Tuổi Thơ Dữ Dội - Chương 14: Phần thứ năm (2)
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
105


Tuổi Thơ Dữ Dội


Chương 14: Phần thứ năm (2)


9

Trong ba-ti-măng, Thúi, Ngạnh và mấy người già yếu xúm lại chăm sóc Lượm –
Trận đập lộn không cân sức làm Lượm gãy mất hai răng cửa – Trong đó có
cái răng sứt, mũi bị dập – máu mũi, máu miệng chảy đỏ lòm ướt cả vạt áo
trước ngực. Đuôi mắt trái bị rách, cặp môi sưng vều và khắp mình mẩy
không chỗ nào không bầm tím. Hai bàn tay Lượm vẫn còn chảy máu vì đấm
phải răng Lép-sẹo. May mà Lượm không bị hai thằng lính ngục quẩt roi
vào. Thúi cởi phăng cái áo đang mặc, ngồi xuống, lựa chỗ sạch lau máu
trên mặt Lượm. Vừa lau nó vừa mếu máo khóc.

Thằng Ngạnh bị cú đá vào
giữa ngực của Lép-sẹo đau đến muốn tắt thở. Sau cú đá nó thoáng nghĩ: “E mình chắc chết”. Nó nhắm nghiền mắt, người uốn cong lại như con cuốn
chiếu, đợi đón nhận cú đá thứ hai, thứ ba của Lép-sẹo – nhưng thật không ngờ, chính Lép-sẹo lại bị ngã nhào xuống nền xi măng, sát ngay cạnh nó. Nó nằm gần như chết lặng vì kinh ngạc, hai mắt mở tròn xoe nhìn Lượm
nhào tới cưỡi đè lên bụng Lép-sẹo, túm lấy tóc hắn mà dộng đầu xuống nền xi măng côm cốp! Vẻ mặt giận dữ đến điên cuồng của Lượm trong khoảnh
khắc đó, hằn sâu và chói sáng trong ký ức Ngạnh mãi đến tuổi lớn khôn.

Chính cái vẻ giận dữ điên cuồng của Lượm lúc trừng trị Lép-sẹo đã kéo nó ra
khỏi tình trạng khiếp nhược bấy lâu nay, và làm sống lại trong trái tim
thơ dại của Ngạnh niềm kiêu hãnh của người chiến sĩ du kích. Khi thấy cả băng Lép-sẹo như đàn chó ngao, la ré chồm vào cắn xé Lượm, nó liền vùng ngay dậy, loạng choạng đến chỗ góc tường sát hai cái hố xí hỏng. Ở đó
có một cái hốc nhỏ nhưng khá sâu mà chỉ một mình nó biết. Nó móc trong
hốc ra một cái đanh hai mươi phân. Cách đây hai tháng, sau khi bị mấy cú đá, cái tát đầu tiên của Lép-sẹo, nó đã đổi hai vắt cơm tù cho một
thằng bé khác lấy cái đanh này. Nó cặm cụi, bí mật mài mũi đanh lên nền
xi măng cho đến khi nó nhọn hoắt như mũi dùi. Nó định bụng sẽ dùng mũi
đanh đâm chết Lép-sẹo để rửa nhục nhưng rồi nó không dám. Nó sợ không đủ sức giết chết Lép-sẹo mà có thể chính nó bị Lép-sẹo đâm chết trước bằng dao găm. Nó đã trông thấy con dao găm đó, Lép-sẹo thường dắt ở cạp
quần, phía sau lưng. Cuối cùng, nó tìm cái hốc này và dấu cái đanh vào
đó. Mỗi lần bị Lép-sẹo hành hạ, đánh đập nó lại nghĩ đến cái đanh và ấm
ức khóc một cách cay đắng vì sự hèn nhát của mình. Lần này, nó quyết
dùng cái đanh để đâm Lép-sẹo, cứu Lượm, người đã liều chết bênh vực nó.. Nhưng vừa định chạy về chỗ đánh nhau, nó bất thần ngã quỵ, không sao
gượng đứng lên được. Nó kiệt sức. Nó ốm gần tuần nay và hai hôm vừa rồi
không có hột cơm, hột cháo nào vào bụng.

Đám đánh nhau tan. Nó bò bốn chân đến với Lượm, trong bàn tay vẫn thủ chặt cái đinh – Thúi đang chậm máu trên môi và đuôi mắt sưng vều của Lượm. Nó cố hết sức nâng đầu Lượm lên rồi chuồi cái áo rách của nó xuống dưới, làm gối cho Lượm.

Ông cụ uống nước lã như uống sâm, mang cái lon nước còn lại mấy ngụm, đưa cho Thúi nói:

– Cháu cho chú ấy uống vài ngụm cho tỉnh.

Ông cụ bắt rận móc túi áo ra một gói giấy vàng ố. Ông cẩn thận mở gói ra.
Bên trong đựng chừng ba muỗng đường cát đã chảy nước, hào phóng trút bớt một nửa vào lon nước rồi thò luôn tay trỏ vào lon nước ngoáy ngoáy cho
tan đường. Thúi đưa lon nước cho Ngạnh cầm, cố hết sức đỡ Lượm dậy, mếu
máo dỗ dành:

– Anh cố uống tí nước đường cho tỉnh anh… Nước đường của các ông cho đó.

Ngạnh kề miệng ống bơ vào cặp môi sưng vều của Lượm mà mười lăm phút trước Lượm kề vào môi nó

Ông cụ cho nước nhìn Lượm khó nhọc, đau đớn nuổt từng ngụm nước, nói với mấy ông bạn già giọng cảm kích:

– Tui gần bảy chục tủôi đầu, mắt tôi ngó thấy hàng trăm trận đập lộn,
người lương thiện đập lộn nhau cũng có, quân trộm cắp đập lộn nhau cũng
có nhưng chưa từng thấy ai đập lộn nhau dữ tợn như cái chú ni – mà cũng
chỉ để bênh vực người bị ức hiếp, “Lộ kiếm bất bình, loạt kiếm tương trợ – giữa đường gặp chuyện bất bình, rút ngay gươm giúp đỡ!”. Thì ra bậc
hảo hán không cứ chi phải vai năm tấc rộng, lưng mười thước cao như Từ
Hải.

10

Để sửa sang lại thật nhanh thành phố Huế vừa chiếm được,
bọn Pháp cần rất nhiều nhân lực. Nhà lao Thừa Phủ đã cung cấp một nguồn
nhân lực khá lớn cho hàng trăm công sở mọc lên ngày một nhiều trong khắp thành phố. Chỉ riêng việc phục hồi xây dựng lại nhà máy điện bị ta đánh sập hoàn toàn trong thời kỳ mặt trận Huế, mỗi ngày bọn giặc đã lấy gần
hai trăm tù đến làm việc – gọi chung là làm cỏ-vê nhiều công sở khác
cũng lấy tù làm cỏ-vê. Nhiều không kém: Kho đạn, kho quân nhu, nhà máy
xe lửa, nhà máy Hải quân v.v… Để đáp ứng được đòi hỏi nhân lực ngày càng tăng, quân giặc ra sức càn quét bắt bớ dân chúng khắp các làng mạc
chúng chiếm đóng, không chỉ riêng Thừa Thiên mà cả Quảng Trị, Quảng
Bình. Tất cả, chúng đều gọi là Việt Minh, bất kể ông già, con nít. Những tháng đầu năm 1947, số tù bị bắt đưa về lao Thừa Phủ đã lên tới gần hai ngàn. Bởi vậy nhà lao đã biến thành một trại tập trung khổng lồ, ô hợp
hỗn độn hết chỗ nói.

Sáng sớm từ sáu giờ, ô tô các công sở có lính
mang súng đi áp tải, từ khắp các ngả đường trong thành phố rùng rùng
chạy đến, đỗ thành dãy dài trước cổng lao, nhận tù đi làm. Bốn đến năm
giờ chiều, ô tô lại chở tù về trả nhà lao.

Làm cỏ-vê phần lớn hết sức nặng nhọc, anh em tù nhân phải lao động dưới những trận mưa roi và báng súng của bọn lính gác. Phần lớn bọn này là lính Âu Phi. Tất cả vốn
liếng tiếng Việt của chúng chỉ gồm có mất tiếng “Việt Min – mao lên”.
Những tiếng không biết chúng thay bằng roi [bad word] bò và báng súng.

Tuy vậy tất cả tù đều thích đi làm cỏ-vê. Tuy phải lao động nặng nhọc, bị
đánh đập, nhưng suốt ngày họ được ở nơi thoáng đãng, khỏi phải ngửi mùi
cứt đái, được tắm táp, và may mắn hơn, có thể có dịp trốn tù.

Một số
công sở, thỉnh thoảng bọn giặc cho tù bánh mì, cơm, thức ăn thừa, đồ hộp hỏng… Những người tù nào may mắn rơi vào các công sở này được coi như
vớ bở.

Khổ nhất vẫn là người tù già yếu, tù con nít, những người bị
giam xà lim, ca-sô. Họ không bao giờ được đi ra ngoài. Ngày ngày, họ
phải làm công việc dọn vệ sinh cứt đái trong các ba-ti-măng. Bọn lính
ngục, nhất là tên chúa lao. Một Điếu đánh đập họ suốt lượt – Bởi vậy, họ nhìn những người tù sáng sáng bước ra khỏi cánh cửa sắt, lên xe đi làm
cỏ-vê, bằng ánh mắ thèm thuồng ghen tị.

Đến chiều, họ chen chúc trước cửa sắt, đón các toán tù đi làm về, xin nước, xin thức ăn thừa. Cũng có một số ít người cho, nhưng phẩn đông họ đều ngoảnh mặt làm ngơ, thu
giấu những lon nước, lon đồ ăn thừa dưới vạt áo… Thằng Thúi, với sự tháo vát của con nhà kẻ khó thích nghi rất nhanh với hoàn cảnh. Nó kiếm được hai ống bơ, đục lỗ, buộc quai, luồn lách qua chân những người lớn, nhoi ra đứng phía trước. Toán tù nào đi qua nó cũng chìa hai ống bơ ra, hỏi
xin với giọng vật nài, thật tội nghiệp:

– Cho con xin hớp nước lạnh chú! Tội con lắm chú nờ.

Giọng kêu xin và dáng còm nhom của Thúi làm cho cả những người sắt đá cũng
phải động lòng. Bởi vậy mà chiều nào nó cũng xin được đầy hai ống bơ
nước, có khi đồ ăn, đem vào ba-ti-măng cho Lượm và thằng Ngạnh. Một mình nó bây giờ phải nuôi hai người ốm, không khôn ngoan, tháo vát sao được! Có lần nó xin được cả một miếng thịt bò hộp bằng nắm tay. Nó xách lon
đựng thịt bò chạy như bay vào ba-ti-măng đặt xuống cạnh Lượm và Ngạnh,
mắt sáng long lanh vì vui thích và đắc chí trước kỳ công vừa lập được.

– Thấy chưa, thịt bò hộp chính hiệu đó nghe! – Nó moi miếng thịt bò trong lon, đưa ra trước mặt hai bạn, giọng khoe khoang, hứng chí. Nó bẻ cục
thịt làm hai, đút cho Lượm một miếng và Ngạnh một miếng. Còn nó thì mút
mười đầu ngón tay. Mút khá cẩn thận.

Thúi kết thân thêm được một đứa
bạn mới trong cái buổi chiều đầu tiên ra xếp hàng lĩnh vắt cơm. Bốn giờ
rưỡi chiều. Tù đi làm cỏ-vê các công sở về gần đông đủ. Từ trên chòi
canh một hồi kẻng dóng dả vang lên. Khắp sân lao, hàng ngàng cái miệng
tù nhại lại tiếng kẻng:

– Cơm! Cơm! Cơm!

Vừa reo nhại, vừa túa ra
sân lao đằng trước, tự động xếp thành hàng năm, dọc theo bờ tường suốt
từ đầu sân đến cuối sân. Tất cả ngồi trệt xuống đất, mắt hau háu nhìn ra cổng lao. Hai tên lính ngục cầm hai cây gậy tre dài như hai cây sào,
trèo lên ngồi lắt lẻo trên cành cây cơm nguội, như hai con vượn. Hai tên này có nhiệm vụ kiểm soát tù lĩnh cơm, đề phòng những tù nhân lợi dụng
lúc lộn xộn lĩnh hai vắt, hoặc chạy vòng ra phía cuối xếp hàng lĩnh thêm vắt nữa.

Bọn cai thầu bếp nhà lao khiêng từ bên ngoài vào bốn chiếc
băng ca chất đầy cơm vắt. Mỗi vắt cơm khoảng hai bát cơm lưng úp lại.
Một cái chảo lớn han rỉ, đựng muối mỏ mà thoạt nhìn Thúi tưởng phèn
chua. Nó lo lắng nghĩ bụng: “Ăn cơm với phèn chua thì ăn rằng được hè?”

Phần đông những người tù già yếu và bọn tù con nít xếp gần cuối hàng. Trong
số này có mất đứa trong bắng Lép-sẹo. Thúi nhận ra chúng vì lưng, mặt,
cổ đứa nào cũng vắt ngang vắt dọc những làn roi. Chúng vừa nhìn thấy
Thúi từ xa, đã chỉ trỏ, xì xào.

– Hắn đó. Chính thằng nớ!

– Không có hắn la tiếp cứu chuyển lao thì thằng tê bữa ni coi như rồi đời!

– Tổ cha hắn! Răng mà miệng hắn nhỏ như cái khu gà mà la to đến rứa không biết! – Một thằng chửi, tay sờ lên vành tai rớm máu vì bị roi quất –
Hắn làm tau chút nữa sứt mất tai. Tau sẽ xẻo tai hắn cho bay coi!

– Lãnh cơm xong tụi ta xúm lại dần nhừ xương hắn ra nghe.

– Nhưng tau khiếp cái miệng hắn lắm bay nờ…

Những câu bàn tán ấy lọt tai Thúi. Chân nó tự nhiên khựng lại. Nó muốn quay
lại, co giò chạy vô ba-ti-măng với Lượm. “Tụi hắn đập mình chết mất!
Chẳng thà nhịn đói còn hơn!”. Nó nghĩ vậy. Chưa kịp bỏ chạy, Thúi bỗng
nghe có tiếng gọi:

– Ê! Thằng to miệng. Xếp vô đây mi! Đây còn chỗ, – Một đứa trạc tuổi nó, mặt mũi liến láu, mắt tròn xoe, gọi Thúi, chỉ một chỗ trống bên cạnh.

Thúi nhìn nó, ngần ngừ một lúc, rồi bước tới ngồi xuống. Hàng của hai đứa cách hàng tụi băng Lép-sẹo hai hàng.

– Anh nớ mô rồi?

– Đang nằm trong tê.

– Anh nớ ghê thật! Đập Lép-sẹo dập cả sống mũi, đầu sưng như trái bưởi,
lại gãy cái răng cấm. – Giọng thằng bé trầm trồ thán phục.

– Đồ
Lép-sẹo đã thấm béo chi! – Thúi nói to cốt cho tụi ngồi sau nghe tiếng. – Hồi đánh nhau ở Huế, anh ấy còn lấy đá ghè vỡ tan đầu một thằng Tây đen to như cột đình.

– Chắc anh nớ có võ?

– Không có võ mà đập chết được lính Tây đen?

– Rứa mi?

– Cũng biết ít miếng nhưng giỏi răng bằng được anh nớ,

– Rứa mi với anh nớ làm chi mà bị bắt?

– Giật bom đồn Hộ Thành. Mi chưa nghe nói à? Rứa mi làm chi?

– Tau là Lanh, liên lạc của du kích huyện Phong Điền. Tau chưa được giật
bom, nhưng súng mút-cơ-tông được bắn hơn chục phát nghe!

– Đồ súng mút-cơ-tông ăn thua chi! Giật bom mới khiếp!

Ở với Lượm mới ít lâu mà giọng thằng Thúi bán kẹo gừng đã ra vẻ là một Vệ Quốc Đoàn kỳ cựu, xông pha trận mạc đã nhiều.

Từng hàng năm người một đi lĩnh cơm. Vắt cơm tù vừa nhỏ, vừa sống, vừa khê.
Cũng khối anh tù định giở trò xập xí xập ngầu cuỗm thêm vắt nữa. Nhưng
Bốp! Bốp! Bốp! Những cú gậy sấm sét từ trên cây cơm nguội phang tới tấp
xuống đầu xuống cổ, làm họ phải thả vội vắt cơm định cuỗm xuống đống
cơm. Tuy chúng kiểm soát gắt gao như vậy nhưng vẫn khối anh vớ được hai
vắt. Đặc biệt tài tình là tụi băng Lép-sẹo. Chúng nhanh, liều mạng và
dạn đòn không thể tưởng tượng được! Chúng làm cho hai thằng lính ngục
trên cây cơm nguội phải hoa cả mắt. Chúng múa gậy quất tứ tung, la hét:

– Tụi bay định ăn cướp hả? Định ăn cướp hả?

Thằng Thúi nhìn cảnh tượng đó, rụt cổ, lè lưỡi nói:

– Tham chi thêm vắt cơm, bị bể đầu như chơi!

– May nhờ, rủi chịu, sợ cóc chi! – Thằng Lanh nói giọng cười cợt, – Không may, bể đầu chảy máu. May được thêm vắt cơm nữa thì no. Đến lượt tau,
tau cũng liều cú chơi…

– Bốp! Bốp! Bỏ xuống! Bỏ vắt cơm xuống ngay.
Cố tổ bay! – Tiếng gậy phang, tiếng hai tên lính ngục thét lác oang
oang. – Muốn no răng không chịu ở nhà làm ăn, lại đi làm cộng sản!

Thúi co rúm người như chính nó đang bị đánh:

– Ui chao! Họ đập hơn đập chó! Tề, tề!… Mi coi anh nớ bị đập sứt tai, máu chảy đỏ cả mặt! – Thúi giật giật tay thằng Lanh chỉ một anh tù đang lau máu trên mặt. Nhưng thằng Lanh còn mải nhìn chỗ khác. Nó hoác miệng
cười, reo lên:

– Ơ hơ! Anh tù điên! Anh tù điên!

Nhìn theo tay
Lanh chỉ, Thúi thấy trong hàng người bước đến lĩnh cơm, có một người bộ
dạng và ăn mặc rất kỳ cục, tức cười. Đầu anh ta đội cái mũ chằm bằng bìa cứng, cuộn thành hình phễu, giống như cái mo dài úp trên vại tương. Mũ
có quai cẩn thận, bằng dây thép, vòng qua cằm. Cái áo vét-tông đũi xé bỏ cổ và hai ống tay áo, cái quần “soóc” còn mới nhưng rách trước rách sau như tự ý xé ra. Anh ta trạc bốn mươi tuổi, râu ria lởm chởm, mặt mũi
lem luốc như bôi nhọ nồi. Ngực anh ưỡn ra đằng trước, giơ cao hai chân,
vừa bước vừa hô ắc ê; bước đến lĩnh cơm như lính đi diễu binh.

Nhiều người vỗ tay:

– Hoan hô điên! Hoan hô điên!

Anh tù điên hô to:

– Gác-đơ-bu! Pờ-rê-dăng-tê! Ừ! – Anh đứng nghiêm trước mặt tên đầu bếp
phát cơm, gõ hai gót chân đánh bộp, đưa tay lên vành mũ các-tông, chào
theo lối nhà binh:

– Bông-dua mông li-ơ-tơ-năng! Moa đói cái bụng! Don-nê moa hai vắt!

– Vắt vắt cái con c…! – Thằng phát cơm chửi và đưa cho anh ta một vắt cơm – A lê cút!

Anh điên vẫn đứng nghiêm, một tay cầm vắt cơm, tay kia vỗ bụng bồm bộp:

– Moa đói bụng! Don-nê thêm một vắt tí ti!

Bộ điệu anh làm thằng phát cơm phải phì cười.

Hắn đưa cho anh thêm một vắt bị mẻ mất một miếng, rồi co chân đá bốp vào đít anh:

– Phút-lăng-căng mẹ mày đi!

Anh điên cầm vắt cơm đưa lên miệng, tưởng sắp cắn ăn. Nhưng không. Anh giơ
cao chân bước đi theo nhịp ắc-ê và dùng vắt cơm làm cái kèn thổi:

Tìn tìn tin tin tèn tèn tọn

Tèn tèn tin tin tọn tọn tèn

Thằng Thúi há hốc mồm nhìn anh tù điên không chớp mắt, ngạc nhiên thích thú
giống như lúc nó nhìn các ống điếu trên miệng Một Điếu nói mà không rớt. Nó bật cười lên:

– Hơ, hơ!…

Thằng Lanh phải giật tay nó, kêu:

– Lĩnh cơm đi mi!

Hai đứa cùng hối hả chạy lên, đuổi theo những người cùng hàng.

Lanh chạy vội quá, vấp vào cái cáng băng-ca, ngã chúi mặt xuống đống cơm. Thằng phát cơm quát:

– Tổ cha mi! Chạy đi mô mà như chạy đi ăn cướp rứa hả?

Lanh gượng đứng dậy, rụt đầu, rụt cổ, một tay luồn vào vạt áo rộng thùng thình, ôm bụng, miệng la bai bải:

– Tui lỡ! Tui lỡ! Các bác đừng đập tui mà tội! – Lanh chìa bàn tay không
ôm bụng ra nhận vắt cơm, mặt nhăn nhó, mếu máo. Nhìn điệu bộ nó, ai cũng tưởng nó đang bị cái que nhọn thọc vào giữa ruột.

Thúi đứng cạnh
Lanh, chìa tay ra nhận vắt cơm, nhưng mắt vẫn ngớp ngó theo anh tù điên – Lanh phải huých cùi tay vào sườn nó ra hiệu. Hai đứa cầm hai vắt cơm
chạy ra một góc sân lao, cố ý tránh xa bọn trong băng Lép-sẹo đang ngồi
túm tụm dưới chân tường đá dãy câ-sô. Thúi lo lắng hỏi bạn:

– Cậu bổ rứa có đau không?

– Cậu tưởng tớ bổ thiệt à? – Lanh hỏi lại, cặp mắt lé hấp háy ánh lên vẻ
tinh nghịch. Nó rút bàn tay đang ôm bụng ra khỏi vạt áo. – Coi đây này!

Té ra trong bàn tay nó là một vắt cơm nữa. Nó nhìn Thúi, cười hề hề:

– Tớ giả đò bổ đó chứ! Vừa chúi xuống đống cơm là tớ đớp luôn một vắt đút vào trong áo, rồi giả đò như đang ôm bụng, đứng lên, làm cho tụi hắn mờ mắt không đập. Nó chắp chắp miệng, giọng tiếng rẻ, nói thêm: “Cơ chi
bàn tay tớ to bằng bàn tay người lớn thì tớ đã cầm thêm được một vắt
nữa”.

Thúi trầm trồ:

– Cậu tài thiệt! Còn tài hơn cả mấy ông làm xiếc bán dầu cù-là ở chợ Đông Ba! Nì, ta chạy ra chỗ tê coi anh điên đi!

– Điên thì có chi lạ mà coi! Anh điên nớ bị bắt vô tù mấy tháng ni, chiều mô phát cơm anh cũng làm kiểu đó. Rứa cậu chưa khi mô thấy người điên
à?

– Có chớ! Nhưng anh điên ni nhó tức cười ghê lắm!

11

Sân nhà lao lố nhố đen đặc những người là là người. Tất cả một màu xám xịt, đen lam láp như một đàn cua vừa được móc dưới bùn lên. Người đi lại, người
đứng, người ngồi xổm, hoặc ngồi bệt xuống đất hai cẳng chân dang rộng…
Họ bày những vắt cơm vừa lĩnh lên nón, lên mũ, lật ngửa, lên giấy báo,
lên những ngọn lá bàng rụng… Họ cắm cúi, mải miết ăn một cách đói khát,
them thuồng.

Trên chóp tường bao quanh sân lao, bọn lính ngục vác
súng đi đi, lại lại. Trong số này có một tên lưng gù gù, mặt ngắn mà to
bè bè, đầy trứng cá và mụn cóc, chân đi vòng kiềng như kiểu hề Sáclô.
Hắn tên là Lai, dân hoàng phái, anh em tù gọi hắn là Mệ-Lai-tàn-tật.
Mệ-Lai-tàn-tật đánh tù rất tàn bạo. Cả nhà lao ai cũng sợ hắn, chỉ có
anh điên là không sợ, lại còn bày trò trêu chọc.

Trong lúc mọi người
ăn cơm, anh tù điên không ăn, hai tay cứ cầm lăm lăm hai vắt cơm, đi
song hàng với Mệ-Lai-tàn-tật phía dưới chân tường. Trên chóp tường,
Mệ-Lai-tàn-tật đi tới, anh đi tới, đi lui anh ta theo lui. Lưng anh ta
cũng làm bộ gù gù, chân cũng đi vòng kiềng, kiểu hề Sáclô, bộ dạng giống Mệ-Lai-tàn-tật, không chê được. Trên cao, Mệ-Lai sờ mặt, anh ta cũng
sờ mặt, sờ mũi, anh ta sờ mũi, quạu mặt, trợn mắt, anh ta cũng quạu mặt, trợn mắt… Tù ăn cơm xong, xúm lại coi anh ta làm trò mỗi lúc một đông.
Bóng Mệ-Lai nắng chiều đổ dài xuống sân lao, anh tù điên cứ nhè đầu cái
bong mà dẫn chân lên, miệng hô ác ê, ác ê. Mọi người ôm bụng cười. Vỗ
tay rần rần. “Bờ-ra-vô-điên! Bờ-ra-vô-điên”. Mệ-Lai-tàn-tật tức lộn ruột đứng lại, chửi xuống:

– Tổ cha thằng điên!

Anh tù điên nhìn ngược lên, chửi trả:

– Tổ cha… cha… thằng điên!

Mệ-Lai càng cáu, cúi xuống định nhặt cái gì để ném, nhưng không tìm thấy, liền chỉa sung xuống, lên quy-lát lắc cắc doạ bắn.

Anh tù điên nằm lăn đùng ra đất, chổng hai chân lên trời đạp đạp gió về phía mặt Mệ-Lai, miệng la như người bị cắt cổ:

– Xô-vêmoa! Xô-vêmoa!1 Ông Một Điếu ơi! Mệ-Lai-tàn-tật phơ2 moa on cú! Moa chết nhăn răng củ kiệu.

Thúi xem anh điên làm trò, thích thú. Nó xán lại gần anh ta, cười ngặt nghẽo.

Anh điên bất thần đứng bặt ngay dậy, trợn mắt, méo mồm nhìn Thúi. Điệu bộ
anh ta nhìn dữ tợn như sắp chồm tới đập nó. Thúi hoảng sợ định bỏ chạy
nhưng vướng phải những người đứng chen chúc phía sau. Anh điên dộng hai
vắt cơm vô túi vét-tông, nhảy tới chụp lấy cánh tay Thúi, lôi tới sát
trước mặt anh. Thúi sợ đến kêu không thành tiếng. Anh điên bỗng ngoác
rộng miệng cười. Vẻ dữ dằn trên gương mặt lọ lem của anh vụt biến mất.
Anh giả giọng Tây lơ lớ hỏi to như quát:

– Toa, bé con Viết Min? Bùm, Bùm! Đồn Hộ Thành!

Thúi chẳng hiểu mô tê, cứ gật đại. Anh điên móc túi áo, lấy vắt cơm nguyên,
rồi lật ngửa bàn tay Thúi ra, đặt vắt cơm đánh bộp vào giữa lòng bàn
tay. Anh trợn mắt quát:

– Moa, don-nê! Don-nê! Cho! Cho! A-lê phút, lăng-căng!

Anh cúi xuống phát vào đít nó, rồi lại nhe răng cười không thành tiếng.
Đang sợ hết hồn mà vẻ ngộ nghĩnh bất ngờ của anh điên làm Thúi phải bật
cười theo.

Nó lách vội ra ngoài tìm Lanh. Nó chìa vắt cơm anh điên cho ra trước mặt Lanh, cười tít mắt.

– Cậu thấy chưa? Tớ nói không sai mô! Anh điên ni lạ mà tức cười ghê lắm! Biết cả tớ Bùm bùm đồn Hộ thành nghe!

Lanh cũng cười theo:

– Ở tù lắm lúc cũng vui gớm! Chừ ta đem cơm vô ăn chung với anh Lượm và
thằng Ngạnh hỉ. Rứa là bốn đứa được bốn vắt, cũng tàm tạm. Cơm hết rồi,
chắc tụi hắn làm lơ cướp cơm mấy người đau nằm lại trong ba-ti-măng.

Thúi trố mắt nhìn Lanh hỏi:

– Cậu liều mạng xoáy cho được vắt cơm đem lại cho?

– Vệ Quốc Đoàn với du kích mà không cho nhau được vắt cơm răng cậu? – Giọng Lanh đầy vẻ trách móc.

12

Sân lao Thừa Phủ nhập nhoạng tối. Từ trên chòi canh một hồi kẻng chói ngắt
vang lên. Kẻng báo giờ tù phải chui vào các nhà ngục. Tụi lính ngục đi
vòng quanh các chop tường, la hét, quát nạt.

– Vô hết! Vô hết! Năm phút nữa thằng mô còn xớ rớ ngoài sân, ăn đạn chớ trách!

Một toán lính ngục khác cầm gậy, roi [bad word] bò, dùi cui từ bên ngoài
chạy rầm rập vào xua tù vào các ba-ti-măng. Khi tù đã vô hết, chúng đóng sập các cánh cửa niềng sắt, khoá lại.

Cả hai ba-ti-măng nghẹt cứng
tù nhân, tối thui như trong hang. Tiếng la hét, cãi lộn, chửi bới tranh
giành nhau chỗ nằm rào rào nổi lên tứ phía. Ồn ào, hỗn độn hết chỗ nói.
Khoảng nửa giờ sau, tiếng huyên náo ồn ào dần dần lắng xuống. Mọi người
đã nằm yên tại chỗ của mình. Lác đác có tiếng ngáy, tiếng nói mê.


nhân nằm trần trên nền xi măng, ép sát vào nhau như cá trong hộp. Họ nằm kín cả đường đi ở giữa, không còn hở một chỗ để len chân.

Không khí
mỗi lúc một thêm oi bức, ngột ngạt. Mấy cái hố tiêu ngập ngụa cứt đái
lúc này bốc hơi càng dữ. Mùi hôi thối không chỗ thoát, đặc quánh lại,
tưởng có thể lấy tay mà vốc được.

– Thúi chi mà thúi lắm ri trời!

– Cần chi phải bắn, phải chém! Đêm mô họ cũng cho ngửi cứt ri cũng đủ thối phổi mà chết.

– Tụi hắn ác đến nước ni mà trời Phật mô không hiện ra vật chết cho bà con nhờ!

– Trời Phật mô vật được tụi hắn! Tụi hắn thì phải có Vê-cu-đê mang bom vô vật như ở đồn Hộ Thành mới xong!

Tiếng kêu la, nguyền rủa, ca than phẫn uất, chốc chốc lại nổi lên, xé toạc mùi hôi đặc quánh và bóng tối.

Khốn khổ nhất ba-ti-măng trong đêm là mấy người già yếu và tụi tù con nít.
Sức yếu, họ bị những người khoẻ lấn ép, dồn đẩy mỗi lúc một gần sát bậc
thềm cầu tiêu. Gần như họ phải nằm lên cứt, nước đái, giẻ rách và giấy
lau đít.

Lượm nằm cách thềm hố xí chỉ mấy bước chân. Mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi, làm nó muốn ngạt thở. Nhưng nó chẳng buồn nhúc nhích,
cựa quậy. Khắp người nó chỗ nào cũng đau như có ai lấy sống dao mà dần.
Những cú đấm, đá, đạp của Lép-sẹo và tụi “băng” của hắn đến lúc này mới
ngấm đến tận xương. Trước đây, cái răng cửa của Lượm bị sứt mất một nửa
nên cả đội mới đặt cho biệt hiệu: Lượm-sứt. Bây giờ cái răng sứt và cái
răng lành bên cạnh cũng gãy nốt, trở thành cái lỗ hổng “trổ cửa cho voi
vô ỉa”, in hệt mấy đứa bạn sún răng mà ngày còn đi học Lượm hay trêu
chọc làm chúng phải nổi cáu.

Hai môi Lượm bị dập, giờ càng sưng vều.
Lúc chiều, Thúi và Lanh đưa cơm vào, nó chỉ ăn được mấy miếng. Nhai cơm, hai hàm răng và cặp môi nó đau buốt như nhai mảng chai. Nó bật rên đau
đớn và nằm vật xuống nền xi măng. Sau đó nó thiếp đi không còn hay biết
gì nữa. Khoảng nửa đêm, nó chợt bừng tỉnh dậy. Nó muốn cựa trở mình,
nhưng không sao cựa nổi…

Chợt có tiếng hỏi thì thào, sát bên tai Lượm:

– Hôi thúi lắm hả anh?

– Ngạnh đó à? Răng mi không ngủ, thức làm chi?

– Đầu tui nhức quá, không ngủ được… Hay anh lấy cái áo tui đắp lên mũi cho đỡ thúi!

– Cũng chẳng hơn chi! Kệ, cứ để cho hắn thúi! Đã nếm mùi tù thằng Tây thì cứ nếm cho hết. Tụi hắng còn cái món chi gớm hơn cái món cứt, nước đái
ni thì cứ đem hết ra đây! Tau mô có ngán!…

Hai mắt Lượm mở thao láo,
trừng trừng nhìn bóng tối ngột ngạt. Một nỗi hối tiếc ghê gớm từ góc xó
nào đó trong trí nhớ, lại chồm ra dày vò Lượm. “Cái bữa đó mình không
ngu, biết đánh lừa tụi chó béc-giê, thì chừ đang nằm với cả đội ở chiến
khu rồi, chứ mô phải chịu gãy răng, dập mặt, nằm ngửi cứt ở đây. Làm
lính trinh sát mà ngu độn như mình thì phải chịu như ri cũng đáng đời
lắm. Nó thở dài cay đắng, uất ức. “Chỉ thương chỉ huy trưởng thôi – Nó
miên man suy nghĩ – Chắc lúc ni ông cũng đang phải nằm trần trụi trên
nền ca-sô hôi hám như mình ở đây. Khát hớp nước cháy cổ cũng chẳng biết
nhờ ai lấy cho. Mình ở đây còn sướng hơn ông, cần chi đã có thằng Thúi,
con Ngạnh, chừ lại thêm cả thằng Lanh nữa, xúm lại giúp đỡ” – Lượm đưa
tay quờ quạng sờ ba đứa bạn đang nằm ép sát hai bên mình, tự nhiên nó
thấy ấm lòng lại. Cực khổ đến đâu mà có bạn thì cũng không đến nỗi, vẫn
còn chịu được, còn đứng vững được… “Anh ơi, sáng mai mà em bớt đau, nhúc nhích được, răng em cũng tìm được cách liên lạc với anh, tiếp tế nước
cho anh. Làm răng anh lại để cho tụi hắn bắt được? Vệ-to-đầu, mi là đứa
khôn ngoan tài giỏi nhất đội, mi đi làm liên lạc, bảo vệ chỉ huy trưởng, mà mi lại chịu để cho ông bị bắt? Hay là lúc đó ông đi một mình, không
có mi? Ông đã ăn mặc, cải trang như rứa, mà vẫn bị bắt, chắc phải có đứa biết mặt ông, chỉ điểm cho Tây… Đứa mô chỉ điểm? Hay chính lại thằng
Thành, thằng Nguyễn Trì? Việc ni nhất định mình phải dó tìm cho ra, rồi
tìm cách nhắn lên chiến khu. Nhưng chưa chừng mình chưa kịp làm chi thì
đã chết vì tay thằng Lép-sẹo và tụi đàn em của hắn…” – Lượm nghĩ vậy, vì sực nhớ lúc chiều ngồi ăn cơm, thằng Lanh kể với thằng Thúi và con
Ngạnh: Trưa nay vừa ngồi dậy được là thằng Lép-sẹo lôi ngay con dao găm
dắt trong lưng quần, đem ra mài vào thành bể ở giữa sân. Vừa mài dao,
hắn vừa nghiến răng kèn kẹt, nói với tụi đàn em bâu quanh: ”Tau phải
thọc lút con dao ni vô giữa ngực hắn! Tức là thọc vô ngực mình đó! – Còn hắn thì không còn tau, còn tau thì không còn hắn!”

Theo thằng Lanh
thì Lép-sẹo không giống như những đứa khác, nói phách lác, nói doạ. Hắn
đã nói là hắn làm. chết hắn cũng làm. Cách đây chưa đầy một tháng, hắn
và tụi đàn em, vào lúc nửa đêm, đã trùm bao bố lên một anh tù to lớn như Tây Lê Dương, rồi hè nhau lấy gạch đá đập vỡ đầu anh, chỉ vì anh này đã bợp hắn một tát tai. Tụi lính ngục phải bỏ anh này lên băng-ca, khiêng
vô nhà thương. Nghe đâu anh ta nằm thương được ba ngày thì chết… Nghĩ
tới đó, Lượm thấy ruột gan bồn chồn, xao xuyến và ớn lạnh dọc xương
sống.

Từ hôm bị bặt đến nay, Lượm đã trải qua nhiều phút căng thẳng,
hiểm nguy, nhưng chưa lúc nào nó cảm thấy lo lắng, sợ hãi như lúc này.
Nó hình dung trong cảnh tối thui như lúc này, mình đang ngủ say, một cái bao bố bỗng trùm lên mặt. Mình chưa kịp cựa quậy thì một lưỡi dao đã
thọc vô giữa ruột… Mình chết mà không kịp kêu lấy một tiếng…

Tự nhiên Lượm ứa nước mắt… Một con dòi từ trên trần rơi đúng giữa mặt nó. Trước
viễn cảnh ghê rợn của cái chết, con dòi không còn làm nó thấy ghê tởm
nữa. “Mình chết chôn xuống đất thì bọn dòi bọ còn lúc nhúc đầy mình!” Nó chua xót nghĩ vậy, và đưa tay bắt con dòi, ném đi. Nó bỗng chạm tay vào một đứa ngồi ngay gần sát đầu mình. Tim nó muốn ngừng đập, run rẩy hỏi:

– Ai đó?

– Tui đây. Ngạnh đây!

– Răng mi không ngủ mà ngồi đó làm chi?

– Tui ngồi canh tụi hắn cho anh. – Ngạnh thì thầm trả lời – Tụi hắng mà
mò qua đậy chụp bao tải lên anh là tui lay thằng Thúi dậy để hắn la tiếp cứu, thức hết cả lao dậy, tụi hắn phải sợ, không dám đâm. Anh coi đây
này. – Ngạnh mò tìm bàn tay Lượm, gại, gại vào lòng bàn tay Lượm một cái đầu đanh hai mươi phân nhọn hoắt.

– Hắn mà đụng vô người anh là tui đâm liền. Mình chừ có bốn anh em, sợ chi tụi hắn!

– Ừ hè. – Lượm lúc này mới sực nghĩ ra – Đúng là chừ mình đã có bốn
người, bằng quân số một tổ chiến đấu của Đội ngày còn ở mặt trận Huế…

Chính ý nghĩ này làm Lượm bình tâm trở lại – nỗi sợ hãi tiêu tan dần. Nó đưa
bàn tay tìm nắm lấy bàn tay Ngạnh. Trời, bàn tay nó giống hệt bàn tay
Vịnh-sưa, bàn tay con nít mà đã có chai, có cạnh. Lượm nói, giọng cảm
kích.

– Cậu khôn thiệt, đúng là chính hiệu liên lạc của du kích, chết thì thôi, chứ không chịu khai chôn súng! Cậu đã nghĩ ra cái điều mà tớ
ngu quá, chẳng nghĩ ra: Chừ mình có bốn anh em mà toàn du kích với Vệ
Quốc Đoàn. Lẽ mô ta lại sợ mấy thằng ăn trộm, ăn cắp?

13

Lanh là
một trong những người tù đầu tiên bọn Pháp đưa về giam ở lao Thừa Phủ,
sau ngày thành phố bị giặc chiếm. Do đó, nó thông thạo đủ mọi chuyện ở
trong lao.

Nhờ nó mà Lượm được biết, trong hai dãy ca-sô đối diện với ba-ti-măng hai, bọn giặc giam những người tù đặc biệt. Đêm đêm, chúng
thường đưa xe đến chở một số người bị giam ở đây, mang đi và không bao
giờ thấy mang về trả. Chắc là chúng đưa đi thủ tiêu. Do đó mà tù họ gọi
dãy ca-sô này là “ca-sô âm phủ“. Có lần, chiều hôm trước ca-sô nào cũng
có người. Sáng hôm sau tất cả đều trống không. Rất nhiều lần, chúng vào
gọi tên một số người ở hai ba-ti-măng, bắt ra tập hợp trước sân. Những
người này hí hửng tưởng sắp được thả ra. Không ngờ, chúng xích tay rồi
tống luôn vào “ca-sô âm phủ“. Hiện nay, trong dãy ca-sô âm phủ, chúng có giam một người mà cả nhà lao ai cũng biết tên, đó là cụ Võ Nguyên Than, thân sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nghe đâu chúng bắt được cụ ở
Quảng Bình, đem về giam ở ba-ti-măng một. Một hôm, tên Chánh Sở mật thám Phòng Nhì nói với cụ “Ông già không tốt. Ông già có người con cứng đầu
dám chống lại quân đội Pháp hùng mạnh. Ông già sinh con mà không biết
dạy con”. Cụ Than cười ngạo, vuốt râu trả lời. “Tôi đẻ con ra, chưa kịp
dạy thì con đã bỏ nhà đi làm cách mệnh. Chừ tôi muốn dạy thì còn mô ở
đây mà dạy? Vậy tôi nhờ quân đội Pháp hùng mạnh đi bắt giúp con tôi về
đây, để tôi dạy thử, coi con tôi có chịu nghe không”. Thằng chánh mật
thám tức quá, tát cụ gãy hai cái răng, rồi ra lệnh tống cụ vào “ca-sô âm phủ“.

Hơn ba chục tù con nít trong lao. Lanh đều biết tên, quen mặt, và còn biết rõ từng đứa tại sao bị bắt và bị bắt trong trường hợp nào.
Riêng “băng” của Lép-sẹo, trước kia có mười bốn đứa. Tháng trước chết
mất hai, chừ còn lại mười hai. Cả hai đứa đều chết vì bị bệnh ỉa chảy.
Không biết tụi hắn ăn phải cái chi, đi ỉa suốt hai ngày hai đêm rồi
chết. Tụi băng Lép-sẹo toàn đứa không cha, không mạ, chuyên nghề ăn cắp, móc túi ở khắp các chợ trong thành phố.

Có đứa đi ăn cắp, móc túi
thì khi mới sáu, bảy tuổi. Riêng thằng Lép-sẹo người ta đồn mới đẻ ra
hắn đã biết ăn cắp. Họ kể, mạ hắn vừa đẻ hắn khóc oe oe, bà mụ bồng tắm
cho hắn. Tắm xong bà mụ thấy cái nhẫn vàng đeo ở ngón tay biến mất. Bà
ta tưởng cái nhẫn tuột ra, rơi chìm trong chậu tắm. Nhưng khi đổ hết
nước vẫn không thấy cái nhẫn. Bà ta tiếc điên người. Lúc đó bà ta mới
chú ý một bàn tay của thằng con nít bà vừa tắm, nắm chặt khư khư. Bà vặt bàn tay hắn ra thì thấy cái nhẫn vàng nằm giữa lòng bàn tay.

Trong
băng Lép-sẹo có mấy thằng, người nhỏ quắt queo nhưng hung dữ, gan liều
gớm ghiếc lắm, đến cả Lép-sẹo cũng phải gờm. Hồi mới vô lao, trong một
trận đập lộn, một thằng đã cắn đứt tai một thằng khác.

Trong số ba chục tù con nít, có khoảng chục đứa là Liên lạc Uỷ ban kháng chiến xã, huyện, của du kích, bộ đội địa phương.

Có mấy đứa bị bắt chỉ vì dại. Chúng đi chơi thấy có giấy chi ai vứt giữa
đường, lượm đem về định phất diều, té ra giấy đó là truyền đơn Việt
Minh. Bất ngờ gặp tụi “Rê-vê-cu” đi roỏn, rứa là tụi hắn tóm cổ luôn,
tống vô lao.

“Chỉ tại mù chữ cả thôi!” – Thằng Lanh buồn rầu kết luận – Tui mà gặp giấy đó chắc tui cũng lượm. Hồi cách mạng mới lên, tui có
đi học bình dân, đã hơi hơi biết đọc. Nhưng rồi Huế đánh nhau, tui mắc
việc chạy liên lạc cho du kích, bỏ mất mấy buổi học, rứa là quên trợt.
Mạ tui nói tại tui ham ăn nhiều cơm cháy nên thành tối bụng tối dạ, học
mô quên nấy, chứ lúc còn nhỏ thì cũng sáng láng lắm.

Lượm an ủi nó:

– Chuyện chi trong tù mi cũng biết, kể lại đầu đuôi vanh vách la mi thong minh lắm, tối bụng răng được! Mấy bữa nữa tau bớt đau, tau sẽ dạy cho
mi, thằng Thúi học…

Ngạnh liền nói chen vào:

– Anh dạy giúp cho cả tui nữa hí?

– Ừa, còn đứa mô chưa biết chữ tụi bay rủ hết cả lại, tau dạy cho một
thể. Tau chỉ dạy cho tụi bay một tháng là truyền đơn Việt Minh đọc làu
làu.

Thằng Lanh còn kể:

– Tụi băng Lép-sẹo cậy đông, cậy “đại ca
Lép-sẹo” võ nghệ cao cường, tha hồ ăn hiếp những đứa khác. Đứa mô mới vô tù cũng bị tụi hắn xúm lại đập một trận ra oai. Tui cũng bị tụi hắn
đập, đập rất tàn bạo, còn hơn cả trận đòn Một Điếu, không chết là may!
Đập cho thất kinh rồi tụi hắn bắt phải làm đầy tớ cho tụi hắn. Đêm ngủ,
mình phải ngồi đấm lưng, gãi ghẻ cho tụi hắn ngủ. Lĩnh được vắt cơm cũng phải bẻ bớt đưa cho tụi hắn một phần vắt. Đứa mô không đưa, hoặc đưa
ít, tụi hắn xúm lại cho mũi ăn trầu ngay!

Tụi lính ngục bắt tụi tù
con nít phải dọn cứt đái cầu tiêu cả hai ba-ti-măng. Vài ngày một lần,
phải lấy lon múc cứt đái đổ vô cái thùng to, xách ra cái hố sân lao tê
mà đổ. Không có lon thì phải lấy tay mà bụm cứt. Tụi Lép-sẹo không đứa
mô chịu dọn, bắt tụi tui phải dọn thay. Đã không dọn, tụi hắn còn đứng
ngoài bịt mũi, trêu chọc, bợp tai, đá đít, giả bộ làm lính Tây chửi tù
đi làm cỏ-vê: “Viết Min! Mao lên! Viết Min! Mao lên!”. Áo quần, chân tay tụi tui đứa mô cũng thúi hoăng mùi cứt…

14

“Mình không lanh tay
đối phó trước, để tụi hắn kịp xông vô, mình mất mạng như chơi”. Những
chuyện thằng Lanh kể về băng Lép-sẹo làm Lượm bật lên ý nghĩ đó. Ý nghĩ
nung nấu đầu óc nó, giúp nó lấn lướt được cơn đau như bị sống dao dần
khắp người. Sang hôm sau, nó gắng hết sức để đứng lên, mặc dầu đầu óc nó còn choáng váng, tay chân còn run rẩy và vừa đứng lên chưa được một
phút, nó đã muốn nằm dài ngay xuống nền xi măng. Toàn thân nó đau nhức
không sao chịu nổi. Nó cố sức, chống chọi với sự yếu đuối, đớn hèn của
bản thân. Nó cắn răng để khỏi bật lên tiếng rên, giận dữ tự mắng nhiếc
mình: “Mi là đồ tồi! Rứa mà cũng mang danh Vệ Quốc Đoàn! Thằng kẻ cắp bị đòn còn nặng hơn mi, rứa mà hắn đã vùng ngay dậy mài dao quyết trả thù, còn mi là Vệ Quốc Đoàn thì nằm dài ra đó mà than vãn, kêu đau, rồi chịu xuôi hai tay chờ tụi hắn tới chọc dao vô giữa ruột!”

Thấy Lượm đứng, dựa lưng vào tường, mặt quạu cọ, miệng cứ lẩm bà lẩm bẩm. Thúi phát
hoảng. Nó tưởng Lượm đau quá đã hoá rồ. Nó níu tay Lượm, năn nỉ:

– Anh nằm xuống mà nghỉ, đứng là chi rứa cho đau thêm? Anh có khát không? Tui đi kiếm nước cho anh uống hí?

Vẻ hốt hoảng, lo lắng của Thúi làm Lượm cảm động. Nó nhìn Thúi, nước mắt
rưng rưng: “Một thằng lạ hoắc, tự nhiên mắc kẹt vô đời mình rồi bỗng trở nên thân thiết với mình hơn cả an hem ruột thịt. Rồi chỉ với vũ khí là
cái miệng la thật to, mà cứu mình thoát khỏi nguy hiểm!… Nếu không đi Vệ Quốc Đoàn, không tham gia kháng chiến, làm chi gặp được những chuyện lạ đời như rứa!”. Ý nghĩ đó làm Lượm đang muốn khóc mà tự nhiên bật cười.

Lượm vịn vai thằng Thúi nhúc nhích đi lại trong ba-ti-măng. Nó nói nhỏ với Thúi:

– Tụi băng thằng Lép-sẹo đang hầm hầm mài dao mưu giết hai anh em mình.
Mình ngu chi nằm dài ra đó để chờ tụi hắn xông vô giết? Anh em mình bị
giết chết ở đây, tụi Tây hắn càng mừng, rứa là bớt đi được hai thằng
Việt Minh!

Thúi hoảng sợ, thì thầm hỏi lại:

– Rứa chứ an hem mình mần răng?

– Mi không lo, tao đã có cách. Giết được anh em mình có mô dễ!

Trưa hôm đó, Lượm tập đi lại một lúc. Sau khi đã đi được không phải vịn vai
Thúi nữa, nó nhờ Ngạnh và Lanh dẫn di gặp những đứa mà nó biết chắc là
bị bắt vì tội làm liên lạc cho Uỷ ban, du kích. Tất cả có bảy đứa, trạc
tuổi Lượm và Thúi. Đứa nào áo quần cũng rách rưởi như tổ đỉa, nước da
xanh bủng xanh beo, ghẻ lở đầy người, chấy rận như sung. Khi nhắc tới
tụi băng Lép-sẹo, đáy mắt đứa nào cũng loé ánh thù hận.

Sau cái hôm
Lép-sẹo bị cái “anh đánh đồn Hộ Thành” – chúng gọi Lượm như vậy – đập
cho một trận ngắc ngư, đứa nào trong bụng cũng thấy như mình được trả
thù. Chúng liếc nhìn bản mặt du côn tím bầm, méo mó của Lép-sẹo với ánh
mắt hả hê. Ánh mắt của chúng như muốn nói: Mi tưởng mi ăn hiếp được tui
tau mãi à? Chừ đã có Vệ Quốc Đoàn binh tụi tao nghe! Chúng cầu ước Lượm
đập Lép-sẹo thêm vài trận nữa, đập chết thì càng tốt. Để từ đây chúng đỡ khổ vì hắn.

Bởi vậy khi nghe Lượm rủ chúng đi vào ba-ti-măng bàn
chuyện hệ trọng, chúng hớn hở đi theo ngay. Lượm ngồi dựa lưng vô tường, các bạn ngồi vây tròn chung quanh. Một vài đứa trong băng Lép-sẹo thập
thò ngoài cửa, tò mò, xét nét nhìn vào. Lượm trừng mắt, bặm môi nhìn lại chúng. Chúng chột dạ, tháo lui ra sân. Lượm hỏi tên, tuổi, về trường
hợp bị bắt của mỗi bạn. Nghe xong, Lượm nói giọng chê trách.

– Các
cậu đều là liên lạc của Uỷ ban, của du kích bộ đội địa phương, rứa mà
chịu để cho tụi ba de móc túi đánh đập, bợp tai, đá đít, sai khiến chi
cũng phải chịu. Tớ thấy lạ quá! Có đời thuở mô một thằng liên lạc của du kích lại đi ngồi đấm bóp, gãi ghẻ cho một thằng ăn cắp ở chợ Đông Ba!

– Nhưng tụi hắn đông – Một đứa cãi lại – Cả các anh tù lớn cũng phải sợ tụi hắn.

– Tụi hắn gan mà liều mạng gớm lắm! Một đứa khác nói chen vào.

– Tụi hắn đông, các cậu thì ít à? – Lượm hỏi lại giọng gay gắt. – Chỉ
ngồi ở đây thôi cũng đã có mười một đứa. Còn tụi hắn, mười hai đứa, thua kém chi nhau? Tụi hắn gan, các cậu không gan à? Mà tụi hắn chỉ có gan
móc túi, gan ăn cắp. Còn anh em mình toàn gan đánh Tây. Hỏi ai gan hơn?

– Nhưng tụi hắn kết bè với nhau…

– Tụi hắn kết bè, tại răng anh em mình lại không biết kết bè? Anh em mình chịu ngu thua tụi hắn à? Mà theo ý tớ, ta không thèm kết bè theo kiểu
tụi du côn, ăn cắp. Tụi ta sẽ thành lập một đội, y như đội du kích rứa.
Các cậu có đồng ý không?

– Đồng ý! Anh nói đúng đó! Ta thành lập một
đội rồi choảng nhau với băng của hắn, chết thì thôi! – Một đứa là liên
lạc của Uỷ ban hành chánh kháng chiến xã Phong Lai đứng phắt ngay dậy
hùng hổ nói. Tất cả đều háo hức hưởng ứng.

– Đúng đó! Lập ngay đi! Lập xong ta kéo ra đập tụi hắn luôn.

– Gớm, làm chi mà hăng máu vịt. – Lượm bật cười nói – Theo ý tớ, mục đích của đội ta không phải chỉ để đập lộn. Nếu tụi hắn gây sự thì ta đập,
nhưng nếu tụi hắn biết sợ, rút lui trước thì thôi. Đã đập nhau, tụi hắn
sứt đầu chảy máu thì anh em mình cũng hộc máu mũi máu mồm.

– Không đập lộn nhau với tụi hắn thì ta lập đội ra để làm chi?

– Thiếu chi việc. – Lượm nói. – Theo ý tớ thì như ri: Từ giờ trở đi, mười một anh em mình sẽ ở chung lại một chỗ như một tiểu đội du kích tập
trung, ăn cùng ăn chung, làm chi cần làm chung, cần đập lộn ta cùng đập. Sẽ không một cậu mô chịu làm đầy tớ cho tụi hắn, và cho bất cứ ai. Lĩnh cơm không phải bẻ ra cúng cho tụi hắn. Việc dọn cứt cầu tiêu, phần của
tụi hắn, tụi hắn phải tự làm lấy, phần của mình tụi mình làm. Nếu tụi
hắn giở trò, đập một anh em mô trong đội, cả đội sẽ a vô đập lại. Ngoài
ra, anh em mình tìm cách giúp đỡ các anh bị giam trong dãy ca-sô âm phủ. Các anh trong nớ toàn Việt Minh hạng nặng cả. Họ là cấp chỉ huy của anh em mình cả đó nghe. Lính không giúp đỡ cấp chỉ huy còn giúp ai? Ông
Phùng Đông, chỉ huy trưởng mặt trận khu C hiện cũng đang ở trong đó. Ông đang nằm khát cháy cổ, không biết nhờ ai lấy cho hớp nước… cả cụ Võ
Nguyên Than, người đã sinh ra đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng bị tụi hắn
hành hạ bỏ đói, bỏ khát. Các cậu nghĩ coi có đứt ruột không?

Nghe
Lượm nói đến đó, nhiều đứa tự nhiên rơm rớm nước mắt. Ngạnh gục vào vai
Lượm khóc lặng lẽ. Lượm cũng khóc, nó đưa tay quệt nước mắt, nói tiếp:

– Việc trước nhất của anh em mình là hằng ngày ta chịu khó kiếm nước trong, chuyền vô ca-sô, tiếp tế cho các anh, các cụ.

– Làm được như rứa thì tốt quá, anh Lượm hè! – Thúi bật lên nói.

– Nhất định anh em mình làm được! Các cậu có đồng ý như rứa không?

– Đồng ý! Đồng ý! – Tất cả nhao lên tán đồng.

Lanh nói giọng hối hận, buồn rầu:

– Việc như rứa mà anh em tui mấy lâu chẳng nghĩ ra. Tệ thiệt! – Rồi nó
nhấp nhổm chỉ chực đứng lên xách ống bơ đi kiếm nước trong để tiếp tế
cho các anh trong “ca-sô âm phủ“.

15

– Khi mô thì đội mình ngủ tập trung? – Một đứa là liên lạc của Bộ đội địa phương huyện Hương Trà hỏi Lượm.

– Ngay tối nay!

– Nhưng lấy chỗ mô mà ngủ cho đủ cả đội? – Một thực tế nan giải và gay
gắt đặt ra cho Lượm, làm nó ngồi lặng đi một lúc, sững sờ, bối rối.

Các bạn đang ngồi ở đây, từ trước đến nay ngủ tản mác, mỗi đứa một nơi, ở
cả hai ba-ti-măng. Đêm qua, lần đầu tiên Lượm, Ngạnh, Thúi, Lanh ngủ
cùng với nhau một chỗ. Chỗ ngủ quá chật, bị người lớn chen lấn phải dồn
sát đến gần cầu tiêu. Nếu nằm sát hơn nữa thì phải nằm lên cứt và nước
đái từ trên cầu tiêu tràn xuống. Bây giờ thêm bảy đứa nữa thì lấy đâu ra chỗ. Nhưng nếu cứ ngủ tản mác mỗi đứa một nơi như cũ thì cái đội mới
lập ra này sẽ vã ra như một vắt cơm ngâm nước. Một hạt cơm tự nhiên rời
khỏi vắt cơm.

Lanh nói cho Lượm biết tụi băng Lép-sẹo cũng ngủ chung
thành một dãy dài ở bên ba-ti-măng hai. Chỗ mà Ngạnh sợ hãi không dám
nằm ở đằng kia là Lép-sẹo chiếm thêm để thỉnh thoảng hắn sang nằm chơi
với một người tù lớn tuổi vốn trước đây là một tên du côn kết thân với
hắn.

Cuộc đời chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn tuy còn rất ngắn ngủi nhưng cũng
đã dạy cho Lượm một điều quan trọng. Điều kiện trước tiên để làm nên sức mạnh của một đơn vị chiến đấu, là phải cùng ăn, cùng ngủ, cùng sinh
hoạt. “Thằng đầu trộm đuôi cướp cũng khôn ngoan biết như vậy – Lượm cay
đắng nghĩ bụng. – Không phải vô cớ mà Lép-sẹo cho cả băng hắn ngủ tập
trung thành một dãy”.

Lượm chán nản đưa mắt nhìn khoảng còn lại trong ba-ti-măng, lầy nhầy cứt đái và dòi từ trên trần nhà rơi xuống lộp bộp
như gạo rác – những con dòi long lá, ngo ngoe đang bò thành đàn, thành
lũ. Muốn ngủ được phải quét dọn sạch sẽ nền xi măng. Nhưng vô ích. Chỉ
sau một đêm là nước phân ngập ngụa trên cầu tiêu sẽ tràn xuống tận chỗ
nằm.

Lượm đi lại chỗ mấy ông cụ nằm ở góc cạnh cửa ra vào, hỏi
chuyện. Các cụ cho biết, ngày các cụ mới vào tù, cả hai hố cầu tiêu đều
không tắc. Nhưng tù càng ngày càng đông, càng hỗn tạp. Nhười ta nhét
giấy, dẻ lau, cả đất đá nữa xuống lỗ, tích tụ lâu ngày hoá tắc.

– Có cách chi thông cho hết tắc không cụ?

– Thấy nhớp nhúa, hôi hám quá nên cũng có nhiều người tìm cách thông. Họ
lấy gậy thọc, uốn dây thép móc nhưng không ăn thua. Càng thông, càng móc lại càng tắc hơn.

Ông cụ bị bắt vì có con trai là Vệ Quốc Đoàn, nhìn về phía hai cầu tiêu nói:

– Chừ có người mô dám cả gan thọc tay xuống lỗ moi hết những thứ mắc kẹt ra thì may có thể thông được.

Bọn trẻ xúm lại quanh ông cụ, trợn tròn mắt nhao nhao hỏi:

– Thọc tay vô giữa cái vũng cứt đái lều bều đó a cụ?

– Phải đó các cháu ạ. Nhưng gớm ghiếc như rứa ai dám?

– Nếu thông được thì tụi cháu cũng không ngán cụ ạ. Chỉ lo không thông
được thôi… Tây, mật thám an ninh tụi cháu không ngán, ngán chi đồ cứt
đái!

Trong cơn cáu giận Lượm bật lên nói vậy. Nhưng nói xong nó bất
giác rùng mình. Sự dơ bẩn gớm ghiếc kia gây cho Lượm cái cảm giác kinh
khiếp còn hơn cả những trận đòn tra tấn của tụi an ninh.

Nghe nói vậy các bạn đều trố mắt nhìn Lượm. “Chắc là anh nói trạng chơi rứa chứ đời
mô anh dám móc”. Những cặp mắt của các bạn như nói với Lượm vậy. Chính
cái vẻ lườm đó đã làm Lượm nổi xung, muốn liều mạng. Em vụt cởi phăng
áo, nói với Ngạnh và Thúi giọng như quát:

– Hai đứa bay chạy ra cái chỗ hố phân xách cái thùng hốt cứt vô đây cho tao!

– Để tui ra lấy cho! Tui biết chỗ. – Lanh miệng nói, chân chạy ra khỏi ba-ti-măng.

Thúi nhìn Lượm run rẩy hỏi:

– Anh móc thiệt à?

Nghe Thúi hỏi, Lượm càng nổi xung:

– Tau đã nói từ giờ trở đi, mi đừng hỏi tau câu đó! Thiệt à? Thiệt à? Tau đã nói láo với mi khi mô?

Và ngay lúc đó, Lượm vụt hiểu rằng bây giờ mình không còn thụt lùi được
nữa. Nó đã qua song và chặt cầu sau lưng. Nếu nó thụt lùi, cái đội mới
lập này sẽ lập tức tan rã, vì các bạn không ai tin mình nữa. Và tụi băng Lép-sẹo sẽ xông vô ăn thịt mình…

Thằng Lanh chạy vào, tay xách cái
thùng sắt chuyên dung để hốt phân. Nó lót miếng giấy ở chỗ tay xách, mặt ngoảnh sang một phía khác như lúc người ta xách con chó chết hay con
mèo chết đã có dòi.

Lượm lẳng lặng cầm lấy cái quai thùng, ném miếng giấy lót quai vào thùng, rồi bước thẳng tới dãy cầu tiêu.

Với vẻ bất cần của người quyết liều mạng, nó lội luôn vào vũng phân lõng
bong, nổi lều bều những giấy, những giẻ rách và từng đám dòi ngo ngoe,
ngọ nguậy trèo lên những vật nổi lều bều đó thành từng núi như núi rác.
Chúng lập tức bám vào hai ống chân Lượm và ngo ngoe, ngọ nguậy, trèo
ngược lên phía đùi. Vẻ mặt của Lượm lúc này là vẻ mặt của người sắp nôn
oẹ. Đứng từ xa nhìn lại các bạn đều nghĩ rằng Lượm sẽ nhào trở ra.

Lượm đặt cái thùng xuống bên cạnh, rồi cúi xuống thọc tay vào vũng phân. Bọn trẻ rùng mình tưởng chừng như Lượm đang thọc tay vào bếp than đỏ. Nhiều đứa bật kêu lên ”úi”.

Lượm móc lên một nùi giẻ và giấy lầy nhầy
phân, ném vào thùng. Nó móc tiếp, móc tiếp, lôi lên từng nùi lớn nhỏ nào giấy, nào giẻ, nào lá, nào cỏ và cả gạch vụn, đá vụn. Cánh tay Lượm mỗi lúc một thọc sâu xuống hơn. Đến khuỷu tay, đến bắp tay, rồi đến tận
nách. Mỗi lúc Lượm càng phải cúi gập người, mặt gần sát vào vũng phân.
Lúc này, Lượm phải rướn cao cổ hết mức để phân và dòi khỏi chạm vào cằm. Nó đã móc gần hết nửa thùng những thứ mắc kẹt dưới lỗ cầu tiêu. Mùi
thối xông lên nồng nặc cả ba-ti-măng, đứng từ xa mà các cụ và bọn trẻ
đều phải đưa tay bịt mũi.

Cái tin “Chú Vệ Quốc Đoàn đánh đồn Hộ
Thành” đang dung tay móc thông hố cầu tiêu, chỉ một loáng đã lan khắp
sân tù, sang ba-ti-măng hai, và các dãy xà lim, ca-sô. Những người tù
đau ốm, các cụ già, tụi tù con nít, tò mò, hiếu kỳ kéo vào đứng chen
chúc trước cửa, ngoài hành lang nhìn vào.

Họ thấy Lượm cởi trần, tấm
lưng gầy giơ xương, đang dọc ngang những vết sẹo làn roi, đang cúi gập
người trên vũng phân, dòi. Một cánh tay chống, phân ngập đến khuỷu tay,
cánh tay kia thọc sâu xuống lỗ cầu tiêu, phân lút đến nách, mặt và cằm
gần chạm vào những mảng phân lều lều. Dòi lúc nhúc, ngo ngoe bò lên
lưng, lên cổ, lên đầu.

Đứng từ xa mà nhìn cảnh tượng đó, nhiều người
cũng phải sởn gai ốc và cảm thấy buồn nôn. Trong số này có một ông giáo
trước kia dạy văn và triết ở trường Quốc Học. Ông bị bắt vì bọn mật thám lục soát tủ sách của ông có những tác phẩm của Các Mác và Ăng-ghen.
Hình ảnh người chiến sĩ thiếu niên lưng trần, ngập người trong vũng phân và dòi bọ để thông cầu tiêu bị tắc, làm ông liên tưởng tới một trong
mười hai chiến công của người dũng sĩ thần thoại Héc-quyn: Héc-quyn đã
dọn sạch phân rác trong cái chuồng ngựa ba nghìn con của ông vua Eaghe
tích tụ trong suốt ba năm! Và trong khoảnh khắc ông đã lĩnh hội một cách sâu xa hơn bao giờ hết ý nghĩa của biểu tượng hùng vỹ này. Ông lẩm bẩm: “Dọn sạch những nhơ nhớp đầu độc cuộc sống đồng loại là một trong những chiến công lớn lao nhất của con người”.

Mỗi lần Lượm rút cánh tay
lên, lôi theo một núi rác trộn lẫn với phân và dòi, ném bộp vào cái
thùng sắt rỉ, nét mặt nó hằm hằm dữ tợn, giống hệt vẻ mặt lúc nó cỡi lên bụng Lép-sẹo, túm tóc dộng đầu hắn côm cốp xuống nền xi măng!

– Ọo…
ọt ọt! – Từ trong lòng hố xí bất ngờ thoát ra một tiếng kêu như tiếng
kêu la nấc vui mừng của người bị hóc xương lâu ngày, bất ngờ nuốt được
cái xương khỏi cổ họng! Như có phép lạ, cái vũng phân dòi lõng bõng trôi tuồn tuột xuống miệng hố, chỉ một chốc đã trơ nền xi măng.

Tất cả những người chứng kiến không nén được vui mừng, nhảy hết cả lên, reo to:

– Thông rồi! Thông rồi!

Nếu trên người Lượm không bê bết phân dòi, chắc họ đã ùa tới công kênh nó lên vai.

Không nói không rằng, Lượm lại sục sang cái cầu tiêu thứ hai, móc thông tiếp. Những thứ nó móc lên đã chất một thùng đầy có ngọn. Thông xong cái cầu
tiêu thứ hai, Lượm chụp lấy quai thùng, xách bằng hai tay, với nét mặt
hầm hầm, chạy thẳng một mạch ra khỏi cửa ba-ti-măng. Những người đứng
chen chúc trước cửa vội vàng dạt hết ra hai bên. Lượm lao xuống mấy bậc
tam cấp, lặc lè chạy ra cái hố lớn ở góc cuối sân lao, đổ ụp cái thùng
xuống đó. Các bạn trong đội ùa chạy theo sau Lượm. Rời khỏi cái hố mới
chục bước chân, Lượm ngồi phịch xuống đất, kiệt sức. Thúi bặm môi, bặm
miệng nhổ từng túm cỏ lớn, vầy lại làm giẻ lau, lau phân và dòi bê bết
trên hai cánh tay, trên lưng, trên cổ Lượm. Nó vừa phủi những con dòi
lông lá bò trên tóc Lượm vừa khóc, Lanh, Ngạnh và các bạn đứa ống bơ,
đứa vỏ đồ hộp, chạy ra hố nước múc nước, chạy vào dội té tát lên người
Lượm.

– Tụi bay múc nước vô cọ sách nền xi măng sửa soạn chỗ ngủ cho
cả đội tối nay… – Lượm kịp nói đến đó đã cúi gập người nôn thốc nôn
tháo. Mặt nó tái mét, nôn đến mật xanh mật vàng. Nó vừa khạc nhổ, vừa
nói với giọng giận dữ:

– Từ giờ trở đi, bất kể ai, cả con nít, cả
người lớn đi ỉa mà còn tọng giấy, giẻ xuống lỗ, tụi bay phải xúm lại rị
đầu xuống, bắt phải moi lên ngay! Không moi thì cứ đập cho bể óc.

16

Sáng hôm sau. Đó là ngày mà bọn lính ngục bắt tụi tù con nít phải dọn cầu
tiêu của hai dãy ba-ti-măng một và hai. Cầu tiêu ở ba-ti-măng hai cũng
bị tắc như bên ba-ti-măng một.

Hầu hết tù người lớn đều đã đi làm cỏ-vê. Trên sân lúc này chỉ còn lại bọn tù con nít và mấy người già yếu.

Lượm và các bạn trong đội đang ngồi trên thành bể xi măng giữa sân lao. Lượm kể chuyện cái đêm cùng với anh Tư dắt đi rải truyền đơn, phối hợp với
các anh lớn đánh đồn Hộ Thành.

Nghe Lượm kể chuyện nhưng mắt đứa nào
cũng ngơm ngớp nhìn về phía cửa ba-ti-măng hai, nơi tụi băng Lép-sẹo
đang tụ tập. Chúng biết thế nào bọn Lép-sẹo cũng kéo đến gây sự, bắt
chúng phải dọn cầu tiêu thay cho chúng, như mọi bận. “Không biết anh
Lượm có dám đứng ra đối địch với tụi hắn không?”. Nhiều đứa nghĩ vậy.
Tuy chúng đều công nhận Lượm gan liều, cứng cổ, nhưng chúng vẫn cảm thấy tụi băng Lép-sẹo đông hơn, mạnh hơn, liều mạng hơn, đặc biệt trong
người đứa nào cũng có dắt dao. Cảm giác lo sợ, phấp phỏng trong lòng
chúng mội lúc một tăng. Hôm qua đứa nào nói cũng hăng. Nhưng lúc này sắp sửa vào trận, nhiều đứa run sợ, muốn tháo lui: “Không khéo tụi hắn đâm
chết mình mất”. Có đứa nghĩ vậy, và tự nhiên tái mặt.

Lượm cũng biết
vậy, nên nó cố tìm cách làm cho cả đội vững tâm bằng cách kể chuyện và
làm bộ như không coi tụi Lép-sẹo ra mùi mẽ gì. Nó nghiến răng tự nhủ:
“Dù có bị tụi hắn xúm lại đâm gục, cũng phải đương đầu, chống cự đến
cùng. Mình mà tỏ ra hoảng sợ, đội sẽ tàn ngay. Và nếu muốn sống, mình
cũng phải đến nước đi đấm bóp, gãi ghẻ cho tụi ba de móc túi đó ngủ”.

– Tề, tề. Tụi hắn kéo đến tề! – Nhiều tiếng thì thào hoảng sợ, cắt ngang
câu chuyện của Lượm. Lượm ngoảnh lại, nhìn mấy đứa vừa thì thào, thấy
mặt chúng đều tái nhợt. Cặp mắt nó lóe ánh giận dữ, nói rít qua kẽ răng:

– Tụi hắn là cọp hay beo mà ngó bộ các cậu muốn đái ra quần rứa?

Từ cửa ba-ti-măng hai, cả băng Lép-sẹo, mười hai đứa, đang rùng rùng kéo
đến. Léo-sẹo đi trước, tụi đàn em bám sát gót hắn. Cả bọn, vẻ mặt thằng
nào cũng hùng hùng hổ hổ, rõ rang cái băng trộm cắp này kéo đến với ý
định đánh nhau. Trước lúc kéo đến, Lép-sẹo nói với bọn đàn em:

– Bữa
ni mà anh em mình không đập chết tụi hắn, thì anh em mình sẽ đến nước
phải đi làm đầy tớ cho tụi hắn! Trước nhất, tất cả phải nhào vô làm thịt thằng “móc cứt”. Hắn là tên tử thù của anh em mình đó!

“Chao, mặt
mũi đứa mô coi cũng gớm ghiếc chẳng khác chi mấy cái nùi rác mình móc
lên dưới hố cầu tiêu!” – Lượm nheo mắt nhìn chúng nghĩ vậy, và quay lại
nói với các bạn:

– Khi nào nghe tao hô một tiếng là xông hết vô nghe!

Lép-sẹo cũng giống như hôm Lượm đập lộn với hắn: Áo pặc-ti-dăng lem luốc, rộng
thùng thình, phanh ngực, khoe cái đầu lâu và hài xương chéo xăm trên
ngực, quần đúi xắn đến bẹn, thì ra trên cạp quần, chéo ngang rốn, cái
cán dao găm. Cái miệng hắn rộng ngoác, cặp môi dày ngậm lắt lẻo điếu
thuốc quấn bằng giấy báo. Khuôn mặt hắn vẫn chưa tan hết dấu vết trận
đòn hôm trước, hai má và môi trên bị dập, thâm tím, hai ba cục u đỏ bầm
trên trán, nên trông càng thêm vẻ du côn anh chị. Bọn đàn em, đứa nào
một tay cũng đút vào bên trong bụng áo. Lanh đứng đằng sau Lượm, nói
giọng run run:

– Anh chú ý! Tay đứa mô cũng nắm cán dao giấu trong áo.

Nghe vậy, cố hết sức mà Lượm vẫn thấy lạnh dọc xương sống:

– Tao chấp! – Lượm gằn giọng trả lời Lanh, không quay mặt lại và tự nhiên nó thấy tức tối với chính nỗi sợ hãi của mình.

Thúi níu nhẹ vạt áo của Lượm, nói gần như thì thầm:

– Hay anh để tui la tiếp cứu cho bọn lính ngục chạy vô?

– Không cần! – Lượm lắc đầu. – Tụi hắn tưởng anh em mình sợ, lại càng làm già.

Một cơn gió lốc thổi xoáy làm tung bụi cát trên sân lao mù mịt. Tụi băng
Lép-sẹo dừng lại, nhiều đứa đưa tay lên dụi mắt. Một ý nghĩ loé sáng
trong óc Lượm. Nó nói:

– Mỗi đứa vốc hai tay hai nắm cát! Hễ tụi hắn
rút dao là ném cát vô mặt luôn. Xông vô, giật lấy dao rồi đập cho tụi
hắn không kịp trở tay!

Ngạnh nhét cái đinh hai mươi phân đã được mài nhọn hoắt vào bàn tay Lượm, nói:

– Anh cầm cái đinh ni để tui rảnh tay nắm cát…

– Không cần! Tay không tao chấp tụi hắn! – Vẻ mặt và giọng nói cứng cỏi
của Lượm tự nhiên làm các bạn trở lại vững tâm. Những ngày chiến đấu ở
mặt trận Huế đã dạy cho nó một điều quan trọng: Trong giây phút hiểm
nguy của trận đánh, một tiếng cười ngạo của người chỉ huy nhiều lúc làm
cho đơn vị đủ sức chuyển bại thành thắng.

Khi chỉ còn cách bọn Lượm chừng mười bước. Lép-sẹo bỗng đứng lại. Lượm rẽ các bạn bước lên trước hất hàm hỏi cả bọn:

– Tụi bay muốn chi?

Lép-sẹo tránh không nhìn Lượm, nói với bọn trẻ đứng sau lưng Lượm, giọng hách dịch, ra lệnh:

– Tụi bay đi vô ba-ti-măng hai dọn cứt ngay! Sáng ni phải dọn cứt, tụi
bay không nhớ à! Đứa mô bỏ việc thì chớ có trách đại ca Léo-sẹo! Mệ đập
hơi nặng tay – Hắn giả giọng các mệ, rồi giả giọng Tây sai khiến tù làm
cỏ-vê:

– A lê ê! Mao lên! Viết min mao lên!

Bọn đàn em hắn cười hi hi, khiêu khích. Lượm nghiêm mặt, nói:

– Tụi bay vô mà dọn lấy! Sai ai? Phần của tụi tao bên ba-ti-măng một, tụi tau dọn rồi. Bên nớ là phần của tụi bây!

Lép-sẹo chít miệng, nhổ cái tàn thuốc, hai mắt vụt đỏ kè, gầm mặt hỏi:

– Mi là cha tụi hắn à?

– Là anh em cùng một đội!

– Đội chi?

– Đội thiếu niên chiến đấu lao Thừa Phủ. – Lượm trả lời liền một cái tên
vụt thoáng qua óc nó. Và tự nhiên chính nó cũng cảm thấy vững tâm hơn
cái tên Đội đặt ra một cách bất ngờ đó.

Lượm nói tiếp, giọng đàng hoàng, rành rọt:

– Từ giờ trở đi, bọn bay cần gì cứ nói thẳng với tau! Tụi bay muốn chơi
dao, chúng tao chơi dao! Chơi tay không, chúng tao chơi tay không! Muốn
hoà thuận, chúng tao hoà thuận. Vệ Quốc Đoàn với du kích chúng tau, tụi
Tây, mật thám, Bảo Vệ Quân, anh ninh, sung đạn đầy mình tụi tao còn
không ngán, ngán chi ba con dao rét của tụi bây!

– Đại ca còn chờ chi nữa! Đập chết cha hắn đi! – Tụi đàn em Lép-sẹo hung hổ thét lác.

Lượm trừng mắt:

– Tao thách đó! Thằng mô muốn chết thì cứ vô đây! Tụi bay đã thấy tao đập lộn như răng rồi đó!

Cả băng Lép-sẹo gầm ghè rút dao, các bạn của Lượm cũng sẵn sàng ném cát.

Mấy năm sau, khi Trần Lượm đã thành một tiểu đội trưởng trinh sát nổi danh
gan dạ của trung đoàn, mỗi lần vui chuyện, anh kể với các bạn trong tiểu đội, chuyện những ngày ở trong lao Thừa Phủ, đến đoạn này, giọng anh
vẫn còn nghẹn lại vì hồi hộp. Anh nói:

– “Nếu hôm đó xảy ra đánh nhau giữa hai toán, thì đổ máu là cái chắc. Và mình có thể bị đâm chết với
mấy con dao rét của tụi ăn cắp, móc túi. Con nít đầu chưa sạch cứt trâu
mà tụi nó dữ tợn như beo!”

Nhưng đúng lúc đó, tiếng anh tù điên bỗng la to ở phía cuối dãy ca-sô âm phủ:

“Ông Một Điếu! Ông Một Đíếu!

Thằng mô yếu, chạy cho mau!

Thằng mô đau, cứ đứng lại… ại… ại!”

Cả hai toán con nít đều rùng mình, quay hết nhìn ra phía cổng lao. Lép-sẹo nhanh tay khép vội hai tà áo lại giấu cái đầu lâu xương chéo xăm trên
ngực và con dao dắt trước bụng.

Thường lệ, cứ vài ba buổi sáng. Một
Điếu lại đi vào lao, rào một vòng quanh các ba-ti-măng, các dãy ca-sô,
xà lim xem xét, kiểm tra.

Một Điếu đã hiện ra ở đầu sân lao. Hắn diện bộ “soóc” kaki vàng quen thuộc, cầu vai áo lấp lánh cái vạch lon quan
một, đầu đội mũ ca-lô, miệng ngậm cái ống điếu tổ bố bốc khói, tay ngúc
ngoắc roi [bad word] bò như con rắn đen, bên hông đeo xệ khẩu sung lục.
Cẳng tay, cẳng chân hắn dài như tay chân vượn, tua tủa lông lá.

Chỉ
nhìn thấy bóng dáng tên chúa ngục có máu điên này, tù lao Thừa Phủ, kể
cả người gan lì nhất cũng phải nổi da gà. Điều đáng sợ và nguy hiểm nhất của hắn là hắn đánh tù, bắn tù, một cách hết sức bất ngờ; vẻ mặt hắn cứ lạnh băng như mặt nạ nên không sao biết được mà đề phòng.

Một Điếu
đi vào ba-ti-măng hai. Mấy phút sau hắn đi ra đứng trên bực thềm, một
tay chống lên bao súng lục, tay cầm roi da ngoắc ngoắc hai toán tù con
nít đang gầm ghè sửa soạn đánh nhau.

– Viên i xì! Lại đây! Lại đây!

Một Điếu không biết tiếng Việt, hắn chỉ trọ trẹ được vài ba tiếng nhưng hắn không cần thông ngôn. Đối với tù, những tiếng hắn không biết, hắn thay
bằng roi [bad word] bò và đôi khi bằng đạn khẩu súng lục đeo xệ bên
hông.

Nhìn cây roi Một Điếu ngúc ngoắc như con rắn đen từ xa, tất cả
bọn trẻ đều run rẩy, cứ đứng như chôn chân xuống đất. Mặt chúng cắt
không còn giọt máu.

– Bé con! Viên i xì! Lại đây! – Giọng Một Điếu gằn lại, gắt hơn.

Nhìn bản mặt cô hồn của tên chúa ngục, nhớ đến trận roi [bad word] bò hôm
đầu tiên dưới hiên mưa, Lượm trong bụng cũng run không khác gì các bạn.
Nó lại đang ở trong tình thế mắc kẹt giữa hai đối thủ đều ráng sợ. Một
Điếu và tụi băng Lép-sẹo. Nếu chần chừ, nó phải nhận đòn cả hai. Kinh
nghiệm chiến sĩ và bản chất cứng cổ đã dẫn dắt nó hành động, đối phó:
Phải liều mạng, xông thẳng tới, đối mặt với hiểm nguy rồi tuỳ cơ tìm
cách tự cứu mình. Bây giờ mà bỏ chạy là chết!

Lượm nói to với các bạn, cốt để cho cả tụi băng Lép-sẹo nghe:

– Hắn đã gọi thì phải đến. Không đến hoặc bỏ chạy, hắn nổi điên thì rồi
đời đó nghe! Các cậu cứ theo tớ, có việc chi tớ chịu trước!

Lượm chạy trước, các bạn líu ríu chạy theo sát sau lưng.

Bọn Lép-sẹo thấy vậy, hoang mang, cũng hấp tấp chạy theo, cách bọn Lượm một quãng.

Lượm đứng lại trước mặt Một Điếu, ước tính khoảng cách khỏi tầm roi. Nó nói
với tên chúa ngục bằng tiếng Pháp, cố để giọng khỏi run:

– Thưa ông quan hai (nó tăng thêm cho hắn một lon để lấy lòng), chúng tôi có mặt!

Ánh mắt vàng như mắt rắn của Một Điếu thoáng vẻ ngạc nhiên:

– Mày biết tiếng Pháp?

– Thưa ông quan hai, tôi nói chưa được đúng mẹo lắm.

– Mày là Viết min?

– Tôi là học sinh trường lít-xê…

– Còn bọn kia? – Một Điếu khoát cây roi chỉ các bạn đứng sát sau lưng Lượm

– Thưa ông quan hai, toàn trẻ con, con nhà nghèo. Chúng không được đi
học. Chúng phải đi chăn trâu, bán báo, đánh giày để tự nuôi sống…

– Tại sao chúng bị bắt?

– Tại chúng đi qua các trạm kiểm soát mà không có giấy thông hành – Lượm trả lời bừa.

Bọn băng Lép-sẹo đứng cách đó chừng mười bước. Chúng kinh ngạc, khiếp đảm
nhìn Lượm đối đáp với Một Điếu bằng tiếng Tây làu làu. “Chết cha rồi”.
Chúng sợ muốn đến tắt thở, nghĩ bụng: “Thằng móc cứt nớ biết tiếng Tây,
chắc hắn đang xui Một Điếu đập chết tụi mình”.

Một Điếu đưa cây roi qua vai, chỉ vào ba-ti-măng:

– Tại sao chúng mày không dọn sạch các cầu tiêu? – Hắn vừa hỏi vừa bước
xuống các bậc tam cấp. – Lũ lười biếng! – Hắn bất thần quát to và vung
cây roi lên.

Biết hắn sắp đánh, nhưng Lượm cố hết sức không rụt cổ,
né người tránh đòn. Nó liều lĩnh nhìn thẳng vào mắt tên chúa ngục nói
rành rọt thứ tiếng Pháp khá đúng mẹo:

– Thưa ông quan hai, chúng tôi
không phải là những đứa trẻ lười biếng. Chúng tôi biết rõ bổn phận của
chúng tôi, – Lượm đưa tay chỉ các bạn, – có nhiệm vụ dọn vệ sinh ở
ba-ti-măng một. Chúng tôi đã làm xong, mời ông sang kiểm tra. Dọn vệ
sinh ở ba-ti-măng hai là nhiệm vụ của bọn kia. – Lượm chỉ vào cả băng
Lép-sẹo.

Thái độ chững chạc và câu trả lời bằng tiếng Pháp đúng mẹo
của Lượm làm cho Một Điếu tự nhiên hạ cây roi xuống. Hắn chỉ roi vào mặt tụi Lép-sẹo, hỏi:

– Những tên nhơ bẩn kia tại sao chúng bị bắt? Bọn chúng là Viết min?

– Thưa ông quan hai, không phải! Chúng bị bắt vì tội trộm cắp.

– Bọn trộm cắp! – Một Điếu chiếu cặp mắt sâu hoắm vàng như mắt rắn vào
tụi Lép-sẹo, ngoặc ngoặc đầu roi, gọi. – Lại đây! Lại đây! – Và một tay
hắn mở bao súng lục.

Bọn Lép-sẹo rú lên khiếp đảm. Nhiều đứa oà khóc chắp hai tay vái lấy vái để Một Điếu:

– Con lạy ông! Con lạy ông!

Một số đứa nhấp nhổm định bỏ chạy. Lép-sẹo cũng định bỏ chạy.

Nhìn vẻ sợ hãi đến cùng cực của bọn trẻ rách rưới, khốn khổ, nỗi giận dữ
trong lòng Lượm bỗn tiêu tan. Nó cảm thấy thương hại chúng. Nó nói với
cả bọn giọng như ra lệnh:

– Đừng chạy! Chạy hắn bắn chết cha bay ngay! Bước lại gần đây rồi tao xin hắn cho!

Nó quay sang nói với Một Điếu:

– Thưa ông quan hai, xin ông tha tội cho chúng lần này. Tôi sẽ bảo với chúng dọn sạch cầu tiêu trong vòng nửa giờ.

– Nửa giờ sau nếu bọn bẩn thỉu ấy không dọn sạch, mày hãy báo cho tao
biết! – Một Điếu nói với Lượm và đút súng vào bao. Hắn ngúc ngoắc cây
roi đi sang kiểm tra ba-ti-măng một.

Lượm bước đến đứng trước mặt Lép-sẹo, nói giọng nghiêm khắc:

– Tau đã xin hắn cho tụi bay rồi đó! Kéo nhau vô mà dọn ngay cầu tiêu đi! Trong nửa giờ phải dọn sạch. Vứt hết dao đi! Đồ ngu! Tao mà nói với hắn trong người tụi bay đứa nào cũng dắt dao để rình giết hắn, thì tất cả
tụi bay đã ăn đạn suốt lượt!…

Bị Lượm mắng nhiếc nhưng cả bọn không
đứa nào dám hó hé. Chúng cúi mặt xuống đất. Riêng Lép-sẹo trân trân nhìn Lượm với ánh mắt căm hờn. Từ ngày vào tù đến nay, chưa một ai, kể cả,
người lớn dám mắng nhiếc hắn như Lượm; mà mắng nhiếc ngay trước mặt bọn
đàn em của hắn! “Chừ thì tụi đàn em còn coi “Đại ca Lép-sẹo” này ra cái
cứt chi nữa!”. Hắn nghĩ vậy, vừa cay đắng, vừa nhục nhã. Nhưng bây giờ
thì hắn lại không dám làm gì Lượm. Hắn nghĩ: “Thằng móc cứt nớ biết
tiếng Tây. Hắn chỉ cẩn xì lô xì lồ với Một Điếu vài tiếng là mình đã
phải ăn đạn rồi! Tổ cha hắn!” – Lép-sẹo gầm lên trong bụng. Một ý định
liều lĩnh thoáng vụt qua trong óc hắn: “Mình phải đâm cho hắn một dao vô giữa ngực, rồi tự đâm chết mình luôn! Sống mà phải chịu nhục như ri thì sống làm chi!”.

– Một Điếu ra! Một Điếu ra! – Tiếng một đứa trong bọn hắn run rẩy kêu lên.

Lép-sẹo ngoảnh lại thấy tên chúa ngục từ trong cửa ba-ti-măng một bước ra, và đang nhìn về phía tụi hắn. Lượm nói:

– Kéo nhau vô mà dọn cứt ngay không chết cả tụi bây giờ!

– Để tui ra lấy cái thúng đựng cứt hí! – Một thằng cuống quýt nói:

– Để tụi tui dọn cho. Đại ca không cần phải dọn. – Một thằng giọng xun xoe.

Bóng dáng lông lá của tên hung thần chúa ngục với khẩu súng bên hông, cây
roi [bad word] bò ngúc ngoắc trong tay, lập tức làm cho ý định liều lĩnh của Lép-sẹo tiêu tan.

– Tổ cha bay! – Lép-sẹo bất thần trút cơn giận dữ lên đầu bọn đàn em. Hắn nghiến răng quạu mặt chửi – Đi vô dọn cứt
hết. Thằng mô cũng phải dọn!

Và chính hắn chạy vô ba-ti-măng trước. Tụi đàn em líu ríu chạy theo.

Lép-sẹo đứng sững lại trước dãy cầu tiêu ngập ngụa phân dòi mà từ trước đến nay hắn chỉ đứng từ xa để sai khiến tụi ngoài kia hốt dọn, như một viên cai tù sai khiến tù “và bây giờ tự nhiên xuất hiện một thằng “chó chết” ở
đâu, nhỏ con, ốm yếu thua xa hắn, dám đập lại hắn, dám mắng nhiếc hắn
“đồ ngu”, lại bắt buộc hắn tự tay phải hốt cứt!”… Hắn nghĩ vậy, và cái
miệng rộng ngoác đầy quyền uy, quen sai khiến của hắn, tự nhiên méo xệch như mếu. Một giọt nước mắt đặc quánh, như dầu lăn trên gò má lem luốc
của hắn. Có thể gọi tên giọt nước mắt trên má tên anh chị vị thành niên
này: Thù hận, nhục nhã.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN