Tình Yêu Của Sói - Chương 7: Lời tiên tri và ba tài năng thiên phú
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
159


Tình Yêu Của Sói


Chương 7: Lời tiên tri và ba tài năng thiên phú


Fiona từ trong phòng tắm đi ra. Tóc vẫn còn ướt và dính bệch trên trán. Cô lấy máy sấy làm khô rồi cầm lượt chải gọn gàng. Fiona thắt lại cái nơ nhỏ trên cổ áo rồi vui vẻ đi xuống phòng ăn. Ngài Charles, bà Nancy và Geric đã ngồi vào bàn. Fiona lễ phép thưa rồi kéo ghế ngồi vào đúng chỗ. Bữa tối ở biệt trang Lộng Gío vẫn đầm ấm như mọi ngày. Người hầu phục vụ tuần tự từ món khai vị tới món tráng miệng. Mọi người vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ.

-Vậy là cái lão đầu hối đó chỉ còn biết câm nín rồi ủ rủ ngồi xuống…

Ông Charles đang say sưa kể về ông Boling một thành viên trong ban hành pháp, kẻ mà ngay từ đầu đã gây ác cảm tới ngài. Bà Nancy nhấp rượu, lắng tai nghe câu chuyện của chồng. Geric ném miếng thịt hun khói vào miệng, nhai một cách nhàm chán. Fiona hăm hở múc một ít đậu trong món hầm cho vào bát. Vô tình một góc của cái khăn tay bị chấm xuống thức ăn

-Ahh!

Cô kêu lên làm bố mẹ nuôi giật mình. Fiona hốt hoảng thu tay lại, chùi lấy chùi để cái khăn tay yêu dấu, miệng lẩm bẩm

-Tiêu rồi, tiêu rồi…

Bà Nancy nhìn cái khăn hình tam giác xinh xắn trên cổ tay Fiona sau đó không đảo mắt tới chỗ Geric.

Vậy là mọi chuyện đã ổn! Thậm chí Fiona vẫn không hề gì!

Bà nghĩ với một niềm vui to lớn. Ngồi bên cạnh, ông Charles cũng khẽ cười.

-Thôi đi! Giặt rồi sẽ sạch…

Geric chau mày nhìn bộ dạng như vừa cầm dao giết người của Fiona. Cô luyến tiếc thở dài rồi chuyển cây muỗng sang tay bên trái, giấu tay phải xuống dưới bàn. Geric lắc đầu tiếp tục ăn. Ông bà Cédile d’Argenlieu quay lại với câu chuyện dang dở.

-Nghe nói Lão Tam cuối cùng đã quay về hả ông?

-Ờ… lại bắt đầu lẩm bẩm lời Tiên Tri ngớ ngẩn của ông ta trước bàn dân thiên hạ… Bà muốn biết thì ngày mai cứ đọc Nhật báo.

-Vậy sao? Thế lần này lời tiên tri nói gì?

-“Những đứa trẻ một ngày thức tỉnh. Những món đồ chơi lấy ra khỏi chiếc bình. Bút lông đỏ vẽ tranh cho thế giới. Tô lên màu yêu thương và màu oán hận. Cái kết là một cái chết”. Đấy là nguyên văn tất cả những gì ông ta nói

Cả phòng ăn đột nhiên chìm vào im lặng, ngay cả Geric cũng không còn giả vờ thờ ơ. Anh ngẩn đầu nhìn bố rồi cúi xuống bát súp tư lự. Fiona thấy mù mịt vì những lời lẽ tối nghĩa, thiếu tính liên kết.Bà Nancy nhíu mày, vừa lẩm bẩm đọc vừa cố tìm ra ý nghĩa của câu nói.

-Tóm lại… ông ta muốn nói cái gì?

Charles thở dài và uống một ngụm rượu

-Chả biết! Nhưng nghe có vẻ không phải chuyện tốt lành. “Cái kết là một cái chết” tôi ớn nhất câu này!

Bà Nancy gật gù

-Uhm… nói vậy sẽ có một ai đó phải bỏ mạng… nhưng… “những đứa trẻ” là ám chỉ ai? “Món đồ chơi” rồi cả “bút lông đỏ”… mấy tứ đó mang ý nghĩ gì nhỉ?

Ông Charles uống một ngụm rượu rồi vỗ nhẹ lên vai vợ

-Ôi dào, hơi đâu mà bà lo… Cái ông tiên tri ngớ ngẩn đó suốt ngày chỉ lẩm bẩm như thằng điên. Kiểu tiên tri thách thức suy luận của ông ta chưa chắc gì đã đúng, biết đâu ông ta chỉ làm bộ nói mấy thứ siêu tưởng rồi để người đời bàn ra bàn vô. Còn nhớ cái vụ cái đây 20 năm? “Pleven dòng họ của những anh hùng, vui mừng đón chào một nàng công chúa” Năm đó Đệ tam phu nhân mang thai, kết quả sinh ra thằng Simon. Dư luận rất bất bình vì lời tiên thị thiếu chính xác của Lão Tam, bà xem, ngay cả giới tính của một đứa bè lão còn đoán sai huống hồ là những chuyện khác…

Bà Nancy có vẻ nghĩ ngợi.

-Cũng phải… Năm đó cả gia tộc Pleven Barjot và Leclerc de Gaulle đều có tin vui. Con chúng ta thì phải tới năm sau… Trùng hợp quá! Tự nhiên ba nhà có con cùng một khoảng thời gian ngắn. Ông có nghĩ là có sự sắp đặt của Thượng đế không?

Charles nhún vai thờ ơ. Thật ra đó là thời kì vô cùng khó khăn của hai ông bà. Họ lấy nhau đã vài chục năm mà không có con cái. Cả hai gia tộc kia đều lần lượt có tin vui trong khi mọi người hướng mắt tới nhà Cédile d’Argenlieu, bắt đầu nghi ngờ khả năng sinh nở của Đệ nhị phu nhân. Tuy không ai dám nói nhưng họ đã cho rằng dòng họ Cédile d’Argenlieu sắp tới thời suy tàn không có hậu thế tiếp nối. May sao cuối cùng bà hoài thai được con trai. Geric chính là món quà vô giá mà ông trời ba cho gia đình Cédile d’Argenlieu. Đến nay, Geric đã bước qua tuổi 19, hai vị tiểu vương gia kia cũng ở ngưỡng 20. Ba chàng trai của ba dòng tộc lớn cùng một lúc trưởng thành quả là một trùng hợp mang tính lịch sử. Xem xét về thực lực, ai cũng có thể thấy Haunt Leclerc de Gaulle là người ưu tú hơn cả. Một thiếu niên gang dạ, bản lĩnh và nhiều tài trí sẽ là một hậu duệ sáng giá cho gia tộc Leclerc de Gaulle. Simon Pleven Barjot cũng không đến nổi tệ. Nếu đem ra so sánh, cái đầu tiên mà Simon kém hơn Haunt chính là phong cách. Anh ta nóng tính, bộp chộp và không toát lên một vẻ hoàng tộc oai nghiêm cần có. Người ngoài nhìn vào sẽ thấy Simon cũng bình thường như mọi thanh niên cũng lứa tuổi nếu không kể tới xuất thân cao quý của anh. Còn với Haunt, ai cũng thừa nhận anh chàng này có cái gì đó rất đáng sợ. Đôi mắt màu hổ phách sáng rực và ẩn chứa những cái nhìn của đấng bề trên, khiến ai đối mặt cũng phải phục tùng. Khuôn mặt kiệt xuất nhưng nghiêm nghị làm người khác phải lúng túng, lo lắng. Cả phong thái của anh toát lên vẻ đứng đắn, oai phong không ai bì kịp.

Geric thì lại là một dạng khác. Tương tự như Haunt, anh mang một sắc thái khó gần. Trong Hellen Green chẳng có mấy ai thích thú trò chuyện với anh. Nếu Haunt làm người ta phải kính sợ thì Geric lại là sự lãng tránh cái lập dị. Người ta không gần anh vì họ thấy anh quá kì quái, khó hiểu, khó nắm bắt. Đối mặt với cặp mắt xanh trong veo là một nỗi sợ không rõ ràng. Giống như ta đang chạy trên một hành lang dài vô tận mà không biết cái gì đang rượt phía sau. Hầu hết linh cảm đều mách bảo phải cảnh giác và né tránh, cho dù biết Geric không có khả năng gây tổn thương cho một ai. Người duy nhất dám nhìn thẳng vào mắt anh và dám đối mặt một cách tự nhiên với anh chỉ có Fiona. Cô không cảm nhận một đe dọa nào từ Geric. Cô đã lớn lên cùng Geric, gọi tên anh, nắm tay anh, cười với anh… không biết bao nhiêu lần như vậy. Sự thân quen làm lu mờ bản năng tự vệ của Fiona. Thật may là Geric có một khả năng kiểm soát bản thân không ai bì kịp. Từ khi sinh ra tới nay, anh chưa giết chết một sinh mạng nào cho dù là con người hay đồng loại. Một vài người gọi đó là lòng cao thượng, là đức nhân sinh. Một số khác tin rằng đó là dấu hiệu của hèn yếu và nhu nhược. Đặc tính của nồi giống mang tới cho lọ lòng kiêu hãnh rất cao. Hầu hết các after-vampire xem loài người là những công cụ cần được gìn giữ vì nó phục vụ lợi ích lâu dài cho họ.Trong suy nghĩ của họ, con người là kẻ đui mù và khờ khạo. Tuy chỉ chiếm tiểu số so với loài người nhưng các hậu ma cà rồng đã sống lẫn vào thế giới con người và dễ dàng nắm những quyền kiểm soát mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ. Kinh tế, chính trị, khoa học, văn hóa… mọi thứ đều ít nhiều có bàn tay của after-vampire chạm vào. Bọn họ lúc nào cũng là kẻ giật dây phía sau cánh gà. Những người từng quen biết hay phục vụ cho họ đều có một nhận định đơn giản: “Những con người giàu có và bí ẩn”

Biết rõ cái bí mật đen tối của thế giới này chắc chỉ có Fiona Brown. Cô là con người duy nhất đứng trong ranh giới của tối và sáng, giống như một sứ giả của hai thế giới. Fiona mang đặc tính của một con người bình thường nhưng sống lâu và thân quen với thế giới của chủ nhân. Cô sinh ra rất xui xẻo đã bị đưa đẩy vào thế giới hắc ám này. Nhưng trong cái rủi cũng có cái hên. Chủ nhân của cô-Geric hoàn toàn dễ chịu và đối với cô như một người bạn, một người anh trai, một người thân trong gia đình. Fiona chưa bao giờ than trách cho số phận. Cô hài lòng với mái ấm mà mình đang sống cho dù nó thực sự không hề an toàn. Những người cô xem là cha mẹ không thể bảo vệ cô khỏi cái chết. Cô còn sống ngày nào thì chắc chắn họ sẽ vui mừng và hết lòng yêu mến cô nhưng nếu có một ngày Fiona chết, tất cả những gì nọ làm chỉ có thể là lời xin lỗi và dần dần quên cô đi. Đó là quy luật tất yếu mà không ai có thể thay đổi được. Fiona biết cái kết cuối cùng, cô cố gắng quên nó đi để sống cho hôm nay. Một ngày của cuộc sống cũng vô cùng đáng quý, cô tự nhủ mình phải vui vẻ và phải cười nhiều.

Buổi ăn tối cuối cùng cũng tới món tráng miệng. Geric ngồi im ngắm nghía mấy quả nho xanh tươi trong cái đĩa trước mặt. Fiona thì đã ăn gần hết cả chùm. Đừng trách cô háo ăn, chỉ là vì các bữa ăn là nguồn dinh dưỡng duy nhất dành cho cô. Trong khi những thành viên khác còn có “món phụ”. Họ ăn ít cũng sẽ không thấy đói nhưng Fiona thì đói là cái chắc. Đó là chưa kể cô có nguy cơ bị mất máu bất cứ lúc nào. Cuối cùng Fiona đẩy cái đĩa ra xa và ngửa lưng tựa vào ghế, tay vỗ cái bụng đã no nê

-Tiểu thư, cô có muốn thêm ít trái cây không?

Chị hầu nén cười và cố ý hỏi thêm. Lại châm chọc đây mà!

-Không đâu ạ. Em no lắm rồi… em rất sợ mập!

Bà Nancy quay mặt đi, hai vai run run. Ông Charles cười không giấu giếm còn Geric thì trừng mắt

-Con lợn!

Geric bao giờ cũng có lối ăn nói “súc tích”. Anh kiệm lời nhưng mỗi từ nói ra đều có giá trị tượng thanh, tượng hình cao!? Fiona trề môi không thèm chấp rồi đứng dậy xin phép trở về phòng. Tối nay cô có kế hoạch làm nhanh bài tập rồi tranh thủ đọc sách. Trực trong thư viện tuy nhàm chán nhưng cũng có cái lợi. Fiona chỉ việc ngồi yên hướng dẫn cho người đọc nơi tìm sách và ghi nhận ngày giờ mượn. Hình phạt vì vụ vi phạm nội quy xem ra không quá nghiêm khắc. Về phần Geric, cô cũng không hiểu anh xoay sở thế nào.Tóm lại là Geric vẫn cứ phè phởn ăn ngủ như mọi ngày trong khi công việc đều tự nhiên hoàn thành. Chắc chắn là có chuyện mờ ám gì đây…

Fiona có đôi chút oán hận vì thế giới quá bất công. Cô dùng dằn lăn xuống giường mà mở sách ra xem. Quyển này cô mượn ở thư viện thứ 2 tuần rồi. Nó là một tài liệu ghi chép về các dạng biến dị di truyền ở loài Hậu ma cà rồng. Trang đầu tiên, cô lướt qua nhanh vì đa phần không biết đọc. Có nhiều cổ ngữ và kí tự kì lạ. Những trang sau thì hơi hơi hiểu nhưng cũng khá rắc rối. Đa phần là phân tích về AND và các phép so sánh giữa hai loài. Cuối cùng Fiona mới tìm ra một vài điều thú vị để đọc. Ở chương VII có đoạn nói về các năng lực đặc biệt chỉ có ở after-vampire.

Tất cả các hậu ma cà rồng sinh ra đều sở hữu một khả năng mà ta có thể tạm gọi là “tài lẻ”. Khả năng này phụ thuộc ít nhiều vào năng lực của cha mẹ, dòng họ. Thông thường những người trong cùng một gia đình sẽ có chung một “tài lẻ”. Trong lịch sử đã từng có những nhóm after-vampire nổi tiếng về một khả năng nào đó. Nhà họ Deviller là những người được mệnh danh Phong Thần vì họ có thể gọi gió và gây ra những trận lốc xoáy thảm khốc. Nhà Stoll quanh năm tuyết rơi và mọi thứ đều đóng băng vì cái lạnh họ tạo ra. Nhà Gordon là vua của tốc độ và nhà Burrows là Thần Lửa. Một số dòng tộc đã gần như tuyệt tự trong cuộc tranh chiến qua các triều đại như gia đình Green chỉ còn lại một cô con gái có khả năng kêu gọi sức sống của thực vật. Gia đình Posie từng là vua của biển, người bảo vệ sinh thái và sự ô nhiễm nước nay chỉ còn lại một bà cô già và năng lực kém cỏi. Rất nhiều gia đình đã đi tới chỗ diệt vong làm cho các tài năng của loài cũng bị thất truyền.

Những “tài lẻ” như vậy có rất nhiều trong cộng đồng Hậu ma cà rồng. Có những tài năng đầy tính đe dọa cũng có những tài năng rất đỗi bình thường. Nhà Reme có trí nhớ siêu phàm, nhà Colle là những đầu bếp thượng hạng, nhà Arcaly toàn là họa sĩ tài ba… Những gia đình này thường né tránh quyền lực và sống rất ôn hòa nên số lượng rất đông trong khi những tài năng lớn thì hiếm hoi vì bị chết trong các cuộc chính chiến. Kẻ thống trị luôn thu thập các món vũ khí tối tân và vì vậy họ sẽ chọn người nhà Strelly (những kẻ có thể nhấc bổng các quả núi), Stoll, Burrows, Levitan, Gordon hoặc Della (người gọi cái chết). Những gia đình này thường là thuộc hạ phục vụ ba gia tộc lớn.

Nhưng trong số tất cả cái năng lực đó, có 3 quyền năng hùng mạnh hơn cả. Chưa có một công trình nghiên cứu nào giải mã được nguồn gốc của 3 năng lực ấy. Đó chính là 3 sức mạnh hiếm có nhất và đáng sợ nhất. Ai nắm được 3 thứ bảo bối ấy trong tay sẽ là bá chủ thế giới. Trong lịch sử, chỉ có một vài người đã từng sở hữu 3 năng lực này và cũng chính những kẻ đó đã gây ra bao nhiêu cái chết tàn khốc. Đối với Hậu ma cà rồng, 3 thứ bảo vật này rất đáng thèm muốn nhưng cũng rất đáng lo ngại. Một khi người sở hữu năng lực đặc biệt xuất hiện sẽ khó tránh khỏi chết chốc, loạn lạc.

Thứ nhất là năng lực “hấp thụ”. Kẻ có khả năng hấp thụ sẽ dễ dàng chiếm đoạt sức mạnh của đối thủ, đồng nghĩa với việc họ có thể sở hữu mọi tài năng mà người khác có, giống như một viên ngọc cho ra hàng trăm điều ước.

Thứ hai là năng lực “khếch đại”. Kẻ có năng lực này có thể làm một ai đó mạnh lên gấp trăm lần và sở hữu một nguồn năng lượng vô biên. Nhưng người có khả năng “khoếch đại” chỉ gây ảnh hưởng tới kẻ khác trong khi bản thân không thể tự bảo vệ. Do đó, họ hoàn toàn là những con ắt chủ bài của kẻ thống trị.

Thứ ba là năng lực “điều khiển”. Người có năng lực này sẽ là kẻ nắm giữ chiếc remote control và thế giới chính là cái television. Họ có thể ra lệnh và mọi người nhất nhất làm theo mà không hề mẩy may thắc mắc. Nói cách khác, họ biến mọi người thành con rối để sai bảo. Nhiều chuyên gia đánh giá năng lực này là nguy hiểm hơn cả và cho tới nay người sở hữu nó chỉ có một. Không ai nhớ kẻ đó là ai, người ta truyền miệng nhau qua các truyền thuyết cổ xưa. Họ gọi hắn là Ngài Làm Đi. Khi Ngài Làm Đi ra lệnh “Hãy làm đi!” thì không một ai dám cãi lời. Thời kì đó là giai đoạn đen tối của thế giới vì cả con người lẫn vampire, after-vampire đều mất khả năng tư duy. Năng lực này từng bị xem là không có thật và hiện nay vẫn còn là tranh cãi lớn.

Hấp thụ- khuếch đại- điều khiển, chưa bao giờ cả 3 khả năng này xuất hiện cùng một lúc. Mỗi thời đại đi qua chỉ có một năng lực như vậy tồn tại, sau đó thì nó mất đi và năng lực thứ hai xuất hiện. Chưa bao giờ ba năng lực đó cùng tồn tại trong một thời điểm. Điều đó có nghĩa là không ai biết giữa chúng có tương tác như thế nào. Ví dụ như năng lực hấp thụ có thể hấp thụ được sự điều khiển hay chính năng lực điều khiển khống chế năng lực hấp thụ. Đó là câu hỏi rất khó tìm ra đáp án…

Fiona đọc say sưa. Bây giờ cô đã hiểu rõ ràng hơn. Nếu nói after-vampire mạnh hơn loài người thì chính là nhắc đến những “tài lẻ” này. Con người tiến bộ dựa vào bộ óc thông minh còn after-vampire thống trị thế giới nhờ các siêu năng lực. Thử hỏi công bằng ở đâu chứ? Như thế thì loài người quả là thiệt thòi rồi…

Fiona lật sang trang tiếp theo rồi trang tiếp theo nữa. Sách nhắc đến nhiều gia đình quý tộc và mô ta tài lẻ của họ. Fiona nhìn thấy rất nhiều cái tên quen thuộc, họ đều là bạn bè cùng trường với cô. Trước giờ Fiona không hề biết cái cậu Joson- bạn của Geric lại là thành viên của tộc Botlian. Những người này có thể trở nên vô hình và biến những thứ họ chạm vào cũng thành vô hình. Fiona nhíu mày không tin nổi. Cô chưa bao giờ chứng kiến Joson sử dụng năng lực đó. Qủa nhiên sự hiểu biết của Fiona còn nhiều hạn hẹp.

Cuối cùng khi đã đọc hết cuốn sách Fiona thất vọng vì nhận ra tác giả chẳng đề cập gì tới gia tộc Cédile d’Argenlieu Chandernagor, Leclerc de Gaulle hay Pleven Barjot. Cô tò mò không biết ba gia đình này có cái gì hơn người mà ai ai cũng nể sợ. Chỉ có một số ít học viên trong trường là biểu hiện năng lực rõ ràng. Như cái anh chàng Luke Stoll luôn luôn mặc đồ trắng và đội nón len, làn da anh ta trắng bệch và cơ thể như thỏi băng di động. Mùa hè, Luke là “máy điều hòa” cho cả trường. Các học viên sẽ tìm cách lôi kéo anh ở gần để tiết kiệm tiền điện!? Ngược lại, vào mùa đông, họ tránh Luke như tránh tà. Chỉ cần 3 giây đứng nói chuyện với anh sẽ có cảm giác như con gà trụi lông bị nhét vào tủ lạnh 3 tiếng đồng hồ… Xét cho cùng những người như Luke bất đắc dĩ không thể giấu giếm tài năng. Những kẻ khác thì thích phô trương năng lực với mọi người. Fiona chưa bao giờ nhìn thấy Beckendorf Gordon bước đi. Anh ta luôn im lìm và lười chuyển động nhưng chỉ thoắt một cái là biến mất rồi lại đột ngột xuất hiện. Beckendorf rất tự hào về truyền thống gia đình Gordon-những người chạy đua với vận tốc âm thanh. Anh chàng sử dụng năng lực mọi lúc mọi nơi và hiển nhiên trở thành một tay sai vặt lý tưởng. Một vài người bạn của Beckendorf thường nhờ anh lấy hộ tập vở mỗi khi họ bỏ quên ở nhà, việc này chỉ mất chưa đầy 1 phút. Beckendorf là học trò yêu quý của cô Clarisse. Anh đã giúp cô đoạt giải giáo sư xuất sắc khi chạy sang Châu Phi bắt về một con thú ăn kiến làm “vật mẫu” cho bài giảng “Các loài sinh vật miền sa mạc”. Ấn tượng hơn là việc này chỉ mất 40 phút thay vì nhiều tháng trời. Điểm sai sót duy nhất đó là con vật tội nghiệp đã chết ngay sau khi kết thúc bài giảng. Có lẽ vì nó không chịu nổi sự di chuyển thần tốc hay sự thay đổi khí hậu đột ngột…

Fiona chỉ biết có vài người như vậy trong khi hầu hết các học viên khác trông rất bình thường. Họ hiếm khi phải xài tới tài lẻ. Cô cứ tưởng chỉ có những after-vampire may mắn mới sở hữu một sức mạnh đặc biệt. Fiona chợt nhớ tới gia đình mình. Cô chưa từng thấy Geric bộc lộ khả năng của anh. Fiona tự hỏi liệu Geric có sức mạnh gì. Ngoài ăn và ngủ thì hầu như anh ta chẳng làm gì khác. Bà Nancy cũng bình thường như con người nếu không kể chuyện bà thường uống một cốc máu trước khi đi ngủ. Ông Charles thường hay vắng nhà và cũng chưa khi nào có biểu hiện đặc biệt. Gia đình Cédile d’Argenlieu Chandernagor có tài năng gì? Fiona vô cùng tò mò. Cô quyết định sẽ hỏi cho rõ vào ngày mai.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN