Thiên Thần Nhỏ Của Tôi
Thiên Thần Nhỏ Của Tôi - Chương 03-04
Chương 03
Ngoài bể cá vàng, chiếc lồng sáo và những hộp dế,
gia tài của tôi còn có một ngăn sách nhỏ. Đó là những cuốn sách do chính
tay tôi mua bằng tiền xin mẹ hoặc tiền nhịn quà sáng. Trước đây, những
cuốn sách của tôi đặt trong chiếc tủ chung ở phòng học của hai anh em.
Nhưng từ khi có phòng riêng, tôi đem chúng về phòng mình. Anh Khánh
chẳng ham thích gì chuyện đọc sách nên không hề ngăn cản hành động tư
hữu đó của tôi .
Ngăn sách của tôi không nhiều nhưng hầu như cuốn nào tôi cũng
thích. Có những cuốn tôi đọc đi đọc lại nhiều lần mà vẫn không chán như
“Đất rừng phương Nam” hay “Rô-bin-sơn Cơ-ru-xô”.
Từ khi có căn phòng riêng, mỗi buổi chiều tôi thường ngồi đọc
sách trên chiếc bàn đặt cạnh cửa sổ. Tiếng gió thoảng, tiếng lá xào xạc
và tiếng chim hót líu lo bên tai dường như khiến cho những trang sách
sinh động hẳn lên và trong trạng thái êm dịu tuyệt vời đó, tôi tha hồ để
cho trí tưởng tượng bay xa .
Nhiều khi tôi đem sách ra cuối vườn ngồi đọc, túi không quên
nhét theo mấy hộp dế để khi nào đọc sách chán, tôi lôi chúng ra khích
chúng đá nhau và tận tình cổ vũ cho cả hai phía .
Mỗi khi ra vườn, tôi thích ngồi bệt xuống trên cỏ, mặc dù không
ít lần tôi bị Mẹ mắng về tội làm dơ quần áo . Nhưng không hiểu sao tôi
không cưỡng lại được thói quen đó. Có lẽ trước đây trong những trường
hợp như vậy, ngoại tôi chẳng bao giờ mắng tôi . Cho nên tới nay, hễ len
lỏi giữa màu xanh cây lá, tôi như chìm đắm vào thế giới quen thuộc với
những hương vị quen thuộc và thế là cánh mũi tôi hấp háy và tôi lại ngồi
bệt xuống cỏ.
Cũng có khi tôi ngồi đọc sách trên thành giếng mặc dù khi ngồi
trên những tảng đá ẩm ướt rêu đó, tôi nhìn vào trang sách thì ít mà ngắm
những bông khế dập dềnh trong lòng giếng thì nhiều . Mặt nước trong vắt
được trang điểm bởi màu vàng của lá và màu trắng của bông khế với đường
viền xanh rêu chung quanh đối với tôi cũng là một trang sách kỳ diệu
không kém và tôi đọc chúng không chán mắt.
Không những đọc sách dưới đất, tôi còn đọc sách ở trên trời .
Đó là những lúc tôi nổi máu nghịch ngợm trèo lên cây ổi già, sách giắt
nơi cạp quần, và sau khi chọn được một chạc ba chắc chắn, tôi ngồi tựa
lưng vào thân cây, chân thõng lơ lửng trong khoảng không, giở sách ra
đọc. Có hôm tôi ngồi vắt vẻo như vậy đến hàng giờ, vừa đọc sách vừa nhâm
nhi vị chát của ổi non.
Một điều may mắn đối với tôi là khu vườn phía sau với khoảng
sân đằng trước không hề ăn thông với nhau do hai bên hông nhà đều bị bịt
kín, không có lấy một lối đi nhỏ. Hông bên trái đụng ngay nhà hàng xóm,
gần như chung vách, hông bên phải tiếp giáp với con hẻm. Nhờ vậy, cái
không khí huyên náo ở phía trước không có cơ hội lây lan đến cuộc sống
yên tĩnh của khu vườn và tôi mặc sức thả hồn theo những giấc mơ điền dã.
Anh Khánh chẳng mê gì khu vườn. Ngày mới dọn đến, anh còn rảo
ra vườn được mấy lần, nghiêng nghiêng ngó ngó. Sau một hồi lùng sục, anh
phát hiện ra những chùm mận đầu mùa thưa thớt trên cao . Thế là anh hăm
hở trèo lên và hái một lúc đến bốn, năm trái . Nhưng sau khi cho một
trái vào miệng cắn thử, anh nhăn mặt tít cả mắt và vội ném tất cả những
trái mận vừa hái ra xa .
Tôi cười hỏi:
– Chua hả ?
– Ừ, chua lè ! Dòm bên ngoài, tao cứ tưởng chín !
Nói xong, anh bỏ vào nhà một mạch. Từ hôm đó, tôi không thấy
anh bén mảng ra sau vườn nữa . Anh thích chơi trong nhà hoặc trước hiên
hơn. Chính ở đó, những chiếc xe của anh mới tung hoành được. Chúng không
thể chạy trên những mặt đất lồi lõm, càng không thể chạy trên cỏ.
Chỉ thỉnh thoảng, anh mới chạy ra vườn, chủ yếu để xem những
trái mận đã chín chưa và bao giờ anh cũng quay vào với vẻ mặt thất vọng.
Cũng như anh Khánh, ba mẹ tôi ít đặt chân đến mảnh đất phía sau
nhà. Không phải vì hai người không quan tâm đến khu vườn nhưng mẹ tôi
hiện nay đang bận rộn trong việc khai thác ưu thế của mặt tiền ngôi nhà
trong việc kinh doanh. Việc chạy tới chạy lui chuẩn bị cho công việc làm
ăn chiếm hết thì giờ của mẹ . Còn ba tôi, với tầm nhìn xa rộng của
mình, thì tuyên bố rằng sắp tới ông sẽ cho đốn tất cả các loại cây vô bổ
đang có trong vườn để thay vào đó các loại cây kinh tế hơn hoặc cũng có
thể ông sẽ thực hiện những công trình xây dựng trên cái phần diện tích
dự trữ đó. Và sở dĩ cho đến hôm nay, ba tôi chưa đả động gì đến khu vườn
là vì ông đang còn phải tham khảo thêm ý kiến của bạn bè.
Tôi đón nhận dự định khủng khiếp đó của ba tôi với nỗi đau khổ
vô bờ bến. Đau khổ nhất là trong những vấn đề như thế này, một đứa trẻ
con như tôi không được phép có ý kiến, nhất là những ý kiến có tính chất
phản kháng. Trong những ngày đó tôi buồn bã như một con chó ốm. Trừ
buổi sáng phải đến lớp, suốt thời gian còn lại trong ngày, tôi tha thẩn ở
ngoài vườn. Tôi thì thầm trò chuyện với những chiếc lá, thông báo cho
chúng biết số phận nghiệt ngã sắp xảy ra với khu vườn đồng thời an ủi
chúng bằng một giọng sụt sùi cố nén. Đáp lại sự lo lắng của tôi, những
chiếc lá khẽ cựa mình vung vẩy trong gió như muốn an ủi lại tôi bằng thứ
ngôn ngữ rì rào của chúng. Điều đó khiến lòng tôi nhẹ nhõm được đôi
chút.
Trong khi cùng chờ đợi cơn ác mộng xảy đến, tôi và khu vườn
càng ngày càng trở nên thân thiết. Chúng tôi gắn bó với nhau và hiểu ý
nhau như những người bạn quen thân từ thời thơ ấu .
Suốt một tháng trời sau đó, tôi vẫn sống trong tâm trạng phập
phồng. Nhưng rồi nỗi lo âu mỗi ngày một giảm bớt khi tôi nhận thấy ba
tôi vẫn chưa tỏ vẻ gì sắp bắt tay vào thực hiện ý định của mình. Có lẽ
ông đang còn lưỡng lự trước khi quyết định dứt khoát sẽ cải tạo khu vườn
theo hướng nào .
Lúc này, đám bạn với tôi ngoài vườn còn có con sáo thân yêu của
tôi . Sau cái ngày tôi phát hiện ra nó đã kịp bắt chước những từ ngữ
không đẹp đẽ gì của anh Khánh, tôi liền đem nó ra ngoài vườn và treo
chiếc lồng trên cây khế cạnh giếng đá. Anh Khánh tức lắm nhưng không dám
làm gì tôi vì sợ tôi nói lộ ra chuyện chửi thề của mình.
Từ ngày con sáo ra đây, tôi dạy nó nói thêm được bốn câu mới
“chào anh Kha”, “chào anh Khánh”, “đói bụng” và “khát nước”. Con sáo của
tôi học nói rất mau nhưng khổ nỗi nó không làm sao học được cách sử
dụng những câu nói đúng chỗ, đúng lúc. Thấy tôi, có khi nó nói “chào anh
Kha” nhưng lúc hứng lên nó lại “chào anh Khánh” khiến tôi tức điên lên.
Cũng vậy, rất nhiều lần nó gào toáng lên “khát nước” làm như sắp chết
khát đến nơi nhưng khi tôi vội vã đem nước lại thì nó ngó lơ đi chỗ khác
y như muốn chọc quê tôi . Tôi đã cố gắng hết sức giảng giải cho nói
hiểu khi nào thì nên nói câu này, lúc nào thì nên nói câu kia và trong
những lúc đó, như để đáp lại sự kiên nhẫn của tôi, nó đứng yên lặng
nghiêng đầu lắng nghe, thỉnh thoảng lại gật gù tỏ vẻ hiểu biết khiến tôi
cảm động và mừng rỡ vô cùng. Nhưng lần nào cũng vậy, sau khi giảng giải
đến khô cả cổ, tôi bảo nó thực hành, nó lại nhìn tôi và hét lên vui vẻ
“chào anh Khánh” làm tôi chán nản đến mức sau đó tôi chỉ ăn được có một
chén cơm.
Tuy vậy, tôi vẫn rất mến nó bởi tôi hiểu dù sao nó cũng chỉ là
một con vật. Một con vật thì không thể nào buộc nó phải thông minh như
con người . Thôi thì kệ nó, nó muốn nói gì thì nói, miễn đừng nói bậy là
được rồi! Tôi nghĩ vậy và chẳng còn bứt rứt về chuyện nó kêu tôi là
“anh Khánh” nữa .
Độ rày, tôi phải đi học thêm mỗi tuần ba buổi chiều, vì vậy thì
giờ tôi dành cho khu vườn ít hơn. Nhưng cũng chính vì vậy những buổi
chiều còn lại, thời gian tôi ở ngoài vườn lâu hơn. Có khi tôi ngồi đọc
sách đến sáu giờ, sáu giờ rưỡi, lúc ban ngày và ban đêm bắt đầu giao
nhau và những dòng chữ trên trang sách không còn trông rõ nữa, tôi mới
lững thững quay vào nhà. Bây giờ, những câu chuyện ma quái của anh Khánh
không còn làm tôi sợ hãi nữa . Khu vườn đã trở nên thân thiết với tôi
đến mức tôi hoàn toàn tin cậy nó và tôi nghĩ rằng nếu không sợ bị mẹ
mắng tôi có thể nằm ngủ qua đêm trên những chiếc nệm cỏ ngoài vườn một
cách thanh thảnh với nhiều giấc mơ đẹp.
Vào một buổi chiều nọ, lúc đó có lẽ khoảng bốn giờ hay hơn một
chút gì đó, tôi đang đi tha thẩn ở mé vườn phía bên nhà hàng xóm, mắt
nhìn đăm đăm lên những tàng mít để xem thử có cái dái mít nào không, hái
xuống chấm muối ăn chơi, thì bỗng nghe có tiếng sột soạt vọng lại từ mé
vườn bên kia, phía con hẻm.
Thoạt đầu tôi không để ý nhưng tiếng sột soạt cứ chốc chốc lại
vang lên khiến tôi lấy làm lạ . Tôi bước tới một vài bước, kiễng chân
lên nhìn xuyên qua kẽ lá và điều vừa trông thấy khiến tôi giật bắn
người, suýt chút nữa miệng bật ra tiếng la hoảng.
Đứng cạnh giếng là một con nhỏ lạ hoắc. Nó mặc bộ đồ bông, da
ngăm đen, tóc ngắn ngang vai . Trông bộ dạng của nó, tôi đoán nó trạc cỡ
tuổi tôi hoặc nhỏ hơn tôi một, hai tuổi gì đó. Sự xuất hiện bất thần
của nó khiến tôi bàng hoàng tự hỏi không biết từ lúc nào và bằng cách
nào nó lọt được vào khu vườn của tôi .
Lúc đầu tôi nghi nó là ăn trộm nhưng sau khi âm thầm quan sát
một hồi, tôi biết là không phải . Một tên trộm thì cặp mắt phải láo
liên, cử chỉ phải vụng trộm và hành động luôn luôn lén lút nhưng ở con
nhỏ này tất cả đều ngược lại . Chẳng tỏ vẻ gì vội vã, nó đi quanh quẩn
bên những gốc cây bằng những bước chân thong thả, chốc chốc lại ngước
mắt nhìn lên những vòm lá trên cao khiến tôi cứ tưởng nó định trèo lên
hái trộm mận. Nhưng rồi nó lại cúi đầu xuống dòm dáo dác như định tìm
kiếm một cái gì đó trong cỏ.
Tôi vẫn đứng lặng lẽ sau bụi cây, nín thở theo dõi những hành
động lạ lùng của nhân vật bí ẩn kia . Bây giờ nó lại đi lòng vòng quanh
giếng. Đang đi, thình lình nó dừng lại và cúi xuống nhặt cái gì đó dưới
đất. Khi nó đứng lên, tôi căng mắt cố nhìn xem cái vật nó vừa nhặt là
khối vàng hay khối kim cương. Hóa ra đó chỉ là một chiếc lá vàng.
Con nhỏ cầm chiếc lá đi lại bên giếng đá và thả xuống. Rồi bám
hai tay vào thành giếng, mắt đăm đăm nhìn ngắm chiếc lá đang bập bềnh
dưới kia, nó cứ đứng hoài như vậy . Mặc dù đứng cách con nhỏ một quãng
khá xa, tôi vẫn có thể nhìn thấy vẻ thích thú trên khuôn mặt ngăm ngăm
của nó. Và tôi cũng hình dung ra chiếc lá nó vừa thả trong lòng giếng
lúc này hẳn đang bềnh bồng trên mặt nước hệt như một chiếc thuyền câu .
Đã mấy lần tôi định dợm châm chạy lại đứng bên cạnh nó, dòm xuống giếng,
xem thử chiếc lá chìm nổi thế nào . Ý muốn đó cứ trào lên trong lòng,
thôi thúc mãnh liệt đến mức phải hết sức vất vả tôi mới ghìm lại được.
Nhưng niềm vui của con nhỏ không kéo dài được lâu . Trong khi
nó đang ngẩn ngơ thả hồn theo chiếc lá thì con sáo của tôi thình lình
phá đám. Con sáo chắc ngủ mê từ nãy đến giờ, bỗng thức dậy thấy người,
liền la hoảng “có khách, có khách”. Nghe tiếng kêu thất thanh, con nhỏ
choàng tỉnh khỏi giấc mơ, ù té chạy . Tôi chưa kịp can thiệp thì nó đã
vọt tới sát hàng rào cạnh con hẻm, vẹt một lỗ hổng, chui ra . Cho đến
khi tôi đuổi kịp tới hàng rào thì nó đã biến mất.
Đứng ngẩn ngơ một hồi, chẳng biết làm gì, tôi ngồi xuống tò mò
quan sát chỗ hàng rào con nhỏ vừa chui qua . Hóa ra chỗ này thiếu một
cây cọc. Muốn vào vườn, người ta chỉ cần nới rộng hai sợi kẽm gai chăng
ngang rồi vẹt bụi dây leo lòa xòa là lọt vào được ngay .
Nhưng việc phát hiện ra lối đi bí mật đó không khiến tôi ngạc
nhiên bằng việc tại sao con nhỏ kia có thể nhìn thấy cái lỗ hổng bị dây
leo phủ kín như thế và nó chui vào khu vườn của tôi để làm gì.
Từ đó cho đến tận khi trời chập choạng tối, tôi ngồi thẫn thờ
trong bóng chiều, lòng miên man nghĩ tới nhân vật lạ lùng nọ . Hàng trăm
câu hỏi thi nhau mọc ra trong đầu tôi và tôi chẳng trả lời được câu hỏi
nào . Tôi không thể nào biết nó là ai và từ đâu đến. Lúc nãy, nếu bất
thần chạy vụt ra, tôi có thể làm cho nó hốt hoảng và thừa cơ tóm được
nó. Và dĩ nhiên, tôi sẽ vén màn bị mật được ngay . Nhưng thú thật, lúc
đó tôi không muốn làm cho nó sợ hãi . Không hiểu sao tôi không cảm thấy
ghét nó mặc dù nó dám xâm nhập lén lút vào lãnh địa của tôi . Ngược lại,
tôi cảm giác tôi có thiện cảm với nó nữa là khác. Có lẽ do tôi nhìn
thấy ở nó có nhiều điểm giống tôi . Cũng đi thơ thơ thẩn thẩn quanh các
gốc cây như một tên lãng tử. Cũng nhìn khu vườn bằng ánh mắt thân thiện
và ấm áp như nhìn một người bạn. Cũng vẩn vơ nhặt một chiếc lá vàng thả
vào lòng giếng rồi đứng ngắm hàng giờ không biết chán. Tôi chỉ khác nó
một điểm là tôi biết những tiếng “có khách, có khách” vang lên thất
thanh kia là tiếng chim chứ không phải tiếng người và vì vậy tôi không
có sợ vãi mật ra như nó.
Tối đó, tôi kể cho anh Khánh nghe câu chuyện vừa xảy ra ngoài vườn. Nghe xong, anh rụt cổ:
– Vậy đích thị là ma rồi!
Tôi bĩu môi:
– Ma đâu mà ma! Ma mà chui hàng rào!
– Nó thích chui thì nó chui, ai cấm được!
– Xì, nói vậy mà cũng nói! Giờ đó không thể nào có ma được. Em
từng sống dưới quê em biết, ma chỉ xuất hiện lúc mười hai giờ trưa và
mười hai giờ khuya thôi .
– Chứ lúc con nhỏ đó xuất hiện là mấy giờ ?
– Khoảng bốn giờ.
– Vậy thì nó là ăn trộm! – Anh Khánh khẳng định.
– Không phải đâu! – Tôi kêu lên.
Anh Khánh nheo mắt ngó tôi:
– Sao mày biết là không phải ?
– Sao không biết ! Nếu ăn trộm thì nó phải lấy trộm cái gì chứ ! Ở đây nó chỉ nhặt lá thả xuống giếng thôi !
Nói xong, tôi ngạc nhiên nhận ra mình đã bênh vực cho con nhỏ
kia một cách hăng hái . Những điều tôi nói không thuyết phục được anh
Khánh. Anh hừ giọng:
– Mày ngu quá ! Không có ai khùng đến mức chui vào vườn người
ta chỉ để nhặt lá thả xuống giếng chơi cho vui . Đích thị nó là ăn trộm.
Nó chỉ làm bộ như vậy để đánh lừa mày thôi .
Tôi phản đối:
– Nó có đánh lừa gì em đâu ?
Anh Khánh nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại:
– Hóa ra đến giờ mày vẫn chưa biết là mày bị lừa ! Con nhỏ đó
nó giả bộ khùng khùng để rủi mày có bắt gặp nó ở trong vườn mày sẽ không
nghĩ nó là kẻ gian, còn nếu như mày không trông thấy nó hoặc nó không
bị con sáo làm cho hoảng sợ thì trước sau gì nó cũng mò vào tận trong
nhà để đánh cắp một vài món gì đó.
Lời giải thích của anh Khánh chắc nịch như đinh đóng cột. Nghe
anh nói, tôi có cảm tưởng như con nhỏ đó đã từng vào nhà tôi ăn cắp mấy
lần rồi . Thấy vì cái tật bép xép của mình mà nó bị gán cho tội ăn trộm,
tự nhiên tôi thấy tội nghiệp con nhỏ đó quá chừng.
Tuy nhiên, tôi không muốn cãi nhau với anh Khánh. Tôi biết cãi
nhau một hồi, thế nào anh cũng át giọng tôi . Xưa nay vậy . Tôi cũng
không định nói chuyện đó cho ba mẹ tôi biết. Bởi vì đằng nào ba mẹ tôi
cũng sẽ đứng về phía anh Khánh. Tôi vốn biết rõ tâm tính của ba mẹ tôi .
Chắc chắn hai người sẽ không bao giờ tin rằng có một người lẻn vào vườn
của người khác mà lại không có một ý đồ ám muội nào . Và thế là con nhỏ
khùng khùng kia sẽ bị kết tội thêm một lần nữa .
Tôi đã định ém nhẹm mọi chuyện, không ngờ trong bữa ăn tối anh
Khánh lại lôi ra . Tôi chỉ biết ngồi im thin thít và giương cặp mắt lo
âu lên nhìn mọi người .
Quả đúng như tôi nghĩ, nghe anh Khánh kể xong, mẹ tôi liền quắt mắt nhìn tôi:
– Sao con ngốc quá vậy ! Lần sau nếu thấy có ai chui vào vườn, con phải hô hoán lên cho mọi người chạy tới tóm cổ nó.
Tôi thanh minh, giọng yếu ớt:
– Nhưng con nhỏ hồi chiều đâu phải là ăn trộm.
Tôi chưa nói dứt câu, mẹ tôi đã nạt ngang:
– Làm sao con biết nó không phải là ăn trộm ?
Mẹ tôi giống hệt anh Khánh. Tôi đành câm miệng như hến. Nhớ đến
cung cách phân tích hùng hồn của anh Khánh khi nãy, tôi cảm thấy lạnh
người và biết rằng mình không thể chứng minh được điều mẹ tôi đòi hỏi .
Thấy tôi ngồi im, mẹ tôi nói tiếp:
– Tụi ăn trộm bây giờ chúng khôn lắm ! Có khi chúng đi một bọn
bốn, năm dứa và chúng cho một đứa vào trước dò la động tĩnh. Hễ thấy êm
êm là chúng hè nhau ùa vào ! – Rồi mẹ tôi tặc lưỡi kết luận – Con nhỏ
hồi chiều có thể là đứa dò thám trong bọn.
Trong khi mẹ tôi luận tội, tôi cắm cúi và cơm, cổ họng như nghẹn lại .
Ngay từ đầu, ba tôi dường như chẳng để ý gì đến cuộc trò chuyện
đang diễn ra giữa mẹ con tôi . Tôi thấy ông nghe với vẻ lơ đãng. Nhưng
khi mọi người nói xong, ông chợt nhỏm người lên và như thường lệ, giành
cho mình quyền nói lên tiếng nói quyết định cuối cùng:
– Sắp tới tao thả trong vườn một, hai con béc-giê là xong ! Dãy
hàng rào cũng phải xây lại cho kiên cố nhưng còn chờ cải tạo xong khu
vườn đã.
Lời tuyên bố của ba tôi khiến tôi rầu rĩ khôn cùng. tôi vốn yêu
chó, nhưng đó là những con chó hiền lành và gần gũi như con Mực, con
Vện của ngoại tôi . Còn giống chó béc-giê, tôi chúa ghét. Hồi ở dưới
ngoại, mỗi lần có việc đi ngang nhà lão Cả Tiệm, thấy bầy chó béc-giê
hung dữ và to đùng như bầy sư tử trong nhà lão xồ ra là tôi tái xanh mày
mặt và vắt giò lên cổ chạy như bị ma đuổi . Vậy mà bây giờ, ba tôi lại
tính nuôi cái giống quái vật đó ở trong vườn và mọi chuyện xảy ra chỉ vì
cái con nhỏ bị nghi là ăn trộm kia .
– Có nuôi thì nuôi chó thường thôi ba ! – Cuối cùng, tôi đánh bạo đề nghị – Chó béc-giê trông dữ thấy mồ !
Ba tôi hắng giọng:
– Hừm ! Thằng này nói lạ ! Chó dữ thì ăn trộm mới sợ chứ ! Vả
lại nhà mình mà nuôi chó thường coi sao được ! Bác Tám, chú Tư mày đều
toàn là nuôi chó béc-giê !
Biết có năn nỉ cũng chẳng được, tôi lại cúi xuống tiếp tục và
cơm. Dường như tôi muốn ngậm đầy cơm trong miệng để khỏi phải phát biểu
lôi thôi, chẳng ai nghe đã đành mà có khi còn bị mắng nữa không chừng.
Nhưng cái ngày lắm chuyện đó chưa kết thúc với tôi . Trước khi đi ngủ, tôi còn nhận được một mệnh lệnh từ mẹ tôi:
– Ngày mai thằng Kha phải kiếm mấy cây cọc bịt cái lỗ hổng chỗ hàng rào đó lại nghe chưa !
Chương 04
Mẹ tôi kêu tôi bịt cái lỗ hổng chỗ hàng rào nhưng
tôi cứ nấn ná hoài chưa chịu ra tay. Trong thâm tâm tôi có ý đợi xem
con nhỏ đó có trở lại “thăm” tôi lần nào nữa không. Mặc cho anh Khánh
bảo nó là tên trộm và mẹ tôi bảo nó là tên dò thám, tôi vẫn chẳng thấy
nó giống như vậy chút nào. Với tôi, nó luôn luôn là một đứa hiền lành.
Nó chỉ mắc mỗi cái tật khùng khùng giống như tôi mà thôi.
Sau ngày hôm đó, chiều nào tôi cũng ở lì ngoài vườn đến tối mịt
trong một tâm trạng mong ngóng hồi hộp. Tôi ngồi bệt trên cỏ, lưng tựa
vào gốc khế, sách mở trên tay nhưng tôi chẳng đọc được chữ nào, mắt cứ
đăm đăm nhìn về phía lỗ hổng bí mật, thấp thỏm chờ đợi một cái đầu có
khuôn mặt ngăm ngăm nhô ra. Suốt mấy ngày liền, tôi đợi dài cả cổ nhưng
chẳng được tích sự gì. Có thể chuyện xảy ra hôm nọ đã khiến con nhỏ kia
sợ hãi đến mức không bao giờ dám quay trở lại khu vườn này nữa. Hoặc
cũng có thể nó là một hình bóng không thực và những điều mà tôi ngỡ
chính mắt tôi trông thấy kia chỉ là những ảo ảnh trong một giấc mơ
chiều.
Thế rồi tôi quên béng đi mất. Quên con nhỏ nọ. Quên cả việc rào
lại hàng rào. Mẹ tôi nhắc nhở hai, ba lần, tôi chỉ ừ ào cho qua. Tôi
biết mẹ tôi chẳng bao giờ cất công ra tận cuối vườn để kiểm tra việc làm
của tôi. Vả lại, mẹ đang chờ đội quân bảo vệ ba tôi đang lùng mua. Với
những con chó béc-giê hung hãn đó trong vườn thì cái lỗ hổng nhỏ nhoi
kia chẳng có gì đáng ngại.
Một tuần lễ sau, đúng vào lúc tôi không ngờ nhất, con nhỏ hôm
trước lại đột nhiên xuất hiện. Lúc đó, tôi đang ngồi vắt vẻo trên cành
ổi, vừa đọc sách vừa nhai đậu phộng. Tôi bỏ đầy một túi đậu phộng cứ thế
thuận tay bốc cho vào miệng, nhai chóp chép suốt cả buổi chiều.
Trong khi tôi đang say sưa thưởng thức mùi mực in và mùi đậu
phộng thì tai bỗng nghe một tiếng “rắc” vang lên. Tôi giật mình, tay bám
chặt cành ổi rồi như một phản xạ tự nhiên, tôi lập tức quay nhìn về
phía hàng rào có cái lỗ hổng và mắt như bỗng hoa lên. Không biết tự bao
giờ, con nhỏ kia đang tìm cách chui vào vườn qua lối đi bí mật. Nó đã
đặt được một chân vào bên trong và đang loay hoay gỡ nốt chân kia khỏi
đám dây leo quấn quít. Có lẽ tiếng động tôi vừa nghe thấy là do nó dẫm
phải một khúc cây mục nào đó dưới chân.
Thoạt đầu do sửng sốt, tôi định kêu lên nhưng rồi tôi kịp trấn
tĩnh và quyết định ngồi im trên cây ổi xem thử lần này nó định làm gì.
Sau khi lọt hẳn vào bên trong hàng rào, con nhỏ đứng yên tại
chỗ một lúc và lấm lét nhìn quanh. Có lẽ nó sợ bị bắt gặp. Đến khi thấy
bốn bề đều yên tĩnh, nó liền rón rén đi về phía giếng. Đứng dòm xuống
giếng một hồi, nó nhặt một cánh bông khế rơi vương vãi trên thành giếng
ngậm trong miệng rồi lại đi loanh quanh các gốc cây như hôm trước. Suốt
một hồi lâu, nó cứ thơ thơ thẩn thẩn như vậy.
Tôi ngồi lắc lư trên cành ổi, bụng đã thấy sốt ruột nhưng vẫn
cố nín thở để không gây ra tiếng động. Lúc này tôi cứ sợ con sáo quỷ
quái của tôi sẽ nổi hứng lên và cất giọng phá bĩnh như hôm nọ, nhưng
hình như bữa nay nó hiểu được nỗi lo của tôi nên từ nãy đến giờ vẫn một
mực ngậm tăm.
Đi lòng vòng chán, con nhỏ lại ngồi bệt xuống đất. Nó nhặt một
nhánh cây khô bẻ làm nhiều đoạn ngắn rồi cắm trước một mô đất nhỏ cạnh
gốc mận, hệt như người ta cắm nhang trước mộ. Tôi trố mắt theo dõi từng
hành động của nó với một tâm trạng đầy lo âu và nghi hoặc. Dám con nhỏ
này tính chơi trò khấn vái để ếm bùa gì tôi đây. Càng nghĩ ngợi tôi càng
hoang mang và vì vậy tôi càng dán mắt chặt vào nó, không dám lơi lỏng
một tí ti.
Bây giờ thì nó đã đứng dậy và ngước mắt nhìn lên các vòm lá.
Tôi thóp bụng ngồi im, tim đập thình thịch trong ngực, cứ sợ nó phát
hiện ra. Nhưng con nhỏ không nhìn lên cây ổi. Nó ngắm nghía các chùm mận
một hồi rồi bước lại bám gốc mận trèo lên. Tôi ngạc nhiên thấy nó trèo
cây không thua gì tôi, nom cứ nhanh như sóc.
Nhìn nó leo thoăn thoắt, tôi thở một hơi dài nhẹ nhõm. Hóa ra
nó lẻn vào vườn là để hái trộm mận. Mà con nhỏ này cũng màu mè thật, hái
trộm mận thì hái ngay từ đầu cho rồi, còn bày đặt đi tới đi lui làm tôi
hồi hộp muốn đứng tim.
Nhưng con nhỏ không hái mận. Leo lên tới chạc ba giữa lưng
chừng cây, nó không buồn leo lên nữa mà đứng săm soi cái gì đó ở trên
thân cây, mặt mày có vẻ thích thú lắm.
Tôi bám cành ổi nhướng cổ dòm qua một hồi vẫn không đoán ra cái
nó đang ngắm nghía là vật gì. Vì vậy vẻ mặt tươi hơn hớn của nó khiến
tôi thắc mắc vô cùng. Chẳng lẽ một con sâu bám trên cây lại có thể làm
nó vui thích đến như vậy.
Trong khu vườn lúc này có tất cả là hai người và một con sáo.
Tôi đeo cây ổi, con nhỏ đeo cây mận, con sáo đeo cây khế. Vậy mà không
khí vẫn yên tĩnh như không có một bóng người.
Đeo trên cây chán, con nhỏ lại tụt xuống đất và lại đi loang
quanh trên bãi cỏ. Lúc này, sau một hồi gồng mình ngồi yên không dám
nhúc nhích, tôi đã thấy ê ẩm cả người. Vả lại nhìn điệu bộ con nhỏ, tôi
biết nó cũng chẳng còn giở trò gì mới mẻ nữa ngoài cái trò đi loanh
quanh ngó phát chán kia, tôi bèn quyết định xuất đầu lộ diện.
Đợi cho nó đi ngang gốc ổi, tôi hắng giọng kêu:
– Ê!
Bị gọi bất thần, con nhỏ hớt hải nhìn quanh.
Thấy nó đảo mắt tìm kiếm một cách vô vọng, tôi lại lên tiếng:
– Mày ngó đi đâu vậy? Tao ở trên cây đây nè!
Con nhỏ giật mình ngước lên và khi nhìn thấy tôi đang ngồi vắt
vẻo trên cây ổi, nó sợ xanh cả mặt và dợm chân định chạy. Sợ nó biến mất
như lần trước, tôi vội vàng trấn an:
– Mày cứ ở chơi đi, tao không bắt mày đâu!
Vừa nói tôi vừa đu cây tụt xuống. Nhưng thấy nó có vẻ lưỡng lự, sợ nó vùng chạy bất tử, tôi nói thêm:
– Mày mà chạy, tao tụt vội theo, rủi sút tay té gãy cổ là mày đi tù à nghen!
Nghe tôi hù, con nhỏ sợ run, đứng chôn chân tại chỗ.
Xuống tới đất, tôi bước lại gần nó, tò mò hỏi:
– Mày ở đâu đến đây vậy?
Con nhỏ như chưa hết sợ hãi. Nghe tôi hỏi, nó rụt rè chỉ tay ra phía ngoài hàng rào:
– Em ở đằng kia.
Tôi nhìn theo tay chỉ của nó, hừ mũi:
– Mày chỉ như vậy có trời mới biết là mày ở đâu!
Thấy tôi trách, nó đứng im re, những ngón chân dí dí trên mặt đất. Tôi hỏi lại:
– Mày chui vào vườn tao chi vậy?
Nó ấp úng:
– Em vào… chơi.
Tôi nhún vai: – Trong vườn tao có gì đâu mà chơi?
Con nhỏ ngước nhìn tôi với ánh mắt long lanh:
– Nhưng nó giống với khu vườn nhà em. Tôi thở phào:
– Thì ra vậy!
Nhưng rồi tôi lại thắc mắc:
– Vậy sao mày không chơi trong khu vườn của mày?
Con nhỏ chớp mắt, giọng buồn bã:
– Khu vườn của em ở tận dưới quê.
Tôi gật gù, vẻ thông cảm:
– €, tao hiểu rồi. Thì ra trước đây mày ở dưới quê.
Và tôi liếc nó, giọng thân mật:
– Như vậy là mày giống tao. Hồi trước tao cũng sống với bà ngoại tao ở dưới quê.
Con nhỏ reo lên:
– Hay quá hén!
Giọng điệu vui vẻ của nó khiến tôi bất giác mỉm cười. Con nhỏ
này ngộ thật, mới đây nó còn sợ xanh mặt mà bây giờ đã tươi tỉnh reo ầm
lên rồi!
Trong khi tôi đang ngẫm nghĩ xem nên hỏi tiếp nó câu gì thì nó bỗng nói:
– Em thích khu vườn của anh ghê!
Sự thú nhận thành thực của nó khiến tôi vô cùng khoái chí. Tôi cười nói:
– Điều đó mày không nói tao cũng biết. Hôm trước tao đã thấy mày lẻn vô đây một lần rồi.
Con nhỏ giật mình và đỏ mặt nhìn tôi:
– Anh có nhìn thấy em hả?
– Ừ.
– Lúc đó anh nấp ở đâu?
Tôi nheo nheo mắt:
– Đố mày biết!
Con nhỏ sáng mắt lên:
– Trên cây ổi chứ gì?
Tôi bĩu môi:
– Mày đoán trật lất! Đâu phải lúc nào tao cũng ngồi trên cây ổi!
Rồi tôi chỉ tay về mé vườn bên trong:
– Tao nấp chỗ mấy cây mít kia kìa! Tao thấy mày thả chiếc lá xuống giếng rõ ràng.
Nghe tôi nhắc đến chuyện cũ, con nhỏ liền mỉm cười. Chợt nó ngó tôi, nhăn mặt trách:
– Bữa đó anh làm em sợ hết hồn.
Tôi trố mắt:
– Tao có làm gì đâu. Tao nấp hoài một chỗ, đến khi mày về rồi tao mới ló đầu ra kia mà.
Con nhỏ liếc tôi:
– Thì anh nấp một chỗ. Nhưng mà anh hét ầm lên.
Tôi chưng hửng:
– Tao có hét hồi nào đâu.
Con nhỏ “xí” một tiếng:
– Vậy chứ ai kêu “có khách, có khách”?
– €, tao nhớ ra rồi! – Tôi bật cười và chỉ tay lên cây khế – Bữa đó không phải tao mà là con này kêu nè!
Con nhỏ thắc mắc nhìn theo tay chỉ của tôi và khi phát hiện ra
chiếc lồng sáo treo toòng teng trên cây khế, nó reo lên, giọng ngạc
nhiên pha lẫn thích thú:
– Ôi, con nhồng! Hay quá hén!
Thấy nó nói trật, tôi khịt mũi chỉnh liền:
– Mày ngốc quá! Đây là con sáo chứ không phải con nhồng. Con nhồng mỏ đỏ. Còn con sáo mỏ vàng.
Rồi tôi nhìn nó, chê:
– Vậy mà mày nói mày từng ở dưới quê!
Con nhỏ đưa tay vuốt tóc, vẻ bối rối:
– Thì em từng ở dưới quê chứ sao!
Tôi hất mặt:
– Ở dưới quê sao mày bảo con sáo là con nhồng?
Nó đỏ mặt, lí nhí:
– Tại em nói lộn.
Nói xong, nó cúi gầm mặt xuống đất, vẻ biết lỗi. Tự dưng tôi
thấy tội tội cho nó, vì vậy tôi liền nhẹ nhàng cầm lấy tay nó và dịu
dàng nói:
– Mày lại đây tao kêu con sáo của tao nói cho mày nghe. Nó khôn lắm. Nó nói được đủ thứ.
Thấy tôi quảng cáo về con sáo ghê quá, con nhỏ hết buồn liền. Nó để yên bàn tay nó trong tay tôi và để tôi dắt đi.
Tới dưới gốc khế, tôi ngửa mặt dòm lên lồng sáo, hùng hồn ra lệnh:
– Sáo ơi, chào đi!
Nghe tiếng tôi, con sáo mừng rỡ nhảy nhót lung tung khiến chiếc
lồng chao qua chao lại. Nhưng nó vẫn chưa chịu lên tiếng chào tôi. Có
lẽ nó đang phân vân không biết nên “chào anh Kha” hay “chào anh Khánh”.
Tôi đứng dưới ngóc cổ chờ đợi, hồi hộp muốn rụng tim. Mặc dù
bây giờ con nhỏ này chưa biết tên tôi là Kha hay Khánh nhưng nếu nó còn
tới chơi nhiều lần, chắc chắn nó sẽ biết. Vì vậy nếu con sáo của tôi
chơi trò phản chủ, nó cao hứng “chào anh Khánh” thì hỏng bét. Nhất là
lúc nãy tôi đã trót hí hửng khoe tài của nó.
Nhưng con sáo của tôi vẫn chẳng chịu chào hỏi gì cả. Nó chỉ lo
nhảy tới nhảy lui trong lồng. Đợi một hồi, thấy nó vẫn một mực giả điếc
trong khi con nhỏ cứ nhìn tôi lom lom ra ý hỏi, tôi nổi sùng, giục:
– Sáo ơi, mày chào tao đi chứ!
Rồi sợ nó lộn Kha với Khánh, tôi nhắc tuồng:
– Tên tao không dấu sắc à nghen!
Tôi nói vừa dứt câu, con sáo đã vọt miệng:
– Chào anh Kha, chào anh Kha!
Sự đối đáp suông sẻ của con sáo khiến tôi mừng quýnh. Tôi liền quay sang con nhỏ, mặt mày rạng rỡ:
– Mày thấy chưa! Tao đã bảo con sáo của tao khôn lắm mà!
Con nhỏ thán phục ra mặt:
– Đúng là khôn thật! Nó còn biết cả dấu sắc nữa!
Trước lời khen của con nhỏ, tôi ậm à ậm ừ như đang ngậm nếp dẻo
trong mồm, không thừa nhận cũng không ra phủ nhận. Tôi biết con sáo của
tôi cóc có biết dấu sắc, dấu huyền gì sất. Nó chỉ có mỗi cái tài nói
đại, trúng trật đã có… trời lo. Nhưng tôi đã lỡ bốc nó lên tận mây
xanh rồi, nếu bây giờ để lộ cái tội “mù chữ” của nó ra, tôi sợ rằng uy
tín của nó lẫn của tôi sẽ bị giảm sút đáng kể. Còn nếu như thừa nhận sự
thông thái của nó thì chắc chắn chẳng bao lâu nữa con nhỏ sẽ phát hiện
ra nó là một nhà thông thái dỏm. Lúc đó lại càng bẽ mặt. Tốt nhất chỉ có
cách đánh bài lờ.
Con nhỏ không hiểu được tâm trạng rối rắm của tôi, nó cứ xuýt xoa luôn mồm:
– Con sáo thông minh ghê!
Rồi nó cầm tay tôi lắc lắc:
– Anh bảo nó chào em đi!
Bây giờ tôi mới sực nhớ là tôi chưa hỏi tên con nhỏ. Tôi bèn nheo mắt nhìn nó:
– Tao đã biết tên mày đâu mà bảo con sáo chào!
Nghe tôi nói, con nhỏ ngẩn người ra:
– Ừ hén! – Rồi nó dẩu môi, trách – Ai bảo từ nãy giờ anh không thèm hỏi tên em chi!
Tôi bối rối:
– Không phải là không thèm hỏi. Mãi nói chuyện, tao quên khuấy đi mất.
Nó quay mặt đi chỗ khác, “hứ” một tiếng:
– Hỏi tên mà quên!
Tôi gãi đầu, chữa thẹn:
– Thì bây giờ tao hỏi:
Rồi thấy nó vẫn không quay mặt lại, tôi ngập ngừng nói:
– Tao hỏi hén?
– Ừ.
Tôi nuốt nước bọt:
– Vậy chứ mày tên gì?
Đợi tôi hỏi xong, nó quay phá(t người lại, cười toe:
– Em tên Hồng Hoa!
Tôi vỗ tay, reo lên:
– Ôi, hóa ra mày là công chúa!
Hồng Hoa tròn má(t:
– Công chúa gì?
– Công chúa Hồng Hoa chứ công chúa gì! Thế mày chưa đọc cuốn “Truyện cổ Grim” à?
Hồng Hoa lắc đầu:
– Chưa.
Tôi gật gù:
– Hèn gì mày không biết chuyện công chúa Hồng Hoa!
Hồng Hoa lại lắc tay tôi:
– Anh kể cho em nghe đi!
Tôi nhăn mặt:
– Kể ngay bây giờ à?
– Ừ, ngay bây giờ.
Tôi nhìn lên vòm lá mỗi lúc một sẫm màu, chép miệng nói:
– Trời sắp tối rồi, tao kể làm sao kịp?
Hồng Hoa chẳng thèm quan tâm đến chuyện đó. Nó khẩn khoản:
– Không kịp thì anh kể một nửa cũng được!
Thấy nó năn nỉ tha thiết quá, tôi đành gật đầu:
– Thôi được rồi! Lại đằng giếng ngồi tao kể cho nghe!
Vừa nói tôi vừa cầm tay nó kéo đi.
Hai đứa ngồi trên thành giếng mát lạnh, rêu bám vào gót chân và
bông khế thỉnh thoảng rơi xuống đậu hững hờ trên tóc. Trên các vòm cây,
lá bắt đầu đi ngủ. Chúng thong thả rủ mình xuống như những cánh dơi
đang im lặng đeo mình chờ bay vào đêm tối. Trong bóng hoàng hôn chập
choạng, gió đã bớt rụt rè hơn, chúng lướt đi xào xạc trên cỏ và những
giọt nắng cuối ngày còn sót lại đang nhẩn nha thắp nốt buổi chiều trên
những ngọn cây cao trong vườn. Thả hồn vào khung cảnh êm đềm đó, tôi khẽ
liếc vẻ mặt nôn nao của Hồng Hoa và mỉm cười kể:
– Ngày xửa ngày xưa, có một nàng công chúa, xinh thật là xinh…
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!