Thời xa vắng -full - Chương 29
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
190


Thời xa vắng -full


Chương 29


Nhưng còn điều quan trọng nữa chưa mấy ai biết: Anh đang yêu, mới được yêu, lần đầu tiên trong đời được biểu hiện một tình yêu không phải vụng trộm, không thì thụt sợ hãi. Cái điều ông hiệu trưởng thông báo cho anh tối nay như là cái giấy chứng nhận về sự cố gắng của anh trong sáu tháng qua. Anh sẽ chuẩn bị để sau tết thi đi nghiên cứu sinh ngoài nước.

Cái đó không thể coi là chuyện gì ghê gớm vào lúc này nhưng ở anh nó vẫn là quan trọng. Nó chứng tỏ ở bất cứ môi trường nào, suốt mấy chục năm qua anh cũng là người đứng ở phía trước. Nên tất cả thời gian đều thoải mái như hiện nay chắc chắn anh đã làm được nhiều việc đáng kể nữa.

Tối hôm sau, thứ bảy, Sài sẽ đi chơi với Châu. Sau ngày mồng một, lần đầu tiên (tất cả với anh đều là lần đầu tiên trong đời) được một người con gái đem hoa đến tặng có hai lần nữa anh gặp Châu. Một lần Châu đi với Nghĩa đến chỗ anh vào sáng chủ nhật và lần nữa anh đến thăm Châu và được cô giới thiệu với mẹ: ”Anh Sài bạn con và Nghĩa!“. Sau lần thứ nhất tiễn cô ra cổng anh nói nhỏ ”Tối rỗi, đi chơi!“.

Cô lắc đầu nhè nhẹ: ”Em chưa thể đi được“. Lần thứ hai tiễn anh ra cửa nghe câu đó xong cô cười: ”Cứ từ từ đồng chí bộ đội ạ. Thôi được, tối thứ bảy tuần sau“- ”Mờy giờ“- ”Bảy“- ”ở đâu“- ”Đợi em ở đầu phố“. Gần hai tuần lễ làm việc không hề biết mỏi mệt để đến chiều thứ bảy lại sửa sang bộ quân phục đã mặc trong lần đầu tiên cô đến thăm anh.

Cả buổi chiều thậm thột phấp phổng nên mới sáu giờ anh đã tưởng là muộn. Đi sớm một giờ đề phòng xe cô hỏng. Đạp thật từ tốn chậm rãi đến nơi cũng mới có sáu giờ mười lăm phút. Còn thảnh thơi chán. Vào hàng uống chén nước, hút điếu thuốc lào cho đã.

Phải vào đến ba hàng uống nước và hút thuốc cùng với ba lần dắt xe đi đi, lại lại mới bảy giờ kém mười phút. Từ cái phút này thì anh phải ”chốt“ lại ở gốc cây sấu ngay ngã tư, quay mặt vào số nhà 57 có bạn công vòng chìa ra đường như cái nhòng tát nước ở nhà quê. Cũng từ lúc này anh chỉ còn có hai việc: Chốc chốc lại nhìn đồng hồ và hút thuốc lá vặt.

Từng phút, từng phút nhích đến bảy giờ đúng. Như thói quen hợp đồng giờ thông đường cho xe đi anh hồi hộp sửa sang lại đầu tóc, quần áo chờ đón một khuôn mặt rạng rỡ như bông hoa, nhưng lại từng phút, từng phút khắc khoải trôi đi. Bảy giờ mười phải nén lại nhưng hơi thở dài. Bảy giờ mười lăm: sự sôi sục ở trong người đã bốc lên nóng bừng ở mặt. Bảy giờ hai mươi, hơi dịu đi vì những giả thiết cho một tình huống bất trắc không lường trước được đặt ra. Bảy giờ hai mươi nhăm bắt đầu nghi ngờ và lòng tự ái trỗi dậy. Lần đầu tiên, chao ôi mới một tháng trời sao mà lắm lần đầu tiên đến thế.

Lần đầu tiên anh bị cô bé kém mình gần chục tuổi đầu không giữ đúng giờ giấc quy định. Đúng bảy giờ rưỡi quyết định dắt xe quay lại. Nhưng chờ thêm vài phút nữa đề phòng cho sự lỡ làng nào đấy. Chẳng hạn như sự sai lệch đồng hồ và trừ thời gian đi trên đoạn đường từ nhà ra đây mất hai phút. Bảy giờ ba ba phút dứt khoát dắt xe đi. Mình có tư cách, có cái thế của mình, việc quái gì phải để cô ta coi thường.

Xong, vẫn không thể ngồi lên xe, phải dắt, dắt xe đi chầm chậm và vẫn phải ngoái lại nhìn cái ngã tư. Sự ấm ức đã kéo anh đi quá tầm nhìn không thể phân biệt người xe qua lại ngã tư, anh lại vội vàng cho xe xuống lòng đường, hấp tấp nhảy lên đạp trở lại như còn bỏ quên vật gì quý giá ở chỗ ngã tư ấy. Nhìn ngược, nhìn xuôi, theo hút những bóng người qua lại, anh cảm thấy có phần nhẹ nhõm. Coi như chấm dứt.

Trước khi lên xe anh châm điếu thuốc. Lúc ngẩng lên đã thấy một khuôn mặt tươi cười vừa đi qua cột đèn về phía mình. Tự nhiên lại thấy nỗi bực bội dâng lên. Sẽ nói một câu gì đấy, sẽ biểu hiện một cử chỉ nào đấy để cô ta biết rằng mình không thể nào chấp nhận sự sai lệch đến mức này. Nhưng tiếng nói ngọt ấm như cốc nước giải khát làm anh không có cớ gì mà bắt bẻ, mà cáu giận:

– Chờ em có lâu không?

Anh mỉm cười.

– Cũng kha khá.

Phải đến hàng chục năm sau anh mới có thể hiểu những cô gái từng trải ở thành phố không bao giờ họ đến đúng giờ trong những buổi hẹn hò khi anh chưa khiến tình yêu trong họ thành lửa khói mù mịt. Còn lúc này dù chưa biết tí gì cái nguyên nhân bắt anh phải phơi mặt giữa từng chập gió mùa đông bấc lạnh buốt, anh cũng không thể cáu giận.

– Lai em được không?

– Thì anh sẽ định cả đời sẽ lai em kia mà.

– Thôi đi, đừng có mà lơi dụng, chú lính ạ.

– Chả nhẽ khi anh nói ”yêu em“ lại mắc tội lợi dụng?

– Anh láu cá lắm. Thế mà anh Tính lại kêu em mình lành như bụt.

– Bụt cũng còn lang thang để gà nó mổ vào mắt kia mà.

– Đúng là bộ đội. ông nào tán cũng khiếp lên được.

Cái phút ”xuất thần“ ấy có được là nhờ vào thói quen tào lao của lính tráng, tuế toá cho qua cơn bực bội, cho cô ta khỏi nhận ra mình là thằng hay dỗi vặt. Đến khi đứng trước sự trang nghiêm, trước một tình cảm vốn đã ao ước ở ngay trước mặt, cái bản tính rụt rè, thụ động chỉ biết bầy tỏ lòng thành thật như một cái bánh đã bóc sẵn lại trở về nguyên vẹn trong anh.

Hai người ngồi bên nhau đã khá lâu ở chiếc ghế đá dưới chân tượng đài Lý Tự Trọng ở đầu đường Thanh Niên, anh vẫn cứ run lên, không hiểu trời về khuya lạnh hay vì chưa tìm ra được cớ gì để biểu lộ cái tình yêu đang rạo rực trong mình. Anh cúi xuống, hai tay che bớt khuôn mặt đầy nỗi xúc động của mình. Cô gái tủm tỉm cười như đã đọc được tất cả những gì anh vẫn tưởng mình chưa thể hiện ra ngoài.

– Em bảo anh nhé.

Anh ngẩng lên nhìn vào mắt cô hứng đợi một lời nói tiếp.

– Có yêu em thật không?

Anh chỉ muốn kêu toáng lên vì sung sướng, vì cả nỗi oan ức phải được than thở, dãi bày:

– Tại sao em lại có thể hỏi anh điều đó.

– Tại sao anh lại yêu em? Giọng cô gái đã lạnh, nét mặt càng trang nghiêm. Đã nuốt mấy lần nước miếng cho cổ khỏi mắc mớ, tiếng anh vẫn cứ rời ra từng chữ:

– Anh chả biết nói với em thế nào. Những người lính các anh không ai có thể làm được việc gì khi lòng mình đã lạnh, hờ hững với nó.

Nghe anh nói tội nghiệp như một đứa trẻ mắc lỗi. Cô vẫn nhìn anh chằm chằm, đôi mắt như lúc nào cũng bốc lử ngùn ngụt sức trẻ trung, nhìn anh như một lời cầu khẩn: Nói đi, anh nói nữa cho em nghe đi.

– Qua anh Tính và bạn của chú anh chắc em biết tất cả những gì đã xảy ra trong anh từ năm lên chín tuổi. Từ đấy anh chỉ muốn lao đi bất cứ đâu để tìm chỗ có thể chết, có thể không có ngày trở về… Anh đã đánh đổi tất cả để mong đợi có được những lúc như thế này. Đến lúc này anh còn nỡ đùa cợt lừa dối em ư.

Cô vẫn nhìn anh. Hai hàng nước mắt từ từ chảy ra ở cái vòm sáng như thiên thần ấy. Bỗng cô úp hai bàn tay vào mặt gục xuống khóc nức nở, mỗi luác người cứ rung lên không thể kìm giữ, không thể dỗ dành.

Có lẽ nào cái quá khứ nặng nền của anh lại trút lên đôi vai còn non trẻ của em, bắt em phải gánh chịu cả sự ngăn cản của gia đình, cả dư luận của xã hội! Em không đủ sức. Em không thể vượt qua? Anh cứ ngồi như kẻ tội lỗi đã gây ra tai hoạ không biết mình phải làm gì! Bằng những cử chỉ dứt khoát cô gái lấy khăn lau nước mắt và chải lại tóc, đứng dậy nói như ra lệnh:

– Thôi về đi.

Anh chỉ còn biết im lặng làm theo yêu cầu của cô. Thế là hết. Không hiểu sự ngu dốt nào lại đẩy anh đến hành động mù quáng nói ra những lời như là hù doạ, như đào một cái hố trước mặt khiến cô không thể nào bước qua. Đoạn đường im lặng của cả hai người là lời tuyên bố tuyệt vọng của một tình yêu mới nhen chớm nếu như không có một cử chỉ dịu dàng âu yếm và một lời dặn ở chỗ ngã tư đầu phố:

– Tối mai đến đây đón em.

Em yêu từ năm chưa đầy mười tám tuổi. Hồi ấy em mới thi đỗ vào đại học. Trường chúng em sơ tán ở một làng vùng núi trung du. Cả tháng đầu tiên làm hầm hố đắp nền, cắt cỏ tranh, làm nhà xây dựng trường. Công việc của bọn con gái chúng em được khoán hai chục tranh.

Tự cắt cỏ phơi khô, tự xin tre chẻ hom, đánh lấy hai chục cái tranh, mỗi cái dài mét rưỡi nộp cho nhà trường. Sáng đi lên núi bòn cỏ tranh, chiều xuống suối nhặt đá cuội và hứng thờn bơn đá. Những con cá mỏng dính, mình tròn có đuôi trông như cái quạt lá đề nhưng chỉ to hơn cái cúc áo. Nó bám vào đá. Bắt nó chỉ việc nhắc hòn đá lên hứng ở dưới, tự nó rơi xuống là tha hồ mang về ”cải thiện“.

Chiều nào cũng reo hò rầm rĩ và lo lắng hốt hoảng xô nhau lội té tát đến chỗ ”cá thờn bơn“ và tranh nhau hứng. Có đứa bỏ cả khăn mùi xoa trắng tinh ra hứng cá. Nhưng chiều nào cũng chỉ đủ cá bơn để thả lại con suối trong vắt. Rồi chiều hôm sau hàng chục đứa lại lôi nhau xuống suối bắt cá bơn ”cải thiện“. Nếu không có cái trò ấy và lên đồi hái hoa thì buồn đến phát khóc lên được. Cùng sơ tán với chúng em có cơ sở của một xí nghiệp dược phẩm.

Họ đến đây từ mấy năm trước. Chúng em ở xen kẽ vào những nhà họ chưa ở hoặc họ dồn lại ”nhường“. Em và đứa bạn nữa ở sau nhà một ”chú“ công nhân điện. Gọi thế để ”đẩy“ các ”chú“ ra xa. Nhưng nếu tự xưng ”chú“ để mà khinh thường chúng em là trẻ con thì sẽ bị ”hạ bệ“ ngay. ”Chú“ thợ điện hơn em chín tuổi, bằng tuổi anh nhưng đừng tự ái nhé, trông chú ta trắng trẻo đẹp trai tưởng mới độ hăm hai, hăm ba. Đi đứng, nói năng đàng hoàng, lịch lãm.

Không biết ở chỗ làm, ăn mặc thế nào, lúc về bao giờ ”chú“ cũng gọn gàng giản dị mà đẹp. Trời nóng vẫn quần xanh, sơ mi trắng. Trời lạnh mặc chiếc áo len gụ cộc tay, hoạ hoằn mới khoác chiếc áo bông xanh phía ngoài. Hàng chục ngày đi qua sân, hôm nào cũng trông thấy nhau nhưng không ai hỏi ai.

Đến hôm guốc của hai đứa đều tung hết quai mà không kiếm ra đinh, bọn nó cứ đẩy em đi xin. Thì đi. Vì biết chắc bên ấy có rất nhiều loại đinh mà.

Đọc tiếp Thời xa vắng – Chương 30

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN