Tia Nắng Cuối Đường - Ngoại truyện 1
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
2059


Tia Nắng Cuối Đường


Ngoại truyện 1


Hai mươi mấy tiếng đồng hồ trôi qua tôi không hề ngủ. Hai mươi mấy tiếng đồng hồ trôi qua đều là nỗi đau giằng xé tâm can, khiến tôi như tê dại. Thế nên câu nói tôi vừa nghe được không hiểu mình vì mệt mỏi, đau thương quá mà sinh ra mộng mị hay là thật liền nhìn anh rất lâu. Rõ ràng là anh mở mắt ra rồi, thế nhưng ánh mắt anh lại rất mơ hồ. Trưởng khoa thấy vậy liền chạy đến, tất cả nhân viên y tế cũng đều kinh ngạc nhìn lại máy móc. Trưởng khoa hươ hươ tay trước anh hỏi:

– Cậu tỉnh lại rồi sao? Cậu… có nhớ tôi là ai không?

Anh đưa mắt nhìn trưởng khoa, ánh mắt chuyển động như thể không hiểu trưởng khoa nói gì. Trưởng khoa có thông báo với tôi rằng anh có thể tỉnh lại, có thể không, hoặc giả nếu có tỉnh lại cũng có thể mất trí nhớ. Thế nên khi thấy anh như vậy cả tôi và trưởng khoa đều cảm thấy có chút thất vọng. Nhưng rồi tôi nhanh chóng xốc lại tinh thần, anh tỉnh là tốt rồi, tỉnh lại đã là tốt rồi liền nói:

– Không sao cả, anh tỉnh lại là tốt rồi, nếu anh không nhớ ra mọi người là ai từ từ mọi người sẽ nhắc để anh nhớ lại. Nếu anh không nhớ ra em là ai, em sẽ để anh có thời gian làm quen lại, sẽ để anh yêu em lần nữa. Em sẽ dùng cả đời này để yêu anh, em sẽ dùng cả đời này để chăm sóc cho anh.

Anh lại hướng ánh mắt nhìn tôi, rất lâu, tôi nhìn anh chờ đợi, cảm thấy từng giây, từng phút lại như muốn dùng lại, khoé miệng anh mấp máy, yếu ớt rồi khó nhọc cất thành tiếng:

– Vợ.

Lần này đã thật sự không phải nghe nhầm, lần này đã thật sự không phải là ảo giác. Trên đời này có lẽ tôi chưa từng nghe một âm thanh nào tuyệt diệu đến thế. Tôi đưa tay bưng mặt bất chợt bật khóc thành tiếng. Nước mắt thi nhau rơi thành dòng, mẹ anh cũng lao tới, dường như không tin nổi cầm tay anh giọng nghẹn đi:

– Con trai, con có nhận ra mẹ không?

Anh nhìn bà, hơi gật đầu giọng vẫn yếu ớt đáp:

– Mẹ.

Lần này bà Dương cũng khóc, các y tá bác sĩ cũng quay mặt đi lau nước mắt. Giây phút thiêng liêng quá đỗi, giống như mọi người đã chờ quá lâu giây phút này. Anh nhìn mọi người, gương mặt vẫn hiền hậu như vậy, từ khoé mắt cũng có một giọt nước đang lăn. Tất cả mọi người không ai kìm nổi nước mắt, y tá trưởng còn khóc thành tiếng. Bà Dương nhìn anh rất lâu, có lẽ sợ anh chưa thật sự nhớ ra mọi người liền kéo Bình lại gần hỏi:

– Đây là ai?
– Con trai.

Lần này giọng anh đã rõ ràng hơn một chút, tất cả mọi người đều nghe rất rõ. Trưởng khoa cũng vội hỏi:

– Vậy nhớ ra tôi chưa?

Anh gật đầu, đáp lại:

– Chú Lâm

Lần này tất cả mọi người đều bật cười, dù cho trên má ai cũng đọng lại vài vệt nước. Trưởng khoa mặc dù cũng đang xúc động nhưng vẫn gắt gỏng:

– Cậu cũng thật là, rồi nằm thế này bao giờ mới dậy cầm dao mổ được?

Mấy bác sĩ, y tá thấy trưởng khoa mắng anh thì cười to hơn. Y tá trưởng còn nói:

– Trưởng khoa hôm qua vừa khóc thương cậu ấy xong hôm nay đã mắng mỏ được rồi.

Trưởng khoa nghe vậy liền kéo cặp kính lên mắng luôn y tá trưởng:

– Còn đứng đó làm gì? Tản ra hết đi, bệnh nhân mới tỉnh lại, mọi người ra ngoài để cậu ấy còn nghỉ ngơi chứ. Cô ra gọi bác sĩ Tùng sang phòng tôi giúp tôi.

Y tá trưởng nghe xong vội đi gọi bác sĩ chuyên khoa não, mọi người trong phòng cũng mới tản hết ra ngoài chỉ còn tôi, bà Dương, mẹ tôi đang bế Bình ngồi trong đó. Anh tỉnh lại rồi, tôi còn rất nhiều điều muốn nói với anh. Hai mấy tiếng mà như cả một đời dài đằng đẵng, hai mấy tiếng nhưng lại khiến tôi suy sụp, gục ngã. Giờ anh tỉnh lại rồi, không phải là mơ mà là thật, tôi thật sự rất muốn ở lại đây không rời đi. Thế nhưng mẹ anh vẫn ngồi đây, có điều gì có lẽ tôi nên để bà nói trước liền nhìn mẹ tôi rồi nói:

– Mẹ, mẹ con mình ra ngoài một lúc…

Thế nhưng còn chưa kịp nói hết câu tôi đã thấy một bàn tay siết chặt lấy tay mình. Anh nhìn tôi, ánh mắt khẩn khoản, thiết tha:

– Ở lại… với anh.

Tôi thấy tim mình như muốn tan ra, giọng nói còn yếu ớt nhưng lại đầy kiên định. Bà Dương liếc nhìn xuống bàn tay anh đang nắm chặt tay tôi rồi nói:

– Cô ở lại đi, tôi đi gặp trưởng khoa sáng mai đổi phòng cho nó.

Mẹ tôi gật gật đầu:

– Con ở lại đi, cả Bình nữa, hai mẹ con ở lại đây với nó rồi ngủ giường kia luôn cho tiện.

Thấy mẹ nói như vậy tôi cũng không từ chối nữa đón Bình về tay mình. Mẹ tôi và bà Dương đứng dậy đi ra ngoài. Thằng bé thấy bố tỉnh thích thú hỏi:

– Bố ơi, nhớ Bình không?

Anh vẫn không buông tay tôi, đưa tay còn lại chạm lên má con đáp:

– Nhớ.
– Con cũng nhớ bố Thịnh.

Tôi nhìn con, nhìn anh, trong lòng vừa hạnh phúc, vừa xúc động còn có cả tủi thân. Tay tôi nắm chặt tay anh khẽ hỏi:

– Anh còn đau nhiều không?

Anh không đáp, chỉ lặng lẽ lắc đầu. Tôi nhìn anh, cả một bên tóc bị cạo đi, trên người đầy các loại máy móc, dù đã tỉnh lại nhưng gương mặt vẫn nhợt nhạt tự dưng thương quá nước mắt lại chảy ra. Anh thấy tôi khóc, khó nhọc đưa mấy ngón tay chạm lên má nói nhỏ:

– Đừng khóc.

Rõ là bảo anh tỉnh rồi, rõ là biết đây là chuyện vui vậy mà tôi chẳng cầm được nước mắt. Anh hơi cười giọng vẫn nhỏ như vậy an ủi:

– Anh tỉnh rồi mà, đừng khóc nữa.

Bình thấy tôi khóc cũng nói:

– Mẹ đừng khóc nữa, bố đau lòng.

Tôi nhìn thằng bé, cái giọng ngọng líu ngọng lo hỏi lại:

– Ai dạy Bình nói thế?
– Chú Hưng ạ.
– Chú Hưng dạy con nói thế á?
– Chú Hưng bảo em đừng khóc nữa anh đau lòng.
– Chú Hưng bảo với con vậy sao??
– Bảo mẹ Hiền thế mẹ ạ.

Tôi với Thịnh nghe xong không kìm được bật cười. Thằng bé chẳng hiểu gì cũng cười theo. Lúc này tôi mới sực nhớ ra liền đưa tay Thịnh chạm vào bụng mình rồi nói:

– Anh, em có bầu rồi, thai được sáu tuần rồi.
– Anh biết.
– Anh biết rồi á?
– Ừ. Em nói rồi mà.
– Vậy là anh nghe được toàn bộ những gì em nói sao?
– Ừ. Nghe được cả.

Anh nói đến đây lại đưa tay vuốt mấy sợi tóc trên má tôi rồi cười hiền. Thật lòng tôi không hiểu sao mình lại gặp được một người hiền lành như Thịnh, kể cả mấy lần tôi phũ phàng với anh anh vẫn đối xử dịu dàng với tôi. Ngay cả lúc này, nhìn cũng thấy mấy vết thương này đau đớn, vậy mà anh vẫn cười. Thế nhưng anh càng cười càng khiến tôi xót xa vô hạn. Tôi đưa tay siết chặt lấy tay anh, đang định hỏi anh mấy lời anh đã nói:

– An. Anh yêu em.

Tôi bị câu nói ấy của anh khiến mình giống như vừa ăn một miếng kẹo socola bọc rượu. Cảm giác vừa ngon, lại vừa cay nồng lan toả khắp người. Tôi nhìn anh, cúi xuống đáp lại:

– Em yêu anh. Tuy là hơi muộn nhưng em yêu anh, yêu anh rất nhiều.

Anh lại vuốt tóc tôi lắc đầu:

– Không muộn. Không bao giờ là muộn cả.

Tôi nhìn anh, còn muốn nói yêu anh, yêu anh rất nhiều. Nhưng giờ đã muộn rồi, anh lại còn mới tỉnh lại, có lẽ anh còn rất mệt. Nói ra được câu yêu anh là được rồi, anh nghe được là được rồi. Bình ở bên cạnh lại còn ngáp ngắn ngáp dài liền nói:

– Anh mới tỉnh lại, còn mệt nằm nghỉ đi. Em và con nằm ở giường bên cạnh, nếu đêm anh đau quá cứ gọi em nhé.

Thịnh nhìn tôi chỉ gật đầu không đáp, tôi cũng bế con lên giường tắt điện nằm xuống. Có lẽ mấy ngày không ngủ, lại thêm việc anh đã tỉnh, tinh thần tôi cũng thoải mái đôi chút nằm xuống cạnh con, khi bên giường của anh có tiếng thở đều nhè nhẹ, bên này Bình cũng ngủ say tôi cũng thiếp đi lúc nào chẳng hay. Đến tận hai giờ sáng y tá vào kiểm tra máy tôi cũng tỉnh dậy đi vệ sinh. Cả Thịnh lẫn Bình đều nằm ngủ rất say, tôi khoác chiếc áo đi về phía nhà vệ sinh. Thế nhưng mới đi được nửa hành lang thấy mẹ tôi và bà Dương đang ngồi trên ghế. Dưới ánh đèn khuya lờ mờ tôi nhìn thấy bóng hai người đầy cô đơn đổ dài xuống nền đất. Tiếng mẹ tôi cất lên giữa không trung:

– Vừa sinh nó ra đã bị mụ ta tráo đổi, tôi chưa bao giờ nghĩ đến trên đời chuyện kinh khủng tàn nhẫn nhất ấy lại xảy ra với chính mình. Tôi đã nuôi con gái của mụ ta bằng tất cả tình yêu thương mà lẽ ra tôi phải dành cho nó còn mụ ta lại dùng sự thù hận trút lên nó để trả thù tôi. Bà có biết không, con gái mụ ta năm nào cũng đều được tôi đưa đi du lịch, đi học cũng ngồi trong ô tô, bữa cơm đầy đủ thức ăn, ốm sốt nặng nhẹ đều được mang đến viện quốc tế nằm. Còn con gái tôi, từ nhỏ đều bị mụ ta đánh đập không thương tiếc, đến bữa ăn cũng không được ăn tử tế, mấy bức ảnh hồi nhỏ tóc tai đều vàng hoe vì thiếu chất, chân tay khẳng khiu, đến ngay cả lúc ốm đau cũng một vỉ thuốc bà ta cũng không mua cho nó. Tôi đã không biết tuổi thơ nó cơ cực, khổ sở bất hạnh thế nào, đã không biết vì sao nó có thể lớn được lên. Mụ ta sợ nó thi đỗ Học Viện Ngân Hàng, đến ngày nó thi còn chuốc thuốc vào nước ép để nó đau bụng khiến kết quả thi thảm hại. Tôi chưa từng tưởng tượng ra nổi trên đời này có người có thể đối xử với một đứa con nít nuôi từ nhỏ một cách độc ác đến thế. Đánh đập, hành hạ, tra tấn, ngay cả sự tự do yêu đương, hay bất cứ chuyện gì mụ ta cũng ép nó để khiến nó đau khổ không thoát ra nổi. Thế nhưng tất cả mọi chuyện ấy đều không bằng việc mụ ta bán nó vào đường dây buôn người. Bà xem trên đời này có loại người nào như vậy không? Một đứa trẻ con, hoàn toàn tin tưởng vào mụ ta, coi mụ ta như mẹ ruột lại có thể nhẫn tâm như vậy?

Tiếng bà Dương đáp lại:

– Hai mươi mấy năm bà không hề biết chuyện này?
– Tôi không hề biết, thậm chí lúc ấy tôi còn rất ghét bỏ nó vì nghĩ nó là con gái ruột của mụ ta, còn nghĩ vì nó vì mụ ta mà con tôi không có bố. Tôi… tôi thậm chí còn từng đánh nó…

Nghe đến đây tôi bỗng thấy giọng mẹ tôi lạc đi:

– Tôi còn từng căm ghét nó, sỉ nhục nó. Không ngờ nó lại là con gái ruột của mình. Mỗi lần nhớ đến chuyện tôi tát nó để bênh con gái mụ ta tôi lại cảm thấy đau xót. Chưa bao giờ tôi lại có thể tin rằng con gái mình lại chịu nhiều đau khổ như vậy. Thế nên giờ đây tôi chỉ muốn dành tất cả quãng đời còn lại của mình bù đắp cho nó. Cũng hi vọng bà có thể mở lòng ra, chấp nhận nó. Bà cũng biết thừa mà, chuyện nó bị bán vào đường dây buôn người là chuyện nó không mong muốn nhất. Tôi và bà đều là những người mẹ, lại là những người mẹ với một gia đình khiếm khuyết. Tôi không biết bà thế nào nhưng nếu được chọn lại tôi vẫn chọn cho con một gia đình đầy đủ cả bố lẫn mẹ. Chẳng ai yêu con được bằng chính người bố mẹ ruột cả, trừ mấy loại người như chồng cũ của tôi và bà ra. Bà cũng thấy đấy, thằng Thịnh là con riêng của bà với người chồng trước. Bà tái giá vỡi lão Hùng, mà bà xem lão đối xử với nó thế nào. Thậm chí còn suýt lấy mạng nó. Bà thử đặt lại vào hoàn cảnh của mình, nếu như bà chỉ nhận cháu, rồi bắt thằng Thịnh lấy người khác, bà có chắc người đó đối xử tốt với cháu nội bà không? Huống hồ thằng Thịnh nó yêu con gái tôi nhiều như vậy, nó không giống thằng Hưng, chuyện gì cũng đều nghe bà, liệu bà có cản được nó không? Vả lại con gái tôi thực sự chỉ có người đàn ông duy nhất là con trai bà, mụ Hoa ở đường dây buôn người cũng khai nhận như vậy, sao bà lại cố chấp ngăn cản chúng nó làm gì? Giờ nó còn có bầu nữa, thằng Thịnh vừa thập tử nhất sinh tỉnh lại. Tôi nghĩ giờ bà cũng nên mở lòng ra rồi.
– Tôi không mở lòng thì sao?
– Thì chả sao cả, chỉ có bà thiệt thôi. Bà chấp nhận thì vui vẻ cả nhà, không thì thằng Thịnh nó bỏ được con gái tôi với mấy đứa con của nó sao? Giờ bọn trẻ yêu nhau sâu đậm, mà còn ngang đầu cứng cổ lắm chứ không như bọn mình ngày xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Bọn nó yêu nhau có thánh cản được thôi bà ạ.
– Bà đến đây thương thuyết cho con gái bà ấy à?
– Không, tôi đến khai sáng cho bà.
– Bà!!
– Tôi làm sao chứ? Mà tôi hỏi thật bà thấy con trai bà thế nào?
– Thế nào là sao? Con trai tôi giỏi giang, đẹp trai, xuất chúng, hiền lành, tốt tính chứ thế nào nữa.
– Ừ đấy, nó giỏi giang như thế, xuất chúng như thế nó chọn con gái tôi chứng tỏ là con gái tôi cũng không phải loại tầm thường. Bà nhìn cái gì mà nhìn? Tôi nói không đúng à?
– Nhưng con trai tôi chuyện yêu đương nó ngu xuẩn!
– Nó ngu xuẩn chọn con gái tôi lại càng hợp, còn hơn chọn đứa con dâu như bác sĩ Huyền của bà. Người đâu lươn lẹo, xấu tính, đến bản xét nghiệm ADN cũng còn làm cố ý làm sai. Bà nghĩ loại con gái như vậy đủ tin tưởng để yêu thương cháu nội bà à? Bà đã bao giờ hỏi thằng Thịnh nó thích gì nhất, nó muốn gì nhất chưa? Bà đã bao giờ tự hỏi niềm vui của nó là gì chưa? Bà có thể cho rằng việc bà muốn nó chia tay con gái tôi là tốt cho nó nhưng nó lại không thấy thế, nó lại thấy điều đó là điều đau khổ, mà nó đau khổ thì đâu phải việc tốt đẹp gì đúng không? Thế nên tôi và bà nên tôn trọng quyết định của bọn trẻ, đó mới là thương chúng nó, chúng nó đều là những công dân trên mười tám tuổi rồi, tự quyết định được cuộc đời mình rồi. Tôi với bà chọn lựa cho cuộc đời mình còn chọn sai, lấy cơ sở gì để mà chọn giúp chúng nó cho đúng? Thế nên kệ nó đi, chúng nó tự lựa chọn và tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình.

Tôi không nghe được tiếng bà Dương đáp chỉ thấy tiếng thở dài. Dưới bóng đêm bao phủ, tôi bỗng cảm thấy thương mẹ tôi, thương cả mẹ anh vô hạn. Hai người đàn bà thành công nhưng lại cô đơn ở tuổi xế chiều. Rõ ràng câu chuyện mẹ tôi đang nói lẽ ra tôi phải vui, thế nhưng nhìn cảnh hai người mẹ ngồi ở kia, cả hai đều vì con mình mà ngồi đó sống mũi tôi lại cay cay. Mẹ tôi còn nói rất nhiều, tôi cũng không muốn làm ảnh hưởng đến cuộc nói chuyện ấy đành xuống tầng đi vệ sinh rồi lên nằm cạnh Bình. Tiếng Thịnh và Bình vẫn thở đều đều. Hai mươi mấy tiếng trôi qua, suốt hai mươi mấy tiếng này tôi đã dần hiểu hơn về mẹ anh. Tôi yêu Bình thế nào mẹ anh cũng yêu anh như vậy. Con trai trải qua một trận thập tử nhất sinh như vậy chắc chắn người mẹ nào cũng đau lòng. Thế nên tôi tin giờ đây mẹ anh sẽ hiểu rằng để anh lựa chọn cho cuộc đời mình đó mới là tình yêu trọn vẹn mà mẹ dành cho anh.

Tôi nằm xuống, bất giác nở nụ cười rồi chìm vào giấc ngủ ngon lành. Sáng hôm sau khi tỉnh dậy đã có tia nắng ấm áp chiếu xiên qua cửa sổ, hình như lâu lắm rồi tôi mới cảm nhận được tinh thần sảng khoái như vậy. Bên cạnh cả Thịnh và Bình cũng đã dậy, cả hai đều mắt mũi kèm nhèm trông vừa đáng yêu vừa buồn cười. Trưởng khoa vào thăm khám cho anh, sau một hồi xem xét thì nói:

– Phục hồi khá tốt, mấy tháng nữa là lại cầm được dao mổ rồi.

Anh nghe trưởng khoa nói vậy lại cười ngượng ngùng đáp:

– Cháu xin lỗi chú.
– Lỗi lầm cái gì, tĩnh dưỡng cho tốt đi. Còn mấy chuyện tôi chưa xử đâu, nhưng thôi tạm tha cho cậu.
– Cháu cảm ơn chú.

Trưởng khoa nhìn tôi lắc đầu:

– Cậu ta lúc nào cũng hiền lành như vậy, chắc kiểu này bị vợ bắt nạt suốt.

Tôi nhìn trưởng khoa, trăm ngàn oan ức nhưng không biết cãi thế nào chỉ đành ngậm mồm. Khi trưởng khoa đi khuất bà Dương cũng bước vào. Bình mấy hôm nay quen với bà rồi nên không còn sợ nữa mà thân thiết gọi:

– Bà, bà nội.

Câu bà nội nó phát ra khiến cả tôi với bà Dương đều khựng lại. Tôi nhìn Bình, sợ bà Dương nghĩ tôi dạy nó đang định hỏi nó đã nói:

– Chú Hưng bảo Bình gọi bà là bà nội.

Tôi nghe nó nói vậy thì mới thở phào, tên Hưng này cũng thật là, chẳng hiểu cho bùa mê thuốc lú cái gì mà nói gì thằng bé cũng nghe theo. Bà Dương thì nhìn Bình, đột nhiên bật cười xoa xoa đầu nó đáp:

– Gọi lại cho bà nghe.
– Bà nội. Bà nội của Bình

Lần này bà Dương cười tít cả mắt cúi xuống bế thốc nó lên rồi hỏi:

– Con đói không? Bà bảo chú Hưng mua cháo cho con ăn.
– Con có đói bà nội ạ.

Cái mồm thằng bé dẻo quẹo, mới ba tuổi mà nịnh thì thôi rồi. Tôi thấy vậy liền nói:

– Để cháu mua cháo cho nó cũng được. Giám đốc còn bận…

Chưa nói dứt lời bà Dương đã nhìn tôi đáp:

– Đang có bầu đi lại ít thôi. Thằng Hưng thì nó bận cái gì, mà nó bận cũng có người khác đi mua.

Thịnh nằm cạnh níu tay tôi gật gật đầu. Mẹ anh bế thằng bé lên rồi lại nhìn anh nói:

– Mà công nhận nó giống thằng Thịnh hồi nhỏ thật, mỗi tội gầy hơn.
– Vì thằng bé trước bị bệnh, phải nằm viện nên không mập như con hồi nhỏ.

Nghe Thịnh nói mẹ anh lại nhìn Bình, đưa tay vuốt mấy sợi tóc trên đầu con khoé mắt hơi đỏ lên. Tôi cũng đoán chắc đêm qua mẹ tôi và mẹ anh không ngủ, có lẽ tất tần tật mọi chuyện mẹ tôi cũng nói với mẹ anh cả rồi. Thế nên nhìn ánh mắt thương xót của mẹ anh dành cho Bình tôi cũng thấy trong lòng có chút ấm áp.

Bình được bà Dương mang đi ăn cháo cùng mẹ tôi, bà còn gọi y tá mang cho tôi thêm một bát cháo tim mang lên phòng. Ăn xong bà Dương cũng lên, bên ngoài mẹ tôi đang chơi với Bình. Lúc này Thịnh cũng đang ngủ vì vết thương của anh không nhẹ nên anh dậy chỉ độ một hai tiếng lại ngủ thiếp đi, bà Dương nhìn tôi khẽ nói:

– Thế hai đứa định thế nào?
– Dạ?
– Dạ cái gì? Hai đứa sắp hai mặt con rồi vẫn cứ định sống kiểu này à? Còn nữa, thằng Bình bố nó họ Vũ chứ không phải Trần đâu nhé.

Tôi lúc này mới kịp hiểu ý bà đáp lại:

– Vâng ạ. Cháu cũng định… định đợi anh ấy khoẻ lại thì đi thay đổi lại giấy khai sinh của Bình.
– Ừ, để tôi xem ngày.
– Ơ, đổi lại giấy khai sinh cũng phải xem ngày hả bác?

Mẹ anh nghe tôi nói trợn tròn mắt nói:

– Đổi lại giấy khai sinh sao phải xem ngày, xem ngày là xem ngày cưới, chứ định để cả hai đứa con thành con ngoài giá thú cả sao.

Tôi nghe vậy thì kinh ngạc vô cùng. Mẹ anh lại nói:

– Tôi cũng chẳng phản đối nữa, kiểu gì nó cũng bất chấp ở cạnh tôi. Tôi có hai thằng con trai thì nó là đứa không nghe lời nhất, từ chuyện học cái gì, đến chuyện yêu đương, chưa có chuyện gì mà nó nghe lời tôi, mà cũng chưa có chuyện gì tôi phản đối được nếu nó đã ra quyết định. Thôi thì đất không chịu trời thì trời chịu đất, vả lại cô còn đang mang bầu con của nó, còn có cả thằng Bình nữa, tôi cũng chẳng muốn mình cứ cố chấp với suy nghĩ của mình mãi nữa. Đêm qua suốt một đêm tôi thức trắng, tôi cũng suy nghĩ lại, giờ cũng chẳng mong gì hơn chỉ mong nó khoẻ lại, mong nó hạnh phúc thôi.

Nghe mẹ anh nói đến đây sống mũi tôi bất chợt cay cay. Từ khoé mắt của bà tôi bỗng thấy có nét đượm buồn như đã trải qua rất nhiều cô đơn. Hai tay tôi đan vào nhau, có lẽ đêm qua nói chuyện cùng mẹ tôi bà đã thay đổi, cũng có thể là bà đã thay đổi ngay từ khi Thịnh nằm kia vô tri vô giác. Thế nhưng dù là lý do gì cũng không quan trọng, bà chấp nhận tôi là hạnh phúc rồi. Có thể là miễn cưỡng, cũng có thể chấp nhận thật, đều không quan trọng, chỉ cần không phản đối là được. Thấy mắt tôi ngân ngấn lệ mẹ anh liền nói:

– Thôi, đang có bầu đừng có khóc, lại ảnh hưởng đến cháu tôi. Nín đi, lau nước mắt đi. Mà nghe thằng Hưng nói cô lên phó phòng rồi, hay chuyển sang bên tập đoàn làm, bên ấy phòng kinh doanh vẫn đang thiếu chức trưởng phòng.

Nghe đến đây tôi vội từ chối:

– Cháu quen làm chỗ giám đốc Hưng rồi, vả lại lên phó phòng cháu đã thấy mình dành rất ít thời gian cho chồng con nên chắc cháu không dám nhận đâu bác ạ.

Mẹ anh bật cười nói:

– Ừ! Thế làm bên chỗ thằng Hưng cũng được. Mà từ nay gọi nó là em thôi, không phải một câu giám đốc, hai câu giám đốc làm gì.
– Vâng ạ.
– Ừ được rồi, cứ thế đi, đợi thằng Thịnh khoẻ lại thì tổ chức đám cưới, sớm một chút không bụng lại to vượt mặt.
– Bác! Cháu cảm ơn bác. Cảm ơn bác đã chấp nhận cháu.
– Thôi được rồi, không cần cảm ơn cảm huệ gì nhiều. Đã bảo lau nước mắt đi rồi.

Tôi nghe vậy mới quệt mấy giọt nước vương trên mặt. Bà Dương cũng bước ra ngoài, chỉ còn tôi với Thịnh ở phòng, tôi ngồi rất lâu, cảm nhận rõ trong lòng mình rất ấm áp. Khi bà Dương đi khuất cái Hiền cũng vào. Nó mang cho tôi ít hoa quả rồi vừa gọt vừa nói:

– Phải công nhận mày cũng mắn thật, đẻ sòn sòn như gà ý. Mà thôi anh Thịnh giống tốt, mày đẻ hết trứng luôn cũng được.

Tôi nghe nó trêu liền đá nó một cái. Nó đưa cho tôi miếng táo nói tiếp:

– Thứ ba tuần sau tao bay sang Canada rồi, tao với mẹ tao đi sang ấy chữa bệnh cho mẹ tao. Chắc phải lâu mới về đấy.

Nghe cái Hiền nói tôi kinh ngạc vô cùng. Từ trước tới nay tôi chưa từng nghe nó nói về mẹ nó, lần đầu nghe, lại còn cả một tin nó sắp đi nước ngoài nên càng bất ngờ hỏi lại:

– Sao lại đột ngột như vậy?
– Ừ. Mẹ tao nằm viện ở đây mãi không khỏi nên sang Canada điều trị. Bên ấy có bác tao nữa nên sang đấy luôn.
– Hiền, Hưng có biết…
– An! Tao nói rồi, mối quan hệ của tao và anh ta chẳng có gì đâu. Anh ta biết chứ, nhưng tao đưa mẹ tao đi chữa bệnh thì liên quan gì đến anh ta đâu. Mày đừng nghĩ ngợi gì nhiều, đây là quyết định của tao.

Tôi nghe cái Hiền nói lòng nặng trĩu. Nó nói thì nói như vậy nhưng tôi biết chắc chắn mối quan hệ của nó và Hưng không đơn giản. Nhưng dù cố gắng gặng hỏi nó đều không trả lời, ngược lại còn cười nói:

– Mày đừng xị cái mặt ra như vậy. Tao thấy vui vẻ hạnh phúc làm sao mà mày cứ thế nhỉ? Đợi bao giờ mẹ tao khỏi bệnh tao sẽ về, có khi lúc ấy tao còn đang có chồng Tây ấy chứ. Vả lại tao mang mẹ tao đi chữa bệnh chứ có phải bên ấy mãi đâu, con rồ này.

Nói nói như vậy tôi cũng không thể nào gặng hỏi được nữa, cản lại càng chẳng cản được chỉ nói:

– Thế tiền nong thì sao? Tao có sổ tiết kiệm…
– Tao có tiền rồi, tiền trước mẹ Liên cho với tao cũng tiết kiệm được kha khá mày khỏi lo. Bao giờ thiếu tao xin.

Tôi nhìn nó cười mà chẳng vui nổi, tự dưng nó quyết định đi như vậy khiến tôi cứ có cảm giác lạ lắm. Nó thấy tôi không vui thì lại cười:

– Con hấp này, tao với mày trải qua biết bao nhiêu chuyện, khổ đau cỡ nào cũng đã qua. Mày có nhìn thấy tia nắng chiếu qua cửa sổ kia không? Tao cũng sẽ giống mày thôi, nhất định sẽ tìm được hạnh phúc của mình.

Nghe nó nói đến đây trong lòng tôi cũng mới nhẹ nhõm đi đôi chút. Quyết định của nó tôi cũng không thể nào đổi thay được. Phải rồi, nhất định nó cũng sẽ tìm được hạnh phúc, dù đoạn đường phía trước gập ghềnh chông chênh, thì ở cuối con đường vẫn là một tia nắng rạng rỡ. Tôi tin là như vậy.

***
Lời tác giả: mọi người ơi, ngoại truyện về Hiền tớ chỉ viết đến thế này thôi. Mọi người đừng thắc mắc vì sao không cho Hiền được hạnh phúc bởi truyện sau tớ sẽ viết về nhân vật Hiền nhé. Truyện này về An nên sẽ tập trung về An là chính, một kết mở cho Hiền để viết một truyện riêng về cô ấy ạ.

Yêu thích: 4.5 / 5 từ (114 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN