Truyện Siêu Thực Lãng Mạn
Trí Khôn Lão Râu Kẽm
Bóng tối bao trùm. Sương khuya lắng xuống những con hẻm nhỏ.
Một bóng đen lướt đi trong màn đêm tĩnh mịch.
Ánh đèn nhập nhoạng bên nẻo đường tối sâu hun hút.
“Oẳng… oẳng… oẳng…” Âm thanh tức tưởi từ đâu đó rất xa vọng lại.
Loạng choạng… “rù rù rù…rrr” Tiếng động phát ra từ chiếc xe gắn máy.
Để lại phía sau tiếng chó sủa ầm ĩ.
Một nhà bật đèn.
Hai nhà bật đèn.
Nhà thứ ba.
Cứ thế…
Lần lượt… những căn nhà trong hẻm Bà Tó đèn điện sáng trưng.
6 h sáng.
Người người trong thôn bàn tán:
“Thật không thể chấp nhận được. Bọn chúng không còn xem pháp luật ra gì nữa.”
“Bọn này quá manh động.”
“Nếu không có người chống lưng cho, thì chúng có gan không?”
“Còn phải nói. Bọn này liều lĩnh lắm! Nếu chúng ta mà phát hiện thấy chúng thì nên tránh đi. Chúng nó sẵn sàng tấn công chúng ta bằng súng điện đấy! Không vừa đâu.”
“Cứ đà này. Đất nước có mà loạn.”
“Ối dào! Chó trong thôn đã bị chúng bắt gần hết rồi kia kìa. Nước loạn chỉ còn một sớm một chiều thôi.”
“Hây… biển đảo dậy sóng. Thôn làng thấp thỏm. Kiểu này không biết phải sống thế nào đây.”
…
Ông Tư râu kẽm vẫn nằm ngủ khì khì. Bà Tư đánh thức mấy lượt mới chịu hé mắt nói giọng ngái ngủ:
– Bà này… để người ta nằm một chút cũng không yên.
Bà Tư thở dài ngao ngán:
– Ôi! Chồng với chả con. Thiên hạ nó loạn lên cả rồi kia kìa, còn nằm đó mà ngủ.
Ông Tư nằm úp mặt vào gối, đáp lời vợ:
– Bà làm ơn để tôi yên! Tối qua tôi uống hơi nhiều, bây giờ mệt quá bà nó à! Làm ơn tha tôi.
– Ối dời! Chồng với chả con. Ông cứ say rồi ngủ. Đợi đến khi lũ trộm nó vào nhà vét sạch đồ còn nằm lăn ra đó mà ngủ phỏng? Ối dời ơi!
Ông Tư râu kẽm ngồi bật dậy, hỏi dồn dập:
– Trộm. Có trộm? Nó ở đâu? Nhà ta bị mất trộm ư?
Bà Tư lắc đầu ngán ngẩm:
– Số tôi phải khổ lấy ông làm chồng. Suốt ngày rượu chè be bét có biết gì chuyện thiên hạ đâu. Giặc nó sắp đánh vào tận nhà rồi kia kìa.
Ông Tư cười cười, đánh tay vào vai bà Tư, ánh mắt đểu đểu như trai tơ mới lớn:
– Bà nó, cứ trêu tôi.
– Ông xem. Bọn trộm chó bây giờ hung bạo quá! Vậy mà chẳng ai làm được gì chúng nó. Tôi lo cho con Ki nhà mình thật đấy! Không khéo chúng nó bắt mất thôi.
Ông Tư chợt tỉnh, nói nghiêm túc:
– Bà nói sao? Lại có chó làng mình bị bắt à?
– Ừm, con chó nhà ông La mới bị bắt đêm qua. Con bé Su nhà đó nó khóc còn chưa nín kia. Tội nghiệp!
Ông Tư tay phải đánh vào tay trái của mình, bức xúc nói:
– Sao lại có cái lý như vậy? Không được, tôi phải ra tay rồi.
Bà Tư lắc đầu, thở dài:
– Ôi dào! Lại nói trạng, mình cứ làm như mình thông minh lắm vậy. Thử xem mình làm gì được bọn nó. Ra ngoài đối đầu với bọn côn đồ đó chỉ có mà chuốc họa vào thân.
Ông Tư ánh mắt đăm chiu:
– Bà không tin vào chồng mình sao? Bà đừng tưởng tôi thường ngày say xỉn mà ngu khờ nhé! Tôi sẽ cho bà thấy trí khôn của lão râu kẽm này. – Vừa nói ông vừa vỗ ngực xưng tên.
– Ơ, làm như thánh không bằng. Để tôi xem thử tài ông thế nào?
Ông Tư liền hỏi bà Tư:
– Sắp đến noel chưa?
– Rồi. Khoảng 20 ngày nữa thôi.
– Ồ! Rất đúng lúc.
– Ông định làm gì?
– Bà đi kêu thằng Hai, thằng Ba và con bé Tèn về đây gấp!
Bà Tư ngơ ngác không hiểu chuyện, nói:
– Kêu chúng nó về làm gì? Để chúng yên tâm mà làm việc, đừng phiền chúng nó ông à!
– Bà thật rỗi hơi. Tôi nói bà không nghe sao. Gọi chúng nó về đây hết cho tôi! – Ông Tư râu kẽm lên giọng gia trưởng.
Nửa tiếng sau.
Mấy đứa con của ông có mặt đông đủ. Mấy đứa xếp hàng chờ “nghe chỉ” của ông. Ông Tư bấy giờ mới đằng hắng lấy giọng, nói:
– Mấy đứa bay chuẩn bị mà nghe ta sắp đặt công việc.
“Dạ” Cả bọn đồng thanh.
Ông Tư râu kẽm lần lượt phân công nhiệm vụ cho các con:
– Thằng Hai, từ ngày mai mày sẽ đi cắt cỏ bò cho ba. Nhớ, cắt càng nhiều càng tốt.
Cậu Hai chau mày khó hiểu. Nói với ông râu kẽm:
– Cỏ bò còn nhiều mà ba, cắt làm gì?
Ông râu kẽm trừng mắt:
– Anh cứ làm theo lời ba, không đến phiên anh phải lên tiếng.
– Dạ. – Cậu Hai cúi đầu.
Ông Tư tiếp tục:
– Thằng Ba, qua nhà bác Tờn xin cho ba mày bảy tấm ván lớn. Nếu bác có hỏi thì nói: “thầy cháu xin để đóng chuồng bò.”
Cậu Ba cũng thấy khó hiểu, nhưng vẫn cúi đầu nhận lệnh:
– Dạ!
Đến phiên cô con gái, ông Tư chỉ thị:
– Út, con ra ngoài cửa hàng cô Thị mua cho ba mấy tấm giấy bìa màu xanh, hình vuông, kích thước mỗi cạnh 3 mét.
– Dạ, giấy lớn vậy kia ạ?
Ông Tư lại trừng mắt:
– Cô cũng muốn cãi lời ba như anh của cô hay sao?
Cô Tèn cúi đầu đáp:
– Con không dám ạ!
– Ừm. Phải thế chứ.
Ông Râu kẽm bấy giờ mới quay sang bà Tư nói:
– Còn mẹ nó. Từ giờ trở đi chăm sóc con Ki nhà mình cho tốt vào. Nhớ cho nó ăn nhiều vào nhé! Còn nữa, mẹ nó chịu khó vào chuồng bò xúc cho tôi “mấy xẻng” tôi có việc cần dùng. À, xém nữa thì quên. Chuẩn bị cho tôi mấy bao tải nữa, tôi cần chúng để bày binh bố trận.
Cả ba mẹ con bà Tư ngơ ngác nhìn nhau. Họ không hiểu ông râu kẽm hay say xỉn nhà họ đang muốn làm trò gì nữa. Nhưng họ buộc phải tuân theo lệnh ông. Vì dù sao, ông cũng có vai vế lớn nhất trong gia đình.
Từ ngày đó trở đi. Cả gia đình ông Tư râu kẽm, theo chỉ đạo của ông bắt tay vào kế hoạch có một không hai trên đời. Đến ngày thứ năm thì công việc hoàn tất. Bà Tư vẫn còn chưa chắc lắm hỏi chồng:
– Này ông, liệu có ổn không? Có thật là chúng ta chỉ cần thẳng chân mà ngủ?
– Thật, bà cứ tin ở tôi. Nhất định sẽ tóm gọn bọn chúng.
– Còn sợi dây cước này để làm gì?
– Rồi bà sẽ biết. Cho đến khi tôi thộp cổ bọn cẩu tặc.
Cả nhà đánh liều. Tin vào mưu kế của ông râu kẽm. Thế nhưng, suốt một tuần liền không có hiện tượng gì xảy ra. Chán nản, cô con gái út của ông nói với bố:
– Ba à! Chờ hoài vậy sao?
– Cô hãy kiên nhẫn đi. Làm bất cứ việc gì cũng phải nhẫn nại, đó là bí quyết để thành công đấy.
– Dạ, ráng chờ thêm một ngày nữa vậy.
Đến ngày đầu tuần, thứ hai, vào ngay đêm đó. Cũng đúng hai giờ.
Bóng tối tràn khắp nẻo đường.
Một ánh đèn lấp loáng và cũng… một bóng đen lướt đi… Bọn trộm chó đang ra sức hoạt động.
Cả nhà ông râu kẽm nháo nhác cả lên bởi âm thanh của chiếc lục lạc được buộc vào sợi cước.
Ông Tư vùng dậy miệng nói liên hồi:
– Dính rồi. Dính rồi. Cả nhà. Thức dậy mau!
Cả nhà bật đèn, chạy ào ra ngoài. Vừa lúc chiếc xe máy phóng đi bạt mạng.
Cậu Hai tay vát rựa, lên tiếng:
– Xổng rồi ba. – Ánh mắt ra chiều thất vọng.
Ông Tư liền cười nói:
– Không. Dính rồi. Không tin thì vào đấy rọi đèn mà xem.
Cả nhà xách đèn pin đến gần phía chuồng bò. Rọi đèn xuống dưới đất. Mấy đứa con ông Tư và bà vợ của ông “ồ” lên:
– Ba nói đúng. Dính rồi.
Chẳng là:
Ông Tư nghĩ ra một kế để bắt trộm. Ông chỉ đạo cho mấy đứa con buổi tối đến, lựa thời điểm thích hợp để đào một cái hồ sâu gần năm mét gần chuồng bò. Ông sai cậu Ba đi xin bảy miếng ván về ghép thành cái nắp đậy. Rồi sai cậu Hai đi cắt cỏ bò để ban ngày phủ lên miếng ván che mắt mọi người. Tối đến lại tiếp tục đào hố. Sau khi đã hoàn tất công việc, mới dùng tấm giấy màu lớn phủ lên trên mặt hố, còn rải cỏ lên trên để ngụy trang. Một tuần liền ông xích con Ki gần chuồng bò, cách miệng hố đã ngụy trang khoảng ba mét. Đất đào từ dưới hố lên được nhét vào mấy bao tải chất xung quanh để một lối đi duy nhất vào chỗ xích con Ki.
Bọn bắt trộm chó muốn tóm được con mồi chỉ có một con đường duy nhất đó là đi qua cái miệng hố đã được ngụy trang nối với một sợi dây cước dẫn vào nhà buột với cái lục lạc đầu giường ngủ ông Tư.
Bọn trộm chó thường đi một xe gắn máy với hai người, một kẻ đứng ngoài vặn ga, còn một đứa vào tận nơi để bắt chó. Ai dè vừa chui đầu vào đã đạp lên bề mặt tấm giấy, rơi tỏm xuống hố. Tên ở ngoài thấy tình hình bất ổn thì cắm đầu cắm cổ bỏ chạy. Để lại một tên còn nằm dưới hố, mình mẩy lấm lem phân bò.
Bà Tư phục chồng sát đất nói:
– Tôi vẫn không hiểu vì sao ông lại cho đào cái miệng hố hình tròn?
Ông Tư cười đáp:
– Vừa gọn, vừa trơn như thế chúng sẽ không bò lên được. Hơn nữa, tôi có dự định chuyển chuồng bò đi nơi khác, còn nơi này sẽ đào một cái giếng. Sắp tới tôi cho thằng Hai và thằng Ba tiến hành công việc luôn. Tôi gom hai ba chuyện lại xử lý cùng một lúc, vừa bắt được trộm vừa đào được giếng. Đó gọi là “nhất tiễn hạ song điêu.” Khà khà khà…”
Bà Tư thất kinh, nói:
– Nhưng còn… lý do vì sao ông lại bảo tôi xúc phân bò cho vào hố?
Ông Tư giải thích:
– Làm như thế vừa cho bọn bất lương này nếm mùi phân bò, vừa để cho chúng không bị té gãy cổ. Đó coi như là ân huệ mà tôi dành cho bọn chúng rồi. Giả như, tôi thay phân bò bằng chong sắt thì chắc mấy tên này ăn đủ.
Cả nhà ông Tư cười ầm ĩ. Ngay đêm đó. Ông Tư gọi điện cho công an phường xuống bắt tên trộm giải đi.
Một tuần sau.
Ông Tư râu kẽm được tuyên dương trước tổ dân phố. Với danh hiệu: “Công dân xuất sắc, thông minh và đầy sáng tạo.”
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!