Thời xa vắng -full - Chương 13
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
136


Thời xa vắng -full


Chương 13


“Đêm…” Anh thương yêu của riêng em. Từ khi anh ra đi đến nay đã được sáu tháng, năm ngày. Em tự lần hỏi mà biết chứ anh có hề cho anh hay biết gì ngày anh ra đi! Sao anh tàn nhẫn thế! Anh có biết em khóc ròng rã hàng tháng trời không! Chỉ dám khóc về đêm. Vừa làm bài vừa khóc. Nhớ thương anh càng nhiều, em càng phải học giỏi. Em là người duy nhất của trường không có điểm 8 trở xuống trong tất cả các môn.

Em được chọn là học sinh xuất sắc nhất, được bằng khen của bộ giáo dục. Cả thảy cô đều bảo chỉ có Sài ở đây thì Hương mới chịu đứng thứ hai, còn không ai có thể sung sướng đến phải chạy khắp đường phố mà gào lên cho ai cũng có thể nghe, ai cũng phải mừng rỡ chúc mừng hạnh phúc của chúng ta. Đấy là cái tin chú Hà và anh Tính đến báo cho em.

Cả chú và anh đều rất âu yếm coi em như là đứa em, đứa cháu dâu thực sự: “Từ nay các em được hoàn toàn tự do rồi. Chú và anh đã đề nghị với toà án. Người ta đã điều tra kỹ và nhất trí cho Sài được ly hôn để khỏi giết cả ba con người cùng một lúc”. Nghe xong em ôm chầm lấy cổ anh Tính, gục vào vai anh ấy mà khóc và nói:

“Cháu vô cùng cảm ơn chú, em vô cùng cảm ơn anh”. Anh vuốt tóc dặn: “Chủ nhật này em xin phép về qua nhà, bố mẹ đang rất mong gặp em. Và đến hè ba chú cháu mình đi thăm Sài”. Còi báo động kiểm tra trang bị. May mà vẫn đi giầy sẵn và chưa mắc màn!…

“Đêm… toàn tiểu đoàn bắn đạn thật bài một. Có đến hàng trăm sĩ quan cấp uý, cấp tá và cả thiếu tướng Tư lệnh Quân khu cũng về theo dõi cuộc bắn thí điểm cho toàn quân khu. Chú Hà và đoàn thăm quan của tỉnh mình cũng đến. Mình không nheo được mắt trái, đại đội đã báo cáo dự kiến chỉ đạt chín mươi lăm phần trăm.

Mình ở trong số năm phần trăm còn lại nên xếp mình bắn “vét” trong khi đoàn tham quan đã xáo xác quay ra xe. Nhưng đột nhiên thấy tin báo cả ba viên trúng vòng mười, tất cả đều đổ xô lại. Đây là trường hợp duy nhất của cả trung đoàn có một tân binh bắn đạt 30 điểm.

Mình được bắn lại cho thiếu tướng trực tiếp xem. Cờ báo bia lại báo kết quả như cũ. Cả trường bắn hoan hô rầm rầm. Thiếu tướng đến bắt tay và quàng vai mình trước con mắt trầm trồ của hàng trăm người. Chú Hà nhìn mình cười và gật gật rất hài lòng….

Chính uỷ cau mày vẻ bực bội. Ông đặt cuốn nhật ký của Sài xuống, mở túi lấy tập “lịch công tác” có ghi kết quả công việc của các tiểu đoàn từ bốn rồi lật từng trang so ngày giờ xem những đêm ghi trong nhật ký thì ban ngày đại đội 12 làm gì…

Ngày 25 đại đội 12 sàng cát và gánh nước trộn bê tông ở H1. Bảo đảm quân số 100%. Năng suất vượt 15% so với chỉ tiêu.

Đêm 25… Hương đến. Cô ta bảo được đi trong đoàn học sinh giỏi tham quan biển. Đại đội mình được phân công đón tiếp “các em” học sinh. Khi cô thay mặt các bạn kể chuyện học tập xong mới nhìn thấy mình đang bê chậu cám cho lợn ăn. Hương chạy ào đến reo “Anh Sài.

Trời ơi, anh ở đây ư?” Cô cười nói ríu rít. Khi các bạn ùa đến Hương rất hãnh diện giới thiệu: “Anh Sài, mình vẫn kể với các bạn đấy.” Quần áo mặt mũi mình đang nhem nhuốc cứ phải quay mặt đi. Hương nũng nịu: Anh ở đây, các bạn em rất quý anh. Bộ đội càng gian khổ chúng em càng thương. Tất cả cười vang lên. Anh em trong đại đội mình cứ tấm tắc. Không ngờ cậu Sài có cô người yêu tuyệt vời thế. Ai cũng quý mến, săn sóc Hương. Họ bắt Hương “cô dâu của đơn vị” phải tiếp khách hết rổ bứa họ đi bộ chín cây số lấy về từ tối hôm qua…”

Chính uỷ bỏ cuốn nhật ký xuống, quay máy gọi điện cho trạm xá. Ông hỏi bác sĩ về bệnh tình của Sài xem có biểu hiện gì của bệnh tâm thần! Bác sĩ cho ông biết bệnh nhân chỉ bị suy nhược cơ thể và sốt cao do viêm phổi sơ nhiễm.

Ngày 29… đại đội 12 học xạ kích bài một cả buổi sáng. Chiều nghỉ. Đêm xe nước.

Đêm 29… Hương và tôi cùng đi thi vào đại học. Hương tốt nghiệp cấp ba thì tôi cũng tự học xong chương trình lớp 10. Em rất lo việc tự học của tôi nên khi thấy tôi đột ngột đến nơi tập trung em kêu lên: “Trời ơi, anh! Em không ngờ anh lại học hết chương trình trong ba năm ở bộ đội. Nhưng… thôi tối nay anh em mình “lược” toàn bộ kiến thức anh nhé”. Ngược lại, tôi lại lo cho Hương: “Em có bảo đảm chắc chắn đỗ không?” – “Học tài thi phận” biết thế nào. Nhưng nếu có mười phần trăm số người thi đỗ, chắc là có em”

– “Thế thì yên tâm. Đêm nay chúng mình đi chụp một kiểu ảnh anh nhé! Chiều em một chút cho em bõ những ngày vò võ trông chờ suốt ba năm qua”. Cả hai ngày thi, tôi chỉ làm hết nửa thời gian quy định cho mỗi bài. Còn Hương, sau mỗi buổi hỏi đáp số, kết luận ở tôi xong, lại reo lên: “Cứ nhìn thấy anh ra từ giữa giờ em tin anh sẽ xếp cao. Em cũng thừa thời gian nhưng phải ngồi xem lại, con gái bỏ ra sớm quá không tiện”.

Thi xong chúng tôi ở lại nhà nhà anh trai của Hương. Em bắt tôi phải may quần áo, tập đi xe đạp, rồi hai đứa đưa nhau về quê. Lúc bấy giờ mọi người mới biết tôi đã ra khỏi bộ đội. Tôi đi thi đại học và về nhà, cô Tuyết đã chết vì bệnh ung thư ở cổ.

Tuyết chết, tôi lại thấy thương, thấy tội nghiệp cho cô ta. Giá cô ta đừng làm khổ tôi mấy năm đằng đẵng có phải tôi cũng quý mến cô ta như tất cả bao người khác không? Tôi bảo bố mẹ tôi bán cả nhà cửa làm ma cho cô ta thật to và năm nào đến ngày giỗ tôi cũng làm mấy mâm cơm mời cả bố mẹ, anh chị cô ta đến, như những người thân thiết khác. Ôi, không thể nghĩ gì tiếp được nữa. Kinh khủng quá.

Ngày 4… đại đội 12 tiếp tục vận chuyển đất đá ra cửa K5. Quân số: Trừ hai đi viện, một đi công tác còn đầy đủ.

Đêm 4… Tôi bỏ trốn khỏi đơn vị. Ngày lao động kéo dài từ sáng sớm đến chiều tối, có hôm mệt, tôi không ăn được. Đêm lại tập xạ kích và báo động. Vốn dân bùn lầy nước đọng làm thuê làm mướn nên vất vả gấp năm gấp bảy thế nào tôi cũng vẫn theo được. Tôi rất khổ tâm và nhiều đêm không thể ngủ được vì không biết Hương có hiểu hết việc tôi ra đi như thế này không.

Tôi chỉ định về thị xã gặp Hương xem tình hình thế nào, rồi lại đi ngay ngày hôm sau. Nhưng Hương bắt tôi ở lại để đến thứ bảy cùng tôi lên đơn vị. Hương có ông chú ruột là trung đoàn trưởng trung đoàn này. Trung đoàn giữ cả hai chúng tôi ăn cơm với ông, nhưng tôi từ chối để về đại đội. Hương cũng chạy theo. Trung đoàn trưởng phải chiều chúng tôi. Cả ba xuống đại đội 12. Từ hôm ấy, anh em ai cũng nể, không “tra khảo” chuyện vợ con của tôi và hết sức vun vào tình yêu giữa tôi và Hương.

Chính uỷ kêu thốt lên: “Một thằng điên!” Ông quẳng cuốn nhật ký ra bàn, tắt điện, nằm như kiểu nằm ngủ nhưng hai mắt vẫn mở trừng trừng nhìn vào khoảng tối mung lung trên mái nhà. Quả thật, nó đã như một thằng điên. Nhưng tại sao nó lại bịa ra tất cả những chuyện ấy!

Cái gì thật, cái gì giả trong những trang nhật ký này và thằng bé ấy là người thế nào? Ông không thể hiểu nổi nữa. Ngày hôm sau cả chính trị viên và “xê” trưởng xê mười hai trả lời những câu lục vấn của chính uỷ. Đại thể chính trị viên nói như thế này.

– Chúng tôi thấy có nhiều biểu hiện xấu trong cuốn nhật ký nên thống nhất trong ban chỉ huy phải thu lại. Sở dĩ biết được điều đó vì có một lần đang ghi, cậu ta đau bụng đi ngoài. Cậu ta thường ghi vào những đêm sau khi thay gác nên anh em biết phát hiện cho tôi. Tôi đã để ý theo dõi từ lâu nên tranh thủ đọc. Không thể ngờ được là cậu ta lại ghi như thế. Ngay hôm sau đợi cậu ta đi làm, chúng tôi giở ba lô xem thì tất cả anh em trong ban chỉ huy đều giật mình về những việc làm nguy hiểm và khoác lác của cậu ta.

– Cậu ấy đã làm gì như đã ghi trong nhật ký chưa?

– Báo cáo chưa! Chúng tôi bảo nhau thằng cha này tưởng tượng ra những cảnh nên cũng thơ lắm. Nhưng đặc mùi tư sản viển vông.

– Viển vông – Đại đội trưởng chen vào. Nếu không kịp thời ngăn chặn, nó sẽ thành sự thật. Báo cáo chính uỷ, cậu này trông vẻ lì lì hiền lành, nhưng dễ làm những trò mạo hiểm lắm. Hôm diễn đàn thanh niên anh em cũng phân tích sâu sắc nguy cơ của nó. Chính cậu ta cũng phải công nhận như thế.

– ý thức lao động và học tập của cậu ta như thế nào?

– Báo cáo có vẻ tốt.

– Thực chất là không tốt!

– Báo cáo, cũng chưa có biểu hiện gì xấu.

– Nghĩa là thế nào?

– Thưa, nghĩa là ngày nào cũng được biểu dương là chịu khó, hăng hái nhận việc nặng nhọc. Nhưng đến đêm…

– Thôi được rồi. Theo các đồng chí thì cậu ta ốm thật hay ốm tư tưởng.

– Có ý kiến cho là ốm tư tưởng.

– Tôi hỏi ý kiến đồng chí kia.

Chính trị viên.

– Báo cáo, lúc đầu chúng tôi cũng cho là cậu này nằm ỳ, nhưng sau này.

– Từ bao giờ?

Im lặng. Chính uỷ:

– Từ hôm qua, đưa cậu ta đi viện! Chắc các anh cũng chưa biết là bệnh gì. Đại đội quân y người ta đã khám và phát hiện bị viêm phổi sơ nhiễm đấy. Bị từ hôm đơn vị các anh rửa đá. Cả một ngày cậu ta ngâm mình dưới nước lạnh, về không ăn được cơm, các anh còn xỉ vả nhốt riêng một chỗ sợ ảnh hưởng đến tư tưởng người khác. Đúng là các anh tinh thật. Không cách ly như thế bệnh lao là dễ lây nhanh lắm. Giọng ông nghiêm lại

– Ngày mai các anh nộp cho tôi tất cả thư từ của người yêu và vợ các anh. Cả thư của các anh gửi cho các cô ấy. Nếu không đủ tôi sẽ cho trợ lý bảo vệ kiểm tra lục soát tất cả những nơi nghi ngờ là có những lá thư ấy. Tôi dám chắc trong những lá thư qua thư lại như thế sẽ có điều bậy bạ hoặc sự lừa dối. Tôi biết mỗi anh có yêu một vài cô trước khi lấy vợ. Khi yêu thể nào cũng hứa hẹn hàng trăm thứ nhất. Yêu nhau nhất, chung thuỷ nhất, đẹp nhất đời…

Nhưng vì lý do gì đấy các anh đã chọn người yêu khác. Thành ra những lời hứa hẹn với người yê cũ trở nên giả dối. Nói tóm lại, bằng quyền lực của mình, tôi đã có lý do, biện pháp để làm cái công việc quái gở ấy nấp sau danh nghĩa là làm cho cán bộ chúng ta trong sạch, thật thà. Các anh không thể cãi được, hoặc có cãi, có kiện tụng cũng chỉ đem lại hậu quả xấu do sợ “trả đũa” tôi chứ kiện mà các anh “hạ bệ” tôi khó lắm.

Với cấp trên, tôi có thiện cảm hơn các anh, gần cận hơn các anh, có điều kiện để dãi bày hơn các anh. Và phần chắc chắn là tiếng nói của tôi với cấp trên “trọng lượng” hơn các anh. Ông dừng lại. Sự im lặng ngơ ngác của hai người chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Ông ôn tồn tiếp: Các anh nghĩ gì nếu tôi làm như thế thật. Dù có phải “về vườn” mà cày ruộng thì trong đời các anh có bao giờ phai mờ hình ảnh một lão chính uỷ điên đầu thô bạo và như một kẻ bất nhân này không?

Thế mà các anh đã làm như thế với một chiến sĩ của mình. Chưa nói đến sự cư xử cua con người, của tinh cảm đồng chí, đồng đội, chỉ nói lý với nhau các anh đã xâm phạm thô bạo đến tự do tối thiểu của con người mà luật pháp chúng ta đã quy định. Ai hướng dẫn các anh cách làm chính trị, nắm tư tưởng cái kiểu ấy? Tôi đồng ý là những ý nghĩ của cậu ta viển vông, cứ tạm coi như thế.

Nó có thể dẫn đến những việc làm xấu và trước mắt bằng sự ghi chép ấy, chúng ta thấy cậu này không đơn giản, có phần phức tạp quá. Nhưng không thể hiểu như thể qua phản ảnh của tổ “tam tam”. Tôi không nghĩ có lẽ phải xem xét hình thức sinh hoạt này. Nó có giúp ta phần này nắm sát anh em nhưng không nghĩ cách nào để nó nội dung hấp dẫn, thật là cần thiết, đôi khi họ làm chiếu lệ cho xong, làm để khỏi bị nhắc nhở là không làm.

Cũng có khi để trên được chú ý, họ đem thổi phồng chuyện nhỏ thành to, bịa ra khuyết điểm và bịa ra cả tiến bộ để trên thấy là qua tổ “tam tam cũng phải xem xét cân nhắc, và kiểm. Kiểm tra không có nghĩa là rình rập, thập thò, mắt tròn, mắt dẹt hô báo nhau về những việc làm của cá nhân. Những biểu hiện nào của cá nhân, kể cả lời nói và việc làm xâm phạm đến kỷ luật quân nhân, đến phẩm chất người lính, đến ý chí chiến đấu và nhân cách con người, phải được theo dõi, quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm khắc.

Nhưng những gì thuộc tình cảm riêng tư phải được tìm nhiều cách mà hiểu, phải kiên trì nhẫn nại và có khi phải nhẫn nhục gian khổ mới hiểu hết con người, nếu mình muốn hiểu và thực tâm giúp họ. Vội vàng, thô thiển, kết luận nhân cách người khác, rèn giũa người khác để đạt được mục đích cá nhân mình, có khi giết người ta mình mình vẫn phởn phơ như không hề can dự, không có tội tình, quá lắm chỉ là nhận khuyết điểm rút kinh nghiệm.

Các anh đã chán tôi nói chưa. Nếu là cương vị một công dân, một công dân có quyền bắt người khác phải tuân theo luật lệ thì tôi đã đưa ra toà các anh đã xâm phạm quyền làm người của người khác. Các anh đã dùng áp lực cái gọi là diễn đàn để truy bức người ta. Caca nh đã tạo nên một định kiến xấu, đối xử thậm tệ, có thể nói như thế khi các anh không thèm nhìn ngó đến một chiến sĩ sốt 40 độ suốt cả tuần mà vẫn bị coi là ốm tư tưởng, phải “cách ly”.

Thử hỏi nếu không có phản ánh “tư tưởng của các anh để trên trung đoàn biết và rất may là đưa đi viện kịp thời thì một vài ngày sau, số phận của người chiến sĩ sẽ ra sao! Thật là phẫn nộ về việc làm của các anh. Nhưng với cương vị một chính uỷ tôi cũng chỉ phê bình để các anh rút kinh nghiệm. Vì rằng không thể vì một chiến sĩ mà tôi phải đi cả bốn cán bộ đại đội, không thể bỏ cái thành tích lao động thứ nhất sáu tháng của đại đội 12 khi chúng ta cần làm xong công trình trước mùa mưa.

Đọc tiếp Thời xa vắng – Chương 14

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN