Thời xa vắng -full - Chương 28
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
208


Thời xa vắng -full


Chương 28


Sài chưa kịp nói thì cô ta cùng ”Nghĩa bạn em“ xuất hiện ở cửa. Hai chân Sài như ríu lại, anh quay ra mời mọc ríu rít dù các cô đã rất tự nhiên bỏ dép bước vào nhà. Châu đưa bó hoa hồng cho Sài tự nhiên và nói cũng tự nhiên“ ”Anh tìm lọ hoa cắm đi. Qua chợ thấy có hoa đẹp, tiện em mua“. Anh tưởng là thế. Ra vòi lấy nước vào bình Nghĩa cũng ra rửa tay bảo: ”Nhân năm mới, chị Châu mua hoa tặng anh đấy“.

Anh hồi hộp nhớ hôm nay là ngày Tết dương lịch. Chỉ một lời mách, anh đã thấy tin cậy ở Nghĩa rất nhiều: ”Em làm gì?“ ”Năm thứ hai trường thương nghiệp ạ“- ”Nhà em có xa không?“- ”Ngay trên gác nhà chị Châu, lúc nào đến đấy anh lên nhà em nhứ“. ”Biết chị Châu có cho đến không?“- ”Tốt ấy chứ“- ”Là lính, nhưng anh sợ đấu súng lắm“- ”Hiện tại anh là kiện tướng không có đấu thủ“- ”Nhưng anh vụng về lắm“- ”Anh có thế mạnh của anh chứ“- ”Là gì“- ”Em không hiểu nhưng chắc anh phải biết chứ“.

Ngay tối hôm dó, buổi đi chơi đầu tiên của hai người anh mới có phần tin cô ta không đùa rỡn mình. Tiễn hai người về đến nửa đường thì Nghĩa xin phép rẽ vào nhà bạn có việc. Hai người đạp xe quá khu nhà Châu lên đến đường Thanh niên. Chỉ chớm đến đầu đường rồi đạp xe quay lại. Hình như Châu ngại con đường không ”đứng đắn“ ấy.

Từ sáu giờ tối, đạp xe đến hơn mười giờ, hết phố nọ đến đường kia, vòng đi, vòng lại không dừng ở đâu, không ăn uống gì. Nhiều lúc anh muốn ngồi lại chỗ nào đó, ăn, ăn một cái gì đó vì cả hai người cùng quá đói nhưng Châu nhất định không nghe.

”ở chiến trường anh nhịn mấy ngày còn được kia mà! Thôi chịu khó một tý“ ”Nếu cứ bắt em ăn, em về đấy“ ”Đồng chí bộ đội phải gương mẫu chịu đựng gian khổ chứ“

Mỗi lần anh yêu cầu lại có một sự phản đối dịu dàng như thế. Nếu anh là cánh đồng khô nẻ thì co là cơn giông, một cơn giông báo hiệu sự dịu mát rồi tan đi, sự khô héo càng tăng lên gấp bội. Cô nói: Có lẽ em chả xây dựng gia đình nữa đâu. Trời ơi, một người con gái đẹp như tiên, thông minh và dịu dàng thế kia làm sao lại nói đến cái điều tuyệt vọng ấy. Thú thật với anh, em chán tất cả mọi thứ rồi. ở đời này không có một người đàn ông nào tốt đâu.

Xin lỗi, các anh bộ đội em chưa hiểu lắm những thanh niên ở thành phố bây giờ họ hư hỏng không thể tin vào ai. Em rất ngại buổi tối ra khỏi nhà. Nghĩa cũng bảo chưa bao giờ thấy chị ấy đi buổi tối mà không có bạn gái đi cùng. Trường hợp ngoại lệ đầu tiên lại là đêm nay? Chả trách khi Nghĩa rẽ vào nhà bạn, cô ta đắn đo mãi mới để cho mình đưa về và vì mải câu chuyện thuận đà đạp xe chứ chả chịu ngồi đâu. Cảm động mãi với những giây phút đầu tiên, Sài mới nói được những ý nghĩ đầu tiên của mình:

– Anh biết em đã vượt qua thói quen rất nghiêm ngặt để chúng mình có dịp nói chuyện với nhau.

– Không phải đâu, em cũng chả là người khắt khe gì nhưng anh thông cảm con gái chúng em không được buông thả như con trai các anh.

– Chả nhẽ bọn con trai các anh buông thả, hư hỏng đến nỗi em không thể kiếm được một người ra hồn để xây dựng gia đình.

– Từ trước đến giờ thì chưa.

– Tại sao thế.

– Có rất nhiều người đến với em, nhưng người thì yêu hai mươi mét vuông nhà, và mẹ em còn khoẻ mạnh, người yêu cái công việc nhàn nhã và gần nhà của em, người yêu ông anh em làm vụ trưởng vụ tổ chức ở một cơ quan có thể cất nhắc họ nhanh chóng. Có người lại yêu bà chị gái em là cửa hàng phó cửa hàng thịt, có hai người bạn rất thân ở cửa hàng gạo, sau này chắc chắn hai cái khoản đó không phải lo lắng gì.

Có người sau khi tìm hiểu đã yêu em đến điên cuồng chỉ vì biết chắc em không mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh kinh niên nào, không phải hầu hạ vất vả. Không có ai vứt bỏ tất cả những cái đó để yêu em. Chỉ có riêng em không nhà cửa, không nghề nghiệp đầy bệnh tật và không nơi nương tựa, chắc chả ai yêu em đâu.

Càng nghe, càng muốn nổi khùng kinh tởm cả lũ người thực dụng thô bạo. Vốn là thằng lính ở chiến trường không cần gì ngoài yêu thương và sống chết, anh cảm động đến kính nể một tâm hồn cao thượng, một quan niệm hiếm hoi ở cô gái mới hai mươi lăm tuổi. Anh trân trọng đến lặng đi. Phải đạp trên một đoạn đường khá dài anh mới hỏi:

– Có bao giờ em nghe nói người lính ở chiến trường suy nghĩ và sống như thế nào không?

– Có chứ. Hồi nghe kể chuyện người bạn anh chỉ vì kiếm mấy nắm rau cho anh mà chết em đã khóc. Em rất thèm cuộc sống hồn nhiên vô tư của các anh.

– Em có tin những cái đó bây giờ còn không.

Cô hơi quay mặt nhìn anh gật đầu.

– Tin.

Như sợ Sài ngầm hiểu rằng anh là tiêu chuẩn trong sự lựa chọn của cô, đi một đoạn nữa cô nói như chỉ để khẳng định cho bản năng tự vệ của mình.

– Nhưng cũng chả biết thế nào.

– Họ đã biến chất.

– Không hẳn như thế.

– Tại sao?

– Thú thật với anh em cũng đã yêu một người tuy chưa có gì sâu sắc nhưng người đó đã làm mất niềm tin của em.

– Anh cũng là kẻ như thế?

– Anh khác. Nhưng đừng bắt em phải tin ngay một cái gì.

Đấy là kết quả của cả một buổi tối mùa đông đạp xe rạc cả người. Vừa mệt mỏi, sốt ruột trước sự bay lượn chờn vờn của một tình yêu như là chưa có, chưa phải thế. Nhưng có lúc đã thấy rất gần, chỉ cần nghiêng mặt một chút đã chạm vào làn da ấm áp khiến anh không thể nào yên, không thể nào không chới với túm vuốt lấy từng chi tiết nhỏ nhặt ”mổ xẻ“ từng lời nói xem còn gì sâu xa ẩn giấu cho một mối tình sẽ tiến tới!

Biết em hay háo, xào su hào xong Tính bớt lại một ít đổ nước đum làm canh. Trừ xoong cơm đang ủ còn đĩa trứng tráng, đĩa su hào, bát canh đều đã nguội tanh váng mỡ hằn thành ngấn trắng ở quanh bát. Nờu cơm từ lúc 5 giờ, tức là ngay lúc em tiễn khách đi. Hơn mười giờ đêm vẫn chưa thấy em về, anh ngồi hút thuốc lào vặt. Ngồi chán rồi nằm, nằm chán quá anh dậy mang ấm chén và xách điếu cày ra máy cọ rửa.

Rồi móc đôi giầy vải ở gầm giường đầy cứt gián, cặn rác và đôi tất cứng quèo đã có thể bẻ gãy như bẻ bánh đa, một bộ quân phục vo tròn nhét ở chân giường, chiếc áo sơ mi trắng đen kịt ghét ở cổ trải dưới chiếu. Tất cả được lôi ra máy nước vò xát xà phòng rũ đến lần thứ ba nước trong chậu vẫn đen đặc. Giặt giũ, lau chùi, quét tước móc máy mọi chỗ trong nửa gian phòng ấy xong vẫn chưa thấy em.

Anh sốt ruột nhưng không bực bội, ở huyện anh là ông vua sẵn sàng cáu giận với nhân viên trong cơ quan và bí thư chủ tịch ở các xã lên khi họ làm trái ý mình. ở đây, với em trai anh như kẻ hầu hạ không nề hà bất cứ việc gì. ở huyện từ sáng sớm đến tối mịt anh phải nghiêm chỉnh gắt gỏng và cau có chìa tay hờ hững cho kẻ khác bắt. ở đây, anh phải cười cợt vui vẻ, nói năng nhỏ nhẹ, dạ vâng vồn vã bất cứ kẻ lạ người quen hỏi em mình, anh cũng chạy ra cửa đưa cả hai bàn tay mà bắt mà như vồ lấy bàn tay của khách.

Hà Nội người ta phải lịch sự thế. Trí thức là phải bừa bộn bẩn thỉu. Đấy là cái ý nghĩ mới mẻ mà anh tin rằng ngay từ ông bí thư và bà chủ tịch ở huyện chưa nhận ra điều đó. Thật lòng, đến bây giờ mỗi lần lên với em anh vẫn thấy gò bó, tù túng nhưng phải sống như để bù đắp lại cho nó tất cả những mất mát đau khổ nên phải cố.

Phần khác quan trọng hơn, sự chạy vạy lo toan cho em suốt mấy chục năm qua của anh đã làm nên một thằng Sài đáng được kiêng nể quý trọng không những chỉ ở xã, ở huyện mà ngay ở Hà Nội nhiều người có tiếng tăm cũng quý mến, chầm vập nó. Nó và anh không thể là hai. Rất nhiều lần anh lặng lẽ thưởng thức niềm sung sướng với những lời trầm trồ khen: ”Thằng Sài nhà ông Tính“- ”Em trai ông Tính“- ”Phải nói không ai lo toan cho em như vợ chồng anh Tính“- ”Cậu Sài được như bây giờ chính nhờ có công lao nuôi dạy của anh Tính“.

Nghĩa là không ai nhắc đến Sài lại có thể quên anh, dù không biết tên anh thì vẫn phải biết ”Sài có ông anh cực kỳ“. Bởi thế anh gánh chịu tất thảy mọi tai tiếng trong chuyện bỏ vợ của nó: ”Tại vợ chồng nhà Tính không ưa em dâu mới sinh chuyện“- ”Vợ chồng nó đang ăn ở yên lành với nhau, chỉ vì nhà anh Tính thâm thù bố nó, cậy thế ở trên huyện dể rẽ duyên nó.

“ Anh phải trả lời hàng chục đoàn kiểm tra về những đơn kiện của bố mẹ họ hàng nhà Tuyết, của cả những người vốn kiềm khích với anh ở các xã, và các cơ quan trong huyện. Tất cả đều được bắt mối, được mách bảo, được cung cấp tài liệu, được chỉ dẫn để Tuyết đứng tên hàng chục lá đơn tố cáo đến tất cả các cơ quan tổ chức cán bộ và cơ quan pháp luật ở tỉnh và trung ương.

Nếu không có sự bảo vệ chân lý của huyện uỷ, uỷ ban và sự quen biết của ông Hà, ít ra Tính cũng mất mặt trước sự ồn ã của khắp nơi. ”Phen này thì tay Tính khốn đốn“. Mà dù có mất hết Tính cũng sẵn sàng đương đầu để Sài không ”dính líu“ gì đến chuyện kiện tụng do sự phẫn nộ của Tuyết.

Gần năm mươi tuổi đầu sự phấn đầu của anh cũng đến thế, cứ túc tắc dăm bảy năm rồi cũng đến về hưu. Anh dồn tất cả tình cảm sức lực, uy tín và cả tiền của, vào niềm hy vọng ở thằng em trai mà ai cũng thấy ở nó đầy những hứa hẹn tốt đẹp.

Ăn cơm xong anh vẫn phấp phỏng về công việc của em. Suốt một ngày ăn uống thất thường, đạp xe ngược gió rồi vất vả làm lụng đến lúc đã hơn mười một giờ khuya anh còn pha ấm trà có ý để anh em ngồi chuyện trò với nhau. Sự thể thế nào sáng mai anh đạp xe về cũng yên tâm. Anh chưa kịp nói gì Sài đã hỏi:

– Anh thấy thế nào?

– Cũng được.

Sài có ý không bằng lòng với chữ ”cũng“ ấy. So với tất cả những cô gái mọi ngưòi giới thiệu cho Sài mà anh biết và ngay cả những cô anh định giới thiệu thì làm sao lại không kêu lên tiếng: ”Khá quá“. Biết em không vui anh vẫn dè dặt nói những nhận xét của mình.

– Hình thức thì rất khá, khoẻ mạnh, còn trẻ mà lương sáu ba là cao. Nhà cửa đàng hoàng…

Sài nghĩ bụng: như thế còn phân vân nỗi gì. Nhưng anh lại nói:

– Nhà cửa cần gì. Lộ cái đó ra cô ta nghĩ mình chỉ cốt lấy cái nhà.

– ừ, mình cũng chả cần thiết. Anh đã gửi tiết kiệm được dăm nghìn, ”hoả hồng“ chỗ nào đó cũng được vài ba chục mét. Nếu không, kiếm chỗ đất anh ngâm xoan rồi. Gạch, ngói, xi măng, vôi để anh bảo bên vật tư huyện nó cho, làm vài ba gian cũng chả khó.

– Thế thì tính những cái đó làm gì. Căn bản anh xem tính tình cô ta thế nào?

– Nói chung có vẻ ngoan ngoãn, dịu dàng, nói năng hoạt bát lắm.

Con gái Hà Nội có học hành, nó phải như thế còn nói chung nói riêng gì nữa. Có thể nói, mọi phương diện không có gì anh phải chê, anh sẽ hãnh diện về cô em dâu của anh nhưng sao anh vẫn có vẻ chưa thật thoải mái.

Anh rất sợ tình cảm của Sài phải chia sẻ cho người khác, anh không còn cái quyền được chăm lo cho nó nên anh mong muốn có được người em dâu phải lắng nghe, phải ngoan ngoãn chấp nhận mọi sự vun đắp, có thể coi như phục dịch cũng được, của anh chị và các cháu, phục dịch cho các em. Nhưng với Châu, chỉ qua hơn một giờ tiếp xúc, rõ ràng Châu sẽ làm chồng, có quyền chi phối mọi tình cảm của sài. Em mình đã bị lép vế huống hồ là anh chị thì có nghĩa lý gì.

– Anh chỉ sợ cô ta là trí thức, người thành phố, nhà mình quê mùa lụt lội, chị chú thì người tốt nhưng cục mịch chém to, kho mặn, các cháu thì nhem nhếm lúc chị em, thím cháu gặp nhau nó không được thoải mái.

– Đằng nào em cũng phải ở trên này. Một năm bất quá về quê vài ba lần, em nghĩ chả có vấn đề gì. Mà còn tìm hiểu chán, đã đâu vào đâu. Chắc gì cô ta đã yêu em.

– Thì anh cứ phải đặt vấn đề như thế. Trong quá tình tìm hiểu em cũng trao đổi để cô ta thấy rõ hoàn cảnh nhà mình. Nhưng tình hình hôm nay thế nào?

– Chưa đâu vào đâu.

– Chắc có thế nào nó mới đem hoa đến tặng. Mà nói năng với anh có vẻ ”anh em“ thân tình lắm.

– Cũng không biết thế nào với con giá Hà Nội.

– ừ, cứ phải tìm hiểu cho kỹ, không đi đâu mà vội. Đằng nào mình cũng lỡ làng rồi. Khổ, các cụ bảo cũng là cái số. Giá ngày xưa giải quyết quách đi vừa đỡ khổ vừa khỏi lỡ làng chuyện cô Hương. Càng ngày càng thấy cô ta tốt quá.

Không ngờ kết cục câu chuyện lại ở chỗ ấy. Sự vô tình của Tính nhắc đến cô gái không hề liên quan gì trong chuyện này lại làm cả hai anh em cùng ngồi lặng lẽ. Hai chục năm trước đây họ đã cùng ngồi với nhau lặng đi và có những nhận xét rất khác nhau. Cho đến bây giờ cái tình cảm của hai anh em nghĩ về cô ta trong lúc lặng lẽ này cũng vẫn khác nhau, rất khác.

Mãi đến gần bảy giờ tối Sài mới đi gặp Hiệu trưởng. ông hẹn anh sau giờ học buổi chiều tức là sau bốn giờ rưỡi nhưng đến bảy giờ Sài mới ra khỏi lớp. Cả tháng nay hôm nào Sài cũng đạp xe đến trường từ trước bảy giờ sáng và, sau bảy giờ tối mới về. Ngoài giờ học, anh phải phụ đạo cho những người trong lớp học chưa thật vững. Về nhà, anh thường học và đọc sách đến quá nửa đêm, có hôm đọc luôn đến giờ đi vào trường.

Học và phụ đạo cho bạn bè, họp hành với trường, công việc của chi bộ, của đoàn trường, của lớp… Việc gì anh cũng tận tuỵ đạt tới chất lượng gần như điển hình của toàn trường. Bận bịu mà ăn ngủ lại kém, người anh vẫn khoẻ ra, lúc nào cũng cười hồn nhiên như cái sức lực trong anh còn dư thừa, còn có thể làm được nhiều việc nữa. Cái lý do tạo nên sức lực ấy nó đơn giản đến mức ai cũng có thể biết.

Anh là con người hoàn toàn tự do, ăn ngủ, làm việc và yêu đương hoàn toàn của mình, cho mình. Đến những ngày này anh mới thấy mình thực sự cần thiết sống, học và làm việc như để ”trả thù“ cho những ngày ”đã mất“, những ngày như là sống hộ người khác, làm hộ người khác.

Đọc tiếp Thời xa vắng – Chương 29

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN