông diệu kỳ lắm. Song thực hiện được là muôn khó. Lòng ta không lúc nào không để ý tới. Nay thời cơ đã đến, và việc lo chống giặc bây giờ gấp lắm. May thay, nhờ phúc ấm tổ phụ, suốt đêm qua ta đã viết xong được bài hịch mà ta ấp ủ tới cả chục năm nay. Vậy các ông thử nghe qua xem, nếu được thì sẽ trình lên hoàng thượng, rồi bố cáo cho các tướng sĩ và bách tính – Nói xong, Trần Hưng Đạo mở tráp lấy ra một tập sách mỏng đã đóng bìa, rồi trao cho Trương Hán Siêu. Vương truyền:

– Hán Siêu tốt giọng, đọc to lên cho mọi người cùng nghe.

Ai nấy đều hồi hộp. Chính Trương Hán Siêu, một chàng trai vẫn được coi là điềm đạm, gan dạ, gặp nguy mặt không biến sắc, mà tay cầm tờ hịch lòng cũng thấy nao nao. Hán Siêu thoắt nghĩ, chắc cũng là một bài hiệu triệu ba quân phải kỷ cương, gan dạ khi lâm trận. Bởi bình sinh trong việc dạy dỗ tướng sĩ, vương thường huấn hỗ điều này.

Trương Hán Siêu hít sâu một hơi vào tận huyệt đan điền để lấy lại sự bình tâm, rồi chàng cất cao giọng đọc. Càng đọc, lời hịch càng hào sảng tha thiết mà cao thượng, rõ ra cái chí của bậc thánh nhân. Lời hịch như thức tỉnh đến tận đáy sâu huyết quản của mỗi con người, hễ đã biện biệt được với loài dã thú, thảy đều phải có lòng tự trọng giữ lấy thân mình, không để cho giặc Mông – Thát kia động tới. Lại phải giữ lấy hương hỏa, phần mộ, đất đai cùng non sông nòi giống do tổ tông để lại. Lời hịch như truyền cho ta sức mạnh phi thường và lòng căm uất sục sôi, hệt như một trận cuồng phong nâng bồng khí phách và phẩm giá ta lên. Chính Trương Hán Siêu cũng thấy mình sởn gai ốc, dựng tóc gáy, máu trong tim như trào sôi, và tay chân động cựa, như muốn chồm lấy một thứ binh khí, và xông thẳng vào chiến trận đối mặt với quân thù. Sức mạnh của lời hịch thật khó lường!

Khi Trương Hán Siêu ngừng lời, chàng thấy một cảnh tượng hết sức lạ lùng. Tất cả các gương mặt đều bừng bừng lửa giận, mắt đỏ hoe, và tâm trí họ như đang trút lên đầu ngọn giáo. Phút trầm hùng cao khiết tưởng như hồn thiêng sông núi đang tụ hội, bỗng ở đâu đó bật nảy lên hai tiếng đanh sắc như một lời sấm truyền: “Sát Thát!”. Thế là kéo theo những tiếng hô: “Sát Thát!” ầm ầm như trời long đất lở.

Hưng Đạo vương đọc trên từng gương mặt các tướng lĩnh và văn thần, ông biết ông đã truyền cho họ được điều mà non sông đất nước mong đợi. Quốc công thấy lòng an tĩnh, nhưng trên khóe mắt vị tướng già đã để vương một giọt lệ.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN