Thời xa vắng -full - Chương 14
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
171


Thời xa vắng -full


Chương 14


Và quan trọng hơn, tôi không thể bỏ quá nửa số cán bộ trong đoàn có quan niệm về công tác tư tưởng con người như kiểu các anh. Thành ra cứ phải cho êm đi. Các anh cầm quyển nhật ký này trả cậu ta bằng cách nào cho “êm” để vừa đỡ xấu hổ, vừa không mất “khí thế” chung của đại đội.

Nhưng tôi nói ngay rằng, tôi không để hiện tượng này lan tràn trong trung đoàn và không thể “tha” khi các anh không thương chiến sĩ thật lòng, không yêu nhiệm vụ thật lòng, làm việc cốt đối phó với thành tích từng ngày, cốt được khen, còn lính tráng “sống chết mặc bay”. Nhớ chưa. Thôi, quá trưa rồi, các anh về đi.

Sài đã ngồi dậy đi lại được. Vẫn là cố gượng đi lại cho quen. Nằm mãi, đau ê ẩm từng khớp xương, nhất là chân tay, tưởng như đã rời ra khỏi thân mình. Suốt một tháng qua, ngày nào cũng tiêm kháng sinh liều cao, làm hai cánh tay, hai bắp đùi và mông thành chai, rắn đanh lại. Có hôm người tiêm đẩy kim đến vã mồ hôi, thuốc vẫn không chạy.

Rất nhiều đêm buồn, mỏi, vật vã Sài phải uống thuốc ngủ mới thiếp đi. Hôm nay anh cố lần tới ghế đá. Người thấy rã rời, nhưng ngồi không thì buồn, không chịu nổi, anh rút quyển lượng giác tròn bụng ra đọc lại các công thức, và kiểm tra lại bài tập đã làm. Đang mải mê đọc như kiểu đọc sách Sài bỗng giật mình: “Anh Sài. Em bảo chưa đọc được kia mà.

Em lại thu quyển sách ấy cho mà xem”. Nói rồi, cô đến bên ngồi xuống cạnh Sài, dúi quyển sách trong tay anh xuống chứ không thu. Cô y tá ấy tên là Kim, Kim có dáng người nhỏ nhắn, và xinh. Ngay từ hôm Sài mới đến trạm xá, Kim đã taháy ở anh có thể tin cậy và cũng vào loại đẹp giai nữa. Càng về sau cô càng tự phục mình có tài nhận xét người. Sài ít nói, e dè như con gái, sẵn sàng phục tùng tất cả mệnh lệnh gắt gỏng và ngọt ngào của các cô.

Nghe nói anh ta giỏi toán lắm. Kim chưa biết nhưng cứ mỗi lần anh ta mở mắt ra, nhắc được tay lên, lại thấy quyển lượng giác và quyển bài tập cũng là lượng giác. Anh ta mê mải khiến nhiều lần cô phải “tịch thu”. Tịch thu rồi trả lại, cứ tự cô quyết định, khi nào cô muốn. Còn anh, chỉ im lặng “nộp” và nhận lại. Bản tính của con gái là muốn khám phá và chiếm lĩnh sự bí ẩn ở người con trai, có thể theo hút nó cả cuộc đời mình, để cuối cùng nhận lấy sự thất bại nặng nề, cũng vẫn sẵn sàng.

Đến ngày thứ bảy kể từ khi Sài đến đây, Kim đã lục tìm bệnh án của anh. Cô ngẩn người, ngồi lặng đi đến ba phút trước dòng chữ: Khi cần báo tin cho vợ: Hoàng Thị Tuyết. Nhưng cô phản đối mấy ông bệnh nhân lớn tuổi ở ban hậu cần và quân khí ngồi bàn nhau về vấn đề không có tình bạn lâu dài, không có anh em, chú cháu kết nghĩa giữa con gái với con trai, nếu không có tình yêu; đã và sẽ xảy ra hoặc lợi dụng lẫn nhau về một cái gì đó.

“Đừng nhận làm cháu nuôi, cháu ơi. “Chú sẽ “ăn thịt” cháu có ngày đấy”. Sao mấy ông đã già còn ăn nói phức tạp. Mặc. Kim thấy ai tốt, cứ chơi. Mình trong sáng, thì lo gì. Kim đã không lầm khi cô quý Sài như một người anh, dù Sài chỉ hơn cô chừng sáu bảy tháng tuổi. Nhưng sự “trong sáng” của Sài không giống như cô. Lòng anh đang “đen tối” về một cô gái không có ai có thể thay thế, nên với bất cứ người con gái nào anh cũng quý mến lịch sự như với một thằng bạn. Kim ngồi một lúc rồi hỏi:

– Anh có hay nhận được thư chị Tuyết không,

– Có.

– Cho em xem nào?

– Anh để ở đơn vị.

– Hôm nào khoẻ về lấy cho em xem nhé. Anh ghi thư bảo chị ấy ra đây đi.

– Chị đang bận. Sắp thi học kỳ rồi còn gì.

– Eo ơi, đang học đã lấy chồng.

– Chị bằng tuổi anh mà. Chị ấy học giỏi văn và hát hay lắm.

– Thế thì viết thư hay phải biết.

– Thư nào của chị ấy anh cũng thuộc từng chữ.

– Ôi, thích nhỉ, lúc nào anh đọc cho em nghe đi.

Sài hứa làm việc đó những không bao giờ anh đọc thư cho ai nghe. Cũng như quyển nhật ký, vẫn để trong ba lô, nhưng không bao giờ anh dám ghi nữa, dù chính trị viên có xin lỗi và bảo mãi mãi về sau không cho phép ai xem nhật ký của Sài nếu không được Sài đồng ý.

Trước đây, đêm nào không ngủ được, Sài cũng nghĩ ra một chuyện gì đó có thể giúp Sài sống được ở đại đội những ngày bị hẫng, tưởng như không thể chịu nổi cuộc đời bộ đội tự mình buộc vào.

Nghĩ đi nghĩ lại nhiều đêm, thấy cứ tiếc nó, anh dành những giờ hết phiên gác, ghi nó lại mà anh tự gọi là nhật ký. Tưởng đã phải đi tù về cuốn nhật ký đó (“trời ơi, những đêm “diễn đàn” anh cứ run bắn lên vì những từ phản động, chống đối, phá hoại, tư sản, phong kiến, bóc lột, ăn bám…), không hiểu sao sau lại được trả và bảo “không có gì”. Cứ vài lần “không có gì” là hết đời chứ còn gì.

Từ nay không ngủ được, Sài phải tìm cách mà học vậy. Chắc chả ai đấu tố, cạo vét người tranh thủ học lúc không có việc làm. Với lại, học đối với Sài là nỗi khát khao từ nhỏ. Không có niềm vui nào của trẻ con hấp dẫn Sài bằng học làm tính và đọc cái gì đó. Nửa tháng sau ra viện, anh được điều lên trung đoàn bộ làm tạp vù cho ban Năm và dậy văn hoá.

Trợ lý văn hoá của trung đoàn đau răng nằm ở trạm xá mấy ngày, thấy việc ham mê học hành của Sài, anh đã phát hiện ra một “nguồn” rất có triển vọng bổ sung cho tổ giáo viên chuyên nghiệp của Trung đoàn sau này. Một tuần Sài dạy hai buổi cho các sĩ quan toàn trung đoàn học chương trình toán dạy lớp bốn và hai buổi được nghỉ để soạn giáo án.

Anh dùng hai buổi được nghỉ để học và làm bài tập. Được lên trung đoàn bộ sovới ở đại đội đã thấy sướng như tiên, anh có rất nhiều thời gian để học. Đêm có thức thêm vài giờ cũng không bị nhắc nhở, cấm đoán. Trước khi lên lớp, anh để mười lăm phút viết “giáo án” do tự anh thấy chỗ nào cần đi sâu và học viên cần nắm cái gì trong bài học hôm ấy và cốt cho đủ “lệ bộ” theo quy định chứ không bao giờ Sài nhìn vào đó. Những người thấp thoáng biết Sài đến lớp uể oải, tuy chưa nói ra nhưng cho là trung đoàn coi thường lớp học này. Chưa có lý do để phản ảnh, họ tạo ra lý do để nghỉ học.

Ba buổi đầu chỉ có từ ba đến bảy học viên trong số hai mươi người. Vốn tính dút dát, lại con mắt khinh khỉnh của những cán bộ, ít ra cũng từ trung đội trưởng trở lên, buổi đầu mở mồm nói câu nào là Sài “Thưa các thủ trưởng” câu ấy, trợ lý dự giảng xong khen: “Được đấy. Hiểu khá kỹ và sâu. Nhưng bỏ :”thưa các thủ trưởng” đi. Thủ trưởng đâu mà lắm thế.

Tất cả họ ngồi đấy là học trò, còn mình là thầy. Không việc gì phải khúm núm, xun xoe, cứ đàng hoàng mà dạy. Anh nào không lắng nghe, không chịu học, cứ phê bình thẳng thắn”. Sau ba buổi đầu, tức là gần nửa tháng Sài dạy học, chủ nhiệm chính trị gọi trợ lý văn hoá lên để hỏi.

– Cậu xem thế nào. Cái lớp bốn, anh em họ phản ứng ghê lắm. Họ bảo khinh thường họ, cho thằng trẻ con tâm thần dạy dỗ những anh đã từng đánh nhau sứt đầu mẻ trán.

Anh trợ lý nổi nóng, giọng anh lặng đi:

– Báo cáo anh, nếu nghĩ như vậy với hàm thiếu uý, tôi không thể dạy cho anh Mạnh và anh được nữa.

– Thì anh em họ phản ánh, mình cũng phải xem xét.

– Tôi muốn báo cáo với chủ nhiệm việc đó. Nếu xem xét kỹ những ý kiến ấy và kết luận, tôi đề nghị chủ nhiệm biết đích xác ai kêu ca phàn nàn, xin kỷ luật anh ta. Lý do như sau: Thứ nhất: những anh ấy đã bỏ học ba buổi liền bằng những lý do không chính đáng. Thứ hai: ngay buổi đầu tiên khôi phục lại lớp, có đến năm người trông thấy cậu Sài đã tự bỏ về.

Như vậy vừa không tôn trọng con người, vừa vô kỷ luật. Còn những người đã học buổi đầu thì không ai bỏ buổi thứ hai, thứ ba, và họ không bao giờ nói như thế. Đã dự giảng buổi đầu tiên và thấy lớp đông dần hẳn lên, tôi rất yên tâm. Tôi xin đề nghị chủ nhiệm ký cho cái điện yêu cầu tất cả những đơn vị cán bộ học chương trình lớp bốn chiều thứ sáu này phải có mặt đầy đủ, hôm ấy mời chủ nhiệm đến dự lớp, cho ý kiến.

Không phải chỉ giảng riêng cho lớp bốn được yêu và tin cậy, những buổi giáo viên chuyên nghiệp đi vắng hoặc bận việc. Sài dạy thay cả lớp năm, lớp sáu, thậm chí ở lớp bảy nữa. ở lớp nào, anh cũng để cho học viên một ấn tượng không thể là người mới tốt nghiệp lớp bảy phổ thông. Vì chương trình bổ túc trong quân đội có chỗ cao hơn phổ thông, làm sao giảng được trơn tru dễ hiểu và giải đáp được tất cả thắc mắc của học viên, không cần phải đợi đến buổi khác “nghiên cứu thêm”.

Sài được chuyển hẳn sang sinh hoạt với tổ giáo viên vì phải dạy nhiều hơn và để anh có nhiều thời gian tự học. Vừa dạy, vừa phải học thêm nhưng tất cả công việc từ đánh rửa thau chậu, giúp anh nuôi vào sáng thứ bảy hàng tuần, lấy gạo, kiếm củi, lao động xã hội chủ nghĩa ngày chủ nhật, chiều chiều xách nước tưới rau… nghĩa là phần việc gì của cả tổ giáo viên của cả ban chính trị, anh cũng được gọi đến và làm hết mà vẫn thấy như không hề vất vả khó nhọc gì.

Yêu mến anh như một thằng em út, các giáo viên đã tốt nghiệp đại học sư phạm đều tận tình và sẵn sàng giảng cho anh hàng buổi liền. Tháng sáu năm sau, tức là anh đã công tác ở trung đoàn bộ được hơn một năm, trung đoàn cho anh đi thi tốt nghiệp lớp mười ở trường bổ túc văn hoá của Quân khu. Anh đỗ vào loại ưu, được chọn gửi đi học trường đại học sư phạm ở Hà Nội.

Sự kiện ấy, cộng với lòng yêu mến của cán bộ đã học anh, cả trung đoàn 25 xôn xao, có phần quá đáng, về một tài năng, một tấm gương và những chuyện đồn đại về cuốn nhật ký hơn một năm trước đây được coi như là dấu hiệu của một tài năng suýt bị vùi dập.

Nhưng những người điềm tĩnh hơn hiểu anh hơn như Hiểu, thiếu uý trợ lý văn hoá trung đoàn thì coi đó là sự tất nhiên của một người có chí, ham học và chịu đựng nhẫn nhục mà học. Anh, cũng như tổ giáo viên của anh, không hề bàn luận, xem như chuyện đó mình không tường tận cho lắm. Riêng chính uỷ Đỗ Mạnh biết rõ từ chuyện cô Kim y tá trạm xá lo lắng cho “anh Sài” như anh trai mình (ừ, con bé ấy cũng thật là tinh) đến chuyện từ ngày đi bộ đội đến nay Sài không hề gửi thư cho ai, cốt để mọi người coi mình như đã “biệt tăm” và cô Hương có thật hay là sự tưởng tượng…!

Nhưng ông lại coi như mình không hề biết gì. Ngoài ba người là: trưởng trạm xá và hai cán bộ đại đội 12 được ông nhắc nhở phê phán như là sự quan tâm đến một chiến sỹ bất kỳ nào đấy, không ai biết ông với Sài có mối liên quan gì đến nhau. Ông cũng chưa hề viết lá thư nào cho Hà. Chắc hiểu ông, Hà cũng không hề hỏi han gì cháu mình. Còn với Sài, khi lên trung đoàn, cậu ta nhận ra “ông thủ kho”, ông cũng coi như không có chuyện đó.

Thái độ của ông hơn một năm qua là “kệ nó”. Còn ông thì cứ lặng lẽ mà tìm hiểu, lặng lẽ mà xem xét. Ngay hôm Sài mới ở trường văn hóa Quân khu về để chuẩn bị vào trường đại học. Hiểu bảo ông: “Tối nay tôi đưa cậu Sài lên báo cáo anh” ông cũng gạt đi: “Mình cũng như mọi người, mừng cho cậu ấy thôi. Các anh lo cho cậu ấy đi, đừng vẽ chuyện đến mìnhh, mất thì giờ của cậu ấy ra”.

Những ngày còn lại ở trung đoàn đối với Sài quý như vàng, bao nhiêu việc phải làm, bao nhiêu người cần phải chia tay, bao nhiêu điều muốn nói với anh Hiểu và các anh trong tổ giáo viên đều chưa làm được. Đang chộn rộn rối bời bỗng Sài giật thót nghe Hiểu reo lên: “Sài đâu rồi ra chiêu đãi sơ, vợ đến”. Thật hay hư? Ai mách bảo địa chỉ để cô ta tìm đến đây.

Mồ hôi vã ra như tắm, mặt tái đi, Sài đứng chết lặng giữa nhà. Hiểu từ phía nhà trực ban cười cười bước vào. Hơi sững lại một thoáng, giọng anh hờ hững: “Thôi chuẩn bị mà đi đi. Cơm chiều xong bọn mình kéo nhau ra”. Sài muốn gục mặt xuống giường oà khóc nhưng lại phải bật lên tiếng “vâng” nghẹn ứ giữa cổ.

Rất chi là may mắn, nhờ anh bộ đội đi cùng chuyến đò, Tuyết dò dẫm hỏi được địa chỉ, cô đi thăm chồng với sự trải chuốt ăn diện có thể gọi là nhất làng Bái hồi bấy giờ. Một áo sơ mi màu nõn chuối, một áo lót “đông xuân” màu hồng mặc phía trong nhưng vẫn thể hiện được cái màu hồng hoe ấy lộ ra ở cổ và cả một đoạn thừa chừng nửa đốt ngón tay thò dưới áo ngoài.

Đầu chải bê xăng tin nhếnh nháng lật ngược và được đè ập xuống bởi vòng khăn vấn bằng vải toan nhuộm màu nâu non còn mới trông nó chặt chằng như một cái đai. Chiếc quần láng súng sính dài quét gót, nhưng lại xắn vận vào cạp kéo ống lên ngang cổ chân để lộ đôi bàn to bè bè, chi chít từng vệt đen như gai cào. Nó căng lên, nứt nở bởi những quai dép cao su chằng cả phía trước và phía sau. Mới đến trạm chưa được hai tiếng đồng hồ, cô đã chạy đi các phòng cười rối rít, gặp ai cũng chào, thấy việc gì cũng làm giúp

Sài đến cổng thấy cô đang chổng mông cúi xuống giếng thơi kéo nước cho một chị con mọn cũng đến thăm chồng. Cả áo trong, áo ngoài kéo lên để lộ mảng lưng đen, lằn từng múi thịt. Chị con mọn đợi cô đổ cho gầu nước vào thùng sẽ sàng nhắc: “Em cho áo trong vào quần cho nó gọn”. Cô cười thoải mái, nói như cho cả người ngoài đường nghe: “ở quê em, người ta cứ để thế cho nó mát chị ợ” – “Muốn mát thì mặc áo ngoài không cũng được”

– “Leo ơi, thế thì nó thồng thỗng, trong quỷnh lắm, em chịu” Thấy cô nói to, chị con mọn ngượng vội nhìn ra phía cổng chị quay vào nhắc khẽ: “Có chú bộ đội ở ngoài kia, xem có phải chú ấy không?” Cô quay ra reo: “Đúng nhà em rồi chị ạ. Em về chị nhớ”. Cô nói cười thoải mái khiến một vòng cốt trầu quành trên môi từ lúc nào cô vô ý chưa lau như kéo vào cái miệng rộng ra, trông càng toe toét. Cô son són đi trước, Sài lầm lũi theo sau.

Anh định rẽ vào phòng câu lạc bộ đọc sách, cô gọi “Nhà mình đằng này cơ anh ơi”. Miễn cưỡng Sài quay theo, anh rảo bước như muốn chui tọt vào phòng để khỏi ai trông thấy. Trên mặt chiếc bàn con đầu giường, cô đã bày đủ thứ: ấm, chén, ca, chanh, đường, chuối, bọc thư, bọc quà, bó mía. Rót nước ra ca xong, cô chạy lạch bạch ra ngoài cười nói hớn hở cách ba bốn dãy còn nghe thấy.

– Bác có dao cho em mượn, em bổ quả chanh pha cho nhà em ca nước.

– Mời bác sang chơi. Nhà em ra rồi bác ạ.

– Anh chị mời cơm xong sang nhà em xơi nước.

– Nhà này lấy cơm sớm để tối đi xem phim hả? Dạ! Vâng! Ngoài bến xe có phim bác ạ. Lúc nào đi các bác gọi chúng em với. Hé, hé, còn cả đêm, xem phim một lúc, lo gì hả các bác!

Cô lại lạch bạch chạy về, nói cười hổn hển.

Sài đang bóp tay vào hai thái dương gục xuống mặt bàn vội đứng dậy cầm quyển sách đi ra cửa.

– Để pha nước cho anh uống rồi hẵng đi.

Nhưng anh không thể nói nổi lấy một lời, lùi lũi ra ngồi đọc sách ở câu lạc bộ. Ăn cơm chiều xong, anh em giáo viên và ban Năm, có cả Kim và mấy y tá trạm xá kéo đến chật ních phòng. Họ cứ hùn vào để cô ta nói huyên thuyên đủ mọi chuyện. Nào làng em đã vào hợp tác hết tất cả phần trăm (“chắc là trăm phần trăm đấy”). Vâng, tất ráo cả phần trăm đấy ạ. Nào lợn không thả rông ỉa đầy đường

Đọc tiếp Thời xa vắng – Chương 15

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN